Cái gì gọi là bí quyết niệm Phật? Là dùng 1 câu A Di Đà Phật để chế phục phiền não. Khi 6 căn của ta tiếp xúc với cảnh giới của 6 trần bên ngoài, trong tâm đương nhiên sẽ khởi tâm động niệm, thuận với ý của mình thì bèn dấy lòng hoan hỷ, khởi tâm tham ái, khi trái với ý mình thì bèn sanh sân khuể. Chúng ta phải biết rằng không chỉ có sân khuể là phiền não, mà tham ái cũng là phiền não. Nói chung, tâm thanh tịnh mà chỉ cần có 1 ý niệm sanh khởi thì bèn gọi là phiền não.
Phiền não cũng là 1 loại nghiệp chướng, nó chướng ngại quý vị, chướng ngại nhất tâm bất loạn, chướng ngại quý vị minh tâm kiến tánh. Đức Phật dạy chúng ta 1 phương pháp để đối trị, đó là đổi những ý niệm ấy thành A Di Đà Phật. Ý niệm vừa dấy lên chẳng cần biết nó là thiện niệm hay là ác niệm, nhất loạt chẳng đoái hoài đến, chỉ cần ý niệm nó dấy lên thì ngay lập tức chuyển đổi nó thành A Di Đà Phật. Phải đổi cho nhanh, càng nhanh càng hay, chớ để cho ý niệm ấy tiếp tục tăng trưởng, đó gọi là bí quyết niệm Phật.
Quý vị có thể niệm Phật như thế, dụng công như thế trong suốt 1 tháng, sẽ tự nhận thấy tâm quý vị khác hẳn so với trước đây, tâm càng lúc càng thanh tịnh, phiền não bớt dần đi. Dụng công 3 tháng sẽ cảm thấy mình đang đi vào khuôn khổ rất trọn vẹn, công phu thật sự đắc lực. Có công phu này thì từ 2 năm đến 3 năm dẫu chưa đắc nhất tâm bất loạn, thì cũng nhất định đạt được công phu thành phiến tức là bất niệm tự niệm. Công phu thành phiến tuy rằng chưa thật sự là nhất tâm, nhưng nó cũng tương tự như nhất tâm bất loạn. Vậy làm sao để phân biệt được công phu thành phiến và nhất tâm bất loạn?
- Công phu thành phiến là đem phiền não chế phục đi, tuy rằng gốc rể phiền não vẫn còn nhưng nó chẳng thể khởi lên tác dụng được, tựa như là lấy đá đè cỏ vậy.
- Nhất tâm bất loạn là đem phiền não dẹp sạch sẽ.
Chúng ta chỉ cần đạt đến công phu thành phiến thì đã nắm chắc vãng sanh Cực Lạc trong tay rồi. Đối với 3 phẩm Thượng của công phu thành phiến thì sanh tử tự tại, thích về Tây Phương Cực Lạc lúc nào thì bèn đi lúc ấy, muốn ở lại thế gian này thêm vài năm nữa cũng chẳng hề gì, đây là quý vị đã đắc được đại tự tại. Sanh tử tự tại chẳng phải là công phu quá cao, loại công phu này chúng ta ai nấy đều có thể thực hành được, chỉ là không biết quý vị có muốn hay không mà thôi.
Còn đối với Trung phẩm vãng sanh biết trước ngày giờ mất, đại khái là biết trước từ 1 tháng đến 3 tháng. Hạ phẩm thì đại khái khi lâm chung thấy Phật mới biết. Dù là Thượng Phẩm-Trung Phẩm-Hạ Phẩm thì cũng là chắc chắn được vãng sanh. Vì thế, niệm Phật nhất định phải niệm làm sao có thể chế phục được phiền não của chính mình, nếu như vẫn chưa thể chế phục được phiền não thì dẫu 1 ngày niệm 10,000 câu Phật hiệu cũng vô dụng.
Lão pháp sư Tịnh Không
Phiền não như cỏ dại, đè chúng nơi này, chúng lại mọc ở nơi khác, có tạm thời cắt bỏ được chúng, một thời gian sau chúng vẫn sẽ mọc lại, muốn diệt phiền não hãy tìm cho ra cái gốc của chúng, diệt được tận gốc chúng sẽ mãi mãi không bao giờ mọc lại. Và cái gốc của phiền não là cái tâm tham ái, nhận diện rõ nó, tham ái càng nhiều, phiền não càng nhiều, ta chẳng còn một ái nào nữa thì phiền não cũng chẳng còn, mỗi niệm ta đều thấy Tây Phương, mỗi niệm ta đều hướng tâm về cực lạc, xuôi theo dòng chảy cuộc đời ta gieo giống Phật đến với nơi cần đến, cuối dòng ta nhập vào biển niết bàn bao la, ta theo Đức Di Đà mà về nơi Tây Phương.
Dạ cho em hỏi những hạng người nào đã diệt được phiền não vậy huynh? 🙂
đọc bài viết trên và comment của chú NP con đã tìm ra con đường dành cho chính mình rồi. con hoan hỉ lắm. con cám ơn rất nhiều.
Những người thật sự học Phật, chẳng ngại, chẳng sợ, dõng mãnh nhìn vào,đối đầu với phiền não sẽ diệt được chúng, hãy thường hỏi mình phiền não là gì, do đâu, khổ đau do đâu, hãy lặng lẽ quan sát cuộc sống, lặng lẽ quan sát những gì đang diễn ra bên trong mỗi chúng ta, rồi nhũng thánh quả kia sẽ tự tìm đến.
Ta có thể dùng quyền lực, tiền tài để bắt người làm theo ý mình, nhưng ta lại làm nô lệ cho chính ta,tất cả đều phải phục tùng tên vua tham ái kia, ta tự chuốc muộn phiền khi không được vừa ý, ta sanh tâm cáu giận khi không hài lòng, ta vui khi được như ý muốn…những cảm xúc đó, những phiền não, ta không đề phòng mỗi niệm, ta không cảnh tỉnh mỗi niệm, ta lao theo chúng và sinh tử cứ thế quây quần bên ta, tất cả chỉ do tên vua tham ái đang ngự trị bên trong ta.
A Di Đà Phật. Đoạn phiền não dễ thế sao huynh? Phiền não thì có 2 loại: loại thô và loại vi tế.
Loại thô bên ngoài như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích… Mấy loại phiền não thô này có thể diệt bằng pháp hành giới, thời thời khắc khắc giữ gìn thân, khẩu, ý không buông lung như mèo rình chuột. Không biết huynh ra sao chứ em thì trầy vi tróc vẩy với loại phiền não thô này chứ chưa nói đến loại phiền não vi tế.
Phiền não vi tế loại vừa vừa chưa đến nỗi dữ dội như tham dục, thù hận, buồn chán buồn ngủ, phóng tâm hối hận và hoài nghi thì đây chỉ là phiền não loại trung. Chúng chỉ có thể đoạn hết bằng thiền định. Những vị tiên ở cõi trời sắc giới đã đoạn được phiền não vi tế loại trung này, tức là họ đã đắc được đệ nhất thiền sắc giới nhờ 5 chi thiền: hướng tâm, quan sát, hỉ, lạc, nhất tâm. Phiền não loại trung này chỉ phát sanh ở tâm. Với sức của em thì một phẩm phiền não loại trung cũng chưa đè bẹp được, chứ đừng nói đến đoạn diệt hẳn.
Loại phiền não cực kỳ vi tế khủng khiếp bực nhất nằm tiềm ẩn sâu thẳm trong tâm thức là ái dục ngủ ngầm, ái kiếp ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm và vô minh ngủ ngầm. Ái dà, mấy loại này thì phiền phức to lắm lắm. Chúng chỉ có thể đoạn bằng pháp hành thiền tuệ. Loại này chỉ có bậc thánh mới đoạn trừ được, chứ em thì không có phần.
Em biết phận em nhỏ nhoi như châu chấu chọi voi, phiền não vô minh ở kiếp này em biết không thể đoạn hết được. Vì vậy nên em chỉ biết an phận mượn đá đè cỏ, mượn câu vạn pháp hồng danh A Di Đà Phật để đè nén phiền não được phần nào hay phần đó. Em ráng lết tấm thân này sao cho về được Tây Phương Cực Lạc, lúc đó em mới dám nghĩ đến chuyện đoạn sạch phiền não ạ. 🙂
A Di Đà Phật.
Hình ảnh mới nhất về đại lão hòa thượng Tịnh Không nay đã 90 tuổi ngày 7/12/2016 tại Đài Loan.
90 tuổi minh mẩn sáng suốt không khác gì người 6 mươi mấy 7 mươi. Đây là phước báo vô cùng lớn. Nếu như ai cũng biết ăn chay niệm phật hành thiện thì những người trẻ bây giờ đã không chết yểu nhiều như vậy A di đà Phật
Con đã biết đến trang web này gần được hai năm rồi. Chính những bài viết trong trang web này đã giúp con nhận ra rất nhiều điều. Hiện tại con gần như không ăn mặn và học ngồi thiền để niệm phật. Khoảng thời gian bắt đầu niệm Phật cũng gần được 2 năm kể từ ngày chồng con bị mất vì tai nạn giao thông.
COn có một số thắc mắc con xin nhờ mọi người giúp con đưa ra lời khuyên được không ạ?
1. Con có biết 1 thầy, mà thầy đó nói con kiếp trước có căn tu nên giờ phải làm cho thân thanh tịnh được. Nếu không các oan gia trái chủ sẽ phá con trên con đường tu của mình. Nên nếu được thì thầy đó sẽ mở luân xa và giúp con, con không hiểu vấn đề này?
2. Mẹ con và bố con luôn bất hòa, cãi nhau rất nhiều theo con được hiểu qua những gì mình tìm hiểu và đoc trên web duongvecoitinh thì con biết mẹ con nợ bố con rất nhiều. Con có khuyên mẹ con niệm phật và hồi hướng, mẹ con cũng làm nhưng chưa có kết quả gì, mọi chuyện vẫn như xưa. Bố con mình thường là người rất tốt bụng, hiền lành, hay giúp đỡ người khác, nhưng lại là người rất nóng tính. Nếu bố con muốn giúp đỡ ai mà mẹ con con khuyên vì thấy không phù hợp là lúc đó mẹ con con sẽ bị mắng.
Con biết cái này là do nhân quả của mẹ con con từ nhiều đời nhiều kiếp. Nhưng sao con vẫn phiền não.
Mọi người cho con xin ý kiến bây giờ con phải làm gì để giúp bố mẹ con hóa giải mối nợ này?
Trong tâm trí con lúc nào cũng hướng về tây phương cực lạc nhưng lúc nào có chuyện gì con lại không kiểm soát được mình. Lúc xong rồi mới nhận ra mình đang tu mà. Lúc đó sám hối lại quá muộn mọi chuyện đã xong. Nên con cảm thấy nhụt chí vì tu hoài vẫn không ra sao hết. Không cứu độ được ai mà phiền não thêm.
Bố con dạy con phải tin nhân quả nhưng lại không tin có kiếp sau. Luôn khó chịu khi mẹ con con đi chùa thậm chí có nhiều lúc la mắng mẹ con thấy mà đau lòng mà không biết làm gì.
Mọi người hãy cho con xin lời khuyên.
A đi đà phật
Xin trích đoạn khai thị như sau:
Muốn cầu vãng sanh hãy nên buông bỏ thế gian này cũng như buông bỏ cái tâm cuồng vọng quá phận mong độ thoát chúng sanh giống như BỒ TÁT.Tu cho chính mình chính là điều BỒ TÁT phải làm đầu tiên.
Nếu chính mình còn là phàm phu,lại toan đảm nhiệm việc ấy thì chẳng những chẳng thể độ người mà còn chẳng thể tự độ nữa!
Không ít thiện tri thức thế gian mắc phải bệnh này,nhưng cứ cho mình có tâm BỒ TÁT,phải biết rằng:
Nếu có tâm ấy phải cầu vãng sanh trước đã thì mới có lợi ích.Nếu mình là BỒ TÁT thì chẳng cầu vãng sanh còn được,chứ nếu không thì tai hại chẳbg nhẹ ,tâm cuồng vọng quá phận chính là chướng ngại nhất đối với việc tu hành chẳng thể chẳng biết điều này.
……………
Người chân thành niệm PHẬT thì luôn có PHẬT ,BỒ TÁT gia trì .Dù có là oan gia thì cũng kính nể. Nương nhờ người tu hành mà được lợi ích huống nữa chồng cô đã mất thì cũng đừng nên gần gũi thân cận người khác phái. Nếu chọn thầy thì chọn A DI ĐÀ PHẬT.Mở kinh VÔ LƯỢNG THỌ,KINH A DI ĐÀ ra thì cũng như THẦY A DI ĐÀ PHẬT nói trước mặt
Hơn nữa PHẬT THÍCH CA còn khuyên chúng ta thân cận A DI ĐÀ PHẬT.Người xưa có câu:
Biết ít việc thời phiền não ít .
Quen người nhiều nói thị phi nhiều.
Cô nên tự biết là hơn cả.
Hãy giữ tâm nguyện giúp cha mẹ kia bên trong, bản thân hãy nổ lực thật nhiều, chính mình hãy nhìn được đúng sai, khống chế buông bỏ được phiền não, thì khi bạn khuyên cha mẹ mới không gặp chướng ngại, nếu bản thân ko biết được đúng sai, nên hay ko nên, chưa làm chủ được cảm xúc, khi khuyên ba mẹ, ông bà nghe tin thì tốt, nhưng ông bà ko tin, phản đối, có khi cấm cản ta lại sanh phiền não, chướng ngại cho tu tập chính mình thì ko tốt. Phải vững trước, phải minh mẫn, sáng suốt, rồi tuỳ duyên mà khuyên ông bà, món quà phải được trao cho họ lúc họ cần mới có giá trị bạn ạ, một khi họ chưa cần, ta có nói họ cũng bỏ ngoài tai.
A Di Đà Phật,kính gửi tỷ Diệu Loan,
1. Vấn đề về Luân Xa : trong nền văn hóa Ấn Độ cổ đại đã đề cập tới Luân xa trong kinh Veda trước thời đức Phật. Người ta quan niệm trên cơ thể con người có 7 luân xa chính và rất nhiều luân xa phụ, đóng vai trò như một “cửa hút” lưu thông và trao đổi năng lượng vũ trụ. Hiện tại co`1 nhiều môn phái tu luyện liên quan Luân xa như : Trường sinh học Dasira Narada, Nhân điện Lương Minh Đáng, Suối nguồn tươi trẻ Tây Tạng, Pháp Luân Công Lý Hồng Chí(Gắn 1 pháp luân nơi đan điền, vài trường phái yoga (tu luyện hỏa xà), khí công…
2. Lợi ích khai mở luân xa: Phát chứng kiến và tiếp xúc rất nhiều người được lợi ích sức khỏe khi mở luân xa, nhiều người khỏi bệnh mãn tính, khỏi ung thư, nhiều lắm, Phát không dám dối gạt chị. Viện nghiên cứu tiềm năng con người của Việt nam đang củng cố hồ sơ trình Bộ Y Tế xem xét vấn đề này để đưa vào ngành Y Học bổ sung(giống như vấn đề Châm cứu ngày xưa bị chống đối). Thứ 2, người tu luyện Luân xa tin rằng sau khi chết họ sẽ về với những đấng thiêng liêng giác ngộ, đây mới thật sự là mục đích tu luyện của họ chứ không phải chỉ “trị bệnh” đơn thuần.
3. Vấn đề khai mở Luân xa: tuyệt đối phải được bậc thầy về lĩnh vực đó khai mở, được học tập, tuân thủ giáo lý, giới luật môn phái. Việc tự ý khai mở có thể nguy hiểm tính mạng, bị ma nhập khùng điên(tẩu hỏa nhập ma)…
4. Vấn đề luân xa và tôn giáo : tùy từng trường phái mà có ích nhiều mâu thuẫn hoặc dung hòa với các tôn giáo lớn. VD: trường sinh học không phân biệt tôn giáo, pháp luân công gọi là Phật giáo khí công thượng thừa nhưng không cho phép tu luyện pháp môn khác…
5. Luân xa và nghiệp: Luân xa quay hút năng lượng vũ trụ vào cơ thể,đẩy trược khí (bệnh tật) ra ngoài cơ thể, người bệnh phục hồi. Phát có làm 1 cuộc khảo sát nhỏ trên những người tu luyện (mặc dù những ng truyền bá rất tin tưởng khả năng hết bệnh, trong đó có nhiều giáo sư, bác sĩ giỏi). Phát rút ra kết luận như sau: khoảng 40-50% người khỏi bệnh, còn lại thì không mặc dù tập luyện nghiêm túc, tuân thủ giới và có lòng tin. Nghiệp bệnh không bị tiêu trừ mà tạm thời lắng diệu. Không tuân giữ lời Tổ sẽ tái phát. Vd: P gặp 1 chú bệnh ung thư dạ dày, sỏi thận, tim, tập hết bệnh nhưng vì uống rượu nên tái phát…vấn đề rất phức tạp, P nêu sơ lược thôi. Nếu ai tập cũng hết thì làm gì còn bệnh viện
Kết luận: Đức Phật đã dạy “dù trải qua trăm ngàn kiếp nghiệp ấy vẫn còn” nên vấn đề tu khai mở luân xa không làm tiêu nghiệp, chỉ tạp thời mượn một sức mạnh bên ngoài kiềm chế sự phát tát của nghiệp mà thôi. Nên ng tu luyện phải nhận thức rất rõ và nghiệp, tiến trình nghiệp và nhân quả, không nên quá cuồng tín. Tuân thủ lời Phật dạy, dù có mở luân xa hay không, thì lời dạy của đấng thế tôn mới thật sự là “thầy đáng nương tựa”. Phát chúc tỷ tinh tấn trên con đường tu tập!
Chào bạn,
1. Việc mở luân xa để oan gia trái chủ không phá là không đúng pháp vì đây là 1 dạng cầu pháp ngoài tâm. Bạn phải nỗ lực tư học, khi phước báo hiện tiền thì oan gia sẽ có phần kiêng nể bạn, và khi bạn cắt được cái duyên bất thiện thì cái nhân bất thiện cũng không trổ được quả, hoặc quả báo nhẹ bớt. Còn chắc chắn ai trên con đường tu cũng gặp ma chướng, bị oan gia trái chủ phá (ví dụ Đề Bà Đạt Đa chính là oan gia trái chủ của Phật Thích Ca Mâu Ni). Bạn cần hiểu rõ & tin sâu về nhân quả để khi gặp nghịch cảnh thì tự phản tỉnh rằng công phu tu tập chưa đủ, nghiệp chướng còn quá nặng nề, nên cần phải cố gắng kiên trì hơn nữa. Đừng bao giờ nghe người nào nói để ta giúp con tiêu nghiệp mà vội tin ngay. Nghiệp chướng, oan gia của bạn bạn phải tự hóa giải.
DM không nắm rõ về luân xa hay huyệt đạo thế nào, chỉ biết rằng việc mở những thứ này mà không cẩn thận rất dễ bị nhiễm âm khí & bị tẩu hỏa nhập ma.
2. Để giúp bố mẹ bạn thì trước tiên bạn phải tu học thật tốt, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. Giúp chúng sanh là việc lâu dài và phải đủ nhân duyên. Bạn mới tu học bản thân còn chưa tốt chưa thể giúp ai được cả. Cái mong muốn này nói theo ngôn ngữ đơn giản của thế gian là nhiệt tình + không có trí tuệ = phá hoại.
Vì vậy bố mẹ bạn dù có xảy ra việc gì đi nữa thì bạn chỉ lặng lẽ quan sát, chưa bình luận khuyên bảo gì về Phật pháp vội.
3. Làm sao để niệm Phật có lực:
– Tùy vào quỹ thời gian đặt ra thời khóa niệm Phật để tuân thủ. Nếu bạn còn trẻ, có thời gian thì mỗi khóa niệm Phật 1 tiếng DM nghĩ không hề khó.
Ngoài ra bất cứ lúc nào cũng niệm thầm A Di Đà Phật, đặc biệt là lúc tâm dao động hoặc cáu giận. Cách hay là khi bạn thấy cáu cái gì đó/ai đó thì tránh ra chỗ khác, không nói gì với họ và niệm Phật.
Khi vọng niệm khởi lên không dằn vặt, không nghĩ lại, cứ niệm tiếp. Nếu không thể nhiếp tâm thì theo pháp thập niệm ký số.
– Kết hợp lạy Phật 5 vóc gieo xuống đất, nâng dần lên để đạt tối thiểu 300 lạy/ngày. Pháp sư Tịnh Không có nói đây là điều nên làm với bậc trung niên, vậy bạn còn trẻ sức dài vai rộng không có lý gì không cố gắng làm theo.
– Hàng ngày đặt ra mục tiêu giành bao nhiêu thời gian đọc/nghe giảng pháp và cố gắng theo. Bạn bắt đầu từ chuỗi bài giảng Liễu Phàm Tứ Huấn & Thái thượng Cảm ứng Thiên của Pháp sư Tịnh Không. Chuỗi này nên đọc 3-5 lần. Sau đó nghe/đọc nhiều lần giảng Kinh Vô Lượng Thọ của Pháp sư Tịnh Không. Cái này bạn có thể nghe/đọc lại nhiều nhiều lần.
Tại sao phải nghe giảng Kinh? Để tăng trưởng tín (tin) và giải (hiểu). Tín giải đủ sẽ bổ trợ cho hành (thực hành – tu tập theo đúng giáo pháp), khi thời gian chín mùi sẽ chứng. Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia thuyết pháp cũng là vì như vậy: giúp chúng sanh tin, hiểu (tín giải), còn việc “hành” thì mỗi người phải tự tinh tấn.
Khi mới tu học không nên nghe ai nói gì cũng tin ngay hoặc đọc quá nhiều thông tin, vì chưa có trạch pháp nhãn để nhận rõ đúng sai. Vì vậy bạn nghe giảng Kinh Vô Lượng Thọ là quá đủ rồi.
Việc đặt ra mục tiêu, thời khóa là để bạn có cái đích để hướng tới, nhờ đó đối trị thói lười biếng giải đãi, ham ăn, ham chơi, ham ngủ. Nhưng cũng đừng quá tham vọng kẻo tự chuốc phiền não hoặc lui sụt.
A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật
Chào Diệu Loan!
Có đôi dòng chia sẻ đến bạn:
*Bạn đang tu theo pháp môn niệm Phật hẳn bạn là người có thiện căn phúc đức nhân duyên rất lớn. Mỗi người chúng ta từ vô lượng kiếp đã chìm vào vòng xoáy vay trả- trả vay, vì vậy chúng ta đã nợ chúng sanh rất nhiều, nợ thì sẽ có người đi đòi, tất cả oan gia trái chủ của mỗi người đều không ngừng “cận kề” để chờ “cơ hội” mà đòi nợ, báo thù. Biết được đều này, tìm cách hóa giải không ngoài tu tạo công đức mà hồi hướng cho bản thân cùng oan gia trái đều được siêu sanh Tịnh độ. Song muốn hóa giải, chúng ta phải nỗ lực tu hành: Chân thành, thanh tịnh sẽ cảm hóa được họ buông bỏ oán hận, đồng tu cùng chúng ta. Nói thì dễ, làm mới khó. Trong việc tu hành phải có sự huân tập, không dễ dàng gì khi muốn tâm thanh tịnh, tâm sẽ liền được thanh tịnh. Niệm Phật chính là sự huân tập tốt nhất. Huân tập thế nào đây, mỗi niệm tham- sân- si khởi lên liền đè bẹp chúng bằng câu A Di Đà Phật. Có thể khi mới bắt đầu huân tập niệm Phật, sẽ khó khắc chế được phiền não, nhưng cần phải kiên trì, lâu dần lâu dần câu A Di Đà Phật được lưu trong tâm sẽ phát huy “nội lực” khắc chế được phiền não. Phiền não giảm dần thì tâm liền thanh tịnh.
“Trong tâm trí con lúc nào cũng hướng về tây phương cực lạc nhưng lúc nào có chuyện gì con lại không kiểm soát được mình. Lúc xong rồi mới nhận ra mình đang tu mà. Lúc đó sám hối lại quá muộn mọi chuyện đã xong. Nên con cảm thấy nhụt chí vì tu hoài vẫn không ra sao hết. Không cứu độ được ai mà phiền não thêm”. Sỡ dĩ như vậy vì trong lúc tâm trạng đang bị phiền não quấy loạn, bạn đã quên mất câu A Di Đà Phật, nếu lúc đó bạn liền khởi câu Phật hiệu thì chắc chắc dù nhanh hay chậm phiền não cũng sẽ không có cơ hội dấy khởi thêm, ít nhất ra nó sẽ bị câu A Di Đà Phật buột chặt lại, không phát huy được nữa, chẳng để lan rộng mà tạo tác bằng thân nghiệp, khẩu nghiệp.
Còn về vấn đề mở luân xa gì đó, bản thân tôi chưa rõ qua, nên không dám lạm bàn, song bạn phải dựa trên Nhân quả để kiểm chứng “pháp luân xa” có dựa trên đạo lý Nhân quả hay không, nếu không tuân theo Nhân quả thì đó là pháp mê tín, tà vạy, phải cảnh giác.
*Bố mẹ bất hòa, bố hay cãi với mẹ- đúng như bạn nói mẹ có nợ bố. Bạn khuyên mẹ niệm Phật hồi hướng cho cha là rất đúng. Tuy nhiên lại chưa có kết quả, do đâu?
-Phải có sự kiên trì, không thể đói ăn ngay cái bánh là hết đói. Việc niệm Phật hồi hướng cũng phải có thời gian mới phát huy được công năng. Thời gian ở đây chính là sự niệm Phật có thanh tịnh, chân thành không? Nếu chúng ta niệm Phật khi trong tâm đầy rẫy những tham sân si phiền não thì công đức từ câu Phật hiệu đã bù vào tam nghiệp này rồi; cũng giống như một người vừa bán hàng vừa ăn hàng, ăn nhiều hơn bán thì thâm vốn rồi, lấy đâu ra lời mà bố thí nữa. Nên nhớ rằng tâm càng thanh tịnh thì công đức hồi hướng càng lớn.
-Một mặt niệm Phật hồi hướng, nhưng phải thử xem có nhẫn nhịn? Khẩu hòa thì vô tranh. Nếu một người cãi, một người im lặng thì chẳng thể gọi cãi nhau, không có cãi vã thì không gọi là bất hòa.
Phận làm con, trước hết phải học đạo hiếu thuận, đối người tiếp vật- làm được thì tự nhiên sẽ có sức ảnh hưởng đến những người xung quanh, bằng không thì độ mình chưa được, làm sao nghĩ đến việc độ người. Khi đã làm được con người chuẩn mực, tùy thuận mà đem Phật pháp khuyến hóa mọi người, hay chỉ là vô tình hay hữu tình niệm 1 câu A Di Đà Phật cho họ nghe, A Di Đà Phật lưu trong tạng thức của họ rồi, nhất tương lai họ sẽ tiến đến giải thoát.
Nam Mô A Di Đà Phật
Bạn Phát thân mến: pháp luân công không phải là Phật pháp, Ngài Tịnh Không đã khẳng định điều này khi giảng Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo. Với những ngoại đạo giả danh Phật pháp DM phải nói thẳng và ngay. Xin gửi các bạn bài giảng sau của HT Tuyên Hóa để các bạn cân nhắc:
http://www.dharmasite.net/bdh17/ThaCongQuyCongMaCong.html
Thật đúng là người mới tu học nghe quá nhiều người khuyên bảo sẽ dễ bị loạn tâm. Mong bạn Diệu Loan có đủ thiện căn phước đức để chọn ra đâu là lời khuyên đúng pháp.
A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật.
Chào các liên hữu. HA 5 năm về trước (2011) đã học hết 9 cấp về nhân điện của thầy Lương Minh Đáng (nay cô Thủy kế tục). HA khá rành rọt về chuyện luân xa vì đã được mở luân xa và sau khi học xong thì HA có thể mở LX cho người khác. Tuy nhiên sau khi học Phật một thời gian và tìm hiểu về vấn đề chữa bệnh (trong đó có việc dùng năng lực của bản thân chữa bệnh cho người khác). Có nhiều điều đã ngộ ra:
1) Việc được mở LX tùy ở mỗi người mà có sự thay đổi nhưng không rõ ràng.
2) Việc học thiền năng lượng sinh học ít nhiều vẫn có lợi ích hơn là không học gì cả. Vì ngòai học ngồi thiền thì còn biết buông xả ít nhiều, sống lương thiện hơn. Tuy nhiên việc ngồi thiền (gọi là thiền tâm không: không suy nghĩ gì cả) bị các thiền sư chê trách: Lục Tổ Huệ Năng gọi đó là thiền VÔ KÝ KHÔNG.
3) Việc học thiền như vậy ít nhiều có thể đỡ một số bệnh do ít phiền não hơn, biết chia sẻ với người khác hơn, tính khí cũng ít nhiều chân thiện hơn. Vì có sự thay đổi trong tâm nên đỡ một số bệnh, điều này cũng không nằm ngòai quy luật nhân quả.
4) Việc dùng khả năng ít ỏi của mình để truyền năng lượng chữa bệnh cho người khác là đã vi phạm quy luật nhân quả. Bệnh tật của con người vốn do tạo ác nghiệp chiêu cảm lấy quả báo. Tuy quả báo bệnh tật là đau khổ nhưng việc phát tâm tu hành đa số lại xuất phát từ bệnh khổ. Vì vậy mới thấy lời Phật nói trong kinh là đáng để chúng ta suy ngẫm “người học Phật nên lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy họan nạn làm thành công.” Chính bệnh tật cũng giúp người tu hành thực hiện pháp nhẫn. Vì vậy những gì thuộc nhân quả hãy nên đừng can thiệp trừ phi chúng ta dùng phước của mình san sẻ cho người khác.
5) Pháp Luân Công của ông Lý Hồng Chí không phải là Phật pháp do Phật Thích Ca thuyết vì trong đại tang kinh không có một bài pháp nào nói đến việc gắn Pháp Luân vào đan điền (cho nó quay) hay cách tập khí công của ông Lý Hồng Chí.
6) Trong thời gian HA học nhân điện thấy nhiều người bị ma mị bèn hỏi thầy (qua WEBCAM hỏi cả cô Thủy hiện đang ở Úc Châu) nhưng không được giải đáp. Thực tế thì việc học các môn sinh học đều tiềm tàng nguy hiểm vì không có giáo lý dù chỉ một tập vài trăm trang. Việc này HA đã thắc mắc với thầy nhưng không được giải đáp thỏa đáng. Nếu so với kinh điển vô cùng, vô cùng đồ sộ của Phật giáo thì có thể hiểu được lời Phật nói trong kinh là đáng để chúng ta cảnh giác cao độ.
7) Chỉ có Phật giáo là con đường duy nhất để thóat ly sinh tử. Việc nói người học năng lượng sinh học là để mong về với đấng thiêng liêng giác ngộ cũng chỉ là niềm tin không có một căn cứ khoa học nào. Thực tế thì những vị thầy khai sáng các môn đó liệu có thể về tới cõi trời hay không? (nếu không tu thập thiện nghiệp vốn là nhân của sanh Thiên). Vài dòng xin chia sẻ cùng các liên hữu. A Di Đà Phật.
Đúng như liên hữu Hoàng Ẩn chia sẻ, chỉ có Phật giáo là con đường duy nhất giúp ta thoát khỏi sinh tử.
A Di Đà Phật
Hoằng Ẩn cư sỹ kính mến!
Con người thời nay mang đủ các loại bệnh, đó cũng vì sự tạo tác vô số kiểu nghiệp mới mà chiêu cảm nên những loại bệnh mới (thời xưa không có). Lại nói về pháp chữa bệnh, có thấy một số thầy trị bệnh bằng nước lã và căn dặn bệnh nhân phải “tin bệnh được khỏi”, không biết đây là cách chữa bệnh có dựa trên pháp trị liệu bằng năng lực hay sinh học…? Kết quả có người hết bệnh, người không hết. Thật sự mà nói các phương pháp đều trị bệnh không thể đi ngược Nhân quả; bệnh được tạm ngưng bởi vì phúc báo chúng ta hãy còn, oan gia trái chủ tạm ngừng đòi nợ; bệnh không khỏi bởi đã đến kỳ hạn phải trả nợ mạng. Nếu các thầy có thể “lợi dụng” lòng tin của người bệnh, vừa chữa bệnh vừa giảng cho họ nghe về cát- hung, họa- phước… khiến người tin vào Nhân quả cùng dụ họ niệm A Di Đà Phật thì đây quả là việc làm có lợi ích lớn. Vì sao có thể lợi dụng được lòng tin của người bệnh? Vì đa số người trong cơn bạo bệnh, tâm thần họ rất quẫn, họ dễ nghe theo, làm theo để mong bệnh được khỏi (Giống như Thẩm tiên sinh trong Niệm Phật Thành Phật, vừa dùng thuốc vừa dùng Dà Đà chưã bệnh).
Vài lời chia sẻ, cũng chi vì nhận thấy các phúc đáp của các đạo hữu giúp MD tỏ ngộ nhiều sự, từ trước đến giờ chỉ hạn hẹp trong chút ít hiểu biết Tịnh Pháp, thật đáng hổ thẹn, vậy nên mạo muội viết đôi dòng.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Chào liên hữu Mỹ Diệp. Việc một số thầy (trong nhà Phật có, ngoài cũng có)dùng nước lã để trị bệnh có trường hợp đúng pháp, có trường hợp không đúng pháp thậm chí là tà vạy, dối người. Trường hợp đúng pháp trong kinh điển nhà Phật có đề cập (vì dụ kinh Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm Đà ra ni). Có một số thầy dùng chú để trì vào nước lã giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Từ việc khỏi bệnh giúp họ có tín tâm đối với Phật pháp. Việc dùng nước lã để trị bệnh cũng chỉ là phương tiện khéo giúp chúng sanh tin Phật, học Phật, không phải là pháp cứu cánh. Cũng như bạn nói, một số thầy dùng thuốc để trị bệnh đồng thời giảng giải về nhân quả báo ứng,…khuyến dụ chúng sanh học Phật, niệm Phật vãng sanh để thoát ly sanh tử thì đó là việc rất tốt để cứu độ chúng sanh.
Về việc dùng chú để trì vào nước là trị được bệnh có thể nói là chỉ Phật mới hiểu được hết dụng năng. Tuy nhiên mới đây có một vị giáo sư người Nhật tên Masaru Emoto đã phát hiện ra rằng nước có sự linh diệu phản ánh tâm của con người. Khi con người khởi tâm thế nào thì tinh thể nước phản ánh tâm người đó. Giáo sư cho nước nghe các từ như “cám ơn” hay ngựợc lại “tao giết mày” thì tinh thể nước hoặc đẹp hoặc xấu biến đổi theo. Khi GS cho nghe nhạc thì nhạc đồng quê tinh thể nước nhìn rất mượt mà, nhạc rock thì nhìn rất phấn kích. Khi GS cho nước nghe kinh Phật thì thể hiện một hình thể khác biệt. Khi cho nước nhìn chữ mẹ Teresa, cũng nước đó cho nhìn chữ Hitler thì tinh thể nước thể hiện hình thù có thể nói rất phù hợp. Vì lẽ đó nên việc trì chú vào nước chữa bệnh là việc hợp với tính biết vâng lời của nước (và của một số chất khác). Việc nghe chú, hay nghe kinh Phật làm cho tâm trở nên thanh tịnh có lẽ cũng từ đây mà suy hiểu được.
Bạn nói bạn chỉ biết Tịnh Pháp, điều này rất tốt, biết nhiều có khi lại là chướng ngại. Trong nhà Phật gọi đó là sở tri chướng. Nếu sự biết giúp bản thân cùng giúp người tín tâm học Phật, niệm Phật thì lại là điều tốt. Chúc bạn hoan hỉ, an lạc. A Di Đà Phật.
Xem chút để biết sự huyền diệu của nước: http://www.tamlinh.net/kho-tin/khotin10.html
A Di Đà Phật
Kính chào Hoằng Ẩn cư sỹ!
Cảm ơn CS về những chia sẻ bổ ích. MD chỉ hạn hẹp trong chút ít hiểu biết Tịnh Pháp âu cũng bởi sự hạn hẹp về thời gian. Ngoài 8 tiếng hành chính, còn lại thời gian bận bịu với con nhỏ, quấy khóc bên tai. Dẫu biết việc niệm Phật phải tùy duyên và tránh làm phiền người khác, song để hoàn thành thời khóa, MD đã gây phiền hà rất nhiều cho người thân. Và biết rằng vì bản thân tu hành không tiến bô, không có định lực; nên ở đâu đó trong góc khuất của con người phàm phu cảm thấy vô cùng tủi hờn, lẻ loi; bởi ngay cả người thân- những người tu hành niệm Phật cũng không thể hiểu và thông cảm cho nỗi lòng của mình…
A Di Đà Phật. Có lẽ đã làm mất thời gian của CS rồi.
_()_
A Di Đà Phật.
Chào Mỹ Diệp. HA xin chia sẻ cùng bạn đôi dòng. Nếu nói về thời gian thì các cư sĩ tại gia phần nhiều đều phải làm việc và đều phải lo cho gia đình của mình. Tuy nhiên người học Phật phải luôn quán chiếu ở trong chánh niệm. Khi làm việc, khi chăm sóc con cái, phụng hiếu cha mẹ một cách chu tòan đều là đang hạ thủ công phu chứ không phải chỉ có lúc ngồi, nằm, đi, đứng mới là niệm Phật. HA công phu cũng chưa có gì đáng kể nhưng cảm nhận được lời của Lão PS Tịnh Không dạy là hòan tòan xác đáng. HA có một quan niệm là không có nghịch duyên, không có chướng ngại vì những thứ đó cũng là để giúp cho người học Phật hòan thiện mình hơn. Cho nên các vị Đại Đức cao Tăng trong nhà Phật mới nói rằng “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian giác”. Cố gắng lên nghe bạn, HA thấy chúng ta cũng không nhất thiết phải lên diễn đàn nhiều vì một lần ghé có thể tiêu tốn khá nhiều thời gian thậm chí khi đã rời diễn đàn rồi vẫn còn dư âm của những phúc đáp. Nếu dùng thời gian này để niệm Phật hay nghe kinh sẽ giảm bớt phiền não, tăng định lực. Bởi vì chúng ta vào đây đa số đều (như HT Quảng Khâm từng nói với đệ tử) 10 phần chưa được 1 nên phải biết ưu tiên thời gian cho việc gì cần hơn. Có lẽ bạn cũng như một số LH khác thỉnh thỏang ghé diễn đàn thấy một số bạn đặt câu hỏi mà không có phúc đáp trong khi mình có thể phúc đáp. HA cũng không phải là ngọai lệ. Thực tế mà nói thì điều này tùy duyên thôi, nhưng nói như Lão PS Tịnh Không là “chưa thành tựu mà độ người, điều này không thể có.”
Vài dòng gửi bạn cũng là để tự nhắc nhau và tự nhắc mình phải biết mạng sống vô thường, ta đã từng phát tâm tu hành từ nhiều kiếp tại sao đến giờ vẫn trôi lăn ở cõi này? Đời này đã chắc thóat ly Ta Bà hay chưa? Xin chia sẻ cùng bạn, chính cũng để tự nhắc mình. Chúc bạn tận dụng thời gian niệm Phật để một ngày có tấm vé (công phu niệm Phật đắc lực) và VISA (được Phật thọ ký) về Cực Lạc. Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn đã xem đĩa video này hay chưa, thử nghe xem, click: https://hoasenvanno.wordpress.com/lien-hoa-hoa-sanh-phap-su-dao-chung/
A Di Đà Phật
Kính chào cư sỹ Hoằng Ẩn!
Cảm niệm lời động viên của CS, MD sẽ ghi nhớ những lời này!
Thật tình, MD đã có hơn 4 năm gắn bó với ĐVCT, trước kia khi “chân ướt chân ráo” bước vào lớp học Tịnh Tông, còn nhiều bỡ ngỡ, Trang nhà đã khai mở niềm tin cho MD rất nhiều. Bởi vậy, thiết nghĩ Trang Phật pháp này vô cùng hữu ích và khi vào Trang đừng nghĩ rằng “ta đang độ chúng sanh”, chẳng phải như thế, mà rất đơn giản vì chúng ta đều là chúng sanh khổ nạn, cùng giúp đỡ, cùng diù dắt về Tây Phương; và hơn thế nữa là những người con Phật, ta không ngừng nói cho nhau nghe về duyên bổn nguyện lực của A Di Đà Từ phụ nhằm sách tấn nhau trên đường về bến giác- đó chắc chắn sẽ là một phần tư lương không nhỏ.
Cũng như HÂ cư sỹ, MD viết phúc đáp chưa hẳn tất cả là vì người, mà cái chính vẫn là răn nhắc mình, nói cho người cũng là nói cho mình. Bản thân chỉ có hai việc MD có thể làm được: niệm Phật, và nhắc mình niệm Phật. Ngoài hai việc này, chu toàn một cách trọn vẹn cho gia đình và xã hội với MD là một điều khó khăn, trái đất còn chẳng thể tròn kia mà; giả như có cố gắng chu toàn, là đang tu Bồ tát hạnh, là diệu hạnh đi nữa cũng không thể hơn hạnh niệm Phật. Tình thương + trách nhiệm không thể tách rời, hơn nữa chúng ta là người tu hành, phải là tấm gương về Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín, song đừng để chúng vô tình trở thành rào cản con đường đạo. Bởi thế Ngài Pháp Nhiên mới dạy: tất cả đều là trợ duyên cho việc niệm Phật; ở nhà không niệm Phật được thì xuất gia mà niệm Phật; sống giữa đời không niệm Phật được thì trốn đời mà niệm Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật
Bạn Mỹ Diệp. Để giúp bạn tinh tấn niệm Phật, HA xin gửi bạn mấy câu thơ kệ HA làm sau khi xem bài “Một vị sư chuyên lễ niệm đắc niệm Phật tam muội”. Bài này phù hợp với ý khai thị của Tổ Pháp Nhiện Thượng Nhân mà bạn trích ở trên cũng phù hợp với khai thị của HT Tuyên Hóa “niệm Phật không còn nhớ tới ăn uống, ngủ nghỉ”
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2016/03/mot-vi-su-chuyen-le-niem-dac-niem-phat-tam-muoi/
Có một người xuất gia
Không trụ trì am viện
Không thường nơi chánh điện
Không nhận đệ tử nuôi
Thường ở nhờ nhà người
Thích những nơi nhàn vắng
Luôn để tâm bình lặng
Nhất cú niệm Di Đà
Ngày lại ngày trôi qua
Lễ niệm càng miên mật
Đúng nghĩa là lão thật
Tới bữa lại quên ăn
Buổi tối lại quên nằm
Cổ họng ngọt như mật
Trong mộng thường gặp Phật
Khuyên dạy cách tu trì
Đã đến lúc ra đi
Vãng sanh nơi Cực Lạc
Một vài lời bất chợt
Ca ngợi bậc chân tu
Ca ngợi bất tư nghì
Ca ngợi môn tối thượng
Nhắn tới bạn đồng hướng
Nhớ lễ niệm chuyên cần
Sen sẽ nở đạo tràng
Cõi Tây Phương Cực Lạc
Nam mô A Di Đà Phật.
31.3.2016
A Di Đà Phật
Cảm niệm tất cả những chia sẻ của HÂ cư sỹ, người là bậc tiền bối, là tấm gương cho hàng hậu học như MD đây. Chúc cư sỹ niệm Phật đạt thành tựu viên mãn! Hẹn gặp nơi cố hương Cực Lạc!
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính gửi cư sĩ Diệu Minh,
Phát muốn bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc với tỷ. Vì sợ một người đi sai chánh pháp mà đã comment cho Phát. Việc đó rất quan trọng, vì đi theo tà kiến thì sẽ chìm đắm trăm ngàn kiếp, một người thật sự muốn tu hành sẽ hiểu rõ tầm quan trọng của việc này. Thật sự rất đáng sợ.
Diệu Minh mến, Phát cũng biết điều này, Phát hiểu giáo lý của Phật (phần nào vì Phát là hành giả Tịnh Độ mà) và những lý luận trong Pháp Luân Đại Pháp ( viết tắt PLDP). Phát sẽ không rơi vào tà kiến đâu, xin tỷ yên tâm. Ở đây Phát chỉ là dùng những thuật ngữ đúng theo giáo lý của những trường phái,môn học, mong rằng mình viết ra một cách khách quan nhất, không xen tạp cảm xúc cá nhân hoặc giả nhận định trên quan điểm nhà phật mà làm ảnh hưởng tới tính khách quan trong việc nhận định vấn đề về mặt phương pháp luận(vì những vấn đề tôn giáo cực kỳ nhạy cảm). Nên khi đề cập trường phái nào, Phát dùng thuật ngữ và lý luận trường phái đó. Sau đó mới kết luận chung theo quan điểm tâm linh nói chung.Phát không khuyên ai theo Phật hay pháp môn nào cả. Chỉ trình bày khách quan thôi, mong sư tỷ hoang hỷ.
Các giáo sư và nhà nghiên cứu thuộc Viện Tiềm năng con người đang tập hợp hồ sơ trình lên Bộ Y tế xem xét thiền khai mở luân xa là một ngành y học bổ sung, nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Người ta xem xét dưới góc độ khoa học, dựa trên thực nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu này đã được thực hiện khá lâu rồi, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, gặp nhiều khó khăn. PGS TS Nguyễn Đình Phư là một ví dụ.Nhưng bây giờ nhà nước đã ủng hộ, trừ Nhân điện Lương Minh Đáng vì lấy tiền người học nhiều lắm và nhiều lý luận kiểu như trồng lúa không dùng phân, cụt tay mọc lại…
Là một người Phật tử có niềm tin bất động vào chân lý nhân quả, chúng ta có cái nhìn rất rõ ràng về nhân sinh quan, thế giới quan dưới góc độ triết học Phật giáo. Chúng ta hiểu rõ con đường đó. Về góc độ cá nhân, Phát không ủng hộ, cũng không bày xích tôn giáo, trường phái hay hệ tư tưởng nào. Tuy nhiên Phát rất tán thán thái độ thẳng thắn trạch pháp của tỷ Diệu Minh.
Tỷ Diệu Minh mến, trong giáo hội Phát cũng gặp nhiều vị xuất gia cũng đang tu luyện thiền luân xa nói chung. Nhiều vị lớn tuổi, nhiều ngôi chùa dạy luân xa…Phát chỉ đưa ra thông tin thật thôi, mong tỷ hoang hỷ.
Riêng cá nhân Phát, gặp và biết đến các vị. Chịu dày vò bệnh tật đau khổ vô cùng, khi ngồi thiền tâm không an được, bệnh không đi kinh hành được, đau quá không niệm Phật được…Các vị tìm tới Trường sinh học (một môn học được nhà nước quản lý) tìm tới chiếc phao, mong thân hết bệnh để mượn thân này tu tập. May thay trường sinh học là phi tôn giáo, họ không can thiệp hay thay đổi tôn giáo ai. Vậy các vị ni, sư ngồi thiền, hết bệnh, khỏe mạnh lại tiếp tục tu hành làm lợi lạc chúng sinh. Phát không bao giờ dám chê trách các vị là con Phật mà chạy theo tà kiến gì gì đó. Phát nghĩ ai lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, đau khổ không lối thoát mới hiểu được.
Nếu ai hỏi Phát vấn đề này, Phát vẫn trình bày tất cả theo lối khách quan nhất, còn việc lựa chọn là ở họ. Khi tìm hiểu về nền triết học phương đông và phương tây, chúng ta gặp những vị như Khổng Tử, Lão Tử, Socrat, Platon, Thích Ca Mâu Ni…khi đó chúng ta sẽ xem xét 2 khía cạnh Mặt tích cực và Mặt hạn chế. Tỷ sẽ thấy rằng ai cũng có mặt tích cực và hạn chế, mặc dù họ đều là thánh nhân. Những nhà nghiên cứu đưa ra không phải phê phán mà là phân tích khách quan thôi.
Chủ tịch Mao Trạch Đông đã từng phê phán Khổng Phu Tử rất thậm tệ, Lý Tiên Niệm lại phê phán 2 vị trên. Lão pháp sư Tịnh Không đề cao giá trị đạo đức trong Khổng giáo…đúng sai như 2 phạm trù mang tính chất đối kháng, cái này tồn tại vì cái kia tồn tại. Phát mong tất cả liên hữu đều có được trạch pháp nhãn chọn được con đường phù hợp cho mình . Mong tỷ Diệu Minh sức khỏe! A Di Đà Phật
Chào bạn, DM phúc đáp không phải cho riêng bạn đọc, vì thực tế là rất nhiều người vào đây đọc, trong đó có rất nhiều người chưa hiểu gì về Phật pháp, hoặc sơ học. DM chẳng có gì không hoan hỉ hay hoan hỉ ở đây, hay đánh giá gì bạn cả. Mục đích khác (ngoài việc nói với riêng bạn) trong phúc đáp của DM là để cho những người sơ học có chút thiện căn sẽ không vì phúc đáp của bạn mà mất tập trung – vì chỉ 1 vài giây phút hiếu kỳ đọc hoặc tìm hiểu các chủ đề đó cũng có thể gây đến tai hại lớn sau này (ảnh hưởng tới huệ mạng của họ). Trước đây DM cũng đã phúc đáp thẳng thắn tương tự với 1 chú khi chú chia sẻ về mối nghi của chú rồi, nhưng DM không nhớ tên hay ở bài nào.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Chào hai bạn, Phát và Diệu Minh.
Thực tế mà nói thì Pháp Luân Công -PLC (còn gọi là Pháp Luận Đại Pháp) cũng là một pháp tu cả thân và tâm. Khi đề cập đến vấn đề này chúng ta chỉ nói rằng PLC không phải là Phật giáo do Phật Thích Ca thuyết trong kho tàng kinh điển. Thực tế thì những gì làm lợi ích cho chúng sanh đều có thể là việc của Phật, Bồ Tát. Trong Kinh Phổ Môn, Quán Thế Âm Bồ Tát hiện 32 thân, đáng dùng thân gì Ngài hiện thân đó vì chúng sanh nói Pháp. Trong kinh giảng của Lão PS Tịnh Không cũng nói rằng : đáng dùng thân Phật, ngài hiện thân Phật, đáng dùng thân Gie Su ngài hiện thân Gie Su, Đáng dùng thân tiên tri Mohamet ngài hiện thân Mohamet… vì đó nói pháp. Vì chúng sanh căn cơ có vạn sự sai biệt nên Phật, Bồ Tát hiện thân để độ cho một hạng chúng sanh nào đó. Vì vậy chúng ta cũng không phê phán ngoại đạo vì ngoại nội trong cõi Ta Bà phàm – thánh đồng cư này hạng phàm phu như chúng ta khó mà biền biệt được.
Nói về PLC, chính việc học “Chân – Thiện – Nhẫn” cùng các bài pháp khí công và thiền lại là cách để thu hút rất nhiều người tham gia (lên tới khoảng 100 triệu lúc cao điểm). Điều này Phật giáo không thể làm được. Nếu hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa của Chân Thiện Nhẫn thì đó cũng là điều mà Phật Bồ Tát muốn chúng sanh học. Nhà Phật có câu “tất cả pháp đều là Phật pháp”. Vì tất cả pháp đều được dung nạp trong Phật pháp nên chúng ta cũng không nên khởi tâm phân biệt. Việc tranh luận trên diễn đàn là để “kiến hòa đồng giải” trong Lục Hòa Kính, giúp các bạn đồng tu nhất là hàng sơ học có thêm hiểu biết, xa lìa tà tri, tà kiến để thâm nhập chánh tri, chánh kiến của Phật. Chúc các bạn tinh tấn, an lạc. A Di Đà Phật.
Chào cư sĩ Hoằng Ẩn,
Thứ nhất DM không tranh luận hay phê phán ai cả. Chẳng phải DM đã nói với bạn Phát là DM chưa đánh giá gì bạn đó sao.
Thứ hai, câu “tất cả các pháp đều là Phật pháp” trong Kinh Kim Cang thì rất nhiều chúng sanh căn tánh đại thừa đều biết và tiếp nhận, nhưng thật sự chưa hoàn toàn chứng được cảnh giới không phân biệt này. Nếu đã tới cảnh giới này thì đâu cần trụ vào 1 câu Phật hiệu để cầu sanh Tây phương nữa. Tâm các bậc pháp thân đại sĩ này chẳng trụ vào đâu, cũng chẳng còn khái niệm giữ trung đạo nữa.
Đến đây thì DM đành nói rõ hơn ý của DM là: khi phúc đáp cho người hỏi cần quán sát xem họ biểu hiện ra là ở trình độ/cảnh giới nào, và cần cân nhắc căn tánh của các chúng sanh lên trang dvct này cầu pháp. Đa số họ đều là người chưa hiểu nhiều về Phật pháp mà mới phát tâm niệm Phật, hoặc đã niệm Phật cầu sanh Tây phương được 1 tgian mà trí huệ chưa khai mở. Với người sơ học, nếu chúng ta cung cấp quá nhiều thông tin, ví dụ như: môn ngoại đạo đó là Phật pháp khí công thượng thừa, hoặc nói với họ vốn không có thiện-ác, vọng tâm và chân tâm là 1, v.v thì họ không thể hiểu được, thậm chí hiểu lầm thì rất tai hại. Nếu có phàm phu nào đó đang niệm Phật mà ngây thơ nghĩ PLC đó là khí công thượng thừa của Phật pháp rồi tìm hiểu, học theo thì sao? Có ai gánh nổi tội nghiệp này hay không?
DM cũng xin rất thẳng thắn luôn là những đoạn cư sĩ và bạn Phát chia sẻ về khí công và PLC đó DM không có đọc kỹ và cũng không muốn ghi vào tâm, vì DM tự nhận mình chưa hoàn toàn chứng được không chấp trước, nói gì đến không phân biệt.
DM xin kết thúc phúc đáp với bạn Phát & cư sĩ Hoằng Ẩn ở đây.
A Di Đà Phật!
Thật sự đúng như vậy, thưa tỷ Diệu Âm,
Phát thật sự cũng không có tranh luận gì cả, sư tỷ cũng vậy. Phát chỉ muốn bày tỏ sự đồng cảm với tỷ Diệu Âm mà thôi thưa cư sĩ Hoằng Ần! Vì tỷ Diệu Âm nói rất đúng.
Khi Phát chia sẻ về những trường phái đó, tâm Phát cũng lo lắng, sợ có người đọc không hiểu, lại đi sai đường thì thật sự rất tội. Thứ 2, Phát cũng muốn giữ thái độ khách quan vì sự tôn trọng của mình giành cho các vị đứng ra truyền các phương pháp trên, tôn trọng giáo pháp của các vị. Vì 2 điều trên khó thể dung hòa, khó vẹn toàn cà hai, mà lời lẽ thì thô phù kệch cưỡm. Nên tỷ Diệu Âm thể hiện sự lo lắng, cũng là lo lắng của Phát thôi.
Thực tế cho thấy rằng có rất nhiều vị Phật tử sơ cơ và thậm chí là tu sĩ, khi bị bệnh tìm tới các phương pháp trên, được hết bệnh, rồi tin tưởng rồi đi theo giáo lý trường phái đó luôn. Thật sự rất nhiều. Vì ngoài sức tưởng tượng của họ.
Phát chỉ xin khuyên tất cà Phật tử không may mắc bệnh hiểm nghèo, đông y, tây y không trị khỏi, cũng không muốn buông xuôi, muốn khỏe mạnh mượn thân tu hành, không từ bỏ chính pháp. Các vị đó thể tìm hiểu Trường Sinh Học Dasira Narada và Thực dưỡng Oshawa. Thực hành nó các vị vẫn tu hành và vãng sanh như nguyện, không ảnh hưởng gì. Phát nói ra chỉ mong các vị khi sống được thân thể khỏe mạnh, mất được vãng sanh cực lạc. A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật.
Chào Diệu Minh, đúng như bạn PĐ. Xin cám ơn, A Di Đà Phật.
Người Phật Tử Tu học Phật Pháp mà không hướng về Phật Bồ Tát Tam Bảo cấu Đảo Lại đi Tu học ngoại đạo thật không hiểu nổi quên luôn Tam Quy Y . Tốt nhất không nên chia sẽ những phương pháp tu học cũa ngoại đạo dù là chánh làm dao động tín tâm cũa các bạn sen như mình Trong nhà Phật chúng ta đâu có thiếu pháp môn tu học biết bao người bệnh hết thuốc chữa niệm Phật an nhiên khoẻ mạnh lại còn trong kinh Vô Lượng Thọ có phẩm nào đó Phật khai thị chúng sanh ở thế gian có tai nạn ngặt nghèo chỉ cần hướng tâm chí thành niệm Thánh Hiệu Bồ Tất Quán Thế Âm thì không có nạn gì mà không được giải thoát . Học Phật Niệm Phật Tu học Phật Pháp phải luôn luôn hướng về Tam Bảo
Dạ Diệu Hoài xin chia sẻ rằng Diệu Hoài đã từng có kinh nghiệm thử tập PLC và Nhân Điện nhưng không thoát được khổ và phiền não nhiều. Vì hồi đó Diệu Hoài phát tâm học Phật nhưng lại đưa đẩy đến mấy môn trên, âu cũng do mình chưa có đủ phước và nghiệp dẫn dắt. Tập mấy cái trên phiền não nhiều, người mình u mê đi, đặc biệt rất nóng nảy bứt rứt trong người, tham dục nhiều lắm ạh, làm gì cũng chẳng thành chẳng nên, lúc nào cũng khởi ý coi thường người khác, kiêu mạn. Con nghĩ là đó là ma, vì thời nay cộng nghiệp chúng sinh nhiều nên chiêu cảm tà ma thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.
Nhờ có căn lành từ đời nào kiếp nào dẫn dắt. Rồi Diệu Hoài đi chùa Ngòi ở Hà Đông và được sư Bà Quy y, được dạy niệm Phật và lạy Phật A Di Đà. Từ đó dần dần thân tâm an tịnh, thoát khỏi thống khổ, làm việc gì cũng minh mẫn. Sau này Diệu Hoài ngoài quyên góp cho các hoạt động Phóng sanh và cúng dường, còn tự mình đi phóng sanh, điều này làm tiêu nghiệp thấy rõ. Thế mới thấy được nhân quả rất nhanh chóng, tu sai là mình sẽ thấy hoa báo ngay chứ chưa cần thấy quả báo, còn chuyển ngược lại mình cũng thấy được ngay hoa báo đi liền. Mong các đạo hữu đừng đi vào các con đường kia, một khi không tìm được Phật pháp khó mà quay đầu lại được, sa chân xuống hố lửa hầm chông mà thôi.
Con xin tặng các vị đồng tu, bạn hữu câu truyện trong kinh Kalama:
“Có một lần, đức Phật đi ngang qua bộ lạc của người Kalama. Nghe danh tiếng của Phật, người dân của bộ lạc này tìm đến đảnh lễ và hỏi Phật,
– Có một số đạo sư khác đi ngang qua đây. Nhưng người nào cũng làm sáng tỏ, và ca tụng quan điểm của chính mình, nhưng lại bài xích, khinh miệt, chê bai, và xuyên tạc quan điểm người khác. Ðối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: “Trong những vị đạo sư này, ai nói sự thật, ai nói dối?”
– Trong những trường hợp như thế, đương nhiên là các Ông có những nghi ngờ và có những phân vân! Này các ông, các ông đừng tin một điều gì vì phong văn. Đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền. Đừng tin một điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân. Đừng tin một điều gì vì đó là thói quen đã có từ lâu. Đừng tin một điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng do một thần linh nào đó khai thị cho ta. Đừng tin một điều gì vì đó là do các thầy có uy tín dạy.
Nhưng này các Ông, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: “Các việc này là bất thiện; các việc này là đáng chê; các việc này bị các người có tuệ giác chỉ trích; các việc này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau”, thời này các ông, hãy từ bỏ chúng!
Và ngược lại, khi nào tự mình chứng nghiệm và biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; Các pháp này là không có tội; Các pháp này được người có trí tán thán; Các pháp này nếu được thực hiện, được chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này các ông, hãy cố gắng thực hành để tự đạt đến và an trú trong hạnh phúc!”