Trấn Nam Tầm, huyện Hồ Châu, tỉnh Triết Giang, có người đàn bà góa nuôi một đứa con trai. Đứa con này tuy đã lập gia đình nhưng không lo làm ăn, rất mê đánh bạc. Một hôm đánh bạc thua đậm không có tiền trả, liền về nhà mẹ, bảo mang áo đi cầm lấy tiền đưa cho nó. Bà mẹ nói: “Mẹ muốn sang nhà chị con, hãy để mẹ mặc áo sang đó rồi sẽ đưa cho con mang đi cầm vậy.”
Đứa con liền lấy thuyền đến cho mẹ đi. Bà mẹ vì tiếc chiếc áo sợ làm hư hỏng, nên định bước lên bờ rồi mới thay ra đưa cho con. Đứa con thấy mẹ không cởi áo đưa dưới thuyền, tưởng là mẹ không muốn đưa cho mình, nổi giận giằng co vật bà ra để lấy áo, cuối cùng đẩy bà chìm xuống sông chết.
Đứa con quay về nhà nó, đi được chừng một dặm thì nghe có tiếng sấm ầm ì, liền gấp rút chạy nhanh về nhà, quát vợ rằng: “Mau lấy cái chum to úp lên che tôi lại.” Vợ hỏi để làm gì, anh ta không đáp. Bất đắc dĩ người vợ phải làm theo như vậy. Nhưng tiếng sấm đã nhỏ lắm rồi, cuối cùng vẫn chưa thấy sét đánh. Một lúc sau, người vợ bỗng thấy từ bên trong chum có máu chảy ra bên ngoài, kinh sợ liền dở chum ra xem thì thấy chồng đã mất đầu, máu tươi chảy lênh láng. Cô ta hoảng sợ quá liền kêu la gọi hàng xóm đến. Mọi người đều cho là cô đã mưu hại chồng rồi nói dối, liền bắt lên thuyền cùng đi đến nhà bà mẹ chồng, định đưa tất cả lên quan phủ. Thuyền đi được nửa đường bỗng thấy mái chèo bị vướng vào một vật, cúi xuống xem thì thấy là một xác đàn bà vừa nổi lên, tay ôm một cái đầu người, tóc còn vướng nơi đầu mấy ngón tay. Xem kỹ lại thì hóa ra xác người chính là bà mẹ, mà đầu người trong tay bà chính là đứa con. Lúc đó mới biết bà mẹ đã bị đứa con trai hại chết, liền thả cô con dâu ra.
- Lời bàn:
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
”
Một lần, lão Hòa thượng trộn một ít rau cần, sau khi trộn xong, Ngài chỉ một hủ dầu mè to trên đất, nói với Pháp sư Ấn Hàm: “Con dùng đôi đũa nhúng một ít, trộn sơ số rau cần này nha!”
Mặc dù đã rất nhiều năm qua, Pháp sư Ấn Hàm một khi nhắc đến câu chuyện này vẫn rưng rưng nước mắt, Pháp sư nói: “Đó là một hủ dầu mè 50 cân lận! Mà sư phụ lại bảo tôi dùng đôi đũa nhúng một chút trộn sơ rau. Chỉ dựa điểm này, tôi đã khâm phục Ngài một đời! Những năm này tôi hết sức mình để học tập sự cần kiệm của sư phụ, có thể bây giờ tôi về mặt cần cù này còn có thể ăn nói được, nhưng nói đến tiết kiệm, vẫn còn kém xa sư phụ nhiều lắm.”
Một đệ tử khác của lão Hòa thượng, Pháp sư Ấn Vinh cũng khâm phục lão Hòa thượng đến đầu rạp sát đất. Pháp sư nói: “Lúc ban đầu tôi cũng có chút không vừa ý sư phụ quá bủn xỉn, muốn mua hai đồng đậu hủ sư phụ cũng không cho mua. Thế nhưng về sau nhìn thấy sư phụ quyên tiền mua cây giống cho mấy trường học và đạo tràng, mà một cái giũ tay thì lấy ra mấy ngàn đồng tiền, điều này đã khiến tôi triệt để khâm phục đến đầu rạp sát đất luôn!”
Lão Hòa thượng dùng thu hoạch do chính mình cực khổ cày cấy, để làm cứu tế, làm bố thí, Ngài vui không biết chán; với bản thân thì lão Hòa thượng cũng sẽ không lãng phí dù chỉ một hạt gạo.
”
Trích CUỘC ĐỜI LÃO HÒA THƯỢNG HẢI HIỀN
Tặng mọi người chữ 家
Hi vọng mọi người đừng tham đắm mãi cái nhà lửa của mình. Đôi khi bạn sẽ phải thốt lên: tôi chỉ là lữ khách ở nơi đây thôi…
BỒ TÁT VI ĐÀ ĐÃ GIÚP HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA LÚC NGUY KHÓ
Cuối năm 1949 nhân vì Thiều Quan giải phóng, không trở về Vân Môn được, nên Ngài đi xe lửa từ Quảng Châu tới Hương Cảng. Tới Hương Cảng được một thời gian, Ngài đi thẳng qua Thái Lan tham gia phái Tăng-già và quán sát công cuộc truyền bá Phật pháp ở phương Nam, đồng thời tham cứu học hỏi những điểm khác biệt giữa Nam, Bắc Tông. Ngài tạm trú tại chùa Long Liên khoảng hơn bốn tháng rồi trở về Hương Cảng. Trên thân vẫn với bộ y phục cũ mèm, lại không có một đồng trong túi. ít lâu sau Ngài gặp một nam cư sĩ, người này biết có một cái động ở núi Phù Dung, Toàn Loan phía Bắc Hương Cảng thích hợp cho Ngài tu hành, nên mời Ngài về động an tu. Hang động là một cái lỗ nhỏ tối tăm nằm ngay mặt tiền của triền núi. Khi vào động phải cúi mình sát xuống, phía trong có một phiến đá lớn bằng phẳng là nơi Ngài dùng để ngồi thiền. Ngoài ra, trong động tuyệt nhiên không có giường, bàn ghế hay dụng cụ nấu ăn.
Có lần Ngài đã ngồi thiền theo thế kiết già khoảng một trăm giờ; đến lúc muốn đứng dậy, thì hai chân của Ngài không thể động đậy được. Có lẽ vì trong động quá ẩm thấp nhưng Ngài không vì đó mà lo sợ, Ngài liều bỏ thân mạng, coi thường sống chết và tiếp tục ngồi trở lại thế kiết già, tham thiền suốt ngày đêm thêm hai tuần lễ nữa. Sau đó khi xả thiền, thì hai chân của Ngài hoạt động lại như xưa. Kể từ đó, vì phải duy trì thân mạng cho sự tu hành nên vào mỗi buổi sáng Ngài xuống núi đến chùa Đông Phổ Đà gần bên để xin cơm. Ngài dành thời giờ còn lại, bế quan trong động nghiêm trì hành thiền.
Sau đó không lâu, Ngài di chuyển tảng đá lớn bên ngoài chuẩn bị dựng một am tranh ở đó. Có một Sư biết được việc này bèn nói với vị Trụ trì chùa Đông Phổ Đà rằng: Thầy An Từ ỷ mình có tiền nên muốn cất am trên núi. Ngay hôm sau đó khi Ngài xuống núi để xin thực phẩm thì liền bị từ chối. Từ đó Chùa đã cắt đi phần ăn của Ngài. Ngài chỉ biết lặng thinh và trở lên núi tiếp tục hành thiền thêm hai tuần lễ nữa. Bấy giờ Chùa Đông Phổ Đà là nguồn cung cấp thực phẩm duy nhất của Ngài. Ngài cũng chẳng hề than van với ai về điều này.
Trong làng dưới núi Phù Dung có một Ông cư sĩ họ Trần khoảng năm mươi tuổi, dáng người nhỏ bé. Chân ông bị chó cắn đã qua ba tháng nhưng vết thương cứ làm mủ không lành. Nhiều y sĩ và lương y chuyên môn đã cố gắng giúp ông chữa vết thương nhưng chẳng có hiệu quả gì. Rồi trong một đêm kia ông đã ba lần liên tiếp mơ thấy giống nhau, ông mơ thấy Ngài đang ngồi thiền trong động và thấy Hộ Pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát đến bảo rằng: “Ngày mai nếu con mang thức ăn cúng dường pháp sư An Từ đang tu trên núi Phù Dung trong động Quán Âm thì vết thương nơi chân con sẽ được lành.”
Sáng hôm sau, theo lời dạy trong giấc mơ ông bèn mua hai mươi ký gạo và gom góp được bảy mươi đồng rồi mang lên núi. Vì chân đau nên ông leo núi thật khó khăn. Khi ông đi ngang cửa sau chùa Đông Phổ Đà và bắt đầu đi theo con đường mòn dẫn lên động Quán Âm, thì một vị Sư nhận biết ông là một cư sĩ Hộ pháp đang mang đồ cúng dường lên núi, nên Sư đón tiếp niềm nở. Ông vừa thở hổn hển vừa hỏi:
– Bạch Thầy, Thầy An Từ có ở đây không ạ?
– Tôi là người quản lý vùng này, bà hãy để những phẩm vật cúng dường lại đây. Tôi sẽ giúp ông phân phối cho các thầy thật chu đáo.
– Thầy trông không giống như vị Sư mà tôi thấy trong mộng. Ngài Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên dạy tôi cúng dường cho Pháp Sư An Từ và tôi chỉ xin cúng cho Sư đó thôi.
Nghe lời này Sư kia nổi giận la:
– Tôi là quản lý ở đây, ai đến đây cúng dường đều phải giao cho tôi hết.
– Nhưng Thầy không phải là vị sư mà tôi thấy trong mơ. Tôi phải cúng cho Sư ấy, không phải cho Thầy.
Hai bên to tiếng qua lại với nhau. Nghe tiếng ồn ào bên ngoài, Ngài liền bước ra khỏi động xem xét. Vừa chợt thấy Ngài, ông Trần vui mừng thốt lớn:
– A! Đây chính là Thầy An Từ mà tôi thấy trong mơ.
Thấy họ dằn co không thôi, Ngài hòa hài bảo ông:
– Ông cúng dường cho tôi hay cúng dường cho các thầy khác đều không có gì khác biệt cả. Nếu ông muốn cúng dường cho tôi cũng được, nhưng bây giờ lại có thêm một pháp sư nữa thì ông nên chia thành hai phần vậy.
Ngài bèn phân gạo và tiền thành hai phần. Nhờ sự cúng dường này, mà Ngài thoát cơn đói kém và chân của ông Trần cũng được lành. Vì được cảm hóa bởi lòng từ bi của Ngài, từ đó ông trở nên chăm chỉ học hỏi Phật pháp và rất thích nói Pháp đến nỗi người ta đặt cho ông cái biệt hiệu là “Bổn Địa Pháp Sư” (hay Pháp Sư của vùng).
Vừa lúc đó, có Cư sĩ Trần Thụy Xương thỉnh Ngài ra Hương Cảng lập Đàn Thông Thiện để giảng Kinh. Cũng nhân vì vị Sư láng giềng chưa giải tỏa được sự bất bình, Ngài quyết định rời khỏi động Quán Âm.
Một nữ cư sĩ khác tên là Dư Quả Mãn thường hay lui tới động Quán Âm để viếng thăm Ngài. Mỗi lần đến bà đều thỉnh nước suối ở động uống, vì nước này có vị rất ngọt như nước Cam-lồ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng lần sau cùng khi bà lên núi đảnh lễ Ngài, bà đã thất vọng vì Ngài đã đi, và hai con suối dẫn đến hai hồ nước ở hai bên Động Quán Âm cũng từ đó mà khô cạn đi.
Hòa Thượng Tuyên Hóa
Cuộc Đời và Sự Nghiệp Hoằng Hóa
KIẾP ĐỎ ĐEN & KẾT CỤC TÀN TẠ
Tôi tên Thanh Ngọc, hiện sống tại Quận 5, TP HCM. Tôi có một ông cậu sinh năm 1960, hồi còn trẻ làm nghề giữ xe, nấu rau câu, bán chè, khi có tuổi thì làm bảo vệ.
Khoảng 1986, cậu tôi lấy vợ, sinh được ba cô con gái. Do con đông, mà không biết làm gì cho có nhiều tiền, lại thấy trong xóm có tụ tập cờ bạc nên cũng ké thử , khi đó đánh thua chút chút, ăn cũng chút chút, chứ chưa ghiền. Thói quen đánh bài cờ bạc, đánh đề cậu bị nhiễm từ đó.
Chỉ đến khi vợ được cha mẹ gửi tiền nước ngoài về cho để mua hai căn nhà chung cư Phạm Thế Hiển , một căn ở, còn một căn cho thuê. Tiền rủng rỉnh rồi thì cậu mới mạnh tay đánh lớn. Khi thì chơi đánh đề, khi thì cá độ đá banh.
“Cờ bạc là bác thằng bần”, có lẽ đó là một định luật không thể khác, không bao lâu sau, cậu tôi thua cả mấy chục cây vàng, bị người ta xiết nợ, cậu năn nỉ vợ trả. Mợ tôi đành bán nhà trả nợ cho cậu, và quyết định li dị, kể từ đó đường ai nấy đi.
Năm năm trở lại đây, tay cậu tôi bị một chứng bệnh rất lạ. Da tay trở nên rất mỏng, tay ông giờ đụng nhẹ cái gì cũng tróc nguyên cả miếng da, máu chảy đầm đìa. Mà khổ, biết bị bệnh nhưng đâu tránh được những va chạm, hôm thì đụng bàn, hôm thì đụng xe… thành ra tay luôn bị chảy máu, vết thương này chưa lành thì đã chồng lên vết thương khác, tình cảnh rất thống khổ.
Đi bệnh viện khám, bác sĩ kết luận tay cậu bị mảng bầm tự phát /TD rối loạn máu đông, và cũng chỉ có hai cánh tay từ cùi chỏ trở xuống mới bị, còn những bộ phận khác thì bình thường. Phải chăng đây là quả báo của việc dùng đôi bàn tay vào trò đỏ đen cờ bạc ?
Với bệnh tình như thế, uống thuốc mãi cũng không khỏi, cậu tôi cũng chẳng thể đi làm kiếm tiền nuôi thân, ngay cả làm những việc nhẹ cũng rất đau, như giặt giũ, nấu nướng… thậm chí đến bàn ủi cũng không cầm được, nên phải về ở với mẹ ruột ( tức bà ngoại tôi).
Gia đình tan nát, tài sản tiêu tán, bệnh tật hành hạ, cuộc đời đi vào ngõ cụt… chung quy cũng chỉ vì hai chữ “ đỏ đen”. Ấy vậy mà cho đến bây giờ, máu đỏ đen của cậu tôi vẫn còn, vẫn thỉnh thoảng chơi năm ba chục ngàn kiếm chút tiền, nhưng giống như đã thành quy luật, thắng một lần thì thua đến trăm lần.
Tôi, cũng như mọi người trong gia đình vẫn khuyên nhủ nhưng cậu tôi không nghe. Có lẽ nó đã thành căn bệnh cố hữu, chỉ mong những ai chưa dính vào cờ bạc, nhân nghe câu chuyện của cậu tôi, mà luôn sáng suốt tránh xa, đừng để cuộc đời mình sa lầy trong vòng đen bạc vô nghĩa này.
Thanh Ngọc – một thành viên của group “Luân hồi & nhân quả”