Trong hiện tại ngày nay, cuộc sống khẩn trương, áp lực trầm trọng, công việc bận bịu như vậy chúng ta phải dùng phương pháp và thái độ thế nào để mà học Phật? Trong Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử tham học 53 lần chính là 1 tấm gương tốt cho chúng ta noi theo, đó là khi đãi người tiếp vật cần phải làm cho được “ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”, thì câu Phật hiệu chúng ta niệm đó mới được đắc lực.
Nếu như khi tiếp xúc với hoàn cảnh bên ngoài, mà ngoài thì chấp tướng, trong lại động tâm thì dẫu 1 ngày niệm 10,000 câu Phật hiệu, cổ nhân gọi là “gió thổi chẳng lọt, mưa táp chẳng thấm”, thì cũng uổng công, chúng ta chẳng thể nào vãng sanh. Vì sao vậy? Vì tuy niệm Phật hiệu nhiều nhưng không có hiệu quả, câu Phật hiệu niệm ra đó chẳng thể đắc lực. Chúng ta ở nơi đây bình tĩnh mà suy xét, chúng ta niệm Phật rốt cuộc để làm gì? Là để cầu Nhất Tâm Bất Loạn. Thế nhưng chúng ta lại đi dùng nhị tâm, tam tâm mà niệm, nên dẫn đến miệng tuy niệm Phật nhưng khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng thì trong tâm liền động loạn, vậy thì làm sao có thể đi đến Nhất Tâm Bất Loạn đây? Do đó, tuy rằng niệm nhiều mà cũng vô ích.
Do vậy, chúng ta cần phải luôn ghi nhớ rằng chúng ta niệm Phật là để tu tâm thanh tịnh, chỉ khi tâm thanh tịnh thì cõi nước sẽ tịnh. Khi chúng ta tiếp xúc với xã hội bên ngoài, thì người và sự việc cứ luôn ồ ạt kéo đến quấy nhiễu chúng ta, điều này với chúng ta mà nói là 1 ân huệ rất lớn. Vì sao? Trong cảnh giới ấy, chúng ta có thể thời thời khắc khắc khảo nghiệm công phu tu tập của chính mình xem đã đắc lực hay chưa.
Nếu ta thấy hay nghe trong tâm vẫn còn rất nhiều phiền não, vậy thì công phu vẫn chưa đắc lực. Những người và sự việc đến đến quấy nhiễu ta là Bồ Tát, là thầy của ta, họ đến bảo với ta: “Ngươi chưa được đâu! Công phu vẫn chưa thể đắc lực”.
Nếu chúng ta khi đối diện với người và việc mà trong chẳng động tâm, ngoài chẳng chấp tướng, trong tâm rất thanh tịnh thì họ bèn bảo với ta: “Khá lắm! Công phu của ngươi đã đắc lực rồi”.
Điều này trong nhà Phật gọi là “Lịch Sự Luyện Tâm”, tức là trải qua sự việc để rèn luyện cái tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình. Do vậy, chúng ta tu hành là tu ở ngay trong hoàn cảnh đời sống của mình. Nay nếu như quý vị nghĩ rằng chỉ có tách rời khỏi con người và tất cả sự việc thì mới có thể an ổn tu hành, nên đợi đến khi nào chính mình chẳng còn bất cứ buộc ràng nào nữa thì mới tiến tu, vậy thì quý vị phải đợi đến bao giờ? Nói thật là ngày ấy chẳng bao giờ đến.
Ngay cả Đức Phật Thích Ca khi xưa cũng chẳng thể làm được như vậy, huống chi là phàm phu chúng ta nghiệp dày, phước mỏng mà mong có thể làm được hay sao? Trong Tăng đoàn của Phật, chúng ta thấy ngoài thì có Đề Bà Đạt Đa, trong thì có lục quần Tỳ Kheo, ngay chính trong số những đệ tử luôn theo Ngài học vẫn có không ít kẻ chẳng vâng lời, luôn khấy động sóng gió. Đức Phật Thích Ca mà còn chẳng có lấy 1 ngày thanh tịnh, nay quý vị mong muốn có được 1 ngày thanh tịnh để tu thì phải cần nhiều phước báo đến dường nào? Điều này chúng ta chẳng thể không giác ngộ.
Lão pháp sư Tịnh Không
A di đà phật
Mọi người đọc bài pháp này xong sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu sau mấy tuần “sóng gió” vừa qua.
Đệ xin cảm tạ quý sư huynh trong Ban biên tập
A DI ĐÀ PHẬT…
Kính gởi liên hữu Vô Thường:
– Sau mấy tuần “sóng gió” vừa qua? Theo TĐ nghĩ là chuyện treo hình Phật Adidaphat trong phòng ngủ phải ko? Không phải là sóng gió, mà là nên, hay không nên treo hình Adidaphat trong phòng ngủ mà thôi. Vài lời chia sẽ với liên hữu Vô Thường.
A DI ĐÀ PHẬT…
Bài viết này chúng ta phải nên học thuộc.
A Di Đà Phật
Xin cảm niệm công đức Ban Biên Tập thật nhiều. BBT luôn đăng các bài Pháp thật hay thật hữu ích, giúp mọi người nương theo tu học. Lợi ích không thể kể xiết. A Di Đà Phật!
Nhưng dạo gần đây, lên trang này mình lại cảm thấy thiếu thiếu… đó là mục “Các bài Pháp ngẫu nhiên” dạo này sao không còn thấy nữa. Trước đây mình rất hay xem những mục trong này…
A Di Đà Phật!
“Chúng ta ở nơi đây bình tĩnh mà suy xét, chúng ta niệm Phật rốt cuộc để làm gì? Là để cầu Nhất Tâm Bất Loạn”
Nam mô A Mi Đà Phật, tôi là bậc phàm phu đầy dẫy phiền não, nhờ chút căn lành biết được pháp môn Tịnh Độ. Tôi đã đọc qua các kinh Tịnh độ A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, cùng lời dạy của 13 vị tổ sư Tịnh Độ… tôi chỉ được nghe nói phải một lòng niệm Phật, dốc lòng cầu Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc.
Chứ tôi chưa hề nghe nói đến việc niệm Phật là để cầu Nhất Tâm Bất Loạn.
Vậy kính xin các bậc thiện tri thức nói rõ chỗ này, để tránh có những nghi ngờ không đáng có, để chúng ta vững bước trên con đường Giác Ngộ…
Sau đây tôi xin trích 1 phần lời dạy của Nhị Tổ Thiện Đạo ( hóa thân của Phật A Di Đà ) để chúng ta tiện thảo luận:
“- “Pháp môn niệm Phật tệ hại đến nước này như ngày nay, thì mổi một đồng tu niệm Phật chúng ta phải nên thống thiết mà phản tỉnh, hổ thẹn mà sám hối.
Chúng ta phụ rẩy sự chờ đợi nhớ mong của Phật A Di Đà đã nhiều kiếp! Cũng đã phụ lòng Thích Ca Mâu Ni Phật khẩn thiết dặn dò hết lời khuyên bảo! càng phụ lòng bi tâm kỳ vọng, khuyến tấn tán dương, chứng minh khen ngợi của mười phương tất cả chư Phật! Nghĩ đến chổ này, mổi một người niệm Phật phải nên thống thiết mà rơi lệ, không chổ dung thân!
Mỗi một vị dạy bảo người niệm Phật, cũng phải nên phản tỉnh: tại vì sao đem đại pháp Di Đà nương vào Phật lực, nhất định an tâm, tín nguyện niệm Phật, quyết định vãng sanh thành Phật, thì dạy thành dựa vào tự lực, hoài nghi bất an, không được nhất tâm, không cách gì vãng sanh ?”
A Di Đà Phật
Bạn Hoa Sen,
Ba yếu chỉ của người học pháp chúng ta luôn phải nương theo: Văn-Tư-Tu. Văn là nghe. Tư là suy tư. Tu là sửa và hành.
TĐ để ý thời gian gần đây hầu như các bạn đọc pháp, nhưng chưa thực có sự suy tư sâu sắc về bài pháp, mà luôn vội lấy (trích) ra một vài ý trong các bài pháp, rồi đặt ra những nghi vấn và cho đó là không đúng pháp, hay sai, trật với ý kinh, lời Phật, Tổ…
Ví thử bạn thắc mắc: “Chứ tôi chưa hề nghe nói đến việc niệm Phật là để cầu Nhất Tâm Bất Loạn”.
Trước khi đặt nghi vấn bạn phải tư duy và quán xét: Nhất tâm bất loạn là gì? HT Tịnh Không nói trong bài giảng rất cụ thể: “ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm”.
Thế nào gọi là “ngoài chẳng chấp tướng”? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc 6 cảnh trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp nhưng chẳng sanh vọng thức, nghĩa là không khởi tâm phân biệt, chấp trước, tất chẳng bị cảnh trần lôi kéo và đương nhiên phiền não không dấy khởi. Trong đạo gọi là ngoại phiền não.
Thế nào gọi là “trong chẳng động tâm”? Ngồi niệm Phật, miệng niệm-tai lắng nghe từng chữ, từng câu-tâm ghi nhớ rõ từng chữ, từng câu không sai lệch, không khởi bất cứ vọng niệm nào khác. Trái lại nếu miệng niệm, tai chẳng nghe lại thu nhiếp đủ thứ thanh trần bên ngoài, tâm chẳng nhiếp Phật hiệu lại khởi đủ thứ tướng trần lao, phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi…) đó là nội phiền não.
Người niệm Phật mà không nắm vững hai điều tối yếu này dẫu niệm muôn biến Phật hiệu cũng chẳng đắc lạc.
Do vậy “Nhất Tâm Bất Loạn” không nghĩa gì khác: ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm.
Học pháp chúng ta đừng quên: phải nương theo Tứ Y Pháp và Bát Chánh Đạo. Nếu bỏ qua, hoặc không thèm quan tâm tới những điều trọng yếu này, chúng ta sẽ luôn rơi vào vọng kiến rồi dẫn tới điên đảo.
Mong các bạn tỉnh táo tu đạo.
TĐ
Chào bạn Hoa Sen,
Các bạn sen đã chia sẻ rất ổn, PH cũng xin góp chút ý với mong mỏi giúp bạn phá nghi. Chắc bạn đã biết về tự lực và tha lực, ý của ngài Tịnh Không là dựa trên kinh A Di Đà nên không sai. Còn ý đủ tín, nguyện, hạnh, lâm chung giữ vững nguyện cầu vãng sanh niệm Phật là dựa trên nguyện thứ 18. Nếu quá nghiêng về tự lực, thì người không đạt được nhất tâm sẽ bị thối tâm, nếu quá ỷ lại vào tha lực, không cố gắng tu buông lung tâm ý sẽ dễ bị nghiệp lực lôi kéo mà quên đi nguyện vãng sanh. PH cho rằng ngài Tịnh Không và Tổ tùy theo tình hình đại chúng mà có sự nhấn mạnh khác nhau. Ví dụ, Tổ thấy đại chúng lúc đó quá chú trọng vào tự lực, mà xem nhẹ hoặc bỏ qua tha lực, làm người sơ cơ thối tâm, nên ngài nhấn mạnh tha nguyện lực. Còn ngài Tịnh Không thấy đại chúng hiện tại quá ỷ lại vào tha lực, không nhiếp tâm niệm Phật, không thật tín, nguyện, hành, buông lung tâm ý, thì ngài nhấn mạnh phần tự lực. Cả hai vị đều giảng như kinh đã dạy nên không có gì mâu thuẫn. Người tu chúng ta tùy tình trạng của mình mà tu tập như pháp.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
chào Hoa Sen !
Đọc câu hỏi của bạn thì tôi biết bạn là người thâm nhập pháp môn Tịnh độ chưa sâu, nên mới sinh ra những ý nghĩ phân biệt chấp trước này. Nhưng không sao “muốn biết phải hỏi muốn giỏi phải học” mà.
Đúng là trong kinh Tịnh độ và những bài luận của các bậc Tổ sư để lại đều khuyên chúng ta niệm Phật cầu sanh Cực lạc chứ ít khi nghe nói khuyên chúng ta cầu nhất tâm bất loạn. Nhưng để vãng sanh về Thế giới cực lạc một cách chắc chắn thì bạn phải bước qua một cánh cửa đó là phải đạt được tâm địa thanh tịnh, tức là nhất tâm bất loạn.Nghĩa là trong tâm bạn chỉ có A Di Đà Phật mà không có ý niệm nào khác.Do đó bạn một lòng niệm Phật nghĩa là bạn đang “cầu nhất tâm bất loạn”, cũng tức là bạn đang “cầu vãng sanh Cực lạc thế giới”. Hai ý này là cùng một ý nghĩa, chẳng qua ngôn từ khác nhau. Người thâm nhập sâu pháp môn Tịnh độ rồi thì sẽ không chấp trước vấn đề này
Thích Ca Mâu Ni Phật cũng dạy chúng ta “Y nghĩa bất y ngữ” trong Tứ y pháp; nghĩa là không nên hiểu theo ngôn từ, văn tự mà phải hiểu theo ý nghĩa đằng sau đó. Do vậy người niệm Phật chúng ta không nên thắc mắc nhiều,nó sẽ làm tâm ta tán loạn . Chúng ta cứ thật thà niệm Phật và làm theo lời Phật dạy trong kinh thì chắn chắn chúng ta sẽ được tâm thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh thì trí tuệ tự nhiên khai mở,lúc đó bạn sẽ tự hiểu ra mọi vấn đề
Chúc bạn tu tốt và hẹn gặp bạn ở Tây Phương Cực Lạc !
Đạo hữu đây đánh đồng cầu “nhất tâm bất loạn” đồng nghĩa với ” cầu vãng sanh Cực Lạc” thì thấy cà tà kiến hết sức điên đảo của đạo hữu.
Tổ sư Ngẫu Ích nói:
“Nếu tin chắc chắn, nguyện được tròn đầy, tuy tán tâm niệm Phật, cũng được vãng sanh . Còn như tin không thật, nguyện không mạnh, tuy nhất tâm bất loạn, cũng không được vãng sanh”
Xin nhắc lại: Tin không thật nguyện không mạnh=> NHẤT TÂM BẤT LOẠN CŨNG KHÔNG VÃNG SANH
Cực Lạc có 9 phẩm, nói rộng ra tùy nghiệp lực của mỗi người thì có vô lượng vô biên phẩm. Không thượng phẩm thì còn trung phẩm, hạ phẩm
Cứ lấy cái chuẩn mực Nhất tâm bất loạn, tâm tịnh thì cõi nước tịnh mới cho rằng mới bảo đảm vãng sanh. Bạn đem lời này giảng cho hạng ông già bà cả, hạng hạ liệt căn người ta có hiểu không, thậm chí nghe qua người ta nói thôi phức tạp quá tôi không hiểu, không biết,không tu đâu, thì coi chừng bạn đang phá Pháp Thân Huệ Mạng của người, tội này bạn gánh nổi hay không?
Kính chào các đạo hữu.
Vô tình đọc được bài viết này và xem các bài phúc đáp, mình xin góp ý vài lời thế này:
Theo mình hiểu, muốn vãng sanh Cực Lạc cần có 3 điều kiện chính là tín-nguyện-hạnh. Tín nguyện hạnh phải hiểu cho rốt ráo, các tổ thường dạy “tín sâu, nguyện thiết, hành chuyên”. Những điều này có thể mỗi người đã từng nghe qua nhiều lần nhưng số người hiểu đúng và hành trì đúng thì rất ít. Điều kiện để vãng sanh Tây Phương ngoài tín nguyện thì cần niệm Phật lúc lâm chung (đọc sách NIỆM PHẬT THẬP YẾU của cố HT Thích Thiền Tâm sẽ rõ). Để niệm Phật được lúc lâm chung, bình thường phải niệm Phật chuyên cần, trong đó “nhất tâm bất loạn” là điều mà hành giả Tịnh Độ hướng đến. Vì khi đạt “nhất tâm bất loạn”, lúc lâm chung chắc chắn sẽ niệm Phật, kết hợp với tín nguyện tha thiết, người này chắc chắn vãng sanh Tây Phương. Tuy “nhất tâm bất loạn” rất khó đạt được nhưng nó là mục tiêu mà hành giả Tịnh Độ hướng đến. Khi đưa ra tiêu chuẩn này và cố gắng phấn đấu, dù không đạt được thì cũng có thể đạt niệm Phật thành phiến hoặc thấp hơn 1 chút. Nói chung lúc bình thường niệm Phật chuyên cần thì khi lâm chung sẽ dễ khởi lên câu Phật hiệu. Do vậy theo mình nghĩ lời các thầy tổ dạy không chống trái nhau, tùy từng hoàn cảnh từng điều kiện cụ thể mà các thầy dạy cho phù hợp (cốt sao người nghe có lợi ích). Chúng ta cần tìm hiểu kỹ, đọc nhiều các sách Tịnh Độ và tư duy nghiền ngẫm để hiểu được căn bản giáo lý pháp môn Tịnh Độ.
Bản thân mình thường đọc sách Niệm Phật Thập Yếu, các sách của HT. Tịnh Không, lời dạy của các thầy tổ: Hám Sơn, Triệt Ngộ, Ngẫu Ích, Tử Bá, Quảng Khâm, Thật Hiền …
Khi đọc sách nhiều các bạn sẽ hiểu rốt ráo hơn và hành trì không bị sai lạc.
Chúc các đạo hữu tinh tấn tu hành và sớm sanh Tịnh Độ.
A Di Đà Phật
Xin chân thành cảm ơn BBT. Kính chúc BBT Phật sự viên thành, vì chúng sanh khổ nạn. A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật. Kính gửi Quý đồng tu. Mình lại muốn chia sẻ một đoạn trong cuốn CUỘC ĐỜI CỦA LÃO HT HẢI HIỀN. Trong đoạn này có một câu nói của HT mà mình nhận thấy đó đúng là một phương pháp rất hay để đối trị Phiền não, dĩ nhiên bên cạnh ‘thuốc’ quen thuộc A Dà Đà – dùng câu Phật hiệu để đè phiền não.
”
Mùa thu năm 2008, lão Hòa thượng trịnh trọng đem chùa Lai Phật ủy thác cho Pháp sư Ấn Chí đệ tử của Ngài. Về việc quản lý tự viện, Ngài nói với Pháp sư Ấn Chí: “Đừng sợ không có chùa, chỉ sợ không có đạo.” Ngài còn căn dặn Pháp sư Ấn Chí: “Không điếc không mù, không xứng đáng trụ trì”, ý là bảo Pháp sư phải nhẫn, phải nhường.
”
Thật đơn giản thôi nhưng mình thấy lại vô cùng hiệu nghiệm, có thể ngăn được những phiền não ‘hạng nặng’.
Vâng. Khi phiền não chuẩn bị khởi lên, cứ NHƯ ĐIẾC, NHƯ MÙ vậy. Đó cũng giống như lời giảng của HT Tịnh Không trong một bài giảng nào đó, ‘Nghe như không nghe, thấy như không thấy’ vậy. Quý vị cứ thử áp dụng xem…
A Di Đà Phật!
Wow cảm ơn chú TT, cháu nghĩ phương pháp nầy của chú đã nói tới hay đấy. Cháu thử xem sao, cháu cảm ơn ạ. Nam mô A Di Đà Phật