Lão Hòa thượng truyền giới – sư phụ của Hòa thượng Hải Hiền – sau khi thế độ cho Ngài xong, nói với Ngài một câu: “‘Nam Mô A Di Đà Phật’, phải luôn niệm như vậy.” Sau đó lại bổ sung một câu: “Hiểu rõ rồi thì không được nói lung tung, không được khua tay múa chân.” Câu “hiểu rõ rồi” này của lão Hòa thượng Truyền Giới là có ý gì? Là chỉ khai ngộ. Khai ngộ rồi thì cái gì cũng biết, nhưng mà không được nói. Hòa thượng Hải hiền nghe lời, Ngài thật làm, thật sự có trí tuệ, thật sự có thần thông, mà lại không để lộ chút gì, vết tích cũng không có.
Nếu như một người tâm địa thanh tịnh, một vọng niệm cũng không sanh, thì đối mặt với cảnh giới bên ngoài cái gì cũng hiểu rõ, không những hiểu rõ cảnh giới trước mắt, đối với cảnh giới của quá khứ và vị lai thảy đều hiểu rõ, đây chính là cái gọi là thần thông hiện tiền. Thần thông là dựa vào phương pháp tu thiền định mà được tác dụng là vô ngại tự tại, siêu vượt nhân gian.
Lão Hòa thượng có trí tuệ, có người nói Ngài có thần thông, nhưng lão Hòa thượng một chút cũng không tiết lộ. Pháp sư Ấn Chí nói, lão Hòa thượng không cho rằng mình có thần thông.
Rốt cuộc lão Hòa thượng có thần thông hay không? Cho dù thần thông của Ngài hiện ra, mọi người cũng không biết. Nếu có người hỏi Ngài, Ngài không thừa nhận! Đây là gọi lão thật, hà tất phải cho người khác biết? Đến khi mọi người đều biết, Ngài đã vãng sanh Thế giới Cực Lạc rồi.
Sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, Pháp sư Ấn Chí đã nghĩ lại những việc của sư phụ khiến cho bản thân không thấu suốt.
Pháp sư Ấn Chí xuất gia không lâu, lúc đó phía trước tự viện vẫn là một vườn cải, bây giờ vườn cải đó đã trồng một hàng hoa tươi. Cải trong vườn trồng được rất tốt, nhưng mà bởi vì nhiều ngày không có mưa, cộng thêm nhiệt độ cao trong nhiều ngày liền, lá cải bị nắng chiếu đến khô héo. Những người trong thôn phơi lúa mì ở trước cửa tự viện nói là trên tivi dự báo, vài ngày gần đây sẽ không có mưa. Buổi chiều ngày hôm đó, đột nhiên lão Hòa thượng kêu pháp sư Ấn Chí, Ấn Vinh cùng nhau đào cái cống thoát nước ở vườn rau.
Pháp sư Ấn Chí nói: “Sư phụ, trời còn hạn lâu, sắp hạn chết rồi, đào cái gì thoát nước vậy?”
Lão Hòa thượng chỉ trả lời nhẹ nhàng, đơn giản: “Con đào đi.”
Pháp sư Ấn Vinh cũng không hiểu, trong lòng nghĩ: Trời nóng như vậy, lại hạn không có mưa, còn đào cống thoát nước gì chứ?
Pháp sư Ấn Chí không biết làm sao mà nói: “Sư phụ kêu đào, vậy thì đào đi.” Tuy rằng pháp sư Ấn Chí cảm thấy rất miễn cưỡng, nhưng mà không muốn làm cho lão Hòa thượng giận, nên cũng làm theo. Vậy là mọi người đều cầm lấy cái xẻng bắt đầu đào. Những người nông dân bên cạnh nhìn thấy còn cười pháp sư Ấn Vinh quá ngốc, lại đi nghe lời nói nhảm của lão Hòa thượng.
Không ngờ chiều ngày thứ nhất đào xong cái cống thoát nước, chiều ngày thứ hai thì mưa như trút nước, liên tục mưa mấy tiếng đồng hồ. May mà đã làm việc phòng bị xong, vườn rau và tự viện mới không bị tích nước.
Trời đang hạn hán, nhất định để mọi người đào cống thoát nước, kết quả ngày thứ hai thật sự đã mưa xuống. Pháp sư Ấn Chí bội phục lão Hòa thượng tận đáy lòng! Ngài cảm thấy lão Hòa thượng thật sự rất tài ba, kinh nghiệm phong phú, bất kể làm việc gì cũng rất là tinh thông. Lần này pháp sư Ấn Chí là thực lòng tin phục, không còn giống như những lần trước nữa. Pháp sư Ấn Vinh đối việc này vẫn còn chút không thấu, nhưng trong lòng cũng đã tăng thêm bội phục đối với lão Hòa thượng.
Mùa hè năm 2012, có vài người lạ đến chùa Viên Minh, họ hy vọng có thể ở đây trọ lại tự viện (tức là ngủ qua đêm). Lúc đó lão Hòa thượng Hải Hiền cũng ở chùa Viên Minh. Những vị đó nghe nói trong tự viện có vị cao Tăng hơn trăm tuổi, đều muốn đi bái kiến. Lúc này lão Hòa thượng đang nằm trên giường nghỉ ngơi, nhìn thấy có khách đến Ngài cũng không ngồi dậy.
Nếu như thường ngày, lão Hòa thượng nhất định rất hoan hỷ mà ngồi dậy chào hỏi khách, không ngờ lần này thái độ của Ngài rất lạnh nhạt. Ngài nằm ở đó không động đậy, miệng nói chuyện từ tốn: “Tuổi tác tôi đã lớn rồi, tự viện này chỉ có một người là Ấn Vinh, mà còn là nữ chúng, cho nên chỗ này của chúng tôi không hiếu khách, không thể qua đêm.”
Việc làm của lão Hòa thượng làm cho Pháp sư Ấn Vinh vô cùng kinh ngạc, Ngài thật sự không hiểu vì sao hôm nay lão Hòa thượng lại có thái độ khác thường như vậy. Sau đó vị cư sĩ biết rõ tình hình nói với pháp sư Ấn Vinh, những người đó là người truyền bá tà giáo.
Ngoài chùa Viên Minh có miếng đất trống, ở đó trồng một ít rau cải và hoa màu, có khi có người đi đường không cẩn thận giẫm lên mầm cải. Pháp sư Ấn Vinh muốn lấp lại con đường đó, đúng lúc bên cạnh đó có hai trục lăn lúa để không, nên Ngài qua đó đẩy nó. Nhưng trục lăn lúa quá nặng, làm chân Ngài cũng trượt mấy lần, trục lăn lúa vẫn bất động. Sau khi lão Hòa thượng Hải Hiền nhìn thấy, đi qua đó, chỉ thấy Ngài khom lưng xuống, vừa ra sức thì đã dịch chuyển được trục lăn lúa đến bên đường. Sư phụ làm sao có được sức lực lớn như vậy?
Tất cả những cử động của lão Hòa thượng đều làm Ngài thấy khó hiểu, pháp sư Ấn Vinh thật sự không biết phải làm sao cho đúng. Ngài và Pháp sư Ấn Chí như nhau, thật sự không cho rằng lão Hòa thượng có thần thông, Ngài chỉ cảm thấy lão Hòa thượng có kinh nghiệm phong phú, trong lòng vô cùng bội phục.
Còn có một lần, lão Hòa thượng lại có thể giúp đỡ cư sĩ Hoàng tránh khỏi tai họa lao tù. Cư sĩ Hoàng hộ trì pháp sư Ấn Sanh nhiều năm. Một ngày của 20 năm trước, cư sĩ Hoàng đến chùa Lai Phật thăm lão Hòa thượng Hải Hiền, lão Hòa thượng giữ cư sĩ Hoàng ở tự viện một đêm, nhưng cư sĩ Hoàng từ chối, nói không thể ở, cư sĩ Hoàng phải về nhà gấp để đưa cháu đi lính. Lão Hòa thượng nói: “Nó cũng đâu phải là con nít trong nhà, lại không mất được, cậu cứ đòi đưa nó đi làm gì?” Lão Hòa thượng bất luận thế nào cũng ngăn cản không để cư sĩ Hoàng đi, đây là lần duy nhất trong đời người lão Hòa thượng ngăn cản người khác.
Thì ra huyện Đồng Bách xuất hiện một án giết người, hung thủ có quen biết với cư sĩ Hoàng, hôm đó chạy đến nhà của cư sĩ Hoàng trốn, thấy không có cư sĩ Hoàng ở nhà, thì đi qua nhà của Chi Thư. Ngày thứ hai, cục công an bắt được hung thủ, Chi Thư là người chứa chấp tội phạm cũng bị bắt, phạt hết tám ngàn, còn phải ngồi tù một năm. Nếu như cư sĩ Hoàng ở nhà, hậu quả không cần nói cũng biết.
Còn có mấy lần là bản thân lão Hòa thượng gần với nguy hiểm, cuối cùng cũng là chuyển nguy thành an. Sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, có lần pháp sư Diễn Cường nói với pháp sư Ấn Vinh: “Cô không biết những cửa ải mà Ngài đã trải qua! Phàm phu chúng ta đây cũng không nhìn ra áo diệu của chân Phật đâu!”
Những điểm mà lão Hòa thượng Hải Hiền hơn người khác chính là lão thật, nghe lời, thật làm, vì vậy Ngài thành tựu rất nhanh. Dựa vào một câu Phật hiệu được lý nhất tâm bất loạn, cho nên điều gì Ngài cũng biết, nhưng mà Ngài không nói. Tại sao không nói? Không có ai nghe hiểu được, không có ai làm được giống Ngài. Vì vậy, Ngài hoàn toàn biểu diễn trong sinh hoạt thường ngày, người biết nhìn có thể nhìn thấy được, người không biết nhìn nói với Ngài cũng vô dụng, chỉ rước phiền phức cho chính mình.
Vì vậy lão Hòa thượng cả đời này biểu diễn rất thanh tao, nhưng mà trong thanh tao có thần kỳ, trong thanh tao có vi diệu.
Trích Cuộc Đời Hòa Thượng Hải Hiền
Chuyển ngữ: Diệu Âm Diệu Hiệp
Độ bản thân, thành tựu bản thân, phải là điều đầu tiên
Cho nên trong lục đạo chúng sanh cái gì là đáng quí nhất? Điều Phật cho chúng ta là đáng quí nhất, số người biết được ít quá. Cảnh giới hiện tiền vẫn bị cảnh giới chuyển, người như vậy chiếm tuyệt đại đa số, tôi cũng là người như vậy. Tôi làm sao có thể giữ vững để không bị cảnh giới chuyển? Luôn thận trọng, sức mạnh bên ngoài lớn lắm, lớn lắm. Thực sự biết trì giới, thực sự biết chịu khó, tôi tình nguyện suốt đời này chịu khổ, tôi đến Thế giới Cực Lạc sẽ không còn chịu khổ nữa. Suốt đời này nếu như tôi không nhẫn nại được, vẫn còn muốn hưởng thụ, thì khổ trong lục đạo luân hồi phải chịu rồi. Sự thực này bày ra trước mắt, quí vị phải nhìn cho rõ. Quí vị không nhìn rõ thì chịu thiệt là quí vị thôi, không phải là người khác. Quí vị chịu khổ nơi ác đạo, không ai có thể thay thế quí vị. Chỉ chỉ có một cách là ngày ngày không rời Phật A Di Đà, ngày ngày không rời kinh giáo, ở nơi này chúng ta không nên chấp trước, đều buông xả hết. Đối với kinh giáo, đối với Phật A Di Đà chắc chắn phải chấp trì, phải chấp trước, phải duy trì. Đời này chúng ta liền được độ. Cuộc sống hiện tại cứ mặc nó. Có ăn thì ăn, có mặc thì mặc, không có ăn, không có mặc thì đến Thế giới Cực Lạc, nhất định không phân biệt chấp trước, nhất định không khởi tâm động niệm, thì tâm là định.
Trong giáo lý Đại-thừa Phật thường nói: Phật độ người hữu duyên, người hữu duyên là gì? Họ thật tin, họ thực phát nguyện, thật làm. Đó là người hữu duyên. Thông thường nói là người chân thật, nghe lời, thật làm. Vậy người không chân thật thì sao? Tùy họ thôi. Học được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, không nên để tâm làm gì. Quí vị sẽ rất tự tại, rất an vui. Mỗi người có thời tiết nhân duyên, đời này họ không thể thành tựu, đời sau đời sau nữa sẽ thành tựu. Phật Bồ Tát cũng không lo lắng, chúng ta lo lắng thì có ích gì? Chúng ta trong đời này, độ bản thân, thành tựu bản thân, phải là điều đầu tiên; giúp đỡ người khác là thứ hai. Nếu xem việc giúp đỡ người khác là số một, vậy thì bản thân đời này không được độ rồi, vẫn phải luân hồi, vậy là sai rồi, sai lầm lớn lắm. Biết bao nhiêu người trong đời này có tu có học, có duyên với chúng sanh, rộng độ chúng sanh, bản thân thì không thể vãng sanh. Làm được bao nhiêu việc tốt đến cõi trời rồi, cõi trời có Phật ở đó giáo hóa. Dục giới thiên có Phật Bồ Tát đang giảng kinh dạy học, sắc giới thiên cũng có, vô sắc giới thiên không có. Đó là một cõi cơm no áo ấm, hạnh phúc mỹ mãn. Khác với thế giới của chúng ta, họ đang hưởng phúc, hiện tại ta đang chịu tội. Hưởng phúc có thể xả bỏ được không? Có thể, nếu thực sự chịu làm, tất cả đều buông xả, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, còn khó khăn hơn chúng ta hiện nay. Ngạn ngữ có câu: “phú quý học đạo khó”, họ không nỡ rời bỏ phú quý, cho nên họ khó khăn hơn chúng ta. Chúng ta hiểu được những chân tướng sự thật này, cuộc sống hiện tại của chúng ta sẽ rất hài lòng. Chúng ta gọi đó là gia đình trung lưu, ăn mặc không thiếu, không có phúc gì để hưởng, nhưng cũng bị chịu tội gì nặng nề. Đó là gia đình bậc trung, đây là hoàn cảnh tu học lý tưởng nhất.
Đại hùng bảo điện của chúng ta, Phật đường của chúng ta chỉ có một cái tủ nhỏ, vậy là đủ rồi. Chư Phật Bồ Tát đều ở nơi đó, tương ưng với lý, tương ưng với tánh, tương ưng với pháp giới. Chúng ta phải hiểu biết rõ về nó.
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa:
[Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK ~ tập, 416
Thời gian từ:00h36:22:14 – 00h43:32:07
CÓ THỂ VÃNG SANH HAY KHÔNG CHỚ NÊN ĐI HỎI NGƯỜI KHÁC, MÀ HÃY TỰ HỎI CHÍNH MÌNH.
Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, quý vị chẳng vãng sanh thì thôi, hễ vãng sanh dẫu chỉ là hạ hạ phầm vãng sanh thì đều viên chứng Tam Bất Thoái. Quý vị hãy suy nghĩ xem tiện nghi như thế tìm ở đâu ra?
Phàm là người niệm Phật, ai nấy đều mong mình có thể thuận lợi mà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Vậy có thể vãng sanh hay không? Nói thật ra, muốn biết chính mình có thể vãng sanh hay không chớ nên đi hỏi người khác, mà hãy tự hỏi chính mình. Nếu người khác nghe xong mà nói rằng:
_ ” Quý vị nhất định được vãng sanh, chẳng có vấn đề gì”.
Điều này chẳng thể đảm bảo. Đến lúc lâm chung quý vị có thể vãng sanh hay không thì vẫn phải dựa vào chính mình, chẳng thể trông cậy kẻ khác giúp cho. Cũng tức là nói quý vị phải tự trừ bỏ chướng ngại, tự buông bỏ vọng tưởng trong tâm xuống. Nếu chướng ngại không trừ bỏ, vọng tưởng không thể buông xuống, vậy thì con đường vãng sanh này quý vị chẳng thể đi đến đích được.
Cho nên, lúc bình thời quý vị cần phải siêng năng chuyên cần niệm Phật, chớ nên tạo cho mình thói quen biếng trễ. Phải thường xuyên kiểm thảo xem câu Phật hiệu của chính mình niệm đó có đắc lực hay chưa. Đắc lực là gì vậy? Khi ta niệm câu Phật hiệu này, quả thật có thể niệm trừ được phiền não vọng tưởng của chính mình. Khi chẳng niệm Phật, phiền não vọng tưởng đua nhau dấy lên. Đến khi ta niệm Phật, quả thật có thể đem phiền não vọng tưởng đè xuống. Công phu như thế gọi là đắc lực. Nếu như niệm tới niệm lui mà vọng tưởng phiền não vẫn dấy lên như cũ, vậy thì câu Phật này không có đắc lực. Chính mình phải tự hiểu lấy tình huống này, để biết được cần phải làm cách nào để giúp cho công phu của mình đi đến chổ đắc lực, vậy thì mới nắm chắc phần vãng sanh.
Cổ Đức thường nói: _ ” Người niệm Phật phải thường dán chữ chết trên trán”.
Chúng ta phải hiểu dụng ý thật sự của câu nói này. Để làm gì? Thứ nhất nhất là để tự nâng cao sự cảnh giác của chính mình. Thứ hai là dạy chúng ta hãy buông xuống vạn duyên. Trong Kinh Phật hay nói rằng:
_ ” Sanh ra chẳng mang theo gì đến. Chết chẳng mang theo gì đi”.
Đây tức là quý vị chẳng thể mang theo được gì cả. Khuyến khích chúng ta hãy buông xuống hết thẩy thân tâm và thế giới. Như vậy công phu mới dễ đắc lực. Có được ý niệm cảnh giác này, quý vị sẽ tinh tấn chẳng biếng lười, chẳng dám khi dễ mà bỏ lỡ ngày tháng quý báu của mình nữa. Thay vì dùng thời gian quý báu của mình để mà dấy khởi vọng tưởng, để đến sau cùng vẫn phải trôi lăn trong luân hồi lục đạo. Sao không dùng thời gian ấy để niệm Phật mà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, vĩnh viễn chấm dứt luân hồi chứ?
A Di Đà Phật!
_ Pháp sư Tịnh Không_