Pháp sư Oánh Kha đời Tống, người thợ vá nồi, và gần đây nhất là lão hòa thượng Hải Hiền, thật ra bao gồm hết những người vãng sanh có chép trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, họ đều có một điểm giống nhau; lý do họ niệm Phật thành công đều ẩn kín một đại tiền đề dễ bị mọi người coi thường. Chúng ta coi kinh nghiệm của họ, chuyện nào cũng có chung một điểm, đó là tâm sanh tử của họ đều khẩn thiết. Nếu tâm sanh tử khẩn thiết, nhất định là tâm cầu mong vãng sanh cũng rất khẩn thiết. Nếu tâm cầu vãng sanh khẩn thiết, nhất định sẽ mong cho mình sớm có ngày được vãng sanh. Thế giới này khổ không nói nổi, tôi còn muốn ở lại nơi đây làm gì? Tốt nhất là vừa nhắm mắt, đức Phật A Di Đà liền tiếp dẫn tôi đi, dù một khoảnh khắc cũng chẳng muốn lưu lại, không thể chờ lâu được. Lão hòa thượng Hải Hiền là như vậy, đó gọi là chân tín thiết nguyện.
Chúng ta đọc thơ của người xưa bèn có thể hiểu được tâm trạng này. Mọi người đều rất quen thuộc với quốc sư Trung Phong, Ngài nói:
“Dù cho thành Phật hôm nay,
Lạc bang hóa chủ cũng chê trễ rồi,
Nếu còn bàn luận khơi khơi,
Luân hồi giữ chặt đến đời nào buông”.
Lại xem bài thơ của Nhật Quán đại sư trong tập Hoài An Dưỡng có ghi:
“Trong mộng khóc thưa Phật,
Nguyện sớm được vãng sanh,
Đóa sen nho nhỏ nở,
Vĩnh viễn thoát tử sanh”.
Ý bài này là nói dù trong mộng, tôi cũng không ngừng khóc trước đức Phật A Di Đà cầu xin cho tôi sớm được vãng sanh, sớm thoát lìa thế giới Sa Bà. Không cần nói chi cao xa, chỉ cần đóa hoa sen nhỏ của tôi nở ra, từ lúc đó liền siêu thoát sanh tử, được giải thoát vĩnh viễn. Qua mấy câu này liền thấy nguyện vọng lớn nhất của Ngài là vãng sanh Cực Lạc thế giới, dùng chân tâm cầu nguyện vãng sanh.
Chúng ta coi hai đoạn nguyên văn của lão hòa thượng Hải Hiền:
“Nay tôi đã hơn trăm tuổi, muốn vãng sanh tới thế giới Cực Lạc tây phương, Lão Phật Gia (tức đức Phật A Di Đà) là cái cội gốc của tôi! Tôi đã cầu xin Lão Phật Gia mấy lần, muốn đi theo Phật, nhưng Lão Phật Gia chẳng cho tôi đi theo, [Phật] nói tôi tu tập tốt đẹp, phải sống thêm hai năm nữa, làm một tấm gương cho mọi người thấy”, “Tôi phải gấp rút niệm Phật, cầu A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi”.
Mọi người đừng coi thường những lời nói này. Chúng ta hãy thật lòng tự hỏi, cả đời mình có mấy lần đã thật sự từ đáy lòng phát nguyện muốn vãng sanh? Lại có bao nhiêu câu Phật hiệu là niệm ra từ chân tín thiết nguyện. Do vậy niệm Phật chẳng thể vãng sanh là một vấn đề vô cùng nghiêm túc trước mắt, và cũng là một vấn đề rất phổ biến.
Ấn Quang đại sư dạy: “Người vãng sanh ít ỏi, lý do thật sự là vì tín nguyện chẳng chân thật, chẳng thiết tha mà ra. Nếu tín nguyện chân thật, thiết tha, dù lúc lâm chung mới bắt đầu niệm cũng được vãng sanh”.
Lão hòa thượng Hải Hiền cả đời chỉ trì niệm sáu chữ hồng danh, từng giờ từng phút, từng ngày từng tháng, từng năm chưa hề gián đoạn. Vì sao Ngài có thể làm được như vậy? Đừng nói ngày nay chúng ta niệm Phật từ đầu năm tới cuối năm, ngay cả niệm Phật chỉ một ngày thôi chúng ta cũng niệm không được tốt đẹp. Lúc tinh thần tỉnh táo bèn khởi vọng tưởng, lúc tinh thần uể oải bèn ngủ gục. Niệm được một lát bèn không chịu niệm tiếp, không muốn niệm nữa, có đúng như vậy không? Vì sao lão nhân gia có thể niệm hai mươi bốn giờ đồng hồ không gián đoạn? Nguyên nhân là vì lão nhân gia có tâm sanh tử khẩn thiết. Có tâm sanh tử khẩn thiết, nhất định tâm cầu vãng sanh sẽ khẩn thiết. Có tâm mong cầu vãng sanh khẩn thiết, nhất định sẽ niệm miết câu Phật hiệu này ngày đêm không ngừng, không thể nào ngừng được.
Chúng ta hãy xem những người chân tâm tu hành đời xưa, ngày đêm tinh tấn:
Hoài Ngọc pháp sư cả đời thường ngồi chẳng nằm, tụng kinh Di Đà ba mươi vạn biến, mỗi ngày niệm Phật năm vạn tiếng.
Bảo Tướng pháp sư mỗi ngày tụng kinh A Di Đà bảy biến, niệm Phật sáu vạn tiếng.
Đạo Xước đại sư mỗi ngày niệm Phật bảy vạn tiếng.
Tư Chiếu pháp sư đời Tống mỗi ngày canh tư (từ 1 tới 3 giờ sáng) thức dậy bắt đầu niệm Phật, ba mươi năm như một ngày.
Liên Tông thập nhất tổ, Tỉnh Am đại sư đời Thanh, từ khi ngài thọ Cụ Túc giới năm hai mươi bốn tuổi, suốt đời mỗi ngày ăn một bữa, đêm ngồi không nằm. Đến cuối đời mỗi ngày niệm Phật mười vạn tiếng. Ngài viết một bài minh[“minh” là bài khắc chữ vào đồ vật để tự răn nhắc mình] Thốn Hương Trai đặt trong phòng tiếp khách như sau:
“Tôn khách tương phùng, vật đàm thế đế
Thốn hương vi kỳ, duy đạo thị ngữ
Bất cận nhân tình, bất câu tục lễ
Tri ngã tội ngã, thính chi nhi dĩ”
(Khi tiếp khách đừng bàn chuyện đời
Hạn chế một tấc hương, chỉ nói chuyện đạo
Chẳng cận nhân tình, chẳng nệ lễ tục
Hiểu tôi hay trách tôi, chỉ im lặng nghe mà thôi. )
Vì sao người xưa tu hành có thể ngày đêm dụng công chẳng ngừng, chẳng nghỉ? Vì tâm sanh tử của họ khẩn thiết. Nghĩ tới sanh tử là việc lớn, nghĩ tới vô thường nhanh chóng, một tích tắc cũng không chịu buông lỏng. Lý do chúng ta muốn bắt chước theo người thợ vá nồi chẳng được, niệm Phật không được lâu, Phật hiệu thường bị gián đoạn giữa chừng, nguyên nhân chính là vì tâm sanh tử không tha thiết.
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú kỳ thứ 4 (tập 83 )
Thời gian: 23-9-2014 tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 02-042-0083
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú.
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ. Như Hòa giảo chánh
Quý vị có biết bố thí và cúng dường khác nhau chỗ nào không?
Cũng đều là một hành động giống nhau nhưng tui nhận ra rằng khi mình cho đi một cách bình thường, như khi ta cho người ăn xin một ít bạc lẻ, thì đó gọi là bố thí. Cũng cùng một hành vi ấy nhưng khi cho chúng ta dùng tâm cung kính không khinh khi họ thì đó gọi là cúng dường.
Phước đức của việc cúng dường vượt xa hẳn phước đức bố thí rất nhiều quý vị ạ.
A Di Đà Phật.
Khi chưa bệnh thì thế gian nầy thật hết sức sung sướng và đầy đủ. Ðến khi bệnh, không động đậy được, không ăn uống được, mất hết tự do, chịu đủ thứ thống khổ khó khăn, lúc đó mới biết rằng nguyên nhân cái khổ là do thân này mà ra. Nhưng lúc biết vậy thì đã quá trễ. Bình thường mình không chịu kiểm điểm giữ giới tu tập, đến khi xuống tới Diêm Vương chịu vô lượng khổ mới biết rằng: lúc sinh tiền mình làm những chuyện không chính đáng, làm những chuyện sai lầm.
Lúc sống thấy người niệm Phật, thì mình phỉ báng, nói rằng họ mê tín, cười cho là họ ngu si. Bây giờ có hối hận thì đã muộn màng rồi. Không phải chờ đến lúc khát rồi mới đi đào giếng, như vậy thì quá trễ. Mình học Phật cũng vậy, phải hiểu rằng mọi sự vô thường, khổ không vô ngã không ai thoát được cái chết. Tại sao mình không lo tinh tấn chuyện hạ thủ công phu để giải quyết cái chết? Mình cần phải niệm đức A Di Ðà Phật tới độ là coi Ngài như sư phụ của mình, xem ngài Quán Thế Âm Bồ Tát như là người bạn của mình.
Nếu như được làm đệ tử của Phật, làm bạn của Bồ Tát, trải qua nhiều năm tháng, tự nhiên mình cũng sẽ trở thành bạn thân của các vị đó. Như vậy thì Chư Phật Bồ Tát sẽ tiếp dẫn mình về thế giới Cực Lạc vào phút cuối cùng, vì vậy quí vị đừng nên hoài nghi pháp môn Tịnh Độ thù thắng vi diệu này.
HOÀ THƯỢNG TUYÊN HOÁ