Rất nhiều đồng tu thường nói : “Tôi bận quá không có thời gian niệm Phật, đợi tới già, tới lúc nghỉ hưu rồi sẽ niệm”. Đây là vì tâm lo sợ Vô Thường chưa khởi lên, cách suy nghĩ này vô cùng nguy hiểm! Trong tác phẩm Tịnh Độ Hoặc Vấn, Thiên Như thiền sư đã giải đáp tường tận về vấn đề này.
“Hỏi: Cả đời tạo ác, lâm chung niệm Phật đới nghiệp vãng sanh lại chẳng thoái chuyển, đó là nhờ nguyện lực Di Đà nên mới được chẳng thể nghĩ bàn như vậy! Cho nên lúc còn sống tôi có thể bận rộn làm việc để lo cho sự nghiệp thế gian, đợi đến lúc lâm chung mới niệm Phật có được không?
Đáp: Khổ lắm, khổ lắm, nói như vậy là ngu ngốc hết sức! Phê sương pha rượu là chất độc nhất trong các thuốc độc. Câu nói này của quý vị còn độc hơn phê sương pha rượu nữa. Câu này sẽ lầm lạc chính mình, lại còn lầm lạc tăng, tục, thiện nam, tín nữ trên đời. Những kẻ nghịch ác phàm phu lúc lâm chung có thể niệm Phật đều là nhờ đời trước có thiện căn, phước đức, nhân duyên sâu dầy, nên gặp thiện tri thức khuyên bảo mới niệm Phật được. Đó là may mắn vô cùng, trong muôn vạn người chưa chắc có được một ai! Quý vị nghĩ mỗi người lúc lâm chung ai cũng được may mắn như vậy sao? Vì sao không coi trong Tịnh Độ Quần Nghi Luận đã nói thế gian có mười hạng người lúc lâm chung không thể niệm Phật như sau:
1. Không gặp được bạn tốt, chẳng ai khuyên niệm Phật được.
2. Nghiệp khổ trói buộc, không rảnh rỗi niệm Phật được.
3. Hoặc trúng gió, cứng họng không niệm được.
4. Cuồng loạn, mất trí, khó tập trung mà niệm.
5. Hoặc gặp nạn nước lửa, không thể chí thành mà niệm.
6. Gặp phải phường lang sói, chẳng gặp được bạn lành.
7. Lúc lâm chung, gặp kẻ xấu ác phá hoại tín tâm.
8. Ăn no quá mức, hôn mê tới chết.
9. Làm người lính phải chiến đấu, đột nhiên chết ngoài trận.
10. Té từ núi cao tổn hại tánh mạng.
Mười chuyện kể trên đều là những chuyện bình thường tai nghe mắt thấy, bất luận nam, nữ, Tăng, tục, ai cũng có. Hoặc do túc nghiệp chiêu cảm, hoặc do nghiệp hiện đời đẩy đưa thình lình hiện ra, chẳng có cách nào tránh khỏi. Quý vị chẳng phải là thánh nhân có thần thông, có Túc Mạng Thông mà biết lúc lâm chung có nghiệp hay không nghiệp! Lại chẳng có Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông mà biết mình lúc lâm chung sẽ chết nhẹ nhàng hay chết đớn đau, khổ sở.
Trong mười ác duyên nêu trên, chỉ cần gặp một duyên liền nhắm mắt xuôi tay, chẳng có cách nào xoay sở! Dù có thiện tri thức, Phật sống đến cũng chẳng cứu được, vẫn phải tùy nghiệp thọ báo, rơi vào tam đồ bát nạn chịu khổ, chịu tội. Đến lúc đó, muốn nghe danh hiệu Phật cũng chẳng được.
Nếu may mắn không gặp những ác duyên nói trên, chỉ vì bịnh nhẹ mà chết, cũng sẽ chẳng tránh khỏi bị gió đao cắt thịt, tứ đại phân ly, như rùa sống bị lột mai, như cua rớt xuống nồi canh nóng, đau khổ bức bách, sợ hãi cuống quýt, làm sao niệm Phật nổi?
Hoặc may là không bịnh mà chết, nhưng do bị duyên thế gian chưa dứt, ý niệm lưu luyến trần thế chưa buông, tham sống, sợ chết, nhiễu loạn tấm lòng. Nếu là người thế tục hiềm vì của cải gia đình chưa giải quyết ổn thỏa, hậu sự chưa xong, vợ con than khóc, trăm mối ưu tư, làm sao niệm Phật nổi?
Nếu may mắn trước lúc chết chỉ bị bịnh nhẹ, chịu đau, chịu khổ, kêu la rên xiết, tìm thuốc cứu chữa, cầu thọ sám hối, tạp niệm tơi bời, làm sao niệm Phật nổi?
Nếu may mắn lúc già chưa bịnh, nhưng vì lớn tuổi già yếu, tướng suy thoái hiện ra, khốn đốn, lao đao, buồn rầu, than vãn, lo nghĩ, suốt ngày chỉ chăm chút lo cho tấm thân già yếu, làm sao niệm Phật nổi?
Nếu may mắn khi chưa già, lúc còn tráng kiện, đúng là lúc niệm Phật tốt nhất, nhưng vì tâm cuồng loạn chưa dứt, mãi lo toan việc đời, lo đông lo tây, suy nghĩ vẩn vơ, nghiệp thức mù mờ làm sao niệm Phật nổi.
Nếu may mắn được thanh nhàn tự tại, có chí tu hành, nhưng đối với tướng trạng thế gian chẳng soi tỏ, chẳng buông nổi, chẳng nắm chắc, ngồi chẳng yên, một khi bất ngờ có cảnh giới hiện tiền, chủ nhân chạy theo cảnh điên đảo, làm sao niệm Phật nổi?
Lúc người ta già bịnh, hoặc lúc còn trẻ trung, tráng kiện, thanh nhàn, chỉ cần có một chuyện gì đó vướng mắc trong tâm thì đã niệm Phật không được, huống chi lúc lâm chung? Huống hồ còn những kẻ nói trọn đời làm sự nghiệp thế gian, quả thật là người ngu si cùng cực, phát ngôn những lời lầm lạc vô cùng, tôi dám đoan quyết là họ đã dụng tâm lầm lạc mất rồi! Vả lại, chuyện đời như mộng, như huyễn, như bóng, như tiếng vang, không có gì là thật, chẳng có chuyện nào thay thế chuyện sống chết được hết!
Dù có xây dựng thiệt nhiều chùa chiền, nuôi nhiều Tăng thường trụ, mong cầu danh lợi, kết thân với kẻ quyền thế, giàu sang, rồi cho đó là làm được nhiều Phật sự tốt mà không biết mình đã hủy phạm Như Lai, chẳng thấu đạt gốc đạo. Dựng nhiều ngôi già-lam, lại thêm giữ giới, nhưng phải biết: Công đức hữu vi có nhiều lầm lỗi, thiên đường chưa đến, địa ngục đã thành, sống chết chưa tỏ, đều thành gốc khổ, bỗng chốc xuôi tay, lúc chịu khổ mới hay rằng mọi việc đã làm trong lúc bình sinh toàn là cái gông chồng thêm cái cùm, xiềng xích chồng thêm xiềng xích, dưới vạc dầu lại thêm than củi, trong rừng kiếm lại thêm gươm dao. Một khi cái thân người làm kẻ tăng sĩ đã mất đi, muôn kiếp khó lại được làm thân người lần nữa! Sắt đá mà nghe được cũng phải rơi lệ. Tổ sư mỏi miệng khuyên người như vậy, lẽ đâu chấp nhận một đời bon chen sự nghiệp, đợi đến lúc lâm chung mới niệm Phật hay sao?”
Qúy vị không thấy Tử Tâm thiền sư dạy sao? “Người trong thế gian tài sản nhiều như núi, thê thiếp đầy nhà, ngày đêm hoan lạc. Chẳng lẽ họ không muốn sống lâu trên đời hay sao? Hiềm rằng tiền trình hữu hạn, trong âm thầm thúc giục. Trát đòi vừa tới, chẳng cho nán lại. Ông già Diêm Vương chẳng nể nhân tình, Quỷ vương Vô Thường chẳng trọng mặt mũi. Dựa vào những gì người ta đích thân mắt thấy, tai nghe, hẻm trước lối sau, những kẻ quyến thuộc thân tình, huynh đệ bằng hữu, bọn hậu sanh cường tráng, biết bao nhiêu người đã chết? Người đời thường nói ‘đợi tới già mới niệm Phật’, biết chăng đường đến suối vàng chẳng phân biệt già trẻ? Hơn nữa, có bao nhiêu người có thể sống đến già? Những kẻ chết non, chết yểu thiếu gì!
Tử Tâm rát miệng khuyên người như vậy, thế mà cứ chịu bôn ba sự nghiệp để đợi tới lúc lâm chung mới niệm Phật hay sao? Hãy nghĩ người ở trên đời có thể sống được bao lâu? Chỉ trong tích tắc, chớp mắt là đã qua đời. Cần phải ngay trong lúc chưa già, chưa bịnh, hãy gội rửa thân tâm, buông bỏ mọi việc đời, được một lúc lắng lòng, niệm được một danh hiệu, có một chút công phu, tu một chút Tịnh nghiệp. Lúc lâm chung, chết nhẹ nhàng hay khổ sở ta đều chuẩn bị chu đáo, con đường phía trước của ta bao la bằng phẳng. Nếu không như vậy, ngày sau có hối hận, cũng đã trễ rồi! Hãy nên đắn đo, suy nghĩ kỹ càng!”
Hỏi: Đoạn trên có nói “hãy gội rửa thân tâm, buông bỏ việc đời”. Nay những người trên đời may mắn gặp cảnh duyên thuận tiện, thân ý an nhàn, có thể làm được chuyện ấy, còn những người không thể buông bỏ thì phải làm sao?
Đáp: Người ta ở đời nếu chua xót nghĩ đến Vô Thường, dụng tâm chân thành thiết tha thì không kể lúc vui hay buồn, lúc thuận hay nghịch, nhàn rỗi hay bận rộn, lúc làm việc công hay tư, tiếp đãi khách khứa, vạn duyên quấy rối, tám phía thù tạc đều chẳng trở ngại chuyện niệm Phật của người ấy. Người xưa có nói:
“Sáng cũng A Di Đà,
Chiều cũng A Di Đà,
Dẫu bận như tên bắn,
Vẫn chẳng lìa Di Đà”.
Lại nói:
Trúc dù rậm rạp không ngăn nước,
Núi cao há ngại bạch vân bay?
Nếu người vướng duyên thế gian quá nặng, sức lực ít ỏi, cũng nên tìm thời gian để niệm Phật trong lúc bận rộn, tìm tĩnh lặng trong lúc ồn náo. Ấn định công khóa tụng niệm hằng ngày: hoặc ba vạn tiếng, một vạn tiếng, ba ngàn tiếng, hoặc một ngàn tiếng, chẳng bỏ sót ngày nào. Dẫu bận cách mấy, dẫu không có lúc nào nhàn hạ, cũng nên niệm theo cách Thập Niệm mỗi sáng. Tích lũy lâu ngày thành công, chẳng quên bỏ. Ngoài chuyện niệm Phật, có thể niệm kinh, lễ Phật, sám hối, phát nguyện, làm các chuyện kết duyên, làm phước, bố thí tùy theo khả năng, tu các thiện sự để trợ duyên. Phàm làm được một điều thiện, dù nhỏ đến mấy, cũng phải hồi hướng Tây Phương. Dụng công như vậy thì không chỉ nhất định vãng sanh, mà còn tăng cao phẩm vị.
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt
Các Phúc Đáp Gần Đây