“Môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ vốn nhằm đoạn dứt đại sự sanh tử. Do đó gọi là pháp môn Niệm Phật liễu sanh tử. Con người ngày nay phát tâm vì muốn liễu sanh tử, nên mới chịu niệm Phật. Chỉ nói niệm Phật có thể liễu sanh tử, mà nếu không biết gốc rễ sanh tử là gì, rốt cuộc sẽ hướng đến đâu để niệm? Nếu cái tâm niệm Phật chẳng đoạn nổi gốc rễ sanh tử, vậy thì làm sao liễu sanh tử cho được! Gốc rễ sanh tử là gì?” Người xưa nói:
Nghiệp chẳng nặng chẳng sanh Ta bà
Ái chẳng đoạn chẳng sanh Tịnh Ðộ.
Do đó mới biết: Ái căn chính là gốc rễ sanh tử. Vì hết thảy chúng sanh hứng chịu nỗi khổ sanh tử, đều là do lỗi lầm của ái dục vậy. Ái căn ấy chẳng phải đời này mới có, cũng chẳng phải là từ một, hai, ba, bốn đời trước đã có, mà là từ lúc vô thỉ mới có sanh tử tới nay, đời đời kiếp kiếp, xả thân, thọ thân, đều do ái dục lưu chuyển. Mãi cho đến ngày nay, quay lại suy nghĩ lúc trước có từng bao giờ khởi lên một niệm tạm lìa cái ái căn đó hay không? Chủng tử ái căn đó tích lũy sâu dầy nhiều kiếp, cho nên sanh tử chẳng cùng tận. Ngày nay mới phát tâm niệm Phật, chỉ vọng cầu sanh Tây Phương, ngay cả cái danh tự ái là gốc rễ sanh tử cũng chẳng biết, thì làm sao có một niệm đoạn dứt nó? Vì chẳng biết gốc rễ sanh tử là gì, cho nên khi niệm Phật, vừa niệm Phật mà cái gốc rễ sanh tử cũng theo đó tăng lớn thêm. Niệm Phật như vậy, sẽ chẳng liên quan gì tới sanh tử. Những người niệm Phật như vậy, dù cho quý vị niệm như thế nào đi nữa, niệm cho tới lúc lâm chung, chỉ thấy ái căn sanh tử hiện tiền. Đến lúc đó, mới biết công phu niệm Phật của mình hoàn toàn chẳng đắc lực, lại oán giận niệm Phật chẳng linh nghiệm, có hối hận cũng trễ rồi!
Vì lẽ đó, nay tôi khuyên người niệm Phật trước hết phải biết ái chính là gốc rễ của sanh tử. Nay niệm Phật, niệm niệm đều phải đoạn dứt ái căn ấy. Ứng dụng vào đời sống hằng ngày, lúc ở nhà niệm Phật, khi mắt mình nhìn thấy con cái, cháu chắt, tài sản, gia duyên, chẳng có một thứ nào chẳng là ái, chẳng có một việc nào, chẳng có một niệm nào chẳng dẫn đến sanh tử, cũng như toàn thân đang kẹt trong hầm lửa. Chẳng biết chính ngay trong lúc niệm Phật chưa từng có một niệm có thể buông xuống ái căn trong tâm. Chính ngay trong lúc niệm Phật chỉ nói niệm chẳng thiết tha, chẳng biết ái đang chi phối, niệm Phật chỉ niệm ở ngoài da! Niệm Phật như vậy, càng niệm ái càng tăng trưởng. Lúc cảm tình con cái khởi lên, hãy quay lại coi một câu Phật hiệu này có thể chống chọi và đoạn được ái hay chăng? Nếu đoạn chẳng nổi, rốt cuộc làm sao vượt thoát sanh tử cho được? Do ái duyên đã nhiều đời huân tập quen thuộc, còn niệm Phật chỉ mới phát tâm cho nên còn rất xa lạ, chẳng thiết thực. Vì thế chẳng đắc lực. Nếu chẳng làm chủ được cảnh duyên ái trước mắt, lúc lâm chung sẽ chẳng làm chủ nổi! Do vậy, xin khuyên người niệm Phật điều thứ nhất cần biết là phải có tâm tha thiết đối với sanh tử. Tâm mong muốn đoạn sanh tử khẩn thiết, trong mỗi niệm phải đoạn dứt cội rễ sanh tử, thì mỗi niệm sẽ vượt thoát sanh tử. Cần gì phải đợi tới ngày ba mươi tháng Chạp mới vượt thoát. Lúc đó đã quá trễ rồi! Đó chính là: Trước mắt đều là chuyện sanh tử, trước mắt đều thấu suốt ‘sanh tử là không’. Như vậy thì mỗi niệm chân thật thiết tha, mỗi nhát đao đều thấy máu. Dụng tâm như vậy, nếu không vượt thoát sanh tử thì chư Phật đều mắc tội vọng ngữ. Do vậy, hàng tại gia và xuất gia chỉ cần biết tâm sanh tử thiết tha sẽ là lúc vượt thoát sanh tử, đâu còn diệu pháp nào khác nữa”.
Lời trung chánh khó nghe, thuốc hay đắng miệng, tổ sư từ bi vô hạn! Đọc lời khai thị như trên, chúng ta cũng giống như có được của báu tột cùng. Bài khai thị này có tên là Niệm Phật Thiết Yếu, danh phù hợp thực nói đúng tới chỗ lợi hại! Đại sư đích thực là người tu hành tái lai, chỉ đúng ngay nguyên nhân cơn bịnh, lời nào cũng thẳng thắn. Bài khai thị này tuy không dài, chỉ có hơn bảy trăm chữ, nhưng vị trí và tầm quan trọng của nó trong Tịnh Tông chẳng nhỏ! Bài này có nhiều chỗ chỉ dẫn chúng ta niệm Phật rất thiết thực.
Xin mời đại chúng đặc biệt lưu ý tới hai điểm trong bài văn này:
* Thứ nhất, “cầu sanh Tây Phương trống rỗng” (cầu suông). Chúng ta cầu vãng sanh chỉ là nói khơi khơi ngoài miệng, giống như hô khẩu hiệu vậy. Người ta hô hào, mình cũng hô theo. Sự mong cầu của chúng ta chẳng sâu đậm, chẳng có thực chất. Vì thế, đại sư chẳng nể nang gì mà nói đó là “cầu suông”, hét bể cổ họng cũng uổng công!
Nhìn lại lão hòa thượng Hải Hiền, Ngài cầu sanh Tây Phương vô cùng chân thật! Ngài thật sự từ nội tâm thiết tha phát khởi lòng mong cầu A Di Đà Phật tiếp dẫn, cho nên Ngài liên tục niệm Phật hiệu ngày đêm chẳng ngừng. Nếu ngay bây giờ đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn chúng ta về thế giới Cực Lạc, đi ngay bây giờ, phần đông chúng ta đều sợ hãi chạy mất. Tôi muốn vãng sanh, nhưng không phải là ngay bây giờ! Tôi còn chuyện này chưa làm xong, còn chuyện kia phải làm… Tâm tham luyến thế gian này chính là chướng ngại vãng sanh lớn nhất của chúng ta. Vì vậy, chuyện cầu vãng sanh của chúng ta trống rỗng (có vỏ, không có ruột), là gạt người. “Gạt người” vì nói mình cầu vãng sanh, nhưng khi Phật thật sự đến đón, mình lại chẳng nỡ xa lìa cõi đời này để ra đi!
* Thứ hai, “ái là chủ tể, niệm Phật chỉ niệm ngoài da”. Hám Sơn đại sư chẳng nể nang, nói toạc căn bịnh của chúng ta, người niệm Phật giả dối! Niệm Phật chỉ là công phu ngoài mặt. Do vậy Phật hiệu vừa niệm cội rễ sanh tử bèn tăng theo, giống như hai con đường song song vĩnh viễn chẳng bao giờ cắt ngang nhau. Bị vạch trần trong lúc này còn hơn là lúc lâm chung tay chân cuống quýt mới bị phơi bày. Bị vạch trần trong hiện thời thì hãy còn kịp. Chính mình vốn chẳng có tâm mong thoát ly, chẳng có chân tín, thiết nguyện, mỗi ngày toàn là làm chuyện phô trương bề ngoài, làm sao có thể vãng sanh cho được? Chư vị tổ sư đều bảo: Pháp môn Niệm Phật là “vạn người tu, vạn người vãng sanh”, nhưng hiện thời vạn người tu, chỉ có hai, ba người vãng sanh! Vấn đề ở đâu? Tổ Ấn Quang đã chỉ thẳng bằng một lời: “Ngài Vĩnh Minh nói ‘vạn người tu, vạn người vãng sanh’ là nói tới những kẻ có đầy đủ tín nguyện. Có lòng tin chân thật, nguyện thiết tha, thì vạn người tu, vạn người vãng sanh. Lòng tin chẳng chân thật, nguyện chẳng thiết tha, thì vạn người tu, chỉ có hai, ba người vãng sanh mà thôi”.
Vấn đề chung của chúng ta là Tín, Nguyện, Hạnh chẳng đủ. Không thể nói là không tin, nhưng nửa tin nửa ngờ. Không phải là không có Nguyện, có nguyện nhưng còn do dự. Chẳng phải là không có Hạnh, nhưng “ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới”. Thí dụ nói vãng sanh cần có một trăm phần trăm Tín, Nguyện; còn chúng ta chỉ có mười phần trăm Tín và mười phần trăm Nguyện, nên chẳng đủ để vãng sanh. Vì sao Tín, Nguyện, Hạnh chẳng đủ? Nguyên nhân căn bản là chẳng có tâm muốn thoát ly. Tâm muốn thoát ly là tâm “chán ghét Ta bà, vui cầu Cực Lạc”. Người xưa nói: “Nguyện thoát ly Ta bà như tù nhân trông mong có ngày thoát ngục. Nguyện sanh Cực Lạc như kẻ nghèo hèn mong về cố hương”. Chúng ta dù chỉ một tí ti nào cũng chẳng giống! Tâm muốn thoát ly là nội hàm của Tín Nguyện.
Hám Sơn Đại sư khuyên chúng ta buông xuống, ngôn từ, lời lẽ thống thiết, chẳng có gì không mong khích lệ, cảm động chúng ta. Vì chúng ta bị chai đá đã lâu, cho nên chẳng thiết tha chuyện thoát ly sanh tử. Ai nấy đều nói: “Ôi chao! Buông xuống sao mà khó quá! Buông không nổi, buông không nổi!”.
Thật ra, đâu phải là buông không nổi! Mà là chúng ta chẳng nỡ buông, chẳng đành lòng buông xuống! Hãy nghĩ xem có đúng không nhé? Chẳng nỡ buông xuống con cái, vẫn chẳng nỡ buông xuống cháu chắt, chuyện gì cũng muốn quan tâm! Chẳng nỡ xa lìa số tiền mình gởi trong ngân hàng. Chẳng nỡ xa lìa những căn nhà mang tên mình. Chẳng nỡ buông xuống những lời cung kính tán thán của người khác đối với mình… Những thứ ấy đều là các sợi dây xích, trói chặt chúng ta trong lục đạo luân hồi. Do chẳng nỡ buông xuống, cho nên cội rễ sanh tử sẽ tăng trưởng theo. Vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp đã qua, chẳng biết tới lúc nào mới có thể thoát lìa! Đối với ái, chúng ta vướng mắc trong lòng; đối với hận chúng ta cũng nắm chặt trong lòng, vậy thì làm sao vãng sanh cho được? Cho nên trong kinh Tứ Thập Nhị Chương đức Phật cảm thán: “Người ta bị vợ con, nhà cửa trói buộc còn sâu chắc hơn là bị ở tù. Bị giam trong ngục tù còn có ngày thoát ra, còn vợ con chẳng có ý niệm nào xa lìa nổi”.
Mỗi ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng ta hãy quay lại hồi tưởng một lát, trong hai mươi bốn giờ ấy, thời gian tâm chúng ta nghĩ tới Cực Lạc có được bao lâu? Còn tâm nghĩ tới Ta bà lại là bao lâu? Tâm nghĩ Ta bà của chúng ta nhiều, tâm nghĩ Cực Lạc quá ít ỏi! Ít tới mức đáng thương, thiệt là quá ít. Trong hai mươi bốn giờ đồng hồ, có mười phút nghĩ tới chuyện vãng sanh hay không? Tỷ lệ này quá chênh lệch! Đó là nói trong một ngày, nếu ngày nào cũng vậy; cứ như vậy, mỗi một năm trôi qua, chúng ta lấy gì để vãng sanh? Nghĩ vậy, mới biết chúng ta nguy hiểm tới chừng nào! Lão hòa thượng Hải Hiền và sư phụ thượng nhân bất cứ lúc nào cũng mong vãng sanh; đó mới là chân tín thiết nguyện.
Lão hòa thượng Hải Hiền thường cảnh cáo những người xung quanh Ngài: “Hãy niệm Phật cho tốt, thành Phật là đại sự. Ngoài ra, những chuyện khác đều là giả hết”. Quý vị có thể dẫn khởi lời của hòa thượng để sách tấn. Nghe lời ngài nói như vậy, trong tâm nghĩ: “Đúng rồi! Tôi có tâm trạng và thái độ này, hết thảy đều là giả hết. Chỉ có niệm Phật thành Phật mới là thiệt”. Đó là thật sự nghĩ tới thế giới Cực Lạc, khẩn thiết không thể đợi được nữa. Quý vị cầu như vậy mới chẳng là nguyện suông, sẽ chẳng rơi vào Không. Hãy mau mau gia công, dụng hạnh.
Sau đây là một đoạn khai thị của vị Tổ thứ mười, tức Triệt Lưu Đại sư, chẳng dự tính sẵn mà phù hợp lời khai thị “Thị niệm Phật thiết yếu” của ngài Hám Sơn, giống như phát xuất từ cùng một vết bánh xe. Trong phần trên, Ấn tổ đã nói Hám Sơn thị hiện sanh làm ngài Triệt Lưu. Hai vị ấy là một, chẳng phải hai.
Triệt Lưu Đại sư khai thị cho cư sĩ Đinh Canh Dã: “Ví như con thuyền chở được cả vạn hộc, muốn đi đến nơi nào đó, dẫu cho cột buồm chẳng phải là không cao, bánh lái chẳng phải là không ngay, lương thực, vật dụng chẳng phải là không hoàn bị, ý chí ra đi chẳng phải là không nhất quyết, có cái thế nương gió căng buồm chớp mắt đi được cả ngàn dặm, nhưng nếu chưa chịu nhổ cây sào cắm thuyền lên, thuyền vẫn bị một sợi dây neo buộc chặt, dù đun đẩy đủ cách, há thuyền có đi được chăng? Hiện tại, hành nhân Tịnh nghiệp suốt ngày niệm Phật, sám hối, phát nguyện, vẫn còn cách xa Tây Phương, khó chắc chắn được vãng sanh, không gì khác hơn là chưa nhổ được cọc ái, chưa dứt được dây tình”.
Tổ sư đã nêu một thí dụ: Một chiếc thuyền đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, sắp sửa ra khơi, nhưng đầu thuyền bị một sợi dây neo buộc chặt nên chẳng đi đâu được. Đây là ví như người niệm Phật, suốt ngày niệm Phật nhưng Tây Phương còn rất xa xôi, chẳng nắm chắc vãng sanh. Nguyên nhân là gì? Vì chưa nhổ được cọc ái, chưa dứt được dây tình. Đó tức là “chưa đoạn ái căn sanh tử”, là chướng ngại trí mạng như Hám Sơn Đại sư đã nói trong phần trên. Tiếp theo đây, Triệt Lưu Đại sư dạy chúng ta phương pháp đối trị:
“Nếu có thể xem chuyện ân ái cõi Ta bà giống như nhai sáp, chẳng quản rảnh – bận, động – tịnh, khổ – sướng, buồn – vui, hãy dựa vào một câu Phật hiệu hệt như quả núi Tu Di, hết thảy cảnh duyên chẳng thể dao động. Mỗi khi biết mình mệt mỏi, biếng nhác, hoặc khi tập khí hiện tiền, liền dũng mãnh đề khởi nhất niệm như vung thanh trường kiếm Ỷ Thiên, khiến cho phiền não ma quân không nơi trốn núp, lại cũng giống như lò to lửa hừng, khiến cho vô thỉ tình thức cháy sạch chẳng sót, thì người ấy tuy đang sống trong cõi ngũ trược, nhưng toàn thân đã ngự trong cõi nước liên hoa, há còn phải chờ Di Đà đưa tay, Quán Âm khuyên lơn, khen tặng mới tin mình sẽ được vãng sanh nữa ư?”
Chúng ta niệm Phật đã bao nhiêu năm rồi, có nắm chắc vãng sanh hay không? Chuyện này chẳng cần phải hỏi người khác, hãy hỏi chính mình! Ngẫu Ích Đại sư có một tiêu chuẩn để đo lường: “Tình đời lạt bớt một phần, Phật pháp sẽ có thêm một phần đắc lực. Sanh kế Ta bà nhẹ bớt một phần, chuyện sanh Tây Phương sẽ vững chắc thêm một phần. Chuyện này chỉ có thể tự hỏi tâm mình, chẳng cần phải hỏi thiện tri thức nào khác. Thiện tri thức cũng chỉ khuyên coi nhạt tình đời, nhẹ bớt bôn ba sanh kế, chuyên tu tìm lối thoát mới là quan trọng”.
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú
Tại Tịnh Tông Học Viện Úc Châu 2014
Báo cáo tâm đắc của học sinh lớp Vô Lượng Thọ Kinh Khoa Chú
Thích Tự Liễu soạn
Hòa thượng Tịnh Không giám định
Bích Ngọc chuyển ngữ
Như Hòa giảo duyệt
Các Phúc Đáp Gần Đây