Vào triều đại nhà Thanh, có đồng tử họ Đinh người ở Thường Thục, hiện lưu trú tại trấn Mai Lý. Năm lên 7 tuổi, bé Đinh thường nghe cha mẹ trì niệm danh hiệu đức Phật, nên mỗi sáng bé cũng niệm Phật.
Chẳng bao lâu, bé có chút bệnh nhẹ. Do đó sáng ấy vẫn còn nằm, bỗng vùng dậy tự nói: Sáng nay đã quên niệm Phật, mình phạm lỗi nặng rồi! Bèn đi rửa tay rửa mặt vào chánh điện lạy Phật, niệm Phật xong, lại ngủ tiếp.
Đến chiều, bé thưa với mẹ rằng: “Con theo đức Phật về phương Tây, xin mẹ chớ buồn rầu nghi nan.” Rồi tiếp tục niệm Phật, được một hồi lâu thì ngất xỉu. Bà mẹ rất đau xót chết đi sống lại. Lại nghe cổ họng của bé Đinh phát ra âm thanh, như muốn nói gì mà không ra tiếng. Đột nhiên bé nói lớn bốn tiếng “Đại từ Đại bi” rồi tắt thở.
Ngày hôm sau nhập liệm, khi bồng bé bỏ vào hòm, toàn thân đều lạnh, chỉ có trên đầu vẫn còn nóng.
Trích Vãng Sanh Cận Nghiệm Lục – Tịnh Độ Thánh Hiền Lục
KHUYÊN NGƯỜI TU TỊNH ĐỘ NÊN TỤNG KINH ĐỊA TẠNG.
Lần này tôi gặp chư vị ở Vĩnh Xuân này, vì có nhiều cơ duyên thù thắng. Vào mùa hè năm ngoái, cư sĩ Vương Mộng Tinh gửi thư đến,
trước đó tôi cũng đã hứa với một số cư sĩ, như Lâm Tử Kiên… chùa Phổ Tế sẽ đến giảng kinh. Tôi có đến một lần vào cuối mùa thu giảng đại ý kinh Kim Cang ba ngày, đến tháng 07 tôi đóng cửa thất tu tập thiền định không xuống núi nữa. Hôm qua cư sĩ Mộng Tinh cùng một số vị lên núi thỉnh vấn, trời mưa nên lưu lại chùa nghỉ qua đêm, sáng hôm nay đúng vào ngày Thánh Đản đức Bồ-tát Địa Tạng, thừa nhân duyên thù thắng này, xin nói sơ lược yếu chỉ: “Người tu Tịnh Độ nên trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện”, để kỉ niệm ngày Thánh Đản của Ngài.
Phương pháp tu trì của chư vị thực tập pháp môn Tịnh Độ, đó là lấy 3 bộ kinh nói về Tịnh Độ làm chính. Tôi thiết nghĩ, ngoài 3 bộ kinh đó, chư liên hữu nên trì tụng thêm kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện làm trợ hạnh. Bồ- tát Địa Tạng có nhân duyên hết sức thù thắng với chúng sinh ở thế giới này, kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, lại đặc biệt khế hợp với mọi căn cơ, mọi tầng lớp, cho nên dám khuyên chư vị liên hữu nên trì tụng thêm kinh này. Nay tôi chỉ xin nói sơ qua, mong chư vị có sự lựa chọn sáng suốt:
Thứ nhất, từ xưa đến nay Bồ-tát Địa Tạng có nhân duyên hết sức thâm sâu với Tịnh độ. Như tổ thứ 8 là Liên Trì đại sư, viết lời tựa cho kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, tán thán khuyến khích lưu truyền. Tổ thứ 9 là Ngẫu Ích đại sư, cả đời phụng sự Bồ-tát Địa Tạng, tán thán hoằng dương công đức không thể nghĩ bàn của Ngài. Thầy ở trên núi Cửu Hoa rất lâu, tự xưng mình là “đệ tử của Bồ-tát”, thực tập lễ sám theo Địa Tạng Sám Nghi, thường trì niệm Địa Tạng Chân Ngôn, cầu mong tiêu trừ nghiệp chướng, cầu sinh Tịnh độ. Lại như sao Thái đẩu của tông Tịnh Độ đương đại – Ấn Quang đại sư, hết sức hoằng truyền kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, thầy in ấn cả mấy vạn quyển, giúp người tu tịnh nghiệp chí tâm đọc tụng, y giáo phụng trì. Nay tôi dựa vào tâm hạnh, việc làm của chư tổ sư đời trước, khuyên chư vị liên hữu tụng trì thêm kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện và thực tập pháp môn của Bồ-tát Địa Tạng. Kết hợp nhiều nhân duyên thù thắng, thành tựu đạo quả chỉ còn là thời gian.
Thứ hai, pháp môn Địa Tạng lấy ba kinh làm chính, đó là: Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, kinh Địa Tạng Bồ- Tát Thập Luân và kinh Địa Tạng Bồ-Tát Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo. Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện chưa nói rõ nghĩa vãng sinh Tịnh độ, nhưng hai bộ kinh còn lại đều có nói đến. Kinh Thập Luân ghi: “Vãng sinh về nước Phật, chung ở với bậc đạo sư”. Kinh Chiêm Sát ghi: “Người nào muốn sinh về Tịnh độ, nên nhất tâm bất loạn, chuyên ý trì niệm thánh hiệu của đức Phật đó (đức Phật A-di-đà), người nào thực tập được lời này, nhất định sẽ được sinh về nước Cực Lạc”. Cho nên Liên tông cửu tổ Ngẫu Ích đại sư, mỗi lúc lễ bái Địa Tạng Bồ-Tát Chiêm Sát Sám đều phát nguyện: “Nguyện khi bỏ thân mạng này, được sinh ra trước Phật, diện kiến đức Phật A-di-đà và chư Phật, được các Ngài thụ kí, sau đó trở lại trần lao, hóa độ chúng quần sinh, đồng sinh về An Lạc quốc”. Qua đây có thể thấy pháp môn Địa Tạng có mối quan hệ hết sức mật thiết với pháp môn Tịnh Độ, vậy tại sao không đồng thời song song thực tập, qui cả hai về một?
Thứ ba, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, lấy tu ba phước làm chính nhân tịnh nghiệp. Phước đầu tiên trong ba phước, đó là “hiếu dưỡng phụ mẫu”. Còn trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, rất nhiều nhân duyên đời trước Bồ-tát Địa Tạng hiếu thuận với song thân. Đây là lí do tại sao chư cổ đức tôn xưng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện là “kinh hiếu của nhà Phật”, lợi ích rất thiết thực. Chư vị thiện hữu nói chung, chư vị liên hữu nói riêng, nên nhất tâm trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, để trợ giúp với ý chỉ hiếu dưỡng mà kinh Quán Vô Lượng Thọ chủ trương. Cùng thực hành cả hai, tôn sùng đạo hiếu, báo đáp thâm ân, đồng thời còn tu phước thù thắng.
Thứ tư, Tịnh Độ đại sư đương đại – Ấn Quang – dạy người trì thánh hiệu Phật cầu sinh Tịnh độ, trước hết phải tin sâu nhân quả báo ứng, chớ làm các việc xấu ác, chăm làm các việc lành, cuối cùng thầy nói: “Nương vào từ lực của đức từ phụ A-di-đà, được vãng sinh khi thân còn nghiệp chướng”. Kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện cũng nói nhiều và rất rõ ràng nhân quả báo ứng, tường tận hết sức. Chư vị thiện hữu nên thường xuyên đọc tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, y theo đó thực hành, làm tư lương tịnh nghiệp. Người nào chưa tin sâu nhân quả báo ứng, ắt sẽ không để tâm đến sự thiết thực của luân thường đạo đức. Người này đừng trông mong chuyện vãng sinh Tịnh độ, bởi ba đường ác đã chờ sẵn. Tôi thiết nghĩ, chư vị liên hữu cần phải tin sâu nhân quả báo ứng, thường phản tỉnh, xét lại những chuyện mình làm hằng ngày. Chân thành sám hối, nỗ lực làm mới. Sau đó thực tập Năm nguyên tắc đạo đức, Mười điều lành…, để làm trợ hạnh cho niệm Phật, góp phần vào tư lương vãng sinh.
Thứ năm, người thực tập pháp môn Tịnh Độ, nếu không có khả năng buông xuống hết thảy cảnh khổ vui thuận nghịch, sẽ không thể hội cảnh giới giải thoát. Nếu đủ khả năng dựa vào cảnh khổ để tiêu trừ thân kiến24 (một trong năm kiến), dùng nghịch duyên để kiên cố nguyện Tịnh độ của mình, khi ấy cảnh giới thù thắng sẽ hiện ngay trước mắt. Song người chân thật làm được điều này, trong ngàn vạn người chỉ có một hai mà thôi. Bởi phần lớn chúng ta đều đang ở trong địa vị phàm phu, tuy biết tùy theo căn cơ, sức lực tu tập tịnh nghiệp, nếu chưa đủ trình độ thấu triệt một cách rõ ràng thân tâm và thế giới bên ngoài, chưa đủ khả năng xem nhẹ ăn, mặc, ở…; tâm chưa định tĩnh trước những tai họa như thiên tai, lửa dữ, chiến tranh, đói khát…; hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt này là chướng ngại lớn nhất của người tu hành nói chung và người tu tịnh nghiệp nói riêng. Nay nếu có thể quay về nương tựa kính ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng, sẽ không còn lo chuyện này nữa. Theo như kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện nói, Bồ-tát có khả năng khiến cho chúng sinh đầy đủ y áo, vật thực, bệnh tật không đến thân, nhà cửa yên ổn, cầu muốn điều gì cũng được toại ý, tuổi thọ tăng trưởng, khi ra lúc vào đều có thần theo hộ vệ, các tai nạn đều không xâm phạm. Cổ đức nói: “Thân an đạo tăng trưởng”, chính là ý này vậy. Vì thế khuyên cùng chư vị liên hữu, nên qui tín yếu chỉ của Bồ-tát Địa Tạng.
Trên đây là lược thuật đại ý của việc trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, nghĩa lí tuy chưa tường tận, nhưng đại khái như vậy cũng tương đối đầy đủ, mong chư liên hữu thể hội điểm này, khuyến khích mọi người cùng phát tâm trì tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, cùng đạt được lợi ích vô biên.
Trích: Thánh Đức Và Sự Linh Ứng của Bồ Tát Địa Tạng.
Đại sư Hoằng Nhất
Hay quá. Tôi là người ngưỡng mộ bồ tát địa tạng mấy năm rồi. Hom nay đọc bài viết ca ngợi địa tạng lòng cảm thây vui. Mong mọi người coi kinh địa tạng nhiều lần để hiểu và thực hành theo kinh. Nam mô đại nguyện địa tang vương bồ tát
NHÂN NÀO QUẢ NẤY
Láng giềng tôi có bác Trương ưa luyện khí công, còn dùng khí công để chữa bịnh cho người. Nhưng ông trị người không hết mà bản thân cũng bị bệnh quấy nhiễu. Ông chóng mặt đã 3, 4 năm nay. Uống thuốc trị liệu gì cũng không kết quả. Ông nói: – Đầu tôi xây xẩm giống như mới vừa uống hai bình rượu vậy!
Nhân duyên hội đủ, ông đến gặp Hòa thượng Diệu Pháp, năn nỉ Ngài vận khí công trị bệnh cho ông.
Sư phụ cười nói:
– Tôi không thể vận khí công để trị bệnh đâu, mỗi người mắc bệnh đều có nguyên nhân. Tôi có thể nói rõ nguyên nhân vì sao ông chóng mặt. Còn chuyện bệnh hết hay không thì tùy thuộc vào ông. Đây cũng là đạo lý mà Phật nói: “Mệnh tự ta lập” – Thí như do ông không hiểu chuyện mà làm sai việc gì đó đem lại thống khổ phiền não cho mình và người. Nếu ông gặp được thiện tri thức, giải thích và chỉ ra nguyên nhân. Một khi ông hiểu rõ và nhận ra chỗ sai của mình, cố gắng sửa đổi, thì phiền não và thống khổ sẽ biến mất không còn. Bởi vì Phật pháp không phải để cho người mê tín Phật, Bồ-tát, hay một cao tăng nào đó, mà là để mỗi người đều có thể hoạch đắc trí huệ. Tự mình cải tạo số mệnh của mình.
Bác Trương suy nghĩ một hồi rồi gục gặc đầu.
Hòa thượng nói tiếp:
– Ông bị chóng mặt, là do 3, 4 năm trước ông từng làm tổn hại một ổ chuột con. Có việc này không?
Bác Trương hồi tưởng lại và nói:
– Dạ có, có việc này ạ. Sư phụ! Ngài quả có đại thần thông! Cách đây ba năm, một hôm con vào kho chứa đồ và phát hiện có ổ chuột con mới sinh độ chừng 6, 7 con. Đệ tử nhát lắm, chẳng biết làm sao cho chúng chết, bèn bỏ chúng trong cái lồng, gắng sức lắc mạnh. Lắc một hồi lâu, con nghĩ là chúng đã chết liền đem quăng ra bãi rác. Ô! Việc như thế mà liên quan tới chứng chóng mặt của con sao?
– Đúng vậy, ổ chuột đó không bị ông lắc chết mà chỉ bị ông làm cho chóng mặt thôi. Nhân nào quả đó. Đây là nguyên nhân vì sao ông chóng mặt.
Bác Trương lẩm bẩm một mình: -“Ngài phán rất đúng. Con từ lúc đó về sau bắt đầu chóng mặt. May là bầy chuột chưa chết, nếu mà chúng nó chết rồi thì không biết con đền mạng tới đâu nữa?”…
– Đúng vậy, sát sinh sẽ làm giảm thọ mệnh, bằng không thì ngay đời này cũng gặp tai nạn hoạnh ương. Động vật sở dĩ có thể bị giết, cũng là do kiếp trước nó từng gieo nhân sát sinh nên đời nay mới bị quả báo như thế.
Phần chúng ta, đời này giết hại chúng nó tức là đang vay nợ mạng, cứ thế nhân quả tuần hoàn, oan oan tương báo, không bao giờ hết. Vì vậy mà phàm phu chúng ta cứ luân hồi trong lục đạo không có ngày ra. Chỉ có liễu giải Phật pháp, tin sâu nhân quả, ngưng ác hành thiện, thì mới có thể thoát ly biển khổ sinh tử. Thế nào, từ rày ông còn muốn sát sinh chăng?
Bác Trương đang ngồi sợ đến ngẩn ngơ, nghe Hòa thượng hỏi, vội đáp:
– Từ rày về sau con chẳng dám sát sinh nữa.
Nói xong ông hoan hỷ mách:
– Bạch sư phụ, đầu con đột nhiên tỉnh táo rồi, không choáng chút nào cả.
Người chung quanh đều cười.
Bác Trương thắc mắc nói tiếp:
– Nhưng mà, loài chuột hại sâu, cắn phá tài vật của người, thậm chí truyền bệnh dịch hạch…nếu như không giết nó, tương lai nó sinh sản lan tràn làm sao?
– Trọn cả tổng thể, từ lớn như vũ trụ và nhỏ tợ vi trần, bao gồm tất cả chủng loại sinh mệnh…đều có quy luật vận hành và thời gian tồn tại. Nếu con người có “sinh, lão, bệnh, tử”, thì vật có “thành, trụ, hoại, không”…cho dù là núi, sông, biển cả, hoa cỏ, hạt sương…Chỉ cần “có hình thành, là có hoại diệt”. Thế nhưng, cách hoại diệt hay “chu trình sinh tử” này tự có quy luật của nó! Nếu chúng ta coi thường quy luật tự nhiên, mặc tình phá hoại theo lý luận và ý thích ngu muội của mình, tất nhiên sẽ chiêu lấy ác quả bất kham, khó thể tưởng tượng!
Thí như chúng ta vì những lợi ích trước mắt, cho phá rừng nổ đá, khiến rừng bị hủy hoại, núi bị sạt lở và cây cối loài vật trong rừng bị tàn hại…tất cả việc làm thiếu ý thức này của chúng ta sẽ dẫn đến hậu quả là địa cầu bị ngập nước, khí hậu thay đổi, lũ lụt phát sinh…Ông không thấy số lượng cây rừng bị chặt phá quá nhiều, động vật bị săn giết thảm đến nhiều loài phải mất tích hoặc tuyệt diệt. Loài chuột cũng có rất nhiều kẻ thù trong thiên nhiên như: rắn, mèo, diều hâu, chim ưng, chim ó…Có thể những kẻ thù thiên nhiên này cũng bị nhân loại chúng ta giết hại ăn thịt hoặc lột da làm y phục, trang sức. Do vậy mới có câu: “Thiên tai là chính do nhân họa tạo thành.”
Hòa thượng ngừng một lát rồi nói:
– Tôi bày ông một cách có thể diệt trừ nạn chuột, ông có muốn thí nghiệm thử không?
Mọi người đều nhìn Hòa thượng chăm chăm. Ngài mỉm cười giải thích:
– Trước tiên phải biết chuột cũng là loài động vật hữu tình, cũng có mẹ sinh đẻ, dưỡng nuôi. Chúng cũng giống trâu, ngựa, mèo, chó, một số có thể nghe hiểu tiếng người. Khi ông hiểu rõ đạo lý không sát sinh rồi, ông có thể hằng ngày chuẩn bị những thức ăn dư thừa cho nó, đặt ở nơi mà chuột thường ẩn hiện và nói nhỏ: “Bản thân tôi ngày trước chưa hiểu Phật pháp nên đã giết hại rất nhiều chuột, bây giờ tôi đã rõ đạo lý, từ nay về sau nhất định chẳng sát sinh nữa. Tôi vẫn muốn tụng kinh cầu siêu cho loài chuột từng bị giết. Hy vọng chuột sẽ không cắn phá đồ vật trong nhà người”…Chỉ cần ông thành tâm thành ý làm như thế, nhất định sẽ thấy kết quả.
Thậm chí một ngày kia, chuột sẽ dời ổ, bỏ đi.
Buổi nói chuyện của Sư phụ đã khiến chúng tôi mắt tai như đổi mới. Sau đó, phương pháp này lần lượt được thí nghiệm, kết quả rất tuyệt. Còn có người trong nhà bị nhiều kiến, họ cũng áp dụng phương thức này và nói rất linh nghiệm.
– Không tin ư? Thế thì bạn hãy thí nghiệm đi!
Trích trong Báo Ứng Hiện Đời – Tập 1
Nguyên tắc thứ nhất: Không bao giờ mong giàu
Nguyên nhân của những dằn vặt, đau khổ mà người nghèo phải trải qua đó là luôn khát khao được giàu có. Tuy nhiên phải làm phước, phải có phước thì mới có tiền. Phước ở đây chính là những việc làm lợi ích chúng ta giúp người, giúp đời. Còn suốt ngày chỉ ngồi nghĩ về tiền thì tiền càng không đến, càng mong muốn nhiều tiền thì tiền càng không có.
2. Nguyên tắc thứ hai: Phải hiểu rằng nghèo là do mình đã phạm sai lầm gì đó trong quá khứ, luôn ghi nhớ điều này đồng thời sám hối nghiệp xưa
Chúng ta cần phân biệt rõ ranh giới giữa việc “không cần tiền” và “ra vẻ không cần tiền”. Đừng để việc không cần tiền tiến thành thái độ tự thấy mình ngon lành mà không cần giàu, không thèm giàu rồi vênh mặt lên coi thường tất cả.
Cái “ra vẻ” sẽ khiến ta nghèo mãi. Thái độ đúng ở đây là biết chắc chắn mình đã phạm sai lầm gì đó trong quá khứ mà bây giờ không tự nhìn ra được. Chính cái biết này là sự sám hối âm thầm giúp ta nhanh chóng thoát khỏi nghiệp cũ.
3. Nguyên tắc thứ ba: Biết rằng nhờ cảnh nghèo mà mình thương yêu được mọi cảnh khổ trên đời mà nếu giàu có thể chưa chắc đã có
Người sinh ra trong cảnh giàu có thường không thể thấu hiểu và cảm thông được nỗi khổ của người nghèo vì họ chưa từng trải qua.
Cho nên hãy vui mừng vì nhờ nghèo mà mình thương yêu được rất nhiều người bị những người khác bỏ quên.
Thương yêu được mọi người là chất liệu, nền tảng của những việc thiện lành, những việc tạo ra phước đức giúp chúng ta vượt lên.
4. Nguyên tắc thứ tư: Dù nghèo những vẫn cố gắng chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh
Người giàu làm phước rất dễ dàng. Họ có thể bỏ ra cả triệu đồng để bố thí nhưng vẫn không thể quý bằng người nghèo giúp được một người qua cơn đói với bữa cơm đạm bạc.
Thời xưa đã có người từng hỏi Phật: “Con nghèo quá, không có gì để bố thí cả”. Phật trả lời: “Không ai nghèo đến mức không có một hạt cơm để bố thí cho con kiến”.
Sự cố gắng chia sẻ thiếu thốn với người khó khăn hơn mình là phước đức rất lớn, là quà tặng của đất trời ban tặng cho người nghèo. Nhờ vậy mà cuộc sống sẽ được tốt dần lên.
Nhân Qủa Giàu Nghèo – TT. Thích Chân Quang
Hy vọng lời dạy của ngài giúp ích cho vô lượng chúng sanh
TRẢI NGHIỆM ĐỊA NGỤC
Đây là một câu chuyện có thật, xảy ra ở vùng ngoại ô của một huyện thuộc thành phố Giai Mộc Tư, Trung Quốc hiện nay. Những trải nghiệm chân thực dưới địa ngục đã được người chú của tác giả tiết lộ, một lần nữa khiến chúng ta không thể ngờ vực về sự có thật của linh hồn, quỷ thần.
Đó là vào mùa xuân năm 1942, khi đó người chú thứ 3 của tôi mới hơn 20 tuổi, là công nhân cục đường sắt Giai Mộc Tư ngày nay. Có một ngày kia, bỗng nhiên chú phát sốt rồi nằm mê man, bất tỉnh nhân sự hơn 20 ngày liền. Người nhà đã chuẩn bị hậu sự cho chú ấy. Nhưng một buổi sáng sớm nọ, chú ấy đột nhiên tỉnh lại. Người nhà mừng rỡ, liền đút chút nước và cháo cho chú ấy, chưa đến mấy hôm thì chú ấy đã khỏi hẳn.
Một ngày kia, bố tôi nói với chú rằng: “Mấy ngày chú hôn mê, lão Phan thuê nhà của chúng ta đã chết rồi!”. Chú ấy nói: “Em biết”. Bố tôi ngạc nhiên hỏi chú rằng sao lại biết. Chú nói: “Lúc truyền gọi lão Phan em cũng đã đi rồi”. “Chú đi đâu?”, bố tôi vặn hỏi. Chú ấy thấy bố tôi vặn hỏi, thì liền không nói nữa. Về sau bố tôi cảm thấy bên trong hẳn có uẩn khúc gì đó, cứ không ngừng vặn hỏi chú ấy mãi, cuối cùng không che giấu được, chú đành phải kể ra:
“Ngay cái buổi tối hôm em ngã bệnh thì có hai quỷ sai đã dẫn em đến một nơi dưới âm phủ. Căn phòng không rộng lắm, có một cái bàn, trên bàn đặt một quyển sổ lớn, bên cạnh bàn có một phán quan ngồi ở đó. Trên bàn treo đầy danh thiếp với những tấm bảng lớn nhỏ được úp lại, hình như là bộ môn quản lý hộ khẩu nơi âm gian. Quỷ sai đi đi lại lại đưa những người đến nơi đây đăng ký, sau đó lại dẫn họ đi mất, bận rộn một hồi, trong phòng chỉ còn lại mình em. Quỷ sai đó nói: ‘Đi đi, dẫn hắn đi xem thử’. Nói xong hai quỷ tốt liền dẫn em đến bên một con đường tối tăm, bảo em hãy nhìn về phía trước và không được nói chuyện.
Em vừa nhìn theo phương hướng mà tay ông ta chỉ, thì không khỏi giật mình. Thì ra ở chỗ cách chỗ em không xa có hai con chó lớn như trâu bò. Không lâu sau, phía trước có một người đi đến, thân hình cao lớn, mắt to mày rậm, trên mặt còn có một vết sẹo, tướng mạo hung tợn, nghênh ngang đi đến. Bỗng nhiên hai con chó lớn nhảy lên một cái, bổ nhào về phía ông ta, không ngừng cắn xé, người đó kêu la thảm thiết, quằn quại đau đớn, khiến em sợ đến nhắm tịt mắt lại.
Một lúc sau, người đó không kêu la cũng không động đậy gì nữa, hai con chó xé xác ăn thịt ông ta, ăn xong liền gặm xương tha đến nơi cách đó không xa, xương người trắng lòa chất thành một đống rất cao. Hai con chó quay trở về, liếm sạch hết máu còn sót lại trên mặt đất, rồi lại nằm ở chỗ cũ.
Một lúc sau lại có một người nữa đi đến, mặt mày hiền từ, ăn mặt giản dị, trong tay cầm tràng hạt. Lúc này toàn thân em run rẩy, mở to mắt theo dõi. Chỉ thấy người đó tiến lại gần, hai con chó kia không hề động đậy, giống như là đã ngủ say vậy, em nghĩ bụng rằng chắc là do con đã ăn no. Một lúc sau, lại có một người đi đến, người này rất mập, toàn thân đen bóng, trên thân còn dính thịt vụn. Em lặng lẽ quan sát, khi người đó gần đến nơi, hai con chó lại đột nhiên lao đến, đẩy người đó ngã xuống rồi cắn xé …
Lúc này quỷ sai hỏi: ‘Đã nhìn thấy chưa?’. ‘Nhìn thấy rồi’, em lắp bắp. Tiếp đó quỷ sai liền dẫn em đi. Một lúc sau lại cảm thấy có một mùi hôi thối nồng nặc xông thẳng vào mũi, đến gần xem thử thì ra là bên trong có một hồ rất lớn toàn là máu phân nước tiểu, trong ánh sáng lờ mờ nhìn thấy bên trong đó có rất nhiều người, nam nữ già trẻ chìm chìm nổi nổi, hai tay giãy dụa, chỉ cần hễ mở miệng, máu phân nước tiểu liền đổ dồn vào trong miệng.
Lúc này quỷ tốt nhìn em, rồi chỉ vào những người bên trong nói: ‘Những người này đều là khi còn sống làm gái điếm, lừa đảo buôn người, lừa gạt tiền tài người ta, tham ô cưỡng đoạt, bắt cóc tống tiền và mở những nơi phục vụ chuyện dâm loạn, v.v..’. Em không dám lên tiếng, sợ hắn cũng đẩy em vào trong đó.
Lúc này quỷ sai lại hỏi em đã nhìn thấy chưa, em vội vàng nói ‘nhìn thấy rồi’. Nói xong bọn em liền rời khỏi nơi đó. Lại đi đến một nơi, chỉ thấy phía trước từng hàng từng hàng người bị lột sạch quần áo, cột trên cột trụ, dưới đất mọc đầy cỏ màu đỏ. Chúng em đi đến trước một người vừa trắng vừa mập có cái bụng rất lớn bị trói. Một quỷ dữ trên đầu mọc ba sừng, nhe răng cầm một con dao bén đứng ở đó, nhìn thấy bọn em bèn dùng dao vỗ vỗ vào bụng người đó nói: ‘Dạ dày anh ta thật không được sạch sẽ lắm’.
Nói xong quỷ sai chọc dao vào trong bụng anh ta, kéo mạnh xuống dưới, toàn bộ cái bụng bị tách ra, dạ dày ruột theo đó mà rơi ra, mặt đất toàn là máu đỏ tanh hôi. Có mấy con chó màu đen bên cạnh tranh nhau giành ăn, dạ dày ruột tuy bị tuột ra, nhưng phía bên trên thông với quả tim vẫn không rời khỏi thân thể, bị những con chó tranh nhau dùng miệng nào lôi nào kéo, thật là đau đớn không kể xiết, thảm thương đến chẳng dám nhìn. Sợ quá em nhắm tịt mắt lại, người đó kêu la thảm thiết rồi chết đi.
Quỷ sai hỏi em: ‘Đã nhìn thấy chưa, nhà người chẳng phải không tin báo ứng, muốn làm thổ phỉ hay sao?’. Em nói: ‘Nhìn thấy rồi, tôi không làm thổ phỉ nữa đâu!’.
Nói xong bọn em lại đi đến một nơi khác, chỉ nghe một vùng kêu la thảm thiết, đầu trâu mặt ngựa đang dùng móc sắt cạy miệng của một người ra, rồi lại móc lưỡi của người đó, dùng con dao sắc bén cắt đứt cái lưỡi, máu nhuộm đỏ lồng ngực. Tuy vậy quỷ sai vẫn còn chưa ngừng tay, lại dùng cái khoan sắt khoan xuyên qua hai bên má, rồi lấy sợi tơ cột lên trên cột, thê thảm vô cùng. Nhìn thấy cảnh này, quỷ sai nói rằng: ‘Không tin vào lời nói thật, phỉ báng Phật Pháp khó tránh khỏi chế tài luật pháp cõi âm, đây thật là đúng người đúng tội, tự làm tự chịu’.
Sau đó bọn em lại đi đến một nơi khác, có địa ngục móc mắt, có địa ngục vạc dầu, có địa ngục moi tim, có địa ngục năm xe phanh thay, có địa ngục nước sôi luộc tay, có địa ngục dây thép đâm xuyên miệng, có địa ngục quỷ đói, có địa ngục bào cách (đốt da người), còn có hang khói lửa dài 40 dặm dành cho những người hút thuốc …
Cuối cùng lại dẫn em trở về nơi ban đầu, vừa đi vào cửa phán quan đó liền hỏi: ‘Đã nhìn thấy chưa?’. Nói xong ông ta lại chỉ về tấm bảng được lật lại trên tường nói với hai quỷ sai rằng: ‘Đi dẫn người này đến đây, cũng dẫn anh ta đi theo’.
Cứ như vậy em và hai quỷ sai đi một lúc lại đến một cổng nhà, em nhìn thử thấy đây không phải là nhà của chúng ta sao? Lẽ nào là bố mình đã hết thọ mệnh rồi? Lúc này bọn em đi vào trong sân nhà, chỉ thấy hai quỷ sai chạy xuống căn nhà phía dưới, chính là hộ nhà họ Phan thuê nhà của chúng ta. Em theo quỷ sai đi vào nhà, sau khi đi vào nhà thì tìm một xó núp ở đó. Chỉ thấy lão Phan nằm trên giường lò, trong phòng có không ít người, bạn già của ông ngồi ở bên cạnh. Qua một lúc những người đó đều đi ngủ cả, chỉ còn lại vợ của lão vẫn ngồi ở đó, lại qua một lúc bà ấy cũng ngủ gật.
Lúc này một quỷ sai nhẹ nhàng đi đến bên cạnh lão Phan, từ trong người móc ra một cái gương nhỏ, chiếu vào thân lão Phan một cái, rồi đút vào trong ngực. Lại thò tay đến phía dưới đầu của lão Phan ra sức lắc lắc rồi nói: ‘Dậy đi, dậy đi nào’.
Lão Phan tỉnh dậy, xuống giường chỉ mang một chiếc giày, trên cổ bị trói bằng xiềng xích, lôi sang một bên. Lão Phan nhìn thấy em muốn trò chuyện cùng em, em liền lảng tránh ông ấy. Lúc này vợ của lão Phan tỉnh lại, luôn miệng kêu la: ‘Ông ơi! Ông ơi!’. Những người đang ngủ bị đánh thức, thấy không ổn rồi, liền khiêng lão xuống dưới. Lúc này mọi người đều cuống quýt cả lên, có người đi đốt giấy.
Một lúc sau quỷ sai dắt theo lão Phan và kéo em theo, bốc lấy một nắm tro giấy rồi rời đi. Khi đi đến giữa sân, vợ của lão Phan khóc òa lên. Lúc này lão Phan muốn trở về, hai quỷ sai một người kéo một người dùng gậy đánh, cứ như vậy đã dẫn lão Phan đi.
Lại quay về căn phòng ban đầu, phán quan nói: ‘Hãy đưa ông ta vào đi’. Từ bên cạnh lại có hai quỷ sai đến dẫn lão Phan đi. Lúc nay em mới rõ tấm bảng được lật kia lại chính là tên của lão Phan.
Hai vị quỷ sai hỏi: ‘Tên này làm sao đây?’. Phán quan lưỡng lự nói: ‘Xem xem dương thọ của y còn bao nhiêu thời gian nữa?’. Một người khác cầm một cuốn sổ lớn lật một hồi rồi nói vẫn còn sớm lắm. Lúc này em nói: ‘Người nhà chúng tôi đều ăn chay tu học Phật, sau khi trở về rồi tôi cũng sẽ ăn chay tu học’.
Phán quan cười nói: ‘Nhà ngươi muốn tu học? Thế nhân có ba cuốn sổ hộ tịch. Nguyên tịch là sổ đầu tiên ở Thiên Đường, ghi chép những linh hồn thuở mới đầu thai, gọi là sổ gốc. Ký tịch là sổ ghi lúc còn tại thế. Phân tịch là sổ ghi ở Âm Phủ. Âm phủ vốn không phải là chỗ ở cũ của con người thế gian, vậy nên ở đời nên tu Đạo, để trở về quê nhà nơi thiên đường!”.
Lúc này người xem sổ nói: ‘Hãy để anh ta quay trở về đi! Vạn nhất quy y sẽ tu thành người tốt”. Phán quan nói: ‘Để ngươi trở về vậy, nhà ngươi về rồi không được phép nói ra’. ‘Vâng’, em vội đáp.
Cứ như vậy hai quỷ sai đã dẫn em trở về. Lúc này nhà em đang làm cơm sáng, em đi vào nhà, nhìn thấy trên giường còn có một người đàn ông nằm đó. Trong lòng liền rất tức giận: ‘Tôi vừa mới vắng nhà có mấy ngày, cô đã tìm một người đàn ông khác’. Em muốn nhìn xem người đó là ai, liền túm lấy áo của nhà em lôi lên giường lò, vừa muốn nhìn xem người đàn ông kia là ai thì chỉ trong chốc lát đã hiểu rõ tất cả, thì ra là bản thân em đang nằm ở đó.
Con người ta sống ở trên đời khó tránh sẽ phạm phải một số chuyện sai lầm, chuyện xấu; muốn thoát khỏi cái khổ địa ngục sau khi chết thì chỉ có tu học Phật pháp mà thôi!”.
Sau khi kể đoạn trải nghiệm này không được bao lâu, vào một buổi sáng chú tôi bỗng không nói chuyện được nữa. Người nhà không hiểu chuyện gì, không biết chú ấy lại bị bệnh gì nữa, đi tìm danh y khắp nơi nhưng cũng chữa không khỏi. Hơn ba tháng sau, chú ấy mới nói được trở lại.
Bố tôi hỏi chú ấy lần này lại là chuyện gì, chú ấy nói: “Còn không phải là tại anh sao, người ta đã không cho nói, vậy mà anh cứ muốn hỏi, họ lại bắt em đi nữa. Lần này chịu trừng phạt nghiêm khắc hơn, nói em đã tiết lộ thiên cơ, phạt em ba tháng không được nói chuyện”.
Chú ấy lại nói tiếp: “Tại sao lại để cho em nhìn thấy những chuyện này đây? Mấy đời dòng họ nhà chúng ta đều ăn chay niệm Phật, tích đức hành thiện trong chùa, chỉ có em lòng dạ ác độc, thủ đoạn dơ bẩn cái gì cũng không tin; chính là để em nhìn thử xem rốt cuộc là có quỷ thần hay không, có báo ứng hay không”.
Tiểu Thiện (Trích từ Tinh Hoa)
nghe bạn tán thán kinh Địa Tạng, mình cũng đọc, mình đọc tới phẩm thứ 12 cảm xúc dâng trào khóc sướt mướt luôn, bình thường mình là nguoi rất mạnh mẽ, hiếm khi khóc,trước giờ mình cũng đọc một số bộ kinh mà có khóc đâu,cảm on ban da giới thiệu kinh Địa Tạng,
Nên tìm hiểu thật nhiều về vị bồ tát thật vĩ đại này nhé có rất nhiều kinh và sự linh ứng của bồ tát địa tạng. Mình đã xem rất nhiều lần và nhiều năm vẫn chưa hết đó. Bồ tát này cũng là thần tượng của mình, nếu có gì muốn tìm hiểu về bồ tát này. Cứ hỏi mình
Cung kính là điều đầu tiên của người học Phật khi hướng đến các vị Phật, Bồ tát … cho nên PB e rằng đạo hữu dùng cụm từ “Bồ tát này” có phần chưa được thỏa đáng.
Nam Mô A Di Đà Phật!
HỘ TRÌ PHẬT PHÁP BẰNG ĐỨC HẠNH
Tôi hỏi sư phụ:
Con thấy nữ sĩ kia một mực chí thành hộ trì tự viện, hay bố thí tham gia pháp hội, nhưng hiện giờ bà đang bị ung thư phổi, bịnh viện cũng không trị nổi. Xin hỏi Sư phụ nguyên nhân căn bịnh của bà là chi?
Sư phụ đáp:
Làm người không nên để cho tâm danh lợi làm lụy, chẳng nên khởi tâm cống cao ngã mạn. Phải biết lúc ta đến cõi đời này vốn là trần trụi thì khi lìa thế gian vẫn phải trắng tay, không đem theo được gì. Danh lợi giống như khói mây thoáng qua, không nên vì danh lợi mà khởi tâm cống cao ngã mạn. Chỉ có tâm thanh tịnh mới được Phật quang gia hộ. Nếu dùng tâm xấu, tâm cống cao ngã mạn mà bố thí tài vật cho chùa, thì tự viện giống như cung điện chứa vàng chất bạc, kẻ cúng bằng tâm chứa độc như thế chỉ làm nhiễm ô người tu hành phạm hạnh. Còn nếu không những đem tài vật cúng dường, mà còn dùng đức hạnh hộ trì tự viện, thì tự viện mới thành là đạo tràng vạn đức trang nghiêm, hóa độ thập phương rộng rãi.
Hãy bảo bà ấy ngoài việc tu tâm sửa tính giữ lòng khiêm cung ra, còn phải tụng kinh Địa Tạng để tiêu trừ túc nghiệp. Khi tụng kinh không nên tham nhiều, tham mau, đọc lua lua. Trong lúc tụng kinh, cần chú ý: tâm, khẩu, mắt phối hợp hỗ tương cho đồng, chẳng nên hôn trầm, tán loạn. Tụng từng chữ từng câu cũng đồng như tụng ngàn chữ ngàn câu, tụng một bộ kinh giống như tụng ngàn bộ kinh. Như vậy pháp giới chúng sinh mới được hưởng lợi ích.
Không chỉ giữ gìn ngôn hạnh không tham, sân, si mà phải hằng có tâm điều phục chúng. Giống như làm cỏ phải diệt tận gốc, mới không lưu lại hậu hoạn.
Khi tôi đem lời Sư phụ dạy chuyển đến nữ cư sĩ này rồi, bà nói: “Sư phụ phê bình rất đúng!”. Bà nhìn nhận đây là khuyết điểm bản thân mình và chân thành biểu lộ sự ăn năn. Sau đó bà buông bỏ hoàn toàn, không them quan tâm đến chuyện bịnh tật nữa, cứ ở nhà tụng Kinh Địa Tạng. Khi tụng đến bộ thứ bảy, thì cảm thấy bịnh trên thân thể như lành được một nửa. Lúc đến y viện kiểm tra, thì bướu ác tính đã chuyển sang lành tính. Bà được niềm vui quá ước mong, càng thêm niềm tin đối với Sư phụ. Khi bác sĩ đề nghị phẫu thuật, bà không chịu, quay về nhà kiên trì tụng Kinh Địa Tạng, lúc tụng đến bộ thứ 19, thì cảm thấy sức khỏe tràng đầy. Hằng ngày bà lễ Phật hơn trăm lạy mà không thấy mệt. Sau đó bà lại đến bịnh viện tái kiểm tra, thấy khối u trong phổi đã hoàn toàn biến mất, không còn lưu một dấu vết nào. Đúng là kỳ tích.
Đến nay đã gần 5 năm, mùa xuân năm 2000 bà đi xe chuyên trình từ Thiên Tân đến thăm tôi, thấy bà có vẻ khang kiện còn hơn hồi tuổi trẻ rất nhiều. Thực là lạ!
Trích Báo Ứng Hiện Đời 1