Niệm Phật chân thành hồi hướng cho những hương linh là một trong những cách thức ‘siêu độ’ vi diệu nhất, đây là một trong nhiều công đức thù thắng của Thánh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, như Pháp Nhiên Thượng Nhân trong quyển “Niệm Phật Tông Yếu’ thuyết, “Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng cho họ thì Phật A DI ĐÀ phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ chịu khổ sẽ hết khổ, người chết sau khi lâm chung được giải thoát.” (Trang 34)
Ngài Pháp Nhiên thuyết rất có căn cứ vì y theo Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ ở phẩm 12 ghi, “…Quang Minh của Phật A DI ĐÀ chiếu khắp mười phương, nếu chúng sinh nào chạm quang minh này, cấu diệt thiện sinh, thân ý nhu nhuyến, nếu trong tam đồ, chỗ vô cùng khổ, thấy Quang minh này, đều được dừng dứt, đến khi mạng chung đều đặng giải thoát.” (Trang 39)
Ấn Quang Đại Sư năm xưa khi còn sống cũng dùng cách niệm Phật hồi hướng cho hương linh. Phật tử yêu cầu siêu độ tổ tiên, thân bằng quyến thuộc thì Ngài Ấn Quang đều để bài vị ở Niệm Phật đường rồi lấy công đức niệm Phật của đại chúng ở Niệm Phật Đường hồi hướng cho họ. Theo Ngài Tịnh Không, cách này rất đáng được học tập và nhân rộng.
Vì thế, quý vị an tâm niệm Phật chân thành để ‘siêu độ’ cho người thân quá cố của mình. Bài viết mở rộng dưới đây về việc siêu độ cho hương linh trong vòng 49 ngày sau khi chết và sau 49 ngày hoặc thời gian dài sau đó nhằm giúp quý vị hiểu rõ quan điểm siêu độ của Phật giáo và các vị Thánh tăng.
1. Siêu độ cho hương linh trong vòng 49 ngày sau khi chết
Người học Phật cần phải biết đối tượng giáo hóa của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sống chứ không phải là người chết. Nếu vì hương linh siêu độ đó chỉ là biện pháp thứ yếu chứ không phải là sứ mạng căn bản của Phật giáo.
Vấn đề này được Pháp sư Thánh Nghiêm, một vị cao tăng uy tín của Phật Giáo Đài Loan nói riêng và của Thế giới nói chung, sáng lập dòng thiền Phật Giáo Pháp Cổ Sơn (Dharma Drum Mountain.) thuyết giảng trong bài viết “Vì sao làm Phật sự” đăng trên trang mạng điện tử Thư viện Hoa Sen ngày 7/7/2011. Thế nhưng, ngày nay một số chùa chuyên làm ‘Phật sự’ cúng bái, siêu độ cho người chết trong khi đó độ cho người sống là thứ yếu, vì thế Pháp sư Tịnh Không thuyết rằng “‘Phật sự’ – hai chữ này là dạy học hiện nay đã biến chất rồi. Biến thành cái gì vậy? Siêu độ cho người chết gọi là Phật sự, điều này ở trong Phật giáo không có, trong kinh điển không có. Phật sự là dạy học, chính là giáo dục. Chỉ một việc này.”
Những xác quyết của quý ngài đều đúng như pháp vì sao vậy? Y theo Kinh Địa Tạng, người thân vì người chết trong vòng bảy thất (49 ngày), làm ‘phật sự’ một cách thành khẩn như là ăn chay, phóng sinh, cúng dường Tam Bảo, tạc tượng Phật, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật vv… rồi lấy công đức này hồi hướng cho người mất.
Trong vòng 49 ngày người sống rốt ráo làm phật sự như vậy, thì trong bảy phần công đức, người chết chỉ nhận được một phần mà thôi. Vì thế khi còn thân người, thì chúng ta nên tu tập là tốt nhất. Ai tu nấy hưởng.
Tuy nhiên, những người thân của người quá cố chí tâm tu hành như Pháp thì dù chỉ một phần công đức cho người chết nhưng họ sẽ được siêu thoát vào cõi lành (thiên, nhân) hoặc có thể về Cực Lạc Quốc của Đức Phật A DI ĐÀ. Việc này cũng được Pháp sư Thánh Nghiêm xác quyết “Người chết trong thời gian bảy tuần gia đình nên vì họ mà làm các Phật sự, sẽ có công dụng rất lớn đối với người chết. Gia đình nên đem các tài vật mà người chết khi sanh tiền yêu thích để cúng dường Tam Bảo, bố thí kẻ nghèo khổ, và hồi hướng công đức này cho người chết, người chết sẽ nương nhờ công đức đó mà được tái sanh về các cảnh giới an lành.”
Vì sao vậy? Y theo Kinh Địa Tạng, hình ảnh thánh nữ Ba la môn siêu độ cho mẹ bằng chính sự tu tập của bản thân sau khi được vị cao tăng cho biết mẹ của cô đang chịu cực hình ở địa ngục. Quý vị thấy rằng trong Kinh, cô không mời pháp sư, không mời thầy cúng đến tụng kinh. Thay vào đó, cô quay đầu, quyết tâm đoạn ác tu thiện một cách nghiêm túc và chí thành. Suy ngẫm kỹ, chúng ta thấy việc đọa vào địa ngục của thân mẫu là động lực thúc đẩy cho cô quyết chí tu tập. Khi đã được chứng quả, công đức này đã gây cảm ứng cho thân mẫu và từ đó mẹ cô liền được sinh thiên. Hình ảnh này cũng được Pháp sư Tịnh Không thuyết giảng trong bài “Phât sự….” như một lời nhắn nhũ rằng điều tốt nhất để siêu độ cho người chết là chính bản thân người thân của hương linh phải đoạn ác tu thiện một cách chí thành không những trong vòng 49 ngày mà hơn thế nữa.
Tụng kinh siêu độ cho người chết tuy là thứ yếu nhưng cũng mang lại lợi lạc cho người quá cố. Tại sao vậy? Y theo Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Vấn Đức Thế Tôn có đoạn:
“Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Như người ở trên đời không có trai giới mà hay làm phước huệ cho đời. Sau khi chết rồi có con hiếu thuận hoặc trai hay gái thỉnh thầy tụng kinh đại thừa, làm thủy lục hoặc trai đàn lớn cầu siêu độ vong linh, không biết vong linh có thể siêu độ không?
Đức Phật nói: “Còn như thỉnh thầy uống rượu ăn thịt chẳng đặng trong sạch, tụng kinh lấy bạc tiền. Thiên thần chẳng giáng lâm, Phật thánh không đến trợ, lại vong linh ấy càng thêm tội lỗi. Bằng như có con hiếu thuận chân chánh, cha mẹ chết rồi, trong mỗi tuần bảy ngày làm chay bảy thất, hoặc trong ba năm cả nhà ăn chay giữ giới, xuất tiền của trong sạch, cầu thỉnh thầy tu hành đức hạnh, trai giới tinh nghiêm, tụng kinh đại thừa, hoặc làm chay thủy lục thiết lập nghiêm trang, thắp hương rãi hoa y theo pháp cúng dường, có lòng thành kính thay thế cho vong hồn khỏi tội đặng phước. Nếu cầu siêu bố thí bạc tiền như vậy, vong linh mới đặng sanh lên cõi trời, người sống cũng đặng phước, kẻ còn người mất đều an vui, người vui mừng thần thánh cũng vui mừng, như vậy mới thật là con cháu hiếu thuận.”
Quan điểm này cũng được Pháp sư Thánh Nghiêm đề cập trong bài viết ‘Vì sao làm Phật sự’sẽ được trình bày dưới đây.
2. Siêu độ cho hương linh sau 49 ngày
Theo Kinh điển Phật giáo, thông thường, người ngay sau khi chết phải trải qua giai đoạn thân trung ấm trong vòng 49 ngày. Trong giai đoạn này thân trung ấm luôn chờ đợi cơ duyên thành tựu để chuyển sanh vào một trong sáu đường: thiên, nhân, a tu la, ngạ quỹ, súc sanh và địa ngục. Tuy nhiên, có hai loại người sau khi chết không trải qua giai đoạn thân trung ấm này đó là những người khi còn sống tu tạo những công đức lành (như niệm Phật, tu thập thiện) liền được thoát sinh lên Tây Phương Cực Lạc hoặc cõi thiên. Hoặc là những người khi còn sống tạo ác nghiệp, trọng nghiệp lập tức đọa vào địa ngục. Vì thế, như đã đề cập ở trên, trong vòng bảy thất này, hương linh rất cần sự giúp đỡ đầy thành tâm của gia đình thì mới mong được chuyển sinh vào cõi lành. Vấn đề này cũng được Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche vấn đáp trong quyển Death and Rebirth “trong bảy tuần lễ đầu sau khi chết là thời gian rất quan trọng để cho người sống làm mọi việc có thể giúp sức tái sinh cho người chết.” Tuy nhiên sau 49 ngày, chuyện gì xảy ra với hương linh và việc siêu độ họ như thế nào? Có hai khả năng xảy ra.
2.1 Khả năng thứ nhất
Sau 49 ngày người mất đã có chỗ thoát sinh, một trong sáu đường tùy theo nghiệp lực khi còn sống và tùy thuộc vào công tác “Phật sự’ của người thân trong vòng 49 ngày. Khi họ đã có chỗ ‘an sinh’, thì việc làm công tác ‘Phật sự’ hồi hướng cho họ chỉ làm tăng thêm phước phần cho họ mà thôi. Sau đây là đoạn trích bài thuyết Pháp của Pháp sư Thánh Nghiêm trong bài “Vì sao làm Phật sự” cũng đã xác minh quan điểm này:
“Phật Giáo chủ trương siêu độ vong linh tốt nhất là trong khoảng thời gian sau khi chết bốn mươi chín ngày. Nếu như qua bốn mươi chín ngày mà làm Phật sự hồi hướng, đương nhiên cũng có tác dụng nhưng lúc này chỉ tăng thêm phước phần cho họ chứ không thể cải biến được cảnh giới họ đã chuyển sanh. Giả sử một người khi sanh tiền đã tạo các điều ác, định sẵn đời sau họ phải đọa làm thân trâu bò hay mèo chó, ngay sau khi họ chết trong vòng bốn mươi chín ngày nếu gia đình vì họ mà làm các Phật sự đồng thời tạo cơ duyên cho họ đang ở trong giai đoạn thân trung ấm mà nghe được người xuất gia tụng kinh, nhân đó biết được một số đạo lý Phật pháp, ngay đó họ sẽ sanh tâm hối cải lập chí hướng thiện, nhờ đó có thể tránh được làm thân súc sanh mà tái sanh làm người.
Nếu như qua bốn mươi chín ngày họ đã tái sanh làm thân trâu bò, mèo chó, lúc này gia đình vì họ mà làm các Phật sự thì chỉ cải thiện được hoàn cảnh sanh hoạt của trâu bò, mèo chó như làm cho họ được ăn uống đầy đủ, không bị cày bừa lao nhọc, được mọi người yêu mến cho đến tránh được cái kiếp phải bị dao đâm. Còn bằng người chết đã sanh làm người liền có được thân thể khỏe mạnh, sự nghiệp thuận lợi, bà con thương yêu bảo bọc. Nếu như họ đã vãng sanh cũng khiến cho phẩm vị Liên hoa của họ được tăng cao sớm được thành Phật.”
Lời sau cùng trong Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni có trích một câu chuyện kể về sự linh ứng khi trì chú Đà ra ni này cho thấy Thánh Nghiêm Đại sư xác tín phước phần tăng thêm cho thân bằng quyến thuộc sau khi có chỗ thọ sinh là có căn cứ. Sau đây là đoạn trích nguyên văn mẩu chuyện này từ trong Kinh.
“Trong niên hiệu Khai Nguyên, có vị cư sĩ tinh tu ở non Ngũ Đài, người thường gọi là Vương Sơn Nhơn, cũng trì tụng chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni này. Sau vì cầu siêu cho cha, ông tụng chú đến vài mươi muôn biến, cầu xin được biết nghiệp báo lành dữ và chỗ sanh của phụ thân. Nhưng kết cuộc không thấy chi, ông thối tâm muốn ra khỏi núi. Bỗng gặp một lão nhơn đón lại, bảo: “Hiền giả tụng trì thật là cần mẫn, nhưng vì cách Phật lâu xa, văn cú thất lạc, thiếu sót nhiều. Nên không mau được ứng nghiệm. Nay gặp nhau đây, tôi xin truyền lại toàn bản của thần chú”. Vương Sơn Nhơn mời về đảnh lễ và thọ pháp. Lão nhơn dạy: “Hiền giả tụng chú bản này độ một ngàn biến sẽ thấy hiệu lực”.
Cư sĩ trì niệm y theo lời. Vài hôm sau lúc ban đêm, bỗng nghe tiếng ngọc hoàn bội khua thanh thao, giọng tiêu cầm dìu dặt, lần lần giáng xuống trước sân nhà, cư sĩ kinh lạ bước ra xem, thấy mấy mươi thiên nhơn vây quanh ủng hộ một vị thiên tiên tướng mạo siêu phàm đi đến. Vị thiên tiên hỏi: “Người biết ta chăng?” Cư sĩ thưa: “Kẻ dung phàm này mới được hân hạnh diện kiến”. Thiên tiên nói: “Ta là phụ thân của người, năm rồi người trì tụng Tôn Thắng Đà Ra Ni, ta được nhờ phước lực sanh lên cõi trời. Mấy hôm nay, y phước lại tăng gấp bội hơn trước, ta được làm vua trong hàng thiên tiên. Bản chú ngươi vừa trì tụng công hiệu thật không thể nghĩ bàn!”. Nói xong, tất cả đồng bay về thượng giới, cư sĩ vui mừng, cúi lạy tiễn đưa. Từ đó về sau càng thêm tinh tấn.” (Trang 48-49)
2.2 Khả năng thứ hai
Theo Kim Cang Thừa, Trong giai đoạn 49 ngày của thân trung ấm, đa số thần thức đều được đầu thai một trong sáu đường (lục đạo). Tuy nhiên có một số trường hợp, thần thức bị kẹt ở trạng thái thân trung ấm này một khoảng thời gian như Ðại sư Dilgo Khyentse Rinpoche vấn đáp “có một số người khác cứ vất vưởng trong thế giới trung ấm này một thời gian rất lâu, có lúc đến bảy năm mới đi tái sinh. Nếu trường hợp họ bị kẹt lại trong thế giới trung gian này, họ sẽ trở thành ma quỷ.”
Trong Kim Cương Thừa dạy rằng khi bị kẹt trong trạng thái trung ấm, chúng sinh phải chịu đựng rất nhiều khổ đau, lang thang khắp nơi trong sợ hãi, đói khát, buồn khổ, tham chấp, sân hận và hối tiếc về những kiếp sống đã trôi qua. Họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, uất hận và đau đớn khổ sở.” Vì thế họ rất cần sự giúp đỡ của một vị cao tăng ‘siêu độ’ cho họ. Tác giả Vô úy trong bài viết “Ý nghĩa lễ Quán đỉnh Changwa” viết, “Thông qua các pháp tu Bản tôn A Di Đà Phật, Bất Động Phật, Bản tôn Quán Âm trong Kim Cương thừa, nương nhờ hồng ân Tam Bảo, nương theo giáo pháp chân thực và năng lực quán tưởng chư Phật Bản tôn, một bậc Thượng sư đã thực chứng Đại định A Di Đà hoặc thành tựu bất kỳ pháp môn nào khác, trong khi nhập đại định, Ngài có khả năng dẫn dắt thần thức của những vong linh đang phải gánh chịu khổ đau trong trạng thái trung ấm tới trước mặt mình và ban dạy giáo pháp về vô thường, khai thị cho họ biết chính tâm tham chấp của họ với kiếp sống trước đây khiến họ bị kẹt trong trung ấm không thể siêu thoát. Nhờ đó vong linh sẽ lợi lạc vô vàn và tức thời được siêu thoát.”
Trong trường hợp này, gia đình có thể thỉnh cao tăng Tịnh độ về khai thị, Quy y Tam Bảo và ban pháp niệm Phật vãng sanh cho hương linh. Trong khi đó mọi người trong gia đình đều thành tâm niệm Phật, đọc Thần Chú Vãng sanh, làm những ‘Phật sự’ khác và hồi hướng công đức này cho họ thì họ mới có cơ may siêu thoát vào cõi lành.
Nguyện đem công đức này
Hướng về tất cả chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh cõi An Lạc
Tâm Tịnh sưu tập
Nguồn tham khảo:
1) Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh – Nguyên Hán bản: Ngài Hạ Liên Cư hội tập – Tâm Tịnh chuyển ngữ; Viện nghiên cứu Phật học Phước Huệ hiệu đính và ấn hành; Phật Lịch 2546 -2002
2) Đại Thừa Kim Cang Luận – Thích Viên Giác; PL.2543 –TL. 2000
3) Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà Ra Ni – Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch; Phật Lịch 2550 –TL: 2006
4) Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân – Nguyễn Văn Nhàn dịch; Nhà Xuất Bản Phương Đông; Phật Lịch 2555 – TL. 2011
5) Khai Thị Pháp Môn Niệm Phật- Hòa Thượng Tịnh Không; PL.2553 – TL, 2010
6) Death & Rebirth – Chết & Tái Sinh – Thích Nguyên Trạng, Melourne, Úc châu: PL. 2545 – TL. 2002
7) Vì sao làm Phật sự – Pháp sư Thánh Nghiêm: Hội Bông Sen, 2011
8) Từ Điển Phật học online Quangduc.com.
Trích Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục
CHƯƠNG III: Luận về sinh tử trọng đại
Sinh mạng vô thường
Vạn vật trong mỗi sát na hiện tướng lưỡi rộng dài thuyết pháp
Mạng mạng vô thường huống chi phú quý vinh hoa
Việc tử sinh phải được chuẩn bị lâu xa
Tu sửa thân tâm khi tuổi còn thơ dại
Nghiệp lực chồng chất từng ngày qua tháng lại
Cán cân đời chưa biết ngả về đâu
Có kẻ lúc lâm chung thân xác đớn đau
Tâm thần tán loạn biết nơi nào nương dựa
Người xưa nói,
“Kẻ thông minh không thể dùng thông minh thắng nghiệp
Người giàu sang chẳng tránh khỏi chuyển luân”
Nên biết kính tin vào Phật lực đã trải ân
Như mưa pháp thấm nhuần trong ba cõi
Người không kính tin phải đành lạc lối
Người kính tin nhưng ngày có, ngày không
Tín-Hạnh-Nguyện không khắc cốt ghi tâm
Thì chẳng khác kẻ không tin kia vậy.
Lại có kẻ cầu vãng sinh nhưng sợ mốt mai phải chết
Cầu thì cầu những chưa muốn xả bỏ thân
Không như người:
“Sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam tâm”
Tâm tham luyến lại trở thành chướng ngại
Hãy tùy nghiệp xưa như thuyền theo mái đẩy
Tránh tạo nghiệp kiếp này, lánh dữ làm lành
Nếu thọ mạng kéo dài cả đến trăm năm
Hoặc kết thúc ngày mai, đều chẳng bận
Nghiệp trả cõi phàm, đài sen chín phẩm
Phật thọ ký một đời viên mãn đạo tâm.
Bạch Thầy, con có vấn đề xin được nhờ thầy chỉ dạy ạ. Lâu nay con tụng kinh hạnh nguyện bồ tát đều phát câu nguyện mong Quán thế âm bồ tát bảo hộ soi sáng cho ( tên người đã mất hơn 100 ngày), vậy có được không ạ. xin thầy chỉ dậy giúp con. Con xin cám ơn.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ HOAN HỈ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
Xin cho những ai có duyên lành đọc được những dòng chia sẻ quý báu của liên hữu Lăng Nghiêm .Xin năm vóc đê đầu tạ ơn Chư Phật Bồ Tát từ bi chỉ đường dẫn lối cho con biết pháp môn Tịnh Độ, biết đến trang nhà Đường Về Cõi Tịnh và được rất nhiều chia sẻ bổ ích từ các liên hữu tiền bối không quản mệt mỏi luôn đồng hành cùng những bạn tu chưa vững như mình .
Nguyện các liên hữu tiền bối luôn an khang,an lạc, vững chắc trên đường tu, Phật quả chóng viên thành.
NAM MÔ TA BÀ GIÁO CHỦ ĐIỀU NGỰ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC THẾ GIỚI ĐẠI TỪ ĐẠI BI TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN QUẢNG ĐẠI LINH CẢM ỨNG QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI HÙNG ĐẠI LỰC ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
NAM MÔ ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT MA HA TÁT?♀️?♀️?♀️
Nam mô quán âm bồ tát
Con tin tưởng quán âm bồ tát hơn cả phật tổ như lai hay phật a di đà nhưng con lại không biết phải gọi là quan âm bồ tát hay là quán âm bồ tát, quan âm bồ tác hay là quán âm bồ tác, vậy con gọi như nào là chính xác nhất ạ, xin các thầy, các cô, chú chỉ cho con, dạo 2 tháng gần đây con đã mang tội mất phước đến tận 2 lần rồi ạ, xin chỉ cho con gọi thế nào là chính xác nhất ạ
A Di Đà Phật
Chào bạn Nguyễn Đăng Kiêm!
Có câu chuyện xưa như sau:
Có một bà lão nghèo sống một mình, được người qua đường truyền cho câu thần chú của Quan Thế Âm Bồ Tát “Án Ma Ni Bát Di Hồng”, nhưng rồi bà lão lại đọc nhầm thành “Án Ma Ni Bát Di Xanh”. Và bà đã niệm câu Thần chú này suốt 30 năm. Ngày kia có vị cao tăng đi ngang qua túp lều của bà lão, chợt thấy có ánh hào quang phát ra từ túp lều. Ngài nghĩ rằng “hẳn là có vị chân tu đắc đạo” nên tiến bước về phía bà lão. Khi được biết bà lão niệm sai câu thần chú “Án Ma Ni Bát Di Xanh”, Ngài đã sửa lại đúng lại thành “Án Ma Ni Bát Di Hồng” rồi từ giã bà lão. Sau khi đi một đoạn, vị cao tăng ngoái đầu lại thì thấy túp lều của bà lão không còn phát sáng. Vị cao tăng giật mình và vội vã quay lại túp lều của bà lão và nói rằng câu thần chú “Án Ma Ni Bát Di Xanh” là đúng. Vị cao tăng lại từ giã, đi được một đoạn khá xa, ngài ngoái đầu nhìn lại thì thấy túp lều của bà lão lại phát ra sánh sáng như cũ.
Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng niềm tin là vấn đề cốt lõi trong việc tu hành. Phàm phu của chúng ta chấp vào văn tự nhưng Phật, Bồ Tát các Ngài không chấp. Bởi vậy cho nên có người niệm A Mi Đà Phật, có người niệm A Di Đà Phật Phật đều tiếp dẫn cả. Danh hiệu “Quán Thế Âm Bồ Tát” tiếng Phạn dịch sang tiếng Hán có nghĩa là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại, nghĩa là quán sát (quan sát) tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Đọc một số Trang Phật pháp, thấy họ niệm “Quán Thế Âm Bồ Tát”, lại có một số Trang niệm “Quan Thế Âm Bồ Tát”. Do vậy, nếu chúng ta quen niệm danh hiệu nào thời cứ niệm như vậy.
Còn chữ “Bồ Tát” hay “Bồ Tác”- cái này thuộc về lỗi chính tả, dù khi niệm thì hai chữ đều phát ra âm giọng giống nhau, nhưng khi viết thì “Bồ Tát” mới đúng lỗi chính tả. Theo thống kê thì có đến 90% người Việt viết sai chính tả, cũng không nên quá chấp vào từ ngữ, ngữ pháp mà sanh phiền não.
Chúc bạn tinh tấn!
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát
Xin chào chú Thiện nhân ạ. Chú ơi cho con hỏi là mình học Phật thì mình có nên yêu 1 người hoặc lấy 1 người không học Phật không ạ? hay tuỳ duyên mà nên lấy người cùng học Phật ạ. Như vậy có là chướng duyên không chú? Mong chú giúp con với ạ. A Di Đà Phật. Con xin cảm ơn ạ.
Bạn hãy tham khảo bài này nhé:
Phật Tử Yêu Và Sống Như Thế Nào?
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2015/02/phat-tu-yeu-va-song-nhu-the-nao/
A Di Đà Phật
Gửi bạn Thịnh,
*Phật dạy: Vợ chồng là duyên, nợ. Duyên thì có thuận, có nghịch. Nợ thì có nhiều có ít. Vì thế người bạn đời của bạn cho dù là tu hay không tu, cho dù là có đạo hay không đạo cũng đều không vượt ra khỏi hai nhân duyên nói trên. Điều quan trọng TN muốn chia sẻ cùng bạn là đừng tạo áp lực trong mối quan hệ giữa mình và mọi người. Muốn người khác yêu kính mình, sống trọn vẹn với mình, trước hết mình phải yêu, kính và sống trọn vẹn với người đã. Điều này cũng tương tự như khi tu đạo, bạn chớ nên đặt ra điều kiện: mình là người tu đạo Phật, bạn đời của mình cũng phải tu theo đạo Phật, trái lại bạn hãy tìm cách hoàn thiện chính mình, tức chân chánh tu đạo, tự ngộ, tự độ chính mình đã, được vậy, khi bạn gặp người đối diện, tâm đạo của bạn sẽ cảm hoá được người đó, giúp cho người đó cùng nương về đạo, cùng tu, cùng giác ngộ, nhờ đó mà có cuộc sống an lạc.
*Chúng ta có một thói quen huân tập rất xấu là chỉ mong người khác theo ý mình mà không nghĩ mình phải làm gì để người khác có thể nương theo. Trong đạo gọi đó là tập khí xấu. Khi tu đạo, tập khí này sẽ là chướng duyên khiến chúng ta vướng kẹt, vì đó khó mà tiến xa trên đường đạo. Phật pháp là tuỳ duyên, tuỳ nhưng cũng phải biết nắm vững nhân duyên khi duyên hội đủ thì thiện pháp mới có thể thành tựu. Bạn hãy ráng tu học thật chân chánh. Tâm thiện, ý thiện chư hộ pháp sẽ thường ủng hộ, lúc đó không lẽ gì bạn không gặp được người bạn chung ý tưởng.
Chúc thường tinh tấn và an lạc.
Dạ con xin cảm ơn chú TN và bạn ML ạ. Một bài pháp rất hay của chú TN ạ, con xin cảm ơn ạ. A Di Đà Phật
PHẬT NÓI KINH NHÂN QUẢ BA ĐỜI
(Hoà Thượng Thích Thiền Tâm dịch từ Hán sang Việt)
Một hôm, Tôn giả A Nan Đà, ở trên hội Linh Sơn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi đại Tỳ Kheo câu hội.
Khi ấy A Nan Đà tôn giả, chắp tay đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng, rồi quỳ xuống thưa thỉnh đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Đến thời mạt pháp, tất cả chúng sinh ở cõi Nam Diêm Phù Đề, nhiều kẻ sinh niệm chẳng lành, không kính Tam Bảo, không trọng cha mẹ, không có tam cang. Năm giềng rối loạn, nghèo khó, thấp hèn, sáu căn chẳng đủ, trọn ngày sát sinh hại mạng, cho đến nghèo giàu sang hèn không đồng nhau. Do nhân duyên quả báo gì khiến nên như thế?
Cúi xin đức Thế Tôn từ bi, vì chúng con giải thích mọi sự việc.
Phật bảo A Nan cùng các đại đệ tử: “Lành thay! Lành thay! Các ông hãy lắng nghe! Ta sẽ vì các ông mà giải thích rành rẽ.”
Tất cả nam nữ ở thế gian giàu sang hay nghèo hèn, chịu khổ vô cùng hoặc hưởng phước vô lượng đều do nhân duyên từ đời trước mà cảm quả báo.
Cho nên tất cả chúng sinh, trước phải hiếu kính cha mẹ, kế đó phải tin trọng ngôi Tam Bảo, thứ ba nên bỏ giới sát mà phóng sanh, và thứ tư cần ăn chay, bố thí mới có thể gieo giống ruộng phước về sau.
Phật liền nói bài kệ nhân quả rằng:
Giàu sang đều bởi mạng
Đời trước có tu nhân
Ai thọ trì Kinh nầy,
Đời đời hưởng phước lộc.
Thiện nam, tín nữ nghe ta nói:
Suy nhớ Kinh Nhân Quả Ba Đời,
Nhân quả ba đời việc chẳng nhỏ,
Phật nói lời thật chớ chê khinh.
1. Đời nay làm quan do nhân gì?
Kiếp trước vàng ròng thếp tượng Phật
Đời nay hưởng bởi nhân xưa
Đai vàng, áo tía, cầu nơi Phật.
Vàng trang nghiêm Phật, trang nghiêm mình.
Làm đẹp Như Lai, đẹp tự thân.
Đừng bảo làm quan là chuyện dễ,
Không tu, phước ấy đến từ đâu?
2. Cưỡi ngựa, ngồi kiệu do nhân gì?
Kiếp trước làm cầu, bồi đắp lộ.
3. Do nhân duyên gì mặc gấm vóc?
Đời trước thí áo giúp Tăng Ni.
4. Có ăn, có mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống.
5. Ăn mặc thiếu thốn bởi nhân chi?
Kiếp trước một nửa không xả thí.
6. Lầu cao nhà lớn do nhân gì?
Xưa lên chùa am cúng thí gạo.
7. Phước lộc đầy đủ cho nhân gì?
Xưa lập chùa am cất nhà mát (1)
8. Tướng mạo xinh đẹp do nhân gì?
Đời trước hoa tươi cúng dường Phật.
9. Thông minh trí tuệ do nhân gì?
Kiếp trước ăn chay, thường niệm Phật.
10. Người thấy vui mừng do nhân gì?
Xưa kết duyên lành cùng đại chúng.
11. Chồng vợ bền lâu do nhân gì?
Đời trước tràng phan nghiêm cúng Phật.
12. Cha mẹ song toàn do nhân gì?
Đời trước kính trọng người cô độc.
13. Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người đánh bẫy chim.
14. Con cháu đông nhiều do nhân gì?
Đời trước mở lồng thả chim thú.
15. Nuôi con không được do nhân gì?
Xưa sinh con gái dìm cho chết (2).
16. Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa. (hoa biết nói)
17. Đời nay sống lâu do nhân gì?
Kiếp trước mua vật phóng sinh nhiều.
18. Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.
19. Đời nay không vợ do nhân gì?
Kiếp trước tham mưu gian vợ người.
20. Đời nay ở góa do nhân gì?
Kiếp trước buông lung khinh rẻ chồng.
21. Làm thân tôi đòi do nhân gì?
Kiếp trước quên ơn cùng phụ nghĩa.
22. Đời nay mắt sáng do nhân gì?
Kiếp trước cúng dầu đốt đèn Phật.
23. Đời nay đui mù do nhân gì?
Kiếp trước chỉ đường chẳng phân minh.
24. Môi miệng sứt thiếu do nhân gì?
Kiếp trước thổi tắt đèn cúng Phật.
25. Đời nay câm điếc do nhân gì?
Xưa từng ác khẩu mắng cha mẹ.
26. Đời nay lưng gù do nhân gì?
Kiếp trước chê cười người lễ Phật.
27. Tay bị cong quẹo do nhân gì?
Đời trước đều là người tạo nghiệp.
28. Chân bị co rút do nhân gì?
Kiếp trước ngăn đường đánh cướp người.
29. Làm thân trâu ngựa do nhân gì?
Xưa thiếu nợ người không chịu trả.
30. Đọa làm heo chó do nhân gì?
Kiếp trước lừa gạt phỉnh hại người.
31. Đời nay nhiều bệnh do nhân gì?
Xưa đem rượi thịt bày cúng Phật.
32. Đời nay không bệnh do nhân gì?
Xưa thí thuốc men cứu bệnh nhân.
33. Hằng bị lao tù do nhân gì?
Kiếp trước làm ác chẳng nhượng người.
34. Đời nay chết đói do nhân gì?
Kiếp trước thường lấp hang rắn chuột.
35. Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước dăng lưới giết hại cá.
36. Nổi trôi cơ khổ do nhân gì?
Ác tâm lấn hiếp mưu hại người.
37. Đời nay lùn bé do nhân gì?
Kiếp trước xem Kinh để dưới đất. (3)
38. Nay thường thổ huyết do nhân gì?
Xưa ăn thịt rồi đi tụng Kinh. (4)
39. Đời nay ngu điếc do nhân gì?
Kiếp trước tụng Kinh chẳng lắng nghe.
40. Ghẻ lác phong điên do nhân gì?
Xông hơi thịt cá trước bàn Phật.
41. Thân có mùi hôi do nhân gì?
Xưa bán hương thơm trọn dối gian.
42. Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.
43. Quan quả, cô độc do nhân gì?
Xưa thường ganh ghét hiềm mắng người.
44. Sét đánh lửa thiêu do nhân gì?
Cân non, giạ thiếu lòng gian xảo.
45. Rắn cắn cọp ăn do nhân gì?
Kiếp trước gây oan tạo đối đầu.
Muôn việc mình làm lại mình chịu
Thọ khổ địa ngục oán trách ai?
Đừng nói nhân quả người không thấy.
Xa trả con cháu, gần trả mình.
Chỉ nhìn trước mắt người hưởng phước.
Sẽ tin bố thí với trì trai.
Kiếp trước tu nhân nay hưởng quả.
Đời này tu tích để về sau.
Nếu ai hủy báng Kinh Nhân Quả
Kiếp sau đọa lạc mất thân người.
Kẻ nào thọ trì Kinh Nhân Quả
Chư Phật, Bồ Tát đều chứng minh
Kẻ nào biên chép Kinh Nhân Quả,
Truyền đời tu học, đạo nhà hưng.
Ai mà mang đội Kinh Nhân Quả,
Tai hung, hoạnh họa chẳng vào thân.
Nếu người giảng nói Kinh Nhân Quả,
Đời đời kiếp kiếp được thông minh.
Kẻ nào đề xướng Kinh Nhân Quả
Đời sau người thấy sinh cung kính
Người nào ấn tống Kinh Nhân Quả
Kiếp sau sẽ được thân Đế Vương.
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời trước
Chính sự thọ hưởng của đời nay.
Theo Kinh Nhân Quả hỏi đời sau
Chính sự gây nhân của kiếp này.
Nếu như nhân quả không cảm ứng,
Do đâu Mục Liên cứu được mẹ?
Người nào tin sâu Kinh Nhân Quả,
Đồng sinh Tây phương cõi Cực Lạc.
Nhân quả ba đời nói không hết
Thiên long chẳng bỏ ý người lành.
Nên ngôi Tam Bảo ruộng phước lớn,
Nhân tu tuy một, hưởng muôn ngàn.
Gởi kho bền chắc không hư mất, (5)
Nhiều đời thọ dụng phước vô cùng.
Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời nầy.
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm kiếp nầy.
Chú Thích: Kinh Nhân Quả Ba Đời
(1) Nhà dưỡng Lão, cô nhi.
(2) Thuở xưa từ Ấn Độ, cho đến Trung Hoa, những nhà nghèo sinh con nhiều nuôi không kham nên dìm cho chết bớt con gái lúc mới sinh ra.
(3) Ngồi dưới đất xem kinh, nên để kinh trên một cái bệ, khinh mạn cũng là nhân của tướng lùn bé. Lễ Phật, khiêm hạ là nhân của tướng cao hơn.
(4) Ăn mặn rồi muốn tụng kinh, phải súc miệng rửa tay, rửa miệng sạch, và tụng chú như sau. Tất được thanh tịnh không tội lỗi: Tịnh tam nghiệp chân ngôn: Um Soa Pha Va Suýt Đà, sạt và đạt ma, soa phạ va suýt đa hàm (7 biến) Aum! Syabhava sudaha, sarva drama svabhava suddhà hàma.
(5) Gởi kho đây không phải đốt giấy tiền vàng bạc gởi vào kho, mà ý nói tiền của thế gian không bền, khi chết rồi phải bỏ lại tất cả. Chỉ có tu phước làm lành ăn chay, tụng kinh, tham thiền, niệm Phật, là kho.
A DI ĐÀ PHẬT. Kính Thầy cho con hỏi. Bố con mất đã 2 tuần thất hàng ngày con đọc Kinh Địa Tạng để hồi hướng cho Bố con. Nay con đọc Kinh Địa Tạng đã hết .Vậy giờ con cần phải đọc thêm quyển kinh gì nữa ạh .ADi Đà Phật mong thầy chỉ bảo. Con xin cảm ơn 🙏🙏🙏
Chị hãy niệm Phật hồi hướng cho bác, công đức niệm Phật to lớn hơn tất cả những điều thiện khác. Nếu chị vẫn còn muốn làm thêm thì nên phóng sanh cho bác. A Di Đà Phật.
TÍCH ÂM ĐỨC CHO CHA MẸ
Lâm Thừa Mỹ người ở Phúc Kiến, mồ côi cha từ thuở bé, người mẹ ở vậy thủ tiết thờ chồng, vất vả nuôi con. Thừa Mỹ lớn khôn ngày đêm buồn khổ than khóc, không biết làm cách nào để báo đáp công ơn cha mẹ.
Nhân có một vị thiền sư bảo ông rằng: “Người con hiếu thảo nghĩ đến công ơn cha mẹ, buồn khổ khóc lóc cũng chỉ vô ích thôi. Phải tìm cách báo đáp mới được.”
Rồi lại dạy rằng: “Làm việc thiện thì cha mẹ được lợi lạc, làm việc xấu ác thì cha mẹ phải buồn lo. Kẻ làm con muốn báo đáp công ơn cha mẹ, nên tự mình tránh việc giết hại, cứu vật phóng sinh, rộng tích âm đức, như vậy có thể báo đáp được công ơn cha mẹ.”
Thừa Mỹ nghe lời tỉnh ngộ, từ đó phát nguyện giới sát phóng sanh, rộng làm nhiều điều phước thiện. Sau ông sống thọ đến 96 tuổi, bình sinh trong việc khoa bảng cũng từng đỗ đầu ở Phúc Kiến.
Trích An Sĩ Toàn Thư
Các vị đạo hữu có ai trong các vị bị phiền não như mình..nghề mình chạy xe grab hay chayp buổi trưa nhưng càng chạy thì đầu của mình không tập trung nổi hết suy diễn cái này rồi lại suy nghĩ cái khác nhức đầu không tả nổi mà cũng nói thêm nhiều lúc mình không tử chủ được đầu của mình nó cứ khởi lên mà mình không kềm hãm được…mình cũng hay niệm phật nhưng niệm lâu không được kiểu như niệm một hồi thì phiền não tràng trề có lúc mình nghe câu nói bậy bạ lúc mình niệm phật thì mình liên tưởng tới ngài mặc dù mình không có ý đó đau khổ vô cùng phải làm sao để hết phiền não này đây mình xin nói thêm lúc còn nhỏ mình hay nghe nhạc rồi ngồi liên tưởng tùm lum lúc bị phiền não rồi mình mới bỏ dần và giờ lâu lâu mới nghe chứ nhưng mà mình hay liên tưởng mình là người này người nọ mặc dù mình biết đó là xấu không đúng nhưng mình không dừng lại được có vị đạo hữu nào bị trở ngại như mình không
A Di Đà Phật
Gửi bạn Tấn Trung,
TN xin được góp ý cùng bạn vài điều:
*Đang chạy xe mà “đầu không tập trung, nổi hết suy diễn này sang suy diễn khác”: đây là hiện tượng tán tâm, tức trong tâm bạn nảy sinh quá nhiều vấn đề cùng một lúc. Trong đạo gọi đó là tâm vọng tưởng dấy khởi. Thông thường khi chạy xe, để an toàn, bạn nên nhiếp tâm thầm niệm Phật. Tại sao nên thầm niệm? Bởi tránh làm phiền hay gây sự hiểu lầm cho khách. Nhưng khi chạy xe một mình bạn có thể tuỳ duyên mà niệm lớn. Lợi lạc của niệm Phật khi chạy xe: mọi chướng duyên đều được chư Hộ pháp sắp xếp; tâm luôn tỉnh giác, có thể xử lý an toàn tuyệt đối phương tiện mình đang điều khiển; tránh những tai nạn do oan gia trái chủ gây ra.
*Hiện tượng “nhức đầu” không phải do niệm Phật mà do bạn khởi quá nhiều ý niệm trong tâm, buộc tâm bạn phải xử lý khiến cho tâm bị quá tải. Tâm suy thì thân cũng suy. Tâm-thân tuy hai nhưng là một thể. Nếu tâm bạn bất an, thân bạn sẽ bất an theo. Do vậy, bạn phải biết tiết chế tâm phiền não của chính mình. Ví thử: khi chạy xe, trở khác. Hãy nên nhiếp tâm niệm Phật để đưa khách đến địa điểm đúng yêu cầu, an toàn, không chướng ngại=tâm bạn có định; nhưng nếu vừa chạy vừa suy tính đủ thứ chuyện trong tâm=bắt tâm làm việc quá sức=mệt mỏi=dễ xảy ra tai nạn. Do vậy mê và giác chỉ là một niệm quán chiếu ở chính nơi tâm bạn. Tham (suy tính không ngơi nghỉ)=mê; xả tham (xả suy tính)=giác.
*Hiện tượng niệm Phật một hồi rồi bị vọng tưởng lôi kéo, khiến tâm khởi đủ những cảnh giới bất thiện: đây là hiện tượng bình thường của người mới phát tâm niệm Phật. Quán chiếu gốc từ vô thỉ của chúng ta thì vô lượng kiếp tới nay không có nghiệp bất thiện nào chúng ta chưa từng làm. Do vậy việc khởi tâm phỉ báng Phật, chửi Phật, hay thấy những cảnh tà dâm trước Phật… đều là do những chủng từ từ vô thỉ khởi lên.
Khắc chế:
– Không cần sanh tâm hoảng sợ hay lo ngại, bởi khi tâm hoảng sợ, lo ngại khởi, đồng nghĩa triệt tiêu tâm dõng mãnh, tinh tấn và tỉnh giác của chính bạn.
– Khi cảnh bất tịnh, bất thiện khởi, chỉ cần nhận biết: đó là vọng=không thật=hư huyễn. Nhận biết đó là huyễn thì không nên chạy theo huyễn, tất huyễn chẳng thể quấy phá. Sở dĩ huyễn quấy phá được bạn là do bạn tức tốc chạy theo huyễn rồi bị nó chi phối. Nhận biết rồi, chỉ cần bình tĩnh, tỉnh táo nhiếp tâm niệm Phật. Nếu huyễn khởi trùng trùng thì tiếng niệm nhanh hơn bình thường một chút để đè huyễn xuống, không cho nó khởi. Nói là “đè” nhưng thực tế là không quan tâm tới nó, ắt nó tự lặng. Giống như bạn gặp con chó dữ, nếu bạn tảng lờ không mảy may sợ sệt, con chó không dám lao tới bạn, nhưng chỉ cần bạn hoảng hốt, ắt chó sẽ lao về phía bạn. Vọng cũng giống vậy. Điều này phải năng hành thì bạn sẽ có khái niệm và sẽ nhận ra pháp khắc chế.
– vọng nói chính xác nó cũng là giác, bởi nhận thấy vọng mà không theo vọng, tức đang giác. Do vậy thấy vọng mà tâm không theo vọng, tức tâm đang giác. Thấy cảnh tà dâm mà tâm không khởi tà dâm thì thân, khẩu chẳng thể hành tà dâm. Cho nên niệm thiện, niệm ác cũng đều ở một một tâm bạn dấy khởi cả.
Bạn phải năng thực hành thật tinh tấn thì sẽ vượt qua thôi. Chúc dõng manh tu đạo.
Hòa Giải Vong Linh Nhập Thân
Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, năm mươi bảy tuổi, bị lâm bệnh ngay khi vừa nhập trại tỵ nạn ở đảo Phi Luật Tân. Bác sĩ chiếu khám cho bà nhiều lần và đưa bà ra khỏi trại để chụp hình nữa mà vẫn không tìm ra căn nguyên bịnh lý. Bà Hạnh đau rất kỳ cục, bà không chịu ăn uống và không ngủ trên cả tháng mà sức vóc không hề hấn gì. Mặt bà đỏ gay, con mắt láo liên và về chiều thì mí mắt sụp xuống, buồn rầu khóc thảm, làm nhảm kể lể những chuyện đau buồn. Vì lý do mắc bệnh kỳ dị nên ban điều hành trại thương lượng cơ quan lo hồ sơ định cư cấp tốc cho gia đình bà Hạnh nhập cảnh Hoa Kỳ sớm để có thể đủ điều kiện thuốc thang trị liệu bệnh tình cho bà.
Khi đến vùng San Francisco, người nhà cấp đưa bà Hạnh đến nhà thương trị liệu, song các bác sĩ giỏi đều bó tay chứng bệnh “không chịu ăn, không chịu uống”, mà vẫn sống như thường của bà Hạnh. Hai tháng trôi qua, bệnh tình không thuyên giảm, người nhà vẫn tiếp tục đưa bà Hạnh đi khám bác sỉ cho có lệ và để ai nấy yên lòng.
Một hôm có cụ Lành đưa đường, chồng bà Hạnh đem vợ đến chùa Từ Quang gặp tôi để nhờ giúp đỡ. Mới nhìn qua nét mặt, khí sắc của bà Hạnh là tôi biết ngay bà bị âm khí ám nhập. Tôi đưa ngay bà lên chánh điện để “tra vấn” cái vong linh đang nhập trong người bà. Bà Hạnh nhìn tôi với vẻ sợ hãi và run cầm cập như đang ở giữa băng tuyết. Bà cúi đầu khóc thút thít, nghẹn ngào và biểu lộ sự tức tối, uất ức. Tôi gạn hỏi hoài mà vong nhập kia không chịu “khai báo” một chút tung tích gì. Tôi bèn gọi các chú trong chùa trợ niệm và lấy chiếc mõ nhỏ đặt ngay trên đầu bà Hạnh tụng chú Ðại Bi thì bà Hạnh nhắm nghiền hai mắt, tóc trên đầu bà bay ngược như một cơn bão thổi mạnh, hai tay bà chấp lại như một búp sen và miệng the thé nói một giọng con gái độ mười chin, hai mươi tuổi.
Tiếng người con gái này nói mình đã chết trên biển cùng mẹ ruột và nhiều người vì gặp bão, nên tàu chìm. Tôi hỏi các chi tiết khác thì vong linh nói mà phát âm không rõ, chỉ thốt lên the thé kêu đói, than lạnh rồi vật lăn giữa điện Phật bất tỉnh. Tôi và những người có mặt thấy thế xúc động quá, liền khai kinh Phổ Môn tụng cầu an cho bà Hạnh và liên tục niệm danh hiệu Ðức Quan Thế Âm Bồ Tát; đồng lúc tụng niệm tôi lấy nước thờ trên bàn Phật và đọc thần chú Quán Âm, Tâm Kinh Bát Nhã rồi đem cho bà Hạnh uống. Khi bà Hạnh vừa uống xong ly nước thì liền tỉnh dậy và bà vội vàng nhảy tới bàn thờ vong, đưa tay bốc thức ăn bỏ vào miệng ngồm ngoàm như kẻ bị đói lâu ngày. Ăn đã đời, bà quơ tất cả đồ cúng nào là chuối, bánh, trái cây, khoai, bắp… trên bàn thờ cô hồn bỏ vào trong túi áo, lận trong lưng quần và trải tà áo tràng mà bà đang mặc gói tất cả thức ăn, chui vào trong góc bàn thờ linh và tiếp tục ăn như ma quỷ. Bà còn khóc và la lên là có nhiều người đang dành ăn và đánh tháo bà.
Thấy hình ảnh kỳ quái của bà Hạnh, ai cũng sợ và nhiều người bỏ chạy xuống lầu. Tôi bình tĩnh niệm chú Chuẩn Ðề và dùng lời nhỏ nhẹ, ngọt ngào kêu bà Hạnh ra ngoài và quỳ giữa chánh điện. Tôi lại tiếp tục “vấn cung” vong linh đang nhập vào trong bà Hạnh một lần nữa. Lúc này, vong linh mới nói rõ tên tuổi, ngày chết là nhu cầu muốn được nghe kinh siêu độ. Tôi liền viết bài vị thờ ngay lúc ấy, kêu các vị dưới bếp nấu cơm chay cúng vong và tôi khai kinh Di Ðà cầu siêu hôm đó, có gần một trăm Tăng Ni và Phật tử, vì hôm đó là nhằm lễ sám hối Bố tát gần đến mùa Vu Ln Rằm tháng bảy.
Sau khi tụng kinh Di Ðà, niệm danh hiệu Phật, đến chổ quy y linh ký tự, thì bà Hạnh ngã xuống đất bất tỉnh. Ðộ chừng mười phút sau, bà Hạnh tỉnh dậy và trở lại người bình thường như mình đã ngủ một giấc thật dài. Gia đình bà Hạnh và mọi người hôm đó đều cảm kích và vô cùng mừng rỡ khi thấy bà Hạnh bình phục. Tôi bảo cụ Ðức Hạnh, cô Thanh Tịnh nấu cháo trắng để bà Hạnh ăn kẻo nhịn đói lâu ngày ăn cơm vào nặng bao tử, và đưa bà vào phòng nghỉ. Ngay tối hôm đó, bà Hạnh đòi về nhà vì thấy đã khỏe hoàn toàn. Sáng hôm sau, tự bà Hạnh và cả nhà đến chùa lễ tạ và xin quy y.
Hôm chứng kiến lễ đưa vong linh cô gái Việt Nam chết trên biển ra khỏi người bà Hạnh và ký tự vong linh bất hạnh ấy tại chùa Từ Quang, cụ Tâm Huy chép miệng thành thơ rằng:
Pháp Phật nhiệm mầu
Cứu người khổ đau
Quan Âm linh hiển
Hạnh nguyện thâm sâu.
Hòa Thượng Thích Tịnh Từ
Ma Nhập Là Có Thật
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Mong mọi người bớt chút thời gian giải đáp thắc mắc này giúp mình với ạ! Thực sự mình rất hoang mang 🙁
Gia đình mình trước giờ rất yên ổn. Bỗng có một ngày công việc của Mẹ mình trì trệ, không suôn sẻ, nhiều khi xong rồi thì lại không thành nữa. Giai đoạn đó đã rất căng thẳng với cả nhà vì nợ nần vây quanh. Mình trong thời điểm đó lại mang thai, niềm vui chưa được bao lâu thì em bé lại xa mình mãi mãi khi chỉ được 2 tháng tuổi. Cả nhà mình rất hụt hẫng vì đó là động lực cho cả nhà. Gia đình mình xưa giờ theo đạo Phật, chỉ là học theo đạo Phật sống tốt, bố thí, phóng sinh, yêu thương mọi người…Khi có em bé mình đã chăm chỉ tụng Kinh địa tạng và chú đại bi để cầu mong cho em bé được khỏe mạnh ra đời đúng tháng đúng ngày, cầu cho ba mẹ mình sức khỏe, gia đình được tai qua nạn khỏi. Ngày em bé ra đi, cả nhà mình đã khóc rất nhiều, cứ nghĩ do áp lực cuộc sống mà em bé ko còn nữa. Mình tự an ủi bản thân là do chưa đủ nhân duyên, và cũng chăm chỉ tụng chú đại bi và kinh địa tạng, cũng để mong linh hồn em bé được siêu sinh tịnh độ. ( Mình có làm 1 nấm mộ cho em bé tại 1 tịnh thất để em bé có thể được nge kinh Phật, mong các chư Phật dẫn đường em để em được lên cõi Trời)
Vì quá nhiều điều ko may đến với gia đình mình cùng 1 lúc, mình có tìm đến một ngôi chùa, ở đây các đệ tử trong chùa nói mình nên siêu độ gia tiên cho nội ngoại 2 bên gia đình, vì dưới âm người ta khổ quá thì sẽ ko giúp đỡ được con cháu. Vì đang nợ nần nên thật sự mình không có đủ tiền để làm siêu độ được, mình nghĩ bằng cái tâm, cứ niệm phật, cầu nguyện thì Ngài sẽ nghe thấy và giúp đỡ mình. Và mình cứ hàng đêm đọc kinh cầu nguyện như vậy.
Mẹ mình trước đây cũng đã sảy 1 em bé và không biết, sau này coi bói người ta mới nói là nhà mình có cậu quận theo (là đưa con đã bị mất trong bụng của mẹ mình). Thật sự mình tin theo lời Phật dạy, nhưng cũng lo sợ con đường âm của gia đình mình có vấn đề gì nên cũng đi xem thầy cho an tâm. Lúc đó có ba mình nữa, thì ko biết ai nhập vào ba mình, thầy bói không mở khẩu để ba mình nói được, chỉ nge thầy nói đó là cậu quận. Cậu khóc lóc uất ức lắm, Thầy bảo do cậu quận đói quá, khổ quá nên mới làm cho nhà mình bị hết chuyện này đến chuyện khác như vậy. Bây giờ đốt vàng mã, y phục…cho cậu thì cậu sẽ phù hộ cho.
Mình thật sự hoang mang quá. Mình đọc Kinh phật thì không tin mấy chuyện mê tín này, cứ nghĩ tất cả những gì xảy ra hiện tại với nhà mình là theo luật nhân quả, nhưng bây giờ tận mắt chứng kiến ba bị như vậy mình thấy sợ quá.
Mình bây giờ phải siêu độ gia tiên hay vẫn cứ chăm chỉ tụng kinh hồi hướng tiếp tục là được ạ.
Xin cảm ơn mọi người!
Bạn Bình An Inbox vào messnger trên Facebook Vô Danh (Nhận dạng Face: Cover Face có ảnh 04 vị Bồ Tát Quan Âm, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền). Mình nghĩ là giúp được bạn trường hợp này nếu bạn ở TPHCM. Do trên diễn đàn công cộng này mình không liên hệ bạn được và cũng không tiện để sdt trên đây, nên bạn hoan hỷ chịu khó vào nhắn tin trên face mình nhé.
Mình rất hoan hỷ nếu giúp được gia đình bạn.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Bình An,
*Ngoài đời có câu: Âm thịnh thì Dương Suy. Trong đạo thì nói: Âm siêu thì Dương Thới, nghĩa là nếu các vong linh, hương linh trong gia đình được siêu độ và siêu thoát thì người thân còn sống mới được bình an.
*Việc xem bói quả thực là không nên, vì các thầy bói phần lớn đều dựa vào khuân mặt, lời “khai” từ chính người tới xem để nói. Phật nói: tướng do tâm sanh. Khi bạn và người thân đem cái tâm hoảng loạn, ủ rũ, sợ hãi đến xem bói thì 90% những gì vị thầy bói nói cho bạn và người thân bạn là những gì bạn đã cung cấp, còn 10% sẽ dựa theo kinh nghiệm hành nghề của họ. Trong đạo Phật không có thuật bói toán hay gieo quẻ, xin xăm để cầu tài lộc hay tiêu tai nghiệp chướng, mà đó là những tín ngưỡng dân gian chỉ nhằm thoả mãn tâm tham cầu của chúng sanh.
*Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Pháp Môn Quanh Co Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, các chúng sanh là chủ của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, là thai tạng của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy”.
Điều này có nghĩa: hễ chúng ta làm việc gì, thiện hay ác, chánh hay tà, ân hay oán…hệ quả đều do chúng ta thừa hưởng hay gánh chịu. Tạo tác gọi là nhân. Gánh chịu hay thừa hưởng gọi là quả. Ví như mẹ bạn trước đây (vì vô tình hay hữu ý) mà để mất một thai linh, vì không hiểu đạo nên cho đó là chuyện bình thường. Phật dạy: con cái đến với cha mẹ có 4 nhân duyên là: báo ân, trả nợ, báo oán, đòi nợ. Nếu thai linh của mẹ bạn vì báo ân và trả nợ cha mẹ mà đến thọ thai, chắc chắn thai linh đó sẽ được ra đời trong an lạc. Như vậy việc thai linh bị mất từ trong bụng, cho thấy đó không phải là dấu hiệu an lạc, mà đến thọ thai nhằm báo oán, đòi nợ. Những điều này nếu chúng ta không thực tu sẽ không thể nào lý giải được. Trường hợp của bạn cũng không ngoại lệ. Do vậy điều bạn và mẹ bạn nên phát tâm làm ngay là:
– Phải thành tâm sám hối nghiệp chướng với các thai linh và thai nhi vì kém phước mà qua đời.
– Phải nguyện tu học chân chánh theo đạo Phật, bỏ ác, hành thiện, giữ tâm thanh tịnh để tu học
– Phải nguyện tụng KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN trong vòng 49 ngày không gián đoạn, kết hợp niệm Phật, phóng sanh, bố thí để hồi hướng cho các thai linh bị bỏ mạng, nguyện các thai linh tha thứ, buông bỏ oán thù, cùng nhiếp tâm niệm Phật để sanh về Tịnh Độ.
– Không nên đến những nơi xem bói, hầu đồng, hầu cốt hay thờ quỷ thần vì những nơi này sẽ không mang lại an lạc cho gia đình bạn.
*Mọi chuyện hoạ-phước đều do chính bạn và người thân làm thì cũng chính bạn và người thân phải tự mình gánh và tự mình tỉnh giác để chuyển hoá. Đó gọi là pháp chuyển nghiệp từ oán sang ân, từ mê sang ngộ, từ ngu sang trí, từ khổ não sang an lạc.
Mong bạn cùng gia đình phát tâm thanh tịnh tu học để chuyển hoá oán duyên, giúp cuộc sống được an lạc.
Bạch Thầy ! Xin Cho Con Được hỏi !
Người Thân của Con trước khi mất thấy có Quỹ trong nhà !
Hôm sau dậy không nổi vô bệnh viện 1 tuần không ăn uống được gì , Bác sĩ nói bị viêm cuống phổi nhưng người rất tĩnh thở không nổi , đặt máy bóp bong bóng đưa về nhà ! Người Thân nhìn từng Người trong nhà rồi mất . sau khi vừa mất thay đồ liền !
Xin Thầy cho hỏi vậy Người Thân có về được cõi lành không ? Người Thân mất đã hơn 100 ngày ! Làm sao để giúp được Người Thân ! Xin Cám ơn Thầy !
A Di Đà Phật
Chào bạn Lâm Trúc Phương!
Dựa vào những hiện tượng bạn kể về người mất, có thể xác đoán người mất này khó được sanh về cõi lành. Hiện nay đã qua 100 ngày nhưng chưa là quá muộn để giúp người thân quá vãng có cơ hội siêu sanh.
Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân dạy rằng: “Vì người chết mà Niệm-Phật hồi-hướng thì Phật A-Di-Đà phóng quang minh soi chiếu địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ mà chịu khổ thì
hết khổ. Người chết sau khi lâm chung được giải thoát.”
Thân bằng quyến thuộc của người mất hãy phát tâm hành trì Phật pháp thì liền cứu vãng được. Một ngày 2 thời sáng- tối ngồi trước bàn thờ Phật vì người mất mà niệm thánh hiệu A Di Đà Phật/Nam Mô A Di Đà Phật.
(Trước khi niệm Phật khấn nguyện như sau:
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Con họ tên… (Pháp danh…) hôm nay con vì hương linh họ tên… mà phát tâm niệm Phật. Nguyện cầu Phật A Di Đà Phật từ bi phóng quang tiếp dẫn hương linh về Cực Lạc quốc độ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chú/Cô/anh/chị/em… kính mến/thương mến! Chúng ta từ vô thủy kiếp vì vô minh trôi lăn trong 6 đường đã từng chịu vô lượng khổ, nay tôi (hoặc xưng hô khác) hữu duyên giác ngộ Phật pháp, biết đến pháp môn niệm Phật thù thắng có thể thoát khổ. Tôi vì hương linh mà phát tâm niệm thánh hiệu A Di Đà Phật, ngưỡng mong hương linh dù đang ở cõi nào khi nghe tiếng niệm Phật của tôi, hãy cùng tôi phát tâm niệm Phật một lòng cầu Phật A Di Đà Phật tiếp độ về nước Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật (108 lần 1000 lần hoặc nhiều hơn)
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm cõi Phật độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh về cõi Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật)
Ở trên là bài khai thị niệm Phật của HN, bạn cũng có thể lên mạng xem những bài khai thị hay hơn. Ngoài niệm Phật, bạn nên phóng sanh, in ấn Kinh sách hồi hướng cho người mất.
Chúc ý nguyện của bạn được viên mãn!
Nam Mô A Di Đà Phật