Lý Nghịch là con trai của Thị lang Lý Hạc Phong, làm tiến sĩ vào năm Càn Long thứ 6 đời nhà Thanh, ông là người được chọn vào Hàn Lâm Viện, am hiểu thi văn, lại yêu thích Chu dịch. Có một ngày, Lý Nghịch đang ngồi dưới đèn đọc sách, thì đột nhiên xuất hiện hai người phụ nữ rất xinh đẹp tới chọc ghẹo, nhưng ông không hề để ý tới.
Sau khi Lý Nghịch ăn cơm tối xong, bỗng nhiên trong bụng vang lên tiếng người, nói: “Hồn của ta đã bám lên quả cà, ngươi ăn cà chính là nuốt ta vào rồi, ta đã ở trong bụng ngươi, xem ngươi có thể trốn đi đường nào” – giọng nói này chính là của một trong hai cô gái mà ông vừa mới gặp, thì ra họ là hai ma nữ muốn nhập vào người Lý Nghịch.
Từ đó về sau, hai mắt của Lý Nghịch trở nên đờ đẫn. Có khi ông tự mình lấy tay tát vào mặt, có khi trời mưa to, ông lại leo lên tảng đá, quỳ gối trong mưa, quần áo ướt sũng cũng không trở về phòng; có khi gặp người khác liền chắp tay quỳ lạy, có kéo thế nào cũng không chịu đứng dậy.
Sắc mặt của Lý Nghịch ngày càng xanh xao, cơ thể dần suy nhược. Các linh hồn nhập trong người thường thông qua tay của Lý Nghịch mà viết chữ, còn hay cùng người khác họa thơ xướng đáp. Một ngày, có đồng sự của Lý Nghịch tên Tưởng Sỹ Thuyên biết chuyện, đến thăm ông ta, mới hỏi ma nữ trong bụng Lý Nghịch: “Dung mạo của cô rất đẹp, vì sao lại không dụ dỗ ta mà lại nhất định phải bám lấy Lý Nghịch?”. Ma nữ thông qua tay Lý Nghịch, cầm bút viết hai chữ “Vô duyên”. Tưởng Sỹ Thuyên lại hỏi: “Cô là một giai nhân tuyệt sắc, sao lại ở trong bụng dơ bẩn như vậy”. Ma nữ lại viết hai chữ trách mắng Lí Nghịch: “Bỉ ổi”.
Lúc ấy, tuần phủ Giang Tây là Ngô Công vốn có quan hệ rất thân thiết với Lý Hạc Phong, nên đã sắp xếp đưa Lý Nghịch đến Giang Tây, rồi mời thầy pháp cao tay là Trương Thiên Sư chữa bệnh. Tại Đằng Vương Các, Trương Thiên Sư đã lập một pháp đàn, trai giới 3 ngày, tụng chú ngữ 3 ngày, còn đặc biệt mời đến một đạo sĩ và nói: “Ngày 15 tháng 3 sẽ đuổi bắt yêu quái”.
Tới ngày trừ yêu, rất nhiều người tò mò đến xem, Trương Thiên Sư ngồi ở trên cao, vị đạo sĩ ngồi bên cạnh, còn Lý Nghịch thì quỳ phía dưới. Đạo sĩ lấy tay đưa vào trong miệng của Lý Nghịch rồi lôi ra một thứ ném xuống đất. Chỉ thấy trong miệng Lý Nghịch chui ra một con cáo nhỏ, kêu lớn: “Ta đi ra thám thính tin tức, không ngờ lại bị bắt như vậy. Em gái hãy cẩn thận, đừng đi ra”.
Trong bụng của Lý Nghịch có tiếng đáp trả: “Em biết rồi”. Mọi người lúc đó mới biết, trong bụng Lý Nghịch bữa giờ tổng cộng hai ma nữ chứ không phải một . Trương Thiên Sư nhốt yêu quái vừa bắt được vào trong một cái bình, dán phong ấn rồi ném vào nước sông cuồn cuộn.
Lý Nghịch cảm thấy thần chí của mình có chút minh mẫn, nhưng trong bụng lại vang lên tiếng thở dài nói: “Ta với ngươi có ân oán tiền kiếp, mấy đời ta bị người hại thê thảm. Bởi vì tìm không thấy ngươi nên đã kéo theo tiên cô (tức hồ ly mới bị bắt) cùng đi, không ngờ lại khiến tiên cô gặp họa. Như vậy ta lại càng không thể tha thứ cho ngươi”.
Nói xong, bụng của Lý Nghịch lên cơn đau dữ dội. Trương Thiên Sư hỏi vị đạo sĩ: “Lý Hàn lâm còn có thể cứu không?” Đạo sĩ lấy ra một cái gương, chiếu vào bụng của Lý Nghịch rồi nói: “Đây là oan gia kiếp trước của Lý Hàn lâm, không phải là yêu quái, pháp thuật bùa chú không thể làm gì được”.
Trương Thiên Sư đem tình huống này kể lại cho Ngô tuần phủ, Ngô tuần phủ nghe xong cũng không còn cách nào, đành đem Lý Nghịch về nhà , đêm ngày bị cơn đau hành hạ, không lâu sau thì Lý Nghịch qua đời.
Nợ tiền trả tiền, nợ mạng thì trả mạng. Nhân quả báo ứng xưa nay không hề sai lạc, đây chính là Thiên ý, không cách nào thay đổi được. Những pháp thuật của Đạo sĩ, thầy pháp… dù cao tay ấn thế nào cũng chỉ đuổi được những yêu, ma không ân không oán, chứ với oan gia trái chủ, có nợ nần kiếp xưa, thì mọi pháp thuật vô ích, hoặc làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu như lúc ấy, Lí Nghịch gặp một bậc minh sư, chỉ cho cách sám hối, cầu siêu cho oan gia, chắc không đến nỗi mất mạng trong đau đớn như vậy.
Trích trong “Tử bất ngữ” của Viên Mai thời nhà Thanh
Tuệ Tâm
Thế nào mới thực sự là Buông xả?
https://www.youtube.com/watch?v=zFzwpqTDPcI
Người tu nên xem Tivi là để tu hành chứ không phải để giải trí.
https://www.youtube.com/watch?v=mXNFnJuHPqQ
Các vị ơi cho tui hỏi: Theo khoa học thì men vi sinh (probiotics) là chế phẩm có chứa vi sinh vật có lợi cho đường ruột, cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột và có lợi cho sức khỏe. Những vi khuẩn có ích này khi đi vào đường ruột giúp tiêu hóa thức ăn, ngăn ngừa sự phát triển của hại khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ hệ tiêu hóa. Đứng trên phương diện của đạo Phật, người Phật tử ăn chay trường vì lòng bi mẫn với chúng sanh có nên dùng men vi sinh chăng? A Di Đà Phật.
Trong ruột của bạn cũng có vi khuẩn/vi sinh vật đó thôi. Nếu trong ruột bạn không có vi khuẩn tốt, nhẹ thì táo bón, nặng thì mình không biết. Trong đồ ăn, nước uống, không khí bạn hít vào cũng có.
Chào bạn Hai Lúa,
Mình xin đưa ra ý kiến bản thân, chúng ta chỉ là con người bình thường, nên nghĩ thoáng một chút để giữ cái thân này tu. Tắm sẽ chết vì khuẩn trên thân, gội đầu sẽ chết chấy, đi ngoài đường không tránh sẽ dẫm đạp côn trùng, kể cả thực phẩm chay trong quá trình canh tác cũng sát hại biết bao nhiêu sinh mạng… vậy chúng ta có nên tắm, gội, đi lại, ăn chay nữa không? Vì mang thân người là kiểu gì cũng tạo tội nên cố gắng giảm thiểu và sám hối mỗi ngày. Nếu thấy phải dùng men vi sinh vì cơ thể bạn thực sự cần để tồn tại thì vẫn phải dùng thôi, uống thuốc trị cảm cúm, chích vacxin ngừa covid… là tiêu diệt virus vậy.
Hy vọng suy nghĩ này của mình đúng chánh pháp
Nam mô A Di Đà Phật
Cảm ơn các vị đã trả lời cho tui. Thật ra thì tui có chút ngần ngại vì nhớ ngày xưa Phật và các đệ tử chỉ có các vật dụng luôn có trên người là 3 y, 1 bát, 1 cây gậy, và 1 bộ lọc nước trước khi uống. Tui lại nhớ câu chuyện ngày xưa Phật kể trong Kinh Pháp Cú là: Có 2 vị tì kheo mới xuất gia ở rất xa muốn đến gặp đức Phật để học đạo. Trên đường xa xôi gặp thời hạn hán thiếu nước, 2 vị gặp đúng một vũng nước hiếm hoi. Một vị cho rằng nên uống nước mới có sức đi tiếp để đến gặp Phật. Còn vị tì kheo kia quyết giữ giới sát, không dám uống nước vì sợ làm chết nhiều trùng trong vũng nước. Rốt cuộc vị tì kheo ấy vì một lòng muốn giữ giới không sát sanh nên đã chết vì khát, sau đó liền sanh thiên. Còn vị tì kheo nọ sau khi uống nước lại tiếp tục cuộc hành trình cuối cùng đã gặp được Phật. Nhưng Phật lại quở trách rằng: Ông tuy gặp ta nhưng chưa thật sự gặp lần nào. Phật dạy: “Thà chết khát, chứ không uống nước có côn trùng làm tổn hại chúng sanh”. Còn vị tì kheo chết sanh thiên kia đã đến gặp đức Phật từ trước rồi.
Mỗi ngày tui thường uống thêm vitamin để bổ sung vì trong chế độ ăn chay thường hay có thiếu vài chất, đặc biệt là vitamin B12 chỉ có trong thịt động vật chứ hoàn toàn không có trong thực vật. Nhưng có nhiều loại vitamin hình con nhộng có vỏ bọc mềm bên ngoài thường được làm từ gelatin (có nguồn gốc từ động vật, phổ biến nhất là lợn), nên các loại vitamin này tui thường không dùng mà chuyển sang dùng loại khác. Cho nên khi dùng thuốc tui có thói quen khó bỏ là hay đọc các thành phần thuốc. Các loại canxi thường làm từ xương các loài thủy tộc như sò, ốc… là tui liền tìm loại khác thay thế mà đôi khi được ghi là “vegan” dành cho người không ăn thịt là tui chọn liền.
Nói thì nói vậy chứ chuyện vô tình sát sanh hàng ngày là điều mà chúng ta không tránh khỏi. Tuy nhiên nếu mình có sự chọn lựa được thì nên hạn chế sát hại chúng sanh. Tui thường hay bảo bà xã ở nhà rằng bà chưa thể trường chay được, nhưng hôm nào thích ăn cá thì nên chọn mua 1 con cá lớn về nấu, thay vì phải mua một mớ cá cơm để kho ăn cho ngon miệng, lợi mình nhưng hại nhiều sanh mạng chúng sinh. Nói chung là nếu tui có thể chọn lựa được thì chọn vì lợi ích chúng sanh, còn không còn sự lựa chọn nào khác cho loại vi sinh mà tui đang dùng thì đành phải dùng. Mghĩ một cách gián tiếp thì men vi sinh cũng tựa như thuốc để giúp mình khỏe mạnh vậy. Một lần nữa cảm ơn các vị đã dành thời gian hồi âm cho tui.
A Di Đà Phật.