Vào triều đại nhà Đường, ở Sơn Đông có hai người đàn ông là bạn thân thiết của nhau. Một người tên là Sử Vô Úy, người còn lại là Trương Tòng Chân. Chỉ có điều Sử Vô Úy có gia cảnh nghèo khổ. Cho dù anh ta làm việc quần quật từ sáng đến tối mà gia cảnh vẫn không khá được lên, thậm chí thường xuyên túng thiếu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Ngược lại, Trương Tòng Chân lại có gia cảnh giàu có, dù không phải làm việc vất vả cũng có cái ăn cái mặc. Cuộc sống của anh ta nhàn nhã, gần như không phải lo nghĩ đến cái ăn cái mặc.
Thấy Sử Vô Úy gia cảnh khó khăn, Trương Tòng Chân nói với bạn rằng: “Anh mỗi ngày làm đồng từ lúc mặt trời chưa mọc, đến lúc mặt trời đã lặn cũng chưa nghỉ, vừa mệt vừa khổ cực như vậy mà cái ăn cái mặc vẫn thiếu. Chi bằng, tôi cho anh mượn 1.000 mân tiền (mân là xâu tiền thời xưa), theo tôi đi buôn bán, chắc chắn là lãi sẽ hơn số thu nhập làm ruộng của anh bây giờ. Đến lúc ấy, anh chỉ cần trả lại tôi tiền vốn là được rồi”.
Nghe xong lời kiến nghị của Trương Tòng Chân, Sử Vô Úy rất lấy làm vui mừng. Sau khi được Trương Tòng Chân giao cho 1.000 mân tiền, Sử Vô Úy dẫn theo con trai đến địa phương khác kinh doanh. Chỉ mấy năm sau, cha con họ buôn bán tốt, số tiền kiếm được cũng rất nhiều.
Trương Tòng Chân sau khi cho Sử Vô Úy mượn tiền, lại liên tiếp chịu bất hạnh giáng xuống. Đầu tiên là nhà anh ta gặp hỏa hoạn, tuy rằng không bị cháy hết, nhưng tài sản đã vơi đi khá nhiều. Một thời gian ngắn sau, gia đình lại bị cướp đến cướp hết tài sản, trong nhà họ gần như đã không còn gì cả.
Trương Tòng Chân lúc này cơm không đủ ăn. Sau khi biết được Sử Vô Úy giờ đây đã giàu có, tiền bạc đầy nhà, không còn cách nào khác, anh ta liền tìm đến Sử gia.
Trương Tòng Chân nói với Sử Vô Úy: “Giờ đây gia đình tôi đã không còn chút tài sản nào, gạo cũng không có mà ăn. Kỳ thực, tôi cũng không muốn đòi lại 1.000 mân tiền trước đây đã cho anh mượn, tôi chỉ muốn anh có thể đưa cho tôi hai, ba trăm mân là được rồi!”
Không ngờ, Sử Vô Úy vừa nghe xong liền lớn giọng hỏi lại: “Anh nói tôi mượn tiền của anh? Vậy anh mang biên lai đến đây cho tôi xem nào?”
Trương Tòng Chân vừa nghe những lời vong ân phụ nghĩa này của Sử Vô Úy thì như chết đứng, trong lòng vô cùng uất ức, phẫn nộ.
Anh ta vừa về đến nhà, liền ở trong sân, thắp một nén hương, rồi chảy nước mắt giàn giụa, hướng lên trời kể sự tình oan ức của mình. Anh ta vừa kể với giọng phẫn uất, vừa khóc.
Không ngờ, tại nơi Sử Vô Úy sinh sống, buổi chiều hôm ấy, mây đen kéo đến đầy trời, cuồng phong nổi lên và sấm sét nổ vang trời. Sau trận cuồng phong ấy, người ta thấy Sử Vô Úy đã bị sét đánh trúng.
Người dân địa phương biết việc Sử Vô Úy vong ân phụ nghĩa, không có lương tâm nên đều nói rằng: “Trời xanh có mắt, anh ta bị như vậy là quả báo, làm ác phải gặp ác báo!”
Câu chuyện như một lời nhắc nhở mọi người rằng, làm người nhất định phải giữ vững đạo lý làm người, chớ làm việc ác, trái với đạo đức làm người. Nguyên lý thiện ác hữu báo luôn hiện hữu.
Tuệ Tâm
Một anh thợ sơn được yêu cầu sơn lại một chiếc thuyền. Anh đem sơn và làm theo yêu cầu của khách hàng. Trong khi sơn, anh phát hiện có một cái lỗ thủng nhỏ trên thân thuyền và anh đã lặng lẽ bít cái lỗ ấy lại. Xong việc anh nhận tiền và về nhà.
Vài hôm sau, người chủ thuyền đến gặp và tặng anh một món quà, giá trị cao hơn nhiều so với khoản thanh toán tiền sơn thuyền. Anh rất ngạc nhiên và nói rằng ông đã trả đủ tiền sơn cho tôi rồi còn gì?
Ông nói:
– Đây không phải là tiền cho dịch vụ sơn thuyền. Đó là tiền cho dịch vụ bít lỗ thủng trên thuyền.
– À, chuyện nhỏ lắm, chắc không đáng để ông trả cho tôi số tiền cao như vậy đâu thưa ông!
– Chuyện là thế này. Khi tôi yêu cầu anh sơn lại cái thuyền, tôi quên nói đến cái lỗ. Khi thuyền khô là lúc tôi không có ở nhà, những đứa trẻ con tôi lấy thuyền đi câu cá. Chúng không biết có một cái lỗ nguy hiểm nhường nào. Khi tôi trở về nhà thì chúng đã đi rồi, tôi lo lắng và tuyệt vọng vô cùng. Và rồi tôi rất vui khi thấy chúng trở về. Tôi liền kiểm tra chiếc thuyền và thấy rằng anh đã bít cái lỗ thủng ấy rồi Anh đã làm gì anh biết không? Tôi rất là cảm ơn anh, vì anh đã cứu sống các con tôi! Thậm chí tôi không có đủ tiền để trả cho hành động tốt “nhỏ bé” đó của anh.
Lời bàn: Hãy luôn làm việc hết sức với cái tâm của mình và luôn làm điều đúng đắn. Chính những điều đó sẽ luôn mang đến may mắn và thành công cho bạn.
Nguồn: Học Làm Người
Credit: Nguyễn Lê Hải
CHÚNG TA MONG CẦU KHỎE MẠNH, SỐNG LÂU, KHÔNG BỆNH TẬT THÌ NÊN THƯỜNG ĂN CHAY, PHÓNG SANH.
Cổ đại đức thường dạy chúng ta phóng sanh, phóng sanh rất tốt, phóng sanh là bố thí vô úy, quả báo là khỏe mạnh sống lâu, phóng sanh nhất định phải ăn chay, không thể nói ta phóng sanh mà vẫn còn ăn thịt chúng sanh, không thể nào nói như vậy được, cho nên chúng ta muốn cầu khỏe mạnh sống lâu không có bịnh tật, thì bố thí thuốc men, thường xuyên phóng sanh.
Trước đây phóng sanh, khi tôi còn trẻ đã tham gia rất nhiều. Có 1 lần tôi đi cùng pháp sư Đạo An, ngài dẫn chúng tôi đi phóng sanh, chúng tôi ở trên dòng nước phóng sanh, cách đó không xa có người đang câu cá, có người nói với lão hòa thượng, thưa lão hòa thượng ngài phóng sanh ở đây, ngài nhìn xem ở đàng kia có người câu cá, bắt cá, lão hòa thượng nói; Chúng ta phóng sanh có công đức của chúng ta, họ câu cá là tội lỗi của họ, không cần để ý đến họ, không nên để trong tâm, đây chính là không có phân biệt chấp trước, mỗi người tạo ra nghiệp cho chính mình, thì mỗi người có quả báo cho riêng mình, nghiệp nhân quả báo, tơ hào không sai.
Cho nên chúng ta nhất định phải có trí huệ, đối đãi với tất cả chúng sanh, chúng ta luôn mong muốn tất cả chúng sanh sớm được giác ngộ, sớm được thoát ra khỏi 6 nẻo luân hồi, sớm viên thành Phật đạo, cái nguyện vọng này là nguyện vọng của 10 phương 3 đời tất cả chư Phật Như Lai, chúng ta cùng với chư Phật Như Lai đồng tâm đồng nguyện, bạn nói xem điều này thù thắng biết bao nhiêu.
Chúng ta mong muốn thành tựu cho chúng sanh, thì tuyệt đối không hại chúng sanh, tuyệt đối không gây trở ngại cho chúng sanh, nếu bạn gây trở ngại chúng sanh, cản trở họ, làm hại họ thì hồi hướng phát nguyện tâm của chúng ta sẽ hoàn toàn trái ngược với chư Phật Như Lai, cái tâm này mới được gọi là tâm từ bi chân thật, trong nhà Phật nói là đại từ đại bi, đại từ đại bi, ” Đại “chính là không có điều kiện, là tâm Từ Bi vô điều kiện.
Trích Kinh Vô Lượng Thọ, tập 339
Hoà thượng Tịnh Không