Theo Hiện Báo Tùy Lục (quyển 1) của pháp sư Giới Hiển, ở Ninh Ba có một kẻ thường dân sống nhờ trong nhà kho của một vị Thượng Thư họ Thôi, bện hài bằng cỏ Bồ để bán kiếm sống. Ông ta thích tu hành, ăn chay trường, niệm Phật. Mỗi khi niệm Phật cứ niệm xong một xâu chuỗi lại lấy một cọng cỏ Bồ bỏ vào giỏ tre để nhớ số.
Đến hôm Ba Mươi tháng Chạp mỗi năm sẽ đem đốt số cỏ ấy nơi Địa Tạng Điện. Làm như vậy được mấy năm, chợt Thôi Thượng Thư bị nhọt mọc trên lưng, chết xuống âm phủ. Diêm Vương trừng mắt, tra hỏi sự thiện – ác lúc còn sống. Ông Thôi thưa: “Nếu ngài cho con được sống lại, con sẽ một mực tu phước nghiệp chuộc tội được chăng?” Diêm Vương nói: “Tiền của nhà ngươi đã tích trữ đều là do tạo nghiệp mà có, không dùng được ở nơi này. Gã thường dân Trương Bân ở đậu nhà ngươi có trữ tiền vàng cả mấy kho ở đây. Hãy đem tiền thật đổi lấy một vạn tiền cõi Âm thì sẽ tiêu được tội!” Họ Thôi đáp: “Chỉ cần con về lại dương gian thì sẽ làm chuyện ấy dễ dàng. Nhưng Trương Bân nghèo kiết xác, sao lại được như thế?”
Diêm Vương nói: “Phàm người giữ trai giới chí tâm niệm Phật một tiếng, dẫu cho tán tâm niệm Phật một tiếng cũng để dành được một đồng bằng bạc. Trương Bân chí tâm niệm Phật, dùng cỏ Bồ để ghi số, đã tích được mấy kho tiền rồi”. Ông Thôi sống lại, gọi Trương Bân bảo: “Ông tích trữ được mấy kho tiền ở Âm Phủ, có thể đổi cho ta một vạn được chăng”. Ông Trương sững sờ, câm lặng! Họ Thôi bảo: “Ông dùng cỏ Bồ để nhớ số câu niệm Phật, đem thiêu trong lò đốt giấy tiền ở miếu Địa Tạng, chính là khoản tiền ấy đấy”. Trương đáp: “Nếu thật sự như vậy, nếu quả thật hữu dụng, xin tùy ý Ngài”. Ông Thôi bèn sai viết bằng khoán, đem một vạn bạc thật để đổi lấy tiền cõi Âm, thỉnh họ Trương đốt bằng khoán tâu với Âm Phủ, quả nhiên lành bệnh.
Trương Bân nói: “Tôi tuổi đã già rồi, chẳng dùng tiền để làm gì”, bèn đem số bạc ấy dựng một cây cầu lớn, tốn đến mấy vạn bạc, lại dựng một cái am cho người khác tu tập. Do ông Đinh Phước Bảo dẫn câu chuyện này nên tổ Ấn Quang khuyên ông Đinh hãy ghi thêm lời chú thích hoặc giảng giải cặn kẽ kẻo người đọc chỉ lo niệm Phật hòng trữ tiền trong cõi Âm, không cầu được vãng sanh. “
Chuyện của Trương Bân đích xác chẳng phải là ngụy tạo! Điều đáng tiếc là ông ta chưa gặp được bậc tri thức sáng mắt dạy cho biết nguyên do niệm Phật. Nếu biết được nguyên do, dùng cái tâm khẩn thiết ấy để phát nguyện tự lợi lợi người, chắc ông Bân sẽ cao đăng chín phẩm, chứng quả Vô Sanh! Há còn lo tích trữ mấy kho kim tiền để đợi sau này sử dụng trong cõi Âm nữa ư? Còn như vua cõi Âm bảo: “Phàm ai thọ Bát Quan Trai Giới chí tâm niệm Phật một tiếng thì cũng đúc được một đồng tiền bằng bạc” cho thấy người đời dùng niệm Phật để tích trữ tiền [nhằm sử dụng sau khi chết] nhiều lắm, họ chẳng biết tới công đức Niệm Phật, chỉ mong có tiền để dùng sau khi chết, giống như đem Như Ý bảo châu đổi lấy một tấm áo, một bữa ăn! Há chẳng đáng tiếc ư?
Tuy nhiên, do vị Thượng Thư khẩn cầu người thợ bện dép cỏ Bồ nên liền được sống lại để chuộc tội. Tri kiến phàm phu trong thế gian chẳng thể suy lường được công đức của sự phát khởi tâm đại Bồ Đề niệm Phật! Vì thế, ngài Tỉnh Am nói: “Tạm trì thánh hiệu còn hơn bố thí suốt một trăm năm, vừa phát đại tâm sẽ vượt trỗi tu hành suốt kiếp”. Hai câu này đều dựa theo những điều kinh luận đã nói mà nêu rõ, chứ không phải là bịa đặt. Phàm sao lục những sự thật ấy, hãy nên nói rõ chánh lý Phật pháp ở đằng sau mỗi chuyện và chỉ rõ: Phàm phu thấy biết nhỏ hoi, chỉ biết niệm Phật để tích cóp tiền thì tiền ấy sẽ theo cái tâm mà cảm vời, theo cái nghiệp mà hiện ra cho nên thật sự có mấy kho tiền vàng trữ trong chốn âm phủ! Phàm là người niệm Phật, ắt phải phát đại Bồ Đề tâm phổ độ chúng sanh thì trong hiện tại các duyên sẽ thuận thảo, thích đáng, lúc lâm chung chánh niệm vãng sanh. Từ đấy, thoát khỏi hàng phàm phu, dự vào hội thánh hiền, nương theo Phật từ lực và nguyện luân của chính mình trở vào Sa Bà hiện khắp các sắc thân độ thoát chúng sanh. Há nào phải khư khư như viên Thượng Thư chỉ mong được nhờ ân hòng diệt tội ư? [Dẫn giải] như thế sẽ khiến cho người đọc đoạn trừ được những tri kiến kém hèn, mở mang, khơi gợi tín tâm chân thật.
Nếu chỉ sao lục nguyên văn, trọn chẳng bình luận thì kẻ ngu sẽ tưởng niệm Phật chính là một pháp để tích trữ tiền bạc trong cõi Âm! Từ đấy một người xướng, trăm kẻ họa, chỉ mong làm quỷ có tiền, đánh mất chỗ nương dựa để tạo lập công phu vãng sanh Tây Phương! Người trí thấy vậy sẽ chê kẻ biên soạn trọn chẳng có chánh nhãn. Nếu bình luận nguyên do thì đôi điều đều đạt được! Nếu không, cả hai điều đều mất. Những sách vở trong thế gian đều có những chỗ giúp nêu tỏ Phật pháp, nhưng do người soạn chưa mở được chánh nhãn nên thường đến nỗi [dẫn đến hiệu quả] trái nghịch. Như Kỷ Văn Đạt, Viên Tử Tài cực lực muốn làm cho người khác tin sâu nhân quả, nhưng chưa hiểu rõ tự tâm, nên thường viết những câu tự mâu thuẫn, hoặc hiểu lầm tin tức, ngỡ ma cảnh là Phật cảnh, huống là những kẻ khác ư?
Thư trả lời cư sĩ Đinh Phước Bảo (thư thứ mười sáu)
Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, Quyển 4 – Phần 4
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo chánh: Minh Tiến & Huệ Trang
Con có thắc mắc vì sao ngày xưa đức Phật vẫn để tóc, trong khi hàng xuất gia tăng và ni phải cạo tóc vậy ạ? Con xin lỗi vì chỉ thắc mắc chứ không có ý xúc phạm gì ạ. A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Trần Thị Nhung,
Câu hỏi của bạn rất ý nghĩa. Nói Phật có tóc hay để tóc, hay tóc có hình xoắn ốc sang phải… là nương theo thế gian pháp, tức có hình tướng Phật. Thực tế như lời Phật nói trong rất nhiều kinh, trong đó có Thích Ca Phổ (nói về cuộc đời của Phật Thích Ca từ khi thị hiện đản sanh tới khi thành Phật) Phật có nói rất rõ về việc Phật thị hiện làm biểu pháp cắt tóc, xuất gia, tu đạo giải thoát của mình. Thị hiện là mô phạm pháp để cứu độ chúng sanh, còn thực tế thì từ vô lượng vô biên kiếp Phật Thích Ca đã xả bỏ râu, tóc rồi thì làm sao có chuyện Phật để tóc, còn các đệ tử của Phật phải cạo tóc nữa. TN xin trích một phần để bạn tỏ tường:
Trích:
“Kinh Phổ Diệu nói: Lúc đó, Bồ-tát ban đêm nhìn thấy các kỹ nữ trăm đốt xương trống rỗng ví như than cây chuối, nước mũi nước miếng nhạc khí ngổn ngang, nhìn lại vợ mình thì thấy óc sọ não tủy, tim phoi ruột gan, ngoài thì bọc da, trong đay hôi thúi, cũng đều tạm mượn rồi trả lại, cũng chẳng được bền lâu. Ba cõi không đáng cậy nhờ, chỉ có Đạo mới là chỗ nương cậy. Các trời cõi Dục ở trong hư không. Pháp Hành Thiên Tử ở xa bạch Bồ-tát rằng giờ đã đến, sao mai? vừa hiện, liền sai Xa-nặc dậy sửa soạn kiền-trắc. Nói xong, thì trời Tứ Thiên Vương cùng vô số duyệt-xoa, rồng, quỉ v.v… đều mac áo giáp từ bốn phương đến nơi cúi lạy Bồ-tát. Trong thành, mọi người đều ngủ mê mệt, chim chóc gà công cũng ngủ vùi. Kinh Tu Hành Ban Khởi nói: Các vị trời đều nói “Thái tử nên đi kẻo bị giữ lại”. Bèn vời Ô-tô-mạn vừa đến cung thì trong ngoài đều ngủ mê. Nay ta phải học hạnh tu hành của các Đức Phật xưa, mau trốn xa đống lửa lớn này.
Thái tử nghĩ thế rồi thì đến nửa đêm, trời Tịnh cư ở cao nhất của cõi dục đầy khắp hư không đồng lên tiếng bạch Thái tử rằng: Trong ngoài mọi người đều ngủ mê, nay chính là lúc xuất gia. Lúc đó, Thái tử đến chỗ Xa-nặc thì Xa-nặc do sức trời mà thức dậy, bảo rằng: Ngươi hãy sửa soạn ngựa Kiền-trắc giúp ta”. Nghe bảo thì Xa-nặc toàn thân run rẩy và trong tâm do dự, một là chẳng muốn trái lệnh Thái tử, hai là sợ vua nghiêm trị. Suy nghĩ hồi lâu, Xa-nặc khóc lóc hỏi: Đại vương cấm ngặt, lại bây giờ chẳng phải là lúc dạo chơi, cũng không phải đi đánh giặc, vì sao nửa đêm mà len ngựa đi đâu? Thái tử bảo: Nay ta muốn vì tất cả chúng sinh hàng phục giặc phiền não kiết sử, chớ nên trái ý ta. Khi ấy, Xa-nặc khóc rống, muốn Gia-du-đà-la và mọi người thức dậy biết Thái tử định đi, nhưng nhờ sức trời nên vẫn ngủ mê như cũ. Xa-nặc liền dẫn ngựa đến, Thái tử bảo thương yêu gặp gỡ thì phải xa lìa, việc thế gian thì dễ thành, việc xuất gia rất khó thành tựu. Cả Xa-nặc và Kiền-trắc đều nín thinh. Khi ấy, Thái tử phát ra thân quang chiếu khắp mười phương, phát tiếng sư tử gầm bảo rằng: Pháp Chư Phật quá khứ xuất gia, nay ta cũng thế. Do đó, các trời nâng bốn chân ngựa và Xa-nặc, Thích-đề Hoàn-nhân che lộng đi theo. Các vị trời kh- iến cửa thành Bắc mở toang ma không một tiếng động. Do đó, Thái tử cùng Xa-nặc cỡi Kiền-trắc thoát nhanh. Trên hư không các trời khen ngợi bay theo. Thái tử bảo: Nếu ta không cắt đứt sinh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não thì không bao giờ trở về cung, nếu ta không chứng A- nậu-đa-la-Tam-miệu-Tam Bồ đề va xoay bánh xe pháp thì không trở về gặp cha nữa. Nếu không dứt hết tình ân ái thì không bao giờ gặp lại Ma-ha-ba-xà-ba-đề và Gia-du-đà-la. Khi Thái tử nói lời thề ấy thì trên hư không các vị trời khen rằng: Lành thay, lời nói sẽ có kết quả. Đến sáng thì đã đi được ba Du-xà-na. Khi đó, các vị trời đưa Thái tử đến đây thì biến mất.
Khi ấy, Thái tử đến rừng khổ hạnh của Tiên Bạt-già. Thái tử thấy trong rừng vắng lặng không ồn ào, lòng rất vui mừng, các căn hòa vui. Liền xuống ngựa, vỗ lưng ngựa bảo rằng: việc khó ngươi đã làm xong. Lại bảo Xa-nặc: ngựa phóng nhanh như chim cánh vàng đầu đàn. Ngươi thường theo ta mãi không rời. Người thế gian kẻ có tâm lành mà thân không theo, có kẻ thân theo ta mà tâm không xứng, ngươi thì tâm và thân đều theo mà không trái. Ta nay đã đến chốn yên tĩnh người và kiền-trắc nên trở về cung. Khi ấy, Xa-nặc khóc lóc nhào lan ra đất, còn kiền-trắc thì lấy chân cào đất và liếm chân Thái tử. Xa-nặc nói: trong cung con trái lệnh vua cha dắt kiền-trắc và Thái tử đến đây, nhà vua và bà Ma-ha-Ba-xà-ba-đề mất Thái tử sẽ buồn lo, cả cung đều náo động, vả lại ở đây nguy hiểm thú dữ trùng độc đầy đường, lẽ nào tôi bỏ Thái tư mà trở về cung một mình. Thái tử đáp: ở thế gian ai nấy sinh một mình, chết một mình, đâu có bạn, lai khổ già bệnh chết làm sao ta làm bạn với ngươi? Nay ta muốn dứt cac khổ mà đến đây. Nếu khổ dứt rồi thì sau này sẽ làm bạn với tất cả chúng sinh. Nay ta các khổ chưa lìa làm sao làm bạn với ngươi được. Xa-nặc nói: Thái tử sinh ở trong cung, thân thể tay chân đều mềm yếu, ngủ phải có mềm nệm trơn láng, làm sao ngủ dưới gốc cây đầy ngói gạch, gai gốc. Thái tử nói: Đúng như ông nói. Nếu ta ở trong cung thì khỏi nạn gai gốc mà bị nạn khổ về già, bệnh, chết. Lúc đó, Thái tử cầm kiếm hét tiếng sư tử rằng: Chư Phật quá khứ vì thành tựu A-nậu-đa-la-Tam-miệu-Tam-bồ-đề mà cạo bỏ râu tóc, dẹp bỏ các đồ trang sức, nay ta cũng y theo pháp Chư Phật. Nói xong thì lấy viên ngọc trong búi tóc và lột mũ báu trao cho Xa-nặc, bảo rằng: Viên ngọc và mũ bau này ngươi nên dâng lên vua cha ta. Nay ta chẳng ưa thích sinh lên cõi trời, cùng vì hiếu thuận cha mẹ, cũng không giận ghét gì, mà chỉ sợ sinh, gia, bệnh, chết, muốn ừ bỏ nó mà đến đây, người nên giúp ta mà vui mừng, chớ với điều tốt đẹp này mà buồn rầu. Nếu vua cha bảo ta xuất gia bay giờ chưa phải lúc thì ngươi thưa rằng: già, bệnh, chết đâu có giờ khắc nhất định, người trẻ trung khỏe mạnh cũng đâu tránh được. Nếu vua cha lai trách ta chưa có con sao đi xuất gia, thì thưa rằng: Gia-du-đà-la đa có thai từ lâu rồi. Vả lại, từ xưa các vua Chuyển Luân bỏ ngôi vào núi xuất gia cầu Đạo, không ai nửa chừng thụ hưởng năm dục. Nay ta xuất gia cũng như thế, chưa thành Bồ-đề không bao giờ trở về cung. Đối với bà con thương ta ngươi nên tìm lời giải thích chớ để vì ta mà buồn khổ. Ngươi nên đem chuỗi anh lạc này về dâng cho ba Ma-ha-ba-xà-ba-đề, bao rằng: Ta vì muốn cat đứt các gốc khổ mà ra khỏi cung, hoan thành nguyện lớn, chớ vì ta mà buồn khổ. Lại gởi các vật báu cho Gia-du-đà-la bảo rằng: Ngươi đời có khổ thương yêu mà chia lìa, ta vì khổ nay mà xuất gia học đạo chớ vì ta mà buồn khổ. Đối với cac thân thuộc cũng nói như thế. Khi ấy, Xa-nặc rất buồn khổ nhưng không dám trái lệnh. Da-du-đà-la liền quì xuống nhận các vật báu mà khóc lóc thưa rằng: Con nghe chí nguyện của Thái tử mà toàn thân bủn rủn, dẫu người có tâm gỗ đá cũng phải buồn khổ, huống chi con từ xưa đã hầu hạ Thái tử, nghe lời thề mà không cảm kích. Cúi mong Thái tử bỏ đi chí nguyện này, chớ để vua cha, Di mẫu; Vương phi và các thân thuộc phải khổ sầu. Nếu Thái tử quyết không bỏ ý ấy thì không thể ngay đây mà bỏ con, nay con theo Thái tử không có lỗi gì. Nếu con trở về cung, nhà vua trách con vì sao bỏ một mình Thái tử mà trở về thì con biết trả lời thế nào? Thái tử bảo ngươi đừng nói thế. Người đời đều có chia lìa đau tụ họp mãi. Ta sinh bảy ngày thì mẹ chết, mẹ con mà còn xa lìa nhau huống chi người khác. Ngươi và Kiền-trắc hãy trở về, nói mấy lần Xa-nặc cũng không nghe. Thái tử bèn rút kiếm báu tự cắt tóc, mình rồi phát nguyện rằng: Nay cạo bỏ râu tóc nguyện cùng tất cả cắt đứt phiền não và các tập chướng. Lúc đó, Thích- đề-hoàn-nhân nhận tóc bay đi. Cac trời ở trên hư không đốt hương, tung hoa, đồng tiếng khen rằng: Lành thay, lành thay!
Kinh Đại Thiện Quyền nói: Bồ-tát tự cắt râu tóc, các trời rồng quỉ thần không thể nhìn thấy đảnh, huống chi là cạo tóc. Bồ-tát nghĩ vua Bạch Tịnh sẽ nổi giận ai dám cạo tóc con mình. Cho nên tự cắt thì vua im lặng. Đó là phương tiện.
Khi Thái tử cạo tóc rồi thấy mình vẫn còn mặc y phục bảy báu, nghĩ rằng pháp Chư Phật quá khứ xuất gia khong mặc y phục nầy. Lúc đó, trời Tịnh Cư bèn biến hóa thành một người thợ săn mặc áo ca-sa. Thái tử thấy vậy tâm rất vui mừng liền bảo rằng: áo ông mặc là y phục Tịch tịnh, tiêu biểu cho Chư Phật từ xưa, sao mặc áo này mà làm tội như thế? Thợ săn đáp: Ta mặc áo ca sa để dụ bầy nai. Nai thấy áo ca-sa đều đến gần, nên ta bắn được. Thái tử nói: Ông mặc áo ca-sa này mục đích chỉ muốn giết nai không phải để cầu giải thoát. Nay ta đem y phục bảy báu này đổi áo ca-sa là để cứu giúp tất cả chúng sinh cắt đứt phiền não. Người thợ săn nói: Lành thay, rồi đúng như lời nói mà cởi y phục báu đổi với thợ săn. Mình thì mặc áo ca-sa đúng theo pháp của Chư Phật quá khứ. Lúc đó, trời Tịnh Cư biến lại thành thân Phạm, bay lên hư không đứng vào chỗ cũ. Bấy giờ, trên hư không có ánh sáng lạ, Xa- nặc thấy thế khen là đặc biệt chưa từng có, điềm ứng không phải duyên nhỏ. Xa-nặc thấy Thái tử cạo tóc mac pháp phục rồi biết rằng không thể trở về nữa. Thái tử bảo Xa-nặc rằng: “Thôi ngươi đừng buồn khổ nữa, hãy mau trở về cung làm đủ các việc theo ý ta”. Rồi từ từ bước về phía trước, Xa-nặc sụp lạy, nước mắt chan hòa, nhìn theo đến khi Thái tử khuất dạng ở ven rừng. Xa-nặc nghẹn ngào cầm mão báu và các đồ trang sức ngồi trên lưng ngựa Kiền-trắc mà trở về cung. (Trích Thích Ca Phổ)
Phật có mặt trong cõi của chúng ta như bạn đã biết là sự thị hiện chứ không phải là pháp thân thật của Phật, vì thế tất cả những gì mà chúng ta được nghe, nhìn thấy đều là do Phật tuỳ duyên của chúng sanh mà thị hiện ra các hình tướng như một người bình thường. Việc Phật có tóc cũng là một sự thị hiện theo thế gian vậy, tuy nhiên, tóc của Phật như trong Kinh Bồ Tát Thiện Giới Phật nói thì đó là một trong 80 vẻ đẹp của Phật, nhờ công đức tu học, tích luỹ từ vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp mà có được. Do vậy, việc mà các tu sĩ phải cạo tóc là học theo hạnh nguyện của Phật và chư cổ Phật: quyết tâm xa lìa sự khổ đau của thế tục để tiến tu tới con đường giác ngộ và giải thoát như chư Phật đã hành, đã giác ngộ và đã giải thoát.
Trích:
“Hạnh Như Lai thứ mười ba gọi là Tất Cánh Phật Địa. Tất Cánh Phật Địa có 140 pháp Bất cộng. Đó là:
Ba mươi hai tướng tốt, 80 vẻ đẹp, 4 Tịnh hạnh, 10 Lực, 4 Vô úy, 3 Niệm xứ, 3 Bất hộ. Đại Bi, Thường không quên mất, Trí đoạn tập nhân phiền não, Nhứt Thiết Trí. Đây gọi là 140 pháp Bất cộng.
Ba mươi hai tướng:
1.Dưới lòng bàn chân bằng phẳng.
2.Dưới bàn chân có hình bánh xe ngàn cọng.
3.Các ngón tay búp măng dài đẹp.
4.Gót chân no tròn.
5.Ngón tay ngón chân có màng da liền lạc.
6.Tay chân mềm mại.
7.Bắp chân như chân nai chúa.
8.Xương mắt cá chẳng lộ bày.
9.Đứng thẳng tay dài quá đầu gối.
10.Ngọc hành ẩn kín như mã vương.
11.Thân hình đầy đặn như cây Ni câu Loại.
12.Lông trên mình mướt đẹp.
13.Mỗi mỗi sợi lông đều xoay về phía mặt.
14.Thân mình màu vàng rực.
15.Thân thường có ánh sáng chiếu xa một tầm.
16.Da thứa mịn màng, bụi đất không dính.
17.Bảy chỗ hõm như: hai lòng bàn lòng tay, hai lòng bàn chân, hai vai, sau ót đều đầy đặn.
18.Phần trên của thân như thân sư tử chúa.
19.Cánh tay, khỉu tay, bả vai tròn trịa.
20.Các khớp xương đầy đặn, bằng phẳng.
21.Thân thể cân đối.
22.Bốn mươi cái răng.
23.Răng khít khao chẳng thưa hở.
24.Răng sắc trắng tinh.
25.Cằm vuông vức như cằm sư tử chúa.
26.Nước miếng ngon ngọt.
27.Tướng nhục kế trên đảnh đầu.
28.Lưỡi dài và rộng, có thể che đến chân tóc.
29.Tiếng nói trong trẻo thanh tao.
30.Mắt sắc xanh biếc.
31.Mắt tựa như mắt ngưu vương.
32.Tướng lông trắng giữa chặn mày (bạch hào).
Tám mươi vẻ đẹp:
1.Tướng Vô kiến đảnh.
2.Mũi cao nhưng chẳng lộ hai lỗ mũi.
3.Lông mày đẹp như trăng đầu tháng.
4.Vành tai dài rũ xuống.
5.Thân vững chắc như Trời Na la diên.
6.Các đốt xương giao nhau như móc câu.
7.Trông lại được phía sau.
8.Khi đi chân cách đất 4 tấc mà vẫn hiện dấu.
9.Móng tay, móng chân như sắc đồng đỏ.
10.Đầu gối vững chắc tròn đẹp.
11.Thân trong sạch.
12.Thân dịu dàng mềm mại.
13.Thân không cong vẹo.
14.Ngón tay, ngón chân tròn có màng da liền lạc.
15.Lằn chỉ trên ngón tay được che khuất.
16.Các gân mạch ẩn sâu không hiện.
17.Mắt cá không lộ bày.
18.Thân thể tươi nhuận.
19.Thân tự giữ ngang.
20.Thân đầy đặn.
21.Uy nghi toàn vẹn nghiêm túc.
22.Dáng dấp đầy đặn.
23.Khi đi đứng an ổn, không lay động.
24.Uy đức lừng lẫy.
25.Chúng sanh được gặp rất sanh ưa thích.
26.Gương mặt không dài lớn.
27.Dung mạo đoan chánh, sắc mặt chẳng nhăn.
28.Mặt đầy đặn.
29.Môi đỏ tươi, đẹp như trái tần bà.
30.Tiếng nói sâu xa.
31.Rún tròn đẹp và lún sâu vào.
32.Lông trên mình xoay về phía phải.
33.Tay chân đầy đặn.
34.Tay chân như ý.
35.Lằn chỉ trên tay sáng thẳng.
36.Lằn chỉ tay dài.
37.Lằn chỉ tay chẳng đứt quãng.
38.Những người ác tâm được gặp đều vui mừng.
39.Mặt vuông đẹp.
40.Mặt trong sáng như trăng rằm.
41.Chiều ý chúng sanh mà nói lời hoà vui.
42.Từ lỗ chân lông phát ra mùi thơm.
43.Trong miệng phát ra mùi thơm.
44.Dáng dấp oai hùng như sư tử chúa.
45.Tới lui như voi chúa.
46.Tướng đi như Nga vương.
47.Đầu tròn đẹp như quả ma dà na.
48.Diễn nói một thứ tiếng mà đầy đủ cho tất cả.
49.Bốn cái răng cấm trắng và bén.
50.Lưỡi sắc đỏ tươi.
51.Lưỡi mỏng.
52.Lông màu hồng.
53.Lông mềm mại sạch sẽ.
54.Con mắt dài rộng.
55.Hậu môn có đủ tướng.
56.Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen.
57.Rún chẳng lộ bày.
58.Bụng thon thon.
59.Bụng chẳng lộ.
60.Thân vững vàng không nghiêng ngả.
61.Thân giữ sức nặng.
62.Thân lớn hơn người thường.
63.Thân cao hơn người thường.
64.Tay chân mềm mại, láng sạch.
65.Ánh sáng nơi thân chiếu ra bốn bên cách khoảng một tầm.
66.Đi có hào quang chiếu sáng.
67.Bình đẳng xem khắp chúng sanh.
68.Không khinh khi chúng sanh.
69.Tiếng nói tùy tâm chúng sanh, không thêm không bớt.
70.Nói pháp không vướng mắc.
71.Theo lời lẽ của chúng sanh mà thuyết pháp.
72.Phát âm đúng với các giọng, các tiếng.
73.Theo thứ tự nói pháp cho người có nhân duyên.
74.Chúng sanh xem tướng Phật không thể xiết.
75.Xem tướng Phật không nhàm chán.
76.Tóc dài đẹp đẽ.
77.Tóc không rối.
78.Tóc xoắn đẹp.
79.Tóc màu như thanh châu.
80.Tay chân biểu lộ tướng phước đức. (Trích Bồ Tát Thiện Giới Kinh – PHẨM THỨ HAI MƯƠI CHÍN 32 TƯỚNG TỐT, 80 VẺ ĐẸP CỦA TẤT CÁNH ĐỊA)
Chúc bạn an lạc.
TN
Chào bạn Trần Thị Nhung,
Thật sự thì thời xưa chưa có dao lam như bây giờ nên các đệ tử Phật cũng không thường xuyên cạo tóc như chư tăng thời bây giờ, vì thế nên trong giới luật Tỳ kheo mới có 1 giới do một đệ tử hỏi Phật về việc độ dài tóc tối đa được để thì Phật cho phép để dài tương đương với 2 lóng tay (2 đốt ngón tay). Tương truyền sau khi ngài cắt tóc xuất gia thì nương nhờ các Parami (Ba la mật) công đức từ thuở quá khứ mà tóc ngài cuốn xoăn lại như hình xoắn ốc và ép sát vào da đầu nên độ dài cũng không vượt quá so với giới luật Phật chế thời bấy giờ.
Ngoài ra trong kinh Mi Tiên vấn đáp có 1 câu hỏi từ vua Milinda hỏi Ngài A La Hán Nagasena là tại sao Đức Phật không cho phép các đệ tử sử dụng thần thông nhưng Đức Phật lại dùng thần thông để hàng phục ngoại đạo, thì Ngài Nagasena có trả lời rằng giống như lệnh cấm của 1 vị vua không cho phép ai ra vào vườn của vua thì không áp dụng với vị vua đó, cũng như vậy các giới luật do Phật chế không áp dụng đối với Đức Phật.
Thành thật cảm ơn các huynh đã tận tình giải đáp ạ. Cho em hỏi thêm điều này nữa ạ. Em hay nghe thầy Tịnh Không giảng nói người niệm Phật ba năm sau sẽ vãng sanh. Điều này dựa trên kinh nào vậy ạ? Có huynh đệ nào có kinh nghiệm giải đáp cho thắc mâc của em được không ạ? Và trong Phật pháp chỉ có pháp môn nầy là tu 3 năm vãng sanh hay có pháp nào nữa không ạ?
Chào bạn Nhung,
Việc 3 năm do ngài Tịnh Không dựa trên những câu chuyện vãng sinh thực tế mà ngài đã gặp, hạ thủ công phu tối thiểu là 3 năm là có thể vãng sinh. Còn dựa theo kinh điển thì kinh A Di Đà nói niệm Phật nhất tâm bất loạn từ 1 đến 7 ngày là có thể thành tựu.
Về câu hỏi có pháp môn nào khác tu 3 năm có thể thành tựu hay không thì chỉ có pháp môn phù hợp chứ không có pháp môn hay nhất, chúng sinh có 84.000 phiền não hay 84.000 thứ bệnh, tùy vào các phiền não mà có 84.000 pháp môn (thuốc), tùy vào căn cơ trình độ mà mỗi cá nhân có 1 pháp tu phù hợp. Như ngày xưa ngài Lục Tổ trong Thiền Tông chỉ nghe 1 câu kinh Kim Cang mà ngộ đạo, hay các tích về các đệ tử Phật ngày xưa có cũng nhiều vị chỉ nghe 1 bài pháp đúng với trình độ, đúng với phiền não mà họ gặp phải mà chứng quả Tu đà hoàn. Nên thật sự thì chỉ cần đúng người đúng bệnh thì bất kì pháp môn nào cũng có thể thành tựu trong thời gian ngắn.
Huynh Đạt Châu thật trí tuệ. Câu trả lời của huynh đã hoàn toàn giải đáp thắc mắc của em ạ. Em căn tánh chậm chạp nên có lẽ chỉ hợp với pháp môn niệm Phật này thôi ạ. Em cứ mong sớm sớm được vãng sanh, được gặp Phật A Di Đà và chư vị thượng thiện nhân. Chứ ở đây ngày ngày gặp nhiều người em cảm thấy phiền não nên em không muốn ở nơi này lâu đâu ạ. Lần nữa cảm ơn huynh và mong rằng sẽ gặp lại huynh nơi quê nhà Cực Lạc ạ.
Nam mô A Di Đà Phật.
Quỷ Xuất Hiện Trong Bệnh Viện Là Có Chiện
https://www.youtube.com/watch?v=uf9BPFcX9ec
Kính chào các cô các chú,
Nếu con sanh về Cực Lạc rồi thì các nghiệp cũ của con đã tạo ra làm sao tiêu hết được ạ? Hay là sau khi tu hành chứng quả xong, con phải trở về đây đầu thai lại để trả cho hết nghiệp vậy thưa các cô chú?
Chào bạn Bé Như,
Theo kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy “nếu nghiệp của chúng sanh có hình tướng thì hư không không thể chứa hết.” cho nên cái mà chúng ta hướng đến để tiêu hết để cầu giác ngộ là phiền não chứ nghiệp quả quá khứ không thể trả hết được. Do chúng ta từ vô thủy đến nay tạo vô số ác nghiệp không thể nào tiêu trừ cho sạch được.
Đến cả Đức Phật Thích Ca khi thành đạo kiếp cuối cùng ở cõi Ta Bà này vẫn còn trả những dư báo do nghiệp quá khứ gây ra. Không phải tự nhiên mà ngài phải chịu 6 năm khổ hạnh, không phải tự nhiên mà ngài bị khát nước phải 3 lần bảo A Nan đi lấy nước, không phải tự nhiên mà ngài lại 3 ngày bị đau đầu, không phải tự nhiên mà ngài bị kiết lị trước khi nhập Niết Bàn. Đều là dư báo do các nghiệp quá khứ gây ra đấy ạ.
Còn khi quý đạo hữu tu hành ở cõi Cực Lạc rồi thì quay lại đây để hành đạo Bồ Tát thì sẽ như các ngài Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, Quán Âm. Đều là các vị Đại Bồ Tát không còn bị phiền não sai sử nữa nên dù trả nghiệp quả quá khứ trong tâm cũng không đau khổ.
Cảm ơn huynh Đạt Châu. Xin cho hỏi, hạng chúng sanh như chúng ta cần tu tập gì để chấm dứt phiền não ạ?
Chào bạn Printemps
Đức Phật thuyết 84000 pháp môn (con số này mang tính tượng trưng biểu thị rất rất nhiều) để đối trị với 84000 phiền não. Mỗi một phiền não lại ứng với một pháp môn phù hợp, mà căn tánh chúng sanh thì mỗi mỗi khác nhau nên để lựa chọn tối ưu nhất cho mỗi vị thì chỉ có Đức Phật mới có thể chỉ được cho bạn thôi. Đức Phật có nói đạo của ngài là dựa vào tự tu tự chứng nghiệm chứ không phải chỉ lý thuyết suông, nếu nhiều thời gian và rảnh rỗi thì tìm tòi các pháp môn các giáo lý căn bản, dựa vào cái nền đó rồi dành thời gian hành trì các pháp tu đến khi thấy mình hợp nhất với pháp tu nào để rồi theo thôi ạ. Đến cả niệm Phật tu Tịnh Độ chúng ta cũng thấy đủ cách tu như quán tưởng niệm Phật, trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật,… Chúng ta kém phước không được sinh vào thời Đức Phật tại thế nên chỉ có thể tự mày mò trong màn đêm đen thôi.
Cảm ơn huynh Châu Đạt. Mạn phép cho Printemps hỏi: trong kinh Pháp hoa, có phẩm Phuơng tiện. Mục đích Phật có hơn 84.000 pháp môn để phù hợp căn cơ của chúng sanh mà dẫn dắt chúng sanh tu tập, tỏ ngộ Tri kiến Phật của chúng sanh. Tuy nhiên, có chùa quy định trong các buổi thuyết pháp của Pháp sư, phật tử/ người nghe không nên mặc áo tràng nâu, mà chỉ được mặc áo tràng lam để tạo đồng bộ trang phục của buổi thuyết pháp. Chùa cũng có trang bị áo tràng lam để mượn. Thiết nghĩ, chùa có phải đang chấp vào “Sắc” không ? Chùa giải thích, phật tử nên bỏ “bản ngã kiến” (tức suy nghĩ cá nhân) để hòa nhập vô đại chúng, đa phần đều mặc áo tràng lam, sao lại mặc áo nâu (có thể vùng miền, miền Bắc thường mặc nâu). Nhưng Printemps nghĩ, mục đích thuyết pháp là dẫn dắt chúng sanh tu tập, hạn chế tối đa các quy định (miễn vẫn đảm bảo tính trang nghiêm) để chúng sanh đến, nghe và hành lời Phật. Không biết Printemps suy nghĩ vậy sai lệch không ạ, xin chỉ dạy thêm.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
Trong lúc chờ đạo Hữu Đạt Châu hồi âm, TN mạn phép có đôi lời về việc bạn hỏi.
Người Việt chúng ta thường nói: Quốc có quốc pháp. Gia có gia quy. Điều này có ý nghĩa: hễ sống trong môi trường nào, chúng ta đều (nên) tuân thủ luật pháp, gia quy của môi trường đó. Việc nhà chùa có quy định cho các Phật tử của chùa phải mặc áo tràng lam là đúng gia quy của chùa, nhưng nếu là Phật tử thập phương nhà chùa chỉ có thể khuyên họ mặc áo lam của chùa để giúp cho đạo tràng – về hình thức được trang nghiêm. Trang nghiêm là nghĩa thô, thuộc về hình tướng. Vi tế nghĩa nó là tâm người đến chùa tu học. Nếu người đến chùa, nhất quyết phải mặc chiếc áo lam, áo nâu, áo vàng…thì mới tu học được=chấp tướng. Tướng=hư giả. Chấp giả mà muốn thấy chân là trái pháp. Vì thế, rất có thể chùa nọ vì khi có sự cộng tu, muốn cho đạo tràng, các Phật tử đều hoà chung một màu áo, khi đưa hình ảnh làm biểu pháp, mọi người nhìn thấy sẽ hoan hỉ. Tuy đó là hình tướng, nhưng Phật pháp không lìa thế gian pháp, vì vậy nếu vì quá chấp Phật pháp hay thế gian đều không mang lại lợi lạc trong sự tu học.
Người tu học thời nay rất nhiều, nhưng tu tướng cũng rất nhiều. Vì thế, giả như bạn hay ai đó phải đến nơi nào đó tu học, cộng tu mà nơi đó yêu cầu phải mặc đồng phục của họ, TN nghĩ chúng ta nên tôn trọng, vì nhập gia phải tuỳ tục. Còn nếu vì chuyện đó mà chúng ta khởi phiền não, thì sự hiện diện của chúng ta tại nơi đó là vô nghĩa.
Nguyện chúc bạn tỉnh giác và tinh tấn.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Trong quá trình tu học, Printemps nhận thấy bản thân ăn chay làm tâm tăng trưởng từ bi với chúng sanh, ít nhất với loài vật. Tuy nhiên, bạn đồng tu lại nói, Phật ngày xưa không có đưa ra giới luật ” ăn chay”, và đây không phải chánh pháp. Phật vẫn cho phép ăn thịt, miễn là tam tịnh nhục. Nghĩa là: 1-một loại thịt mắt không thấy giết, tức là bản thân mình không trực tiếp giết thịt. 2-Tai không nghe giết, tức mà mình không hề nghe thấy rằng sinh vật đó bị giết là vì mình. 3- Không nghi giết: biết nơi đó không có nhà đồ tể hoặc là sinh vật đó tự chết đi, không còn một chút nghi ngờ nào nguyên nhân cái chết của sinh vật đó là vì mình. Printemps thấy giờ giết mổ động vật toàn theo dây chuyền công nghiệp, vậy có “cầu” ắt sẽ có “cung” thì ăn thịt dù dưới hình thức nào cũng là “gián tiếp sát sanh” rồi. Nhưng các bạn đồng tu nói, không phải chánh pháp, không phải lời Phật nói. Printemps tự thắc mắc, nếu đã tạo ra 84.000 pháp môn tùy theo căn tánh của chúng sanh để tu hành, tại sao hàng hậu học lại tự gây chia rẽ, này là chánh pháp, đây không phải. Không phải kinh điển nào cũng nói mọi chúng sanh đều có Phật tánh, chân tâm nên cần phải học đạo để tri kiến Phật của mình. Vậy, sao người học đạo, lại chấp vô Pháp gây thêm sân si với nhau chỉ vì cho rằng lời pháp này đúng, lời pháp kia là không phải chánh đạo. VD như kinh Nikaya là chánh pháp là lời Phật dạy, còn các kinh điển đại thừa là lời Tổ nói. Trong kinh Nikaya có đề cập Bát chánh đạo, trong đó có “Chánh kiến”, Phật học phổ thông cũng dạy phần này. Vậy “ăn chay” hiểu như thế nào là chánh kiến ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
Bạn ráng đọc kỹ bài TN gửi dưới đây để hiểu thêm về ăn chay, ăn mạng và ai nói phí pháp,ai đang hủy báng pháp Phật nhé.
TN
…………….
Y KINH NÓI PHÁP TAM THẾ PHẬT OAN – ĂN CHAY TỪ THÔ ĐẾN VI TẾ
Ba chủ đề nổi cộm hiện nay các Phật tử thường được nghe các giảng sư giải đáp :
*Ăn chay – ăn Mặn
*Phật khất thực cũng vẫn ăn mặn
*Phật không cấm ăn mặn.
Một yếu tố quan trọng khi nghe pháp chúng ta cần nhận biết:
1. Người giảng pháp Phật dùng vọng thức khởi lên phân biệt, chấp trước khi đối cảnh tiếp vật để giảng, hay
2. Người giảng pháp Phật dùng chân tâm = thanh tịnh – bình đẳng – giác để giảng.
Một bài pháp, cho dù là của giảng sư nổi tiếng, nhiều bằng cấp, nhiều chùa, nhiều đệ tử… nếu dùng thức phân biệt để giảng, người có trí ắt không nên nghe; ngược lại, nếu người giảng pháp có thể dùng tâm thanh tịnh-bình đẳng-giác của mình giảng pháp và giảng liễu nghĩa, chúng ta nên nghe.
Nghe theo đúng 4 nguyên tắc Phật dạy:
– Y pháp bất y nhân
– Y nghĩa bất y ngữ
– Y trí bất y thức
– Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa.
Trở lại với 3 chủ đề nói trên.
1/ Khi được hỏi về ăn chay, ăn mặn, có rất nhiều vị giảng sư nói rằng: đức Phật không hề nói về ăn chay hay ăn mặn.
Điều này là hiển nhiên, bởi chay-mặn là pháp đối đãi của thế gian, một vị Phật làm gì có chuyện phân biệt giữa ăn chay và ăn mặn? Ăn “mặn” là cách nói trệch của ăn “mạng” chúng sanh. Mà muốn ăn mạng thì phải đoạt mạng: tự mình giết, sai bảo người giết, thấy giết tùy hỉ. Khi ba thứ tâm giết nói trên dấy khởi và thường hành = sẽ phải đền mạng cho chúng sanh. Vì nhận ra được nhân quả báo ứng đó nên Đức Phật khuyên các phật tử việc đầu tiên là không được sát sanh. Sát sanh được hiểu là việc sát người, hại vật, đấy là nghĩa thô, nhưng vi tế là ngay cả trong ý niệm sát người, vật của mình cũng đều phải được coi trọng, bởi vì khi khởi ý niệm sát sanh mới là yếu tố quan trọng để tác động lên thân và khẩu tạo thành những nghiệp sát người hại vật. Vì lẽ đó nên nói thân, khẩu chính là dụng của ý:
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ ý tạo,
Nếu với ý vô nhiễm,
Khổ não bước theo sau,
Như xe chân vật kéo. (Kinh Pháp Cú)
2/ PHẬT ĐI KHẤT THỰC CŨNG VẪN ĂN MẶN?
Không ít vị giảng sư khẳng định rằng: khi Phật đi khất thực, ai cho gì thì Phật ăn thứ đó, nghĩa là nếu có người cho thịt, tức đồ mặn, Phật cũng ăn thịt như các đệ tử.
Chúng ta phải cảnh giác với lối kiến giải nguy hại này. Việc nói đức Phật khi còn tại thế, ngài vẫn còn ăn thịt là điều hết sức sai trái, đây là một sự ngộ nhận trong tư duy từ đó diễn giải mang tính phỉ báng Đức Phật, bởi vì Đức Phật nói ta đã thành Phật từ vô lượng kiếp, vậy thì một vị Phật làm sao còn có thể ăn thịt của chúng sanh? Việc Ngài thị hiện Ta bà, làm biểu pháp để cứu độ chúng sanh, 6 năm khổ hạnh, tu hành rừng già với tất cả những khổ não, với tất cả những thử thách, mỗi ngày Ngài chỉ dùng một hạt mè để làm bữa ăn chính của mình. Tại sao Ngài làm biểu pháp khổ hạnh này? đây là điều người học Phật phải hiểu rõ.
Trong Kinh Jivaka (Trung Bộ Kinh) – Jivaka là một cư sĩ, nhân một lần Thế tôn dừng chân và thuyết pháp tại khu rừng xoài của ông và ông đã nêu lên nghi vấn khi nghe thấy mọi người nói: „ Bạch Thế Tôn, con nghe nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama (tuy) biết thế (vẫn) dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình”. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama (tuy) biết thế (vẫn) dùng các loại thịt được giết (vì mình) và được làm cho mình”, bạch Thế Tôn, những người ấy có nói chính lời Thế Tôn, họ không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, họ trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng (pháp) thuận (pháp) không có thể quở trách?“
Nghi vấn trên có thể giải nghĩa như sau: “Thưa đức Thế Tôn! Có những người vì Thế Tôn mà giết các sinh vật để cúng dường. Thế Tôn biết vậy mà vẫn thọ dùng những đồ cúng dường đó. Những người ấy nói chính lời của Thế Tôn, họ không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, họ trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng (pháp) thuận (pháp) không có thể quở trách họ?“
Khi Thế Tôn nghe xong, Ngài bèn đáp: „Này Jivaka, những ai nói như sau: “Vì Sa-môn Gotama (đức Thế Tôn), họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama (tuy) biết thế (vẫn) dùng các loại thịt được giết (vì mình) được làm cho mình”, những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật”.
Đoạn kinh văn này Thế Tôn khẳng định với ông Jivaka về những đồn đại trong đại chúng nêu trên về việc Thế Tôn biết có người vì mình mà giết hại sinh vật để cúng dường và Thế Tôn dù đã biết mà không ngăn cản rồi vẫn thọ thực là: „những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật“. Chân như là lời nói của tự tánh thanh tịnh hay còn gọi là tự tánh Phật và cũng là lời của Phật. Phật ngôn vốn không có hư vọng. Vì thế lời nói không phát xuất từ tự tánh, Phật nói đó là lời „không như chân, không như thật“.
Kế đó Thế Tôn cắt nghĩa về 3 trường hợp: „Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi (vì mình mà giết). Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng.
Sao gọi là „thấy, nghe, nghi“ vì mình mà giết?
Nghĩa là chúng ta đích mắt nhìn thấy, nghe thấy hay nghi con vật đã vì mình mà bị giết thịt. Trong trường hợp này người trì giới của Phật (chưa nói thanh tịnh giới – cả tu sĩ lẫn cư sĩ) đều không được ăn. Tại sao? Bởi nếu ăn, đồng nghĩa phạm vào tội sát sanh.
Trong Kinh Phạm Võng Phật đã nói về giới sát như sau: „Nếu Phật tử, hoặc tự giết, hoặc bảo người giết, phương tiện giết, khen ngợi giết, thấy giết vui theo, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, nhân giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết, nhẫn đến tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được giết. Là Phật tử, lẽ ra phải khởi lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thệ cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại phóng tâm giết hại chúng sanh, Bồ Tát này phạm tội Ba-la-di“***.
Trong Kinh Lăng Già, Phật đã biết được những điều này sẽ xảy ra sau khi ngài nhập diệt nên đã dạy như sau:
“Đại Huệ! Đời sau có những kẻ ngu si xuất gia trong pháp luật của ta, giảng quấy giới luật, làm loạn chính giáo, phỉ báng ta với lời nói ta cho phép ăn thịt và chính ta cũng đã từng ăn.
Đại Huệ! Nếu ta cho phép thanh văn ăn thịt, tức ta không phải người an trú tâm từ, người tu quán hạnh, người hành đầu đà, người đi nơi đại thừa; làm sao có thể khuyên thiện nam tín nữ nên xem chúng sinh như con một, nên dứt ăn tất cả thịt?
Đại Huệ! Có chỗ ta nói cho ăn ba thứ tịnh nhục, đấy là để dần dần cấm hẳn, khiến dễ tu học. Nay trong kinh này, tất cả thịt của con vật tự chết hay bị giết, đều không được ăn.
Đại Huệ! Ta chưa bao giờ cho phép đệ tử ăn thịt, cũng không đang cho phép, cũng không sẽ cho phép.
Đại Huệ! Tất cả sự ăn thịt đối với người xuất gia đều là bất tịnh”.
Như vậy chúng ta có thể thấy việc ăn uống đi đứng nằm ngồi ngủ nghỉ…của Phật tất cả chỉ là một biểu pháp chứ không phải là ngài thực có chuyện ăn uống đi đứng nằm ngồi, bởi một vị Phật nếu như còn có sự ăn uống nằm ngồi ngủ nghỉ, đặc biệt là còn có ăn cả thịt của chúng sanh thì đấy không thể nào gọi là Phật.
Lời giảng của vị giảng sư này một là sự phỉ báng Phật.
3/ PHẬT KHÔNG CẤM ĂN THỊT?
Kiến giải này cũng hết sức nguy hại, bởi cụm từ “cấm ăn thịt” được hiểu và dành cho những đối tượng nào?
Đối tượng mà Phật quan tâm hàng đầu là: Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Si, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Ưu Bà Tắc (cư sĩ nam), Ưu Bà Di (cư sĩ nữ).
Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy về nghiệp sát sanh như sau: “A-Nan! Lại nữa, nếu chúng sanh trong Lục-đạo ở các thế giới mà tâm không sát sanh thì sẽ không bị cuốn theo dòng sanh tử tương tục. Ông tu pháp Tam-muội vốn để thoát trần-lao, nhưng nếu không trừ bỏ tâm sát-sanh thì chẳng thể ra khỏi trần-lao. Dầu có đa trí, Thiền-định hiện tiền, mà nếu chẳng dứt trừ sát sanh, tất sẽ lạc vào Thần-đạo. Người thượng phẩm thì làm Đại-lực Quỷ, trung phẩm thì làm Phi-hành Dạ-xoa hoặc làm Quỷ-soái, hạ phẩm thì làm Địa-hành La-sát. Các quỷ thần ấy cũng có đồ chúng, tất cả đều tự xưng đã thành tựu Đạo Vô-thượng.
Sau khi Ta diệt độ, trong thời Mạt Pháp, sẽ có nhiều loại quỷ thần ấy hiện ra đông đảo ở thế gian, tự nói rằng ăn thịt thì đắc được con đường Bồ-đề.
A Nan! Ta cho phép chúng Tỳ-khưu ăn Ngũ Tịnh-nhục***; thịt ấy đều do thần lực của Ta hóa sanh chớ vốn không có mạng căn. Bà-la-môn các ông ở nơi nóng, ẩm, lại thêm có đá sạn nên rau cỏ không sống được; vì thế, Ta dùng thần lực đại bi gia hộ, do đại từ bi mà giả gọi là thịt cho các ông có được cái vị. Làm sao sau khi Như Lai diệt độ, những kẻ ăn thịt chúng sanh lại gọi là Thích tử được? Các ông phải biết: Những kẻ ăn thịt dầu được tâm khai tựa Tam-ma-địa, cũng chỉ là loài Ðại La-sát, đến khi báo chung phải chịu trầm luân trong biển khổ sanh tử, chớ không phải là đệ tử của Phật. Những người như vậy là hạng giết hại lẫn nhau, ăn thịt lẫn nhau, hỗ tương ăn nuốt không dứt, thì làm sao ra khỏi được Tam-giới?”
Như vậy chúng ta thấy thời Phật tại thế, vì nhiều vùng tại Ấn Độ đất đai không thể trồng trọt và canh tác, vì thế Phật đã phải hóa độ chúng sanh bằng cách dùng thần lực từ bi hóa ra những loại gia súc không có mạng căn, giả gọi là thịt để giúp các đệ tử trên đường mới nhập đạo có thể khéo léo xử dụng rồi dần dần chuyển hóa chuyện ăn mạng cho tới đoạn tuyệt ăn mạng chúng sanh. Trong đạo gọi là khai giới phương tiện. Hoàn toàn khác với hiện giờ, các loài gia súc đều có mạng căn, hễ giết thịt chúng ắt sẽ phải đền mạng. Vậy nhưng có vị giảng sư khá nổi tiếng lại tuyên bố một câu chắc nịch: “Vấn đề là miếng thịt đó từ đâu đến? Nếu từ trên trời rơi xuống tôi sẵn sàng nhặt lấy và cho nấu, ăn ngay trong chùa… “. Cách nói này Phật gọi là nói hí luận. Giảng pháp, đặc biệt cho người sơ phát tâm mà dùng lối hí luận này để giảng, chắc chắn đưa Phật tử vào địa ngục. Đáng tiếc đây lại là lối nói rất thịnh hành của các hí luận sư thời mạt pháp hiện giờ.
Kinh Lăng Già Phật dạy Bồ tát Đại Huệ lý do vì sao không nên ăn thịt:
“Đại Huệ! Hãy nghe, và khéo suy nghĩ. Ta sẽ phân biệt rõ cho ông thấy.
Đại Huệ! Có vô số lý do khiến Bồ tát thương xót không ăn thịt, ta chỉ nói đôi phần.
Đại Huệ! Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không ngừng qua lại trong sinh tử luân hồi, không khỏi có lần làm cha mẹ anh em con cái lẫn nhau, hoặc làm bà con, bè bạn, đầy tớ thân yêu… Sang đời khác họ sinh làm thân chim và thú, sao nỡ đem ăn thịt?
Đại Huệ! Bồ tát đại hữu tình xem chúng sinh như thân mình, nghĩ rằng thịt đều do có mạng sống mà ra, làm sao nỡ ăn?
Đại Huệ! Bọn quỷ la sát v.v.. nghe ta nói thế này còn bỏ ăn thịt, huống hồ những người thích pháp.
Đại Huệ! Bồ tát đại hữu tình ở đâu cũng xem chúng sinh là thân thuộc, cho đến nghĩ như con một của mình, nên không ăn tất cả thịt.
Đại Huệ! Những người bán thịt ở góc đường chợ búa hoặc lấy thịt chó ngựa người trâu bò v.v.. đem bán để cầu lợi, uế tạp như thế làm sao ăn được.
Đại Huệ! Hết thảy các thứ thịt đều do máu huyết ô uế làm ra, người cầu trong sạch sao lại ăn dùng.
Đại Huệ! Chúng sinh khi thấy những người ăn thịt thì sợ hãi, kẻ tu từ tâm sao lại ăn thịt.
Đại Huệ! Những thợ săn, Chiên đà la (Càndàla), những người bắt cá, lưới chim, chó thấy thì sủa, thú vật thấy thì bỏ chạy. Tất cả chúng sinh bay trên không chạy trên đất, sống dưới nước, trông thấy những người kia đều nghĩ :”Tên ấy trông như quỷ la sát, nay đến đây chắc để giết mình.” Vì lo giữ mạng sống nên chúng đều chạy tránh. Người ăn thịt cũng vậy. Cho nên Bồ tát vì tu hạnh từ không nên ăn thịt.
Đại Huệ! Người ăn thịt thì thân thể hôi hám dơ bẩn, tiếng ác truyền khắp, hiền thánh, người tốt không thân gần, do vậy Bồ tát không nên ăn thịt.
Đại Huệ! Máu thịt là thứ mà tiên thánh không dùng, nên Bồ tát không ăn thịt.
Đại Huệ! Lại vì muốn gìn giữ tín tâm của chúng sinh, không để họ chê bai nhạo báng Phật pháp, nên Bồ tát không ăn thịt.
Đại Huệ! Nếu đệ tử ta ăn thịt, thì người đời sẽ ôm lòng chê bai, nói: “Sa môn tịnh hạnh sao lại từ bỏ vị ăn của chư thiên mà cư xử như ác thú, ăn thịt đầy bụng đi khắp thế gian, khiến chúng sinh cầm thú hoảng sợ, phá hạnh thanh tịnh, lỗi đạo sa môn? Xem đấy đủ biết Phật pháp không có hạnh điều phục.”
Bồ tát thương chúng sinh, muốn giữ cho họ khỏi sinh tâm ấy, nên không ăn thịt.
Đại Huệ! Khi thịt người cháy thì hơi hôi xông lên, các thứ thịt nướng khác cũng vậy. Cũng cùng là thịt, sao lại có thứ ăn, có thứ không ăn. Cho nên những người vui đạo thanh tịnh không nên ăn thịt.
Đại Huệ! Các nam nữ thiện tín tu hành thanh tịnh ở dưới cây hay nơi vắng vẻ để an trú tâm từ, trì chú cầu giải thoát, hoặc cầu pháp Đại thừa, nhưng vì ăn thịt mà không đạt được các mục đích trên. Bởi thế Bồ tát muốn lợi mình lợi người không nên ăn thịt.
Đại Huệ! Người ăn thịt khi trông thấy thịt liền sinh lòng tham ăn ngon. Bồ tát thương nghĩ hết thảy chúng sinh như thân mình, làm sao thấy thịt mà nghĩ đến chuyện ăn được? Vì thế Bồ tát không nên ăn thịt.
Đại Huệ! Lại người ăn thịt thì chư thiên xa lánh, hơi miệng thường hôi, ngủ mộng bất an, tỉnh dậy lo sợ, bị ác quỷ dạ xoa hút mất tinh khí, lòng nhiều hoảng sợ, ăn không biết đủ, tăng trưởng bệnh, dễ sinh ghẻ lở, mụt nhọt, thường bị vi trùng đục khoét, không thể sinh tâm chán ghét muốn xa lìa thịt.
Đại Huệ! Ta thường nói: “Tỳ kheo ăn cái gì cũng nên nghĩ như ăn thịt con.” Các thức ăn khác còn thế, thì sao ta lại cho phép đệ tử ăn thịt được?
Đại Huệ! Thịt không tốt đẹp, không sạch, làm sinh các tội ác, phá hoại các công đức, bị chư thiên, thánh nhân xa lìa, sao ta lại cho phép đệ tử ăn thịt? Kẻ nào nói ta thuận cho ăn thịt chính là phỉ báng ta vậy.
Đại Huệ! Thức ăn sạch là lúa gạo, đậu, đại mạch, tiểu mạch, dầu mè, váng sữa, đường. Những loại như thế đều được chư Phật quá khứ cho phép ăn. Những thứ nên ăn ta nói đây là để cho những thiện nam tín nữ trong dòng họ ta, những kẻ có đức tin thanh tịnh, đã trồng căn lành từ lâu đời, không tham trước thân mạng tài sản, xót thương hết thảy như chính thân mình. Ta nói những vật nên ăn cho những người như vậy, chứ không phải cho những kẻ có thói quen độc ác, tính như hổ lang, lòng nặng dục vọng.
Đại huệ! Ăn thịt có vô lượng lỗi lầm tai hại như thế, nên chấm dứt ăn thịt sẽ được công đức lớn. Kẻ phàm ngu không biết những tổn hại của sự ăn thịt và lợi ích của không ăn. Bởi thế nay ta vì ngươi mà nói rõ. Bất cứ cái gì là thịt đều không nên ăn. Đại Huệ! Người ta sát sinh phần lớn là do có người ăn thịt, nếu không người ăn thì cũng không có việc giết; bởi thế ăn thịt cũng có tội như giết. Quái lạ cho người đời tham đắm vị thịt, thịt người còn ăn huống là thịt chim thú. Vì tham ăn ngon, chúng đặt ra đủ cách giăng lưới bày bẫy khắp nơi, loài dưới nước, loài ở trên đất, loài bay trên không đều bị giết hại, nếu không tự mình ăn thì cũng đem bán để lấy tiền.
Đại Huệ! Thế gian có những kẻ không lòng thương xót, chuyên làm việc tàn bạo như quỷ la sát; khi thấy chúng sinh thân hình béo tốt là nghĩ đến thịt, và bảo “Con vật này ăn được đấy.”
Đại Huệ! Thế gian không có thứ thịt nào không do mình giết hay người giết, lòng mình không nghi là nó bị giết (để có thể ăn được.)
Do nghĩa này mà ta cho phép thanh văn ăn thứ thịt như thế”.
“ăn thứ thịt như thế” là thịt gì? Thịt không có mạng căn. Loại này thời nay vốn kiếm không thể ra. Đây chính là thâm ý Phật dạy: 3 thứ thịt không nhìn, không nghe,không nghi vì mình mà bị giết vốn kiếm không ra. Tại sao? Vì hễ khởi niệm muốn ăn thịt thì ý niệm này sẽ thúc đẩy chúng ta tìm mọi cách để có thịt ăn.
Ăn chay từ thô đến vi tế tuy nói hai nhưng chỉ là một. Mỗi người tu phải tự định đoạt miếng ăn cho chính mình chứ đừng vui tai nghe các hí luận sư mà tạo nghiệp, đọa tam đồ ác đạo như tên bắn.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Thiện Lợi
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps đã đọc lời chỉ dạy của huynh và quán chiếu lại bản thân, quả thật như kinh Lăng già, Phật dạy cho Bồ tát Đại Huệ “Sa môn tịnh hạnh sao lại từ bỏ vị ăn của chư thiên mà cư xử như ác thú, ăn thịt đầy bụng đi khắp thế gian, khiến chúng sinh cầm thú hoảng sợ, …”. Có lần, sau khi làm công quả, Printemps ngủ trưa trong tháp chuông, thấy nền gạch sạch sẽ nên chợp mắt tí để chiều làm tiếp. Lúc thiu thiu thì cảm giác có con gì bò trên tay, nhưng mệt quá, mặc kệ ngủ tiếp. Khi tỉnh dậy, thấy xung quanh sát bên toàn kiến lửa. Không thấy con nào cắn hay để lại dấu vết cắn gây đau. Có đêm khác, cũng ngủ nền gạch tại chùa ở chân núi Sam, tối Printemps thấy con rết núi to bằng ngón tay bò trong phòng. Mọi người ngủ trên nệm cao, riêng Printemps nằm chiếu ngủ đất (do hết nệm) nên thôi kệ nó, thầm nghĩ trong đầu “Nó chưa cắn mình thì kệ đi”. Sáng dậy không thấy con rết trốn đi đâu sau khi dọn nệm chiếu, kể chuyện vui con rết thì mọi người la om xòm “rết núi cắn đau lắm, sao không kêu để giết”, Printemps cười nói “nó chưa cắn, khi nào nó cắn, thì cắn nó lại”. Nhân tiện đây, cho Printemps hỏi về vấn đề lao tác (công quả tại chùa). Printemps thấy một số công việc lao tác (như chà xi măng ron của nền) có thể dùng máy móc thay sức người được thì bạn đồng tu nói rằng, công việc lao tác là làm phước cho bản thân. Máy làm thì máy hưởng phước, chứ người đâu hưởng nè. Printemps lặng thinh, tiếp tục ráng làm cho xong dù rất mệt vì giữa nắng trưa. Printemps nghĩ, “Phước Huệ song tu”, việc lao tác cho chùa mục đích gì? Printemps nghĩ đơn giản, công quả là góp phần cho hoằng pháp, nghĩa là giúp chùa là nơi thuận lợi để chúng sanh tu tập, tu sĩ có thời gian học nghiên cứu kinh kệ để giáo hóa chúng sanh. Vậy sao người làm công quả chấp vô “Phước” để làm gì, mà quên mất câu “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”? Nhiều khi sau khi lao tác cùng các bạn đồng tu, Printemps quá mệt, không thể theo được công phu sáng sớm (3h15-5h sáng) , công phu tối (7h15-9h), nhiều khi không có thời gian đọc kinh kệ. Vậy người phật tử cần nên làm gì để hài hòa đời tu tại chùa ạ? và hiểu câu “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” như thế nào là đúng ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
*Kiến, trùng đều có tánh linh, vì thế nếu chúng ta không khởi ác tâm, chắc chắn họ cũng không hại chúng ta. Điều này bạn đã tự chứng được thông qua giấc ngủ mà không hề hấn gì.
*Việc làm công quả tại chùa hầu như nơi nào cũng có những chuyện phiền não như bạn chia sẻ. Có lẽ vị Phật tử bạn nói vì quá chấp pháp, quá chấp phước nên mới có cách suy nghĩ như vậy. Nếu cứ suy xét theo vị nọ, các vị Tu sĩ, thời nay khi đi làm Phật sự, khi đi giảng pháp phải dùng xe gắn máy, xe hơi, máy bay, tàu hỏa… để đi, vậy các vị tu sĩ đó cũng không có hoặc ít phước so với đi bộ sao?
Phật pháp là phương tiện, mà phương tiện thì luôn phải tùy nghi áp dụng sao cho có lợi lạc cho chúng hữu tình là được. Việc chấp trước vào phương tiện của vị phật tử nọ khi cho rằng phải tự dùng sức mình để chấp tác mới có nhiều phước thay vì để chiếc máy lau nhà làm thế là ý niệm không có trí tuệ. Một chiếc máy lau nhà có thể thay thế vài ba người lau dọn, công việc sẽ hoàn tất nhanh, gọn, sạch sẽ hơn làm tay. Những người được thay thế lúc đó có thể làm việc khác, như vậy không lợi lạc hơn sao? Nếu tính phước chỉ li như vị nọ, giả như một vị tu sĩ, cần phải lập tức đến lo Phật sự quan trọng nơi xa, nhưng vì chấp trước vào phương tiện nên cho rằng đi bộ mới có nhiều phước thay vì đi xe cơ giới…và vị đó đi bộ tới nơi thì việc cần lo đã quá trễ, thân, tâm vị đó thì mệt mỏi, rã rời, lúc đó làm sao làm phật sự nói gì tới phước? Cho nên phước – họa luôn là một. Khởi tâm động niệm có trí tuệ= có phước; ngược lại vô phước= sẽ gây họa. Việc bạn và các đồng tu khác phải lao thân để lau dọn, làm chấp tác tới độ không còn đủ sức để tu học nữa cho thấy ý niệm tích phước của vị nọ là phi pháp. Dùng phi pháp làm nhân mà mong có quả như pháp, chánh pháp là chẳng thể.
*Chùa là nơi dung chứa bá tánh thập phương. Vì thế trong chùa cũng chứa đủ những chủng tử phiền não của thập phương bá tánh mạng tới. Chẳng phải cứ ở chùa, tu trong chùa thì đã có phước, sẽ có trí tuệ và sẽ được giải thoát. TN ví ngôi chùa giống như một bệnh viện vậy, nơi dung chứa đủ các loại bệnh nhân từ thập phương. Người có tuệ ắt biết nương nơi đó để trị hết bệnh, ngược lại thì sẽ bị bệnh dìm chết. Bạn có duyên tới chùa làm phật sự công quả, nên khéo léo tùy duyên mà làm thì sẽ có lợi lạc. Làm mà thấy như không làm = thực làm; ngược lại chưa làm đã tính lời lãi bao nhiêu như vị nọ = tạo nghiệp lúc nào không hay.
*”Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật” câu này bạn phải đặt cho mình một dấu hỏi lớn: chúng sanh là ai? Bạn chớ vội nghĩ là những người từ thập phương tới chùa để tu học, trái lại là chính bạn, chính cái tâm của bạn.
Tổ Huệ Năng dạy:
Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.
Tại sao là tự tâm? Bởi trong tâm chúng ta niệm niệm khởi lên đều là tham, sân,si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước = niệm niệm của chúng sanh tâm. Nếu chúng ta không chịu niệm niệm quán chiếu để chuyển hóa = chúng ta đến chùa chỉ làm cho ngôi chùa thêm ô nhiễm, nói gì tới chuyện phụng sự chúng sanh và cúng dường chư Phật? Rất tiếc nhiều người cứ ngỡ mình năng đến chùa, năng về chùa, năng làm thật nhiều việc để phụng sự chúng sanh, nhưng có một chúng sanh to lù là chính mình, trong chính mình thì không lo, không chuyển hóa được, Phật nhìn thấy Ngài sẽ vui sao?
*Cổ Đức dạy:
Khi đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ, đó chính là tu. Điều này có nghĩa mọi chuyện trong đời đều nên tùy duyên chứ đừng phan duyên.
Bạn nên áp dụng cho mình lối tu học như vậy, kết thiện duyên với những bạn đạo cùng chí hướng như vậy, ắt có lợi lạc, ngược lại chỉ uổng phí thời gian của chính mình.
Chúc bạn luôn tỉnh giác và tinh tấn.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Trong quá trình công quả và tu tập, Printemps nhận thấy các pháp môn như tụng kinh, thiền (tông), niệm phật, trì chú (mật tông), … đều mục đích là đạt được nhất tâm bất loạn. Khi nhất tâm thì chân tâm hiện tiền, tịch tịnh, đạt được cảnh giới niết bàn ngay hiện tại (niết bàn mà Printemps hiểu là an trú tâm thanh tịnh, chấm dứt phiền não, dứt sinh tử). Vậy hiểu, khi con người chết, cầu về tây phuơng cực lạc là hiểu như thế nào là đúng? Tây phuơng cực lạc là gì? nếu chết, tâm thanh tịnh thì thần thức có đi về cõi tây phuơng cực lạc không? hay ở “chân không”, không có tái sinh luân hồi ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
*”an trú tâm thanh tịnh, chấm dứt phiền não, dứt sinh tử”.
Đáp: Lý là vậy, nhưng đi vào hành trì cho dù là thiền, mật, tịnh để chấm dứt được phiền não, dứt được sanh tử ngay phút hiện tiền là điều chẳng dễ, đặc biệt là với hàng phàm phu đầy uế trược, nghiệp chướng sâu dày như chúng ta lại càng chẳng dễ. Ngay cả Phật Thích Ca khi còn tu trong nhân địa Ngài cũng phải trải qua 3 đại A Tăng kỳ kiếp. Vì lẽ đó mà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã nhìn ra nên Ngài mới chỉ cho chúng ta một pháp môn tu tắt, đó là pháp niệm Phật, nương vào nguyện lực của Phật Thích Ca – Phật A Di Đà và 10 phương chư Phật + Tín sâu – nguyện thiết – thực tâm hành của bản thân, phút lâm chung, mới có cơ hội để nương vào Phật lực mà đới nghiệp vãng sanh, sanh về tịnh độ.
Nơi đó tiếp tục tu cho tới đắc quả vị Phật lúc đó mới thực sự là đoạn hết phiền não, chấm dứt sanh tử.
*Vậy hiểu, khi con người chết, cầu về tây phuơng cực lạc là hiểu như thế nào là đúng?
Đáp: Chẳng phải là khi chết mới cầu, bởi chết rồi chẳng thể làm được gì nữa, mà ngay khi còn sống, còn đủ sức khỏe và trí tuệ, người có niềm tin vào đại nguyện lực từ bi cứu độ của Phật Thích Ca và Phật A Di Đà phải thực sự đoạn ác tu thiện, phát tín nguyện sâu, thực hành chuyên nhất pháp niệm Phật, buông được duyên trần, ngay khi còn sống cũng có thể tự tại vãng sanh chứ không phải chờ khi chết mới vãng sanh. Nhưng con số này thật sự là hãn hữu. Còn phần lớn là những người có đủ thiện căn phước đức nhân duyên nhưng không đủ sức tự tại vãng sanh thì khi xả báo thân cần có sự hộ niệm của đồng tu, người thân và sự gia trì của Phật A Di Đà và 10 phương chư Phật, lúc đó giúp cho người niệm phật được chánh niệm niệm phật để sanh về tịnh độ. Đây chính là điều Phật Thích Ca đã căn dặn trong A Di Đà Kinh.
*Tây phuơng cực lạc là gì?
Đáp: nghĩa thô là cảnh giới mà Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã diễn tả trong A Di Đà Kinh và Vô Lượng Thọ Kinh. Vi tế nghĩa là cảnh giới của tự tánh còn gọi là Phật tánh trong mỗi chúng sanh, nhưng chúng ta phải thận trọng: nương vào tự lực để thấy rõ tự tánh là khó trong muôn vàn khó, vì độ mê của chúng ta quá sâu, nhưng nương vào Phật lực, nương vào nguyện lực của Phật Thích Ca và Phật A Di Đà chúng ta mới có thể phát huy được năng lực này.
*nếu chết, tâm thanh tịnh thì thần thức có đi về cõi tây phuơng cực lạc không?
Đáp: Nếu không có tín nguyện sẽ không thể xảy ra. Điều này cũng giống người luôn nghĩ về chùa nhưng không tin nơi chùa và không muốn về chùa tất chẳng bao giờ về chùa được. Ý niệm: tự tánh Di Đà có sẵn, chỉ cần tâm thanh tịnh, khi chết muốn sanh tịnh độ liền được sanh là điều chẳng thể, bởi nó trái với đại nguyện lực của A Di Đà Phật: đủ thiện căn – phước đức – nhân duyên và đủ tín – nguyện – hành.
*hay ở “chân không”, không có tái sinh luân hồi ạ?
Đáp: điều này là chẳng có, nếu có thì đã không có 10 cõi trong Pháp Giới. Tất cả chúng sanh, ngoại trừ 4 cõi Thánh: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát và Phật, 6 cõi còn lại khi mạng chung, hết phước, tùy nghiệp lực mà phải luân chuyển thọ sanh vào các cõi tương. ưng.
Chúc bạn luôn tỉnh giác.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps nhận thấy đời như cõi mộng, con người như là những diễn viên đang đóng phim “cuộc đời” từ sinh ra, học, làm việc, bệnh, hoạn nạn….Rồi khi phim “đóng máy”, ai cũng phải chết. Trên đường đời, nhân duyên gặp có thuận duyên hay nghịch duyên. Có nghịch duyên dẫn dụ vô đường khổ nạn, làm liên lụy gia đình. Trong kinh Kim cang có câu “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, nghĩa là 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đừng dính mắc (chấp) vào 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) thì tâm an định. Tuy nhiên, khi gia đình bị ảnh hưởng, cũng ít nhiều tác động đến biến đổi tâm ạ (vd như đạo làm con, thấy gia đình bị ảnh hưởng thì cũng bản thân người con cũng không an được vì cảm thấy đau lòng, có lỗi). Vậy phải quán chiếu, tu tập như thế nào để mọi việc có thể chấp nhận, thứ tha và buông bỏ ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
*”ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”.
Hiểu được điều này liễu nghĩa đã khó, hành được rốt ráo là vô cùng khó. Tại sao khó? Vì chúng ta là phàm nhân. Hễ đụng đâu là dính kẹt đó, vì thế “vô sở trụ” chúng ta mới chỉ có tín, có giải mà chưa thể hành và hành rốt ráo. Do vậy mà vẫn sanh tâm khi đổi cảnh, tiếp vật.
Tu đạo phật cho dù bất cứ pháp môn nào đều phải trải qua tín-giải-hành-chứng. Tín là điều kiện hàng đầu để nhập đạo, nhưng tín mà không giải tức không có văn, tư (thấy nghe, tư duy) ắt chẳng có hành, chẳng có chứng. Hành của đạo phật rất đơn giản nhưng cũng rất thâm sâu. Sự hành của chúng ta nhiều khi rất chăm chỉ, rất tinh tấn nhưng mới chỉ ở bề nổi, hình tướng, còn gọi là tu “ngoài da”. Vì “ngoài da” nên bất cứ việc gì chỉ đụng vào phàm tâm của chúng ta một chút, lập tức vô minh và phiền não khởi. Cho nên Hành chính là trong từng ý niệm đều phải là sửa cũ, đổi mới. Làm được điều này và làm rốt ráo, không tỳ vết, lúc đó chúng ta mới có thể nói: ưng vô sở trụ. Trụ này cũng mới ở dạng thô, nghĩa là còn thấy mình trụ. Nghĩa chân chánh Phật nói là không thấy nơi nào để trụ, tức ý niệm trụ cũng không có = vô trụ.
*Vậy phải quán chiếu, tu tập như thế nào để mọi việc có thể chấp nhận, thứ tha và buông bỏ ạ?
Đáp: tha thứ chính là tứ vô lượng tâm: từ bi hỉ xả. Muốn tha thứ được cho người, chúng ta phải tha thứ được cho chính mình đã. Tại sao? Vì chính mình phạm sai lầm nhưng tâm luôn nghĩ về những sai lầm đó, mặc dù đã sửa, đã thay đổi = chưa có tâm từ với chính mình = với người tâm từ bi cũng không thể dấy khởi.
Hành tứ vô lượng tâm không đơn giản, bởi nếu không thận trọng chúng ta sẽ kẹt cứng trong pháp của Phật. Các pháp đều là, do duyên sanh. Duyên có thiện duyên và ác duyên; hữu duyên và vô duyên. Khi mới tu chúng ta chỉ thích thiện, không thích ác; thường hành vô duyên chứ không hành hữu duyên. Vô duyên là chưa đủ duyên, không có nhân duyên để tác pháp nhưng chúng ta lại cưỡng cầu để tác duyên, tác pháp. Có lẽ chúng ta nghĩ vì họ là thân quyến nên phải làm vậy. Khi đi sâu vào hành trì chúng ta phải nhận ra: các pháp đều bình đẳng, không có thân – sơ, cao – thấp, tà – chánh, cấu – tịnh… Nhưng vì chúng ta kẹt trong pháp nên chúng ta luôn hành vô duyên pháp nên khiến cho chính mình và thân quyến đều bị tổn hại, đều phiền não. Đạo phật gọi là tâm phan duyên chi phối. Khi phan duyên tâm luôn khởi = các pháp lúc này cho dù là chánh pháp cũng biến thành tà pháp. Tại sao? Vì duyên không đủ nên có sự phân biệt, chấp trước khởi nên có sanh thân – sơ, cao – thấp, tà – chánh, cấu – tịnh… = Vì vậy nên có sanh tâm = không thể trụ tâm, nói khác đi là có trụ nhưng trụ trong phiền não tâm.
Muốn lìa xa được thứ tâm này, chúng ta phải thực hành, trụ trong pháp trung đạo, đó là giai đoạn sơ tâm. Xa hơn nữa trung đạo tâm cũng không được khởi = lúc này mới thực sự là “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”.
Chúc bạn luôn tinh tấn và tỉnh giác khi hành trì các pháp.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps nhận thấy trong quá trình tu học, tìm và nuơng tựa chánh pháp cũng không hẵn dễ dàng. Một thời trước dịch covid-19, Printemps cũng hay về chùa nọ để tu học theo lịch tu học, sau đó ngưng đi lại vì dịch bệnh. Dịch tạm ổn, Printemps bắt đầu lại tu học tại chùa đó, tình cờ tiếp xúc một phật tử lớn tuổi (tham gia khóa tu). Vị đó nói uống địa long tốt lắm, hết bịnh do vi- rút gây ra. Printemps không hiểu địa long là gì, nhầm tưởng tên cây thuốc (dược liệu). Sau khi biết địa long= giun đất, Printemps bất ngờ, hỏi ai nói địa long trị hết bịnh/ phòng ngừa do cúm covid gây ra? và câu trả lời là Sư phụ (tên gọi của các phật tử quy y vị tu sĩ này)! Printemps thắc mắc, tại sao bác uống một loại đông y làm từ động vật mà bản thân lại ăn chay? Thì bác kia nói, ta không sát sanh mà ta đang dùng thuốc đông y (giun) để có sức khỏe, sống vượt qua dịch bệnh để tiếp tục làm phật sự (công quả, từ thiện) thì nên làm, như vậy thà hy sinh 1 mạng nhưng cứu được nhiều mạng. Printemps lặng thinh, nghĩ bác này già nên không còn minh mẫn, phân biệt đúng/sai. Không ngờ khi đến thời khóa nghe pháp, Sư phụ nói các phật tử nghe pháp: địa long rất tốt, tăng cường miễn dịch, … Printemps chờ hết giờ, xá lễ và từ đó không bao giờ quay lại chùa ấy nữa. Hết duyên! Năm nay, tình cờ được biết Vị Sư phụ kia tiếp tục nói địa long phòng ngừa, trị đột quỵ qua mạng xã hội của phật tử. Điều mà Printemps thắc mắc, Chùa là bắc tông (ăn chay), mà tại sao Vị ấy lại khuyên các phật tử uống địa long? từ bịnh suy hô hấp, đột quỵ đều uống địa long, có vẻ như địa long là thần dược vậy! Quy y Tam Bảo = quy y Phật/ Quy y Pháp/ Quy y Tăng. Vậy pháp của vị này dẫn dắt các phật tử là pháp gì? có phải Phật pháp không? Mô Phật, đây là điều Printemps thắc mắc, chứ không có ý gì thất lễ, mạo phạm ai ạ.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
*Thời nay là thời danh văn lợi dưỡng, vì thế không có gì lạ khi đây, đó bạn thấy có những vị tu sĩ không hành theo đúng giới luật của Phật. Để biết một vị tu sĩ chân chánh không khó. Bạn chỉ cần dùng Tứ Thanh Tịnh Minh Hối của Phật Thích Ca dạy trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, trong đó 4 Giới Sát-Đạo-Dâm-Vọng làm trọng, làm kính chiếu yêu để quan sát, chắc chắn bạn sẽ nhận ra sự thật-giả. Một vị tu sĩ mà 4 giới này không giữ được, cho dù vị đó có chức sắc, có học vị cao ngất, người có trí phải nên tránh xa. Vì vậy việc bạn lánh xa nơi đó là đúng đắn. Tuy nhiên, rời xa rồi thì bạn nên xả hết những vướng bận đã và đang diễn ra nơi đó chứ không nên mang theo mà vướng tâm bạn. Còn việc vị đó làm gì thì đó là nhân-quả của vị đó.
*Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phât Thích Ca chỉ dẫn rất rành mạch: Thời nay, tà sư, ma chúng đội lốt thầy tu nhiều như cát sông hằng. Do vậy, khi tu học chúng ta phải dùng giới luật của Phật để minh định Ma và Phật. Thứ 2, phải luôn dùng Tứ Y Pháp. Thứ 3 luôn dùng kinh pháp của Phật để đối chiếu. Thứ 4 luôn và nên nương vào các vị Tổ, các chân Tăng đã đắc đạo hiện thời để làm y chỉ pháp tu cho bản thân. Được vậy đường tu sẽ an toàn và có lợi lạc.
Chúc bạn tinh tấn.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps hiện đã có nơi tu học và hành pháp như phụ xây dựng các chùa trong tông môn, phụ các khóa tu học cho phật tử. Ngoài thời gian lao tác, chùa có thời gian học pháp. Tuy nhiên, Printemps chỉ được tham gia lớp học cho ni, không được dự thính lớp bên tăng, trong khi đó bản thân Printemps lại mong muốn tham dự lớp học cho tăng. Printemps đọc kinh Hoa nghiêm, thấy vị Thiện nam đồng tử, không ngại gian khổ để thỉnh cầu các vị Thiện tri thức chỉ dạy với tâm chân thành, tha thiết. Printemps chia sẻ điều này với bạn đồng tu, mong muốn qua bên tăng làm lao tác này nọ, rồi xin file ghi âm lớp pháp (tăng) để về học, thì bạn này nói, đừng lộn xộn. Printemps tự hỏi, các pháp không có tự tánh (vô tánh), không có tướng (vô tướng), vĩnh viễn lìa khỏi phân biệt. Vậy tại sao chùa phân biệt lớp dành cho tăng/ni với các vị pháp sư giảng pháp cũng khác nhau. Các vị tăng giảng pháp cho lớp tăng, tương tự vậy bên ni. Sách giảng giải kinh thì có thể thỉnh để đọc, nhưng Printemps mong muốn nghe pháp do các vị tăng giảng, vì ngoài pháp, còn có chia sẻ kinh nghiệm tu học trong thời kỳ khó khăn. Cảm ơn huynh đã chỉ dạy để Printemps vững tín tâm trên con đường tu học.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
TN xin chia sẻ với bạn ở hai góc độ: cư sĩ và tịnh nhân cư sĩ.
1/ Nếu bạn là cư sĩ thì mình chỉ nên làm đúng vai trò của người cư sĩ thôi, vì nếu bạn tham gia vào các buổi học pháp của Tăng, Ni thì sẽ khiến bạn gặp trở ngại lớn vì có những bài pháp liên quan tới giới luật của tu sĩ, nếu bạn không thọ giới tu sĩ mà bạn tham gia, mặc dù nhà chùa cho phép, thì bạn vẫn phạm giới của Phật. Điều này hiểu đơn giản như bạn không phải đảng viên đương nhiên bạn không được quyền tham gia vào sinh hoạt đảng vậy. Dù cho phía đảng đặc cách cho bạn thì bạn sẽ gặp trở ngại lớn. Tại sao? Vì bạn sẽ khởi phân biệt và chấp trước về các luật nghi trong đảng, những điều mà một người ngoài đảng có thể hiểu mà không được quyền tham gia vậy. Trong đạo cũng vậy. Với vai trò cư sĩ nếu bạn tham gia vào sinh hoạt của tu sĩ bạn sẽ phạm giới mà không hay biết.
2/ Nếu bạn là một tịnh nhân cư sĩ, tức bạn được nhà chùa cho xuống tóc, và cho thực hành lối sống của một Sa Di hay Sa Di Ni (giai đoạn thử thách trước khi thọ giới Sa Di). Giai đoạn này, đúng luật bạn cũng không được phép tham gia vào các sinh hoat tu học của các tu sĩ đã thọ đại giới tức Tỳ kheo. Nếu bạn cố tình tham gia là bạn không tuân thủ giới luật. Hiểu đơn giản như bạn là cảm tình đảng, bạn được tham gia sinh hoạt ở một chừng mực nào đó, nhưng đi sâu chắc chắn là không được và không nên vì bạn sẽ gặp trở ngại như nói trên vậy.
Trở lại chuyện học pháp của bạn. TN thấy bạn đang rơi vào tình trạng chấp lý mà bỏ sự. Phật nói vạn pháp giai không, nhân quả bất không! là hiểu theo nghĩa của bậc đại giác ngộ, còn chúng ta hễ nhìn vào pháp nào là lập tức có vướng kẹt. Tại sao? Vì có phân biệt và chấp trước. Mà hễ có phân biệt và chấp trước thì các pháp lúc này không phải là không mà là có. Thắc mắc của bạn chính là sự vướng kẹt mà bạn đang mắc phải. Và lúc này sẽ là nhân quả bất không. Nghĩa là pháp kẹt là nhân, phân biệt chấp trước là quả. Còn có tạo nghiệp hay không lại là chuyện sau nữa.
*Thiện Tài Đồng Tử là một hóa thân Phật xuống ta bà làm biểu pháp – Pháp của đại Bồ Tát. Tham học với đủ mọi pháp, nhưng kết lại là dạy chúng ta pháp niệm Phật để sanh tịnh độ. Thiền-Tịnh vốn chẳng hai, chỉ khác cách hành trì. Nếu bạn tu thiền, TN khuyên bạn chỉ cần tập trung vào nghiên cứu, học chuyên sâu, thực hành chân chánh theo Kinh Lăng Nghiêm là đủ để bạn giác ngộ, chẳng cần phải tìm cầu các pháp xa xôi làm gì. Bởi học quá nhiều pháp nhưng không giữ lại được pháp nào làm phương tiện để giúp mình giác ngộ và giải thoát thì chỉ là kết duyên, sẽ uổng phí một đời. Mà khi vô thường ập tới, nếu không có định hướng rõ ràng, khó có thể nói bạn sẽ đi về cõi lành.
Nguyện chúc bạn tỉnh giác khi tu học.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps chỉ là cư sĩ, còn đi làm nên cuối tuần chỉ theo được các huynh đệ làm công quả thôi. Việc đọc các kinh kệ, mỗi lần đọc là mỗi lần hiểu khác nhau. Tuy nhiên, khi hiểu được phần nào, Printemps thấy xúc động và hành ngay trong đời như công quả phụ xây chùa. Ngày 1/1/2024, Printemps sơn khung sắt ở độ cao trên 5 mét tại chùa, khi đang sơn thì chợt thấy con bươm bướm nhỏ màu trắng đậu vô người từ lúc nào mà không biết. Bắt nhẹ nhàng nó, thả và nó bay mất. Khi nó bay, tự dưng Printemps chợt nhớ câu chuyện khi còn đi học, cô giáo kể khi chồng cô đang lái xe, tự dưng có một con bướm đậu lên người chồng, cô phủi nó đi, chạy một đoạn thì hai vợ chồng bị tai nạn. Lúc đó, Printemps không sợ gì cả vì không chấp vào độ cao, nhưng trong lòng niệm thầm câu “Nam mô A di đà Phật” trong lúc sơn và tự nhủ, xin trời phật gia hộ để xong việc xây chùa, để kịp tiến độ hoằng pháp. Công việc hoàn thành viên mãn, nhưng đội khác bị tai nạn nhỏ, 1 bạn bong gân, khi xuống giàn giáo (sơn ở độ cao thấp hơn nhiều nhưng không hiểu sao, trèo xuống bị té, bông gân). Xin hỏi, khi đối diện sinh tử, phải quán chiếu như thế nào để định tâm ạ?
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
*Tất cả chúng sanh, hữu hình và vô hình cho dù là loài thấp sanh nhỏ bé nhất, nếu đã tiếp cận với chúng ta đều là có duyên. Duyên có thiện-ác. Vì thế, trong những lần tới, nếu xảy ra chuyên tương tự như vừa rồi, bạn nên làm lễ quy y Tam Bảo cho họ như sau:
Quý vị kính mến,
Phật dạy tất cả chúng sanh đều do vô minh, nghiệp báo mà phải trôi lăn trong luân hồi sanh-tử, thay đổi mọi hình dạng. Quý vị vì nghiệp báo mà phải thọ thân thấp sanh, nay quý vị tìm đến với tôi, kể như chúng ta có duyên với nhau. Để giúp quý vị thoát khỏi kiếp thấp sanh, tôi sẽ quy y Tam Bảo cho quý vị, mong quý vị tịnh tâm, lắng nghe để thọ trì:
– Quy y Phật, Quy Y Pháp, Quy y Tăng.
– Quy y Phật đấng phước trí vẹn toàn
– Quy y Pháp đạo thoát ly tham dục
– Quy y Tăng bậc tu hành cao tột.
– Quy y Phật không đoạ địa ngục. Quy y Pháp không đoạ ngạ quỷ. Quy y Tăng không đoạ bàng sanh.
Quý vị đã quy y Phật-Pháp-Tăng rồi, nay phải sám hối tam nghiêp để tiêu trừ tội chướng:
Đệ từ xưa nay thường tạo ác,
Đều do vô thỉ tham, sân, si,
Từ thân miệng ý mà sanh ra,
Đê tử chí thành xin sám hối.
Nam Mô Cầu sám hối Bồ tát Ma ha tát (3 lần).
Quý vị đã quy y, sám hối rồi, nay hãy cùng tôi nhiếp tâm niêm Phật để khi xả thân thấp sanh, được sanh về tịnh độ. Kế đó tuỳ duyên, bạn niệm Phật 7-21-49 lần.
*Thông thường khi làm viêc nói chung, nếu có thể nhiếp tâm niệm Phật được là tốt nhất, vì khi niệm Phật thì chư Phật và chư hộ pháp sẽ luôn bên cạnh, nhờ đó mọi tai nạn có thể hoá giải.
*Đối diên sanh tử làm sao giữ địnht tâm? Đây là định lực tu hành của bạn. Định lực này muốn có được, buộc hàng ngày bạn phải chân chánh, tinh tấn, tỉnh giác tu học. Thứ 2: luôn quán chiếu sanh-tử và vô thường là một và có thể xảy ra bất cứ giây phút nào. Vì thế để đối diện với giây phút đó, sự huân tập tu giới-định-huệ hàng ngày của chúng ta là điều tối quan trọng, bởi xa lìa giới-định-huệ chúng ta sẽ khó lòng có được định tâm khi đối diện với sanh tử. Vì thế có thể nói sự tu học hàng ngày của chúng ta chính là pháp thực hành để chuẩn bị cho việc sanh-tử vậy.
Chúc bạn luôn tinh tấn tu học.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Ở chùa lao tác công quả xây dựng này nọ, Printemps thấy có bé trai 11T (con người dân) hay vô chùa, phụ quý Thầy. Printemps thấy mặt bé toàn sẹo nên hỏi tại sao vậy? thì mới biết, gia đình chưa trọn vẹn, bị cha dượng (trước) thường xuyên ném chìa khóa vào mặt, có khi sém vô mắt, rồi đánh vào đầu nên mặt bé đầy sẹo. Cha dượng sau thì không đánh nữa. Bé hoàn toàn không biết chữ, có lần chùa bảo học thì bé bỏ chùa biệt tích vài tháng. Nghe vậy, Printemps thử áp dụng phẩm “Phương tiện” trong kinh Pháp hoa để dụ bé học tiếng việt. Sau nhiều lần dẫn dụ bằng cách sẽ tặng bé các món quà thiếu nhi nếu biết đọc, bé đồng ý chịu học. Tuy nhiên, điều Printemps phân vân, đứa trẻ này khá bướng và dễ tổn thương. Ví dụ, một lần trong khi lao tác sơn sắt giữa trời nắng, vì bé thích sơn nên mọi người hoan hỷ cho phép, nhưng bé sơn không nghe lời người lớn (các cô chú lớn tuổi), thích làm theo ý mình mà không phải theo ý kiến chung. Printemps nổi sân, lớn tiếng, bảo bé đi ra ngoài. Đức trẻ bỏ đi 1 mạch. Tự thấy bản thân không đúng nên Printemps chạy theo, dỗ dành và sau đó, bé vui vẻ lại. Xin cho hỏi, cần phải quán chiếu, rải tâm từ như thế nào để hạn chế tối đa lời nói, hành động gây tổn thương người khác khi gặp việc bất như ý ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
Muốn rải được tâm từ khi đối người, tiêp vật là điều khó, vì chúng ta quen sống trong phiền não từ vô thỉ tới nay rồi. Những chủng tử tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước luôn dẫn dắt chúng ta trong từng ý niệm. Vì thế, để thay đổi và chuyển hoá những ý niệm này cần phải có sự huân tập chân chánh hàng ngày thì chúng ta mới chuyển hoá được.
Chuyển hóa cách nào? Hãy bắt đầu từ hai ý niệm: Ngã – cái Tôi và Ngã sở – cái của Tôi.
Ngã và ngã sở chân chánh trong mỗi chứng sanh đều có đó là Pháp thân và tự tánh Phật (chân ngã). Nhưng vì phiền não quá lâu đời che lấp nên chúng ta luôn sống bằng cái Ngã và Ngã sở giả tạm và vô thường: thân và của cải sở hữu vô thường.
Muốn chuyển hóa thì ngay khi cái ngã giả tạm và những của cải vô thường đó bị ai đụng đến, lập tức chúng ta phải nhận biết, nhưng do tập khí vô minh và phiền não của chúng ta quá sâu nặng nên dù có nhận biết nhưng chúng ta vẫn không kịp chuyển hóa, do vậy buộc chúng ta phải dùng hồng danh A Di Đà Phật để đổi trị căn bệnh này. Tại sao phải niệm A Di Đà Phật? Bởi A Di Đà Phật là chân tâm tự tánh Phật của mỗi chúng ta, trong đó như Tổ Huệ Năng nói: luôn thanh tịnh, không sanh diệt, không giao động, luôn trọn đủ và sanh ra các pháp. Do vậy nếu không nhờ hồng danh A Di Đà Phật, lập tức ta và người đều sẽ bị tham, sân, si…lôi kéo và đều sẽ tạo nghiệp. Đó là bước một.
*Bước hai là chúng ta phải tập rải tâm từ với người thân của chúng ta trước. Người thân thì có ân và oán, mà phần lớn đều là oán thân. Bởi nếu người thân (những người phần lớn vì duyên nghiệp bất thiện mà tụ lại bên nhau) mà chúng ta không khởi được tâm từ với họ, chắc chắn với người ngoài chúng ta khó lòng làm được chuyện đó. Khi người thân đã được chuyển hóa, chúng ta mới mở rộng ra bạn bè, đồng nghiệp…những người không gây chướng ngại cho mình. Khi rải tâm từ thành công với những đối tượng này chúng ta mới tiến tới những đối tượng mà chúng ta không ưa, thường xung đột, nhiều oán thù. Đây là bước khó vô cùng vì xưa nay chúng ta chỉ quen hành xử một phía: thuận ta thì yêu quý, bao bọc, trợ giúp; nghịch ta thì thù ghét hắt hủi, xa lìa. Khi tâm còn yêu và ghét thì còn có thủ và xả = còn kẹt một phía. Muốn không kẹt thì cả yêu và ghét, thủ và xả đều phải không kẹt. Phật gọi là thực hành trung đạo tâm, nghĩa là có duyên thì tác duyên, vô duyên thì phải chờ nhân duyên tới, nhất quyết không được phan duyên, tức cưỡng cầu mà phản tác dụng.
Do vậy việc niệm Phật là tối quan trọng vì đó là thuốc trị liệu tâm tam độc của chúng ta và nhờ đó lan tỏa từ lực sang người đổi diện.
Niệm rải tâm từ là một pháp tu, nhưng thành, bại phụ thuộc vào tâm yêu – ghét – thủ – xả của mỗi người.
Chúc bạn tinh tấn tu học.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Do đường xá xa xôi, nên cuối tuần về chùa làm công quả, Printemps thường ở lại phòng khách. Có nhiều lời nói chùa có ma như đêm khuya thấy con nít rủ chơi, ma tóc dài trên trần nhà, …Printemps không tin vì vốn nghĩ chùa là nơi tôn nghiêm, có Phật, …. Tuy nhiên, có lần Printemps vì mệt nên khuya không ngủ được, nhưng điều lạ vừa thiu thiu chợp mắt là thấy phòng khách toàn con nít chơi. Sáng sau, Printemps thắc mắc đi hỏi thì được đáp chùa chỉ có Hộ pháp, bảo rằng do tâm tưởng tượng và khuyên đừng nghĩ đến nữa. Vì chùa biết Printemps sợ ma, nên có thể nói tránh chăng? Vậy xin hỏi, tại sao các vị khuất mặt không siêu thoát mà ở lại chùa để làm gì vậy trong khi hằng ngày nghe kinh kệ? nếu thật sự giữa đêm khuya, thấy cảnh ma như vậy, phải làm như thế nào để tâm bình tĩnh, và cảnh đó biến mất ạ? làm thế nào để họ siêu thoát ạ? Printemps nghe nói, chết do tự tử thì khó siêu thoát.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Printemps,
*Chùa nào cũng có vong hết, ít hay nhiều thôi bạn. Sở dĩ chùa nói với bạn như vậy là vì không muốn bạn lo sợ. Tuy nhiên bạn cũng không cần quá lo âu về chuyện đó. Các vong trong chùa có nhiều dạng: có người do thân quyến an vị tại chùa; có người có duyên với chùa nên được chư hộ pháp cho vào chùa tu học. Tuy ở chùa, hàng ngày nghe kinh kệ nhưng nếu không được khai thị đến nơi đến chốn, cộng thêm nghiệp quá sâu nặng, họ cũng khó lòng để chuyển sanh; một số lại nương chấp, nghĩ nơi đó là nhà của mình, hàng tuần, hàng tháng lại có vợ chồng con cháu đến cúng cho nên họ cứ yên tâm ở lại đó. Điều này cũng y như người còn sống chúng ta vậy. Nhiều người nghĩ thế giới này quá tốt đẹp, quá nhiều điều cần phải hưởng thụ hoặc chưa được hưởng thụ nên phải ráng để thụ hưởng cho hết hoặc tìm mọi cách để được thụ hưởng. Vì thế ít ai nghĩ tới việc tu đạo để giải thoát. Và kể cả đã tu nhưng cũng không ít người ý thức được tu để giải thoát mới thực là quan trọng trái lại, lại bị vòng danh văn lợi dưỡng thu phục. Âm và Dương tuy nói hai nhưng đồng một thể, chỉ là mê hay giác thôi.
*Khi ngủ tại chùa tốt nhất trước khi ngủ bạn nên thưa trước tam bảo việc lưu trú của bạn để chư Phật và chư hộ pháp có sự an bài. Kế đó nên trì một biến Chú Lăng Nghiêm. Nếu không thuộc thì có thể trì 3 biến chú Đại Bi rồi hồi hướng cho pháp giới chúng sanh và tất cả chư vị vòng linh thờ tự, ký tự, ký cốt,ký hình tại chùa, nguyện cho họ đều buông xả duyên trần để siêu sanh tịnh Độ. Kế đó nhiếp tâm niệm Phật tới khi ngủ thì thôi.
*Trường hợp khi ngủ bị vong quấy phá bạn đừng hoảng sợ mà có thể tùy duyên để niệm 1 trong bốn câu chú sau:
1/ Om Manipad Me Hùm
2/ Án chiết lệ chủ Lệ chuẩn đề ta bà ha.
3/ Sất đà nể, a ca ra, mật rị trụ, ba rị bát ra gia, nảnh yết rị.
4/ A Di Đà Phật
Ba câu chú đầu công năng, oai lực vô cùng mạnh, vì đó là pháp hàng ma. Vì thế khi bạn niệm không được khởi tâm sát hại chúng sanh vô hình mà tạo oan nghiệp với họ. Thường thì 3 câu chú này chỉ cần trì 1-2 lần là có thể hóa giải được ác mộng. Vì vậy ngay sau đó bạn phải niệm Phật để giúp cho các chúng sanh vô hình nương theo để kết duyên với A Di Đà Phật mà siêu sanh tịnh độ.
Câu chú A Di Đà Phật chỉ có thể khắc chế với chư vị hữu duyên với pháp niệm Phật và không có nhiều oán duyên với bạn, do vậy bạn phải tùy duyên để hành trì.
*Chúng ta càng tu, các OGTC càng đeo bám dữ dội vì họ sợ nếu chúng ta giải thoát họ sẽ không còn cơ hội để báo oán. Vì thế mọi thời khắc chúng ta đều phải tỉnh giác thì mới không gặp chướng ngại.
*Với những trường hợp tự tử, đặc biệt là phái nữ, bạn đừng khởi ý niệm tiếc thương hay lưu luyến… mà gặp khổ nạn nhé.
Chúc bạn tinh tấn tu học.
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, Printemps chúc các huynh đệ thân tâm thường lạc, vạn sự hanh thông, cát tường như ý ạ. Printemps nhận thấy, vô chùa cũng có phiền não, chấp này nọ, … Vậy có câu “tu vô tu, tu chứng vô chứng, chứng hành vô hành, hành vô tu, vô chứng vô hành” thì nên quán chiếu như thế nào để thấy rằng có phủi tóc, vô chùa, không thối lui bồ đề tâm ạ? Vì có người hỏi Printemps rằng, tu có vẻ cũng là một nghề nghiệp phải không? đi tu nếu nói độ sanh, hoằng pháp, cứu độ chúng sanh thì liệu cứu được bao nhiêu khi mà chúng sanh hằng hà sa số? tu không nhất thiết phủi tóc vô chùa (liễu thúc thân tâm, giới luật nghiêm ngặt, ..), ở ngoài đời vẫn giúp ích hoằng pháp độ sanh được vậy.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
*“tu vô tu, tu chứng vô chứng, chứng hành vô hành, hành vô tu, vô chứng vô hành”: để dùng cho bậc chân tu, thực giác ngộ, nhưng thời nay ngoài các hoá thân Phật, bồ tát ra, nếu có thì những vị này cũng ẩn thân nơi không ai biết tới để âm thầm độ sanh.
*”tu có vẻ cũng là một nghề nghiệp phải không?” Câu hỏi này mang tính hí luận, bởi người thực tu, thực hiểu đạo sẽ không hỏi lời đó. Tại sao? Vì người coi đi tu là một nghề=đó không phải chân tu sĩ.
*”đi tu nếu nói độ sanh, hoằng pháp, cứu độ chúng sanh thì liệu cứu được bao nhiêu khi mà chúng sanh hằng hà sa số?”: người hỏi cần đặt câu hỏi cho chính mình: mình có thể tự cứu độ cho chính mình không? bởi mình cũng là 1 chúng sanh và trong mình cũng còn có vô lượng chúng sanh cần cứu độ. Nếu mình không làm được mà đem câu hỏi đặt cho người khác, đó là hí luận.
*”tu không nhất thiết phủi tóc vô chùa (liễu thúc thân tâm, giới luật nghiêm ngặt, ..), ở ngoài đời vẫn giúp ích hoằng pháp độ sanh được vậy.”: Hễ đã tu (thực tu) thì không kể trong-ngoài; xuất gia-tại gia, đều phải liễu thúc thân tâm, giới luật nghiêm ngặt…cả. Bạn thử hỏi người đặt câu hỏi: 5 giới; 8 giới, 10 giới trọng, 26 giới khinh cho tại gia liệu họ có giữ được chọn vẹn không? nếu không giữ trọn mà nói “liễu thúc thân tâm, giới luật nghiêm ngặt” thì cũng mang tính hí luận mà nói; ngược lại nếu thực làm được=tu được, tức tự độ được mình rồi, việc độ tha là có thể đặt ra. Còn độ được ai, thì phải nói tới nhân duyên của họ với chúng sanh. Vì ngay cả Phật còn không độ hết, nói gì phàm phu?
Chúc bạn luôn tinh tấn, tỉnh giác.
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps hiểu Phủi tóc xuất gia, cắt ái từ thân, vô chùa sẽ dùng đàn na tín thí. Vậy phải thực tu như thế nào để không mắc nợ ạ? nếu tu để sáng đạo thành Phật, vậy độ được mình chưa kịp độ người thì có được xem mắc nợ đàn na tín thí không? nhưng nếu tu phụng sự chúng sanh thì có được xem không mắc nợ của bá tánh phải không? Xin cảm ơn.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
Nợ đàn na tín thí có 2 đối tượng:
1. Tu sĩ: nếu hàng ngày thọ nhận đồ cúng dường của đàn việt, nhưng không tu học, tâm trôi lăn trong vòng danh văn, lợi dưỡng, nghiệp quả là vô cùng tận.
2. Cư sĩ: nếu đến đạo tràng, không chịu tu học, không chịu như pháp làm các Phật sự, tâm rong ruổi theo vòng lợi danh, thọ thực của đạo tràng, đồng nghĩa mắc nợ đàn na tín thí.
Vì thế, muốn không mắc nợ với đàn na tín thí, tại gia cũng như trong các đạo tràng chúng ta đều phải tuỳ duyên, như pháp tu học; xa lìa danh văn lợi dưỡng và ngũ dục tâm; thường hành, không dính mắccác phước thiện và các Phật sự rồi thanh tịnh hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, nguyện cho mình và người đồng sanh bờ giác = không nợ đàn na tín thí.
3/ Vậy phải thực tu như thế nào để không mắc nợ ạ? nếu tu để sáng đạo thành Phật, vậy độ được mình chưa kịp độ người thì có được xem mắc nợ đàn na tín thí không?
Đáp: Chuyện gì cũng có nhân-quả. Bạn thọ dụng của đàn việt, nhưng tấn tâm tu học và giác ngộ, giải thoát khỏi tam giới, sự thọ dụng đó là hữu ích. Hai chữ “thọ dụng” được hiểu hễ có thọ là có nợ, khác là nếu bạn đắc đạo bạn sẽ trở lại hoá độ các chúng hữu duyên đã từng giúp bạn trên đường giác đạo, giúp họ cùng giác ngộ, giải thoát = không ai nợ ai. Do vậy, muốn không mắc nợ chúng ta chỉ còn đường phải chân chánh tu đạo và phải được vãng sanh tịnh độ.
Chúc bạn thường tinh tấn
TN
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Nhân dịp Rằm tháng giêng, Printemps tham gia phóng sanh cá theo đoàn cho vui. Trước giờ Printemps thường phóng sanh một mình, như mua gà sắp làm thịt, rồi tìm chổ an toàn thả nó (thả vô chùa có cổng rào), bắt giun đất vô tình bò ngang đường thả về nơi đất ẩm. ..Về phóng sanh cá, Printemps thấy Cá được một phật tử gom mua từ chợ, sau đó mang lên ghe cá. Khi ghe chạy đến giữa sông, mọi người bắt đầu thả cá. Tuy nhiên, sau đó, có người dân khác chạy ghe, tàu cá nhỏ đến chích điện, đánh bắt lại. Có nơi mua tấn cá ở chợ để phóng sanh. Khi Printemps hỏi liệu nơi phóng sanh đó có ai chích điện bắt cá lại không? huynh đệ giải thích, người phóng sanh thì có phước của họ, người chích điện là nghiệp của người ta. Khi thả cá, cũng đã cố gắng lựa chổ an toàn không cho ai thấy. Cá đã xuống sông thì không cấm ai đánh bắt được. Nếu chỉ vì chích điện, đánh bắt lại cá mà thối lui việc phóng sanh cá là không nên. Printemps tự hỏi, liệu việc phóng sanh cá có phải con dao hai lưỡi không? người cúng dường phóng sanh liệu có tiếp tay cho người tạo nghiệp đánh bắt cá, người chích điện không? vì người bắt cá mong chờ đến ngày phóng sanh (mùng 1-15,ngày Thần tài,..) thường tụ tập nơi phóng sanh. Họ lái ghe đảo quanh dọc nhánh sông thả cá. Vậy việc phóng sanh có phải tạo luân hồi nhân – nghiệp đánh bắt cá không, ai tạo ra nhân và ai sẽ gánh nghiệp? Printemps thấy phóng sanh cá hay bất cứ con vật gì là nên làm vì chúng sanh đều có sinh mạng như nhau. Thật khó nếu mua số lượng cá lớn, thì thả ở đâu an toàn cho cá cũng là bài toán khó.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
TN xin chia sẻ với bạn như sau:
PHÓNG SANH – CÚNG DƯỜNG THIỆN PHÁP HAY ÁC PHÁP?
Thiện – Ác là sự tương phản của hai ý niệm mê – giác.
Thông thường chúng ta chấp nhận, tán thán giác, thủ giữ giác và cho đó là yếu tố cần thiết để phát huy cái thiện. Điều này đúng nhưng mới được một nửa. Tại sao? Bởi phần còn lại sẽ sanh bệnh: bệnh thiện. TN lấy hai ví dụ điển hình hiện nay làm chứng.
*Phóng Sanh: ai cũng biết phóng sanh là trưởng dưỡng tâm từ bi trước muôn loài và đó cũng là pháp vô úy thí, tức đem lại niềm vui an ổn, sinh tồn cho loài khác. Vì lẽ đó mà người người, nhà nhà, cư sĩ, tu sĩ, cá nhân, tập thể… đều năng phóng sanh nhằm đem lại lợi lạc cho cả đôi bên.
Lý là vậy, nhưng đi vào Sự người làm phóng sanh vì chấp lý nên quên (hoặc tảng lờ không biết) yếu tố quan trọng nhất: những chúng sanh được phóng sanh phải là những chúng sanh đang bị đe dọa đến tính mạng: có nguy cơ bị giết thịt. Thực tế việc phóng sanh có quy mô, với số lượng khủng hiện nay là một hệ lụy, nguy hại to lớn, cho cả người, vật và môi trường tự nhiên tức người phóng, vật và nơi được phóng sanh. Việc hàng tấn, vài tấn, thậm chí cả chục tấn cá; vài ba ngàn, trăm ngàn chim muông các loại được phóng sanh sẽ khiến cho các loài cá và chim muông bị tổn hại vô cùng tận. Tại sao? Bởi để cung cấp thật nhanh, nhiều, rẻ cá cho các cá nhân, tổ chức, bắt buộc nơi nhân giống sẽ phải tìm mọi biện pháp, kể cả bất thiện pháp nhằm kích thích cho cá mau phát triển. Các loài này khi được phóng thích xuống sông rạch, ao hồ… chưa hẳn đã hoàn toàn thích nghi với môi trường sống mới; sâu xa hơn vì được nhân giống bất thường, những loài cá này mang sẵn mầm bệnh trong thân, khi được phóng thích chúng sẽ lan tỏa những mầm bệnh này trong những môi trường sinh thái mới; khi được con người đánh, bắt, giết thịt… chính con người lại đón nhận những hệ quả không lường này. Chim muông phóng sanh cũng để lại hệ lụy nghiêm trọng không kém, bởi để cung cấp khối lượng khủng cho người phóng sanh, các loài chim muông đang sống tự do trong núi rừng sẽ bị con người đuổi cùng giết tận, khiến cho vô lượng thân quyến của các loài này bị, phải sống trong cảnh sanh ly tử biệt. Như vậy thay vì chúng được chung sống trong môi trường tự do cùng thân quyến nay bỗng nhiên bị săn đuổi, thậm chí bị bỏ mạng làm đảo lộn môi trường sống và tính mạng, hệ quả này không chỉ riêng những người chuyên săn bắt mà những người chủ trương, khuyến tấn làm những việc săn bắt đó cũng phải nhận những nghiệp quả không kém.
*Cúng Dường: ai cũng biết cúng dường Tam Bảo là pháp tối thượng giúp cho chúng sanh mang lại cuộc sống thân, tâm an lạc, nói khác đi là được hưởng phước báu vô tận, với điều kiện: cúng dường đúng pháp của Phật. Đức Phật Thích Ca khi còn tại thế và cổ Phật cũng thường hành pháp này, bởi bố thí xả san tham. Lý là vậy, cũng như phóng sanh, việc cúng dường đúng chánh pháp đặc biệt trong bối cảnh hiện nay: Phật giáo – Pháp giáo dục chúng sanh phá mê – khai ngộ – lìa khổ – được vui – chuyển phàm – thành thánh đang dần biến thành tôn giáo: pháp ban vui, tế khổ cho chúng sanh.
Thế nào được gọi cúng dường đúng chánh pháp? Phật dạy phải tuân thủ: tam luân thanh tịnh. Nghĩa là: – không có người cúng dường, – không có người được cúng dường và – không có vật được cúng dường.
Tại sao nói “không có người cúng dường”? Bởi hễ chấp có mình tức có Ngã, có người tức có Nhân ắt sẽ sinh chấp ngã, chấp nhân: ta năng cúng dường, họ không biết, không năng bằng ta = càng năng bao nhiêu thì ngã kiến, ngã tham càng dấy khởi bấy nhiêu. Bố thí xả xan tham! nay tham thân chấp ngã càng tăng trưởng đó là tà pháp.
Tại sao nói “không có người được cúng dường”? Phật dạy cúng dường cho người tịnh hạnh được phước vô cùng lớn. Tịnh hạnh là gì? Lấy mốc nào để biết đó là người tịnh hạnh? Rất đơn giản: đó là người xa lìa thế gian pháp, xa lìa danh văn lợi dưỡng, xa lìa ngũ dục, lục trần. Cúng dường những người này ắt thực có lợi lạc. Nhưng những mẫu người này tìm nơi nào? Thời nay đếm trên đầu ngón tay và phần lớn đều mai danh ẩn tích. Vì thế muốn cúng dường cho họ cũng chẳng được. Vậy không lẽ không cúng dường nữa? Không phải vậy, tuy nhiên để phật pháp trường tồn, cúng dường vẫn phải và nên duy trì nhưng cần phải có chánh tư duy để không làm tổn hại pháp của Phật.
Tại sao nói “không có vật được cúng dường”? Đây là điều quan trọng hơn cả, bởi nếu dùng tâm thế gian để cúng dường chắc chắn sẽ có những sai lầm, nghiệp quả nghiêm trọng xảy ra: quý ai, trọng ai, thích ai sẽ cúng dường nhiều và thường cúng dường; ghét ai, không ưa ai sẽ xa lánh, không cúng dường; Thứ nữa đồ cúng dường phải phơi bày trước thiên hạ, hoặc ra điều kiện… Đây chính là hệ quả thường làm dấy lên những phản cảm trong cộng đồng xã hội. Cổ ngữ có câu: chiếc áo ca sa không làm nên một nhà tu. Việc phóng sanh, cúng dường cũng không ngoại lệ: không phải năng hành phóng sanh, năng cúng dường đều là có phước. Phước chỉ có khi người hành phóng sanh và cúng dường phải thấu Lý Nhân-Quả, tuân thủ theo đúng pháp của Phật. Ngược lại là đang góp phần phá pháp của Phật và khiến cho muôn loài chúng sanh bị tổn hại, nguy hại hơn là đoạn mất huệ mạng của chúng sanh – niềm tin với Tam Bảo. Nghiệp này là nghiệp A tỳ địa ngục khó lòng thoát ra. Đại chúng không thể không cẩn trọng.
Thiện Nhân
Cảm ơn huynh Thiện Nhân,
Printemps vốn tin thế giới tâm linh, nhưng chưa tận mắt chứng kiến nên cũng bán tín bán nghi có sự việc làm bất ngờ. Có người bạn hỏi Printemps làm thế nào cúng thí thực ở nhà kho? vì ông chồng nằm mơ thấy người kêu đói, xuất hiện nhiều ở nhà kho. Camera ghi hình nửa đêm tại nhà kho, Printemps thấy rõ 2 bóng trắng đi lại, cảm giác như đôi nam nữ. Ở chùa, Printemps thường thấy chùa cúng thí thực. Vậy để cúng thí thực và hồi hướng cho các vong linh ăn no, sớm siêu thoát, đầu thai thì phải làm sao ạ? thế nào trai đàn chẩn tế, cúng đại thực, trung thực, tiểu thực, thí thực là sao ạ? Xin cảm ơn nhiều.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Printemps,
*Chuyện cúng thí thực về lý là rất tốt, nhưng đi vào hành trì, nếu làm không đúng pháp thì người cúng thí thực sẽ gặp trở ngại rất lớn với các chúng sanh vô hình vì họ không được lợi lạc. Chuyện người quen của bạn rất nên làm nhưng phải có sự khai thị cho họ thì mới có lợi lạc. Điều này rất hệ trọng, vì thế nếu bạn đủ duyên thì nên giúp cho họ, cùng tác pháp thí thực-khai thị-niệm Phật hồi hướng cho họ được siêu sanh tịnh độ.
*Trai Đàn chẩn tế: là sự kết hợp giữa cúng dường trai Tăng và lập đàn chẩn tế. Chẩn tế nói giản đơn là nhằm thí thực cho các chúng sanh vô hình. Phạm vị hẹp là thân quyến đã khuất trong gia đình. Phạm vi rộng là hư không giới chúng sanh chưa siêu thoát. Sự chẩn tế tùy theo tâm lượng của người phát tâm mà có sự cúng dường trai tăng và lập đàn thượng – trung – hạ. Tuy nhiên đó chỉ là duyên theo lý, vì đàn chẩn tế quan trọng nhất là người chủ tế, người này phải có đức hạnh thì mới có thể làm lợi lạc được cho các chúng sanh vô hình. Điều kể đó là những người tham gia đàn chẩn tế cũng phải phát tâm thanh tịnh bình đẳng trong suốt quá trình làm chẩn tế thì các chúng hữu duyên mới thực sự hưởng được lợi lạc. Do vậy thượng – trung – hạ chỉ là khái niệm mang tính hình tướng nhưng trong cõi vô vi thì tâm lượng là tiên quyết.
Chúc bạn an lạc
TN