Nhớ lại vào năm 1993, mới vừa qua rằm tháng Giêng âm lịch. Bạn đạo của tôi là Bác sĩ Hoàng gọi điện cho Quả Lâm, mách rằng có một nữ đồng hương ngụ nơi quê nhà Hoành Thủy của ông mắc phải quái bệnh: Toàn thân đau đớn khó chịu, đau đến phải khóc la như quỷ gào sói tru. Trị thế nào cũng không hết, phải quỳ trên giường mới có thể tạm giảm bớt đau đớn. Nhưng mồm luôn kêu rên: “Ôi đau! Đau quá” không ngừng. Bởi âm thanh rên khóc quá ghê rợn ồn náo, làm ảnh hưởng đến những người bệnh khác cần nghỉ ngơi, nên các y viện nhỏ không chịu thu nhận cô nhập viện và khuyên cô hãy đến bệnh viện lớn chữa trị. Người trong thôn sực nhớ có Bác sĩ Hoàng là đồng hương, đang công tác tại Thiên Tân, liền bảo người chồng đưa cô đến đó. Bác sĩ Hoành sắp xếp cho cô nhập viện rồi, nhưng y viện khám không ra bệnh.
Hôm qua, cô quỳ trên giường thét rên không ngớt, khiến các người bệnh nơi phòng khác không ai nghỉ ngơi gì được. Hừng sáng hôm nay y viện thông báo phải cho cô ra viện ngay. Trong tình cảnh này, đừng nói là cô khó thể trụ tại nhà ai, mà ngay cả thuê phòng cũng chẳng được. Do vậy Bác sĩ Hoàng đành hỏi chúng tôi về nguyên nhân căn bệnh của cô. Quả Lâm bảo:
– Cô này hiện nay thọ mạng chỉ còn trong sớm chiều. Bác sĩ mau đi hỏi cô: Đời này đã phạm lỗi gì với ai nhiều nhất? Chỉ cần cô đáp đúng, lập tức cơn đau có thể dừng. Sau đó hãy để cô tự phát lồ, nói ra hết những lỗi mình đã phạm phải. hễ tự thú được càng nhiều, thì tội càng bớt, cơn đau càng giảm.
Hôm sau, Bác sĩ Hoàng gọi điện tới, tường thuật tình hình bệnh nhân. Ngay lúc cô đang quỳ trên giường kêu rên, Bác sĩ Hoàng hỏi:
– Ngay cả y viện lớn tại Thiên Tân này cũng tìm không ra bệnh của cô, tôi đã đi thỉnh ý một vị tu hành, họ bảo tôi nên hỏi cô: Cả đời này có làm điều gì phạm lỗi với ai không? Nếu nói đúng thì bệnh dừng.
Cô đáp:
– Tôi có lỗi rất lớn đối với mẹ chồng!
Cô vừa nói xong, giống như bị một đôi tay vô hình đẩy một cái, liền ngã lăn ra trên giường, miệng không còn rên la nữa mà lộ vẻ rất vui mừng mãn ý. Cô có vẻ muốn nói nữa nhưng do quá kiệt sức không thốt ra lời nổi nữa nên đành nhắm mắt lại rồi cô thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Tính ra từ lúc phát bệnh đến giờ, cô phải quỳ như thế suốt ba bốn ngày chưa được nghỉ ngơi. Lần này cô ngủ mộtlèo hơn hai mươi tiếng, ngay cả truyền nước biển vào tay cũng không tỉnh. Lúc Bác sĩ Hoàng đến gặp cô, dù vẫn còn nằm trên giường, nhưng cô không còn thét la kêu rên chi nữa. Bác sĩ Hoàng giảng lý nhân quả Phật giáo cho cô nghe và hướng dẫn cô niệm mười mấy tiếng “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát” sau đó bảo cô nếu chân thành nhận lỗi sám hối tha thiết thì có thể tiêu tội. Xem ra cô đã thực sự biết lỗi rồi và bắt đầu phát lộ việc mình có lỗi đối với mẹ chồng như sau:
“Tôi ngay từ lần đầu tiên bước vào nhà mẹ chồng, thì phát hiện bà là một bà già quá mê tín, trong nhà thờ bài vị “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư” tôi bảo:
– Nay là thời đại gì rồi, mà mẹ còn tin ba cái thứ nhảm nhí đó, hãy mau mau đem bài vị vứt đi!
Nhưng mẹ chồng nói chúng tôi tuổi trẻ không hiểu chuyện, quả thực trên đầu ba thước có thần minh, tâm con người ta lành hay ác trời đất đều nhìn thấy biết hết cho nên làm người phải kinh trời đất, hiếu song thân, trọng sư trưởng, nếu sống mà không chịu hành thiện tích đức, toàn làm việc xấu, sớm muộn gì cũng sẽ bị ác báo! Tôi nghe vậy thầm cho lời mẹ chồng giáo huấn ngầm chứa ác ý đối với tôi, nên từ đó ghim hận trong lòng.
Khổ nổi, chồng tôi rất hiếu thuận, mỗi khi ăn cơm đều mời bà ngồi trên (thượng tòa). Bà mà chưa cầm đũa, thì chúng tôi chẳng thể ăn trước. Điều này càng khiến tôi tức giận. Kết hôn xong, thì tôi sinh con, thầm nghĩ: “Đã có con rồi, thì xem như tôi có đủ tư cách để nghênh chiến cùng mẹ chồng”. Bởi vậy hễ muốn ăn thì tôi ăn, muốn uống thì uống, trong nhà không cho chơi Mạt chược, thì tôi đến nhà bằng hữu chơi, có lúc gầy sòng đến sáng mới về. Hôm sau tôi ngủ mê mệt cho đến khi mẹ chồng kêu dậy, tôi mới rời giường ra ăn cơm. Do chuyện này mà nhiều lần cùng chồng gây cãi, thậm chí có lần còn bị chồng đánh cho, lúc đó tôi tức giận ẳm con về nhà mẹ ruột. Một tháng sau, mẹ chồng thân hành tìm đến rước, tôi mới chịu về.
Từ đó, không những mẹ chồng không dám chọc giận tôi, mà chồng tôi cũng phải nhường nhịn nể nang tôi. Tôi cho đó là chiến thắng vẻ vang, còn truyền dạy kinh nghiệm này cho các nàng dâu trong thôn là bạn hữu chơi bài với tôi. Tôi trời thành nữ chủ nhân trong nhà, tất cả việc nhà mẹ chồng tôi phải thầu lãnh hết, ngay cả quét nhà gánh nước gì cũng do bà lo tất. Mẹ chồng hằng ngày trừ thắp hương lễ bái trước bài vị “Thiên, Địa, Quân, Thân, Sư” ra, bà còn làm thêm việc “thày lay” ngu dốt nữa là: Hễ nhà ai có xảy ra chuyện hôn tang cưới gả thì bà liền nhào tới đó trợ giúp, ngay cả cơm nước cũng bỏ, để mặc người nhà ăn một mình. Còn hễ gặp ăn mày đến nhà mà bị tôi xua đuổi, thì bà rượt theo họ, ráng cho mấy đồng hay thức dùng chi đó. Vì vậy mà tôi nhiều lần gây cãi với bà, mắng bà là: “Đồ đần, ngu như heo, thần kinh!”. Nhưng mẹ chồng khồng hề dám cãi lại với tôi, chỉ mỉm cười nói:
– Ta nghĩ mình là người biết tiết kiệm tiền, con dừng có quản tới mà chi!
Còn một chuyện khiến tôi tức giận nữa là, nhà tôi ngụ tại đầu thôn, cổng trước cách đường lộ khoảng một-hai trăm mét. Mỗi tối, vào những ngày không trăng, mẹ chồng tôi tự chế ra mười cái đèn bão, cứ cách hai mươi mét thì treo lên một cái, mục đích là để soi đường cho thiên hạ đi, tính ra cả năm bà tiêu phí không biết bao nhiêu dầu, tôi nghĩ chỉ vì bà muốn được mấy câu khen ngợi của dân làng, chứ tính ra có thu được cái quái gì đâu!
Năm nay, vào ngày 30 cuối năm, sáng sớm vợ chồng tôi cùng con trai đi xe hỏa đến Thạch Gia Trang mua hàng tết, về tới nhà thì đã hơn 4 giờ chiều. Chỉ thấy cái sân được mẹ chồng quét sạch bóng, lu vại gì cũng đã đổ đầy nước, chồng tôi còn hỏi:
– Ai gánh nước đây?
Anh đâu biết là trong nhà này, nếu không phải anh gánh thì là mẹ chồng gánh! Thấy cửa gian giữa hơi khép, con tôi lên tiếng kêu, nhưng gọi mãi mà không thấy bà nội ứng thinh, bèn đẩy cửa tiến vào, thì thấy bà ngồi trên ghế trúc, đầu quẹo qua bên trái ngủ queo. Chồng tôi vội buông hàng hóa, bước tới gần kêu:
– Mẹ ơi, thức dậy đi, lên giường mà nằm ngủ chứ, ngồi trên ghế ngủ như vầy sẽ mệt đó!
Nhưng mẹ chồng tôi không nhúc nhích cựa quậy gì, chồng tôi vừa lay bà nhè nhẹ, vừa kêu “mẹ ơi” mấy tiếng, nhưng bà vẫn không động đậy, anh hoảng hốt khóc to, kêu réo mẹ thức dậy um sùm. Tôi đang rửa sơ cái mặt thì nghe nói: “Mẹ chết rồi, đã ngừng thở rồi”. Tôi cáu tiết rủa ngay:
– Sớm không chết, muộn không chết, lại ra đi đúng vào ngày 30 cuối năm, chẳng phải là muốn chúng tôi không được ăn tết ư? Thiệt thất đức quá mà!
Chồng tôi đang khóc, nghe tôi lầm bầm như vậy liền quay qua tát mạnh vào mồm tôi, tôi liền tru tréo khóc ầm lên. Hàng xóm cùng người trong thôn đều chạy qua, bu đầy nhà. Mọi người đều khóc thương mẹ chồng tôi. Lúc đó tôi còn nghĩ: “Trong đám láng giềng này nhất định sẽ có kẻ mắng tôi”, nhưng không ai làm vậy. Bây giờ nhớ lại, có thể là mẹ chồng tôi chưa từng ra ngoài nói xấu tôi với ai. Tôi đã hiểu lầm lòng tốt của mẹ chồng, thật quá có lỗi với bà.
Tối 30, đây là lần đầu người toàn thôn phá lệ xưa, không nhà nào chơi đùa hay đốt pháo hoa, không một đứa trẻ nào ăn mặc diễm lệ. Hầu như người toàn thôn thay nhau giữ linh quan suốt đám tang. Bây giờ tôi mới hiểu, do mẹ chồng hay giúp đỡ xóm giềng, nhiều năm nay những đêm tối không có trăng chiếu, bà đã treo đèn soi sáng đường về giúp người trong thôn. Nên toàn thôn hiện thời ngay cả năm mới chẳng ai muốn đón mừng, chứng tỏ mẹ chồng tôi rất được cả làng yêu thương kính quý. Bản thân bà biết mình sắp ra đi, còn ráng vì chúng tôi làm chu đáo hết mọi việc trong nhà rồi ngồi trên ghế an lành ra đi. Bà quá nhân nghĩa mà! Nhưng lúc đó tôi lại mắng trách mẹ chồng, tôi quả thật đáng chết!
Rằm tháng giêng vừa qua chưa được mấy ngày, tôi bỗng cảm thấy toàn thân khó chịu, ban đầu tôi cho là: “Chắc tại lo đám tang nên mỏi mệt”, do nghĩ “Tết đến nơi mà còn phải lo ma chay” nên tôi rất hận mẹ chồng, tôi còn hướng về chồng nói xấu bà nữa. Lúc đó chồng tôi rất khó chịu, trừng mắt lườm tôi và chỉ nói một câu:
– Em làm ơn lưu giữ chút khẩu đức đi!
Rồi anh im lặng không nói thêm gì nữa. Sáng hôm sau tôi thức dậy, vừa cúi xuống định mang hài rời giường, thì té nhào trên đất. Đau dến nổi tôi thét lên oang oác, cảm giác như đang bị cả trận mưa roi trượng bằng sắt giáng quất vào thân. Chồng tôi vội chạy đến đỡ tôi dậy nhưng không đỡ lên nổi, vì hễ tay anh chạm vào đâu, là tôi nghe chỗ đó đau như muối xát kim châm. Tôi bị đau đớn thống khổ dày vò suốt thời gian dài, mới phát hiện ra. Chỉ có tư thế quỳ trên đất và dang hai tay ra vịn trên đất mới tạm giảm đau chút đỉnh. Toàn thân tôi có cảm giác như xương cốt đều bị bẻ gãy vỡ vụn, hễ động đậy một chút là đau không chịu nổi.
Tôi lúc đó không hề biết đây là ác báo do mình vô lễ hỗn hào, ngược đãi phỉ báng mẹ chồng. Bởi tôi không bao giờ tin vào mấy cái thuyết nhân quả báo ứng! Nhưng bây giờ tôi đã tin rồi, tôi chưa muốn chết, do con tôi chưa trưởng thành, tôi nguyện từ nay nhất định sẽ tu sửa, lo hương hỏa thờ phụng mẹ chồng, ngày ngày thắp hương lễ sám, sẽ làm nhiều việc thiện, tạo phúc đức.”
Bác sĩ Hoàng thấy bà đã biết nhận lỗi, thân thể cũng không còn đau, liền khuyên bà lúc nào cũng phải niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát” phải tâm niệm miệng niệm mới được. Và ông tặng bà một xâu chuỗi, nhắc nhở bà phải luôn kiểm lại những lỗi lầm suốt mười mấy năm nay đã cư xử tệ với mẹ chồng, nên phát tâm sám hối, có lẽ sẽ mau chóng lành bệnh.
Nửa tháng sau, Bác sĩ Hoàng đến nhà tôi, báo tin là ông vừa cho bệnh nhân kia xuất viện về quê. Nhưng thêm một chuyện lạ phát sinh nữa, nên vội đến báo cho chúng tôi hay. Nàng dâu ngỗ nghịch này sau khi hối lỗi, tự đánh vào mình nhừ tử rồi, thì mỗi ngày đều niệm “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát” thì ngủ được an lành. Nhưng không thể ăn gì, chỉ có thể nương vào truyền dịch mà duy trì mạng sống. Bác sĩ Hoàng có lần vào phòng bệnh, phát hiện bà nằm trên giường, miệng động đậy, tay phải để trên ngực lần chuỗi, hai khóe mắt tuôn tràn lệ, ướt đẫm cả gối.
Một hôm, sáng sớm thức dậy bà hưng phấn nói với chồng, kể rằng bà mơ thấy mẹ chồng đến thăm, cười ha hả bảo bà:
– Yên tâm đi, nhà ta sẽ ngày càng tốt hơn.
Rồi đột nhiên mẹ chồng hóa thành vị trời, biến mất. Bà nói: “Chắc là bệnh mình sẽ lành”. Nhưng ồng chồng thấy bà mỗi ngày càng một tệ hơn, bèn quyết định dùng xe cứu hộ đưa bà về quê. Hôm đó thời tiết đặc biệt lạnh. Xe khởi hành rồi thì Bác sĩ Hoàng nhắm mắt niệm “Nam mô A Di Đà Phật!” hỗ trợ thêm cho bệnh nhân. Đột nhiên ông nghe thấy tiếng bà nói với ông:
– Tôi đi đây, cảm tạ ông cứu tôi, đã dạy tôi niệm Phật.
Ông vội mở bừng hai mắt, ý thức bà đồng hương nọ đã chết, thế là vội nghiệm thây, kiểm tra quan sát, thấy bà đã tắt thở. Họ dừng xe lại, người chồng lo khoác y phục tốt cho bà. Lúc này xe vừa ra khỏi huyện Tĩnh Hải, gió lạnh vây bủa tứ bề. Phải mất 5 tiếng mới về tới nhà. Khi khiêng người chết xuống, thấy thân bà rất mềm dịu, so với lúc sống không khác bao nhiêu. Tang sự hoàn tất thuận lợi.
Chuyện của bà trở thành tấm gương giáo dục cho toàn thôn! Đây là do tội không tin Tam bảo, bất hiếu với mẹ chồng, phỉ báng người lương thiện… nên nàng dâu đã mắc phải hiện thế báo. May nhờ có Bác sĩ Hoàng dạy bà niệm Phật sám hối, diệt được vô lượng tội, nếu không bà sẽ chết rất thê thảm, chết rồi còn bị đọa địa ngục vô gián.
Trong văn Lương Hoàng Sám giảng giải Phật pháp rất vi diệu, tinh tế, là vì muốn chúng sinh tiêu trừ si ám, đạt được quang minh, ai cũng lìa khổ được vui. Vừa niệm “Nam mô Phật”, trọn có thể thành tựu Phật quả.
Trích: Nhân Quả Lược Giải Lương Hoàng Sám
Biên giảng: Quả Khanh
Hạnh Đoan lược dịch
Các Phúc Đáp Gần Đây