Gần đây tại miền Tây Nam nước Việt có rất nhiều hành giả nhờ hành trì pháp môn Tịnh Độ mà có được kết quả rất mỹ mãn như biết trước ngày giờ vãng sanh, có hào quang sáng ngời… Dưới đây là những mẫu chuyện nhiệm màu do cô tu sĩ Võ Thị Đồng và một số đồng đạo dày công sưu tập. Xin gửi đến quý bạn sen khắp gần xa với lời nhắn nhủ chân thành: hãy tinh tấn nương theo con thuyền Tịnh Độ mà đến cõi Lạc Bang. Đức Từ Phụ A Di Đà đang chờ ta đó.
Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ, nghệ sĩ Phượng Hằng, và đồng đạo Thiện Nghĩa diễn đọc.
Kính thưa quý thầy
Con năm nay được 29 tuổi, đã lập gia đình có 1 con trai 2.5 tuổi. Do vỡ kế hoạch và hoàn cảnh khó khăn chồng con ép con đi phá thai (thai 6 tuần tuổi), bây giờ con rất đau khổ. Con đã mang tội giết con của mình, không biết con niệm Phật cầu cho con của con được siêu thoát có được không? Kính xin quý thầy cho con lời khuyên, con không biết làm sao, con đau khổ lắm. Con thân thành cám ơn.
Chào chị,
Đọc những lời chia sẻ của chị, Hữu Minh hiểu được tâm trạng của chị. Tuy rằng việc phá thai là một trọng tội rất lớn theo nhãn quan nhà Phật, nhất là những ai đã qui y, nhưng sự hối hận của chị là một việc tốt vì chị đã phần nào ý thức được việc làm sai của mình.
Thường các thai nhi bị cha mẹ chối bỏ vì một lý do nào đó chúng rất tủi thân. Có khi các bé âm thầm lẽo đẽo theo mẹ nhưng vì không có thân xác nên mẹ không nhìn thấy. Có trường hợp các đồ chơi trong nhà sau khi trẻ chơi xong được cha mẹ xếp dọn gọn gàng, đến sáng người nhà thấy các đồ chơi lại bày ra lộn xộn mặc dù đứa trẻ trong nhà chưa đụng đến. Sau khi mời nhà ngoại cảm đến người nhà mới biết ngoài đứa bé trong nhà ra, còn có một em bé khác đã qua đời nhưng vẫn còn quanh quẩn trong nhà. Trẻ con lúc nào cũng là trẻ con, cũng thích quà, đồ chơi, và chúng rất muốn được quan tâm đến dù chúng ở một thế giới khác với chúng ta. Hữu Minh nói điều này với chị để chị hiểu rằng, tuy chị đã lỡ chối bỏ bé, nhưng không hẳn là bé không còn tồn tại. Chỉ là vì nhục nhãn phàm phu chúng ta không thể nhìn thấy được mà thôi. Gần đây tại pháp hội niệm Phật của thầy Thích Giác Nhàn tại Lâm Đồng có xảy ra một việc hy hữu là 1 đứa bé trong gia đình đã qua đời 40 năm, sau đó nhập vào người em gái của mình. May là trong nhà có người tin Phật niệm Phật hằng ngày, đứa bé nghe hoài và hiểu đạo mới mượn xác em gái mình vào chùa xin thầy Giác Nhàn cho được quy y và niệm Phật.
Trở lại chuyện của chị, việc bây giờ chị cần làm là nên làm lễ cầu siêu cho bé. Ở nhà làm không tiện thì có thể lên chùa nhờ quý thầy chỉ cách. Sau đó chị phải thành tâm sám hối. Khi sám hối chị có thể nói ra thành lời và nói nhỏ nhẹ như lời một người mẹ dành cho đứa con yêu của mình. Bé sẽ nghe được tất cả những lời của chị nói. Từ giờ trở đi, tất cả những công đức lành của chị như tụng kinh, niệm Phật chị đều hồi hướng cho bé và nguyện bé được vãng sanh về với đức từ phụ A Di Đà. Chị cứ kiên trì niệm Phật, kiên trì hồi hướng, kiên trì khuyên bé nên về với Phật A Di Đà nơi cõi Tây Phương Cực Lạc. Chị cứ lấy những điều vui thích ở cõi Tây Phương ra “dụ” bé. Bảo bé cùng niệm Phật chung với chị vào mỗi khóa niệm Phật hàng ngày để được về nơi ấy vui hơn là ở cõi nầy. Thời gian đầu mọi chuyện có thể không được như ý (vì tính tình trẻ con chị cũng hiểu) nhưng lâu ngày chầy tháng với lòng thành của chị, thật lòng sám hối, thành tâm niệm Phật hồi hướng cho bé thì mọi chuyện sẽ chuyển hướng tốt đẹp. Bản thân chị cũng đừng quên niệm Phật và nguyện vãng sanh cho chính bản thân mình.
Đôi dòng thành tâm, hy vọng giúp chị được phần nào.
A Di Đà Phật
Kính gửi quý thầy,
Con là Ngô Hoài Phúc, con sanh năm 1980, hiện tại con đã lập gia đình và có một cháu trai. Hiện tại vợ chồng con đang sinh sống tại TP HCM.
Con cũng có cơ hội được đọc 1 vài sách về Phật, càng đọc con cảm thấy bị mâu thuẫn giữa đời và đạo quá, xin hãy cho con những chỉ dạy hữu ích để cân bằng giữa cuộc đời và đạo. Con xin chân thành cảm ơn.
Thân chào anh N.H.Phúc,
Chúng ta là những chúng sanh may mắn khi sanh ra đời này ( cách đời Đức Phật còn tại thế quá xa) mà lại có cơ duyên cùng nhau tu học Phật Pháp. Thật là vi diệu thay ! Vì thế để tiếp tục tiến sâu vào pháp môn hành trì cho đến khi đạt tới Giác Ngộ giải thoát thì không còn gì quý báu hơn. Khi nghe tâm sự của anh thì lòng tôi cũng có sự đồng cảm, vì trước đó cũng chính tôi đã từng đặt câu hỏi này trong đầu. Hôm nay, tôi đã thỏa mãn khi tìm thấy câu trả lời cho câu ” vì sao giữa đạo và đời có mâu thuẫn?”, nay muốn chia sẽ đến anh để cùng giúp nhau trên bước đường tu học.
Thật ra, không có sự mâu thuẫn gì cả. Đối với người mới tìm hiểu Phật học thì chúng ta cần phải kiếm những Tài liệu giảng căn bản trước, sau khi nắm chắc nguyên lý cơ bản thì việc nghiên cứu Phật pháp sẽ không còn trở ngại nữa. Tôi không biết rõ anh đã đọc qua sách gì nói về Phật mà lại thấy mâu thuẫn, nên chỉ chia sẽ vài mấu chốt căn bản, vì Phật tử có nhiều căn cơ khác nhau, người mới kẻ cũ nên tác phẩm nghiên cứu cũng phân chia đối tượng là lẽ đương nhiên. Ví như có người mới vào đạo, hoặc mới chuyển pháp môn, giáo phái (Nam tông sang Bắc tông và ngược lại) mà lại đọc các Bộ Luận của các nhà Sư Đại Thừa thì sẽ không tránh khỏi xung đột, bở ngỡ. Hoặc cũng có nhiều tác phẩm viết theo cảm hứng tác giả, không dựa theo nguyên lý Phật Đạo ( tứ diệu đế, 12 nhân duyên, bát Thánh đạo, vô thường, vô ngã…) nên không kết hợp nhuần nhuyễn, Linh hoạt để cho người đọc thấy rõ sự ứng dụng phổ quát của Phật Pháp trong đời sống xã hội, dẫn đến biên kiến, mâu thuẫn, cản trở cho việc thực hành Pháp của nhiều đối tượng. Như vậy, Đức Phật có mặt trên thế gian này là để đem ánh sáng tri kiến đến cho chúng sanh ( nhiều dạng loài kể cả con người) chứ không gò bó cho những người xuất gia tại chùa. Việc Hoàng pháp phổ biến như ngày nay của các quý Tăng Ni là để minh chứng điều đó: đem Phật pháp đến cho các cư sĩ hữu duyên cùng tu tập, bổ sung hỗ trợ nhau.
Quay lại vấn đề, tôi xin chia sẽ cách tiếp cận biển Phật pháp đồ sộ mà không lấp vấp cho những người Thiện cư sĩ, có tâm huyết với tu học khi mới dò tìm Đạo. Đó là việc anh nên tìm hiểu về Chân lý Tứ-Diệu-Đế :
– Khổ là gì ?
– Vì sao khổ ?
– Thành quả của sự tận diệt cái Khổ.
– Cách nào để có thể diệt Khổ ?
Từ niềm tin ban đầu này, chúng ta sẽ đi những bước sâu hơn nữa, say mê với việc nghiên cứu Phật pháp hơn, để thấy ra sự thật của các pháp đang xảy diễn trên thế gian này ( vốn là Không, Vô thường, Khổ, Vô Ngã ). Chúng ta muốn đạt đến sự giác ngộ giải thoát thật không phải một sớm một chiều mà được, ví như trái xoài muốn chín cũng cần có các giai đoạn. Điều quý giá nhất là sự nhiệt huyết hướng về giáo lý giải thoát không thoái chuyển của chúng ta. Lúc đầu khó khăn không nên nản, mà biết khó để nhìn ra phương pháp. Tinh thần học Phật của Anh rất đáng trân quý vậy.
Ngày nay, pháp môn Tịnh Độ được hành trì khắp nơi trên thế giới, tôi cũng đang hành trì, tuy nhiên để có phương pháp đúng thì tôi đã không ngừng nghiên cứu Phật pháp cho đến hôm nay. Có không ít Phật tử đến với đạo, với Pháp môn một thời gian rồi chuyển sang đạo khác, hoặc bị những người ‘mượn đạo tạo đời’ lừa bịp, chuyển hướng tu tập chúng ta sang những mục đích khác… Vì lúc đó chúng ta thiếu Chánh tri kiến để giữ chân chúng ta, và cũng có hành giả bỏ tu luôn vì bị cuộc đời Trần tục trôi cuốn bởi không có Như Lý tác ý ( lời dạy của Phật) làm hành trang. Chính vì vậy, chúng ta nên dành nhiều thời gian nghiên cứu Phật pháp hơn để bạt đi những tà niệm lúc rảnh rỗi, tăng thêm được Chánh kiến đưa đến bậc tu giải thoát không lui sụt, rồi sẽ đạt được kết quả như kinh điển đã chỉ ra.
Xin chúc cho Anh và tất cả hành giả mọi nơi đạt được sự giải thoát ngay trong kiếp này và muôn kiếp về sau, sớm trở về trong tịnh độ của Chư Phật.
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính thưa quý thầy.
Kính mong quý chia sẽ cùng gia đình con 1 câu chuyện: 2 tháng trước, mẹ con đã qua đời, trước lúc lâm chung có được ban hộ niệm tới niệm Phật cầu vãng sanh. Sau 14 tiếng thì thân thể vẫn mềm mại, tay chân cũng vậy. Toàn thân thì lạnh mà chỉ riêng đỉnh đầu là nóng, mà còn có mồ hôi nửa, vậy cho con hỏi có phải mẹ con đã được vãng sanh? Nhưng có 1 điều con chưa được hiểu là người vãng sanh có trải qua thân trung ấm không ạ? Vì kế bên nhà con có 1 chị thấy được người mất, trong lúc tổ chức tang lễ chị ấy nói là có thấy được mẹ con, thấy mẹ con khóc. Nhưng chỉ thấy lúc vừa mới mất mà thôi. Kính mong quý thầy cho con lời khuyên, là như vậy là có được vãng sanh không ạ?
A Di Đà Phật.
Chào bạn,
Bạn nên nghe 2 bài pháp âm này sẽ hiểu rõ:
– Hỏi đáp Trợ Niệm khi lâm chung
http://hoasenvanno.wordpress.com/hoi-dap-tro-niem-khi-lam-chung-mp3-ht-tinh-khong/
– Niệm Phật Hộ Niệm Vãng sanh
http://hoasenvanno.wordpress.com/niem-phat-ho-niem-vang-sanh-van-dap-cu-si-dieu-am-minh-tri/
A DI ĐÀ PHẬT
A-mi-đà Phật
Kính bạch trên quý Thầy, quý Sư cô, các cô chú phục trách Website. Vì thấy cái hữu ít của những câu chuyện vãng sanh trong bài viết này cho các bạn đồng tu trên con đường cầu về cõi Tịnh, hôm nay con xin phép được hỏi: những câu chuyện đã được in thành sách và được xuất bản hay chưa, nếu chưa con có nhã ý xin phép đánh lại bài đọc, thưa trình với Sư phụ (ĐĐ.Thích Pháp Đăng)xin phép in thành sách, xuất bản, ấn tống. Mong nhận được sự hoan hỷ của quý Thầy, quý Sư co cùng các cô chú.
Tịnh Thanh
Theo chúng tôi được biết các đạo hữu bên Phật Giáo Hòa Hảo chỉ phát hành các truyện vãng sanh này dưới dạng thính âm, chứ chưa in thành sách. Nay liên hữu có nhã ý như thế thì vô cùng tốt. Xin vô cùng hoan hỉ và tán thán công đức.
A Di Đà Phật.
cư sỉ tại gia có thể đọc chú cúng thí thực cho các vong hồn ,ngạ quỷ được không ? Đây có phải cũng là bố thí không? có ngươi cho là không nên làm vì sợ ma quỷ rủ nhau đến phá rối gia đình và cư sỉ tại gia thì tâm không thanh tịnh như các tăng ni ở chùa, nên để việc đó cho các thầy làm.Con không có email nhưng sẽ theo dõi lời phúc đáp.XIN HOAN HỈ BAN CHO CON LỜI KHUYÊN.
A Di Đà Phật – Xin chào bạn “cách cúng dường”
Về vấn đề này thì lúc trước VT thấy huynh Trung Đạo đã có chia sẻ với chúng ta trong phần Cúng Thí Ngạ Quỷ Diện Nhiên.
Tuy nhiên bạn đã chọn tên là “cách cúng dường” vậy thì sẳn đây VT xin mạn phép gửi đến bạn hai bài kệ trong Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký:
Bồ Tát hỏi:
Phải cúng dường thế nào?
Vô Thượng Lưỡng Túc Tôn!
Xin Ngài giải nghĩa thú,
Người nghe sẽ phụng hành.
Hương hoa nhạc y phục,
Ẩm thực giường thuốc thang,
Các cúng dường như thế,
Loại nào là tối thắng?
Phật đáp:
Hãy phát bồ đề tâm!
Rộng cứu chúng quần sanh,
Là cúng dường chánh giác,
Với ba hai tướng hảo,
Dẫu lấy Hằng hà sa,
Trân diệu vật trang nghiêm,
Phụng hiến chư Như Lai,
Cùng hoan hỉ đảnh thọ,
Chẳng bằng với từ tâm,
Hồi hướng về bồ đề,
Phước này là tối thắng,
Vô lượng vô biên thế,
Không cúng dường nào hơn,
Siêu việt chẳng tính kể,
Bồ đề tâm như thế,
Tất thành đẳng chánh giác.
Phát bồ đề tâm nói ra thì rất dài nhưng hiểu cho đơn giản ngắn gọn là mình khởi được cái tâm:” Trên cầu thành Phật, dưới nguyện cứu độ tất cả chúng sanh”. Trên cầu thành Phật vậy thì hiện tại chúng ta cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc để tu tiếp cho đến ngày thành Phật thì dể rồi. Thế còn “dưới nguyện cứu độ tất cả chúng sanh” liệu chúng ta đã phát được tâm này hay chưa? Ở đây không phải nói là “khả năng có thể cứu độ tất cả chúng sanh”, điều này sức mình không đủ nhưng chỉ nói là mình phát cái tâm muốn cứu độ tất cả chúng sanh mà thôi. Một khi đã phát được cái tâm này thì gặp bất kỳ chúng sanh nào mình cũng muốn cứu chứ không phải chỉ cứu đói cho loài ngạ quỷ mà thôi. Người đã phát tâm “dưới nguyện cứu độ tất cả chúng sanh” thì trong khả năng có thể được, họ sẳn sàng đi phóng sanh, bố thí thức ăn cho chim chóc… chẳng hạn và không bao giờ sát sanh dù chỉ là một con kiến nhỏ.
Rộng cứu chúng quần sanh ở đây chớ nên hiểu lầm là chỉ đi phóng sanh mà thôi. Bởi đi phóng sanh chỉ là giải cứu “sanh mạng” cho chúng sanh mà thôi. Muốn giải cứu “huệ mạng” cho chúng sanh thì chúng ta phải đi ấn tống kinh sách, cúng chùa, xây chùa, tạo tượng Phật, trợ giúp quý thầy và quý sư cô…Tại sao lại như vậy? Là bởi vì chùa chiền, kinh sách, quý thầy…là đại diện cho Tam Bảo. Mục đích của Tam Bảo là giải cứu “huệ mạng” cho chúng sanh. Do vậy khi chúng ta góp phần xây dựng ngôi Tam Bảo cũng đồng nghĩa với góp phần giải cứu “huệ mạng” cho chúng sanh.
Do vậy một người chưa phát bồ đề tâm thì khi đi cúng chùa chỉ nghĩ là cúng cho vị thầy ở chùa đó mà thôi và với tâm nguyện là hy vọng với phước báo có được sẽ giúp ích cho việc cầu danh, cầu lợi, cầu tài, cầu an, cầu siêu, cầu duyên, cầu khỏi bệnh, cầu tai qua nạn khỏi…cho nên cái phước báo chỉ là hữu lậu vì chỉ hưởng được trong cõi trời người mà thôi.
Một người đã phát bồ đề tâm thì khi đi cúng chùa hay ấn tống kinh sách sẽ khởi nghĩ rằng:” hy vọng Phật Pháp hưng thịnh để chúng sanh có chỗ dựa nương, hy vọng mọi người sớm quay về với Phật Pháp để phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui…”. Do vậy người đã phát bồ đề tâm là người có tinh thần “vô ngã vị tha” (quên mình vì người). Cho nên người đã phát bồ đề tâm thì sẽ chẳng nghĩ đến lợi ích của bản thân mình, trong lòng chỉ mong sao cho tất cả chúng sanh đều phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, chuyển phàm thành thánh. Người đã phát bồ đề tâm thì không mong cầu phước báo trong cõi trời người nữa mà chỉ hồi hướng trang nghiêm cõi Tịnh Độ (tức là hồi hướng về bồ đề) cho nên cái phước báo đã trở thành vô lậu (ra ngoài ba cõi:Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới). Chính vì thế cho nên cái “phước này là tối thắng…siêu việt chẳng tính kể” và sau cùng thì “Tất thành đẳng chánh giác” có nghĩa là thành Phật vậy.
Chính vì thế cho nên nếu bạn phát tâm muốn cúng thí thực cho ngạ quỷ mà bị “trục trặc kỷ thuật” thì chớ nên lo buồn. Bạn nên đến chùa, phụ với quý thầy trong việc cúng thí thực hay sanh lòng hoan hỉ với việc thầy cúng thí thực cho ngạ quỷ thì cũng đồng nghĩa với chính bạn đã cúng thí thực cho ngạ quỷ vậy. Bên cạnh đó cụm từ “rộng cứu chúng quần sanh” theo như VT đã phân tích ở trên, tuy chỉ có 5 chữ nhưng có rất nhiều việc để chúng ta làm chứ chẳng phải đơn thuần là phóng sanh hay cúng thí thực cho ngạ quỷ.
Kinh Hoa Nghiêm dạy:” Vong phát bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp” có nghĩa là nếu không phát bồ đề tâm mà tu các công đức khác chỉ là ma nghiệp mà thôi. Tại sao lại như vậy? Là bởi vì chỉ hưởng được phước báo trong cõi trời người mà thôi. Khi được hưởng phước thì lại quên tu và vô tình tạo nghiệp nên đời sau và đời sau nữa khi hết phước thì vẫn còn trong sáu nẻo luân hồi và có thể bị rơi vào tam ác đạo cũng không chừng.
Đối với hành giả tu Tịnh Độ thì phải :”phát bồ đề tâm làm chánh nhân, nhất hướng chuyên niệm làm trợ duyên” cho nên việc phát bồ đề tâm là vấn đề rất quan trọng cần nên lưu ý.
Vài lời chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật