Niệm Phật mà không phát lòng Bồ Đề, thì không tương ứng với bổn nguyện của Đức A Di Đà Phật, tất khó được vãng sanh, thành tựu sở nguyện. Lòng Bồ Đề là tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh “thượng cầu hạ hoá”, tế khổ quần mê.
Tuy phát lòng Bồ Đề mà không chuyên trì niệm Phật, không thành nhất phiến, thì không được vãng sanh. Nên các liên hữu cần phải lấy sự phát lòng Bồ Đề làm chánh nhân, niệm danh hiệu Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh Độ. Người tu tịnh nghiệp (tu pháp niệm Phật) cần phải hiểu biết điều nầy thật sâu rộng, cần thiết phải vừa tu niệm vừa nghiên cứu nghiêm tầm giáo lý pháp môn tu càng thêm hiệu quả.
Trong đời mạt pháp, người phát tâm tu niệm Phật, vẫn có nghiệp trần dấy động, ma sự nhiễu dương, nguyên do bởi ba nguyên nhân : không rõ giáo lý, ít học kinh điển, nhất là pháp môn tu; không nhất tâm tìm cầu, phát tâm tu cho lấy lệ, để được ca tụng tán thán là Đại Sư Tịnh Độ, chỉ nghiên cứu xem chừng năm ba câu pháp, vội cho là người tu của pháp môn niệm Phật, do ngã mạn, nên không gặp thầy lành bạn sáng; thiếu tự tin, xem lại những hành động không tốt của mình, hay thích nói lỗi người, khoe khoang điều tốt của mình, hay chê Tông phái nầy khen Tông phái nọ, rốt cuộc mình không tu được ở đâu, ai nói hay cũng được, nói quấy cũng xong; họ có tu hành gì đâu mà nói hay nói quấy, biết gì mà nhận định, cuộc đời tu của họ không lúc nào tự soi xét lại chính mình, xem mình đã làm được gì, tu được gì, làm được gì cho Thầy Tổ, cho pháp môn, cho Phật pháp?
Với ba điều trên, sự tự xét chỗ sai lầm của chính mình là điều mà người liên hữu Tịnh Độ rất cần thiết trong lúc thực tập, hành pháp. Đại để muốn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, không phải dùng chút phước lành, chút công đức lơ là là được; muốn thoát sự khổ sống chếtn luân hồi trong muôn vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, hẹn hò, hứ khả, rồi lo rong chơi du hý, không lo tự cảnh tỉnh, trở về với cuộc sống hiện thực để có cơ hội tìm cầu giải thoát, vãng sanh Tây phương theo sở nguyện ban đầu! Họ đâu rõ chiếc bóng vô thường cô liu lặng lẽ, mới sớm mai thấy đó, rồi hoàng hôn phủ mất đó, đâu nên không siêng năng lo dự phòng giữ tịnh tâm gìn chánh niệm trước ư?
Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái trong tam giới buộc ràng. Lúc bấy giờ tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, như những kẻ niệm Phật, tu nhơn hạnh kém, lơ là biếng trể, nữa tin nữa nghi ngờ pháp Phật, thì ta cũng đành không biết làm sao vậy.
Đại Sư có bài kệ khuyến tấn :
Nam Mô A Di Đà,
Người nào không biết niệm?
Tuy niệm, chẳng tương ưng
Mẹ con khó hội kiến
Khi đi đứng ngồi nằm
Đem tâm nầy thúc liễm
Mỗi niệm nối tiếp nhau
Niệm lâu thành nhứt phiến
Như thế, niệm Di Đà
Di Đà tự nhiên hiện
Quyết định sanh Tây phương
Trọn đời không thối chuyển
Niệm Phật cần phải có niềm tin sâu nguyện thiết, như Đại Sư Tĩnh Am từng khuyến tấn : đi đứng nằm ngồi luôn gìn chánh niệm, hoặc kiết thất thực tập thúc liễm thân tâm, hoặc kinh hành vào đại định, lực Phật gia trì thành nhứt phiến, như kim cang bền chắc, một đời không thối chuyển, niềm tin yêu pháp môn, lục độ vạn hạnh ảnh hiện, lợi ích khắp mười phương, chúng sanh nương nhờ oai đức, làm bạn thánh hiền, dự hội hải chúng liên trì nơi thế giới Tây phương mầu nhiệm.
Tĩnh Am Đại Sư khai thị
Tôi xin được hỏi tôi có xem cuốn Niệm Phật Tông Yếu của Pháp Nhiên Thượng Nhân – 1 vị Tổ của Tịnh tông Nhật Bản, tại mục số 37 của cuốn sách có nói niệm Phật không phát bồ đề tâm cũng được vãng sanh. Vậy so với bài viết trên thì tại sao lại có mâu thuẫn như vậy. (Link: http://www.tinhdo.net/cacbaivietlienquan/164-niemphattongyeu.html)
A Di Đà Phật
Vài lời chia sẻ
-Nói Pháp tùy từng căn cơ của người Pháp mà có cách nói khác nhau,người ưa đơn giản thì nói đơn giản,người thích chi tiết thì nói rõ ràng hơn
-Nói về bồ đề tâm thì cũng có nhiều loại bồ đề tâm,nếu gặp người đơn giản,bạn nói về bồ đề tâm với họ cả ngày thì họ vẫn cứ ko hiểu bồ đề tâm là gì cả,thì khi ấy phải nói đơn giản đi,như Ngẫu Ich đại sư nói chân thật phát nguyện vãng sanh Cực Lac,cái tâm phát nguyện ấy chính là bồ đề tâm,nói như vậy thì người ta hiểu ngay.Như vậy ngay cả khi họ ko biết bồ đề tâm là gì nhưng họ chỉ cần chuyên trì niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thì tự nhiên bồ đề tâm sẽ được hình thành trong đó.Còn đối với những người thích chi tiết thì phân tích nói rõ ràng thành từng phần một
– Pháp Nhiên Thượng Nhân khuyên dùng hạnh trì danh thâu nhiếp tất cả các hạnh khác bao gồm cả bồ đề tâm,trì giới,…Thâu nhiếp như thế nào
-Suốt ngày niệm Phật thì sẽ ko còn thời gian đi ra ngoài đường để trộm cướp,tà dâm,…. Suốt ngày niệm Phật thì cũng ko còn miệng để mà đi nói dối,nói ác khẩu,…Như vậy dù ko trì giới mà giới lại được thành tựu,ko phát bồ đề mà bồ đề lại tự thành tựu
-Nhưng chúng ta có làm đúng được như lời Pháp Nhiên Thượng Nhân ko,có thể làm kẻ vô năng vô trí niệm Phật như Ngài nói ko.
-Chúng ta chẳng phải là bậc thượng căn mà cũng chẳng phải là kẻ vô năng vô trí niệm Phât.Không phải là hai người này,mà nói ko cần giới thì thật nguy hiểm.
-Phần lớn chúng ta ko thuộc hai loại căn tánh ấy,ngài Hạ Liên Cư hội tập bản Vô Lượng Thọ rất có ích cho người hiện đại,vì trong đó có những phẩm Phật nói rõ về ngũ giới thập thiện,nếu giới ko cần thiết,bồ đề tâm ko cần thiết thì Phật nhọc công nói làm gì.Chúng ta đang sống cùng thời đại với hòa thượng Tịnh Không,hãy nghe lời Ngài giảng sẽ hợp với lớn với nhiều người thời bây giờ hơn
-Nói tóm lại,ngoài niệm Phật vẫn phải để ý giữ những giới căn bản tại gia.
-Chúng ta là kẻ hạ căn,chẳng thể bắt trước kẻ thượng căn được,bắt trước kẻ vô năng vô trí thì chúng ta có thể làm được một vài phần,chứ hoàn toàn thì cũng chẳng dễ đâu,dễ thì ai cũng làm được hết rồi.
Chào bạn Cường,
Bạn hãy xem kinh “Niệm Phật Ba La Mật” nhé, trong đó đức Thế tôn có giảng 10 thứ tâm mà người niệm Phật nên có (trong đó có bao gồm bồ đề tâm, giữ giới,…). Kế tiếp đó Ngài lại dạy như sau.
“Mười thứ tâm thù thắng ấy, thật ra vừa là nhân vừa là quả. Nhân cùng quả thì không bao giờ rời nhau. Người tu môn niệm Phật thì phải đề khởi mười thứ tâm thù thắng, mới nhanh chóng thâm nhập Niệm Phật Tam-muội, hiện bày cảnh giới Cực-Lạc. Hoặc ngược lại, người đặt trọn tín tâm nơi Bản-nguyện và cả đời chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Phật, thì dần dần đi vào Niệm Phật Tam-muội, tự nhiên thành tựu mười thứ tâm thù thắng nói trên”
Như vậy thì có thể thấy bài giảng của hai vị này đều là giảng chánh pháp và không hề trái ngược nhau.
Chúc bạn tu tập tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Tôi xin cảm ơn các vị đạo hữu đã thành tâm chỉ giáo.
A Di Đà Phật!
ĐÂY CHÍNH LÀ LÝ DO TẠI SAO CHƯ BỒ TÁT ĐẠI THỪA HƠN CHƯ THÁNH A LA HÁN, VÀ DUYÊN GIÁC BÊN TIỂU THỪA
Nầy Xá Lợi Phất! “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật, một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Trí huệ của hàng Thanh Văn, Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, trí huệ của hàng Bích Chi Phật, trí huệ của Phật, những trí huệ nầy không sai biệt, không chống trái nhau, đều là vô sanh tánh không. Nếu đã là tánh vô sanh tánh không, chẳng trái nhau thời là không sai khác nhau. Cớ sao đức Thế Tôn lại dạy rằng Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ hơn trên tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật?”
Phật nói: “Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật một ngày tu tập trí huệ, tâm niệm rằng: Ta hành đạo trí huệ LỢI ÍCH TẤT CẢ CHÚNG SANH, ta sẽ dùng nhứt thiết chủng trí biết rõ tất cả pháp, ĐỘ THOÁT TẤT CẢ CHÚNG SANH.
Nầy Xá Lợi Phất! Ý của ông nghĩ thế nào, trí huệ của hành Thanh Văn, Bích Chi Phật có những sự như vậy không?”
-Bạch dức Thế Tôn! Không ạ.
-Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật có quan niệm nầy: Ta sẽ thành Vô thượng Bồ đề độ thoát tất cả chúng sanh, làm cho họ đều được vô dư y Niết Bàn, như chư đại Bồ Tát không?
-Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.
-Nầy Xá Lợi Phất! Do những cớ trên đây nên biết rằng trí huệ của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật sánh với trí huệ của đại Bồ Tát không bằng một phần trăm, nhẫn đến không bằng một phần thí dụ.
Nầy Xá Lợi Phất! Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật có quan niệm nầy: Ta thật hành sáu ba la mật, thành tựu chúng sanh, trang nghiêm Phật độ, đầy đủ mười trí lực, bốn vô sở úy, bốn vô nggại trí, mười tám pháp bất cộng, độ thoát vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết Bàn như chư đại Bồ Tát không?
-Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.
-Nầy Xá Lợi Phất! Ví như loài đom đóm kia chẳng bao giờ nghĩ rằng mình như mặt nhựt mọc lên chiếu ánh sáng khắp Diêm Phù Đề.
Cũng vậy, hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật chẳng có quan niệm như đại Bồ Tát: Ta thật hành sáu ba la mật nhẫn đến mười tám pháp bất cộng được Vô Thượng Bồ đề, độ vô lượng vô số chúng sanh đến quả Niết Bàn”.
(Trích Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Phẩm Tu Tập Đúng Thứ Ba)
Tâm lượng của đại Bồ Tát và chư Phật vô lượng vô biên dường như không có ngằn mé. Hạnh nguyện của các ngài thật bao la vĩ đại. Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, nam mô A Di Đà Phật.