Trong chín phẩm vãng sanh, năm phẩm trước (Thượng thượng, Thượng trung, Thượng hạ, Trung thượng, Trung trung) là kết quả của sự tu tập hồi hướng công đức nguyện cầu sanh về thế giới Cực lạc. Phẩm vị sở dĩ có cao thấp bất đồng là căn cứ nơi công tu tập sâu cạn mà có sai biệt.
Chí như bốn phẩm sau (Trung hạ, Hạ thượng, Hạ trung, Hạ hạ) thì lại không cùng có nguyên nhân như trên. Những kẻ được vãng sanh thuộc 4 phẩm này chưa từng tu pháp xuất thế gian. Như phẩm thứ 6 (Trung hạ) chẳng hạn, thì chỉ có nguyên nhân là hiếu thuận với cha mẹ, nhơn từ với làng xóm, nghĩa là chỉ cần tu theo thiện pháp thông thường của thế gian mà thôi. Ba phẩm chót thuộc bậc Hạ sanh thì không những chưa tu thiện pháp thế gian mà lại còn tạo nhiều trọng tội nữa. Theo luật quả báo, lúc lâm chung, ác tướng hiện bày, lẽ đáng phải đọa ba đường dữ là địa ngục, ngã quỷ hay súc sanh. Thế mà, nhờ gặp thiện tri thức, phát được tín tâm trong lúc ấy, cũng được vãng sanh. Các trường hợp này, trong kinh mệnh danh là “đới nghiệp vãng sanh.” Đới nghiệp vãng sanh toàn là nhờ nguyện lực rộng lớn của đức Phật A Di Đà vô cùng vô tận vậy. Vì lẽ đó, tông Tịnh độ này đem so với các pháp môn tu trì khác, không pháp môn nào bì kịp. Cho nên, trong “Phật giáo Sơ học Khóa bổn” nói rằng: “Những điều trong Quán kinh dạy thật rất kinh dị: Tạo tội ngũ nghịch mà vẫn được vãng sanh. Nguyện lực Phật quả khó lường. Trong tam tạng giáo điển, trừ Quán kinh ra, không thấy có chỗ nào nói như thế”, thật là một pháp môn đặc biệt hy hữu.
Điểm thứ hai cần chú ý về Tịnh độ tông là sức hộ niệm của thiện hữu tri thức phối hợp với nguyện lực bất khả tư nghì của Đức Phật A Di Đà, điểm đặc biệt này cũng choán hết 4 phẩm sau. Quả vậy, những kẻ được vãng sanh thuộc 4 phẩm sau lúc sanh tiền, chưa từng nghe đến vấn đề sanh Tịnh độ, chưa hề lưu ý đến Phật pháp, thế mà khi sắp lâm chung được gặp thiện tri thức khuyến khích tán thán xưng niệm danh hiệu, kết quả cũng được ngồi lên đài sen sanh về nước Phật, như thế, chúng ta thấy công năng gia trì hộ niệm của thiện tri thức vô cùng quý báu, quý báu cơ hồ như ngang với Phật lực!
Đồng thời, ta cũng nên ý thức sự quan trọng của giờ phút lâm chung là như thế nào ? Mặc dù bình sanh có tu hay không tu, căn cứ vào trạng huống lúc lâm chung, người ta có thể quyết đoán rằng: “Hễ trong giờ phút lâm chung mà được thanh tịnh thì bất luận là ai, cũng đều được vãng sanh tất cả.” Trái lại, giả sử cả đời tu hành, nhưng đến giờ phút lâm chung mà còn luyến tiếc, nghi ngờ, rối loạn, thì không thể nào vãng sanh được. Cho nên, những bậc thiện tri thức và ban hộ niệm không thể vắng mặt trong giờ phút “thiên thu vĩnh biệt” mà dù là Phật tử hay không Phật tử, nếu người ấy muốn có một cuộc đời hạnh phúc vĩnh cửu sau khi bỏ đời này qua đời khác.
Điểm thứ ba cần chú ý nữa là: không nên lầm lẫn giữa kết quả tất nhiên là 5 phẩm trước và kết quả hy hữu là 4 phẩm sau.
Khi nghe nói rằng chúng sanh trong 4 phẩm sau, lúc sanh tiền chưa từng niệm Phật, ngược lại còn làm các điều dữ, miễn lúc lâm chung gặp được Thiện tri thức chỉ điểm khai đạo, niệm được 10 lần danh hiệu Phật cũng vãng sanh; nghe nói như vậy rồi cho rằng lúc sanh tiền cần gì tu hành niệm Phật và làm các điều phước thiện cho nhọc sức, đợi lúc gần lâm chung nhờ người niệm hộ và tự mình chỉ cần niệm mười lần là đủ rồi. Quan niệm như thế, thật là vô cùng lầm lạc. Như vậy tỏ ra không hiểu ý nghĩa và tác dụng của pháp niệm Phật.
Bình thời, niệm Phật là gây cho mình một thói quen. Nhờ thói quen ấy nên lúc lâm chung, dù gặp hoàn cảnh nào cũng không quên niệm Phật. Có như thế mới có cảm ứng. Đó là hiện tượng chánh thường. Chứ như bình thời không niệm Phật vì không biết Phật, nhưng (lúc lâm chung, nhờ cơ duyên tốt, gặp được thiện trì thức hộ niệm dạy bảo), nhơn đó phát sanh chánh niệm, liền được vãng sanh. Đây là hiện tượng đặc biệt.
Cả hai trường hợp đều xuất ở lòng thành thật. Có khác chăng là hiện tượng chánh thường, chúng ta nên nương tựa vì ta là chủ động. Hiện tượng đặc biệt khó mà ỷ lại vì ta không chủ động được và trong muôn người chưa có được một thừa hưởng đặng cơ duyên hy hữu ấy.
Hơn nữa, biết mà không làm, đợi đến phút lâm chung mới chịu phát tâm, sự phát tâm ấy làm sao gọi được là chơn chánh ? Với một bộ óc tính toán và vụ lợi như thế thì chỉ có thể phát sanh ra tà niệm mà thôi!
Tình cảnh chết chóc của loài người thật là thiên hình vạn trạng. Có kẻ chết không được an lành như chết trong lao tù, chết trên chiến địa, chết bên đường ngoại nội, chết trên bàn mổ ở dưỡng đường v..v… và v..v… Những cảnh chết như thế thì làm thế nào gặp được thiên tri thức hộ niệm ? Không phải ai cũng chết an lành và chung quanh có kẻ thân thuộc hết ? Đó là chưa kể trường hợp gia nhơn vì bối rối hoặc vì không tin nên không mời kịp hay không chịu mời Thiện tri thức hộ niệm! Lại có kẻ chết bất thần không thể nào mời kịp, hoặc có mời kịp nhưng tâm thần bệnh nhân hỗn loạn không thể nghe và không thể niệm theo thì biết làm thế nào? Biết bao nhiêu là vấn đề nan giải trong lúc bối rối ấy.
Trong lời đại nguyện thứ 19 của Đức A Di Đà chỉ nói khi thân mạng gần lúc lâm chung có Phật và Bồ tát đến đoanh vây, chứ không nói trạng huống lúc lâm chung như thế nào. Vì thế kẻ hành giả đã từng phát nguyện cầu vãng sanh thì bất luận chết cách nào, hoặc bằng pháo đạn gươm dao, thuốc độc, huyết dư, dịch tả, hoặc bị đánh đòn, bị cọp bắt, bị điện giật, bị lửa cháy, bị nước trôi v..v… Hoặc kịp niệm Phật, hoặc không kịp niệm Phật, trong giờ phút lâm chung thảy đều được Phật và Thánh chúng đoanh vây tiếp dẫn.
Tóm lại, ỷ lại vào Thiện tri thức không bằng tự trông cậy vào mình, cầu Phật lúc lâm chung không bằng cầu Phật thường xuyên hằng ngày. Sở dĩ hành giả bình thời xưng niệm danh hiệu Phật chính là ứng hợp với đại nguyện thứ 18: “Mỗi ngày mười niệm, quyết được vãng sanh”; bình thời phát nguyện cầu vãng sanh tức là ứng hợp với đại nguyện thứ 19: “Kẻ nào phát nguyện vãng sanh Cực lạc, lúc lâm chung sẽ có Phật đến rước”; và bình thời làm các công đức hồi hướng công đức về quả Cực lạc tức là ứng hợp với đại nguyện thứ 20: “Kẻ nào hồi hướng công đức, nhất định được vãng sanh.”
Hằng ngày, tu phép thập niệm, phát nguyện vãng sanh và hồi hướng công đức cũng như người có đóng bảo hiểm nhơn thọ. Một bên là đóng bảo hiểm vật chất, một bên là đóng bảo hiểm tinh thần; cả hai đều nhất định toại nguyện như nhau.
Như trên, ta thấy quả vãng sanh là một quả có bảo đảm chắc chắn. Mà nhơn vãng sanh lại là một nhơn dễ tu tập. Điều cốt yếu là phải thật hiểu nhơn tinh thần của Pháp môn niệm Phật mới sanh được chánh niệm. Đừng có như anh chàng nào đó thấy người sa chân xuống hố sâu, gặp may không chết lại lượm được vàng, rồi cũng tham lam bắt chước chúm chân nhảy xuống hố sâu để được lượm vàng, nào dè vàng tìm không gặp mà chỉ gặp Tử thần đương mừng rỡ đón chào. Bị tan xương nát thịt một cách oan uổng như thế, thật đáng thương thay!
Trích Pháp Môn Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Trí Thủ, 1961.
Nam mô A Di Đà Phật,
Thật là cảm kích khi đọc được những lời vàng ngọc này.
Con nguyện sẽ nghe theo lời chỉ dẫn của hòa thượng Thích Trí Thủ, con cũng đang tu theo pháp môn tịnh độ….
Đọc và trì tụng kinh VÔ LƯỢNG THỌ, cầu vãng sanh về tịnh độ…
Rất cám ơn Ngài đã khai thị cho con.
Nam mô A Di Đà Phật
Chúc Nghĩa
Nam mô adiđaphât . Con xin cám ơn thầy đã khai thị cho con . Lòng con rất vui mừng . Con nguyện một tín nguyện . Cầu sanh tây phương .