Ý Nghĩa và Quy Tắc Trợ Niệm
Trợ niệm là trợ giúp cho người đó vãng sanh. Người trợ niệm cần phải biết rõ đạo lý, phương pháp vãng sanh thì người đó mới có thể lợi lạc.
Con người lúc lâm chung, thần thức của họ đều không giống nhau. Những hành vi, việc làm hằng ngày, mọi thứ hình ảnh đó giờ đây sẽ hiện hành, dẫn dắt bổn tánh của ta hướng ra ngoài, lúc đó nghiệp lực của chúng ta sẽ hoàn toàn làm chủ, lực lượng nào lớn nhất sẽ dẫn đầu. Nếu nghiệp ác nhiều, lực lượng của của chủng tử ác sẽ lớn nhất, một khi chúng vừa xông ra liền đưa ta xuống tam ác đạo. Ngược lại, nghiệp thiện nhiều, chủng tử thiện sẽ dẫn ta lên hai cõi trời và người.
Hàng ngày có công phu niệm Phật tức có chủng tử Phật. Lực lượng của chủng tử Phật lớn thì sẽ xuất hiện trước, ta liền được Phật tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương. Nếu lực lượng này nhỏ yếu không xuất hiện nổi, nhờ có người khác ở bên cạnh giúp trợ niệm thì chủng tử này sẽ dễ dàng xuất hiện. Cho nên, trong lúc bình thường có tu trì, thì lâm chung chủng tử Phật sẽ xuất hiện ra trước, việc vãng sanh chắc chắn có nhiều hy vọng. Trợ niệm chính là giúp cho họ khơi dậy câu Phật hiệu. Người Phật tử, bất luận trong lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, khi lâm chung muốn chủng tử Phật xuất hiện, thì duy nhất chỉ có bốn chữ “A Di Đà Phật” mới hữu dụng.
Câu nói này vô cùng quan trọng, mọi người cần phải luôn luôn ghi nhớ một cách sâu sắc.
Khi trợ niệm phải tuân thủ theo qui tắc. Người trong nhà bệnh nhân không được quấy nhiễu, hoặc tự đưa ra ý kiến. Người đã chết rồi, đừng nên làm điều gì cho rộn ràng. Lúc ban hộ niệm đến nhà có thể chuẩn bị trà nước, ngoài ra không phải chuẩn bị gì hết.
Người trợ niệm cần phải lưu ý hai điểm:
1. Tự mình đem cơm theo, đừng làm phiền tang chủ. Có thể uống trà nước của họ.
2. Chớ bao giờ nhận tiền (lì xì). Điểm này tuyệt đối không được phá lệ.
Một khi phá lệ, nếu không có nhận được tiền lì xì, thì tâm sẽ không tập trung, không thành tâm để niệm, lúc đó việc trợ niệm sẽ biến thành việc mua bán. Đây là điều phá hoại Phật pháp! Ngay đến việc nhận quà cũng không được. Người tại gia đi trợ niệm, lấy tiền tức là tạo tội và nghiệp. Lấy tiền của người khác thì ban trợ niệm này coi như hỏng hết! Mọi người phải học theo Ấn Tổ (Ấn Quang Đại Sư), nếu không sẽ là kẻ phản đồ. Không tuân thủ theo qui tắc là lừa Thầy diệt Tổ vậy!
Phàm là liên hữu gia nhập vào ban niệm Phật đều phải có danh sách. Quyến thuộc của ban viên tin tưởng Phật pháp, khi hữu sự chúng ta phải đi trợ niệm. Nếu không tin Phật pháp thì không cần phải nói nữa. Đây là phạm vi của việc trợ niệm.
Khi đi trợ niệm, những thứ cần chuẩn bị như sau:
Một bức tượng Phật lớn cỡ 1 thước, một lư hương, một hoặc hai cái khánh, một cặp đèn cầy, nhang (không cho gián đoạn), một ly hoặc chén đựng nước. Chúng ta phải mang theo những thứ này, bất luận trong nhà của tang chủ có hay không.
Tượng Phật đặt ở vị trí sao cho bệnh nhân có thể nhìn thấy (đây là nguyên tắc). Không nhất định phải đính vào tường hoặc treo, vẫn có thể đặt trên bàn. Cũng không nhất định phải phân biệt hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; vì nhà của mỗi người khác nhau. Vả lại mười phương tự nó vốn không phân biệt Đông, Tây, Nam, Bắc. Nơi nào có hình Phật nơi đó có hướng Tây.
Sáu chữ, bốn chữ, phải theo qui tắc mà niệm. Trước tiên niệm “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới đại từ đại bi A Di Đà Phật”. Sau đó từ sáu chữ chuyển thành bốn chữ, dùng một hoặc hai chiếc khánh phối hợp với nhau đánh.
Nhang đèn của mình mang theo khi dùng hết, có thể dùng của tang chủ. Nếu họ không có, không thắp cũng được.
Sau khi bước vào nhà, vị trưởng ban hộ niệm an trí hình Phật trước, sau đó thắp đèn và nhang. Sắp xếp xong chỗ ngồi và đứng cho ban viên, thì bắt đầu niệm. Việc sắp xếp vị trí ngồi, đứng rất quan trọng, vì ổn định vị trí khiến cho người bệnh được an tâm, không phải cứ mãi hướng theo chúng ta mà nhìn Đông ngó Tây.
Trường hợp người bệnh chưa tới lúc nguy cấp, có thể khởi đầu bằng câu “Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật”. Nếu lúc nguy cấp thì bắt đầu ngay từ sáu chữ. Trường hợp thấy nguy cấp hơn nữa thì trực tiếp niệm bốn chữ là được. Một câu “A Di Đà Phật” bao gồm đủ cả ba thừa. Điều quan trọng là ở chỗ khơi dậy được câu danh hiệu Phật ở nơi người bệnh, công đức ấy thật vô lượng.
Người trợ niệm cần phải lưu ý, trưóc khi vô nhà phải tìm chủ nhà trước, gặp được chủ nhà rồi mới vào để tránh việc nghi ngờ khi họ bị mất đồ. Chủ nhà hướng dẫn chúng ta đi đâu thì chúng ta đi đó.
Lúc không trợ niệm thì ngồi một chỗ nghỉ ngơi, không làm việc gì cả. Khi hộ niệm thì dốc hết tâm vào câu Phật hiệu. Trong lúc hộ niệm, người không phận sự không được vào làm nhiễu loạn, có thể đứng ở xa nhìn, không được nói rằng phải vào thăm bệnh, rồi nói những chuyện hoặc có những cử chỉ tình cảm. Phải biết rằng, một khi người bệnh động lòng là hỏng hết mọi việc!
Mọi người trong lúc bình thường công phu đều mong cầu được nhất tâm bất loạn, thì khi lâm chung cần phải nhất tâm bất loạn hơn. Người trợ niệm không được ho, ách-xì hoặc phát ra những âm thanh khác khiến cho người bệnh nghe được, đều không tốt. Muốn như vậy, trong lúc bình thường phải luyện tâm. Luyện tâm để không có tạp âm xen vào. Nếu không, người bệnh đang giữ chánh niệm để niệm Phật, bất thần bị một tiếng ách-xì mà giựt mình, để rồi hồn vía không biết sẽ bay đến tận nơi nào?!
Trong lúc bịnh nhân sắp tắt thở, giây phút này tối quan trọng, là giai đoạn khẩn cấp nhất. Người nhà lúc này thường nghĩ rằng phải tập trung ở trước mặt bệnh nhân, trường hợp này ban hộ niệm phải ngăn cấm, đừng cho họ khóc, đừng để họ kêu: “Ba ơi! Má ơi!” ầm ĩ lên. Hãy khuyên họ phải nhất mực niệm Phật, đừng vì tình cảm mà làm hư hỏng hết mọi sự.
Sau khi bệnh nhân tắt thở, nhưng linh hồn vẫn chưa đi, vì nghiệp lực của tâm thức vẫn còn ở trong thân xác chưa ra khỏi được. Những người có công phu tốt hoặc nghiệp tội nặng, chỉ trong khoảnh khắc là ra đi liền. Đối với người bình thường, tâm thức ra không nổi, cho nên rất khó khăn và đau đớn như rùa sống bị lột cái mai vậy. Do đó, phải niệm Phật 24 giờ không gián đoạn mới mong bảo toàn hiểm nguy. Đối với người thời xưa họ rất xem trọng điểm này.
Khổng Tử nói, sau ba ngày mới được đại liệm (chôn cất), vì sau ba ngày linh hồn mới đi khỏi. Các bậc Thánh nhân đều hiểu được điều này. Người bình thưòng đối với việc sanh tử đại sự, đa số đều không rõ.
Vị trưởng ban hộ niệm phải dặn dò người nhà của bệnh nhân rằng: trong vòng 12 tiếng đồng hồ không được động đậy đến thể xác, không được thay áo quần hay rờ vào. Bất cứ người nào cũng không được đụng vào. Phải chờ sau thời gian hộ niệm mới được đụng vào thể xác. Nếu thấy thân xác bị cứng, chỉ cần dùng nước nóng đắp lên là được.
Trợ niệm đến đây có thể tạm dừng, niệm bài văn hồi hướng (xem trang 3), rồi đảnh lễ là xong. Vị trưởng ban nếu có mền “chú đà la ni” (mền quang minh) thì tặng cho họ một tấm, cho một gói “quang minh chú sa”. Sau đó có thể ra về, không phải bận tâm nữa.
Tóm lại, ý nghĩa và qui tắc trợ niệm mọi người không thể không biết. Chư đại đức của Tịnh Độ ngày xưa có viết một quyển sách “Lâm chung cần biết”, mọi người có thể nghiên cứu tham khảo. Quả có thể giúp cho một người vãng sanh, thành tựu một vị Phật. Công đức này không thể đếm hết được.
Trợ Niệm Vãng Sanh Cần Biết
- Kệ phát nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền:
Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời
Tận trừ nhất thiết chư chướng ngại
Diện kiến bỉ Phật A Di Đà
Tức đắc vãng sanh An-Lạc sátTạm dịch:
Nguyện con lúc bỏ xác ra đi
Tận trừ tất cả mọi chướng ngại
Được thấy đức Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh nước An-Lạc - Lời của Ấn Quang đại sư:
Thành tựu cho một chúng sanh vãng sanh về Tây Phương tức thành tựu cho một chúng sanh thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn.
- Ba yếu tố thành công khi hộ niệm:
a – Bản thân người vãng sanh phải đầy đủ ba món tư lương: Tín-Hạnh-Nguyện. Trong lúc bình thường phải dặn dò người thân trong gia đình lưu ý những điều quan trọng cần biết. Ngài Ngẫu Ích đại sư nói: “Vãng sanh được hay không hoàn toàn do ở việc có Tín và Nguyện hay không. Phẩm vị thấp cao hoàn toàn do ở công phu trì danh sâu hay cạn”.
b – Con cháu, thân quyến phải tận đại hiếu, tâm từ bi ân huệ, thành khẩn tuân theo chế luật của Phật, hộ trì cha mẹ, thân quyến vãng sanh Tây Phương một cách như pháp. Cho nên nói: “Thân đắc ly trần cấu, tử đạo phương thành tựu”. (Cha mẹ được xa lìa bụi trần, mới gọi là trọn đạo làm con).
c – Chư vị đại đức, liên hữu (bạn đạo) vì đạo nghĩa thành khẩn trợ niệm, thành tựu cho người khác được vãng sanh. Đó chính là quả báo tốt để người khác thành tựu lại cho chính mình. Ấn tổ nói:
Khuyến thân tu Tịnh tận Nho đạo
Kỳ chúng vãnh sanh hướng Phật hoài
(Khuyên cha mẹ tu Tịnh, tròn đạo hiếu
Nguyện chúng vãng sanh, tròn Phật đạo)Nếu theo ba yếu tố trên mà hộ trì, trợ niệm một cách đúng pháp, thì chắc chắn rằng vạn người tu vạn người đi, thành tựu cho chúng sanh vãng sanh Tây Phương viên thành Phật đạo, công đức không thể nghĩ bàn. Giả như việc vãng sanh có chướng ngại, liền phải thành khẩn cầu Phật gia trì cho tiêu trừ chướng ngại, để thành tựu vãng sanh đại sự.
- Ấn Quang đại sư khai thị ba điểm lớn lúc lâm chung:
a – Giảng giải, chỉ bày, an ủi một cách khéo léo khiến cho sanh lòng tin, khuyên người bệnh buông xả tất cả, nhất tâm niệm Phật, nếu có việc gì bàn giao, căn dặn nên gấp rút nói rõ. Sau khi bàn giao rồi không nên nghĩ ngợi đến nữa, chỉ giữ một ý niệm duy nhất: “Mình sắp theo Phật vãng sanh về nước của Ngài”. Dùng tâm chí thành mà niệm Phật, chắc chắn cảm động đến Phật phát đại từ bi đích thân đến tiếp dẫn, khiến cho được vãng sanh.
b – Mọi người luân phiên nhau niệm Phật để giúp cho người bệnh được tịnh niệm.
Tâm và sức lực của người bệnh lúc này rất yếu, khó có thể niệm liên tục lâu dài, giờ này hoàn toàn nhờ vào sự trợ niệm của người khác mới có thể niệm một cách đắc lực. Nên biết, giúp người được tịnh niệm vãng sanh, tức được quả lành cho người khác trợ niệm trở lại mình. Đừng nói rằng, chỉ vì tận hiếu cho cha mẹ của mình nên mới làm việc trợ niệm. Làm cho người khác tức là tự gieo trồng ruộng phước cho chính mình, trưởng dưỡng thiện căn cho chính mình. Thành tựu cho một người vãng sanh Tịnh Độ tức là thành tựu cho ột chúng sanh thành Phật. Trợ niệm cần phải chia phiên, phần pháp khí chỉ duy nhất dùng “khánh”, tiếng niệm Phật rõ ràng từng chữ, không nhanh, không chậm.
c – Cấm kỵ di động thân xác hoặc khóc lóc để tránh làm hỏng việc.
Người bệnh khi sắp tắt thở cũng chính là lúc phải phân biệt cảnh giới giữa phàm, Thánh, người và quỷ ma. Cho nên, ngay lúc này chỉ có thể dùng danh hiệu Phật để khai thị, hướng dẫn thần thức của họ chứ không được tắm rửa, thay quần áo, di động, than khóc. Tùy theo ý thích của người bệnh muốn ngồi hay nằm cũng được. “Nóng ở đỉnh đầu sanh về Tịnh Độ, ở trán sanh về trời, ở ngực sanh về cõi người, ở bụng sanh ngạ quỷ, ở đầu gối sanh vào cõi súc sanh, dưới bàn chân sanh về địa ngục”. Biết vậy, mọi người đều phải niệm Phật một cách khẩn thiết, đừng để ý thăm dò hơi nóng nằm ở đâu, quyết định sẽ giúp họ đới nghiệp vãnh sanh (còn mang nghiệp mà vẫn được vãng sanh).
Thơ xưa có câu:
Ngã kiến tha nhân tử, ngã tâm nhiệt như hỏa
Bất thị nhiệt tha nhân, khán khán luân đáo ngãTạm dịch:
Tôi thấy người ta chết, tâm tôi nóng như lửa
Chẳng phải vì người nóng, thấy rằng sẽ đến tôi.
Trợ Niệm Cần Biết Thêm
- Thiết bị:
Trước tiên phải an trí tượng Phật, nhang đèn, lấy hướng tây làm chuẩn nhưng không nên miễn cưỡng. Nếu trong phòng đã có sẵn hình Phật thì không cần phải thiết bị thêm. Khói hương cần tránh quá nồng vì sẽ trở ngại cho việc hô hấp của bệnh nhân.
Vị trí hình Phật đặt hoặc treo nơi nào cho bệnh nhân có thể nhìn thấy. - Khi bắt đầu:
Người trợ niệm chỉ niệm “A Di Đà Phật”. Chỉ dùng khánh, không dùng những loại pháp khí khác, cũng không tụng bất cứ kinh điển nào.Người trợ niệm khi vừa tới nhà bệnh nhân, thấy họ đã đến lúc khẩn trương hay nguy cấp thì miễn nghi thức thiết kế bàn Phật, có thể trực tiếp đến trước bệnh nhân đánh khánh niệm 4 chữ Phật hiệu “A Di Đà Phật”.
- Số người trợ niệm:
Mỗi nhóm từ 2 đến 5 người cùng niệm, tối đa không quá 10 người.
Mỗi nhóm thay phiên nhau niệm 2 giờ đồng hồ. - Khai thị:
Nếu thần thức của bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể do người phụ trách của ban trợ niệm khuyên họ buông xả vạn duyên để niệm theo tiếng Phật hiệu, hoặc niệm trong tâm, hoặc lắng tai nghe theo.
Nếu người bệnh có điều gì lưu luyến, người phụ trách nên giảng giải cho họ hiểu: nếu thọ mạng chưa dứt bệnh sẽ chóng lành; nếu thọ mạng không còn thì sẽ vãng sanh Cực Lạc. Giải thích cần vắn tắt như vậy để giúp cho họ giữ chánh niệm. - Đề phòng chướng ngại: Có 2 trường hợp:
– Đối với thân quyến của người bệnh, cần họ cử ra một người phụ trách trong việc hộ niệm. Phàm những việc gì có liên quan đến bệnh nhân có thể nhờ họ giúp ban trợ niệm liên lạc dễ dàng.– Hoặc giả không cần người nhà của bệnh nhân, ban hộ niệm tự bắt đầu trợ niệm. (Luôn nhớ, không được ở trước mặt bệnh nhân hỏi chuyện gì khác ngoài việc niệm Phật). Nếu người nhà của bệnh nhân là người hiểu đạo, muốn tham gia việc trợ niệm thì nên nhờ người trong ban nói với người phụ trách (trưởng ban, trưởng nhóm). Sau khi được chấp thuận mới được tham gia.
- Cấm kỵ:
– Người bệnh nếu muốn tắm rửa, việc thay quần áo phải xong trước khi trợ niệm. Việc này phải do người trong nhà phụ trách. Tuy nhiên phải xem tình trạng của bệnh nhân mà tắm và thay áo nhanh hay chậm. Nếu bệnh nhân không muốn, không nên cưỡng ép mà tăng thêm sự đau đớn của họ.
– Một khi đã bắt đầu trợ niệm, mọi việc thay đồ, tắm rửa, di động đều bị ngăn cấm.
– Không được đến trước bệnh nhân nói nhảm hay an ủi theo kiểu thế tục, hoặc hỏi lời di chúc hay than thở khóc lóc, khơi dậy những tình cảm yêu thương làm chướng ngại cho đường vãng sanh.
– Trong lúc vãng sanh, bệnh nhân có thể: ngồi, nằm, nằm nghêng, hoặc nằm thẳng đều phải tùy thuận theo họ, không được cưỡng ép.
– Sau khi lâm chung, trong vòng 8 tiếng đồng hồ không được di động, tắm rửa, thay áo quần. Nếu xương cốt bị cứng thì dùng khăn tẩm nước nóng đắp lên, không bao lâu sẽ mềm lại.
– Sau khi lâm chung từ 8 đến 12 giờ không được sờ vào xác để thăm dò hơi ấm, càng không được than khóc. - Sau khi người bệnh lâm chung trong vòng 8 giờ đồng hồ không được ngừng tiếng niệm Phật. Qua thời gian này xem như việc trợ niệm đã tròn nhiệm vụ. Sau khi ban trợ niệm làm tròn nhiệm vụ, người nhà muốn tắm rửa, thay áo quần, di động hay khóc than thì tùy ý.
- Thân quyến của người bệnh nếu không y theo điểm qui định thứ 2 và thứ 3, ban trợ niệm tức khắc đình chỉ nghĩa vụ trợ niệm.
- Phòng của bệnh nhân phải quét dọn sạch sẽ. Những đồ vật không cần thiết, nên dọn cho trống thoáng.
Thứ nhất: Tránh đụng đậy tạo ra tiếng ồn ảnh hưởng đếnh bịnh nhân.
Thứ hai: tránh sự bất tiện cho người hộ niệm khi ra vào.
Trước giường bịnh nhân nên treo hình Phật A Di Đà, nơi bịnh nhân có thể nhìn thấy và cúng dường hương hoa. Trong lúc bịnh nhân còn tỉnh, nếu có đại tiểu tiện, liền gọi người nhà thay rửa sạch sẽ.
Trường hợp bịnh nhân sắp đến lúc tắt thở thì không được thay rửa, chỉ nhất mực tiếp tục phát tâm niệm Phật cho dù có mùi hôi. Nên biết rằng trợ niệm là đảm nhận trách nhiệm của Như Lai để cứu độ chúng sanh ra khỏi sanh tử, há vì những mùi hôi uế đó mà bỏ đi trách nhiệm của mình chăng? Vả lại, mỗi người chúng ta đến lúc lâm chung cái thân thể phân đoạn sanh tử này ai dám bảo đảm rằng mình không có ô uế? Nếu mọi người nghĩ được như vậy, tâm của chúng ta sẽ không còn để ý đến mùi hôi uế nữa. Cho đến khi thân thể bịnh nhân hoàn toàn lạnh hết mới được thay rửa. Trước hình Phật không được để mùi hôi uế. Nhưng vì chiếu cố đến việc giữ chánh niệm cho bịnh nhân sắp tắt thở nên phải để yên vì sợ làm hỏng việc vãng sanh đại sự, không thay rửa đồ hôi uế của bịnh nhân là việc bất đắc dĩ nên có có tội và lỗi. - Nếu trong lúc trợ niệm, thấy bịnh nhân như bị hôn trầm, giống như đang ngủ, người trợ niệm nên dùng “khánh” để kế bên tai của bịnh nhân gõ một tiếng hoặc nhiều tiếng, đồng thời tiếng niệm Phật cất giọng cao hơn khiến tâm của bịnh nhân không bị hôn mê.
- Khi bệnh nhân sắp tắt thở, nếu ban hộ niệm hoặc trong gia quyến đông người, tốt nhất có thể chia thành nhóm đến trước hình Phật, quỳ niệm, lạy niệm và trong lòng mỗi người quán tưởng: Phật A Di Đà đang phóng đại quang minh, tiếp dẫn vong nhân, vong nhân đang ở trong hào quang của Phật chấp tay vãng sanh Tây Phương.
- Đang khi trợ niệm, thấy trên mặt bịnh nhân xuất mồ hôi, hoặc hiện vẻ lo âu, đầu, tay, chân cử động không yên, đây là hiện tượng của bệnh khổ, hoặc mắt nhắm lại như ngủ, đây là lúc chánh niệm của bịnh nhân không thể tự chủ được. Người hộ niệm phải đến gần bịnh nhân, lớn tiếng cảnh sách (nhắc nhở) ông… hay bà… Tây phương đang ở trước mặt ông (hay bà) cố gắng đề câu “A Di Đà Phật” lên, chắn chắn sẽ được đi về Tây phương. Nói như vậy hai lần, tối đa không được quá ba lần. Sau đó chỉ cất cao giọng niệm Phật.
- Người trợ niệm nên xem bịnh nhân như là thân thuộc của mình, mặc dù đời này không thật sự là thân thuộc, nhưng rất có thể đời trước hoặc nhiều đời trước đã từng là bà con thân quyến với nhau. Nghĩ được như vậy, cái tâm giúp người bịnh để trợ niệm sẽ thân thiết hơn nhiều.
- Khi trợ niệm được nhiều giờ, thấy tinh thần của bịnh nhân bỗng tỉnh táo hơn trước, có thể nói chuyện hoặc than thở hoặc thân thể cử động, trong tình huống này, người trợ niệm phải lưu ý không được xem họ đã lành bịnh, thường thường chỉ hai giờ đồng hồ sau họ sẽ tắt thở, giống như ngọn đèn dầu lóe lên một tia sáng trước khi vụt tắt.
Sau đây là lời từ kim khẩu của Thế Tôn đích thân tự nói trong kinh pháp: (Hán văn trang 73)
- “Phàm người niệm Phật, trong lúc bình thường tu quán tưởng, quán tượng, chưa đạt đến công phu tam muội.
Phàm người tu trì danh niệm Phật, chưa đạt được công phu nhất tâm bất loạn, một khi tới lúc lâm chung, bị bịnh khổ bức bách, thân tâm không thể yên ổn cùng đủ loại chướng ngại, quán tưởng quán tượng, trì danh đều không đề khởi được. Nếu có thể nghĩ: ở trước mặt mình, chân chân, thật thật, có Phật A Di Đà từ bi đưa tay tiếp dẫn, niệm niệm đều nghĩ mình phải vãng sanh Tây phương. Một niệm sau cùng có cái tâm nguyện sanh, liền theo một niệm của tâm nguyện vãng sanh này mà sanh Tây phương.”
Vãng sanh được hay không chính nhờ ở một niệm sau cùng này.
KỆ HỒI HƯỚNG
Nguyện đem công đức này
Hồi hướng ….. (họ và tên người vãng sanh)
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có kẻ thấy nghe
Đều phát lòng Bồ Đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc
Mười phương ba đời tất cả Phật
Tất cả Bồ Tát Ma Ha Tát
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Câu hỏi: Người bịnh đã chết, còn giúp họ niệm Phật có tác dụng gì ?
Trả lời: Bởi vì người bịnh vừa mới tắt thở, nhưng thần thức vẫn chưa hoàn toàn lìa khỏi thân thể, nơi họ sẽ được sanh về chỗ thiện ác chưa được quyết định. Ngay lúc này, giúp họ niệm Phật được sự diệu dụng vô cùng to lớn, phải biết rằng, phàm người đến lúc gần chết cũng chính là ngã rẽ của hai đường thiện, ác. Chúng ta làm người, từ nhiều đời kiếp đến nay đã tạo vô lượng vô biên những thiện nghiệp, ác nghiệp, ngay giờ phút này, chúng xuất hiện liên tục trong đầu óc. Nếu người lúc lâm tử (gần chết):
– Cái một niệm sau cùng là ác, liền lúc đó trong tâm xuất hiện cảnh giới địa ngục, ngạy quỷ, súc sanh. Một niệm mạng chung này sẽ theo những ác cảnh đi đầu thai vào ác đạo
– Một niệm sau cùng nếu là thiện, trong tâm liền xuất hiện thiện cảnh của trời, người, và theo những thiện cảnh này đầu thai vào thiện đạo
– Một niệm sau cùng nếu là niệm Phật cầu sanh Tây phương, trong tâm nguyện này sẽ xuất hiện thế giới Cực Lạc. A Di Đà Phật và chư Thánh chúng đến tiếp dẫn rồi liền theo cái tâm niệm sau cùng đó đi theo Phật A Di Đà vãng sanh về Thánh đạo của thế giới Cực Lạc.
Nên biết rằng, lý do mà chúng ta giúp người lầm chung niệm Phật, chính là vì một niệm sau cùng phải niệm Phật. Một niệm sau cùng biết niệm Phật, Phật A Di Đà sẽ ngay từ tâm niệm Phật của người chết xuất hiện, tiếp dẫn, người chết do tâm niệm Phật của mình theo Phật vãng sanh. Sau khi sanh về Tây phương sẽ vĩnh viễn đoạn dứt việc sanh tử của thế giới Ta bà, vĩnh viễn hưởng niềm vui sướng vô lượng.
Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng tại liên xã Đài Trung
A Di Đà Phật
Cho đệ tử hỏi: Phương thức trợ niệm của Cứ Sĩ Lý Bỉnh Nam dạy ở đây có một điểm quan trọng nhất mà hầu hết các BHN ở Việt Nam không (chưa) thực hiện.
* Phần Trợ Niệm Cần Biết Thêm
+ 4.Khai thị:
Nếu thần thức của bệnh nhân còn tỉnh táo, có thể do người phụ trách của ban trợ niệm…
—
Đệ tử thấy là hầu hết sau khi bệnh nhân tắt thở cũng như trước khi tắt thở các chủ sám đều khai thị, khai thị nhiều lần kèm thêm hồi hướng sau khi khai thị cho đến khi kết thúc.
Hay các BHN cho rằng khi còn điểm ấm thì thần thức vẫn còn tỉnh táo nên có thể GIÁN ĐOẠN CÂU PHẬT HIỆU như khi chưa tắt thở dẫn đến việc tùy tiện kiểm tra thoại tướng.
Nếu không phải như vậy, Quý Ngài cho chúng Đệ Tử biết điểm khác này là thế nào, xuất phát từ lời dạy của tổ sư, đại đức hay kinh kệ nào ạ.
Tại sao các Ban Hộ Niệm không học NGUYÊN TẮC TRỢ NIỆM CHO NGƯỜI LÂM CHUNG CỦA HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG đã được ghi bằng hình ảnh trên các bài giảng pháp – rất đầy đủ, rất chi tiết?
Câu hỏi có điều gì sai sót Đệ tử xin thành tâm sám hối ạ.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Xin Quý liên hữu đồng tu đọc kỹ:
http://thuvienhoasen.org/a13614/hoi-dap-tro-niem-khi-lam-chung
Và tham khảo video này ạ:
https://www.youtube.com/watch?v=qL7Pdse2-SI
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật. liên hữu xin kính hỏi:nghi thức trên có đoạn :”…kinh pháp (hán văn trang 73)”. viết như vậy không rõ kinh pháp là quyển kinh gì ạ. xin nêu rõ tên kinh sách để học giả vạn phần tin tưởng ạ. thành kính tri ân.