Trong thời mạt pháp này tìm cho ra một người tu hành để một đời này giải thoát khó dữ lắm! Thứ nhất là vì con người trong thời này không chịu tu. Người chạy theo đường lục đạo sanh tử thì nhiều, còn tu hành thì không chịu tu! Lại có người muốn tu mà lại không tu theo con đường liễu giáo thành đạo, mà thường đồng hóa chữ “Tu Hành” với một chút phước báu gì đó cho vui vui, cho tốt tốt… giống như những hội đoàn xã hội!
Trong khi đó thì pháp môn niệm Phật để vãng sanh về Tây Phương là cái pháp môn chính yếu của đức Thế-Tôn dạy cho chúng sanh thực hiện, để trong thời mạt pháp này được vãng sanh mà rất nhiều người không tin. Chính vì vậy mà hôm qua mình có đưa vấn đề là hãy cố gắng Nhiếp Tâm Niệm Phật, quyết lòng trong một báo thân này mình về Tây Phương, đừng có nên mở cái lục căn mình ra để tiếp nhận những trào lưu bên ngoài mà coi chừng chúng ta bị loạn tâm, bị chao đảo…
Ví dụ, như nghiên cứu nhiều quá là mở cái ý ra. Một khi mà cái ý mở ra thì chúng ta bị vướng vào gọi là “Tri Chướng”. “Sở Tri Chướng” là những kiến thức của thế gian nó ngăn cản con đường vãng sanh thành đạo. Và hơn nữa, khi mình tu niệm Phật để vãng sanh, tức là do thiện căn phước đức của mình lớn lắm mới gặp được và tin tưởng câu Phật hiệu. Hòa Thượng Tịnh Không nói, đi ra ngoài mình nói chuyện niệm Phật vãng sanh với người ta, một trăm người, nhiều khi tìm không ra một người, một ngàn người chưa chắc gì tìm ra được hai người tin tưởng! Lạ lắm! Quý vị đi cho thiệt nhiều rồi mới thấy. Như vậy thì người chống đối, bài bác, người ta tìm cách bẻ cong bẻ quẹo chuyện vãng sanh là sự thường, nhiều lắm!…
Trong kinh Đại-Tập, Phật có đưa ra danh từ gọi là “NGŨ NGŨ”. Hôm qua mình có nhắc tới ngũ ngũ, thì hôm nay nói ngũ ngũ luôn. “Ngũ Ngũ Kiên Cố“. Ngũ là năm. Ngũ-Ngũ là năm lần 500 năm. Phật chia ra cứ 500 năm thành một kỳ. Trong kinh Đại-Tập Phật chia làm năm kỳ, thì kỳ cuối cùng tức là cái kỳ 500 năm lần thứ năm, tức là 2500 năm, ứng với chính cái thời kỳ chúng ta đây. Nhất định chính là thời kỳ chúng ta. Thời kỳ này Phật gọi là “Thời Kỳ ĐẤU TRANH KIÊN CỐ”. Ngài không nói tới thời kỳ thứ sáu, không có 500 năm thứ sáu, tại vì 500 năm lần thứ năm là thuộc về mạt pháp, mạt pháp này nó sẽ kéo luôn tới 9000 năm nữa. Đây là trong thời gian đấu tranh kiên cố. Cho nên khi mình tu hành cần phải cẩn thận!…
Thời kỳ thứ nhất là “Giải Thoát” 500 năm, rồi thời kỳ “Thiền Định” 500 năm. Hai thời kỳ này thuộc về “Chánh Pháp” (1000 năm). Rồi đến thời kỳ “Đa Văn“, thời kỳ “Tháp Tự“, thuộc về “Tượng Pháp” (1000 năm).Thời kỳ Tượng Pháp, triết học mở ra nhiều lắm. Rồi Tháp Tự, tức là chùa chiền cũng mọc lên như nấm. Đó là phước. Nghĩa là, cũng còn chút phước của thế gian, thuộc về Tượng Pháp. Qua đến 500 lần thứ năm, tức là từ 2000 năm trở đi thuộc về mạt pháp, sự “Kiên Cố” này nó không nằm ở những vấn đề khác mà nằm ngay ở chỗ “Đấu Tranh“. Đấu tranh dữ lắm! Cho nên khi chúng ta biết tu rồi, thì phải biết sợ cái chuyện này. Khi mở cửa ra nghiên cứu, thường thì ta đọc toàn là những chuyện đấu tranh không thôi!
Có một lần tôi qua bên Mỹ, rồi qua bên Canada, thì tình cờ tôi đọc một bộ sách dày như thế này… dày vầy nè. Tôi lật qua sẹc sẹc, chứ không phải là đọc. Người ta đưa ra những lời chống đối Phật giáo. Họ chống không thể tưởng tượng được! Nghĩa là bất cứ một người nào xuất hiện ra trên thế gian này mà dưới hình dạng là một vị Sư, là một vị Tăng-Ni, là một Phật tử, một Cư Sĩ tu học Phật, cũng đều bị chống hết. Họ chống đến nỗi mà thành một bộ sách, hình như là hai-ba tập, dày như thế này! Khi nhìn vô… Xin thưa thực… mình không dám đọc! Tại vì mình đọc những lời đó, nếu lỡ mà nó thâm nhập vô tâm của mình, thì mình bị biến thành người có tâm phỉ báng Phật pháp. Dễ sợ lắm!
Chính vì vậy mà để thoát khỏi cái ách nạn gọi là “Đấu Tranh Kiên Cố” thì xin là, mình phải giữ cái tâm mình thanh tịnh. Cố gắng: Rời bỏ những cái kiến thức. Rời bỏ những cái thị phi. Rời bỏ những cái buồn phiền. Rời bỏ những cái, theo như Phật nói, là tam nghiệp thân khẩu ý.
Cái này nó quan trọng lắm! Nếu ví dụ như mình tu như thế này, gặp một người tới, người ta nói mình là loại người dị đoan mê tín, nếu mình mở lời cãi lại thì nhất định cái tâm của mình sẽ vướng vô cái bãi lầy này… cái bãi “Đấu Tranh”. Nếu người ta viết một bài báo chửi mình, mà mình viết trả lời họ, thì nó lôi cuốn mình vô trong vòng gọi là “Đấu Tranh Kiên Cố” liền! Cái cạm bẫy này dễ sợ lắm! Chính vì vậy mà Hòa Thượng Tịnh-Không… Quý vị nghe cứ nghe những lời của Hòa Thượng nói, không biết người ta có hiểu không(?), chứ còn tôi thì hiểu rõ lắm. Không biết sao chứ tôi hiểu rõ lắm. Ngài nói: Người ta chửi mình… Nhất định mình không được chửi lại. Người ta nói xấu mình… Nhất định mình không nói xấu lại. Người ta có quyền phỉ báng mình… Nhất định mình không phỉ báng lại.
Tại vì nếu người ta hạch hỏi mình những điều để cho mình cãi, mà mình cãi lại, thì mình bị lôi vào con đường đấu tranh. Mà lôi vào con đường đấu tranh chính là cái bẫy, cái cạm bẫy vô cùng nguy hiểm của suốt thời mạt pháp! Mà khi chui vào đó rồi thì nhất định không thể nào có thể vãng sanh, không thể nào vượt qua tam giới. Cho nên, hồi trước mình không biết tu thì mình thường hay chống người này chống người nọ, nói xấu người này nói xấu người nọ, thì nay mình biết tu rồi, phải biết sợ cái cạm bẫy của thời mạt pháp! Nhất định không được chống. Bây giờ người ta chống mình, chống tới đâu đi nữa, cứ để những lời chống đó bay vào trong không gian, nó mất hút đi… thì nhất định mình sẽ vượt thoát cái cạm bẫy này. Nếu không, quý vị tưởng tượng, hễ mình chống một cái thì cái chân mình lún vào trong cái bẫy. Mình cứ tưởng tượng có những cái bẫy, giống như cái bẫy chuột hay cái bẫy heo gì đó, nó quặp hai cái chân mình. Nếu tay mình mà giơ lên, thì hai cái tay mình đút vào hai cái bẫy khác nữa. Tưởng tượng như tay mình, chân mình, tứ chi của mình đã bị những cái bẫy giữ rồi, nó kéo sệt… sệt… sệt… sệt… Kéo sệt vào hầm lửa! Làm sao mà mình có thể thoát ra được? Không cách nào có thể thoát ra được!
Vậy thì, khi mà chúng ta biết được con đường vãng sanh về Tây phương, thì Phật nói những câu hết sức đơn giản, không có gì khó khăn. Đừng đem những cái chuyện của thời “Đa Văn“, tức là triết học, là những đạo lý cao siêu, những cái gì bóng bảy của thời “Đa Văn” áp dụng vào đây. Không được! Tại vì chỉ áp dụng được trong thời gọi là tượng pháp và tiền thời tượng pháp. Bây giờ đã đến thời mạt pháp rồi, ta không có quyền làm như vậy. Tại vì căn cơ chúng ta yếu lắm. Thời kỳ “Tháp Tự” cũng đã qua rồi. Tại sao vậy? Tại vì cái phước báu của con người thời mạt pháp quá yếu rồi, không còn nữa. Chính vì vậy mà ngài Ấn-Quang Đại Sư đưa ra một cái mẫu đạo tràng trong thời mạt pháp này. Không biết là Ngài có nói như vậy không? Mà thực ra hình như là trong tâm của Diệu Âm cứ nghĩ như vậy. Là tại vì thời này là thời “Đấu Tranh Kiên Cố“. Muốn tránh được cái “Đấu Tranh Kiên Cố” thì không có cách nào khác hơn là hãy âm thầm lặng lẽ mở một cái đạo tràng rất nhỏ, 10 người, 20 người, âm thầm lặng lẽ: Không mở bảng hiệu. Không trương cờ xí. Không có quảng cáo, cũng không có làm cái gì cả.
Để chi? Để âm thầm len lén trốn tất cả cái đoàn người đó, cái đoàn người mà coi như là ức ức người đi vào con đường khổ nạn! Chỉ có con đường biết lén lén trốn ra, thoát ra, để niệm Phật đi về Tây Phương. Chính vì vậy, chúng ta lập cái đạo tràng này y hệt mẫu đạo tràng của ngài Ấn-Quang, bảng hiệu không có, âm thầm lặng lẽ, bốn bên hàng rào khóa lại, âm thầm mà tu… Nhất định những thứ: Nào lễ lộc, nào là cờ xí… tất cả những thứ đó đóng hết, để quanh năm suốt tháng cùng nhau niệm Phật. Thì cái mẫu mực này là mẫu mực của ngài Ấn-Quang đưa ra để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu mà chúng ta không theo Ngài, xin thưa thực, Ấn-Quang Đại Sư là ai? Là ngài Đại-Thế-Chí, Ngài đã thấy trước hết trơn rồi. Ngài nói bây giờ… Phật giáo đến cái thời mạt pháp này cũng không còn khả năng để cứu chúng sanh nữa. Ngài nói vậy đó…
Ngài Hạ-Liên-Cư cũng đưa ra một cái mẫu mực để tu tập, không có lập ra cái chùa, không có lập ra cái Tôn-Giáo, mà lập cái “Hội-Đoàn”, gọi là “Tịnh-Tông Học-Hội“. Cái hội đoàn niệm Phật, âm thầm niệm Phật. Cứ ngày ngày niệm câu “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”, không thêm không bớt gì hết, để quyết lòng đi về Tây Phương. Cho nên gọi là “Tịnh-Tông Học-Hội” chứ không phải là Tịnh-Tông Giáo-Phái. Không phải như vậy.
Thực sự mình không biết sao? Nhưng các Ngài đưa ra những mẫu mực, mà khi đi sâu vào thời mạt pháp này mới thấy là những cái quyết định của các Ngài quá tuyệt vời! Vậy mà hình như chúng sanh không tìm ra, nhưng ngài Tịnh-Không đã tìm ra được. Ngài nói bây giờ nếu mà lập lên một cái đạo tràng to, trang nghiêm, rùm beng như vậy, nhưng mà vô trong đó rồi mới thấy. Thấy gì? Đấu tranh kiên cố! Dễ sợ lắm! Tình thực mà nói dễ sợ lắm! Không cách nào có thể tịnh được! Bây giờ làm sao? Hãy rút về âm thầm làm thành một cái hội nho nhỏ. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, một cái nhà nhỏ, cỡ chừng 5, 10, 20 người là đủ, rồi âm thầm lặng lẽ niệm Phật đi về Tây Phương, thì đây là những đạo tràng thành tựu trong thời mạt pháp này.
Cho nên khi mình hiểu được như vậy, mà cố gắng lập ra cái chỗ này chắc có lẽ cũng nhờ chư Phật gia trì, chư Long-Thiên gia trì nên chúng ta mới lập được, để âm thầm lặng lẽ một đường mà đi. Như vậy, thì rõ rệt đây cũng là cái phước phần của chúng ta trên con đường vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Mong tất cả chư vị hiểu được cái lý đạo âm thầm này, chúng ta hãy gắn bó với nhau, lặng lẽ… Đừng nên thấy chỗ kia sao thịnh vượng quá, mình cũng muốn thịnh vượng như vậy. Không! Đạo tràng này nhất định không phải là “Đạo Tràng Thịnh Vượng“, mà gọi là “Đạo Tràng Thành Tựu“. Nên nhớ! Thịnh vượng là của thế gian pháp, thành tựu là của Phật pháp.
Chúng ta đi con đường lặng lẽ mà thành tựu, chứ không phải rườm rà để thịnh vượng. Càng thịnh vượng thì chúng ta đối đầu không nổi! Mong cho tất cả chúng ta ai ai cũng vững tâm một lòng niệm Phật, rồi hỗ trợ cho nhau một cách tích cực trong những giờ phút cuối cùng. Đây là hành động cuối cùng và nhất định là cần thiết để giải quyết tất cả những ách nạn còn sót lại trong con đường tu hành để chúng ta vững tâm về Tây Phương gặp A-Di-Đà Phật.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm(Minh Trị)
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kính bạch Cư sĩ Diệu Âm
Con chỉ là Phật tử tự tu tại gia nhưng con đã từng nhiết tâm niệm phật A Di Đà. Chỉ trong một thời gian ngắn con đã nằm mơ thấy những thắng cảnh rất đẹp, rồi có đêm con mơ thấy 1 đài sen rất to và có rất nhiều người ngồi trong đó phía trên là Phật A DI ĐÀ mỉnh cười với con, có đêm con lại thấy Bồ Tát. Mà khi đó con chưa biết thế nào là Thắng cảnh của Tây Phương. Khi thấy những cảnh tượng đó con kể với chồng con thì chồng con nói rằng: Người ta tu nghiêm túc cả đời mới được thấy như thế mà con giám nói như vậy và nhiều lời chế nhạo con nữa. Thế là con mới quyết: “Đấu tranh kiên cố” vì lúc đó con chưa hiểu rõ. và 2 vợ chồng cứ đấu khẩu với nhau rất lâu, con tự nhiên thấy buồn rồi cũng từ hôm đó con niệm Phật ko tĩnh tâm được nữa (Khoảng 2 tháng nay rồi). Cứ mỗi lần niệm là con nghĩ đến Phật nhưng hình ảnh bị méo mó và xen những tạp ảnh khác vào.
Kính xin Thầy Diệu Âm cho con lời khuyên
Nam Mô A Di Đà Phật!
Chào bạn Chiên,
Bạn tin tưởng pháp môn niệm Phật, nhiếp tâm niệm và có được những cảnh giới như bạn kể thì quả là bạn có thiện căn nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp nên rất đáng khen và khích lệ. Rất tốt, bạn hãy cố gắng nhiều thêm nhé, không phải ai cũng được như vậy. Nhưng bạn đừng chấp và mong cầu vào nó, thấy mà như không thấy, vì tu hành mục đích là để cho tâm thanh tịnh, nếu như thích thú tự hào rồi đem đi kể thì sẽ đánh mất tâm thanh tịnh ngay (như bạn kể ở phần sau).
Trong khi tu tập, đừng cầu cảm ứng, cũng đừng cầu thần thông, đừng cầu bất cứ cái gì hết. Thấy như không thấy, nghe như không nghe….tâm chỉ chú trọng vào một câu niệm Phật như bạn đã từng làm mới khiến tâm bạn thanh tịnh trở lại. Vì có mong cầu cũng là tham, nó chỉ giúp cho bọn ma chạy vào quấy nhiễu tâm ta mà thôi. Cứ giữ mãi tâm thanh tịnh thì mục đích tu hành sẽ thành tựu, việc tu hành mới có hiệu quả thực sự. Kinh Kim Cang nói: “Tín tâm thanh tịnh tức sanh thật tướng”.
Vài lời chia sẻ mong bạn vượt qua giai đoạn thử thách. Chúc bạn tu tập ngày một tinh tấn và an lạc.
A Di Đà Phật.
Dù qì cũnq là qiấc mơ thôi! nếu qặp phật thì phước ai lấy hưởnq. Vợ chồnq đấu khẩu vì qiấc mơ thì e rằnq tâm niệm phật chưa phải đã lành. điều cơ bản tronq cuộc sốnq vợ chồnq chưa biết nhịn nhau thì niệm phật vô ích! niệm phật ko yên thì tâm chưa thành. Xin qóp ý cuối cùnq rằnq. niệm phật phải tĩnh mọi lúc, ko vì bảo vệ quan điểm của mìn mà mất lònq nquoi khác, dù có thấy phật, phật có vui đâu khi hiện ra tronq mơ mà thực tại thấy mọi nq cãi nhau.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con xin cảm ơn những lời khuyên của Quý Thầy.Con cũng xin hỏi Thầy thêm ý này: Con có nên Quy Y Tam Bào không? Hiện tại thì con chưa có nhiều thời gian, con chỉ tranh thủ rảnh rỗi lúc nào là tu tập, hoc hỏi trên những trang website vể phật trên mạng thôi. Mà con cũng chưa hiểu thấu ý nghĩa của việc Quy Y Tam Bảo. Quý Thầy mở lòng từ bi hỉ xả chỉ dẫn giúp con
A Di Dà Phật
Bạn Chiên thân mến,
Quy y Tam Bảo là việc bạn nên làm nhưng cứ tùy duyên, khi nào cảm thấy đủ duyên thì đến chùa vào những ngày rằm lớn để xin quy y. Quy y ở đây có nghĩa là nương tựa, Tam Bảo là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Bạn muốn tìm con đường giải thoát luân hồi thì bạn cần phải có nơi nương tựa và quy hướng thì việc tu tập mới an toàn có hiệu quả.
Tu theo pháp môn niệm Phật rất dễ, chỉ cần bạn hiểu và tin rồi thì không cần phải tìm hiểu thêm cho rắc rối mà chỉ có hành. Bạn có thể niệm bất kỳ lúc nào, niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Cho dù bận rộn đến đâu vẫn làm được. Đến người thợ rèn mà còn hàng ngày vừa làm việc vừa niệm Phật 3 năm biết trước ngày giờ vãng sanh cơ mà. Trong 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi đều giữ chặt câu A Di Đà Phật.
Còn như quá bận rộn nữa vì công việc có liên quan đến trí não thì hàng ngày cố gắng chí ít niệm cho được 9 lần, mỗi lần niệm 10 tiếng A Di Đà Phật:
– Sáng vừa ngủ dậy
– Trước khi ăn sáng và sau khi ăn sáng
– Trước khi làm việc chính trong ngày
– Trước khi ăn trưa và sau khi ăn trưa
– Trước khi ăn chiều và sau khi ăn chiều
– Cuối cùng là trước khi đi ngủ.
Sau đó quay về hướng Tây hồi hướng là xong. Bài hồi hướng:
“Con nguyện đem công đức niệm Phật hết ngày hôm nay, hồi hướng trang nghiêm Phật Tịnh độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm Bồ đề, hết một báo thân này, đồng sanh nước Cực lạc”.
Làm bất cứ việc gì cũng cần tâm thành và sự tinh tấn, thiếu thì khó thành công. Bạn cứ chăm chỉ làm hàng ngày, tùy duyên theo công việc mà niệm được càng nhiều càng tốt cho bạn. Pháp môn niệm Phật này niềm tin càng sâu thì bạn thích niệm Phật vô cùng, tự nhiên bạn sẽ tinh tấn hơn vì mỗi niệm của bạn như mỗi bước chân về Tây phương, gần với Đức Phật A Di Đà hơn một chút. Niệm Phật thì có Phật lực gia trì, an lạc trong hiện tại và vãnh sanh trong tương lai.
Chúc cho bạn sớm vững tiến trên đường tu.
@Chiên thân mến: Timlaiphattanh không phải Thầy gì hết mà chỉ là một Phật tử bình thường tu tập tại gia. Nhờ chút phước mọn mà biết đến pháp môn niệm Phật như người chết đuối gặp được phao. Trộm nghĩ không còn gì sánh bằng công đức của câu A Di Đà Phật nên tha thiết nguyện cho các bạn đồng tu đều tin sâu, tinh tấn dõng mãnh cùng nhau niệm Phật đồng vãng sanh Tây Phương Cực lạc quốc.
Nam Mô Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Xin cảm ơn Bạn rất nhiều!
Bạn chỉ là Phật tử tu tại gia mà đã tu tập và hiểu sâu được như thế thực sự mình rất khâm phục và cần học hỏi thêm nhiều. Rất may mắn cho mình đã có cơ duyên được giãi bày và nhận được lời phúc đáp từ phía bạn. Chúc cho bạn và gia đình luôn an lạc và hạnh phúc
Nam Mô A Đi Đà Phật!