Trong những pháp môn Phật dạy, tôi cả đời chuyên tâm nơi pháp môn Trì danh niệm Phật. Pháp tu niệm Phật có nhiều, trì niệm danh hiệu Phật là một trong những pháp niệm Phật. Đây là pháp môn dễ tu, dễ thực hành nhất, dễ thành tựu. Về chỗ thành tựu cũng như chỗ đạt được rất rõ ràng từng bước, từng nấc tiến, có thể diễn nói, có thể khắc nghĩa. Do cái rõ ràng mà người được nghe, người được biết, nghe cũng dễ mà biết đúng cũng dễ. Chỉ quan trọng là phải có lòng tin chân thật, chí nguyện vãng sanh chân thật và thực hành đúng pháp siêng năng. Được vậy, thì đã nắm vững ở pháp môn niệm Phật. Nếu lúc tu hành có sai cũng dễ nhận biết, làm đúng mình cũng tự biết, khi được mình cũng tự biết.
Tôi nói thật với các huynh đệ, những gì sau khi tôi đã hiểu đã biết, lúc thực hành như thế nào, trải qua mấy mươi năm, các huynh đệ đôi khi thắc mắc: không biết Hòa thượng tu như vậy thành tựu được gì không? Có được mà chỉ được bước đầu tiên thôi.
Các huynh đệ tụng kinh A Di Đà, đức Phật có nói, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân được nghe đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày nhất tâm bất loạn thì người đó đến lúc lâm chung được đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Lúc ấy, do sức niệm của mình đã vững, lại có Phật và Thánh cùng đến tiếp đón nên tâm không điên đảo, được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.
Khi về cõi Cực lạc lấy hoa sen làm bào thai mà sanh ra, thọ hưởng về chánh báo là thân thể, được thân kim cang bất hoại. Trong kinh nói, hoàn cảnh ở cõi đó rất rõ ràng, đất đai, nhà cửa, sự sinh hoạt đều rất trang nghiêm thanh tịnh, bảo đảm chắc chắn thành tựu quả vị Phật. Cho nên, vãng sanh Tịnh độ không phải chuyện tầm thường, phải được đức Phật cùng Thánh chúng đến tiếp đón.
Vậy làm thế nào chúng ta được sanh về cõi Cực lạc? Trong kinh A Di Đà nói: “Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. “Chẳng dùng chút ít” nghĩa là phải nhiều, nhiều thiện căn phước đức nhân duyên mới được sanh về. Nhưng muốn được nhiều phải làm sao? Theo lời Phật dạy, rất dễ hiểu, dễ thực hành, dễ được kết quả. Nghĩa là: Người nào nghe đến đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu. “Nghe đến” nghĩa là chưa từng nghe biết cõi Cực lạc và đức Phật A Di Đà, bây giờ mới được nghe biết danh hiệu của Ngài.
Bốn tiếng “Chấp trì danh hiệu” thường thường không ai chú ý. Khó lắm! Lời trong kinh nói là lời Phật nói không phải chuyện thường, từng tiếng phải nắm cho rõ chứ không phải như phàm phu nói chuyện với nhau. Nếu không như vậy thì sẽ hiểu sai lệch, đã hiểu sai thì tu sai, tất nhiên không có chỗ thành tựu. Thế nào mới đúng ở nơi “chấp trì danh hiệu”? “Chấp” nghĩa là nắm, “trì” nghĩa là giữ, tức là trong tâm thường niệm Phật luôn luôn, chẳng phải như lúc mới tập niệm hoặc nửa tiếng hay một tiếng, hoặc một trăm câu nhưng lúc buông ra thì trong tâm không nhớ niệm Phật. Như vậy nghĩa của “chấp trì” là nắm luôn giữ kỹ, không lúc nào không có, lúc có lúc không thì chẳng phải.
Về sau các bậc cổ đức diễn tả bốn tiếng ấy như là:
1. Bất niệm tự niệm: mình không nghĩ niệm nhưng trong tâm vẫn luôn tự niệm Phật.
2. Niệm lực tương tục: niệm Phật có sức mạnh thường niệm luôn, không lúc nào hở dứt.
Nếu người nào tự thực hành thì sẽ tự biết. Từ chỗ được “chấp trì danh hiệu” là đạt bước đầu tiên về đạo lực trong pháp môn Trì danh niệm Phật.
Tôi nói rõ cho các huynh đệ biết, điều này tôi cũng đã nói rồi. Từ trước đến giờ, tôi chuyên tu ở nơi pháp môn niệm Phật, là pháp tu mà Phật dạy từ phàm phu tiến lên bậc Thánh. Về chỗ thành tựu, tôi chỉ được bốn tiếng như trong kinh đã nói là “chấp trì danh hiệu”. Từ bước đầu tiên này mới được những bước sau như tiến lên tam muội (chánh định) chẳng hạn. Đến bây giờ, tôi cũng chỉ được tầng bậc này thôi, phần ít nhất của pháp môn niệm Phật. Đời tôi năm nay đã 96 tuổi mà thọ dụng không hết. Thứ nhất: ngũ tạng, lục phủ trong thân không sanh bệnh. Có lần tôi vô bệnh viện để khám bệnh. Sau khi khám xong, bệnh viện làm giấy kết quả xét nghiệm về tâm, cang, tỳ, phế, thận, máu huyết… Họ tổng kết rằng: kiểm tra kỹ, tất cả đều bình thường. Kế nữa, có điều làm chứng cho mình biết, các vị đắc đạo lên bậc Thánh, cái ngủ không có, thùy miên tâm sở bị trí lực làm cho thế lực của nó yếu hẳn hoặc mất đi. Người bình thường, thùy miên tâm sở còn nguyên, hễ nằm nhắm mắt thì khởi lên ngủ mê, còn trằn trọc không ngủ là bị bệnh mất ngủ. Còn người được đạo, thùy miên tâm sở yếu hoặc không còn. Vì sao? Vì có trí lực chế phục. Như lâu rồi cho đến bây giờ, mấy tháng nay tôi không ngủ. Mấy chú thị giả nói: “Con không ngủ một đêm thì ngày sau không làm gì được! Sư ông mấy tháng không ngủ tinh thần vẫn tỉnh sáng, còn phấn chấn mạnh hơn lúc trước kia”. Thỉnh thoảng tôi cũng ngủ nhưng ít lắm, đến đỗi chỉ khi có chiêm bao mới biết mình ngủ.
Trên đường đạo, mình biết rất rõ ràng chứ không phải mù mờ. Mù mờ nguy hiểm lắm! Chính mình không rõ để nhận biết, rồi tự viết thành sách. Người đọc tưởng rằng đúng, chẳng dè chỉ là phàm phu tự ý nói ra. Tôi thường nói, phải y cứ trong kinh làm chánh, gọi là Thánh giáo lượng. Trong kinh không nói, dù người có nói hoặc viết sách truyền bá thì chưa chắc chắn. Vì phàm phu vẫn phải phàm phu, chẳng thể phàm phu muốn thành Thánh liền thành Thánh.
Hồi xưa, tôi chuyên nắm giữ nơi pháp môn niệm Phật là do có tâm ưa thích. Tâm ưa thích này, nghiệm lại là tập quán quen thuộc của mình nhiều đời nhiều kiếp chớ không phải mới đây. Kế đến, tôi nhận thấy pháp tu này chắc chắn, từ chỗ ứng dụng tu đến lúc được kết quả đều có mực thước rõ ràng. Chẳng hạn, lúc hạ thủ công phu trì danh niệm Phật, bắt đầu thực hành cũng rõ ràng từ việc nghe tiếng Nam Mô A Di Đà Phật, chỉ có sáu chữ, dễ nhận, dễ biết, dễ nhớ. Nhưng niệm phải đúng pháp là thế nào? Lúc niệm Phật thì có âm thanh của câu Phật hiệu, nhưng tâm phải nhận rõ được tiếng niệm, chớ đừng miệng niệm mà tâm lại nghĩ việc khác. Ví dụ: miệng niệm Phật, trong tâm lại suy nghĩ xâu chìa khóa để đâu rồi? Như vậy là tu trật, đúng hay sai liền biết.
Niệm Phật đúng pháp là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”. Tiếng ở đâu thì tâm ở đó, tâm ở đâu thì tiếng ở đó. Niệm thầm hay ra tiếng đều phải vậy. Thế nên, lúc ứng dụng tu đúng hay không đúng tự mình dễ dàng phân biệt. Muốn niệm đúng pháp cũng khó lắm! Tâm phải theo tiếng rất khó! Khó kềm, khó nhiếp cho đến phải dùng xâu chuỗi, nhờ lần chuỗi để trói buộc cái tâm loạn tưởng lại, chứ không phải lần chuỗi thiệt lẹ hột này rồi đến hột khác.
Thuở trước, tôi tự tìm cách để niệm Phật. Lúc ngồi lại niệm Phật thầm, tôi định thời gian là một xâu chuỗi. Ban đầu niệm đủ ba câu Phật hiệu rồi lần một hột, nhưng ba câu Phật này phải chắc chắn, nếu nó xao lãng không rõ ràng thì bỏ, lại niệm ba câu khác. Sau đó, tiến lên năm câu lần một hột, rồi đến bảy câu lần một hột, sau rốt mười câu lần một hột. Nếu lúc niệm Phật mà có một chút xao lãng, tạp niệm xen vào thì mười câu đó bỏ, niệm mười câu khác. Nhiếp tâm không dễ dàng, phải chuyên cần tinh tấn, nắm cho thật vững chắc. Mình tu đúng thì chính mình được thành tựu, do đó phải cố gắng.
Lúc được “Bất niệm tự niệm” trong tâm biết rất rõ ràng như từ chỗ điểm A bước đến điểm B, được rồi thì nhất định không bao giờ mất, chắc thật không phải mờ mịt. Đến bây giờ, tôi chỉ được chỗ này thôi. Các huynh đệ đừng nghĩ rằng, các vị Thánh xuôi chân nằm ngủ ngáy khò khò như mình đâu, nghĩ vậy là sai. Tôi được một chút đó mà cái ngủ đã tự nhiên mất, nếu có thì chỉ thỉnh thoảng.
Các pháp môn khác cũng vậy, lúc còn phàm phu thì chưa có đạo lực, ở pháp Phật được chút gì thì gọi là đạo lực. Đã có sức mạnh trên đường đạo ắt phải khác hẳn lúc chưa có.
Tôi từng diễn đạt phương pháp niệm Phật qua bài kệ:
Nam Mô A Di Đà
Không gấp cũng không hưỡn
Tâm tiếng hiệp khắn nhau
Thường niệm cho rành rõ.
“Rành” là câu tiếng rành rẽ. “Rõ” là phải rõ ràng. Lúc niệm Phật đừng ham nhiều rồi niệm phớt phớt, không cần nhiều nhưng phải thật rành rõ. Khi công phu nắm thiệt vững chỗ này. Kế đến là “tâm tiếng hiệp khắn nhau”, tuy khó nhưng luôn luôn cố gắng, đừng để lúc niệm Phật tiếng một nơi, tâm một ngã. Đó là tu không đúng rồi, mà không đúng thì không thể được. Ví như anh thợ mộc muốn làm cái bàn, anh phải làm đúng phương pháp thì mới thành ra cái bàn. Do vậy, việc quan trọng trước nhất là phải tu đúng pháp. Trì danh niệm Phật mà tâm tiếng hiệp khắn nhau gọi là tu đúng pháp, còn sai trật thì không được gì.
Muốn được như vậy, tôi đã dùng chuỗi để hạn định thời gian, lúc đến chỗ mười câu mới lần một hột phải mất mấy tiếng đồng hồ mới rồi một xâu chuỗi. Mỗi thời niệm Phật như vậy, ngồi khoanh chân niệm thầm phải mất hai tiếng đồng hồ. Tu hành phải chịu khó, phải bền bỉ thì mới có chỗ được. Lúc tôi niệm thầm mười tiếng lần một hột chuỗi, trong mười tiếng đó tới câu số tám hoặc số chín mà xao lãng thì bỏ không lần qua, bắt đầu từ một trở lại. Thế nhưng lúc thành tựu được chút gì trên đường đạo (đạo lực), trong tâm an lạc khỏe lắm!
Tôi từng nghĩ, bản thân mình có làm cái gì, được cái gì, có làm có được, phải đến chỗ được cho thật vững vàng rồi mới đem cái mình đã từng làm, từng tu khuyên nhắc truyền dạy người khác. Nguy hiểm nhất là phàm phu tự ý nghĩ ra rồi viết thành sách, làm lầm người khác. Thế nên, đệ tử Phật phải lấy Thánh giáo lượng (lời Phật dạy trong kinh điển) làm mực thước để đo. Nếu đúng theo kinh thì chắc chắn tin theo, so lại mà chưa đúng thì cần kiểm tra suy xét cho kỹ. Nếu chưa được đạo đều gọi là phàm phu, tự ý nói thì không bảo đảm.
Mấy huynh đệ phải nhớ đừng nên bỏ phí thời gian. Về Thiền Tông, tôi cũng đọc nhiều bộ sách lớn như Thiền Học Tập Thành, Thiền Học Đại Thành. Nhiều người đọc đến đoạn ngài Triệu Châu khi có người đến tham học, Ngài không chỉ dạy điều gì, chỉ kêu nói “Uống trà đi”! Người học lễ bái rồi lui ra. Đó là câu khai thị, nhưng người thường khó nhận khó hiểu, lại tưởng lầm rằng đã đắc Thiền thì chỉ uống trà thôi!
Riêng về pháp môn niệm Phật là pháp dễ tu, có mực thước rõ ràng mà hành giả đều có thể nắm vững để thực hành. Một phương pháp lúc tu hành có từng bước thật rõ, tu đúng hay không đúng dễ nhận biết. Tôi xem nhiều kinh sách nhận thấy pháp môn niệm Phật dễ nắm vững, thực hành cũng dễ, khi chưa được cũng biết chưa được, khi được thì cũng biết đã được, thật rõ ràng!
Thời gian gần đây, tôi không thể lạy Phật nên mong các huynh đệ đừng lễ lạy tôi, chỉ xá là được rồi! Mong tất cả đều tinh tấn tu hành.
Chùa Vạn Đức, ngày Khánh tuế 17/7 Nhâm Thìn – 2/9/2012
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Thích Pháp Đăng thành kính ghi lại.
A Di Đà Phật!
Con thật hoan hỉ khi nghe lời pháp của Hòa Thượng!
Con sẽ cố gắng niệm Phật nhiếp thọ vào Tâm như Hòa Thượng chỉ dạy! Nam mô A Di Đà Phật!
Con tu Niệm Phật từ lâu nhưng sau khi đọc bài của Ngài và của Đại Đức Thích Minh Tuệ. Con chưa rõ lắm về 2 pháp trì danh là Mặc Trì và Ý Trì.
Mặc Trì là sao? Ý Trì là sao?
Mặc Trì cũng là niệm ko ra tiếng và lưỡi đánh vào hàm răng trên đúng ko ah? Vì Con nghe các Ngài dạy là nó cũng niệm bằng miệng.
Còn ý trì là mình mình tự nghĩ và hình dung câu Phật Hiệu và tự niệm trong tâm và nghe trong tâm đúng ko ah?
Con nghe dạy: Người Niệm Phật phải ăn chay chứ ko sẽ ko dc phẩm vị cao, Con mong dc vãng sanh Thượng Phẩm Thượng Sanh nên sẽ cố gắng đạt Bất Niệm Tự Niệm, nhưng nếu ko ăn chay sẽ bị như thế thì câu ” hành trì 30 vạn câu trở lên là hành nghiệp Thương Phẩm Thượng Sanh” thì như thế có mâu thuẩn ko ah?
Vì do duyên Con mới 30 tuổi, là gia đình vợ chồng trẻ, ko thể nào tự ý mình ăn chay còn trẻ dc, con nguyện thời gian tới nếu đủ duyên con sẽ ăn chay trường chứ ko phải bây giờ!
Mong các Ngài chĩ dạy cho con dc rõ để con hành trì dc tiến bộ ah!
Nam Mô A Di Đà Phật
bạn xem ” niệm phật tông yếu ” nha . ngài ” xá lợi phất ” thị hiện dặn dò chung sanh đó .
Namo A MI Đà Phật. Con thật hoan hỷ khi được nghe lời quý báu này của Ngài.
Con nguyện hết thảy chúng sanh cùng thực hành được, để được lợi lạc lớn.
Namo A MI Đà Phật.
A Di Đà Phật,Hoan hỷ hoan hỷ,như thế như thế, A Di Đà Phật
Chúc chư vị luôn tin tấn,vững lòng tin
Nam Mô AMi Đà Phật Con rất Thành Kính Cầu Chư Phật Chư Bồ Tát Gia Trì .Thầy Được Pháp Thể Kinh An Mãi Là cây Đại Thụ Dẫn đường cho chúng con bước đi trên con được Tu Hành Cầu Giải thoát
Con cũng đang học theo cách thầy chỉ dạy Niệm A Mi Đà Phật con rất An Lạc
Nam Mô AMi Đà Phật
A Di Đà Phật,
Con rất cám ơn thầy đã dạy cho chúng con hiểu thế nào là niệm Phật được an lạc. Nhưng thầy ơi, con đã học tu niệm Phật được 3 – 4 năm nhưng bây giờ con mới nhận ra là mình đã niệm sai vì trong lúc niệm Phật tâm của con xen lẫn tạp niệm. Con đã tạo thành thói quen là tự tâm con niệm Phật bất cứ lúc nào nhưng lúc tự tâm niệm đan xen quá nhiều tạp niệm. Như vậy cho con hỏi là cách niệm của con trong thời gian qua coi như là vô ích phải không? Và bây giờ con đang tự sửa lại cách niệm nhưng mà khó quá. Mong thầy trả lời cho con hiểu. Chân thành cám ơn thầy.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật _()_
Con kính đảnh lễ Sư Ông đã khai thị…Kính ngưỡng mong Tam Bảo luôn gia trì cho Thầy thân tâm thường an lạc, mãi là bóng cây đại thọ cho hàng chúng sanh nương nhờ_()_
A Di Đà Phật! Con sẽ cố gắng tu tập theo lời dạy của Hòa Thượng.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cho con xin hỏi nếu như trong 1 ngày con có một giờ để lễ Phật và niệm Phật. Con có nên lạy Phật 30 phút và niệm Phật 30 phút không hay dành hết thời gian để niệm Phật?
Xin các bạn đồng tu khai thị.
Nam Mô A Di Đà Phật.
DH
Nam mô A Di Đà Phật
Chào cư sĩ Viên Trí
Xin Viên Trí hoan hỷ trả lời các câu hỏi của các bạn đồng tu ở trên với ạ. Vì những câu hỏi đó cũng là mối trăn trở của Tôi. Tôi cũng niệm Phật và trì chú Đại Bi. Buổi sáng Tôi niệm Phật 3000 câu và lễ Phật, còn buổi tối Tôi trì chú Đại Bi 13 biến và niệm Phật 1000 câu. Nhưng Tôi là người hạ căn hạ cơ, là phàm phu tục tử, là người chỉ mới biết đến pháp môn niệm Phật, nên đôi lúc niệm Phật và trì chú vẫn có những xen tạp, vẫn còn tán loạn nhiều lắm. Như vậy thời gian vừa qua, Tôi tu như thế là vô ích rồi phải không ạ.
Mong Viên Trí hoan hỷ giải đáp giúp Tôi với ạ. Tôi cám ơn Viên Trí nhiều
Bảo Trang
A Di Đà Phật
Xin chào Bảo Trang,
Không sao đâu bạn ơi! Bởi vì Tán Tâm Niệm Phật Vẫn Có Công Hiệu mà. Cứ tiếp tục cố gắng thì Từ Tán Tâm Sẽ Đi Đến Tịnh Tâm (Định Tâm) thôi.
Kinh nào, chú nào trì tụng cũng đều tốt cả vì đều là pháp của Phật nên pháp nào cũng quý. Sở dỉ mình không được thành tựu là do mình tụng kinh chưa được “tam muội”, trì chú chưa được “tam mật tương ưng” nên không thấy có hiệu nghiệm liền mà thôi.
Tuy nhiên bạn đã có duyên lành đến với nơi đây là đạo tràng tu Tịnh Độ thì Tu Tịnh Nghiệp Niệm Phật Tốt Hơn Tụng Kinh. Cho nên niệm Phật là chánh hạnh, tụng kinh làm trợ hạnh. Nếu có tụng kinh thì chỉ nên tụng kinh A Di Đà hoặc kinh Vô Lượng Thọ mà thôi như lời Ngài Tịnh Không dạy:” Một môn thâm nhập, trường kỳ huan tu”.
Còn nếu như bạn thích tụng chú Đại Bi thì có thể lấy đó làm trợ hạnh nhưng cũng đừng quên niệm Phật mới là chánh hạnh. Tuy nhiên đối với hành giả chuyên tu thì thiết nghĩ cũng hãy nên Bỏ Tụng Chú Để Niệm Phật. Bởi vì tụng nhiều kinh chú thì sẽ trở thành tạp tu và Tổ Sư Thiện Đạo (Liên Tông Nhị Tổ) đã dạy rằng:
“Đấng đại thánh xót thương, khuyên người chuyên xưng danh hiệu, bởi vì phép xưng danh rất dễ, nếu có thể giữ mỗi niệm nối nhau, lấy suốt đời làm hạnh, thì mười người tu, mười người vãng sanh, trăm người tu, trăm người vãng sanh. Tại sao thế? Vì không có duyên tạp nên được chánh niệm, vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau, vì không trái với kinh giáo, vì thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên niệm mà tạp tu trong trăm người may ra được một hai người, trong ngàn người hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi”.
Chính vì thế cho nên theo VT nhận thấy thì những người mới gặp Phật Pháp thường thích nghiên cứu, học hỏi nhiều pháp môn, sau đó pháp nào cũng thích rồi hành trì nhiều pháp môn trong cùng một lúc. Cuối cùng thì theo không nổi mà cũng khó được thành tựu. Người chuyên tu niệm Phật thì cũng giống như người bác sĩ đã đi vào chuyên ngành, nếu là mắt thì chỉ học về nhãn khoa mà thôi, như vậy thì sẽ nhẹ nhàng hơn và dể thành tựu hơn. Tuy nhiên con đường là do mỗi người tự chọn lựa. VT nêu ý kiến trên cũng chỉ là dựa theo lời dạy của thầy (Tịnh Không) và Tổ (Thiện Đạo) mà thôi. Hy vọng giúp ích phần nào cho bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật!
Kính chào đạo hữu Viên Trí,
Huệ Tịnh thắc mắc bấy lâu nay tại sao ngài Phổ Hiền Đại Bồ Tát trong kinh Niệm Phật Ba La Mật lại ban cho người niệm Phật thần chú Đà-ra-ni để trợ giúp cho sự vãng sanh trong thời mạt pháp? Nếu các vị sư Tổ thầy nói trì chú là tạp hạnh không lợi ích bằng chuyên nhất niệm Phật (Huệ Tịnh cũng tin lắm) nhưng tại sao ngài Phổ Hiền là bậc Đại Bồ Tát vương tử lại khuyên người niệm Phật trì chú để thủ hộ thân tâm? Có phải ngài Phổ Hiền biết chủng tử nghiệp lực của chúng sanh trong thời mạt pháp rõ ràng hơn ai mà ngài tự ban cho thần chú hay không?
Huệ Tịnh đoán đạo hữu Viên Trí cũng đã nghiên cứu điều thắc mắc này qua rồi cho nên chắc cũng có sự giải thích đâu đó xin đạo hữu VT hoan hỉ chỉ dạy cho.
===================================
KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT – PHẨM THỨ BẢY
KHUYẾN PHÁT NIỆM PHẬT VÀ ĐỌC TỤNG CHƠN NGÔN
Lúc bấy giờ, ngài Phổ-Hiền Đại Bồ-Tát bạch Phật rằng:
– Thưa Thế-Tôn, con nay vì thương tưởng chúng sanh nơi thời Mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mạng ngắn, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà-ra-ni nầy, để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực-Lạc. Gọi là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà-ra-ni. Liền nói thần chú:
Nam mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa địa dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa tất đam bà tỳ, a di rị đa tỳ ca lan đế, a di rị đa tỳ ca lan đa, dà di nị dà dà na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha.
Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh khiết. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến. Như vậy, diệt được các tội: Tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác, và hủy báng Chánh pháp. Thường được đức Phật A-Di-Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời an ổn, phước lạc. Hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sanh Cực-Lạc. Hoặc tụng đến ba chục muôn biến, liền thấy Phật ngay trước mặt mình.
===================================
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật,
Huynh Huệ Tịnh thắc mắc đúng lắm. Nay TT xin mạn phép chia sẻ vài ý cùng huynh về vấn đề này:
Huynh Huệ Tịnh chú ý ở phẩm thứ 6 – “Năng lực bất tư nghị của danh hiệu Phật” đã nói rõ công đức ko thể nghĩ bàn của danh hiệu A Di Đà Phật: Niệm Phật là thù thắng đệ nhất, niệm Phật là cứu cánh đệ nhất, duy chỉ có Niệm Phật là hữu hiệu, siêu việt đệ nhất…sau đó Bồ Tát Quán Thế Âm nói rõ 14 công đức bất khả tư nghì của việc niệm A Di Đà Phật. Sau đó Ngài mới nói “…giả sử đem muôn ức na do tha hằng hà sa quốc độ mà nghiền thành vi trần, cứ mỗi mỗi vi trần là một đại kiếp. Dùng khoảng thời gian vô cùng dài lâu ấy, để diễn nói tất cả năng lực bất tư nghị của danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, thì cũng không thể nào diễn nói cho đầy đủ hết được…”, và mười phương chư Phật sau đó đều tán thán, xác nhận công đức bất khả tư nghì của việc niệm thánh hiệu A Di Đà Phật, xác quyết lại lần nữa là lời của Quán Thế Âm Bồ Tát là hoàn toàn chính xác và chân thật.
Nhưng cái khổ của chúng sanh đời nay là…KHÔNG THẬT TIN vào 4 chữ A Di Đà Phật, vẫn là bán tín bán nghi, chưa làm đến được “Nhất hướng chuyên niệm” A Di Đà Phật, chưa niệm A Di Đà Phật đến “Không hoài nghi, ko xen tạp, ko gián đoạn”…Cho nên niệm 4 chữ A Di Đà Phật xem chừng như ko…đủ nên phải kiêm niệm thêm các Phật hiệu khác, cho đến thêm vào các chú, các Kinh khác. Chư Phật Bồ Tát cũng rất từ bi, chúng sanh thích niệm chú khác thì các Ngài liền dạy các bài chú khác nhau, thích niệm Kinh nào khác thì các Ngài cũng liền hoan hỉ dạy cho, là hằng thuận chúng sanh.
Do đó, phẩm thứ 7, Ngài Phổ Hiền cũng hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức mà dạy cho những chúng sanh chưa đủ tín tâm với 4 chữ A Di Đà Phật mà thích niệm thêm thần chú vãng sanh thì Ngài dạy cho. Đó là lý do có phẩm số 7 ngay sau phẩm số 6. Người thật tin 4 chữ A Di Đà Phật mà đọc đến phẩm số 6 rồi thì ko cần đọc thêm phẩm số 7 nữa, công đức tín tâm nơi 4 chữ A Di Đà Phật đầy đủ rồi! Người chưa có cái tín tâm này thì đọc phẩm thứ 6 ko có cảm xúc sâu lắm, vẫn chưa tin, liền đọc qua phẩm số 7 thì…tin vào chú vãng sanh – vậy cũng tốt 🙂
TT cũng xin nói rõ cho huynh Huệ Tịnh thêm về phẩm số 7:
Ngài nói rõ đối tượng tiếp nhận chú vãng sanh là ai? Là người “thọ mạng ngắn, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, ko phải chân thật tu hành”, người như vậy thì nghe qua 4 chữ A Di Đà Phật thì chẳng thật tin, đọc qua phẩm số 6 chẳng thể phát khởi được niềm tin trọn vẹn vào A Di Đà Phật. thế nên Ngài Phổ Hiền mới từ bi dạy “bổ sung” thêm 1 bài chú gọi là “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà-ra-ni”, trì tụng chú này có thể đánh bạt đi Nghiệp Chướng Căn Bản để tạo chánh nhân vãng sanh Tịnh Độ – Cái gì gọi là Nghiệp Chướng Căn Bản? Chưa thật tin vào 4 chữ A Di Đà Phật chính là “nhất thiết nghiệp chướng căn bản” – chưa có niềm tin chân thật vào 4 chữ A Di Đà Phật thì mới tìm cầu chú khác, mới chạy đông chạy tây, gọi là “loạn trược tăng nhiều” – “phước đức kém thiếu” vậy! Công đức 4 chữ A Di Đà Phật trong phẩm số 6 vi diệu như vậy mà đọc qua rồi lại chẳng thể phát khởi niềm tin chân thật thì làm sao vãng sanh? Thôi thì chưa có đủ niềm tin thì trì tụng chú vãng sanh vậy: Công đức cuối cùng của chú vãng sanh là giúp người đó chân thật phát nguyện cầu sanh Cực Lạc và sau cùng niệm được “A Di Đà Phật” với đầy đủ Tín Nguyện Hạnh! Đây gọi là khéo dụng phương tiện, thấy anh ko thể tiếp nhận trực tiếp 4 chữ A Di Đà Phật thì liền dạy cho anh đi…đường vòng, miễn sao là hợp với sở thích của anh, anh thấy niệm 4 chữ ngắn quá, sợ ko linh…thì triển khai 4 chữ ra thành…59 chữ, dài hơn, có vẻ “kỳ bí” hơn và hợp với sở thích của anh hơn 🙂 Ngài rất là biết cách hằng thuận loại chúng sanh này.
Tiêu chuẩn để trì chú vãng sanh linh nghiệm là gì? Là “phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh khiết.” – À rốt cuộc lại vẫn phải nói rõ với anh là muốn niệm chú được linh thì anh phải TRÌ GIỚI. Anh không thể trì giới thì anh trì chú chẳng thể linh nghiệm, cho đến niệm Phật cũng ko thể tương ưng! Đạo lý cốt yếu chính ngay điểm này. Anh thật trì giới rồi thì anh trì chú liền linh, tội diệt phước sanh, tội chẳng thể diệt thì phước từ đâu mà sanh? Do ban đầu đã xác định anh thuộc loại người “phước đức kém thiếu” – mà kém phước thì làm sao mà được vãng sanh? Cho nên phước của anh nhất định phải ngày một tăng trưởng. Tăng bằng cách nào? Trì giới thì có thể tăng trưởng thiện căn, phước đức của anh. Anh ko trì giới thì phước tổn giảm, tội nghiệp mỗi ngày lại tăng. Anh trì giới niệm chú đến một mức nào đó, phước báu đầy đủ thì liền có chuyển biến ngay! Chuyển như thế nào vậy? Anh liền phát khởi niềm tin vào 4 chữ “A Di Đà Phật” 🙂 chân thật tin. Ngay đó anh liền giác ngộ và buông chú vãng sanh xuống, chân thật niệm 4 chữ A Di Đà Phật, cầu sanh Cực Lạc cho đến “hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sanh Cực Lạc”. Còn nói anh tụng đến ba chục muôn biến thần chú, liền thấy A Di Đà Phật trước mắt – Đó là biểu pháp. Anh ko trì giới thì tụng đến trăm ngàn muôn biến chú vãng sanh cũng…đọa tam ác đạo chứ ko thể thấy Phật, anh chấp vào số tự mà đi đọc tụng ba chục muôn biến chú vãng sanh mà ko thấy Phật thì anh liền…phỉ báng Như Lai phải không? Tội mỗi ngày xem chừng chưa đủ nặng mà lại còn + phỉ báng chánh pháp, nói niệm chú ko linh – niệm Phật ko linh! Cửa địa ngục A Tỳ rộng mở đón anh rồi…thật là đau xót vô cùng.
Do đó, khi đọc Kinh nhất định phải rõ lý, các phẩm đều có sự liên kết với nhau, đều có ẩn ý sâu xa…mà ở đây TT chỉ có chia sẻ qua đại ý mà thôi, mỗi câu mỗi chữ trong Kinh chân thật là vô lượng nghĩa.
Hi vọng sau khi huynh Huệ Tịnh đọc những lời trên thì sẽ biết cách trì chú vãng sanh một cách hiệu quả, và rốt ráo sau cùng cũng có thể thật sự tin tưởng vào 4 chữ “A Di Đà Phật” 🙂 Nếu chưa thật tin tưởng thì xin huynh hãy đọc lại phẩm số 6…1000 lần. Tiêu chuẩn 1000 lần là do người xưa đặt để, “đọc Kinh ngàn lần – nghĩa Kinh tự hiểu”.
Tịnh Thái cũng xin cám ơn huynh Huệ Tịnh rất nhiều vì nhờ câu hỏi của huynh mà Tịnh Thái & mọi người có được thêm nhiều hiểu biết sâu sắc hơn về công đức trì danh 4 chữ A Di Đà Phật, công đức của Kinh Niệm Phật Ba La Mật, đặc biệt là phẩm số 6 và phẩm số 7 🙂
Nam Mô A Di Đà Phật.
Kính chào đạo hữu Tịnh Thái,
Lỡ rồi thôi đạo hữu Tịnh Thái tạo thêm công đức luôn nhe. Huệ Tịnh sẽ tiếp tục thắc mắc. 🙂
Theo như lời giải nghĩa quý báo của TT thì vậy khi tất cả toàn bộ kinh điển đại thừa bị tiêu diệt thì chúng sanh chỉ có thể nương tựa theo câu “A Di Đà Phật” mới được giải thoát ra sanh tử luân hồi. Thậm chí cho đến chỉ còn 2 chữ hồng danh “Mô Phật” mới được cứu. Thế thì chúng sanh bây giờ còn một chút phước đức mới được thọ trì kinh điển Đại thừa và gặp nghe thầy tổ giảng dạy mà còn bán tín bán nghi. TT tưởng tượng sâu xa vào thời mạt pháp khi đó chúng sanh quá thiếu cho đến không có một chút thiện căn phước đức thì làm sao tin nổi câu A Di Đà Phật? Điều này HT nghĩ đến thiệt đáng thương tiếc cho chúng sanh vị lai.
TT: Tịnh Thái cũng xin cám ơn huynh Huệ Tịnh rất nhiều vì nhờ câu hỏi của huynh mà Tịnh Thái & mọi người có được thêm nhiều hiểu biết sâu sắc hơn về công đức trì danh 4 chữ A Di Đà Phật, công đức của Kinh Niệm Phật Ba La Mật, đặc biệt là phẩm số 6 và phẩm số 7
HT: NO. HT phải xin cảm ơn TT đã bỏ rất nhiều time ra để giải đầy ý nghĩa để giải tất cả nghi tình cho mọi người. Trì chú niệm Phật niệm Bồ Tát tụng kinh HT này thích thử qua hết vì coi như mòn ăn pháp ngon lợi ích cho tinh thần. Thử mùi vị mới biết mỗi món có cái thơm ngon mùi vị của pháp. Thật sự mà nói HT sanh ra đã tin Phật pháp rồi nhưng tại do nghiệp chướng phải trả cho xong nên phải mất hết 1/2 cuộc đời bây giờ mới biết cảm thấy an nhàn một chút qua sự nhìn thế nào là tự tại, thế nào là phiền não. Muốn tự tại thì phải làm đạo diễn (director) của vòng nghiệp (phim bộ). Bị phiền não thì coi như mình là diễn viên (actor) trong phim không tự tại bị điều khiễn như là nô lệ (slave) của vòng nghiệp. Nếu làm đạo diễn thuần thục hay chuẩn rồi thì TT muốn sáng tác ra bộ phim nào lại không được trong mười phương thế giới. Việc này nói ra thì thấy cũng còn xa thật nhưng khi TT tỉnh mộng rồi thì không thấy xa vì bản lai diện mục có bao giờ rời xa mình đâu..
Đường về Tây Phương Cực Lạc HT nghĩ trong lòng Tịnh Thái (Tịnh tâm Thái bình) chắc chắn chẳng còn thấy xa tí nào đúng không? 🙂
Nam Mô A Di Đà Phật!
Thầy Thích Trí Tịnh đã nói mình đạt bất niệm tự niệm…
Ngoài thầy Thích Trí Tịnh thì cũng có thầy Thích Minh Tuệ và cư sĩ Diệu Âm Diệu Ngộ công khai như vậy…
Gần đây có phong trào tu bất niệm tự niệm và nhiều người đã nói đạt tới bất niệm tự niệm…
Tu hành thì không nên nói ra cảnh giới hay sự chứng đắc của mình…
Những người này tự nhận và công khai với mọi người như vậy thì liệu có đúng, có tốt và có đáng tin cậy hay không…
A Di Đà Phật!
Người tu hành chưa chứng quả căn bản A La Hán (vô ngã) thì tốt nhất không nên công khai mình đạt “bất niệm tự niệm” vì có 2 điều bất lợi khi còn cái ngã.
1. Tự mở cánh cửa cho cái ngã vi tế rất là nhỏ mà bản thân người tu hành không để ý đến, nhưng nó là đầu mối tai hại trên đường đạo ở mức độ cao. Sơ ý một niệm đủ chết như ngài Ngộ Đạt Quốc Sư. Cái gương tai hại như vậy không đáng để công khai cho dù là đạt 100% không hư dối.
2. Người tu hành công khai đạt “bất niệm tự niệm” dễ khiến cho các hàng tăng ni Phật tử khắp nơi để ý và thị phi hơn là bắt chước tu theo. Cho dù bắt chước tu theo nhưng vì đã là thời mạt pháp ma chướng nặng nề sẽ biến thành phong trào hư danh “bất niệm tự niệm” như đã bắt đầu hiện giờ. Chúng ta quên đi mục đích tại sao phải niệm Phật chứ không phải niệm Phật để đạt “bất niệm tự niệm” xem như là cái bằng cấp để bảo đảm vãng sanh TPCL. Niệm Phật mà không chịu để ý dùng câu “A Di Đà Phật” mài mài cho hết đi tánh xấu, tháo gỡ bớt đi phiền não tập khí ngã chấp càng nhẹ để lâm chung nhẹ nhàng theo Phật Di Đà vãng sanh TPCL. Nếu mà cứ hướng ngoài miệng niệm Phật tánh xấu hơn thua cầu danh vẫn còn thì chắc phải chiêu cảm ma chướng luân hồi.
Chúng ta nên bắt trước cái gương Sư Bà Như Phụng đứng vãng sanh tại trong chánh điện ở chùa Long Vân cho an ỗn. Cả đời Sư Bà không hề báo cho ai biết đắc này đắc nọ. Tự tại độ sanh rồi phuỗi tay ra đi nhẹ nhàng quá tuyệt vời. Tu vậy mới gọi là chân tu của các bậc Thánh để chúng ta đáng bắt trước tu theo.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kính đạo hữu Hoa Sen Xanh, Huệ Tịnh; khoan nói về đạo hạnh cũng như công phu tu tập của Hoà Thượng Thích Trí Tịnh, Thích Minh Tuệ mà cho đến mãn kiếp này sưc tu tập của phàm phu chúng ta cũng khó mà so sánh được. Phúc Bình mạn phép trình bày về 2 suy nghĩ sau:
1. Là người tu Tịnh độ chúng ta chắc không có ai là không biết đến cố Hoà Thượng Thích Thiền Tâm là “một vị Đại Tăng chói rực phần danh đức, được xem như là một thánh tăng đương kim và là con mắt của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại.” Vậy mà khi khuyên nhắc người đời tu tập, Ngài vẫn trăn trở “sợ e hạnh chẳng xứng với lời, trở thành vọng ngữ”.
2. Chuyện kể tiền thân đức Phật Thích Ca là con sử tử, bị gã thợ săn giả dạng Tỳ Kheo dùng cung tên bắn bị thương; mấy lần định vồ chết gã thợ săn nhưng lại không dám làm vấy bẩn áo Sa môn mà chịu chết. Câu chuyện để thấy rằng đối với hàng Tăng Ni hoặc bất kỳ một ai khoác lên mình tấm áo hoại sắc đó thì chúng ta phải tuyệt đối cung kính.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Liên hữu Hoa Sen Xanh thân mến! Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật, chính Ngài tự tuyên bố mình đã đắc quả A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Cũng như vậy Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Tuệ đạt được Bất niệm Tự niệm thì các Ngài bảo mình đạt được cũng đâu có vấn đề gì đúng không ạ, chỉ là không đúng nếu mình chưa đắc mà bảo đắc, được một thì nói hai.
Vướng mắc một chút ở đây là trường hợp cư sĩ Diệu Âm Diệu Ngộ trong câu chuyện của mình, cư sĩ cho rằng mình đã đạt được cảnh giới Nhất tâm bấn loạn – Đây cũng chính là bài học cho hàng cư sĩ chúng ta khi nói về sự chứng ngộ.
Đôi lời chia sẻ.
Nam Mô A DI ĐÀ PHẬT!
Kính chào đạo hữu Tịnh Thái,
Cám ơn đạo hữu Tịnh Thái đã chia sẻ “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”.
NT tham gia 2 đạo tràng Niệm Phật, nhưng 1 đạo tràng thích tụng kinh Địa Tạng còn đạo tràng kia thì xem Tam Thời Hệ Niệm là tối quan trọng. NT còn tu thấp kém lắm nhưng chỉ muốn niệm Phật thôi ngoài ra không làm gì khác. Nếu NT muốn cầu cho cửu huyền thất tổ thì NT chỉ muốn niệm Phật cho họ mà thôi.
NT mới tu kém hiểu biết, xin các đạo hữu chỉ dạy cho, NT có sai lắm không? (Mỗi lần đạo tràng tụng kinh Địa Tạng hay làm TTHN, NT chỉ ngồi đó niệm Phật thầm. NT sợ có lỗi với Phật Địa Tạng?) .
Vấn đề này làm NT búc xúc. Nếu NT có điều kiện được một cốc riêng để niệm Phật 24/24 thì tốt quá rồi nhưng vì NT còn phải trả nghiệp chưa đủ phước duyên để vĩnh viễn nhập thất theo ý mình nên đành phải gia nhập đạo tràng!
Nam mô A Di Đà Phật.
NT
BẢY NGÀY SƯ ÔNG THÍCH TRÍ TỊNH BIẾT TRƯỚC MÌNH SẼ VÃNG SINH
Cố Đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh – Đệ nhất Phó Pháp chủ, nguyên Chủ tịch HĐTS GHPGVN – là bậc Tòng Lâm thạch trụ, mặc dù tinh thông cả Thiền lẫn Giáo, song Hòa thượng một đời chuyên tâm hành trì pháp môn Tịnh độ và luôn luôn khuyến tấn Tăng Ni, Phật tử ăn chay, giữ giới, niệm Phật…
Tối ngày 11/02 âm lịch (03/03/2012), vào lúc 10 giờ tối, lúc đó tôi niệm Phật ở dưới hai cái thất mà phía trên là phòng của Sư Ông. Khi khóa lễ vừa xong, bỗng nghe (thấy) tiếng của đầu gậy dọng xuống nền phát ra từ phòng của Sư Ông. Lúc đó tôi vội vàng chạy lên, vừa thấy tôi, Ông liền bảo: “Lấy cái đồng hồ để lên đầu giường cho Sư Ông và lấy cái bảng có bài Kệ Niệm Phật xuống” (trong phòng Sư Ông có treo cái bảng bài Kệ Niệm Phật). Khi lấy xuống Sư Ông liền chỉ vào hai câu: Niệm lực được tương tục, đúng nghĩa chấp trì danh, rồi Sư Ông liền chỉ vào mình mà ra hiệu, ý Sư Ông nói đã được đến đây, sau khi ngồi hồi lâu Sư Ông lên giường nghỉ tiếp.
Sáng ngày 12/02 âm lịch (04/03/2012), Sư Ông thức dậy sinh hoạt như thường ngày, rửa mặt, dùng tiểu thực. Lúc đó Sư Ông ra hiệu lấy cái bảng rồi ghi lên đó là ngày chủ nhật, 04/03/2012 (nhằm ngày 12/02/âm lịch). Thật ra hơn một tháng nay, Sư Ông không hề ra khỏi phòng thì ngày tháng năm làm sao Sư Ông nhớ. Vậy mà lạ thay, Sư Ông lại ghi đúng chính xác ngày tháng năm cả đến thứ mấy không hề sai.
Ngày 21/02 âm lịch (13/03/2012): Hôm nay là ngày vía đức Phổ Hiền Bồ tát. Vào lúc 8 giờ 30 sáng, Sư Ông lấy áo hậu mặc vào, lên giường, Sư Ông ngồi, tư thế bán già trong dạng thiền định khoảng 10 phút rồi xả ra.
Ngày 22/02 âm lịch (14/03/2012): Lúc 6 giờ sáng, khi chuẩn bị làm thức ăn sáng cho Sư Ông tôi chợt nhìn vào phòng thì thấy Sư Ông đã mặc áo hậu lúc nào mà không ai hay biết, hỏi Thầy Luân, Thầy cũng không biết, ngay cả việc Sư Ông đi vào phòng vệ sinh cũng không ai biết luôn. Vì mọi ngày những việc sinh hoạt, hay việc đi vệ sinh của Sư Ông đều phải có người bên cạnh, để phụ đỡ cho Sư Ông đỡ nhọc. Vậy mà lần này Sư Ông tự làm một mình. Với vẻ mặt đầy hoan hỷ, Sư Ông mỉm cười và chỉ vào mình, ý nói hôm nay Ông mặc áo có đẹp không. Sau khi dùng tiểu thực, Sư Ông ra hiệu tụng kinh Phổ Hiền. Thật ra mấy tháng nay, Sư Ông tịnh khẩu niệm Phật nên không nói chuyện với ai hết, có cần gì thì Sư Ông ghi lên giấy nên ngay việc tụng kinh cũng tụng thầm. Tụng kinh xong Sư Ông đi ra vườn dạo và ngắm cảnh.
Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, Sư Ông ghi lên giấy dòng chữ:“Mới dứt được việc đời”. Không ai hiểu ý Sư Ông nên thưa hỏi, Sư Ông viết tiếp: “Có quyển kinh Mi Đà không?. Lúc lấy kinh đưa cho Sư Ông thì Sư Ông lật đến trang có câu “…văn thuyết A Mi Đà Phật chấp trì danh hiệu…”Sư Ông nói Ông niệm Phật được đến đây và dặn mọi người phải tập niệm Phật. Sư Ông dạy được đến chấp trì danh hiệu thì điều kỵ nhất là nói chuyện. Niệm Phật cứ ba câu lần một hạt. Một thời như vậy là một sâu, rồi sau tăng lần lên năm câu, bảy câu, mười câu. Một thời một xâu rất dễ nhiếp tâm.
Hôm nay, Sư Ông hỏi là ngày mấy, được biết là ngày 25/02 âm lịch. Mấy bữa nay chân của Sư Ông bị sưng. Sư Ông nói: “Đây là triệu chứng khí nghịch, đàn ông sưng chân, đàn bà sưng mặt, triệu chứng sắp vãng sanh”, Sư Ông lại ghi ba câu:
“Chấp trì danh hiệu
Bất niệm tự niệm
Niệm lực tương tục”
Ba câu trên đồng một nghĩa. Ông chỉ được đến đó thôi , còn nhất tâm bất loạn tam muội khó lắm.
Buổi tối ngày 24, Sư Ông lại ghi trên bảng “ Vấn đề chỉ nội một tuần từ 24/03/âm lịch đến ngày 01/04 âm lịch”
09h sáng ngày 25, Hòa thượng Thiện Pháp đến. Sư Ông cũng lại ghi trên giấy là “Vấn đề giải quyết nội trong bảy ngày”, mọi người đều không hiểu rõ nên cứ gạn hỏi. Sư Ông mới ghi lên hai chữ “Hết Thở”. Lúc đó mọi người đều bàng hoàng lo sợ. Tất cả đều bật khóc, cảm thấy bất an trước những dòng chữ của Sư Ông. Tôi liền qua gấp báo cho Thầy Tri sự (HT. Hoằng Tri) hay, vừa run không thốt được ra lời, tôi gắng lấy lại bình tĩnh và nói từng chữ cho Thầy nghe. Thầy nghe xong nét mặt thay đổi hẳn, nước mắt như muốn trào ra. Thầy vội vàng chạy lên Sư Ông. Lúc đó Sư Ông đang dùng bữa.
Sư Ông lại ghi :”Bảy ngày cũng mau cứ để…” rồi Sư Ông nhìn mọi người với nụ cười hoan hỷ.
Sáng ngày 26, được tin Hòa Thượng ở Văn Phòng II lên thăm, Sư Ông ngồi chơi hồi lâu qua bàn lấy giấy ghi: “Ông không có bệnh hoạn gì hết, nghe êm ái nhẹ nhàng, ăn nhiều, ngủ yên, chỉ có yếu thôi vì tuổi cao (96 tuổi). Bây giờ chỉ lo tương lai cho đời sau, mấy huynh đệ phải lo đời hiện tại và luôn nhớ: Hãy khoan hồng tha thứ, biết thiện thì theo, nhớ phải ăn chay, không được ăn thịt chúng sanh cố gắng giữ,… nếu ăn thịt chúng sanh thì không còn gì nói nữa”.
Ngày 29, buổi sáng, Sư Ông đi ra ngoài dạo, ngắm cảnh và xem đồng hồ coi lịch ngồi bên khung cửa cạnh cây sala. Lúc đó, quý Thầy ở dưới chùa lên, y hậu chỉnh tề. Đi đầu là HT. Hoằng Thông, thầy Hoằng Tri, thầy Hoằng Chí,…tác bạch thỉnh Sư Ông trụ thế lâu dài, nhưng Sư Ông không nói gì, rồi đứng dậy đi thẳng vào phòng. Cứ như vậy, đại chúng đã bốn lần mời thỉnh mà Sư Ông vẫn yên lặng.
Trưa ngày 30, khi tôi bưng mâm cơm lên, vùa bước vào đến cửa thì Sư Ông chỉ tay hướng dẫn bưng vào phòng. Sư Ông kêu dọn ghế và ra hiệu bảo mọi người ngồi ăn cơm chung. Hôm nay là ngày thứ sáu kể từ ngày Sư Ông viết lên bảng nội dung trong bảy ngày. Thật ra, mấy tháng nay, Sư Ông không nhìn vào mâm cơm thế mà hôm nay lại kêu mọi người ăn chung, tất cả ai cũng nghĩ đây là bữa cơm cuối cùng.Mọi người đều yên lặng và ngậm ngùi. Dùng xong, một lần nữa thầy Tri Sự lại thỉnh cầu Sư Ông trụ thế nhưng cũng không được. Đến 06 giờ chiều, Sư Ông từ giường ngồi dậy thì liền hỏi: “Thầy Tấn (HT. Hoằng Tri) xin gì?”,
Mọi người đáp: “ Thầy xin Sư Ông trụ thế”.Sư Ông mới ghi: “ Bây biểu chúng nó đừng ăn thịt”Cô Biện (Phật tử): “Dạ ở đây ai cũng ăn chay hết”
Sư Ông đưa hai ngón tay lên và dang bàn tay ra hiệu, ý muốn nói là người ăn chay thì ít như hai ngón tay còn người ăn mặn thì đầy dẫy. Mọi người vừa thưa, vừa khóc. Sư Ông kết thúc bằng hàng chữ: “Ông tự biết mình phải làm gì!”
Vào lúc 04 giờ sáng, ngày 01/04 âl. Cũng là ngày cuối cùng trong kì hạn. Sư Ông dậy đi qua bàn ngồi thì liền hỏi “Thiệt hay giả”. Tất cả đều lúng túng không biết trả lời sao, người nói thiệt, người nói giả, còn Sư Ông thì chỉ lắc đầu.
Nhưng việc gì đến rồi cũng sẽ đến. Kỳ hạn ở lại cõi này của Sư Ông đã mãn. Thời gian trôi qua như tên bắn, phút chốc đã hai năm rồi, đến ngày Sư Ông cũng phải đi.
Những lời dạy Sư Ông phát ra đã in sâu vào tâm khảm của con và nó đã trở thành những kỷ niệm đáng nhớ, không gì có thể xóa nhòa được. Những kỷ niệm này sẽ theo con suốt cả cuộc đời và có thể mãi mãi đời sau nữa.
Chính những kỷ niệm này là kim chỉ nam để con làm hành trang trên bước đường tu tâm học Phật.
Con thành tâm cầu mong Tam Bảo gia hộ, tiếp dẫn Giác Linh Tôn Sư cao đăng Phật quốc, sớm trở lại hóa độ chúng sanh đồng lên bờ giác.
(Thị Giả Hoằng Thạch lược kể)
*Hình ảnh: Thầy Tri Sự (Hoà Thượng Thích Hoằng Tri) thỉnh cầu Sư Ông trụ thế.