Theo lời Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể rằng, những ngày Hòa Thượng còn ở quê nhà, nơi Tổ đình Thiên Ấn – miền Trung, có một chú sa di tên Diệu Mãn. Thường nhật Chú chỉ làm công việc quét chùa. Chú người hiền lành, ít nói, tánh tình ngồ ngộ. Đặc biệt trong chúng, ai nhờ việc gì đều hoan hỷ làm ngay. Cũng chính vì vậy, chú thường bị quí sư huynh đệ la rầy, sao đang làm việc này lại bỏ đi làm việc kia… Tuy vậy, nhưng lúc nào chú cũng hoan hỷ, không ai thấy chú câu chấp việc gì bao giờ.
Chú Diệu Mãn thường lấy niệm Phật làm công phu tu hành. Ngày ngày, tháng tháng, năm năm… hai thời công phu sáng tối chú gìn giữ đều đặn. Ai làm gì thì làm, mặc người nói ra nói vào điều chi, thậm chí có ai chọc ghẹo, chú cũng hoan hỷ im lặng cười xòa.
Thời gian thấm thoát trôi qua, cho đến một hôm, giữa buổi thọ trai, chú Diệu Mãn đắp y ra tác bạch với Hòa Thượng Bổn Sư và đại chúng, chú chấp tay cung kính thưa: “Bạch Hòa Thượng và đại chúng, con nay xin thành tâm đảnh lễ ân đức của Hòa Thượng và đại chúng đã trưởng dưỡng con cho đến ngày hôm nay, nay thời gian đã đến, con tác bạch xin Hòa Thượng cho phép cho về với Phật”. Đại chúng ngẩn ngơ nhưng bình thường thấy chú Diệu Mãn ngồ ngộ, nên tưởng hôm nay chắc chú ấy cũng giỡn chơi. Hòa Thượng dạy rằng: “Này Diệu Mãn, tiết trời lúc này đang mùa mưa, con về với Phật mùa này cũng ướt át lắm, thôi để 23 tết đưa ông Táo về trời, rồi con hãy đi luôn cho tiện.” Chú Diệu Mãn đáp: “Mô Phật, bạch Thầy, Thầy dạy như vậy, con xin vâng”.
Sau lần tác bạch ấy, đại chúng không nhắc gì thêm về việc ấy nữa. Cứ nghĩ tánh chú ngộ nghĩnh vậy mà. Chú Diệu Mãn trở lại công việc thường ngày, vẫn hoan hỷ, vẫn ngồ ngộ, vẫn quét chùa như ngày nào. Mọi người ai nấy dường như đã quên lời tác bạch của Chú Diệu Mãn hôm nao.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đến ngày 23 tháng chạp gần Tết năm đó, giữa cái chộn rộn, xôn xao của những ngày cuối năm, quí huynh đệ đột nhiên thấy Chú Diệu Mãn thần sắc lạ hơn ngày thường, y áo chỉnh tề bước lên hậu Tổ, lễ Tổ xong rồi ngồi thế hoa sen chấp tay niệm Phật. Đại chúng ai nấy đều thấy lạ, và đâu đó trong tâm khảm của mỗi người đều cảm được một điều gì đó rất tôn nghiêm, rất kính cẩn. Tự dưng không ai còn khởi niệm đùa cợt trước thái độ của chú Diệu Mãn trong giờ phút ấy nữa. Chú thưa với đại chúng rằng : “Nhờ chư huynh đệ hoan hỷ thỉnh Hòa Thượng từ bi lên tụng cho Diệu Mãn thời Kinh tiếp dẫn”.
Quí Thầy hấp tấp chạy mau xuống thưa với Ôn Hòa Thượng, thỉnh Ôn lên hậu Tổ. Khi Ôn đã lên tới, chú Diệu Mãn chấp tay cung kính thưa: “Bạch Thầy, hồi trong năm con đã bạch Thầy cho con về với Phật, Thầy dạy lúc đó trời mưa quá không tiện đi, đợi cuối năm hãy đi. Nay đã là ngày 23 tháng Chạp, thời giờ đã đến. Con xin Thầy cùng đại chúng từ bi tụng Kinh tiếp dẫn cho con.”
Thời gian không gian lúc ấy dường như ngừng lại, mọi người từ Hòa Thượng xuống tất cả huynh đệ, tâm trạng ai ai cũng tràn đầy cảm xúc khó tả. Hòa Thượng xướng bản Kinh A Di Đà, đại chúng cùng hòa theo. Chú Diệu Mãn vẫn chấp tay an tọa nơi đó. Tụng xong bản Kinh, Hòa Thượng đến xem thì thấy Chú đã an tịnh ra đi tự lúc nào !
Chú Diệu Mãn đã an tường ra đi, ra đi biết trước giờ khắc. Ra đi giữa sự tiếp dẫn của Hòa Thượng Bổn Sư và các sư huynh, sư đệ. Ra đi giữa bổn nguyện trong Kinh A Di Đà, ra đi có định hướng. Ôi, Phật Pháp thật nhiệm mầu làm sao !
Chú Diệu Mãn ra đi nay đã hơn 70 năm, nếu đại chúng chưa đủ duyên lành, thì ngày nay tấm gương nhất tâm tu trì ấy, thế hệ mai sau đâu dễ gì được nghe Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể lại. Chúng con xin thành tâm cảm niệm ân đức Hòa Thượng đã kể lại những mẫu chuyện chuyên tu chuyên hành như vậy, để đàn hậu tấn chúng con càng thêm vững bước trên con đường chấm dứt sinh tử luân hồi.
Trích Giữ Tâm Một Chỗ, Việc Gì Cũng Xong
TKN Thích Nữ Giác Anh
一 句 彌 陀 無 別 念
不 勞 彈 旨 到 西 方
Nhứt cú Di Đà vô biệt niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương
Sáu chữ Di Đà chuyên niệm mãi.
Nghĩa:
Lo gì mà chẳng chẳng đến Tây Phương
Pháp tu niệm Phật không dành riêng cho tôn giáo nào, không dành riêng cho người già, không dành riêng cho tuổi trẻ, không dành riêng cho kẻ trí, hay riêng cho người ngu…
Tóm lại, Pháp tu niệm Phật không dành riêng cho ai cả, mà Pháp tu niệm Phật là cho tất cả mọi người, mọi loài. Ai có tâm Tín – Hạnh – Nguyện đều được vãng sanh về nơi Cực Lạc thế giới của Phật A Di Đà.
Chỉ có về Tây Phương Cực Lạc mới thoát khổ đau của luân hồi.
Tôi có người bạn đạo Cao Đài, sau khi nghe lời tôi giới thiệu về Pháp môn Tịnh Độ, họ liền phát tâm tín nguyện, lúc nào đi lễ Thánh Thất thì đi, khi về nhà họ cũng niệm Phật cầu vãng sanh.
Dù không là bà con thân thích, dẫu biết rằng đời là vô thường, nhưng tôi cũng buồn khi ghe tin một người quen tuổi vừa 30, là giám đốc một công ty đang làm ăn phát đạt, nhà 3 tấm mới xây, vợ đẹp thì mới cưới, con xinh thì mới sanh, ấy vậy mà qua một cơn bệnh sốt 3 ngày chết ngay ở bệnh viện.
Than ôi !
莫 待 老 來 方 念 佛
菇 棼 多 視 少 年 身
Mạc đãi lão lai phương niệm Phật
Cô phần đa thị thiếu niên thân
Nghĩa :
Chớ đợi về già mới niệm Phật
Mồ hoang lắm mộ tuổi còn xanh.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Đống xương sanh tử dường non cả,
Giọt lệ chia ly nước biển đầy!
Thế giới ngày kia rồi cũng hoại,
Đời người khoảnh khắc chớ mê say.
Cái thân nam nữ ngàn phen đổi,
Mà kiếp sừng lông vạn lúc thay.
Muốn khỏi luân hồi nhiều khổ hận,
Phải tu Tịnh Độ gấp khi này.
Đại Sư Ưu Đàm
A Di Đà Phật! Kính bạch Quý Liên hữu gần xa, mình phát tâm muốn tặng Quý vị cuốn sách “Niệm Phật Cảnh” của Ngài Thiện Đạo Đại Sư – Liên Tông Nhị Tổ, là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Cuốn sách rất quý giá, giúp các hành giả niệm Phật tăng tín tâm rất nhiều. Mình có cả sách in và dạng file pdf, ai có nhu cầu thì liên hệ với mình theo địa chỉ mail [email protected] hoặc đt 0903 772 732 mình sẽ gửi tặng Quý vị. Kính chúc Quý vị luôn tinh tấn niệm Phật, một đời này sẽ thành tựu được đạo nghiệp vãng sanh Tây Phương. A Di Đà Phật!
Cư sĩ Tịnh Văn