Đại lão Hoà thượng Thích Trí Tịnh sinh năm 1917, được suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN từ năm 1984 đến nay, là một bậc Tòng Lâm thạch trụ, đã phiên dịch nhiều bộ kinh lớn, khiến cho giáo nghĩa Đại thừa được lưu thông, Phật pháp được lưu truyền trong tứ chúng. Hoà thượng tinh thông cả thiền giáo, là tấm gương sáng, bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, là bậc thầy mẫu mực của Tịnh tông để các liên hữu cùng noi bước.
Các bậc tổ sư thường dạy đồ chúng cách tâm niệm để làm phương châm hành trì. Xin Sư ông cho chúng con một lời khuyên dưới hình thức một lời tâm niệm?
Người xưa thường nói: “Sanh tử sự đại” nhưng mình đã quen sống trong sanh tử, ai cũng vậy hết, nên không thấy quan trọng. Kỳ thật, lấy mắt đạo mà nhìn vào thì đó là việc lớn của mọi người, của chúng sanh. Đã lăn lóc mãi trong nhiều đời, hiện tại nếu không cố gắng thì những đời sau cũng vẫn lẩn quẩn trong vũng lầy sanh tử mà thôi.
Gặp được Phật pháp rất khó! Trên đời này không có pháp nào thoát ly sinh tử, chỉ có giáo pháp của Phật mới ra khỏi sanh tử luân hồi. Vì thế, gặp được rồi thì mình phải cố gắng để vững bền trong chánh pháp. Cho nên, Phật dạy tất cả đều phải tinh tấn, nhất tâm. Nhưng chúng ta lại có cái lỗi là luôn phóng dật, giãi đãi. Trong Luật, những khi có việc gì thì các vị Trưởng lão, các vị Đại đức đều khuyên nhắc: “Phải tinh tấn, chớ phóng dật”. Chỉ có hai điều đó thôi! Phóng dật ở thân khẩu thì dễ biết, còn ở tâm ý thì rất khó biết. Hễ duyên theo lục trần đều là phóng dật. Phóng dật thì trôi theo sanh tử. Tinh tấn thì đạt Niết-bàn. Người tu hành phải tinh tấn thì mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, mọi công đức sẽ đạt được.
Trong một số bài giảng, Sư ông thỉnh thoảng sử dụng từ “tu mót” để khích lệ tứ chúng tinh tấn tu tập. Xin Sư ông giải thích thêm ý nghĩa của tu mót là gì?
Các bậc tổ đức ngày xưa khi vào trong đạo liền tìm cách để được định và tuệ. Chúng ta trong thời mạt pháp, lăn lóc trong ồn náo, nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều người nên tôi thường nhắc nhở sự tu hành của mình giống như là “tu mót”. Mót thời gian để tu, đừng bỏ qua. Gặp việc thì làm việc. Rảnh việc thì nhiếp tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được một phút thì tốt một phút. Được một giờ thì tốt một giờ. Thế nên đừng bỏ qua việc tu mót.
Ví như những người ở quê ngày xưa đi mót lúa, tuy chỉ mót lúa nhưng vẫn đủ lúa gạo để ăn, vẫn nuôi thân, nuôi gia đình được. Mình đây cũng vậy, nếu cố gắng mót thì cũng được đầy đủ đạo pháp, nuôi lớn pháp thân, huệ mạng của chính mình. Nếu huynh đệ thực hành một thời gian rồi nghiệm lại sẽ thấy “tu mót” lại nhiều hơn thời khoá tu hành chính. Vì thế nếu bỏ qua tu mót thì bỏ phí rất nhiều thời gian.
Ai cũng có công việc hết, nhưng rồi cũng có xen kẽ, lúc tâm trí mình được rảnh rang thì gắng giữ ba điều: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được vậy, phóng dật bớt dần lại, tương ưng với phần tinh tấn. Nếu trọn đời mình sống trong chánh pháp của đức Phật thì đường đạo mỗi ngày sẽ mỗi tăng tiến.
Sư ông vừa dạy niệm Tam bảo. Vậy trọng tâm của pháp niệm này là gì?
Ai nấy cần phải nhất tâm và chánh niệm. Chánh niệm đứng đầu là ba niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Đừng để nó rời. Niệm Phật thì niệm hồng danh, niệm tướng hảo, niệm công đức. Niệm Pháp thì phải thuộc kinh, vì nhớ đến kinh pháp tức là niệm Pháp. Niệm Tăng thì ở nơi đức Quán Thế Âm Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát hay Phổ Hiền Bồ-tát, cho đến Di Lặc Bồ-tát, Địa Tạng Bồ-tát đều là Bồ-tát Tăng đáng để cho chúng ta nghĩ đến các ngài và công hạnh của các ngài. Nếu tâm mình thường nghĩ tưởng như vậy thì bớt phóng dật, tất được tinh tấn. Tinh tấn dần từ một ngày, hai ngày, ba ngày, cho đến nhiều tháng nhiều năm thì lần lần cội bồ-đề mà mình vun trồng sẽ càng thêm to lớn, vững mạnh.
Làm thế nào để vượt qua các vọng niệm?
Vọng tâm, vọng niệm dễ sanh. Những phiền não, nghiệp chướng cũng dễ phát khởi. Do vì cảnh duyên bên ngoài trợ giúp mấy thứ đó phát triển, tăng trưởng. Mình ở trong thời mạt pháp, lấy sức người để tu hành cũng giống như ở nơi giữa dòng sông, chẳng những là nước mà lại có sóng lớn nữa, luôn luôn lúc nào cũng có sóng hết. Trong đó phải bơi lội thì việc đó cần cố gắng lắm mới được. Có cố gắng mới thành công.
Do đó, cần lập nguyện. Chí nguyện lớn sẽ giúp mình thêm cố gắng và vững chãi hơn ở đường đạo. Chí nguyện phải thật vững để giúp cho nghị lực, vì có chí nguyện ắt có nghị lực. Như thế mới vững vàng được ở nơi những luồng sóng dập dồn, nếu sơ suất liền bị chìm. Nói tiếng chìm, huynh đệ cần phải suy nghĩ cho kỹ.
Ở cõi ngũ trược này, phát chí nguyện phải dũng mãnh, nghị lực phải dũng mãnh. Ở trong cái khó mà tu tập thì hạnh đức cao vời. Khó thì dễ hư nhưng thành tựu được thì công cao. Do đó, trong kinh Duy Ma Cật nói: “Bồ-tát ở nơi cõi đời này, có những công đức mà nơi cõi khác không có được” chính là ý này vậy.
Huynh đệ biết khó thì phải cố gắng. Lập chí lập nguyện cố gắng vượt lên. Luôn luôn kiểm soát tâm ý của mình lẫn cả về hành động và lời nói. Kiểm soát nếu thấy không đúng thì sửa lại cho đúng. Ai cũng đều có lỗi, nhưng có lỗi mà biết sửa đổi thì thành tốt. Mong rằng chư huynh đệ đều nhất tâm, tinh tấn tu hành!
Khi tu sĩ chúng con làm Phật sự thì phải tiếp duyên. Vậy, tiếp duyên thế nào để Phật sự thành công mà không bị vướng dính duyên trần?
Sống trong cuộc đời, muốn được thong thả, rảnh rang thì đừng dính đến quyền lợi. Làm việc hễ thuận duyên thì làm, không thuận thì phải khéo léo nhẫn chịu để vượt qua. Không phải hàng xuất gia không bị dính mắc vào quyền lợi. Huống nữa, chính quyền lợi đó sẽ đem đến những tai hoạ cho thân mình. Mấy huynh đệ tuổi còn trẻ, đường còn dài, phải lưu ý lắm mới được.
Người đời có sự nghiệp của người đời. Người xuất gia có sự nghiệp của người xuất gia. Chỉ là lớn hay nhỏ thôi. Tuy vậy, mình nhớ tạo sự nghiệp phải được như con nhện, đừng như con tằm nhả tơ rồi phải chết trong kén của nó. Tôi chỉ luôn luôn mong cầu công đức. Tôi khuyên các huynh đệ không mong cầu những cái lợi như người đời thường nghĩ. Cái lợi của người tu chính là thiện căn công đức, đâu phải là tiền bạc, vật chất. Mấy huynh đệ phải nhớ mình ở chỗ nào, nơi nào cũng phải gây tạo thiện căn công đức, đừng chạy theo những vật chất bên ngoài.
Tôi luôn làm theo khẩu hiệu ngầm của riêng mình. Những việc đúng pháp, về mặt tinh thần hoặc vật chất thì “không cầu cũng không từ”. Nghĩa là không tìm cầu cũng không từ chối. Đây là khẩu hiệu để tôi lập thân. Chẳng hạn, nếu có duyên cất chùa, mà cái duyên đó nó tự đến, nhận thấy đáng thì không từ chối. Cho đến tứ sự cúng dường cũng vậy, những vật gì không dùng nhưng cũng không từ chối. Mình không sử dụng thì chuyển đến người khác, cho đại chúng dùng.
Nếu làm việc gì, dù có cái lợi lớn trước mắt nhưng khi làm có cái hại xen vô trong hiện tại hoặc tương lai thì quyết không làm, không tham dự. Ví dụ như danh vị, tiền bạc, lời khen tặng … Nếu được lợi thì phải xem có cái hại hay không. Nếu có thì phải tránh xa. Thấy hại mà vẫn chạy vô thì bị nghiệp dẫn.
Tôi thấy việc tu hành đã trải qua mấy mươi năm, nhờ ứng dụng những điều trên mà không bị tổn thất, chịu cái hại lớn, mà lại thấy việc nhẹ nhàng, thảnh thơi. Tôi đã nói tận đáy lòng. Mấy huynh đệ thấy đúng lý thì nên bắt chước làm theo, để sự tu hành không bị vướng kẹt, thiện căn công đức luôn được tăng trưởng. Đó là điều tôi muốn ở tất cả mấy huynh đệ.
Xin Sư ông cho chúng con một lời khuyên để chúng con áp dụng tu hành!
Ngày tháng trôi qua mau lắm, một năm không mấy chốc mà đã hết rồi. Già, bệnh, chết mãi đeo theo người, không chừa ai hết. Mong các huynh đệ ai nấy đối với pháp của Phật, không biết nhiều thì cũng biết ít, noi theo chỗ hiểu biết của mình mà tinh tấn tu hành, luôn luôn nghĩ đến vô thường, sanh tử. Thân này tuy không bền lâu, mình phải cố gắng nương theo thân người này để tu hành, vượt qua biển sanh tử, lên đến bờ giải thoát. Nếu chưa được vậy thì cũng làm nhân duyên thù thắng cho những đời sau, đạo tâm kiên cố, căn lành tăng trưởng.
Thời gian qua thật mau, đừng để luống uổng, phải thường nghĩ vô thường. Nhớ lại thuở trước, chỗ mình đang ngồi, đang quỳ ở đây là nơi mấy em cháu (bây giờ cũng sáu, bảy mươi tuổi rồi) đứng hái trái sim, thì mấy huynh đệ biết nó thuộc rừng rú. Rồi mình khai hoang, cất chùa. Thấm thoát cây gỗ của chùa cũng mục. Từ đó, biết rằng thời gian trôi mau lắm, năm sáu chục năm thoáng chốc đã qua. Vì vậy, nên nhớ lời Phật dạy, phải luôn nghĩ đến vô thường. Thân này còn đây, ngày mai không bảo đảm.
Pháp của Phật rõ ràng, chỉ ở nơi mình có chịu làm hay không chịu làm đó thôi. Nên gắng tinh tấn giữ đạo tu hành. Cầu mong mấy huynh đệ căn lành mỗi ngày thêm lớn, công đức mỗi ngày tăng trưởng.
Chúng con thành kính tri ân Sư ông đã khai tâm mở trí chúng con. Chúng con xin y giáo phụng hành.
Thượng Tọa Thích Hoằng Tri thực hiện
Con xin kính chào quý Thầy quý đạo hữu. Con là người còn đầy tham sân si. Con mới bước đầu vào học đạo tập ăn chay và niệm Phật. Con thấy được đây là con đường con phải đi và quyết tâm đi. Con là một Thầy giáo đi dạy học tại một trường công lập ở tp.hcm với thu nhập ổn định đủ nuôi sống bản thân và gia đình không giàu nhưng cũng ổn muốn mua đồ gì cần thiết thì vẫn có thể mua được. Nói chung con cảm thấy cuộc sống hiẹn tại là trời Phật đã quá ưu ái cho con và con nhận thấy con là người rất may mắn. Con sinh ra trong một gia đình ba mẹ quá tốt quá thương chúng con hy sinh mọi thứ để cho con. Gia đình con ngày xưa ba mẹ là nông dân, ngoài ra tối còn chạy xe ôm bán vé số vậy mà nuôi chín anh em con nên người đều là cử nhân đại học trong đó có 4 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. Con nói ra không phải để khoe về gia đình con mà là để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn của con với cha mẹ con. Con may mắn được học sau đại học rồi lấy bằng thạc sĩ. Có thể do may mắn và cùng nhờ vào uy tín gia đình con mà con được nhà trường đưa vào cán bộ quản lý kế cận để sau này lên làm ban giám hiệu. Nhưng chính điều này làm con suy nghĩ nhiều nhất. Bản thân con không muốn lên quản lý vì con không muốn có thêm nhiều mối quan hệ khác nữa vì con nghĩ càng nhiều quan hệ thì có thể con sẽ dễ sa ngã, chức càng cao thì cám dỗ càng nhiều. Nhà con, ba mẹ con đều ủng hộ việc con sau này lên làm quản lý. Nhưng bản thân con thì con lại không tin vào bản thân mình vì con biết nếu con không tham thì con đã dễ dàng từ chối việc được đề bạc lên chức rồi và chính vì thế nếu có quyền lực nhiêu hơn thì biết đâu con sẽ trở thành một con người khác không còn biết Phật pháp không còn niệm Phật nữa mà chỉ ham quyền lực… Con suy nghĩ rất nhiều mà chưa qưyết định được con kính xin quý Thầy quý đạo hữu cho con lời khuyên chân thành. Con xin cám ơn NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Trước tiên cho con xin chân thành cảm ơn Thầy Thích Trí Tịnh vì thông qua những lời khai thị ấy đã giúp cho con hiểu và học hỏi thêm được nhiều điều. Sau là có vài lời khuyên cho Hoằng Tài. Chắc âu cũng là cái duyên lành nên hôm nay con đọc được bài viết này cũng như là biết thêm một đạo hữu cũng tâm huyết tu tập như vậy. Chào đạo hữu điều đầu tiên mình muốn nói là đạo hữu nên bình tâm mà suy xét thật kĩ về vấn đề của mình, vì sao? Vì việc tu tập với việc làm việc vẫn có thể song song với nhau. Đối với những ai tâm huyết với con đường mà mình đã chọn thì dù có khó khăn trở ngại đến đâu đi chăng nữa thì vẫn có thể vượt qua mà hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Như trên Thầy đã giảng rằng mọi chuyện nên KHÔNG CẦU CŨNG KHÔNG TỪ, phải tùy duyên mà làm. Như việc được thăng chức của bạn cũng là một điều kiện tốt cũng như làm một duyên lành của bạn được sinh ra từ phúc đức mà bạn có. Đâu phải ai cũng có được những điều kiện tốt như bạn đây đâu. Vì thế duyên đến thì hãy đón nhận nó một cách chân thành. Với lại bạn đã làm công việc này chưa mà biết là mình không có khả năng? hoặc là sợ tánh THAM của mình nó bộc phát thì sẽ nguy to. Mình xin thành thật với bạn rằng con người thì ai mà chẳng cho tánh THAM, không THAM cái này cũng THAM cái khác. Nhưng nếu biết tu hành đúng cách để đối trị tánh THAM ấy thì còn gì tuyệt vời bằng. Bạn sợ rằng khi lên làm chức ấy rồi thì sẽ chạy theo danh lợi và những việc khác sẽ trở ngại cho chuyện tu hành. Sao bạn không nghĩ rằng những danh lợi ấy, cùng với những điều kiện dễ tạo ra sự xa ngã ấy chính là những duyên tốt cho bạn trên con đường tu tập chuyển hóa tánh THAM của mình, sao bạn không nghĩ rằng khi mình lên làm chức ấy thì sẽ dùng những tố chất tốt mà bạn đã có sẵn cũng như là những điều hay học được từ Phật Pháp mà áp dụng chúng vào công việc đó, biết đâu việc xấu mà bạn nghĩ lại sẽ trở thành việc tốt cũng nên. Một khi đã bắt tay vào làm một việc gì thì hãy luôn luôn suy nghĩ thấu đáo, làm một cách cẩn thận và nên hạn chế lợi mình hại người, vì như Thầy giảng sẽ bị Nghiệp dẫn dắt. Nên hãy ứng xử và làm việc sao cho vừa lợi mình mà không hại người cũng như là ai nấy đều có thể được lợi ích chính đáng một cách thiết thực. Khi làm một việc khó trong những điều kiện khó khăn cũng giống như là tu hành ở cõi ngũ được này vậy, giống như Thầy đã giảng, phải dũng mãnh, phải tinh tấn, và phải có trí huệ (trong trường hợp của bạn tức là phải suy đi nghĩ lại một cách thấu đáo để tránh đi sai đường, làm sai việc, tránh những thiệt hại không đáng có). Nên mình khuyên bạn hãy để đầu óc thiệt là thư thái (= giữ cho tâm thanh tịnh) mà suy nghĩ về việc này, vì sao? Vì khi đầu óc thư thái cũng như lúc tâm THANH TỊNH thì sẽ nảy sinh ra suy nghĩ sáng suốt, đúng đắn, ắc sẽ có cách giải quyết tốt đẹp thôi bạn ạ. Bạn nên niệm NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT, và cầu mong Ngài gia hộ cho bạn giải quyết chuyện này một cách tốt đẹp. Còn chuyện tu tập thì bạn vừa làm việc mà vẫn có thể tu tập, vì Niệm Phật là Pháp dễ tu mà được nhiều lợi ích nên bạn hãy thành tâm mà tu hành. Hãy cố gắng duy trì thói quen niệm Phật ( hoặc là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hoặc là A DI ĐÀ PHẬT đều được cả) ngày qua ngày, một lòng tình tấn từ đây có đến cuối cuộc đời của mình, thì tất cả các nguyện đều sẽ được thành tựu bạn ạ. Mình khuyên bạn nếu muốn học Phật (đặc biệt là PHÁP MÔN NIỆM PHÂT HAY LÀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ)thì nên kiếm một thiện tri thức tức là một người thầy dạy cho mình tu tập để tránh việc đi lầm đường, để đạt được lợi ích giải thoát một cách chân thật. Cầu mong Chư Phật và Chư Bồ Tát gia hộ cho bạn sớm giải quyết được phiền não này cũng như gia hộ cho bạn đi đứng con đường tu tập giải thoát.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật,
Kính chào huynh Hoằng Tài. Rất muốn làm quen với huynh để trao đổi và học hỏi về sự lựa chọn mà huynh đưa ra. Đệ cũng có thời gian làm cùng ngành với huynh và bây giờ cũng đang phân vân lựa chọn vì đệ cũng chọn cho mình cuộc sống thiểu dục tri túc như huynh Hữu Minh nói. Mong hồi âm của huynh. Kính chúc huynh nhiều sức khỏe.
A Di Đà Phật
Xin chân thành cảm ơn Phật tử Song Hiệp. Con xin tiếp nhận lời góp ý của Phật tử Song Hiệp.
Con xin trình bày hết nỗi lòng và tính tình con nhờ quý Thầy quý đạo hữu cho con lời khuyên dạy. Tính con rất hiền hay nói đúng hơn là nhút nhát (và có KHI tự kỷ hay không con cŨng không biết). Con mồi ngày đi dạy từ sáng đến chiều rồi về nhà. Con thật sự không muốn, không thích và cũng không bao giờ đi chơi hay đi uống cà phê nhậu nhẹt sau giờ chiều với đồng nghiệp trong trường. Mọi người thường rủ con đi và cũng hay trách con không đi chơi nhưng con chỉ cười thôi. Ngay cả ngày chủ nhật hoặc các buổi tối khi trường tổ chức giao lưu vui chơi hoạt động Đoàn Đội rất lành mạnh … nhưng con cũng kông muốn và ít tham gia vì con không thích chốn đông người ồn ào náo nhiệt. Con chỉ mong buổi tối và ngày chủ nhật mình được hoặc ở nhà với gia đình hoặc lên chùa lạy Phật niệm Phật. Con cũng không biết mình làm như vậy là có quá ích kỷ và tự kỷ không, có quá xa rời bạn bè đồng nghiệp không… Con rất ngại va chạm trong công việc, con rất sọ người ta không hài lòng mình hay phê bình mình. Con cùng không có thái độ đấu tranh chống cái sai trong công việc, con thấy ai sai hay tranh luận với nhau cái gì thì con đều đứng trung lập khong theo bên nào hay nói khác đi con ba phải. Nói tóm lại thật sự con không biết được tính cách con hiện giờ là tốt hay không tốt và con có cần phải cải thiện thay dổi hay không. Có thể từ nhỏ tới giờ con được quá may mắn sống trong sự che chở thương yêu của mẹ cha, anh chị nên con trở thành thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng sống (con không biết đúng không). Và con nghĩ chính điều này mà có thể gia đình con muốn con đi lên làm quản lý để con ngày càng mạnh mẽ hơn và có kinh nghiệm hơn trong cuộc sống đồng thời cũng cho gia đình được có thêm địa vị trong xã hội. Con đã suy nghĩ rất nhiều về tính cách mình khó mà lên quản lý người khác được tốt vì vậy con không thể quyết định được. Con xin hoan hỉ đón nhận những lời dạy, lời góp ý chân thành của quý Thầy quý đạo hữu để giúp con trở thành một người tốt hơn về cả mặt đời sống thế gian và con đường đạo. A DI ĐÀ PHẬT.
Chào liên hữu,
Hữu Minh xin góp chút ý mọn để bạn rộng đường chọn lựa về con đường bạn đi sau này. Đây chỉ là ý kiến cá nhân và kèm theo ít kinh nghiệm bản thân mà HM đã trải qua để bạn suy xét và có quyết định đúng đắn cho tương lai bạn.
Trước tiên HM thành thật tán thán bạn vì bạn đã có những đức tính hiếm có so với phần đông người thời đại ngày nay. Đó là tính tri túc thiểu dục. Biết đủ, ít ham muốn và hài lòng với những gì mình đang có là đức tính mà bất kỳ người tu đạo nào cũng cần nên học. Khi đã thực hành được tính tri túc thiểu dục rồi thì mình mới buông bỏ được dần những thứ khác trong 5 món ngũ dục (tiền, sắc, danh, thực, thùy). Bạn không thích chốn đông người, huyên náo mà chỉ thích chốn yên tịch. Bạn không thích giao du nhiều với đồng nghiệp và chỉ thích ở nhà đọc kinh, niệm Phật. Những điều ấy càng tạo thêm sự thuận duyên trên con đường tu hành của bạn, chứ bạn không phải là người lập dị và không nên thay đổi tính tình của mình nếu bạn thật sự muốn tu đạo giải thoát. Tất cả những điều ấy là những tánh tốt nơi bạn, là nền tảng cần có của người học Phật.
Trở về với niềm băn khoăng chính của bạn là có nên chọn nghề quản lý khi mọi người đều tin tưởng và kỳ vọng vào khả năng của bạn hay không? HM thấy bạn đã có câu trả lời cho bạn rồi, nhưng sở dĩ hiện tại bạn còn đắn đo vì không muốn làm gia đình phải thất vọng về mình nên mới có sự dằn vặt nội tâm như bây giờ.
Những gì bạn đang trải nghiệm trong công việc hiện tại cũng gần giống kinh nghiệm mà một thời HM đã trải qua. Để HM kể chút xíu về bản thân với hy vọng bạn sẽ rút tỉa được ý chính HM muốn gửi gắm đến bạn nhé.
HM đã có một khoảng thời gian dài làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày vừa đồng nghiệp vừa khách hàng. Bản chất công việc đòi hỏi mình phải tiếp duyên thường xuyên và đó chính là sai lầm rất lớn của HM. Không phải vì đó là một công việc xấu, nhưng chính vì phải tiếp xúc với quá nhiều duyên bên ngoài như thế nên tâm mình luôn luôn ở trạng thái động, hiếm khi nào được an định vì phải lo cố gắng chu toàn mọi việc được giao một cách tốt đẹp và vui lòng mọi người. Nhưng làm sao chúng ta có thể làm cho mọi khách hàng của mình đều hài lòng vì đôi khi chúng ta không thể tránh được vài sai xuất? Như vậy thì phiền não lại đến với mình. Nếu chức vụ của bạn càng cao thì trách nhiệm cũng càng nhiều. Chư cổ đức có nói: nhiều việc không bằng ít việc, ít việc không bằng vô sự là vậy. Những lúc rãnh hay giải lao HM tìm một góc khuất nào đó, đóng cửa lại và tĩnh tâm niệm Phật ngay tại chỗ làm của mình dù chỉ là 10 phút hay nửa tiếng đồng hồ. Nghĩa là HM dành thời gian tu trong mọi lúc, mọi nơi khi có thể bên cạnh thời khóa công phu chính tại nhà. Nhưng sau 11 năm làm việc như thế, HM nhận thấy công phu tu tập của mình dường như dậm chân tại chỗ. Phiền não không giảm bớt đi vì công việc đòi hỏi phải tiếp xúc và quan tâm nhiều người. Do vậy HM đành phải từ bỏ công việc ấy để tìm đến một công việc khác, tuy thời gian đầu lương ít hơn nhưng không phải tiếp quá nhiều duyên. Sự tu tập nhờ thế có phần tiến bộ hơn xưa.
Có một điều nữa HM xin tán thán bạn, đó là bạn biết cân nhắc về lợi danh. Đây cũng chính là một trong năm món ngũ dục mà khi mình vướng vào sẽ rất khó dứt ra được vì sự cám dỗ rất mạnh của nó.
Khi xưa Liên Tông tổ thứ 8 là đại sư Vân Thê khi đi tham học, ngài lặn lội đường xa đến gặp Biện Dung thiền sư. Để tỏ lòng thành quyết tâm cầu pháp ngài vừa đi vừa lạy đến trước mặt thiền sư. Thiền sư chỉ bảo: “Ngươi nên giữ bổn phận, không nên tham cầu danh lợi, đừng chạy theo duyên ngoài, chỉ cần phân minh lý nhân quả, một lòng chuyên niệm Phật mà thôi”. Các bạn đồng đi tham học khi ấy thấy vậy liền cười khẩy chê tổ rằng đã mất công lặn lội đường xa đến đây và phải bái lạy từ xa mà chỉ được nghe vài câu không đáng gì cả. Tổ không giận mà còn cười bảo: “Đó mới chính là chỗ tốt của thiền sư vì ngài không nói lời cao siêu để lấn át kẻ dưới. Ngược lại còn đem chỗ tinh yếu của người tu mà truyền lại.” Từ ngày ấy về sau tổ vẫn thực hành nghiêm chỉnh lời dạy này và còn truyền lại cho đệ tử rằng:
“Giữ bổn phận không tham danh lợi, không theo duyên ngoài, rõ lý nhân quả, chuyên niệm Phật”. Lời nầy xem như cạn cợt tầm thường, song rất cao siêu, mầu nhiệm, tuy là giản dị, song bao quát kinh nghĩa, gom thành chỗ tinh yếu của một đời người tu. Giữ đúng theo đây xét kỷ lại, đã có mấy ai làm được? Cho nên kẻ nông cạn tất xem thường lời nầy; người ưa nói lý huyền, xem mình là bậc cao siêu vô ngại, quyết không thể nào làm đúng như những lời dạy này; nên chẳng phải bậc đã từng kinh nghiệm như Ngài Biện Dung thiền sư, không có đủ trình độ thốt ra lời nầy; và nếu chẳng phải bậc chân tu thật đức, thạc học, thiện tri thức học đạo giải thoát, cũng không thể lãnh thọ được lời nầy.
Danh lợi có thể là lưỡi dao 2 mặt. Nếu bạn khôn khéo biết sử dụng nó để giúp đời, giúp người và không làm cho lý tưởng tu học giải thoát bị lu mờ thì rất quý. Nhưng phần nhiều người đời bị nó dẫn lôi trong vòng sanh tử lúc nào chẳng hay. Theo luật nhân quả, hiện tại bạn là người có phước do chính cái nhân lành mà bạn đã gieo trồng trong quá khứ. Giờ đã đủ duyên nên bạn sắp được hưởng quả. Nhưng người trí trong đạo Phật, đặc biệt là người tu theo pháp môn Tịnh Độ, thì không nên hưởng phước ngay lúc này. Nghĩa là hãy để dành nó cho giờ phút cuối cùng của đời mình. Đó là lúc mình cần phước báu nhiều nhất để mình có thể dùng nó làm tấm cầu bước lên chiếc thuyền bát nhã về đến bến bờ giải thoát ở Tây Phương Cực Lạc.
Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào
Mong rằng vài dòng chia sẻ thân tình trên sẽ giúp bạn có sự quyết định sáng suốt nhé.
A Di Đà Phật
Cư sĩ Hữu Minh
Qua 2 phúc đáp của đạo hữu Song Hiệp và cư sĩ Huệ Minh con xin chân thành cảm ơn 2 vị đã thiện tâm góp ý cho con. Hai vị mỗi người đều có ý kiến rất hay, đều muốn tốt cho con nhưng lại (có thể) trái chiều nhau chính vì thế con vẫn còn băn khoăn suy nghĩ.
Con rất hoan hỉ đón nhận lời góp ý của cư sĩ Hữu Minh. Đúng như lời cư sĩ nói lý trí con có thể đã chọn nhưng tình cảm con chưa cho phép, vấn đề là con phải tiếp tục cân nhắc thật kỹ về quyết định cuối cùng của mình để gia đình, người thân ủng hộ mình và cũng để sau này con sẽ không có gì nuối tiêc về việc mình chọn hôm nay. (Có lẽ con hơi tham lam )Con vẫn xin tiếp tục hoan hỉ chờ đợi và chân thành đón nhận những lời góp ý đầy tâm thiện của quý đạo hữu và quý Thầy. A DI ĐÀ PHẬT.
Vạn duyên buông xuống, nhất tâm niệm phật cầu vãng sanh tây phương, nếu là phật tử chân chánh thì sanh tử là quan trọnng hơn hết, khi nào bạn đạt được sanh tử tự tại rồi thì muốn làm gì làm. Thời mạt pháp rồi 1 câu A Mi Đà phật(4 chữ) giữ còn không xong, nếu có lo thì bạn nên lo cứu huệ mạng của mình và Cha Mẹ thì đó mới không phụ ơn chư Phật, Bồ Tát va Cha Mẹ.
mình cũng đồng ý với cư sĩ Hữu Minh, cái nghiệp lực ghê gớm lắm, mình khó mà chống lại được, tốt nhất là nên tránh nó đi, làm công việc bình thường thôi để có thời gian mà chuyên niệm. nói thẳng ra là mình nghĩ bạn vẫn còn ham danh lợi nên mới phải suy nghĩ như vậy đúng không. bạn có thể làm sếp để được nhiều tiền cúng dường nhưng cái đó k0 bằng bạn k0 có tiền mà biết niệm phật, bạn nên tỉnh táo nhìn cho kỹ, cái danh lợi và ái dục, nó thật sự rất rất mạnh,căn tánh kém cỏi mình như ngày này không vượt qua nổi đâu.nên tránh, nên tránh…….A DI ĐÀ PHẬT
cái không cầu không từ mà hòa thượng nói, bạn cũng đừng cố bắt chước như robot, bởi vì hòa thượng được cúng dường đều dùng hết cho chùa, làm thiện cả, bản thân còn cần gì nữa đâu mà trang hoàng. ta mà có danh lợi thì ta cúng dường được bao nhiêu, lúc đó lòng tham chồng chất. bạn sẽ muốn mua sắm này nọ, mệt mỏi không thôi. thật đó, nên thiểu dục tri túc, đó là hạnh phúc nhất
Con xin kính cẩn cám ơn quý Thầy quý đạo hữu đã chỉ dạy cho con. Đúng như lời Dieu Hieu nói chắc đúng là con còn tham rất nhiều về danh lợi địa vị con xin sám hối. Con đã trình bày với gia đình, với bác và với các vị lớn tuổi … trong gia đình con đều khuyên con nên để tự nhiên không nên từ chối vì đó là do mình được chọn và do năng lực bản thân mà có được chứ không phải do mình dùng tiền bạc hay gian ác mà mình đoạt lấy. Mình làm chức cao nhưng vẫn giữ đức hạnh tốt mới nên người chứ không pải trốn tránh là tốt… Con không đủ nghị lực để giải thích lại hay cũng có thể đúng là con còn quá tham mà chỉ vâng dạ và im lặng… Con xin sám hối. A DI ĐÀ PHẬT.
Theo mình thì bạn nên nhất tâm niệm Phật thì tốt hơn là vọng tưởng về các việc khác.
Sao ngày xưa Thái Tử Tất-Đạt-Đa không ở lại làm vua để giúp dân giúp nước làm điều nnhững điều đại phước thiện cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tốt đẹp nhỉ????
Sao ngày xưa Vua Trần Nhân Tôn lại bỏ ngai vàng không tiếp tục làm vua để giúp dân giúp nước làm điều nnhững điều đại phước thiện cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tốt đẹp nhỉ????
Sao Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma cũng rời bỏ ngôi vương tử là xuất gia nhi????
V.V…..
Ngẫm lại cái danh lợi cỏn con mà chúng ta sắp có hoặc đang có đây có là gì mà phải khổ tâm vậy nhỉ!!!!
phàm ở đời hễ hưởng phước thì hết phước, thọ khổ thì hết khổ thôi mà…
Ôi… thật là điên đảo mộng tưởng
A DI ĐÀ PHẬT. con xin chân thành tiếp nhận lời dạy chư Thầy và các đạo hữu.
Hôm nay mình đọc được những tâm sự của bạn hoằng tài, giờ đây đã qua mấy năm rồi không biết công việc của bạn thế nao? Theo mình nghĩ nếu bạn thuận theo tự nhiên cũng là điều tốt vì một người làm quản lý có bằng cấp và năng lực, hơn nữa lại biết tu hành như bạn thì sẽ mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống và nghề nghiệp. Khi ta hiểu biết về bản chất của cuộc sống, hiểu được tất cả chúng sinh trong cuộc đời này mọi sự đều do quy luật nhân quả chi phối thì mình bớt đi những mặc cảm và thấy quý trọng tất cả. Từ đây mình nhận ra rằng càng phải nỗ lực nhiều hơn và khéo léo đưa ánh sáng của phật pháp kết hợp năng lực chuyên môn sẽ giúp đỡ được đồng nghiệp và các em học sinh rất nhiều.Nghề Giáo từ xưa đến nay vẫn là nghề đạm bạc nhất, đồng lương phải khéo lăm mới đủ sống nhưng bù lại chữ Tình luôn đặt lên hàng đầu thì lo gì chuyện dễ sa ngã. Mình cũng làm quản lý nay đã được 5 năm. Nhớ lại ngày đó mình cũng có một vài suy ngĩ giống bạn hồi ấy. Suốt ngày đi nhờ người này người kia xin cho k phải làm quản lý. Khi nhận được Quyết định thì chán nản và lo lắng vô cùng. Hiện tại mình thấy hài lòng với công việc. Ngày nào cũng duy trì hai thời khóa niệm Phật và thực hiện Thập trai hàng tháng. Mình nói chuyện vậy ý rằng mọi người hãy dũng mãnh trên mọi lĩnh vực. Và quan trọng hơn khi suy nghĩ, nói và làm bất cứ điều gì cũng luôn nhớ mình là người con của Phật. Cuộc sống luôn mang đến những thử thách. Qua sóng gió mới thấy mình trưởng thành hơn. Vài lời chia sẻ cùng hoăng tài. Mong bạn và mọi người hoan hỉ. Nam mô a di đà phật
” Đời Người như 1 giấc mộng “…tôi luôn suy nghĩ như vậy mà chuyên một lòng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”…thân này có đáng gì đâu,..chúc Tấc Cả Mọi Chúng Sanh đều biết pháp Môn Niệm Phật mà sanh về Tây Phương Cực Lạc.Nam Mô A Di Đà Phật.
làm cách nào để con tự tin và không suy nghĩ về những chuyện vớ vẫn nữa
Để thật khách quan,con mạo muội lấy ví dụ của Đức Jê-Su bên Công Giáo: ” Người giàu bước vào Thiên Đàng khó như lạc đà chui qua lỗ kim ” Nếu có con voi vẫn qua lỗ kim thì càng tốt vậy.Bạn Huằng Tài cố làm con voi được không?
Để chắc chắn,bạn cầu Đức Quan Thế Âm gia hộ định lực,trí tuệ,tùy duyên ứng biến trong trường hợp này là tốt nhất. Thân mến.
Không biết tôi khuyên bạn có đúng không nữa?Thấy phân vân qúa,áy náy qúa.Trót gửi lời khuyên đi rồi…Bạn đừng bận tâm nha…
Nam mô A Di Đà Phật.
https://www.facebook.com/groups/524420407704611/