Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược năng chuyển vật, tức đồng Như Lai”, nghĩa là tất cả các bậc Thánh hiền có thể chuyển được vạn vật mà không hề bị vạn vật chuyển, tùy tâm được tự tại, chốn chốn đều chân như. Kẻ phàm phu chúng ta bị vọng tưởng làm chướng ngại, nên mới bị cảnh chuyển, giống như ngọn cỏ đầu tường, khi gió đông thổi lại thì ngã về hướng tây, gió tây thổi qua thì ngã về hướng đông, không thể tự làm chủ được mình.
Có người suốt ngày nhởn nhơ biếng nhác, không để tâm đến việc tu đạo; tuy cũng hành trì nhưng lúc có lúc không, ngày chồi ngày hụp, thường lẩn quẩn trong vòng mừng giận, buồn vui, phải trái, não phiền. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt, sáu căn luôn rong ruổi theo sáu trần, chưa từng tỉnh giác phản chiếu lại mình; niệm niệm chạy theo nào là xanh vàng đỏ trắng, già trẻ trai gái v.v.. Gặp điều vừa ý hợp nhãn khởi tâm vui mừng tham đắm; đụng chuyện trái ý nghịch lòng sanh tâm buồn phiền chán ghét, lòng thường khởi lên vọng tưởng. Người vọng tưởng nhẹ, còn có thể để tâm tu đạo, làm thiện sự; người vọng tưởng quá nặng, sanh khởi vô số niệm tà bất chánh, lòng đầy uế trược, loạn tạp, đến nỗi không còn thuốc chữa.
Thiền sư Bạch Vân Đoan có bài tụng rằng:
Nhược năng chuyển vật tức Như Lai
Xuân noãn sơn hoa xứ xứ khai
Tự hữu nhất song cùng tướng thủ
Bất tằng dung dị vũ tam đài.
(Ai người chuyển vật tức Như Lai
Xuân đến khắp đồi hoa rộ nở
Buồn nỗi tay thô không mềm mại
Làm sao diễn đạt điệu Tam Thai).
Trong Kim Kim Cang cũng nói: “Ưng như thị giáng phục kỳ tâm” (nên như thế mà giáng phục tâm mình – tức trụ tâm vào không chỗ trụ). Hay như cách nói của Nho gia: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị.” (Tâm không đặt vào đó thì tuy nhìn nhưng không thấy, tuy nghe nhưng không biết, tuy ăn nhưng không cảm nhận mùi vị của thức ăn). Nhà Nho khi nổi giận còn có thể làm chủ được mình, không để cho cảnh chuyển như thế; huống chi chúng ta là con nhà Phật, sao không nghĩ đến việc sanh tử cấp thiết như cứu lửa cháy đầu mà buông bỏ các duyên, tinh tấn tu đạo, lợi dụng cảnh động để rèn luyện, khảo nghiệm bản thân cho đến khi tâm không còn chạy theo trần cảnh, có được thành tựu trong sự hành trì. Tu hành, không nhất thiết phải ở trong cảnh tịnh, cũng có thể tu trong cảnh động, cảnh động nhưng lòng không động, đó mới thực sự tu hành.
Vào năm đầu triều đại nhà Minh, ở đầm Hồ Nam có một người thợ rèn họ Hoàng, lấy việc rèn sắt làm nghề mưu sinh, mọi người đều gọi ông là Hoàng thợ rèn. Khi ấy nhằm lúc Chu Hồng Vũ khởi binh đánh trận, cần đến rất nhiều vũ khí, Hoàng thợ rèn lãnh mệnh tức tốc chế tạo binh khí, ông làm việc ngày đêm không nghỉ. Một hôm, có vị Tăng đi đến nhà khất thực, Hoàng thợ rèn mang cơm ra cúng dường, vị tăng thọ trai xong, bảo ông rằng: “Hôm nay thọ nhận sự cúng dường của thí chủ, không có chi báo đáp, chỉ có một lời tặng.” Hoàng thợ rèn thỉnh vị Tăng nói ra. Vị tăng hỏi: “Sao thí chủ không chịu tu hành?” Hoàng sư phụ trả lời: “Tu hành tuy là việc tốt, có điều tôi suốt ngày bận túi bụi, làm sao có thể tu hành được chứ?” Vị Tăng bảo: “Có một pháp môn niệm Phật, tuy trong cảnh bận rộn, vẫn có thể tu hành được. Khi thí chủ nện xuống một búa, có thể niệm một tiếng Phật, thổi một hơi ống thổi cũng niệm một tiếng Phật, cứ làm như thế trong một thời gian dài, sẽ được chuyên tâm vào câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, đến khi mệnh chung, tất sẽ được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.” Hoàng thợ rèn y theo lời vị Tăng dạy, tay rèn sắt, còn miệng thì niệm Phật, rèn sắt suốt ngày, suốt ngày niệm Phật, không biết mệt mỏi, ngược lại còn cảm thấy khinh an tự tại. Cứ thế tu tập, công phu ngày một trở nên thâm hậu, miệng không niệm tâm cũng tự niệm, dần được tỏ ngộ. Trước lúc mạng chung, Hoàng thợ rèn biết rõ ngày giờ, bèn từ biệt bạn bè thân thích, nói là muốn đi đến Tây Phương. Lúc sắp đi, ông bàn giao hết công việc lại, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, đến bên lò rèn gõ xuống mấy cái và nói bài kệ:
Đinh đinh đương đương
Cửu luyện thành cương
Thái bình tương cận
Ngã vãng Tây Phương.
(Lẻng xẻng lẻng xẻng
Luyện lâu thành thép
Thái bình sắp đến
Ta về Tây phương.)
Nói xong, an nhiên vãng sanh, lúc ấy trong nhà đầy mùi hương lạ, thiên nhạc trổi vang trời, xa gần đều nghe thấy, mọi người nhân đây mà được tỏ ngộ rất nhiều.
Hiện nay chúng ta cũng bận suốt ngày không ngơi, nếu có thể học theo như Hoàng thợ rèn, nổ lực tu hành trong cảnh động, thì còn sợ chi đến việc sống chết! Lúc trước, tôi ở núi Kê Túc – Vân Nam, có kể cho mọi người nghe việc thế độ Cụ Hành xuất gia. Khi Cụ Hành chưa xuất gia, mắc phải nhiều tật như hút thuốc, uống rượu…, trong nhà tám người đều làm công quả trong chùa Chúc Thánh. Về sau, cả nhà đều xuất gia, từ đó Cụ Hành dứt tuyệt những cố tật của mình. Tuy không biết chữ, nhưng Cụ Hành rất dụng công học tập, trải qua thời gian chưa bao lâu thuộc lòng hết cả hai thời công phu sớm tối, Phẩm Phổ Môn v.v.. Ban ngày chuyên lo trồng rau cải, ban đêm lễ Phật tụng Kinh, không ham mê ngủ nghỉ. Ở trong Đại chúng, ai thích, Cụ Hành không màng; ai ghét, Cụ Hành cũng không để ý. Thường ngày hay vá quần áo giúp cho mọi người, khi vá một mũi kim, niệm một câu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, không mũi kim nào mà không niệm. Về sau, Cụ Hành đến bốn ngọn núi nổi tiếng của Phật giáo (Phổ Đà Sơn – Triết Giang, Nga Mi Sơn – Tứ Xuyên , Cửu Hoa Sơn – An Huy, Ngũ Đài Sơn – Sơn Tây) học tập Phật Pháp tám năm, sau đó về lại Vân Nam. Khi ấy, tôi đang xây dựng chùa Vân Thê, Cụ Hành không màng lao khổ, làm hết mọi việc lớn nhỏ, khiến cho ai nấy đều hoan hỷ. Lúc sắp mệnh chung, Cụ Hành đem bán hết những vật dụng của mình, thiết trai cúng dường Đại chúng, lo liệu hết mọi việc, sau đó cáo biệt mọi người. Cụ Hành ra sau vườn chùa Thắng Nhân, thuộc hạ viện chùa Vân Thê – tỉnh Vân Nam tự thiêu bằng những hạt cải xanh góp nhặt được trong suốt bốn tháng cùng vài bó rơm. Khi mọi người phát hiện ra thì Cụ Hành đã vãng sanh rồi. Chiếc áo dài trên thân bị cháy cong lên, tuy đã thành tro, nhưng vẫn giữ nguyên hình dạng như cũ, không hề rớt xuống; thân hình ngồi ngay thẳng trong đống tro, trong khi tay vẫn còn cầm mõ dẫn khánh, khiến ai nhìn thấy cũng đều hoan hỷ tán thán. Cụ Hành suốt ngày bận rộn không ngơi, nhưng không hề quên việc tu hành, cho nên đối với việc sanh tử khứ lai đều rất tự tại. Nếu quý vị tu được trong cảnh động sẽ dễ đạt kết quả hơn tu trong cảnh tịnh.
Đại lão hòa thượng Hư Vân
Là nữ giới nếu đang trong thời kì kinh nguyệt thì có niệm Phật được không?
Dẫu biết rằng đây là tâm cung kính Phật nên có người e ngại chuyện niệm Phật trong những ngày này, hay cho rằng mình không được “sạch sẽ” nên ái ngại việc thắp hương lễ Phật, sợ ô uế chốn thiền môn, nhưng Phật không cấm điều này. Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt chỉ giữ gìn vệ sinh bản thân cho sạch sẽ không làm phiền người bên cạnh thì cứ việc niệm Phật hay lễ Phật như thường. Các ni sư trong chùa làm được thì Phật tử tại gia cũng được phép làm. Chị không nên quá lo ngại chuyện này mà mất phần lợi ích vãng sanh.
A Di Đà Phật.
Thời nay, nếu con cố gắng nhiếp tâm tranh thủ niệm Phật những lúc làm việc, nhớ lúc nào niệm lúc đấy trong ngày thì liệu có thành tựu đựoc không ạ, ngoài khóa định sẵn ạ
Có thể nhưng không nắm phần chắc chắn đâu bạn. Mình thành thật khuyên bạn hãy dành chút thời gian đọc các gương vãng sanh tại website này rồi học theo hạnh của những bậc đi trước đã vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Cứ theo dấu chân của người xưa thì thành tựu sẽ chắc chắn hơn bạn ạ. Tuy nhiên mọi lúc mọi nơi trong ngày dù bạn bận rộn mà vẫn không quên niệm Phật, đó là trong tâm nhớ Phật thì rất tốt vô cùng.
Những câu chuyện lúc sinh thời của cố lão hòa thượng Tịnh Không. A Di Đà Phật.
https://www.youtube.com/watch?v=dM7K1MCcW8Y