Niềm Tin vô cùng quan trọng! Thế gian pháp làm một việc gì muốn thành công phải có lòng tin vững vàng. Phật pháp lại càng chú trọng về niềm tin. Pháp môn Niệm Phật lấy chữ “Tín Tâm” làm khởi đầu cho tất cả.
Hồi sáng này mình nói lòng tin tạo ra công đức, nhờ công đức tăng thêm thiện căn, rồi thiện căn nó làm cho niềm tin vững hơn, vì niềm tin vững hơn nên công đức của mình lại tăng lên nữa, từng nấc từng nấc đưa đến chỗ thành tựu. Những lời này là để củng cố niềm tin cho nhau. Xin chư vị vững lòng tin tưởng. Những người nào niệm Phật mà chưa phát khởi niềm tin, mau mau phát khởi niềm tin, nếu không thì công cuộc tu hành của chúng ta coi chừng trở thành như: “Dã tràng se cát biển đông!”.
Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về “Niềm Tin”. Niềm tin có sự đối trị của nó. Trong kinh Phật nói:
– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn.
– Tín năng siêu suất chúng ma lộ.
– Tín năng thành tựu Bồ-đề đạo.
Ba điểm này quan trọng vô cùng.
– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Người không có thiện căn phước đức thì nhờ tín tâm mà được trưởng dưỡng lên. Khi phước đức của mình được trưởng dưỡng lên, thì vô tình nghiệp chướng của mình nó lại lu mờ xuống. Như vậy trưởng dưỡng thiện căn đối trị với nghiệp chướng.
– Tín năng siêu suất chúng ma lộ. Cái niềm tin vững vàng nó giúp mình vượt qua tất cả những “Nghiệp Ma”. Nhờ sự đối trị này mà nghiệp chướng bị kiềm chế, ma nghiệp cũng bị kiềm chế, khiến ta “Thành tựu Bồ-đề đạo”. Hay lắm! Điều này hay lắm quý vị ơi!
Chướng ngại chúng ta có ba dạng:
– Một là Nghiệp Chướng.
– Hai là Phiền Não Chướng.
– Ba là Báo Chướng.
“Nghiệp Chướng” được câu “Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn” đối trị. Nghiệp chướng chúng ta có kèm theo cái gọi là “Oán Thân Trái Chủ Chướng”, là những thứ oán thù và nợ nần chúng ta đã tạo ra trong quá khứ, nó đã thành hình rồi.
Còn “Ma Chướng”? Ma chướng chính là “Phiền Não Chướng”, chứ không phải là “Ma này” “Ma nọ”, thè lưỡi, nhe nanh! Không phải. Ma chướng chính là phiền não chướng. “Phiền não chướng” là Tham-Sân-Si-Mạn-Nghi-Ác Kiến. Sáu thứ này là ma chướng. Tu hành:
– Khởi một niệm nghi là Ma chướng.
– Khởi một tâm sân giận lên, địa ngục nhập vào: Ma chướng!
– Khởi lên một tâm tham lam, ngạ quỷ nhập vào: Ma chướng!
Dễ sợ!… Khi phân tích cho rõ ra mới thấy tại sao có nhiều người tu hành rất lâu mà sau cùng không được thành tựu? Là vì không biết rõ chỗ này. Bây giờ mình đi từng bước từng bước thì sẽ thấy rõ hơn.
– Tín năng trưởng dưỡng chư thiện căn. Cái nghiệp của mình trong quá khứ đã làm rồi, xin thưa không cách nào có thể làm cho nó tiêu được. Cũng giống như chúng ta thường hay nói, ví dụ trong một cái hũ này có chứa hạt đậu đen và hạt đậu trắng. Nghiệp chướng ví như hạt đậu đen, phước báu ví như hạt đậu trắng. Tức là trong cuộc đời chúng ta từ vô lượng kiếp tới bây giờ, cũng có lúc làm thiện, cũng có lúc làm ác. Làm ác tạo ra nghiệp ác: Hạt đậu đen. Làm thiện tạo ra nghiệp thiện: Hạt đậu trắng. Trắng – Đen trộn lẫn với nhau. Giả sử như ban đầu Đen – Trắng bằng nhau: Màu xám xám. Bây giờ chúng ta biết trưởng dưỡng những thiện căn phước đức của mình lên, làm lành cho nhiều đi. Ngày nào cũng bỏ hạt đậu trắng vào, thì đến một lúc nào đó mình nhìn cái hũ, hũ lớn lắm nghen, chứ không nhỏ đâu, mình thấy hình như nó trắng non à. Mình hốt lên một nắm thấy toàn là hạt đậu trắng không. Đây chính là điều mà chúng ta nói đó!…
Đừng bao giờ duyên tới những nghiệp ác. Đừng bao giờ khởi lên những chuyện ác. Để cho cái nghiệp ác của mình nó nằm im đó. Nghiệp ác mới thì mình không tạo ra, và cái tâm thiện lành của mình cứ bỏ mãi những hạt đậu trắng vào, thì đến một lúc nào đó lượm lên ta thấy toàn hạt đậu trắng không thôi. Hạt đậu đen còn hay mất?… Còn nguyên vẹn trong đó, không mất.
Trong lúc mình bỏ hạt đậu trắng nhiều như vậy, nhưng đến cuối cùng mình lại không lượm hạt đậu trắng, mà cứ muốn moi dưới đáy tìm cho được hạt đậu đen, thì mình hưởng cái quả của hạt đậu đen đó, nghĩa là bị đọa lạc! Trong khi đó, hạt đậu trắng còn không? Còn nguyên vẹn.
Chừng nào mới hưởng hạt đậu trắng? Khi nào mình hưởng hết cái quả của hạt đậu đen, nghĩa là trả hết tất cả những nghiệp ác rồi mới hưởng được hạt đậu trắng đó. Nguy hiểm là chỗ này!
Tại sao lại phải bị hạt đậu đen? Tại vì phiền não chướng. Như chúng ta niệm Phật mà lòng tin không khởi được, không phát được. Niềm tin không khởi phát thì thường thường là phiền não chướng đang nổi lên. Ví dụ vô trong đạo tràng, tất cả mọi người đều trang nghiêm. Họ trang nghiêm vì họ tin tưởng, họ thành kính. Mình không trang nghiêm chứng tỏ là mình không tin tưởng, không thành kính! Thành kính thì trong lúc tu người ta tạo phước đức. Không thành kính thì cũng gọi là tu hành nhưng mình tạo nghiệp. Rõ rệt!…
Chính vì vậy, xin nhắc đi nhắc lại rất nhiều về chuyện này, ta thường đưa ra nhiều dạng người tu hành bốn-năm chục năm mà sau cùng thất bại. Một trong những lý do, là vì sơ ý chỗ này.
Hôm trước ta có đưa ra một ví dụ, như một người giàu có mà thích đi casino, (tức là cờ bạc). Biết tu tức là biết tạo phước, mà thích đi casino nên làm có tiền xong thì đi casino liền. Đốt hết! Mình tu thì tạo ra phước. Tạo ra phước mà không kiềm chế được phiền não của mình, nổi lên cơn sân giận thì tiêu hết! Tiêu hết rồi thì tu nữa, (tại vì biết tu mà). Tu thì có phước nữa, có phước nữa nhưng giận một cơn nữa thì đốt hết nữa! Nhiều người tu bảy-tám chục năm mà còn giận hờn, đố kỵ, ganh tỵ… thì phước tiêu hết, đức tiêu hết, có thể thua một người mới tu được có một tuần hai tuần mà cuộc đời của họ hiền lành. Cho nên “Tín năng siêu suất chúng ma lộ” là ở chỗ này.
Ví dụ cụ thể hơn, như hôm thứ bảy vừa rồi mình đi hộ niệm, một cụ già trên 80 tuổi, mình tới khuyên niệm Phật, nếu mà vị đó phát khởi tín tâm liền, không chần chừ nữa… Không cần biết là vị đó hồi trước có tu không? Không cần biết. Nhưng một ngày trước khi ra đi mà phát khởi niềm tin vững vàng…
– Bác ơi! Chắp tay lại niệm Phật nhé.
Bác chắp tay liền lập tức.
– Niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây Phương, quyết định nghe bác.
– Dạ, tôi quyết định. Cậu ơi! Hồi giờ tôi làm sai quá, thì bây giờ làm sao?
– Không sao đâu. Vững vàng đi. Phật cho phép đới nghiệp.
Tin liền lập tức, không chần chờ nữa. Nếu hai-ba ngày sau cụ chết. Trong hai ba ngày đó cụ đã niệm câu A-Di-Đà Phật rồi. Khi thấy mệt mệt, kêu chúng tôi tới hộ niệm… thì có thể cũng có hy vọng… Có nhiều người được hộ niệm từ sáng cho đến chiều mà được vãng sanh. Quý vị thấy rõ ràng không? Còn chần chừ? Còn cứ muốn hẹn nay, hẹn mai? Hậu quả sẽ khác hẳn liền! Tại sao vậy? Niềm tin không có. Còn như người đó tự nhiên phát khởi niềm tin liền lập tức thì khác. Hồi giờ không tin tại vì không ai hướng dẫn, chưa có duyên. Nay gặp duyên có người hướng dẫn thì tin liền…
“Tin liền” và “Chần chừ”, hai cái giá trị này hoàn toàn khác nhau! Khác một trời một vực. Tin liền, tức là niềm tin khởi lên mạnh mẽ: “Tín năng siêu suất chúng ma lộ”. Tất cả những giận hờn, những ganh tỵ, những câu mâu, những luyến ái, tham, sân, si, mạn, nghi… tự nhiên buông hết. Ngay từ đó niệm câu A-Di-Đà Phật mà siêu suất chúng ma lộ!…
“Ma” nó dẫn mình duyên tới những cái “Nghiệp Chướng” trong quá khứ, nó dẫn mình duyên tới những cái “Oán Thân Trái Chủ Chướng”. Chính nghiệp chướng và oán thân trái chủ chướng này tạo cho mình cái “Báo Chướng”. Báo chướng này đưa mình đi xuống ba đường ác. Nếu cái “Ma Chướng” này bị ngăn đi, cắt đi, tức là tất cả những cái duyên của nghiệp chướng, oan gia trái chủ chướng bị cắt, thì những nghiệp chướng này không trở thành quả báo. Oan gia trái chủ thông cảm không hãm hại mình. Mình niệm Phật hưởng cái quả báo vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Đơn giản như vậy.
Chính vì vậy mà có những người hồi giờ không biết tu gì cả, nghe nói hộ niệm vãng sanh, mừng quá, chạy tới kêu. Dù người ta chưa bao giờ bước tới đạo tràng này, nhưng chỉ cần mình tới nói chuyện, họ phát khởi niềm tin, nhiều khi họ đi ngon lành hơn mình, đừng nên khinh thường. Còn như chúng ta ở đây tu, ngày ngày chúng ta cũng nói hộ niệm, ngày ngày chúng ta nói về Tây Phương, củng cố niềm tin cho nhau để đi về Tây Phương, nhưng chúng ta lại tu tà tà! Vì sao lại tu tà tà? Hổm nay tôi nói rất nhiều rồi, có thể vì oan gia trái chủ đã xúi để hại ta! Tu tà tà thì thiện căn phước đức của chúng ta trong quá khứ không khởi lên được. Tại sao vậy? Tại vì niềm tin của chúng ta tà tà. Niềm tin tà tà thì “Tín Năng” không có thể nào “Siêu suất chúng ma lộ” được. Tín này không thể nào trưởng dưỡng chư thiện căn được. Không có niềm tin nhất định không thể thành tựu đạo Bồ-đề.
Bồ-đề Đạo đối trị với Báo Chướng. Thành Bồ-đề đạo tức là thành Phật. Lên Tây Phương thì báo chướng cũng chịu thua, không cách nào báo hại mình được nữa, mà lúc đó là mình đi trên cái báo chướng đó, mình đi trên cái nghiệp chướng đó, mình dùng thần thông đạo lực đi cứu độ chúng sanh, vì chúng sanh mà chịu khổ. Chư Phật hạ sanh xuống cõi trần là thị hiện vì chúng sanh các Ngài chịu khổ, chứ không phải xuống đây các Ngài chịu nhân quả đâu à! Các Ngài đi trên nhân quả rồi, đã trở về chơn tâm tự tánh không còn cái đó nữa, thì ta cũng tập theo các Ngài về Tây Phương để thành đạo Vô-Thượng, chúng ta đi trên cái mức đó, đi cứu độ chúng sanh. Ở từ đâu? Bắt nguồn từ niềm tin này.
Cho nên ngũ căn, ngũ lực bắt đầu từ chữ “Tín” mà đi hết. Đi về Tây Phương cũng bắt đầu chữ “Tín”. Nếu không tin, ví dụ như bà cụ nói chuyện leo lẻo đó, mình nghĩ rằng ít ra cũng một năm nữa chưa chắc gì đã đi. Thế mà mình chưa kịp tới lần thứ hai thì bà cụ đã đi rồi. Quý vị thấy không? Đây là nghiệp chướng đã tràn lên rồi, bao phủ rồi, oan gia trái chủ đã tràn lên rồi. Tại sao như vậy? Tại vì không có tín tâm, không có tín tâm nên không khởi phát được thiện căn phước đức, nên không vượt qua được ma chướng. Xin nhắc lại, Ma Chướng chính là Phiền-Não Chướng!
Như vậy, thì nếu còn giận, xin chư vị đừng giận nữa, tức là chúng ta bỏ được ma giận: “Ma Địa Ngục”. Chúng ta tham lam, tham tiền, tham bạc, tham vàng… tham đồ gì đó, tham luyến gì đó, toàn bộ là ngạ quỷ chướng hết trơn. Một niệm tham nổi lên, ngạ quỷ nhập vào. Quỷ nhập thân này, không phải là do quỷ nào cả, mà chính là tâm tham chúng ta khởi ra. Thực sự là như vậy!
Ta hiểu được như vậy rồi, thì tất cả đều do chính cái tâm ta tạo ra hết. Hôm trước tôi gặp ở trên Internet có một người email hỏi tôi:
– Bây giờ từ sáng tôi tu năm tiếng đồng hồ, chiều tôi tu hai tiếng đồng hồ, một ngày tôi tu bảy tiếng đồng hồ như vậy, tôi quyết tâm cho được thành tựu. Nhưng tại sao bây giờ tôi bị trở ngại như vầy… như vầy… nhiều quá! Vậy thì làm sao đây?
Tôi trả lời liền lập tức:
– Tại vì chị tu không có người hướng dẫn. Chị thấy rằng mình ngon quá nên muốn đóng cửa tự tu một mình, không chịu kết hợp với đồng tu. Khi tới một đạo tràng, chị thấy người ta tu dở hơn chị, nên chị về nhà tự tu một mình. Chị tu một mình nên bây giờ mới bị như vậy. Phải không?
Tôi nói tiếp:
– Mau mau ngưng ngay lập tức, mỗi lần gặp như vậy thì ra rửa mặt đi, rồi kêu năm-bảy người tới tu chung với nhau. Nếu không có người thì tới một đạo tràng nào đó mà tu với người ta. Kêu nhiều người tới kể hết tất cả những chuyện này cho họ nghe, kể hai-ba người nghe thì tự nhiên chị hết chướng nạn…
Thực sự tại vì người ta không hiểu được đạo lý duy tâm, nên mới bị ma chướng! Ma chướng chính là cái tâm phiền não của mình. Biết được vậy rồi, thì người nào có nghi phải buông mối nghi liền lập tức. Người nào thấy chưa tin, phải tin liền lập tức.
– Ma chướng chính là giải đãi.
– Ma chướng chính là lười biếng,
– Ma chướng chính là cạnh tranh ganh tỵ,
– Ma chướng chính là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…
– Ma chướng chính là những thứ đó.
Tất cả những thứ đó là ma chướng, nó mở cửa ra cho “Ngoại Ma” nhập vào khiến mình bị nạn.
Chính vì vậy, họa cũng do mình, phước cũng do mình, gọi là: “Họa phước vô môn, duy nhân tự triệu”. Họa phước không có một hình tướng nhất định, không có một thực thể nào hết. Chính mình chiêu cảm nó đến, chính mình mời nó đến.
Có người đi tu được pháp hỷ sung mãn, đó là điều thành tựu. Từ từ tiến lên. Có những người đi tu, thì càng tu càng bị phiền não, tại vì không chịu buông ma chướng ra. Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến bỏ chưa được! Bỏ được thì chúng ta thành tựu. Nhớ những điểm căn bản này để chúng ta niệm một câu A-Di-Đà Phật với lòng tin tưởng sắc son vững vàng, chúng ta đi về Tây Phương thành đạo Vô-Thượng. Hay hơn là xuống dưới tam ác đạo để chịu khổ vạn kiếp, rồi chờ đức Di-Lặc Tôn Phật xuống cứu. Làm sao Ngài cứu được? Ngài Di-Lặc Bồ-Tát gần 600 triệu năm nữa mới xuống đây thị hiện thành Phật nghen chư vị, không phải dễ đâu. Trong khoảng thời gian đó chưa chắc gì ta được làm người để có dịp nghe pháp âm của Di-Lặc Tôn Phật đâu à!…
Khổ như vậy nên ráng mà lo lấy để đi về Tây Phương, trong một đời này gặp A-Di-Đà Phật thành tựu đạo quả. Ta sẽ theo ngài Di-Lặc Tôn Phật xuống đây cứu độ chúng sanh, hay hơn là nằm chỗ nào đó để chờ Ngài cứu độ!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Nam Mô A Mi Đà Phật
Thưa chú Minh Trị. Cháu có một nghi vấn nhờ chú chỉ bảo giúp ạ!
Cháu chưa Quy y Tam Bảo chú ạ, nhưng cháu đã niệm Phật và đọc kinh Phật tại nhà. Cả nhà cháu không ai ngăn cản cả. Cháu có ý định qua Tết Quy y Tam Bảo vì ở chùa thời gian này không làm lễ Quy y phải đợi sang năm.
Bố cháu hỏi cháu sẽ Quy y chùa nào, thầy nào? Vì bố cháu muốn cháu có một vị thầy tốt hướng dẫn trên đường đạo! Cháu nhờ chú giải thích giúp vấn đề: Có nên chọn cho mình một vị thầy và chúng ta có được phép chọn khi Quy y không ạ? Nếu có thể, vậy biết thầy nào mà chọn.
Vì cháu không rành về nghi lễ Quy y Tam Bảo. Mong chú hoan hỷ giúp cháu giải nghi và cho cả bố cháu. Cháu nghĩ mình sau khi quy y Tam Bảo, mình chỉ chuyên niệm Phật thì thầy nào cũng được phải không chú?
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.
Cháu thấy anh chị ruột cháu lấy vợ lấy chồng, sinh con, cảnh bố mẹ cháu trước đây cãi nhau…Cháu thấy sao đời vui ít khổ nhiều. “Nói trước bước không qua” nhưng cháu định sau khi Quy y Tam Bảo cháu sẽ sống độc thân. Niệm Phật và làm việc bình thường. Cháu chỉ sợ nghiệp nặng cháu phải trả duyên mà thành thân thôi ạ! Bố mẹ cháu lại hỏi: Nếu con sống độc thân thì sau khi bố mẹ chết, anh chị con cũng đã lập gia đình, khi con đau ốm thì ai chăm sóc? Quý thầy còn có chư huynh đệ còn con sẽ không có ai! Cháu không biết phải trả lời bố mẹ thế nào và cũng tự hỏi không biết phải giải quyết thế nào khi gặp hoạn nạn bất ngờ?
Cháu mong chú Minh Trị và các cô chú từ bi hoan hỷ giúp cháu giải nghi! Cháu xin cúi đầu sám hối nếu trong bài viết này có gì không phải với Tam Bảo!
Nam Mô A Mi Đà Phật.
Nam Mô A Mi Đà Phật.
Nam Mô A Mi Đà Phật.
Chú Tịnh Thái cho cháu hỏi nghe PS Tinh Không giảng thì nghe từ đâu vậy chú? Cháu đang sống ở Mĩ, nhà cháu không gần đạo tràng nữa,công việc lại nhiều, nhưng cháu không ngại gì,cháu sẽ cố gắng nghe,nhưng không biết căn bản từ đâu,hiện giờ sáng cháu lạy sám hối 40p,tụng kinh vô lượng thọ phẩm 6,và niệm phật 30p nữa,rồi đi làm,và cháu vẫn niệm thầm,tối về tụng phẩm 32-37,và niệm phật 30p,cháu xin chú hoan hỷ chỉ cho cháu thêm. Lúc trước cháu vọng tưởng nhìu lắm,cháu luôn nghĩ mình làm giàu cho mau để có thứ mình muốn,hôm nay cháu củng xin sám hối luôn,trong mấy món ăn chơi cháu không thích món nào,chỉ có sắc đẹp và đua xe,giờ bỏ hẳn đua xe rồi,còn chuyện sắc thì bây giờ gặp ai đẹp vẫn nhìn nhưng con không muốn,con cũng thường sám hối. Con biết dục vọng ở nơi con vẫn còn do tập khí sâu dầy quá phải không chú. Xin chú hoan hỷ dành chút thời gian trả lời cháu. Thật sự cháu muốn 1 đời này thành tựu nghiệp vãng sanh. Cháu chúc chú và các cô chú khác pháp hỷ sung mãn, sớm được vãng sanh. A Di Đà Phật
Cháu có thể nghe các bài giảng của HT Tịnh Không ở trang: http://www.tinhthuquan.com/PhapAmViet/tinhkhongps.htm
nghe các bài về Tịnh Nghiệp Tam Phước, Tam Quy Ngũ Giới…và các đĩa lẻ khác, sau này nếu có thời gian thì nên chuyên tâm nghe một bộ Vô Lượng Thọ mà HT giảng lần thứ 10 tại Singapore do cư sĩ Vọng Tây dịch. Trên web này đầy đủ hết.
Cháu bận rộn như vậy mà có thể giữ 1 ngày hai thời công phu là rất tốt, cố gắng duy trì, đừng để gián đoạn, thời khóa của cháu vậy là tốt rồi, chú không có ý kiến gì thêm, ngoài việc khuyên cháu nên ăn chay nếu đủ duyên, 1 tháng 4 ngày ăn chay cũng tốt, sau này cũng nên trường chay là tốt nhất.
Nghe cháu kể đã bỏ đua xe thì chú cũng rất vui với cháu, mỗi người đều có những tập khí xấu khác nhau nhưng nếu bỏ được cái nào thì tốt cái đó, còn cái vụ dục vọng sắc dục nam nữ thì quả thật là khó, nhất là những người trẻ tuổi như cháu, mà thậm chí ngay cả chú cũng vậy mà thôi, vẫn là chưa đoạn được. Tốt nhất là tránh xa nó ra, tránh xa các nơi ăn chơi trác táng hay la cà trên các trang web không lành mạnh, tránh xa các người bạn xấu hay rủ rê mình đi chơi chỗ này chỗ kia…tìm niềm vui trong việc tu tập, nghe pháp, chia sẻ quan tâm đến cha mẹ anh em trong gia đình…
Chúc cháu luôn giữ vững tâm chí tu hành và niệm Phật được nhiều an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Kính gửi các chú Tịnh Thái và các chú cư sĩ, cháu có vài điều chưa rõ lắm về các quy tắc cũng như một vài nghi lễ, cháu mong các chú có thể hoan hỷ chia sẻ giúp cháu với ạ.
1. Cháu muốn thỉnh kinh để hiểu biết hơn về những lời dạy của Đức Phật và những sách dạy của Tổ, các vị Hòa Thượng nhưng hôm nay cháu lên mạng xem về cách để kinh sách sao cho không bị tội thì có thấy nhiều điều cấm : http://www.dharmasite.net/CungKinhKinhDien.htm
trong đó có lời dạy rằng kinh, sách về Phật pháp không để cùng nhiều đồ vật khác, lúc xem kinh, sách thì phải nghiêm chỉnh, có để lên bàn thì bàn không được để vật gì khác. Cháu hoang mang quá vì trước giờ đã bất kính mà giờ cháu muốn được tiếp tục đọc kinh hoặc sách thì cũng hơi khó tránh khỏi điều bất lễ. Vì nhà cháu không có nhiều diện tích trống, cháu hay ngồi đọc sách trên ghế dài, không có bàn tựa, trong phòng (chỉ có cháu và đứa em gái) cháu vẫn rửa tay sạch rồi cầm sách, nhưng nhiều khi cháu đọc sách với tư thể thoải mái ( như ngồi co chân lên, hoặc ngồi trong chăn vì trời lạnh) mà lại không để sách lên bàn nưa, vậy thì có bất kính không chú. Tâm cháu còn phân biệt chấp trước nên cứ lúc nào thoải mái hoặc ngồi thế nào thoải mái thì đọc sách mới thấm thía được nhiều điều, còn nếu đọc sách phải tránh nhiều điều cấm quá cháu cũng không biết là nên ngồi đâu đọc bây giờ.
2. Vì nhà cháu nhỏ có mỗi một nơi thanh tịnh gọn gàng nhất là phòng thờ nhỏ có một chiếc tủ thờ, nên cháu có thỉnh kinh Phật, sách về đều cất trong hộc tủ thờ, bên dưới có để các đồ khác như : nến, hương, chai nước cúng Phật. Hoặc nhiều khi đang đọc dở sách đều treo ở tầng trệt cho tiện lúc lấy ra đọc tiếp. Nhưng vậy thì phạm nhiều lỗi quá. Trong tâm cháu thạt sự coi trọng kinh Phật và các sách của chư Tổ, Hòa Thượng nhưng điều kiện nơi ở chưa đủ với những điều kiêng cấm ạ. Cháu nên làm thế nào vì cháu muốn vẫn tiếp tục đọc kinh, sách và lãnh hội được lời dạy của Phật, của Tồma không phạm tội bất kính ạ.
3. Ngày trước có lúc cháu vừa đọc kinh để mẹ cháu nghe vừa nói với mẹ cháu vài câu để mẹ cháu hiểu, vậy có sao không chú, có bị lỗi ” không được nói chuyện khi đang xem kinh, sách ” không ạ.
4. Cuối cùng, thì cháu mới để ý rằng khi bật đĩa pháp của Hòa Thượng Tịnh không cũng có thể có nhiều người đến nghe nên mình phải nghiêm chỉnh. Mẹ cháu ở nhà bán hàng lúc nào có thời gian nghe đĩa là bật nhưng dưới tầng trệt mẹ cháu ở thì có để nhiều đồ đạc và cũng là chỗ ăn cơm hơi bừa bộn, và nhều khi làm việc xong đau người thì nằm xuống ghế nghe giảng vậy có sao không ạ.
Vài điều thắc mắc mong các chú chỉ bảo, con xin cảm ơn các chú.
Nam Mô A Di Đà Phật
Hình thức xem kinh sách và tụng kinh theo nghi thức phần lớn là áp dụng trong các tự viện tòng lâm, trong các đạo tràng đông người, vì nơi đó tiếp dẫn đại chúng đông đảo, người sơ học cũng rất nhiều nên vấn đề hình thức phải rất chuẩn mực và nghiêm trang để đại chúng nhìn vào sanh khởi được cái tâm cung kính, chân thành khi bước vào đạo tràng, tiếp cận Phật pháp.
Còn người tu học tại gia thì việc đọc tụng kinh điển thì phải tùy duyên, tức là tùy vào hoàn cảnh của mình mà có sự điều chỉnh thích hợp, chỉ cần có tâm cung kính chân thành như cháu nói ở trên là được rồi, còn về hình thức thì chỗ để kinh sách cần sạch sẽ, gọn gàng, cao ráo, trang nghiêm là được. Còn khi đọc tụng kinh điển thì chỉ cần tắm gội sạch sẽ cho người sảng khoái, quần áo nên trang nghiêm, tránh cởi trần mặc quần đùi, phải đánh răng súc miệng cho sạch sẽ…rồi ngồi ngay ngắn trên bàn đọc kinh là được, khi mệt mõi thì mình nên nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi thì lại đọc tụng tiếp.
Nhà cháu nhỏ sắp xếp kinh sách vậy là tốt rồi, ko có phạm tội gì đâu, học Phật là chú trọng thực chất, không chú trọng hình thức, quan trọng là thực hành được theo lời Phật dạy trong Kinh, cảm nhận được lợi ích từ việc học Phật ngay trong cuộc sống hàng ngày, đây gọi là y giáo phụng hành. Như việc hành trì câu A Di Đà Phật cũng thế, mình ở đâu mà chả niệm được, trong nhà vệ sinh vẫn ko rời niệm Phật nhưng mình niệm thầm, đó là cung kính, khi mình bắt đầu khởi tâm sân hận thì mình niệm Phật để hàng phục cái tâm sân đó v.v…đó là y giáo phụng hành, chứ không phải chỉ có ngồi niệm Phật trong thời khóa tu hành kô đâu…Nếu niệm Phật mà không thể hàng phục phiền não thì dẫu 1 ngày niệm 100.000 tiếng Phật hiệu cũng chẳng thể vãng sanh, cho nên người xưa mới nói “đau mồm rát họng cũng uổng công”. Phải đem câu A Di Đà Phật vào trong cuộc sống, tâm mình là tâm Phật, hành vi, lời nói của mình là giống A Di Đà Phật, là tương ưng với tâm Thanh Tịnh, Bình Đằng, Giác. Vậy thì 1 ngày niệm 10 câu thì cũng được rồi, chắc chắn sẽ vãng sanh. Có Tín Có Nguyện Có Hạnh đầy đủ rồi thì được vãng sanh Cực Lạc thôi, và người có Tín Nguyện đầy đủ thì họ lại thường niệm Phật rất nhiều cháu ạ, như cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, người chú giải cuốn kinh Vô Lượng Thọ do Ngài Hạ Liên Cư hội tập, một ngày Ngài niệm 160.000 tiếng Phật hiệu, chúng ta ở ngay chỗ này mà cố gắng noi gương Ngài, nhưng mọi chuyện phải biết tùy duyên, tùy sức cháu nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Không biết các bạn thế nào riêng tôi thì đọc các sách của Chư tổ, Cổ Đức … của các vị Lão Hòa thượng thì có thể tùy duyên chỉ cần nhất tâm cung kính lời dạy của các ngài là được. Nhưng đọc Kinh sách là lời của Phật thuyết thì chẳng giám, luôn luôn phải kính cẩn để trên bàn, nâng niu trân trong khi cầm quyển sách lên đọc, cứ như Phật tổ ở trước mặt, chẳng dám khinh nhờn, nói chung là trong phạm vi điều kiện của mình thì mình đọc sách Kinh ở hình thức trân trọng nhất.
Có khi cho người nhà mượn Kinh sách hay sách của Hòa thượng Tịnh Không, hòa thượng Thích Thiền Tâm, Hòa thượng Tuyên Hóa … mà thấy họ ngồi giường cầm đọc như đọc truyện tiểu thuyết o ép quyển sách lại mà xót ruột, phải nhắc nhở từ đó mới nghiêm chỉnh ngồi bàn đọc.
Thôi thì tùy duyên miễn sao mọi người đọc chân thật tu hành như lời Phật dạy, Tổ răn là được.
NAM MÔ A MI ĐÀ PHẬT!
Kính gởi chú Tịnh Thái!
Con có một số điều khó hiểu mong chú hoan hỉ giải thích giùm con ạ!
Bố con k tin phật pháp nên con và em gái ở nhà nhiều khi đang niệm phật hay lạy phật cũng rất bất tiện vì sợ bố bắt gặp.Chú cho con hỏi là ở nhà con k có bàn thờ phật(mặc dù con rất muốn)nhưng lúc rảnh(ngoài giờ niệm phật)conlạy phật,con chi co tấm hình A Di Đà trong cuon kinh a di đà thôi,lúc nào lạy phật con mới lấy hình ra để lên cao và lạy.lạy xong con cất đi.Chú thấy như thế có bất kính hay phạm tội gì k ạ?
-Chú cho con hỏi nữa là khi mình niệm phật miệng niệm tai chú tâm theo từng tiếng niệm,k ngĩ chuyện thế gian…v.v Như vậy có đúng k ạ?
Con rất mong chú hoan hi giải đáp thắc mắc giúp con ạ.Con chân thành cảm ơn chú.
Việc con đang làm là đúng như pháp, không có gì là bất kính hết, vì con biết tùy thuận vào hoàn cảnh mà tu hành, niệm Phật, lạy Phật. Phần hồi hướng cũng nên hồi hướng cho Bố sớm giác ngộ Phật tánh, hồi quy Tam Bảo, sớm tin tưởng Phật pháp con nhé.
Cách con chuyên tâm vào tiếng niệm bằng cách tập trung lắng nghe câu Phật hiệu là đúng đắn, nên tiếp tục phát huy, trong tâm chỉ có 1 câu A Di Đà Phật, mọi thứ khác đều chẳng nghĩ đến nữa…là phù hợp với lời Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “Nhất Hướng Chuyên Niệm A Di Đà Phật”.
Chúc con niệm Phật ngày một tinh tấn và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Gửi chú Tịnh Thái và chú Tịnh Minh
Cháu cảm ơn vì những lời khuyên hữu ích của các chú. Giờ cháu sẽ cố gắng cẩn thận không để phạm lỗi nữa.Cháu chân thành cảm ơn vì những điều khuyên và công sức tâm huyết mà các chú đã dành cho mọi người.
Cháu chúc các chú ngày thêm tinh tấn ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật.