Khi đưa ra một chương trình tu tập để “Nhất tâm bất loạn” thì đối với những người căn cơ cao, chư đại Bồ-Tát là chuyện bình thường không có gì lo sợ, nhưng mà lo sợ cho những người căn tánh hạ liệt, nghiệp chướng sâu nặng. Người căn cơ cao, tâm đã định, thì “Nhất tâm bất loạn” đối với họ là chuyện đương nhiên. Còn những người căn tánh hạ liệt mà nói về “Nhất tâm bất loạn” thì gọi là không “Khế cơ”, có thể đưa đến chỗ chướng ngại! Chính vì vậy, những chương trình “Nhất tâm bất loạn”, ít khi người ta phổ biến rộng rãi, mà thường thường chỉ phổ biến nội bộ, nội bộ trong những người căn cơ cao, vì khi đã “Nhất tâm bất loạn” thì chỉ nhìn là họ đã biết rồi.
“Nhất tâm bất loạn” là “Chứng đắc”. Khi đã chứng đắc rồi thì không còn gì có thể ngăn ngại đối với họ nữa. Cho nên chỉ nhìn nhau là người ta biết, chứ không phải cần khoe ra, nói ra, hay là mình diễn tả những cái đó mới chứng tỏ mình đã “Nhất tâm bất loạn” hay “Chứng đắc” đâu.
Hôm trước có người đã báo cho tôi biết rằng, có một người viết một bài báo đăng lên với bút hiệu là Diệu Âm, diễn tả cảnh giới “Nhất tâm bất loạn”. Năm ngoái tôi cũng có nghe một lần, năm ngoái hay năm kia gì đó (?), rồi năm nay lại nghe một lần nữa. Tôi mới vội vã viết lên một thông báo là: “Chớ nên hiểu lầm!”. Trong đó tôi xác định rõ rệt là người viết đó không phải là tôi. Có thể là một người trùng bút hiệu hay trùng pháp danh gì đó viết lên như vậy, chứ còn chính tôi là Diệu Âm đây không có được cái cảnh giới nhất tâm bất loạn.
Ta thực sự lo sợ cho những người không có khả năng nhất tâm bất loạn mà tham vào cái danh nhất tâm bất loạn, nó dễ đi vượt qua cái đà của họ mà thường thường sau cùng bị trở ngại! Ta tu hành ở đây ráng cố gắng chuyên cần tinh tấn, khi ta được nhất tâm bất loạn thì mừng, người nào được thì mừng cho người đó. Nhưng mà đưa ra một chương trình, hay một thời hạn, hay là một cái quy tắc nào đó để cho nhất tâm bất loạn thì nhất định sẽ bị trở ngại! Tại vì nhất tâm bất loạn là cảnh chứng đắc, nó không có một cái quy tắc nào giống như hai với hai là bốn, theo đó ta cứ cộng lại nó thành bốn. Không phải!
Trong kinh A-Di-Đà, Phật có nói là từ một ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn, thì người căn cơ cao người ta niệm Phật một ngày có thể nhất tâm bất loạn, người căn cơ thấp thấp một chút niệm bảy ngày có thể nhất tâm bất loạn. Nhưng thực ra cái “Nhất tâm bất loạn” này, theo như Hòa Thượng nói là A-Di-Đà Phật gia trì trong lúc chúng ta xả bỏ báo thân. Đây là sau khi Phật gia trì rồi.
Chứ đúng ra trong kinh A-Di-Đà của ngài Huyền-Trang dùng pháp trực dịch, nghĩa là dịch sát nghĩa từng chữ từng chữ là “Nhất tâm hệ niệm”, tức là chúng ta cứ chuyên lòng một câu A-Di-Đà Phật, niệm cho tới cùng, giống như trong kinh Vô Lượng Thọ là “Nhất hướng chuyên niệm”, hai danh từ giống nhau. Còn nhất tâm bất loạn chính là cái lòng chân thành chí thành chí kính của mình niệm Phật, thì được Phật phóng quang gia trì nâng đỡ cho chúng ta, lúc đó chúng ta chỉ còn một câu A-Di-Đà Phật, nhờ đó mà ta được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Cho nên câu hỏi này rất là hay. Khi chúng ta tu hành như thế này phải có sự khiêm nhường tối đa, để tránh tình trạng vượt qua khả năng của chính mình thì mới an toàn được. Nếu chúng ta sơ ý, nhất là những người ưa nghiên cứu, khi nghiên cứu thì thường thường gặp những kiểu nói ở những cảnh giới cao quá. Họ quên rằng, khi đưa rộng ra, thì trong xã hội có rất nhiều hạng người, có những người căn cơ cao thì hiểu được (?). Có những người căn cơ không cao, nghe những lời đó sẽ dễ sinh ra vọng tưởng. Cái vọng tưởng này sẽ thâm nhập, thâm nhập vô trong tâm của họ, đến một lúc nào đó, người ta không biết đó là vọng tưởng! Chuyện này là sự thật!…
Ngài Hạ-Liên-Cư nói: “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn”. Có nhiều người than phiền rằng, tôi niệm Phật mà sao cứ vọng tưởng hoài, không bao giờ hết vọng tưởng. Thì Ngài lại nói: “Niệm Phật không được cầu cho hết vọng tưởng”. Lạ lắm! Rồi Ngài nói: “Niệm Phật để cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”. Đem ý này so sánh với lời giải của ngài Tịnh-Không, Ngài nói rằng, niệm Phật, một lòng niệm Phật, đến lúc lâm chung A-Di-Đà Phật gia trì chúng ta được “Nhất tâm bất loạn”. Thì lời nói của ngài Hạ-Liên-Cư cũng giống như vậy… “Niệm Phật không được cầu nhất tâm bất loạn, niệm Phật không được cầu hết vọng tưởng”. Vọng tưởng sao cũng kệ nó, cứ cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đi, khi vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thì không nhất tâm bất loạn cũng được nhất tâm bất loạn. Hai câu nói có ý nghĩa tương đồng với nhau.
Cho nên khi có những người đưa ra cái chương trình này, chương trình nọ để đại chúng làm theo cho “Nhất tâm bất loạn”. Nếu suy nghĩ cho thật kỹ thì đây đúng là một sự sơ suất! Tại sao? Ví dụ như, ngài Tuyên-Hóa, Ngài gặp Hòa Thượng Quảng-Khâm là hai vị Đại-Tôn-Sư thời đại, hai người gặp nhau, ngài Quảng-Khâm giơ tay lên: “Như Thị”, Ngài nói như thị thôi. Ngài Tuyên-Hóa cũng giơ tay lên: “Như Thị”. Các Ngài lặng lẽ không nói gì nữa cả. Các Ngài đã biết hết trơn rồi, chứ đâu có nói là tôi thì chứng như thế này, chứng như thế nọ, thì tôi mới nhất tâm bất loạn đâu? Tôi mới minh tâm kiến tánh đâu? Các Ngài thấy hết trơn rồi…
Đại Sư Vĩnh-Minh đời nhà Tống, Ngài gặp một vị Hòa Thượng tai dài, ăn mặc xốc xếch, thật ra vị Hòa Thượng đó là Định-Quang Cổ-Phật tái lai trong thời đó. Hai Ngài gặp nhau làm thinh không nói gì hết. Một ông thì xồng xộc lên ngồi hàng ghế trên. Khi mãn tiệc về rồi, nhà vua hỏi, hôm nay ta cúng dường trai tăng có vị Thánh Nhân nào đến không? Thì ngài Vĩnh-Minh mới thố lộ:
– Thưa có.
– Ai vậy?
– Cái ông già mà lếch sếch đó, ngồi ở trước đó. Đó là Định-Quang Cổ-Phật tái lai.
Các Ngài biết hết trơn rồi. Không bao giờ nói ra hết. Chính vì vậy mà ta muốn cho “Nhất tâm bất loạn”, không có cái gì khác hết hơn là chư vị “Thành Tâm-Chí Thành-Chí Kính”, những gì mà trước nay chúng ta đã nói ra, chính là để cho chúng ta được vãng sanh về Tây Phương. Khi vãng sanh về Tây Phương thì…
– Không nhất tâm cũng nhất tâm.
– Không chứng đắc cũng chứng đắc.
– Không khai ngộ cũng khai ngộ.
Đâu cần lo gì đến chuyện như bây giờ chúng ta phải bàn luận là nhất tâm hay nhị tâm…
Cứ một lòng niệm Phật Tín-Hạnh-Nguyện nhất định như ba cái chân vạc vững vàng. Tín thì quyết lòng không nghi. Những người nào mà nghi, thì cái Tín đó nó đã quẹo lại rồi! Cũng giống như chân vạc, ba cái chân vạc, một cái chân Tín bị quẹo, thì cái vạc nó sẽ ngã ầm xuống liền. Không được! Không nghi là không nghi! Nhiều người cứ ưa nghi lắm… Nghi là chết! Nghi là tiêu! Nghi thì tu năm chục năm coi chừng không được vãng sanh! Mà không nghi thì tu ba ngày thôi, vãng sanh…
Có những người tu rất lâu mà vì mối nghi này không phá được. Không phá được nên sau cùng mất vãng sanh. Từ mối nghi này nó phá hết tất cả những cái khác. Vì nghi nên tu hoài tu hoài mà thiện căn không lên. Thiện căn không lên thì phước đức không có. Phước đức không có thì trong lúc đó nghiệp chướng cứ tràn… tràn… tràn lên. Một năm có 365 ngày, ta có hết 300 ngày giúp cho nghiệp chướng tăng trưởng rồi. Còn lại 65 ngày tu, thì một ngày tu chỉ có một giờ. Nghĩa là 65 ngày tu hành, thì có tới hơn 60 ngày để tăng trưởng cái nghiệp nữa rồi, còn cái phước chỉ có chưa tới 5 ngày. Năm ngày làm sao địch được với 360 ngày? Chính vì vậy mà sau cùng ta bị trở ngại! Cho nên phải tin cho vững.
Phật nói: “Một câu A-Di-Đà Phật niệm, dẫu cho mười niệm mà không được vãng sanh ta thề không thành Phật”. Cứ quyết tâm niệm Phật để lúc nằm xuống nhất định ta niệm cho được mười câu A-Di-Đà Phật. Phải quyết lòng niệm cho được. Nếu không quyết tâm bây giờ, nhất định lúc đó một niệm ta niệm cũng không vô. Chắc chắn! Tại vì bây giờ còn tỉnh táo như thế này mà không tin, thì lúc đó làm sao mà mình tin? Mà không tin thì phước đức không có. Phước đức không có thì nghiệp chướng tăng. Về nghiệp chướng, hôm trước mình nói rồi, trong nghiệp chướng nó có oan gia trái chủ chướng, hai cái đó nó sẽ tấn công mình đến nỗi không còn một niềm tin nào có thể khởi lên, thì bây giờ có một ngàn người tới hộ niệm cho chúng ta, chúng ta cũng chìm trong cảnh giới đó mà đi đọa lạc. Cho nên quyết lòng không được “Nghi”.
“Nguyện vãng sanh”. Nguyện vãng sanh thì phải tập buông xả thế gian ra, đây là lời Hòa Thượng Tịnh-Không nói. Ngài không dạy chúng ta là phải quyết lòng nhất tâm bất loạn, mà phải quyết lòng buông xả. Tại vì buông xả thế gian ra thì chúng ta bám chặt vào Tây Phương Cực Lạc, về Tây Phương Cực Lạc thì không nhất tâm cũng nhất tâm. Nói đi nói lại, thực ra các Ngài giảng giống hệt với nhau, mà chỉ là cách nói khác thôi, chứ không có gì hết.
“Hạnh”. Hạnh là niệm câu A-Di-Đà Phật. Tranh thủ niệm câu A-Di-Đà Phật. Mình thấy một sự chứng minh cụ thể là hôm trước, một bà Cụ tuần trước đó thì con cái dẫn bà tới đây để nhờ mình hộ niệm. Mình dặn rõ ràng, mình năn nỉ bà Cụ:
– Bác ơi! Bác về cố gắng niệm mỗi ngày: sáng năm chuỗi, trưa năm chuỗi, chiều năm chuỗi…
Mười lăm chuỗi thì mới có một ngàn rưỡi chứ mấy đâu à. Ấy thế mà suốt trong mười ngày sau không niệm một chữ. Rõ ràng không niệm một chữ!…
Bây giờ không niệm, lúc đó làm sao niệm? Bây giờ mình khỏe ru thế này mà không tập niệm, làm sao lúc mình nằm xuống mà niệm đuợc? Lúc mình nằm xuống thì cái lưỡi mình đã đớ rồi, hay gọi là cấm khẩu đó. Niệm Phật mà những người bị trúng gió, á khẩu không được vãng sanh. Trúng gió tức là các cơ của mình đã bị đớ rồi niệm Phật không được. Có nhiều người còn cẩu thả như thế này nữa chứ!…
– Cái miệng tôi niệm không được mà cái tâm tôi niệm được.
Đâu có được! Những sợi dây thần kinh nó đã liệt rồi, đến nổi nó điều khiển cái lưỡi không được làm sao nó điều khiển cái tâm? Thì tất cả những cái đó nó chìm trong sự mê man bất tỉnh không biết gì nữa cả. Còn tâm nào đâu nữa mà niệm?
Xin đừng có cẩu thả chuyện này. Phải tập niệm ngay từ bây giờ. Cho nên tôi thấy công cứ nó hay vô cùng. Quý vị niệm mà không lập công cứ… mình thì cứ tưởng niệm giỏi, nhưng hãy mở cái công cứ ra mà ghi thử coi? Trời ơi!… Sao mà trống rỗng thế này nè! Một ngày mình niệm chưa đến một ngàn câu Phật hiệu. Một ngàn câu Phật hiệu thì làm sao điền xong được một tờ công cứ đó? Thấy thế mới giựt mình! Thôi thôi! Ngày mai tôi sẽ ráng niệm hai ngàn, ba ngàn. Công phu tự nhiên tăng lên. Tăng lên như vậy thì tự nhiên một tháng sau ta tô tràm tờ công cứ đó. Điều này chứng tỏ là công phu niệm Phật của mình đã tăng lên.
Có bắt đầu đi thì tự nhiên thành công đến. Không chịu bắt đầu đi, thì cứ đứng yên tại chỗ. Dòng đời lúc nào cũng tiến, mình đứng lại tức là lùi. Đạo pháp cũng vậy, lúc nào cũng phải tiến, nếu không tiến thì lùi. Nhất định đây là cái quy luật của pháp giới.
Chính vì vậy, muốn cuối cùng mình niệm được câu A-Di-Đà Phật, thì phải tập sự ngay từ bây giờ. Đừng nghĩ tới chuyện “Nhất tâm bất loạn” làm chi. Hãy nghĩ tới chuyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nhất định nếu chúng ta hạ quyết tâm từ bây giờ thì chắc chắn con đường vãng sanh không thể nào A-Di-Đà Phật bỏ rơi ta được…
Tại vì ta lơ là, bỏ rơi con đường vãng sanh, nên dù Ngài thương chúng sanh tới đâu mà cũng không cứu được là như vậy đó!…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị)
Con kính chào chú CS Diệu Âm và quý bạn đồng tu,
Cám ơn chú, bài viết này rất hay mà theo con nhiều liên hữu rất mắc phải. Cần nhân rộng bài này ra nhiều Web để nhiều người cùng được biết.
Thật sự rất là tốt. Thời này đúng là đủ trò khiến cho con người ta đam mê, điên đảo. Về tu hành thì những trò lạ, thần thông, chứng đắc….cũng đủ chuyện làm điên đảo, thối chuyển việc tu hành. Thật đáng sợ!
Thật sự là đường tu học đôi khi nghiệp chướng nó kéo đến khá là mệt mỏi nhưng vượt qua được chừng nào thì sáng ra chừng nấy, vững thêm chừng nấy.
Vẫn không ngoài Tín – Nguyện – Hạnh cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc.
Các bạn đồng tu ơi!
Xin hãy chú tâm vào xưng danh Thánh hiệu A Di Đà Phật. Niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được, niệm bất kỳ lúc nào có thể niệm thì tâm mới chuyên được. Cũng không quá quan tâm đến vãng sanh hay không vãng sanh. Chỉ cần tin chắc rằng hễ ta niệm A Di Đà Phật từ khi phát tâm cho đến mãn báo thân, hàng ngày phát nguyện tha thiết được về Cực Lạc thì chắc chắn khi lâm chung A Di Đà Phật sẽ tiếp dẫn ta. Phật có lời thề tiếp dẫn cho người chuyên xưng danh, ta xưng danh và thề sau khi bỏ thân được về Cực Lạc thì làm sao Phật không rước được. Có chăng nên tự hỏi lòng tin ta đã vững chưa? Vì hễ tin sâu thì nguyện về Cực lạc tự nhiên tha thiết.
Nếu như lòng tin chưa sâu, chưa đủ thì có một cách rất hay là hàng ngày sau mỗi thời công phu cầu Tam Bảo gia bị, tự nhiên phát khởi lòng tin. Là lời dạy của Pháp Nhiên Thượng Nhân đó các liên hữu, làm đi và tự khắc lòng tin Phật sâu lắm. Tôi cũng đã làm theo Ngài dạy và đúng là lòng tin tăng lên nhiều các bạn ạ.
Nói nhiều vẫn không bằng niệm Phật. Chỉ nghĩ mỗi câu “Hễ ta thường niệm Phật thì khi ta lâm chung chắc chắn Phật tiếp dẫn ta” rồi chẳng cần nghĩ đến chứng đắc hay nhất tâm hay tam muội gì gì đó nữa thì không nghiệp chướng nào quấy phá được ta vì Phật lực đầy đủ oai đức giúp ta vượt thoát tất cả. Công đức Phật danh hễ ta niệm càng nhiều tự nhiên nghiệp chướng ta càng tiêu, trí huệ ta càng sáng. Người làm biếng niệm Phật là người đánh mất đi bao nhiêu kho báu. Người siêng năng niệm Phật là người khai mở vô biên sáng suốt. Tóm lại chỉ nên “Niệm Phật, niệm Phật và niệm Phật”.
Nguyện cho khắp pháp giới chúng sanh đều tin A Di Đà Phật, đều nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Nam Mô A Di Đà Phật.
cảm ơn bạn nhiều lắm ^^~ nhờ đọc comt của bạn mà mình sáng ra nhiều điều 😀
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính chào chú Diệu Âm
Con là 1 phật tử từ khi con đọc nhũng bài viết của chú con đã biết đến Niệm Phật,và con phát nguyện Niệm mỗi ngày năm ngàn câu Phật hiệu và lạy 50 mươi lạy Phật A Di Đà.Nhưng mỗi lần niệm xong thời khóa đó thì con không nhớ tới niệm Phật nữa,Những lúc con đi xe gần gặp nguy hiểm hay gặp chuyện gì sợ hãi thì con không thể niệm Phật được, con nghe nói lúc mình gặp nguy hiểm … mà không niệm Phật được thì không thể vãng sanh đúng không chú, và còn thường ngày không nhớ tới niệm Phật thì đó là niềm tin chưa vững có đúng không chú .kính mong chú chỉ cho con cách làm như thế nào để con lúc nào cũng nhớ tới Phật và Niệm Phật.Con Xin cảm ơn!
Nam Mô A Di Đà Phật
Mến chào các liên hữu,
Ngoài thời khóa niệm phật ra, lúc nào trong tâm tôi cũng niệm phật dù là đi, đứng, ngồi, nằm ngồi hay bất cứ làm việc gì, chỉ trừ lúc nói chuyện hay làm việc bằng trí óc, tuy nhiên nếu có việc gì khác lạ nguy hiểm là lập tức niệm phật ngay theo phản ứng tự nhiên.
Tôi xin kể bạn nghe một thí dụ, không biết có giúp ích gì cho bạn không? Ví dụ này tôi nghiệm ra trong lúc tôi vừa niệm phật vừa dẫn chó đi dạo ngoài phố. Con chó cứ chạy lăng xăng, nhiều lúc muốn vứt bỏ sợi dây cột cổ để rời xa tôi, tìm chơi những chỗ dơ, nguy hiểm…nhưng tôi vẫn chìu theo ý nó, đi theo nó, bảo vệ nó, hướng dẩn cho nó đi đúng đường để đừng bị xe cán hay người ta bắt (đưa vô tiệm thịt cầy nếu là ở VN)…cho đến khi nào nó chơi chán, nó mệt mỏi, khát nước, đói bụng thì tôi bế nó lên xe, cho nó ăn uống rồi chở nó về nhà.
Nhà là tượng trưng cho Tây Phương Cực Lạc, con chó là chúng sanh, ngoài phố, ngoài park là tượng trưng cho bể khổ ta bà, tôi chính là phật A Di Đà (ví dụ thôi nha) còn sợi dây xích chó chính là pháp môn niệm phật. Chính vì thế nên con chó ngoan là con chó biết đi theo chủ, đi đúng đường, nghe lời chủ thì không có bị nguy hiểm nào, còn con chó nào mà không nghe lời chủ, không đi theo chủ, cắn đứt dây xích rồi tha hồ đi chơi, cuối cùng trở thành con chó hoang, con chó lạc, bị đói, khát, lạnh lẽo, xe cán ,người bắt làm thịt…(trầm luân trong biển khổ). Điểm quan trọng trong ví dụ này là nếu con chó bỏ sợi dây thì người chủ dù thương chó nhưng cũng khó cứu nó lắm và lúc nguy hiểm chính là lúc đi qua chổ xe chạy nhanh mà nhiều, con chó cần phải giử sợi dây xích, không được bỏ. Thì cũng vậy, lúc nguy hiểm mà không niệm phật thì dù phật thương nhưng cũng không thể cứu(nhất là lúc lâm chung). Còn con chó chơi chán, muốn về nhà là giống như các vị chân tu đã lìa bỏ ngủ dục của thế gian, ngày đêm niệm phật cầu vãng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật !
Chào Cư sỹ Diệu Amm. Chào Cư sỹ Viên trí.
Bài khai thị của Cư sỹ Diệu Âm rất chí lý, đem lại cho người tu một kinh nghiệm để sửa đổi những suy nghĩ, phương pháp tu tập cho chánh pháp. Khi tu người PT nên tự mình buông bỏ bớt phiền não, nên tập trung vào câu Phật hiệu, đối trị câu phật hiệu để cho tâm không con suy nghĩ việc đâu đâu, dần dần câu phật hiệu sẽ làm chủ trong tâm mình, than chúng ta cảm thấy khoan khoái không hoài nghi, không xen tạp, cuối thời không nên quên nguyện thiết tha được vãng sanh về tây, hạnh trì phải tinh tấn thời tu sau nhất thiết phải tiến hơn thời tu trước cho đến khi xả bỏ than này. Tuy nhiên là người con nghiệp chướng sâu năng, căn cơ chưa có đang trên con đương tu tập tại gia nên không tránh khỏi vướng mắc (như cư sỹ Diệu Âm nêu ra)đó là cầu được nhất tâm bất loan. Theo tôi được biết các Sư Thầy giảng pháp môn niệm phật cung khai thị là Nhất tâm tức là khi ta niệm phật không còn vọng tưởng chỉ có câu phật hiệu từ khẩu, từ tâm phát ra và thu về qua tai lại vào tâm chúng ta.
Theo Cư sỹ VT: Tôi thấy rất hay cho người bước đầu tu niệm phật. Tập dần câu phật hiệu trong mõi lúc mõi nơi (Không có ai thì niệm thành tiếng, đông người thì khởi niệm theo tâm mình, chỉ có tâm mình mới biết và làm chủ được câu phật hiệu đi đâu, làm gì trước đó nên niệm phật dần dần thành thói quen,gặp chướng ngãi không chỉ đối với bản than mình mà với tất cả chúng sinh câu phật hiệu tự nhiên phát ra, khi ngủ mê man có ma đưa đi vào con đường cụt tự nhiên bạn sẽ nhớ tới câu phật hiệu thế là tự khởi niệm (Tôi cũng nhiều lần nư vậy, nhưng lâu nay giác mơ rất it tháy cảnh bất bí cho nên không khởi được)
Xin các Cư sỹ khai mở cho. Trong cuộc song đời thừong này bản than tôi vẫn có lúc sân hận, phiền não nhất là vợ, con, anh em chưa that sự hiểu biết về phật pháp nên họ cản đường tu làm nảy sinh nhưng phiền não đó,có những lúc chán chường cuộc song này cầu nguyện chư phật cho bỏ than này vãng sanh về tây, tuy nhiên những lúc như vậy tu càng riết, nhưng cũng có lúc thời tu không đạt (Vọng tưởng về, tâm không định lại để câu phật hiệu quay về tai, cứ đi đâu mất. Xin cư sỹ cho một lời khai mở. A Di Đà Phật
Xin chào Cư sĩ Diệu Âm!
Trước Tết Giáp Ngọ, em được người bạn tặng cho chiếc đai có thẻ nhớ và đã nghe được bộ Khuyên người niêm Phật của Cư sĩ. Sau đó em đã bắt đầu ăn chay (nhị trai), phóng sinh, niệm Phật tại nhà thờ 1 tiếng vào buổi tối, thường từ 11g trở ra. Nơi niệm Phật cũng chính là phòng thờ nhà em có bàn thờ tổ tiên hướng về hướng Nam. Em có treo ảnh Phật A Di Đà (ở phía đông) nhìn về phía Tây (là hướng cửa ra vào), và khi ngồi niệm (em bắt đầu với việc niệm 1.500 câu Phật hiệu theo cách Thập niệm ký số, 1 hơi là 10 câu A Di Đà Phật) thì chắp tay trước ngực, mở mắt nhìn vào ảnh (tất nhiên cũng tuân thủ các nghi lễ trước va sau khi niệm).
Còn buổi sáng khi ngủ dậy em có lên quỳ lạy, phát nguyện, sám hối…nhưng không niệm. Ra khỏi nhà đi làm thì liên tục niệm thầm. Vì mới bắt đầu được 4 tháng nên cũng chưa thành thói quen ngay được nên cũng có lúc quên; nhưng khi nhớ ra lại tiếp tục niệm ngay.
Cư sĩ có thể hoan hỉ góp ý cho em nếu việc này có chi tiết gì chưa đúng với Pháp môn Tịnh độ không?
Xin cảm ơn Cư sĩ nhiều!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Xin chào Cư sĩ Viên Trí!
Cư sĩ có thể hoan hỉ trả lời giúp em câu hỏi vào ngày 31.3.2014 trên đây được không?
Em xin cảm ơn!
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Xuân Kiên,
Thành thật xin lỗi bạn nhé vì cả năm nay không thấy câu hỏi của bạn. Hôm nay mới trả lời thì tuy có hơi muộn màng nhưng thiết nghĩ dù sao thì có còn hơn không. Có phải không? 🙂
Nghe lời bạn kể thì VT thấy cũng tốt chứ không có vấn đề gì. Đối với bàn thờ Phật là phương tiện để bày tỏ lòng cung kính mà một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích. Do vậy nếu muốn được viên mãn hơn thì thiết nghĩ bạn nên theo sự hướng dẫn trong bài Cách Thức Trang Thiết Bàn Phật Và Lễ Phật.
Còn về thời khóa niệm Phật mỗi ngày là tùy theo hoàn cảnh, công việc của từng người mà tự sắp xếp sau cho phù hợp. Do vậy có người bận rộn thì chỉ có 1,2,3… thời khóa ngắn. Người rảnh rỗi thì có 5,6,7…thời khóa dài. Nếu người nào Quá Bận Rộn Không Có Thời Gian Niệm Phật thì có thể theo phương pháp Thập Niệm Hồi Hướng. Điều quan trọng chính là bất luận đi đứng nằm ngồi gì cũng đều luôn giử câu Phật hiệu trong tâm. Khi niệm Phật thì cần phải từng câu từ trong miệng mình lưu xuất ra, tai nghe một cách rỏ ràng rồi từng tiếng thức tỉnh tâm mình để giử tâm mình luôn chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.
Vài lời chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con kính chào thầy.
Con có đôi lời muốn nói xin thầy hãy giúp con.
Con năm nay 32 tuổi. Con bắt đầu ăn chay trường lúc 13 tuổi. Đến năm 21 tuổi con có ngã mặn. Một năm sau đó con ăn lại. Đến năm 28 tuổi con mắc bệnh loét dạ dày nên gia đình không cho con ăn nữa vì sợ con không có sức khoẻ. 31 tuổi con mang thai, thai con yếu nên con có vái nếu con con khoẻ mạnh con sẽ dành cuộc đời còn lại ăn chay. Khi ăn chay con không thấy gượng ép thậm chí con ăn thấy rất ngon.
Lúc trước còn là sinh viên con có ở trọ. Bà chủ nhà trọ rất thích đi chùa và tụng kinh. Ngày nào cô cũng đi và thường chở con theo. Lúc đó con di theo cũng đọc kinh và lạy phật nhưng kinh con đọc mà không hiểu. Sau này con dọn đi thì không đi chùa đọc kinh nữa. Đến khi con mang thai do sức khoẻ con yếu nên thai không được khoẻ lắm. Anh rể con đến thăm và mang đến cho con quyển kinh » Đại bi thập chú».Từ ngày đó đêm nào con cũng đọc cầu mong con của con khoẻ mạnh. Không hiểu có phải vì lý do đó không mà từ khi đọc con thấy mình khoẻ hơn, mặc dù có những lúc rất khó khăn tưởng chừng không vượt qua được nhưng mọi chuyện rồi cũng vượt qua.
Khi sanh em bé được hai tháng con ăn chay lại tới bây giờ. Thời gian gần đây con rất hay bực bội, cáu gắt với chồng con. Hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Chồng con là người hiền lành và chịu khó, bản tính con cũng không hung dữ. Nhiều lúc nóng tính con có nói những lời không hay nhưng tâm con thực sự không nghĩ vậy. Giờ đây có một số chuyện xảy ra mà con chịu rất nhiều áp lực, nhiều lúc con muốn giải thoát cuộc đời mình nhưng nhìn con của con thì con không đành lòng.
Thời gian gần đây con muốn đọc kinh lại giúp cho tâm mình thanh thản hơn nhưng con chưa làm được. Con thường xuyên cáu gắt với chồng nên con nghĩ tâm con không vững thì đọc chỉ chuốc thêm tội thôi. Con không phải là người có tâm quá xấu vì từ nhỏ đến bây giờ con điều tự nhủ trong lòng nếu con có điều kiện thì con sẽ giúp những người nghèo khổ khó khăn. Giờ thì con chưa làm được nhưng hy vọng con sẽ làm được trong tương lai. Con nói ra những lời này không phải biện minh cho tánh xấu của con. Thầy có thể cho con lời khuyên nào để con quên mọi khó khăn, vui vẻ mà sống không ạ.
Con còn có vấn đề hỏi nữa. Gần đây con có gặp hai người phụ nữ tự dưng họ nhìn con họ nói con là người có căn tu, có vong đi theo con mà vong này lớn lắm. Chính vong này làm con nóng giận cộc cằn. Con không có đi xem bói hay coi thầy, hai người này con tình cờ gặp bên ngoài tự dưng họ nhìn con nói vậy. Mẹ con cũng đi coi thầy thì thầy cũng nói con vậy. Có vong theo không thì con không biết chắc vì con thường nằm mơ thấy người chết. Con đêm nào ngủ cũng mơ thấy bậy, chưa bao giờ con ngủ ngon giấc. Còn chuyện có căn thì chắc không đúng rồi. Vì người có căn thì chả ai có tâm như con hết. Thầy có cách nào để con giác ngộ, lòng thanh thản. Con cám ơn thầy.
A Di Đà Phật, Minh Thoa thân mến
Người ta nói bạn có căn tu thì cũng có thể đúng đó, vì bạn thích ăn chay, có thể ăn trường từ bé mà tự ăn là điều hiếm cho dù bạn bị gián đoạn vài lần. Gần nhà TLPT có 1 bé năm nay 8 tuổi, cha mẹ ăn mặn mà con ăn chay trường vì hễ ăn mặn vô là ói sạch. Bé rất ngoan hiền, ngoài giờ đi học thường giúp mẹ đi bán vé số, thứ 7 Chủ nhật thì xin mẹ lên chùa cộng tu. Cha chết thì không cho mẹ khóc, bảo mẹ khóc ba bị đọa địa ngục bị người ta đánh dữ lắm (cha bé chết vì ung thư), bảo mẹ chỉ niệm Phật thôi. Đây cũng là một tấm gương vị tiểu Bồ tát mà TLPT học hỏi.
Thực ra khi bạn có thai, sinh em bé là các hoocmon nữ trong người mình thay đổi rất là nhiều. Việc chăm con ngày đêm mỏi mệt, sức khỏe không tốt rồi đôi khi thiếu một chút sự quan tâm của người thân khiến cho tính tình mình cũng trở nên dễ giận hờn, dễ trách móc, dễ lớn tiếng…cho dù bản chất của mình không xấu. Từ đó dễ gây hấn, gây sự với người khác. Làm người khác tổn thương, đau lòng vì lời nói nặng thì mình cũng tạo tiếp cho mình một gánh nặng trĩu lòng về sự ân hận. Hầu như ở phụ nữ từ khi có thai cho đến sinh em bé đa phần bị rơi vào trường hợp này, cho nên bạn đừng đặt nặng vấn đề quá lớn đến độ phải nghĩ đến sự tự sát.
Tự sát rất khổ. Tự giết mình là đã mang tội sát sinh vì thân này do cha mẹ tạo, vậy là mang thêm tội bất hiếu. Chồng con không đoái hoài, không có trách nhiệm chăm lo, tức là bất nhân bất nghĩa. Rồi sau khi chết đi, thần thức vất vơ vất vưỡng không nơi nương tựa. Đã vậy trong 49 ngày cứ 7 ngày phải lặp lại cái chết tự sát một lần rất đau khổ (gọi là biến dịch sinh tử). Vì vậy vạn lần không nên tự sát.
Ai sống trên đời này mà hoàn toàn tốt đâu bạn, tốt xấu xen kẻ cho nên người ta mới cố gắng tu học sao cho cái tốt nhiều hơn, cái xấu càng ngày càng giảm đi thì mới tiến bộ. Tu khác với không tu chỗ này. Hễ sắp sửa nổi nóng với người thân (thấy mặt đỏ lên, tay run, lời nói sắp to tiếng) hãy tự nhận ra cơn sân hận sắp làm chủ mình. Nên đi ra chỗ khác lánh duyên và niệm liên tục 10-50 câu “A Di Đà Phật” thì tự nhiên sẽ qua, lâu dần trở thành kinh nghiệm phản xạ, đối với những cơn sân tự mình sáng suốt giúp được mình. Như vậy là tiến lên một bậc. Mọi thứ đều có Nhân Quả, cái mình nhận được đời này do kiếp trước mình từng gieo cho nên đối với quả xấu mình cũng an nhiên đón nhận và hãy gieo tiếp những Nhân tốt như ăn chay, phóng sanh, niệm Phật. Hãy niệm Phật nhiều hơn (niệm lớn tiếng hay niệm thầm đều được), khi niệm càng nhiều thì những ý niệm tham sân si càng giảm, tâm bạn sẽ bình, khí sẽ ôn hòa, dễ chịu hơn. Con còn nhỏ nên phải thức đêm thì người mẹ khó ngủ ngon giấc. Con lớn một chút nữa (khoảng 2-3 tuổi) thì bạn sẽ thấy đỡ một chút. Nhưng cũng phải tập cho tâm bớt đi phiền não thì giấc ngủ mới an lành.
Việc có vong theo hay không có vong theo quan tâm để làm gì? Nóng tính là do tập khí của ta chứ nào đổ thừa cho ai. Tham, sân, si ai mà không có. Chỉ cần ta cố gắng niệm Phật tu sửa hoài tự nhiên cảnh thay đổi tốt thôi (cảnh tùy tâm chuyển). Chớ nghe lời “phán” lung tung, tiền mất tật mang mà tâm không an ổn. Bạn cứ chân thật trở thành một người hiền, giảm nóng tính sân hận, ăn chay niệm Phật nhiều một thời gian chắc chắn có chuyển biến tốt trong nhà, khỏi phải đi coi Thầy bà chi cho tốn tiền mà chỉ rước bệnh vô thân. Học Phật pháp rồi thì cần Phân biệt giữa Chánh Tín và Mê Tín. Trong quá trình tu học có gì cần hỏi thêm thì bạn cứ đặt câu hỏi ở trên Web, các liên hữu đồng tu ai ai cũng hoan hỷ giúp bạn hết.
Chúc bạn sáng suốt an lạc vượt qua nghịch cảnh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Con xin chào thày,khoảng tuần nay tâm con bi loạn,cứ ra đường là con lại nghĩ tới chuyện vong linh,cô hồn nhập xác còn về nhà con lại nghĩ bậy bạ về đức Thế Tôn,mẹ Quan Âm có phải là con bị ma chướng hay là nghiệp suy nghĩ bậy bạ đã tới nên con bị như vậy không?Con đốt giấy tiền vàng bạc để xã xui rồi mà vẫn chưa hết,có phải con bị ma nhập hay không thưa thầy?con biết là nếu mình suy nghĩ như vậy về Đức Phật là sau khi chết con sẽ bị đọa vào địa ngục đời đời không ra khỏi,con phải làm sao hết đây thưa Thầy,Con ở nhà cũng lạy mẹ Quan âm 21 lạy để cầu cho bớt suy nghĩ bây bạ như vậy nữa.Con xin thầy dạy rõ cho con biết phải làm cách so?
Tình trạng này mình có gặp rồi. Bạn đừng lo lắng hay sợ hãi gì cả. Cũng đừng sợ bị tội lỗi hay đắc tội gì với bề trên. Vì Phật và Bồ tát từ bi lắm, không bắt tội ai bao giờ, trong khi bạn lại không cố ý. Hãy nghĩ rằng ý tự đến và ý sẽ tự đi. Khi ý niệm đó khởi lên thì bạn hãy mỉm cười và nghĩ rằng ý niệm tự đến và sẽ tự đi. Nó không phải của ta, nó chỉ chợt ghé vào và nó sẽ tự ra đi. Ta không quan tâm tới nó nữa thì nó sẽ tự trôi đi thôi.
Chuyện vong linh hay cô hồn nhập xác gì đó thì bạn hãy nghĩ đó là những người đáng thương. Họ khổ sở hơn chúng ta vô cùng. Họ không có ý hãm hại ai cả. Những người bị họ quấy phá thì hoặc là có oan trái, nhân quả gì với họ hoặc họ chỉ vui đùa mà không có ác ý. Cũng giống như nhà trống không gài cửa thì họ ghé chơi thôi.
Bạn không sợ hãi mà hãy cảm thương cho họ. Bạn hãy đến trước bàn thờ Phật. Khấn nguyện sẽ niệm Phật để hồi hướng công đức lành cho họ được giảm bớt đau khổ, sớm giải nghiệp và có duyên với Phật pháp. Sau đó với lòng từ bi, bạn hãy niệm Phật một lúc và hồi hướng cho họ. Dùng tình thương và công đức niệm Phật để hồi hướng cho họ chứ không nên kêu gọi họ về nhé! Nên nhớ câu quỷ thần nên kính, không nên gần! Đó là việc làm thiết thực nhất chứ không nên đốt vàng mã, cúng kiếng, xả xui gì cả. Câu niệm Phật chí thành sẽ có công đức và “thần lực” mạnh vô cùng.
Bạn nên đến bàn thờ Phật và Bồ tát khấn sám hối. Nguyện sám hối tất cả những hành vi, lời nói và ý nghĩ sai trái. Rồi bạn niệm Phật sám hối và có thể lạy sám hối nữa càng tốt. Có thể lạy 108 lạy hoặc nhiều hơn nữa càng tốt. Nhờ tâm niệm và thân lạy thì bạn sẽ mạnh mẽ và vững vàng hơn. Tạp niệm sẽ không dễ xâm nhập được bạn nữa. Tạp niệm xuất hiện 1 thì bạn niệm Phật và lạy Phật 2 để sám hối. Thử xem tạp niệm còn ở mãi đến bao giờ?
Tạp niệm càng ở lâu thì bạn càng “lời” đấy. Vì bạn đã nguyện sám hối. Tạp niệm mà đến thì bạn thành tâm sám hối bằng cách niệm Phật và lạy Phật gấp đôi. Thử xem tạp niệm còn vào được không cho biết! Đừng sợ hãi và lo lắng. Đừng nghĩ tạp niệm đó là của mình mà nghĩ mình đang “xử lý” nó theo cách đó! Hãy coi tạp niệm đó là thứ linh tinh chạy loạn ngoài đường, vì thấy bạn yếu đuối mà ghé vào thôi. Bạn “mạnh” thì nó sẽ tự trốn mất thôi.
Tóm lại là chỉ có niệm Phật, lạy Phật và bố thí, phóng sanh là những cách chân chính nhất để xử lý mọi vấn đề. Bạn muốn tốt cho ai thì hãy gửi công đức niệm Phật, lạy Phật và bố thí, phóng sanh về cho người đó. Đừng làm những chuyện mê tín dị đoan vì sẽ tốn tiền mà chẳng được công đức gì. Nên nhớ Nghiệp chỉ có thể giải bằng công đức từ điều thiện lành chứ không phải cầu cứu ai hoặc hối lộ gì cả nhé!
Và để bản thân mình mạnh mẽ, ma chướng không xâm nhập được thì hãy chuyên cần niệm Phật, lạy Phật và bố thí, phóng sanh. Đương nhiên việc bố thí, phóng sanh phải làm cho khéo léo, hiệu quả chứ không phải hời hợt, phí phạm, làm cho có hoặc để kẻ khác trục lợi thì không có công đức gì đâu nhé! Ví dụ muốn phóng sanh mà vô tình làm lợi cho bọn bắt chim trước mấy đình chùa thì vô nghĩa. Vì điều đó có khi làm hại cho sinh linh hơn.
Chúc bạn thoải mái và tự tin lên nhé!
Bài viết rất đúng. Nhiều người đang lạc vào cái hư danh “Nhất tâm bất loạn” từ đó nhầm lẫn và sinh ra kiêu mạn… Họ bị nhầm lẫn mục đích. Nhất tâm bất loạn chỉ là một “hệ quả” khi đã niệm Phật miên mật đến mức độ nào đó. Nó là một “cảnh giới” mà người đã được có khi lại không biết, còn kẻ có cố cũng chẳng được. Vì vậy chỉ cần một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc thì tự nhiên đến lúc nào đó sẽ đạt Nhất tâm bất loạn. Thậm chí không quan tâm Nhất tâm bất loạn là gì thì vẫn thành công và vãng sanh Cực Lạc như thường.
Ở trên cũng là sai lầm của người nhầm lẫn mục đích của mình. Thay vì cầu vãng sanh Cực Lạc thì họ bị nhầm sang cầu Nhất tâm bất loạn. Lại còn vướng thêm tội ham hư danh tự huyễn hoặc bản thân rằng đã đạt tới một công phu nào đó trong khi Hạnh của họ đang bị vơi dần và Nguyện của họ đang chệch hướng.
Cũng xin góp ý với các đồng đạo một chút. Nhiều người cũng có Tín – Nguyện – Hạnh. Họ đều cầu vãng sanh Cực Lạc nhưng cái muốn đó vì khó đo lường nên dễ bị dẫm chân tại chỗ. Những ngày mới biết tới Phật A Di Đà hoặc mới phát nguyện thì dũng mãnh và thiết tha lắm. Nhưng dần dà do mọi chuyện đang “cũ” đi, ngày nào cũng như ngày nấy, tới thời niệm Phật là ngồi vào niệm cho xong nên bắt đầu có sức ỳ. Cái sự “đều đặn” làm cho cái tha thiết bị “nhạt” dần. Cần phải làm sao cho ngày nào cũng như mới, ngày nào cũng quyết tâm vãng sanh, lúc nào cũng sẵn sàng để vãng sanh Cực Lạc ngay chứ không phải đang bỏ “ống heo”.
Cũng giống như 1 lời khấn nguyện. Lúc đầu thì lời khấn rất tha thiết, phát từ tâm chí thành ra vì muốn “nói” với Phật nghe. Nhưng dần dần thì lời khấn thành như “đọc”. Vì đã khấn thường xuyên, thuộc lòng rồi nên thành ra “đọc” chứ không còn “nói” nữa. Vì vậy cái chí thành và tha thiết bị vơi đi. Vì vậy tôi có lời khuyên là trước lúc niệm Phật nên “ôn lại” tâm Hỷ Xả. Nghĩa là nghĩ tới niềm vui về với Phật và xả bỏ ngay tất cả mọi quan tâm và cả thực tại để bước vào thời niệm “chỉ còn ta với Phật”, “chỉ còn ta với ý niệm vãng sanh Cực Lạc”. Có như thế thì cái chí thành và tha thiết không bị vơi đi mà ngày càng tích lũy, hội tụ và tạo nên “lực” ngày một lớn hơn để xả bỏ vướng bận và “chiêu cảm” tới Phật tốt hơn.
Thật đúng đắn là chúng ta không cần quan tâm tới Nhất tâm bất loạn làm chi nữa. Nhưng nên chú ý quan sát thời niệm vừa xong để xem mình có đang tinh tấn không. Mình đang tiến lên hay thụt lùi. Quan sát lại xem mình có “lãng phí” gì không, có bị phân tâm, tạp niệm không, có làm đúng chưa.
Ta quan sát không phải để nhầm lẫn mục tiêu là lo bỏ tạp niệm, không phải để muốn Nhất tâm bất loạn. Mà để tự đánh giá sự tiến bộ mà tiếp tục Hỷ Xả cho mạnh mẽ và “bám” thật chặt vào câu niệm Phật. Lưu ý rằng khi tạp niệm nó vây quanh mình thì không phải lo gỡ nó ra mà hãy “ôm” cho chặt câu niệm và tạp niệm sẽ tự “rớt ra” thôi. Cứ Hỷ Xả và “ôm” chặt câu niệm thì sẽ thành công.
Khi ta “bám chặt” câu niệm lâu ngày thì nó sẽ “ăn” vào tiềm thức của ta. Nó sẽ đi theo ta vào giấc ngủ, sẽ tự niệm Phật những lúc gặp ác mộng. Hàng ngày khi sợ hãi ta cũng bật ra câu niệm hoặc ý niệm Phật. Và đặc biệt khi lâm chung, khi tứ đại phân ly và cái Trí thế gian bị mê mờ thì câu niệm Phật sẽ nổi lên và thần thức của ta sẽ bám được vào câu niệm để không sợ hãi, không bị ma chướng và oan gia quấy phá rồi Phật và thánh chúng sẽ đến tiếp dẫn ngay.
Phật có dạy “Tứ như ý túc” gồm Dục, Tinh tấn, Nhất tâm và Quán. Áp dụng vào Tịnh độ tông thì Dục là mong muốn vãng sanh Cực Lạc nên phải Tinh Tấn, Nhất tâm và cần Quán để tự điều chỉnh trong quá trình tu tập. Rất cám ơn bài viết này đã chỉ rõ chỗ nguy hiểm. Tôi vì muốn sớm được thành công nên cũng bị ham muốn được Nhất tâm bất loạn. Tuy không huyễn hoặc bản thân nhưng mục đích bị sai lệch là vô cùng nghiêm trọng. Rất cám ơn bài viết này và tôi tiếp tục “bám” vào mong muốn duy nhất của mình là vãng sanh Cực Lạc mà thôi. Chân thành cám ơn!
—Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát khai thị niệm Phật—
Ít nói một câu chuyện,
Nhiều niệm một câu Phật,
Ðánh chết được vọng niệm,
Pháp thân ngươi hiển lộ.
Có người bạch hỏi: “Niệm Phật mà không được nhứt tâm thời làm thế nào?”
Ngài dạy: Ông phải dứt tưởng đừng lo, rồi chầm chậm mà niệm. Phải làm sao cho tiếng hiệp với tâm, tâm duyên theo tiếng. Niệm như vậy lâu lâu thời các vọng niệm tự đứng lặng, tâm cảnh tuyệt chiếu chứng nhập “niệm Phật tam muội”. Nhưng hằng ngày cần phải niệm cho thường, từ nghìn đến muôn, tâm đừng gián đoạn thời rất dễ thuần thục. Nếu cố ép tâm cho nhứt, thời trọn không thể nhứt được.
Rồi ngài lại dạy: – Vọng niệm diệt dứt, đó là chơn tâm thường trụ của chư Phật. Vọng niệm mà còn đó là nghiệp tâm sanh tử của chúng sanh. Nếu các người có thể niêm mật gia công, tâm không một mảy hở trống thời mới đặng tương ưng đôi phần.
Phải dè dặt đừng có vừa thật hành đặng nửa năm nay hay mười tháng, rồi tự cho là mình đã có công tu hành. Phải biết rằng quan niệm tự đắc ấy, chính là chỗ chướng đạo. Rất phải cẩn thận! Mặc dầu có gắng sức công phu, nhưng nếu niệm lực chưa vững như núi đồng, chắc như vách sắt, xô không ngã, lay không động, thời vẫn chưa phải đã thành nhứt phiến đâu. Chớ có mới vừa được đôi chút đắc lực bèn dừng tay, mà thành lỗi “bán đồ nhi phế”, có khi rồi phải hỏng cả công phu trước, đây là chứng bịnh lớn của các nhà tu hành, cần phải biết. Nên hiểu rằng: Phật pháp như biển cả càng vào càng sâu, không phải đôi chút tri kiến mà thấu hết được. Phải gia công tu tập trọn đời, đi mãi đến nguồn đến đáy làm mục đích, không nên có quan niệm xem thường.
Ðến như phương pháp tu Tịnh độ không ngoài hai chữ “chuyên” và “cần”.
“Chuyên” thời không quản đến một việc nào khác.
“Cần” thời không bỏ phí một phút một giây.
Từ nay, mỗi sáng sớm, sau khi thức dậy, ông tụng một quyển kinh “A Di Ðà” niệm hiệu Phật một nghìn câu, rồi lạy Phật hồi hướng với bài văn “Nhứt tâm quy mạng”, vì bài văn này lời gọn mà đủ ý. Nếu lạy Phật được một trăm lạy càng tốt. Ðây là khóa tụng niệm một thời.
Ban đầu chưa quen, nên ngày đêm bốn thời. Khi đã quen thì tăng lên sáu thời, lần đến mười hai thời. Thành mỗi ngày thêm được mười hai quyển kinh, một muôn hai nghìn câu Phật, dùng số nầy làm thường khóa mỗi ngày. Cũng có thể hiệp lại chia thành bốn thời. Ngoài số này ra, những công phu khác thời không kể.
Về việc niệm tụng, hoặc ra tiếng, hoặc tưởng thầm, đều được cả. Chỉ cần phải nhiếp tâm niệm cho chắc mà thôi.
Lại, phép trì danh cần phải mỗi chữ mỗi câu rõ ràng ràng rẽ, tiếng và tâm hiệp nhau, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự. Lâu lâu tự thành thục, quyết định đặng sanh Cực Lạc, ngồi tòa sen báu trụ bực “bất thối chuyển”. Ông phải cố gắng lấy!”.
==========================================
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nhất tâm bất loạn – pháp rất hay nhưng rất khó: Theo thiện ý của con thì hằng ngày chuyên nhất niệm Phật hiệu – tiếp theo là tin sâu nhân quả. Một lòng hoằng dương Chánh pháp, phổ độ chúng sanh:
Buông xuống vạn duyên: Giữ thân, tâm thanh tịnh. Tham, sân, si, ngạo mạn, chấp ngã, tự tư tự lợi, tâm mong cầu. Đó là buông xuống vạn duyên. Hãy vì chúng sanh mà phục vụ – miếng ăn, miếng uống, tất cả những thứ mình dùng sinh hoạt hằng ngày đều phải dùng tâm chân thật cung kính cảm ơn – tất cả đều có linh tính. Đối nhân xử thế với người đều phải có tâm cung kính, luôn thầm cảm ơn những điều xấu, ác, thị phi đến với mình – vì họ đang dạy ta tâm thanh tịnh. Mỗi bước chân của mình hãy quan tâm đến sinh mạng nhỏ bé mà tránh, vô tình giẫm phải sinh linh thì khởi tâm khai thị cho chúng.
Hãy luôn coi mình là tu hành ngu nhất thiên hạ. Cha mẹ còn sống thì hãy tùy duyên mà cố gắng độ cho cha mẹ và gia đình biết đến Phật để một đời này về TPCL. Hãy vì chúng sanh mà phục vụ nhưng tâm không vướng mắc vào đó, tâm chỉ niệm Phật thì sẽ cuộc sống rất an vui – tự tại. Vì trong tâm luôn hiểu rằng TPCL đang chờ mình về – những việc mình làm là vì chúng sanh – đó là trách nhiệm của mình – hết trách nhiệm thì về TPCL đợi nhân duyên khác lại tùy nguyện mà đi độ chúng sanh.
Chư vị phải phát tâm Bồ Đề: Đó là tâm bồ đề – đó là cung phu hành trì chân thật, tiếp theo là chuyên nhất niệm Phật. Nếu niệm Phật mà tâm Bồ Đề chưa được như vậy thì cũng chỉ là đời này kết duyên với Phật mà thôi. Hàng vạn người may ra chỉ có vài người được vãng sanh – chân thật đó là vậy.
Hiện tại chư vị đang hưởng phước để tu hành – oan gia trái chủ chưa làm gì được chỉ đợi đến lúc lâm chung thì họ sẽ đến tìm chư vị để đòi nợ – đến lúc đấy liệu có ai nhớ Phật để mà niệm không – chắc chắn là rất khó.
Phát Bồ Đề tâm – Nhất hướng chuyên niệm. Như vậy công đức mới được Viên Mãn – TPCL toàn bậc Thượng Thiện Nhân, chúng ta thân, tâm chưa thanh tịnh hẳn liệu có về được bên đó không? Cho nên hằng ngày phải cảnh tỉnh lại chính mình, thành tâm Sám hối không tạo tội nghiệp – Y giáo phụng hành – được như vậy thì chắc chắn một đời này được thành tựu – đạt niệm Phật Tam Muội ngày nào không hay. Đó mới là Nhất tâm bất loạn chân thật viên mãn.
Con chỉ là kẻ phàm phu, con học Phật nghe sư phụ con chỉ dạy phải học Đệ tử quy – Thập thiện nghiệp – Cảm ứng thiên. Đó là 3 món tư lương để về TPCL – là nền tảng của người học Phật không thể thiếu. Con chỉ chia sẻ đến đây, đó là những hiểu biết của riêng con nhưng rất chât thật. Nếu có gì không đúng mong chư vị hoan hỷ lượng thứ. Con sẽ cố gắng học hỏi lại thêm nữa để tránh những hiểu sai và để có thêm trí tuệ chân thật mà y giáo phụng hành. Cho nên con phải tự độ mình trước – chúng sanh tùy duyên mà độ. Tất cả tùy duyên – A Mi Đà Phật!