Hỏi: Kính thưa thầy, vào giờ con niệm Phật công cứ, trong tư tưởng con thường hay mong muốn thấy hình tượng Phật Di Đà và hình tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Xin hỏi: sự mong muốn đó có lỗi gì không?
Đáp: Xin thưa ngay trong lúc liên hữu đang niệm Phật mà vọng cầu như thế thì thật là có lỗi. Lỗi nầy liên hữu cần nên tránh. Liên hữu nên nhớ, Phật Tổ dạy chúng ta niệm Phật với thâm ý là để cho chúng ta diệt trừ phiền não, cho tâm ta được an định. Niệm Phật mà tâm không an định, đó là chúng ta đã niệm Phật sai rồi. Lẽ ra khi niệm Phật công cứ hay không công cứ cũng phải như thế. Ngược lại, đằng nầy liên hữu không niệm như thế mà còn niệm Phật với tâm vọng động mong cầu cho được thấy hình tượng Phật và Bồ tát, thì quả đó là một sai lầm rất lớn. Vì sao? Vì có mong cầu là có vọng tưởng. Niệm Phật mà còn có vọng tưởng như thế, thì làm sao tương ưng với pháp môn niệm Phật. Và như thế, thì đã trái với yếu lý niệm Phật mà Phật Tổ đã chỉ dạy rồi.
Tôi xin nhắc lại để cho liên hữu chú ý là: “niệm Phật mục đích chính là để dứt trừ phiền não”. Phiền não có giảm thiểu, thì tâm ta mới được an lạc. Tâm có an lạc, thì mới có được lợi ích hiện đời và tương lai mới có hy vọng vãng sanh. Bởi tâm có an lạc thì mới tương ưng với cảnh giới Cực lạc mà chúng ta đang quy hướng.
Nhưng ở đây thì trái lại, liên hữu niệm Phật mà còn có khởi vọng tâm mong cầu để thấy Phật và Bồ tát, thì đó là điều trái với sự niệm Phật. Khi niệm Phật, hành giả chỉ nhiếp tâm vào câu hiệu Phật không nên vọng nghĩ điều gì. Chư Tổ thường dạy là : “tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và phải niệm cho rành rõ”.
Niệm Phật tuy có nhiều cách, nhưng cách tốt nhứt vẫn là trì danh niệm Phật. Nhưng dù niệm Phật cách nào đi chăng nữa, điều tối kỵ là có vọng tâm mong cầu. Bất cứ mong cầu điều gì cũng là bệnh cả. Đó là bệnh vọng tưởng phiền não. Tối kỵ nhứt là vọng cầu thấy hình tượng Phật bên ngoài. Có vọng cầu dù là vọng cầu thấy Phật, đó cũng là phiền não vọng tưởng mà thôi. Đã có phiền não thì đã trái với Sự và Lý niệm Phật rồi. Liên hữu nên nhớ, tất cả đều từ tâm mà ra.
Nếu khi liên hữu mong muốn thấy Phật, thì chính cái mong muốn đó là vọng tưởng. Còn có vọng tưởng là còn sanh diệt, tức nhiên còn có vui buồn vừa ý hoặc không vừa ý. Vừa ý thì vui, không vừa ý thì buồn. Đó là ma vui ma buồn dẫn dắt liên hữu. Như vậy là niệm trên sự buồn vui chớ đâu phải niệm Phật. Điều nầy rất quan trọng mà tất cả liên hữu chúng ta cần phải lưu ý.
Có người khi họ niệm Phật, thay vì tập trung tâm ý vào câu Phật hiệu, cho tâm được thuần nhứt an định, họ lại mơ ước thấy Phật tượng bên ngoài. Khi thấy Phật tượng bên ngoài hiện ra, thì họ rất vui mừng, cho đó là kết quả của sự niệm Phật. Từ đó, mỗi khi niệm Phật, họ đều khởi ý mong cầu cho thấy Phật như thế. Liên hữu nên nhớ, tất cả cảnh đều từ tâm. Dù cảnh tốt hay cảnh xấu cũng đều từ tâm vọng mà ra. Phật Tổ dạy ta niệm Phật là để cho tâm ta được an định. Có an định mới có trí huệ. Có định huệ thời không có phiền não. Không phiền não, thì mới được nhứt tâm. Đó là chủ yếu mà trong Kinh tiểu bổn Di Đà, đức Phật Thích ca đã dạy chúng ta như thế. Niệm Phật để được đi dần đến chỗ « Nhứt tâm bất loạn », niệm Phật như thế mới hợp với ý Phật Tổ dạy.
Còn có tâm vọng cầu là còn chạy theo cảnh duyên bên ngoài. Còn theo cảnh duyên bên ngoài đó là cửa ngỏ dễ bị ma dẫn dắt. Giả như có thấy Phật thiệt ứng thân đi nữa, cũng chưa phải là thấy Phật, đừng nói chi thấy Phật qua hình tượng.
Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Phật đã từng dạy:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:
Nếu ai cho rằng thấy sắc tướng của Phật mà cho là thấy Phật hay nghe âm thanh của Phật thuyết giảng mà khởi tâm tìm cầu Phật. Phật nói: « kẻ đó đang thật hành đạo tà, không bao giờ thấy được Như Lai ». Tại sao thế? Cũng trong Kinh nầy, ở một đoạn khác Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Nghĩa là: phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các tướng, chẳng phải tướng thật, chính đó mới thấy được Như Lai. Như lai là bất sanh bất diệt, còn các tướng đều sanh diệt hư dối không thật. Đã là hư dối, thì tại sao ta lại mong cầu? Phật tử nên nhớ, Phật dạy, ngoài tâm mà cầu Phật đó là ngoại đạo.
Như vậy, người muốn thấy Phật phải thấy bằng cách nào? “Phải thấy không chỗ để thấy, tức là phải ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Còn có tâm dính mắc vào bất cứ cảnh nào, cũng đều là tà ngoại cả, chớ không phải thấy Phật thiệt. Phật thiệt phải chính ở nơi bản tâm mình. Khi nào tâm mình lặng hết vọng tưởng, thì ngay đó Phật thiệt của mình mới hiện ra, khỏi cần tìm kiếm ở đâu xa. Còn có khởi tâm tìm kiếm là đã sai rồi. Nói rõ hơn là đã mất ông Phật thiệt của mình rồi. Vì ông Phật ứng thân giáng sanh ở Ấn Độ sống được 80 năm rồi nhập diệt, ông Phật đó cũng là ông Phật giả mà thôi. Vì ông Phật đó có sanh có diệt.
Bây giờ, người ta đi qua Ấn Độ đâu có ai còn thấy ông Phật Thích Ca đó nữa. Ông Phật có sắc thân với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà còn không có thiệt, hà tất gì ông Phật do người ta tạo ra bằng cốt sắt xi măng hay bằng gỗ giấy mà có thiệt hay sao?
Tu hành mà dụng tâm sai, thì đó là đầu mối của ma vương dẫn dắt. Nếu hành giả không khéo thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng ta nên nhớ rằng, bọn ma nó có ngũ thần thông, nó muốn hiện ra thứ gì cũng được. Tùy theo ý muốn của mình, ham thích thứ gì thì nó sẽ hiện ra thứ ấy.
Thuở xưa, chính Tổ Ưu Ba Cúc Đa là vị Tổ sư thứ tư bên Ấn Độ còn phải bị lầm lẫn khi nó hiện ra hình ảnh đức Phật và các vị Thánh chúng. Là Tổ mà còn lầm ma tưởng là Phật, như thế, còn đối với phàm phu chay như chúng ta thì sao? Bản thân mình đã là ma rồi mà không chịu lo tìm cách để tiêu trừ, mà lại còn vọng cầu thấy nầy thấy nọ, đó là ma lại chồng chất thêm ma nữa.
Tệ hại hơn nữa, có người lại còn đi khoe khoang với mọi người cho rằng mình niệm Phật đã thấy Phật. Hỏi thấy Phật như thế nào? thì họ trả lời là thấy qua Phật tượng giấy. Nếu thấy Phật tượng giấy thì có gì khó khăn đâu. Chúng ta cứ mở to đôi mắt ra là nhìn thấy rồi. Đâu cần đợi đến khi niệm Phật mới thấy hình tượng đó. Như vậy, rõ ràng là họ thấy bằng vọng tưởng của họ. Vậy mà cũng đi khoe với mọi người. Người không hiểu biết, nghe nói tưởng là người đó tu hành công phu khá, vì nhờ tu khá nên mới thấy Phật.
Ngược lại, đối với những người có chút ít kinh nghiệm trong sự tu hành hay họ học hỏi nghiên cứu kỹ kinh điển Phật dạy, nghe nói thế, thì họ lại đâm ra lo sợ và thật đáng thương xót cho người đó. Vì họ biết người đó đã sai lầm rồi. Nhưng vì người đó đã mang nặng mặc cảm định kiến, thì dù cho họ có thật tâm khuyên bảo, nhưng đâu dễ gì mà người đó chịu bỏ.
Thuở xưa, sơ tổ Liên Tông là Huệ Viễn đại sư khi nhập định, ở trong định, Ngài thấy Thánh cảnh Tây phương hiện ra 3 lần. Nhưng Ngài tuyệt nhiên không dám hở môi. Vì sợ người ta hiểu lầm chạy theo cái giả tướng mà mong cầu, thì đó là tai hại vô cùng. Cho nên Tổ yên lặng không bao giờ tiết lộ cho ai biết. Mãi cho đến khi sắp viên tịch, bấy giờ, Tổ mới nói cho các vị đệ tử biết.
Chúng ta nên nhớ, Ngài thấy Thánh cảnh trong lúc nhập định, bởi do nhập định tâm của Ngài thanh tịnh, an định nên nó mới tương ưng với cảnh Cực lạc. Do đó, nên cảnh cực lạc mới hiện ra, chớ không phải do Ngài vọng tâm mong cầu mà thấy. Đó là điều mà ta nên cẩn thận lưu ý.
Ngược lại, chúng ta chưa được như thế, mà khởi tâm mong cầu thì dễ bị ma nó dẫn dắt. Và cái thấy của ta là do vọng tưởng nó lòa hiện ra thôi, chớ không phải là thiệt. Nếu không khéo buông bỏ cứ mãi đắm mê chạy theo cái giả cảnh đó, thì có ngày chúng ta sẽ bị bệnh loạn trí. Đến khi bị ma nó dẫn dắt đi vào con đường mê loạn rồi, thì chừng đó chúng ta có hối hận ăn năn thì cũng đã muộn màng lắm rồi! Chi bằng chúng ta nên tránh nhân thì không có quả. Một khi đã vướng bệnh nặng rồi, thì hết phương cứu chữa. Đó là điều rất tai hại nguy hiểm mà chúng tôi xin thành thật khuyên hành giả nên dè dặt cẩn trọng.
Tóm lại, liên hữu niệm Phật cứ nắm chắc sáu chữ Di Đà mà chuyên niệm, đừng khởi tâm vọng cầu muốn thấy thứ gì cả. Khi nào tâm của liên hữu được an định thanh tịnh rồi, thì chừng đó lo gì liên hữu không thấy Phật. Bởi vì khi đó tâm của liên hữu cùng tâm Phật tương ưng với nhau, nghĩa là nó có cùng một tần số, thì chắc chắn sẽ cảm ứng gặp nhau thôi. Kính mong liên hữu nên chú tâm cẩn trọng vấn đề nầy. Kính chúc liên hữu thành công trong việc niệm Phật cầu vãng sanh.
TK Thích Phước Thái
Thật là hay và quý báu cho những ai đọc được.
RẤT CẢM ƠN BÀI GIẢNG CỦA THẦY!
Thật là có ích cho con.
Cám ơn Thầy.
Giữ tâm thanh tịnh khi niệm Phật
bài này hay quá từ xưa đến nay minh mới biết,cảm ơn các bậc thầy đã cho chúng con rõ vê niêm phật
từ trước đến nay con có cácg niệm theo vộng tưởng niệm chưa biết,thật là may mắn đọc được bài phúc đáp này.các ơn các phật tử có câu hỏi hay như vậy.chúng con sẽ cố gắng khai trừ vọng tưởng khi niêm danh hiệu Phật.NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Kính Bạch Thầy!
Con tu theo Pháp môn niệm phật đã được 3 tháng, những thời niệm phật ban đầu con cũng có vọng tưởng để thấy Phật, sau đó con được nghe HT Thích Trí Tĩnh giảng trên GOOgle và con tu theo. Bạch Thầy ! Tuy con không khởi tâm vọng niệm nhưng có vài lần khi con đang niệm thì thấy hiện tương diễn ra trước mắt con cho dù con không muốn thì hiện tượng đó vẫn diễn ra. Ví dụ một ánh sáng trăng rực đi từ bên trái ngang tai con và nó xoáy thành con rồng đi thẳng vào đầu con sau đó con tháy rất an lạc, nhẹ nhành; lần thứ hai con không có khởi tâm gì nhưng tự thấy từng hoa sem rất to nằm ngang ở đâu đi từ trước trán con và đi vào đầu con lần lượt hoa này rồi đến hoa khác (Thời gian khoảng 30 giây). Từ đó đến nay con không thấy gì nữa con đang cố tu theo HT dạy. Hôm nay mở mạng nghe Thầy dạy con lại thấy lo con sai rồi. Kính bạch Thầy hoan hỷ dạy bảo cho con và các PTử cách tu niệm phật.
A Di Đà Phật
Có người do thiện căn sanh khởi từ tiền kiếp thì sẽ thấy tướng trạng như vầy:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2012/11/thien-can-hien-ra-luc-dang-cong-phu/
Có người lúc trước tu theo huyền thuật, chuyển sang niệm Phật sẽ thấy ma cảnh rất nhiều, muôn hình vạn trạng không giống nhau. Điển hình như cư sĩ Phạm Dụng Hòa trong truyện người niệm Phật này:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/09/chuyen-nguoi-niem-phat-vang-sanh-cuc-lac/
Kính bạch thầy
thường ngày con rất thích tụng kinh,nghe mọi người tụng con rất muốn con tụng được như vậy.nhưng mỗi lần con tụng đều không thể nhập tâm được,xin bạch thầy cho con hỏi,giờ con mới biết đến đạo phật con muốn học đạo phật điều đầu tiên con nên học quyển kinh nào?con chỉ niệm A DI ĐÀ thôi có được không ạ?con nên niệm như thế nào để có tác dụng ạ.kính bạch thầy hoan hỉ dạy bảo cho con và các phật tử cách niệm phật.A Di Đà Phật
Thưa thầy, lúc con niệm Phật con không suy nghĩ bất cứ điều gì cả mà chỉ chú tâm niệm Phật như vậy có đúng không ạ.
Trong lúc niệm phật cần phải làm những gì ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật. Vì thấy nhiều liên hữu quan tâm đến việc hành trì niệm Phật nên timlaiphattanh xin trích một phần “Một Lá Thư Gởi Khắp” của Ngài Ấn Quang Đại Sư trả lời các liên hữu như sau:
“Pháp môn Tịnh Độ, độ khắp ba căn, lợi – độn trọn thâu, chính là đại pháp để đức Như Lai phổ độ hết thảy thượng thánh hạ phàm khiến cho họ liễu sanh tử ngay trong một đời này. Đối với pháp này chẳng tin, chẳng tu, chẳng đáng buồn ư? Pháp môn này lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông. Tín là tin thế giới chúng ta đây là khổ, tin thế giới Cực Lạc là vui. Tin ta là nghiệp lực phàm phu, quyết định chẳng thể cậy vào Tự Lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh thoát tử. Tin A Di Đà Phật có đại thệ nguyện; nếu có chúng sanh niệm danh hiệu Phật, cầu sanh cõi Phật, người ấy lúc mạng chung, Phật ắt rủ lòng từ tiếp dẫn sanh về Tây Phương. Nguyện là nguyện mau thoát lìa thế giới khổ sở này, nguyện mau vãng sanh thế giới Cực Lạc kia. Hạnh là chí thành khẩn thiết, thường niệm Nam Mô (âm đọc là Nạp-mạc) A Di Đà Phật, thời thời khắc khắc chớ để tạm quên. Sáng tối đối trước Phật lễ bái, trì tụng, tùy theo bản thân rảnh rỗi hay bận bịu mà lập một khóa trình. Ngoài ra, trong lúc đi – đứng – ngồi – nằm và làm những chuyện chẳng phải dùng đến tâm thì đều khéo niệm. Lúc ngủ nên thầm niệm, chẳng nên niệm ra tiếng. Chỉ nên niệm bốn chữ A Di Đà Phật để khỏi bị nhiều chữ khó niệm. Nếu áo mũ không chỉnh tề, hoặc đang lúc rửa ráy, đại tiểu tiện, hoặc đến chỗ không sạch sẽ đều nên niệm thầm. Niệm thầm có cùng một công đức như niệm ra tiếng, niệm ra tiếng không hợp lễ. Bất luận niệm lớn tiếng hay niệm nhỏ tiếng, niệm Kim Cang (niệm có tiếng nhưng người bên cạnh không nghe được), niệm thầm trong tâm, đều phải niệm cho rõ ràng rành rẽ trong tâm, miệng niệm cho rõ ràng rành rẽ, tai nghe cho rõ ràng rành rẽ. Như thế thì tâm chẳng rong ruổi theo bên ngoài, vọng tưởng dần dần dứt, Phật niệm dần dần thuần, công đức rất lớn!
….”
Xin các liên hữu hãy chú ý Ngài cứ nhắc đi nhắc lại khi chúng ta niệm Phật bất luận ra tiếng hay niệm thầm đều là Miệng Niệm Tai Nghe thì tâm sẽ bớt rong ruổi bên ngoài. Vọng niệm khởi lên thì biết nhưng mặc kệ nó, cứ niệm Phật đừng để ý đến nó thì nó tự lặng đi.
Lúc niệm Phật đừng quán tưởng gì hết, vì thời này đa phần phàm phu chúng ta nghiệp chướng sâu dày tâm thô nên quán không nổi đâu, quán lung tung còn thêm có hại. Lại nữa cũng đừng cố ép tâm không suy nghĩ gì cả, làm không nổi đâu mà vọng tưởng sẽ càng mạnh hơn.
Tóm lại, các liên hữu chỉ cần cố gắng lo niệm Phật và xoay cái lỗ tai lại mà lắng nghe rành rành từng chữ từng chữ mình đang niệm. Nghe như vậy gọi là nhiếp sáu căn đó. Lúc đầu chưa quen, nhưng hành trì lâu ngày sẽ quen và có tiến bộ, vọng tưởng cũng từ từ bớt lại.
Xin thành thật chia sẻ.
timlaiphattanh
Nam mô A di đà Phật. Con xin cảm ơn bài giảng của Thầy. Thật hữu ích vô cùng.
quý thầy cho con hỏi khi con vừa niệm phật tưởng tượng chân dung phật,sau khi niệm xong con cảm giác thân thể và đầu óc rất nhẹ nhàng y như trong đầu nó trống rỗng như thế con niệm có đúng không