Có nhiều vị muốn tu học Phật pháp, nhưng lại sợ bị người chê cười là tiêu cực, hủ bại, mê tín. Do đó khi xem kinh thì lén lút không dám công nhiên cho người thấy; hoặc có ăn chay niệm Phật cũng không dám cho ai hay. Nên biết đạo Phật chẳng những là một tôn giáo, lại là một môn triết học rất cao thâm, các học giả uyên bác đông tây đã có nhiều vị nghiên cứu và thực hành. Phật đạo là con đường sáng suốt đưa người từ hung ác đến thiện lương, từ hàng phàm phu mê mờ đến địa vị thánh nhơn toàn giác. Cho nên người đã có duyên may tu học Phật pháp, nên mừng cho mình được phước lành, và tùy nghi đem ra khuyên nhắc kẻ khác làm theo, chớ không chi phải e ngại. Những kẻ chê tu Phật là tiêu cực, hủ bại, mê tín, chỉ vì họ chưa hiểu biết mà thôi.
Lại trong giới tu học Phật pháp, có những người vừa mới xem qua các kinh điển cao, đã vội tự phụ cho mình là bậc Đại Thừa (1) hành giả, thấy ai ăn chay niệm Phật liền xem là hạng căn cơ thấp kém, chỉ bắt chước theo các ông già bà cả ngu dốt tối tăm, Nên biết môn Tịnh Độ là pháp Đại Thừa viên đốn. Nói “Đại Thừa”, vì pháp này lấy niệm Phật làm nhân, lấy địa vị Toàn Giác làm quả. Nói “viên” vì môn này nhiếp tròn cả năm tông tám giáo, như các bậc cổ đức đã luận phê. Nói “đốn” vì phương tiện này đưa từ hàng cụ phược phàm phu lên ngôi bất thối chuyển, từ bậc sơ học lên quả Vô thượng Bồ Đề, rất thẳng tắt mau lẹ. Cho nên pháp môn này sáu phương chư Phật đều khen ngợi, các vị Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ đều phát nguyện vãng sanh. Xem thường và khinh chê niệm Phật, chẳng những là không hiểu sâu về Tịnh Độ, mà còn mang lỗi khinh chê chư Phật và các bậc Thánh giả đã nói trên. Cho nên niệm Phật là chính mình đã thật hành theo pháp môn viên đốn Đại Thừa, không nên ngại đến sự cười chê của người chưa hiểu biết.
Muốn cầu giải thoát, đối với sự niệm Phật phải xem là điều rất khẩn yếu, biết được lúc nào là phải thật hành ngay khi ấy, không nên chờ hẹn. Phật đã từng dạy, mạng sống của con người chỉ ngắn ngủi trong hởi thở; vì hơi thở có ra mà không vào, tức đã bước sang kiếp khác. Thế thì năm tháng ngày giờ, cho đến mỗi giây phút, đều có cái chết không chờ hẹn ta ở trong đó; chẳng ai dám quyết đoán mạng sống của mình dài được bao lâu. Cổ thi có câu:
Ngày trước đầu đường còn ruỗi ngựa.
Hôm nay trong quách đã nằm yên!
Hoặc câu:
Chớ hẹn đến già rồi niệm Phật.
Đồng hoang mồ trẻ thấy đông người.
Đây là những điều xác thật. Cho nên muốn phòng ngừa cơn vô thường chợt đến, mỗi thời khắc chúng ta phải gắng chăm niệm Phật. Như thế, gặp giây phút cuối cùng mới không bị bối rối tay chân.
Trên đường tu, để ngăn trách về sự giải đãi, đức Phật đã răn dạy: “Thầy Tỳ Khưu thường hay có tám cách biếng trễ. Chẳng hạn, bữa nào đi khất thực đói, liền nghĩ rằng: “Hôm nay, khất thực đói, trong người tất thiếu sức khỏe, để huởn tu một đêm.” Bữa nào khất thực no, liền nghĩ: “Hôm nay ăn no, trong người nặng nề mệt nhọc, thôi tạm xả tu, mai sẽ tiếp tục.” Như thế cho đến những khi: sắp làm việc nhiều – lúc làm việc nặng vừa xong – sắp muốn đau – khi đau bịnh vừa mạnh – sắp đi xa – lúc đi xa mới về; trong các trường hợp ấy, lúc nào cũng nại cớ này, cớ khác, rồi bỏ tu để ngủ nghỉ. Trái lại, những vị Tỳ Khưu tinh tấn, trong tám trường hợp đó, luôn luôn nghĩ đến sự vô thường, hằng siêng năng tu tập.”
Tâm niệm giải đãi của người xuất gia đã như thế, tất tâm lý biếng trễ của hàng tại gia chắc có lẽ nhiều hơn. Hoằng Nhứt đại sư từng khuyên một người thân hữu niệm Phật. Ông này viết thư gởi đến, than mình mắc bận nhiều công việc, xin để tạm xếp đặt cho ổn thỏa rồi sẽ hay. Đại sư liền biên vào bức thư đó hai câu thi, rồi gởi trả nguyên lại. Hai câu ấy như sau:
Ngay giờ quyết dứt, liền thôi dứt.
Chờ hẹn cho xong, chẳng lúc xong!
Thật thế, chuyện đời đến khi nhắm mắt cũng không rồi công việc.
Khi xưa, có vị tăng khuyên người bạn là Trương Tổ Lưu niệm Phật. Ông bạn bảo: “Tôi có ba việc làm chưa xong: Một là quan tài ông thân còn để ở nhà mồ chưa chôn, hai là đứa con trai chưa cưới vợ, ba là đứa con gái chưa gả chồng. Chờ ba việc đã xong, tôi sẽ vâng lời.” Mấy tháng sau, ông bạn bị bạo bịnh chết. Vị tăng đến tụng kinh cầu siêu, và điếu một bài thi rằng:
Bạn tôi tên là Trương Tổ Lưu
Khuyên ông niệm Phật, hẹn ba điều.
Ba điều chưa vẹn, vô thường bắt
Đáng trách Diêm Vương chẳng nể nhau!
Trong bài thi, ý vị tăng nói: ông hẹn khi xong ba việc sẽ niệm Phật, nhưng ngặt nỗi vô thường bất ngờ đến, nó có chờ hẹn ông đâu? Xem đấy chúng ta ai dám bảo đảm rằng mình chẳng là ông Trương Tổ Lưu thứ hai? Cho nên người quyết chí tu hành, được hở giây phút nào liền niệm Phật ngay lúc ấy, đừng nên đạp nhầm dấu xe đổ của người xưa mà để hận ngàn thu.
Giải thích nghĩa từ:
(1) Dịch âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na, Ma-ha-diễn, tức là “cỗ xe lớn”; Một trong hai trường phái lớn của đạo Phật, phái kia là Tiểu thừa hay được gọi là “cỗ xe nhỏ”. Xuất hiện trong thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, phái này tự nhận là cỗ xe lớn, nhờ dựa trên tính đa dạng của giáo pháp để mở đường cho một số lớn chúng sinh có thể giác ngộ.
Cả hai, Tiểu thừa và Ðại thừa đều bắt nguồn từ Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni, nhưng khác nhau nơi sự quan tâm về thực hành giáo pháp. Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì đại biểu của Ðại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Ðại thừa là Bồ-Tát (Bodhisattva) mà đặc tính vượt trội là lòng Bi (Lòng thương yêu, đau xót, thông cảm cùng với chúng sinh).
Ngược lại với quan điểm nguyên thủy, Ðại thừa không quá nhấn mạnh đến đời sống xuất gia, cho rằng cư sĩ tại gia cũng có thể đạt Niết Bàn (Đây là một khái niệm nằm ngoài ngôn ngữ và lýluận. Có thể hiểu giống như lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, thì Niết-bàn là một tình trạng của tâm thức trở về với một cõi xứ không chịu sự sinh diệt, là dạng tồn tại của tâm thức không có mọi sự khổ đau của vòng sanh tử luân hồi) với sự tế độ của chư Phật và chư Bồ Tát. Trong quan điểm Ðại thừa, Niết-bàn không phải chỉ là giải thoát khỏi Luân hồi – mà hơn thế nữa, hành giả giác ngộ về Chân tâm và an trụ trong đó. Mỗi chúng sinh đều mang Phật tính và nhận ra điều đó là điều tuyệt đối quan trọng.
Giáo lí căn bản của Ðại thừa được chứa đựng trong những bộ Kinh (Sutra) và Luận (Sastra) với nhiều luận văn hết sức sâu sắc. Hành giả tu theo pháp môn niệm Phật là hành giả Đại thừa.
Trong Đại thừa lòng Từ (Từ được xem là lòng thương yêu chúng sinh nhưng không có tính chất luyến ái) và bi được xem là đức hạnh chính yếu, trong lúc Tiểu thừa xem Trí huệ quan trọng hơn trong bước đường giác ngộ. Trong Tịnh độ tông (pháp môn niệm-PHẬT) thì lòng từ bi của Phật A-Di-Đà (Amitabha Buddha) được xem là cao cả nhất.
Hòa thượng Thích Thiền Tâm
Nam Mô A Di Đà Phật
Dẫu biết 1 câu Phật hiệu là đã đủ,k cần tìm học hay làm những thứ khác, nhưng sao bản thân mình vẫn cứ như cũ k có gì thay thay đổi cả ,vẫn cứ thích xem cái này rồi làm cái nọ, thật chẳng biết ra làm sao ?..
Nam Mô A Di Đà Phật
HAI ÔNG THỢ RÈN TRIỀU TỐNG, PHÁT TÂM NIỆM PHẬT, LÂM CHUNG TỰ TẠI NGỒI MÀ VÃNG SANH
Ông Lý Ngạn Thông, người Cối Kê làm thợ rèn, tình cờ đến chơi nơi hội quán của hội niệm Phật tại làng. Ông nghĩ đến thân mạng vô thường, bèn phát tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc. Một hôm phải bệnh, ông bảo người nhà : “Tôi mơ đến Cực Lạc thấy hai cửa ngõ bằng vàng ngọc đóng kỹ. Sư Tăng tự xưng hiệu Tông Lợi mở cửa dắt tôi vào. Thấy đền đài cao lớn sáng đẹp Phật và Bồ Tát đang ngự trong ấy. Tôi sắp sẽ được về Tịnh Độ !”. Ông cho người thỉnh Tăng Hi Kinh và Đạo Quả đến bên giường để sách tấn ông. Ông bảo gia quyến đồng thanh niệm Phật. Giây lát ông tự trỗi dậy ngồi ngay thẳng xoay mặt về hướng Tây mà mất.
Trích ở bộ Phật Tổ Thống Kỷ
Ông Huỳnh Sanh, người Đàm Châu, sống với nghề thợ rèn. Tay đập sắt, miệng niệm Phật. Một ngày nọ, ông nhờ người láng giềng chép giùm bài kệ từ trần, rồi ông đọc rằng : “Đanh ! Đanh ! Đang ! Đang ! Cửu luyện thành cang. Thái bình tương cận. Ngã vãng Tây phang !”. Ông lại dặn : “Sau khi tôi vãng sanh, nên đem bài kệ này truyền bá khắp nơi, để khuyên người niệm Phật”. Dứt lời ông đoan tọa mà qua đời.
Trích ở bộ Phật Tổ Thống Kỷ
THƯỜNG XUYÊN TRÌ NIỆM DANH HIỆU PHẬT “A-DI-ĐÀ” , MÀ ĐƯỢC THOÁT CHẾT HAI LẦN.
Hai chuyện cảm ứng kỳ diệu dưới đây là chính miệng liên hữu Tôn Phụng Anh kể lại với tôi:
Tôn Phụng Anh tuổi khoảng hơn 30. Nhà ở đường Tam Dân Đài Trung (nguyên quán Phúc Châu).
Cô lúc còn trẻ ở Đại lục đã tin Phật, đã trồng căn lành. Lúc kháng chiến thắng lợi, Đài Loan được khôi phục, sau khi cô chuyển về Đài Trung, bắt đầu thường xuyên niệm Phật, buổi giảng kinh các ngày chủ nhật cô thường đều tham gia.
Có một hôm cô ấy nói với tôi:
“Sư tỷ! Tôi niệm Phật A Di Đà được cảm ứng như thế, sao mà khuyên người ta niệm Phật, người ta đều chẳng chịu niệm?”.
Tôi hỏi cô ấy từng được cảm ứng như thế nào? Cô liền đem một đoạn sự thật bảy năm trước kể lại với tôi.
Cô ấy nói:
“Vào tháng 7, bảy năm về trước có một lần bão lớn. Nhà vệ sinh lúc trước của nhà tôi là làm bên một con rạch sau nhà, cách nhà một đoạn.
Kế bên nhà vệ sinh có một cây đa lớn từ thời Nhật chiếm cứ để lại. 9h tối đêm đó tôi ra đi vệ sinh. Lúc bước vào nhà vệ sinh, bên tai liền nghe dường như có người nói với tôi:
“Nhanh nhanh đi ra! Nguy hiểm, nguy hiểm!”…
Liên tiếp nghe được ba, bốn lần như thế. Tôi sợ quá chạy ra ngay, một hơi chạy vào trong nhà bếp, bỗng nhiên nghe một tiếng rầm to như sét đánh, chỉ thấy cây đa to kia bị gió thổi ngã, ngã xuống đúng ngay nhà vệ sinh, nếu như nó ngã vào nhà thì thật không biết ra sao?
Chồng tôi vừa nhìn thấy nhà vệ sinh bị cây đa ngã đè, liền to tiếng gọi con cái, biểu nhanh nhanh ra cứu má tụi bây, bả đang ở trong nhà vệ sinh kìa! Nếu như bị đè thì tiêu rồi!
Tôi lúc đó từ nhà bếp ung dung đi ra vừa cười vừa nói với chồng con rằng:
“Tôi ở đây nè, không cần phải lo sợ, do vì thường trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà nên tôi được gia hộ, lúc nãy có tiếng nhắc nhở bên tai:
Nguy hiểm, nguy hiểm!… mà tôi nhanh chóng đi ra, không đi vệ sinh nữa, vừa chạy đến nhà bếp cây đa to liền ngã xuống. Nếu như không có Đức A Di Đà Phật đại từ đại bi gia hộ, e rằng bây giờ tôi đã tan xương nát thịt rồi!”.
Tôi nghe xong truyện cảm ứng của cư sĩ Tôn Phụng Anh mà bất ngờ vô cùng, bèn khen và chúc phúc cô.
Tôi hỏi thêm cô ấy:
“Phương pháp tu hằng ngày của cô như thế nào?”.
Cô nói:
“Chồng tôi là một viên chức nghèo, lại có sáu đứa con vừa trai vừa gái, cho nên nhất định phải lượng mức thu mà chi. May được tu theo pháp môn này không cần phải tốn tiền gì cũng có thể tu được.
Tôi hằng ngày sớm tối ngoài thắp hương lễ Phật ba lễ ra, lúc giặt đồ cũng niệm Phật, lúc nấu cơm cũng niệm Phật, lúc quét nhà cũng niệm Phật. Tôi cứ như thế luôn luôn niệm trong tâm tôi.
Gặp người hàng xóm liền khuyên họ niệm Phật, khuyên họ đi nghe giảng kinh, đáng tiếc là họ đều không tin, có người còn cho tôi là ngu mê, cho nên xem họ suốt ngày đều nói chuyện tào lao luống qua ngày tháng, rất là tội nghiệp cho họ”.
Tôi liền an ủi cô, nói rằng:
“Cô dụng công như thế, tâm không rời Phật, cuối cùng nhất định được giải thoát. Đời này không có biện tài độ chúng sanh, phát nguyện vãng sanh Cực lạc, lúc đầy đủ biện tài, thừa nguyện lực trở lại, cứu độ hết thảy chúng sanh”.
Cư sĩ Tôn Phụng Anh nhân đây cũng kể thêm với tôi một câu chuyện nữa:
“Tôi vào mùa hè năm ngoái, cũng từng nhờ Phật gia hộ, thoát khỏi được tai nạn…
Việc xảy ra vào tháng 5 năm ngoái, có một đêm khoảng hơn 2h, ở trên mạch đập của cánh tay trái tôi, đang ngủ bỗng nghiên bị con gì cắn một cái, đau thấu tim phổi, lập tức lớn tiếng kêu lên, chồng tôi và đứa con lớn thức dậy thì thấy một con trùng lớn đang bò trên cánh tay tôi, hai cha con liền tóm lấy con trùng to đó dán chặt trên tường.
Tôi lúc đó đau muốn chết, chỗ bị cắn dường như có cái gì đó, nó chạy khắp người, thẳng lên đau đến trên óc, có cảm giác như cái đầu phình to lên như cái đấu, nhưng trong lòng rất hiểu cái đau nhức dữ dội đó, nếu như đau đến trong tim thì bỏ mạng, do vì ngực ngạt đến nỗi thở không được…
Tôi tự nghĩ: “Nhất định số mạng đã định sống đến đây là hết, e không có cách gì cứu được”!
Lúc tôi bị cắn, thì cảm thấy sanh mạng khó giữ, do vì đau quá, tôi liền nhất tâm to tiếng niệm “A Di Đà Phật”.
Mặc dù cái đau đã chạy đến trên óc, cho dù nó chạy đến trong tim, tôi vẫn cứ một mực nhất tâm niệm Phật, hy vọng Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi đi…
Lúc đó tôi liền hỏi Tôn Phụng Anh:
“Chạy đến trong tim là mất mạng, nhưng cô uống thuốc gì hay chích thuốc gì mà cứu được vậy?”.
Cô ấy đáp:
“Đêm hôm khuya khoắt, đi đâu mời thầy thuốc? Tôi không có chích cũng không có uống thuốc gì hết… Tôi lúc ấy tự mình một lòng một dạ chỉ muốn vãng sanh Tây phương, cứ niệm Phật mãi không dứt, niệm đến không còn sợ gì nữa hết, trong tâm không còn vướng mắc chút gì, chỉ có một câu “A Di Đà Phật”.
Ngay lúc đó, bỗng nhiên thân thể cảm thấy nhẹ nhàng dễ chịu lại, không những đầu không còn đau, ngực cũng không còn ngạt nữa, chưa đến sáng đã tỉnh táo lại, tinh thần cũng vẫn như cũ, nhưng cũng còn rất mỏi mệt, hôm sau nằm nghỉ trên giường một ngày thì bình an vô sự”.
Tôi lại hỏi tiếp:
“Con trùng đó nó ra làm sao? Bao lớn? Tại sao cắn người đau ghê gớm vậy?”.
Cô nói:
“Hiện giờ vẫn còn dính trên vách dài khoảng một thước (thước Tàu), có rất nhiều chân”.
Tôi hỏi:
“con trùng có màu gì”?
Cô nói:
“Màu đỏ nhạt”!
Tôi nói:
“Đó chẳng phải là con rít( rết) sao?
Cô thật là có căn lành, gặp lúc nguy cấp còn biết nhấtt tâm niệm Phật, nếu không thì bị rít cắn rất là nguy, còn nguy hơn là rắn độc nữa, thường hay gây ra cho người ta đến chết!”.
Một câu “A Di Đà Phật”, vốn là thuốc A Già Đà, có thể trị bách bệnh tiêu tai khỏi nạn, thật sự rất vi diệu. Nếu như chúng ta luôn luôn giữ niềm tin sâu chắc và nhất tâm trì niệm danh hiệu Phật A – Di – Đà, nhất định sẽ được linh ứng kì diệu giống như cư sĩ Tôn Phụng Anh.
Trích: Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Cư sĩ Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí