A. Mở Ðề
1. Người đời ai cũng có bổn phận:
Người ta sanh ra trên hoàn vũ này, ai cũng có bổn phận. Nói một cách tổng quát, thì đã có cái danh, tất phải có cái phận. Con kiến, con ong, có cái phận của kiến, của ong; mặt trăng, mặt trời có cái phận của mặt trăng, mặt trời. Dù nhỏ dù lớn, mọi vật mọi người đều có cái phận riêng của mình. Những điều cần phải làm, đối với cái phận ấy, chính là bổn phận.
Danh càng lớn, thì phận càng nhiều; phận càng nhiều thì bổn phận càng nặng. Hễ có thêm một cái danh là có thêm bổn phận. Càng nhiều danh lại càng nhiều bổn phận…Người có bổn phận của người; nhưng khi người + làm quan, tất nhiên ngoài bổn phận người, có thêm bổn phận làm quan,Nếu muốn có nhiều danh, mà lại muốn trút bớt bổn phận, thì là gian lận, lừa bịp. Và khi ấy, cái danh ấy chỉ là hư danh. Và khi danh đã hư, thì mọi viẹc đều hư cả. Cho nên người xưa đức Khổng Tử nêu lên thuyết “Chính danh” để chỉnh đón xã hội là vì thế.
2. Người Phật tử tại gia lại có nhiều bổn phận hơn ai cả:
Dựa vào lý luận trên mà suy diễn, chúng ta thấy bổn phận của người Phật tử tại gia thật là nặng nề. Cái danh của chúng ta gồm có đến năm chữ: Người + Phật tử + tại gia. Như thế, tất nhiên chúng ta có những bổn phận của người + bổn phận của Phật tử +bổn phận tại gia. Ðó là chưa kể người Phật tử tại gia ấy còn có những cái danh khác như: Công chức, Giáo sư, Tỉnh trưởng v.v…Nhưng để cho vấn đề này khỏi đi vào chi tiết quá; dưới đây chúng ta chỉ nói đến bổn phận người Phật tử tại gia mà thôi. Nhưng nếu muốn vấn đề được đặt một cách sáng sủa, giản dị, và sát sề hơn nữa, chúng tôi đề nghị nên bỏ bớt chữ người nữa. Nghĩa là chúng ta sẽ không nói đến bổn phận của người ở đây; bổn phận ấy mọi người, vì đã là người đều biết cả rồi (trong mọi sách luân lý, công dân đều có nói đến).
Như thế dưới đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến “bổn phận của Phật tử tại gia” mà thôi.
B. Chánh Ðề
Bổn phận của Phật tử tại gia là những gì?
Phật là bậc toàn trí, toàn năng, toàn đức, đã dứt sạch ngã chấp, pháp chấp tất cả việc lành gì cũng được, nên công đức được đầy đủ và Phật đã biết rõ các phép đều tuân theo luật nhân quả, nên bao giờ cũng chỉ biết gieo nhân lành, làm việc lành.
Phật tử , muốn được làm con Phật , muốn theo dấu chân Phật , muốn xứng đáng với danh từ Phật tử , tất phải làm tròn bổn phận của Phật tử nghĩa là nghe những lời Phật đã dạy, làm theo những việc Phật đã làm, đi theo con đường Phật đã đi.
Phật tử , đáng lẽ phải làm y như thế đó. Nhưng bởi vì chúng ta là Phật tử tại gia, nên chưa có thể hoàn toàn theo đúng như Phật. Hai chữ tại gia ràng buộc chúng ta trong những bổn phận mà chúng ta phải làm tròn.
Do đó, Phật tử tại gia, có những bổn phận như sau:
Bổn phận đối với tự thân
Bổn phận đối với gia đình, quyến thuộc
Bổn phận đối với người ngoài gia đình.
I. Bổn Phận Ðối Với Tự Thân
Tu tâm đương tánh Ngoài bổn phận làm người cho xứng với danh nghĩa con người, cho tròn nhân cách, Phật tử còn luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh, hầu hưởng được hạnh phúc trong hiện tại và bước lên đường giải thoát trong tương lai.
Mỗi Phật tử phải luôn luôn cố gắng vượt lên khỏi kiếp người, vượt ra ngoài lục đạo. Chúng ta từ vô thỉ đến nay, vẫn sống say chết ngủ trong trường giả danh mộng huyền, luân hồi đã nhiều đời nhiều kiếp mà chúng sanh cũng hoàn lại chúng sanh. Ngày nay, chúng ta may nhờ phúc báo đời trước, được làm học trò Phật , mắt được trong vào quyển kinh, tai được nghe Phật pháp, cũng như đêm tối sẵn có đèn, trong bể khổ gặp thuyền tế độ. Nếu chúng ta không gắng sức tu tập, dứt bỏ những thói quen mê lầm phiền não, để cho tâm tánh chúng ta được tiến hóa dần đến chỗ hoàn toàn viên mãn, thì sao cho khỏi phụ duyên lành đời trước của chúng ta và phụ công ơn đức Thích Ca , đấng Từ phụ đã hiện thân thuyết pháp, chỉ bày cho chúng ta những phương pháp tu hành để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Phương pháp tu hành mà một Phật tử tại gia phần giải quyết tâm thực hiện là: giữ Ngũ Giới, tu Thập thiện, sám trừ các phiền não, chuyên tâm niệm Phật , phát tâm từ bi tế độ. Có như thế thì chúng ta mới có thể vượt ra khỏi kiếp người, bước thêm một bước dài trên con đường giải thoát.
II. Bổn Phận Ðối Với Gia Ðình
Phật tử tại gia còn có gia đình quyến thuộc, nên còn nhiều bổn phận không thể làm ngơ được. Phật tử có cha mẹ, vợ hay chồng, con cái, bà con thân thích, người giúp công hay kẻ mướn việc…Ðối với mỗi hạng người ấy, Phật tử đều có mỗi cách đối xử, mỗi bổn phận.
Theo kinh Thiện Sanh, thì Phật tử tại gia có những bp như sau đối với những người trong nhà:
1. Bồn phận con đối với cha mẹ, phải đủ năm điều:
a) Làm con phải hết lòng hiếu kính đối với cha mẹ, tùy theo mùa tiết hàn, nhiệt, mà chăn nom mền chiếu, ấm áp hợp thời, để cha mẹ được nghỉ ngơi yên giấc.
b) Làm con mỗi ngày phải dậy sớm, để phân công việc cho người làm lụng đúng giờ, và lo sắp đặt miếng ăn thức uống cho cha mẹ được vừa miệng đẹp lòng.
c) Làm con phải gánh vác tất cả công việc nhọc nhằn, thay thế cho cha mẹ, để cha mẹ được thư thới, vui vẻ trong tuổi già.
d) Làm con phải nhớ nghĩ luôn luôn đền ơn sanh thành, dưỡng dục, để lo báo đáp cho kịp trong lúc cha mẹ còn sanh tiền.
đ) Làm con, khi cha mẹ đau ốm, phải hết lòng săn sóc, hầu hạ bên giường, không nài khó nhọc và ân cần rước thầy xem mạch, thuốc thang điều trị không sợ hao tốn.
2. Bổn phận cha mẹ đối với con, cũng phải đủ 5 điều:
a) Phải dạy dỗ con dứt trừ tất cả điều hung ác, làm tất cả điều lành, để trở nên người có đức hạnh.
b) Phải khuyên răn con cái, nên gần gũi người trí tuệ.
c) Phải nhắc nhở con cái, cần mẫn học hành.
d) Phải liệu định cưới gả con cái cho kịp lúc xuân thời.
đ) Phải cho con cái bàn tính tham dự việc nhà, cùng góp công trong sự xây dựng hạnh phúc gia đình.
3. Bổn phận vợ đối với chồng, phải đủ 5 điều:
a) Phải kính yêu và hòa thuận với chồng, khi chồng ra đi hay trở về, phải đưa đón niềm nở.
b) Khi chồng đi vắng, ở nhà phải lo quét dọn, may vá, cơm nước sẵn sàng, đợi chồng về mới cùng ăn uống.
c) Phải giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình.
d) Lúc chồng nóng giận nặng lời, không nên bừng mặt cãi lẫy, làm mất hòa thuận và có khi phải rã rời giềng môí. Lại khi chồng có lời khuyên bảo chánh đáng, vợ phải vâng theo; kho có món ngon vật quí, không nên dùng riêng cho mình.
đ) Mỗi đêm, khi chồng ngủ rồi, phải xem xét cửa nẻo, trước sau đóng gài kín đáo, cất đặt cẩn thận, soi rọi khắp cả trong nhà, rồi mới đi ngủ sau.
4. Bổn phận chồng đối với vợ, cũng phải đủ 5 điều:
a) Khi vợ ra đi hay lúc trở về, phải đưa đón niềm nở.
b) Phải ăn uống cho có giờ khắc, và đừng quá khó khăn, để vợ khỏi phải làm phiền lòng nấu nướng không chừng, và lo lắng cực nhọc.
c) Phải tùy phận giàu nghèo của mình, để vợ mua sắm áo quần và đồ trang sức vừa theo sở thích, không hẹp lòng làm vợ buồn phiền.
d) Phải tin cậy phó thác cho vợ các công việc nhà.
đ) Không được sanh tâm tà vạy, sớm mận tối đào, làm cho vợ ghen tuông sầu não.
5. Bổn phận đối với bà con thân thích, phải có đủ 5 điều:
a) Khi thấy bà con có người làm việc chẳng lành, thì phải thượng xót khuyên can, răn nhắc.
b) Trong bà con thân thích, có người nào bị đau ốm, tai nạn, tật nguyền, thì phải hết lòng giúp đỡ, hoặc cơm cháo thuốc men, hoặc áo quần, tiền bạc v.v..
c) Những việc kín đáo, riêng tư của người này, mình có biết cũng không nên tiết lộ cho người khác biết.
d) Bà con thân thích, phải năng tới lui thăm viếng, nhắc nhở nhau tránh dữ làm lành. Ðôi khi có ý kiến chẳng đồng, cũng nên hoan hỷ, đừng cố chấp giận hờn nhau.
đ) Trong thân bằng quyến thuộc, có kẻ giàu người nghèo, lẽ cố nhiên người dư ăn dư để, phải giúp đỡ cho kẻ thiếu hụt.
6. Bổn phận chủ đối với người giúp việc trong nhà, phải có đủ 5 điều:
a) Chủ nhà trước khi sai khiến người giúp việc làm gì, trước phải biết họ, đói, no, ấm, lạnh thế nào để họ có đủ sức khỏe và vui lòng làm lụng.
b) Lúc nào người giúp việc làm gì, trước phải biết họ, đói, no, ấm, lạnh thế nào để họ có đủ sức khỏe và vui lòng làm lụng.
b) Lúc nào người giúp việc bị bịnh loạn, phải chăm non thuốc thang và để cho họ được nghỉ ngơi, để bồi bổ sức khỏe lại.
c) Khi họ có phạm lỗi gì, phải xét coi họ cố ý hay vô tình. Nếu vô ý lầm lỡ, thì nên dung thứ; nếu họ quyết lòng phá hại, thì phải làm nghiêm trách hẳn hoi, với lời lẽ thanh nhã, cho họ biết lỗi để chừa.
d) Khi họ tiện tặc tích góp được số tiền riêng, không nên tìm cách thâu đoạt.
đ) Khi muốn thưởng công lao cho họ, phải giữ mực công bình, tùy công lao của mỗi người mà phân chia cho cân xứng.
7. Bổn phận người giúp việc đối với chủ nhà, cũng phải có đủ 5 điều kiện:
a) Mỗi buổi sáng phải thức dậy trước chủ nhà, không đợi kêu.
b) Phải biết phần việc nào của mỗi ngày, cứ y như thường lệ mà thi hành, không đời chủ sai bảo.
c) Khi làm việc phải thận trọng đồ dùng của chủ, không làm vụt chạc, hư hao.
d) Phải hết lòng kính mến chủ nhà, lúc chủ ra đi, phải ân cần đưa tiễn, lúc chủ trở về, phải vui mừng tiếp đón.
đ) Không nên chỉ trích, nói xấu chủ với người ngoài.
III. Bổn Phận Ðối Với Người Ngoài Gia Ðình
Những người ngoài gia đình, chúng tôi muốn nói ở đây, không phải những người xa lạ, hay hàng xóm láng giềng, mà chính là những người có sự liên quan mật thiết với chúng ta, nhưng không cũng quyến thuộc, không ở chung dưới một mái nhà, nên tạm gọi là những người ngoài gia đình.
Những người nầy giữ vai trò quan trọng trong đời sống của chúng ta, lái chúng ta đi trên con đường hiểu biết đạo đức, góp một phần lớn lao trong việc xây dựng hạnh phúc cho chúng ta. Ðó là những vị thầy dạy dỗ và những vị Tăng già và thiện hữu tri thức.
1. Bổn phận học trò đối với thầy, phải đủ 5 điều:
a) Phải kính mến thầy như cha mẹ
b) Phải vâng lời thầy dạy bảo.
c) Phải giúp đỡ thầy trong cơn hoạn nạn.
d) Phải siêng năng học tập cho vui lòng thầy.
đ) Khi thôi học rồi, cũng phải năng tới lui thăm viếng thầy, để tỏ lòng cảm mến công ơn dạy dỗ và quý trọng tài đức của Thầy..
2. Bổn phận thầy đối với trò, cũng phải đủ 5 điều:
a) Phải cần mẫn dạy dỗ học trò.
b) Phải cố gắng làm sao cho học trò mình mau tiến bộ hơn học trò khác, về tài năng cũng như về đức hạnh.
c) Phải để ý đến những điều cấn yếu làm sao cho học trò in sâu mãi vào tâm trí.
d) Phải giảng giải rõ ràng các lý thuyết mắc mỏ và hỏi lại nhiều lần cho học trò không lầm lạc.
đ) Phải có lòng rộng rãi, mong muốn làm sao cho học trò mình được trở nên giỏi hơn mình.
3. Bổn phận Tín đồ đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức phải đủ 5 điều:
a) Phải hết lòng thành thật đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức.
b) Phải cung kính và vâng lời dạy bảo của quí vị minh sư và các thiện hữu.
c) Phải chăm chỉ nghe lời giảng dạy của các vị Tăng già đức độ, thẩm xét cho kỹ lưỡng rồi như pháp mà tu hành.
d) Phải cầu học với chư Tăng và thiện hữu những chỗ bí yếu về đạo lý mà mình chưa hiểu.
đ) Phải cầu thỉnh các vị minh sư chỉ dạy cho mình những pháp môn cần yếu, như “tham thiền”, “niệm Phật ” để ngày đêm chuyên tâm tu trì, không gián đoạn.
IV. Cách Xưng Hô Và Một Số Nghi Thức Cần Thiết Của Người Phật Tử Tại Gia
Ngoài những bổn phận nói trên, Phật tử tại gia còn cần phải biết cách xưng hô khi tiếp xúc với quý vị Tăng già, và những nghi thức cần thiết khi đến chùa, khi lễ Phật , cầm kinh v.v…Ðã là Phật tử , thì những điều này, mặc dù là hình thức, cũng không thể không biết đến.
Cách chào hỏi và xưng hô với Tăng già:
Phật tử phải biết cách đối xử, xưng hô với chư Tăng cho phải phép:
a) Khi gặp một vị hay nhiều vị Tăng tại chùa hay ngoài đường, nên chắp tay kính cẩn chào, bằng cách niệm: “Nam mô A Di Ðà Phật “, với vẻ mặt hoan hỷ với mình. Lối chào ấy biểu lộ một tình cảm đậm đà, còn hơn lối chào bắt tay của người Âu Tây. Sở dĩ chào nhau bằng một câu bảo hiệu Phật , là để nhắc rằng ai cũng có Phật tánh (bản tánh A Di Ðà), nếu quyết chí tu, rồi cũng đến được cảnh giới Tịnh độ và cuối cùng sẽ thành Phật.
b) Về cách xưng hô, Phật tử tại gia không nên kêu chư Tăng bằng Huynh hay Sư huynh hay Ðạo hữu mà nên kêu bằng thầy, mặc dù vị ấy là đồng sư.
Những tiếng Thượng Tọa, Ðại Ðức không nên quá lạm dụng, không phải đối với vị sư nào cũng gọi là Thượng Tọa hay Ðại Ðức được cả. Chỉ đối với những vị sư có đạo hạnh, nhiều niên lập (tuổi Ðạo), và đối với mình chưa quen thân lắm, mới nên dùng chữ Thượng Tọa hay Ðại Ðức. Ðối với các vị Bổn sư, các vị Tăng già mình thường quen biết, dùng chữ “Thầy” là phải cách và đầy đủ ý nghĩa nhất. Thầy là có ý tôn kính như cha (quân, sư, phụ) và là người thường dạy bảo mình trên đường tu tập. Thầy có vẻ vừa tôn kính, vừa thân mật, vừa chân thật, chứ không như chữ Thượng Tọa hay Ðại Ðức có vẻ xã giao kiểu cách, đãi bôi, bề ngoài. Hiện nay đang lan tràn cái dịch, dùng danh từ Thượng Tọa và Ðại Ðức. Chúng ta nên thận trọng mỗi khi dùng những chữ ấy, để khỏi bị người ngạo đạo hiểu lầm là quí vị Tăng già muốn được gọi như thế, vì còn thích chức tước, hư danh.
c) Trước khi vào Chánh điện lễ Phật , phải rửa mặt, súc miệng, rửa tay cho sạch sẽ, để giày gút ngoài thềm cửa, đừng mang vào Ðiện mà tổn Phước. Khi tiến tới Ðiện thì đi ở phía trái, khi ra thì đi về phía hữu, theo cách “hữu nhiễu” của nhà Phật (đi quanh theo chiều hữu, ba hay bảy vòng, để tỏ lòng kính mến Phật ).
Khi đi ra, phải chú ý coi chừng dưới chân, để tránh khỏi sự dẫm đạp trùng kiến. Giữ được như thế, được phước đức hơn là phóng sanh mà không biết giữ.
d) Khi tụng kinh, phải chắp hai tay ngang ngực, mười ngón tay từng cặp bằng nhau, không so le, hai lòng bàn tay khít lại, đừng để trống giữa. Chân đứng ngang bằng, hình chữ “bát”, mắt ngó xuống, chăm chỉ tụng cho các câu rành mạch, không nên ỷ giọng hay, tụng to tiếng động chúng. Phải tụng cho ăn nhịp, theo tiếng mõ và tiếng tụng của ông Duy na (dẫn đầu).
Khi lễ Phật , năm vóc phải sát đất, nghĩa là đầu, hai tay, hai gối, phải sát chiếu, hết lòng thành kính mà lễ. Khi lạy phải xích qua một bên, vì phía sau còn có chùa thờ Hộ pháp hay tượng Phật và nhương chỗ cho ngôi Trụ trì. Khi lễ Phật xong, đi ra phải bước lui, mắt ngó tượng Phật , đừng quay lưng lại.
đ) Trước khi cầm kinh hay tụng phải rửa tay. Cầm kinh sách đem đi đâu, nên ôm trên ngực, đừng cặp bên nách như quyển sách thường, vì kính kinh như kính Phật. Nếu cầm kinh mà muốn chào người, thì phải để kinh trên bàn trước khi chào. Gặp trường hợp không có chỗ để kinh, thì ôm vào ngực mà chào: “A Di Ðà Phật ” là được. Kiêng nhất là cầm quyển kinh mà xá chào người.
Trên đây là kể sơ lược một số oai nghi tế hạnh mà Phật tử tại gia phải giữ gìn. Oai nghi của người xuất gia thì nhiều lắm, nhưng không phải phạm vi của bài này, nên không nói đến.
C. Kết Luận
Khuyên Phật tử tại gia giữ tròn bổn phận.
Bổn phận của Phật tử tại gia như vừa trình bày ở trên, tuy kể ra thì nhiều, nhưng không có gì là cao kỳ khó khăn phức tạp. Những điều ấy, một người chưa phải là Phật tử , nhưng có chút đức hạnh, cũng đã hiểu rồi, biết rồi.
Nhưng điều quan trọng ở đây, không phải là hiểu biết mà là thực hành, những điều đã hiểu biết ấy. Trong cuộc sống tầm thường hằng ngày, làm tròn bổn phận có nhiều khi còn khó hơn là ra trận giết quân thù, hay trèo non lội suối. Những công việc khó khăn như bất thường này chỉ cần vận động sự cố gắng và hăng hái trong một khoảng thời gian nhất định, chứ những bổn phận tầm thường hằng ngày, muốn làm cho tròn, phải vận dụng sự kiên nhẫn và cố gắng suốt cả đời. Vì lý do ấy mà tục ngữ ta có câu: ” Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.
(bổn phận người + bổn phận quan). Và nếu người làm quan ấy lại làm quan đầu tỉnh, (người + quan + đầu đỉnh) thì tất nhiên ngoài hai bổn phận trên, còn thêm bổn phận cai trị cả tỉnh nữa (bổn phận người + bổn phận quan + bổn phận cai trị cả tỉnh).
Vậy chúng ta không nên xem thường những bổn phận tầm thường của chúng ta, mà phải luôn luôn cố gắng làm cho tròn. Sự cố gắng này sẽ đem lại cho chúng ta một phần thưởng chắc chắn thật là đưa dần chúng ta lên đường giải thoát.
Thích Thiện Hoa
thật sự không biết phải nói sao.phật tử đọc xong mà thấy hổ thẹn quá.thủy đã làm nhiều tội lỗi.thủy đã có gia đình rồi mà còn ngoại tình.thủy hối hận lam
Dạ thưa, con đã qua nước ngoài làm việc được 1 thời gian. Và bây giờ con muốn tu tại nhà . Nếu tu tại nhà mà không đi chùa có được không ạ . Con chưa biết gì nên mong các thầy chỉ giúp con nên bắt đầu tư đâu ạ con xin cảm ơn ạ
A Di Đà Phật
Gửi cu sĩ diệu âm, xin cho hỏi:
Pháp thế gian Là gì?
Pháp xuất thế gian Là gì?
Làm sao để hiếu đạo vs phụ mẫu, theo thế gian?
Làm sao phụng sự huynh trưởng theo thế gian?
Và theo Phật pháp?
Cảm ơn
Tui mơi bắt đầu học phật rất muốn biết những điều này.
Nam Mô A Di Đà Phật
Mến chào Thúy Đinh
Cư sỉ Diệu Âm lúc nào cũng bận rộn,có lẻ là lo đi hộ niệm hoặc hạ thủ công phu nên VT tìm cả tuần nay mà chưa gặp.Ở trong này có rất nhiều sư phụ,huynh đệ,tỉ muội,ai ai cũng đều hoạc thức uyên bác cả nhưng có lẻ cũng theo chú Diệu Âm đi hộ niệm và hạ thủ công phu luôn rồi.
VT này giống như chú tiểu quét lá đa dứng trước cổng chùa,thấy bạn hỏi đã lâu mà không ai trả lời nên VT xin phép các sư phụ ở đây cho VT được có cơ hội làm “pháp thí” vì Phật dạy:”Pháp thí thắng mọi thí”.Vì nếu biết mà không trả lời thì e mang tội yểm pháp,mà nói ra thì sợ người ta nói mình khoe tài…VT hiểu biết còn non kém,có chỗ nào sai trái,thiếu xót mong được các sư phụ,huynh đệ tỉ muội chỉ dạy nhiều thêm
Nam mô A D Đà Phật
Pháp thế gian:
chính là những gì mà ở trường đời họ dạy như là:Sinh Sử Địa Văn Toán Lý Hóa Ngoại Ngữ…
Pháp xuất thế gian:
chính là Phật pháp,là pháp môn niệm phật đưa người từ trong lục đạo luân hồi sanh tử về nơi tây phương cực lạc,lìa khổ được vui,chấm dứt sanh tử luân hồi.
Phụng sự cha mẹ huynh trưởng theo thế gian:
chính là làm vừa lòng họ,chìu theo ý họ,cung cấp chu toàn về nhu cầu vật chất cho họ như là tiền bạc,tài sản,thức ăn,áo quần…
Phụng sự cha mẹ huynh trưởng theo phật pháp:
chính là dìu dắt họ về với phật pháp để họ biết ăn chay niệm phật,làm lành,lánh dử,cuối cùng đều được vãng sanh về tây phương cực lạc đó mới chính là đại hiếu.Phật dạy:”Làm con muốn trả hiếu cho cha mẹ thì cách tốt nhất là giúp cha mẹ quy y tam bảo…”VT nhớ không rỏ nguyên văn,…chỉ nhớ ý đại khái là phụng sư theo Phật Pháp thì là đại hiếu,còn phụng sự theo thế gian chỉ là tiểu hiếu.
Thoi,xin chào bạn
Nam mô A Di Đà Phật
Con đọc bài viết này mà con như mở được nỗi lòng bây giờ của mình? Vì mới đây con mới tìm hiểu về Đức Phật, hiện nay con muốn là phật tử tại gia. Không biết con phải làm những gì để thờ Phật tại nhà?
A di đà phật, thưa thầy vợ chồng con muộn về đường con cái. lòng con buồn và tâm không an, nay con được biết đến cửa Phật và nhừng lời phật dạy. Con rất muốn được thờ phật và niệm phật để giúp vợ chồng con hóa giải được những oan nghiệp mà mình đã gây ra giúp tâm con và chồng được thanh thản hơn, và nhờ Đức Phật thương tình giúp vợ chồng con gặp được nhiều niềm vui trong cuộc sống. Nhưng hiện giờ con chưa biết phải thờ tượng phật nào. Nhà con có một ô khoảng 4m2, đã đặt một bàn thờ tổ tiên. Vậy con có thể đặt một bàn thờ Phật cùng trong ô đó nhưng ở góc khác và thấp hơn được không ạ?
Xin thầy khai thông và chỉ bảo giúp con. Con cảm ơn thầy.
A Di Đà Phật – Chào bạn Minh Lý:
Bạn cứ đọc kỹ bài trên rồi theo đó mà thực hành thì là Phật tử tại gia rồi. Xem qua tưởng dễ nhưng thực hành thì ko dễ chút nào, cũng phải rất chăm chỉ nỗ lực mới xứng đáng được với 2 từ “Phật tử”.
Còn chuyện con cái cũng là duyên phận, chứ lo lắng quá cũng ko giải quyết được vấn đề, có người tốn cả mấy trăm triệu để nhờ y học hiện đại can thiệp mà cũng chẳng thể có con được. Trong mạng ko có, có cầu kiểu gì cũng chẳng được. Nhưng Phật pháp thì dạy chúng ta cải đổi vận mạng, dùng cái gì để chuyển đổi vận mạng? Từ không có con thành có con? Cho đến cầu tiền của thì được tiền của? Chúng ta phải noi theo tấm gương của Ngài Viên Liễu Phàm trong truyện “Liễu Phàm Tứ Huấn” mà làm: Tích phước bồi thiện, mỗi ngày đều phải cố gắng làm thiện tích phước.
Bạn nên cùng chồng xem kỹ cuốn sách này,, tự khắc sẽ biết làm thế nào để cầu được con cái:
http://www.thondida.com/V-LieuPhamTuHuan.php
Còn việc thờ tượng Phật thì Chị nên nói với chồng đóng một cái kệ cao hơn bàn thờ tổ tiên thì mới đúng pháp, chớ nên để tượng Phật thấp hơn bàn thờ tổ tiên vì như vậy là ko cung kính, tổn phước gia đình. Hoặc nếu không gian chật hẹp thì có thể treo hình Phật cao hơn vị trí bàn thờ tổ tiên, bên dưới đóng một cái kệ nhỏ để lư hương và chén nước trong cúng Phật là được. Chỉ cần đơn giản, thanh tịnh, đúng như pháp là được, ko cần cầu kỳ hay quá hình thức mà sanh tâm phiền não…
Vì Phật pháp lấy tâm chân thành, cung kính làm nền tảng tu học Phật pháp. Một phần cung kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích.
Hi vọng với vài lời chia sẻ ở trên có thể giúp cho Chị được một chút 🙂
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Minh Lý,
Vì mới đây con mới tìm hiểu về Đức Phật, hiện nay con muốn là phật tử tại gia. Không biết con phải làm những gì để thờ Phật tại nhà?
Cái khó nhất của chúng ta khi gặp Phật pháp là khởi được lòng TIN nơi chánh Pháp, bạn không những đã khởi được niềm tin, lại còn phát tâm tu hành và thờ Phật tại gia, đây là điều Đức Phật nói: “khó nhất trong những việc khó, không còn có gì khó hơn được”, vì vậy Thiện Nhân vô cùng tán thán và chúc mừng bạn.
Pháp của Phật thì vô lượng, vô biên, nhưng tựu chung là đều giúp cho chúng ta chuyển mê thành ngộ; lìa khổ được vui và tiến tới giác ngộ-giải thoát. Trong vô lượng pháp môn đó, bạn chọn pháp môn nào cho hợp với mình? Đây quả là câu hỏi lớn và quan trọng. Khi nói tới Phật pháp chúng ta thường nói tới nhân duyên. Cũng không phải ngẫu nhiên bạn đến được với ĐVCT – Trang Web Chuyên tu Tịnh Độ và chắc chắn bạn đã cảm thấy rất hoan hỉ khi tìm hiểu, học hỏi và chia sẻ những kiến thức Tịnh Độ? Nếu quả đúng vậy thì ngay xuất phát điểm cho thấy: Bạn đã có đủ thiện duyên để đến với pháp môn Tịnh Độ.
Giáo chủ cõi Tịnh Độ hay còn gọi là Tây Phương Cực Lạc Thế Giới là Đức Phật A Di Đà, bên cạnh Ngài còn có hai vị Đại Bồ tát là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Gọi chung lại là Tây Phương Tam Thánh. Đức Phật A Di Đà là bậc Đại Đạo Sư, Đại Y Vương – Người có 48 đại nguyện – nguyện đưa tất thảy chúng sanh cho dù là người tạo tội ngũ nghịch, thập ác nếu biết hồi đầu đều được Phật A Di Đà cùng hai vị Đại Thánh nói trên tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Như vậy, nếu bạn cảm thấy trong lòng hoan hỉ khi nghe tới danh hiệu của Phật A Di Đà hoặc Tây Phương Tam Thánh, có lẽ bạn nên chọn tôn tượng của các Ngài làm phương tiện trợ duyên để thờ tại gia.
A di đà Phật, thưa thầy vợ chồng con muộn về đường con cái. lòng con buồn và tâm không an
Khi nói tới đạo Phật chúng ta phải nói đến Nhân-Quả. Việc hai bạn hiếm, muộn con cái đều có nguyên nhân tiềm ẩn liên quan đến nghiệp duyên tiền kiếp của chính mình. Trong Kinh Nhân Quả Phật nói:
Đời nay không con do nhân gì?
Kiếp trước bẻ gãy hại trăm hoa
Sao gọi “bẻ gãy hại trăm hoa?” Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất: rất có thể vợ chồng bạn có một, hay nhiều kiếp (chúng ta sanh-tử luân hồi vô lượng, vô biên kiếp) đã thường làm cho phái nữ phải sống trong cô đơn, đau khổ và bất hạnh… đó chính là cái Nhân khiến kiếp hiện tiền mình sẽ phải trải nghiệm (gánh trả) lại những quả báo bất hạnh đó.
Nếu dùng triết lý Nhân-Quả của đạo Phật để lý giải sự việc thì chuyện vợ chồng, con cái chúng ta kiếp này tụ duyên không ngoài lý do: vợ chồng: duyên-nợ; Con cái: trả nợ, đòi nợ; báo ân, báo thù. Bạn và chồng bạn kiếp này đến với nhau cũng không ngoài lý duyên-nợ đó. Nếu là thuận duyên tất mọi chuyện trong quan hệ vợ chồng đều êm ấm, hạnh phúc (nhưng chuyện này thế gian thật hãn hữu lắm); Còn nghịch duyên (phần lớn là như vậy), tất vợ chồng sẽ thường xảy ra xung đột, chẳng được trong ấm, ngoài êm; nếu là đòi nợ, trả nợ, tất trong cuộc sống vợ chồng sẽ có những điều chẳng được như nguyện. Thiện Nhân nói trực diện vào vấn đề như vậy để bạn không còn thấy hoang mang, chán trường hay lo âu, sợ sệt nữa và có thể đối diện với sự thật mà mình đang trải nghiệm.
Làm gì với một thực tế không như nguyện đó? Không riêng gì bạn, trái lại người bạn đời của bạn cũng cần phải nhìn nhận rõ và sự việc: Chúng ta đều có lỗi, và đã từng có lỗi với nhau. Nếu trong lúc này mà hai bạn chỉ nhìn nhận: tôi vô tội, anh có tội; hay tôi có tội, anh vô tội, thì chuyện duyên-nợ của tiền kiếp sẽ khó mà hoá giải. Khi biết được lỗi lầm đến từ nơi đâu chúng ta chỉ còn thành tâm sám hối. Sám hối là gì? Có nhiều cách để sám hối. Nhưng để hai bạn không phải đi con đường vòng, lại quá hao tâm, tổn trí, Thiện Nhân xin dẫn lời Tổ Huệ Năng chỉ dạy về Sám Hối: „Sao gọi là Sám? Sao gọi là Hối? Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét đã tạo ra từ trước, tất cả ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám. Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ganh ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Hối“. Khi hai bạn đã có khái niệm về Sám Hối rồi, hàng ngày hai bạn hãy thường đối trước bàn thờ Phật mà thành tâm phát nguyện xin sám hối. Ví dụ: Con tên là… hay đệ tử pháp danh là… (nếu có Pháp danh) tự biết con từ nhiều đời, nhiều kiếp vì vô minh con (chúng con) đã chót phạm ba lỗi của thân (sát sanh, trộm cắp, tà dâm), bốn lỗi của miệng (nói lời lưỡng thiệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời dối gạt, nói lời sân hận) và ba lỗi của ý (tham, sân, si) còn gọi là những tội sát, đạo, dâm, vọng. Những ác nghiệp ấy nếu có hình tướng thì cùng tận hư không biến pháp giới cũng không có nơi để nương chứa. Đời này con (chúng con) nhờ còn một chút phước báu từ tiền kiếp để lại, nên con (chúng con) được gặp Phật pháp, được hiểu về nhân-quả báo ứng rõ một, không hai. Nay con (chúng con) xin đối trước Phật tiền, nguyện thành tâm sám hối tất thảy những tội lỗi do ba nghiệp thân-miệng-ý gây nên. Con (chúng con) phát nguyện từ nay và mãi mãi về sau luôn luôn cảnh giác thân tâm, giữ gìn thân ý cho thanh tịnh, quyết không phạm phải những lỗi lầm đó nữa. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo, nguyện cầu Đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát chứng minh và thương xót con (cho chúng con) và gia hộ cho con (chúng con) luôn sống trong chánh niệm, xa lìa chốn ác đạo, chuyên làm những việc lành. Nguyện cho con (chúng con) bồ đề tâm kiên cố, trí tuệ minh khai để chúng con mau thoát khỏi bể khổ, nguồn mê, mau được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”.
Hàng ngày sám hối như vậy rồi, hai bạn lại nên đối trước Quán Thế Âm Bồ Tát mà khẩn nguyện: Chúng con vì nhân đời trước sống không hiền thiện, kiếp này quả báo muộn màng đường con cái. Nay đệ tử chúng con thành tâm sám hối tất thảy những tội lỗi, tội chướng chúng con đã gây ra từ nhiều đời nhiều kiếp và ngay cả kiếp hiện tiền, nguyện từ nay về sau sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Nguyện cầu Đức Quán Thế Âm Bồ Tát rủ lòng từ bi, thương xót vợ chồng chúng con, mà ban cho chúng con có được cơ hội sanh con, cho dù là trai, hay là gái chúng con cũng hoan hỉ đón nhận và nguyện dùng chánh pháp của Phật, nguyện đem hạnh từ, bi, hỉ, xả của đức Quán Thế Âm để giáo dưỡng con của chúng con đến bờ giác ngộ và giải thoát. Phát nguyện như vậy rồi, hai bạn lại cùng nhất nguyện trì tụng câu này:
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Quán Tự Tại Đại Bồ Tát Ma Ha Tát! (từ 3 đến nhiều nhiều lần).
Nếu các bạn hàng ngày có thể hết thảy thành tâm sám hối và khẩn nguyện như vậy, chắc chắn sẽ cảm ứng được với Chư Phật và Chư Bồ Tát. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Quán Thế Âm Thị Hiện có đoạn nói: “Nếu có người nữ muốn cầu con trai, lễ lạy cúng dường Quán Thế Âm Bồ-tát, liền sanh con trai phước đức trí-huệ; giả sử muốn cầu con gái, bèn sanh con gái có tướng xinh đẹp, trước đã trồng gốc phước đức, mọi người đều kính mến”.
Kết hợp với việc phước thiện khác: phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam Bảo, in, ấn tống kinh sách, tạo, tạc tượng Phật… lâu ngày chắc chắn hai bạn sẽ chuyển hoá được những chướng duyên trong cuộc sống vợ chồng.
Nhà con có một ô khoảng 4m2, đã đặt một bàn thờ tổ tiên. Vậy con có thể đặt một bàn thờ Phật cùng trong ô đó nhưng ở góc khác và thấp hơn được không ạ?
Bàn thờ Phật bao giờ cũng được đặt ở vị trí cao, thoáng và trang trọng nhất trong phòng. Nếu trong phòng đã có bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật phải được đặt ở vị trí khác (nên ở hai bức tường vuông góc 90°) và cao hơn so với bàn thờ tổ tiên. Trường hợp hai bạn không có sự lựa chọn nào khác, thì nên lập bàn thờ Phật ở vị trí thích hợp nhất, rồi làm lễ, xin rời bàn thờ tổ tiên để bên dưới bàn thờ Phật. Hàng ngày hành lễ, tụng kinh, niệm Phật, gia tiên cũng được hưởng lợi lạc không kém so với việc thờ riêng.
Việc lựa chọn tôn tượng Phật là do tâm ý hai bạn. Nếu hai bạn xác định một đời này quyết tâm tu hành để vĩnh ly sanh tử, một đời vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, một đời được làm Phật, có lẽ hai bạn nên cân nhắc: có nên thỉnh tượng Phật A Di Đà hay Tây Phương Tam Thánh về để thờ phụng? Quyết định này xin để dành hai bạn.
Phật nói:
Muốn biết nhân đời trước,
Xem sự hưởng đời nay,
Muốn biết quả đời sau,
Xem việc làm kiếp này.
Hy vọng những lời chia sẻ trên có thể giúp hai bạn gỡ rối phần nào trong việc tìm hiểu, chọn lựa để cùng nhau hồi đầu mà đến bờ giải thoát. Có gì cần chia sẻ thêm, bạn cứ hoan hỉ hồi âm, các Đạo hữu khác sẽ cùng trao đổi để bạn thêm thông tỏ nhé.
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
Chia sẻ tham khảo:
Bố trí bàn thờ Phật như thế nào?
Thờ Phật nơi nào cho thích hợp?
Cháu chào mọi người cháu năm nay 26 tuổi.cháu mới biết đến phật pháp.cháu chưa có điều kiện quy y ở chùa.vậy cháu tự tu tại gia dc không ạ?
A Di Đà Phật. Chào bạn Thu Thuy,
Hành giả tu là phải có đủ 3 điều kiện Văn – Tư – Tu mới OK, tại gia hay xuất gia đều cũng vậy. Khi nào có điều kiện quy y ở chùa thì bạn nên thực hiện để được oai thần mười phương Tam Bảo gia bị cho đường tu bớt chướng ngại hơn.
Phật Học Phổ Thông
Thích Thiện Hoa
http://www.tangthuphathoc.net/phathoc/phathocphothong.htm
Văn,Tư,Tu Tự ngã luận
https://sites.google.com/site/layphat/van-tu-tu-tu-nga-luan
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
Huệ Tịnh nên tìm hiểu thêm về Văn Tư Tu ở đây nhé:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/08/van-tu-tu-tin-giai-hanh-chung/comment-page-1/#comment-10691
Rất nhiều người ngộ nhận về điều này rồi chia sẻ lung tung, làm người khác hiểu sai về Văn Tư Tu là pháp hành của hàng sơ học phàm phu, thiệt sự là ko phải như vậy.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật – Chào bạn:
Hoàn toàn được, tu tại gia rất tốt, bạn nên đọc kỹ bài trên để hiểu rõ và hiểu đúng về bổn phận của người Phật tử tại gia, vì tận hết bổn phận chính là đang tu đó bạn.
Còn lễ Quy Y thì sau này khi đủ duyên thì sẽ tự nhiên được Quy Y Tam Bảo thôi.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật. Chào huynh Tịnh Thái,
Văn Tư Tu là pháp hành của hàng nào xin huynh TT giải nghi tình cho hàng sơ học phàm phu?
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật – Xin gửi huynh Huệ Tịnh lời giảng của HT. Tịnh Không về “Văn Tư Tu” trong Kinh Vô Lượng Thọ lần thứ 10 – tập 133:
“…Niệm Phật là có giới, có định, đây là nói rõ “văn”. Văn là văn của trong tam huệ, không phải chúng ta ở đây tùy tiện nghe qua thì gọi là văn, vậy thì bạn đã hiểu sai đi ý của chữ này rồi. Vừa nghe thì tường tận, thì giác ngộ, cái tường tận giác ngộ này thì dùng chữ “tư” này để làm đại biểu. Cho nên bạn phải biết, “văn-tư-tu” tam huệ, ba chữ này là một, một mà ba, không thể phân ra, không có trước sau. Đây mới gọi là trí tuệ của Bồ Tát.
Nếu bạn đem nó phân thành ba cái, văn là văn, tư là tư, tu là tu, vậy thì sai rồi, hoàn toàn sai lầm. Văn là đại biểu tiếp xúc, mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm, sáu căn tiếp xúc với sáu trần bên ngoài, dùng một chữ “văn” để làm đại biểu. Khi vừa tiếp xúc, bạn liền thông đạt, liền tường tận; thông đạt tường tận là dùng chữ “tư” để làm đại biểu. Khi vừa thông đạt thì không mê, không mê chính là “tu”.
Cho nên “văn-tư-tu” là một sự việc, một lần hoàn thành, không có trước sau thứ tự, đây gọi là Tam huệ. Chúng ta không làm được, A La Hán cũng không làm được, Bích Chi Phật cũng không làm được. Nếu như đem ba chữ “văn-tư-tu” này phân ra thì chúng ta đều có thể làm được. Cho nên nhất định phải hiểu được tam huệ “văn huệ, tư huệ, tu huệ”, cái huệ đó là huệ của “Giới-Định-Huệ”. Trí tuệ của bạn không khai mở thì nhất định bạn không có “văn-tư-tu”, không có tam huệ…”
A Di Đà Phật.
dạ thưa,con năm nay 21 tuổi.con vẫn chưa đi quy y.con muốn tu tại nhà nhưng giờ con vẫn đang đi học và đang trọ tại nhà chủ theo thiên chúa giáo liệu có được không ạ?con chưa biết gì nên mong các thầy chỉ giúp con nên bắt đầu từ đâu?con xin cảm ơn.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Rất vui vì lại có thêm 1 người muốn về với Phật nữa.
Bạn có thể học theo thứ tự sau
1.Trước tiên bỏ 2 tiếng để biết sơ về giáo chủ cõi Ta Bà-Thích Ca Mâu Ni Phật tại đây
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoaHR3Q3JucGxubTA/view?usp=sharing
2.Tìm hiểu về Nhân Quả.Đây là nền tảng cơ bản quan trọng của việc học Phật.Bạn hãy bỏ ra 2 tiếng đọc tại đây.
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoYm9tRkV3Z3VQaDg/view?usp=sharing
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoUlJJdUswYTJzLUk/view?usp=sharing
3.Tìm hiểu sơ về các cõi luân hồi.Cũng cần phải biết là mình đang đứng ở vị trí nào trong tam giới. Bạn hãy bỏ ra 2 tiếng đọc tại đây
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoTDlqeXJVYUttX0E/view?usp=sharing
4.Những điều trên là những điều cơ bản nhất.Tiếp theo việc học Phật phải chọn cho mình 1 pháp môn tu hành gắn bó suốt đời,cũng giống như là chọn nghề nghiệp hay là lấy chồng vậy.Thì ở đây,pháp môn bạn chọn là niệm Phật,bộ kinh bạn thọ trì là kinh Vô Lượng Thọ.Việc học bộ kinh này là một quá trình,cho nên lúc học kinh có vấn đề gì không hiểu,bạn hãy phúc đáp trực tiếp lên duongvecoitinh,các đạo hữu có duyên sẽ trả lời bạn,như thế sẽ nhanh hơn,tiết kiệm được thời gian,thời gian đầu bạn cũng nên vào duongvecoitinh để học hỏi.
Người ta theo đạo thiên chúa,mình học Phật không ảnh hưởng gì đến nhau cả,cứ đối xử với người ta hòa nhã là được.
Bạn có thể xem một vài clip Phật pháp tại đây.
https://www.youtube.com/watch?v=WV-2YqBBjYM&index=1&list=PL7Em2hP9ICFMDZJBl7N-aePtJQJn56xxt
A Di Đà Phật
Dạ, con muốn hỏi về việc lạy Phật và trì tụng danh hiệu Phật mỗi ngày là có thời gian quy định cụ thể hay mình rảnh lúc nào thì lễ tụng lúc đó ạ. Lúc lễ thì mình có khấn nguyện ra sao hay tự khấn theo ý mình. Con xin được thỉnh giáo mọi người ạ.
A Di Đà Phật
Ngọc Lê!
Nên tùy duyên niệm Phật, tùy duyên ở đây có nghĩa nếu rãnh rỗi nên phân định thời khóa mà niệm Phật, lễ lạy; không có thời gian thì dùng kim cang niệm Phật (niệm thầm nhép môi) hoặc ý trì (niệm trong tâm). Như vậy câu Phật hiệu sẽ không bị gián đoạn.
Về khấn nguyện phải dùng tâm chân thành- kính, văn tự có thể diễn đạt theo ý riêng.
*Nên đem tất cả công đức tu hành hồi hướng vãng sanh Tây phương, lời nguyện này là viên mãn nhất.
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Mỹ Diệp muội đang đọc tụng kinh gì vậy, có thể cho huynh biết không?
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Huệ Tịnh huynh kính mến!
Lúc mới phát tâm chuyên tu Tịnh độ MD có đọc Vô Lượng Thọ Kinh, nhưng chỉ duy trì thời gian ngắn. Hiện giờ cố gắng từng lúc từng nơi mà xưng niệm danh hiệu Phật.
Còn Huệ Tịnh huynh, huynh có trì tụng Bổn nguyện Kinh nào không?
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Mỹ Diệp muội thân mến.
Huệ Tịnh thì cũng lúc khi mới phát tâm tu Tịnh Độ 15 năm về trước (năm 2000) khi còn độc thân, siêng năng niệm Phật và có đọc A Di Đà Kinh được 2 năm. Nhưng sau đó huynh sơ ý bị nghiệp chướng gia duyên chi phối, khiến gián đoạn 10 năm quên tâm tu hành một cách nhẹ nhàng đến nỗi 1 câu niệm Phật còn không nhớ muội.
Hiện giờ phát tâm tu lại được hơn 2 năm, trải nghiệm qua và nay lại gặp *** Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân ***. Những thắc mắc (NGHI) được tháo gỡ bớt hơn nhiều, nhất là câu:
“Quang-minh biến-chiếu,
Niệm-Phật chúng-sanh
Nhiếp-thu bất-xả”.
(Tạm dịch: Ánh sáng chiếu khắp mười phương thế giới. Thu nhiếp chẳng rời chúng sanh Niệm Phật).
*** Gián đoạn 10 năm, Phật A Di Đà vẫn không quên đứa con phàm phu, nghiệp chướng như huynh.
“27) Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ có chí nguyện vãng sinh mà Niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổi, vẫn là cha con.”
“Còn Huệ Tịnh huynh, huynh có trì tụng Bổn nguyện Kinh nào không?”
Huynh cũng cố gắng như muội, nhớ niệm Phật, lạy Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Huynh Huệ Tịnh kính mến!
MD gặp Tịnh độ pháp môn năm 2011, may măn thay là từ đó đến giờ, tuy vẫn có sự “dao động” về sự trì (lúc ít lúc nhiều) nhưng (lý lẫn sự) vẫn không hề gián đoạn (tự hào :))
——-
DI-HUẤN CỦA PHÁP-NHIÊN THƯỢNG-NHÂN
Chúng-sinh thời mạt-pháp là đương-cơ của Vãng-sinh Cực-Lạc.
Hạnh tuy ít xin chớ nghi, một niệm mười niệm đã đủ.
Tuy tội-chướng xin chớ nghi, dù tội nặng cũng được cứu.
Thời tuy mạt xin chớ nghi, chúng-sinh sau thời mạt-pháp còn được cứu, huống gì hiện nay.
Thân tuy ác xin chớ nghi, Tổ Thiện-Đạo nói: “Bản thân tôi là phàm-phu đầy đủ phiền não.”
Trong mười phương mà nguyện về Tây-Phương, vì đó là chỗ mà chúng-sinh ngũ-nghịch, thập-ác được vãng-sinh.
Trong Chư Phật mà quay về với Đức A-Di-Đà; vì năm niệm, ba niệm ngài cũng lai-nghinh.
Trong các hạnh tu Tịnh-Độ mà chọn Niệm-Phật, vì đó là Bổn-Nguyện của Đức A-Di-Đà.
Được ‘thân người khó được’
Gặp ‘Bổn-Nguyện khó gặp’
Phát ‘đạo-tâm khó phát’
Lìa ‘luân-hồi khó lìa’
Sinh ‘Tịnh-Độ khó sinh’
Vui mừng không tả xiết!
Tin rằng ‘Tội tuy thập-ác, ngũ-nghịch cũng được vãng-sinh’ mà không phạm tội nhỏ. Kẻ ác còn được vãng-sinh, huống gì người lành.
Tin rằng ‘Niệm một lần hay mười lần vẫn được cứu’ mà niệm liên-tục suốt đời. Một niệm còn được vãng-sinh, huống gì nhiều niệm.
Đức Phật A-Di-Đà đã thành-tựu thệ-nguyện của Ngài, hiện đang ở cõi kia. Đến lúc lâm-chung chắc chắn Ngài sẽ lai-nghinh. Bổn-Sư Thích-Tôn cũng hoan-hỷ: ‘Tùy thuận lời Ta dạy, được lìa khỏi sinh-tử’. Mười phương Chư Phật cũng mừng vui: ‘Tin sự chứng-thành của chúng ta mà sinh về cõi Tịnh-Độ bất thối chuyển’.
Hoan-hỷ biết bao: Hiện đời được gặp Bổn-Nguyện của Đức A-Di-Đà.
Đi, đứng, nằm, ngồi đều xin báo-đáp ân-đức của Ngài. Lời dạy mười niệm càng để làm bằng cớ; Tất được vãng-sinh, tin lại càng tin!
———
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Xin Huệ Tịnh huynh hoan hỷ cho câu hỏi ngoài lề của MD nhé: số là MD rất thích chèn hình ảnh vào tên (giống như HT huynh chèn hoa sen trắng vậy đó) nhưng làm mãi không được (trình độ về máy tính- mạng của MD chưa được ổn. Hì hì), vậy huynh có thể hướng dẫn cho MD không?
*Thật ngại vì phải làm phiền huynh.
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Mỹ Diệp muội thân mến.
Vẫn còn sự “dao động” sự trì lúc ít lúc nhiều cũng là chuyện bình thường trong hoàn cảnh “bất đắc dĩ” gia duyên đa sự mà muội, không có gì phải mặc cảm cho sự vãng sanh. Nếu trong sự dao động mà muội không có năng lực tín tâm quyết chí cầu vãng sanh Tịnh Độ nào đó thì không có cách nào có thể khởi lên câu niệm Phật lại được. “Hễ nhớ Phật là niệm Phật”, ngoài ra không có tâm niệm gì thắc mắc khác thì sẽ OK.
Khi được một chút thành tựu cũng vậy, để tránh bị chấp vướng những niệm sở đắc. Chỉ biết do niệm Phật, một lòng tin tưởng Bổn Nguyện Phật A Di Đà mà nghiệp chướng tự tiêu trừ bình thường vậy.
——-
“số là MD rất thích chèn hình ảnh vào tên (giống như HT huynh chèn hoa sen trắng vậy đó) nhưng làm mãi không được (trình độ về máy tính- mạng của MD chưa được ổn.”
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/tro-giup/
Nam Mô A Di Đà Phật.
Xin cảm ơn bạn Mỹ Diệp.
Nam Mô A Di Đà Phật
Đệ tử con xin cư sĩ hãy giúp con , con hay nằm mơ những sự việc ở trong giấc mơ của con hay thành sự thật . Con nằm mơ về một ai đó thì mấy ngày sau những người con mơ trong giấc mơ thường gặp nạn , con xin cư sĩ hãy chỉ bảo cho con bài niệm phật để khi con mơ về một ai đó khi con thức dậy con sẽ vì người đó mà niệm phật để giúp họ tai qua nạn khỏi . Con thực sự cảm thấy rất sợ , con xin cư sĩ hãy giúp con . Con cảm ơn cư sĩ
A Di Đà Phật, con xin cảm ơn chú Huệ Tịnh đã hướng dẫn upload avatar, cảm ơn tỷ Mỹ Diệp đã gửi câu hỏi, huệ sanh đã làm được nếu tỷ hoặc đạo hữu nào chưa làm được huệ sanh sẽ hoan hỷ giúp. Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Đệ tử pháp danh Ngọc Nghĩa con quy y cũng đc 4 năm rồi hồi nhỏ nhà con rất gần nhiều chùa cũng tham gia GDPT , tuy lúc đó con chưa biết nhiều về Phật Pháp nhưng con rất muốn có thể đc trở thành tì-kheo ,lúc đó con nhỏ con cũng ko dám nói ý mình gia đình ,mãi đến năm con 22t con mới bắt đầu ý thức đc và muốn có thể tu hành ,con cũng tìm hiểu rất kĩ về việc đó Thầy con nói nếu con quyết tâm tháng 2 có thể nhận con vô chùa tập sự ,nhưng vì GD con xãy ra 1 số chuyện ko hay con đành từ bỏ ,h đây công việc gia đình con đều ổn nhưng h con đã 26 ,con vẫn luôn muốn có thể tu tập như cư sĩ .Mong quý Sư Thầy/Cô có thể chỉ dẫn con có thể tu tại gia .Nam Mô A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Ngọc Nghĩa,
*26 tuổi – lứa tuổi đủ trưởng thành về suy nghĩ và quyết định. Nếu như bạn đã chọn con đường xuất gia tầm sư học đạo, TN nghĩ bạn nên dũng mãnh dấn thân. Ngược lại cũng không nên cưỡng cầu làm gì. Trong giới tử của Phật bao gồm: Tăng (nam), Ni (nữ)=chỉ hàng xuất gia và Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ=chỉ hàng tại gia. Bốn hàng này gọi là Tứ Chúng đồng tu, là giường cột của Phật pháp. Do vậy việc tu hành vốn không giới hạn ở tại gia hay xuất gia mà ở tâm giác ngộ của chính bạn về nhân-quả, vô thường, về 8 nỗi khổ của thế gian… Nhờ giác ngộ bạn mới thấy được giá trị đích thực của việc tu đạo Phật.
*Tu xuất gia hay tại gia chúng ta cũng đều phải có sự chọn lựa sáng suốt một pháp môn phù hợp với căn cơ của chính mình. Phật nói: Căn cơ chúng sanh thì có trí, có độn, nhưng pháp môn thì đồng một thể. Dẫu là thiền, mật hay tịnh cũng chỉ là tên gọi, còn cái gốc vẫn là đi về đích: giải thoát. Nếu bạn có cơ duyên thường xuyên về chùa tu học, bạn nên tham khảo thêm vị Thầy nơi bổn tự và nếu vị Thầy đó có đủ đức hạnh, bạn có thể nhận vị Thầy đó làm Y Chỉ Sư – người Thầy hướng giáo bạn tu học pháp môn phù hợp với ý nguyện của bạn. Đó là con đường tốt và an toàn nhất, bằng không nếu bạn tự mình mày mò học đạo, trong một rừng pháp, và vô lượng người thuyết pháp, bạn sẽ khó mà phân biệt được pháp nào, thầy nào hữu ích cho sự giác ngộ và giải thoát của chính mình.
Nguyện chúc bạn tỉnh giác.
TN
Dạ thưa mọi người! Bài viết dài này làm trong tâm hồn em khóc lên, bởi cảm nhận được một sự yên lành và giải thoát. Em năm nay 30 tuổi và đã ăn chay trường tại gia được hai mươi mấy năm nay, không ai bắt buộc, từ trong tâm tánh em muốn. Em nghĩ một điều đầu tiên Phật tử tại gia là nhất định phải làm là ăn chay trọn đời. Em nó iva65y không có ý là khinh người nào đó ăn thịt, vì cả gia đình em đều còn ăn thịt. Cảm ơn nhiều nhiều cho bài viết này làm em cảm thấy thanh thoát.
Đường Về Cõi Tịnh: A Di Đà Phật! Mong đạo hữu hoan hỉ gõ tiếng Việt đủ dấu để mọi người tiện theo dõi và chia sẻ.