Huệ Viễn Đại Sư họ Cổ, người Nhạn Môn. Lúc thơ ấu, bẩm tánh ngài rất hiếu học, đã thông Nho điển lại rất giỏi về học thuyết Lão, Trang.
Bấy giờ Đạo An Pháp Sư lập chùa ở Hằng Sơn, vân tập Tăng chúng thuyết pháp. Ngài nghe tiếng mến đức, bèn đến Hằng Sơn quy y với Pháp Sư.
Khi nghe Đạo An Pháp Sư giảng kinh Bát Nhã, tâm trí ngài mở thông tỏ ngộ diệu lý. Ngài bèn than rằng: “Nào ngờ Phật thừa thâm diệu! Mấy lâu nay uổng công ta đeo đuổi theo bã rác Khổng, Mạnh, Lão, Trang!
Rồi ngài xin xuất gia, pháp hiệu Huệ – Viễn. Từ đó trở đi, ngài liền đêm, ngày chuyên tâm đọc tụng, tư duy, tu tập. Đạo An Pháp sư thấy ngài chuyên cần nên khen rằng: “Phật pháp sẽ được lưu hành ở Trung Đông tất do nơi Huệ Viễn nầy vậy”.
Năm Thái Ngươn thứ 6, nhà Tấn, đến Tầm Dương thấy cảnh núi Lô Sơn rộng rãi tĩnh mịch, phải nơi hành đạo, ngài bèn lập tịnh xá ở đó, hiệu là Long Tuyền [Vì nơi ấy không có mạch nước. Ngài cầm tích trượng dộng xuống đất, bỗng có rắn vàng nhỏ từ chỗ dộng trồi lên, nước ngọt từ đất theo dấu rắn mà vọt ra, bèn thành suối tốt. Vì nhơn duyên ấy nên đặt hiệu tịnh xá là “Long Tuyền” (Suối rồng)].
Lúc đó Pháp Sư Huệ Vĩnh bạn đồng sư của ngài, đã lập chùa Tây Lâm ở phía Lô Sơn mời ngài cùng về ở Tây Lâm tự.
Được ít lâu, học chúng theo ngài quá đông, chùa Tây Lâm không đủ chỗ, ý ngài muốn lập cảnh khác ở phía đông Lô Sơn. Sơn Thần đến xin cúng cây gỗ. Rồi sau một đêm mưa to gió lớn, cây gỗ chồng chất ngổn ngang. Quan Thứ Sử Hoàn Y phát tâm dựng tòng lâm cho ngài. Vì Sơn Thần dưng gỗ và đối với Tây Lâm tự, nên để hiệu là “Đông Lâm Thần Vận tự”.
Khi nơi chốn đã yên, ngài liền đốc suất đại chúng hành đạo, đào ao trồng sen. Trên mặt nước thả bông sen gỗ 12 cánh. Cứ mỗi giờ là nước ngập một cánh, dùng định giờ hành đạo. Gọi là Liên Lậu.
Lần lần những nhà đại trí thức mộ đạo ở bốn phương, như Giác Hiền, Phật Đà Gia Xá, Lưu Di Dân, Vương Kiều Chi v.v… nghe tiếng ngài nên đến xin dự chúng tu tập được 123 người, Ngài bảo: “Quý vị đến chốn nầy phải chăng là người quyết chí nơi Tịnh độ ư?”. Ngài bèn tạo tượng Di Đà, Quan Âm, Thế Chí. Lập hội Liên Xã, bảo ông Lưu Di Dân làm bài văn phát nguyện khắc vào bia đá. Người dự hội đều tinh tấn hành đạo, ngày đêm sáu thời không trễ, lần lượt đều chứng tam muội, đều được vãng sanh. Lúc lâm chung đều có thoại ứng cả.
Ngài từng có lời phát huy ý nghĩa tam muội:
– Gọi tam muội đó là chi? Tức là “chuyên tư tịch tưởng” vậy.
– “Chuyên tư” thời tâm trụ nơi nhứt. “Tưởng tịch” thời khí rỗng thần sáng. Khí rỗng thời trí ngộ nơi lý. Thần sáng thời không chỗ kín nào mà chẳng thấu.
Lại các môn tam muội rất nhiều, nhưng dễ được mà công lại cao, thời duy có niệm Phật tam muội là hơn hết. Vì cùng nơi “huyền”, tột nơi tịch mà tôn hiệu “Như Lai”. “Thể hiệp”, “Thần biến” không chi sánh bằng. Vì thế nên người nhập tam muội nầy, tâm thần vắng bặt vong sở tri. Chính nơi cảnh sở duyên đó mà thành Trí huệ. Trí huệ sáng thời chiếu suốt nơi trong mà vạn tượng hiện bày rõ ràng vậy. Chỗ tai mắt không đến được mà vẫn thấy vẫn nghe. Vẫn thấy vẫn nghe mà tâm thần vẫn vắng bặt, vắng bặt mà tự nhiên trong sáng. Do trong sáng nên khi tham cứu bổn tâm, tình trệ liền dung lãng…
Ngài thấy ở Giang Đông kinh tạng thiếu nhiều, nên sai các đệ tử băng núi vượt rừng, đến Tây Thiên thỉnh kinh. Các kinh luật lưu hành từ Lô Sơn gần đến trăm thứ.
Ngài có trứ tác bộ “Pháp Tánh Luận” pháp minh chỉ thú Niết bàn thường trụ. Bộ luận nầy truyền đến Quang Trung. Pháp Sư Cưu Ma La Thập được xem, liền khen rằng: “Ông Viễn ở biên phương chưa đọc “Đại Niết Bàn Kinh”, mà lời luận lại hiệp với lý”.
Ngài trụ Lô Sơn hơn 30 năm, mà trọn không bước chân xuống núi lần nào. Ngày như đêm, ngài chuyên để tâm nơi Tịnh độ, lặng lòng quán tưởng.
Đã ba phen thấy Phật và Thánh Chúng hiện thân, mà ngài trầm hậu không nói ra.
Năm Nghĩa Hy thứ 12, đêm 30 tháng bảy, ngài ngồi nhập định nơi Bát Nhã đài. Lúc vừa xuất định mở mắt ra, thấy đức A Di Đà Phật hiện thân nơi hư không với vô lượng Thánh Chúng. Trong viên quang có vô số Hóa Phật. Quan Thế Âm Bồ Tát hầu bên tả, Đại Thế Chí Bồ Tát hầu bên hữu. Phật và Bồ Tát đều ngự trên tòa sen báu đẹp sáng. Mười bốn tia sáng quanh lộn lên xuống như vòi nước, vang ra tiếng diễn nói những pháp: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các môn Ba La Mật…”
Đức Phật bảo ngài rằng: “Vì bổn nguyện lực nên nay ta đến an ủi ông, sau bảy ngày ông sẽ sanh về nước của ta”.
Ngài lại thấy những hội hữu trong Liên Xã đã tịch trước, như các ông: Phật Đà Gia Xá, Huệ Trì, Huệ Vĩnh, Lưu Di Dân v.v… đều đứng phía sau Phật. Các ông ấy bước đến trước chấp tay chào ngài mà nói với ngài rằng: “Đại Sư sớm phát tâm về Tịnh độ, sao lại muộn đến ngày nay?”.
Hôm sau, ngài thuật lại với các đệ tử: Pháp Tịnh, Huệ Bửu v.v… và bảo rằng: “Ta ở Lô Sơn này, trong 11 năm đầu, ba lần thấy Phật và Thánh Chúng hiện thân. Nay lại thấy Phật thọ ký. Chắc chắn ta sẽ được sanh về Tịnh Độ”.
Rồi ngài tự soạn quy chế để cho đại chúng y theo mà cùng ở cùng tu.
Đến ngày mùng 6 tháng tám, ngài cáo biệt đại chúng, rồi đoan tọa mà viên tịch, thọ 83 tuổi.
Trích Đường Về Cực Lạc
Hòa thượng Thích Trí Tịnh
A Di Đà Phật !
Tu như Thầy Huệ Viện Đại Sư như vậy mới gọi là chánh đẳng, chánh pháp. Ngài buông bỏ tất cả để than – Tâm thanh tịnh; không một chút mảy may chap trước cho dù Đức Phật A Di Đà hiện ra để báo cho ngài biết trước sự viên tịch của Ngài nhưng ngài đâu có khởi tâm mừng. Soi gương Ngài . chúng con còn mê muội, tham sân hận chap trước nhiều lắm, tuy phát tâm tu theo phật nhưng vẫn con mong cầu cuộc song hiện tại và tương lai của chúng ta sung sưỡng hơn .A Di Đà Phật
a di đà phật! loi phật dạy rất sâu rất đúng chúng con xin y giáo phụng hành