Trong giảng ký về kinh Vô-Lượng-Thọ, Ngài Tịnh-Không dạy rằng người tu hành phải luôn luôn đề cao cảnh giác sự nóng giận, tuyệt đối đừng sơ ý mắc phải, nếu không khó có cơ hội để hy vọng vãng sanh. Vì sao? Vì rừng công đức tu tập suốt một đời bỗng chốc bị đốt cháy trở thành tro bụi bởi đóm lửa sân giận trong tâm. Có nhiều loại ma quái luôn luôn tìm cách phá hoại công đức tu tập của mình, khi nó thấy mình tích bồi được một số công đức, nó liền tới xúi giục bảo mình, đốt đi, đốt đi, hãy đốt đi. Mình nghe lời chúng đem công đức đốt cháy sạch trơn. Một tích tắc sơ ý, chỉ cần tâm lóe lên một ý giận thì bao nhiêu công đức không còn gì nữa cả. Sau đó mình lại lần mò tu lại, rồi lâu lâu nó xúi một lần nữa và lại phủi bàn tay trắng. Đọa lạc vẫn là đọa lạc là như vậy. Ngài còn nói tiếp, nóng giận không đốt được phước đức, nhưng nó đốt tan công đức. Phước đức là giàu có, tiền tài, danh vọng. Công đức là để vãng sanh đắc đạo thành Phật. Công đức quý hơn nhiều!
Niệm Phật cầu về Tây-phương để một đời thành Phật là cái đỉnh tối thượng, mà hằng ngày tâm mình lại tạo dựng cảnh giới địa-ngục thì cái quả địa làm sao tương ứng với cảnh Tây-phương của Phật? Chắc chắn không thể nào được! Nên nhớ rằng muốn được về với Phật A-di-đà thì tâm phải là Phật, thân phải làm Phật, miệng nói lời Phật mới được. Nghĩa là, tất cả đều phải đi đến chỗ nhất tâm hướng về Phật.
Niệm Phật giới luật nghiêm minh thì tâm mới được thanh tịnh, nhờ đó trí tuệ tự nhiên khai mở, chúng ta sẽ tự biết đường huân tu. Cụ thể, về chuyện sân-giận, chúng ta hãy tự xét coi mình có thường giận nóng hay không? Đó là cái nhân chủng địa ngục rất nguy hiểm! Nếu có, ngay lập tức phải biết hối cải, sám hối nghiệp chướng liền. Nếu không sám hối ngay chỗ này thì dù tu cách nào cũng không thể thành đạo.
Phật dạy, bất cứ lúc nào hễ biết quay đầu thì thấy bến. Vậy thì “chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, nghĩa là đừng sợ cái niệm sai lầm trước, chỉ sợ mình không chịu quay đầu giác ngộ mà thôi. Giận dữ, nó đốt rừng công đức mà còn cấy nhân địa ngục vào tâm linh mình. Cấy nhân địa ngục còn đỡ, lỡ sân giận mà buông lời sai suất với Phật và Phật pháp thì sự việc trở thành rất lớn, tai họa nghiêm trọng. Chúng ta tự nghĩ coi đã từng lỡ phạm phải chưa? Nếu có, hàng ngày nên tìm giờ nào thuận tiên tự quỳ trước bàn thờ Phật mà kiệt thành sám hối, nhất định không thể hẹn, không thể tự ái được.
Người buông lời khinh thị Phật pháp đã kết thành tội cực trọng, trong kinh nói rằng, chư Phật mười phương không cứu nổi, chỉ có Phật A-di-đà với bốn mươi tám đại nguyện mới cứu được, nhưng bắt buộc phải thành tâm sám hối tội lỗi. Người phạm lỗi này mà trong đời phạm thêm tội ngũ nghịch nữa thì vô phương thoát nạn. Đây có thể là tội vô tình mà nên. Nhưng vô tình hay cố ý vẫn là tội! Ngoài việc sám hối còn phải lấy công chuộc tội.
Một là ngày đêm nguyện với Phật kiệt thành sám hối chuyện này.
Hai là để ý đề cao cảnh giác ngăn ngừa sự sân giận mới.
Ba là lỗi tại đâu lấy đó mà trị.
Ví dụ, cái lưỡi lỡ nói lời khinh báng thì bây giờ ta phải phát nguyện dùng cái lưỡi này đi tuyên dương Phật pháp, đi khuyên người tu Phật, đi giúp người niệm Phật. Thành tâm làm thì ta sẽ hóa giải cái kiếp nạn kinh khủng này, không những thế mà chúng ta còn chuyển được nghiệp báo từ cực xấu trở thành cực tốt. Đây là diện “sám tội vãng sanh”, công đức nhiều khi vượt thắng hơn người thường chứ không phải đơn giản. Chúng ta nên tự quán xét để kịp thời tự cứu mình, đừng nên lơ là buông trôi mà phải nhận chịu thọ phạt cực trọng.
Địa-ngục, ngạ- quỷ, súc-sanh là những đường phải tránh xa. Khổ nỗi ai cũng muốn tránh mà không biết cách tránh cho nên mới phạm phải những lỗi nghiêm trọng mà không hay đó thôi! Tất cả xin hãy buông xả hết đi, tất cả hãy vì mục đích: về cho được Tây-phương Cực-lạc trong đời này.
Trích Khuyên Người Niệm Phật
Cư sĩ Diệu Âm
Xin mọi người cùng niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật
ĐỪNG HÀNH ĐỘNG KHI NÓNG GIẬN
Một hôm, một vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Người đánh cá nói: “Tôi xin lỗi, nhưng năm vừa qua thật tệ, tôi không có đồng nào để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng, rút kiếm ra định giết người đánh cá ngay lập tức. Rất nhanh trí, người đánh cá nói: “Tôi cũng đã học võ và sư phụ tôi khuyên không nên đánh nhau khi đang tức giận.”
Vị samurai nhìn người đánh cá một lúc, sau đó từ từ hạ kiếm xuống và nói: “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của ta cũng dạy như vậy. Ðôi khi ta không kiểm soát được nỗi giận dữ của mình. Ta sẽ cho ngươi thêm một năm để trả nợ và lúc đó chỉ thiếu một xu thôi chắc chắn ta sẽ giết ngươi.”
Vị samurai trở về nhà khi đã khá muộn. Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi thấy vợ mình và một kẻ lạ mặt mặc quần áo samurai đang ngủ trên giường. Nổi điên lên vì ghen và giận dữ, ông nâng kiếm định giết cả hai, nhưng đột nhiên lời của người đánh cá văng vẳng bên tai: “Ðừng hành động khi đang giận dữ.”
Vị samurai ngừng lại, thở sâu, sau đó cố tình gây ra tiếng động lớn. Vợ ông thức dậy ngay lập tức, kẻ lạ mặt cũng vậy, hoá ra đó chính là mẹ ông. Ông gào lên: “Chuyện này là sao vậy. Suýt nữa con đã giết cả hai người rồi!” Người vợ giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên thiếp đã cho mẹ mặc quần áo của chàng để doạ chúng.”
Một năm sau, người đánh cá gặp lại vị samurai.
“Năm vừa qua thật tuyệt vời, tôi đến để trả nợ cho ngài đây, có cả tiền lãi nữa”, người đánh cá phấn khởi nói. “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi”, vị samurai trả lời, “Ngươi đã trả nợ rồi.”
(Truyện dân gian Nhật Bản)
LỬA THIÊU RỪNG CÔNG ĐỨC
https://www.youtube.com/watch?v=KwapScTEt7k
Trong nhà Phật có một câu nói: “Lửa thiêu rừng công đức”. Công đức rất khó mà tồn trữ, vì sao vậy? Một đám lửa thì cháy sạch. Lửa gì vậy? Lửa sân hận. Khi khởi tức giận, vừa khởi tức giận thì công đức đều hết. Cho nên bạn phải biết, bạn cả đời này tu hành trữ được bao nhiêu công đức, nghĩ lại xem bắt đầu từ lúc nào không khởi tức giận. Nếu như sáng sớm ngày nay khởi lên một cơn giận thì công đức của đời quá khứ và ngay đời này đã tu thảy đều cháy sạch, không còn gì hết. Người hiện tại nói công đức, có thể nói đều là hữu danh vô thực, tu cái tên của công đức, không tu công đức thật. Trong lòng có cái không được vui thì công đức hết rồi.
Cho nên phải biết, thế gian này yêu ma quỷ quái rất nhiều, chúng chỉ sợ bạn tích công bồi đức, cho nên thị hiện ra vô số cảnh giới, vô số nhân duyên, muốn phá hoại đi công đức của bạn. Thế nhưng bản thân của họ không có năng lực phá hoại công đức của bạn, bất cứ người nào cũng đều không có cách gì phá hoại công đức của bạn, ai có thể phá hoại? Chính mình phá hoại chính mình, họ ở nơi đó thúc đẩy bạn, làm cho bạn khởi tức giận, làm cho bạn khởi tâm sân hận, làm cho bạn rất nghe lời, quả nhiên khởi tức giận, quả nhiên khởi tâm sân hận, đem công đức của chính mình thiêu hết sạch, ma ở nơi đó vỗ tay vui mừng: “Tốt lắm, ngươi đã làm ra việc ngốc như vậy”.
Chúng ta sau khi hiểu rõ được đạo lý này thì nhất định phải đề cao cảnh giác, tất cả thuận cảnh không sanh tâm hoan hỉ, tất cả nghịch cảnh không sanh tâm sân hận, công đức của bạn mới có thể giữ được.
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 35-36)
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không