Kinh Kim Cang dạy “hết thảy pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt bóng”, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có thứ nào chân thật. Lão hòa thượng nói lúc còn trẻ Ngài đã có một chút trí huệ, trí huệ từ đâu đến? Lúc lão hòa thượng còn chưa học Phật, mỗi ngày coi báo, trước hết là coi các mục cáo phó, coi hôm nay có người nào qua đời, trong số đó có người già, có người rất trẻ, thật đúng là “trên đường đến suối vàng, già cũng có mà trẻ cũng không ít”. Coi họ đã qua đời, lúc đến thế gian này họ đem theo cái gì, lúc ra đi họ mang theo được gì? Lúc tới trắng tay, lúc đi cũng tay trắng, một chút gì cũng không mang theo được, thế gian này có gì đáng tranh giành, có gì đáng mong cầu? Mỗi ngày coi báo, coi những mục cáo phó này sẽ mở mang trí huệ, công phu niệm Phật sẽ đắc lực. Nếu chúng ta không buông xuống được, hãy coi những mục cáo phó này suốt nửa năm, xem thử chúng ta có buông xuống được hay không!
Hết thảy đều buông xuống, tâm sẽ thanh tịnh, trong tâm trống rỗng, chẳng có gì hết. Biết được tiền tài, sắc đẹp, tiếng tăm, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục lục trần trong thế gian này đều là giả, đều là một giấc mộng! Ngay bây giờ chúng ta đang nằm mộng, biết rằng chúng ta đang nằm mộng. Nếu không biết chúng ta đang nằm mộng, coi mộng là thật, thì ngày tháng đó sẽ rất đau khổ. Biết mình đang nằm mộng sẽ giống như Phật, Bồ Tát du hý thần thông, có gì chẳng tự tại? Thật sự có thể tùy duyên, thật sự có thể hằng thuận chúng sanh, thành tựu đạo nghiệp của chính mình. Đạo nghiệp là gì? Tâm thanh tịnh là đạo nghiệp, vạn duyên buông xuống là đạo nghiệp.
Trích từ sách Nhìn Thấu Là Trí Tuệ Chân Thật
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
Như Hòa nhuận văn
Sống ở đời muốn buông xả hết xuống thật quá ư là khó khăn. Ví như ở cơ quan Phúc Bình chuyện ăn nhậu, uống rượu, bài bạc gần như là văn hóa công ty, đặc biệt là trong các chuyến công tác, ai không theo được bị kỳ thị ghê gớm. Ở nhà hạnh phúc gia đình lại cũng là ở bữa ăn, vợ chỉ mong muốn xào nấu món này món kia để cả nhà cùng đánh chén thì mới thấy sung sướng, vợ con, cha mẹ vui vẻ hỉ hả. Mình không ăn mặn, ăn chay trường lập tức gia đình như lò bát quái … không biết diễn tả sao cho hết.
Biết rằng nếu không dũng mãnh xả bỏ tất cả những điều đó, giữ trọn 5 giới thì dẫu hành trì niệm Phật cũng khó mà có công đức đầy đủ vãng sanh, may chăng chỉ là phước đức hữu lậu trong vòng luân hồi lục đạo. Uổng phí một đời.
Nam Mô A Di Đà Phật
nếu đang sống bình yên liền dừng cái rụp thì chắc sẽ bị sốc như bạn nói dó. cũng như khi lái xe bon bon đột nhiên thắng gấp cái rụp tức nhiên sẽ bị quay xe hay còn nhiều xe khác thắng không kịp trở tay tông vào bạn thôi. cái gì cũng từ từ 10 rồi đến 9 đến 8 đến 7…. vài cuối cùng xuống tóc thôi vì sao vì lúc đó cuộc sống thanh đạm của bạn trở thành thói quen với mọi người rồi. ôi ông ấy là vậy đó lúc trước ăn 5 chén nay còn 1 chén. lúc trước nhậu dữ lắm nay thỉnh thoảng 1 chai , ổng hay kêu uống nhiều mệt mõi vì già rồi . thôi uống ít sống lâu cho vợ con đở nhờ tôi không còn mệt hầu hạ. dạo này ăn thịt hoài cũng chán khó tiêu thôi thay vào rau 10 thịt 1 thôi ăn vậy mà ngoan hen em. thế cũng xong , tất do mình biến chuyễn thôi. nếu bạn đang đi làm về nhà em ơi anh muốn đi tu đời là bễ khổ tình là dây oan đó em, ở nhà lo cho con đi nha anh đi tu đó. nghe như vậy là không bị sốc mới lạ. cũng như ngày mai anh ăn chay nha anh không thích ăn mặn đâu thế là đau khổ cho người khác rồi.
Thiện Minh có người bạn thân tên Nguyễn Hoàng Hà, công tác ở cảng vụ Hải Phòng. Mới đây gặp mình buồn bã, than thở: “Chỉ vì không biết a dua, nhậu nhẹt, karaoke ôm…nên mất chức phó phòng”. Người thay thế tên Hải, lanh lẹ, luồn cúi, bia rượu, gái gú, cá độ thành thần thì được cả phòng bầu lên thế chỗ.
Tôi an ủi rồi hỏi ảnh: “Nếu lựa chọn chức vụ phó phòng nhưng phải hoà chung vào guồng xoáy của mọi người thì anh đồng ý không”? Ảnh tần ngần một lát rồi trả lời dứt khoát: -Không.
Tôi cũng thấy mừng thầm cho anh. Tuy vô thần (Vì anh là công chức nhà nước) nhưng vẫn còn giữ được tâm thanh sạch. (Tuy vẫn có chút nuối tiếc nhưng dù sao cũng có ý thức buông xả). Cũng là một tấm gương hiếm thấy trong xã hội kim tiền hiện nay vậy.
A-Di-Đà-Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Mình có điều này không hiểu nên muốn nhờ các bậc thiện tri thức giải đáp giúp mình với
1. Một người không dính vào nghiệp sát sinh để mưu sinh hàng ngày, có đồng nào dư dả thì làm từ thiện. Một người làm nghề sát sinh và kiếm rất nhiều tiền nuôi trẻ mồ côi, làm từ thiện. Vậy mình không hiểu đạo và đời phải như nào mới là đi đúng hướng?
2. Một người bắt đầu học ăn chay trường thì bạn bè bảo chỉ có những người làm điều khuất tất mới ăn chay trường, chỉ cần làm người lương thiện không hại ai thì việc gì phải chay trường cũng lên thiên đàng. Điều này mình không biết phải giải thích sao cho mọi người hiểu. Mình chỉ biết là ăn chay trường khiến tâm mình rất an lạc, nhưng để mà giải thích theo lý lẽ cho bạn bè hiểu thì mình chịu thua, phải nhờ đến các bậc thiện tri thức thôi.
Mình lại có phiền não rồi, Nam Mô A Di Đà Phật.
Mình xin cám ơn mọi người rất nhiều.
A Di Đà Phật
Gửi Mây Trắng Lang Thang,
Một người không dính vào nghiệp sát sinh để mưu sinh hàng ngày, có đồng nào dư dả thì làm từ thiện. Một người làm nghề sát sinh và kiếm rất nhiều tiền nuôi trẻ mồ côi, làm từ thiện. Vậy mình không hiểu đạo và đời phải như nào mới là đi đúng hướng?
Câu hỏi bạn đặt ra rất giá trị, bởi nó có thể giúp cho nhiều người cùng được hiểu rõ ngọn nguồn của chân lý Nhân-Quả.
Đạo Phật luôn lấy Nhân-Quả làm đầu. Chính vì thế trong Kinh Nhân Quả Đức Phật đã đúc kết bằng 4 câu kệ:
“Muốn biết nhân đời trước
Xem sự hưởng đời nay
Muốn biết quả đời sau
Xem việc làm hiện tại”
Nếu quán chiếu theo 4 câu kinh trên của Phật, chúng ta có thể hiểu: “người kiếp này không dính vào nghiệp sát để mưu sinh, có tiền dư dả lại làm từ thiện” đó chính là nhờ vào cái Nhân lành từ đời trước người đó đã vốn không tạo nghiệp sát sanh. Vì thế cái Quả của đời này phát tâm lấy tài (tiền, của dư dả) để tiếp tục bố thí cho chúng sanh nghèo khổ. Quả báo bố thí này chính là Nhân cho kiếp sau và cái Quả người đó sẽ có được:
Dư ăn, dư mặc do nhân gì?
Xưa giúp kẻ nghèo cho ăn uống (Kinh Nhân Quả)
Nhưng nếu người bạn đề cập chỉ dừng lại ở việc có “dư dả tiền bạc” thì làm bố thí, quả báo này nó nhỏ lắm bạn ạ. Phật nói: đó là quả báo hữu lậu. Hữu lậu nghĩa là nó thoắt còn, thoắt hết. Bạn làm thì có; ngưng làm thì hết. Làm rồi, nhưng đoạn tận, mãi mãi không làm nữa thì cũng giống như người đầy tiền của trong nhà, nhưng cứ vô tư lấy ra sài phung phí. Lúc cạn kiệt, tất là kẻ vô gia cư. Vậy làm thế nào để có được quả báu vô lậu? Vô lậu là thường còn, mãi chẳng dứt nghỉ. Muốn được điều này, người bạn đề cập phải tu. Tu gì? Tu theo pháp của Phật đã dạy: Niệm Phật Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc. Tại sao lại nói Niệm Phật Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc là Tu, là phước báu vô lậu? Bởi chỉ có một đời Tín-Nguyện-Hành pháp môn niệm Phật, một đời nguyện vãng sanh, và một đời được vãng sanh về Cực Lạc thì chúng ta mới có được quả báu vô lậu: Vĩnh ly sanh tử luân hồi. Đây cũng là điều mà Chư Tổ, và Pháp Sư Tịnh Không luôn thường nhắc: Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả. Nguyện vãng sanh là Nhân, được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc làm Phật là Quả.
Như vậy: Bố thí là Phước – Phước còn là vô lậu. Tu (trì giới) là Huệ. Trì giới (giữ 5 giới: không sát sanh, không trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không bia rượu và hành thập thiện). Người giữ được giới và trì giới sẽ sanh định=tâm được an lạc=trí tuệ sẽ khai thông=Huệ. Do vậy người khéo tu là biết dụng cả hai pháp: Phước+Huệ song tu=quả báo viên mãn. Đây là cái nhân để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
Như vậy bạn đã có thể lý giải: Người bạn đề cập chỉ nên tu Phước (bố thí) hay sẽ dấn thân để tu Huệ?
Một người làm nghề sát sinh và kiếm rất nhiều tiền nuôi trẻ mồ côi, làm từ thiện. Vậy mình không hiểu đạo và đời phải như nào mới là đi đúng hướng?
Người này cũng chỉ là tạo phước thôi. Nhờ phước báu bố thí này có thể sẽ giúp cho người này tiêu, giảm được những nghiệp của quá khứ; nhưng nếu nghiệp hiện tiền – nghiệp sát sanh lại chất chồng thì quả báo thật khủng khiếp. Nếu người bạn đề cập sớm tỉnh giác, khéo léo chuyển được nghề, tất sẽ tránh được những nghiệp báo sát sanh. Ngược lại, nghiệp cũ, nghiệp mới chất chồng sẽ không thể nghĩ bàn.
Một người bắt đầu học ăn chay trường thì bạn bè bảo chỉ có những người làm điều khuất tất mới ăn chay trường
Nhận xét này không đúng. Bởi người nhận xét mới chỉ dùng cái tâm thiển cận, chưa hiểu đạo của mình để suy kiến. Tuy nhiên bạn cũng nên lý giải về việc ăn chay. Bởi thực tế có người ăn chay trường nhưng không tu – mục đích chỉ để duy trì sức khoẻ và thân thể; Khác với một người giác ngộ, phát tâm từ bi, giữ giới (giới sát sanh) mà hoan hỉ ăn chay trường. Người đời (người chưa hiểu đạo, chưa giác đạo) khác với người tu đạo và giác đạo: người đời thích nói lỗi người khác, thích chê bai, dèm pha công việc của người khác, nhưng lỗi của mình, tật xấu của mình lại ém nhẹm thật kín, không cho ai biết và nhìn thấy. Người thực tu đạo thì khác: luôn quán chiếu tâm của mình và sai đâu nguyện sửa đấy. Tâm luôn hướng thiện và luôn sám hối những tội lỗi, nghiệp chướng mình gây ra. Nhưng những việc thiện không muốn người khác biết đến. Trường hợp bạn chuyển từ ăn mặn sang ăn chay (tam trai, lục trai, thập trai…) là một bước ngoặt của cuộc đời. Nếu có gia đình, chồng, con, quyết định của bạn sẽ là yếu tố để mọi người công kích, phê phán… Trường hợp xảy ra đúng như thế, bạn chẳng cần giải thích nhiều, cũng không nên nổi sân, ngược lại hãy âm thầm thực hành theo đúng tâm-nguyện của chính mình. Quan trọng: Ăn chay nhưng phải thực tu. Nếu chỉ ăn chay không mà không tu (không giữ giới) thì chỉ là phước rất nhỏ (thân thể khoẻ mạnh), nhưng khi cận tử nghiệp tới, thì vẫn phải tuỳ theo nghiệp mà thọ sanh trong 6 cõi dục giới.
Chỉ cần làm người lương thiện không hại ai thì việc gì phải chay trường cũng lên thiên đàng.
Thế nào là người lương thiện? Chẳng sát sanh, hại vật; chẳng tự tư, tự lợi, chẳng vì mình mà chỉ nghĩ đến người=Người lương thiện. Ngược lại là người nguỵ lương thiện.
Thế nào là chẳng hại ai? Không phải bạn cướp của giết người, mới là hại người. Trong đạo Phật lấy ba nghiệp làm trọng: Thân-Khẩu-Ý. Ý nghiệp là tối quan trọng, bởi Ý điều khiển Thân và Khẩu. Ví dụ: Khi bạn khởi ý muốn ăn thịt gà=Tâm bất thiện=muốn sát sanh. Ý khởi lên, thân sẽ mua gà, bắt gà để giết thịt; nếu “khôn” hơn, bạn nhờ người thịt giúp=nghiệp sát cũng tương tự. Bởi nghiệp sát Phật nói: Tự mình làm, bảo người khác làm, thấy người khác làm sanh tâm vui thích=tạo nghiệp. Như vậy hại người, hại vật, không phải ra tay, hay thốt ra lời mới là hại, mà Ý bạn khởi lên=hại người, sát vật rồi.
Điều này mình không biết phải giải thích sao cho mọi người hiểu. Mình chỉ biết là ăn chay trường khiến tâm mình rất an lạc, nhưng để mà giải thích theo lý lẽ cho bạn bè hiểu thì mình chịu thua
Như trên TN đã giải thích: Ăn chay trường có hai dạng: 1 vì sức khoẻ; 2 vì phát tâm từ bi, vì giữ giới mà ăn chay và tu hành. Quả báo của hai người hoàn toàn khác nhau một trời một vực. Người cả đời ăn chay trường và làm bố thí=Quả kiếp sau sẽ sống trong giàu sang, sung túc, thân thể không đau ốm, không bệnh tật; Người kia ăn chay trường, giữ giới, trì giới, nguyện niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc=Quả báo vĩnh ly sanh tử luân hồi; được thành Phật, làm Phật và có thể trở lại cõi Ta bà này để độ sanh.
Một: quả báo là hữu lậu (năng làm thì còn, ngưng làm thì mất) Hai: quả báo vô lậu – vĩnh viễn không mất, không thay đổi.
Tới đây bạn đã có thể đặt ra câu hỏi đặt cho bạn và những người thân, quen của bạn: Ăn chay trường+Bố thí để tiếp tục trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi? Hay ăn chay trường+bố thí+trì giới để một đời vĩnh ly sanh tử?
Cầu chúc bạn tỉnh giác và tinh tấn.
A Di Đà Phật
Thiện Nhân
Nam Mô A Di Đà Phật
Tối qua đi làm về nhận được sự giảng giải của thiện tri thức Thiện Nhân, mình như trong nhà tối vớ được ngòn đèn sáng vậy. Mình đọc và nghiền ngẫm những gì bạn viết một cách kỹ lưỡng và càng rõ ràng về luật Nhân – Quả. Bản thân mình chẳng mong những phước báo thế gian, chỉ mong mỏi về với Từ phụ Di Đà.
Vì vi tính nhà hư, ipad thì không có chế độ gõ tiếng Việt có dấu nên hôm nay mới tranh thủ giờ ăn trưa lên thư viện gửi lời tri ân đến Đường về cõi tịnh và bạn Thiện Nhân. Mình thật trân trọng trang nhà Đường về cõi tịnh như một viên ngọc quý để mình soi vào đó mà tu tâm dưỡng tính. Cảm kích lòng từ bi không quản ngại vất vả của các vị thiện tri thức như Thiện Nhân dìu dắt những bạn đạo chập chững trên đường tu như mình. Mình bên đây may mắn biết đến Đường về cõi tịnh và biết đến pháp môn Tịnh Độ như con thơ lạc mẹ bây giờ mới gặp lại Từ Mẫu.
Mình một mình theo dõi cách hướng dẫn của Đường về cõi tịnh và các thiện tri thức của trang nhà để tu tập. Nhưng trên đường tu gặp những khó khăn thì chỉ biết trông chờ sự chỉ bảo của các thầy, các bạn đồng tu đi trước. Mình đã từng mò mẫm đi đến Phật đường để học hỏi cho thêm tinh tấn nhưng sau này mới biết vào nhầm đạo Cao Đài. Bây giờ có một chỗ dựa vững chắc về tinh thần nơi Đường về cõi tịnh, mình sẽ không còn đi sai đường nữa. Bây giờ đạo tâm vững hơn núi Thái Sơn, quyết xả báo thân này sẽ sanh Cực Lạc Quốc.
Thành tâm cầu chúc Đường về cõi tịnh và các bạn đồng tu luôn Hạnh _ Mạnh _ Thành trên đường về Lạc bang.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca mâu ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
CẢM ƠN THIỆN TRI THỨC “THIỆN NHÂN” đã giúp nhiều người HIỂU ĐÚNG VỀ GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT ĐỂ TU NHÂN TÍCH ĐỨC HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC, PHƯỚC ĐỨC ẤY VỀ CÕI TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC CỦA ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ – ĐÂY LÀ PHƯỚC HUỆ SONG TU CỘNG THÊM CHÁNH HẠNH MỘT CÂU PHẬT HIỆU KHÔNG HOÀI NGHI KHÔNG XEN TẠP KHÔNG GIÁN ĐOẠN VÓI TAM TƯ LƯƠNG CỦA PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ LÀ TÍN HẠNH NGUYỆN SẼ NHỨT ĐỊNH THÀNH TỰU ĐẠO GIẢI THOÁT TRONG 1 ĐỜI!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!