“Vợ chồng là Duyên – có thiện duyên, có ác duyên – không Duyên sẽ không đến
Con cái là Nợ – có đòi nợ, có trả nợ – không Nợ sẽ không tìm!”
Mùa hạ năm 1994, có một nam cư sĩ hơn 50 tuổi đến ngôi chùa nọ, hướng về Hòa Thượng Diệu Pháp thổ lộ nỗi khổ sầu của mình.
Ông kể trước đây tình cảm mình và bà xã rất tốt. Nhưng kể từ lúc sinh đứa con thứ nhất thì tính khí bà vợ bắt đầu nóng nảy thất thường, hay kiếm chuyện gây gỗ làm khó, thường cãi nhau ầm ĩ, có lúc còn đánh, cào cấu làm ông bị thương khắp mình mẩy, mặt mày. Trong lòng ông dù rất tức giận, nhưng từ thuở nào giờ chưa từng đánh trả lại, cũng như không hề có tâm oán giận bà.
Sau khi bà sinh tiếp đứa con thứ hai, diễn biến càng phức tạp, thê thảm hơn, tới mức ông không thể bước vào nhà, vì luôn xảy ra xung đột ầm náo như trời nghiêng đất lở.
Bất đắc dĩ ông phải xin nghỉ hưu sớm. Trước đây, quá phiền não, ông đã quy y Phật môn, nghỉ hưu rồi thì dọn đến chùa ở. Do lương hưu ít, trừ giữ tiền ăn ra, còn lại ông đều đưa hết cho bà để nuôi dưỡng hai con ăn học. Nhưng số tiền lương ít ỏi càng khiến cho bà nổi cáu hung tợn hơn. Hiện tại ông đang mang bệnh mà phải tự lo một mình, không dám đi bệnh viện vì không có tiền.
– Con cảm thấy thế giới này quá khổ, xin Hòa thượng từ bi chỉ giúp cho con đường sáng – Ông khẩn thiết nói.
Sư phụ im lặng lắng nghe rồi lên tiếng:
– Kiếp trước ông sống bằng nghề buôn heo. Ông đem heo nái nhà mình đi phối giống, hễ sinh lứa heo con nào thì bán lấy tiền. Từng lứa heo sinh ra đều bị ông bán hết, khiến con heo mẹ nếm đủ nỗi khổ đau mang thai, luôn sinh sản và đau nhói lòng trong từng đợt vĩnh biệt con. Ông phải biết động vật và người đều có tình cảm giống nhau. Lúc đó heo mẹ đã ghim hận, ông lòng oán hận ông đến tận cùng, thêm nỗi đến khi nó hết sinh sản được nữa thì bị ông đem bán vào lò mổ.
Ông thử nghĩ xem, con cái nó tất cả đều bị ông bán lấy tiền, phút lâm chung lại bị giết đau đớn thê thảm, nó có thể dễ dàng bỏ qua tội này cho ông không? Chính vì vậy mà đời này nó đã tìm đến nhà ông, cùng chung sống với ông để mà báo oán.
Vị cư sĩ lắng nghe chăm chú xong, tỏ vẻ hưng phấn, nói:
– Con phải làm sao để hóa giải mối oan cừu này? Vậy con xuất gia hẳn có được không Sư phụ?
– Xuất gia ư? Ông không làm nổi! Vì quá quyến luyến, yêu mến các con…Chỉ cần vài ngày không gặp chúng là ông ăn không ngon, ngủ không yên rồi, có đúng vậy không?
– Dạ đúng thế, Sư phụ.
– Mà con ông lại quan hệ thắm thiết với mẹ, cho nên dù có xuất gia thì ông cũng chạy về nhà thôi. Lúc đó cảnh ngộ của ông sẽ còn thảm hơn hiện giờ.
– Vậy….như vậy con phải làm thế nào bây giờ?
Hòa thượng cười cười bảo:
– Có thật là ông muốn hóa giải oán cừu chăng?
– Dạ thật con muốn lắm, xin Sư phụ chỉ giúp cho con.
– Thế thì bây giờ ông hãy dùng tâm vui vẻ mà đối diện, chấp nhận hết. Nhân mình đã gieo thì giờ Quả đến phải hiểu mà chấp nhận nó thì mới mau hết. Dù bị đòn cũng không đánh trả, bị chửi vẫn không mắng lại… Khi về nhà dù nghịch cảnh hay thuận cảnh thì ông cũng bình thản mà đón nhận, cam tâm tình nguyện vì bọn họ phụng hiến, chân thành sám hối lỗi xưa, hầu hóa giải lỗi lầm nghiệp chướng đã gieo xưa.
Ngoài ra hàng ngày ông còn phải kiên trì tụng kinh, niệm Phật để hồi hướng cho “heo mẹ và các lứa heo con kiếp xưa từng bị ông bán đi”. Ngoài việc phụ giúp lo liệu việc nhà ra, ông phải dốc sức tụng kinh bái sám, làm được như vậy thì cũng giống như xuất gia. Ông có đủ lòng tin không?
– Dạ có!
– Vậy thì tốt! Cứ kiên trì thực hành như thế bền lâu thì ông sẽ giải được oán hận của oan gia.
(Trích từ quyển Báo ứng hiện đời – Hạnh Đoan dịch)
- Lời bình:
Cho nên luật Nhân Quả không bỏ sót một mảy lông, một bụi trần. Mong bạn hãy ghi nhớ kỹ điều này và Tin Sâu Nhân Quả, ngăn ngừa ý nghĩ ác, lời nói ác và việc làm ác thì cuộc sống bạn mới được an vui.
Xin hãy thường niệm A Di Đà Phật.
(Diệu Âm Lệ Hiếu)
Kính gửi quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu.
Con từ khi bị bệnh đã biết đến Phật pháp, nhưng trong lòng chưa cố gắng tu hành thực sự. Đến nay do bệnh bức ép nên lại tìm về dưới chân Phật…Rất có duyên may là được biết đến trang nhà. Con đã phát tâm niệm Phật chính thức mới được 2 ngày. Và luôn tưởng nghĩ đến Phật và dùng phương pháp ” Ý trì” là chủ yếu.Khi niệm Phật con cảm giác rất an lạc trong tâm. Còn thân đau đớn vẫn vò xé nên nhiều lúc bị đấu tranh tâm lý. Đấy là muốn vãng sanh Cực lạc hay là muốn thoát khỏi thân bệnh – tâm bệnh kiếp này nữa…Ban ngày con rất cố gắng niệm Phật nhưng tối đến là lại khó tránh khỏi bị sa đà vào các vọng tưởng, suy tính cũ. Vậy cho con kính hỏi là con nên làm sao để có thể xác định ràng được ý nguyện vãng sanh khi thân thể luôn bị đau đớn khó tập trung niệm Phật? Xin chân thành cảm ơn quý thầy, quý sư cô, Phật tử đã hồi đáp.
Chào bạn Nhung, tôi được đọc bài của bạn, đây cũng là nhân duyên và muốn được chia sẻ với bạn lời Phật pháp mong rằng một đời này vãng sanh Cực Lạc.
Bạn phải biết bệnh của bạn và tất cả mỗi chúng ta đều do nghiệp tạo mà thôi, nhưng có mấy ai tin được đó là sự thật, đa số đều nghĩ rằng bệnh đến hoặc xảy ra các tai nạn thường có đều do tự nhiên chẳng may mà đến. Thế nên là cứ tạo nghiệp hằng ngày, cứ nghĩ đó là chuyện bình thường trong cuộc sống. Bạn hiểu rằng mỗi khởi tâm động niệm tốt, xấu đều có nhân quả của nó, rồi đến lúc nghiệp chúng ta tạo hằng ngày đã đủ thành quả thì lúc đó quả nghiệp sẽ đến với chính mình đó là bệnh tật hoặc là tai nạn bất ngờ. Sự thật là như vậy.
Bạn đến lúc bị bệnh nặng thì bạn mới biết đến Phật Pháp, đó cũng là nhân duyên của bạn từ nhiều đời trước đã có tu hành nhưng vì bản chất tham, sân, si, chấp ngã, đố kỵ, ngạo mạn vẫn còn cho nên mới không thành tựu, nay đời này được làm thân người, chủng tử Phật từ đời trước còn cho nên đến lúc này duyên mới gặp được Phật pháp, nhưng bạn vẫn chưa tha thiết hành trì cho nên bệnh mới tái phát.
Bạn phải biết rằng nếu đời này bạn không cố gắng mà học Phật Pháp để hết cái thân giả tạm này được về với Phật thì chắc chắn bạn sẽ lại phải đọa vào Tam đồ đó là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh. Tại sao mình nói như vậy? Vì con người thời mạt pháp này đa số là sát sinh và tạo bao nhiêu tội nghiệp thì chắc chắn không tránh khỏi Tam đồ, không biết bao nhiêu năm nữa có khi phải hàng vạn hoặc hàng triệu năm sau mới được làm lại thân người, chứ không phải là chết đi làm lại thân người ngay hoặc chết là hết như nhiều người nghĩ đâu. Nhiều người nghĩ rằng ngày nào cũng niệm hàng nghìn câu Phật hiệu và hay làm từ thiện nếu không về được với Phật thì ít nhất cũng về cõi Trời hoặc trở lại làm người giàu có. Đừng có mơ, về cõi Trời phải làm đủ thập thiện, liệu có mấy ai làm được. Còn được làm lại thân người thì cũng không nổi vì ai cũng đều sát sinh và tham, sân, si.
Nếu muốn về Cực Lạc thì chúng ta phải giữ thân, tâm thanh tịnh, buông xuống vạn duyên. Buông xuống là buông tham, sân, si, chấp ngã, buông cái ta của chính mình, ngạo mạn khoe khoang. Hãy coi mình là kẻ hạ tiện ngu nhất thiên hạ, không để ý lỗi người, cái tốt và cái xấu đều như nhau chứ không phải là ghét họ, mà phải thương họ, tùy duyên giúp họ. Nếu bạn hằng ngày chuyên tâm niệm Phật, một lòng tha thiết cầu về Tây Phương Cực Lạc. Bạn phải luôn có đức tin rằng cuộc sống còn lại ở trần gian này là vì Phật pháp, vì chúng sinh, chúng sinh tùy duyên mà độ, việc mình làm nhưng tâm đừng vướng mắc vào đó, tâm luôn nhớ Phật niệm Phật, kể cả hoành cảnh lúc đó rất khổ sở nhưng bạn sẽ thấy cuộc sống rất an lạc, quan trọng là bạn có chịu làm và buông xuống hay không thôi.
Bây giờ bạn hãy tự độ mình trước đi, bệnh đang tái phát đó. Càng đau đớn càng phải quyết niệm Phật đến cùng, chứ đừng có sợ rồi mà niệm sang cái khác là chết đó. Nghiệp lúc này bạn đến lúc phải trả cho nên phải niệm Phật để tiêu nghiệp. Bạn nên biết hiện tại bệnh khổ đến với bạn là oan gia đang đòi nợ bạn, đó là những chúng sinh bạn hại từ nhiều đời trước cho đến đời này. Thế cho nên phải niệm Phật tha thiết và thành tâm sám hối với oan gia của bạn, họ tha thứ cho bạn thì bạn sẽ bớt đau để mà niệm Phật được, nếu họ không tha thứ thì bạn sẽ đau đớn vô cùng, họ sẽ không cho bạn niệm Phật để bạn rơi vào Tam đồ cùng với họ. Cho nên bạn phải thành tâm tha thiết niệm Phật và cầu về Tây Phương Cực Lạc và đi độ cho họ, bạn tâm chân thành hoặc giả dối họ cũng biết. Nếu mạng hết thì sẽ về với Phật, còn nếu mạng còn mấy chục năm thì tự nhiên bệnh sẽ hết hẳn, nếu bạn không tha thiết tu hành niệm Phật, thì mấy chục năm còn lại đó bạn sẽ phải chịu đau bệnh hành hạ cho đến chết và rồi đến cõi khổ nào thì không biết.
Người tu hành, Phật cần tâm chân thật chứ không phải chỉ niệm Phật, thân tâm chúng ta không giữ thanh tịnh, không buông bỏ tham, sân, si, chấp ngã, ngạo mạn, khoe khoang, mong cầu cảm ứng thì chúng ta niệm Phật hằng ngày cũng chỉ là giả, Phật không chứng những người như vậy, mà chỉ có Ma ứng vào thôi vì Ma vương luôn đợi những ai khởi tâm động niệm như vậy là Ma vương sẽ ứng vào người đó – Thật là uổng phí một đời người.
Tôi khuyên bạn phải nên ăn chay niệm Phật và hằng ngày nghe bài giảng Pháp của Hòa thượng, Đại đức chân tu hành của pháp môn Tịnh Độ thì bạn sẽ có đức tin vững chắc trên đường về Tây Phương Cực Lạc.
Sự hiểu biết rất nông cạn chỉ có vậy muốn được chia sẻ với bạn, đây là lời Pháp mà mình hiểu được theo ý riêng của mình chân thành chia sẻ. Nếu bạn thấy không được đúng như ý như Pháp thì mong bạn hoan hỷ.
Nam Mô Chư Phật – Chư Bồ Tát – Chư Hiền Thánh Tăng tác đại chứng minh!
Kính bạch quí thầy, quí sư cô và các bạn đồng tu thân mến,
Đọc xong bài viết này con thấy gia đình con đã phạm tội này rồi. Cách nay đã nhiều năm, Mẹ của con vì nuôi chúng con nên đã làm nghề nuôi heo và bán heo con, thật tình tụi con rất thương mấy con heo con mỗi khi bán chúng đi nhưng không còn cách nào khác,lúc đó,con không biết con heo mẹ cũng đau đớn khi phải vĩnh biệt con cái chúng, vì không thấy chúng rên la như con mèo và con chó khi mất con của nó.
Cách đây 10 năm, chúng con có khuyên và mẹ con đã nghỉ hẳn nghề nuôi heo.
Vậy con muốn hỏi, hiện con đang ở nước ngoài, con phải tụng kinh gì, và làm gì để sám hối tội này cho gia đình con. Gia đình con ở Việt Nam. Hằng ngày, con tụng 2 thời kinh. Buổi sáng con lễ Phật và niệm sám hối Thất Phật Diệt Tội Chân Ngôn. Buổi tối con niệm Phật, lạy Phật và tụng kinh Vô Luợng Thọ. Xong con hồi hướng hết cho chúng sanh.
Con xin quí thầy cô và các bạn đồng tu hoan hỉ chỉ dạy cho con biết thêm.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Cháu tên Duyên 25 tuổi chồng 24 tuổi. Vừa lấy chồng xong được một tháng thì phát hiện chồng nghiện. Chồng không đánh không mắng nhưng không bỏ được. Làm đơn ra tòa chồng không về kí. Ly hôn đơn phương cũng không được. Xin hỏi cháu tạo ra nghiệp gì hóa giải thế nào?
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Duyên,
*Vợ chồng là duyên, nợ. Không có duyên, nợ ắt chẳng thể kết duyên vợ chồng. Bạn lấy chồng 1 tháng mới phát hiện chồng nghiện và lập tức muốn ly dị, xem ra duyên nợ giữa bạn và chồng không phải là thiện duyên. Điều bạn đáng lưu ý là tại sao trong suốt quá trình làm quen tới khi kết hôn bạn không mảy may nhận ra biểu hiện nghiệp ngập của chồng? Vấn đề hiện nay của bạn không phải là làm sao để ly dị cho bằng được, bởi nếu trong mối quan hệ đôi lứa bạn không chín chắn thì rất có thể ly người này rồi lập tức gặp người nọ cũng tương tự, thì bạn nghĩ sao?
*Đúng nghĩa vợ-chồng theo nghĩa đời thì cho dù giàu sang hay khốn khó cả hai đều luôn thương yêu, quý kính, che chở lẫn nhau. Trong đạo nghĩa chồng-vợ được nâng lên mức cao hơn: ngoài những ý nghĩa trên, người vợ, người chồng còn phải biết khuyến tấn nhau cùng bỏ ác, hành thiện, cùng tu đạo để chuyển hoá nghiệp lực từ vô thỉ kiếp tới nay, từ đó mới giúp cho cuộc sống được hạnh phúc và an lạc.
*Cuộc hôn nhân của bạn xảy ra trong chớp nhoáng và bạn cũng muốn kết thúc trong chớp nhoáng, điều này cho thấy giữa bạn và chồng đến với nhau không vì mục đích gây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc? Hạnh phúc với người thế gian là giàu sang, phú quý, tiện nghi, ăn tiêu, chưng diện hào nhoáng. Nhưng với người hiểu nhân quả, hiểu đạo Phật và biết tu theo đạo Phật một cách chân chánh thì hạnh phúc chính là sự biết đủ, biết tận tâm, tận sức giúp người khổ nạn sớm biết hồi đầu, vượt cơn bĩ cực để hướng tới tương lai. Làm được điều này chẳng dễ, bởi nó đòi hỏi ở bạn sự hy sinh lớn, một tấm lòng từ bi không phải của người mẹ ngoài đời, bởi lòng từ của mẹ ngoài đời chỉ là thoả mãn cho con cái mà nhiều khi bất chấp hậu quả; lòng từ bi của một người mẹ trong đạo là biết nhẫn nhục, biết thương, kính, chia sẻ, dìu dắt người con đang lâm nạn hồi đầu hướng thiện, từ đó cải tà, quy chánh, tu đạo chân chánh để gây dựng cuộc sống an lạc. Bạn phải tự đặt cho mình câu hỏi: Liệu mình có dám dũng mãnh làm người mẹ từ bi đúng nghĩa đạo? Nếu bạn sẵn sàng thì ý niệm phải ly hôn chồng bạn nên cân nhắc lại, bởi ly người này thật nhanh, rồi cũng sẽ tìm đến người khác thật nhanh. Người khác chưa hẳn đã hơn người này. Lý do? Bởi nó là nghiệp duyên của chính bạn. Người không oán nợ với bạn, quyết chẳng tìm đến bạn đòi nợ. Chồng bạn hiện nay có thể lý giải theo lý nhân-quả đó. Do vậy bạn thực muốn chuyển nghiệp, trước tiên bạn phải tôn trọng nhân quả, phải hiểu thấu nhân quả, phải biết nhân quả báo ứng quyết không sai trệch. Hiểu được như vậy thì bạn mới không phạm luật nhân quả. TN lấy một VD để bạn thử quán xét: Trong một kiếp nào đó bạn là thân nam nhi, nghiệp ngập, hút sách… rồi trong đời, gặp một người đàn bà bạn đem lòng yêu mến và đã cưới cô ta làm vợ. Nhưng cưới được ít bữa thì cô gái này phát hiện mình đã bị người chồng lừa dối vì anh ta quá nghiện ngập, nghĩ vậy rồi nỗi uất ức trào dâng, cô gái bèn tìm mọi cách để từ bỏ người chồng này, cho dù người đó không chấp nhận. Chồng bạn hiện nay có phải là cô gái của tiền kiếp không? Điều này nghiệp duyên sẽ luôn tái diễn, khác là chúng ta thay đổi vị trí đứng và thân phận thôi.
*Bạn hãy bình tâm quán xét thật tỉ mỉ về mối hôn nhân, tình chồng, nghĩa vợ theo đúng nghĩa đạo. Nếu bạn nghĩ thông suốt thì bạn hãy nên chia sẻ tiếp ý kiến của mình, TN và các đạo hữu sẽ nguyện giúp bạn cùng tháo gỡ để chuyển đổi cuộc sống, mang lại hạnh phúc theo đúng tình đời, nghĩa đạo.
Chúc bạn sáng suốt lựa chọn.