Em tên H., là một cô gái rất xinh, 26 tuổi, sống tại Đồng Nai. Em vào hộp thư bắt chuyện với tôi vào trung tuần tháng 7/2014, với một tâm trạng chán chường, buồn bã, mất niềm tin vào cuộc sống.
Sau khi xem Gương nhân quả hàng ngày, em tự đặt câu hỏi “Phải chăng mình đã từng gây nghiệp xấu trong tiền kiếp nên hiện tại mình gặp toàn oan gia gây chướng ngại trong công việc và cuộc sống?”.
Trong tình cảm, em cũng đã từng phạm sai lầm giống như tôi: “Phá thai”. Việc này đa phần phụ nữ đều mắc phải kể cả chưa kết hôn lẫn người đã có gia đình, vì ý niệm sai lầm mà dẫn đến tạo tác ác nghiệp cực trọng này. Khi hiểu được Phật pháp thì nỗi ân hận dày vò và sợ hãi nhân quả của chính mình. Sự hối hận này cứ đeo đẳng trong tâm, cứ như không có lối thoát.
Tôi và em trò chuyện khá nhiều vì có sự đồng cảm. Em hỏi: “Muội phải làm gì bây giờ để sám hối?. Tôi hỏi em: “Nếu đủ duyên, quả báo đến, muội có sợ không, có chấp nhận không?”. Em dứt khoát: “Giờ biết được Phật pháp, muội đã tin nhân quả, đã hiểu đều do mình gây ra, quả báo đến muội cũng cam tâm mà chấp nhận”. Tôi bảo: “A Di Đà Phật, thật tốt, muội thật có tâm sám hối. Vậy chân thật sám hối nghĩa là chấm dứt không tiếp diễn những việc ác đã từng làm. Kế tiếp là ăn chay, phóng sanh, niệm Phật, giúp đỡ mọi người….đem công đức thiện lành này hồi hướng hết cho tất cả những oan gia trái chủ, những vong linh thai nhi mà mình đã từng vô minh, ngu si sát hại họ. Gặp những người người phụ nữ mà đang nhen nhóm ý định phá thai, hủy thai…thì hãy nên khuyên không nên làm như thế, đây là một tội ác, là tội sát sinh lớn. Quả báo sẽ khôn lường, địa ngục chứ chẳng phải đùa! Nếu ai đã lỡ tạo tác Nhân sát sinh này rồi thì phải nên hồi đầu ngày ngày sám hối để chuyển nghiệp……..”.
Sau cuộc nói chuyện xong thì chúng tôi thỉnh thoảng hỏi thăm nhau và cũng nhắc nhở niệm Phật.
Gần đây, em đã vào báo tin cho tôi là em đã ăn chay trường kể từ sau khi nói chuyện lần đầu nửa tháng. Em còn phóng sinh, niệm Phật sám hối hàng ngày, giúp đỡ mọi người…Tâm của em đã trở nên an lạc hơn bao giờ hết, ngay cả sắc diện cũng thay đổi. Quả là “tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”! Mọi người xung quanh em, ai cũng cảm thấy em có sự chuyển biến tốt.
Có một việc khiến tôi rất cảm động, đó là sau khi có được lợi ích từ việc học Phật, em bắt đầu muốn chia sẻ đến nhiều người khác, khuyên mọi người ăn chay niệm Phật.
Trong những người mà em quen biết thì có một người bạn nuôi hai con rùa trong nhà (ảnh trên), một đực một cái. Bạn này nuôi rùa được hơn một năm. Em nhìn hai chú rùa thì thương quá nên mới khuyên bạn mình phóng sinh rùa trả về môi trường tự nhiên cho chúng được thoải mái, an vui. Ban đầu người bạn này không đồng ý vì đã nuôi lâu nên có tình cảm, em đã năn nỉ, thuyết phục rất nhiều lần, rồi khuyên “nếu thương yêu chúng thật thì nên thả chúng tự tại trong môi trường rộng lớn thiên nhiên thì mới gọi là thương”. Cuối cùng người bạn này đã đồng ý đưa hai bạn rùa này trả về dòng sông lớn.
Cũng đồng thời đêm hôm đó, người bạn của em đã nằm mộng thấy có hai đứa trẻ một trai, một gái đến tạ ơn anh ta. Anh ta hỏi: “Các người là ai?” thì hai đứa trẻ này lại hiện ra hình hai con rùa. Người bạn này qua ngày hôm sau đã kể lại cho em nghe, nhưng lại không hiểu về Phật pháp nhiều nên chỉ thấy giấc mơ ngồ ngộ là lạ. Em nghe xong tâm lấy làm hoan hỷ và hiểu được rằng đôi rùa này đã được tự do và đến cảm ân. Việc này đã càng khiến em càng tin sâu Phật pháp, tin nhân quả, tin loài vật cũng có linh tánh, có tình yêu thương có khác chi con người chúng ta.
Nếu chúng ta không biết tu hành, liệu đời sau có bị rơi vào tam ác đạo? Có bị rơi vào đường súc sinh hay không? Liệu khi đó sẽ thế nào? Loài súc sinh thì loài này ăn thịt loài kia, hoặc bị banh da xẻ thịt làm thức ăn cho con người, thật muôn vàn nỗi thống khổ. Loài ngạ quỷ thì trước mặt chỉ là một màn đêm tối tăm không ánh sáng, đói khát lạnh lẽo, lang thang cô độc, vất vưởng, kiếp dài đăng đẳng. Còn làm chúng sanh địa ngục thì bị đày đọa đau đớn không cùng tận vì sau khi bị hành hình rồi chết đi sống lại trong cái cảnh giới này không ngừng. Ngẫm kỹ lại xem thấy đáng sợ không? Nếu không biết tin, không biết sợ thì thôi kể như xong, còn nếu biết sợ thì phải lo tu ngay bây giờ thôi.
Em bây giờ quyết tâm tu hành tha thiết và hễ có cơ hội thì em đều khuyên người phát tâm trường chay, phóng sinh, niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tây Phương Cực lạc. Em là một trong những tấm gương tốt về cầu sám hối và tu học nên tôi xin ghi lại để chúng ta cùng sách tấn nhau tu học.
Chúc em thường tinh tấn và an lạc trong cuộc sống này, mãn báo thân được diện kiến A Di Đà Phật, cùng hội ngộ tại Tây Phương Cực lạc thế giới.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Diệu Âm Lệ Hiếu
A Di Đà Phật,
Trước khi biết đến Phật Pháp con là một người cũng có lòng thương với động vật những loại yếu ớt ko có sức bảo vệ bản thân, đặc biệt là chó mèo là 2 loài trung thành và có tình cảm với con người. Con rất ghét những kẻ trộm chó mèo và buôn bán thịt chúng. Giờ đây dù con đã ăn chay học Phật, nhưng vẫn còn sân hận quá. Mỗi khi con nghe tiếng con chó, mèo bị bọn trộm câu bắt thảm thương, chịu những sợ hãi, đau đớn mà bọn trộm gây nên, thật tâm con không thể bình tĩnh như thường. Chỉ mong chúng sớm gặp quả báo mà đừng gây nên những tình cảnh thảm thương cho cả vật và chủ của chúng ( ví dụ như người chủ rất yêu thương con chó, mèo của họ vậy). Đặt mình vào hoàn cảnh con chó, mèo khi bị đột ngột bắt đi, chịu đau đớn, sợ hãi như vậy con chẳng suy nghĩ được chi mà thấy rất căm hận bọn cướp và quán thịt ấy, con đành bất lực, chỉ niệm vài câu Phật hiệu rồi hồi hướng cho con vật đó. Chẳng biết chúng có được chút ít lợi ích từ đôi câu niệm Phật đó ko nữa, vì con niệm trong khi tâm ko thanh tịnh, mà đang sân hận hừng hực.
A Di Đà Phật. Con kính xin các vị cho con đôi lời khai thị về bản thân mình, và cả nghiệp nhân quả báo sâu hơn về những trường hợp ấy.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam mô cầu sám hối Bồ Tât Ma ha tát.
A Di Đà Phật – Chào bạn Thúy:
Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ: “…Nghiệp của chúng sanh không thể nghĩ bàn…” – Có những lúc mình thấy rõ ràng cái sự khổ nạn như vậy mà mình ko thể cứu được, Phật cũng còn không thể cứu được huống gì là mình, lý do tại sao thế? Định nghiệp đến hồi trả vay thì phải diễn ra thôi, năm xưa Đức Phật cũng không thể ngăn chặn được vua Lưu Ly tàn sát họ tộc Thích Ca…Chúng sanh si mê như vậy, cứ ăn nuốt lẫn nhau, báo đền lẫn nhau, oán chồng thêm oán đời đời kiếp kiếp sát hại lẫn nhau chưa từng ngừng nghỉ…
Bạn cũng thấy báo chí cũng có đăng tin, những người trộm chó bị đánh đến chết…họ cũng vì 1 phút si mê sai lầm mà phải bị quả báo như vậy, họ cũng là đáng thương hơn đáng trách, con đường phía trước của họ thường là phải vào Tam Ác Đạo để thọ nhận ác báo, chứ chả phải là bị đánh chết là xong, đó chỉ là hoa báo mà thôi…Hoa báo tức là quả báo bắt đầu hiện tiền, là sự mở đầu chứ chưa phải là kết thúc, gọi là “nở hoa rồi mới ra quả” – cho nên họ bị đánh chết xong thần thức liền đọa vào 3 đường ác, nhẹ nhất cũng là vào súc sanh chịu lại cái cảnh bị người khác đánh giết bạc đãi vậy…khổ không nói nên lời…còn đọa lạc sâu hơn thì ko cần phải nói nữa…
Mình thấy biết như vậy thì mình niệm Phật hồi hướng cho chú chó tội nghiệp kia CÙNG VỚI TẤT CẢ OAN GIA TRÁI CHỦ CỦA NÓ, để mong sao tất cả chúng sanh đó sớm hồi đầu, buông xả hận thù mà giác ngộ Phật tánh, hồi quy Tịnh Độ, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc.
Tâm từ bi của mình phải nên Bình Đẳng với tất cả chúng sanh khổ nạn này, người làm ác cũng khổ, còn người bị hại cũng khổ…mình thương thì thương hết, có giận họ rồi cũng nên thương xót họ, như người Mẹ giận con nhưng cái giận đó ko làm ảnh hưởng đến tình thương mà người Mẹ dành cho người con hư hỏng đó, vẫn là thương yêu bình đẳng như với các đứa con khác…
Chúng ta nên học theo chư Phật Bồ Tát – mở rộng tâm Từ Bi của mình Bình Đẳng Chân Thành thương yêu tất cả chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
Con có nuôi 1 con chó nhỏ, nó thông minh lắm nhưng nó vừa mới mất được 1 tuần vì bị bệnh. Sau đó ba con và con đem nó vào chùa chôn kế bên cây Sa La và được 1 thầy đọc chú Vãng Sanh cho nó. Con xem nó như là em của con vậy nên con rất buồn khi nó ra đi. Ngày nào ba con và con cũng niệm Phật hồi hướng cho nó cả với hy vọng nó có thể tái sanh thành vào cõi tốt hơn. Xin cho con hỏi liệu niệm Phật hồi hướng cho nó có thể giúp nó tái sanh vào cõi tốt ở kiếp sau được không ạ? Xin thầy cho con lời giải đáp. Con xin chân thành cảm ơn!
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật,
Chào bạn Dung, bạn và ba của bạn thật có lòng tốt, vì chú chó của mình mà ngày ngày niệm Phật vậy. Mình cũng chỉ là một (thanh niên) Phật tử, thấy câu hỏi của bạn cũng giống mình từng thắc mắc nên mạo muội xin được chia sẻ chút ít, trong lúc đợi câu trả lời thoả mãn hơn từ các chú cư sĩ, anh chị đồng tu.
Câu Phật hiệu có năng lực, công đức bất khả tư nghì, khi bạn chân thành niệm Phật thì chắc chắn chú chó của bạn sẽ nhận được lợi ích. Không chỉ mỗi cún mà cả những chúng sinh quanh bạn cũng được hưởng ích lợi theo ( do được nghe danh hiệu Phật). Mình cũng nuôi chó mèo, và mình cũng cảm nhận chúng có tình cảm giống con người vậy, mình nghĩ, động vật cũng là do con người kiếp trước vụng tu mà nay phải thọ thân súc sinh, nên khi bé nhà mình mất, mình cũng làm mọi cách để hồi hướng cho bé y như làm cho một người vậy : ăn chay, niệm Phật, tụng kinh Địa Tạng, phóng sinh ( tuỳ điều kiện, ít $ thì mình mua ốc, trai ). Trong những việc thiện bạn làm, 7 phần công đức thì người mất chỉ được hưởng 1, còn lại 6 phần là của bạn. Bản thân mình còn ngu si thường tự nghĩ rằng các loài động vật cũng từng là con người vì tạo nghiệp nặng nên phải đoạ làm thân súc sinh, vì thế nên lại càng phải cố gắng làm mọi việc lành hồi hướng cho chúng để giúp chúng tiêu bớt nghiệp chướng sâu dày. Mình thường tự nhủ mình làm vầy là để cứu 1 người vậy, ai có kêu nhà mình khùng điên mình cũng kệ à.
Quan trọng là những bé đó được sanh về cõi lành mà tìm được Phật Pháp. Cố làm hết sức có thể thôi, còn lại cũng phải tuỳ vào nghiệp báo và phúc phần của chúng vậy. Ngoài ra, nếu từ đây, bạn có thể theo pháp môn Tịnh Độ này đến cùng, thì công đức mà cún nhận được chẳng thể nghĩ bàn.
Mình, dần dần từng người nhà mình biết đến ăn chay, niệm Phật cũng từ sự ra đi của bé cún của mình vậy. ( Vì thế nên có cô kêu bé là ” Bồ tát chó, (A Di Đà Phật) ” ).
Đôi lời chia sẻ cùng bạn, mình cũng mong các vị thiện tri thức cho bạn câu trả lời, để mình cũng xin rút ra kinh nghiệm.
Nam mô A Di Đà Phật.
– A Di Đà Phật
Con Muốn Hỏi Các Ngài Là Niệm Phật ” Nhất Tâm Bất Loạn ” Là Chỉ Có 1 Cái Đầu Rỗng.Và Chỉ Có Câu Phật Hiệu Trong Tâm, Phải Không Ạ ? Còn Hồi Hướng Là Gì Ạ ? Và Làm Thế Nào Để Hồi Hướng Ạ…Mong Các Ngài Giải Thích Giúp Con Hiểu Rõ Với Ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật !
Bạn Như Quyết!
Bạn vào link này để hiểu rõ hơn về cách thức và niệm phật nhất tâm bất loạn là như thế nào nhé!
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/01/niem-phat-the-nao-moi-dung-va-nhat-tam-bat-loan-la-sao/
Còn vấn đề hồi hướng thì bạn có thể hồi hướng như trong link dưới đây khá ngắn gọn và dễ hiểu.
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2013/03/vi-sao-sau-khi-tung-kinh-niem-phat-chung-ta-phai-hoi-huong/
Chúc bạn thân tâm thường an lạc nhé!
A DI ĐÀ PHẬT
Việc thiện và phước báo lớn nhất trên thế gian chính là chuộc mạng phóng sinh
Trên đời có một việc thiện lớn nhất mà tất cả người đời đều có thể thực hành được. Nhưng việc đại thiện này lại bị người đời huỷ báng, khinh chê, ngăn cản và phê bình, lại còn khinh bỉ và coi thường nữa. Việc đại thiện nhất này chính là phóng sinh.
Phóng sinh chính là việc thiện lớn nhất để người đời thoát khỏi nạn binh đao và giết chóc chiền miên. Người thực hành hạnh này thành tựu được nguyện vọng khoẻ mạnh, sống lâu, gia đình đoàn tụ, giàu sang và an lạc. Kinh Dược Sư nói rằng:” Cứu giúp mạng sống chúng sinh bệnh nặng được tiêu trừ, giải thoát được tai nạn”…”Tu phước phóng sinh qua được khổ ách, không gặp tai nạn”.
Phóng sinh là việc làm cứu lấy mạng sống chúng sinh, bởi mạng sống chúng sinh là quý báu nhất. Vì thế, công đức phóng sinh rất lớn, các việc thiện khác không thể so sánh được. Đã gieo trồng công đức phóng sinh sẽ được loài vật cảm đến ân đức, Long Thiên hộ trì, chư Phật hoan hỷ và sẽ đạt được phước báu lớn cho bản thân. Đây là đạo lý nhân quả báo ứng không sai lệch. Nên nói rằng: việc thiện và phước báo lớn nhất trên thế gian chính là chuộc mạng phóng sinh vậy.
(Liên Trì Đại Sư)
BÁT CHÁNH ĐẠO TRONG TỊNH ĐỘ
Ngày nay chúng tôi cùng các đồng tu học pháp môn Tịnh Độ; nay trong pháp môn Tịnh Độ, Bát Chánh Đạo được giải thích bằng cách nào? Nhất định phải biết điều này.
“Chánh Kiến”: Chúng ta thấy y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới như đức Thế Tôn đã dạy trong kinh bèn tin chắc, chẳng hoài nghi; đó là Chánh Kiến. Chánh Kiến của chúng ta chẳng do trực tiếp thấy được thế giới Tây Phương, mà là do được nghe đức Thế Tôn giới thiệu. Đối với đức Thế Tôn, chúng ta có tín tâm kiên định. Lão nhân gia tuyệt đối chẳng lừa dối chúng ta, lời lão nhân gia quyết định giống như kinh Kim Cang đã nói: “Như Lai là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, bậc chẳng nói lừa dối”. Chúng ta tin tưởng mỗi câu mỗi chữ trong lời Phật đều là chân thật. Chánh Kiến của chúng ta được kiến lập trên Tịnh Độ tam kinh, tin sâu chẳng nghi. Đó là Chánh Kiến của Tịnh Độ Tông.
Chánh Tư Duy của Tịnh Độ Tông là như Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật”, đó là Chánh Tư Duy! Để nghĩ nhớ y báo và chánh báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc, cũng phải đọc thuộc kinh điển, phải thường nghĩ tới y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới được nói trong kinh điển, phải thường nhớ tưởng! Chánh Kiến vừa nói ở trên là Tín tâm, còn ở đây là tư duy, thường xuyên nghĩ đến. Vì sao? Nếu chẳng nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới sẽ suy nghĩ loạn xạ liền! Suy nghĩ loạn xạ là nghiệp luân hồi. Trong tâm suy nghĩ bậy bạ chính là tạo nghiệp luân hồi, trong tương lai phải chịu quả báo luân hồi. Bởi vậy, chúng ta phải chuyển cái tâm luân hồi, chuyển ý niệm luân hồi, chuyển cái nghiệp luân hồi thành tịnh nghiệp Tây Phương. Chúng ta nghĩ đến thế giới Cực Lạc, nghĩ đến y báo và chánh báo trang nghiêm dạy trong kinh Vô Lượng Thọ, nghĩ đến bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, nghĩ cách thực hiện những điều đó trong cuộc sống thường nhật như thế nào, chúng ta nghĩ như vậy thì ý nghĩ ấy tốt lành!
Thế nào là Chánh Ngữ của Tịnh Độ học nhân? Chánh Ngữ là một câu “Nam-mô A Di Đà Phật”, câu ấy là Chánh Ngữ của chúng ta. Bởi thế, chúng ta chào hỏi nhau đều chắp tay “A Di Đà Phật”; người ta gọi tên mình, mình đáp A Di Đà Phật. Chúng ta nhận điện thoại, cầm điện thoại lên bèn “A Di Đà Phật”, Chánh Ngữ của chúng ta là như vậy. Thời thời khắc khắc niệm niệm chẳng quên A Di Đà Phật.
Chánh Nghiệp của chúng ta là ý nghiệp tưởng A Di Đà Phật, thân nghiệp lễ bái A Di Đà Phật, khẩu nghiệp niệm A Di Đà Phật, đó là tam nghiệp của Tịnh tông.
Chánh Mạng: Tùy theo cái nghiệp báo thân của chính mình, sống được một ngày thì suốt ngày đó niệm A Di Đà Phật, y giáo phụng hành. Ba nghiệp thân – ngữ – ý diễn nói, vì người khác diễn nói; lúc lâm chung tâm chẳng điên đảo, rõ ràng rành rẽ, minh bạch, phân minh, không bị bệnh khổ, đứng mà mất, ngồi mà mất, biểu diễn cho người khác thấy, chẳng dễ dàng đâu! Con người có ai không chết? Ai nấy đều phải chết, nhưng ai ra đi tự tại, tiêu sái, rõ ràng minh bạch như thế được? Phải là người niệm Phật! Đó là vì người khác biểu diễn, vì người khác diễn nói, vô cùng có sức thuyết phục. Những chuyện ấy khoa học không thể giải thích, vì đó là siêu khoa học! Khoa học là hữu hạn, có hạn cục, có giới hạn, thế nhưng vẫn có một nền học vấn không có hạn cục, không có giới hạn mà khoa học chưa phát hiện được. Chúng ta nhất định phải biết điều này.
…Thế nào là Chánh Mạng? Ấn Quang đại sư giảng rất hay: Nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không hóa duyên, không làm pháp hội, không làm kinh sám Phật sự, mỗi ngày đều giống như đang tu Phật thất. Học hội và Tịnh Tông Học Viện của chúng ta thêm vào một môn công khóa nữa là giảng kinh, giải hạnh tương ứng. Đó là Chánh Mạng của chúng ta, chúng ta lấy đó làm mạng sống. Đạo tràng hiện thời không có hằng sản, không có nguồn kinh tế cố định, chúng ta không hóa duyên thì sống bằng cách nào? Chuyện này không một ai phải lo ngại cả. Tôi không quan tâm, vì sao tôi không quan tâm? Chương Gia đại sư dạy tôi: “Nhất tâm hướng về đạo, nhất tâm vì pháp, vì chúng sanh, Phật, Bồ Tát sẽ an bài cả đời này cho mình, mình không cần phải nhọc lòng”…
Chánh Tinh Tấn: Thâm nhập một môn, trường thời huân tu, nhất định không biếng nhác. Trước hết là thành tựu “công phu thành phiến” của chính mình. Công phu thành phiến sẽ hoàn toàn khống chế được vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Đúng là những thứ ấy chưa đoạn, nhưng chúng chẳng thể phát tác. Trong nghịch cảnh và ác duyên cũng chẳng sanh phiền não, chẳng sanh tâm nóng giận. Trong thuận cảnh thiện duyên cũng chẳng khởi tham luyến, đó là công phu thành phiến, quý vị khuất phục được chúng. Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Công phu như vậy mới bảo đảm vãng sanh, nhưng quý vị nhất định phải giữ được công phu ấy mãi mãi, chẳng thể hờ hững, xem nhẹ được. Phải biết: Tập khí phiền não rất nặng, thời gian tích lũy tập khí phiền não rất dài. Nếu chúng ta lãng ý một chút, chúng lại bùng phát liền, rắc rối to! Bởi thế, thời thời khắc khắc đều phải đề cao cảnh giác, chẳng dám lơ là chút nào.
Đạt đến Sự Nhất Tâm sẽ hoàn toàn khống chế được chúng, chẳng cần phải tác ý nó vẫn bị khống chế. Đạt đến Lý Nhất Tâm là tốt nhất, chuyển hết những phiền não ấy thành Bồ Đề, đấy thực sự là đoạn phiền não. Cảnh giới Lý Nhất Tâm hoàn toàn tương đồng với “minh tâm kiến tánh” của Tông môn, thường gọi là “phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân”. Niệm Phật đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn chính là cảnh giới này. Cảnh giới ấy không phải cá nhân nào cũng đều có thể chứng được, nhưng đối với công phu thành phiến có thể nói là nếu mỗi người chịu dụng công, tuân thủ những điều kinh điển răn dạy, y giáo phụng hành, ai cũng đều có thể đạt được công phu thành phiến.
Đạt được mức ấy thì như chúng tôi vừa nói đó, trong thuận cảnh thiện duyên chẳng khởi tham luyến, trong nghịch cảnh ác duyên chẳng sanh sân khuể, hết sức tự nhiên, chẳng phải là cố ý khống chế, cố ý đè nén! Nếu phải cố ý đè nén thì quý vị còn đang trong giai đoạn tu học, chưa đạt được công phu thành phiến. Thực sự đạt được công phu thành phiến thì chẳng cần phải tác ý, mà là tự nhiên, phản ứng rất tự nhiên, cảnh giới tốt đẹp mà! Không khó! Điều này mọi người thực sự có thể làm được. Từ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục và Vãng Sanh Truyện, chúng ta thấy những người niệm ba năm đạt được cảnh giới này rất nhiều. Vì sao người khác đạt được, mình không làm được? Do vậy, ta phải sanh tâm
hổ thẹn!
Luyện công phu tại đâu? Trong cuộc sống thường ngày, trong xử sự, đãi người, tiếp vật. Người này đối xử tốt với tôi, tôi đối xử tốt hơn; cứ hễ tôi gặp người ấy, tôi nhất định xử tốt với người ấy hơn người ấy xử tốt với tôi, tôi báo đáp người ấy, như câu nói: “Nhận cái ơn nhỏ bằng giọt nước của người, thường nghĩ dùng cả mạch suối để báo đáp”. Thế nhưng người ấy chẳng ở trước mặt tôi, trong tâm rỗng rang, chẳng lưu lại dấu tích gì, đó là trí huệ, quyết định không tham luyến. Hễ gặp mặt bèn báo ân, tâm cảm kích tự nhiên sanh khởi. Đó mới là đúng, chẳng phải là tình thức mà là trí huệ, tâm địa vĩnh viễn thanh tịnh, bình đẳng, giác.
Đối với người oán hận, kẻ oan gia đối đầu, trong tâm chớ nên có chút sân khuể, chớ nên có mảy may ý niệm báo thù. Chẳng những không có, mà còn thời thời khắc khắc phải chú ý, hễ khi nào họ gặp phải khó khăn, mình đến giúp đỡ, thường biết oan gia phải hóa giải. Túc oán quá khứ, oán kết hiện tại đều phải hóa giải hết, oan gia nên gỡ, không nên buộc. Trong lúc kẻ ấy gặp khó khăn, ta toàn tâm toàn lực giúp đỡ, mặc kệ tỵ hiềm xưa kia, oan kết bèn hóa giải. Phật pháp có vai trò gì trong thế gian? Chẳng thể không biết điều này, Phật pháp có mặt trong thế gian là để giáo hóa chúng sanh, không một mảy may nào không nhằm dạy dỗ Giác – Chánh – Tịnh, dạy dỗ Bát Chánh Đạo.
Thứ bảy là Chánh Niệm, niệm ở đâu tâm bèn ở đó, Đại Thế Chí Bồ Tát dạy chúng ta: “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật). Đó là Chánh Niệm. Trong mười hai thời chấp trì danh hiệu là Chánh Niệm. Hết thảy ngôn hạnh hoàn toàn tương ứng với những điều kinh luận dạy dỗ là Trợ Niệm. Chánh – Trợ song tu nhất định được vãng sanh, nhất định được thấy A Di Đà Phật, tương ứng với Phật.
Chánh Định: Một đời một kiếp này, ta tu hành pháp môn này, quyết định chẳng thay đổi, nương theo kinh điển này, quyết chẳng dao động, đó là Chánh Định. Bát Chánh Đạo của Tịnh Độ Tông là như thế đó!
-trích lục Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký, Chủ giảng Lão pháp sư Tịnh Không—Q2, tập 35, tr 63-68-
A di đà phật. Con cũng mới biết đến phật pháp còn gia đình con thì không. Mỗi lần con nói đến phật pháp hay việc sát sinh thì gd con đều gạt bỏ rồi mắng con. Con cũg đang tập ăn chay nhưng chỉ tuỳ duyên thôi chứ ko ăn chay trường được vì bh con đi làm nên cơm nuớc là mẹ nấu cho. Nói chung là con hạn chế đến mức tối đa việc ăn mặn. Con rất muốn sám hối những tộ lỗi mình đã gây ra nhưng nhà con ko có ban thờ phật cũng ko ra chùa được. Thuờng thì trong lúc đi làm con vừa đi vừa sám hối mà ko biết có bớt được nghiệp của mình ko? Mọi người có thể chỉ con cách nào tốt hơn để sám hối ko ạ? A di đà phật. Con cảm ơn ạ
Bạn hãy phát tâm tu học Phật, việc gì lành nên thường làm, việc gì ko tốt chớ làm, tuỳ duyên tuỳ hoàn cảnh mình tu học, có thời gian hãy thường vào trang này học hỏi cùng mọi người, thỉnh thoảng hãy đến chùa dâng hoa cúng Phật, phát nguyện tu học, như vậy lâu dài sẽ thấy được con đường cho mình. Những gì ko tốt ở quá khứ hãy sám hối sửa đổi, nổ lực làm nhiều việc lành để bù lại những điều không tốt trước kia, đừng để điều xấu, đừng để dòng đời kéo ta về con đường sai lầm, chỉ cần trong tâm còn có Phật thì mọi việc tốt lành sẽ đến với bạn.