Quý vị có biết rằng đôi khi sự tán thán làm hại người hơn cả sự phỉ báng! Người bị phỉ báng, tuy giận lắm, nhưng đối với người có chí khí, càng bị chê bai chừng nào họ càng nỗ lực, tinh tấn để đạt đến những thành tựu cao siêu. Biến những lời phỉ báng thành một thứ trợ duyên thượng thặng. Một khi được ca tụng, tán thán họ sẽ nghĩ: “Ồ! Nhiều người ca ngợi mình quá, có lẽ mình không tệ”, và họ sẽ mãn nguyện với những gì họ có được rồi không thèm trau dồi để tiến xa hơn nữa.
Cho nên tán thán rất dễ làm hại người. Vì vậy, đối với giới trẻ, với người mới học, chúng ta tuyệt đối không nên tán thán, không nên cúng dường quá nhiều. Bởi vì tiền tài nhiều, danh vọng lên cao, lập tức sẽ sa đọa ngay. Những Pháp sư trẻ, phát tâm bồ đề xuất gia, thường bị tín đồ ca ngợi, cúng dường làm cho Pháp sư trẻ đọa lạc. Như vậy sự đọa lạc của họ là do tín đồ gây nên. Sau này, những vị Pháp sư đó bị quả báo thì tất cả những người ca ngợi, cúng dường không thể thoát nạn bị đọa.
Vậy đối với những ai chúng ta nên mạnh mẽ cúng dường? Đó là những vị giảng sư, Pháp sư “Bát phong xuy bất động” (tám luồng gió của được, mất, khen, chê, vinh, nhục, khổ, vui không làm họ lay động). Những người này dù chúng ta có tán thán họ cũng không sanh lòng vui mừng, chúng ta phỉ báng họ cũng không sanh tâm phiền muộn. Vì tâm của họ luôn giữ sự bình lặng an nhiên. Những người như vậy mới thật sự xứng đáng cho chúng ta tán thán. Vì sao? Vì sự tán thán không làm hại họ, cho nên chúng ta phải tuyên dương khiến cho nhiều người biết đến và tin tưởng họ. Nhờ vậy họ có thể độ được nhiều chúng sanh.
Nhân đây nói đến “cúng dường”. Thọ nhận cúng dường không phải là chuyện đơn giản. Trong nhà Phật thường nói: “Một hạt gạo của thí chủ lớn như núi Tu Di, đời này mà không liễu đạo, phải mang lông, đội sừng để trả”. Cho nên người không tu làm sao dám nhận sự cúng dường và hưởng thụ sự cúng dường? Làm kiếp người, ai có thể biết được phước báu của mình được bao nhiêu? Ngay cả chư Phật, Bồ Tát cũng không hưởng thụ sự cúng dường. Nhưng nếu có người đến cúng dường với lòng chân thành, muốn gieo trồng ruộng phước, đương nhiên chúng ta không thể từ chối, tuy nhiên sau khi thọ nhận của cúng dường, chúng ta nhất định phải luân chuyển sự cúng dường đó.
Trong thời cận đại, Ngài Ấn Quang Đại sư là hình ảnh mẫu mực rất tốt cho chúng ta. Đệ tử quy y ngài nhiều đến nỗi không thể tính đếm được. Tất cả những tài vật do đệ tử cúng dường, Ngài đều đem ra ấn tống kinh sách để “cúng dường” lại cho mọi người, Ngài lập ra “Sở Hoằng hóa” ở Tô Châu Trung quốc để ấn tống và lưu hành kinh sách. Sau khi tôi tu học Phật pháp, tôi hoàn toàn noi gương của ngài, nghĩa là có bao nhiêu tiền cúng dường, tôi đều đem ra in kinh sách để phân phát khắp nơi cho mọi người. Tôi nghĩ: “Nếu kiếp này không liễu đạo, tôi cũng không phải mang lông đội sừng để trả. Vì sao thế? Vì những người nhận kinh sách trả nợ dùm cho tôi”.
Đem tài vật của những người cúng dường triển chuyển bố thí cúng dường, như vậy, cái phước của những người cúng dường và người nhận sẽ trở nên rộng lớn vô lượng vô biên. Làm như thế mới gọi là như pháp. Nếu dùng tài vật của người cúng dường để hưởng thụ cá nhân thì tuyệt đối không thể như Pháp. Cho dù dùng tài vật cúng dường của thí chủ để xây chùa, xây đạo tràng cũng phải vì mục đích hoằng pháp lợi sanh. Được như vậy người bố thí cúng dường mới thật sự có công đức. Nếu như ở trong chùa mà không tu hành, cũng chẳng hoằng pháp, ngôi chùa đó sẽ trở thành nơi tranh chấp. Cho nên cất chùa xây đạo tràng phải đặc biệt cẩn thận!
Thầy Lý Bỉnh Nam thường nói rằng: “Khi xây chùa, mọi người là Bồ Tát, sau khi cất xong rồi thành La Sát!”. Vì sao? Bởi vì tranh dành quyền lợi – biến chất rồi! Sự phát tâm ban đầu đem quăng lên tận chín tầng mây cao!
Cúng dường Pháp sư phải hết sức thận trọng. Phật dạy chúng ta: “Tứ sự cúng dường”. Tứ sự là gì?
1 / Ẩm thực: Pháp sư là người sống ở thế gian, không thể không ăn cơm, cho nên chúng ta cúng dường ẩm thực cho Pháp sư để duy trì mạng sống của họ
2 / Y phục: Pháp sư cũng cần có áo quần để mặc. Nếu áo của Pháp sư cũ rách, ta nên cúng dường cho họ một bộ, khi thấy còn tốt thì không cần thiết cúng dường.
3 / Y dược: Khi Pháp sư có bịnh, chúng ta cúng dường thuốc uống để chữa bịnh cho họ.
4 / Ngọa cụ: Pháp sư cũng cần có chỗ nghỉ ngơi, chúng ta cúng dường giường, mền, v..v…
Thời nay có người đem nhà cửa hoặc những vật quý giá dâng cúng cho Pháp sư khiến cho Pháp sư sống thật sung sướng đến nỗi Tây phương Cực Lạc cũng không muốn đi nữa. Vì ở thế gian này cũng tốt quá rồi, đến Tây phương để làm gì? Cái tâm mong thành Phật đạo, liễu sanh thoát tử tan thành mây khói. Điều này đối với việc thành tựu cho pháp sư, đào tạo Pháp sư thật là một tai hại lớn không gì bằng!
Pháp sư xuất gia nghĩa là “cắt ái ly gia”, không có nhà, chúng ta lại tặng cho họ cái nhà, tức là kéo họ về nhà trở lại. Như vậy là hại chết họ rồi, họ có đủ quyền lực, tài sản, thế là không còn ý chí của người xuất gia, chẳng khác gì người phàm tục! Ai đã hại họ? Chính là tín đồ đã hại Pháp sư! Những tín đồ này không biết rằng hành động như vậy là phá hoại Phật Pháp, tổn hại Tam Bảo. Mà họ lại nghĩ rằng mình đã tạo rất nhiều công đức, làm được nhiều việc tốt! Than ôi! Khi mạng chung, đọa xuống địa ngục gặp Diêm Vương, chừng đó còn chối cãi gì được nữa!
Đứng về mặt tu phước trong nhà Phật, chúng ta cần phải có trí tuệ chân chính và điều này cần phải giải thích rõ ràng. Nhiều Pháp sư không dám nói rõ vì sợ khi nói rõ thì Phật tử, tín đồ không cúng dường nữa. Riêng đối với tôi, tôi chỉ muốn lên Thế giới Cực Lạc ở phương Tây, tôi không muốn ở đây lãnh tội, cho nên tôi hết sức chân thật nói với quý vị rằng: “Tôi không sợ quý vị không cúng dường cho tôi, không cúng dường cũng tốt vì rằng tôi không phải lo lắng đủ điều”.
Chính vì vậy tôi lập “Hội Phật Đà giáo dục Cơ Kim” chuyên in tặng kinh sách. Tôi dặn dò ông Giảng cư sĩ, phụ trách cơ quan ấn tống kinh sách, luôn áp dụng một nguyên tắc như sau: “Tiền cúng dường nhiều, in sách nhiều, tiền cúng dường ít in sách ít, không có thì không in, vậy là tốt nhất!”. Bởi vì khi sự cúng dường nhiều lại phải bận tâm lo nghĩ nên chọn bộ sách nào in trước? In như thế nào? Ngược lại, nếu không có cúng dường thì không phải bận tâm, thanh nhàn biết bao! Cho nên mọi người cần phải hiểu.
Không cầu cúng dường, không cầu đạo tràng, điều gì cũng không cầu, tâm sẽ thanh tịnh, đó chính là đạo tâm. Chính mình tu tâm thanh tịnh, giúp người khác tu thanh tịnh tâm. Tuyệt đối xa lìa danh vọng lợi dưỡng, như vậy mới là Phật pháp chân chính. Muốn thành tựu cho các Pháp sư trẻ, muốn lo lắng cho họ, phải chấp nhận cho họ chịu cực khổ một chút. Đừng nên nói là thấy họ cực khổ ta không đành. Nếu như vậy là hại chết họ đó! Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, tất cả đệ tử của Ngài chỉ ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây, cuộc sống khổ cực thiếu thốn như vậy. Nếu ta nhìn thấy, thật không nhẫn tâm, rồi đem họ về nhà. Như vậy làm sao họ có thể thành đạo được? Trong kinh Phật dạy chúng ta rằng: “Dĩ khổ vi sư” nghĩa là lấy cái khổ làm thầy của mình. Thông thường trong cuộc sống đau khổ, người ta mới có tâm đạo chân chính, mới có tâm niệm cương quyết, vượt ra khỏi thế gian này.
Cho nên khổ là tốt! Chúng ta không kham nổi khổ cực, nhưng khi thấy người khác chịu đựng khổ cực ta phải sanh lòng cung kính, đừng nên gây chướng ngại và lôi kéo họ trở lui. Chúng ta phải chân thành, dựa trên thực tế mà đào tạo Pháp sư, thành tựu Pháp sư. Làm được như thế chúng ta mới có thể mời được Pháp sư, mới có Pháp sư chân chính, tốt lành đến hoằng pháp lợi sanh.
Trích lời dạy của HT. Tịnh Không từ đĩa giảng “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”
Phúc Bình xin kính chuyển các vị đạo hữu một trích đoạn trong bài viết Tín tâm cúng dường Tăng Bảo như sau:
Tuy nhiên, trong thời mạt pháp, không tránh khỏi một số tăng phá giới, không còn thanh tịnh nữa. Vì thế, một số phật tử quan ngại về việc cúng dường cho các vị tăng ấy. Đức Phật đã nhìn thấu rõ vấn nạn này và giải nghi trong Kinh Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt như sau:
“Tôn giả Upāli chợt hỏi:
– Đại đức Ānanda chỉ nói đến chư tỳ-khưu phạm hạnh hoặc chư tỳ-khưu đang thực hành phạm hạnh; còn nếu là tỳ-khưu hư hỏng, xấu xa, dễ duôi, buông lung, hành trược hạnh, ác giới… bị các vị đồng phạm hạnh chê cười thì đâu phải là ruộng phước, bạch đức Tôn Sư?
Đức Phật nói:
– Nếu vị tỳ-khưu ấy còn tăng tướng, còn trong phẩm mạo sa-môn thì vị ấy vẫn là ruộng phước đấy, này Upāli!
– Đệ tử chưa hiểu.
– Ông hãy nghe đây! Khá nhiều vị tỳ-khưu trong giáo hội hiện nay của Như Lai bị hư hỏng, khuyết tật về giới, nhưng họ vẫn đang trên con đường tu tập, vẫn ăn mỗi ngày một bữa, vẫn cắt móng tay, vẫn cạo râu tóc, vẫn không trang điểm, vẫn không thoa dầu thơm, vật thơm, vẫn xa lánh đàn ca xướng hát, vẫn không tích luỹ vàng bạc, của cải, vẫn đầu trần chân đất ôm bát xin ăn, vẫn không mặc y sang trọng, vẫn không nằm giường cao, gối êm, vẫn không ở nhà cao cửa rộng, vẫn không có năm món ngũ dục xa hoa, vẫn không nằm ngủ với vợ và chơi đùa với con, vẫn làm lễ sám hối mỗi tháng hai lần, vẫn cho giới đến hai hàng cư sĩ, vẫn nói đạo, thuyết pháp, vẫn truyền giới luật cho sa-di và tỳ-khưu… Chỉ như vậy thôi thì hàng cư sĩ tại gia có ai làm được, dẫu là bậc thánh cư sĩ cũng không làm được; cho nên họ vẫn xứng đáng là ruộng phước cho chư thiên và loài người đấy, này Upāli!
– Đúng vậy, đệ tử đã hiểu. Tuy nhiên, còn tội lỗi của vị ấy, nghiệp xấu ác của vị ấy thì sao, thưa Tôn Sư?
– Hãy để cho Tăng xử. Ai làm nấy chịu. Quả nghiệp xấu xa của vị ấy thì hãy để cho nhân quả công minh nó làm việc, này Upāli!”
– Thưa vâng!
– Không kể phàm, không kể thánh, bất cứ ai còn tăng tướng, phẩm mạo sa-môn thì tất cả đều ở trong Tăng Bảo ba đời: Hiện tại, quá khứ và vị lai. Tăng Bảo bao giờ cũng gồm chư thánh phàm tăng quá khứ, chư thánh phàm tăng hiện tại, chư thánh phàm tăng vị lai, này Upāli! Một vài vị, năm bảy vị, một số cá nhân tỳ-khưu thì có thể hư hỏng, xấu xa, ác giới, nhơ bợn nhưng Tăng Bảo thì không, Tăng Bảo thì luôn luôn mỹ toàn, thanh tịnh, này Upāli!
– Đệ tử hiểu rồi.
Tôn giả Ānuruddha lại hỏi:
– Vậy thì khi cúng dường tứ sự đến cho một vị tỳ-khưu, hai vị tỳ-khưu, cận sự nam nữ đừng nghĩ đến cá nhân vị ấy mà cứ khởi tâm cúng dường Tăng, cúng dường Tăng Bảo thì phước báu ấy sẽ rất toàn hảo, rất thanh tịnh, có phải vậy không, thưa Tôn Sư?
– Đúng vậy!
– Tăng Bảo thì luôn luôn thanh tịnh! Hay lắm! Cả một biển lớn thanh tịnh! Tôn giả Ānanda tán thán! Tuyệt vời thay! Cao thượng thay là ruộng phước cho chư thiên và loài người!” [4]
Qua bài pháp trên, rõ ràng Đức Phật nhấn mạnh đến tín tâm cúng dường của chư Phật tử tại gia và khuyên chúng ta nên khởi tâm cúng dường Tăng Bảo chứ đừng nghĩ đến cá nhân tỳ kheo nào cả. Đức Thích Tôn ân cần dạy bảo: ‘Đừng nghĩ đến những việc xấu ác của cá nhân tỳ kheo nào và hãy để cho Tăng xử và luật nhân quả quyết định.” Trong khi đó, phước báo của người cúng dường tín tâm vẫn đơm hoa, kết quả thơm ngọt. Trong Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên, Đức Phật kể lại một câu chuyện như sau:
“Năm thầy Tỳ – kheo kia xét thấy chủ nhân hết lòng trọng đãi, mới cùng nhau bàn rằng:”Tuy đặng chủ nhân tùy nghi cúng dường mỗi ngày giàu to nhưng tính đến năm nghèo như cái năm đói rét, thì không có thể giúp cho người được giàu vui; vậy bọn ta phải ra phương tiện để tìm kiếm tiền của, dành dụm thời sau mà hưởng cái sự vui ngũ dục”.
Bàn như thế rồi, liền cùng nhau thay đổi, sai một người đi dạo trong các làng xóm, rao nói với mọi người, xướng cái lời như thế này:
“Bốn thầy Tỳ – kheo kia, yên ở một chỗ vắng lặng giữ gìn giới cấm dứt hẳn rượu thịt, không ăn hành tỏi đáng bậc phạm hạnh; tu thiền chỉ quán chứng nghiệp vô lậu; tu hành không bao lâu sẽ thành quả A la hán, thật là bậc Vô thượng phước điền trong thiên hạ”.
Mọi người nghe lời ấy rồi, đua nhau xúm lại mang đến đủ thứ tiền tài ẩm thực, cung kính cúng dường, như thế nhiều năm. Còn nữ nhân Đề Vi một lòng kính tin, cứ việc tùy nghi cúng dường hoan hỷ không chán. Mãn kiếp trọn đời được sanh lên cõi trời Hóa Lạc.
Còn năm vị Tỳ – kheo kia, chuyên làm việc xảo ngụy, vì tâm tà trược, nên khi phước hết mạng chung, sanh vào địa ngục; tám nghìn ức kiếp chịu cái quả báo rất khổ. Tội địa ngục hết rồi phải chịu thân ngạ quỷ, ly mỵ, vọng lượng, lần lựa như thế trải qua tám nghìn kiếp; tội ngạ quỷ hết rồi, lại chịu cái thân lục súc sanh, để đền trả của cúng dường đời trước cho chủ nhân.
Nhân duyên nghiệp báo, hoặc làm lạc đà, lừa, trâu, ngựa, tùy theo chủ nhân chỗ thọ phước gì thì thường đem sức lực để đền trả cho chủ nhân, lần lựa như thế cũng đến tám nghìn đời; tội súc sanh hết rồi tuy đặng thân người, nhưng các căn ám độn, nam cũng không phải nam, nữ cũng không phải nữ, gọi đó là Thạch nữ: Từ đây sắp về sau, trải qua trong tám nghìn năm, thường đem sức lực đền trả cho chủ nhân, đến nay chưa hết.”
Phật bảo vua rằng: “Đề Vi khi đó là Hoàng hậu đây vậy. Ông Biện Tài khi đó là Mục Liên đây vậy. Còn năm thầy Tỳ – kheo, tức là năm người bọn Phiến Đề La theo hầu hạ khiêng kiệu cho bà Hoàng hậu hôm nay đây”.
Vua bạch Phật rằng: “Theo như lời của Đức Thế Tôn nói thì nhơn có năm người, mà nay thì chỉ thấy có bốn người khiêng kiệu còn một người nữa ở chỗ nào.
Phật bảo vua rằng: “Còn một người nữa, người ấy thường ở trong cung quét dọn cầu xí, tức là người đổ phân đó vậy”.
Hoàng hậu nghe rồi rùng mỉnh rởn ốc, ôm lòng kinh sợ, liền đứng dậy làm lễ Phật, đứng hàu chắp tay mà bạch Phật rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Như lời của đức Thế Tôn nói, té ra bọn Phiến Đề la là nhân duyên thầy của con đời trước, lòng con thiệt rất lo sợ, sợ là sợ phạm tội nghịch. Sở dĩ vì sao? Vì luận người là bậc thầy, thì phải cung kỉnh đầu đội lễ bái mới phải lẽ vậy. Mà nay trở lại sai khiêng kiệu không khác gì trâu ngựa. Vì nhân duyên đó nên lòng con rất lo sợ, cúi xin Phật thương xót dạy con sám hối”.
Phật bảo Hoàng hậu rằng: “Bởi Hoàng hậu có phước đức, vốn không có tội lỗi cớ sao nghi sợ. Chúng sanh tánh khác, hạnh nghiệp không giống nhau, làm lành thì hưởng phước, làm ác thọ tai ương. Hoàng hậu đời trước nhất tâm thanh tịnh tin ưa làm phước, nhân duyên phước đức như thế, bởi bao nhiêu đời trước sanh ra thường gặp Minh sư, tin thọ lời giáo huấn, gặp lành làm lành gặp phước làm phước, cho đến ngày nay hưởng phước tự nhiên gặp Phật ra đời, là vì nhờ phước đức nhân duyên đời trước. Lại nghe Chánh pháp như thuyết tu hành, do nhân duyên đó nên không có tội lỗi chi.” [5].
Kết luận: Đừng lo nghĩ gì cả. Hãy thanh tịnh tâm ý của mình khi cúng dường Tăng Bảo sẽ sản sinh phước báu vô lượng như Đề Vi Hoàng hậu vậy.
Nguồn http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201402/Tin-tam-cung-duong-Tang-Bao-13541/
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật!
HT Tịnh Không: “Cho nên tán thán rất dễ làm hại người. Vì vậy, đối với giới trẻ, với người mới học, chúng ta tuyệt đối không nên tán thán, không nên cúng dường quá nhiều. Bởi vì tiền tài nhiều, danh vọng lên cao, lập tức sẽ sa đọa ngay. Những Pháp sư trẻ, phát tâm bồ đề xuất gia, thường bị tín đồ ca ngợi, cúng dường làm cho Pháp sư trẻ đọa lạc. Như vậy sự đọa lạc của họ là do tín đồ gây nên. Sau này, những vị Pháp sư đó bị quả báo thì tất cả những người ca ngợi, cúng dường không thể thoát nạn bị đọa.”
Phật bảo Hoàng hậu rằng: “Bởi Hoàng hậu có phước đức, vốn không có tội lỗi cớ sao nghi sợ. Chúng sanh tánh khác, hạnh nghiệp không giống nhau, làm lành thì hưởng phước, làm ác thọ tai ương. Hoàng hậu đời trước nhất tâm thanh tịnh tin ưa làm phước, nhân duyên phước đức như thế, bởi bao nhiêu đời trước sanh ra thường gặp Minh sư, tin thọ lời giáo huấn, gặp lành làm lành gặp phước làm phước, cho đến ngày nay hưởng phước tự nhiên gặp Phật ra đời, là vì nhờ phước đức nhân duyên đời trước. Lại nghe Chánh pháp như thuyết tu hành, do nhân duyên đó nên không có tội lỗi chi.”
=========================================
Huệ Tịnh hơi thắc mắc chưa hiểu tại khi đọc xong tại sao Đức Phật bảo người Phật tử như Hoành hậu nhất tâm thanh tịnh tin ưa làm phước cho dù 5 vị tỳ kheo đó bị đoạ nhưng Hoàng hậu lại tăng thiên hưởng phước. Trong khi đó HT Tịnh Không lại nói “Sau này, những vị Pháp sư đó bị quả báo thì tất cả những người ca ngợi, cúng dường không thể thoát nạn bị đọa” là sao không hiểu??? Xin các đạo hữu giải thích cho HT có phải hiểu lầm ở chổ nào không đây.
Nam Mô A Di Đà Phật.
XIN chào PHÚC BÌNH,tôi thấy tâm đắc khi đọc đc bài này của bạn.Lâu nay trong lòng tôi cứ hơi phân vân về vấn đề này.CÁM ơn bạn rất n vì đã khai thông cho tôi.CHÚC bạn luôn hạnh phúc và Phật đạo đc viên thành.
A Di Đà Phật,
Cám ơn đạo hữu Phúc Bình đã chia sẻ một bài pháp rất hay và sâu sắc từ trong Kinh Điển. Trong bài này chúng ta nên rất chú ý đọc kỹ đoạn này:
“Đức Phật nói:
– Nếu vị tỳ-khưu ấy còn tăng tướng, còn trong phẩm mạo sa-môn thì vị ấy vẫn là ruộng phước đấy, này Upāli!
– Đệ tử chưa hiểu.
– Ông hãy nghe đây! Khá nhiều vị tỳ-khưu trong giáo hội hiện nay của Như Lai bị hư hỏng, khuyết tật về giới, nhưng họ vẫn đang trên con đường tu tập, vẫn ăn mỗi ngày một bữa, vẫn cắt móng tay, vẫn cạo râu tóc, vẫn không trang điểm, vẫn không thoa dầu thơm, vật thơm, vẫn xa lánh đàn ca xướng hát, vẫn không tích luỹ vàng bạc, của cải, vẫn đầu trần chân đất ôm bát xin ăn, vẫn không mặc y sang trọng, vẫn không nằm giường cao, gối êm, vẫn không ở nhà cao cửa rộng, vẫn không có năm món ngũ dục xa hoa, vẫn không nằm ngủ với vợ và chơi đùa với con, vẫn làm lễ sám hối mỗi tháng hai lần, vẫn cho giới đến hai hàng cư sĩ, vẫn nói đạo, thuyết pháp, vẫn truyền giới luật cho sa-di và tỳ-khưu… Chỉ như vậy thôi thì hàng cư sĩ tại gia có ai làm được, dẫu là bậc thánh cư sĩ cũng không làm được; cho nên họ vẫn xứng đáng là ruộng phước cho chư thiên và loài người đấy, này Upāli!”
Và khi cúng dường Tăng Bảo thì chúng ta nên “Tứ sự” cúng dường như HT. Tịnh Không giảng ở trên, lời của Ngài dạy rất là sâu sắc, chúng ta nên đọc kỹ nhiều lần thì mới có thể hiểu một cách đúng đắn được.
Một lần nữa cám ơn liên hữu Phúc Bình rất nhiều.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật, bài này hay quá. Các liên hữu phúc đáp hay quá. TLPT lại học hỏi thêm được nhiều điều. Cám ơn các huynh nhé. A Di Đà Phật. _()_
BỐ THÍ Ở PHẬT TỬ TẠI GIA
Phật tử tại gia khi bố thí có các phần được chia ra như sau :
1.Phía người bố thí : có 2 chi tiết :
I.Người bố thí.
II.Vật của người bố thí.
2.Phía Người nhận cúng dường hay nhận bố thí.
***Giờ phân tích “Phía người bố thí”.
Mục I .người bố thí :
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya
142. Kinh Phân biệt cúng dường
(Dakkhinàvibhanga sutta)
Này Ananda, có bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường. Thế nào là bốn? Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận. Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho. Này Ananda, có loại cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận. Này Ananda, có loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho giữ giới, theo thiện pháp, còn những người nhận theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này Ananda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho, nhưng không bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho? Ở đây, này Ananda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, còn những người nhận giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ananda, là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người nhận, nhưng không bởi người cho.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho theo ác giới, theo ác pháp, và người nhận cũng theo ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này Ananda, là sự cúng dường không được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Và này Ananda, thế nào là loại cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận? Ở đây, này Ananda, người cho giữ giới, theo thiện pháp; và người nhận cũng giữ giới, theo thiện pháp. Như vậy, này Ananda, là sự cúng dường được thanh tịnh bởi người cho và cũng bởi người nhận.
Này Ananda, như vậy là bốn sự thanh tịnh của các loại cúng dường.
(Hết trích)
Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương VI – Sáu Pháp
IV. Phẩm Chư Thiên
(VII) (37) Bố Thí
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí vật gồm có sáu phần cho chúng Tỷ-kheo Tăng?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có ba phần thuộc người bố thí và có ba phần thuộc người nhận đồ bố thí. Thế nào là ba phần thuộc về người bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bố thí, trước khi bố thí, ý được vui lòng; trong khi bố thí, tâm được tịnh tín; sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ. Ðây là ba phần của người bố thí. Thế nào là ba phần của người nhận bố thí? Ở đây, này các Tỷ-kheo, những người nhận vật bố thí, đã được ly tham hay đang thực hành hạnh ly tham; đã được ly sân hay đang thực hành hạnh ly sân; đã được ly si hay đang thực hành hạnh ly si. Ðây là ba phần của những người nhận vật bố thí. Như vậy là ba phần của người bố thí và ba phần của những người nhận được vật bố thí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là thí vật gồm có sáu phần.
(Hết trích).
Người bố thí theo kinh Nikaya các Bạn đọc cũng hiểu rõ.
Còn “II.Vật bố thí” liên quan đến người bố thí
Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Chương V – Năm Pháp
VI. Phẩm Triền Cái
(VIII) (58) Thanh Niên Licchavi
2. Ở đây, này Mahànàma, thiện nam tử, với những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cách tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp
(Hết trích).
Nói chung cũng là giữ giới,Vật kiếm được “Đúng pháp”.
***Phía người nhận:
Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya
142. Kinh Phân biệt cúng dường
(Dakkhinàvibhanga sutta)
Này Ananda, có mười bốn loại cúng dường phân loại theo hạng người. Bố thí các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, là cúng dường thứ nhất, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị Ðộc Giác Phật, là cúng dường thứ hai, phân loại theo hạng người. Bố thí các bậc A-la-hán, đệ tử Như Lai, là cúng dường thứ ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả A-la-hán là cúng dường thứ tư, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Bất lai, là cúng dường thứ năm, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Bất lai là cúng dường thứ sáu, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ bảy, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ tám, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ chín, phân loại theo hạng người. Bố thí các vị trên con đường chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ mười, phân loại theo hạng người. Bố thí những vị ngoại học (bahiraka) đã ly tham trong các dục vọng là cúng dường thứ mười một, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu gìn giữ giới luật là cúng dường thứ mười hai, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu theo ác giới là cúng dường thứ mười ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các loại bàng sanh là cúng dường thứ mười bốn, phân loại theo hạng người.
Tại đây, này Ananda, sau khi bố thí cho các loại bàng sanh, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm phần công đức. Sau khi bố thí cho những phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng đem lại ngàn phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn lần công đức. Sau khi bố thí cho các người ngoại học đã ly tham trong các dục vọng, cúng dường này có hy vọng đem lại trăm ngàn ức lần công đức. Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự lưu? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?
(Hết trích).
Đoạn kinh trên cho biết có “14 loại cúng dường theo hạng người”.
Chú ý thêm “Bố thí cho loại bàng sanh” cũng gọi là “cúng dường”. Đừng nghĩ rằng từ “Cúng dường” chì dành cho “Người cao hơn” ở phía “Bên nhận”.
Vì chúng ta không biết Ai là “Cao hay thấp” trong “14 cách phân loại” nên chỉ có cách là thêm “tâm xả” ở phía bên nhận khi “cúng dường”.Có Nghĩa đừng quan tâm đến bên nhận là người hay vật, phàm hay Thánh.Như vậy khi bố thí,cúng dường sẽ hiệu quả hơn!
Hên là : Bố thí với “Tâm xả” mà người nhận là “Thánh” thì công đức Vô Lượng!
Không hên thì vẫn có công đức như “Nhân quả” không có gì là sai “Nhân quả”.
Túm lại : đây là theo câu “Làm các điều thiện”.
Mấy điều chia sẻ cùng với các Đạo Hữu.
Kính chào thân ái!
CẨN TRỌNG KHI LÀM CÁC VIỆC THIỆN !
Cho dù là Tu Tịnh Độ, hay Tu pháp môn nào khác thì cũng có ‘Làm thiện”.
Trong quá trình “Làm thiện” có lúc tiếp xúc với con người; cho dù tiếp xúc với “Loại người nào” thì cũng không nên khởi TÂM KHINH CHÊ,ở đây không nói đến TÂM PHỈ BÁNG.
TÂM KHINH CHÊ nếu xui gặp Bậc Thánh là coi như “Phước đức” không những tiêu mà còn chịu “Nhân quả” nhiều kiếp.
Bài kinh dưới đây sẽ cho biết TÂM KHINH CHÊ BẬC ĐỘC GIÁC PHẬT sẽ chịu “Nhân quả” ra sao :
Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Kinh Phật Tự Thuyết (Cảm Hứng Ngữ)
Udàna
Chương 4-5
Chương Năm
Phẩm Trưởng Lão Sona
(III) (Ud 49)
– Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tuỳ pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
– Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Ràjagaha khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy đức Phật Ðộc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: “Ai là người hủi này lại đi dạo chơi ” và vị ấy nhổ nước miếng và xây lưng phía trái rồi bỏ đi.
Do hành động này của vị ấy được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do sự thanh thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Ràjagala này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay vị ấy do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Như người có mắt nhìn,
Cố gắng tránh lồi lõm,
Cũng vậy kẻ trí tránh,
Ðiều ác giữa đời này.
(Hết trích).
Hết./.
A Di Đà Phật!
Cúng dường Tam bảo là một phần trong phật sự Hộ pháp của chúng đệ tử tại gia chúng ta, gọi là phước huệ song tu do đó cúng dường như thế nào tránh không tạo nghiệp để được phước là một vấn đề không đơn giản, vì như Kinh dạy “chúng sanh cõi diêm phù đề khởi tâm động niệm không gì là không ác”, do đó đừng nên vội nghĩ ta cứ cúng dường là được phước, thế nên Hòa thượng Tịnh Không răn dạy chúng ta cúng dường cần cẩn trọng.
Vì vấn đề này Sư huynh Huệ Tịnh hỏi câu rất hay? Tại sao cũng cúng dường mà người được hưởng phước người bị đọa? TM chưa thấy sư huynh nào giải nghi cho các đồng đạo trên này nên liều mạng có chút ý kiến để chúng ta cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau!?
Trong phật pháp có câu “vạn pháp duy tâm” có thể hiểu nhân quả của chúng ta là do tâm tạo, vậy nên việc cúng dường phước được hưởng hay bị đọa lạc là trên cái tâm ta khi cúng dường Tam bảo chứ không căn cứ vào tài vật ta cúng dường.
Thế nào được phước? chúng ta được phước khi chúng ta cúng dường bằng tất cả tâm thanh tịnh, tâm cung kính tam bảo, cung kính một phần lợi ích một phần, cung kính 10 phần lợi ích 10 phần như bà Đề vi câu chuyện trên, bà cung kính cúng dường Tăng bảo với tâm thanh tịnh nên bà được hưởng phước.
Thế nào là tạo nghiệp? bạn cúng dường nhưng trong tâm đó là tâm THAM, bạn tham được hưởng phước, bạn tham danh mong được mọi người biết đến mình làm công đức, bạn mong Tăng biết mình, quý mình, bạn mong cầu tài, cầu lộc … cho bản thân, gia đình mình, do đó một số người có điều kiện tận lực tài thí cho tăng, ni để mong làm ăn thuận lợi, mong thăng quan phát tài … đồng tiền đó không cần biết đi đâu cứ đưa cho tăng, ni là được khiến cho tăng, ni bị đồng tiến vấy đục thân tâm dẫn đến tạo nghiệp thử hỏi người cúng dường kia sao tránh khỏi ác báo, lợi mình là ác lợi người là thiện nhân thiện quả thiện nhân ác quả ác, luật nhân quả rành rành nhưng khổ thay vì chúng ta không nghe pháp, nghe chẳng liễu nghĩa nên chẳng biết thế nào là ác thế nào là thiện.
Cùng một việc làm tâm khác nhau thì quả khác nhau!!
Trong chuyện vãng sanh, chúng ta thấy 99% trường hợp vãng sanh là ông già bà cả lão thật niệm Phật, chẳng cần biết cúng dường các vị tăng ni là gì mà vãng sanh tự tại, nhưng không thể nói họ không cúng dường mà những người này là Đại cúng dường vì Phổ Hiện hạnh nguyện nêu rõ y pháp tu hành là cúng dường đệ nhất, y pháp đây là nhất tâm niệm Phật cầu sanh tịnh độ không khởi tâm nào khác, Ấn Quang Đại sư gọi là tịnh niệm tương kế, từ sáng đến tối, từ tối đến sang chỉ niệm Phật ngoài ra không khởi tâm nào khác, Hòa thượng Tịnh Không trong Thái thượng Cảm ứng thiên cũng nói, người vãng sanh chưa thấy vị nào là duy na, dẫn chúng, trưởng đạo tràng nào được vãng sanh (những người mà ở địa đó vãng sanh đều là bồ tát thị hiện cả) không có phần phàm phu, vì những người này lạc vào tu phước, tâm họ đa đoan quá nhiều việc, tâm không tịnh được thì cõi Phật không tịnh nên không vãng sanh được, họ chỉ có phước báu rất lớn; phước lớn không vãng sanh thì quả báo đời thứ 3 các bạn đều biết rồi.
Đệ tử chúng con trong đời mạt pháp này xin trân trọng pháp duyên được nghe thày Tịnh Không giảng dạy, y pháp tu hành mong thoát được Tam đồ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
A Di Đà Phật!
Cảm ơn đạo hữu Tịnh Minh giải đáp rất hay cho HT và tất cả mọi người. Vậy cho HT xin hỏi thêm câu hỏi này nhe.
Ai cũng biết ông tỷ phú Bill Gates bố thí 1/2 gia tài của ổng cho hội tự thiện và còn kêu gọi các tỷ phú khác đồng phát tâm bố thí tài sản theo nữa. Trong khi đó một Phật tử bình thường phát tâm cúng dường Tam Bảo rất ít tiền vì không đủ khả năng giàu có như ông Bill Gates.
Hai trường họp như vậy theo đạo hữu Tịnh Minh và các thiện tri thức khác xem người nào có phước báo lớn hơn? Vì sao?
A Di Đà Phật!
Ông Billgates bố thí 1/2 tài sản ta cũng bố thí 1/2 tài sản thì như Hòa Thượng Tịnh Không dạy, phước đức như nhau. TM có đọc bài pháp của Ấn Tổ, Ngài có dạy tuy không phân biệt nhưng những bậc Đại thí chủ dù họ bố thí một phần nhưng bằng trăm ngàn người khác, do đó Phật sự lớn không thể không có họ chung sức.
Bố thí như BG là tu phước, nhưng Tịnh Minh có thắc mắc xin hỏi sư huynh Huệ Tịnh, các đồng tu trả lời dùm bố thí, cúng dường như thế nào mới có công đức.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi Đạo hữu Tịnh Minh,
Bố thí như BG là tu phước, nhưng Tịnh Minh có thắc mắc xin hỏi sư huynh Huệ Tịnh, các đồng tu trả lời dùm bố thí, cúng dường như thế nào mới có công đức.
Câu hỏi của Đạo hữu thực đã là câu trả lời rồi, nhưng TN biết Đạo hữu vì đại chúng mà hỏi, điều này thật đáng quý.
Để chia sẻ về phước và đức, Trung Đạo xin mạo muội dẫn lại một đoạn từ phẩm Nghi Vấn trong Pháp Bảo Đàn Kinh về cuộc đối đáp giữa Tổ Đạt Ma và vua Lương Võ Đế khi ngài Đạt Ma đặt chân tới Trung Quốc:
“Một hôm Vi thứ sử vì Tổ thiết đại hội trai, trai xong, Thứ sử thỉnh Tổ đăng tòa, quan liêu sĩ thứ đều thành kính lễ bái, hỏi rằng:
Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp, thật không thể nghĩ bàn, nay có một ít nghi, cúi mong Ngài đại từ đại bi đặc biệt vì giải nói.
Tổ bảo:
Có nghi liền hỏi, tôi sẽ vì các ông mà nói.
Thứ sử thưa:
Hòa thượng nói pháp, đâu không phải là tông chỉ của Tổ Đạt-ma ư?
Tổ bảo:
Đúng vậy!
Thứ sử thưa:
Đệ tử nghe Tổ Đạt-ma khi mới đến vua Lương Võ Đế, Võ Đế hỏi: “Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?” Tổ Đạt-ma bảo: “Thật không có công đức.” Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa thượng vì nói.
Tổ bảo:
Thật không có công đức, chớ nghi lời của bậc tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, không phải do tu phước mà được.”
Để cắt nghĩa về phước và đức Tổ Huệ Năng nói:
„Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, diệu dụng chân thật gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ phép là đức; Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, Tâm thể lìa niệm là đức; không lìa tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức pháp thân, chỉ y nơi đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công. Tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả. Này Thiện tri thức, mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi Tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau.Võ Đế không biết chân lý, không phải Tổ sư ta có lỗi.“
Hàng ngày chúng ta niệm Phật là dùng động chế động. Động có nội động và ngoại động. Nội động là tất cả những phiền não trong tâm khởi lên khi niệm Phật; Ngoại động là khi sáu căn tiếp xúc 6 trần sanh ra sáu thức rồi thọ dụng 6 thức đó sanh ra cảnh giới trần lao, bờ mê sanh tử. Do vậy niệm Phật muốn cho được an lạc thì chúng ta phải ráng cố gắng: ngoài chẳng chấp cảnh, trong luôn thấy tự tánh chẳng động = tự tu tánh là công, tự tu thân là đức. Nếu chúng ta ráng thực hành được như vậy, ngày qua ngày những phiền não sẽ dần được đoạn diệt…
TĐ
A Di Đà Phật đạo hữu Tịnh Minh.
Huệ Tịnh sẽ trích bài này cho TM thấy câu trả lời “Ông Billgates bố thí 1/2 tài sản ta cũng bố thí 1/2 tài sản thì như Hòa Thượng Tịnh Không dạy, phước đức như nhau” cho thấy chưa đúng lắm. Và bài này cũng sẽ trả lời cho câu hỏi của đạo hữu Tịnh Minh.
Trích một đoạn từ bài:
“Ý Nghĩa Của Công Đức Và Phúc Đức”
Thích Chân Tuệ
Cất hàng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai cúng dường, bố thí, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, chỉ là những việc làm “bên ngoài”, có ích lợi cho mọi người, những việc làm cầu phúc, nên gọi là phúc đức.
Phúc đức có công năng giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên đường đời, để bớt chướng ngại trên đường đạo, chứ không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng trầm luân sinh tử.
Phúc đức có tính cách “hữu lậu” hay “hữu vi”, nghĩa là con người hưởng phúc vẫn còn trong lục đạo luân hồi. Khi thụ hưởng hết phúc rồi thì bị đọa lạc để đền trả quả báo.
Còn công đức là công phu tu tập “bên trong”, có ích lợi cho chính mình, nhờ hành trì theo lời Phật dạy trong các kinh điển, luôn luôn niệm Phật, giữ gìn giới luật, tu tập thiền định, phát huy trí tuệ bát nhã.
Nghĩa là chúng ta tu tập tam vô lậu học “Giới Ðịnh Tuệ” và tam tuệ học “Văn Tư Tu”, nhằm mục đích cứu kính là: thoát ly khỏi lục đạo sinh tử luân hồi.
Công đức có năng lực giúp chúng ta vượt qua bể khổ sông mê, chóng đến bờ giác ngộ và giải thoát. Công đức có tính cách “vô lậu” hay “vô vi”, nghĩa là không còn trong lục đạo sinh tử luân hồi nữa. Công đức giúp con người chuyển hóa tâm tính từ phàm phu tục tử trở thành bồ tát, thành Phật.
Chúng ta làm những việc như lập chùa hay góp phần xây cất chùa, tham gia phát triển chùa, phát huy các sinh hoạt, các hoạt động của chùa, của giáo hội, giúp cho mọi người khác có được cơ sở để tu học, để hành đạo, giúp cho Phật giáo có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn, vững chắc hơn, độ được nhiều người hữu duyên hơn nữa.
Những việc làm này đem lại lợi ích cho nhiều người như vậy, tất nhiên sẽ đem lại cho chúng ta thực nhiều phúc đức.
Còn riêng bản thân mình thì không biết tu tâm dưỡng tính, không học kinh điển, không biết trì giới, không tu tập thiền định, không phát huy trí tuệ bát nhã, cho nên tất cả việc làm trên đây chỉ là những việc làm bên ngoài, có ích lợi cho nhiều người, nhưng không ích lợi cho bản thân mình về phương diện giác ngộ và giải thoát. Tại sao vậy?
Bởi vì, tâm tham lam, sân hận, si mê bên trong chẳng những không giảm bớt mà lại có chiều hướng tăng thêm, vô minh phiền não không tan biến chút nào mà lại có phần dầy đặc hơn.
Vì chấp chặt mình đã làm được bao nhiêu việc ích lợi như vậy, dễ có mấy ai làm được như mình, nên tâm cống cao ngã mạn, phách lối ngày một tăng thêm, mục hạ vô nhân, khen mình khinh người.
Những việc làm khác như góp phần ấn tống kinh sách cho người khác đọc, còn mình thì không đọc, góp phần bố thí cúng dường, giúp đỡ người hoạn nạn, nghèo khó, nhưng không hiểu ý nghĩa cao cả của những việc làm đó, lại sinh tâm cầu mong được “trả công bội hậu” ở cõi thiên đàng sau này. Tất cả những việc làm đó chỉ tạo nên phúc đức mà thôi.
Thí dụ như có người bố thí cho nhà nghèo, hoặc cúng chùa một số tiền nào đó, với tâm mong cầu được trúng số độc đắc, được buôn may bán đắt, được nhất bản vạn lợi, được thi đâu đậu đó, được gia đạo bình an, được tình duyên may mắn, được vạn sự bình yên, được muôn sự như ý, muốn gì được nấy.
Như vậy, lòng tham lam tăng thêm quá mức thì “làm sao có công đức được!”. Làm như vậy, chỉ có phúc đức hạn chế theo số tiền đã bỏ ra mà thôi. Gieo nhân nhỏ thì chỉ nhận được quả nhỏ, không thể khác được.
Nếu như bố thí, cúng dường mà tâm không mong cầu gì cả, thi ân bất cầu báo đáp, cúng chùa để chùa có thêm phương tiện sinh hoạt ích lợi cho mọi người, giúp người để cho người qua cơn khó khăn, túng thiếu, không đắn đo, không suy nghĩ, không tính toán gì thêm nữa, chúng ta sẽ bớt đi tâm tham lam, bỏn sẻn, tăng trưởng tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả.
Như vậy, những việc làm đó vừa ích lợi cho người, vừa ích lợi cho mình. Nghĩa là vừa được phúc đức vừa được công đức.
Chúng ta hãy tinh tấn làm tất cả những việc thiện, rồi quên hết đi, không chấp chặt vào đó, để kể lể công lao, hay mong cầu phúc báo về sau, tâm cầu danh của chúng ta sẽ bớt đi, tâm chấp ngã cũng nhẹ hơn trước, thì những việc làm đó vừa ích lợi cho người và cho mình, tạo nên phúc đức và công đức vậy.
Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”. Nghĩa là chúng ta không làm tất cả các việc bất thiện, không làm những việc ác, tránh những việc tổn người hại vật, cố gắng làm tất cả những việc thiện, những việc ích lợi cho người khác, nhưng đừng ghi nhớ, đừng chấp chặt vào những việc ích lợi đã làm, thì tâm ý của chúng ta sẽ được thanh tịnh.
Ðó là tu tâm dưỡng tính, đó là điều cốt yếu chư Phật mười phương ba đời muốn dạy như vậy.
Thí dụ chúng ta đã làm những việc ích lợi cho bất cứ ai mà chấp chặt vào đó thì tâm của chúng ta sẽ bực dọc, bất an khi không được ai khen tặng hoặc không được ai đáp ứng như ý.
Nếu như quên đi những việc thiện đã làm, giúp đỡ người với tâm “thi ân bất cầu báo đáp”, thì chúng ta sẽ yên ổn, bình an, tâm của chúng ta sẽ không loạn động, không bực bội khi gặp phải người vô ơn.”
===============================================
Huệ Tịnh thấy bài này bổ sung thêm cho bài giải đáp của đạo hữu Trung Đạo cho nên xin cùng chia sẻ mong đem lại lợi ích cho tất cả các đạo hữu.
Người tu pháp môn Tịnh Độ nên nhớ phải một lòng hồi hướng tất cả công đức và phước đức hiện đời quy tụ về Tây Phương Cực Lạc thì mới chuyển biến tất cả nhân thành quả vô vi chứ không phải hữu vi cho dù là việc thiện làm rất là nhỏ. Quả vô vi hay hữu vi là do sự hướng tâm vô ngã quảng Đại hay tâm cá nhân ích kỷ khi làm một việc lợi ích cho người và vật. Cho nên vừa tu tâm “niệm Phật” vừa làm “việc lợi ích” nhỏ hay lớn không quan trọng nhưng lúc nào cũng vì nguyện để vãng sanh Cực Lạc thành Phật mà gieo trồng tăng trưởng thì người này mới được gọi là “đầy đủ thiện căn phước đức” đủ điều kiện làm thượng thiện nhơn ở cõi Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A di đà phật!
Sư Huynh Trung Đạo, Huệ Tịnh trả lời về công đức rất đúng, Tịnh minh học hỏi đ c rất nhiều; TM chỉ băn khoăn Huynh HT bảo Bg bố thí 1/2 tài sản và ta cũng thí 1/2 tài sản phước đức như nhau chưa đc đúng lắm. Bài trả lời Huynh Huệ Tịnh chưa đi sâu vào giải nghi v đ này, kính Huynh có thêm chia sẻ để mọi người tỏ ngộ, vì pháp vốn sâu nên mong giải thích đơn giản để đệ còn hiểu.
Nam mô A di đà phật!
A Di Đà Phật đạo hữu Tịnh Minh.
Huệ Tịnh nghĩ nếu chúng ta chỉ đem khía cạnh số lượng bố thí tài sản để so sánh cho rằng đó là bằng nhau thì không thể nào được vì quả thật ông BG bỏ ra tỷ tiền làm sao kẻ bình thường như mình so sánh nổi. Nhưng nói về cách dụng tâm chiều sâu cạng của người bố thí và cách hồi hướng ra sao thì quả thật chưa chắc ông BG hơn một Phật tử có tâm Bồ Đề quảng đại. Thậm chí còn thua xa nữa nếu tâm ông BG chỉ bỏ tiền làm tự thiện chứ không có nhân cách hướng tâm vì thoát sanh tử luân hồi mà làm. Với lại tỷ tiền của ông BG bỏ ra để bố thí chỉ đến tay dân nghèo cứu khổ chứ không có một chút gì về gieo nhân tu hành “Tam Bảo”. Trong khi đó một người Phật cúng dường “Tam Bảo” tuy ít tiền như ấn tống kinh điển Đại Thừa nhưng phước đức và công đức khó mà lường được vì người đó vì hướng tâm vãng sanh về Cực Lạc mà cúng dường. Người nhận được sự cúng duờng kinh điển y theo đó mà khai ngộ tu hành tương lai thành Phật có công đức phước đức vô lượng vô biên thì TM nghĩ xem ai có phước đức hơn chưa kể công đức nữa?
Huệ Tịnh chia sẻ sở hiểu biết nông cạn nếu không chính xác xin đạo hữu Tịnh Minh hay các vị thiện tri thức khác chỉ dạy thêm.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà phật
Cho con hỏi nếu người tại gia nhận cúng dường kinh sách, phẩm vật ấn tống mà không tu nỗ lực tu trì vậy người cúng được gì và người nhận chịu quả báo gì xin chư vị phúc đáp cho con rõ A Di Đà Phật
A Di Đà Phật,
Đáp: Nếu không nỗ lực tu trì, thì luân hồi sanh tử tiếp tục. Người cúng dường Kinh Sách đa phần thì vẫn được phước báu từ việc Bố Thí Pháp, tức được thông minh trí tuệ, cũng được đủ ăn đủ mặc do Bố Thí Tài, bỏ tiền in Kinh Sách…là nói trên cách nói thô nhất, tuy nhiên nếu họ cúng dường Kinh Sách với tâm Buông Xả, ko mong cầu quả báo, ko dính tướng thì quả báo thật là ko thể nghĩ bàn! Nhưng nếu cúng dường Kinh Sách với tâm mong cầu chấp trước sâu nặng, lo được lo mất, thậm chí lại sanh tâm bất bình, giận hờn vì lý do nào đó…thì phước đức liền ngay đó tiêu mất, chẳng được lợi ích gì. Vì phước đức cùng công đức đều trồng ngay tại tâm mình, tâm này là ruộng phước, tâm này 1 niệm si mê thì phước đức cũng chẳng còn, chỗ này cũng là ko thể nghĩ bàn, phải xem ở chỗ dụng tâm của người hành pháp bố thí cúng dường thì mới có thể khẳng định được. Phàm phu chúng ta thì nhìn bề ngoài, đa phần đều trật, nên cẩn trọng trong việc “phán xét” nhân quả việc làm của người khác, ko khéo thì sẽ phạm tội vọng ngữ và ác khẩu.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Cho con hỏi là khi biết số tiền mình cúng dường cho 1 ngôi chùa nào đó sẽ được dùng vào việc từ thiện thì khi đó có phải là việc mình làm đã đúng rồi không ạ?Xin quý thầy hoan hỉ cho biết