Thời Đức Phật tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện nhân dân đều quy Tam bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy. Khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có.
Trong huyện, có một người con dòng dõi, sắp đi buôn tha phương. Trước khi đi, cha mẹ cặn kẽ dặn rằng: “Con nên cố gắng siêng năng, giữ gìn 5 giới cấm, thực hành mười điều thiện và cẩn thận chớ uống rượu, phạm đến trọng giới của Phật”.
Người con vui vẻ ra đi, khi qua tới xứ khác vừa gặp người bạn đồng học cùng nhau chuyện trò tương đắc vui vẻ lắm. Bạn mời về nhà, đem rượu Bồ đào ra đãi. Người ấy tự cười nói rằng: “Nước tôi toàn giữ năm giới cấm của Phật, không một ai dám uống rượu; vì nếu uống rượu thì đời sau phải ngu si đần độn không thấy được Phật. Vả lại khi ra đi, cha mẹ tôi khuyên không nên uống rượu. Bây giờ tôi phạm giới cấm, thời trái mệnh lệnh của cha mẹ, tội ấy chẳng gì lớn bằng. Chúng ta là bạn thâm giao lâu ngày, được gặp nhau không gì mừng rỡ hơn nữa. Nhưng bạn chớ làm tôi phạm giới cấm của Phật và trái lời dạy của song thân tôi”.
Người bạn tiếp lời: “Chúng ta là bạn đồng học một thầy, coi như anh em ruột; cha mẹ tôi cũng như cha mẹ anh, với cha mẹ, chúng ta có bổn phận kính thờ, không được trái mạng. Tôi nếu ở bên nhà anh là phải tuân theo ý muốn của cha mẹ anh, nhưng nay anh ở nhà tôi anh nên tùy thuận ý của cha mẹ tôi mới phải”.
Trước sự khẩn khoản của lòng bạn, anh ta phải uống rượu, uống xong anh ta say luôn trong ba ngày, không biết gì, khi tỉnh anh ta ăn năn lo sợ vô cùng.
Công việc xong, người ấy trở về nhà trình lỗi của mình cho cha mẹ rõ; cha mẹ tức giận mắng rằng: “Ngươi trái lời ta, phạm giới cấm thật là loạn pháp, không phải đứa con thảo”. Tự nghĩ làm gương trước cho mọi người trong xứ, cha mẹ bèn thâu hết đồ đạc của đứa con, rồi đuổi ra khỏi nhà. Người con bị đuổi bèn đi qua nước khác, xin ở đậu trong một cái nhà. Chủ nhà ấy là người thờ phụng quỷ thần, thứ quỉ thần rất khôn ngoan, hay hiện ra thân người, ăn uống nói chuyện, chủ nhà ấy hết lòng tin tưởng với quỷ thần. Vì phải thờ phụng lâu năm mệt nhọc, của tiền hết sạch, trong nhà người đau chết xảy ra luôn, quỷ thần không cứu gì cả. Quỷ thần hiểu ý chủ nhà, liền bảo với nhau: “Nhà này của tiền hết sạch cũng chính vì ta. Ðã lâu ta chưa làm gì được lợi ích cho chủ, nên chủ chán nản là phải lắm. Bây giờ chúng ta phải kiếm đồ trân bảo đem về biếu chủ, để chủ vui lòng”. Nói rồi, cùng nhau đi lấy trộm vàng bạc trong kho nhà vua của nước khác, đem về giấu ở sau vườn rồi bảo chủ rằng: “Ngươi có công nhọc, nay ta muốn ban phước cho ngươi được giàu có. Sau vườn nhà ngươi có một tráp vàng bạc, ta cho ngươi đó”. Chủ nhà ra vườn tìm thấy tráp vàng, sung sướng lắm, sáng sớm thiết tiệc rất long trọng mời thần tạ ân.
Thần vừa đến cửa, thấy trong nhà có bóng người ở nước Xá Vệ, liền tránh không đi vào. Chủ nhà chạy theo cố mời trở lại. Thần trả lời: “Trong nhà ngươi có vị Tôn khách ta đâu dám vào”. Nói xong rồi tỏ vẻ sợ hãi rồi bỏ chạy. Chủ nhà nghĩ trong nhà chỉ có một mình người khách này thôi, liền kính cẩn đến thưa rằng: “Xin mời ngài đến dự tiệc với chúng tôi cho vui”. Ăn uống xong chủ nhà hỏi vị Tôn khách rằng: “Ngài có công đức gì mà vị thần của tôi thờ phụng sợ hãi ngài mà phải tránh đi?”.
Vị Tôn khách trả lời: “Tôi chỉ có công đức thọ trì 5 giới và mười điều thiện của Ðức Phật. Tôi vi phạm một giới uống rượu, bị cha mẹ đuổi, qua trọ tại đây. Nhưng còn giữ được bốn giới nên thiên thần ủng hộ, còn thần của ngươi thờ phụng là thứ tà thần ác quỷ làm sao sánh kịp”.
Chủ nhà thưa rằng: “Tôi thờ các vị thần đã lâu rồi, không có lợi ích gì nên tôi chán quá, mong ngài hoan hỷ dạy cho”. Nói rồi bèn theo vị Tôn khách thọ trì Tam quy Ngũ giới và pháp thập thiện. Thọ xong một lòng tinh tấn siêng năng phụng trì không hề hủy phạm. Một hôm hỏi vị Tôn khách rằng: “Ðức Phật hiện nay ở đâu? Có thể đến yết kiến Ngài được không?” Tôn khách trả lời: “Ðức Phật hiện nay ở nước Xá Vệ trong vườn Cấp Cô Ðộc, qua đó sẽ được yết kiến Ngài”.
Nghe vậy, người chủ nhà rất sung sướng, quyết qua Xá Vệ để yết kiến Phật. Giữa đường trời tối ghé lại xin trọ một nhà thiếu nữ xinh đẹp. Thiếu nữ ấy chính là vợ của một con quỷ ăn thịt người. Thiếu nữ liền can rằng: “Ông chớ ở lại đây nên đi gấp tốt hơn”. Người ấy hỏi có gì nguy hiểm chăng? Thiếu nữ tỏ ý không bằng lòng nói rằng: “Tôi đã nói với ông như vậy, ông còn hỏi làm gì nữa”. Người kia tự nghĩ: “Người ở nước Xá Vệ chỉ giữ 4 giới của Phật còn khiến cho quỹ thần sợ hãi thay, huống chi ta đã thọ trì chắc chắn pháp Tam quy Ngũ giới và Thập thiện của Phật”. Nghĩ vậy, nhất định ở lại không chịu đi. Ðêm ấy con quỷ ăn thịt người về nhà thấy có khách oai thần và công đức trì giới nên phải lẩn quẫn ngoài hè, rồi đi trọ một đêm nơi nhà hàng xóm cách xa tới bốn mươi dặm. Sớm mai người ấy lên đường để qua Xá Vệ. Ra khỏi cửa ngỏ, thấy thây chết xương máu đầy đường, do quỷ ăn thịt người đã ăn xả.
Cảnh tượng ấy khiến người kia quá sợ hãi và hối hận rằng: “Nước ta sẵn đủ áo mặc, cơm ăn, nhà ở, không thiếu món chi ở trong nhà chẳng sướng hơn sao? Ta tưởng đến được yết kiến Phật và coi sự kỳ diệu của Ngài, ngờ đâu lại gặp hài cốt rùng rợn như vậy”. Nghĩ xong chàng sanh ác ý, trở về khuyên người thiếu nữ kia theo mình trở về nước, cùng nhau chung sống trăm năm. Khi về ngay nhà thiếu nữ xin ở lại. Thiếu phụ hỏi: “Sao ông phải trở lui vậy?”. Người kia đáp: “Hành kế không thành nên tôi phải trở lui, mong thiếu nữ cho tôi ở tạm một đêm”. Thiếu nữ nói: “Ông ở đây chắc chắn phải chết vì chồng tôi. Chồng tôi là quỷ ăn thịt người và sắp về đến. Ông nên đi gấp tốt hơn”. Người ấy không tin, năn nỉ xin ở lại cho được và trước sắp đẹp của thiếu nữ, người ấy khởi nhiều ý niệm không tốt đẹp, không còn tin pháp Tam quy Ngũ giới và thập thiện của Phật. Vị thiện thần hộ giới liền bỏ đi không ủng hộ cho người ấy nữa.
Quỷ ăn thịt người được dịp thuận tiện trở về. Thiếu phụ sợ chồng ăn thịt người kia tội nghiệp nên đem lòng thương hại, giấu người kia trong một cái lu. Quỉ bắt hơi người bảo vợ: “Mình có kiếm được thịt người phải không? Bây giờ ta thèm lắm”. Vợ trả lời: “Tôi không đi đâu cả làm chi có thịt, sao hôm qua không thấy anh về?”. Con quỷ nói: “Hôm qua trong nhà có vị Tôn khách nên ta phải đi tránh”. Người ở trong lu nghe vậy càng thêm sợ hãi, đến nỗi không nhớ gì đến pháp Tam qui Ngũ giới của mình thọ. Người vợ hỏi tiếp: “Vì lẽ gì anh không kiếm được thịt?”. Quỷ trả lời: “Vì trong nhà có đệ tử của Phật ở lại, nên thiên thần đuổi ta đi xa ngoài bốn mươi dặm, phải ngủ trống giữa trời một đêm rất là sợ hãi, đến bây giờ vẫn chưa hoàn hồn, cho nên không kiếm thịt được”. Người vợ nghe vậy rất mừng thầm, mới hỏi chồng làm thế nào được nghe và phụng trì giới cấm của Phật?”. Quỷ trả lời: “Bây giờ ta đói lắm, lấy thịt cho ta ăn đã, không nên hỏi việc ấy vội. Giới là pháp vô thượng chân chánh của Ðức Như Lai, ta đâu dám nói đến”. Người vợ cố năn nỉ: “Anh hãy vì tôi nói đi, tôi sẽ lấy thịt anh ăn”. Giống quỷ tham ăn đã sẵn, thèm ăn lắm, lại thêm vợ cố hỏi, buộc phải nói Tam quy Ngũ giới cho vợ nghe.
Pháp Tam quy là:
1/ Quy y Phật
2/ Quy y Pháp
3/ Quy y Tăng
Ngũ giới là:
1/ Không sát sinh
2/ Không trộm cắp
3/ Không tà dâm
4/ Không nói dối
5/ Không uống rượu.
Khi quỷ vừa nói giới đầu, người vợ nghe liền định tâm lĩnh thọ, lần lượt nói hết 5 giới, thì vợ quỷ rất sung sướng nhất tâm chấp trì, và miệng đọc tụng không nghỉ. Người giấu ở trong lu nghe lại được pháp Tam quy Ngũ giới rất lấy làm hổ thẹn và vui mừng, tự tâm lãnh thọ trở lại.
Thiên Ðế Thích biết hai người này đã phát tâm quy y Phật, thọ trì 5 giới, bèn lựa 50 vị thiên thần đến ủng hộ hai người ấy. Quỷ ăn thịt người sợ hãi phải trốn đi nơi khác.
Ðến sáng, vợ quỷ hỏi người giấu ở trong lu: “Những chuyện vừa qua ông có sợ không?”. Người kia trả lời: “Sợ lắm, nhưng được cái may là nhờ ơn ân giả, mà tôi ngày nay được hiểu biết oai thần và công đức giới pháp của Phật!”.
Vợ hỏi tiếp: “Hôm qua ông trở lui làm gì vậy?”.
– Vì tôi thấy hài cốt đầy đường nên quá sợ hãi phải trở lui.
Vợ quỷ mới nói rằng: “Hài cốt đó chính tôi bỏ đấy”. Tôi đây vốn con nhà lương thiện, không may bị quỷ bắt đem về làm vợ, tôi buồn khổ vô cùng, nhưng chẳng biết tỏ cùng ai. Nhờ ơn nhân giả tôi được thọ năm giới cấm của Phật và được xa lánh con quỷ ác độc này thật là hạnh phúc cho tôi. Bây giờ nhân giả còn đi đâu nữa?
– Tôi cần qua nước Xá Vệ đế yết kiến Phật. Thiếu nữ nghe lấy rất làm sung sướng khen rằng: “Hay lắm thay! Tôi sẽ về nhà đem cha mẹ tôi theo nhân giả đi yết kiến Phật”. Nói xong, cùng nhau lên đường. Ði được nữa đường thì gặp một đoàn 498 người ở bên nước Xá Vệ đi về. Người kia và thiếu nữ mới hỏi: “Các hiền giả đi đâu đông thế?”.
– Chúng tôi đi yết kiến Phật về đây.
– Chúng tôi sắp qua nước Xá Vệ, chúng tôi nhờ thọ trì Tam quy Ngũ giới và mười điều thiện của Phật nên mới thoát khỏi nạn quỷ ăn thịt. Nay chúng tôi muốn qua yết kiến để tạ ơn và nghe thuyết pháp. Các hiền giả được thấy Phật rồi còn đi đâu làm gì nữa?
– “Phật thuyết pháp suốt ngày, nhưng chúng tôi ngu độn chưa hiểu được rõ. Nay trở về nước được gặp hai hiền giả và được nghe hai hiền giả cho biết công đức của người trì giới pháp của Phật. Chúng tôi xin theo hai hiền giả trở lui một lần nữa để yết kiến Phật”.
Phật ở xa trông thấy đoàn người kéo đến liền mĩm cười chói tỏa hào quang năm sắc, tôn giả A Nan liền bước ra quì sát đất, trong tâm nghĩ ngợi, chắc Phật sắp dạy điều gì đây.
Phật bảo A Nan: “Ngươi có hiểu không, ngươi có thấy 498 người khi nãy trở về đây không?”.
A Nan thưa: “Bạch Ðức Thế Tôn, con có thấy”.
Ðức Phật thuật lại tất cả việc xảy ra và bảo: “498 người đó ngày nay đã gặp được thầy và đã được thấy Phật, rồi đây họ sẽ đắc đạo không lâu”.
Cả 500 người đến trước Phật đảnh lễ một cách rất thành kính và nhất tâm thính Pháp, mọi người đều được tâm ý thông suốt thành các bậc Sa môn và chứng được đạo quả A La Hán.
Phật dạy A Nan và chúng hội rằng: “Các người nên biết người phạm giới kia với thiếu nữ vợ con quỷ ăn thịt người là anh em trong nhiều đời vậy. Hai người này đời trước chính là thầy của 498 người kia đó, chớ không phải ai xa lạ”.
Người đời phát tâm tu hành cầu đạo, thọ trì giới pháp, cần gặp được thầy hiền bạn tốt sự tu hành mới mong kết quả.
Phật dạy đến đây, các vị Tỳ kheo, 500 người ấy; và tất cả chúng hội đều sung sướng vui mừng, đảnh lễ Phật, và nguyện nhất tâm giữ gìn tịnh giới.
Chân Thuyên
Giới luật là thọ mạng Phật pháp
Giới luật còn Phật pháp còn.
(Trích từ Truyện cổ Phật giáo)
Chú Tịnh Thái và các cô chú thiện tri thức ơi. Đầu tiên con xin thành tâm sám hối do con ngu ngờ, quá nhiều tà kiến, ngã chấp quá nặng nên mới hỏi ra câu hỏi ngu ngốc này: Con đọc qua Kinh Lời Dạy Cuối Cùng của Phật có đoạn như sau : Trước khi nhập Niết bàn, Phật dạy: “Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu, đoán quẻ tốt xấu, xem sao đoán mạng, nghiên cứu địa lý, tìm tòi hưng suy, hay coi lịch đoán số”. Nhưng Hòa Thượng Hải Hiền, người mà được Hòa Thượng Tinh Không hết sức tán thán về sự tự tại vãng sanh của Ngài Hải Hiền lại sống cả đời bằng việc khai khẩn đất hoang để trồng trọt. Vậy việc làm này có trái với Lời Dạy Cuối Cùng của Phật “Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang…” Con suy nghĩ mà không thông nên xin sám hối đưa ra câu hỏi này nhờ các vị thiện tri thức dạy bảo con hiểu. Con xin cám ơn.
Con xin được trình bày là câu hỏi này không có một chút ý định nhằm bài báng Phật pháp mà chẳng qua vì con quá ngu muội nghĩ hoài chưa thông mà lại không bỏ được cái suy nghĩ để giải đáp câu hỏi này nên mới mạo muội mà hỏi ra âu cũng chỉ để giải được cái gút mắc trong con chứ không phải làm cho mọi người mất niềm tin gì cả. Xin mọi người hoan hỷ vì con biết các ngài sống trên thế gian này đều là bồ tát thị hiện nên mọi việc làm của các ngài đều là biểu pháp để dạy chúng sanh, nhưng do căn tánh thấp kém nên con nghĩ hoài mà không thông, xin chỉ dạycon . A DI ĐÀ PHÂT.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Sơn,
Câu hỏi bạn đặt ra rất ý nghĩa, nhưng không đầy đủ và dễ dẫn đến sự hiểu lầm cho mọi người, vì vậy TN xin chép lại nguyên câu để các Đạo hữu không sanh nghi, rồi suy diễn mà tổn phước.
Câu bạn trích, nguyên văn như sau: „Người giữ giới thì không được kinh doanh, thương mại, xây dựng nhà cửa, cày cấy ruộng vườn, đầu tư nông nghiệp, thuê người giúp việc, theo kiểu thế tục. Không được chặt đốn cây cối, đào đất, móc hang, điều chế dược liệu, đoán quẻ tốt xấu, xem sao đoán mạng, nghiên cứu địa lý, tìm tòi hưng suy, hay coi lịch đoán số“ (Trích những lời dạy cuối cùng của Phật trước khi nhập Niết Bàn).
Mấu chốt quan trọng nhất của câu này là: Người Giữ Giới. Bạn cần đặt ra câu hỏi: Nếu HT Hải Hiền không phải là Người Giữ Giới liệu Hoà Thượng có được vãng sanh không? Và Phật A Di Đà có đến để thông định cho Ngài biết thời gian Ngài cần trụ thế và ngày giờ Ngài vãng sanh không? Chắc chắn là không thể. Điều này trong Kinh A Di Đà Phật Thích Ca nói rất cụ thể: „Xá Lợi Phất! Chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi đó“.
Do vậy điều này chúng ta nên hiểu thật sâu sắc: Phật pháp là tuỳ duyên nhưng chẳng bất biến. Thời Phật tại thế, các Chư Tăng dưỡng thân chủ yếu bằng sự khất thực, vì thế Phật đã chế ra những giới luật để ngăn ngừa các đệ tử vì tham ngũ dục (danh, sắc, tài, ngủ, nghỉ) mà phạm giới.
Chúng ta đang sống cách thời Phật nhập diệt là hơn 2600 năm, vì thế có những giới luật đã phải tuỳ theo duyên nơi người tu hành thời nay để cân đối cho thích hợp với điều kiện và cuộc sống hiện tại. Giả sử Phật dạy: „„Người giữ giới thì không được kinh doanh, thương mại, xây dựng nhà cửa, cày cấy ruộng vườn, đầu tư nông nghiệp, thuê người giúp việc, theo kiểu thế tục“. Nếu HT Hải Hiền đầu tư nông nghiệp, rồi thuê, nuôi người trồng trọt, canh tác… để buôn bán, đổi chác, thu lợi nhuận, tạo dựng cho cuộc sống cá nhân=phạm giới. Nhưng HT cùng các chư Tăng nơi Ngài trụ trì vốn không thể sống bằng sự Khất Thực, vì thế muốn duy trì được thân mạng để tu hành, hoằng pháp, độ sanh, buộc Ngài cùng các Chư Tăng trong chùa phải tự thân trồng trọt, phải canh tác để lấy đó nuôi dưỡng thân mạng thì mới có thể tu hành được và độ thế được. Hơn thế HT còn đem những vật thực đó để bố thí và độ thế. Như vậy hành động trồng trọt, canh tác không phải vì Hoà Thượng mà vì tha nhân mà làm. Đây là một biểu pháp vô cùng cao đẹp đáng để cho chúng ta thời nay – những hậu nhân thời mạt pháp lấy đó để học tập.
Chúng ta học pháp của Phật nhưng phải luôn tỉnh giác. Ví thử Phật nói: Người tu hành (nói chung) phải giữ giới không được sát sanh. Vậy thế nào mới là sát sanh? Nhiều người bảo: Tôi chẳng giết người, chẳng giết vật=tôi đã giữ giới sát sanh. Đó mới là hiểu bề nổi những lời Phật dạy, bởi cái nhân của sự sát sanh vốn chẳng khởi từ thân hay khẩu, mà từ ý mà phát sanh. Ý khởi muốn giết người; ý khởi muốn ăn con nọ, thịt con kia… sẽ dẫn đến khẩu, thân hành theo. Đây là điều thật rất vi tế, nếu chúng ta không để ý và không thường quán chiếu thì chúng ta sẽ phạm giới trong từng niệm niệm mà chẳng hay biết. Điều này cũng tương tự như giới tà dâm, trộm cắp, nói dối, bia rượu, bởi chẳng phải khi chúng ta đi „ngủ lang, ngủ trọ“ với người khác giới khi đã có gia đình thì chúng ta mới phạm giới tà dâm. Trái lại khi khởi ý muốn đụng chạm, chung đụng thể xác, thậm chí muốn chiêm ngưỡng, xem, ngắm tranh, phim, ảnh loã lồ, hay của người khác giới=phạm giới tà dâm rồi.
Cứ thế mà chiếu xét cho các giới khác, chúng ta sẽ thấy: hiểu giới đã khó, nhưng hành trì nghiêm mật còn khó gấp bội.
TN
Giải đáp của huynh Thiện Nhân là rất hay và thấu đáo, PB chỉ xin có thêm ý kiến nho nhỏ sau:
Ở đây mình phải tìm hiểu tại sao sư Hải Hiền phải làm nông nghiệp. Căn nguyên là do khi Phật giáo được truyền vào Đông độ là các nước như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam thì pháp tu trì bình bát khất thực không được ủng hộ, thật sự đây là điều cũng đáng tiếc nhưng văn hóa phương Đông luôn cho rằng việc khất thực là của kẻ ăn xin, nghèo khổ không phải của bậc chư Tăng có địa vị rất cao trong xã hội.
Hơn nữa đến thời Lương Võ Đế vua ra lệnh cấm tăng sĩ không được ăn mặn, nên việc đi khất thực không khả thi do phải lựa chọn đồ chay mặn lại không đúng với tinh thần của việc “Khất thực theo luật Phật chế khi đi bát thường là Phật tử cúng thức ăn gì, thì chư Tăng thọ dụng thức ăn đó”. Như vậy nếu không thể đi khất thực thì để tiếp tục tồn tại để tu tập chư Tăng chỉ có thể dựa vào sự phát tâm cúng dường của các tín chủ hoặc tự lao động để nuôi sống mình, nên đạo hữu chắc cũng đã nghe thấy 2 chữ “ruộng chùa” đúng không ạ.
“Đời Đông Tấn, để phù hợp với văn hóa tập tục truyền thống xã hội nông nghiệp của Đông độ, Ngài Đạo An Đại Sư lại đề xướng chư Tăng cần phải làm ruộng để tự nuôi sống mình, trong Cao Tăng Truyện Đông Tấn Cao Tăng Đạo An chép: “đem kinh vào trong ruộng, nghỉ việc chỉ lo đọc sách”. Chư Tăng cũng cần phải làm ruộng để tự nuôi sống mình, chứ không phải chỉ biết đọc Kinh.
Đến đời nhà Đường, Thiền Tông hưng thạnh, Ngài Bách Trượng xiển dương “Nhất nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực”, một ngày không làm thì ngày đó không ăn, thiết lập chế độ “Nông Thiền” trong Phật Giáo Bắc Truyền, chấm dứt truyền thống khất thực của Tăng Già trong Phật Giáo Bắc Truyền ở Đông độ, chính vì những nguyên nhân này mà truyền thống trì bình khất thực của Tăng Già chỉ còn là nghi thức trong “Truyền Y Phú Bát” trong Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền.”
Phật dạy “tùy duyên bất biến” là như vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Dạ con đã đọc và hiểu, con xin cám ơn rất nhiều ạ.
Chú Thiện Nhân và các cô chú thiện tri thức ơi, cô chú có email riêng cho con xin được không ạ tại vì giống như chú Thiện Nhân nói nhiều lúc cái hỏi của mình làm cho người ta suy diễn lung tung mà tạo tội cho họ và con cũng thế. Vì vậy nếu chú hoan hỷ cho con xin email của chú để con dễ hỏi hơn mà không gây hại đến ai. Riêng email của con là [email protected]. Con cám ơn ạ.
Dạ con đã hiểu nhưng do kiến thức nông cạn mà lại quá ngu si nên con vẫn còn chưa hiểu thấu đáo xin phép các chú dạy con thêm. Cụ thể vậy khi làm khai hoang, làm nông cày cuốc đất, chặt cây, đốt rác… lỡ như ta vô tình giết con giun, giết con sâu, giết con kiến … thì ta đã sát sanh chúng rồi mặc dù ta không cố ý. Vậy các thầy Tăng khi họ làm nông thì các ngài làm như thế nào để tránh được việc sát sanh này. Con hỏi vậy vì ba mẹ con chưa hiểu đạo nên nhiều khi bắt con đi đốt rác mà con thấy trong rác có nhiều kiến quá con không đốt thế là ba mẹ rày con là mê tín quá rồi cái gì cũng không dám làm. Xin các chú chỉ bảo con biết ạ.
A Di Đà Phật! Bạn Sơn à,
Trong đạo Phật Từ Bi phải hiểu rõ Trí Tuệ bởi vì không có trí tuệ bạn sẽ gặp phiền não lúc can thiệp nghiệp lực của chúng sanh y như câu chuyện bạn kể “con đi đốt rác mà con thấy trong rác có nhiều kiến quá con không đốt thế là ba mẹ rày con là mê tín quá rồi cái gì cũng không dám làm.” Nghe ba mẹ rày là bạn sanh tâm buồn phiền bối rối không biết nên làm sao. Nếu trong hoàn cảnh vậy bạn định tâm niệm Phật thì trí tuệ phát ra bạn sẽ có cách giải quyết êm đềm cho mấy con kiến và ba mẹ không bực bội. Bạn thử vừa niệm Phật vừa cầu xin ngài phải giải quyết ra sao xem có kết quả không?
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Sơn,
Tấm lòng mộ đạo và cầu đạo của bạn thật khiến TN vô cùng hoan hỉ và đáng để mọi người học tập. Thực ra TN không có ý định phiền trách hay phê phán bạn, mà TN chỉ chia sẻ cùng bạn: Những lời của Phật và chư Tổ dạy, khi chúng ta trích dẫn phải thật cụ thể và hoàn chỉnh, được vậy sẽ đem đến sự lợi lạc cho mọi người; ngược lại mình vô tình đã tạo cho mọi người sự hoài nghi, rồi dẫn đến hiểu sai, tu sai, hành sai và như thế mọi người sẽ không đạt được lợi lạc.
Chuyện bạn phải đốt rác, trong rác có quá nhiều kiến nên bạn sợ phạm tội sát sanh, đây quả là điều đáng mừng cho bạn. Trong giới sát sanh bao gồm những ý nghĩa sau: Tự mình làm, bảo người khác làm, thấy người khác làm mà sanh lòng hoan hỉ=Phạm tội sát sanh. TN lấy ngay ví dụ bạn nêu ra: Bạn nhìn trong đống rác có thật nhiều kiến, nhưng bạn không quan tâm đến chúng và vẫn nổi lửa để thiêu chết đám kiến đó=Mình cố ý sát sanh; Nhưng bạn nhìn thấy, bạn biết nếu mình tự đốt, mình sẽ phạm tội sát, bạn bèn bảo người khác làm việc đó=Bạn gián tiếp phạm tội sát; và khi nhìn thấy người khác đốt đống lá có đàn kiến trong đó, bạn thấy thực vui, hoan hỉ vì bạn đã không phải làm việc này=bạn cũng đã phạm tội sát sanh.
Kiến, muỗi, trùng… là những sinh vật nhỏ bé (còn gọi là loài thấp sanh) nhưng không phải chúng không có tánh linh, vì thế gặp chúng, nếu có thể tránh, thậm chí bị chúng đốt, cắn… cũng chớ khởi tâm sân, rồi ra tay sát hại. Bởi quán chiếu những lời Phật dạy, chúng ta từ vô thỉ kiếp tới nay, tội chướng tạo ra vô kể xiết, nhiều đời, nhiều kiếp cũng đã từng thọ thân súc sanh, thấp sanh, hoá sanh, trời, người, ngạ quỷ, a tu la… cho đến địa ngục. Vì thế khi gặp những chúng sanh này nếu chúng ta chẳng mảy tâm suy nghĩ: trong số đó nhiều khi là những thân quyến, ruột thịt, bạn bè… của chính chúng ta, và đương nhiên, khi chúng ta sát hại chúng=sát hại chính những thân quyến của mình. Hiểu được vậy là Tâm Từ trong bạn đã được trưởng dưỡng. TN mong bạn hãy luôn nuôi dưỡng tấm lòng từ này và giúp nó ngày tăng trưởng.
Trở lại chuyện đàn kiến trong đống giác, Đạo hữu Huệ Tịnh nói rất chính xác. Trong trường hợp này bạn hãy dừng tay và thử quán niệm thế này: Các vị kiến, sâu, trùng… kính mến! Tôi không có lòng muốn sát hại tới quý vị, nhưng vì tôi phải làm vệ sinh cho khu vực này, vì thế tôi phải đốt bỏ đống lá. Tôi thành tâm mong quý vị hoan hỉ mau rời khỏi nơi này đến một nơi khác an toàn để sinh sống, tránh không bị tổn hại. Tôi sẽ trở lại trong vòng 2-3 tiếng sau. Mong quý vị hoan hỉ chấp nhận lời thỉnh cầu chân thành từ nơi tôi. Tôi nguyện niệm Phật để hồi hướng cho quý vị sớm được siêu thoát khỏi thân thấp sanh, để được vãng sanh về Tịnh Độ.
Nguyện xong, bạn hãy tuỳ hỉ niệm Phật để hồi hướng cho bầy kiến. Tâm chân thành của bạn sẽ cảm hoá được bầy kiến và sẽ giúp chúng tự bỏ đi nơi khác.
Hồng danh A Di Đà Phật là vô cùng vi diệu, vì thế TN mong bạn hãy ráng thực hành mọi nơi, mọi chốn (đi, đứng, ăn, nằm, làm việc, ngủ, nghỉ…) tuỳ theo không gian, hoàn cảnh mà niệm Phật. Nhờ công đức này bạn sẽ tự mình vượt qua mọi trở ngại. Bố mẹ bạn chưa hiểu đạo bạn chớ lo ngại, lo ngại là chính mình cũng chưa hiểu, chưa ngộ và chưa giác đạo. Nay nhân duyên đã tới, bạn hãy ráng thức ngộ chính mình để tự chuyển hoá mình, khi mình được chuyển hoá, những người thân của bạn cũng sẽ được chuyển hoá theo.
Chuyện đàn kiến tuy là nhỏ, nhưng là một nhân duyên tốt giúp bạn hiểu thêm về nghiệp Sát Sanh và nhân quả báo ứng của nghiệp sát.
Trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận Phật dạy: „Như cầu phước chẳng qua trai giới bố thí; cầu thọ chẳng qua giới sát phóng sanh; cầu huệ chẳng qua học rộng nghe nhiều; cầu an tâm chẳng qua xét ngăn những việc phải quấy. Cho nên muốn cầu đạo chánh thì đừng tin thầy tà, muốn ra khỏi luân hồi thời đừng có phạm luật nhân quả“.
TN mong bạn sẽ đúc kết được ít nhiều từ lời dạy này mà dũng mãnh tu đạo để giúp mình, giúp người.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật,
Xin gửi các bạn một vài ý sưu tầm được về các giới mà chúng ta đang thảo luận tại đây:
“…10. Đào đất:
Lục quần Tỳ kheo tu bổ nhà giảng, đào đất, bị cư sĩ chê vì làm chết côn trùng. Phật bèn chế giới. (Các giáo phái ở Ấn độ trước Phật giáo cũng kiêng sát sinh còn quá khích hơn đạo Phật, như Kỳ na giáo. Giới cấm này một phần vì từ bi, nhưng phần lớn hơn là để tránh cơ hiềm của ngoại đạo).
11. Hoại quỷ thần thôn:
Một Tỳ kheo ở đồng trống tự phá cây. Tất cả cây đều có quỷ thần và sinh vật ở, nếu phá thì các sinh vật ấy không có chỗ nương. Do thần cây khiếu nại, Phật chế giới.
57. Đốt lửa chỗ trống:
Cấm nhóm lửa ở bất cứ chỗ nào, trừ trường hợp đặc biệt.
Lục quần Tỳ kheo trốn ra ngoài tinh xá, gặp trời đông lạnh nhóm lửa dưới gốc cây rỗng. Khó từ trong cây tỏa ra, làm một con rắn độc đang trú ngụ ở đó bò ra. Hoảng sợ, Lục quần Tỳ kheo bỏ chạy, để lửa lan đến tinh xá cháy tiêu giảng đường. Cư sĩ bàn tán nhà cháy làm chết côn trùng. Phật chế giới.
Nguồn: http://tangthuphathoc.net/gioiluat/sutichgioiluat-09.htm
Sau này Phật có quy định 3 tháng an cư cũng là do muốn hạn chế một phần việc dẫm đạp côn trùng của chư Tăng khi đi khất thực và hoằng hóa.
Hay nói cách khác, sát sanh dẫu vô ý cũng là tổn thương đến chúng sanh, cho nên hạn chế đến mức tối đa nếu có thể.
Trong nhà Phật lại có nói rõ là khi áp dụng Giới của Phật dạy thì phải hiểu tường tận 4 khái niệm: Khai, Giá, Trì, Phạm. Khi nào thì có thể Khai Giới, khi nào thì ko thể gọi là Khai Giới. Như tôn giả A Na Luật Ngài bị mù, nên đi đường Ngài cũng do ko thấy nên dẫm đạp côn trùng, vậy Ngài có phạm giới hay ko? Ngài đâu có tâm muốn hại chúng sanh đó đâu mà bảo Ngài phạm giới? Còn chúng ta có mắt, chúng ta thấy rõ có con kiến thì phải nên tránh nó đi, đó là nói mình đi bộ chậm rãi chẳng hạn, nhưng khi có việc gấp phải chạy nhanh hay chạy xe honda thì làm sao mà tránh? Cũng là cùng một lý, tâm mình ko có khởi cái niệm đó nhưng trên hành vi thì có tạo tác thì có thể gọi đó là mình đang tạo nghiệp vô ký chăng? Vì tính vô ký chẳng phải lành dữ, thế lực của nó quá yếu không thể chiêu cảm được kết quả như nghiệp thiện hay ác, vì vậy, chỉ có thân, ngữ biểu nghiệp vô ký.
Luận Tỳ-bà-sa 51 nói: “Nếu pháp không chiêu cảm quả khả ái, lạc thọ thì gọi là thiện, còn nếu chiêu cảm quả không khả ái, khổ thọ thì gọi là ác, nếu khác với cả hai sự đó thì gọi là vô ký”.
Nhưng tốt nhất là mình nên tránh đi đây đó quá nhiều mà khiến chúng sanh vì mình mà phiền não, nếu ko có việc thật sự thì cũng nên ở nhà niệm Phật, nghe pháp, đọc Kinh là tốt nhất. Chẳng nên đi đây đi đó để thỏa mãn cái hưởng thụ của bản thân quá nhiều mà khiến chúng sanh vì mình mà phiền não, cho đến tổn hại sanh mạng…âu cũng là tổn phước giảm thọ của mình vậy. Còn nếu mình vì Phật pháp mà phải đi, vì thiện hạnh mà phải đi thì thú thật chúng sanh mà lỡ mình có đạp thì mình cũng còn có tạo 1 chút công đức mà hồi hướng cho họ, chứ còn đi…vòng vòng để giải trí, tiêu khiển thì quả thật vừa tiêu phước, vừa tạo nghiệp, lại vừa ảnh hưởng đến chúng sanh vậy.
Gửi các bạn lời giảng của HT. Tịnh Không về “Khai Giới”:
Trong trì giới, phương thức trì giới có “khai, giá, trì, phạm”, chúng ta làm gì hiểu được? Mỗi một điều giới đều có khai duyên, quyết định ở trong tình huống lợi ích chúng sanh thì có thể khai duyên. Khai giới không phải phá giới, phá giới là khi không có khai duyên mà bạn muốn khai giới, đó là phá giới. Là vì lợi ích chúng sanh, là vì cảm động tất cả chúng sanh, là khiến tất cả chúng sanh giác ngộ, họ có tác pháp đặc thù.
Có lẽ các vị đã xem thấy ở trong Ngữ Lục của Tông Môn, công án của pháp sư Nam Tuyền. Nam Tuyền chém mèo, đó có phải là sát sanh phạm giới hay không? Nếu chúng ta học theo, ngày ngày đi giết mèo, các vị giết mèo sẽ đọa địa ngục, ông giết mèo thì thành Phật. Chu Hà đem tượng Phật xuống đốt thì ông thành Phật, bạn đem tượng Phật xuống đốt nhất định đọa địa ngục A Tỳ. Họ có thể làm, bạn không thể làm, vì sao vậy? Họ có nguyên nhân đặc thù, đốt một tôn tượng Phật có thể khiến cho một chúng sanh đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, cái tôn tượng Phật đó đốt được bao nhiêu công đức. Ngài dụng phương thức này rất quyết liệt, bảo một chúng sanh từ ngay chỗ này mà giác ngộ. Chúng ta có đốt 100 tôn tượng Phật cũng không có một người khai ngộ, đó chính là làm thân Phật ra máu, đoạ A Tỳ địa ngục, phạm tội ngũ nghịch. Rất quyết liệt, rất trí tuệ, rất hành động, quyết định là độ một chúng sanh đặc biệt nào đó, chúng sanh này chân thật được độ. Do đây có thể biết, giới luật là linh hoạt, không phải khô cứng, người thông thường chúng ta không hiểu. Hiện tại thọ giới, thầy truyền giới thì không thể giảng rõ ràng, giảng tường tận, mơ mơ hồ hồ mà thọ thì bạn sẽ mơ mơ hồ hồ mà học, họ thì mơ mơ hồ hồ mà truyền, còn bạn thì mơ mơ hồ hồ mà thọ. Kết quả đến sau cùng là mơ mơ hồ hồ mà đọa lạc, cũng không biết được, còn cho rằng chính mình giới luật trì được rất thanh tịnh. Đó là oan uổng. Cho nên chúng ta học Phật phải giữ lấy cái nguyên tắc là phàm hễ việc gì đều phải đem nó làm cho rõ ràng, làm cho tường tận. Không làm rõ ràng, không làm tường tận thì không thể đi làm, đây là thái độ cơ bản của chúng ta trong học vấn.
Thọ giới chính là phát nguyện, người thế gian chúng ta gọi là phát thệ. Ta phải tuân theo lời dạy của Phật Đà. Nhưng giới luật, bạn cũng phải thật sự hiểu cho được. Nếu bạn không hiểu, bạn làm sao trì cái giới này được? Không sát sanh, không sát sanh phải làm thế nào mới thật sự là không sát sanh? Cho nên nếu bạn phát tâm trì giới, bất kể là tại gia hay xuất gia, tại gia có giới luật của tại gia, xuất gia có giới luật của xuất gia. Thế nhưng giới Sa-di và giới Bồ-tát, người tại gia có thể xem, có thể học tập. Sa-di Luật Nghi Tăng Chú, năm điều trước của mười giới điều chính là ngũ giới, nói rất tường tận, rất rõ ràng. Mỗi một giới điều, tại sao Phật chế ra giới điều này? Bạn phải hiểu được tính duyên khởi của nó, biết tại sao Phật phải chế ra? Lý luận y cứ là gì? Tướng trạng của giới là gì? Giới tướng, hình thức của giới phải làm như thế nào? Giới hành. Quả báo của giới là gì? Đều cần phải hiểu rõ, đều cần phải sáng tỏ. Ở trong tình huống nào, cần phải thọ trì như thế nào? Cho nên mỗi một giới điều đều có khai, giá, trì, phạm. Nếu bạn không hiểu được, thì làm sao bạn làm đây? Thế là trở thành khô cứng ở trong giới điều, là sai rồi! Trong tình huống nào đó phải kiên trì, không thể vi phạm, vi phạm là bạn đã phạm giới rồi. Trong tình huống nào đó có khai duyên, đó gọi là khai giới, không phải phá giới, không phải phạm giới.
Ở trong ngũ giới, giới điều uống rượu này là khai duyên nhiều nhất. Nếu như là bản thân ưa thích uống rượu, vậy chính là bạn phạm giới rồi. Trong tình huống nào thì được vậy? Thông thường nhất là bị bệnh. Ở trong thuốc đông dược Trung Quốc, rất nhiều thuốc dùng rượu để dẫn thuốc, cái này không phạm giới, đây là khai duyên. Bất kể xuất gia hay tại gia, người trên 70 tuổi, cơ thể suy yếu, tuần hoàn máu chậm chạp, Phật cho phép khai giới, vào mỗi khi ăn cơm, bạn uống một cốc rượu, đây là xem như thuốc, giúp cho máu tuần hoàn. Hoặc giả vào buổi tối trước khi đi ngủ uống một cốc là khai duyên, là cần thiết cho cơ thể của bạn. Nếu như cơ thể của bạn rất khỏe mạnh, không cần đến cái này, mà bạn cũng uống một cốc như vậy, đó là bạn đã phá giới rồi, là bạn phạm giới rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Dạ con đã đọc và có lẽ đã hiểu một phần rất nhỏ không biết đúng không, nghĩa là chính cái tâm từ bi chân thành rộng lớn yêu thương chúng sanh của các vị tăng đức độ ví dụ Ngài Hải Hiền đã gíup chúng sanh hoan hỷ dọn đi nơi khác để ngài có thể khai hoang trồng trọt phục vụ chúng sanh mà không hề sát sanh hại vật. Con nghĩ như vậy không biết phải không nhưng con sẽ cố gắng thực hành. Chú Thiện Nhân nói rất hay con trước khi nói ba mẹ con chưa hiểu đạo thì con phải xét lại chính con mới là người chưa hiểu đạo, con xin sám hối và tiếp nhận lời khuyên này để tự nhắc nhở mình cố gắng sửa chính con. Và con cũng xin cô chú hoan hỷ tiếp tục gắn bó với trang web này để kịp thời chỉ dạy những người căn tánh thấp kém như con ngày càng tăng tấn trong con đường đạo. Con xin tùy hỷ công đức nguyện con cùng cô chú và tất cả chúng sanh khi bỏ báo thân này đều vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.
A Di Đà Phật!
Tịnh Minh thấy đạo hữu Sơn còn băn khoăn nhiều nên TM xin mạn phép có chút trao đổi.
Chúng ta sống ở đời này, thế gian này còn gọi là ngũ thế ác trược nên việc tránh ác không mảy may xâm phạm là điều không thể được, ví như huynh Tịnh Thái bảo đi xe máy đè chết kiến … đó cũng là nhân sát, nhân sát thì có quả sát. Tuy nhiên quả báo nó không lớn, ta làm chết một mạng vô tình thì đời sau ta cũng chỉ đền một mạng vô tình là xong, nếu có tâm sát thì phải đền trăm, ngàn, vạn mạng mới hết được nên trong Kinh có chuyện người giết 01 con dê bị đọa 500 kiếp dê ngay đời sau, đó là ngay đời sau trả báo thì lãi ít là 500 mạng chứ càng lâu thì đền mạng càng lắm, như ta vay ngân hàng càng để lâu lãi càng lớn, quả báo cũng vậy càng sau càng to, nhân ác thì quả ác ngày càng lớn mà trồng nhân thiện thì quả thiện cũng càng ngày càng lớn.
Nói về chuyện vô ý hại mạng đời sau đền mạng Tịnh Minh đọc trong Thái thượng cảm ứng thiên chuyện vua Lương Võ Đế xử trảm Đại Tăng Khạp Đầu Sư là vị tăng tinh thông tam tạng, giới luật tinh nghiêm, vua ái mộ triệu vào cung kiến gặp, khi sứ giả dẫn vị Tăng này nào thì vua đang cao hứng đánh cờ mới nói “ta giết ngươi đây”, sứ giả nghe thấy tưởng giết vị tăng liền lôi Ông ra xử trảm luôn. Đánh cờ xong vua mới hỏi vị Tăng đâu thì sứ giả tâu “đã tuân lệnh vua xử trảm rồi” vua khóc than, mới hỏi vị sứ giả trước khi chết vị Tăng có nói gì không, Sứ giả tâu, Sư có nói “bần tăng vô tội chỉ vì ba kiếp trước là Sadi chẳng may cuốc chết một con giun, con giun là tiền thân 3 kiếp trước của bệ hạ, nên kiếp này bị bệ hạ giết” Vô ý giết giun còn bị quả báo như thế nói gì cố ý.
Do vậy người xuất gia nếu tu học không liễu đạo có nghĩa là xuất ly Tam giới thì trả quả đời sau rất nan giải.
Nên thời đức Phật mới chú trọng khất thực tránh sát, đối với nghề nông trong tự viện cũng là thời thế bắt buộc nhưng các vị chân tu đều biết hóa giải nhân ác, để không kết oán như hòa thượng Hư Vân khi ngài làm vườn Ngài đều tụng chú Đại Bi, niệm Phật tiêu trừ nghiệp cho các chúng sanh, kết duyên lành Phật pháp, chúng sanh có duyên nhe chú, nhe pháp nhờ cơ duyên thù thắng đó dù có chết cũng không bị đọa ba đường ác, được sinh cõi lành gặp Phật pháp tu hành chứng đạo.
Còn Lão Hòa thượng Hải Hiền Ngài niệm Phật cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn được, ta chẳng thể biết, chắc Ngài vừa làm vừa niệm cũng là độ vô lượng vô biên chúng sanh vì công đức của niệm Phật rất lớn.
Đồng thời ta cũng phải hiểu Vãng sanh là do Phật lực gia trì chỉ cần bạn có tâm thuần thiện, chí thành niệm Phật thì bạn sẽ được Phật từ bi, gia hộ vãng sanh, các ác nghiệp do vô ý tạo thành sao cản được Phật lực tiếp dẫn, nên mới gọi là “đới nghiệp vãng sanh” khi về Tây phương các quả ác bạn vẫn phải trả nếu bạn thị hiện ở cõi phàm độ chúng sanh nhưng bạn đã chứng được một phần pháp thân nên tự tại, không sao cả.
Do đó Chư tổ mới khổ công căn dặn chúng ta đời này phải quyết tu để Vãng sanh Cực Lạc nếu rớt lại Lục đạo luân hồi thì vô lượng vô biên kiếp nữa chẳng có ngày ra, do ta bị Nghiệp ác đời này và vô lượng đời trước nhấn chìm, khổ không nói hết.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Chú Tịnh Minh giải thích rất hay gíup con hiểu nhiều hơn. Xin cám ơn các cô chú. A DI ĐÀ PHÂT.
Con xin chân thành cảm ơn ạ.
[Nhân quả] Ngoại tình gánh nghiệp nặng.
Hoàng L. là người Thái Bình. Cha anh ta là một người bạn tốt của một vị Hòa thượng danh tiếng và tu luyện tốt, ông cũng giỏi về thơ văn và xem thuật tướng. Trước đó, vị Hòa thượng này đã xem thuật tướng cho Hòang L. và bảo rằng anh ta có một tướng mạo làm giàu, sau này sẽ rất thành đạt trong đường đời của anh ta.
Vào tuổi 20, Hoàng L. đã cưới một cô vợ xinh đep. Vài năm sau, anh ta đã được bổ nhiệm làm việc như một viên chức chính phủ tại thủ đô nhưng vợ của anh ta thì ở quê nhà. Ít năm sau đó, Hoàng L. gặp lại vị Hòa thượng, ông rất đỗi ngạc nhiên về những gì mà ông ta đã nhìn thấy ở anh ta và ông nói, “Cách đây nhiều năm, tôi đã thấy anh có một diện mạo làm giàu nhưng tại sao điều đó đã lại thay đổi? Trán của anh lúc đó đầy đặn nhưng bây giờ nó dường như đã sụp xuống, cằm của anh đã rất tròn nhưng giờ đây nó lại rất nhọn. Ngoài ra, lại có khí đen xung quanh trung tâm của lòng bàn tay của anh. Điều này có nghĩa có tai họa đang chờ đợi anh, anh cần phải cẩn thận. Thuật tướng của anh đã thay đổi rất nhiều. Tôi thắc mắc anh đã làm điều gì không đúng luân thường đạo lý?”
Hoàng L. đã ngẫm nghĩ lại những hành vi của anh ta trong vài năm qua và chỉ một điều mà anh có thể nghĩ đến là việc ngoại tình của anh ta với nhiều phụ nữ khác trong thời gian anh ta làm việc ở thủ đô. Sau khi nghe điều này, vị hòa thượng đã thở dài và nói, “Ban đầu anh được duyên cơ có một cuộc đời tốt, nhưng anh đã không quí nó và đã có hành vi dâm ô với những phụ nữ khác. Đó là một điều hổ thẹn mà anh đã hủy diệt chính sự may mắn của anh trong hành vi này”. Không lâu sau đó, Hoàng L. quả thật đã gánh tai nghiệp vào mình như vị Hòa thượng đã được tiên đoán. Một hôm, trong khi Hoàng L. đang tắm, người cấp dưới của anh đã hại anh ta. Anh đã bị giết bởi một thanh kiếm. Bụng anh ta bị cắt đi và tất cả các nội tạng lọt ra ngoài.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Pháp Ngữ
Của Hòa Thượng Tuyên Hóa
Một khi phạm giới dâm, bạn sẽ rất dễ phạm giới sát, cũng dễ dàng phạm giới trộm cắp, và vọng ngữ. Bởi vậy, phạm giới dâm thì các giới sát sinh, trộm cắp, dối trá đều bao hàm trong đó.
===============================
Nam Mô A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Dạ Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạch thầy Phật tử tên là Thảo. Con muốn hỏi là nếu con phạm vào ngũ giới nhưng không thường xuyên đọc kinh, cúng vườn, lại có khẩu nghiệp và những suy nghĩ không hay. Vậy chúng con làm thế nào để tâm thanh tịnh và giảm bớt nghiệp chướng của đời này để đời sau chúng con bình an ạ.
Dạ Nam Mô A Di Đà Phật xin thầy hãy chỉ dạy cho con.