Cái thù thắng của pháp môn niệm Phật là ở chỗ không hạn chế hình thức. Ở nhà hay lúc đang làm việc đều có thể niệm Phật. Trong tâm niệm, không ra âm thanh. Bất luận làm công việc gì, Phật hiệu đều có thể không gián đoạn. Nếu khi nào công việc cần phải suy nghĩ thì tạm thời buông Phật hiệu ra. Sau khi làm việc xong, buông công việc ra, lại niệm Phật hiệu tiếp. Pháp môn này thật sự thù thắng thuận tiện, bất luận ở trong hoàn cảnh nào, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng được, đều có thể làm cho công phu không gián đoạn. Đấy là điều mà pháp môn khác không làm được.
Trừ khi công việc phải dùng đầu óc để suy nghĩ, chúng ta buông câu Phật hiệu ra để chuyên tâm làm việc. Sau khi làm xong việc, lập tức niệm Phật. Nếu công việc chân tay thì có thể vừa niệm Phật, vừa làm việc, không ảnh hưởng nhau. Đi, đứng, ngồi, nằm mọi lúc mọi nơi đều có thể niệm Phật. Thật sự niệm sạch phiền não, niệm sạch vô minh, đấy chính là của báu. Bản thân chúng ta có được pháp tạng, có được công đức báu, phải tùy thời tùy dịp bố thí chia sẻ cho người khác.
Duyên trở ngại của các pháp môn khác rất nhiều, chướng duyên pháp môn niệm Phật ít, chướng duyên không ở bên ngoài, bên ngoài không có gì có thể chướng ngại; chướng ngại ở tại bản thân. Nếu tự bản thân không chướng ngại mình thì người khác không gây chướng ngại nổi. Ví như niệm Phật, có người ghét ta niệm Phật thì ta niệm trong tâm, không ra tiếng, công phu vẫn không gián đoạn. Đấy chính là người bên ngoài không gây chướng ngại được.
Người khác ghét ta niệm Phật, khi có họ ta không niệm, khi không có họ ta niệm; hoặc là khi có họ ta dùng “tâm” niệm, không phát ra tiếng. Có một người học Phật, người nhà không học Phật, nghe niệm Phật thì ghét, anh ta đến hỏi tôi làm thế nào. Lúc có người nhà, ta “tâm” niệm, miệng không niệm; khi không có người nhà, ta niệm lớn, niệm nhỏ gì đều không sao cả. Nói tóm lại, việc đầu tiên của học Phật là không được làm người khác sanh phiền não, phải giữ cho cả nhà hòa thuận. Nếu muốn gia đình hòa thuận, muốn người nhà cũng học Phật thì phải hiểu đạo lý này.
Oan gia đối đầu đến làm khổ ta, đến làm hại ta, đến gây chướng ngại cho ta, chỉ có thể gây chướng ngại ngoài thân, không thể xây chướng ngại trong tâm. Bạn đánh tôi cũng được, chửi tôi cũng được, trong tâm tôi niệm “A Di Đà Phật”, Phật hiệu trong tâm tôi không gián đoạn, không xen tạp, không nghi ngờ, công phu của tôi không có gián đoạn. Vì thế “oán tắng hội khổ (khổ do oán ghét mà gặp nhau) cũng không gây chướng ngại nổi cho ta.
Người niệm Phật gặp phải người phỉ báng Phật, chắp tay mỉm cười, không được tranh cãi. Họ không hiểu, còn chúng ta hiểu rõ. Tương lai sau khi họ chịu xong ác báo vẫn có thể giống như chúng ta niệm Phật vãng sanh. Đây chính là ‘”tam căng phổ bị, lợi độn toàn thâu” (độ khắp ba căn, thâu nhiếp cả lợi vẫn độn căn).
Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Pháp sư Tịnh Không
Thầy ơi, con có vài câu hỏi vẫn chưa được tỏ ngộ tự tâm, không biết rằng điều này có cần nên được hỏi không, mong Thầy và mọi người giúp con được khai ngộ ạ !
Xin Thầy cho con hỏi:
-Làm thế nào để diệt trừ tâm phân biệt.
-Làm thế nào để diệt trừ tâm chấp ngã.
-Và… Thiền định là gì? Tính chất của thiền định được thể hiện ra sao? Làm thế nào để Thiền định có lợi ích chân thật và đạt thành tựu ạ ?
Con xin được cảm ơn Thầy và mọi người rất nhiều !
Chúc Thầy và mọi người 1 buổi tối hạnh phúc, an lạc 😀
Ít nói một câu chuyện,
Nhiều niệm một câu Phật,
Ðánh chết được vọng niệm,
Pháp thân ngươi hiển lộ.
— Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát khai thị niệm Phật —
A Di Ðà Phật!
A Di Đà Phật,
Muốn diệt tâm phân biệt thì hãy bắt đầu từ Bố Thí.
Muốn diệt trừ tâm chấp ngã thì hãy bắt đầu từ Bố Thí.
Bố Thí với tâm vô cầu đến độ không còn thấy người cho, người nhận, cái cho và cái nhận thì sẽ khế nhập vào cảnh giới này.
Thiền Định là “ngoài không dính tướng, trong không động tâm”. Để có thành tựu cho Thiền Định và có lợi ích chân thật thì hãy bắt đầu từ…Bố Thí.
A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật
Bạn Nguyễn thân mến,
Ba câu hỏi bạn nêu chẳng phải là câu hỏi thường mà nó có liên quan tới cả cuộc đời tu hành của mỗi chúng sanh cho tới giác ngộ và giải thoát. Trung Đạo sẽ cố gắng dùng chút kiến thức mọn của mình để chia sẻ cùng bạn, giúp bạn hiểu phần nào về những điều bạn muốn tỏ tường.
1. Làm thế nào để diệt trừ tâm phân biệt?
Thực ra nói là „diệt“ nhưng vốn chẳng thể và cũng chẳng phải là „diệt“, bởi Phật nói: „Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc.“ (Kinh Kim Cang). Nghĩa là tâm quá khứ đã qua: những chuyện nghĩ, tưởng… xảy ra trong quá khứ, nhưng quá khứ ấy đã qua rồi – bạn lấy gì để diệt tâm quá khứ ấy? Tâm vị lai còn chưa tới, bạn ngồi nghĩ, tưởng ra đủ mọi cảnh giới, nhưng bạn đâu biết, đâu thể khẳng định được những cảnh giới đó sẽ đến và sẽ như mình mong muốn? Cũng vì thế bạn đâu thể tìm cách diệt? Và tâm hiện tại cũng sanh-diệt, biến hoá không ngừng nghỉ – khi một niệm khởi lên trong tâm, cái niệm đó vừa là hiện tại nhưng ngay kề đó đã là niệm quá khứ rồi. Sở dĩ nói đó, biết đó vừa là niệm hiện tại vừa là quá khứ, bởi nó sanh-diệt, tiếp nối nhau trong chừng một niệm không ngưng nghỉ – niệm niệm nối tiếp. Do vậy bạn chạy theo sự sanh-diệt không ngừng nghỉ ấy để tìm cách diệt chúng là điều chẳng thông minh – mình tự bày trận rồi lại tự đánh trận. Vì thế Phật nói: Tâm cả 3 thời quá khứ-hiện tại-vị lai vốn chẳng phải tâm, chẳng thể suy lường, bởi nó chẳng phải thật. Tại sao? Bởi vạn pháp đều duyên sanh, rồi cũng do duyên mà diệt. Một niệm tham, sân, si… nổi lên đều có duyên tác động. Bạn nắm vững được đó là duyên sanh, chẳng chạy theo, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước=bạn chẳng cần diệt mà nó đã tự diệt. Do vậy nói „diệt trừ tâm phân biệt“ là nương theo suy kiến của người phàm phu chúng ta mà nói. Sao gọi là „phàm phu“? Tổ Huệ Năng nói: Phàm phu tức Phật, phiền não tức bồ đề. Và Tổ lý giải: Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật. Sao gọi một niệm „ngu“? Ví thử bạn nghe ai đó nói: ngồi thiền thấy Phật giết Phật; thấy ma giết ma. Bạn chưa hiểu Phật là ai? Ma là ai? Và về nhà, thực hành ngồi thiền, rồi nghĩ tưởng ra đủ thứ Phật và ma để giết, rồi Phật-Ma chẳng thấy đâu, chỉ thấy càng ngồi thiền đầu óc càng thêm quay cuồng, điên loạn… kế đó quay ra đổ lỗi cho thiền chẳng thực dụng; chẳng đem lại lợi lạc gì cho bản thân. Lý do của sự điên đảo này là gì? Ý tưởng sát Phật, sát Ma đã khởi dậy trong tâm. Nói là sát Phật, sát Ma nhưng chẳng có sự sát ấy. Trái lại, Phật là cảnh giới của tự tánh; Ma là cảnh giới của tâm điên đảo, vọng tưởng (tham, sân, si, mạn, phân biệt, chấp trước có ma, có phật…) vì thế, ngay bước khởi đầu khi thực hành ngồi thiền đã rơi vào tâm kiến chấp, từ kiến chấp đó thúc đẩy vọng tâm ngồi thiền để tìm Phật, ma để sát Phật, sát ma. Đó chính là tâm phân biệt: Phật-Ma=niệm ngu. Thực tế trong mỗi chúng sanh vốn sẵn tâm thuần tịnh còn gọi là chân tâm hay Phật tâm. Phật nói: „Tâm này xưa nay chẳng sanh, chẳng diệt, bởi vì mê ngộ nên có thăng trầm“.Thế nào là mê? Ngồi thiền thấy một chút an lạc xuất hiện tâm vội vã theo đuổi trạng thái an lạc đó=mê; Khi trạng thái đó biến mất, sanh nuối tiếc, ân hận vì mình chẳng nhiếp tâm, nên để cảnh giới đó biến mất=phiền não sanh=mê; Ngồi thiền, thấy các vọng tưởng dấy khởi, tràn về trong tâm như nước lũ, sanh tâm hoảng hốt, tìm cách trốn chạy, loại bỏ những vọng tưởng ấy, để rồi càng trốn chạy, càng tìm cách chống lại chúng thì chúng càng dấy khởi mãnh liệt hơn, còn mình thì thân tâm rã như tàu chuối héo=mê=niệm ngu. Ngược lại, ngồi thiền các cảnh giới biến hiện quán đó là duyên sanh, duyên diệt, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước – tất chúng tự ra đi=ngộ=niệm trí. Như vậy Phật dạy: Tâm chúng ta xưa nay vốn thanh tịnh, tâm ấy vốn thường còn, chẳng sanh, chẳng diệt, nhưng vì chúng ta quá mê nên thường khởi phân biệt, chấp trước thành ra chẳng thể ngộ được chân tâm ấy và cứ mải mê đi tìm cầu một chân tâm (một vị Phật tâm) khác bên ngoài. Và như thế dẫu bạn ráng ngồi thiền trọn kiếp cũng chỉ là thiền trong tâm phân biệt.
2. Làm thế nào để diệt trừ tâm chấp ngã?
Muốn diệt trừ „tâm chấp ngã“ bạn phải hiểu được Ngã là gì? Chúng ta thường khởi nghĩ: thân này là tôi=Ngã. Thực ra thân này vốn chẳng phải là tôi (tức chẳng phải Ngã), bởi nếu nói: nó là Tôi, thì cái tôi ấy tất mình phải điều khiển được nó. Nghĩa là: tôi bảo nó làm gì, nó phải nghe, phải tuân thủ theo lệnh của tôi. Ví dụ: Bạn ngồi thiền, chân, gối, lưng tê, mỏi. Bạn có thể ra lệnh cho chân, gối, lưng… không được tê mỏi không? Nếu được=tôi chính là ngã. Hoặc bụng bạn đói; bạn thấy khát nước; chân, tay, mắt… các chi trên thân thể bạn sưng tấy, đau nhức… bạn có thể ra lệnh cho bụng bạn hết đói; hết khát, những chi trên thân thể không được đau nhức, sưng tấy không? Nếu được=tôi chính là ngã. Thực thế đó là điều chẳng thể xảy ra. Vậy thì cái „tôi-ngã“ này vốn là giả, nay mình tham chấp vào cái giả đó=lấy giả làm thật.
Thời Phật còn tại thế, vì Ngài muốn dạy các đệ tử không nên tham luyến cái thân giả tạm nên Phật đã chỉ cho các đệ tử phải luôn thường quán thân bất tịnh. Nghĩa là thân này là cái đãy da hôi thối, là cửu khướu bất tịnh (9 nơi xuất tiết ra những thứ bất tịnh): hai mắt=luôn đóng ghèn; hai lỗ tai=luôn tróc ráy; hai lỗ mũi=thường chảy nước rơ; miệng=thường hôi, thối; nam-nữ căn (nơi tiểu tiện)=chuyên tiết vật dư thừa của thân thể; hậu môn (đại tiện)=nơi thải chất cấu uế. Nhưng Phật dạy: trong cái thân hôi thối, bất tịnh ấy có nương chứa chủng tử Phật: Phật tánh, vì thế chúng ta phải nhờ, khéo nuôi, dụng cái thân bất tịnh ấy để tu hành mà giải thoát. Phật tánh mới chính là thật Ngã hay còn gọi là Chân Ngã. Do vậy „diệt trừ tâm chấp Ngã“ mà bạn nói chúng ta nên hiểu là diệt cái tâm chấp ngã giả tạm – thân giả tạm hối thối, bất tịnh, chứ không phải là Chân Ngã mà Phật đã dạy.
3. Và… Thiền định là gì? Tính chất của thiền định được thể hiện ra sao? Làm thế nào để Thiền định có lợi ích chân thật và đạt thành tựu ạ ?
Nếu ai có thể nói ra cho bạn hay: Thiền định là gì? Tôi nhập định như thế nào; tôi xuất định ra làm sao… Tất đó chẳng phải là thiền. Thiền vốn chẳng phải là cảnh giới của tâm-trí phàm phu chúng ta có thể hiểu và lý giải được.
Cổ Đức nói: Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Nghĩa là: đối cảnh mà chẳng sanh tâm đó chính là thiền. Thế nào là “đối cảnh mà chẳng sanh tâm?” Trung Đạo xin trở lại với câu hỏi 1: „diệt trừ tâm phân biệt“. Tại sao bạn phải lo „diệt trừ tâm phân biệt“? đơn giản là: vì bạn khởi tâm phân biệt, nên có sự phân biệt, có sự phân biệt, bạn phải lo tìm cách diệt trừ chúng=tự tạo tai hoạ rồi tự chuốc lấy tai hoạ.
Ví thử: Khi bạn ngồi thiền, tâm khởi niệm an lạc=bạn thấy vui, hoan hỉ, muốn theo đuổi; ngược lại: tâm khởi chuyện bất hoà, chuyện không vui, sai quấy, thị phi…= bạn thấy bực mình, khó chịu, chán nản, lo âu, thậm chí hoảng sợ. Những thứ mà bạn thấy nó dấy khởi đó chính là tâm phân biệt và vì bạn chấp trước, tham luyến, muốn hưởng dụng, muốn diệt trừ chúng nên chúng càng dấy khởi mãnh liệt hơn=đối cảnh sanh tâm và bị tâm ấy lôi, chuyển. Ngược lại, bạn chẳng để ý đến chúng, dẫu cho Phật hiện thân, Ma hiện thân bạn cũng chẳng quan tâm=bạn đối cảnh mà chẳng sanh tâm tham luyến hay hoảng sợ. Như vậy ý nghĩa của thiền vốn chẳng có gì quá cao xa đến độ bạn không thể thực hành được. Trái lại, chỉ trong vòng một niệm: Mê-Ngộ. Mê=thiền trong điên đảo vọng tưởng. Ngộ=thiền trong tự tánh. Để có được điều này bạn phải lý giải được: Mê-Ngộ từ đâu đến? Chứ chẳng phải ngày một ngày hai bạn đã có thể đắc khởi. Nếu bạn có tâm học thiền, Trung Đạo khuyên bạn: Phải tìm minh Sư có đạo hạnh, và nhờ minh Sư giúp bạn khai triển tâm thiền, kế đó từng ngày khổ luyện mới có thể đem lại đôi chút an lạc trong cuộc sống. Bạn chớ nên vọng động, khởi nghĩ: học thiền sẽ được đi mây, về gió, ngồi đông có thể nói chuyện tây; thân cõi ta bà, nhưng tâm có thể vi vu nơi tiên cảnh… như nhiều người suy tưởng và mơ mộng. Những cảnh giới đó vốn chẳng phải thiền; đó là ma cảnh. Khởi đầu học thiền mà lấy đó làm động lực, sớm hay muộn cũng đi vào ma giới.
Trung Đạo chép tặng bạn một đoạn kinh trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận, mong bạn đọc đi đọc lại thật kỹ đoạn kinh văn này. Nếu bạn có thể ngộ được thật minh bạch, thật rốt ráo những khai thị của Phật, bạn nên dấn thân vào học tu thiền; ngược lại, Trung Đạo thành kính mong bạn hãy hoan hỉ trở lại với ĐVCT – Phát Tín-Nguyện-Hành để Niệm Phật – Một đời vĩnh ly sanh tử…
Phật nói: „Hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, xưa nay chẳng sanh, xưa nay chẳng diệt, bởi vì mê ngộ nên có thăng trầm.
Tại sao? Chúng sanh thường mê không giác ngộ cho nên nhiều kiếp đọa lạc. Chư Phật thường giác ngộ chẳng mê cho nên thành Phật đạo. Nếu có trai lành gái tín học hỏi đạo Phật, công trình vào đạo chia làm bốn việc, gọi là bốn câu kệ: là không thân, là không tâm, là không tánh, là không pháp.
Sao gọi là không thân? Vì thân này do cha mẹ sanh ra đầy đủ khí huyết của cha mẹ, chín khiếu thường chảy những vật không sạch, bốn đại giả hiệp, sau rồi cũng tan rã; nhưng người trai lành gái tín tin có trí huệ biết thân này là giả, thì khi chưa chết tưởng như thân này đã chết, mượn thân giả này mà học Phật tu hành, gọi là Sắc không, câu kệ thứ nhất.
Thường quán sát tâm của mình chẳng sanh chẳng diệt, chí thánh chí linh. Gặp cảnh như là có, cảnh qua rồi như là không, nay biết được chân tâm thường giác chẳng mê, chẳng theo vọng tưởng kéo dắt, chỉ nương chân tánh làm chủ, gọi là ngộ Tâm không, câu kệ thứ hai.
Lại quán sát tánh của mình thường lặng yên không lay động, nếu cảm đến liền thông suốt, biến hóa vô cùng, uy linh khó nghĩ, sáng suốt làu làu. Tự mình giác ngộ hiểu biết linh thiêng, vắng lặng vô vi mà không ngoài hữu vi, gọi là ngộ Tánh không, câu kệ thứ ba.
Lại quán sát đức Như lai giảng nói kinh pháp đều phương tiện dẫn dắt chúng sanh vào cửa pháp, như nước rửa bụi, như bịnh gặp thuốc, nay chứng được tâm không, pháp không, như bịnh mạnh thì thuốc không dùng nữa, gọi là ngộ Pháp không, câu kệ thứ tư“.
Trung Đạo nguyện chúc bạn thật tỉnh giác khi lựa chọn con đường tu đạo cho chính mình.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TĐ
A Di Đà Phật.
Huệ Tịnh xin trích một phẩm trong kinh Duy Ma Cật để giải đáp thế nào là thật tướng lìa tâm 1. phân biệt 2. chấp ngã và 3. thiền định thượng thừa.
KINH DUY-MA-CẬT
Đời Diêu Tần, ngài Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
vưng chiếu dịch ra chữ Trung Hoa
Dịch giả: Thích Huệ Hưng
* * * * *
IX. PHẨM VÀO “PHÁP MÔN KHÔNG HAI” (1)
Bấy giờ ông Duy Ma Cật bảo các vị Bồ Tát rằng :
– Các Nhân giả ! Thế nào là Bồ Tát vào “pháp môn không hai” ? Cứ theo chỗ thích của mình mà nói.
Trong Pháp hội có Bồ Tát tên là Pháp Tự Tại nói :
– Các Nhân giả ! “Sanh”, “diệt” là hai. Pháp vốn không sanh, cũng không diệt, đặng vô sanh pháp nhẫn, đó là vào “pháp môn không hai”.
Bồ Tát Ðức Thủ nói :
– “Ngã”, “ngã sở” là hai. Nhân có ngã mới có ngã sở, nếu không có ngã thời không có ngã sở đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Bất Thuấn nói :
– “Thọ”, “không thọ”(2) là hai. Nếu các pháp không thọ thời không có “được”, vì không có “được”, nên không thủ xả, không gây không làm đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Ðức Ðảnh nói :
– “Nhơ”, “sạch” là hai. Thấy được tánh chơn thật của nhơ, thời không có tướng sạch, thuận theo tướng diệt, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thiện Túc nói :
– “Ðộng”, “niệm” là hai. Không động thời không niệm, không niệm thời không phân biệt; thông suốt lý ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thiện Nhãn nói :
– “Một tướng”, “Không tướng”(3) là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp không tướng mà vào bình đẳng, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Diệu Tý nói :
– Tâm Bồ Tát, tâm Thanh Văn là hai. Quán tướng của tâm vốn không, như huyễn như hóa, thời không có tâm Bồ Tát, không có tâm Thanh Văn, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Phất Sa nói :
– “Thiện”, “bất thiện” là hai. Nếu không khởi thiện và bất thiện, vào gốc không tướng mà thông suốt được, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Sư Tử nói :
– “Tội”, “phước” là hai. Nếu thông đạt được tánh của tội, thì tội cùng phước không khác, dùng tuệ kim cang quyết liễu tướng ấy, không buộc không mở, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Sư Tử Ý nói :
-“Hữu lậu”, “vô lậu” là hai. Nếu chứng được các pháp bình đẳng thời không có tướng hữu lậu và vô lậu, không chấp có tướng cũng không chấp vô tướng, đó là vào phảp môn không hai.
Bồ Tát Tịnh Giải nói :
– “Hữu vi”, “vô vi” là hai. Nếu lìa tất cả số thời tâm như hư không, dùng tuệ thanh tịnh không có chướng ngại, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Na La Diên nói :
– “Thế gian”, “xuất thế gian” là hai. Tánh thế gian không tức là xuất thế gian, trong đó không vào không ra, không đầy không vơi, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thiện ý nói :
– “Sanh tử”, “Niết bàn” là hai. Nếu thấy được tánh sanh tử thời không có sanh tử, không buộc không mở, không sinh không diệt, hiểu như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Hiện Kiến nói :
– “Tận”, “không tận” là hai. Pháp đến chỗ rốt ráo thời tận hoặc không tận đều là tướng “vô tận”. Tướng “vô tận” tức là không, không thời không có tướng tận và không tận, được như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Phổ Thủ nói :
– “Ngã”, “vô ngã” là hai. “Ngã” còn không có, thời “phi ngã” đâu có được. Thấy được thật tánh của ngã không còn có hai tướng, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Ðiển Thiên nói :
– “Minh”, “vô minh” là hai. Thật tánh vô minh tức là minh, minh cũng không thể nhận lấy, lìa tất cả số, ở đó bình đẳng không hai, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Hỷ Kiến nói :
– “Sắc”, “Không” là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự không ; thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Thức và không là hai. Thức tức là không, chẳng phải thức diệt rồi mới không, tánh thức tự không. Thông hiểu lý đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Minh Tướng nói :
– “Tứ đại” khác (4) “không đại” khác là hai. Tánh tứ dại tức là tánh không đại, như lớp trước lớp sau không, thời lớp giữa cũng không. Nếu biết được thật tánh các đại thời đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Diệu Ý nói :
– “Con mắt”, “sắc trần” là hai. Nếu biết được tánh của mắt thời đối với sắc không tham, không sân, không si, tức là tịch diệt. Tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng là hai. Nếu biết được tánh của ý thời đối với pháp không tham, không sân, không si tức là tịch diệt. Nhận như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Vô Tận Ý nói :
– “Bố thí”, “hồi hướng nhứt thiết trí” là hai. Tánh bố thí tức là tánh hồi hướng nhứt thiết trí. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền đinh, trí tuệ, hồi hướng nhứt thiết trí cũng là hai. Tánh trí tuệ tức là tánh hồi hướng nhứt thiết trí, ở trong đó vào “một tướng” là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thâm Tuệ nói :
– “Không”, “vô tướng”, “vô tác” là hai. Không tức là vô tướng, vô tướng tức là vô tãc. Nếu không vô tướng, vô tác thời không có tâm, ý thức. Một món giải thoát là ba món giải thoát, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Tịch Căn nói :
– “Phật”, “Pháp”, “Chúng” (Tăng) là hai. Phật tức là Pháp, Pháp tức là Chúng. Ba ngôi báu ấy đều là tướng vô vi, cũng như hư không. Tất cả pháp cũng vậy, theo được hạnh ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Tâm Vô Ngại nói :
– “Thân”. “thân diệt” là hai. Thân tức là thân diệt. Vì sao ? Thấy thật tướng của thân thời không thấy thân và thân diệt. Thân và thân diệt không hai, không khác, theo đó chẳng kinh chẳng sợ là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Thượng Thiện nói :
– “Thân thiện”, “khẩu thiện”, “ý thiện” là hai. Ba nghiệp này là tướng “vô tác”. Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của khẩu, tướng vô tác của khẩu tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của tất cả pháp. Tùy thuận trí tuệ vô tác như thế là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Phước Ðiền nói :
– Làm phước (5) làm tội (6), làm bất động là hai. Thật tánh của ba việc làm tức là “không”, “không” thời không làm phước, không làm tội, không làm bất động. Ở ba việc làm này mà không khởi là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Hoa Nghiêm nói :
– Do “ngã” mà khởi ra hai là hai. Thấy được thật tướng của “ngã”, thời không khởi ra hai pháp. Nếu không trụ hai pháp thời không có “thức”. Không có thức là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Ðức Tạng nói :
– Có tướng “sở đắc” là hai. Nếu không có sở đắc thời không có lấy bỏ. Không lấy bỏ là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Nguyệt Thượng nói :
– “Tối”, “sáng” là hai. Không tối, không sáng thời không có hai. Vì sao? Như vào định diệt thọ tưởng thời không có tối, không có sáng. Tất cả pháp tướng cũng như thế ; bình đẳng vào chỗ ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Bảo ấn Thủ nói :
– Ưa Niết bàn, không ưa thế gian là hai. Nếu không ưa Niết bàn, không chán thế gian thời không có hai. Vì sao ? Nếu có buộc thời có mở, nếu không buộc thì nào có cầu mở. Không buộc, không mở, thời không ưa, không chán, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ Tát Châu Ðảnh Vương nói :
– “Chánh đạo”, “tà đạo” là hai, ở chánh đạo thời không phân biệt thế nào là Tà, thế nào là Chánh, lìa hai môn phân biệt đó là vào Pháp môn không hai.
Bồ Tát Nhạo Thật nói :
– “Thực”, “Không thực” là hai. Thực thấy còn không thấy thực, huống là không thực thấy. Vì sao ? Không phải mắt thịt mà thấy được, chỉ có mắt tuệ mới thấy được. Nhưng mắt tuệ không có thấy mà chỗ nào cũng thấy cả, đó là vào pháp môn không hai.
Các Bồ Tát nói như thế rồi, hỏi Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng :
– Thế nào là Bồ Tát vào pháp môn không hai ?
Ngài Văn Thù Sư Lợì nói :
– Như ý tôi đối với tất cả pháp không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào pháp môn không hai.
Khi đó Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi ông Duy Ma Cật rằng :
– Chúng tôi ai ai cũng nói rồi, đến lượt Nhân giả nói thế nào là Bồ Tát vào pháp môn không hai ?
Ông Duy Ma Cật im lặng không nói. Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng: “Hay thay ! Hay thay ! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, đó mới thật là vào pháp môn không hai.
Khi nói phẩm vào Pháp Môn Không Hai này, trong chúng có năm nghìn Bồ Tát đều vào pháp môn không hai, chứng Vô sanh Pháp nhẫn.
======================================================
Nam Mô A Di Đà Phật = tâm không phân biệt tức “ít nói một câu chuyện”
Nam Mô A Di Đà Phật = tâm không ngả chấp tức “đánh chết được vọng niệm”
Nam Mô A Di Đà Phật = tâm thiền định vắng lặng tức “Pháp thân ngươi hiển lộ”
Tâm chẳng ngã nên chẳng chấp ngã
Tâm chẳng ngã nên chẳng phân biệt
Tâm chẳng động nên chẳng lay động
Tâm chẳng động nên chẳng dính mắc
Tâm thường Phật nên chẳng mất Phật
Tâm thường ngộ nên chẳng có mê
Tâm luôn tĩnh và tâm luôn sáng
Tâm như vậy cũng gọi là thiền.
Kính bạn Nguyễn,
Làm thế nào để diệt trừ tâm phân biệt và tâm chấp ngã? Câu hỏi này rất hay, vì chấp ngã là do ta còn bị tình thức chi phối. Phân biệt cũng do tình thức chi phối. Vậy làm sao để vượt thoát tình thức? Tức phải đạt thiền hay tịnh độ, hay trở lại với tâm thanh tịnh bản nhiên. Tâm thanh tịnh bản nhiên, cũng gọi là thiền (đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền -Trần Nhân Tông), cũng gọi là tịnh độ, vì vậy cho nên trong kinh Duy Ma Cật, đức Phật dạy: “Muốn được tịnh độ thì phải tịnh tâm ấy. Tùy tâm ấy thanh tịnh thì cõi Phật tịnh” (Nhược đắc tịnh độ, đương tịnh kỳ tâm. Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh). Phương pháp tu trì danh Phật hiệu là pháp an lập ý của nhị thừa, nó chỉ loại bỏ nhiều niệm về niệm danh Phật hiệu (gom đa niệm về nhất niệm); chứ không thể vượt qua sanh tử (không thể vãng sanh). Phương pháp này gọi là lấy đá đè cỏ, cỏ vọng niệm bị danh Phật hiệu đè nén, nhưng mỗi khi cất Phật hiệu thì vọng niệm tiếp tục bùng lên. Còn tịnh hay thiền là cứu cánh của người tu giải thoát giác ngộ, cho nên Ngài Ấn Thuận và đại sư Thái Hư nói: “Tịnh là chỗ an trú chung cho ba thừa” nên không thể lập riêng là pháp môn tịnh độ được. Kinh Nhất dạ hiền giả, đức Phật dạy:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây
Không động, không rung chuyển
Biết vậy, nên tu tập”.
Đưa tâm đến chỗ “không động không rung chuyển” (nghi tình) cũng gọi là “Tự tịnh kỳ ý”, cũng gọi là thiền, cũng gọi là tịnh (niệm Phật tam muội, tức cất hết mọi sở niệm nên đức Phật nói: “Pháp khó tin” (Nan tín chi pháp), cũng gọi là “xa lìa mọi tâm thức” (viễn ly ư tâm thức -kinh Lăng già tâm ấn), cũng gọi là “Bất tùy phân biệt” (kinh Lăng Nghiệm), cũng gọi là “xả ly vọng tâm của 3 thời gian” (kinh pháp cú 348: Xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu. Nhất thiết tận xả, bất thọ sanh tử). Tu đến hồi miên mật, vượt qua khỏi đêm mộng mơ (viễn ly mộng tưởng), vượt qua khỏi ngày tơ tưởng (viễn ly điên đảo), vượt qua khỏi mọi đối tượng của sở đắc (viện ly cứu cánh niết bàn), thì tự tánh Di đà hiển lộ; tức không còn tình chấp, mầm sanh diệt chấp ngã chấp pháp mới đoạn tận.
Chào bạn ThuyNguyen,
Vì muốn tránh cho bạn đồng tu pháp môn Tịnh Độ có thể bị bối rối, PH xin được góp chút ý nhỏ về ý “niệm Phật trì danh là pháp an lập của nhị thừa, gom đa niệm về nhất niệm chứ không thể vượt qua sanh tử (không thể vãng sanh)”
– Theo kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, người niệm nhất tâm bất loạn (nhất niệm), hay lâm chung nhất tâm niệm được 10 niệm liên tục là được vãng sanh. Nên ý bạn cho rằng nhất niệm không thể vãng sanh là không đúng ý kinh.
-Vượt qua sanh tử và vãng sanh là khác nhau. Theo PH hiểu, vượt qua sanh tử là chứng quả Vô sanh, còn vãng sanh thì người còn nghiệp vẫn được vãng sanh về Cực Lạc. Tùy theo công phu tu chứng mà cảnh giới sẽ tương ưng. Người chứng được tự tánh Di Đà thì tương ưng hiện ở Thường Tịch Quang, người còn chưa chứng quả Thánh thì ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư.
Mong bạn hoan hỷ nhé.
Chúc bạn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Mô Phật.
Xin cảm ơn Trung Đạo về bài viết.
Xin cho hoi nghĩa của hai chữ “thù thắng ” là gì? Cảm
Nam Mô A Di Đà Phật
Thù thắng:
+)Lỗi lạc—Siêu việt nhất trên đời—Vượt trội—Xuất chúng
+) Tính cách siêu tuyệt, hiếm có của một sự kiện gọi là Thù thắng. Như trong kinh thường tán thán Tịnh độ cực lạc, vì đức Phật A di đà đã phát 48 đại nguyện độ khắp các chúng sinh, bất cứ ai, hễ có một niệm thiện thì đều được vãng sanh, hóa sinh trong hoa sen, đó thật là một việc hiếm có.
-trích Phật Quang Đại Từ Điển-
A Đi Đà Phật! Các thầy cho con hỏi phật tử tại gia muốn tu theo pháp tu Tịnh độ thì phải tu thế nào?
Con xin cảm ơn các Thầy. Chúc các Thầy và quý phật tử An lạc.