I- DẪN:
Là Phật tử, trong nhà chúng ta nhất thiết phải có bàn thờ Phật hay gọi là bàn Phật, để giúp cho chúng ta hàng ngày, hàng giờ tưởng nhớ đến đức Phật, những lời đức Phật dạy để tinh tiến tu hành.
II – CÁCH TRANG THIẾT:
Để tỏ lòng tôn kính bậc Đại Giác Ngộ, đáng cho chúng ta tôn thờ, bàn Phật trước nhất chúng ta phải đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà, nếu nhà chúng ta không có một phòng đặc biệt dành riêng để thờ cúng, bàn Phật chúng ta nên đặt ở giữa phòng khách.
Ngay giữa bàn Phật, chúng ta tôn vị tượng Phật hay ảnh Đức Bổn Sư Thích Ca, người vẫn còn hộ trì cho thế giới chúng ta ngày nay. Ai tu theo pháp môn Tịnh độ, nơi mà đức Phật A-di-đà là giáo chủ thì chúng ta thờ đức A-di-đà. Chúng ta cũng có thể thờ vị Phật quá khứ: đức Phật A-di-đà, vị Phật hiện tại: đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và Phật vị lai: đức Phật Di-lặc, thờ cả 3 vị như vậy, gọi là Tam Thế Phật. Trong trường hợp này, tượng Phật nên thỉnh lớn hay nhỏ cho đều nhau, nếu ảnh thì cũng vậy, khuôn kiếng lớn nhỏ và treo cao thấp phải bằng ngang nhau. Chúng ta cũng có thể chỉ thờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát, nếu ai nghĩ rằng cần đến sự gia hộ của Ngài như trong Kinh Phổ Môn, đức Phật đã dạy Ngài hiện ra khắp nơi để cứu giúp mọi người.
Trên bàn Phật, thông thường có lư hương, đèn, bình hoa, đĩa trái cây, chuông mõ và nước cúng Phật. Lư hương luôn luôn để ngay chính giữa phía trước, sau đó là 3 ly nước, nếu có một đôi đèn, đôi đèn để ngang hàng cùng lư hương. Về bình hoa và đĩa quả, người ta thường hay nói câu thiệu: “Đông bình, Tây quả”, hướng nào là Đông, hướng nào là Tây? Theo câu thiệu này, mặt trước của nhà xây về bất cứ hướng nào, người ta cũng xem như là hướng Nam, vậy hướng Đông là bên tay trái của tượng Phật – đặt bình hoa, hướng Tây là bên tay phải của tượng Phật – đặt đĩa trái cây. Chuông cũng đặt cùng phía với bình hoa và mõ đặt cùng phía với đĩa trái cây.
Cố tránh đặt thêm những gì không phải là vật thờ cúng lên trên bàn Phật. Hàng ngày phải thay nước cúng Phật, trái cây phải thay mới luôn, phải lau chùi và giữ gìn cho bàn Phật luôn luôn được sạch sẽ. Lư hương nên chăm sóc lấy bỏ bớt chân nhang, đừng để quá nhiều. Nên tránh dùng hoa giả.
Phật là đấng cao cả, trong phòng thờ Phật, có thể lập bàn thờ Cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ nhưng bàn thờ này phải đặt ở một bên, nhỏ hơn và thấp hơn bàn Phật. Trong phòng nầy chớ nên treo ảnh nào cao hơn tượng Phật, không nên treo ảnh càng tốt.
Ai đã từng đến thiền viện Vạn Hạnh, nơi Hòa thượng Minh Châu là Viện Chủ, ở chánh điện thờ phượng hết sức đơn giản, chỉ tôn vị đức Bổn Sư Thích Ca đang ngồi thiền định trên một cái bệ cao chừng 3 tấc, trước tượng chỉ có một bình hoa, không có nhang đèn gì cả, đứng nơi đây chúng ta mới cảm thấy là nơi thờ phượng trang nghiêm vô cùng. Tôi có một người bạn đạo ở Sai Gòn, nhà anh ta có dành một phòng riêng để tu tập, hàng ngày vợ chồng anh ta ngồi thiền, thỉnh thoảng người vợ hoặc người chồng hay bạn hữu đến đó để nhập thất. Ngay giữa phòng này, anh ta đặt một cái bàn kê sát tường ngang 5 tấc, dài 1 thước, chân chỉ cao 2 tấc, một ảnh Phật lộng kiếng ngang độ 8 tấc, cao chừng 1 thước 2 tấc, treo vào tường, ngay giữa bàn chỉ có một bát nhang, trên bát nhang mỗi lần chỉ cắm 3 cây nhang. Bàn Phật này cũng hết sức giản đơn, khi ngồi thiền, tượng Phật hơi cao hơn người ngồi một chút, cũng là một bàn Phật trang nghiêm.
Ảnh hay tượng Phật, kinh điển và Tăng Ni được gọi là Tam Bảo, là ba ngôi cao quý nhất của người Phật tử, để noi theo đó chúng ta tu học hầu giải thoát khỏi những kiếp trầm luân nầy. Do vậy mà khi chúng ta đốt hương, chúng ta đốt 3 cây hương, nước ba ly (hay 3 chung), đó là nghĩa chúng ta cúng dâng lên Phật, Pháp, Tăng.
Vào chùa, Kinh phải cầm trang trọng bằng hai tay, không nên kẹp vào nách, không nên để kinh vào hai tay rồi chấp lại xá quý Tăng Ni hay bạn đạo. Người Phật tử tuyệt đối không bao giờ sờ, chạm đến pháp thể Tăng Ni. Dù trước kia thân thiết đến đâu, nay gặp lại chỉ chấp tay cúi đầu xá, miệng chào “A Di Đà Phật” là đúng phép.
Đức Phật Thích Ca đã nhập diệt cách nay hơn 25 thế kỷ, hàng ngày chúng ta cúng nước, trái cây để tưởng nhớ đến Ngài, như Ngài còn tại thế. Nhớ ơn Ngài đã dạy cho chúng ta biết vô minh là nguồn gốc của khổ đau và tu để đi đến giải thoát, đạt đến sự an lạc vĩnh cửu, đó là chân lý, sự tôn kính ấy giúp cho chúng ta củng cố niềm tin, nhắc nhở chúng ta hàng ngày phải tu tập từng giờ từng phút để đạt đến kết quả cuối cùng.
III – LỄ PHẬT:
Để tỏ sự tôn kính đức Phật, hàng ngày chúng ta phải lễ Phật, hay cúng lạy Phật. Lạy Phật khác với lạy ông bà, cha mẹ. Lạy Phật tức là chúng ta lạy ngôi Tam bảo, cách thức như sau:
Trước khi lạy Phật, thân tâm ta phải trong sạch, nghĩa là chúng ta phải tắm rửa cho sạch sẽ, nếu sáng sớm dậy, chúng ta phải đánh răng, rửa mặt, tay, chân, tóc chải gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ, nếu có áo tràng phải mặc vào rồi mới lễ Phật.
Khi lạy Phật, đứng ngay ngắn chỉnh tề trước bàn Phật, hai tay chắp ngay trước ngực, xá 3 xá rồi mới lạy. Còn nếu ta nguyện hương, đốt 3 cây hương rồi thỉnh 3 tiếng chuông, quỳ xuống lấy hương, hai tay cầm 3 cây hương đưa ngang trán để khấn nguyện, mỗi nguyện một xá, nguyện xong xá 3 xá rồi cắm hương vào lư hương. Trước khi lạy, chúng ta đứng thẳng người, hai tay chắp ngang ngực, xá 3 xá rồi quỵ hai gối xuống đồng một lượt, sau đó để hai bàn tay xuống, lật hai lòng bàn tay ngửa lên, kéo rời ra một chút cho có khoảng trống, rồi cúi đầu xuống, trán chạm xuống nền nhà chỗ khoảng trống giữa hai bàn tay, gọi là “ngũ thể đầu địa” tức là 2 tay, 2 chân và trán chạm đất. Hai bàn tay lật ngửa ra cũng như ngày xưa Phật còn tại thế, người ta lễ Phật là cúi người xuống, hai bàn tay nâng bàn chân Phật rồi hôn lên đó. Khi đứng lên, ngẩng đầu và nâng thân mình lên rồi lật úp hai bàn tay lại, dùng hai bàn tay chống xuống sàn nhà để nâng cả thân mình lên cùng lúc, khi đã đứng ngay thẳng rồi thì xá 1 xá, lạy thứ ba xong xá ba xá. Lạy hay xá đều phải làm từ tốn, chậm rãi để tỏ lòng cung kính. Trong khi lạy, tâm chúng ta thành kính tưởng nhớ đức Phật, đừng nghĩ tưởng chuyện gì khác, đó là tâm ta trong sạch, trong ý nghĩa thân tâm ta trong sạch.
Trong khi lạy Phật có chuông, khi nghe tiếng chuông đánh, chúng ta lạy xuống, khi nghe tiếng chuông dập (dùi chuông đánh vào và giữ lại ở miệng chuông), chúng ta mới cất đầu và đứng lên, nhất là lễ Phật khi tụng Kinh, chúng ta phải lạy xuống, đứng lên nhịp nhàng theo tiếng chuông, làm như vậy mới được trang nghiêm.
Lễ Phật còn có ý nghĩa chúng ta tôn kính, phục tùng đức Phật, dẹp bỏ tánh ngã mạn, kiêu căng trong lòng chúng ta, có như vậy chúng ta mới tu học tinh tấn được.
IV- KẾT LUẬN:
Hiểu biết được cách trang thiết bàn Phật, lễ Phật và chúng ta làm theo được như vậy mới chứng tỏ mình là một Phật tử thuần thành, chẳng những thế mà hàng ngày chúng ta còn phải tụng kinh hoặc ngồi bán gìa hay kiết gìa trước bàn Phật để niệm danh hiệu Phật, hoặc ngồi thiền hay trì chú chừng 15 phút trở lên. Việc thắp nhang, lạy Phật chỉ tỏ lòng tôn kính mà thôi, còn tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, trì chú công phu hàng ngày ấy mới là tu tập, cốt để sửa tâm tánh chúng ta ngày càng tinh tấn theo lời Phật dạy.
Nguồn: chuahoangphap.com.vn
Các bạn cho mình hỏi thanh văn và duyên giác có được giải thoát chưa ạ.làm sao chứng được đạo thanh văn và duyên giác vậy các bạn.ví như mình tu đạo thanh văn và niệm phật lúc đó sẽ chứng đạo thanh văn hay là vãng sanh cực lạc ạ. Mong các bạn giải đáp thắc mắc này với ạ
A Di Đà Phật,
Thanh Văn & Duyên Giác là 2 quả vị trong dòng Thánh, là đã được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, quả vị này cũng là vô cùng thù thắng dù dưới mắt nhìn của Phật và Pháp Thân Đại Sĩ thì vẫn là quả vị nhỏ, nhưng với Trời và Người trong Lục Đạo thì họ xứng đáng làm Thầy của Trời Người rồi, rất là khó được.
Muốn chứng quả vị này thì phải đoạn hết Kiến Tư Phiền Não, trong đó thô nhất chính là Thân Kiến, là chấp cái thân này là Ta, cửa ải đầu tiên phải phá trừ chính là Tự Tự Tự Lợi, Ngũ Dục Lục Trần, Danh Văn Lợi Dưỡng, Tham Sân Si Mạn. 16 chữ này phải đoạn sạch sẽ. Điều này tự lực tu hành sẽ rất khó khăn đấy, chẳng phải người căn tánh trung hạ có thể làm được.
Bạn niệm A Di Đà Phật thì phải nên cầu sanh Cực Lạc hơn là cầu chứng đắc quả vị Thanh Văn Duyên Giác, vì sao? Vì đó chính là lời khuyên của Đức Thế Tôn, Đức Phật chỉ khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc chứ Ngài ko khuyên chúng ta niệm A Di Đà Phật với 1 mục đích nào khác. Chỗ này bạn phải ghi nhớ, nếu bạn khởi vọng tưởng muốn niệm Phật cầu tự chứng đắc Thanh Văn Duyên Giác thì ngay đó bạn chẳng có thật Tin, thật nghe lời Đức Phật. Hậu quả là bạn sẽ rất có thể chẳng chứng được gì cả, mà cũng chẳng được vãng sanh Cực Lạc (vì có chân thật Tin & Nguyện đâu). Cho nên, đây là sai lầm rất lớn cho những ai “mượn” câu A Di Đà Phật để đi theo con đường tự chứng, vì người đó ko có thật y giáo phụng hành, tuân thủ đúng theo tông chỉ của Tịnh Tông là “Phát Bồ Đề Tâm Nhất Hướng Chuyên Niệm A Di Đà Phật Cầu Sanh Cực Lạc”.
Mà thật ra Đức Phật đã thấy rõ cái tâm mong cầu này của chúng ta rồi cho nên Ngài cũng giải thích thêm trong Kinh Vô Lượng Thọ ở phẩm 16 là “…Nơi đó có chỗ tụng kinh, giảng kinh, thọ kinh, nghe kinh, kinh hành, quán chiếu, tọa thiền trên đất cũng như hư không, thảy đều đầy đủ. Hoặc là chứng đắc quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán. Vị nào chưa chứng A Duy Việt Trí thì liền chứng được A Duy Việt Trí. Các vị ấy tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, thảy đều hoan hỷ…”
Do đó, mình cứ yên tâm niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, khi được vãng sanh Cực Lạc rồi thì các quả vị trong Phật pháp, từ thấp đến cao chúng ta đều từng bước đạt được 1 cách vững chắc, ổn định và không thoái chuyển.
Hi vọng khi bạn đọc lời chia sẻ đến đây thì bạn sẽ biết phải niệm A Di Đà Phật như thế nào là đúng như pháp, phải không bạn?
Nam Mô A Di Đà Phật.
Tịnh thái ơi cho mình hỏi cái kiết sử ngạo mạn với cái hoài nghi hơi phức tạp nhỉ.ví dụ như vậy nè.nếu như mình nói mình nhất định sẽ đạt được đạo thanh văn duyên giác.như vậy có được gọi là kiết sử ngạo mạn không.còn nếu nói sẽ không được có phải là hoài nghi bản thân không.2 kiết sử trên phức tạp quá
A Di Đà Phật,
Ngạo Mạn là tự mãn, tự cho mình hơn người và trong vô tình hay cố ý cũng là muốn người khác cung kính với mình, thích được khen hơn là nghe chê bai phê bình. Hễ khi mình nghe ai đó khen mình mà mình thích thú thì ngay đó ngạo mạn đã sanh ra rồi, sanh từ trong si mê, cho lời khen đó là thật, từ si mới ra ngạo mạn.
Còn hoài nghi là do anh có thành kiến, thậm chí cái thành kiến đó là tà kiến, có cái thấy của anh, anh ko tin lời của Phật, ko tin lời của Thánh Hiền nhân, anh đòi chứng minh cho bằng được. Thí dụ: Phật dạy là có Địa Ngục nhưng anh chẳng thấy bằng mắt thường nên anh chẳng cho Địa Ngục là thật. Anh chỉ nghĩ Địa Ngục là phương tiện Phật răn dạy chúng ta để làm lành lánh dữ mà thôi…Cái biết si mê của anh là như vậy. Anh chẳng tin Phật. Thâm chí anh cũng lên đài giảng Kinh, nói Pháp, nói cho đến hoa trời rơi rụng nhưng anh chẳng chịu thật tin Phật, anh vẫn ôm lấy cách nghĩ riêng của anh…Tại sao khẳng định như vậy? Nếu anh thật tin Phật thì anh đã làm theo lời Phật dạy rồi. Anh chẳng chịu làm theo lời Phật dạy thì có nghĩa anh chưa thật tin Phật, anh vẫn cứ thuận theo cái tri kiến phàm phu của chính anh, thuận theo phiền não tập khí của chính anh, vậy thì không còn cách nào…Anh giảng Kinh thuyết pháp nhưng vẫn phải đọa lạc, gọi là sanh tử như thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế đó.
Còn nếu anh là người thật tu, thì trước tiên anh phải phát cái Nguyện giống Phật, giống Bồ Tát vậy, đây là phát nguyện, là lập chí, chứ chẳng phải ngạo mạn. Anh lập chí đời này niệm A Di Đà Phật cầu vãng sanh Cực Lạc, thành Phật để rộng độ chúng sanh. Việc này là lập chí, là đại nguyện trong những đại nguyện…Cái chí nguyện này siêu vượt 10 pháp giới, ai lập cái chí này, kiên định tu hành theo cái chí nguyện này mỗi giờ mỗi phút mỗi giây thì 10 phương chư Phật cũng phải tán thán, cũng đều hộ niệm cho anh. Vì tâm anh cùng tâm Phật không hai, không khác.
Do đó, lập chí, lập nguyện vô cùng quan trọng, rất là quan trọng.
Hi vọng bạn đọc những lời trên thì sẽ rõ ràng hơn, ko thấy mấy cái kiết sử này phức tạp nữa.
Khó nhất vẫn là lập chí và thật làm.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Mình thấy 12 nhân duyên khó quá có tới 12 kiết sử lận mình muốn chuyển sang bát chánh đạo lâu lâu thì niệm phật.có khi quán nhân duyên nữa như vậy có ảnh hưởng gì tới việc tu tập bát chánh đạo không tịnh thái
A Di Đà Phật,
Phép quán 12 nhân duyên để đạt đến lợi ích chân thật thì hạng phàm phu chúng ta không có phần, vì đây là pháp môn dành cho hàng căn tánh thượng, quán 12 nhân duyên thông đạt tường tận rồi thì chứng quả vị Duyên Giác hay còn gọi là Bích Chi Phật, sức định của Bích Chi Phật còn cao hơn A La Hán 1 bậc. Các Ngài A La Hán đi khất thực thì 7 ngày mới đi 1 lần, Bích Chi Phật thì 2 tuần đi một lần. Điều đó chứng tỏ công phu thiền định của Bích Chi Phật cao hơn A La Hán, phước đức và Trí Huệ của các Ngài cũng vượt trên A La Hán một bậc rồi.
Trong quyển Tứ thập nhị chương kinh có nói rằng: “…Cúng dường ức vị A-la-hán, không bằng cúng dường cho một bậc Bích-Chi-Phật ăn…”
Do vậy phép quán 12 nhân duyên thật chất mình có thể tham khảo qua…nắm lấy cương lĩnh mà thôi, còn khế nhập thì TT này không làm được. Bạn có thể tùy duyên lĩnh ngộ việc này.
Còn thật ra niệm 1 câu A Di Đà Phật là nhiếp trọn 6 căn, tịnh niệm liên tục. Làm được như vậy thì 6 căn thanh tịnh, tâm thanh tịnh trong khi trì danh Phật hiệu rồi. Mà tâm đã thanh tịnh thì chẳng phải đã bao gồm trọn vẹn Bát Chánh Đạo rồi hay sao?
Tâm người niệm Phật đạt đến chỗ thanh tịnh thì Chánh kiến liền sanh khởi – người niệm Phật chân chánh ko có khởi Tà Kiến, vì khi họ đang niệm A Di Đà Phật chính là đang niệm Giác mà không Mê – Chánh mà ko Tà – Tịnh mà ko Nhiễm. Chánh tư duy liền hiện tiền – người niệm Phật chân chánh không khởi cái suy nghĩ lợi ích cho bản thân mình – Tâm họ là tương ứng với tâm Phật A Di Đà, suy nghĩ của họ cùng với suy nghĩ của Phật A Di Đà là như nhau – là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi. Chánh ngữ liền tương ưng – người niệm Phật luôn giữ khẩu nghiệp thanh tịnh, không nói lỗi người, họ đang niệm Phật thì họ làm sao nói lời ác, lời thô, ỷ ngữ hay nói lời thêu dệt được chứ, miệng họ thường tỏa vô lượng diệu hương, tán thán A Di Đà Phật, tán thánh pháp môn Tịnh Độ, tán thán Chánh Pháp của Như Lai, tán thánh thiện tâm thiện hạnh của người. Chánh nghiệp liền viên mãn vì ba nghiệp của họ đều tương ứng với tâm khẩu ý của A Di Đà Phật. Chánh mạng liền được như ý vì nghề nghiệp của họ chính là phương tiện để trợ duyên cho chúng sanh biết đến “A Di Đà Phật” – họ ko làm việc vì danh vì lợi mà vì Chánh Pháp, vì chúng sanh. Chánh tinh tấn chính là trong tâm họ Phật hiệu ko gián đoạn, Chánh niệm chính là trong tâm họ ko xen tạp niệm bất thiện, chỉ có A Di Đà Phật, Chánh định chính là ý chí & niềm tin của họ vững vàng, nguyện tâm cầu sanh Cực Lạc thiết tha chân thành vậy…Như vậy chẳng phải người niệm A Di Đà Phật chính là đang thực hành Bát Chánh Đạo một cách viên mãn hay sao?
Chưa nói đến họ niệm A Di Đà Phật được vãng sanh Cực Lạc là họ thành Phật, chẳng phải đây là mục đích tối thượng của Bát Chánh Đạo hay sao? Bát Chánh Đạo viên mãn chính là phải thành Phật, chưa thành Phật thì Bát Chánh Đạo của bạn liền có khiếm khuyết, chưa viên mãn.
Nếu bạn thật hiểu như vậy thì bạn thấy rõ mình có nên chuyên tâm trì danh A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc hay ko? Hay còn phải học nhiều thứ khác?
Việc này là tùy vào thiện căn, phước đức, nhân duyên của mỗi người chúng ta. Cũng là không thể gượng ép được.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào Tịnh Thái!
Mình xin được nhờ bạn chỉ bảo giùm. Nhà mình có thờ Phật Quán Âm, lâu nay mình bận mãi, đã ko chuyên tâm thờ cúng, tụng kinh. Nay mình muốn sám hối để tu tập. Làm lại từ đầu thì mình nên làm gì? Bạn chỉ giúp mình cách sám hối, cũng như nghi thức sám hối tại gia, bài phát nguyện …mình xin cám ơn.
A Mi Đà Phật.
A Di Đà Phật,
Về hình thức tu tập tại nhà thì bạn có thể tham khảo bài viết sau, đầy đủ tất cả theo đúng như ý của bạn:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/04/van-phat-nguyen-sam-hoi/
Và nếu thật sự muốn đạt được lợi ích trong Phật pháp thì phải bắt đầu từ Tịnh Phước thứ nhất của Tịnh nghiệp tam phước: Hiếu dưỡng Cha Mẹ, Phụng Sự Sư Trưởng, Từ Tâm Bất Sát, Tu Thập Thiện Nghiệp.
Hiếu Dưỡng Cha Mẹ & Phụng Sự Sư Trưởng thì phải nhất định bắt đầu học từ cuốn Đạo Làm Con:
http://hoasenvanno.files.wordpress.com/2013/11/02_dao-lam-con-1.pdf
https://www.youtube.com/watch?v=vBdQaT5D1wA
Từ Tâm Bất Sát & Tu Thập Thiện Nghiệp thì phải nhất định đọc từ:
Cuốn “Làm Chủ Vận Mệnh”: http://phapamgiaithoat.com/ebook/Lam-Chu-Van-Menh-TT-Thich-Minh-Quang-Dich.pdf
Thập Thiện Nghiệp Đạo: https://www.youtube.com/watch?v=7cVH6Mvpwsc
Nếu chân thật chịu học theo những bài khóa trên, thực hành chuyên cần trong 1 năm thôi thì đã thấy lợi ích hiện tiền, chỉ sợ tâm mình ngại khó, giải đãi, thích cái gì dễ dàng, nhanh chóng đâm ra chẳng thể có được lợi ích chân thật từ trong Phật pháp vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ Phật
cho con hỏi nhà con từ trước giờ đang thờ phật tượng quan thế âm ngồi chính giữa, bên trái là khung hình bà chúa tiên, bên phải là ông tử vi, vậy bây giờ con phải làm sao ? nếu để như vậy luôn thì có sao không? con hoang mang quá, không biết phải làm sao?
A Di Đà Phật,
Quán Thế Âm Bồ Tát chính là Cổ Phật tái lai dưới thân phận là Bồ Tát theo đại nguyện từ bi phổ độ chúng sanh…cho nên việc thờ Ngài ngay trung tâm ban thờ là đúng (trong hoàn cảnh của bạn). Còn các khung hình bà chúa tiên và ông tử vi thì nếu đã có duyên mà xả bỏ họ thì sợ họ trách…Nên chăng mình vẫn nên giữ, nhưng để vị trí khung hình thấp hơn vị trí của Quán Thế Âm Bồ Tát, tốt nhất là nên để qua 1 ban thờ riêng thì lại càng hay…Cũng là do duyên mình đã biết đến Phật pháp, muốn một lòng theo Phật nhưng chẳng thể bội ân với họ, cho nên để lại khung hình của họ để cho họ có thể có nhân duyên mỗi ngày cùng mình nghe Kinh, niệm Phật, khiến họ sanh khởi tâm cung kính với Tam Bảo, hưởng được từ ân của Tam Bảo gia trì, cho đến phát tâm làm thần hộ pháp cho Phật pháp và cho người học Phật thì lại càng hay…
Việc này TT có chia sẻ 1 lần tại:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2013/01/tho-phat-tai-nha-can-phai-biet-nhung-dieu-kieng-ki/comment-page-5/#comment-16335
Chị có thể tham khảo để tự sắp xếp lại ban thờ một cách hợp lý khiến cho chư thần linh cũng có thể sanh tâm hoan hỉ, mà bản thân bạn cũng an cái tâm để mạnh dạn thờ Phật, học Phật…và sớm có được hạnh phúc an lạc ở trong Chánh pháp của Như Lai.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạch Thầy,mấy tháng trước con có qua Thái Lan thấy bên đó họ thờ Phật bốn mặt nhiều lắm mà ở Việt Nam mình chủ yếu thờ Phật Quán âm Bồ tát và Phật A di đà,Phật Di Lặc và ba ông Phúc,Lộc,Thọ,con xin hỏi Bạch thầy Tịnh Thái con có nên lập một bàn thờ Phật bốn mặt hay không,vì nhà con có làm ăn buôn bán và cũng khá phát đạt?
Hôm trước con nằm mơ thấy Đức Phật Quán Âm hiển linh về dặn dò đôi điều và có ban một túi thuốc,tuy thuốc con không nhớ rõ lắm nhưng trong đó có lời dặn về thắp hương cho Ngài một ngày 3 lần,chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ và tu tâm để sớm có con đầu lòng,con không biết điềm này là gì nên mong Bạch thầy phúc đáp sớm cho con hiểu.
Một điều nữa con xin hỏi thầy có phải con có duyên với Phật Pháp hay không?hai năm trước con nằm mơ thấy mình theo một chuyến xe lên đỉnh núi gì đó ở Tây Tạng,ở lưng núi nhìn xuống một thung lũng có một ngôi chùa rất lớn và một bức tượng Phật bằng vàng khổng lồ,con cũng không để ý đó là gì cho đến đầu năm nay con theo xe đi lên chùa Yên Tử cũng khấn Phật và ngày hôm qua con có mơ thấy Quán Âm Bồ Tát hiển linh.
thưa thầy bố con mất được gần một năm. Cũng sắp đên ngày dỗ đầu. Dạo này mẹ con ngày nào cũng tụng kinh vào sáng hoặc tối. Vậy con xin hỏi thầy là mẹ con nên tụng kinh gì thì tốt nhất cho việc vãng sanh. và mẹ con đọc trước bàn thờ tổ tiên được không ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Quỳnh,
Ngày giỗ, điều tốt nhất gia đình nên làm là: làm cỗ chay tịnh, cùng hương hoa quả để dâng cúng người đã mất. Kế đó trong ngày giỗ gia đình bạn có thể tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện hoặc Kinh A Di Đà Nghi Thức Cầu Siêu, kết hợp phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam Bảo… Tuỳ theo sự đồng thuận của mọi người trong gia đình để làm việc phước thiện rồi hồi hướng công đức cho bố bạn.
Trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện ngài Địa Tạng Bồ Tát đã chỉ dẫn rất cụ thể: những thân quyến đã mất, cho dù từ nhiều đời, nhiều kiếp mà chưa được siêu sanh, nay nhờ thân quyến trì tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, niệm Phật và cúng dường, bố thí hay làm những việc phước thiện khác để hồi hướng cho người đã khuất, dẫu cho người đó đã sanh về cõi an lạc (cõi thiên, cõi người) thì người đó phẩm vị, phước báu sẽ thêm cao; ngược lại nếu chưa siêu thoát, còn phải đoạ lạc trong cõi ác đạo, thời cũng nhờ đó mà được (hoặc chóng được) siêu sanh về miền an lạc.
TN hy vọng bạn sẽ tiên phong giúp gia đình hiểu được nhân-quả, để ngày giỗ bố sẽ không phải là ngày để tụ họp ăn uống theo lề thói ngàn xưa, làm thế cả người còn sống lẫn đã mất đều không được một lợi lạc nào.
Chúc bạn tỉnh giác.
TN
Bác mua hai bàn thờ này ở đâu đấy ạ? Cho cháu xin địa chỉ.
DVCT: Xin đạo hữu hoan hỉ tập gõ tiếng Việt có dấu trọn vẹn để đọc giả tiện bề theo dõi và tránh hiểu lầm. A Di Đà Phật.
Kính thầy!
Cho con hỏi nhà con có lập bàn thờ Phật gồm: 1 bức ảnh bán thân Phật Tích Ca treo tường, trên bàn thờ là tượng Quan Âm Bồ Tát phía trước ảnh thờ, 1 lư hương và 3 chun nước ở giữa. Như vậy đúng chưa ạ? Có người bảo thay ảnh Phật Thích Ca bằng ảnh Tam Phật: Đại Thế Chí, A Di Đà và Quân Thế Âm. Như vậy đúng không Thầy?
Kính Thầy chỉ giáo.
Đa tạ.
Thưa thầy ở nhà con có làm bàn phật a di đà. Thầy chỉ con cách nguyện và khấn a di đà ạ
A Di Đà Phật
Bạn hãy hành trì theo nghi thức này hằng ngày nhé
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/doi-dong-to-bay/nghi-thuc-niem-phat-hang-ngay/
(dùng Bản Việt văn)
Chúc siêng năng tinh tấn nhé!
A Di Đà Phật
bài viết đã giúp tôi hiểu rõ cách thức đặt bàn thờ Phật và cách lễ Phật . Tôi đã tìm đọc những thông tin như thế này rất lâu rồi , mãi đến bây giờ mới đọc được . Xin cảm ơn tác giả bài viết