Phật Tử hỏi :
Bạch Thầy,
Con vừa mới thọ tam quy ngũ giới, con muốn được sớm giác ngộ giải thoát, vậy con phải chọn pháp tu như thế nào? và pháp môn nào dễ tu dễ thành đạt nhứt, thưa thầy?
Thành kính tri ân Thầy.
Đáp :
A Di Đà Phật
1- Trong bảy phần tiến tới Giác Ngộ (Thất Giác Chi) Đức Phật dạy chọn pháp tu (trạch pháp) đứng hàng đầu. Mục đích tu học Phật là gì? Là lìa khổ được vui. Phải gấp rút rốt ráo lìa khổ, và phải gấp rút được cái vui cứu cánh, cái vui viên mãn. Muốn được vậy phải chọn pháp tu khế hợp (tương ưng; khế lý khế cơ) với :
a) Căn tánh của chính mình
b) Trình độ của chính mình
c) Hoàn cảnh sinh hoạt của chính mình
d) Nguyện vọng của chính mình
2- Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ là pháp dễ tu, dễ chứng và mau thành đạo quả nhứt.
Phật giáo Trung Hoa và Việt Nam có mười Tông phái như sau : Luật Tông, Tịnh Độ Tông, Thiền Tông, Pháp Tướng Tông, Mật Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Tam Luận Tông, Câu Xá Tông, Thành Thật Tông.
Hiện nay chỉ còn ba Tông Phái thịnh hành là : Tịnh Độ Tông, Thiền Tông và Mật Tông.
Thiền Tông và Mật Tông chủ trương hành pháp tự lực nghĩa là tự dùng sức của chính mình để tu để tự chứng đắc.
Tịnh Độ Tông hành pháp nhị lực (tự lực cộng thêm tha lực) nghĩa là ngoài sức của chính mình được cộng thêm sức gia trì của chư Phật trong mười phương.
Kinh Đại Tập dạy : “Thời mạt pháp ức ức người tu hành, hiếm có người đắc đạo duy nhờ pháp niệm Phật (Tịnh độ Tông) mới thoát sanh tử (giải thoát).”
Tượng Pháp Quyết Nghi Kinh dạy : “Sau khi Phật diệt độ là thời Chánh Pháp trong năm trăm năm trì giới kiên cố (thành tựu). Thời Tượng Pháp một ngàn năm kế tiếp thiền định kiên cố. Sau đó thời Mạt pháp một muôn năm niệm Phật kiên cố”.
Đức Thế tôn nhập niết bàn đã hơn hai ngàn năm trăm năm mươi tám (2.558) năm. Như vậy chúng ta đi vào thời mạt pháp hơn một ngàn năm rồi, mà càng đi sâu vào thời mạt pháp thì căn cơ, đức trí chúng sanh càng thấp kém, nên tu các pháp môn khác lại càng khó chứng đắc.
Tổ thứ mười ba Ấn Quang đại sư dạy : “Chín pháp giới chúng sanh lìa pháp môn này (Tịnh Độ) thì trên chẳng viên thành Phật đạo. Mười phương chư Phật bỏ pháp môn này (Tịnh Độ) thì dưới chẳng thể lợi quần sanh”.
Đức Thế Tôn dạy : “Mười phương chư Phật đều do niệm Phật mà thành Phật”.
Pháp môn Tịnh độ khế lý khế cơ (khế hợp, tương ưng) cho cả ba căn thượng, trung, hạ, là pháp môn dễ tu dễ chứng (dị hành đạo) nhứt trong hết thảy pháp môn. Chư Tổ dạy : “Pháp môn Tịnh độ là con đường tắt trong tất cả các pháp môn,mà niệm Phật cầu vãng sanh là con đường tắt trong pháp môn Tịnh độ, vậy thì niệm Phật cầu vãng sanh là con đường tắt trong đường tắt.” Tại sao dám nói như vậy? Vì “Niệm Phật vãng sanh một đời thành Phật”! Còn tu các pháp môn khác phải trải qua ba đại a tăng kỳ kiếp mới thành Phật đạo.
Thích Minh Tuệ
Chào quý đạo hữu !
Thiện Minh xin phép được chia sẽ chút ít hiểu biết đến đạo hữu. Đạo hữu đã quy y và thọ năm giới thì đạo hữu đã chính thức trở thành phật tử và là sứ giả của Như Lai. Năm giới căn bản này nếu giữ được cho đến trọn đời thì sẽ giúp cho đạo hữu đời sau tái sinh không bị đọa tam ác đạo.Việc tu hành để được giác ngộ giải thoát không phải tu một đời. Giác ngộ giải thoát la mục tiêu, là lý tưởng của hàng Phật tử mà trong Phật học gọi là Vô Ngã, tức phải chứng thánh quả. Như vậy có phải tâm mong cầu sớm được chứng đắc là tâm tham, là điên đảo mộng tưởng hay còn gọi là tà kiến hay chăng?
Là Phật tử trên bước đường tu cần phải có Chánh kiến tức là hiểu đúng đắn & sâu sắc về Phật pháp. Từ đó mới có được Chánh tư duy tức là suy nghĩ đúng ;rồi mới có được Chánh ngữ tức là lời nói đúng đạo lý.Như vậy, đạo hữu phải đọc kinh và nghe pháp nhiều mới thành tựu được Chánh kiến, Chánh tư duy và Chánh ngữ.
Trên bước đường tu thì đạo hữu phải tạo phước bằng cách bố thí, cúng dường, phóng sinh, giúp đỡ người trong hoàn cảnh khó khăn,tập sống vị tha,giữ tâm khiêm hạ, lạy Phật sám hối.Đó là Chánh nghiệp.
Đạo hữu chọn một nghề để nuôi sống bản thân đó là chánh mạng. Phải luôn tinh tấn trong việc tu hành, không được giải đãi lười biếng. Đó la Chánh tinh tấn. Phải luôn kiểm soát thân tâm trong từng giây từng phút, không để thân, khẩu , ý tạo nghiệp dữ, phải nghĩ đến những việc có ích cho việc tu hành,không bàn chuyện thị phi. Đó là sống trong Chánh niệm tĩnh giác, từ đó vọng tưởng không có duyên để dấy khởi.Song song đó đạo hữu cũng cần phải nên tọa thiền hay niệm Phật (tùy vào sở thích và căn cơ).
Đạo hữu phải nắm biết được giáo lý co bản Phật học .Đó là Tứ diệu Đế và Bát Chánh đạo.Thực hành đúng bát Chánh Đạo đạo hữu sẽ có những kết quả trong đường tu. Là Phật tử không nên phân biệt pháp môn Thiền hay Tinh độ, cái này hay hơn cái kia nhưng phải rõ ràng pháp môn nào phù hợp với căn tánh của mình, phải chuyên tu một môn thâm nhập lâu dài, ko thì uổng phí 1 đời tu hành.
Chúng ta hãy thử hình dung ra một sơ đồ Cây Phật giáo như thế này :cây thì phải có bộ rễ, thân ,cành, lá, hoa va quả. Bộ rễ là phần căn bản để nuôi thân, rồi từ thân mới có sau đó. Đạo đức của người tu hành được ví như bộ rễ. Người tu hành có đạo đức thực hành bao nhiêu là công hạnh mới có được phước báo. Thì phước báo ở đây chính là thân cây. các pháp môn tu hành được ví như cành nhánh. Hoa la Định. Quả là Trí tuệ. Trí tuệ đây là trí tuệ viên mãn của bậc Thánh giải thoát. Như vậy tu hành đừng chấp pháp môn. Vi công đức căn bản của người Phật tử là từ việc tôn kính Phật, lễ Phật, niệm Phật.
Niệm Phật cũng được hiểu là niệm danh hiệu Phật, tán thán công đức Phật, trí tuệ Phật và tâm đại bi của Phật. Niệm phật cũng được hiểu là thực hành những lời Phật dạy, thương yêu chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh. biết sám hối lỗi lầm, siêng năng tu học,v.v…Niệm Phật cũng chính là thiền định, hướng đến việc nhiếp tâm, diệt trừ vọng tưởng, rồi vào Định – có định thì tâm mới có được thanh tịnh. Sự thanh tịnh của tâm là quá trình thanh lọc từ thô đến vi tế. Khi vượt khỏi những vi tế của tâm thức thì bản ngã mới được diệt trừ. Bản ngã diệt trừ thì lúc đó mới chứng được Vô ngã, mới thực sự giải thoát.
Thiện Minh mong được chia sẽ những hiểu biết mà Thiện Minh học được từ quý Thầy. Để nắm vững giáo lý, Thiện Minh cũng cần học hỏi rất nhiều từ quý thầy cũng như quý Thiện tri thức. Thiện Minh cũng mong được chỉ giáo thêm. Nguyện quý Phật tử luôn đoàn kết cùng nhau hướng dẫn tu học. Thiện Minh kính chúc quý đạo hữu thân tâm thường an lạc,công đức, phước báu, tri tuệ thành tựu viên mãn trên bước đường tu học.
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính gửi đạo hữu Thiện Minh và các bạn đồng tu lời dạy của Đại Sư Ấn Quang về cái sự “dễ tu” của pháp môn niệm Phật:
* Hết thảy chúng sanh vốn sẵn có trí huệ, đức tướng Như Lai. Chỉ do mê chân theo vọng, quay lưng với Giác, xuôi theo trần lao, nên toàn thể chuyển thành phiền não, ác nghiệp. Vì thế phải trải bao kiếp dài lâu, luân hồi sanh tử. Như Lai thương xót giảng ra các pháp khiến họ bỏ vọng quy chân, ngoảnh mặt với trần lao, xuôi theo giác ngộ, khiến cho toàn thể phiền não ác nghiệp lại trở thành trí huệ, đức tướng. Từ đây cho đến cùng tột đời vị lai, an trụ trong cõi Thường Tịch Quang. Khác nào nước đóng thành băng, băng lại tan thành nước, thể vốn chẳng khác, nhưng công dụng thực khác nhau một trời một vực.
Nhưng căn cơ chúng sanh có Tiểu, có Đại, mê có cạn, có sâu; Phật tùy thuận cơ nghi của mỗi người khiến ai nấy đều được lợi ích. Pháp môn Ngài nói ra mênh mông như Hằng sa, nhưng cầu lấy pháp chí viên, chí đốn, tối diệu, tối huyền, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít được hiệu quả nhanh, độ khắp ba căn, thống nhiếp các pháp, thượng thánh hạ phàm cùng chung tu, đại cơ cùng tiểu căn cùng lãnh thọ được thì không gì thù thắng, siêu tuyệt bằng pháp môn Tịnh Độ. Vì sao nói thế?
Hết thảy pháp môn tuy đốn – tiệm khác nhau, quyền – thật đều khác, nhưng đều phải dụng công tu tập sâu xa mới hòng đoạn Hoặc, chứng chân, xuất ly sanh tử, siêu phàm nhập thánh. Đó gọi là cậy vào tự lực, không nương dựa vào điều gì khác cả. Nếu như còn chút Hoặc chưa tận thì vẫn bị luân hồi như cũ. Đấy đều là các pháp phải thấu đạt lý rất sâu, chẳng dễ tu tập. Nếu chẳng phải hạng sẵn có linh căn từ trước, đời này thật khó lòng chứng nhập.
Chỉ có mình pháp môn Tịnh Độ, chẳng luận là phú quý hay bần tiện, già, trẻ, gái, trai, trí, ngu, tăng, tục, sĩ, nông, công, thương, hết thảy hạng người đều tu tập được là do đại bi nguyện lực của đức A Di Đà Phật nhiếp thủ chúng sanh khổ não cõi Sa Bà. Vì thế, so với các pháp môn khác, tu Tịnh Độ đắc quả dễ dàng hơn.
(Trích từ Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục).
Vấn đề còn lại chính là NIỀM TIN của mỗi người chúng ta khi có duyên được biết đến pháp môn này mà thôi. Phật Thích Ca đã khẳng định đây là pháp khó tin nhất trong cả đời giáo hóa của Ngài, người thọ trì được pháp môn này là làm được việc khó nhất trong những việc khó, không có gì mà có thể khó hơn được.
Khi chúng ta có thể buông được thành kiến của mình về Phật pháp, lắng lòng xem xét gương của vô số người đã tự tại vãng sanh, biết rõ ngày giờ ra đi, thân ko bệnh khổ, muốn ra đi lúc nào thì đi lúc đó, tự tại vô ngại với sanh tử thì chúng ta mới thật cảm động vô cùng trước ân đức của Đức Thế Tôn…thật với phàm phu chúng ta thì ngoài pháp này ra thì ko còn có cái pháp thứ hai có thể giúp chúng ta ra khỏi biển khổ sanh tử.
Thật đúng như Tổ Ấn Quang khai thị:
“…Lại vì chúng sanh đời Mạt căn cơ hèn kém, thật chẳng ai có thể đoạn Hoặc chứng chân. Vì thế, Phật đặc biệt mở ra một môn Tịnh Độ hòng thượng, trung, hạ căn, dù phàm hay thánh cùng lìa khỏi Sa Bà, sanh về Cực Lạc ngay trong đời này, chứng dần dần vô lượng quang – thọ. Lòng thâm từ đại bi ấy thật là chí cực không còn gì hơn được nữa!…Nay chỉ có mỗi pháp môn Tịnh Độ, cốt sao lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật, liền có thể nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh liền nhập Phật cảnh giới, thọ dụng như Phật, phàm tình, thánh kiến thứ gì cũng chẳng sanh. Thật là ngàn phần ổn thỏa, vạn phần thích đáng, là pháp môn vạn phần chẳng thể bỏ sót vậy. Nay đang lúc Mạt Pháp, bỏ pháp môn này thì không còn có cách nào khác cả…”
Nam Mô A Di Đà Phật.
Kính gữi quý huynh Tịnh Thái,
Thiện Minh xin tri ân quý huynh đã trích dẫn lời của chư Tổ giúp Thiện Minh thêm sự hiểu biết . Phúc đáp từ Thiện Minh không ngoài việc lợi ích đến sự tu học của quý Phật tử. Quý Phật tử vừa thọ tam quy ngũ giới nên có kiến thức cơ bản. Việc chọn lựa pháp môn là tùy vào cơ duyên của mỗi Phật tử. Sự thành tựu là ở niềm tin sâu hay cạn, dụng công tu học tinh cần hay giãi đãi. Phật tử phải biết rõ chính mình, biết vị trí của mình ở đâu.
Phúc đáp từ Thiện Minh ít nhiều chắc sẽ được quý Phật tử xem xét. Pháp được lập và có đối tượng nên chắc chắn sẽ tạo thành nghiệp; có nghiệp chung quy đều sẽ có quả báo. Thiện Minh cũng mong đó là chánh nghiệp hay thiện nghiệp . Những gì còn chưa thông suốt trong kiến giải chắc chắn sẽ lẫn quẫn bóng dáng của tà kiến. Và Thiện Minh cũng sợ quả báo .
Thiện Minh có đôi lời đến quý huynh . Những gì sai sót TM xin được sám hối.
Kính chúc quý huynh thân tâm thường an lạc và luôn nhận được sự gia hộ từ Tam Bảo.
A Di Đà Phật.
Pháp môn tu không khó dễ, khó dễ do lòng nguời quyết chí xa lìa ái dục mà thôi. Pháp môn phương tiện trong khi đi đứng nằm ngồi mọi nơi để tự giác rồi giác tha thì niệm Phật là hạnh “phổ môn thù thắng nhất” để chấm dứt ái dục của vòng sanh tử mà hành giả không hề biết.
Quan trọng là đừng quên cái sự phát và giữ tâm Bồ Đề. Thiếu tâm Bồ Đề mà tu các pháp môn thì khó mà được thoát sanh tử luân hồi thành tựu viên mãn Phật quả. Đừng bị cành lá hoa đẹp chi phối đâu là cái gốc rễ cây mà chúng ta phải biết để tưới nước đúng chỗ gốc rễ thì hoa lá mới tươi đẹp. Nếu chỉ biết tưới nước trên hoa lá trước sau gì cũng bị héo. Người tu hành quên phát và nuôi dưỡng tâm Bồ Đề mà tu hành các pháp môn thì cũng vậy.
Dài vòng chia sẻ chúc các đạo hữu tâm Bồ Đề kiên cố sớm quay về Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thiện Minh kính gữi phúc đáp đến đạo hữu Huệ Tịnh.
Trước tiên Thiện Minh xin chân thành sám hối thiếu sót trong sự trình bày kiến giải. Sự thấy biết nơi đạo hữu rất cặn kẽ chính xác ở điểm này. Thiện Minh vô cùng tán thán.
Thật sự Thiện Minh đã có nghĩ đến. Cũng vì đã gữi phúc đáp rồi nên Thiện Minh không thể nào bổ sung. Thiện Minh cũng chờ nhân duyên để bổ sung cho đầy đủ hơn. Thì phúc đáp từ quý đạo hữu đây là duyên rất quý báo, cũng là sự nhắc nhở đến Thiện Minh cần cẩn trọng hơn nữa.
Sơ đồ cây Phật giáo thật ra Thiện Minh đã được lĩnh hội từ quý Thầy. Đó là công đức, là thành quả tu hành của quý Thầy. Thiện Minh nguyện luôn ghi nhớ và tán thán. Thiếu sót này Thiện Minh cũng xin đối trước Tam Bảo và quý Thầy để sám hối. Thiện Minh chỉ mong được bổ sung cho đầy đủ. Mong đạo hữu cùng quý Phật tử hoan hỹ chấp nhận.
Sơ đồ cây Phật giáo xin được phác họa lại như sau : cây thì phải có bộ rễ, thân, cành ( nhánh), lá, hoa và quả. Bộ rễ là phần căn bản để nuôi thân. Từ nơi thân cây mới mọc ra cành nhánh, lá; rồi đủ nhân duyên cành nhánh mới ra hoa và kết quả. Đạo đức của người tu hành được ví như bộ rễ. Bộ rễ cây có phần cuối cùng là đuôi rễ. Đuôi rễ ở đây được ví như Bồ Đề Tâm, hay được hiểu là lý tưởng giải thoát, lý tưởng cầu thoát ly sanh tử, thoát ly biển khổ trong ba cõi. Chỉ có ai nhận thấy cái khổ thì mới phát Bồ Đề Tâm, mới cầu giải thoát. Giải thoát bằng cách nào? Phải theo lời dạy của Đức Thế Tôn : ” Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý.” . Ba câu tuy ngắn gọn nhưng là công phu tu tập không chỉ cả đời này mà mãi đến vô lượng kiếp sau cho đến ngày giải thoát. Sự tu tập đạo đức gói gọn trong ba câu kệ này. Sự hiểu và thực hành ba câu kệ này còn tùy ở mỗi cá nhân; chỉ mong hàng Phật tử đừng quên. Người tu hành sống có đạo đức thực hành bao nhiêu công hạnh mới có được phước báo. Thì phước báo ở đây chính là thân cây. Các pháp môn tu hành được ví như cành nhánh. Những phương tiện ở mỗi pháp môn là lá. Khi đầy đủ nhân duyên, thân cây sẽ ra hoa rồi cũng phải đủ duyên rồi mới kết trái. Hoa được hiểu là Định. Quả là Trí Tuệ. Trí tuệ ở đây là trí tuệ cứu kính viên mãn của bậc Thánh giải thoát.
Thiện Minh xin được bổ sung như trên. TM mong đạo hữu Huệ Tịnh cùng quý Phật tử hoan hỹ cho.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Chào đạo hữu Thiện Minh thân mến,
Huệ Tịnh xin nhắc lại câu kệ đơn giản này mà đa số Phật tử nào cũng đã nghe qua nhưng khó thực hành vì ý nghĩa của câu này đồi hỏi đạo hữu phải có tâm Bồ Đề kiên cố vững chắc. Nếu đạo hữu tu tập cái tâm qua câu kệ này mà không thối chuyển thì lúc tu các pháp môn niệm Phật, tọa Thiền… sẽ đem lại kết quả tốt đẹp lợi ích lớn cho bản thân và tất cả chúng sanh.
“Bồ Tát sợ nhân,
Chúng sanh sợ quả”.
Khi có chuyện xẩy ra thì chúng ta mới biết thì ra mình còn sợ hải điên đảo tâm còn quái ngại. Lòng tin nhân quả té ra chưa nắm chắc như mình nghĩ.
Chúc đạo hữu ngộ ra câu này mà thực hành cho kiên cố sớm ngày thành tựu viên mãn đại nguyện độ sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thiện Minh kính chào đạo hữu Huệ Tịnh,
Thiện Minh đã không ít lần được nghe nhắc đến câu kệ trên qua các bài thuyết pháp từ quý Thầy. Nay lại được Huệ Tịnh nhắc nhở, Thiện Minh sẽ ghi nhớ và phụng trì.
Xin thành tâm chúc Huệ Tịnh luôn được Phật huệ sáng soi, thân tâm thường lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật@Thiện Minh.