Chúng ta phải ghi nhớ một nguyên tắc quan trọng là: phát nguyện phải chân thật, tiếp tục huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, phải ghi nhớ là tùy duyên chứ không phan duyên. Khi duyên chưa hiện tiền thì không miễn cưỡng, không cầu. Không đi tạo cơ hội, nếu tạo điều kiện, vậy là sai rồi. Có ý niệm tạo cơ hội, tạo điều kiện, thì tâm không thanh tịnh, sẽ không như pháp. Cho nên, phải chờ đợi đến khi nhân duyên chín muồi; nhân duyên chưa chín muồi thì phải chăm chỉ tu hành, tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng của chính mình, hạ công phu ở phương diện này. Chờ đợi cơ duyên chín muồi, quyết định không được phan duyên.
Hoằng pháp lợi sanh làm hay không? Phải làm, phải tùy duyên mà làm, không được phan duyên mà làm. Có cơ hội thì làm, không có cơ hội thì không đi tìm để mà làm, vậy là đúng rồi. Làm cũng như không làm. Nếu kể công, tôi đã làm được bao nhiêu việc tốt, đây là chấp trước tướng mà tu phước, sẽ không có công đức gì cả. Phải “Tam luân thể không”, trong tâm một lòng một dạ niệm Phật.
Có cơ hội thì tùy duyên giúp đỡ chúng sanh, tùy duyên cũng phải tận tâm tận lực, công việc mới làm được viên mãn. Nếu không có cơ hội thì tự mình lão thật niêm Phật. Thật sự chân thành niệm Phật, thì sẽ được đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước ngày giờ, lâm chung không có đau khổ.
Trên thế gian này làm mọi việc tốt, mọi thứ công đức, đều không bằng câu “A Di Đà Phật”. Tất cả hành vi thiện, việc thiện, chúng ta tùy duyên làm, quyết không phan duyên. Phan duyên là có ý muốn làm, vậy là tâm đã xen tạp. Tùy duyên là nguyện lực làm, là gặp thì làm; khi chưa gặp thì ý niệm cũng không có. Khi gặp rồi, làm xong cũng không nghĩ tới nữa, đây là tùy duyên. Tuy làm mọi việc thiện, tâm địa thanh tịnh, trong tâm vẫn là một câu “A Di Đà Phật” quyết định không có thay đổi, quyết định không có xen tạp.
Phải tu phước, tu huệ, không cần tu thứ khác, lão thật niệm câu “A Di Đà Phật” là được rồi. Niệm đến thân tâm thanh tịnh, phước huệ sẽ hiện tiền, đạo lý này phải tin sâu không hoài nghi. Nếu không thể tin sâu như vậy, thì trong xã hội ngày nay đề xướng những việc làm từ thiện, chúng ta nên làm nhiều việc tốt, tùy duyên tu phước là đúng, chấp có ý tu phước là sai rồi.
Niệm Phật niệm đến tâm thanh tịnh, cái được đó là phước vô lậu. Phước vô lậu thì tương lai được vãng sanh Tịnh độ, y (báo) chánh (báo) trang nghiêm với Phật không hai không khác, phước hữu lậu làm sao sánh bằng? Không phải nói người học Phật không đi làm việc thiện, việc thiện phải tùy duyên mà làm, không phan duyên thì tâm chúng ta sẽ được thanh tịnh.
Người học Phật tâm địa phải thanh tịnh, hàng ngày đối nhân, xử thế, tiếp vật đều phải tùy duyên. “Tùy duyên” là không tự mình chủ trương (theo ý riêng). Trong tùy duyên mà đoạn ác tu thiện…
Phàm là đối với mình có lợi đều là ác. Phàm là đối với cả Phật pháp có lợi ích, đối với chúng sanh có lợi ích, đều là thiện. Phật pháp từ đầu đến cuối là phá ngã chấp, phá pháp chấp. Có ý kiến là có chấp trước, có chấp trước đó là ác, thì có ngã chấp, có pháp chấp… Tùy duyên là cái gì cũng tốt, thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, ta đều hoan hỉ mà cùng cư xử với họ, vì họ có chấp trước, ta thì không có; họ có phân biệt, ta không có phân biệt, họ có vọng tưởng, ta không có vọng tưởng; không có, thì cái gì cũng tùy thuận; có rồi, thì đối lập, thì có đụng chạm. Đâu có hoàn cảnh nào mà không thể cùng sống chung? Đâu có nhân sự nào mà không thể cùng cư xử?
Có nguyện mà không cầu thì được tự tại. Có nguyện, sau cái nguyện còn có một cái tâm hy cầu (hy vọng và cầu xin), đây là gánh nặng rất lớn, cũng rất khổ não. Cái gì khổ? Cầu không được thì khổ. Khi cầu được thì lại lo lắng được mất, sợ mất đi, thì khổ lại đến nữa. Cho nên, Phật dạy chúng ta “Tùy duyên mà không phan duyên”, đây thì được đại tự tại rồi. Cho dù hoằng pháp lợi sanh, cũng không ngoại lệ. Có duyên thì chúng ta làm cho tốt, không có duyên thì chúng ta niệm Phật cho tốt, càng tự tại. Có duyên, quý vị phải tận tâm tận lực mà làm thì mới viên mãn; không có duyên, tâm của ta vừa phát là viên mãn rồi, không cần đi làm, đây là tùy duyên.
Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Pháp sư Tịnh Không
A Di Đà Phật
xin cho con hỏi,
Nhà con có người giúp việc, dù nhiều người trong nhà khuyên bảo chỉ dạy nhiều lần nhưng không thay đổi tính nết : nói dối, ăn cắp vặt, làm ko tròn trách nhiệm mà những người khác phải gánh dọn dẹp hậu quả. Đã khuyên bảo nhiều lần nhưng nhưng tâm ý người đó không chịu tập trung làm việc, thường hay khinh nhờn với người trên. Dù có bảo cho người ta nghỉ việc mà cũng ko sợ, vẫn không chịu tập trung làm việc mà ảnh hưởng tới người khác. Nếu nhà con cho người đó nghỉ việc thì có phải là quá đáng không. Đó là một nữ thanh niên trẻ có thể dễ dàng tìm được công việc khác, người đó muốn ở nhà con vì có tình tứ với một người con trai khác làm gần hàng xóm nhà con ạ. Nếu con cho người đó nghỉ thì cảm thấy hơi áy náy chẳng biết có phải là mình đã dùng ác tâm đối với họ ? Còn nếu không cho nghỉ thì mẹ con lại cứ phải đi làm lại những công việc mà người đó làm hỏng, mệt thêm cho người nhà.
A Di Đà Phật, con xin các vị thiện tri thức cho con đôi lời khai thị về truờng hợp người dưới không có trách nhiệm và đã khuyên bảo mà chẳng có kết quả.
Nam mô A Di Đà Phật.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Cho mình hỏi, mình ăn chay để hồi hướng cho người thân đang bị bệnh, nhưng có tiệc ở cơ quan thì mình ăn rau cải chung trong nồi thịt với lại phải mời bia nữa thì có sao không? Mình không phát nguyện ăn chay trường, nhưng ngày nào mình ăn chay được thì cuối ngày mình hồi hướng cho người thân thì có bị trách tội không? Xin nói thêm, có khi ở nhà mình cũng ăn rau chung nồi thịt nhưng mình không có ăn thịt (không do hoàn cảnh bắt buộc).
A Di Đà Phật
Gửi bạn Bảo Phương,
TN gửi bạn lời dạy của Ấn Quang Đại Sư để bạn suy ngẫm:
“Người niệm Phật nên ăn chay trường. Nếu như chưa thể thì nên giữ Lục Trai hoặc Thập Trai (Mồng 8, 14, 15, 23, 29, 30 là Lục Trai. Thêm vào ngày mồng Một, 18, 24, 28 thì thành Thập Trai. Gặp tháng thiếu thì ăn lên trước đó một ngày. Lại còn tháng Giêng, tháng Năm, tháng Chín là ba tháng chay, nên ăn chay trường, làm các công đức). Từ giảm dần đến vĩnh viễn dứt ăn mặn thì mới hợp lý. Tuy chưa dứt được ăn mặn, hãy nên mua thịt làm sẵn, đừng sát sanh trong nhà. Do trong nhà thường nguyện cát tường (tốt lành, may mắn), nếu hằng ngày sát sanh thì nhà ấy liền trở thành nơi giết chóc. Nơi giết chóc chính là chỗ oán quỷ tụ hội, chẳng tốt lành, [điều này] quan trọng lắm! Do vậy, phải kiêng sát sanh trong nhà”. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Một Lá Thư Gởi Khắp)
A Di Đà Phật!
Xin được kính thư cùng liên hữu như sau. Hòa Thượng Tịnh Không cũng đã từng ngồi vào bàn tiệc và ăn rau cạnh thịt. Lúc người ta mời rượu cả bàn, Hòa Thượng cũng nói là “cho tôi một ly” để cho mọi người xung quanh thấy rằng Phật Pháp không khô cứng, không cứng nhắc mà là tùy duyên mà làm. Đại Sư Huệ Năng lúc chưa được tôn làm tổ theo thợ săn trong rừng để lánh nạn vẫn ăn rau bên thịt. Thì quý liên hữu cũng nên nương theo đó mà học tập.
Nhưng thiết nghĩ ở những trường hợp không thể nào làm khác thôi, còn về nhà quý liên hữu nếu có thể tự mình nấu chay để ăn cùng mọi người thì càng tốt. Còn nếu người khác nấu thì tùy duyên mà ăn rau bên thịt.
A Di Đà Phật!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Trước hết xin cám ơn phúc đáp của Thiện Nhân.
Thưa thầy con có thờ Phật Bà và thỉnh thoảng có đọc kinh Cứu Khổ nhưng con không ăn chay trường con chỉ ăn chay vào ngày rằm và mồng một thôi nhưng con cầu xin bệnh cho ai cũng hết bệnh nhưng con lại gánh bệnh mỗi lần như thế con mệt mỏi lắm vì con phải đi làm. Có lần xin bệnh cho người nhà của con thì người đó hết bệnh mà con thì bệnh y như người đó. Tại sao lại như thế thưa thầy?
Đường Về Cõi Tịnh: Xin đạo hữu hoan hỉ tập gõ tiếng Việt có dấu để độc giả tiện bề theo dõi và tránh hiểu lầm. A Di Đà Phật.
Nam mô a di đà phật
Con xin ngài chỉ dậy cho con .hiện tại con đang quen một người nhưng vì gia đình người ấy ngăn cấm không quen nữa vì là không hợp tuổi và cung mệnh không tốt. Nay con muốn được cầu nguyện ăn chay để cho mọi việc được suôn sẻ . Liệu con nguyện ăn chay vì duyên có nên tội gì không ạ . Con xin ngài chỉ bảo cho con .