Sư Khắc Cần họ Trương, người Hồ Nam (Trung Hoa), từ bé tánh khờ khạo. Năm năm mươi ngoài tuổi, sư xuất gia tại am Hồng Thể ở Thiện Hóa, sau thọ Cụ túc giới ở Lộc Sơn. Sư không biết chữ, học mấy thời khóa tụng ngót năm năm mới thuộc. Sau đó 10 năm, sư đi khắp ngũ nhạc, tứ sơn và các đại tòng lâm để tham học, nhưng rốt cuộc không tham hiểu một mảy gì, vẫn khờ khạo như cũ.
Ðến năm 60 tuổi, sư nghe Minh Quả Pháp sư giảng về công đức của pháp môn trì danh niệm Phật quý tại “nhất tâm bất loạn”. Nếu tâm loạn nên chăm chú nghe kỹ tiếng niệm thời tạp niệm sẽ tự trừ, vọng tưởng sẽ tự diệt, tâm sẽ đặng thanh tịnh, v.v… Từ đó sư mới được biết pháp môn niệm Phật, bèn chuyên tu.
Sáu năm sau thời tánh cũ của sư đều mất, tâm hằng tự tại minh mẫn. Lúc rảnh sư thường bảo người rằng: “Tu hành quý tại nhất tâm bất loạn. Nghiệp chướng của tôi do niệm Phật tiêu sạch. Mấy năm gần đây, chẳng những không phiền não mà thân tâm đều được khinh an”.
Một hôm, sư cho người đi mời sư huynh Hàm An. Qua ngày kế, Hàm An đến, sư vừa thấy liền cười nói: “Khắc Cần này xin cáo từ sư huynh!”. Hàm An hỏi: “Tính đi đâu?”. Sư đáp: “Ði Tây phương Cực lạc thế giới”. Hàm An bảo: “Nói khùng phải không?”. Sư nói: “Từ sáu năm gần đây, tâm tôi không loạn động, niệm A-di-đà Phật, câu câu rõ ràng mục kích Tịnh độ. Tự biết ngày giờ quyết định vãng sanh. Chẳng phải khi dối vậy!”. Sư liền đem tất cả công sự trong am giao phó cho Hàm An rồi lại bảo: “Giờ ngọ ngày mai tôi sẽ từ biệt sư huynh, anh em già với nhau, tất cả phải lo cho nhau, sư huynh nên gắng chuyên tu pháp môn niệm Phật để chuẩn bị tư lương”.
Sáng hôm sau, sư tắm gội, thay y, Tịnh độ. Chiều hôm ấy, sư ngồi một mình niệm Phật không nói chuyện. Sáng hôm sau nữa, sư lại tắm gội, thay y phục, thắp hương lễ Phật, tạ Tổ xong, sư vẫn vào tịnh thất ngồi niệm Phật. Ðến giờ ngọ sư mới chậm rãi đi vào ngồi kiết già trong khánh, tay cầm chuỗi yên lặng niệm Phật. Mãi đến hai giờ sau, Hàm An thấy đã lâu mà không thấy sự động tịnh, bèn lại gần thăm xem, thì ra sư đã tịch rồi. Chừng đó mới cả kinh mà tin thật và đồng thời cùng với các sư Phổ Ấm v.v… đều nghe mùi hương lạ. Lúc đó là giờ ngọ, ngày mùng 5 tháng 7 năm Tân Sửu, triều vua Quang Tự nhà Thanh. Bấy giờ nhằm tiết trời nóng nực mà thi hài của ngài vẫn để yên nơi đình khánh ấy đến 7 ngày, vẫn không sình nứt thúi hôi chi cả; người mục kích đều ngợi khen, cho là điều lạ ít có.
Trích Pháp Môn Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Hồng Đạo
Tự Giác Đại sư người Bác Lăng, thuở nhỏ xuất gia tại chùa Khai Nguyên. Về sau Đại sư qua học Kinh luật luận ở chùa Thiên Pháp. Cần mẫn trọn chín năm, thông suốt cả Tam tạng. Đại sư qua ở núi Trùng Lâm tu khổ hạnh, mỗi ngày chỉ ăn một bữa rau trái sơ sài.
Gặp năm đại hạn, quan Tiết Đại Sứ ở Hằng Dương nghe đạo hạnh của Đại sư bèn đích thân vào núi thỉnh Đại sư cầu mưa. Đại sư chí thành cầu Long thần, mưa liền xối xuống. Từ lâu Đại sư có ý muốn đúc tượng Quan Thế Âm. Sau ngày cầu mưa, thí chủ các nơi họp công của đến, đúc tượng Quan Thế Âm bằng đồng cao bốn mươi chín thước, tướng hảo uy nghiêm. Qua năm sau, chùa điện cũng lạc thành.
Đại sư bèn ở trước bửu điện lập thệ nguyện sớm vãng sanh Cực Lạc. Canh ba đêm ấy, thoạt có hai đường kim quang chiếu đến. Đức A Di Đà Phật từ trong ánh sáng vàng bước xuống. Quan Thế Âm Bồ Tát theo hầu bên tả, Đại Thế Chí Bồ Tát theo hầu bên hữu. Đức Phật đưa cánh tay vàng xoa đầu Đại sư mà bảo rằng : “Gìn chí nguyện chớ có đổi, độ người làm trước. Đài sen nơi ao báu, ông sẽ được thác sanh !”.
Năm Trinh Nguyên thứ 11, nhà Đường, đêm Rằm tháng Hai, Thiên thần hiện nửa mình trên không, cúi xuống nói với Đại sư rằng : “Ngài đã gần đến kỳ về Tịnh Độ !”. Đại sư đưa tay lên tạ thần. Đến ngày 14 tháng Sáu, Đại sư ngồi kiết già trước tượng Quan Thế Âm mà tịch. Từ khi Đại sư viên tịch về sau, tượng Quan Thế Âm ấy thường hiện nhiều việc rất linh ứng.
Trích ở những bộ Tống Cao Tăng Truyện và Phật Tổ Thống Kỷ