23 09 2011 | Gương Vãng Sanh |
Cha má kính,
Trong thư này con sẽ nói với cha má một chuyện sắp sửa xảy ra ở đây. Hay vô cùng! Chuyện một người cho biết sắp được vãng sanh. Chuyện này ở các nơi thì cho là lạ lùng, còn ở đây với pháp tu tối thắng vi diệu, hễ người nào chí thành tu hành đều được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc với Phật A-di-đà cả. Quý hóa quá đi mà mãi đến nay, qua bao nhiêu thư của con cha cũng mới có mở một lời khen nhẹ thôi chứ chính cha má chưa hạ quyết tâm tu hành. Thật uổng quá. “Triêu tồn tịch vong sát na dị thế” mà chờ sao được? Đã có đường cho mình giải thoát mà không chịu đi, cứ ngồi đây lý luận, nghi ngờ thì ai có thể cứu mình đây? Vô thường tấn tốc, ngưỡng mong cha má quyết chí thành tâm đồng niệm Phật.
Con kể cho cha má nghe, chuyện là ngày hôm nay ở Tịnh-tông-Học-Hội (tức hội niệm Phật) tại Brisbane đang dọn dẹp để đón Hòa Thượng Tịnh Không từ Singapore qua vào ngày thứ Bảy 25/11 và cũng chuẩn bị cho ba tuần lễ kiết thất niệm Phật bắt đầu từ 26/11. Ngọc qua chùa để dọn, con thì ở nhà lo chuyện giảng ký, khi về nàng nói với con là bà Bảy sắp sửa vãng sanh. Chuyện này chắc cha má nghe giống như chuyện phim ảnh, nhưng ở đây người ta coi là chuyện thường. Riêng con, hồi giờ thường nghe nói vãng sanh qua sách vở, tin tức, hình ảnh… chứ thấy tận mắt thì rất là hiếm, vì lâu lắm mới có một người “chết” chứ đâu có hoài. Bà Bảy này thường gặp tụi con hàng tuần ở chỗ niệm Phật, nay bà báo cho biết rằng bà sắp sửa về với Phật. Con kể cho cha má nghe, nếu thiện căn có thì đây là cơ hội tăng thêm niềm tin tu hành. Hy hữu lắm mới thấy, nghe được chuyện này đó!
Bà này tuổi trên tám mươi, con không hỏi rõ, pháp danh là Tịnh Bửu, trước đây thỉnh thoảng có đi chùa lạy Phật. Khi cơ may đến bà gặp pháp môn niệm Phật, bà phát tâm tin tưởng, quyết chí niệm Phật. Lúc nào bà cũng cầm xâu chuỗi trong tay và niệm thầm A-di-đà Phật, bà cầu được vãng sanh về Tây-phương. Vì hồi trước buôn bán có nhiều lúc nói xạo, cho nên, bây giờ hầu như ngày nào bà cũng thành tâm sám hối tội lỗi của mình. Khi gặp tụi con bà thường than rằng: “ước gì Minh con của bà, gặp được các con, để con khuyên nó một tiếng cho nó niệm Phật”. Bà thường nói con là người thiện tri thức, vợ chồng đều tu hành, thật quý quá.
Hơn tám mươi tuổi mà bà rất tỉnh táo, ăn nói chững chạc, không lẫn gì cả. Khi đi nhiễu Phật, (tức là sắp hàng nhau đi vòng quanh bàn thờ Phật A-di-đà vừa đi vừa niệm “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật…”) bà đi không nổi, bà chỉ đi chập chững, cho nên cứ lẽo đẽo theo rồi rơi lại phía sau. Khi hàng người tiến gần tới thì bà lại nép sát vào tường chờ họ đi qua rồi chập chững theo tiếp.
Trong niệm Phật đường thì ráng theo người ta niệm Phật. Khi ra khỏi đại điện thì bà cứ lâm râm niệm Phật liên tục, không bao giờ ngừng. Sáng nào, bà cũng quỳ trước Phật khấn nguyện vãng sanh. Chiều lại, bà quỳ lạy Phật và hồi hướng tất cả công đức về Tây-phương. Bà làm đúng như lời Hòa Thượng và quý thầy dạy. Ai nhìn bà cũng thương, và ai cũng tin tưởng bà sẽ được vãng sanh. Thời gian tu như vậy chỉ hơn một năm thôi, thế mà bây giờ bà đã cho mọi người hay cái tin sắp được về Tây-phương.
Bà nói vậy cách đây mấy tuần rồi mà con không hay, hôm nay, vợ con vào chùa dọn dẹp chung thì mới nghe người ta nói lại, và về cho con biết liền. Con vội vã viết thư cho cha má hay. Vài bữa nữa con hỏi tiếp rồi viết tiếp. Đây là chuyện khó lắm mới chính mắt chứng kiến. Có thể vài bữa nữa con chụp chung với bà vài tấm hình rồi gởi về cha má xem. Hơn nữa, khi bà thông báo ra đi thế nào con cũng tình nguyện tới hộ niệm cho bà. Hộ niệm cho một người vãng sanh công đức rất lớn.
Hộ niệm là gì? Là khi có người sắp ra đi, mình tới thành tâm niệm Phật, giữ chánh niệm cho họ để họ an nhiên theo Phật. Trường hợp của bà Bảy này đã được ứng mộng trước thì khá hay! Nếu người ra đi còn khoẻ thì họ ngồi, nếu yếu quá thì nằm, còn người hộ niệm thì đứng hoặc ngồi gần đó cứ việc niệm “A-di-đà Phật” liên tục hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ để giữ chánh niệm cho họ. Nếu ít người thì chia phiên nhau, mỗi lần hai người hoặc một người. Mỗi lần có thể một, hai, hoặc ba giờ tùy ý. Thay phiên nhau niệm hai mươi bốn giờ không được gián đoạn. Chuyện này nếu cha má muốn tìm hiểu con sẽ nói sau. Bây giờ trở lại chuyện bà Bảy đã.
Tin bà Bảy Tịnh Bửu sắp vãng sanh được bà cho biết cách đây mấy tuần rồi mà con không biết. Bà nằm mộng thấy Phật A-di-đà tới thọ ký bảo bà rằng, bà được Phật cho về Tây-phương và dặn bà tìm một tấm vải vàng. Phật đưa tấm vải vàng cho bà coi và bảo bà tìm cho được miếng vải đó để vãng sanh. Bà không biết miếng vải đó ở đâu, cho nên buồn, theo Ngọc nói, nhiều lúc bà muốn khóc mà không biết hỏi ai hết. Đến kỳ Phật thất, nghĩa là cách đây hơn một tuần, bà tâm sự với ông phó hội trưởng của Tịnh-tông-Học-Hội, ông ta chạy vô tủ lấy ra một tấm vải vàng đưa cho bà xem và hỏi có phải giống như vầy không? Bà coi xong thấy giống y như tấm vải của Phật A-di-đà đưa cho bà xem trong giấc chiêm bao. Bà mừng quá. Điều kiện của Phật đưa ra là có tấm vải vàng để được vãng sanh, bây giờ đã tìm được tấm vải, có lẽ bà được vãng sanh một ngày gần đây. Lòng phát nguyện của bà đã được thành tựu. Ông Phó hội trưởng, (người Trung-Hoa) khuyên bà, ngày vãng sanh nên vào chùa vãng sanh để có nhiều người hộ niệm, ở nhà lỡ con cái không biết, khóc kể tùm lum thì bị náo loạn có thể mất vãng sanh, uổng lắm. Bà đồng ý. Khi nào bà thông báo, thì chắc chắn con phải nghỉ làm một vài hôm để tham gia hộ niệm cho bà. Con sẽ thu thập tất cả tin tức kể cho cha má nghe sau. Nếu họ cho phép chụp hình con sẽ gởi hình về, nhưng thường thường lúc đó họ cấm vì sợ làm loạn tâm người đi. Nhưng nếu người vãng sanh vui vẻ, không ngại, hoặc yêu cầu thì họ quay phim, chụp hình, có người còn mời tới dự tiệc vãng sanh nữa là khác. Linh diệu vô cùng, tả không được bằng bút mực đâu!
Có một điều mà bà phải thu xếp từ đây cho đến ngày vãng sanh, chưa biết sớm hay muộn là cảnh tỉnh mấy người con cháu. Anh M. là con trai trưởng, sáu mươi lăm tuổi, đang là chủ một cửa tiệm. Bà khuyên anh niệm Phật mà anh không tin. Nhiều lần bà Bảy nhờ con khuyên giùm cho bà, nhưng con không gặp được. Chỉ đành nhờ vào thiện căn của chính cá nhân của anh mà thôi. Nếu giờ phút chót mà ảnh vẫn không tin, không cho bà tới chùa để người ta hộ niệm, giữ bà ở nhà và không đồng ý cho người tới hộ niệm, thì ai dám tự động vào được nhà ông ta? Lúc đó cũng đành tùy duyên mà thôi. Nhưng theo con nghĩ với lòng chân thành và quyết tâm của bà Bảy, bà sẽ cứng rắn ngăn cấm con cái để họ khỏi phá rầy ngày ra đi. Cầu xin cho bà được thuận buồn xuôi gió, ngày cuối đời tránh được những chướng ngại đáng tiếc. Trong mộng bà được bảo tìm miếng vải vàng là đã hàm ý khuyên bà nên dặn con cháu cho vào đạo tràng để vãng sanh, vì chỉ có chùa này mới có miếng vải này. Người đã được đức Phật A-di-đà ứng mộng điềm chỉ mà con cháu không tin trưởng thì cũng đành tùy duyên thôi! Cũng xin nói thêm là “Chùa” ở đây hơi khác với chùa theo kiểu bình thường, đây chỉ là một đạo tràng niệm Phật, Phật tử tự nguyện dựng nên để mọi người tới niệm Phật.
Thưa cha má, nhiều người tu hành trọn đời chưa chắc đã được tái sinh làm người. Ở đây, bà chỉ tu hành một thời gian ngắn mà được về Tây-phương với Phật thì còn có hồng phúc nào lớn hơn? Có phước báu gì so sánh được? Chuyện vãng sanh, nếu cha má có đọc thì trước giờ nhiều lắm chứ không phải ít. Hầu hết đều là người niệm Phật mà thôi. Người không biết tu, trải qua hàng triệu kiếp chưa chắc đã đủ cơ duyên tới “vùng biên địa” của Tây-phương Cực-lạc chứ đừng nói chi đến chính đức Phật hiện ra báo tin vãng sanh. Cái nguyện vọng của tất cả chúng sanh, những người học Phật đều cầu mong một ngày được về đến Thế-Giới Tây-phương Cực-lạc của Phật A-di-đà. Nhưng đâu phải dễ. Nếu chỉ cần sơ ý một chút, vụng dại một chút, sai một ly thì ân hận ngàn đời ngàn kiếp!
Pháp môn có nhiều, tu hành vạn nẻo, suy đi xét lại chỉ có “niệm Phật thành Phật” là con đường thẳng tắp khó thể bị lạc đường. Không cần người giỏi, dở, khôn, ngu, cao, hạ… gì cả, chỉ cần ai có thành tâm Tin Phật, phát nguyện cầu sanh Tây-phương Cực-lạc, và trì danh hiệu Phật mà niệm, gọi tắt là TÍN-HẠNH-NGUYỆN là được.
Có nhiều cách tu hành đang dẫn con người vào con đường vô cùng vô tận của luân hồi tử sanh mà họ không biết. Đây là sự thật nhưng mình không chịu tìm hiểu kỹ. Một khi đã lún vào trong đó, trí huệ đã bị che lấp, huệ mạng của mình đã bị trói chặt trong đó rồi khó mà gỡ ra lắm. Muốn ra được phải có cơ duyên, phải gặp được thiện tri thức thức tỉnh mình, phải có thiện căn phúc đức lớn từ trong nhiều đời nhiều kiếp, và chính mình phải dũng mãnh, sáng suốt nhìn thấy vấn đề thì may ra mới có thể cứu vãn. Cái khó là ở chỗ thuyết nào cũng nói thiện mỹ cả, nói toàn là tốt hết. Ví dụ, như làm lành, làm thiện sao lại không tốt, thành thử ai cũng nghĩ, tu thì làm lành là được, đừng làm ác là xong. Thực tế không phải đơn giản như vậy đâu cha má ạ.
Trong thư cha viết cho con có câu, “con cũng nên tạo cho được tâm Phật chân chánh để được hưởng phước lâu dài…”. Con hiểu thâm sâu vào câu nói đó. Người ta thường so sánh với bao nhiêu người có tiền bạc, con cái khá giả… cho nên họ cứ nghĩ tu hành để được bù đắp bằng những thứ đó. Nhưng thưa cha má, hưởng cái phước cũng tốt, nhưng tốt được bao lâu? Có người gia tài bạc tỷ mà khi ngộ đạo họ bỏ hết, thì tại sao lại có người lặn lội suốt đời chạy tìm tiền bạc, đến ngày gần đất xa trời vẫn một lòng nghĩ đến tạo sự nghiệp tiền tài là sao?
Thưa cha má, hãy nghĩ cho kỹ, làm lành thì tốt, nhưng làm lành để cầu hưởng cái phước hữu lậu thì lại triệu triệu kiếp không làm sao thoát khỏi sinh tử luân hồi, không bao giờ tới được cảnh giới Tây-phương Cực-lạc Thế-giới được. Người làm lành để cầu mong hưởng phước báu, thì tương lai không xa, khó tránh khỏi bị đọa lạc. Vì sao? Vì làm lành có một chút không bằng người ta làm ráng mà đã tìm cách thâu lợi rồi, thì lành đó là vì lòng tham chứ không phải lành đâu! Ở đó bon chen, ganh tị, đấu tranh, tham, sân, si… đầy dẫy. Cái nào nhiều hơn?
Làm được chút việc lành để mong hưởng phước, thì phước đó là phước hữu lậu của thế gian. Càng có nhiều phước của thế gian càng dễ làm ông chủ tịch, quan tòa, nhà giàu, thế lực… thì càng tạo nhiều nghiệp ác, thì càng dễ bị đọa vào những đường ác khó có ngày thoát ra. Người nghèo, vậy mà ít tạo nghiệp, ít ngạo mạn, ít sân giận, ít sát sanh. Họ nhiều nhẫn nhục, khiêm nhường, ít rượu thịt… cho nên ác nghiệp họ nhẹ, họ có nhiều hy vọng tốt ở đời sau. Còn người giàu có thì hách dịch, tự phụ, thì mỗi ngày ăn một con gà, vài bữa làm một con bò để ăn, vài ngày làm bữa tiệc nhậu nhẹt. Một bữa ăn của họ hại không biết bao nhiêu sanh mạng trong đó. Hỏi thử nghiệp sát, nghiệp tham, nghiệp sân… ác nghiệp của họ lớn biết chừng nào! Quả báo trả vay tơ hào không sót, làm sao họ thoát khỏi cho được luật trả vay của tạo hóa đây!?
Có lần con nói với cha má, tu hành chứ không phải làm thiện. Đây không có nghĩa là khuyến khích làm ác đâu. Mà con muốn nói:
1) Không làm điều gì ác;
2) Làm tất cả điều thiện, nhưng đừng cầu hưởng phước báu điều mình làm ra;
3) Thành tâm niệm Phật, hồi hướng công đức về Tây-phương Cực-lạc và mong cho mọi người hưởng cái công đức tu hành của mình.
Đó là đại khái ý nghĩa câu “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý”. Đó chính là tu Tịnh-nghiệp vậy.
Có những cái mình cho là thiện nhưng chưa chắc là thiện đâu. Con ví dụ thẳng trong dòng họ mình trước đây giàu có, ngày ông Cố chết, nghe nói gia đình làm đám ma dài hàng tháng, bò, heo, gà, vịt giết liên tục để đãi. Cả làng đều khen: “Ôi! Nhà giàu sang, danh tiếng, thế lực, tốt phước…”. Nhà mình là từ đường, hàng năm mấy mươi đám giỗ, mỗi đám giỗ giết heo, giết gà, giết vịt… đễ đãi bà con (chứ không thì khó coi!), lại còn đem thịt, cá để lên bàn thờ cúng ông bà nữa. Đây là ví dụ thôi, còn nhiều thứ nữa lắm. Cha má thử tự nghĩ coi, mình làm vậy đúng hay sai? Là thiện hay ác? Là hiếu hay bất hiếu?
Ông bà mình chết chưa kịp chôn cho yên mồ mả. Ngưu -Đầu, Mã-Diện đang còng cổ xuống âm ty xử phạt, làm con cháu không van cầu tha mạng cho ông bà, lại còn ra tay sát sanh để đãi đằng tạo thêm tội sát cho vong linh nữa! Trả hiếu sao lại cứ lợi dụng ngày giỗ, ngày ông bà, cha mẹ chết mà giết hại heo, gà, rượu thịt ê hề để “trước cúng sau nhậu” cho đã? Lợi dụng ngày chết của người thân để say sưa trả chuyện nghĩa nhơn, danh vọng cho chính mình? Tội nghiệp của ông bà đã chịu quá thảm thương nơi địa ngục, ngày đêm bị tra tấn, đang mong con cháu cầu siêu không ai làm. Ngược lại, mình chịu tội phạt mới lơi lơi một chút, ngáp ngáp một chút thì bị con cháu lại đè ra nhét thịt nhét máu vào miệng để kết thêm tội sát sanh! Ông bà vụng tu hành thì tự ông bà trả nợ đã đành, không ai cứu giúp được thì đành đi, đàng này chịu cực hình đủ cỡ để trả nợ, mới được một phần, đang tìm cách ngoi lên thì bị đàn con cháu nện một đạp chìm xuống địa ngục trở lại! Như vậy, mà thế gian vẫn cứ cho đó là hiếu! Báo hiếu gì kỳ vậy?
Thưa cha má, không biết cách tu, triệu triệu kiếp mãi mãi đọa lạc, hết địa ngục rồi tới ngã quỷ, hết ngã quỷ rồi sanh làm súc sanh, hết súc sanh rồi làm người. Làm người được rồi thì mê muội, điên đảo, mặc sức tạo ác nghiệp để lại rơi xuống hố trở lại!
Trở lại việc làm thiện, nếu muốn một đời này về được với Phật thì không được tạo ác nghiệp, không tu thiện-nghiệp mà phải tu Tịnh-nghiệp. Ta nên phân biệt rõ ràng giữa tịnh-nghiệp và thiện-nghiệp.
Tu thiện-nghiệp là sao? Là người thích làm lành để cầu mong phước báu. Làm được việc tốt nhỏ nào cũng ghi nhớ trong lòng và chấp vào đó là tốt. Họ thường cầu xin được tài lộc, được sức khỏe, được sự nghiệp… Rồi sau cùng, cầu xin đời sau sướng hơn đời này để hưởng. Cũng được đó! Nhưng trong nhà Phật gọi đây chính là cái duyên đọa lạc vô cùng vô tận. Vì sao? Vì càng hưởng lạc thì càng tạo ác, tạo ác thì chui vào tam ác đạo. Người chân tu họ trốn tránh cái phước báu này.
Tu Tịnh-nghiệp là sao? Là làm thiện mà nhất định không cầu hưởng phước hữu lậu thế gian. Hãy làm tất cả việc thiện nào mình có thể làm được nhưng đừng để ý tới là mình đã làm, mà tâm tâm luôn luôn hồi hướng công đức về Tây-phương Cực-lạc. Nhất thiết ngày ngày van cầu với Phật rằng, “đừng cho con hưởng chút phước báu nào của thế gian cả, con muốn gởi tất cả công tu hành về với Tây-phương Tịnh-độ và nguyện cho tất cả chúng sanh hưởng được cái phước báu của con làm ra”. Nhất là thành tâm niệm Phật cầu được sanh về Tây-phương. Đó là tu Tịnh-Nghiệp.
Trong lòng con thiết tha được cứu thoát cha má, con muốn độ cha má. Mỗi người trên thế gian này đều có định số cả. Tuổi thọ, tài sản, trí huệ, con cái, sự nghiệp, danh vị… tất cả đều định sẵn, có nhân duyên từ trước. Người tuổi thọ bốn mươi muốn thêm một năm nữa cũng khó được. Người tuổi thọ chín mươi muốn chết sớm cho khoẻ cũng khó chết. Chỉ có làm sao trong một báo thân này kết thúc sanh tử để về với Phật, thành Phật là viên mãn kiếp tu hành. Vấn đề này chỉ có tu đúng cách thì được, không tu đúng thì không bao giờ có phần giải thoát!
Trong thư cha lý luận rất hay, “…con nên biết tà chánh do tâm tạo ra cả…”. Lời nói này chính là lời của chư Phật Bồ-tát nói. Nhưng thường người ta nói thì hay nhưng thực hành thì lạc mất. Nói thì dễ quá, nhưng làm cho đúng thì khó lắm đó! Vì chánh là như thế nào? Tà là sao? Tâm chánh là tâm Phật, cho nên cứ nói đại Phật là tâm, cho nên tự cho mình là Phật. Có tội lắm đó! Không chịu tu thì biết ngày nào mới dám nói lời đó đây! Tâm chánh là tâm Phật. Ta có tâm chánh là Phật rồi?! Tâm chánh mà sao còn tham tiền, sao còn tham danh vọng, sao còn tham uống rượu, sao còn thích ăn thịt, sao còn tham thị phi, sao còn tham đắm thế gian? Đã gọi là tâm Phật, sao một tiếng Phật hiệu không dám niệm, mà lại thích niệm tiếng tăm, niệm được địa vị, niệm được giàu có…? Niệm là gì? Là muốn, là nghĩ, là tưởng, là nhớ. Tâm Phật, thì nghĩ tưởng nhớ Phật chứ! Niệm tham sân si của thế gian thì giỏi, còn niệm Phật lại ngại ngùng, tính tới tính lui, thì gọi là tâm Phật được sao!?
Thưa cha má, không phải con ám chỉ cha má đâu, nhưng nhiều người như vậy. Cha má vì quá dè dặt, cha má cứ sợ con theo tà ma nào đâu cho nên không dám tin lời con. Chứ, nếu để ý một chút cha má thấy ngay con đi thật đúng chánh pháp. Tới năm mươi tuổi đầu, lặn lội khắp nơi con mới tìm được chỗ vi diệu tu hành một đời thành Phật. Tất cả từ trước tới giờ, con chỉ khẩn thiết xin cha má phát tâm tin tưởng, chứ đừng nên tìm lời biện minh mà mất phần lợi lạc. Cái tâm phàm phu của chúng ta với những giáo nghĩa thế gian chưa đủ sức lý luận đâu.
Ở các hội niệm Phật, cứ mỗi lần mở Phật thất, chư Tăng Ni khắp nơi tựu về niệm Phật đông đảo, Phật tử tu đông đảo, lòng thành dâng lên tới chín tầng mây, tiếng niệm Phật vang đến khắp pháp giới, cảm ứng cả đến vũ trụ hư không, làm cho chư Phật mười phương đành xuống đây hộ niệm cho họ. Trong khi đó mình cứ nằm dài đây rượu thịt, mà còn lý luận tà với chánh, thiên cơ với địa cơ, lậu với bất khả lậu… để làm gì? Lỡ mai kia rơi vào điạ phủ rồi, thì muốn lậu ra cũng đâu có ra được để mà lậu! Con chỉ chờ cha má báo cho con biết rằng tin tưởng và hứa niệm Phật thì con có thể dùng phương pháp này cứu được cha má trong đời này, con có thể chỉ dẫn thẳng vào cách tu hành. Nghĩa là khi mãn phần thì cha má được về với Phật. Người nào mãn phần trước về Tây-phương trước, người mãn sau đi sau. Con có cách cứu. Còn bây giờ cứ lý luận mãi, loanh quanh những kiến thức thế gian thì không đi tới đâu cả! Thời gian không kịp nữa đâu.
Khi đã về tới Tây-phương Cực-lạc rồi, cha má có thể quán chiếu thập phương để biết bà nội, ông nội, ông cố… ở đâu và tìm cách cứu họ siêu thoát để làm tròn chữ hiếu. Má thì lo cứu bên ngoại. Chứ bây giờ, cha má cứ nói báo hiếu thì làm sao báo hiếu đây? Còn về con cái, cha má cứ việc trở về hiển linh ứng mộng, chỉ bảo tu hành, chắc chắn như vậy. Người nào cứng đầu không nghe, cha chỉ cần quất cho một cây thì họ giựt mình tỉnh dậy, thất kinh hồn vía, sợ toát mồ hôi hột, làm sao mà dám không vâng lời?! Chứ bây giờ chính cha cũng mờ mịt không biết sẽ đi đâu, thăng hay trầm, thì làm sao dạy ai cho được, báo hiếu làm sao đây?
Thư dài quá rồi, con xin ngừng, nguyện cầu cha má tỉnh ngộ sớm, ngày đêm niệm Phật. Khi nào phát tâm niệm thì cho con biết liền, con xin hướng dẫn cụ thể. Tất cả anh chị em, người nào có thiện căn niệm Phật hãy trực tiếp biên thư cho con. Chỉ cần một vài hàng là con cảm hiểu được ngay và giúp cụ thể liền. Vì nghiệp thì có cộng nghiệp, biệt nghiệp, tu cũng có cộng tu, biệt tu, nghĩa là tùy tâm mà khai thị vậy. Nghe nói chị Ba đã bắt đầu niệm Phật. Tốt! Nói chị viết thư cho con liền đi.
Khổ ải vô biên, hồi đầu thị ngạn. Xin đừng lý luận mà càng xa chánh giác. Cứ thành tâm sám hối tội lỗi, chí tâm niệm Phật cầu về Cực-lạc, thì thành Phật chỉ trong một đời này mà mình không hay. Vô thường tấn tốc, kính xin cha má xả bỏ thế tình, quyết chí thành tâm đồng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”.
A-di-đà Phật
Con kính thư.
Viết xong, Brisbane ngày 19/11/00
Trích Khuyên Người Niệm Phật
Diệu Âm cư sĩ (hình trên)
08 07 2011 | Gương Vãng Sanh |
Cụ Đào Thị Hoà* mất khoảng 13h, đáng lẽ trợ niệm đến 1h sáng hôm sau, nhưng việc trợ niệm đã kết thúc sớm hơn.
Cụ đã được các Phật tử gần nhà, cũng thường đi trợ niệm đến khai thị, cùng niệm Phật từ 5 ngày trước khi mất. Buổi sáng 16/3/2010, các bà, các bác Phật tử có đến trợ niệm. Đến buổi trưa, sau khi các Phật tử đi ăn cơm, thì cũng là lúc cụ Hòa tắt thở. Gia đình nghe hàng xóm nói, bí mật cho gạo và tiền vào mồm cụ, sau đó mới báo cho đoàn trợ niệm. Oan gia trái chủ ân oán nhiều đời!
Đoàn trợ niệm đến, không biết việc làm của gia đình, vẫn tiến hành công việc trợ niệm như bình thường. Đến 21h30′, sau hơn 8h từ khi tắt thở, cư sĩ Ngọc Bình kiểm tra thăm dò thoại tướng, thì thấy điểm ấm ở bụng, còn chân tay cụ cứng! Trên cổ cụ, sau lớp áo thấy kiến bò lên. Cư sĩ Ngọc Bình đã gọi người nhà vào trong phòng, đóng cửa lại hỏi mọi người trong gia đình. Khi này người nhà mới nói thật về việc làm của mình, không dám nói cho đoàn trợ niệm biết, vì sợ đoàn không trợ niệm cho cụ Hòa, vì điều này đã vi phạm nguyên tắc trợ niệm. Một khi đã đụng đến thân xác thì khả năng trợ niệm thành công rất khó!
Cư sĩ Ngọc Bình khuyên từng người trong nhà quỳ sám hối trước thân xác cụ Hòa: Vì con không biết, con đã nỡ làm cho mẹ đau, xin mẹ hãy tha thứ cho con và hãy niệm Phật cầu vãng sanh. Đồng thời cư sĩ Ngọc Bình cũng khai thị thêm cho cụ để giúp cụ buông xả.
Việc trợ niệm tiến hành ở phòng cụ Hòa nằm ở tầng 2, và dự kiến sẽ kéo dài đến sáng do việc kiểm tra thoại tướng thấy kết quả như vậy. Chư vị đồng tu đến trợ niệm rất đông, không có chỗ ngồi. Một nửa đoàn ngồi nghỉ ở tầng 1, đợi thay phiên các cụ, các bà đang trợ niệm. Lúc này, đoàn quyết định lập thêm một bàn thờ Phật ở tầng 1, để chư vị đồng tu niệm Phật, lạy Phật, hồi hướng cho cụ Hòa.
Đến 22h15′, khi kiểm tra thăm dò thoại tướng lần 2, đã thấy điểm ấm chuyển lên đỉnh đầu, chân tay mềm mại. Đoàn trợ niệm rất mừng, quyết định sẽ kết thúc sớm. Ngay sau đó, đoàn làm nghi thức tụng chú Vãng Sanh, chia sẻ với gia đình rồi chính thức mời gia đình chúng kiến và kiểm tra thoại tướng. Cụ có thoại tướng của người vãng sanh: thân thể mềm; bụng, ngực và các phần khác trên cơ thể đều lạnh, ấm ở đỉnh đầu. Việc trợ niệm kết thúc lúc gần 23h.
Như vậy, chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, đã có sự chuyển biến rõ rệt, từ thoại tướng của người đọa ngã quỷ chuyển sang thoại tướng của người được vãng sanh. Đây là do nhân duyên nhiều đời cũng như trước khi mất của cụ Hoan, sự cố gắng của chư vị đồng tu cùng gia đình!
*Cụ Đào Thị Hoà, pháp danh Diệu Bình, hưởng dương 91 tuổi, vãng sanh 14h chiều ngày 16/03/2010, tại số 6 ngõ 89 Thái Hà, Hà Nội.
Nt_dai2001
Các Phúc Đáp Gần Đây