Truyện Vãng Sanh Có Chứng Nghiệm Tại Việt Nam

Truyện Vãng Sanh Có Chứng Nghiệm Tại Việt NamNhững sự tích của các vị tu Tịnh độ được vãng sanh mà chúng ta được đọc đến, hầu hết là trích dịch ở sách Trung Quốc, mà những vị được vãng sanh kia là người Trung Quốc. Người nước ta tu Tịnh độ, từ xưa đến nay há lại không có người được vãng sanh ư? Nếu có, sao không thấy sách nào ghi đến? Có vãng sanh cùng chép vào sách là hai chuyện. Từ xưa đến nay, người nước ta tu Tịnh độ được vãng sanh rất nhiều, nhưng vì thiếu sót sự ký lục, thiếu sự lưu truyền, nên dù có nhiều mà ít người được biết. Có biết cũng cho riêng nhóm người được mục kích, nhưng rồi nó cũng theo thời gian mà phai lần.

Chính tôi cũng từng nghe biết nhiều người tu Tịnh độ, khi lâm chung có chứng nghiệm chắc chắn được vãng sanh, nhưng vì không ghi chép, không thường lập lại trong trí, nên nay thấy sự khuyết điểm như vừa nói ở trên, muốn tường thuật lại thì đã quên lãng gần hết, hoặc nhớ người mà quên tên họ, năm tháng v.v… Ghi chép mà không rành rẽ tên họ, chỗ nơi, thời làm thế nào mà thủ tín được!

Vài sự tích chép dưới đây may chăng nó có thể làm tiền phong bổ cứu điều khuyết điểm trên, mà từ đây về sau, lần lượt mọi người đều được đọc những trang tiểu sử vãng sanh có chứng nghiệm của các nhà đạo tâm vì mục đích vị tha tường thuật, để thực nghiệm lời Phật dạy và nảy nở tín tâm của mình.

Ngày 10 tháng 10 năm Mậu Tý (DL. 1948)

1. NÁN LẠI MỘT NGÀY

Bà Nguyễn Thị Danh, pháp danh Đạt Nhiên, người làng Thanh Hà, hạt Chợ Lớn.
Gần 60 tuổi mới phát tâm cầu đạo. Thọ pháp với sư cụ chùa Tôn Thạnh, chuyên tâm tu Tịnh nghiệp. Đến năm Ất Dậu (DL. 1945), năm 68 tuổi, bà nhuốm bệnh, biết trước giờ vãng sanh. Ngày 07 tháng 04, bà sai người đến Chùa Tôn Thạnh thỉnh Sư cụ Liễu Thoàn rằng : “Ngày 08 tháng 04 này, bà theo Phật, xin thỉnh Sư cụ đến ngày đó xuống nhà để bà từ tạ” Nhưng vì ngày 08 tháng 04 là ngày lễ Đản sanh của đức Thích Ca, Sư cụ mắc ở Chùa hành lễ, nên thành ra sáng mùng 09 Sư cụ mới xuống đến. Thấy Sư cụ bà mừng rỡ mà bạch rằng: “ Từ hôm qua đến nay tôi trông Thầy lắm. Truớc khi về Phật, tôi muốn gặp Thầy để tạ từ. Đáng lẽ tôi đã đi từ trưa hôm qua, song vì chờ Thầy nên tôi phải nán lại đến hôm nay. Bây giờ tôi sắp đi xin Thầy hộ cho một biến kinh!”

Sư cụ cùng vài người đệ tử lên trước bàn Phật tụng kinh A Di Đà, vừa xong quyển, thời Bà ngồi chắp tay niệm Phật mà quy Tây. Bà có hai người con trai đều xuất gia, hiện đương coi chùa Linh Phong tại làng Tân Hiệp tỉnh Mỹ Tho.

2. Y NGUYỆN VÃNG SANH & BIẾT TRƯỚC NGÀY GIỜ VÃNG SANH

Bà Trần Thị Lai, người ở làng Tân Kim, hạt Chợ Lớn. Năm 45 tuổi, phát tâm tu hành. Có lời nguyện rằng: “ Con quyết chí tu hành, xin Phật cho con được vãng sanh vào ngày vía đức Phật A Di Đà (17 tháng 11)” Quả nhiên đến ngày 17 năm Đinh Hợi (DL. 1947), bà niệm Phật mà từ trần. Con cháu của bà đều xuất gia, hiện nay đang tu tại chùa Pháp Tánh (làng Tân Kim, Chợ Lớn)

Ông Hồ Văn Định, người làng Long An, Chợ Lớn. Năm 42 tuổi, phát tâm mộ đạo, chuyên ròng niệm Phật tụng kinh. Đến năm mậu Tý (DL. 1948) ngày mùng 03 tháng 09, ông nói trước với vợ con ông rằng: “Đến giờ thân, thời tôi về Phật!”. Thật đến giờ thân ông chắp tay niệm Phật mà vãng sanh.

3. BÀ LÝ THỊ CÚC

Sinh quán tại Bình Tây, Chợ Lớn. Năm 18 tuổi, bà phối duyên cùng ông Trần Thu Cơ, sanh được hai người con trai. Vợ chồng ly dị. Không bao lâu hai người con trai chết, bà vẫn thủ tiết lo buôn bán tự nuôi sống, phát tâm quy y Tam Bảo với Pháp danh Diệu Thu. Rồi lúc ở Huế, lúc ở Chợ Lớn, khi ở Bạc Liêu… Cuối cùng do chiến tranh, năm 1946, bà về Chợ Lớn thuê một ngôi nhà nhỏ gần đình Minh Phụng (đường Chợ Lớn, Phú Lâm) rồi ở đó một mình cho đến ngày rời bỏ cõi trần.

Trải bao phen đau khổ vì gia đình cũng như nỗi tai biến, bà giác ngộ cõi đời là biển khổ, đường đạo là chốn lành. Đạo tâm của bà mỗi ngày thêm mạnh, thêm lớn. Đi chùa lễ Phật cùng cổ xướng những việc cúng dường Tam Bảo là việc làm hằng ngày của bà. Bà thích may phan cúng Phật. Lúc không đủ tiền, bà xin hàng vải của các bà thân hữu, rồi ra công may. Cặp phan dâng vào chùa Hải Ấn trước ngày bà mất hơn một tuần, là cặp phan sau rốt chính tay bà may.

Mùa đông năm 1955, bà tham gia đoàn thể Cực Lạc Liên Hữu ở đạo tràng Vạn Đức, cùng thỉnh sổ Niệm Phật Công Cứ. Từ đó trở đi, bà cần mẫn niệm Phật A Di Đà, tha thiết cầu sanh Cực Lạc thế giới. Người ta thuật lại, có lúc bà lễ Phật, kêu cầu đức Từ phụ A Di Đà thương xót tiếp độ cho bà đến nước mắt ràn rụa, tiếng thổn thức từng hồi trong cổ. Tình cảnh không khác đứa con thơ đang bị nạn mà kêu cầu cha mẹ cứu giúp.

Hạ tuần tháng 11 âm lịch năm Bính Thân (1956), sau khi vãng cảnh Long Hải nước ngọt về bà nhuốm bịnh. Vì thấy bà ở có một mình, ngày 23 Cô Chín, cháu bà rước bà về dưỡng bịnh tại nhà Cô gần chợ Phú Lâm. Trong những ngày nằm bịnh, từ những đồ vật mượn gởi cùng những của riêng, bà dặn dò giao trả cũng như phân chia, tất cả đều rành rẽ. Và cũng trong những ngày ấy, bà niệm Phật rất chuyên cần..

Chiều ngày 30, Cô Hoàng Anh, cháu bà đến thăm, bà nói: “ 10 giờ sáng mai dì sẽ về Minh Phụng, không còn ở Phú Lâm đâu” Đến tối mặc dù bệnh thêm nặng, nhưng bà vẫn niệm Phật không ngớt và có vẻ thiết tha hơn lúc thường.

Sáng sớm ngày mùng 01 tháng chạp sau khi bà ăn xong một chén cháo, thấy tay chân bà lạnh, mấy người đưa bà về nhà riêng của bà ở gần đình Minh Phụng. Được tin, cô hai Diệu Nghiêm lại nhà thay y phục cho bà. Tiếp đến, cô tám Diệu Cúc, cô Diệu Hiếu, cô Diệu Lộc đồng đến niệm Phật trợ duyên cho bà. Bấy giờ, bà nằm ngay thẳng yên lặng để nghe niệm Phật. Một lát sau, Thầy trụ trì Phước Cần đi tới với hai học Tăng đến khai kinh A Di Đà. Khi tụng đến đoạn: “ Tùng thị Tây Phương quá thập vạn ức Phật độ, hữu thế giới danh viết Cực Lạc…” thời bà hơi động hai vai rồi tắt thở một cách rất êm ái, thân vẫn nằm yên như ngủ. Lúc bấy giờ là 10g sáng. Mọi người vẫn tiếp tục niệm Phật. Sau khi mất, sắc diện của bà tươi tắn khác thường, nét mặt vui vẻ như cười.

02 giờ chiều hôm ấy, bà hội đồng Thánh từ Vũng Tàu về, rồi cùng với cô hai Diệu Nghiêm y theo lời trong kinh luận mà khám hơi nóng trong thi hài, thời cả mình đều lạnh, chỉ đỉnh đầu là còn nóng. 04 giờ, cô hai Diệu Nghiêm thấy tóc bà hơi rối, nên lấy lược gỡ, thoạt trong tóc có mùi thơm, cô gọi các bà đến khoe sự ấy.

Giờ ngọ ngày mùng 02, làm lễ nhập mạch, cách giờ bà mất đã 26 tiếng đồng hồ, mà nét mặt bà vẫn tươi vui, da mặt trắng như dồi phấn, có phần nở nang xinh đẹp hơn lúc còn sống, toàn thân không có chút mùi hôi, gối chiếu vẫn khô ráo không âm ỷ. Người đến dự lễ ai cũng khen là rất ít có. Cho đến những người từ trước rất sợ thây người chết, mà cũng muốn nhìn gương mặt của thi hài bà.

Sau khi kiểm lại đồ vật riêng của bà, thời thấy cuốn sổ Niệm Phật Công Cứ đã chấm đầy 5 trương (Mỗi trương 378.000 câu hiệu Phật).

Bà thọ được 73 tuổi.

Ba tích vãng sanh trên đây của Sư cụ Liễu Thoàn (Hoà Thượng chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc) tường thuật. Sư cụ tự nói rằng, những người tu Tịnh Độ lúc lâm chung, có thực nghiệm là được vãng sanh. Sư cụ tường thuật đây, đều là tận mắt Sư cụ mục kích trong khi Sư cụ đến hộ niệm. Ngoài ra, Sư cụ còn thuật thêm bảy người nữa, như ông Nguyễn Văn Xá (làng Duy Đức) niệm Phật chờ mây trắng đến mà từ trần; Cô Nguyễn Thị Sao (Làng Mỹ Lệ), trước giờ lâm chung thấy ba lần mống bạc xẹt ngang mình từ Đông sang Tây v.v…

Ôi! Sanh không biết từ đâu đến, chết không biết sẽ về đâu. Hãi hùng kinh sợ, giật mình lăn lộn, mắt trợn ngược, miệng méo xếch, ngợp hơi,cứng lưỡi, chân rút, tay vin v.v… kể sao cho hết cảnh trạng thống khổ trong khi sắp chết của một phần đông trong số người cả đời không biết gì là điều lành, là đạo đức.

Muốn “ Tử an”, há lại dễ được lắm ư!. Câu “ Tử khổ” từ xưa đức Phật đã từng răn nhắc! Muốn khỏi “ Tử khổ” phải làm thế nào? Kinh nói: “Khi con người sắp chết, thời tất cả cảnh tượng của những điều ác hay lành trọn trong đời của người đó gây tạo đều tuần tự phô diễn lại trong trí của người đó. Nếu cảnh dữ thời sẽ chết một cách đau khổ, sợ sệt; còn cảnh lành thời đi một cách an vui vững vàng” Biết trước ngày giờ mình sẽ từ giã thân ô trược này, khi đi thong dong tự tại, là những điều lành dành riêng cho những người hành đạo chân chánh và đã đắc lực, mà dễ được nhất là người tu về pháp môn Tịnh độ (niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc)

Ngày thường đã tu Tịnh Độ, thời là đã vun trồng chánh nhân Tịnh độ. Nhân lành thời có kết quả lành. Trong kinh đức Phật có dạy; “ Này Xá Lợi Phất! nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà… nơi cõi kia hoăc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sinh về, hoặc sẽ sanh về” Lời của đức Phật, đấng Thiên nhân sư phán ra, quyết định là đúng thật. Đó là điều mà từ xưa đến nay, người có chánh tín, không ai là không công nhận pháp môn Tịnh độ (niệm Phật A Di Đà cầu sanh về Cực Lạc) là pháp môn vừa thù thắng nhất, vừa giản tiện nhất. Đó là lời các vị Tổ sư thường nói.

Thù thắng nhất, vì người tu Tịnh độ mau chứng bậc“Bất thối”, mau“Thành Phật” cho đến Ngài Phổ Hiền, Ngài Văn Thù là bậc Pháp Vương Tử mà còn nguyện sanh thay! Giản tiện nhất, vì mọi người bất luận là trí, ngu, nam, nữ đều có thể thực hành và đều có thể thành tựu.

Xem như nguyện của bà Danh v.v…đến già mới phát tâm. Thời gian tu hành không bao lâu, mà đều có phần tự tại an vui khi lâm chung: người thời ngừng sự chết lại, người thời y như chỗ mình nguyện cầu, người biết rõ giờ khắc…Những sự tự tại an vui khi lâm chung của người tu Tịnh độ, là thoại ứng được vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc vậy.

Người tu Tịnh độ được như thế là do nhờ sức đại nguyện của đức Phật A Di Đà nhiếp thọ. Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật A Di Đà khi tu hạnh Bồ tát, có phát 48 điều đại nguyện để nhiếp thọ chúng sanh. Ngài đã thực hành đầy đử 48 điều đó, và hiện tại cũng như vị lai, Ngài vẫn dùng 48 điều đại nguyện đó tỏa khắp pháp giới để tiếp độ muôn loài.

Lời phụ:

Xét tình hình khi sắp mất và sau khi mất, bà Diệu Thu có nhiều điểm chứng nghiệm được vãng sanh Cực Lạc.

Những ngày bệnh cho đến giờ tạ thế, bà không ngớt niệm Phật, bệnh càng nặng sự niệm Phật của bà càng thành khẩn. Đây là điểm “ Chánh niệm vững vàng”.

Sau khi mất đến 26 tiếng đồng hồ, thi hài bà vẫn không thay đổi, như người nằm ngủ, lại thêm có phần tươi vui nhuần thắm hơn lúc bà còn sanh tiền. Đây là điểm “ Thiện căn, thiện quả”.

Sau khi mất, trong tóc bà phất ra mùi thơm như mùi trầm. đây là điểm “ Tịnh nhơn, tịnh báo”.

Cả mình lạnh, đỉnh đầu nóng sau cùng. Đây là điểm chứng cứ được vãng sanh cụ thể nhất. Vì y theo kinh luận, thời thân thể người chết, nếu đỉnh đầu nóng sau rốt, khi cả mình đều lạnh, thời đó là một vị đã siêu phàm nhập Thánh. Người được vãng sanh Cực Lạc không luận hạng nào, dù là bậc tối Hạ phẩm đều dự vào hàng Thánh giải thoát cả.
Ôi! Với thân thể một phụ nhơn cư sĩ, bà Diệu Thu đã nhờ công phu niệm Phật theo châm ngôn “ Lánh dữ làm lành, tin sâu nguyện thiết” mà được hiện đời vượt khỏi vòng sanh tử luân hồi, siêu sanh Tịnh độ. Thế là bà đã hân hạnh được ở cõi Phật, thường được gần Phật A Di Đà, cùng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, chư Đại Bồ tát Thượng thiện, và bà đã dự được hàng Thánh Đại thừa thành bậc Bất thối chuyển.

Thế mới biết rằng, nguyện lực của Phật A Di Đà thật rõ là từ bi bất tư nghị; pháp môn niệm Phật rất hạp với căn cơ của nhơn loại, rất giản tiện dễ tu, mà công lại cao, quả lại lớn.

Những ai có chí siêu phàm, muốn giải thoát cho mình, cho người, cho muôn loài, thiết tưởng chỉ nương theo pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây Phương, mới có thể được toại nguyện mà thôi.

Như trong kinh Đại Tập Nguyệt Tạng, đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã từng bảo: “Trong thời mạt pháp, chúng sanh chỉ nương pháp môn niệm Phật A Di Đà mà ra khỏi luân hồi”.
Kinh Bát Nhã, đức Thích Tôn bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát: “ Xưng danh hiệu của A Di Đà Phật, thời mau được quả Vô Thượng Bồ đề…” Và Ngài văn Thù Sư Lợi Bồ tát đã đem lời của Đức Thế Tôn truyền lại cho Pháp Chiếu Đại Sư: “ Muốn mau thành Phật, không gì bằng chuyên niệm Phật A Di Đà…”

Sau rốt xin chép lời của đức Bổn sư thọ ký trong kinh Tiểu Bổn để làm lời kết của bài này: “ Nếu có người hoặc đã phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, những người ấy đều được chẳng thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nơi cõi Cực Lạc, hoặc đã sanh, được sanh, sẽ được sanh”

Trích: HƯƠNG SEN VẠN ĐỨC
Tác giả: Cố lão hòa thượng Thích Trí Tịnh (hình trên)
Nhà Xuất Bản Phương Đông TP. HCM 2006

Bà Thái Xương 80 Tuổi Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Bà Thái Xương 80 Tuổi Biết Trước Ngày Vãng SanhĐây là câu chuyện mà thầy Bạch Sa ở Quy Nhơn đã kể lại cho tôi nghe:

Bà Thái Xương, vợ một Hoa kiều nguyên buôn bán ở Quy Nhơn, là một đàn việt chùa Bạch Sa và đã giúp thầy ấy kiến tạo một ngôi chùa Bạch Sa hiện nay. Bà chuyên tu pháp môn niệm Phật và chỉ phát nguyện khi thọ chung được gặp ngày vía Ðức A Di Ðà (tức ngày 17 tháng 11 âm lịch) và được biết trước giờ phút thọ chung ấy. Năm bà mất 80 tuổi mà vẫn khỏe mạnh. Ðầu tháng 11 năm ấy, bà đến xin thầy Bạch Sa tụng cho một bộ kinh Thủy Sám và một bộ kinh Pháp Hoa để kịp đến ngày 17 tháng ấy bà về chầu Phật. Thầy Bạch Sa lấy làm kinh ngạc vô cùng, nhưng vì bà là bổn đạo thuần thành đã lâu năm nên thầy cũng phải chiều theo. Cái tin ấy đã làm cho bà con và đạo hữu kinh ngạc. Ðến ngày 17, họ tụ tập đến nhà bà rất đông để thỏa mãn tánh hiếu kỳ. Suốt buổi sáng hôm ấy, bà vẫn khỏe mạnh và bình tĩnh như thường ngày, khiến cho thầy Bạch Sa trong thâm tâm e sợ, không khéo phen này làm trò cười cho thiên hạ. Bỗng đâu đến khoảng quá 10 giờ sáng, bà bảo người giúp việc in một in cơm đêm lên nhờ thầy cúng Phật rồi đem xuống cho bà. Bà chắn in cơm làm hai phần, tự mình ăn một nữa, còn một nữa bảo người giúp việc ăn tự tạ rằng: Gọi là đền đáp công ơn mụ giúp đỡ tôi trong mười mấy năm trường, nay đến ngày vĩnh biệt, xin biếu mụ ăn nữa phần cơm này để sau nhờ Phật tiếp dẫn mụ về Tây phương.” Nói xong, rửa mặt súc miệng và thay áo quần thì đúng 12 giờ trưa, bà chào tất cả mọi người, ngồi xếp bằng hai tay chắp trước ngực mà hóa một cách vui vẻ trước sự kinh ngạc của mọi người trong nhà. Năm ấy ở Quy Nhơn, thiên hạ xôn xao bàn tán rất nhiều về cái chết của bà Thái Xương, tiếng đồn bà thành Phật lan ra khắp các tỉnh.

Xem đó đủ biết sự phát nguyện vãng sanh Cực lạc là một điều tối cần thiết cho mọi người tu theo pháp môn Tịnh độ. Phát nguyện là một nhu kiện không thể không có, ta không nên suất lượt để phải mất công hiệu và lợi ích rất đồng, nhưng lớn về sau.

Trích Tâm Như Trí Thủ
HT Thích Trí Thủ

Vị Sư Khờ Niệm Phật Tiêu Nghiệp Chướng Tự Biết Ngày Về Tây

Vị Sư Khờ Niệm Phật Tiêu Nghiệp Chướng Tự Biết Ngày Về TâySư Khắc Cần họ Trương, người Hồ Nam (Trung Hoa), từ bé tánh khờ khạo. Năm năm mươi ngoài tuổi, sư xuất gia tại am Hồng Thể ở Thiện Hóa, sau thọ Cụ túc giới ở Lộc Sơn. Sư không biết chữ, học mấy thời khóa tụng ngót năm năm mới thuộc. Sau đó 10 năm, sư đi khắp ngũ nhạc, tứ sơn và các đại tòng lâm để tham học, nhưng rốt cuộc không tham hiểu một mảy gì, vẫn khờ khạo như cũ.

Ðến năm 60 tuổi, sư nghe Minh Quả Pháp sư giảng về công đức của pháp môn trì danh niệm Phật quý tại “nhất tâm bất loạn”. Nếu tâm loạn nên chăm chú nghe kỹ tiếng niệm thời tạp niệm sẽ tự trừ, vọng tưởng sẽ tự diệt, tâm sẽ đặng thanh tịnh, v.v… Từ đó sư mới được biết pháp môn niệm Phật, bèn chuyên tu.

Sáu năm sau thời tánh cũ của sư đều mất, tâm hằng tự tại minh mẫn. Lúc rảnh sư thường bảo người rằng: “Tu hành quý tại nhất tâm bất loạn. Nghiệp chướng của tôi do niệm Phật tiêu sạch. Mấy năm gần đây, chẳng những không phiền não mà thân tâm đều được khinh an”.

Một hôm, sư cho người đi mời sư huynh Hàm An. Qua ngày kế, Hàm An đến, sư vừa thấy liền cười nói: “Khắc Cần này xin cáo từ sư huynh!”. Hàm An hỏi: “Tính đi đâu?”. Sư đáp: “Ði Tây phương Cực lạc thế giới”. Hàm An bảo: “Nói khùng phải không?”. Sư nói: “Từ sáu năm gần đây, tâm tôi không loạn động, niệm A-di-đà Phật, câu câu rõ ràng mục kích Tịnh độ. Tự biết ngày giờ quyết định vãng sanh. Chẳng phải khi dối vậy!”. Sư liền đem tất cả công sự trong am giao phó cho Hàm An rồi lại bảo: “Giờ ngọ ngày mai tôi sẽ từ biệt sư huynh, anh em già với nhau, tất cả phải lo cho nhau, sư huynh nên gắng chuyên tu pháp môn niệm Phật để chuẩn bị tư lương”.

Sáng hôm sau, sư tắm gội, thay y, Tịnh độ. Chiều hôm ấy, sư ngồi một mình niệm Phật không nói chuyện. Sáng hôm sau nữa, sư lại tắm gội, thay y phục, thắp hương lễ Phật, tạ Tổ xong, sư vẫn vào tịnh thất ngồi niệm Phật. Ðến giờ ngọ sư mới chậm rãi đi vào ngồi kiết già trong khánh, tay cầm chuỗi yên lặng niệm Phật. Mãi đến hai giờ sau, Hàm An thấy đã lâu mà không thấy sự động tịnh, bèn lại gần thăm xem, thì ra sư đã tịch rồi. Chừng đó mới cả kinh mà tin thật và đồng thời cùng với các sư Phổ Ấm v.v… đều nghe mùi hương lạ. Lúc đó là giờ ngọ, ngày mùng 5 tháng 7 năm Tân Sửu, triều vua Quang Tự nhà Thanh. Bấy giờ nhằm tiết trời nóng nực mà thi hài của ngài vẫn để yên nơi đình khánh ấy đến 7 ngày, vẫn không sình nứt thúi hôi chi cả; người mục kích đều ngợi khen, cho là điều lạ ít có.

Trích Pháp Môn Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Hồng Đạo

Lợi Ích Sự Trợ Niệm Vãng Sanh

Lợi Ích Sự Trợ Niệm Vãng SanhNi cô Thích nữ Đàm Thành là đệ tử xuất gia của hòa thượng Thượng TRUNG,hạ QUÁN chùa Hoa Nghiêm (Pháp Quốc) bị bệnh suy yếu thận,nên phải lọc máu (hémodialyse) mỗi tuần 3 lần tại bệnh viện Paris gần 18 năm trời,trụ thế được 78 tuổi.chúng tôi muốn kể lại cho quý vị biết việc quan trọng,và lợi ích của sự trợ niệm cho người lâm chung! Hai ngày,trước khi ni cô viên tịch,chúng tôi có đến thăm,nghe bác sĩ nói:sức khỏe ni cô rất yếu,từ mấy ngày rồi không ăn gì được nữa, và sẽ mất đi khoảng vài ngày tới!

Ngày thứ hai,17-05-2010,chúng tôi có vào bệnh viện thăm,sức khỏe ni cô quá yếu,nên chỉ lấy mắt mà nhìn mọi người,chứ không còn hơi sức để nói chuyện như trước ! Lúc 14 giờ 30 phút, chúng tôi gồm 7 người bắt đầu Niệm Phật đến 15 giờ 30 phút,gia đình xin cáo từ ra về trước!Bây giờ,còn lại Tôi(Minh Đăng)và ni cô Huệ Phước, tiếp tục Niệm Phật đến 16 giờ 10 phút.Tôi có linh tính rằng:Ni cô Đàm Thành sắp sửa lâm chung,nên liền đứng dậy đến bên giường và để tay lên đầu ni cô mà Niệm Phật… Quả thật đúng y như vậy,khoảng 5 phút sau,ni cô dùng anh mắt nhìn Tôi,để nói lên sự cảm ơn,thở ba hơi cuối cùng rồi nhắm mắt nhẹ nhàng ra đi trong lúc nghe niệm Phật.

Thấy vậy,chúng tôi liền báo với Bác sĩ đến khám nghiệm ngay,Bác sĩ cho biết ni cô đã ra đi an lành!Chúng tôi xin phép đừng cho đụng chạm đến thi thể,và vẫn tiếp tục Niệm Phật thêm 8 giờ đồng hồ nữa!Lúc mới mất,miệng đang mở,sắc diện gương mặt nhìn thấy hơi xám,do nhờ công đức trợ niệm Phật đến 4 giờ sau ,thì sắc diện tốt hơn và miệng cũng từ từ ngậm lại,5 người ra về, lúc đó họ mới trở lại,bây giờ là 20 giờ 15′. Vì sự trợ niệm rất quan trọng,muốn được lợi ích trọn vẹn cho người mất,chúng tôi khuyên mọi người hãy bình tĩnh,không nên than khóc vô ích,làm cho giác linh không được siêu thoát,chúng tôi chia ra hai nhóm thay phiên nhau Niệm Phật,nghĩa là nhóm này (A) niệm luôn một hơi dài được khoảng 7 lần Nam Mô A Di Đà Phật rồi ngưng,nhóm kia (B) cũng niệm như vậy,mãi cho đến 24 giờ 20 phút mới ngừng niệm.

Như vậy,niệm Phật được gần 10 giờ đồng hồ,bây giờ,chúng tôi thăm dò hơi ấm xem ni cô được sanh về đâu?Mọi người đều hoan hỷ khi để tay trên đỉnh đầu vẫn còn hơi ấm,chứ không lạnh như nơi khác,và nhất là khi cầm bàn tay lên,các ngón tay vẫn thấy mềm mại ! Quý vị thử nghỉ,đoán xem ni cô được sanh về đâu? Có vãng sanh Cực Lạc ?

Mặc dù lúc trợ niệm,không thấy Phật,Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn vì lý do phẩm sen thấp,hoặc chỉ người sắp mất mới thấy,nhưng được niệm Phật trước khi mất là rất Tốt.Phật,Bồ Tát hiện thân tiếp dẫn đặc biệt cho người Thượng phẩm,thì nhiều người sẽ thấy, sáng hôm sau,chúng tôi trở lại Niệm Phật đến 16 giờ chiều,thi thể được di chuyển đến nhà thiêu (crématorium), mỗi ngày sáng,chiều đều tụng kinh A DI ĐÀ,và 108 lần thần chú Tỳ Lô Giá Na,oai thần lực của niệm Phật,tụng Kinh,trì Chú thật Không Thể Nghĩ Bàn,sắc diện ni cô vẫn tốt,không có mùi hôi mặc dù đã viên tịch 6 ngày rồi!

Thứ bẩy,22-05-2010 sau khi thiêu xong,tìm trong tro xương thấy có một vật dài bằng lóng tay út (2 cm) màu xanh như ngọc cẩm thạch rất bóng và đẹp (dĩ nhiên là khi thiêu không có để vào).(khoảng 1 tháng sau,xá lợi lại biến thành màu xám)

Trong tạp chí này có bài Những Vấn Đề Cần Biết Khi Lâm Chung (Thích Tâm An) quý vị nên đọc kỹ và làm theo thì mọi việc được tốt lành như:thỉnh Tăng,Ni,Phật tử trợ niệm,không nên than khóc,phải thay phiên niệm Phật liên tục ít nhất là 8 giờ đồng hồ, sau đó mới thay đồ,lau rửa thi thể,thỉnh mền quang minh(tấm đà ra ni,có các thần Chú) tụng kinh cầu siêu suốt 49 ngày ở Chùa,cúng cơm vong linh bằng các món chay tịnh.

Nhớ thường trì tụng và thực hành theo lời Phật dạy trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện,đây là câu chuyện trợ niệm ở tại PARIS 17/05/10,đăng lên để chia sẻ cùng Phật tử khắp nơi.

Tỳ kheo Thích Minh Đăng

Niệm Phật Thoát Nạn Chết Đắm

Niệm Phật Thoát Nạn Chết ĐắmCư sĩ Ngô Doãn thăng, tự Thường Đạo người huyện Hấp ở Huy Châu. Lúc tuổi trẻ ông thường đi lại mua bán nơi vùng Tô, Hàng. Trong cuộc du ngoạn chùa núi Hổ Khâu, một vị Tăng tình cờ gặp mặt ông nhìn kỹ đoạn bảo: “Ngươi cũng có căn lành, song tiếc vì lúc hai mươi chín tuổi bị nạn chết đắm, biết làm sao?”.

Doãn Thăng nghe nói sợ hãi, cầu thỉnh phương pháp giải cứu. Vị Tăng trầm ngâm giây lát rồi dạy: “Từ nay trở đi, ngươi phải giới sát phóng sanh. Mỗi ngày đều nên chí thành trì chú Đại Bi và niệm Phật, may ra có thể thoát khỏi!”. Doãn Thăng tin nhận thật hành, lại thường đem điều này khuyên người.

Đến năm hai mươi chín tuổi, cư sĩ từ Hàng Châu nương thuyền trở lại quê nhà. Bạn đồng hành được tất cả mười bảy người. Khi thuyền trương buồm ra đi độ vài mươi dặm, ngọn thủy triều chợt ầm ầm xô đến, sóng to nổi dậy thế rất nguy cấp. Doãn Thăng chợt nhớ lời vị Tăng nói khi trước, vội chấp tay niệm Phật.

Giây phút thuyền lật úp, ông và tất cả hành khách đều bị cuốn lôi theo sóng nước. Trong cơn hoảng hốt mơ màng, bỗng nghe tiếng nói: “Ngô Doãn Thăng khuyên người niệm Phật có công, được thoát khỏi nạn này!”. Cư sĩ vội mở mắt nhìn xung quanh thì thân đã nằm trên bờ, bên mình có những người chài lưới đang vực tỉnh. Kiểm điểm lại, mũ giày hành lý đều bị nước tuôn mất hết, duy có xâu chuỗi mười tám hạt bình nhật thường trì niệm hãy còn nắm chắc nơi tay. Còn mười sáu người kia đều bị trôi chìm không thấy tung tích.

Từ đó ông càng tin công đức niệm Phật chẳng thể nghĩ bàn! Cư sĩ không trở về quê, ở lại mở ngôi quán xem tướng, mượn nhân duyên này để nói lý nhân quả, khuyên người tu niệm.

Sau cơn hoạn nạn, Doãn Thăng hành trì càng tinh tấn. Ông đều liều hương nơi cánh tay thành bốn chữ “Cầu sanh Tâyphương” để nêu rõ hạnh nguyện của mình. Người ở Hàng Châu theo di phong của Tổ Liên Trì, phần nhiều đều tín hướng pháp môn niệm Phật. Song những kẻ thật hành, lại là người già cả, không có hạng thiếu niên.

Mỗi tháng họ tập họp lại chùa niệm Phật, gọi là Lão Nhi Hội. Sự tập hợp cũng không dám đi đông nhiều, vì sợ bị hiềm nghi là dị giáo mưu đồ chánh trị. Doãn thăng khẳng khái tuyên bố với mọi người: “Môn niệm Phật không phân biết nam nữ già trẻ sang hèn. Đạo Phật là chánh giáo được triều đình mến ưa công nhận, tại sao lại phải e sợ?”. Lúc ấy Diên Kiểm Điền, một quan chức quyền quý, đang chủ duyệt kiểm tra về thuế muối ở Hàng Châu, cùng cư sĩ có tình cựu hảo. Nhân cơ hội, ông mở cuộc lạc quyên, trước tiên đến Diên công được ngài góp vào hai trăm lượng vàng để làm thủ xướng.

Với số tiền quyên được, cư sĩ đặt thành quỹ phương tiện thâu lợi tức nhẹ mở mang hội niệm Phật tại chùa Bảo Thành ở núi Tử Dương và làm các việc từ thiện. Mỗi khi gặp ngày hội kỳ, ông vì quần chúng giảng giải Phật pháp, nói lý nhân quả. Kẻ chưa phát tâm khuyên tinh tấn tu niệm. Cư sĩ lại mở thêm chi hội nơi chùa Tiên Lâm ở trong thành cùng các chỗ khác để khuyến hóa. Kẻ tin tưởng niệm Phật ngày càng đông có đến số ngàn. Mỗi khi tập hợp, tất cả đều nghiêm trang kính cẩn, không buông lung rộn ràng huyên náo.

Tượng Tam Thánh cao một trượng sáu nơi điện Tây phương tại chùa Tiên Lâm, cũng do người trong hội kiến tạo. Một buổi sáng đang lúc tập hợp niệm Phật, đại chúng thấy từ trong mũi tượng Đại Thế Chí Bồ tát phóng ra một đạo bạch quang bay vòng quanh nơi điện đình hơn vài khắc mới tan mất.

Từ đó ở thành Hàng Châu phong thái niệm Phật thạnh hành. Các vùng xung quanh cũng được ảnh hưởng cảm hóa, trẻ già trai gái tay cầm tràng, miệng niệm Phật, là chuyện thông thường không còn xa lạ. Danh hiệu Doãn Thăng đàn bà con trẻ đều biết. Mỗi kỳ hội, các nơi thay phiên nhau thỉnh cư sĩ đến din giảng. – Tây Hồ có chùa Linh Phong, nguyên là di tích của Phục Hổ thiền sư, hư phế đã lâu.

Trong niên hiệu Đạo Quang năm đầu, Doãn Thăng phát nguyện trùng hưng, tu tạo vài năm mới lạc thành. Cư sĩ mãn phần lúc sáu mươi sáu tuổi. Khi lâm chung ông giữ chánh niệm phân minh, tự nói: “Tôi thấy vô số Bồ tát đi kinh hành ở trước mặt!”. Rồi ngồi ngay lặng lẽ mà hóa. Bấy giờ nhằm ngày mùng một tháng năm, niên hiệu Đạo Quang thứ chín.

Lời Bình:

Doãn Thăng niệm Phật chỉ mong khỏi nạn, nhưng lại cảm điềm lành tốt lúc lâm chung. Thế thì ai bảo: “Công đức niệm Phật duy có lợi ích sau khi mãn phần ư?”. Xem gương trên, hai vị đều gắng sức thật tu, tin chắc không đổi. Người đời nay đem công phu chút ít, cầu lợi ích quá phần, đến khi thấy vô hiệu, trở lại cho rằng Phật pháp không linh nghiệm, rồi bỏ hết việc tu hành há chẳng đáng ngậm ngùi thương tiếc lắm ư!

Trích Mấy Điệu Sen Thanh
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Càng Bịnh Càng Tinh Tấn Niệm Phật An Nhiên Qua Đời Thân Thể Đẹp Hơn Lúc Sống

Càng Bịnh Càng Tinh Tấn Niệm Phật An Nhiên Qua Đời Thân Thể Đẹp Hơn Lúc SốngCư sĩ Ổ Dư Khánh thời Dân Quốc người huyện Phụng Hóa tỉnh Triết Giang tánh tình trung hậu, thuần phác. Năm Dân Quốc 35 (1946) ông đến Ðài Loan kinh doanh xưởng phụ tùng xe hơi Quốc Quang & xưởng dụng cụ giao thông Trung Lập khá thành công. Năm Dân Quốc 56 (1967) ông được đồng hương rủ đến chùa Pháp Hoa ở Ðài Bắc nghe hòa thượng Tịnh Không giảng kinh ông liền theo học Phật, tiếp nhận sự un đúc của Phật Pháp. Ông quy y với lão hòa thượng Quảng Khâm ở Thổ Thành và trưởng lão Sám Vân ở Thủy Lý, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới.

Mùa Ðông năm Dân Quốc 67 (1978), ông đến chùa Vĩnh Minh ở núi Dương Minh để thọ giới Bồ Tát tại gia. Ông nghiêm trì giới luật, chuyên tu Tịnh nghiệp, niềm tin vững vàng, ý nguyện thiết tha cầu sanh Tây Phương. Ông thường cúng Tam Bảo, phụng sự sư trưởng, bố thí làm phước chẳng tiếc sức lực. Ông cùng các liên hữu thành lập Phật Giáo Tịnh Nghiệp Lâm ở Tam Giáp Hoành Khê. Ông được cử làm Lâm Trưởng (người đứng đầu Tịnh Nghiệp Lâm), lãnh đạo đại chúng cùng trụ trong Lâm để cùng tu.

Mùa Hạ năm Dân Quốc 70 (1981), vì bịnh tật, ông phải về nhà chữa trị, nhưng niệm Phật càng thêm tinh tấn chẳng lười. Ðầu tháng Ba năm Dân Quốc 72 (1983), chợt ông bị bí đường tiểu tiện, trị liệu cách nào cũng vô hiệu, phải đưa vào bịnh viện Trung Hưng ở thành phố Vĩnh Hòa để chữa. Tuy đau đớn tột bậc, trong tâm ông vẫn niệm Phật chẳng ngớt. Ngày hai mươi mốt tháng Ba, ông chợt bảo người con trưởng đang trông bệnh rằng:

– Từ ngày mai các con đừng có đi đâu!

Ngày hôm sau, gần trưa, bác sĩ đến khám toàn thân, thấy tất cả đều bình thường, dặn dò ông phải nghỉ ngơi chu đáo, ông Ổ bảo:

– Hiện tại tôi rất thoải mái, cảm ơn ngài!

Lát sau, ông bảo đứa con gái út nâng đầu giường lên cao hơn, kê gối cho ông dựa. Cô hỏi:

– Có chuyện gì làm ba không được thoải mái hả?

– Không có!

Ðúng mười một giờ trưa, ông chợt mỉm cười, hai đùi chợt khép sát vào nhau, hai tay giở lên như thể đang co chân ngồi dậy, chắp tay; há miệng niệm Phật mà qua đời, thọ bảy mươi tư tuổi. Toàn thể quyến thuộc đều vây quanh cao giọng trợ niệm. Trưởng lão Sám Vân và các vị pháp sư, cư sĩ và đạo sư của Tịnh Nghiệp Lâm, lâm hữu v.v… cũng theo nhau đến, tính ra hơn bốn mươi người luân phiên trợ niệm. Ðến khoảng sáu giờ tối, toàn thân đều lạnh, chỉ còn mỗi đảnh đầu là ấm.

Trợ niệm đến chín giờ rưỡi mới bắt đầu rửa ráy, thay áo. Vì tứ chi của ông đã cứng đờ nên trưởng nữ dùng khăn nóng ủ lên hai khủy tay, chợt ngửi thấy mùi hương thanh khiết bốc ra từ hai tay áo ông. Ngày hôm sau đại liệm, hai tay ông mềm mại, những vệt đen trên mặt biến đâu hết, vẻ mặt ông vui tươi đẹp đẽ hơn lúc sống.

Từ lúc ấy, dù ngày hay đêm, quyến thuộc đều nghe trên không có tiếng niệm Phật, cho đến lúc pháp hội Niệm Phật bốn mươi chín ngày đã nghỉ rồi vẫn nghe có tiếng niệm Phật từ phương Tây vẳng tới.

(theo tạp chí Huệ Cự, bộ 22, kỳ 9)

Nhận định:

Một phen nghe giảng kinh liền theo Phật môn, thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới, chuyên tu Tịnh nghiệp, đấy chính là căn lành từ bao kiếp thành thục.

Lập Tịnh nghiệp lâm để cộng tu là người tự lợi, lợi tha. Càng bịnh càng tinh tấn là mượn bịnh để tiềm tu. Chợt dặn dò ngày mai đừng đi đâu là biết trước thời khắc.

Mỉm cười chắp tay ắt là thấy Phật hiện đến tiếp dẫn. Khiến cho quyến thuộc thường nghe tiếng niệm Phật từ phương Tây vẳng lại để họ biết là mình đã vãng sanh trong thượng phẩm, nhằm khiến họ đều tín nguyện sanh Tây. Phàm những ai tuổi già lắm bệnh, xin hãy bắt chước ông tinh tấn!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập