Vị Cư Sĩ Vừa Giảng Xong Kinh A Di Đà Liền Từ Biệt Mọi Người Tọa Hóa Vãng Sanh

Vị Cư Sĩ Vừa Giảng Xong Kinh A Di Đà Liền Từ Biệt Mọi Người Tọa Hóa Vãng SanhCư sĩ Lý Ngoa, tự Tế Hoa thời Dân Quốc, người huyện Như Cao tỉnh Giang Tô; tốt nghiệp từ Trắc Hội Học Ðường (Trắc Hội Học Ðường: trường dạy ngành đo lường, vẽ bản đồ.)

Năm Dân Quốc thứ nhất (1911), ông được cử về làm việc ở Trắc Lượng Cục của Lục Quân, gia nhập Ðồng Minh Hội. Khi cách mạng lần thứ hai thất bại, ông bị tống giam; lúc sắp bị xử tử, ông được người cứu khỏi, được phóng thích. Tuy vẫn phục vụ trong quân ngũ, nhưng ông ăn chay niệm Phật, dù nóng hay lạnh vẫn chẳng gián đoạn.

Từ chiến dịch Bắc Phạt trở về, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: nghị trưởng huyện nghị hội và cục trưởng các cục kiến thiết, tài chánh v.v…

Mùa Xuân năm Dân Quốc 22 (1933), ông quy y Ấn Quang đại sư, được đặt pháp danh là Trí Thoát. Từ đấy, ông chuyên tu Tịnh nghiệp, thời khóa sáng tối đều tụng một cuốn Di Ðà, niệm Phật cả vạn tiếng. Ông nghiên cứu sâu sắc kinh điển Ðại Thừa, hạnh lẫn giải đều sâu, hoằng dương Tịnh Ðộ, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, trọn đời chẳng lười nhác.

Sau khi qua Ðài Loan, ông sáng lập Liên Hữu Niệm Phật Ðoàn ở Ðài Bắc, soạn cuốn Phổ Khuyến Tịnh Nghiệp Ðồng Nhân Phát Khởi Tổ Chức Trợ Niệm Vãng Sanh Ðoàn Văn để đề xướng việc trợ niệm.

Ngày hai mươi lăm tháng Hai năm Dân Quốc 51 (1962) là ngày pháp hội định kỳ của Niệm Phật Ðoàn, ông lãnh chúng niệm Phật. Sau bữa ăn trưa, ông giảng đại ý kinh A Di Ðà. Ðến hai giờ năm mươi phút giảng xong, ông từ biệt đại chúng:

– Tôi sắp đi rồi, mọi người hãy chăm chỉ niệm Phật!

Rồi ông tọa hóa giữa tiếng niệm Phật của đại chúng. Ðúng ba giờ năm phút, tay ông kết Di Ðà ấn như đang nhập Thiền Ðịnh. Ngày hôm sau, nhập liệm, toàn thân ông mềm mại, vẻ mặt như còn sống. Ngày mồng Bốn tháng Ba trà tỳ, thu được rất nhiều xá lợi, thọ bảy mươi chín tuổi.
(theo Lý Tế Hoa Cư Sĩ Di Tập và các báo Liên Hợp, Dân Tộc v.v…)

Nhận định:

Ấn Quang đại sư nói:“Chịu giúp người tịnh niệm vãng sanh thì cũng sẽ được hưởng báo có người trợ niệm!”. Ông Lý sáng lập Liên Hữu Niệm Phật Ðoàn, đề xướng trợ niệm nên được liên hữu đại chúng trợ niệm vãng sanh.

Ngôn giáo chẳng bằng thân giáo nên ông chọn đúng vào lúc pháp hội định kỳ để tọa hóa, ngõ hầu đại chúng cùng thấy cùng tin, gấp gáp bắt chước theo đồng sanh Tây Phương vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Sơ Lược Các Sự Tích Vãng Sanh

Sơ Lược Các Sự Tích Vãng SanhTừ xưa tới nay, muôn ngàn người ăn ở hiền lành, phần đông trước khi chết đều bị mê muội, không ai biết trước ngày giờ chết để tắm gội sạch sẽ, tỉnh táo niệm Phật hoặc biết có mùi thơm hay nghe tiếng nhạc trên không. Duy chỉ có những người tu Tịnh độ khi mãn phần có những điều dị thường như trên thì biết chắc hồn về Cực lạc.

Nay xin kể lại sơ lược vài sự tích vãng sanh xưa và nay tại nước Tàu & Việt Nam ta để quí vị Đạo Tâm rộng đường suy xét hầu tu theo Tịnh độ. Chẳng những người tu có kết quả mà loài thú biết niệm Phật cũng đặng vãng sanh.

1.- Đời Đường bên Tàu, Cư sĩ Minh Chiêm tuổi già mới tu Tịnh độ. Ông rất tinh tấn ngày đêm niệm Phật chẳng dứt. Có kẻ nói: “Ông tu muộn quá e không kịp vãng sanh”. Ông Minh Chiêm nói: Niệm Phật từ một tới mười câu còn thấy Di Đà, ta lo chi không đặng vãng sanh. Sau vì bị bệnh nên ông vào chùa Hưng Thiên, lúc quá Ngọ, ông ngồi chắp tay xây mặt qua hướng Tây mà niệm Phật. Giây lâu ông nói rằng: Phật với Quan Âm, Thế Chí đều đến rước ta. Nói xong bái rồi hết thở.

2.- Đời Tống, ba cha con của Ngụy thế Tử với một quận chúa đều tu theo Tịnh độ, trừ ra phu nhân là ăn mặn. Sau quận chúa chết yểu: sau khi liệm xong, quàn lại bảy ngày bổng nghe tiếng la từ trong quan tài “Ngộp lắm!” nội nhà mừng quá cạy nắp quan tài ra, cùng lúc ấy tiếng nhạc trên không trung trổi lên. Quận chúa bước ra thưa với mẹ rằng: Thưa mẹ, nước Cực lạc rất vui, trong ao Thất Bửu có nhiều bông sen búp lớn gần bằng bánh xe, ngoài cánh sen, cái thì nêu tên cha, hai bông nọ còn có tên hai anh nữa, con kiếm cùng không có tên mẹ nên con xin phép Đức Phật Di Đà về đây báo tin và khuyên mẹ mau tu Tịnh độ thì sẽ có một bông sen mọc ra dành cho mẹ cũng như của cha, của hai anh và của con vậy. Phật sẽ đem tòa sen ấy rước mẹ về cho Liên hoa hóa thân, ở cung đền rất cao. Muốn mặc y phục gì thời có hiện tới. Muốn ăn vật chi đều có món đó, đựng trong bát thất bảo hiện tới trước mặt, dùng xong bát biến mất khỏi rửa. Muốn nghe nhạc chi thì nhạc ấy vào tai, bằng không muốn nghe thì nhạc liền dứt. Mỗi người đều có hào quang, muốn dùng một hương nào có mùi hương nấy. Được dạo xem trăm thứ hoa thơm. Muốn ăn trái cây chi liền hiện tới khỏi hái, Ngự tửu. Phong cảnh xinh đẹp hơn thế gian trăm bề. Vả lại không có Nhật Nguyệt Tinh Tú, chỉ có hào quang sáng hơn ban ngày thập bội. Có bảy thứ chim tốt lạ; có năm sắc lông, tiếng kêu êm ái như tiếng kệ kinh. Lại mát mẻ như mùa xuân, không có mùa nực và mùa lạnh. Học đặng Lục thông, thành bậc La Hán, đi dạo trên khắp thế gian.

Tòa sen bay lẹ như nháy mắt nên con đi về đây mau tợ khảy móng tay đã tới. Việc ở Cực lạc khoái lạc mười phần kể sao cho xiết. Xin mẹ ráng tu, sau lâm chung Phật rước về đó mà thấy đủ điều. Con không dám trễ phép, cúi xin bái tạ cha mẹ con lên tòa sen về nước Cực lạc. Quận chúa tạ xong rồi bước vô quan tài mà nhắm mắt. Mùi sen thơm ngát, hào quang chiếu sáng xẹt về hướng Tây, tiếng nhạc trên không cũng trỗi lần về hướng ấy.

Từ đấy phu nhân mới tinh tấn trường chay, tu theo Tịnh độ niệm Phật hơn chồng con. Sau mỗi người lâm chung đều biết ngày giờ trước. Đến ngày Liễu đạo, phu nhân ngồi day mặt về hướng Tây, niệm Phật chưa đủ mười câu đã nghe tiếng nhạc trên không, thấy Phật rước mình đông lắm. Liền khi ấy, bà xuất hồn về cùng chư Phật. Bốn người lâm chung như vậy thiệt cả nhà có phước, sống hưởng lộc, thác được vãng sanh.

3.- Đời Tống, Dương Kiệt ở Châu Vô Vi, xưng hiệu Vô Vi Tử, thi đỗ sớm làm quan. Đi điểm tội nhân ở tỉnh Chiết Giang, vì mộ đạo Phật nên học kỹ phép tham thiền, xem kinh nhiều lắm. Ông nói với bạn rằng: “Chúng sanh nhiều người tối dạ, tham thiền không đúng uổng công. Trừ ra tu Tịnh độ dễ hiểu, dễ tu. Dầu bao nhiêu kẻ dốt, tu cũng được vãng sanh.” Người có viết Thiên Thai Thập Nghị Luận và Tịnh Độ Quyết Nghi Tập; giảng rõ phép tu tịnh độ. Tuổi già, ông vẽ tượng Di Đà cao 16 thước mộc thờ lạy. Đến lâm chung, Phật định ngày rước hồn, ngài ngồi mà viên tịch.

4.- Đời Tùy, có ông Tống Mãn ở Phủ Thường Châu, niệm Phật một câu; để một hạt đậu đen vô hộc. Lâu năm lường được cỡ 15 giạ. Khai Hoàng niên hiệu thứ tám, tháng chín đãi trai tăng, các sãi ăn rồi ngồi niệm Phật đến hết thở. Người ta thấy trên trời sa xuống mùi hương thơm một cách lạ lùng. Có tiếng nhạc trời trên không lần qua hướng Tây hồi lâu mới dứt.

5.- Đời Đường, có ông Trịnh mục Khanh, và cả nhà đều niệm Phật. Niên hiệu Khai ngươn, ông bị bệnh nặng, có người khuyên trở đũa (ăn mặn), ông không chịu. Tay bưng lư hương niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ. Xảy ngửi mùi thấy hương thơm nức. Người ông liền xuất hồn. Cậu là Tô Đỉnh, làm chức thượng thư, chiêm bao thấy ông ngồi trên bông sen lớn.

6.- Đời Minh Liên, Hoa thái Công là người nước Việt, thiệt thà ngày đêm niệm Phật chẳng ngớt. Đến lúc mãn phần liệm vô quan tài chưa kịp đem chôn, bổng nhiên một cánh bông sen mọc trên quan tài, xóm giềng khen ngợi, mới tin ông không biết chữ mà tu tịnh độ cũng được vãng sanh.

7.- Ông Trịnh Sanh là bà con bên vợ của ông Châu an Sĩ (Tác giả quyển Tây Qui Trực Chỉ), tuổi nhỏ học hay, thói quen hay kiêu ngạo, không tin Phật cho lắm. Ngày kia có bệnh, thấy quỉ đến, cao lớn dị thường, xưng là oan cừu đời trước. Trịnh Sanh sợ điếng mới niệm Phật hẳn hòi, cầu vãng sanh cực lạc. Hễ niệm Phật thường thì thôi, nếu hở ra thấy quỉ nên Trịnh Sanh ráng niệm tới mòn hơi. Người nhà thấy không biết cái gì mà mờ mờ như mây khói bay lần qua hướng Tây. Tuy không thấy điềm biết trước và không có mùi hương cùng Thiên nhạc, song cứ lý chắc đặng vãng sanh bởi vì ông ít khi niệm Phật nên không đặng linh hiển đó thôi.

8.- Tô kỳ Sơn tự Khởi Phụng, ở Côn Sơn, tuổi thơ quyết chí tham thiền, tìm nhiều thầy thông thái, nên nghe rành Tịnh độ không dám sát sanh. Tuổi già tu tịnh độ theo bốn thời Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu tụng nhựt khóa không lơi. Mùa đông trời lạnh ôm mền mà ngồi.

Khương Hy năm Kỷ Mão, ngày 26 tháng 11 giờ Ngọ, ông nói với cháu tên Điện Phương rằng: “Ông tu Tịnh độ đã thành công, Phật mách bảo giờ vãng sanh đã ba bữa trước, ông không muốn khoe cho chúng biết đêm nay tới giờ Tý ông sẽ được vãng sanh.” Lúc canh hai ông mặc áo dài ngồi trước bàn hương án bảo người nhà niệm Phật tiếp với mình, qua canh ba tiếng ông niệm Phật nhỏ dần cho tới hết thở.

9.- Ngô kính Sơn ở cùng xóm với Tô kỳ Sơn. Tuổi ông đã bảy mươi nhưng ông lại muốn học thêm phép tham thiền. Tô Điện Phương nói với ông: “Tuổi ông đã già rồi ông nên tu tịnh độ cho mau mà chắc vãng sanh hơn tham thiền”. Ông vâng lời niệm Phật ngày đêm chẳng dứt. Thời gian chưa đầy một năm, bà con ông Ngô kính Sơn đến nói với ông Tô điện Phương hay rằng: “Hồi sớm mai này Ngô kính Sơn thấy ông hộ pháp hiện hình, tiếp dẫn vãng sanh nên dặn tôi coi chừng ông tắt hơi rồi thì qua cho ông hay mà tạ ơn khi trước đã khuyên ông tu tịnh độ. Dặn rồi ông ngồi day mặt qua hướng Tây niệm Phật đến hết thở.”

10.- Đời Đường, thầy Duy Ngạn tu Tịnh độ rất siêng năng. Thấy Quan Âm, Thế Chí hiện trên không thầy mừng muốn họa chân dung hai vị Bồ Tát, liền khi ấy hai vị hiện đến xin vẽ rồi biến mất.

Thầy Duy Ngạn nói với các đệ tử rằng: “Ta bữa nay được vãng sanh, đứa nào muốn theo ta cho có bạn?” Có một trò nhỏ xin theo, thầy bảo về cho cha mẹ hay, nếu bằng lòng thì lạy tạ rồi đi cho mau. Cha mẹ đồng tử tưởng nó nói chơi nên cười mà bảo rằng: “Tự ý con theo thầy về Tây phương đặng thì cha mẹ cầu lắm.” Đồng tử tắm gội thay áo lại ngồi gần thầy niệm Phật mới có mười câu rồi hết thở, chết ngồi. Cha mẹ sững sờ hết nói chi được. Thầy Duy Ngạn cũng lấy làm lạ, đặt bài kệ khen đồng tử rồi ngồi tịch theo.

11.- Họ Ngô ở tỉnh Chiết Giang, ông cha đều là tú tài dưới triều Thanh, Thuận Trị năm đầu. Binh tới vây thành, cha mẹ ông bà đều chạy trốn hết. Ông họ Ngô ấy bị bắt sống dâng cho Trương tướng quân thâu làm lính hầu mới mười ba tuổi. Nghĩ rằng mình con nhà học trò, nay làm hèn hạ cũng tội báo tiền căn. Ông liền giác ngộ xin vào chùa lạy Phật ăn chay trường. Mỗi đêm ông tụng một cuốn kinh Kim Cang và niệm Phật. đến năm 16 tuổi, Trương tướng quân đem bạc phát lương cho lính, họ Ngô nhín tiền lương của mình mà thỉnh tượng Đức Phật Di Đà rồi mua đèn hương về cúng lạy niệm Phật và tụng kinh Di Đà. Đến năm Đinh Dậu ngày 22 tháng 10, họ Ngô bẩm với Trương tướng quân rằng: “Tôi muốn về Tây Phương”. Tướng quân mắng rằng nói láo. Bữa sau họ Ngô đến dinh quan đề đốc xin nghỉ phép, Đề đốc giận giao cho tướng quân đánh đòn 15 roi mà ông không hề than; lại từ giã các quan đinh rằng: “Mùng 1 tháng 11 tôi sẽ về Tây phương.” Đến ngày ấy ông tắm gội sạch sẽ, lúc canh năm mặc đồ xong thắp hương đèn lạy Phật rồi tạ Trương tướng quân trong thuyền đặng về theo Phật. Trương tướng quân tức giận sai lính đi tới chỗ chất củi làm giàn thiêu. Họ Ngô lạy hướng Tây ba lạy rồi lên ngồi trên đống chà bổi niệm Phật rồi ngâm một bài kệ, liền hả miệng ra phun lửa thiêu mình. Quân lính báo tin, quan tướng các dinh đều tựu lại đưa. Trương tướng quân kính phục, từ đấy nội nhà ăn chay, tu Tịnh độ theo cách họ Ngô giảng khi trước.

12.- Ông Thẩm thừa Tiên ở Côn Sơn, tại chợ Tuyên Hóa làm nghề thợ mộc. Trên bảy mươi tuổi ăn trường chay niệm Phật tu tịnh độ. Tuy tay không hở đục và rìu búa mà niệm Phật chẳng ngừng. Đến năm Khương Hy thứ mười, tháng ba ông biết ngày Phật rước. Trước ba bữa giã từ bà con bạn hữu và nói ngày giờ mình vãng sanh. Từ giã rồi sao không thấy rước khác nữa. Ông nói với con dâu rằng: “Mai là rằm cha sẽ vãng sanh Tây phương”. Rạng ngày gội tắm thay áo, ngồi xây mặt về hướng Tây, trước mặt để ghế thắp hương rồi niệm Phật. Ban đầu niệm lớn, dần dần nhỏ đến khi mòn hơi.

13.- Đời Đường, vợ của ông Ôn tịnh Văn ở Tinh Châu, bệnh nằm liệt giường đã lâu. Chồng khuyên niệm Phật, vợ vâng lời nằm niệm cả năm. Ngày kia chiêm bao tỉnh giấc thưa với chồng rằng: “Thiếp thấy Phật mach bảo tháng sau sẽ vãng sanh”, và dặn cha mẹ chồng ráng niệm Phật sau chắc vãng sanh như mình. Tới kỳ ngồi dậy niệm Phật bỏ xác.

14.- Đời Tống có Cung Thị ở huyện Tiền Đường, ngày đêm niệm Phật tụng kinh Di Đà. Sau có bịnh rước thầy giảng kinh. Giảng chưa rồi, bà ngồi chắp tay hết thở. Có người thiếp già cũng niệm Phật không ngớt. Đêm nọ Cung Thị về báo mộng, mách bảo rằng: “Ta đã về Tây phương Cực lạc, bảy ngày nữa người cũng vãng sanh”. Đến ngày ấy, bà thiếp đang mạnh mà chết ngồi.

15.- Đời Tống, có bà Trương thị Nữ ở quận Phần Dương, bệnh đui cặp mắt. Gặp người ta khuyên niệm Phật bà liền nghe theo. Ba năm sau mắt bà sáng lại như cũ. Sau thấy Phật và Bồ Tát đem phướn và Bảo Cái đến rước, liền ngồi mà mãn phần.

16.- Trào Thanh có bà Hạo Thi ở huyện Ty Lăng, là vợ của ông Phan hướng Cao, cũng là cư sĩ. Vợ chồng đồng tu Tịnh độ, tụng kinh Kim Cang. Hôm mai tụng nhật khóa niệm Phật y phép.. .Khương Hy năm Canh Thân tháng 7 có bệnh, biết trước ngày 27 giờ Ngọ tạ thế. Bà nói trước cho con cháu hay. Đến kỳ, con đến mời các đạo hữu đến niệm Phật tiếp và ngồi niệm Phật đến mãn phần.

Những Kẻ Dữ Cũng Được Vãng Sanh

17.- Đời Đường, Trương thiện Hòa làm nghề đồ tể chuyên giết bò, trâu. Lúc lâm chung thấy trâu bò đến cả bầy nói tiếng người đòi thường mạng. Ông sợ hối vợ rước sãi đến tụng kinh sám hối. Sãi nói: “Kinh Thập Lục Quán có nói: “Lâm chung thấy quỷ dữ, nếu lòng thành niệm Phật cũng đặng vãng sanh.” Trương thiện Hòa nói: “Ma quỉ tới nhiều lắm, đợi lấy lư hương chắc không kịp.” Tay mặt cầm đèn, tay trái thắp hương, xây mặt về hướng Tây rồi niệm Phật, chưa đủ mười câu vùng nói lớn: “Phật đến rước ta rồi”, nói rồi ông tắt thở chết ngồi.

18.- Đời Đường, Trương chung Quỳ hay làm thịt gà và bán. Ngày kia bịnh nặng thấy người mặc áo đỏ lùa bầy gà đến mổ thịt và mổ cặp mắt ông chảy máu, mang bịnh rên la. Người nhà liền rước sãi đến tụng kinh Di Đà, sãi bảo y niệm Phật mãi. Tới chừng nghe mùi thơm một cách lạ, Trương chung Quỳ hết la nhức và chết một cách êm nhẹ.

Chung Quỳ và Thiện Hòa đang bị oan hồn theo đòi nợ, nhờ chí thành niệm Phật, Đức A Di Đà cảm động cho các oan hồn trâu bò kia đầu thai hưởng phước, chúng nó mới buông tha. Xem hai sự tích này, các ông già bà cả có lỡ sát sanh trâu bò gà vịt rồi thì đừng lo sợ tu không kịp. Quý vị còn trẻ sợ không tin. Nhớ tin theo phương pháp đây thì tu chắc chắn có quả vị. Hai người đồ tể thuở nay không biết sợ tội chút nào, đến lâm chung thấy oan hồn địa ngục trước mắt kinh hãi. May có phước gặp sãi giải rành niệm Phật trối chết. Giây phút địa ngục hóa ra bông sen. Bởi Đức Phật Di Đà có nguyện: “Ai lâm chung, niệm Phật mười câu ngài sẽ rước về Tây phương.” Huống chi quí vị gặp kinh này hãy mau ăn năn, lập nguyện, tụng niệm nhiều ngày, lo chi Phật không rước?

19.- Sãi Huýnh Kha đã xuất gia mà còn ăn mặn, nhậu rượu. Sau khi ăn năn nghĩ rằng mình đã làm sãi mà như vậy, lúc lâm chung đọa địa ngục làm sao. Ông liền cậy các sãi đem chuyện vãng sanh đọc cho mà nghe. Ông ngồi xây mặt về hướng Tây nghe đọc hết các sự tích rồi đứng dậy lạy một lạy và niệm Phật. Khi đọc hết, Huýnh Kha liền niệm Phật suốt ba ngày đêm, bỏ cơm, ngủ gục chiêm bao thấy Phật bảo rằng: “Số ngươi còn sống mười năm nữa phải ráng mà tu”. Vía ông lạy Phật bạch rằng: “Cõi thế gian độc ác con tu sao nổi mười năm, xin Phật rước con về Cực lạc rồi tu và hầu hạ các Bồ Tát”. Phật nói: “Ngươi tình nguyện như vậy, thời niệm Phật ba ngày nữa ta sẽ qua rước hồn”. Huýnh Kha nhịn ăn luôn, niệm Phật cho đủ ba ngày đêm và cậy các sãi tụng kinh Di Đà đưa mình. Một lát nói lớn rằng: “Phật với các Bồ Tát đã đến rước ta”. Nói rồi quỳ lạy xong xây mặt về hướng Tây niệm Phật mà chết.

20.- Đời Tống, có Trọng Minh ở huyện Sơn Âm chùa Báo Ân, không giữ ngũ giới, lúc bịnh nói với bạn tu là Đạo Ninh rằng: “Nay ta loạn tâm, thuốc chi trị được?” Đạo Ninh nói: “Cứ niệm Phật mãi”. Trọng Minh y lời niệm Phật ròng bảy ngày hơi đã đuối quá, Đạo Ninh bảo hãy tưởng tượng Đức Phật Di Đà trong tâm. Trọng Minh y lời tưởng tượng mãi thấy hai vị Bồ Tát và Phật Di Đà rồi nhắm mắt mà chết ngồi.

Người dữ cầu vãng sanh niệm Phật phải bằng trăm phần người hiền. Nếu lo ra xao lãng, tưởng việc khác, Phật không rước ắt sa địa ngục. Xin quý vị Hòa thượng, Yết ma, Giáo thọ, Thủ tọa và bổn đạo, ráng trường chay niệm Phật, tinh tấn tụng kinh Di Đà ít năm hoặc ít tháng cho tới lâm chung, lo chi Đức Phật A Di Đà không rước về Tây phương, ngồi chín phẩm sen vàng. (Niệm 30 vạn biến vãng sanh, chắc chắn thấy Phật).

Nhứt là những vị trường chay, những vị tu lâu năm thường niệm Phật tụng kinh nhựt khóa thì công quả càng lớn lo chi không được về Cực lạc, liên hoa hóa thân, ngồi trên chín phẩm tòa sen.

Sự Tích Vãng Sanh Ở Nước Việt Nam

21.- Ông Trần Phong Sắc tại chợ Vũng Gù (bây giờ gọi là Long An). Ông trường chay lúc 10 tuổi và thờ Tam giáo, Nho, Thích, Đạo. Vào khoảng năm 1920, ông làm giáo học dạy chữ Nho tại trường tỉnh Long An. Ông xem kinh Đại tạng gần 30 năm mới gặp pháp môn Tịnh độ. Lúc đó ông trên 50 tuổi và bắt đầu tu theo pháp môn này. Ông có viết quyển Lão Nhơn Đắc Độ và dịch quyển Tây Quy Trực Chỉ của ông Châu an Sỹ. Cơn lâm chung, ông biết trước ngày về Tây phương, do đó ông có làm bài kệ khuyên người tu Tịnh độ (xem Tây Quy Trực Chỉ).

22.- Vào khoảng năm 1958, một cô giáo ở chợ Lớn 19 tuổi, quy y với vị Hòa Thượng Thích Khánh Anh (về sau Hòa thượng được làm pháp chủ hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt). Cô giáo được đặt pháp danh là Diệu Tâm, cô ăn chay trường, nuôi mẹ góa, sớm chiều công phu niệm Phật. Ngày 14 và 30 cô thường đến chùa lạy sám hối. Đến năm 21 tuổi bị bệnh cô nhờ rước thầy của cô đến tụng niệm. Đến giờ lâm chung, cô bảo đỡ ngồi dậy vì Quan Âm Bồ Tát đến rước. Lúc ấy hào quang sáng rực trên nóc nhà. Lối xóm tưởng nhà cô giáo cháy, chạy tới chữa lửa.

23.- Ông chủ Thìn làm nghề trồng rẫy ở An Hội quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Năm 1927 ông bắt đầu tu theo pháp môn Tịnh độ. Đến năm 1930, ông biết trước ngày giờ quy Tây nên làm sẵn một cái bia ghi ngày tháng như vầy: “Ngày 14 rạng mặt rằm tháng 2 năm 1930” Đồng thời ông ra nghĩa địa chôn sẵn một cái lu, đến ngày lâm chung, ông tụng kinh niệm Phật trước bàn Phật rồi đến nghĩa địa xuống lu ngồi niệm Phật lớn vài tiếng rồi tắt thở.

24.- Năm 1890, có một ông thầy thuốc ở tỉnh Gia Định. Ông thường hay làm phước, nhứt là thí thuốc. Đi đâu ông cũng mang một cái túi dùng để lượm miểng chai, và một cái chày để đóng những cây lồi lên mặt đất làm cản trở lối đi. Năm sau cùng, ông tu theo pháp môn Tịnh độ. Ông biết ngày giờ chết trước ba tháng. Ba ngày trước khi chết, ông ngồi xếp bằng và niệm Phật trước bàn Phật. Mỗi ngày chỉ ăn vài chén cháo trắng. Đến 12 giờ ngày cuối cùng, ông tắt thở.

Loài Vật Biết Nói Tiếng Người Đặng Vãng Sanh

25.- Đời Đường niên hiệu Trinh Ngươn, tại quận Hà Đông có nàng Bùi Thị nuôi một con két lớn ( Tàu kêu Anh Võ). Bởi biết nói tiếng như sao sáo, bắt chước niệm Phật. Thường quá giờ Ngọ thời chẳng ăn. Rốt lại niệm Phật mười hơi mới chết. Chủ đốt thử coi, được mười mấy hột Xá Lợi sáng ngời như hột châu chói mắt. Sãi Huệ Quang thấy vậy xây tháp nhỏ, đựng những hột Xá Lợi vào hộp nhỏ để trong tháp gọi là tháp Anh Võ. Có dựng bia khắc chữ thuật sự tích nó.

26.- Đời Đường, núi Huỳnh Nham, chùa Chánh Đẳng, ông họ Quan có nuôi một con sao sáo, niệm Phật không ngừng. Ngày kia con sáo chết đứng trong lồng. Chủ đào lổ chôn nó. Không bao lâu mọc lên một nhánh bông sen đỏ sậm. Moi thử coi, gốc nhánh sen trong miệng nó (chắc là cái lưỡi hóa sen).

27.- Huyện Đàm Châu, có người nuôi một con cưỡng, nó thường niệm Phật. Khi nó chết, chủ lấy một hộp mỏng đựng mà chôn. Sau cũng mọc lên một nhánh bông sen hường. Moi thử gốc sen, chính cái lưỡi nó (thiệt thổ liên hoa).

Liên Trì đại sư nói: “Người ta bây giờ hay dạy con keo (Anh ca) với sáo niệm Phật chơi. Nó cũng niệm ít tiếng như nhái chớ không niệm thường nên chẳng thấy con nào vãng sanh nữa!” Ôi! Ví như người tin mà niệm hết lòng, còn kẻ niệm cầm chừng lấy có nên cũng thời niệm Phật có người chẳng đặng vãng sanh so với keo, sáo, cưỡng kia cũng thế

Trích trong Tây-Qui Trực-Chỉ và Lão-Nhơn Đắc-Ngộ
Soạn Giả: Cư Sĩ Thiện Tâm

Lâm Chung Trì Chú Không Tiêu Nghiệp Liền Bỏ Trì Chú Để Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Lâm Chung Trì Chú Không Tiêu Nghiệp Liền Bỏ Trì Chú Để Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhCư sĩ Trương Trân Ngọ thời Dân Quốc, sang Nhật học Y và học Mật Tông. Sau ông mắc bịnh thũng, nghiệp cảnh hiện tiền. Lúc bình thường, ông trì chú thấy có linh nghiệm, lúc này trọn không có hiệu quả gì. Ông bèn chuyên niệm Phật thì nghiệp cảnh mới tiêu diệt. Ông liền dẹp hết thuốc men, nhất tâm trì danh. Vợ ông khuyên hãy nên ăn uống, ông bảo:

– Bà đừng khuấy nhiễu tôi, chỉ nên giúp tôi niệm Phật và thỉnh đạo hữu họp lại trợ niệm. Tôi sẽ đi trong ngày hôm nay.

Ðạo hữu đến, đồng thanh trợ niệm. Ông cũng nương theo đó, niệm theo rõ ràng; đoạn kết ấn, niệm Phật mà qua đời.

(Theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục, bản in lần thứ ba)

Nhận định:

Lâm chung nghiệp cảnh hiện tiền, há chẳng phải là để thấy trước ác đạo đó chăng? Lúc ấy, trì chú hoàn toàn chẳng có công năng gì, may nhờ chuyển sang niệm Phật và nhóm đạo hữu lại trợ niệm thì nghiệp mới tiêu, được vãng sanh. Những kẻ bỏ Tịnh Ðộ để tu Mật, khá nên lấy đó làm gương!

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Nhờ Liên Hữu Trợ Niệm Đắc Lực Được Vãng Sanh Tây Phương

Nhờ Liên Hữu Trợ Niệm Đắc Lực Được Vãng Sanh Tây PhươngCư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.

Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

– Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!

Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

– Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Bệnh Nặng Dụng Công Mãnh Liệt Niệm Phật Liền Thấy Phật Vãng Sanh

Bệnh Nặng Dụng Công Mãnh Liệt Niệm Phật Liền Thấy Phật Vãng SanhCư sĩ Tiền Dực Sơn tự Vạn Dật đời Thanh, người huyện Thường Thục, làm nghề nấu rượu, thích chè chén. Ít lâu sau, ông tu Tịnh nghiệp, tận lực sửa đổi lề thói cũ, tránh sát sanh, dứt rượu thịt, khuyên mẹ ăn chay trường niệm Phật.

Một người con của ông bịnh lao, niệm Phật qua đời, mọi người phỉ báng, ông vẫn thờ Phật như cũ. Vợ mất, ông vẫn điềm nhiên, cự tuyệt người khuyên tục huyền:

– Có con nhưng nó đã mất rồi, tôi cưới vợ nữa để làm gì? Chí tôi xuất thế, lẽ nào còn thèm thuồng có người nối dõi ư?

Nhà cửa bị lửa cháy, ông hướng lên không, nguyện:

– Nghiệp của tôi đáng bị lửa cháy, chỉ xin đừng làm tổn hại đến nhà hàng xóm.

Lửa tắt, quả nhiên nhà hàng xóm vô hại. Ông chợt mắc bịnh thổ huyết, tâm sanh tử càng thiết tha, niệm Phật càng mạnh mẽ. Ðến lúc bịnh nguy kịch, ăn vào là ói ra ngay. Người chú là Tạ Phượng Ngô kể chuyện cổ đức nhịn ăn để thấy Phật, ông vui vẻ bảo:

– Có phương cách tiện lợi lớn như vậy, tôi phải dũng mãnh làm theo!

Ông liền tắm gội, đến trước bàn Phật, thắp hương, phát thệ: giữ trai giới bảy ngày, bỏ tiền phóng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ðêm ngày niệm Phật chẳng sót, có khát chỉ ăn dưa mà thôi. Có người hỏi: “Cả đêm chẳng ngủ, chẳng mệt mỏi hay sao?” Ông nói:

– Chẳng ngủ có lợi là niệm Phật được nhiều. Lúc tôi chưa bịnh chẳng được an nhàn; nay do bịnh mới được nhàn, đúng là lúc phải dốc sức, làm sao còn mệt nhọc được?

Hết kỳ hạn, thần thức hôn loạn, ông cả sợ, chắp tay đặt trên gối, ra lệnh đốt ngón tay. Ông Tạ nói:

– Lúc này, ngươi phát nguyện ấy thì cũng giống như đã đốt ngón tay rồi, chẳng bằng nhất ý cầu về Tây Phương thì hơn.

Ông liền nhắm mắt niệm Phật, lúc đầu còn miễn cưỡng, sau do dụng công mạnh mẽ, dần dần thần chí an định. Lại được mười mấy người trợ duyên, tiếng niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Ông chợt thấy Tây Phương Tam Thánh hiện tiền, quang minh, tướng hảo, toan cất thân lên kim đài; chợt nghe trên không có tiếng nói:

– Thân ông chưa sạch!

Ông liền sai lấy nước thơm tắm gội xong, Tam Thánh hiện như cũ, liền bảo người nhà rằng:

– Tôi đã đến được Tịnh Ðộ, thấy vô số hoa sen, tôi ngồi trên đó, sướng chẳng thể nói nổi!

Ông chỉ vào thân mình bảo:

– Ðây chẳng phải là thân ta!

Một lát, lại bảo:

– Phật đông nghẹt cả nhà!

Ngồi hướng về Tây, qua đời, thọ ba mươi tám tuổi.

(theo Tục Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Ðoạn được rượu thịt là tham độc đã hết. Bị cười chê chẳng đoái hoài là sân độc đã hết. Con chết, vợ mất vẫn điềm nhiên là ái căn đã đoạn. Cự tuyệt lời khuyên lấy vợ lần nữa, chẳng mong có người nối dõi là si độc đã hết.

Vì vậy, gặp phải nghịch cảnh, ông vẫn có thể chẳng thối thất cái tâm ban đầu; dù bịnh tật khổ sở vẫn giữ vững chánh niệm. Dù vì nghiệp chướng hiện tiền khiến thần thức hôn loạn, ông vẫn có thể dụng công mạnh mẽ, lại được trợ duyên nên nhanh chóng cảm được tướng tốt lành là đài vàng, thần hồn ngao du cõi Sen, thật đáng làm gương vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Một Tấm Gương Sáng Thân Đau Tâm Vẫn Niệm Phật Được Vãng Sanh

Một Tấm Gương Sáng Thân Đau Tâm Vẫn Niệm Phật Được Vãng SanhÐời Thanh, cư sĩ Châu Quang tự Tây Liên, sanh ở Giang Ninh. Ông tánh thuần hậu, nhạt nhẽo danh lợi, tuy gia thế quý hiển nhưng không quen thói hưởng thụ.

Tuổi trung niên, ông trường trai thờ Phật, mỗi ngày tụng Phật hiệu cả vạn tiếng để cầu sanh Tịnh Ðộ. Anh em, bè bạn gặp nhau, hàn huyên đôi câu xong là ông liền đem pháp môn Tịnh Ðộ khuyên đi, khuyên lại. Ông quyên tiền in lại bộ Di Ðà Sớ Sao, đích thân dò lỗi, sửa sai để tác phẩm này được lưu truyền rộng rãi.

Tuổi già, thần khí suy yếu nhưng niệm Phật càng thêm hăng hái. Ðột nhiên, ông bị mắc bệnh sa đì (còn gọi là thoát vị, tức chứng hernia) rất nặng, nhưng chẳng hề bỏ lỡ việc chấp trì danh hiệu. Bịnh ngày càng nặng thêm, có người thấy thế khen ngợi [tinh thần niệm Phật của ông], ông bảo:

– Trong những khi bị đau như vậy, lúc mới đầu tôi cũng đau đớn, khó chịu đựng nổi, nhưng rồi nghĩ đến thân này đã là giả thì khổ cũng chẳng phải là thật, huống hồ mức độ tinh và thô giữa thân và tâm đã rõ rành rành!

Cái thân kia thống khổ tôi chẳng biết làm cách nào; tâm tôi tự niệm Phật thì cái thân kia cũng chẳng làm gì được. Lúc mới đầu còn thấy có tâm và thân đối lập nhau, dần dần chỉ biết có tâm, chẳng còn biết có thân, thống khổ cũng dần dần hết!

Sau ông niệm Phật mà tịch.

(Theo Nhiễm Hương Tập)

Nhận định:

Niệm Phật trị được trọng bịnh vạn kiếp sanh tử, huống hồ đã biết là thân giả, khổ chẳng thật thì sẽ nhẫn được điều khó nhẫn, chẳng những thống khổ sẽ tự tuyệt, mà đến lúc vãng sanh thì do trong lúc bịnh nguy ngập đau đớn đã làm chủ được, lúc lâm chung vãng sanh ắt sẽ tự chủ được!

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập