Ở Một Mình Niệm Phật

Ở Một Mình Niệm PhậtCư sĩ Bùi Vĩnh Ðộ đời Thanh người huyện Thái Châu tỉnh Giang Tô. Ông sống bằng nghề nông, tánh tình điềm đạm, không ham thích gì, cứ thấy việc lành là làm. Từ nhỏ đã dốc trọn lòng tin tưởng vào Phật pháp, ăn chay trường, định thời khóa niệm Phật không gián đoạn.

Sau đấy, ông thọ trì Tam Quy Ngũ Giới, hành trì nghiêm khiết, chưa hề khuyết lậu. Vợ cũng niệm Phật, thọ giới, tuy cùng ở chung một nhà, nhưng đối đãi với nhau trinh bạch. Chỉ có một con gái, cũng ăn chay niệm Phật. Về sau, cô này xuất gia thọ Cụ Túc giới, biến nhà thành am.

Ông dạy vợ con cùng tu Tịnh nghiệp. Ông lập riêng một căn tịnh thất, ở một mình niệm Phật hơn mấy mươi năm. Lúc tuổi gần thất tuần, chợt bảo thân tộc rằng:

– Năm ngày sau nữa ta sẽ chia tay, xin hãy thiêu hóa giùm cái xác thừa. Thân này như huyễn, đừng lầm lẫn mà tiếc nuối!

Ðến kỳ, ông trì danh tọa hóa. Trà tỳ, thu được hơn trăm viên xá lợi ngũ sắc lóng lánh.

(theo Nhiễm Hương Tục Tập)

Nhận định:

Cả nhà thờ Phật, vốn có thể đồng tu. Do con gái đã xuất gia biến nhà thành am nên ông cất một tịnh thất, ở một mình niệm Phật; không qua lại với vợ con nữa là ái căn đã đoạn, thân còn tại gia mà tâm đã xuất gia vậy!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Lâm Chung Bệnh Khổ Bức Bách Dũng Mãnh Niệm Phật Được Vãng Sanh

Lâm Chung Bệnh Khổ Bức Bách Dũng Mãnh Niệm Phật Được Vãng SanhCư sĩ Văn Trọng Tử, tự Tử Dữ, hiệu Khải Sơ và Ðại Thịnh đời Minh, người huyện Tiền Ðường. Thuở bé lắm bịnh, chí muốn thoát sanh tử, không có ý định lập gia đình. Ông quy y với Tổ Vân Thê, thọ trì pháp môn Niệm Phật, dốc lòng tin, cật lực tu hành.

Em rể là cư sĩ Hoàng Nguyên Phù tự Thừa Huệ, hiệu Tịnh Minh tính người khẳng khái, thanh cảnh, không thích bon chen cõi tục, hiếu thuận, thích bố thí. Ông Văn thấy em rể thanh bần như thế bèn hướng dẫn đến quy y với tổ Vân Thê. Sau ông Hoàng mửa ra máu, lâu ngày càng nặng, ông Văn lại dạy em rể hãy niệm Phật. Ông Hoàng càng thống khổ; vừa mới tỉnh, Văn cư sĩ đã lớn tiếng hỏi:

– Lúc mắt chú dại đi thì lúc ấy mới biết khổ, rốt cục sẽ đi về đâu?

Ông Hoàng run sợ:

– Phải làm thế nào đây?

Ông Văn bảo:

– Chẳng gì bằng niệm Phật!

Ông Hoàng hỏi:

– Bác dạy em niệm tự tánh Di Ðà hay là niệm Cực Lạc Di Ðà?

Ông Văn bảo:

– Chú cho là có hai hay sao?

Ông Hoàng có phần tỉnh ngộ, liền thỉnh Tăng, bày tượng Phật, giảng nhân duyên Tịnh Ðộ, xuống tóc, thọ giới Sa Di và trợ niệm cho mình; tự suất lãnh cả nhà niệm Phật suốt bảy ngày. Chợt nghe mùi hoa sen, ông Hoàng mỉm cười, nói kệ, ngồi ngay ngắn qua đời.

Ðến khi ngài Hám Sơn Ðức Thanh đến điếu tang ngài Vân Thê, ông Văn cũng đến lễ thỉnh, xin được thế phát. Ðại Sư bảo:

– Tứ đại chẳng thể ngăn trở được Phật tánh, râu tóc có trở ngại chi! Cha mẹ còn, Phật tử đành cam bất hiếu hay sao?

Ông mới thôi. Về sau, bị bịnh nặng, ông tự thị mình tín lực mạnh mẽ, vãng sanh chẳng khó khăn gì. Ðến lúc bịnh gần chết, bao nhiêu nghiệp tích tập hiện tiền, tâm thần hoảng hốt, ông mới biết là Tịnh nghiệp chưa thuần, vãng sanh chẳng dễ dàng, bèn cố nhỏm dậy, kêu ầm lên:

– Mau thỉnh thiện tri thức niệm Phật giúp ta!

Bạn bè nhóm lại, niệm Phật suốt mấy ngày, nhưng những nghiệp cảnh tập khí vẫn vần vũ, ông lại kêu:

– Căn bản sanh tử không người nào khác dẹp nổi!

Liền đứng dậy, mặc áo, tắm gội, đối trước Phật đốt hương trên cánh tay, buồn thương, thành khẩn sám hối, niệm Phật suốt đêm không chút mệt mỏi. Ông tự biết túc chướng đã băng tiêu, tâm an thần sảng, Tịnh Ðộ hiện tiền, hoan hỷ tịch định, vội cạo tóc, khoác cà sa ra dáng tăng sĩ, từ biệt mọi người, ngồi ngay ngắn qua đời.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Ông Hoàng bịnh càng ngày càng nặng, chợt được nghe khai thị bèn tỉnh ngộ, liền nhất niệm kiên quyết nên bèn có thể buông xuống vạn duyên, niệm Phật bảy ngày, vãng sanh ngay chẳng trở ngại gì.

Ông Văn tuy sớm dốc lòng tin, tận lực tu hành, nhưng tự thị mình tín lực mạnh mẽ, vãng sanh chẳng khó khăn; đến lúc nguy ách, tập khí hiện tiền, mới biết Tịnh nghiệp chưa thuần, vãng sanh chẳng dễ! Cho đến khi nhờ tri thức trợ niệm suốt mấy ngày vô hiệu mới rõ căn bản sanh tử không ai bạt trừ giùm mình được nổi!

Ðại sư Hám Sơn nói:

“Tập cảnh hiện tiền lúc lâm chung há chẳng phải là để thấy trước ác đạo ư? Sao chẳng dũng mãnh, phấn khởi, hô to một tiếng giận dữ, bạt trừ cội gốc sanh tử bao kiếp, biến nẻo khổ thành Tịnh Ðộ, há chẳng phải là những bậc trượng phu hay sao? Ðạo lý ấy há có thể dùng âm thanh, vẻ mặt cười cợt để thực hành nổi ư?”

Nếu tự thị là dễ thì sẽ lười nhác, còn biết là khó thì sẽ dũng mãnh, tinh tấn!

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Đoạn Tuyệt Đồ Mặn Vãng Sanh Tây Phương

Đoạn Tuyệt Đồ Mặn Vãng Sanh Tây PhươngCư sĩ Châu Sở Phong, hiệu Diên Chương đời Minh, người tỉnh Vân Nam. Ông tánh hiền lương, thích niệm Phật, trị gia chẳng kể được, mất; có gì đều chia ngay cho người nghèo khổ hết.

Ai khen ông chỉ cười; ai mắng chửi, nhục mạ, ông cũng chỉ cười mà thôi! Mỗi sáng sớm, ông tụng kinh Kim Cang, kinh Di Ðà và niệm Phật hiệu rất vui vẻ, sung sướng! Ông thường bảo:

– Tôi chẳng bỏ công việc hằng ngày, nhưng chẳng dính vào tham ái, cứ như thế mà thôi!

Năm tám mươi chín tuổi, vào tiết Thanh Minh, ông đi viếng mộ để từ biệt tổ tiên, cha mẹ; trở về, bảo vợ:

– Tôi sắp đi đây, Phật Di Ðà đón tôi, Quán Âm và Thế Chí đều đến cả!

Lại bảo:

– Ðức Quán Âm bảo tôi dứt trọn đồ mặn trong năm ngày mới được vãng sanh Tây Phương!

Mỗi ngày, ông liền ăn một bữa cháo, một bữa rau. Ðến kỳ, tắm gội, đội mão, sai con cháu tụng Phật hiệu. Tự mình tụng kinh xong, ông đoan tọa mà hóa. Thân bốc ra mùi thơm, vẻ mặt hệt như lúc sống.

(Theo Kim Cang Linh Dị Lục)

  • Lời bàn:

Ai khen chỉ cười là mật hạnh tịnh tấn. Ai mắng chửi cũng cười là sân độc đã hết sạch. Có của cải gì liền chia hết là tham độc cũng đã tận. Phật và Bồ Tát đến đón, còn dặn phải kiêng đồ mặn trong năm ngày mới có thể vãng sanh, đủ chứng minh rằng dù chưa thể ngưng tay dao, miệng còn tham vị ngon vẫn có thể được vãng sanh. Xin hãy lấy việc ăn chay, kiêng giết chóc làm nhiệm vụ cấp bách.

Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập
Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa dịch

Thập Niệm Hồi Hướng

Thập Niệm Hồi HướngCư sĩ Mã Vu tự Trọng Ngọc đời Tống, người huyện Hợp Phì. Cha là Trung Túc Công Mã Lương, làm thái thú Hàng Châu, được ngài Từ Vân Tuân Thức dạy cho pháp môn Tịnh Ðộ, cả nhà bèn thờ Phật.

Cư sĩ gặp được vị Tăng tên Quảng Sơ truyền cho cuốn Thập Nghi Luận của Tổ Thiên Thai, mừng rỡ bảo:

– Tôi nay đã tìm được chỗ về rồi!

Ông liền áp dụng pháp Thập Niệm Hồi Hướng của ngài Tuân Thức, tu tập suốt hơn hai mươi năm. Về sau, giao du với ông Vương Cổ, ông càng thêm tinh tấn niệm Phật, thường lấy việc phóng sanh làm Phật sự. Ông lần lượt làm thái thú ở Chuy Châu, Tân Ðịnh, cai trị bằng lòng nhân từ, độ lượng. Hằng ngày ông luôn định thời khóa tụng kinh chú.

Thuở đó, phu nhân của Hình Vương (Hình Vương là chú của vua Tống Triết Tông) nằm mộng dạo chơi Liên Trì, trông thấy ông mặc triều phục ngồi trên hoa sen. Sau đó, ông mắc bệnh, bèn tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật mà qua đời. Người nhà đều nằm mộng thấy ông bảo:

– Ta đã được sanh vào Thượng Phẩm của Tịnh Ðộ!

Con ông là Vĩnh Dật cũng tu pháp Thập Niệm suốt ba mươi năm hơn; sau cũng mắc bệnh, thấy Phật và hai vị Bồ Tát tiếp dẫn, bèn kết ấn, thị tịch. Mùi thơm tràn ngập cả nhà.

(Theo Lạc Bang Văn Loại)

Nhận định:

Sáng ra niệm mười niệm thì dù là người bận rộn cũng dễ làm được. Nếu có thể mỗi ngày chí thành như thế thì không ai là không vãng sanh. Trường hợp của Mã công tử (Mã Vĩnh Dật) đủ để chứng nghiệm vậy.

Do sau khi đã tinh tấn niệm Phật, ông Mã lại còn thường phóng sanh và dùng lòng nhân từ, độ lượng để cai trị, phước huệ song tu nên ngay lúc còn sống thần thức đã ngao du Tịnh Ðộ; chết đi, liền sanh trong Thượng Phẩm. Những người đang nắm giữ quyền chức hãy nên học theo gương ông.

Trích: Niệm Phật Pháp Yếu
Gương Sáng Niệm Phật
Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập
Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa dịch

Câu Chuyện Vãng Sanh Tại Mỹ [Audio]

Câu Chuyện Vãng Sanh Tại MỹĐây là một câu chuyện vãng sanh có thật tại Mỹ do thầy thích Phước Tiến kể tại đạo tràng niệm Phật chùa Hoằng Pháp, theo lời thuật của một Phật tử từ Mỹ về thăm thầy. Câu chuyện hoàn toàn bình dị nhưng nói lên một sự thật không thể phủ nhận, đó là sự tiếp dẫn chúng sanh của Phật A Di Đà về thế giới Tây Phương Cực Lạc là có thật. Câu chuyện này sẽ giúp hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ thêm vững niềm tin vào pháp môn tu của mình, quyết định một đời thành tựu lý tưởng giải thoát luân hồi ngay kiếp này. Sự lợi ích của pháp môn Niệm Phật thật bất khả tư nghì, dường như đến khó tin vì chỉ cần niệm 4 chữ “A Di Đà Phật” cho đến trọn đời là được giải thoát. Vì thế đức thế tôn Thích Ca Mâu Ni Phật gọi đây là pháp môn Nan Tín Chi Pháp (pháp khó tin). Nếu một người nào đó nghe đến pháp môn này nhưng không tin, đó là điều bình thường. Nhưng nếu người nào nghe rồi sanh tâm hoan hỉ, tin tưởng và chịu chấp trì câu Phật hiệu, phải biết rằng người ấy từ nhiều đời nhiều kiếp đã gieo căn lành với Phật A Di Đà. Do vậy kiếp này khi nhân duyên đã đầy đủ mới có thể tin và thực hành được. Vì vậy những ai hữu duyên sau khi nghe, xin hãy phát tâm từ nay cho đến trọn đời quyết giữ câu Phật hiệu trong lòng đừng quên. Lúc đi, đứng hay khi nằm, ngồi đều niệm câu A Di Đà Phật rồi hồi hướng công đức niệm Phật ấy về Tây Phương Cực Lạc, người ấy nhất định sẽ được vãng sanh sau khi xả bỏ báo thân người.

Hữu Minh

Đứng Chắp Tay Mỉm Cười Vãng Sanh

Việc đau xót thống khổ nhất trong đời không gì hơn CHẾT, không ai là không biết cũng không ai có thể tránh khỏi. Do đây Đức Thế Tôn với tâm từ bi vô hạn, không hỏi mà tự nói, giới thiệu ra pháp môn Tịnh độ, dạy người tin sâu, nguyện thiết, chuyên cần niệm Phật cầu sanh Tây phương. Nên biết việc vãng sanh Tây phương cần phải ở nơi một niệm cuối cùng của tự bản thân là chủ yếu, đồng thời cũng phải cần các liên hữu trợ niệm đúng pháp, nhưng mà lục thân quyến thuộc, thường không có biết trợ giúp niệm Phật để đưa thần thức của người mất vãng sanh Tây phương Cực lạc thế giới, hưởng thọ sự an lạc mãi mãi, mà ngược lại đau xót khóc lóc kêu la, đẩy thần thức của người mất rơi xuống ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu sự khổ sở lâu dài, đau thương vô cùng! Nay lại đưa ra đây một truyện niệm Phật được vãng sanh, một truyện thật, đứng mà hóa sanh Tây phương như sau:

Mười năm trước đây, cư sĩ Lại Luyện Lương từng nói với tôi một kỳ tích vãng sanh. Ông ta nói gần nhà của ông có một vị sư tỷ tên Ấu đã 68 tuổi. Bà bình thường không biết chữ, chỉ chuyên tâm niệm Phật, bà chỉ có một cô con gái nên gả con bắt rể. Phật thất hai mùa Xuân, Thu của chùa Linh Sơn bà đều tham gia, thấy các bạn đồng tu nam nữ đều mặc áo tràng trang nghiêm tề chỉnh. Một hôm liền nói với con rể rằng: “Chiếc nhẫn vàng này của má, con đem đi bán dùm cho má”. Con rể hỏi: “Má già rồi đâu có dùng tiền làm gì, phải bán chiếc nhẫn làm cái gì?”. Bà liền đáp rằng: “Má rất mong có một cái áo tràng, kỳ đả Phật thất sắp đến rồi, má cần mặc để tham gia Phật thất”. Con rể hỏi bà: “Áo tràng cần bao nhiêu tiền, con may cho má, hoặc mua là được rồi, không cần bán chiếc nhẫn vàng đâu!”. Sư tỷ Ấu nói cần 200 đồng.

Sáng sớm ngày thứ nhất của kỳ Phật thất, sư tỷ Ấu liền tắm rửa, mặc chiếc áo tràng mới may, chuẩn bị, trước thắp hương, đốt đèn lạy Phật ở nhà, rồi đi chùa Linh Sơn đả Phật thất. Lúc đó, gần nhà có một vị liên hữu là A Tam Muội, dậy sớm, liền đến hẹn với sư tỷ cùng đi đả thất. Sư tỷ Ấu nói: “A Tam Muội, cô đi trước đi, tôi phải lạy Phật ở nhà trước”. Sau khi A Tam Muội đi, sư tỷ Ấu mặc áo tràng vô cùng vui vẻ, quỳ xuống lạy Phật ba lạy, xong ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng Thánh tượng, thì thấy tượng Tam Thánh chuyển động vòng tròn, đồng thời khói hương trong lò hương cũng chuyển động, trong lòng không khỏi càng nghĩ càng cảm thấy kỳ lạ, mà càng nhìn thì càng chuyển.

Sư tỷ Ấu nghĩ không ra tại sao, mặc nguyên áo tràng đến mấy nhà liên hữu ở gần mời họ đến xem tại sao Tây phương Tam Thánh và lư hương đều quay vòng? Bốn, năm vị liên hữu theo bà đến xem, mọi người đều nói không thấy gì. Lúc các vị liên hữu cùng nhau đồng lời nói, nhưng không thấy sư tỷ Ấu trả lời, quay lại nhìn, thì thấy sư tỷ Ấu đứng yên không nhúc nhích, hai tay chắp lại mỉm cười quy Tây rồi, các vị liên hữu tức thời đúng như pháp, trợ niệm cho sư tỷ và bảo người nhà không được khóc, mà cùng trợ niệm, lại kêu con rể của sư tỷ đến chùa Linh Sơn mời A Tam Muội đồng về trợ niệm. Lúc con rể sư tỷ đến chùa gặp được A Tam Muội nói với cô: “Má tôi đã vãng sanh Tây phương, mời cô về trợ niệm”, thì A Tam Muội làm sao chịu tin, do vì cô ta sáng nay còn gặp sư tỷ Ấu, lại còn hẹn với sư tỷ đồng lên chùa Linh Sơn tham gia Phật thất mà! Truyện kỳ tích vãng sanh Tây phương này, tôi cũng có hỏi qua sư tỷ A Tam Muội, chứng minh đích xác, không có nửa câu giả dối.

Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí