Sự Linh Ứng Màu Nhiệm Lúc Trợ Niệm Cho Mẹ Vãng Sanh Tây Phương

Sự Linh Ứng Màu Nhiệm Lúc Trợ Niệm Cho Mẹ Vãng Sanh Tây PhươngCơ sở hoằng pháp Vụ Phong của Liên xã Phật giáo ở Đài Trung có một vị liên hữu tên Tằng Lâm Hiệp, mọi người đều gọi cô là sư tỷ Hiệp. Nhà ngoại của cô ở số 57 thôn Đồ Thành, làng Đại Lý huyện Đài Trung, mẹ tên là Lại Vật, do được con gái khuyên dắt không ngừng nên thâm tín Phật giáo, là một vị lão tu hàng ngày niệm Phật cầu sanh Tây phương.

Sư tỷ Hiệp có một người em trai tên là Lâm Vạn Thành, ưa thích săn bắn, bà mẹ từ sau khi tin Phật thường khuyên dạy con trai rằng: “Vạn Thành à! không luận là những con vật lớn hay nhỏ, đều biết tham sống sợ chết, chúng nó với con không oán không thù, con làm hại nó, bắn giết nó, sao nhẫn tâm làm vậy? Điều làm mẹ bận tâm, chính là con sát hại sanh mạng tạo nghiệp như thế!”. Nhưng mà tập khí của Vạn Thành khó sửa, nói như gió thổi qua tai ngựa, căn bản là không nghe những lời nói này của bà mẹ.

Đời người có sanh ắt có tử. Thời kỳ vãng sanh của lão tín nữ Lại Vật đã đến, sư tỷ Hiệp thỉnh sáu vị liên hữu ở cơ sở hoằng pháp Vụ Phong phân ban ra phụ trách trợ niệm. Lão tín nữ Lại Vật hưởng thọ bảy mươi chín tuổi, mỉm cười quy Tây vào lúc 3 giờ chiều ngày 17 tháng 5 ÂL, các nhân viên trợ niệm sau khi lão tín nữ vãng sanh, niệm tiếp tám giờ nữa, niệm xong mọi người lưng đẫm mồ hôi. Sư tỷ Hiệp lúc đó đang đứng hóng mát ở dưới cây trước cửa lớn, liền thắp nhang khấn thầm rằng: “Má! Má có thể an tâm đi Tây phương được rồi, nhưng lúc này cần phải hiển bày một chút kỳ tích khiến cho Vạn Thành và con Ngọc (con dâu) biết sửa lỗi lại tu hành”. Đang lúc đó bỗng nhiên “Pằng! Pằng! Pằng!”, ba tiếng nổ to như sấm chói lỗ tai, mọi người đều hoảng sợ giật mình! Thì ra là cây súng săn để trong tủ áo trong phòng của em trai Vạn Thành bị cướp cò (tự nhiên nổ) và bốc cháy, ngọn lửa trong tủ áo cháy lan ra ngoài, đến cái mùng trên giường, mọi người đều vội vã đi lấy nước lại cứu hỏa. Tháng 5 năm đó là trời hạn, mấy lu nước đều dùng sạch, đang lúc ngàn cân treo sợi tóc đó thì có một người chở một xe bò nước đến trước cửa, nhờ đó hóa giải được nguy hiểm. Tra xét lại xem thì là cây súng săn phát hỏa, quần áo đồ đạc bị đốt thành tro, bươi tìm trong đống tro được một cái bao giấy, mở ra xem thì là giấy tờ quyền sở hữu nhà đất và tiền mặt 20.000 đồng, đây là tiền chuẩn bị sẵn lo đám cho mẹ của sư tỷ Hiệp, vẫn còn nguyên phong chưa bóc ra, không có bị cháy hư một chút nào hết.

Vợ của Lâm Vạn Thành tên là Ngọc lúc đó đang ngồi trên ghế mây dựa dưới hành lang, bỗng nhiên hai mắt nhìn thẳng trong hư không, bất tỉnh nhân sự. Mọi người cho là vì bị giựt mình quá mà hôn mê, các vị liên hữu liền to tiếng niệm cầu đức đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng phái người đi mời bác sĩ Khôn Hải đến tiêm thuốc. Lúc bác sĩ đến thì A Ngọc đã tỉnh táo rồi, cô ta nói với mọi người rằng: “Những lời các vị vừa nói, tôi nghe rõ từng câu, muốn nằm xuống thì dường như có người kéo không cho nằm xuống, mắt nhìn thấy trong hư không một vầng kim sắc quang minh giáng lâm, chính là Phật A Di Đà tiếp dẫn má chồng tôi; má chồng tôi mặc áo bào đen lớn, tay cầm chuỗi, mặt mày tươi vui, nương kim sắc quang minh theo Phật A Di Đà bay về Tây phương”. Sư tỷ Hiệp liền hỏi cô ta: “Phật A Di Đà hình dạng như thế nào?”. A Ngọc đáp: “Giống như bức tượng vẽ lớn Đức Phật A Di Đà mà chúng ta cúng dường, nhưng Đức Phật A Di Đà trong hư không, trang nghiêm, đẹp hơn nhiều”.

Các vị bằng hữu, Phật pháp vô biên thật là không thể nghĩ bàn! Tại sao cây súng tự nhiên phát hỏa? Tiền và giấy tờ sở hữu nhà đất tại sao lửa không cháy được? Lại cảnh Phật A Di Đà tiếp dẫn người mất khiến cho người con dâu không có căn lành được chính mắt nhìn thấy lâu đến mười phút? Nếu như chỉ có đốt cây súng, không thấy được kim thân Phật A Di Đà thì không thể độ được A Ngọc phát tâm tin Phật như hiện nay, riêng một mình A Ngọc chính mắt thấy mẹ chồng vãng sanh, nếu như không đốt tiêu cây súng săn thì cũng không trừ hết được tập khí ác săn bắn của Lâm Vạn Thành đổi ác làm lành, thật là sự linh cảm kỳ diệu tột bậc.

Chúng sanh nổi chìm trong biển khổ sanh tử rất là đáng thương. Mong rằng mọi người thật tâm niệm Phật, khuyên người niệm Phật, phát tâm Bồ đề cứu nhân độ thế, lấy tự thân mình làm chiếc thuyền độ sanh trong đời này, chở khắp hết chúng sanh đồng đến Hải hội Liên trì.

Hãy niệm: Nam mô A Di Đà Phật!

Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí

Hiện Bốn Thứ Tướng Lành Nhất Định Vãng Sanh Tây Phương

Hiện Bốn Thứ Tướng Lành Nhất Định Vãng Sanh Tây Phương“Người không tin Phật, không sanh vào nhà ta. Ông Lữ dạy con, đời đời được vinh hoa”.

Hai câu trước là nói về ông Lữ Mông Chánh đời Tống, ông là một vị Phật tử thuần thành. Mỗi ngày vào sáng sớm, khi lạy Phật lạy Tổ đều lấy hai câu này làm câu cầu nguyện sau cùng của thời khóa hàng ngày. Hai câu sau là đời người sau khen ngợi ông Lữ dạy con có phương pháp, tứ đại đồng đường (4 thế hệ: ông bà cố, ông bà nội, bố mẹ, con cái ở chung trong một gia đình) hưởng lộc đều là đệ tử Tam bảo, vinh hoa phú quý làm quan đến chức Tể Tướng.

Lời tục ngữ nói rất hay: “Gia đình muốn hưng thạnh, hãy nhìn xem con cháu”. Mỗi gia đình đều có con cái, đều mong ước chúng trở thành hữu dụng. Nhưng hiện đang đời mạt pháp, có thể có được mấy người giống như ông Lữ dạy dỗ cháu con học Phật để được nhờ lợi ích của Phật pháp? Thật có thể nói là ít thấy như lông chim Phụng, sừng Kỳ lân. Mặc dầu là ít có, khó được, nhưng bút giả (bà Khán Trị) rốt cuộc đã thấy được một vị, ông ta chính là cư sĩ Lâm Thanh Giang mới vãng sanh gần đây, tuy không có tài hoa như ông Lữ, nhưng sự dạy dỗ con cháu học Phật, giúp đỡ cho ông vãng sanh lúc mạng chung, hiện được tướng lành không thể nghĩ bàn, thật đáng quý, khó thể có được, sự thật như sau:

Lão cư sĩ Lâm Thanh Giang, quê của ông ở một làng bên bờ biển ở Ngô Thê, hiện ở số 15 đường Đại Trí, thành phố Đài Trung. Ông tự kể lại khi mới vừa sinh ra đời, liền đã chịu một tai nạn lớn. Do vì nhà ông ở bên bờ biển, ông mới sanh hai mươi ngày bị trời mưa lâu, nước biển dâng lên, có mấy làng đã bị nước biển dâng lên cuốn đi, biến thành biển cả mênh mông, nhìn không thấy bờ mé! Cả nhà ông ta vội vã dùng chiếc bè tre đánh cá, chất hết người cả nhà và lương thực lên trên chiếc bè tre đó, mặc cho nước cuốn trôi, trong đó có một người sản phụ bồng một đứa trẻ chưa đầy tháng, đó là Lâm Thanh Giang. Ở trên chiếc bè tre đó trôi nổi 20 ngày, thật là chín phần chết, một phần sống. Vượt qua lần tai nạn này có người nói: “Nạn lớn mà không chết, ắt có phúc về sau”. Cái hạnh phúc đó của Lâm lão cư sĩ là cái gì? Có lẽ chính là việc về già được sự lợi ích do học Phật nghe pháp.

Lâm lão cư sĩ tư chất thông minh tự nhiên, tuổi thiếu niên đi học rất có trí nhớ, phần lớn những sách đọc qua rồi thì không quên, cho nên những thứ ông đã học như: địa lý, y học, số mạng, bốc thuật (coi bói), tướng thuật và thơ văn, thảy thảy đều giỏi, có thể cùng với người nói chuyện trên trời dưới đất gì cũng được. Mặc dù nghề nghiệp của ông là buôn bán, nhưng nếu có thời gian rảnh, ông liền khám bệnh bốc thuốc cho người bất kể là trị những chứng bệnh khó khăn gì, phần nhiều là thuốc đến là hết bệnh, cho nên những bệnh nhơn được trị khỏi khắp nơi rất nhiều, hết thảy đều là kết duyên, không bao giờ nhận tiền của ai, cho nên ở trong làng những bà con bạn bè đều khen ông là: “đệ nhất thiện nhơn”. Do bởi nhân duyên làm lành mà vốn dĩ y theo ngày tháng năm sanh của ông tự coi số thì thọ mạng tối đa của ông là năm mươi bốn tuổi, so với lúc ông vãng sanh hồi năm ngoái là bảy mươi chín tuổi, tính ra thọ thêm được hai kỷ, nếu như không thọ thêm hai mươi bốn năm thì cũng đã sớm giống như những người thường, đi vào luân hồi lục đạo rồi!

Cơ duyên học Phật của Lâm lão cư sĩ là vào lúc nhà ông ở đường Dân Tộc, thành phố Đài Trung làm hàng xóm với cư sĩ Giang Ấn Thủy. Giang cư sĩ mới rủ ông đi nghe kinh, niệm Phật với lão ân sư Lý (Lý Bính Nam), rồi thọ đại giới Bồ Tát. Từ đó hai thời khóa sáng tối không gián đoạn, đều là cùng ông bạn già đồng ra vào cùng nhau tu trì. Ông chẳng những tự tinh tấn tu hành, đối với việc dạy dỗ con cái, ông cũng rất chăm chỉ, tạo thành một gia đình Phật tử thuần thành, nhất là đối với đứa cháu nội Diệu Đường càng chú trọng, đặc biệt mỗi sáng chủ nhựt vào tuần lễ Đức dục Nhi đồng của liên xã, ông đều bảo cháu nội Diệu Đường đến tham gia niệm Phật, nghe chuyện. Về sau lại khích lệ cháu nội gia nhập lớp bổ túc Quốc văn, sau khi học xong lớp bổ túc Quốc văn lại tham gia đại hội diễn giảng của thanh niên tân xuân ở Liên xã. Diệu Đường trước sau đã có bốn lần kinh nghiệm, đây đều là do sự hun đúc của ông nội, Diệu Đường chẳng những ăn nói lanh lợi mà còn do cội gốc gia đình có ăn học (có gien) được truyền thừa y bát của ông nội (những sở đắc của ông nội), chí nguyện sau này cũng muốn hành nghề chữa bệnh làm nghĩa giúp đời, cứu giúp những người bệnh.

Lão cư sĩ Lâm Thanh Giang năm rồi bảy mươi chín tuổi, sức khỏe bỗng suy yếu, tứ đại không điều hòa, nằm bệnh triền miên sáu tháng, nhưng lúc ông đau đớn vì bệnh, chỉ cần người trong nhà ở trước mặt ông, vì ông mà niệm Phật thì ông không có kêu đau gì cả, về sau các người trong nhà bèn chia ban ra niệm Phật suốt ngày đêm không ngớt và thỉnh ân sư Bính Công về khai thị cho ông, dạy cho ông buông bỏ vạn duyên, nhứt tâm niệm Phật. Đến ngày 22 tháng 12 ÂL lúc nửa khuya, Diệu Đường nhắm mắt niệm Phật bên ông nội, bỗng nhiên nhìn thấy một đám người muốn xông vào cửa lớn, nhưng hai bên cửa lớn: phía bên trái có Bồ Tát Già Lam Thánh chúng đứng, tay cầm đại quan đao, phía bên phải có Hộ pháp Vi Đà Tôn Thiên Bồ Tát đứng, tay cầm hàng ma chữ. Hai vị Bồ Tát này dùng đại quan đao và hàng ma chữ chận đứng đám người đó lại rồi đuổi đi; nhưng không bao lâu lại có một đám người khác đến nữa, liên tiếp ba lần đều như thế, Diệu Đường nhìn thấy cảnh này rất rõ ràng, liền biết là oan nghiệp đời trước đến đòi nợ bị thần hộ pháp của Phật giáo chặn đứng đuổi đi… Sáng sớm lão cư sĩ nói với con dâu (mẹ của Diệu Đường) rằng: “Tối nay Ba sẽ vãng sanh Tây phương”.

Diệu Đường liền chạy đến Liên xã thỉnh các vị trợ niệm, có ban trưởng ban Vũ Đức là Hoàng Thái Vân và một số người đến trợ niệm cho ông, từ sáng sớm ngày đó bắt đầu niệm, niệm đến hơn 10 giờ tối. Sau khi các vị trong ban hộ niệm đi về, thì cả nhà do Diệu Đường hướng dẫn niệm Phật, không bao lâu, bỗng nhìn thấy một đạo hào quang từ cửa xẹt vào đối thẳng với tượng Phật A Di Đà, liên tiếp ba lần phóng ánh sáng như thế, lúc đó lão cư sĩ Thanh Giang trên mặt lộ vẻ khoan thai vui vẻ, miệng mỉm cười vãng sanh Tây phương, lúc đó đúng 11 giờ đêm. Vì phải sắp đặt bàn linh đang lúc Diệu Đường muốn đi ra ngoài cửa để đi mua đèn cầy, thì thấy hào quang rực rỡ trên hư không từ hướng Tây chiếu thẳng vào nhà, vì nhà của ông tọa vị hướng Đông, quay về hướng Tây. Lúc Diệu Đường về nhà thì người anh đang niệm Phật bên ông nội nói với Diệu Đường rằng: “Lúc em đi ra ngoài mua đèn cầy, anh đang niệm Phật ở đây thì bỗng có một làn hương thơm bay lại, không phải mùi của đàn hương, cũng không phải là mùi thơm của hoa, mà là mùi thơm rất lạ ở thế gian này ít có!”. Cả nhà đều chuyên tâm nhứt ý niệm Phật mãi đến trời sáng không dứt đoạn. Đã trợ niệm được tám giờ, lúc đó bà nội của Diệu Đường muốn đến bên người bạn đời đã từ giã cõi trần, khó tránh khỏi buồn thương liền nhè nhẹ vén cái mền đang đắp ra thì bỗng nhiên một mùi thơm lạ sực nức mũi! Con cháu, mọi người cả nhà, ai cũng đều khen ngợi Phật pháp vô biên không thể nghĩ bàn!

Do bốn tướng lành ở trên, suy ra thì biết lão cư sĩ Lâm Thanh Giang, chắc chắn vãng sanh Tây phương không còn nghi ngờ gì nữa. Con dâu của ông càng khen ngợi may nhờ Phật, Bồ Tát gia bị nên vãng sanh vào ban đêm, trợ niệm tròn đủ tám giờ, không có động đến thân thể ông, cũng không có ai khóc, được sự thuận lợi cho việc trợ niệm vãng sanh, nếu không thì lục thân quyến thuộc mấy chục người thân thiết nhưng họ chưa từng biết niệm Phật nghe pháp, vừa nghe người thân qua đời, chắc chắn chen chúc mà đến, làm sao có thể ngăn được họ không gào khóc om sòm. Đây cũng là phước báo thù thắng của Lâm lão cư sĩ lúc lâm chung vãng sanh Tây phương không có chướng ngại.

Trích Những Chuyện Niệm Phật Cảm Ứng Mắt Thấy Tai Nghe
Tác giả: Lâm Khán Trị
Dịch giả: Thích Hoằng Chí

Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh

Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng SanhTrong một chùa miền quê của tỉnh Bình Định, có một ngôi chùa nhỏ giữa làng. Trụ trì ngôi chùa này là một vị Thượng tọa, xuất gia từ nhỏ, nhưng không được học hành Phật pháp sâu rộng.

Thầy xuất gia với lòng ngưỡng mộ Tam Bảo và được Hòa Thượng bổn sư của thầy dạy nghi lễ, coi ngày giờ, cúng đám cho Phật tử. Ngày đêm thầy thường tụng kinh, niệm Phật. Thầy thường dạy cho đệ tử cũng như Phật tử, “Tu hành là trì trai, giữ giới, tụng kinh, niệm Phật, để sau khi quá vãng được về Tây Phương Tịnh Độ, hết khổ được vui, chứng đạo bồ đề.”

Công quả trong chùa, thầy có một ông già tên ông Hai. Ông Hai cũng đi tu từ nhỏ nhưng căn tánh ám độn, học không vô, chỉ đánh chuông, quét chùa, và làm công quả. Ông tu với Hòa Thượng bổn sư của thầy. Vì thấy chùa đơn chiếc nên Hòa Thượng cho ông Hai về công quả giúp cho Thầy. Ngoài thì giờ công quả tưới bông, tưới cây, đánh chuông, quét chùa, ông Hai chuyên niệm Phật. Ai nói gì ông cũng bỏ qua, khen ông không mừng, chê ông không giận. Ông chỉ lo làm tròn bổn phận và niệm Phật mà thôi.

Năm ấy, ông Hai trên 70 tuổi, sức khỏe còn tốt, không có bịnh hoạn chi. Một hôm, ông thưa với thầy trụ trì, “Thưa thầy, hôm nay thầy có đi đâu không?”

Thầy trụ trì nói, “Hôm nay tôi về chùa tổ cúng tổ.”

Ông Hai nói, “Cúng tổ, năm nào cũng cúng. Bữa nay, thầy ở nhà, con về Tây Phương nhờ thầy hộ niệm.”

Ông Hai nói thêm, “Con nói thật đó.”

Thầy trụ trì nói, “Thôi, ở nhà thì ở. Sang năm về cúng tổ cũng được.”

Gần trưa, ông Hai nấu nước tắm, thay quần áo. Đến trưa, ông mặc áo tràng lên thỉnh thầy trụ trì hộ niệm. Ông Hai lên chùa, mở cửa, lên hương đèn, bắc ghế cho thầy trụ trì ngồi một bên hộ niệm. Ông đứng gần giữa chùa, chí thành lễ Phật, xong ngồi xuống, xoay mặt vô bàn Phật niệm Phật. Tiếng ông nhỏ dần và đầu ông gục xuống, im lặng. Thầy trụ trì đưa tay lên mũi ông thì ông đã đi rồi.

Thầy trụ trì đánh trống Bát Nhã lên. Phật tử nghe tin ông Hai tịch trước bàn Phật nên kéo về đông nghẹt chùa. Một giờ sau, Phật tử thỉnh xác thân ông Hai xuống nhà tây, lo tang lễ.

Khi đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, Phật tử hùn tiền mướn bảy chiếc xe hơi đưa đi thật long trọng.

Đến ngày 49, Phật tử ra thăm mả, không ngờ mả của ông đã được xây thật tốt đẹp. Hỏi ra mới biết, có người khác xóm xây mả của cha, nhưng thợ đã xây lầm mả của ông Hai. Thế rồi Phật tử thương lượng để hoàn tiền lại.

Thế mới biết, người tin Phật niệm Phật chắc chắn sẽ được Phật rước về Tây Phương Tịnh Độ, như truyện ông Hai nói trên. Tôi có mấy câu thơ:

Đi đứng niệm Phật thường,
Sáu chữ nhiếp tâm vương.
Ba nghiệp thường thanh tịnh,
Theo Phật về Tây Phương.

Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề
Tác giả: Thích Tịnh Nghiêm

Biết Trước Giờ Chết

Biết Trước Giờ ChếtHòa thượng Hải Đức trụ trì chùa Hải Đức ở Huế và cũng là người thừa kế chùa Hải Đức tại Nha Trang. Sau, Ngài cúng chùa Hải Đức Nha Trang cho Giáo hội Phật giáo Trung phần. Ngài mở Phật học viện Trung phần và cử Thượng tọa Trí Thủ vào làm giám đốc Phật học viện.

Năm ấy, Ngài trên 80 tuổi, Ngài không đau ốm chi. Biết mình sắp về Tây Phương nên sáng ngày 8 tháng 4 Âm lịch, Ngài bảo bà cô nấu ăn, “Hôm nay cô đi chợ mua hoa trái về cúng vía Phật. Trưa nay thầy về Tây Phương đó.”

Bà cô nói, “Bạch Hòa thượng, năm nay giáo hội làm lễ Phật Đản vào ngày rằm chớ không làm ngày mùng 8 nữa.”

Hòa thượng nói, “Thế à? Thôi, để đến rằm cũng được.”

Thế rồi đến ngày rằm, bà cô đi chợ mua hoa trái để cúng lễ Phật đản. Hòa thượng bảo thầy tri sự quét chùa sạch, chưng hoa quả, và khi đúng ngọ, lên hương đèn cúng vía.

Nửa buổi, Hòa thượng bảo thị giả hái các bông hoa, nấu nước cho Ngài tắm, thay đồ mới và bảo bà cô khuấy một chén bột mình tinh để Ngài dùng. Đến gần trưa, Ngài hỏi thầy tri sự, “Đúng ngọ chưa?”

Thầy tri sự nói, “Đã gần đúng giờ ngọ rồi.”

Hòa thượng bảo thầy tri sự, “Mặc áo, lên chùa, đốt hương đèn, đánh trống Bát Nhã. Thầy sẽ đi đó.”

Thầy tri sự lên chùa đốt đèn nhang xong, đánh trống Bát Nhã, rồi xuống nhà tổ, thấy Hòa thượng ngồi tư thế thiền định. Thầy đến đưa tay trước mũi, thì Hòa thượng đã đi rồi.

Thầy liền qua chùa Từ Đàm báo cho giáo hội biết. Giáo hội cũng vừa làm lễ Phật Đản xong. Chư Thượng tọa, Đại đức, tăng ni liền qua chùa Hải Đức tiếp tục hộ niệm. Một giờ sau, đỡ Hòa thượng nằm xuống và lo tang lễ.

Như vậy, Hòa thượng đã biết trước giờ chết và hẹn lại một tuần. Ngài ra đi một cách ung dung, tự tại.

Nên biết pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn mầu nhiệm, đường tắt trong đường tắt, ngàn kinh muôn luận đều chỉ quy. Cổ đức dạy:

Mấy trùng cửa pháp ngó mơ màng
Có cửa Tây Phương rất mở mang
Đã dễ tu hành mau chứng quả
Xin người niệm Phật chớ nghi nan.

Tu về Tịnh Độ sướng hơn tiên
Ít nhọc công phu khỏi tốn tiền
Sáu chữ Di Đà tiêu nghiệp chướng
Một câu niệm Phật giải oan khiên.

Cõi trần mới phát ba lời nguyện
Ao báu đà lên chín phẩm sen
Khuyên khách Ta Bà mau tiến bộ
Tu về Tịnh Độ sướng hơn tiên.

Trích Góp Nhặt Lá Bồ Đề
Thích Tịnh Nghiêm

Chuyện Người Niệm Phật Vãng Sanh Cực Lạc

Thiên chúng đến đón chẳng đi

Ðại sư Tăng Tạng đời Ðường, người xứ Tây Hà. Tuổi nhỏ xuất gia, nép mình thờ người, hết thảy cung kính, chẳng từ lao khổ. Thấy tăng y của người khác liền giặt giũ giùm, rồi lại vá chằm. Ngày nắng gắt, sư cởi áo ngồi trong đám cỏ để thí máu thịt cho các loài muỗi, ve.

Hằng ngày, ngài niệm Phật hiệu chẳng cần ghi số, chỉ nhớ rõ trong tâm, chưa hề thiếu sót. Ðến khi báo tận, thấy chư thiên theo thứ tự đến đón, ngài đều chẳng theo. Ngài chợt bảo mọi người:

– Vừa về Tịnh Ðộ, thấy các thượng thiện nhân rải hoa trên không.

Rồi chắp tay niệm Phật mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, tập 3)

* Ðại sư Thiện Ngang đời Ðường, người Ngụy Quận. Chí kết Tây Phương, nguyện sanh An Dưỡng. Sau ngài ngụ tại chùa Báo Ứng, biết đã đến lúc bèn bảo trước những người hữu duyên: đầu tháng Tám sẽ chia tay. Ðến kỳ, ngài lên tòa cao, lư tỏa mùi hương lạ, dẫn tứ chúng thọ Bồ Tát giới, dạy dỗ những điều thiết yếu. Chợt thấy thiên chúng rộn ràng, đàn sáo véo von. Ngài bảo đại chúng:

– Trời Ðâu Suất Ðà đến đón ta; nhưng Thiên đạo chính là căn bản sanh tử, chẳng phải chỗ ta ước mong. Lòng thường mong sanh về Tịnh Ðộ, nguyện này chẳng được thỏa hay sao?

Nhạc trời bỗng bặt tiếng. Từ trời Tây, hương, hoa, âm nhạc vùn vụt kéo đến, xoay quanh trên đỉnh đầu, toàn thể mọi người đều thấy. Sư bảo:

– Nay tướng lành Tây Phương đến đón. Ta đi đây.

Nói xong liền tịch, thọ sáu mươi chín tuổi.

(theo Cao Tăng Truyện, tập hai)

Nhận định:

Lúc lâm chung, tứ đại chia lìa là lúc nào vậy? Chư Thiên lần lượt đến đón là cảnh nào đây? Nếu chẳng phải là bậc tín nguyện kiên cố thì ngay trong lúc đó, đối trước cảnh ấy làm sao cưỡng làm chủ tể nổi? Ðây đúng thật là gương sáng thiên cổ cho những kẻ tu Tịnh nghiệp vậy. Nếu không, một phen sanh lên trời sẽ lại đọa trong luân hồi. Xin đừng lầm tin ngoại đạo cầu sanh Thiên Quốc.

Lấy việc lợi lạc chúng sanh làm đầu

Ðại sư Tự Giác đời Ðường, người xứ Bác Lăng. Xuất gia từ nhỏ, học Kinh, Luật, Luận siêng năng suốt cả chín năm, kinh luận nào cũng đều hiểu sâu sắc. Sau ngài trụ tại Trùng Lâm Sơn Viện trong núi Bình, nhặt quả, hái rau, ngày chỉ ăn một bữa, phát tâm đúc tượng đức Ðại Bi Quán Âm và dựng chùa Phật.

Gặp lúc đại hạn, tiết độ sứ xứ Hằng Dương là ông Trương thỉnh ngài cầu mưa. Ngài kiền thành khẩn cáo long thần, mưa to liền đổ xuống. Do đó, thí chủ chen nhau tụ về, đúc được tượng cao bốn mươi sáu thước, chùa cũng dựng xong.

Ngài liền đối trước đàn, thệ nguyện nương nhờ Thánh lực sớm sanh Tịnh Ðộ. Chợt thấy hai đạo kim quang: A Di Ðà Phật và hai vị Ðại Sĩ từ trong quang minh giáng xuống, xòe tay sắc vàng xoa đầu sư, bảo:

– Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu. Sanh chốn ao báu mặc tình thỏa nguyện.

Về sau, chợt thấy thần nhân đứng trong mây hiện nửa thân, bảo:

– Thời kỳ sư quy Tây đã đến rồi!

Ngài liền ngồi xếp bằng trước tượng Quán Âm mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, quyển 3)

Nhận định:

Phàm những việc như: tạo tượng, lập chùa, cầu mưa lợi người v.v… đều là những trợ duyên cho Tịnh nghiệp. Ðem những việc ấy hồi hướng Tây Phương. Do làm được như vậy nên Phật dạy: “Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu”. Nếu như ngài chẳng có mật hạnh niệm Phật, làm sao cảm được đức Phật đến xoa đầu?

Kết xã khích lệ lẫn nhau

Ðại sư Tạo Vi Tỉnh Thường đời Tống là Tổ thứ bảy của Liên Tông. Ngài họ Nhan, người huyện Tiền Ðường. Bảy tuổi xuất gia, mười bảy tuổi thọ Cụ Túc Giới. Ngài lấy việc kiên trì giới luật, chuyên xưng danh hiệu, phát Bồ Ðề tâm, kết xã để khích lệ lẫn nhau làm chánh nhân Tịnh Ðộ.

Ngài trụ tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng Châu, hâm mộ di phong Lô Sơn của Tổ Huệ Viễn nên thành lập Tịnh Hạnh Xã. Trong nhóm sĩ phu dự hội có quan Tướng Quốc Văn Chánh Vương Công Ðán v.v… một trăm hai mươi người đều xưng là Tịnh Hạnh Ðệ Tử, còn Tăng thì có đến một ngàn vị đồng tu Tịnh nghiệp.

Ngài cắt máu chép kinh phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày chép một chữ, ba lạy, nhiễu ba vòng, ba lượt xưng danh hiệu Phật. Chép được ngàn quyển, thí cho ngàn người. Ngài dùng chiên đàn hương khắc tượng Phật Vô Lượng Thọ, quỳ trước tượng, phát nguyện:

– Con cùng đại chúng bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi phát Bồ Ðề tâm. Cho đến cùng tột đời vị lai, hành hạnh Bồ Tát. Nguyện hết một báo thân này sẽ sanh An Dưỡng

Một hôm, trong lúc ngồi nghiêm trang niệm Phật, ngài chợt kêu to: “Phật đến rồi!”, tự nhiên hóa. Ðại chúng thấy đất đều có màu vàng ròng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi.

(Theo Phật Tổ Thống Ký)

Nhận định:

Kết xã khích lệ lẫn nhau đúng là tự lợi, lợi tha. Nhưng để thực hành được điều này trong hiện tại, phải có bậc hữu đức thống suất đại chúng cộng tu, rất kỵ nam nữ hỗn tạp. Nếu không có được cơ duyên như vậy thì chẳng bằng đóng cửa tiềm tu, so ra còn dễ tinh tấn hơn!

Chuyên tâm niệm Phật

Ðại sư Hám Sơn Trừng Ấn Ðức Thanh đời Minh, là con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Năm mười chín tuổi xuất gia, chuyên tâm niệm Phật, mộng thấy Phật A Di Ðà hiện thân trên không, quang tướng phân minh.

Từ đấy, thánh tượng sáng rực rỡ luôn hiện diện trước mắt ngài. Sau ngài đến Ngũ Ðài tu Ðịnh, phát minh được bổn tâm sẵn có. Ngài cắt máu chép kinh Hoa Nghiêm, mỗi một nét bút hạ xuống là một câu niệm Phật. Lâu dần, động tịnh hệt như nhau.

Sau ngài ẩn cư trong Lao Sơn là chỗ bọn ngoại đạo sanh sống. Thoạt đầu, chẳng có ai nghe đến danh hiệu Tam Bảo, nhưng lâu sau, ai nấy đều biết niệm Phật. Lý Thái Hậu hạ lệnh chở vàng đến dựng chùa, ban tấm biển đề tên chùa là Hải Ấn. Vua giận dữ, sai đầy ngài đi Lôi Châu. Nhân đấy, ngài trùng hưng tổ đình Tào Khê.

Về sau, ngài được vua hạ chiếu tha cho về, bèn kết am trong Lô Sơn, tu Tịnh Nghiệp càng thêm chuyên gắng. Ngài đột ngột đi về Tào Khê, thị hiện bịnh nhẹ, tắm gội, thắp hương, bảo đồ chúng rằng:

– Hãy nghĩ tới việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng.

Ðoan tọa mà tịch, có quang minh chiếu rực tận trời, thọ bảy mươi tám tuổi, nhục thân hiện vẫn còn.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Thánh tượng thường hiện, động tịnh nhất như thì đúng là tu hành Tịnh Nghiệp thật tinh cần. Vì chẳng chứng đắc chút ít đã cho là đủ nên nhục thân của ngài tồn tại vĩnh viễn. Xét ra, ắt ngài phải sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh nơi Thật Báo Tịnh Ðộ hoặc Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ trong thế giới Cực Lạc.

Bỏ Thiền tu Tịnh

Ðại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh là Tổ thứ chín của Liên Tông. Ngài họ Chung, người Ngô Huyện. Lúc tuổi trẻ, tự lấy việc học Nho làm trách nhiệm, viết sách bác Phật. Ðến khi ngài đọc được tác phẩm Trúc Song Tùy Bút của tổ Vân Thê bèn đốt những sách mình đã viết.

Năm hai mươi tuổi, nhân đọc kinh Ðịa Tạng bèn phát chí xuất thế, hằng ngày tụng danh hiệu Phật. Năm hai mươi bốn tuổi, nghe pháp sư Cổ Ðức giảng kinh, nghi tình chợt phát, dụng tâm tham cứu, chứng ngộ rỗng rang. Ngài liền bế quan ẩn tu ở Ngô Giang. Bị bịnh gần chết, ngài mới nhất ý cầu sanh Tịnh Ðộ.

Lúc bịnh giảm chút ít, ngài bèn kết đàn trì chú Vãng Sanh bảy ngày. Sau đấy, ngài ẩn tu tại Linh Phong, trước thuật những tác phẩm xiển dương Tịnh Ðộ được lưu truyền rộng rãi.

Ngài chợt thị hiện có bịnh, dặn dò sau khi trà tỳ hãy đem tro ngài hòa với bột đem thí cho các loài chim, cá để chúng được kết duyên Tây Phương. Sau đó, khi bịnh đã khỏi hẳn, ngài bèn ngồi xếp bằng, hướng về Tây, giơ tay lên mà tịch, thọ năm mươi bảy tuổi.

Ba năm sau, mở khám đựng nhục thân của ngài ra, tóc đã mọc dài phủ tai, vẻ mặt vẫn như lúc sống; môn nhân chẳng nỡ tuân theo di mạng nên lập tháp thờ ở Linh Phong.

(theo Linh Phong Tông Luận)

Nhận định:

Gặp lúc bịnh gần chết mới bỏ Thiền tu Tịnh. Sách Niệm Phật Trực Chỉ viết:

“Tinh tấn là chẳng vì chút bịnh duyên nhỏ hay lớn mà biếng nhác cái hạnh. Nếu như bị túc nghiệp sai sử thì nên tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một lần, diệt được tất cả các tội: ngũ nghịch, thập ác nơi thân. Trì được ba mươi vạn biến, quyết sẽ sanh về Tịnh Ðộ”.

Kinh Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Thần Chú có nói:

“Nếu tụng được chú này thì A Di Ðà Phật thường ngự trên đảnh người ấy, ngày đêm ủng hộ chẳng để cho oán gia có dịp hãm hại. Hiện đời thường được an ổn; lúc mạng sắp hết, tùy ý vãng sanh”.

Vì thế, lúc ngài vừa bớt bịnh liền kết thất trì chú bảy ngày. Những người ham Thiền Tịnh Song Tu hãy bắt chước ngài lấy việc chuyên tu làm trọng.

Làm việc nặng vẫn niệm Phật không gián đoạn

Ðại sư Cụ Hạnh Nhật Biện thời Dân Quốc, người huyện Hội Lý ở Vân Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi ở rể nhà họ Tăng ở Diêm Nguyên, sanh được hai con trai. Nhà nghèo, ngài phải làm thuê cho Chúc Thánh ở núi Kê Túc. Năm hai mươi mốt tuổi, ngài dẫn cả nhà tám người xin đi xuất gia, thọ Cụ Túc.

Hòa Thượng Hư Vân dạy ngài tu pháp môn Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Ðộ. Ngài bèn dứt bỏ các duyên, nhất tâm hệ niệm. Ngài tai điếc, mặt mũi xấu xí, không biết chữ, ngày trồng rau, đêm lễ bái, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Rảnh rỗi thì tập tịnh tọa, học khóa tụng và các kinh điển, tự siêng gắng hết sức. Sư vừa đi tham bái tứ đại danh sơn trở về đất Ðiền (Vân Nam), gặp lúc ngài Hư Vân trùng hưng chùa Vân Thê, hỏi:

– Thầy đã đi thăm quyến thuộc chưa?

Sư thưa:

– Con chẳng bận tâm đến họ.

Hòa Thượng lại hỏi:

– Thầy tính làm gì?

Thưa:

– Những việc nặng nhọc nhất không ai chịu nổi, con sẽ gánh vác.

Phàm là những việc nặng như đắp tường, lợp nhà, trồng rau, trồng cây, vác đá, đào đất, quét tước, nấu nướng, ngài đều làm không lúc nào ngơi tay, nhưng không một khắc nào để câu niệm Phật bị gián đoạn.

Khi đêm xuống, vào lúc chỉ tịnh, ngài bèn lễ các kinh Kim Cang, Dược Sư, các kinh Tịnh Ðộ; cứ một chữ là một lạy. Tảng sáng, hồng chung vừa gióng, đã lên điện tham dự khóa tụng như thường, chưa hề ngủ nghỉ. Ngài tự vá áo, hoặc chằm vá áo giùm bạn đồng tham, mỗi một mũi kim là một câu Phật hiệu.

Trong kỳ hạn kết giới, được thỉnh làm Tôn Chứng, ngài bèn bán y, đem hết tiền mua sắm vật dụng để thiết trai cúng dường đại chúng. Hỏi ngài sẽ đi đâu, chỉ cười không nói. Giới đàn hoàn tất, ngài ngầm lên điện sau cùng, ngồi xếp bằng, hướng về Tây niệm Phật, dùng lửa tự thiêu, thọ ba mươi sáu tuổi. Hình trạng vẫn như lúc sống, mùi hương lạ lan tận ra xa.

Ðại chúng tranh nhau đến xem, vừa đánh khánh, di thể ngài chợt sụp xuống, hóa thành tro.

(theo Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ)

Nhận định:

Một chữ chẳng biết, nhưng lúc làm công việc nặng nhọc chưa hề gián đoạn niệm Phật. Chúng ta là những kẻ biết chữ đọc được sách, nếu cứ lơi là để uổng phí ngày tháng trôi qua há chẳng biết thẹn chăng?

Nhưng tự thiêu là chưa đắc tam muội. Chớ nên manh nha vọng niệm như vậy để khỏi bị ma dựa phát cuồng, vĩnh viễn đọa trong ác đạo!

Xả Quán niệm Phật

Ðại sư Huệ Tam Tư Nguyên thời Dân Quốc, người huyện Uyển Bình tỉnh Hà Bắc. Năm mười bảy tuổi xuất gia. Ít lâu sau, thọ Cụ Túc, vào học trường Phật Giáo Học Hiệu tại tỉnh An Huy, nghiên cứu tinh tường nội điển.

Ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sùng Thọ và Quảng Thiện ở Bắc Kinh. Ngài kiến lập, hưng khởi đạo tràng Hoa Nghiêm. Trước giờ Ngọ mỗi ngày, ngài tụng kinh Hoa Nghiêm. Cuối năm, ngài kết Hoa Nghiêm Phật Thất, lãnh đạo đại chúng huân tu pháp Chơn Không Pháp Giới Quán; từng đốn nhập Pháp Giới Ðịnh. Sau khi khai tịnh, mới ngộ được hư không pháp giới lý sự vô ngại, pháp hỷ tràn đầy, khen là chưa từng có.

Từ đấy, ngài càng thêm tinh tấn, tu Quán chẳng lùi. Tháng Mười Một năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), ngài đến Ðài Loan lúc bốn mươi tám tuổi, lãnh trọng trách giảng dạy tại Phật Học Viện chùa Viên Quang ở Trung Lịch. Năm sau, ngài đến Sở Giảng Dạy Học Tập Phật Học ở Tân Trúc giảng dạy Phật giáo, đồng thời giảng kinh ở chùa Nhất Ðồng suốt bảy năm.

Sư thường sống tại các chùa ở Ðài Bắc, Nội Hồ, Nam Ðầu… để giảng kinh, độ chúng không đếm nổi. Năm năm mươi lăm tuổi, ngài sáng lập chùa Phước Huệ trên núi Linh Sơn ở xã Thọ Lâm, Ðài Bắc. Mỗi năm, vào tháng Bảy, ngài lập pháp hội Ðịa Tạng kéo dài bảy ngày, truyền U Minh Giới một lần. Mỗi năm, tại Ðài Loan, khi truyền tam đàn đại giới và giới tại gia, sư thường được suy cử vào một trong tam sư. Cả cõi âm lẫn dương gian đều được lợi, pháp hóa lợi ích vô cùng!

Năm sáu mươi sáu tuổi, sư lại càng thêm thường tinh tấn, hằng khóa niệm Phật mỗi ngày là ba vạn câu. Năm tám mươi tuổi liền bắt đầu niệm Phật, tọa thiền cộng tu, và khởi xướng nghĩa chẩn cứu dân nghèo và thí thuốc trong khuôn viên nhà chùa; sáng lập thư viện để mọi người đến đọc sách; đề xướng, lo liệu việc giảng giải, học hỏi Phật học. Hạnh lẫn giải càng thêm sâu, phước huệ song tu.

Sư từng đáp ứng lời thỉnh sang Mỹ hoằng pháp, qua Ðại Hàn truyền giới, người thọ giới lên đến hơn năm ngàn người. Giữa trưa ngày mồng Tám tháng Bảy năm Dân Quốc 75 (1986), sau khi dùng cơm, sư chợt nói:

– Ta muốn đi đây!

Liền triệu tập tất cả đệ tử trong chùa, dặn dò:

– Sau khi ta mất, các con nên hợp tác với nhau.

Sau bữa cơm chiều, ngài không bịnh gì, đang đứng mà hóa, thọ tám mươi sáu tuổi.

(theo tạp chí Từ Vân số 126)

Nhận định:

Ðại Sư mỗi ngày tụng kinh Hoa Nghiêm, tu Chơn Không Quán, từng nhập Pháp Giới Ðịnh, từ đấy tu Quán chẳng lui sụt. Ðến năm sáu mươi tuổi, bắt đầu mỗi ngày hằng khóa niệm Phật ba vạn tiếng; đấy là bỏ Quán niệm Phật.

Từ năm tám mươi tuổi trở đi, chợt lại tọa Thiền, niệm Phật cộng tu. Ðấy là tuổi già tịnh tọa niệm Phật, chứ chẳng phải là Thiền Tịnh Song Tu. Không bịnh, đang đứng mà hóa, nhất định phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

Chuyên cầu thoát khổ

Thời Dân Quốc, một người phụ nữ nghèo ở huyện Từ Khê tỉnh Triết Giang, không biết họ, nhà nghèo, con ngỗ nghịch. Một ngày nọ bị con mắng nhiếc, tâm đau đớn, khó nhẫn, đến than thở với vị Tăng ở gần nhà. Vị Tăng bảo:

– Bà đã biết khổ; sao chẳng đem cái khổ ấy bán đi?

Hỏi:

– Làm sao bán được đây?

Tăng bảo:

– Bà chuyên niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tây Phương. Lâm chung Phật đến tiếp dẫn đi thì vĩnh viễn thoát khỏi các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui. Ðấy là bán khổ đi đó!

Bà nói:

– Mẹ con tôi sống chung một phòng. Giường và bếp kê chung một chỗ. Dưới gầm giường có chuồng heo. Bẩn thỉu như vậy làm sao niệm Phật được?

Tăng bảo:

– Không hề chi, bà sống tại gia thì chỉ cốt sao thường niệm, lúc rảnh có thể đến chùa lễ Phật.

Bà liền phụng hành đúng như lời dạy, chuyên cầu thoát khổ, niệm Phật không gián đoạn. Ba năm sau, trước lúc sắp lâm chung vài tháng, bà nói trước với con:

– Ngày tháng đó ta sẽ sanh Tây Phương. Ngươi đừng có đi ra ngoài, vì ta lo liệu hậu sự để trọn đạo làm con.

Người con chẳng tin; ít lâu sau, bà nhắc lại cũng chẳng tin. Vài ngày trước khi mất, chợt ngửi thấy mùi hương lạ, tìm khắp nơi chẳng biết từ đâu ra, mới tin lời mẹ là thật. Ðến kỳ, cả nhà trông chừng, thấy mẹ tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật qua đời.

(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật là pháp mầu nhiệm bậc nhất để thoát khổ. Nếu chẳng phải là nhà nghèo, con ngỗ nghịch, tâm đau buồn khó chịu đựng nổi thì làm sao cam tâm chuyên cầu thoát khổ niệm Phật sanh Tây? Thuận, nghịch đều là phương tiện; nghịch cảnh còn thù thắng hơn thuận!

Dụng công mãnh liệt

Cư sĩ Tiền Dực Sơn tự Vạn Dật đời Thanh, người huyện Thường Thục, làm nghề nấu rượu, thích chè chén. Ít lâu sau, ông tu Tịnh nghiệp, tận lực sửa đổi lề thói cũ, tránh sát sanh, dứt rượu thịt, khuyên mẹ ăn chay trường niệm Phật.

Một người con của ông bịnh lao, niệm Phật qua đời, mọi người phỉ báng, ông vẫn thờ Phật như cũ. Vợ mất, ông vẫn điềm nhiên, cự tuyệt người khuyên tục huyền:

– Có con nhưng nó đã mất rồi, tôi cưới vợ nữa để làm gì? Chí tôi xuất thế, lẽ nào còn thèm thuồng có người nối dõi ư?

Nhà cửa bị lửa cháy, ông hướng lên không, nguyện:

– Nghiệp của tôi đáng bị lửa cháy, chỉ xin đừng làm tổn hại đến nhà hàng xóm.

Lửa tắt, quả nhiên nhà hàng xóm vô hại. Ông chợt mắc bịnh thổ huyết, tâm sanh tử càng thiết tha, niệm Phật càng mạnh mẽ. Ðến lúc bịnh nguy kịch, ăn vào là ói ra ngay. Người chú là Tạ Phượng Ngô kể chuyện cổ đức nhịn ăn để thấy Phật, ông vui vẻ bảo:

– Có phương cách tiện lợi lớn như vậy, tôi phải dũng mãnh làm theo!

Ông liền tắm gội, đến trước bàn Phật, thắp hương, phát thệ: giữ trai giới bảy ngày, bỏ tiền phóng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ðêm ngày niệm Phật chẳng sót, có khát chỉ ăn dưa mà thôi. Có người hỏi: “Cả đêm chẳng ngủ, chẳng mệt mỏi hay sao?” Ông nói:

– Chẳng ngủ có lợi là niệm Phật được nhiều. Lúc tôi chưa bịnh chẳng được an nhàn; nay do bịnh mới được nhàn, đúng là lúc phải dốc sức, làm sao còn mệt nhọc được?

Hết kỳ hạn, thần thức hôn loạn, ông cả sợ, chắp tay đặt trên gối, ra lệnh đốt ngón tay. Ông Tạ nói:

– Lúc này, ngươi phát nguyện ấy thì cũng giống như đã đốt ngón tay rồi, chẳng bằng nhất ý cầu về Tây Phương thì hơn.

Ông liền nhắm mắt niệm Phật, lúc đầu còn miễn cưỡng, sau do dụng công mạnh mẽ, dần dần thần chí an định. Lại được mười mấy người trợ duyên, tiếng niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Ông chợt thấy Tây Phương Tam Thánh hiện tiền, quang minh, tướng hảo, toan cất thân lên kim đài; chợt nghe trên không có tiếng nói:

– Thân ông chưa sạch!

Ông liền sai lấy nước thơm tắm gội xong, Tam Thánh hiện như cũ, liền bảo người nhà rằng:

– Tôi đã đến được Tịnh Ðộ, thấy vô số hoa sen, tôi ngồi trên đó, sướng chẳng thể nói nổi!

Ông chỉ vào thân mình bảo:

– Ðây chẳng phải là thân ta!

Một lát, lại bảo:

– Phật đông nghẹt cả nhà!

Ngồi hướng về Tây, qua đời, thọ ba mươi tám tuổi.

(theo Tục Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Ðoạn được rượu thịt là tham độc đã hết. Bị cười chê chẳng đoái hoài là sân độc đã hết. Con chết, vợ mất vẫn điềm nhiên là ái căn đã đoạn. Cự tuyệt lời khuyên lấy vợ lần nữa, chẳng mong có người nối dõi là si độc đã hết.

Vì vậy, gặp phải nghịch cảnh, ông vẫn có thể chẳng thối thất cái tâm ban đầu; dù bịnh tật khổ sở vẫn giữ vững chánh niệm. Dù vì nghiệp chướng hiện tiền khiến thần thức hôn loạn, ông vẫn có thể dụng công mạnh mẽ, lại được trợ duyên nên nhanh chóng cảm được tướng tốt lành là đài vàng, thần hồn ngao du cõi Sen, thật đáng làm gương vậy!

Trợ niệm đắc lực

Cư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.

Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

– Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!

Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

– Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

Giác chiếu niệm Phật

Cư sĩ Phạm Dụng Hòa tự Nguyên Lễ đời Thanh, người huyện Tiền Ðường. Lúc nhỏ học Nho, thờ cha mẹ rất có hiếu. Lúc cha mẹ bịnh, trước sau, ông đã cắt thịt bắp tay hòa với thuốc trị lành bịnh cho cha.

Bước vào tuổi tráng niên, cha mẹ mất, vợ chết, ông từ bỏ trần duyên, tu tập huyền công (cách tu hành của Ðạo giáo) hơn mười năm, đạt chút linh nghiệm. Về sau, ông đọc những tác phẩm của ngài Vân Thê có phần tỉnh ngộ, bèn thọ Tam Quy, Ngũ Giới, nhất chí kiên trì, thậm chí những thứ làm bằng lông thú, dệt bằng tơ tằm, ông chẳng hề khoác vào thân. Bỏ hết những điều mình đã tu tập, chuyên tu Tịnh nghiệp. Ông ham làm lành, thí thuốc, phóng sanh, giúp đỡ người nghèo, chẳng nề nhọc mỏi. Gặp Tăng chúng nghèo bịnh, ông liền cúng dường chẳng thiếu gì.

Về sau, ông bế quan niệm Phật suốt trăm ngày. Lúc hơi thở ông vừa trở nên yên tịnh thì cách tu huyền thuật trước kia chợt hiện ra, nhận thấy khí Thiên Ðịa cuồn cuộn, mù mịt trong không trung xông thẳng vào miệng, mũi, chạy thẳng vào huyệt Ðan Ðiền, hòa hợp với nguyên khí của chính mình, [cảm thấy] khinh an chẳng thể diễn tả nổi. Giây lát, có một đứa bé cao mấy tấc từ đảnh đầu vọt ra, lãng đãng trước mặt; được một chốc, nó lại theo đảnh đầu trở vào.

Từ đấy trở đi, mỗi khi đến lúc hết sức tịch tịnh, vong niệm thì liền có đứa bé bước ra, trở vào như trên. Thoạt đầu, ông rất vui; lúc sau, ông chợt nghĩ:

– Ðây há chẳng phải là năm mươi thứ Ấm Ma như đã nói trong kinh Lăng Nghiêm đó ư? Nếu cho là kỳ đặc thì sẽ bị lạc vào quần ma! Niệm Phật chí tại Tây Phương, thánh cảnh chẳng hiện, sự này ích chi?

Ngay khi đó, ông liền giác chiếu, chánh niệm hiện tiền, đứa bé chẳng xuất hiện nữa. Ðối với yếu chỉ Duy Tâm, ông khế ngộ sâu xa; Tín – Hạnh – Nguyện lực càng thêm thuần thục. Thường bảo với mọi người rằng:

– Ðối với cửa ải hiểm yếu bậc nhất trong cuộc đời này nếu có chút phần chẳng rõ thì sẽ lạc vào bàng môn. Vì vậy, tu hành chẳng thể không thận trọng vậy!

Chợt ông kết liễu mọi việc, dặn dò, từ biệt bè bạn, ngồi niệm Phật qua đời. Lúc liệm, đảnh đầu vẫn còn nóng, thọ sáu mươi ba tuổi.

(theo Nhiễm Hương Tục Tập)

Nhận định:

Từng tu tập huyền công của ngoại đạo, nguyện thường giác chiếu nên khỏi bị đọa vào bàng môn. Chánh niệm hiện tiền, quần tà tự diệt.

Mật hạnh tinh tấn

Cư sĩ họ Trần đời Thanh, không rõ tên là gì, là chú họ của các ông Thế Anh, Mậu Tài ở huyện Thường Thục. Mỗi sáng dậy, ông thắp hương yên lặng tụng kinh, niệm Phật. Dù gió, mưa, lạnh, nóng đều chẳng gián đoạn. Suốt mấy năm như thế người nhà chẳng hay vì ông hành mật hạnh.

Trước khi mất ba tháng, ông tự bảo đã đến lúc sắp mất, người nhà thấy ông không bịnh tật gì nên không tin. Ba ngày trước khi mất, ông thị hiện bịnh nhẹ, vẫn đi đứng như thường. Ðến ngày, ông tọa hóa, người nhà kêu khóc; ông bèn mở mắt, dạy sơ lược vài lời, rồi nói: “Ta đi đây!” Lại yên lặng, thân bốc ra mùi hương lạ ba ngày mới hết.

(theo Vãng Sanh Cận Nghiệm Lục)

Nhận định:

Cổ nhân mật hạnh, dù nóng hay lạnh chẳng gián đoạn, dù là người nhà cũng chẳng hay biết. Nay thì hành nhân rêu rao khoe mẽ nhưng một ngày nóng mười ngày lạnh, cho nên người niệm Phật thì nhiều mà kẻ vãng sanh lại ít. Hãy dè dặt, hãy thận trọng

Trích trong Niệm Phật Thập Yếu của Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập

Nhờ Tích Tiểu Phước Thành Đại Phước Vua Lương Võ Đế Lâm Chung Tỉnh Táo Niệm Phật Vãng Sanh

Nhờ Tích Tiểu Phước Thành Đại Phước Vua Lương Võ Đế Lâm Chung Tỉnh Táo Niệm Phật Vãng SanhLương Vũ Đế, tên Tiêu Diễn, hình dung kỳ vĩ, vầng trán chữ nhật, mặt rồng, cổ có ánh sáng tròn, thân sáng như ánh trời chiều, nhà ở thường có hơi mây. Thuở nhỏ hiếu học, từ thi thơ cho đến chiêm đoán, bốc phệ; viết chữ thảo, chữ lệ; cung tên, cưỡi ngựa, săn bắn thảy đều rành rẽ.

Về sau, tuy lên ở ngôi cao, tay vẫn không rời quyển sách. Về già thờ phụng Phật đạo. Ngày chỉ ăn một bữa nếu không có đại hội, yến tiệc, tế tự tông miếu thì không cử nhạc. Khi hành quyết tử tù thì rơi nước mắt. Chăm lo chính sự, mùa Ðông qua nửa đêm vẫn cầm bút xem xét đọc tiếp ➝