Lòng Chí Thành Cảm Hóa Được Người Âm

Lòng Chí Thành Cảm Hóa Được Người ÂmLòng chí thành chí kính có thể hóa giải được chướng nạn. Cái điểm quan trọng là mình có thật sự thành tâm chí thành để điều giải hay không?

Hôm nay nói về “Nhân Duyên”, Diệu Âm xin kể thêm một câu chuyện nữa thuộc về một phương diện khác, nhưng cũng có thể hóa giải được. Câu chuyện này liên quan đến không phải là oán thân trái chủ, cũng không phải là chữ ái, mà là thuận duyên.

Đó là vào năm 2005 khi Diệu Âm về Việt Nam, có một vị Phật tử phụ nữ, đi xe Honda tới gặp Diệu Âm tại nhà. Sau lúc nói chuyện tu hành, thăm hỏi qua lại cỡ chừng bốn mươi lăm phút, thì cuối cùng trước khi ra về, vị Phật tử đó có nói như thế này:

– Thưa thật với anh Diệu Âm, tôi tới thăm anh là do đứa em của tôi dẫn tới đây gặp anh.

Diệu Âm mới hỏi:

– Tại sao đứa em của chị không đến đây, và làm sao cô đó lại biết tôi?

Thì chị đó mới nói:

– Đứa em của tôi đã chết rồi!…
– Chết bao lâu?…
– Chết bảy năm nay. Chết từ lúc còn nhỏ.

Đứa em của chị đó chết trong lúc còn nhỏ. Người chị này vì quá thương đứa em, ngày đêm sầu khổ, khóc than! Có thể vì nỗi thương nhớ quá mạnh, nên cảm ứng sao đó không biết… đứa em mới nhập vào người chị. Trong khoảng thời gian đầu nhập thân, thường làm cho chị nóng nảy, buồn bực, không an. Gia đình có mời một vài vị nào đó tới giúp đỡ. Nhưng đứa em đó ngỗ nghịch quá, thường phá phách! Phá dữ lắm! Một lần nổi cơn phá phách như vậy làm cho chị cảm thấy nóng nảy, giận tức… Nhiều khi sợ, nhiều khi giận, nhiều khi buồn… Nói chung, tâm trí bất an!

Thì sau khi gặp một số vị Sư khuyên cái vong đó nên tu hành. Chị đó cũng được các vị khuyên cứ an tâm lo tu hành niệm Phật hồi hướng công đức. Chị mới phát cái tâm thành ra, (Đây là lời chị đó chỉ kể lại), là chị khuyên người em đó như vầy:

– Thôi bây giờ em lo tu hành đi, lo niệm Phật đi. Chị cũng niệm Phật và hồi hướng công đức cho em.

Sau khi thành tâm khuyên như vậy, thì theo như chị nói, cỡ chừng sáu-bảy tháng nay đứa em không còn quậy phá chị nữa. Bây giờ đứa em cũng chấp nhận lo tu hành niệm Phật và chị cũng lo niệm Phật để hồi hướng công đức cho đứa em. Đứa em cũng hứa sẽ hộ pháp cho chị để cùng tu hành luôn. Câu chuyện xảy ra đại khái như vậy…

Lúc đó Diệu Âm cũng lấy lòng thành ra khuyên chị đó tiếp tục niệm Phật. Chị đó nói, đó là cái duyên của chị với đứa em. Đứa em là tình ruột thịt, nhập vào chị có lẽ cũng do cái duyên đặc biệt. Nhân gặp duyên mới thành ra sự việc này.

Cái nhân chính có lẽ vì chị quá thương mến đứa em. Vì quá thương nhớ nên thường buồn khóc, có thể chị đã thầm khấn cầu: “Em ơi! Hãy ứng mộng cho chị thấy, hay là về báo cho chị biết em ở đâu?… Khổ sở như thế nào?”…

Khi đứa em chết, gia đình không có một người nào biết hộ niệm, mà chỉ lấy lòng thương tiếc, khóc than đối xử với nhau!… Có lẽ nhiều khi chính vì tình thương của người chị quá mạnh, nên đứa em cũng không đành đi đầu thai. Đó là cái nhân mà sinh ra chuyện này. Đứa em lúc chết cỡ chừng bốn-năm tuổi thôi.

Bây giờ đã là nhân duyên, là chị em với nhau, nên tôi khuyên người chị đó hãy cố gắng niệm Phật tu hành. Rồi tôi cũng thành tâm khuyên người em đó luôn. Lúc đó tôi không biết đứa em có đang ở đó hay không? Nhưng tôi thầm nghĩ rằng đứa em đang ở tại đó. Tôi có hỏi chị:

– Hiện giờ đứa em của chị có ở trong mình của chị hay không?

Chị nói:

– Có.

Có! Như vậy thì những lời nói chuyện với nhau này đứa em của chị đã biết hết. Tôi cũng nghiêm chỉnh và thành tâm khuyên người em rằng:

– Bây giờ nếu chị em đã có duyên như vậy, thì Diệu Âm này xin thành thật khuyên em cố gắng lo tu hành đi. Trở về cảnh giới của mình lo tu hành. Nếu thương chị thì chớ nên ứng nhập trong thân của chị nữa, nhiều khi hai cái cảnh giới khác nhau không được tốt! Hơn nữa, còn làm cho chị mình bất an và làm chính em cũng không biết đường nào để siêu thoát.

Tôi khuyên người em có thể nên tìm đến những đạo tràng, những cảnh chùa… Lúc nào ở đó người ta cũng rộng mở để cho mình tới tu hành. Thuận theo duyên của mình thích ở đâu, hãy nói với người chị tới chỗ đó để hỏi xin, hầu giúp mình có thể tới đó tu hành niệm Phật…

Rồi tôi nói với người chị cũng đừng có sợ. Đây là cái duyên lành, chứ không sao đâu. Em của mình không nỡ nào làm hại mình đâu. Tôi khuyên người chị hãy cố gắng niệm Phật. Trong thời này, công đức lớn nhất là niệm Phật. Phải niệm Phật. Cứ dùng lòng thương hại khuyên em niệm Phật cầu nguyện vãng sanh. Chị cũng phải niệm Phật nguyện vãng sanh. Nếu chị có cơ duyên đi về Tây-Phương trước, thì công đức của chị lớn vô cùng, chị sẽ hồi đáp cho đứa em thì đứa em nhiều khi cũng được siêu sinh Tịnh-Độ. Hiện tại bây giờ chị có công đức nào thì hồi hướng cho em công đức đó, và xin đứa em cũng lo niệm Phật đi, lo tu hành đi để cùng vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Câu chuyện đã xảy ra như vậy.

Quý vị thấy đó, vấn đề chướng duyên liên quan đến oan gia trái chủ, do lòng chí thành chí kính, ba ngày giải quyết cũng xong. Vấn đề tình ái giữa âm và dương xảy ra mười mấy năm trường, mà thành tâm hòa giải, thật sự hòa giải, chí thành hòa giải, đừng nên lưỡng lự, thì cũng trong ba ngày giải quyết xong…

Trở lại chuyện này, khi nói chuyện xong, thì chị đó đi về. Sau đó tôi không biết kết quả như thế nào? Nhưng có điều chắc chắn là đã hơn gần mấy tháng trước, đứa em không còn quậy phá chị nữa. Tại sao người em lại dẫn người chị đó tới gặp tôi?… Để làm gì? Tôi không biết!… Có duyên thì tôi cũng thành tâm tôi khuyên nhau như vậy.

Đây cũng là một lời khai thị khá hay cho chúng ta. Tất cả đều có nhân duyên trong đó. Có nhân duyên mới kết thành sự việc. Ta không nên buồn phiền, lo sợ thái quá nếu khi có sự việc tương tự xảy ra.

Giả sử, khi người chị gặp cái “Duyên” là người em nhập vào thân, nhưng người chị quá lo sợ, hoảng kinh chạy tìm pháp này pháp nọ để trục cái vong của người em ra, thì coi chừng cái “Thuận Duyên” này có thể biến thành “Nghịch Duyên”, tình cảm chị em sẽ biến thành thù hận!

Từ nguyên nhân vì trước đó mình quá thương đứa em, một đứa em bị chết lúc còn quá trẻ. Vì quá thương em, tình cảm chị em quá mạnh, cho nên người chị thường thường khóc và nghĩ tới đứa em nhiều quá. Trong khi đó, đứa em chết đi đáng lẽ cũng được đầu thai chuyển thế rồi, nhưng chuyển thế không được vì quyến luyến đến tình thương quá nặng của người chị. Còn người chị thì cứ cầu này cầu nọ, mong sao cho em mình hiện thân về báo cho biết rằng em ở đâu để chị được yên tâm!… Không ngờ, vì tình thương này mà đưa đến đứa em nhập vào người chị, làm cho người chị cũng khó khăn trong vòng mấy năm trường!…

Nhưng cũng may mắn, gặp được vị Sư khuyên tu hành. Khi gặp Diệu Âm, thì Diệu Âm cũng chỉ thành tâm khuyên tương tự như vậy mà thôi. Diệu Âm cũng thành tâm khuyên đứa em đang ở trong thân của người chị, hãy nên tu hành đi, đừng nên bám víu vào cái cảnh vô thường này nữa. Đối với người em đã bị vô thường rồi, người chị cũng sẽ bị vô thường theo! Người em đang bị vô thường, không có chỗ nương dựa, phải nương nhờ vào thân người chị. Nương vào người chị thì sẽ làm cho người chị đau khổ không tốt, mà cuộc đời của người chị sau khi mãn rồi… Chẳng lẽ?… Chị em sẽ đi đâu đây?… Phải không?…

Cho nên, những chuyện này mình có thể dùng lời chân thành khuyên giải nhau được.

Thật sự, mình thấy rõ ràng là người âm cũng có tình cảm, người ta cũng có lý trí, người ta cũng có đủ tất cả những cái nào là: buồn, thương, nhớ… như chúng ta, chứ họ cũng không có gì gọi là quá đáng đâu.

Tôi ví dụ, như chuyện tại Niệm Phật Đường Liên-Hoa bên tây Úc, chắc quý vị đã nghe qua rồi chứ gì? Một ông chú chết rồi, chết vì xì-ke, mới ứng hiện về nhập vào thân người cháu, rồi dẫn người cháu đi đánh bài kiếm tiền để hút xì-ke. Mình thấy khi chết rồi, sống trong cảnh giới đó mà họ cũng có những cơn ghiền như người ở thế gian. Nhưng sau khi khuyên giải, khuyên tha thiết rằng hãy lo niệm Phật cầu vãng sanh. Người chú cũng chấp nhận tìm đường giải thoát. Một tuần sau ứng về nhập lại vào thân người cháu một lần nữa, dẫn tới đạo tràng đó để báo cáo: “Xin cám ơn chư vị, chư vị đã giúp cho tôi con đường siêu thoát. Bây giờ tôi đã biết đường siêu thoát rồi”… Diệu Âm không biết là đã siêu thoát về đâu, chỉ biết người chú đã trả lại cuộc sống bình thường cho người cháu.

Gặp trường hợp này nếu mình vội vã dùng những thế lực mạnh mẽ để xua đuổi họ, để đàn áp họ, nhiều khi nói những lời lỗ mãng với họ, thì từ “Cảnh Thuận” dễ biến thành “Cảnh Nghịch” hồi nào không hay!…

Như trường hợp vị ở gần chùa Hoằng Pháp là một ví dụ. Tôi dặn vị đó không được cho họ là những người ác, không được cho họ là ma, hay gọi là ma chướng, hay là oan gia trái chủ. Hoàn toàn trường hợp này không phải là oan gia trái chủ, mà họ chỉ vì chữ ái. Trong kinh Phật nói “Bất cát ái, bất ly Ta-bà”. Chữ Ái mà không buông thì nhiều khi mình đành phải chịu nhiều đớn đau lắm! Họ vì chữ ÁI của thế gian, thì bây giờ mình nên dùng chữ ÁI của nhà Phật để hóa giải.

Chữ “ÁI” của thế gian là “Tình Ái”. Chữ “ÁI” của nhà Phật chính là “Từ Bi”. Mình lấy lòng từ bi ra khuyên giải. Cái duyên “ÁI” thì mình lấy chữ “ÁI” để giải. Chữ “ÁI” này chính là “TỪ BI, THƯƠNG YÊU, BẢO BỌC, KHUYÊN NHẮC…”. Người ta thương mình, mình cũng dùng cái tình thương này để khuyên họ một câu. Khi người ta cảm động, họ có thể hồi đầu tỉnh ngộ. Khi họ hồi đầu tỉnh ngộ rồi, mình vẫn tiếp tục tu hành thoải mái, rồi đem tất cả công đức bồi đắp cho họ, hồi hướng cho họ. Được vậy, họ hộ pháp cho mình, mình thì hồi hướng công đức cho họ, thành ra âm dương lưỡng lợi. Đừng bao giờ thấy những tình cảnh này mà vội vàng tung những đòn thế quá ư nghiệt ngã, vô tình biến “Thuận Duyên” thành “Ác Duyên”.

Hiểu được như vậy rồi, ta tu học Phật thì lấy cái tâm đại từ đại bi của Phật mà hóa giải người hữu duyên, khuyên họ phát tâm Bồ-Đề cùng nhau tu hành. Xin thưa chư vị, không có chuyện gì mà phải khó khăn điều giải đâu.

Trong những ngày sau nếu có duyên, Diệu Âm sẽ kể thêm những chuyện mà thật sự Diệu Âm đã gặp qua. Lấy những kinh nghiệm đó, mình thấy hình như điều giải không phải là khó khăn lắm. Cái khó là:

– Chính mình thật sự có tấm lòng từ bi hay không?…
– Chính mình thật sự có phải là dùng chánh pháp để điều giải hay không?…

Nếu mình không chịu dùng chánh pháp, mình lại dùng những cái gọi là bất bình đẳng, nói rõ hơn tức là ghét người này, ghét người kia, khinh người nọ, chê người kia… Mình lấy tham sân si mạn… ra mà đối đãi với chúng sanh, thì chúng sanh sẽ dùng đến tham sân si mạn để đối đãi lại với chúng ta. Từ đó, bạn bè trở nên thù địch! Yêu thương biến thành hận thù! Điều này hoàn toàn không tốt!…

Nguyện mong cho chư vị hiểu được lý đạo này, đem cái nhân duyên của Phật ra để giảng giải cho nhau. Nhất định chúng ta có thể hóa giải trong vòng một-hai ngày là hết!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư Sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Không Nên Để Oan Gia Trong Gia Đình Đến Gần Người Lâm Chung [Video]

Không Nên Để Oan Gia Trong Gia Đình Đến Gần Người Lâm ChungLúc lâm chung là lúc oan gia trái chủ xuất hiện mạnh mẽ nhất vì lúc này gia đình rơi vào hoàn cảnh rối ren nhất, bao nhiêu việc cần phải giải quyết cùng một lúc NHƯNG VÃNG SANH ĐƯỢC HAY KHÔNG CŨNG CHÍNH TẠI THỜI ĐIỂM NÀY.

Nếu gia đình biết rằng trong tất cả những việc phải làm thì việc niệm Phật cầu cho nguời lâm chung vãng sanh cực lạc là việc tối quan trọng. Các công việc khác phải tạm gác lại. Mọi người nhiếp tâm niệm Phật, sự giao cảm sẽ giúp người lâm chung sẽ nương theo đó mà niệm theo thì vãng sanh cực lạc là điều chắc chắn.

Ban hộ niệm Hoa Sen Đà Nẵng
Giảng sư: sư cô thích nữ Như Lan

 

Những Năng Lực & Cảm Giác Của Người Lúc Lâm Chung

Những Năng Lực & Cảm Giác Của Người Lúc Lâm ChungNăng lực của mình (tự lực) có thể giúp cho chính mình được giải thoát vào lúc lâm chung:

Mọi người đều có năng lực tiềm tàng có thể giúp chính mình vượt qua khó khăn trắc trở lúc lâm chung. Phật Bồ Tát và các chư Tổ Sư thông rõ việc này nên các ngài bày ra pháp môn niệm Phật làm phương tiện giúp chúng sanh khai mở và sử dụng cái năng lực tiềm tàng vô biên mà nó có sẵn ở trong mỗi chúng sanh.

Phương tiện của các ngài là gì? Đơn giản, gọn gàng và dễ hiểu, đó chính là Tín – Nguyện – Hạnh. Đơn giản như thế đó mà nó lại có công năng độ trọn ba căn (thượng, trung và hạ) thì mới biết nó thù thắng như thế nào. Một giáo pháp viên đốn và thù thắng bậc nhất mà chính các Đẳng Giác Bồ Tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền ….v…v… cũng phải áp dụng nó mà sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc để có thể thành Phật.

Thế Tôn đã khai thị rõ ràng trong kinh Vô Lượng Thọ, kinh Thủ Lăng Nghiêm và kinh Hoa Nghiêm rồi, không cần nói rộng ra thêm. Vậy, cái công năng của Tín-Nguyện-Hạnh là gì? Nó chính là cách thức giúp qui động năng lực sẵn có của bạn để đạt được trạng thái thiền định ở trong bất cứ sinh hoạt nào (đi, đứng, nằm, ngồi và ngay trong khi đang ngủ). Vì vậy, pháp môn niệm Phật còn gọi là “Thâm Diệu Thiền”.

Dưới đây tôi xin trình bày cho bạn, làm sao mà Tín – Nguyện – Hạnh có thể giúp bạn quy động được toàn bộ năng lực Thiền Định của bạn để lúc lâm chung bạn có thể liễu sanh, thoát tử, vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật.

Năng lực (Tự Lực) quy động từ Tín-Nguyện-Hạnh

• Tâm tín thành nơi Phật A Di Đà, cõi nước Cực Lạc chính là năng lực vô biên giúp bạn vượt qua tất cả khó khăn trở ngại trong việc niệm Phật để đạt thành tâm nguyện vãng sanh. Trong kinh Hoa Nghiêm Phật dạy “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Khi bạn đặt một niềm tin tuyệt đối vào cái gì, thì cái đó nó sẽ thành. Tín có năng lực không thể nghĩ bàn; ví dụ, nếu bạn tin rằng bạn có thể trở thành một bác sĩ, thì chính niềm tự tin này là năng lực thúc đẩy bạn chăm học, chăm làm, vượt qua mọi khó khăn để đạt thành tâm nguyện.

• Nguyện lực tha thiết muốn sanh về nước Cực Lạc chính là năng lực vô lượng kéo bạn phải nhất tâm niệm Phật tha thiết ngày đêm không ngừng dứt. Cũng giống như một học sinh hiếu học vì muốn (nguyện) đạt thành công danh mà phải ngày đêm miệt mài bên đèn sách.

• Hạnh: Hạnh là năng lực kết tụ do công phu tu tập từ trong quá khứ cho đến nay; quá khứ có thể là từ nhiều đời nhiều kiếp về trước hay chỉ là quá khứ ở trong đời này. Người có công phu tu tập thì phải đoạn trừ tật đố tham lam, sân si, nghi mạn. Vì đây là chướng ngại làm cho tâm bạn bị dính mắc, không thể buông xả. Và chính nó là nguyên nhân và yếu tố đưa bạn vào trong trạng thái u-minh, mất chánh giác, rồi sau đó nó dẫn dắt bạn vào trong ba đường ác đạo (địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh).

Muốn cho tâm của bạn an trú không dính mắc, thư giãn, thư thái, thanh thản, thì bạn phải thực hiện các pháp như sau:

(a) Đoạn trừ bất cứ nghi hoặc, hối hận hay do dự trong lòng, Ngay cả những việc làm ác đã phạm cũng không cho nó vướng bận tâm bạn. Biết mình đã làm lỗi là giác. Biết lỗi rồi thì sửa lỗi quyết không phạm nữa, như vậy là làm xong cái công việc sám hối rồi. Làm xong rồi thì buông xả nó ra một cách rốt ráo, không để cho một chút gì còn sót lại, còn dính mắc lại trong tâm của bạn nữa.

(b) Ngay cả những việc thiện lành, khi làm xong rồi cũng buông nó ra luôn, không để cho nó dính mắc trong tâm, vì những suy nghĩ đều là vọng tâm làm tâm bạn không được rỗng lặng thanh tịnh. Đừng để những việc thiện này làm cho tâm bạn đắc ý mà sanh ra cái niệm hay hành động cống cao ngã mạn mà luống uổng tất cả công phu và công đức mà bạn đã tạo.

(c) Buông bỏ tất cả sự dính mắc đối với bất cứ ai mà bạn có mối quan liên mạnh mẽ nhất trong đời này, kể cả sự quan hệ thương hay ghét, thân hay oán.

(d) Nhiếp tâm niệm Phật không tán loạn, không vọng tưởng. Lấy danh hiệu Phật A Di Đà làm công cụ phá vọng, phá mê để đạt được và giữ được trạng thái thanh tịnh thư thả của tâm. Nếu bạn làm được như thế, thì mặc dầu thân bạn vẫn ở trong hình tướng con người, tâm bạn thì bình-đẳng với tâm Phật A Di Đà – rỗng lặng như hư không. Muốn làm được như vậy thì lúc niệm Phật nên dừng tất cả chuyện nói (làm người bị câm) mà niệm “A Di Đà Phật”. Niệm theo từng nhịp thở, từng cơn đau, từng cơn lạnh buốt giá, ngay cả lúc vui hay buồn …v…v… Khi bạn đang được an trụ vào trong câu Phật hiệu cũng chính là bạn đang được an trụ vào trong tự tánh của chính mình, không dính mắc và thư thái, không vọng tưởng. Lúc đó, bạn cố giữ cho tâm của bạn ở trong trạng thái vắng lặng, trống rỗng, chỉ còn giữ một niệm “A Di Đà Phật” ở trong tâm.

Tâm không có màu sắc hoặc hình tượng để nhận ra được nó, nhưng nó thì tuyệt đối trống rỗng và nhận biết sáng tỏ thấu suốt hoàn toàn (viên minh), đó là tự tính của tâm bạn. Nhận biết tâm như thế, trở thành chắc chắn về tâm, đó là kiến (thấy/biết). Để duy trì không bị tán loạn trong trạng thái tịnh chỉ, không vọng niệm hoặc chấp thủ, đó là trạng thái thiền định. Ở trong trạng thái đó, không bị dính mắc vào chấp thủ hoặc tham luyến, chấp nhận hoặc đối kháng, mong cầu hoặc sợ hãi, đối với bất cứ vọng thức nào cả.

(e) Đừng gửi lòng ở các nơi cư trú của người sống bình thường; chỉ gửi lòng mình nơi cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà mà thôi.

Vào thời điểm chết, bạn nên phải biết là bạn sẽ phải trải qua những cảm giác gì?

Vào lúc sắp lâm chung bạn phải trải qua nhiều cảm giác khổ đau cùng cực, những cảm giác này gây ra bởi những nguyên như sau:

1. Vào lúc địa đại hoà nhập (tan biến) vào trong thủy đại, thân thể trở nên nặng nề và thân không thể tự nương nhờ thân.

2. Vào lúc thủy đại hòa nhập vào trong hỏa đại, miệng và mũi khô khan, ngưng nói bí lời.

3. Vào lúc hỏa đại hòa nhập vào trong phong đại, thân nhiệt biến mất.

4. Vào lúc phong đại hòa nhập vào trong thức đại, bạn chỉ có thể thở ra khò khè và hít vào nấc nghẹn.

Vào lúc đó, bạn sẽ có cái cảm giác như: đương bị đè bởi một ngọn núi rất lớn, đương bị sập bẫy trong bóng tối, đương bị buông rơi vào vô tận của hư không. Nếu tâm bạn nghe nhận và niệm được câu Phật hiệu một cách thanh tịnh thì toàn thể bầu trời sẽ tự nhiên tươi sáng rực rỡ như một tấm gấm trải rộng. Những bóng tối và sự đè nặng trong tâm liền được tan biến. Nhiều hơn thế nữa, hình tướng của Phật A Di Đà tự nhiên hiện ra ở trong tâm của bạn, với những quang minh sáng diệu vô thượng như trăm nghìn mặt trời chiếu sáng cùng một lúc. Quang minh sáng rực, nhưng minh diệu lạ thường nó không làm bạn chói mắt khó chịu, mà ngược lại nó làm cho bạn tươi tĩnh, sáng suốt và rỗng lặng lạ thường. Tự nhiên bạn không còn cái cảm giác khổ đau gây ra do tứ đại của bạn đang phân ly nữa. Đây chính là thành quả của năng lực niệm Phật của bạn (tự lực) cùng năng lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà (tha lực).

Vào lúc này, tính giác (viên minh) của bạn sẽ nhắc nhở bạn: Đừng bị tán loạn! Đừng xúc động! Không lâu nữa Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn về cõi Cực Lạc. Bạn phải ráng giữ cho tâm của bạn luôn rỗng lặng tự nhiên và tiếp tục niệm Phật không ngừng, ngay cả khi gặp được Đức Phật A Di Đà xuất hiện. Tại sao vậy? Vì nếu bạn giữ được tâm rỗng lặng như hư không (không xúc động vì vui mừng theo thói tục của thế gian chúng sanh) khi gặp Phật, thì bạn sẽ sanh về cõi Cực Lạc với phẩm vị rất là cao. Vì ngay lúc này với sự trợ lực của Phật A Di Đà, bạn đã đạt được niệm Phật Tam Muội hay Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu bạn còn có cái niệm vui mừng xúc động khi gặp Phật, phẩm vị vãng sanh của bạn bị hạ thấp xuống vì bạn còn dính mắc vọng tâm của người phàm phu.

Khi bạn thấy Phật A Di Đà xuất hiện, bạn cũng đồng thấy vô số Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng đồng xuất hiện để nhiếp thọ tiếp dẫn bạn. Hình tướng và dung mạo của các vị Phật ở cõi Tây Phương cũng giống hệt như Phật A Di Đà. Hình tướng và dung mạo của các Bồ Tát cũng đồng giống hệt như Quán Thế Âm và Đại Thế Chí không có tướng sai khác. Bạn cũng được nghe tiếng của thánh chúng niệm Phật vang động cả bầu trời với những âm thanh vi diệu hòa nhã và tuỳ hỷ.

Nên lưu ý, trước khi gặp Phật, ma chướng (nghiệp chướng) cùng sinh của bạn sẽ loạn động cái tâm của bạn, làm chánh niệm của bạn bị sụp đổ, bạn muốn niệm Phật cũng rất là khó khăn hay chẳng niệm được; nó phát ra những âm thanh chói tai và uy mãnh và làm mê mờ bạn. Ở vào thời điểm này, bạn hãy tuệ tri điều này:

1. Cái cảm giác đương bị đè ép xuống bởi một ngọn núi thì không phải là đương bị đè ép xuống bởi một ngọn núi. Đó là chính các đại của bạn đang hòa nhập. Hãy đừng sợ hãi chuyện đó!

2. Cái cảm giác đương bị sập bẫy trong bóng tối thì không phải là bị sập bẫy trong một bóng tối. Đó là năm quan năng của bạn đang hòa nhập!

3. Cái cảm giác đương bị buông rơi vào trong vô tận của hư không thì không phải là đương bị buông rơi. Đó là tâm của bạn không có cái gì để nương nhờ bởi thân và tâm của bạn đã ly biệt và hơi thở của bạn đã ngừng lại.

Vậy bạn phải cố gắng nương vào câu Phật hiệu không gián đoạn để tâm của bạn không bị mê mờ bởi những cảm giác hư vọng này. Tất cả những quang cảnh, các hình tướng, các âm thanh, ánh sáng đều là của chính bạn đều là do tâm của bạn ảnh hiện do nghiệp lực chiêu cảm. Hãy đừng nghi hoặc gì về điều đó. Nếu bạn cứ cảm thấy nghi hoặc, bạn sẽ bị ném vào trong sinh tử luân chuyển. Quyết định sáng tỏ hơn để thấy chỉ là chuyện tự diễn-hiện, nếu bạn nương nhờ an trú vào câu Phật hiệu (nó cũng chính là tính viên minh trong chân không diệu hữu quang minh biến chiếu), thì trong tính chân không diệu hữu quang minh biến chiếu đó bạn sẽ chứng đạt ba thân – pháp thân, báo thân, ứng hoá thân – và trở thành giác ngộ. Ngay lúc đó nếu bạn có bị ném vào trong sinh tử luân chuyển, bạn cũng sẽ không đi vào đó.

Bạn nên biết rằng A Di Đà Phật chính là vị Phật bảo hộ và cũng là tự tánh hiện hữu của bạn để duy trì tâm bạn với chánh niệm không bị tán loạn. Từ thời điểm này, điều rất quan trọng là ở trạng thái không mong cầu và sợ hãi gì cả, không chấp và thủ cái gì cả đối với tất cả các đối tượng của những quan năng của sáu thức cũng như đối với những dẫn dụ mê đắm, hạnh phúc và sầu muộn. Và từ bây giờ trở đi, nếu bạn đã đạt “tịnh chỉ an định”, bạn sẽ có thể bắt đầu có khả năng đảm lĩnh bản tính ở trong trung hữu và trở thành giác ngộ. Thế nên điểm tối yếu cho sinh mệnh (của tuệ mệnh) là chấp trì câu hồng danh A Di Đà Phật liên tục, không gián đoạn, không tán loạn từ chính thời điểm này.

Ma chướng cùng sinh là tập khí hiện tại đưa đến vô minh, nghi hoặc và do dự của bạn. Vào lúc đó, lúc ở tử địa, bất cứ hiện tượng dễ sợ nào xuất hiện; Thí dụ: những âm thanh, những màu sắc và những ánh sáng, hãy đừng bị mê đắm dẫn dụ, hãy đừng nghi hoặc và hãy đừng sợ hãi. Nếu bạn bị rơi vào nghi hoặc dù chỉ một thời điểm, bạn sẽ lang thang trong cõi sinh tử luân chuyển, vì thế nên hãy đạt được “tịnh chỉ an định” hoàn toàn (không thay đổi và không bị chấm dứt bất thình lình).

Ở thời điểm này, những lối dẫn vào tử cung (cửa ngõ tái sinh) hiện ra như những cung điện cõi trời. Hãy đừng bị tham luyến đối với chúng. Hãy tin chắc chắn vào điều nhận biết sáng tỏ thấu suốt đó. Hãy tự tại không còn mong cầu và sợ hãi! Vào thời điểm đó, tính giác viên minh trong sáng thấu suốt của chính bạn (tự lực) cùng với quamg minh tiếp dẫn của Phật A Di Đà (tha lực) sẽ là cộng lực cứu độ bạn.

Khi đạt được pháp thân giống như hư không cho lợi ích chính mình, bạn sẽ thành tựu lợi ích cho tất cả hữu tình trong tận hư không vô lượng pháp giới. Bạn có thể hóa hiện các thứ báo thân và ứng hoá thân làm lợi ích cho tất cả hữu tình trong tận hư không vô lượng pháp giới, và lúc ấy tâm của bạn sẽ lan tỏa vạn hữu vô tận xứ.

Kết Luận:

Do vì tâm của chúng ta quá xa rời với giác ngộ và tỉnh thức, do vì nghiệp chướng và tội ác của chúng ta quá nhiều đến không thể tính kể, mà phước báu thì quá nhỏ bé như hạt mè. Do vì tập khí tham, sân, si, nghi, mạn của chúng ta quá nặng nề tạo thành một màn vô minh dầy đặc bao trùm che phủ Như Lai tánh thường chiếu. Cho nên, ở ngay trong cuộc sống hiện tại, chúng ta phải gặp nhiều ngang trái khổ đau, gặp các thứ hồ đồ lộn xộn. Cho đến lúc lúc lâm chung, chúng ta không biết nơi nào để đi để đến, bỏ mặc cho nghiệp lực dẫn dắt lang thang trong sáu nẻo luân hồi sanh tử. Nay nhờ chút phước mọn sót lại mà chúng ta gặp được pháp môn quảng đại thù thắng của Phật A Di Đà do Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tự trao truyền chỉ dạy. Những người có đại tín thành, đại nguyện lực, tinh tấn dũng mãnh, và thông tuệ, những người luôn luôn nhớ đến thầy của họ là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, những người luôn luôn tín nhiệm vào Phật A Di Đà, những người thân tâm nỗ lực trong thực hành, những người có tâm an tịnh, và có khả năng buông bỏ các mối quan tâm đối với thế giới này. Chính những người này là những người được tất cả các đức Như Lai đồng thanh khen ngợi; vì họ, ở trong đời trước, đã từng gặp Phật quá khứ quy y, chiêm bái, cúng dường và họ cũng đã từng được Phật thọ ký Bồ Đề. Những người tin nhận và chân thật tinh tấn tu tập giáo pháp này chính là những người được thừa hưởng của cải vô tận của các đức Như Lai trong mười phương ba đời. Tại sao? Vì giáo pháp này đều được tất cả các đức Như Lai trong Mười Phương Thế Giới, mà mỗi Thế Giới có vô số vô lượng các đức Như Lai nhiều như cát của sông Hằng, đồng thanh khen ngợi và tán thán không thể nghĩ bàn, không có sai khác.

Đệ tử tục gia của Tam Bảo: thế danh Lưu Minh Trí, pháp danh Trí Thành, pháp hiệu: Giác Hiển.

Phục nguyện cho tất cả hữu tình trong thập phương pháp giới, tất cả ông bà, cha mẹ, họ hàng quyến thuộc và bạn hữu …v….v…. ở trong vô lượng kiếp quá hiện vị lai đều gặp pháp môn niệm Phật của Phật A Di Đà và đều sanh tâm hy hữu, tín, nhận và phụng hành.

Phục nguyện cho tất cả chúng sanh trong thập phương pháp giới đồng vãng sanh Cực Lạc, đồng thành Phật đạo, dứt trừ tận gốc cội rễ sanh tử khổ đau.

Lưu Minh Trí, Diệu Âm Trí Thành
Viết xong ngày 12 tháng 01, 2011 (Tây Lịch)

Muốn Vãng Sanh Phải Nên Có Lòng Thành Kính

Muốn Vãng Sanh Phải Nên Có Lòng Thành KínhMuốn về được Tây-Phương thì lòng “Khiêm Nhường – Chí Thành – Chí Kính” là điểm chính yếu để chúng ta thành đạo. Thật sự chúng ta đều là hàng hạ căn phàm phu! Đã là hàng hạ căn phàm phu thì chỉ nhờ tấm lòng chí thành chí kính mà được đức A-Di-Đà tiếp dẫn ta về Tây-Phương.

Có dịp nào đó quý vị về Việt Nam, hãy đi hỏi những vị hộ niệm, người ta sẽ kể cho quý vị nghe những chuyện vãng sanh. Hầu hết ban hộ niệm nào cũng đều có sự nhận định hơi giống nhau một điều này, là chỉ có người nào tánh tình hiền lành, chất phát, thật thà, khiêm nhường mới dễ được vãng sanh. Nhờ kinh nghiệm này, mà các ban hộ niệm không cần đòi hỏi người bệnh đó tu giỏi, tu dở. Người ta không cần điều tra là công phu trong quá khứ của người này như thế nào, mà chỉ cần họ thấy người này hiền lành, chất phát thì họ rất hoan hỷ, những vị thành viên trong ban hộ niệm cũng rất sốt sắng đến hộ niệm cho người đó.

Những người trưởng ban hộ niệm kể lại chuyện vãng sanh, hầu hết họ đều chú ý về yếu tố hiền lành này. Nếu gặp một người bệnh hiền lành thì họ có thể đoán trước rằng người bệnh đó trên chín mươi phần trăm sau khi ra đi sẽ để lại thoại tướng rất là tốt. Lạ lắm! Tình thật, Diệu Âm cũng không phải là người lịch lãm lắm trong phương pháp hộ niệm, nhưng cũng từng tham dự hộ niệm qua một số ca rồi, cũng rất đồng ý với sự phán đoán này.

Những người nào càng hiền lành chừng nào, càng chất phát chừng nào, càng thật thà chừng nào lại càng dễ vãng sanh chừng đó. Lạ lắm!…

Trong những khoảng thời gian gần đây có một số người chủ trương niệm Phật nhất tâm bất loạn để vãng sanh, và thường đưa ra những phương thức giúp cho người đồng tu niệm Phật được nhất tâm bất loạn. Diệu Âm thấy rằng những chương trình này tốt chứ không phải xấu, tại vì nhất tâm bất loạn là cái điểm cao tột của người niệm Phật. Nếu ta công phu chứng đắc được ta sẽ an nhiên tự tại vãng sanh về Tây-Phương. Đến lúc đó chúng ta không cần nhờ đến những người hộ niệm làm chi. Đây là điều đáng khen.

Nhưng thực tế, trong thời đại này, với cái căn cơ cỡ như Diệu Âm đây, tình thật mà nói là không cách nào có thể đạt được cái cảnh giới nhất tâm bất loạn! Vì vậy, khen thì khen, nhưng chính Diệu Âm này không dám thực hiện! Diệu Âm chỉ thường khuyên rằng, chư vị hãy cố gắng khiêm nhường, thật thà để cầu cảm thông được với A-Di-Đà Phật, cảm thông với chư vị đại Bồ-Tát, và nhất là cảm thông chư vị oan gia trái chủ để khi mình nằm xuống chỉ cần chắp tay lại nói một lời:

– Nam Mô A-Di-Đà Phật. Chư vị ơi! Hồi giờ tôi mê muội, tôi làm sai rồi!… Bây giờ tôi thành tâm xin sám hối với chư vị. Xin chư vị buông tha cho tôi, chúng ta hãy cùng nhau về Tây-Phương thành đạo. Tôi hứa ngày nào còn sống, tôi còn niệm Phật hồi hướng công đức cho chư vị. Ngày mà tôi về được Tây-Phương Cực-Lạc rồi, tôi sẽ quyết lòng tìm mọi cách để cứu độ chư vị…

Xin thưa, chỉ cần một lời nói chân thành như vậy, một lần, hai lần, ba lần thì tự nhiên những oán nạn về oan gia chủ nợ hình như biến mất đi hồi nào không hay. Nhất là được những người hộ niệm đến bên cạnh mình, tiếp sức với mình, thành khẩn điều giải oan gia trái chủ, thì hầu hết những oán nạn đều có thể được giải tỏa. Tôi chỉ nói hầu hết chứ không dám nói một trăm phần trăm đâu.

Ấy thế một khi chúng ta muốn niệm Phật cho nhất tâm bất loạn, nếu là người thượng căn, hàng đại Bồ-Tát thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Nghĩa là thật sự họ an nhiên tự tại vãng sanh. Chứ còn nếu hàng trung hạ căn như chúng ta mà mơ cầu đến chuyện đó thì thật sự thường gặp phải những chướng nạn khá lạ lùng!…

Hôm nay Diệu Âm cũng xin thưa lại những việc có thật đã xảy ra, để chư vị tự suy nghĩ thử, hầu thấy được con đường nào là dễ hành, con đường nào là khó tu?…

Thứ nhất, khi mình niệm Phật mà quyết lòng cầu nhất tâm bất loạn, thì với cái hạng căn cơ như chúng ta thường thường đưa đến tình trạng vọng tưởng nhiều lắm, có những chứng đắc giả nó ứng hiện ra. Rồi vì tâm cơ của mình yếu quá nên không nhận ra được đó là hão huyền! Những điều hão huyền đó càng ngày càng thấm sâu vào tâm, đến một lúc nào đó mình không còn sáng suốt để nhận ra nữa!… Vì thế mà sau cùng rất dễ bị hại!

Ở tại Úc, Diệu Âm có một người bạn đã quyết lòng niệm Phật cầu nhất tâm bất loạn. Anh đã chứng những cảnh giới gì đó không biết, mà nghe kể ra thì cũng hay lắm! Cách đây gần hai năm Diệu Âm có thành tâm khuyên anh ta hãy giữ lòng khiêm nhường niệm Phật đi thì hay hơn, đừng nên mơ cầu thái quá. Nhưng anh vẫn khẳng định là mình có chứng đắc. Anh ta đôi lúc có thấy được hào quang gì đó phóng đến và trí huệ của anh hình như sáng ra!?…

Có nhiều lúc anh ta gặp tôi thì nhìn qua, nhìn lại, nhìn phía sau… Dường như anh đang nhìn thấy được cái quang minh gì đó? Lạ lắm!… Tôi nói, thôi đi!… Tôi không có quang minh gì đâu. Anh hãy lo niệm Phật đi, cố gắng đừng có mong cầu như vậy nữa nhé… Nhưng anh không nghe theo.

Thì cách đây cỡ hai tháng, tôi có đến thăm anh, nhưng lần này tôi lại đến thăm một người đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi! Anh ta phải vào trong bệnh viện tâm thần, bác sĩ tâm thần đang theo dõi liên tục. Tôi không biết bây giờ tình trạng của anh như thế nào?… Tôi đã đoán biết rằng hiện tượng bất tường này có thể sẽ xảy ra cho anh ta, nhưng tôi đã khuyên hai-ba lần rồi, mà anh ta không nghe theo. Tôi đành chịu thua! Không biết cách nào khác hơn là đành chờ đến ngày anh ta thọ nạn rồi đến thăm mà thôi! Thấy anh bị nạn, tôi cũng định dùng phương pháp điều giải để hóa gỡ dùm cái chuyện nhập thân, nhưng chỉ mới nói chuyện qua được có một lần, sau đó thì có một vị nào đó giới thiệu tới một thầy pháp nào hay lắm! Vậy thì cũng tùy duyên thôi, chứ tôi cũng không biết làm cách nào khác hơn?

Có một vị khác nữa cũng tới nói với tôi rằng, “Mình đã đột phá được cảnh giới Hoa-Nghiêm rồi”. Chư vị có biết đột phá cảnh giới Hoa-Nghiêm có nghĩa là sao không?… Có nghĩa là người đó đã “Minh Tâm Kiến Tánh” rồi, là thuộc hàng Sơ Trụ Bồ-Tát rồi đó. Sơ Trụ Bồ-Tát mới bắt đầu đột phá được tới cảnh giới Hoa-Nghiêm. Tức là họ đã trở về được với “Chân Tâm Tự Tánh” rồi.

Vị này có những năng lực giống như là thần thông rất cao vậy. Ví dụ như anh đang nghĩ gì, ngày hôm qua anh đã làm gì, họ có thể nói ra vanh vách hết. Vị đó ở cách xa Diệu Âm cỡ trên một trăm năm mươi cây số, nhưng có thể nghe được mình nói gì. Có một thời gian Diệu Âm bị bệnh, buổi sáng không tụng kinh được, thì sau một tuần vị đó đến thăm và hỏi Diệu Âm như thế này:

– Tại sao trong tuần qua chú không tụng kinh? Trong khi hàng ngày mỗi sáng thường khi chú tụng kinh Vô-Lượng-Thọ, mà tại sao trong tuần qua chú không tụng?

Tôi nói:

– Dạ, tại vì con bị bệnh…
– Anh không cần nói tôi cũng biết rồi. Tôi nhập vào trong định và quán thì thấy được quang minh của anh, tôi biết anh bị bệnh. Chính vì vậy mà tôi về thăm anh đây.

Vị đó nói như vậy. Tức là chứng tỏ đã có một sự chứng đắc gì đó khá cao?… Có nhiều vị khác thấy vậy phải quỳ xuống muốn tôn làm sư phụ. Ấy thế mà có một dịp đến gặp Hòa Thượng Tịnh-Không, thì khi tiếp vị đó khoảng năm phút, Hòa Thượng đã quyết định dứt khoát mời vị đó ra khỏi Tịnh-Tông. Sau đó ra ngoài ở khoảng chừng hai tháng sau thì vị đó đã bị trở ngại vô cùng!…

Những chuyện này Diệu Âm biết qua, xin kể sơ lại thôi. Đây là những bài khai thị rất tốt để cho chúng ta biết rằng, sự chứng đắc đối với hàng phàm phu chúng ta khó lắm! Đã khó mà chúng ta cứ muốn làm, nhiều khi tâm nguyện chúng ta thì quá cao, mà lực của chúng ta thì quá yếu, gọi là “Lực bất tòng tâm”… Có nghĩa là cái tâm chúng ta muốn đạt cảnh giới cao, mà cái khả năng, cái năng lực của chúng ta không đạt tới được! Khổ một nỗi, đạt không tới được mà cái tâm của chúng ta vẫn cứ vọng cầu. Nếu đạt tới gọi là chánh cầu, đạt không tới gọi là vọng cầu. Hễ vọng cầu thì thường ứng với vọng cảnh! Ứng tới vọng cảnh, nhưng khổ một nỗi là tâm chúng ta chưa sáng, trí huệ chưa khai, nên thường lầm lẫn! Lầm lẫn giữa vọng cảnh và chứng đắc, thành ra bị vướng nạn! Tu hành mà sơ ý, sau cùng rất dễ bị nạn là như vậy…

Với lòng thành tâm, trong thời gian gần đây Diệu Âm luôn luôn khuyên đồng tu nên nghe lời dạy của ngài Ấn-Quang để tu hành, hãy cố gắng giữ tâm niệm khiêm nhường, khiêm cung, từ ái… để tu mới tốt.

– Nhờ cái lòng khiêm cung và chí thành mà chúng ta cảm thông được với chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì.
– Nhờ cái lòng khiêm cung chúng ta mới điều giải được với các vị trong pháp giới hữu duyên.
– Nhờ cái lòng chân thành rất dễ cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà.

Ngài đã phát một lời thề là người nào nghe danh hiệu của Ngài mà chí thành tin tưởng, vui vẻ, rồi đem các công đức lành hồi hướng về nước của Ngài rồi cầu nguyện vãng sanh về Tây-Phương thì Ngài sẽ cứu chúng ta về Tây-Phương. Đây là lời đại thệ Ngài cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh, bao gồm cả thượng, trung, hạ căn đều được tiếp độ về Tây-Phương Cực-Lạc. Đại nguyện này cũng chính là để cứu độ những người phàm phu tục tử như chúng ta.

Thấy được điều này, Diệu Âm xin khuyên rằng, chúng ta hãy mau mau xác định ta là hàng phàm phu hạ căn. Giả sử như mình nói sai một chút, vì mình là hàng thượng căn mà lại cho là hạ căn thì càng tốt. Người thượng căn mà tánh tình khiêm nhường như vậy lại càng dễ thành đạo. Nếu ta là hàng trung căn mà cứ tự nhận mình là hạ căn thì lại được Ngài tiếp đón còn dễ hơn nữa. Chứ nếu mình làm những cái gì đó vượt qua căn cơ của mình, mơ cầu những gì vượt qua căn cơ của mình thì thường thường tâm thượng mạn dễ tăng lên lắm! Một khi thượng mạn tăng lên, ít khi cảm thông được với chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp, ít khi cảm thông được với chư vị Bồ-Tát. Ngược lại, thường dễ bị oan gia trái chủ cài vào những cái bẫy làm cho chúng ta bị hại, khó có thể ngăn ngừa được! Chính vì thế sau cùng thường bị nhiều khó khăn!…

Ngưỡng mong chư vị cố gắng lấy lòng khiêm nhường này để chúng ta cùng nhau tu hành, nương nhau đi về Tây-Phương thành đạo…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Cư Sĩ Diệu Âm (Minh Trị)

Vì Sao Có Người Chết Hơn 49 Ngày Vẫn Chưa Đầu Thai?‏

Vì Sao Có Người Chết Hơn 49 Ngày Vẫn Chưa Đầu Thai?‏Chúng sanh sai khác với Chư Phật, Bồ-Tát là ở chỗ nào? Chư Phật, Bồ-Tát biết, biết chúng sanh từ đâu đến và chết rồi sẽ về đâu, còn phàm phu thì không biết, không hiểu được sanh tử từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu, cho nên rất là sợ cái chết.

Chư Phật, Bồ-Tát thì biết rất rõ ràng, ở nơi này chết rồi đâu phải là chết, là xả bỏ cái thân này thôi. Thân không phải là ta, thân giống như bộ quần áo mà thôi, y phục bị rách, bị dơ, bị hư rồi thì hãy cỡi nó ra đi, bộ quần áo này đã chết rồi, không cần nữa rồi, phải thay cái khác mới hơn, không có chết gì cả.

Vậy thì các vị đều hiểu được sáu đường luân hồi? Cái thân của bạn xả bỏ đi rồi, thông thường mà nói sau bốn mươi chín ngày bạn lại được một cái thân thể mới. Tuyệt đại đa số bốn mươi chín ngày là họ đi đầu thai rồi. Vậy thì trong bốn mươi chín ngày này, thân trung ấm cũng có tâm địa thiện lương, còn người đại thiện đại ác họ không phải trải qua bốn mươi chín ngày, người đại thiện đại ác không có trung ấm.

Trong kinh Phật có nói rất rõ: Người đại thiện vừa mới tắt thở thì lập tức sẽ sanh thiên ngay, không có trung ấm, còn người đại ác chết sẽ đọa địa ngục ngay, địa ngục vô gián, lập tức đọa ngay. Còn hạng tiểu thiện tiểu ác thì còn phải gặp mặt những phán quan, Diêm Vương.

Đầu thai trong nhà Phật gọi là vãng sanh, thời gian dài hay ngắn không có nhất định, nhưng thường thì dài nhất là bốn mươi chín ngày, trong bảy tuần đại khái là đi đầu thai, lại thay một cái thân thể khác. Người có tâm hành thiện thì càng đổi càng được thân đẹp, người có tâm hành bất thiện, có tâm tạo ác, thì càng đổi thân họ càng kém hơn, đổi thành thân súc sanh, đổi thành thân ngạ quỷ, kém hơn so với thân người.

Tuyệt đại đa số trong bốn mươi chín ngày là đi chuyển kiếp rồi, nhưng không hiểu được là bị luân hồi vào đường nào? Đại đa số là vậy. Nhưng cũng có số ít trong bốn mươi chín ngày vẫn chưa đầu thai, có không ít số đó, thậm chí đến mấy năm, đến mười mấy năm vẫn chưa có đầu thai, đều ở trong tình trạng trung ấm. Có đó!

Vậy hạng người này là người nào? Là những người rất chấp trước họ vẫn chưa đi đầu thai. Đặc biệt người chấp cái thân thể này, chúng ta thường nói là giữ cái thây ma, họ vẫn chưa có đầu thai. Họ không rời bỏ nổi cái thân này. Loại ma như vậy phần nhiều như thế nào? Chúng sống ở trong phần mộ. Còn nữa… Ví dụ như đối với nhà cửa mà họ không nỡ bỏ thì thường họ cũng khó đi đầu thai, còn căn nhà đó thì biến thành “Nhà Ma”.

Trích HT Tịnh Không Khai Thị Lúc Lâm Chung

Vì Sao Người Mới Mất Không Nên Đụng Vào Thân Họ?‏

Vì Sao Người Mới Mất Không Nên Đụng Vào Thân Họ?‏Sau khi thần thức rời khỏi thân xác rồi thì họ hoàn toàn không còn cảm giác gì, nhưng lúc họ vừa mới rời khỏi thì có. Cho nên lúc này là lúc quyết định.

Xưa kia chư vị Đại Đức Tổ Sư có dạy chúng ta khi giúp các vị liên hữu trợ niệm vãng sanh điều đặc biệt phải chú ý không được chạm vào người của họ, không chỉ là không được chạm vào cơ thể mà ngay cả giường chiếu của họ cũng không được đụng vào, vì lúc này họ có đau khổ, khi họ đau khổ họ sẽ sanh tâm sân hận, sanh tâm sân hận sẽ gây bất lợi cho họ.

Vậy người niệm Phật khi dấy khởi tâm sân hận thì coi như họ cắt đứt duyên vãng sanh rồi. Ở con người bình thường sanh tâm sân hận, mình phải xem nghiệp lực của họ, nghiệp chướng nặng họ sẽ đọa vào địa ngục. Cho dù nghiệp chướng không nặng đi nữa, thì họ cũng sẽ đầu thai vào loài súc sanh. Họ đầu thai vào loài gì trong đường súc sanh? Loài rắn độc, loài thú dữ, họ sanh vào loại này. Vì tâm sân mà đi đầu thai.

Cho nên trong tám tiếng đồng hồ khi vừa chết, nhất định không được đụng vào người của họ, tốt nhất là sau mười hai đến mười bốn tiếng đồng hồ, lúc đó mới hơi an toàn. Sau đó bạn có thể thay quần áo cho họ, nhập liệm họ. Vì sau khi con người tắt thở, thần thức chưa có rời khỏi ngay, bạn phải hiểu cái lý này. Nhưng nếu thật sự niệm Phật vãng sanh thì không có thân trung ấm.

Việc này ở trong kinh, đức Phật có nói rõ, có ba hạng người không có thân trung ấm. Tắt thở là đi ngay:

– Thứ nhất là người niệm Phật, người vãng sanh vừa tắt thở thì liền sang thế giới Cực Lạc ngay.

– Thứ hai là được sanh thiên, phước trời rất lớn, họ không có trung ấm, tắt thở rồi họ sanh thiên ngay.

– Thứ ba là đọa địa ngục, đọa địa ngục không có trung ấm, khi vừa tắt thở thì lập tức đọa địa ngục ngay.

Ba hạng người này, ngoài ra tất cả đều có trung ấm. Cái khổ của địa ngục đó không biết là nghiêm trọng biết bao nhiêu so với tứ đại phân tán. Cho nên khổ nhỏ họ không nhận, họ lại không nhận nó mà để đi nhận khổ lớn!

Trích HT Tịnh Không Khai Thị Lúc Lâm Chung