Người niệm Phật là người cất bước trên con đường về Cực Lạc. Không luận là niệm nhiều hay ít, tán tâm hay nhất tâm. Hễ có niệm Phật là có chủng tử Phật, không sớm thì muộn cũng về đất Phật. Tuy nhiên điều quan trọng nhất của niệm Phật là có lòng tin.
Tin Phật Thích Ca không bao giờ nói dối. Tin Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn và tin mình sẽ được vãng sanh. Chỉ cần đủ niềm tin như vậy một cách vững vàng kiên cố thì bước đi đến Cực Lạc chắc chắn phải tới.
Niệm là cất bước đi, tin là phương tiện giúp cho việc đi mau tới. Riêng về tán tâm niệm Phật cũng đừng lo ngại chi cả, vì có ai lại biết được là mình nhất tâm, nếu biết mình đang nhất tâm niệm Phật thì cái biết này đã là tán tâm rồi.
Cho nên có thể hiểu nhất tâm niệm Phật là giờ phút chót của đoạn đường đến Cực Lạc. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta không có được giây phút nhất tâm nào lúc đang niệm Phật. Dĩ nhiên là phải có, mà có đây cũng được xem như không, vì đã nói khi biết được nhất tâm là đã có sự động (biết) trong khi niệm Phật rồi. Thành ra có nhất tâm hay không điều này ta đừng lo ngại .
Cái lo ngại nhất của người niệm Phật là quên niệm Phật. Khi ta quên niệm Phật thì ngay lúc đó ta đã dừng lại bước đi tới hướng về Cực Lạc, mà đứng lại cũng còn may mắn chỉ sợ ta bị đẩy lùi nữa là khác. Người ta thường nói không tiến ắt phải lùi nghĩa là vậy. Những hình ảnh tư tưởng tham vọng, sân hận là sức đẩy xô ta lùi lại sau. Sức đẩy của chúng có thể mạnh hơn câu niệm Phật nếu ta niệm lơ là biếng trễ.
Chúng ta cũng đừng lo ngại rằng niệm Phật xen vào công việc giao tế sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh là bất kính. Trong hoàn cảnh vậy, đây mới là sự niệm Phật chí thành tinh tấn, bởi đó chứng tỏ định lực nhớ ghi của ta đã vững vàng.
Hơn nữa niệm Phật là niệm cái tánh giác Phật tánh của mình thì việc khắc ghi mãi tánh giác ấy vẫn hợp với Phật pháp. Và hẳn nhiên trong tình huống như thế không thể nào niệm ra tiếng được, mà chỉ nhớ ghi thôi. Nhớ rằng ta đang biết câu niệm Phật trong đầu đang tuôn chảy. Do vậy nếu có lo ngại là lo ta có thường nhớ câu niệm Phật hay không?
Với công việc lao động bằng tay chân thì còn dễ niệm, chớ việc làm tính toán nghĩ suy bằng trí óc hay vào những lúc hầu chuyện với người làm sao niệm được! Trường hợp như thế ta phải giải quyết hoàn tất công việc đó, nhưng cố gắng làm sao trở về với câu niệm Phật được lúc nào hay lúc đó. Đây không phải là điều gượng gạo phân tâm, khó xử mà là phương tiện luyện tâm niệm Phật vậy.
Trong cuộc sống hằng ngày tâm niệm của ta thường lăng xăng chạy theo muôn chuyện, đầu óc chẳng bao giờ muốn ngừng nghỉ, bởi vậy mỗi câu niệm Phật hay bị xen vào những tạp niệm. Nhưng thử nghĩ nếu ta không niệm ngay lúc này mà đợi đúng giờ đúng khắc trì kinh mới niệm thì làm sao định lực niệm Phật có đủ sức để trừ khử tạp niệm ngày càng dung dưỡng trong ta.
Chẳng nói gì ngoài giờ tụng kinh lễ Phật mà ngay luôn giờ phút trang nghiêm thanh tịnh trước bàn Phật tạp niệm vẫn tấn công vào. Việc này cho ta thấy, là ta đã quá xem thường tạp niệm, nên dễ duôi, tự do cho nó vào ra thoải mái. Hay đúng hơn là ta đã không thực tập niệm Phật ngay trong tạp niệm.
Nếu ta thực sự không ngại gì niệm Phật trong lúc bận bịu, rộn ràng, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc, tiếp chuyện v.v…mỗi mỗi giây phút niệm Phật, có mặt trong giờ phút vừa thức dậy đi vào cuộc sống, cho đến đặt lưng xuống ngủ, kể cả đến lúc nhắm mắt ngủ quên mới thôi, thì ta có lo gì tạp niệm nổi lên trong giờ phút trì kinh trước điện Phật.
Hay dù cho tạp niệm có móng lên trong lúc trang nghiêm đó, thì cũng chỉ tồn tại trong khoảnh khắc rồi sẽ biến mất đi. Bởi đó là do ta có thực tập, sẵn sàng ứng phó với tạp niệm, và vậy không còn lo lắng. Thế là ta trở về với lời kinh tiếng kệ một cách dễ dàng.
Chúng ta có thể đồng ý rằng còn sống là còn có tạp niệm. Vì tạp niệm là do duyên căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với cảnh trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) tạo ra bao hành động của thân và tâm. Bằng hình thức này, mức độ kia bất cứ người nào trong xã hội vẫn không trốn chạy được tạp niệm, tuy vậy chúng ta cũng thấy có tạp niệm con người mới có phân biệt điều tốt việc xấu, và như không có phân biệt, thì làm sao con người phát triển được những tư duy.
Các vị Thánh, Tổ ban sơ cũng từ tạp niệm mà cuối cùng đi dần đến nhất niệm, cũng như mượn phương tiện trở về cứu cánh. Vậy thì niệm Phật trong tạp niệm vẫn là một việc rất quý, khó hành, huống chi muốn có nhất niệm phải từ tạp niệm mà ra, chỉ sợ là, ta có niệm được trong lúc tạp niệm hay không! Hay suốt đời sống chìm trong tạp niệm.
Nói rõ lại con đường đi đến Cực Lạc trước sau gì cũng hiển lộ rõ ràng trước mắt người niệm Phật. Và phương tiện để đưa hành giả niệm Phật đến đích mau hay chậm, chắc chắn hay không là do sức niệm Phật của hành giả. Cuối cùng thì niệm Phật muốn được nhất tâm thì phải niệm ngay trong tạp niệm.
Đời người ngắn ngủi chập chờn như giấc chiêm bao không thật có. Bao toan tính xây dựng hoa mộng trong đời là việc nửa chừng bỏ dở, rồi theo nghiệp mà đi để quay về mang kiếp hình khác, lại tiếp tục xây mộng giả. Nhưng nghiệt ngã thay cho nghiệp thức kia không chỉ chọn cảnh người mà tránh cảnh thú, hay ngạ quỷ, địa ngục…Vì vô minh vọng ác chẳng kể gì đêm tối hố thẳm, nghiệp thức đã tạo phải trầm luân mãi sáu nẻo luân hồi.
Thương cho chúng sanh cứ lao theo trần cảnh chẳng muốn quay về. Đức Phật từ bi giảng dạy đủ mọi phương tiện pháp môn, hầu tùy tâm tự thích chọn lựa. Người tâm tưởng sáng suốt, tư duy nhạy bén căn tánh lưu thông thì chọn pháp môn đốn giáo nhận thẳng chân tâm, thấy tánh là Phật như pháp tu Thiền định. Người muốn đi sâu vào lý pháp chân như của vạn pháp Phật mầu thì chọn pháp tu Viên giáo theo Hoa Nghiêm tông v.v…Và người muốn nương vào Phật lực cùng với tâm lực cầu sanh về cảnh Phật để hoàn tất con đường tu thì chọn pháp môn Tịnh Độ chẳng hạn.
Tất cả những phương tiện như vậy đều đưa chúng sanh về đến mục tiêu giải thoát. Tuy nhiên dù con đường đã sẵn có, mục tiêu quá rõ ràng vậy mà vẫn còn xa tít mờ mịt với chúng ta. Có phải chăng đời nay đúng là đời mạt pháp. Trong quyển “Phật Học Tinh Yếu” của cố Hoà Thượng Thích Thiền Tâm phần nói về Phật Pháp Trong Ba Thời có tóm lược bốn thuyết về thời kỳ Phật pháp “…Các bậc danh đức bên Trung Hoa đều thể dụng thuyết chánh pháp 500 năm, tượng pháp 1,000 năm, và y-cứ theo kinh Đại Bi thêm vào phần mạt pháp 10,000 năm (9).” Và Nhơn Vương Kinh Sớ nói: “có giáo lý, có hành trì, có quả chứng gọi là chánh pháp. Có giáo lý, có hành trì không quả chứng, gọi là tượng pháp. Có giáo lý không hành trì, không quả chứng, gọi là mạt pháp (10)”.
Có thể nghĩ rằng thời tượng pháp không phải không có người chứng đạo, nhưng vì khó gặp khó thấy nên ví là không. Riêng thời mạt pháp cũng vậy, kẻ hành trì đúng pháp khó thấy khó gặp, chớ không phải không có. Từ đây lại thấy, thời mạt pháp người hành trì mà còn khó thấy, nói chi người chứng quả. Xét lại điều nói trên không phải cho là hoài công vô ích ở việc tu hành đời nay; mà đây là lời cảnh tỉnh để thức ngộ tánh giác cho việc giải quyết sinh tử. Vậy thì suy ra con đường tu tập của chúng ta phải thế nào để gọi là có hành trì và chỉ cần có hành trì thôi cũng là quý lắm rồi. Vì ngay thời tượng pháp có hành trì mà còn không quả chứng huống chi thời mạt pháp kinh nói không có hành trì, nghĩa là hành trì không đúng theo chánh pháp vậy, hay rõ hơn hành trì không đem đến sự thoát ly sinh tử. Thế thì làm sao giải quyết xa lìa sinh tử luân hồi ?
Trong đường nan giải mịt mù này ta hãy quan sát tìm lại con đường nào khả dĩ giúp ta không hoài công phí sức có được một chút hành trì cho đúng nghĩa của hành trì mà Phật dạy trong đời mạt pháp. Xem lại pháp môn tu của Phật, được biết đến hiện nay gồm có mười pháp môn tu theo mười tông phái: 1) Câu Xá Tông, 2) Thành Thật Tông, 3) Tam Luận Tông còn gọi là Tánh Không Tông,4) Duy Thức Tông còn gọi là Pháp Tướng Tông, 5) Pháp Hoa Tông còn gọi là Thiên Thai Tông 6) Hoa Nghiêm Tông còn gọi là Hiền Thủ Tông 7) Luật Tông, 8) Thiền Tông, 9) Tịnh Độ Tông 10) Mật Tông còn gọi là Chơn Ngôn Tông.
Trong các pháp môn của những tông này hẳn nhiên là những con đường chắc chắn tiến tới giải thoát. Tuy thế trong các môn đây chỉ có pháp môn Tịnh Độ là có tha lực của đức Phật hộ trì tiếp dẫn. Còn lại các môn khác đều hầu như do tự lực hành đạo. Việc tự lực này không nói ai cũng rõ là phải khó hơn là nhờ tha lực. Lại hiểu đơn giản của tự lực là tự mình quyết định, tự mình tầm kiếm, tự mình đến nơi, và nếu có nhờ tha lực thì cũng nhờ rất ít, chớ thâm tâm tư tưởng vẫn hằng nuôi ý chí độc lập vào nghị lực của cá nhân mình.
Với ý nghĩ như vậy, thì người tu các pháp môn khác không phải là Tịnh Độ mà được quả chứng, phải là người có đầy đủ nghị lực, hay nói cho đúng phải là bậc thượng căn, thượng trí …
Thời Phật còn tại thế Ngài đã không nói là phương pháp này khó, phương pháp kia dễ, phương pháp này các ông nên tu, phương pháp kia các ông nên bỏ v.v…mà Ngài chỉ nói ra những điều chân lý, tùy hợp với căn cơ của mỗi người. Trong Phật pháp do đó nghe nói đến khế kinh có nghĩa kinh hợp với chân lý và căn cơ, thời đại hiểu biết của chúng sanh.
Vậy thì xét lại trí lực, căn cơ của con người bây giờ và hoàn cảnh thời đại ngày nay cách Phật quá xa, có thể cho ta một quyết định chọn lựa pháp môn sao cho thích hợp để hành trì mà không uổng tiếc.
Ôi thật may thay con đường thẳng tắp lối đi sáng tỏ đã được đức Phật chỉ bày rõ ràng dễ hiểu đó là con đường Tịnh Độ. Đường đi Tịnh Độ không phải gian nan hiểm trở, không phải đơn độc hành trì, và lại càng không phải đòi hỏi hành giả trí lực cao thâm, căn cơ trung, thượng hoàn cảnh nhất định nào đó v.v…
Đường đi Tịnh Độ chỉ là lối đi êm ái nhẹ nhàng trong niềm tin mãnh liệt của chánh pháp. Bất cứ người nào, không phân biệt nhỏ lớn, giàu nghèo, si mê, trí tuệ nếu sống đúng nhân cách thương người, mến vật rồi thực hành pháp môn này không kể ít hay nhiều chỉ thành tâm tha thiết thì nhất định sẽ được Phật gia hộ, khi lâm chung chắc chắn sanh về thế giới Phật A Di Đà.
Đặt trọn niềm tin với tịnh độ không có nghĩa là phó thác, ký nhờ. Người thực hành pháp môn này cũng phải gia công gắng sức nhớ ghi, quán tưởng, nhất tâm trì danh hiệu Phật, và với sự dụng công này, cũng được xem phải có tự lực. Cho nên pháp môn Tịnh Độ không hoàn toàn có nghĩa nhờ tha lực. Pháp tu Tịnh Độ lại có điều huyền diệu là không bị lệ thuộc vào chướng duyên nào trong việc hành trì. Hành giả niệm Phật có thể niệm Phật bất cứ nơi đâu mà không lo ngại nơi đây thanh tịnh nơi kia ô nhiễm. Do không hạn cuộc nên mới thích hợp với thời đại văn minh ngày nay.
Có người nghĩ rằng lao đầu vào công việc sinh nhai hẳn phải tạo nhiều nghiệp ác, nhưng lẽ nào khi ngã bệnh lại nhớ niệm Phật vài câu mà được vãng sanh? Trong kinh Na Tiên Tỳ Kheo, nhà vua khi thưa hỏi với tỳ kheo Na Tiên cũng có nghi vấn như vậy. Vua hỏi “Nói rằng người ở thế gian làm điều ác đến trăm năm khi chết nếu biết niệm Phật, sau khi chết được sanh lên cõi trời, lời nói như vậy, tôi không tin. Lại nói một khi sát sanh chết liền đọa vào địa ngục Ni Lê, tôi cũng không tin. Tỳ kheo Na Tiên đáp: Có người cầm viên đá nhỏ để trên mặt nước, đá đó nổi hay chìm? Vua trả lời chìm vậy. Na Tiên Tỳ-Kheo nói, như bưng trăm tảng đá lớn để trên chiếc thuyền, thuyền kia chìm hay nổi? Vua đáp: không chìm vậy. Tỳ kheo Na Tiên nói rằng: Trăm tảng đá lớn để trong thuyền, thuyền vẫn không chìm. Người tuy có đại ác, nếu một khi biết niệm Phật, nhờ đó mà không đọa vào địa ngục Ni Lê, liền sanh lên cõi trời sao lại không tin? Viên đá nhỏ kia chìm như người làm ác không biết có Phật, không biết niệm Phật, sau khi chết đọa vào địa ngục Ni Lê, chuyện đương nhiên như thế, vì sao lại không tin? Nhà vua nói: hay thay ! hay thay !(11)”
Thế thì chúng ta thấy, xét cho cùng ở hoàn cảnh, tình huống mà con người phải bị lôi kéo vào dòng thác lũ của vật chất, văn minh dục lạc, thì lối thoát trở về với chân tâm khó có thể tìm ra được bằng con đường tự thân, tự lực. Trong quyển “Các tông phái đạo Phật”(12) của Đoàn Trung Còn, phần nói về tông Tịnh Độ có nhắc đến Ngài Pháp Nhiên bên Nhựt. Trong thời gian tu hành thiền niệm Ngài đã đọc hết năm ngàn quyển kinh trong ba tạng kinh bằng chữ Hán, lại xem hết các kinh dẫn giải về đức Phật A Di Đà của tổ sư Viễn Công bên Tàu. Xét thấy hoàn cảnh, căn cơ thích hợp với pháp môn Tịnh Độ nên Ngài quyết định hành trì, chọn lựa pháp môn Tịnh Độ làm con đường hoằng hóa. Cuộc đời tu hành của Ngài được rất nhiều người kính mộ. Ngài được tôn là vị Giáo tổ kể từ đó. Trước khi nhắm mắt Ngài có viết tờ chúc truyền lại cho môn đệ như sau: “Đời nay không phải tham thiền thẩm xét về trí như mấy bậc hiền xưa. Đời nay ta phải thành tâm mà tưởng Phật, niệm Phật. Ta sẽ được về nơi Phật quốc, ta sẽ được giải thoát chớ chẳng không. Vậy ta cứ niệm Phật một cách vững vàng …” Lúc Ngài thọ bệnh mà tịch cập môi vẫn không ngớt niệm A Di Đà. Ngài hưởng thọ bảy mươi chín tuổi, mất năm 1212 cách đây hơn bảy trăm năm.
Qua lời dạy của Ngài chúng ta thấy một điều chắc chắn pháp môn Tịnh Độ hẳn phải là con đường dễ nhất làm ngọn đuốc dẫn chúng sanh ra khỏi đêm tối luân hồi. Bởi cách đây hơn bảy thế kỷ mà Ngài dạy là đời nay không phải tham thiền, thẩm xét, tư tưởng học hỏi trí tuệ như bậc hiền xưa, thì thử hỏi sau bảy trăm năm nền văn minh vật chất đã quá tiến bộ, phức tạp, con người lại phải chạy theo đà văn minh rầm rộ này thì nghĩ lại lời Ngài dạy ta phải giựt mình. Tuy nhiên ta cũng nên hiểu thêm, điều Ngài nhấn mạnh ở việc niệm Phật cầu vãng sanh là then chốt chớ không phải bát bỏ học hỏi, tư tưởng v.v…Như thế việc nhận ra khả năng và hoàn cảnh để chọn cho mình một lối tu là một điều thực tiễn mà mỗi người chúng ta phải tự lo liệu.
Kết lại đời nay đã rõ ràng không phải là thời chánh pháp hay tượng pháp, thế nên chúng ta hãy nhìn lại những bước đi của người trước mà thực hành theo pháp môn huyền diệu này như trong Đại Tập Kinh đã dạy: “Mạt thế ức ức người tu không có một người giải thoát; chỉ nương pháp môn niệm Phật mà ra khỏi luân hồi (13).”
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên chúng ta nên phát nguyện sanh về Cực Lạc thế giới. Lần thứ nhất trong kinh A Di Đà, đức Phật Thích Ca nói được sanh về cõi Cực Lạc không phải tầm thường. Người thiện căn, phước đức ít, không sanh về được. Như vậy nghĩa là sao ? Phải thiện căn phước đức nhiều mới được thọ sanh. Muốn được thiện căn phước đức nhiều thì phải làm gì?
Đức Phật Thích Ca nói: “Ai nghe nói đến danh hiệu Phật A Di Đà rồi chuyên chấp trì”, cũng như quý vị mấy ngày qua niệm Phật đó, như vậy tất nhiên là được thiện căn phước đức nhiều. Nhưng niệm Phật mà được gọi là Chấp trì danh hiệu cũng không phải thường, không phải chuyện dễ làm được!
Chấp trì nghĩa là sao? Nghĩa là nắm giữ hay cầm giữ. Thí dụ như hiện tại, quý vị nhìn lên đây thấy tôi đang nắm cái gì ? Tôi đang nắm cầm cái mão, và cái mão dụ cho danh hiệu Phật A Di Đà. Bây giờ tay tôi chỉ còn nắm cầm cái mão, ngoài cái mão không còn nắm cầm cái gì hết. Nếu cầm vạt áo mà quý vị nói tôi đang cầm nắm cái mão thì đâu có được phải không ?Cái mão này tỷ dụ cho danh hiệu Phật A Di Đà. Cũng tương tự như vậy! Nếu trong tâm mình đang niệm Phật mà còn niệm nào khác thì không thể nói là niệm Phật (như ở đây tôi đang cầm cái mão chung với cái vạt áo thì không thể gọi là chỉ cầm cái mão được). Cho nên, tiếng Chấp trì thực hành cũng khó lắm chứ không phải dễ, nghĩa là một thứ thôi. Chấp trì danh hiệu Phật chỉ là một thứ danh hiệu Phật thôi. Nếu trong tâm mình có một cái tưởng hoặc một niệm, một suy nghĩ gì khác, đâu thể gọi là chấp trì. Như tay tôi như vầy thì gọi là chấp trì cái mão, mà bây giờ thêm vạt áo nữa thì không thể nói chấp trì cái mão được, có phải vậy không ?
Khó chớ không phải dễ đâu! Việc làm từ phàm đến Thánh đâu phải chuyện thường, phải tinh tấn cố ggắng nhiếp tâm. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy, nếu mình nhiếp trì danh hiệu Phật được từ một ngày, hai ngày đến sán ngày, bảy ngày thì được nhất tâm bất loạn, gọi là niệm Phật Tam Muội, là Chánh định. Người như vậy, lúc sắp lâm chung sẽ được Phật A Di Đà cùng với Thánh chúng hiện đến trước người đó. Người đó thấy Phật cùng với Thánh chúng thì Chánh niệm hiện tiền, được vãng sanh về Cực Lạc thế giới (nghĩa là bỏ thân này liền sanh về Cực Lạc).
Việc làm từ phàm đến Thánh, từ khổ đến vui mà tóm tắt mau lẹ như vậy nên đức Phật Thích Ca nói đó là một điều lợi lớn . Cho nên, đức Phật khuyên tất cả mọi nguời đều nên phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc. Đó là lời khuyên phát nguyện lần thứ hai trong kinh A Di Đà.
Lần thứ nhất là khuyên phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc để sống cùng với những bậc Thượng thiện nhơn, Nhất sanh bổ xứ. Kế đến là được Phật A Di Đà và các Thánh chúng đến hiện thân trước mặt, người đó được vãng sanh về cõi Cực Lạc. Vì vậy mọi người nên nghe theo đây mà phát nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Đó là lời khuyên phát nguyện lần thứ hai của đức Phật Thích Ca.
Huynh đệ nên nhớ bốn chữ Chấp trì danh hiệu trong kinh, cũng như tôi thí dụ nắm giữ cái mão này, để mà kiềm giữ cái tâm mình. Khi mình xưng danh hiệu “ Nam Mô A Di Đà Phật”, làm sao trong tâm mình chỉ có “ Nam Mô A Di Đà Phật “ mà thôi. Đừng có cái gì khác, đừng cho một niệm gì xen vào hết. Ví như khi tôi nắm giữ cái mão này thì chỉ nắm giữ cái mão này thôi, chớ không có gì khác xen vào, chỉ có một thứ thôi. Mình tập như vậy lâu ngày thì tâm nó dần quen. Ban đầu khó lắm chứ không phải dễ, đủ thứ chuyện nó xen vào trong tâm mình. Không phải một chuyện, hai chuyện, ba chuyện đâu; cũng không phải một chục, hai chục, ba chục mà là hàng trăm chuyện, không phải ít đâu! Quý Phật tử cứ nghiệm ở nơi tâm mình thì biết, nhưng mà tại sao vậy ? vì từ lâu mình luôn sống trong tạp niệm, nó quen quá rồi. Khi đã huân tập thành thói quen mà bắt nó chỉ nghĩ một thứ thôi, việc đó không phải dễ dàng.
Dù rằng không phải dễ nhưng cứ cố gắng làm, lần hồi nó cũng quen, lâu ngày tạp niệm tự bớt, mình sẽ nhất tâm lại . Nhất tâm là sao ? Nghĩa là chỉ chú tâm ở nơi câu niệm Phật “ Nam Mô A Di Đà Phật”, lâu dần tâm nó cũng quen đi, lần bớt xao động, lần sẽ dừng lại.
Cũng có nhiều người đến than thở với tôi là muốn giữ cái tâm lại, nhiếp tâm để chấp trì danh Phật mà làm hoài nó vẫn cứ chạy. Vì cái chạy đó nó quen lâu năm rồi. Không phải lâu năm trong đời này, mà nó đã lâu năm trong nhiều đời trước nữa. Cho nên, mình phải cột, phải nắm lại, rồi lần lần “ cột nắm” cũng dần quen. Khi đứng lại thì nó cũng quen đứng luôn. Vậy nên phải thật chịu khó.
Thành thật nói với đại chúng, tôi biết niệm Phật hồi năm 14 tuổi, đến 21 tuổi mới về chùa. Thì cũng vậy, cũng chuyên về niệm Phật, tu pháp môn Tịnh Độ, đến bây giờ kể ra là bảy mươi mấy năm cũng trì danh hiệu “ Nam Mô A Di Đà Phật”, mà bây giờ niệm lực cũng còn yếu lắm, chứ không được mạnh đâu. Thật là khó! Cảnh duyên nơi này đủ chuyện quyến rũ, đủ chuyện lôi kéo, đủ chuyện nó xen vào. Sự lôi kéo với xen vào đó do mình đã huân tập nhiều đời, nhiều năm quen chạy theo rồi. Nó chạy theo thuần quá, nó quen quá rồi, bắt nó dừng lại tất nhiên phải dày công lắm, nhưng mà mình phải cố làm. Không làm thì đời này mình trắng tay, không được gì hết trong Phật Pháp. Vì thế, Phật dạy lúc nào cũng phải tinh tấn tu hành.
Tóm lại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy mình những cái nghe biết ở cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, sự sinh hoạt nơi cõi Cực Lạc, khuyên bảo mình phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc để chuyển từ phàm phu lên bậc Thánh, từ nơi cõi luân hồi này lên bậc Bất thối chuyển để thành Phật. Đức Phật Thích Ca dạy như vậy đó. Ngài nói chẳng phải riêng ở nơi Ngài mà muời phương Chư Phật đều tán thán việc này (trong kinh mình tụng chỉ nói tắt nơi sáu phương, kỳ thật là mười phương Chư Phật cũng đều tán thán việc sanh về thế giới Cực Lạc).
Vả lại, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cuối cùng cũng nói pháp môn Tịnh độ. Pháp môn niệm Phật để sanh về cõi Cực Lạc mà Phật nói đây khó tin lắm, chứ không phải dễ (rất khó tin). Nên trong kinh A Di Đà, vị nào có tụng thì biết, Chư Phật mười phương đều khen ngợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở nơi cõi này mà giảng dạy pháp Môn niệm Phật để sanh về cõi Cực Lạc là rất khó, khó hơn ở cõi ngũ trược mà thành Phật. Nơi cõi ngũ trược mà thành Phật đã khó, song nói pháp môn này lại càng khó hơn.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau đó nhấn mạnh lại rằng: “Đúng như vậy! Đức Phật ở thế gian này nói pháp môn niệm Phật, cầu sanh về cõi Cực Lạc là rất khó”. Bây giờ, quý Phật tử ở đây đều tin, đều phát nguyện, sớm tối tu hành niệm Phật cầu sanh về cõi đó, như vậy tất nhiên là việc khó. Chư Phật mười phương và Đức Phật Thích Ca nói khó mà quý vị đã làm được rồi. Việc khó tin mà quý vị quyết tâm làm thì cũng làm được. Như vậy việc này hy hữu ít có lắm, nên phải cố gắng tinh tấn tu hành, đừng nản (đừng nghĩ mình niệm Phật sao nó cứ loạn, niệm Phật sao không nhất tâm, niệm Phật sao kiềm giữ không được…)
Chúng ta phải nghĩ thế này: “ Chỉ vì thói quen mà thôi, mình chịu khó luyện tập kiềm giữ thì cũng có thói quen luyện tập kiềm giữ .Thói quen này thuần thì nó có sức mạnh. Có sức mạnh rồi thì không có gì khó đâu, cứ cố gắng làm rồi sẽ thành công”.
Cũng mong nơi tất cả đại chúng đều tinh tấn nhất tâm tu hành. Cầu nguyện từ lực đức Phật A Di Đà, cũng như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng với mười phương Chư Phật, cho đến các vị Bồ Tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Chư Thượng thiện nhơn đến gia hộ cho tất cả Phật tử. Tất cả chúng ta khi bỏ thân này, đều được sanh về thế giới Cực Lạc, xa lìa xanh tử luân hồi, không còn sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não, hưởng sự an vui, tự tại, giải thoát.
Mong mỏi tất cả đại chúng, ai nấy đều thành công trong pháp môn niệm Phật, chấp trì danh hiệu Phật để được vãng sanh Tịnh độ, thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà!
Trích Yếu chỉ pháp trì danh niệm Phật (Bài thuyết pháp đầu tiên tại chùa Vạn Linh, (núi Cấm) ngày 23/11/2003 Quý Mùi)
HT. Thích Trí Tịnh
Niệm Phật là sớm tối mỗi ngày biết được niệm, vậy thì bình thường biết được niệm không? Ngẫu nhiên nhớ được niệm, niệm cũng không được mấy câu thì dứt. Nếu muốn nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật, tốt nhất là sáng sớm thức dậy còn ở trên giường thì niệm (niệm thầm), tối lại lúc ngủ cũng niệm, niệm đến khi ngủ, từ nay bắt tay làm đi thì thói quen niệm Phật dễ nuôi dưỡng thành.
Ngày ngày niệm, giờ giờ niệm, khởi tưởng thì niệm liền, mới có thể nuôi thành thói quen niệm Phật, khiến thói quen trở thành tự nhiên, tự nhiên miệng lúc chẳng niệm mà tâm vẫn ở nơi niệm, chẳng niệm mà tự niệm, trong tâm có Phật, lâu ngày công phu sâu dày, miệng niệm tâm nghĩ, tự nhiên thành một, nhất tâm bất loạn. Niệm Phật niệm đến lúc quên ta (vong ngã), thì đạt được niệm Phật tam muội, cũng có thể ngộ đạo, đoạn trừ phiền não, liễu thoát sinh tử.
Nếu cả ngày vì công việc bận rộn! Vì danh lợi bận rộn! Vì hưởng thụ dằng dặc xao nhãng, phân tán buông lung, tâm chẳng ở tại đạo, cần công phu tu tập cũng lúc có lúc không, dứt quãng hay tới tấp bất thường, thường bị động chuyển trong sự vui, giận, buồn, ưa… đối việc thuận ý thì tâm sinh khấp khởi vui reo, đối với việc nghịch ý thì khởi tâm ghét hận (trôi nổi theo sóng phiền não, làm sao bình tâm tịnh ý mà xét việc sai đúng), thì làm sao có thể nuôi dưỡng thành thói quen niệm Phật. Ðâu rõ biết ba tạng, mười hai bộ kinh, biện tài không ngăn ngại, danh tướng thì bàn luận lung tung, biết rõ mà không làm, nói rõ mà không luyện, thì ra không khỏi ba cõi!
Hỏi: Bằng cách nào để biết một người sau khi chết, họ sẽ thác sanh vào cảnh giới nào?
Ðáp: Câu hỏi nầy, chúng tôi xin được giải đáp góp ý qua hai phương diện: “hết nghiệp và còn nghiệp”. Về phương diện dứt hết nghiệp, tức không còn mầm mống sanh tử nữa, thì sau khi chết không có sanh đi đâu hết. Vì người tu khi đã đạt được cứu cánh Niết bàn rồi, thì hằng an trụ nơi thể tánh vô sanh. Đó là mục đích cứu cánh của người tu. Nếu còn sanh, chứng tỏ công phu tu hành của hành giả chưa viên mãn. Có lần, các vị Tỳ kheo hỏi Phật: Một vị A la hán sau khi chết sanh về đâu? Phật trả lời: “Như củi hết lửa tắt”. Củi là dụ cho nghiệp, lửa là dụ cho bản thể. Củi hết là dụ cho nghiệp không còn. Vì hễ còn nghiệp là còn sanh, hết nghiệp là hết sanh. Hiện tượng thì có sanh diệt, còn bản thể thì làm gì có sanh diệt? Như sóng thì có sanh, có diệt, còn chất ướt của nước thì không sanh không diệt. Như vậy, khi lửa tắt không thể nói lửa sanh về đâu. Cũng như sóng dừng, thì không thể hỏi sóng đi về đâu. Khi hiện tượng lặng dừng thì trở về bản thể, chớ không có sanh đi đâu hết. Tuy không sanh đi đâu, nhưng các Ngài vẫn tùy duyên ứng hóa. Do đó, mà chúng ta thấy chư Phật, Bồ tát thường ứng thân thị hiện khắp nơi để độ sanh. Đối với các Ngài sanh mà không sanh, diệt mà không diệt. Vì các Ngài không còn thấy có tướng sanh diệt, tới lui, như phàm phu chúng ta nữa.
Về phương diện còn nghiệp, sau khi chết, tất nhiên là còn sanh. Vì còn vô minh phiền não, tất nhiên, là còn có tướng sanh diệt, tới lui, đến đi. Luận về phương diện nầy, chúng tôi xin được y cứ vào Kinh điển Phật Tổ chỉ dạy để nêu ra ba luận cứ để chứng minh.
1. Y cứ vào luật nhân quả:
Căn cứ theo luật nhân quả, hễ chúng ta gây tạo nhân nào thì sẽ gặt hái quả đó. Nếu như hiện đời chúng ta chuyên gây tạo nghiệp lành, thì sau khi chết tất nhiên là chúng ta sẽ thác sanh về cảnh giới lành. Kinh Pháp Cú Phật dạy:
Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị.
Nghĩa là:
Nếu muốn biết cái nhân đời trước của mình đã gây tạo như thế nào, thì hãy xem cái quả báo hiện tại mà mình đang mang đây. Nếu muốn biết cái quả báo đời sau của mình như thế nào, thì chúng ta hãy nhìn kỹ lại cái nhân hiện tại mà mình đang gây tạo. Như vậy, nếu hiện tại mình làm điều lành như bố thí, cúng dường, ăn chay, giữ giới, niệm Phật v.v… thì chắc chắn đời sau mình sẽ hưởng quả báo tốt đẹp.
Xin tạm nêu ra đây hai thí dụ cụ thể để Phật tử hiểu rõ hơn. Thí như anh B chuyên đam mê cờ bạc, hằng ngày anh ta thường hay đi vào casino để đánh bài. Đó là vì anh ta nghiện cờ bạc quá nặng. Khi không thấy anh ấy ở trong nhà, nếu muốn biết hắn ở đâu, thì cứ đi vào sòng bạc là sẽ gặp anh ta ngay. Sòng bạc là “quả ”, dụ cho cảnh giới mà anh B sẽ đến. Nghiện cờ bạc là “nhân”. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết.
Một ví dụ khác, như có một Phật tử thường xuyên tới chùa tu học làm công quả hằng ngày, đó là nghiệp nặng đi chùa. Tất nhiên đây là nghiệp lành. Hành động thường tới lui chùa, đó là cực trọng nghiệp. Ngày nào không đi là không được. Chùa là dụ cho cảnh giới lành mà người Phật tử đến. Vắng nhà là dụ cho sau khi chết. Qua hai thí dụ đó, chúng ta thấy hướng tái sanh của người khi hiện đời tạo nghiệp lành hoặc dữ mà có sự thọ sanh khác nhau.
Tổ Qui Sơn có dạy: “Như nhơn phụ trái, cường giả tiên khiên”. Nghĩa là như người mắc nợ, ai mạnh thì đòi trước. Nghiệp nào mạnh thì sẽ lôi chúng ta đi trước để trả quả báo mà hiện đời chúng ta đã gây tạo. Thế thì, muốn biết đời sau mình tái sanh về cảnh giới nào, thì hãy cứ nhìn kỹ lại cái nghiệp nhân mà hiện đời mình đang gây tạo đây. Nếu đã gây nghiệp nhân ác mà muốn sanh về cảnh giới lành, thì điều đó là một nghịch lý, trái với luật nhân quả và sẽ không bao giờ có. Tuy nhiên, vấn đề nầy, còn tùy thuộc vào Cận tử nghiệp, tức cái nghiệp gần sắp chết. Nếu cả đời mình tu tạo nhân lành ( tích lũy nghiệp) mà đến giờ phút hấp hối sắp lâm chung, bỗng khởi một niệm ác, thì khi nhắm mắt, tất nhiên là chúng ta phải theo niệm ác đó mà chiêu cảm quả báo. Tuy rằng, sự trả quả báo của cận tử nghiệp thời gian không lâu lắm. Cuối cùng, cũng phải trở về với tích lũy nghiệp. Như vậy, cái tích lũy nghiệp không bao giờ mất.
2. Y cứ vào những thụy ứng:
Nếu y cứ vào những hiện tượng thụy ứng, chúng ta cũng có thể biết được người đó được vãng sanh về cảnh giới lành. Hiện tượng nầy, sách sử đã ghi lại có rất nhiều người tu theo Tịnh môn niệm Phật, khi lâm chung đã để lại thụy ứng (điềm lành gọi là xá lợi ) vãng sanh. Nếu Phật tử muốn biết rõ, xin đọc Mấy Điệu Sen Thanh do cố Hòa Thượng Thích Thiền Tâm biên soạn, sách gồm có hai tập: I và II, xuất bản ấn tống tại Sydney – Úc Châu, năm 1994. Và quyển Những Chuyện niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi, xuất bản năm 2000 tại Hoa Kỳ, do cư sĩ Tịnh Hải sưu tầm.
3. Y cứ qua kinh nghiệm của các bậc Cổ Đức:
Theo kinh nghiệm của Cổ Đức chỉ dạy, khi người mới chết trong vòng vài tiếng đồng hồ trở lại, muốn biết họ thác sanh về cảnh giới nào, thì người nhà có thể lấy tay sờ vào những nơi ứng nghiệm như sau:
Nếu toàn thân lạnh hết mà chỉ có trên đảnh đầu còn nóng, thì biết rằng người đó sẽ sanh về cảnh giới Phật. Còn như nóng ở nơi con mắt, thì biết người đó sẽ sanh về cõi trời. Nóng ở ngực, thì sanh lại cõi người. Nóng ở bụng, thì sanh về ngạ quỷ. Nóng ở đầu gối, thì sanh vào loài súc sanh. Nóng ở dưới lòng bàn chân, thì sẽ sanh vào địa ngục. Do sự ứng nghiệm đó, nên Cổ Đức có làm bài kệ tóm tắt cho chúng ta dễ nhớ :
Đảnh Thánh nhãn sanh thiên
Nhơn tâm ngạ quỷ phúc
Bàng sanh tất cái ly
Địa ngục khước môn xuất.
Tạm dịch:
Thánh đầu, trời tại mắt
Người tim, ngạ quỷ bụng
Súc sanh hai chân xuống
Địa ngục bàn chân ra.
Đoạn phim ngắn nhưng rất hay, nói lên ý nghĩa vô cùng lớn lao về lục hòa. Lục-hòa nói đủ là lục-hòa-kính nghĩa là sáu điều hòa đồng ái kính của chư Tăng-Ni và Phật tử trong các sơn môn hoặc trong các khóa tu học. Đạo hay đời, bề ngoài đối với điều lành của tha nhân thì hòa thuận, bề trong thì tự mình khiêm cung, đó là kính.
Lục hòa gồm sáu điều hòa kính sau :
1 / Giới hòa đồng tu, hay đồng giới hòa kính lẫn nhau.
2 / Kiến hòa đồng giải, hay đồng kiến hòa kính lẫn nhau.
3 / Lợi hòa đồng quân, hay đồng lợi hòa kính lẫn nhau.
4 / Thân hòa đồng trụ, hay thân từ hòa kính lẫn nhau.
5 / Khẩu hòa vô tranh, hay khẩu từ hòa kính lẫn nhau.
6 / Ý hòa đồng duyệt, hay ý từ hòa kính lẫn nhau.
Nói rộng thêm :
1 / Xuất gia hay phật tử tại gia cùng giới pháp đã thọ đang tu học hoặc hành sự các nơi nên hòa thuận, ái kính lẫn nhau.
2 / Tôn thờ và thi hành giáo pháp của Đức Thế Tôn: căn cơ có cao thấp nhưng giáo pháp chỉ có một như đám mưa. Vậy nhơn đây dùng kiến thức hòa nhau làm lợi lạc quần sanh.
3 / Sống trong bối cảnh môi trường tu học cần nên san sẽ đồ mặc, đồ ăn, phòng thất, giường nệm, thuốc thang, thời buổi hiện nay ngay cả tịnh tài. Tất cả đều được chung hưởng một cách hòa thuận, ái kính lẫn nhau.
4 / Sống trong hành hoạt đông đảo ở một nơi mà ăn ở và tu học chổ chật vì đông. Vậy nên cần phải từ hòa và kính nhường lẫn nhau trong mọi cử động như đi đứng ngồi nằm.
5 / Sống trong sơn môn, chùa, tu viện, thiền viện , đạo tràng, tịnh thất, sơn cốc… hay một nơi sinh hoạt Phật sự đông người. Cần phải nhường nhịn nhau trong lời ăn tiếng nói, nhờ đó mà được niềm hòa ái kính nhau.
6 / Mọi thành viên chung đụng nhau một cách hòa lạc, nói năng một cách hòa ái và rất cần thiết về ý tứ hòa thuận lẫn nhau, vui buồn cùng chia sớt nhau, yêu mến nhau, không làm phật lòng nhau.
Cộng đồng lớn như cộng đồng Phật giáo mà thiếu lục hòa, thì đừng nói chi gọi là đại diện năm châu, hay thượng thủ thế giới nghe thì kêu. Nhưng thật chất chấp ngã còn quá to thử nghĩ có phải trái hẳn lại thâm ý của giáo lý Phật đà chăng, thì Phật sự biến thành ma sự mất rồi ư. Mô Phật !
Vậy chúng ta xuất gia hay cư sĩ tại gia can đảm dù đơn độc áp dụng lục hòa đúng pháp cho mọi nơi tu học, để tạo nhân duyên hài hòa, ái kính nơi thế gian đau khổ này mà trang nghiêm uế độ trở thành Tịnh độ trần gian.
Các Phúc Đáp Gần Đây