Về Đâu Khi Giông Bão?

Về Đâu Khi Giông Bão“Về đâu, khi giông bão?” Có ai còn thực sự đứng giữa trời giông bão mà lầm thầm tự hỏi câu này không? Chắc chắn là không rồi.

Mưa, mà đang ở ngoài sân thì sẽ chạy ngay vào nhà, đang ở ngoài đường thì tìm ngay mái hiên, hàng quán nào mà núp. Bão, thì dời ngay tới nơi khác, an toàn.

Với giông bão bên ngoài, không cần phải suy nghĩ, chắc ai cũng nhanh nhẹn, cũng thông minh mà hành động như thế. Nhưng lạ thay, với những cơn bão trong tâm hồn, sao chúng ta lại thường làm ngược lại? nghĩa là, thay vì núp mưa, tránh bão thì lại lao thẳng vào mưa bão cho thân thể tả tơi, bầm dập?

Trong sinh hoạt đời thường, những bất toại ý, những bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm thường đưa tới lộng ngữ; và khi đã mất tự chủ, mất ái ngữ thì cơn cuồng nộ dễ dàng bật lên như giông bão. Rồi khi cơn bão tâm linh bùng lên, chúng ta thường lao vào bão qua những ngọn gió đen của bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm đó. Ta cứ điên cuồng xoáy vào những lời, những việc mà kẻ kia đã làm ta đau khổ, buồn giận. Ta cứ gầm thét với chính ta “Sao lại đối với tôi như thế? Sao lại nói với tôi như thế? Sao lại phỉ báng, khinh khi tôi như thế? Sao lại … Sao lại ….” Thái độ đó chính là bão vừa nổi, ta lập tức lao ngay vào trung tâm cơn bão.

Làm sao mà ta chẳng bị nhận chìm, chẳng tả tơi, bầm dập? Sao ta không tìm nơi trú ẩn cơn bão tâm linh, như vẫn thường nhanh nhẹn và thông minh trốn cơn giông bão của trời đất? “Về đâu, khi giông bão?” chính là câu hỏi cho cơn bão tâm linh.

Kinh nghiệm, sách vở cũng như lời giảng dạy của các bậc minh sư, của thiện hữu tri thức vẫn nhắc nhở, nhưng có lẽ chúng ta chưa thực tập đủ nên khi hữu sự thì cái tâm sân hận lại kéo ta vào ngay cơn bão đang sẵn cuồng nộ, ngả nghiêng, tuy chúng ta đều đã biết, đáng lẽ phải lập tức quay về với hơi thở chánh niệm.

Chỉ chú tâm vào hơi thở, không gì khác nữa. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Hãy theo dõi bước đi của hơi thở để thấy khi ta thở vào, bụng ta phồng lên, khi ta thở ra, bụng ta xẹp xuống. Hãy theo dõi bụng và hơi thở như theo dõi con ếch bên bờ giếng. Ta “nhìn” được hơi thở của con ếch mà ít khi chịu nhìn hơi thở của chính ta. Chỉ hụt mất một vài hơi, liệu ta còn đó để mà giận, mà hờn hay không?

Hơi thở quan trọng như thế nên các bậc thầy thường dùng nó để dẫn dắt chúng ta trở về chánh niệm.

Nhưng Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã biết, chúng sinh trong cõi ta-bà này vô minh và cường nghạnh lắm. Hoặc không biết cách tránh, hoặc biết mà không tin, cho rằng chỉ làm cho thỏa lòng là đúng nhất. Chính vì thế mà phương pháp tìm nơi trú ẩn khi bão tới, rất đơn giản, nhưng chốn ta-bà càng lúc càng tơi tả cuồng phong.

Riêng kẻ vô minh là tôi, ngoài hơi thở, vừa tìm thêm cho mình một khí giới nữa để đóng tất cả cửa ngõ lục căn khi giông bão ập tới. Đó là, lập tức niệm 4 tiếng “A Di Đà Phật”. Không cần biết phải trái, đúng sai gì, khi thấy cơn buồn giận nổi lên, hãy đóng ngay lục căn bằng tiếng niệm “A Di Đà Phật”.

Tất nhiên, trong khi niệm, ta vẫn đang thở, nhưng tiếng niệm Phật trong lúc cấp bách đó có sức mạnh vũ bão của thanh gươm bén lóe lên, may ra mới kịp chặn đứng giông bão. Khi lục căn đã đóng, gió mưa không thổi tốc được vào nhà, trong khi tiếng niệm Phật còn âm vang, có nghĩa là ta đã vào trú được nơi an toàn. Tiếp tục niệm Phật để mưa tạnh, gió yên, khi ấy, hãy về với hơi thở đã điều hòa để quán chiếu những gì làm ta buồn, ta giận, cũng chưa muộn.

Lúc đó hãy phán đoán phải trái, đúng sai.

Tới đây, ta đã làm chủ được ta, ta đã đẩy xa cơn bão, ta phải biết mỉm cười vì cơn bão hung hãn kia đã không quật ngã được ta. Phải biết mỉm cười với mình trong ý nghĩ “Cơn bão nào rồi cũng qua!”

Với ý nghĩ đó, mọi sự phải trái, đúng sai đều không đáng kể vì mọi sự ấy cũng như cơn bão thôi. Sẽ qua hết, trừ BẢN LAI vì:

“Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai” (*)

Bản chất đích thực của Bản Lai vốn trong suốt, tưởng như chẳng là gì, thì lấy chỗ đâu cho bụi bám?

Vạn pháp quy KHÔNG.

Chỉ một câu niệm Phật đủ đưa ta về an trú trong chánh niệm.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Như-Thị-Am, Đinh Hợi
DIỆU TRÂN

Vài Nét Về Pháp Môn Tịnh Độ & Hành Trì Tại VN

Vài Nét Về Pháp Môn Tịnh Độ & Hành Trì Tại VNSau khi Phật niết bàn, những lời dạy của Ngài đã được các vị thánh đệ tử kết tập lại thành ba tạng kinh điển, trong đó triển khai tám vạn bốn ngàn pháp môn tu tập, khai mở cho chúng sanh con đường dứt trừ vọng tưởng, thê nhập chân như. Một trong vô số pháp môn tu tập, với sự hành trì rất đơn giản nhưng thành tựu nhiệm mầu, đó là pháp môn Tịnh độ.

Pháp môn Tịnh độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa, đây là tông phái siêu việt được các bậc cổ đức liệt vào tông phái Đại thừa viên đốn. Nói Đại thừa bởi tông này lấy tâm bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Nói Viên bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu bốn giáo trước (Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo, Đại thừa đốn giáo). Nói Đốn bởi tông này không luận bàn về pháp tướng, mà chỉ chuyên ròng về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển (A bệ bạt trí). Đây quả thật là điểm siêu xuất của tông Tịnh độ.

Giáo nghĩa Tịnh độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy, đó là Phật thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và một bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế Thân.

Nơi Tinh xá Kỳ viên thuộc nước Xá Vệ, Đức Thế Tôn tuyên thuyết kinh A Di Đà. Ngài tóm lược giới thiệu vị giáo chủ và y báo trang nghiêm của thế giới Cực lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới đó, bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật. Ở núi Kỳ Xà Quật thuộc thành Vương Xá, Ngài tuyên thuyết kinh Vô lượng thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân Phật A Di Đà), trong khi tu nhân đã đối trước Đức Thế Tự Tại vương Như Lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả, để trang nghiêm Phật độ, nhiếp hóa quần sanh; kế đó nói về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh sanh tâm khát ngưỡng phát nguyện sanh về.

Tại vương cung Tần Bà Sa La thuộc thành Vương Xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi Đề Hy, Ngài tuyên thuyết kinh Quán vô lượng thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm nhân tố cầu sanh Tịnh độ, đây là những pháp quán rất tinh vi và sâu thẳm. Sau này Bồ tát Thế Thân nương vào kinh Vô lượng thọ tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của Cực lạc và xiển dương pháp tu Ngũ niệm môn (lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng và hồi hướng) làm nhân tố cầu sanh. Ngoài ba kinh và một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích…, Đại Trí Độ, Đại Tỳ Bà Sa… cung đều tán thán và đề cao tư tưởng cầu sanh Tịnh độ Phật A Di Đà.

Khi Phật giáo mới truyền sang Trung Hoa, pháp môn Tịnh độ đã sớm hòa nhập vào dòng tư tưởng của người bản xứ. Trung Hoa quả thật là một mảnh đất màu mỡ, để tông Tịnh độ đâm chồi nảy lộc. Sau Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, kế tiếp có các đại sư từ Ấn Độ sang, phụng sắc chỉ dịch các bộ kinh từ chữ Phạn sang Hán, kinh sách Tịnh độ cũng được theo đó mà truyền vào.

Thời Đông Tấn (317- 419), Pháp sư Đạo An (312- 385) đã làm sách luận về Tịnh độ, mở trường pháp phái nêu rõ chánh tông, phát huy những điểm đặc sắc của Tịnh độ. Dưới thời Tào Ngụy (220-280), Ngài Khang Tăng Khải (đến Trung Quốc năm 252) dịch kinh Vô Lượng Thọ. Đời Dao Tần (còn gọi Hậu Tần 354-417), bậc dịch kinh nổi tiếng Cưu Ma La Thập (344- 413), phụng dịch Phật thuyết A Di Đà kinh. Thời Lưu Tống (năm 420), Ngài Cương Lương Da Xá (383- 420) dịch Quán Vô Lượng Tho kinh. Từ đó, giáo nghĩa tông Tịnh độ đã hoàn bị. Vào đầu thế kỷ thứ năm, hệ tư tưởng hình thành tông phái tín ngưỡng Di Đà giáo đã chính thức khai nguyên; bậc cao Tăng được đăng quang lên ngôi vị khai tổ là đại sư Huệ Viễn (344- 415) ở chùa Đông Lâm Lô Sơn, lừng danh với hội Bạch Liên Xã mà âm hưởng còn vang vọng đến ngày nay.

Sau đó vào thời Tuyên Đế – Bắc Ngụy (500- 512), pháp sư Bồ Đề Lưu Chi (sang Trung Hoa vào năm 508) dịch bộ Tịnh độ vãng sanh luân của Bồ tát Thế Thân, là bộ luận căn bản, đến đây hệ thống giáo nghĩa của tông Tịnh độ đã hoàn thành.

Pháp môn Tịnh độ còn gọi là pháp môn niệm Phật. Ý nghĩa niệm Phật là đem tâm thanh tịnh mà tưởng nhớ đến công đức mầu nhiệm và thân tướng trang nghiêm của Phật. Chữ Niệm ở đây là một tâm sở trong năm biệt cảnh tâm sở, ý nghĩa của nó là nhớ nghĩ vào hiện tại, buộc tâm vào một đối tượng không rong ruổi theo niệm trần, nhưng niệm này không hê lụy vào một cảnh giới nào mà thông suốt ba đời, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Chữ Phật là chỉ cho bản thể bất sanh bất diệt, cái chân như thật tánh bình đẳng ở nơi chư Phật và chúng sanh. Hành giả niệm Phât là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật.

Do đức lập, nhờ danh chiêu cảm đức. Lấy danh hiệu làm cảnh sở niệm, tâm thanh tịnh làm đối tượng năng niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật. Hành giả thường trụ vào câu Phật hiệu hay quán tưởng thân tướng trang nghiêm của Phật, với tâm thanh tịnh sẽ tạo thành một năng lực tuyệt đối nhiệm mầu, quét sạch mọi vọng tưởng điên đảo, khơi dậy tự tánh Di Đà bên trong của mỗi chúng sanh. Từ đây vọng tưởng quyết dứt trừ, cảnh giới an vui lặng mầu sẽ hiển lộ, như trong Quán vô lượng thọ kinh có dạy: “Chư Phật Như lai là thân pháp giới, vào trong tâm tưởng chúng sanh, cho nên tâm các người tưởng Phật thì tâm ấy là ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, tâm ấy làm Phật tâm ấy là Phật. Biển chánh biến tri của Phật từ nơi tâm tưởng mà sanh, vì thế các ông phải nhớ nghĩ và quán tưởng kỹ thân của Đức Phật kia”.

Lập trường căn bản của tông Tịnh độ được kiến lập trên nền tảng của nhân quả, tức có gây nhân mới mong hưởng quả. Điều này xác quyết, hành giả nếu muốn mai hậu làm thánh chúng cảnh giới Cực lạc thì ngày hôm nay phải có tư cách của bậc thánh. Vì vậy, trong cuộc sống hiện tại, hành giả cần phải thường xuyên cải hóa ba nghiệp thân khẩu ý hướng đến chiều hướng thanh tịnh. Ví như học trò trong việc học tập phải có sự tiến bộ, từ lớp nhỏ tiến dần đến lớp lớn, có như vậy mới mong có ngày thành tài đỗ đạt. Người niệm Phật cũng thế, nếu hôm nay cứ sống trong sự buông thả, không chịu nỗ lực tinh tấn tu hành, mà cứ van xin và tin rằng ngày mai Phật sẽ cứu độ; nếu tin như thế thì thật trái với lý nhân quả, chẳng khác nào luận thuyết của ngoại đạo và hoàn toàn không phù hợp với giáo lý nhà Phât.

Vẫn biết, pháp môn Tịnh độ là pháp phương tiện siêu thắng, cho dù đến bậc Bồ tát Đẳng giác còn chưa thấu triệt rốt ráo, và nguyện lực tối thâm của Phật A Di Đà thật là vô tận, hàm nhiếp tất cả nguyện lực của mười phương ba đời chư Phật. Đối với nghiệp lực của phàm phu, ngay cả đến các bậc Sơ địa Bồ tát, nếu không nương vào oai lực tiếp độ của Phật, chỉ nương vào sức tự lực tu hành của mình cũng không thể vãng sanh. Nhưng tha lực đó chỉ thành tựu trên cơ sở hành giả phải có sức tự lực. Ví như người mẹ luôn nghĩ đến con, nhưng người con không nghĩ đến mẹ, thì dầu mẹ có thương con cũng đành cam chịu không thể cứu được. Tha lực của Đức Phật cũng thế, mặc dầu vô song, nhưng điều quan trọng ở điểm là hành giả có hội đủ tư cách tu trì, có chân thành tiếp nhận sự cứu độ đó hay không. Có rất nhiều người tu Tịnh độ, không nhận ra được lý này, rồi quan niệm Đức Phật như một đấng thân linh luôn ban ân cứu rỗi, và cảnh giới Cực lạc chẳng khác nào thiên quốc của thần giáo. Để rồi từ đó có lắm kẻ thiển cận cho rằng pháp tu Tịnh độ là pháp của ngoại đạo mê tín dị đoan, hoặc là hành môn của hạng hạ căn. Đây quả thật là những ngộ nhận sai lầm đáng tiếc đã xảy ra.

Tóm lại, người niệm Phật muốn vãng sanh Tịnh độ, ngoài lực hộ trì và tiếp dẫn của Phật, cần phải có sức tự lực tu tập, tức phải có chánh nhân Tịnh độ. Theo kinh Quán Vô lượng thọ, hành giả muốn được vãng sanh Tịnh độ phải hội đủ ba điều kiện: “Một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, giữ lòng từ không sát hại, tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì ba pháp quy y, đầy đủ các giới không phạm oai nghi. Ba là phát Bồ Đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên người khác cùng tu”. Ba điều trên đây gọi là chánh nhân Tịnh độ. Ba điều này có thể tóm thâu vào hai việc, một là phát Bồ Đề tâm, hai là nghiêm trì tịnh giới.

Việc đầu tiên của người niệm Phật là phát Bồ Đề tâm. Thế nào là phát Bồ Đề tâm? Tức phát tâm trên mong cầu quả vị Phật, dưới mong hóa độ các loài chúng sanh. Người tu Phật nếu không phát Bồ Đề tâm, dẫu có tinh tấn thực hành các hạnh lành cũng chỉ là nhọc công vô ích. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Vong thất Bồ Đề Tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” (Quên mất tâm Bồ Đề, dẫu tu các hạnh lành, cũng đều là nghiệp ma). Vì vậy, hành giả muốn thành tựu ước nguyện vãng sanh, thì trước hết phải phát tâm Bồ Đề mà niệm. Đây là điểm vô cùng quan trọng không thể thiếu đối với người tu Phật nói chung và người tu Tịnh độ nói riêng.
Điều cần thiết thứ hai của người niệm Phật là nghiêm trì tịnh giới. Tức mỗi người tùy theo giới luật bản thân đã thọ mà hành trì. Bởi vì bất kỳ tông phái nào trong đạo Phật cũng không thể ly khai tinh thần giới luật, vì giới là nền tảng nhập đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định huệ cũng không từ đâu phát sanh. Giới định tuệ đã không phát sanh thì Pháp thân huệ mạng biết nương đâu thành tựu.

Lại đối với tông Tịnh độ, việc giữ giới lại càng thiết yếu, chúng ta có thể nói Luật tông và Tịnh độ tông là hai tông phái hỗ tương bao trùm và không thể tách rời nhau. Hai tông này tóm thâu toàn bộ tám tông khác của Đại thừa, như đại sư Thái Hư nói: “Luật là nền tảng của tam thừa, Tịnh độ là mái che chung tam thừa”. Hành giả nghiêm trì giới luật, từ đó câu niệm Phật mới hiển lộ hết công năng mầu nhiệm, như trong kinh Quán Vô lượng thọ có dạy: “Một câu niệm Phật, có thể tiêu trừ tám mươi vạn ức kiếp sanh tử trọng tội”.

Trên nền tảng của việc phát Bồ Đề tâm và nghiêm trì tịnh giới, hành giả phát tâm khát ngưỡng cầu sanh Tịnh độ. Tâm cầu sanh Tịnh độ này phải hội đủ ba đức tính quyết định là tín sâu, nguyện thiết và hạnh chuyên.

Tín là đức tin, là yếu môn để nhập đạo, là cội nguồn của mọi công đức. Người tu Phật thiếu mất yếu tố này sẽ không thoát ly sanh tử, đạt kết quả an vui giải thoát. Bởi tất cả công đức vô lậu đều nương nơi tín lập và do tín mà thành, như trong Khế kinh có dạy: “Phật pháp như biển cả do tín mà vào”. Hành giả niệm Phật ngoài việc có đức tin trong sạch tuyệt đối với Tam bảo, với sự tìm hiểu bằng kiến chiếu của trí tuệ Bát nhã kiên định không ngờ vực, trên nền tảng đó gia thêm lòng tin kiên cố vào pháp môn niệm Phật. Đức tin này được dựng lập trên ba điểm.

Thứ nhất hành giả tin tưởng Đức Phật Thích Ca là bậc đã thân chứng cảnh giới Tịnh độ, những lời dạy của Ngài về cảnh giới Cực lạc và khuyên chúng sanh phát nguyện cầu sanh là có thật. Hai là tin Đức Phật A Di Đà với bốn mươi tám đại nguyện vĩ đại tiếp độ chúng sanh, nếu ai có tâm mong về thế giới của Ngài thì người ấy sẽ được Phật tiếp độ. Ba là tin vào tự tánh thanh tịnh, vào khả năng sẵn có của mình, nếu hiện đời phát tâm niệm Phật thì mai hậu quyết định sẽ được vãng sanh Tịnh độ.

Trên cơ sở của tín, hành giả cầu sanh Tịnh độ cần phải có đủ yếu tố thứ hai là Khẩn thiết phát nguyện. Trong “Phát Bồ Đề tâm văn” của đại sư Tĩnh Am có dạy: “Nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ lập nguyện cư tiên. Nguyện lập tắc chúng sanh khả độ, tâm phát tắc Phật đạo kham thành” (Cửa yếu vào đạo lấy sự phát tâm làm trước, việc cấp thiết tu hành lấy lập nguyện làm đầu, nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm co phát thì Phật đạo mới thành). Lời dạy của Tổ sư đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự phát nguyện đối với việc tu hành như thế nào.

Tâm nguyện cầu sanh Tây phương theo Thiên Thai Trí Giả đại sư gồm hai điều là yêm ly và hân nguyện. Tâm yểm ly là tâm chán lìa. Hành giả phải luôn ý niệm sắc thân này vốn là hư tưởng, chỉ là sự tổ hợp của năm uẩn luôn nhuốm màu khổ đau và bất tịnh. Thân phận con người so với chư thiên chẳng khác nào bây dòi chen chúc trong hầm phẩn. Mọi phiền não cuộc đời luôn cấu xé tâm can, chúng như những mũi tên độc găm vào da thịt như những trận tra tấn cực hình. Nhờ thường xuyên quán sát như thế, hành giả sanh tâm nhàm chán, đối với thân xác và mọi thú vui dục lạc ở đời sẽ không sanh tâm đắm nhiễm.

Tâm chán bỏ thế giới Ta bà càng lớn thì chí nguyện cầu sanh càng mạnh. Người niệm Phật trước sau chỉ có một ước nguyện duy nhất là mong cầu sớm thoát khoi lao tù Ta bà hiện tại, nguyện thác sanh về Cực lạc ngày mai. Tâm tha thiết cầu sanh đó ngàn trâu kéo không lại. Chẳng khác nào như kẻ tha phương trông ngóng cố hương, người xa cha mẹ mong ngày đoàn tụ, như trong Di Đà sớ sao có câu: “Trông về Cực lạc như nhớ cố hương, ngưỡng mến đức Từ tôn như cha mẹ”.
Tín nguyện đã đầy đủ nhưng thiếu phần Hạnh, người tu Tịnh độ cũng khó thành tựu, vì vậy cần phải chú trọng vấn đề hành trì. Đại sư Ngẫu Ích tưng dạy: “Được vãng sanh hay không cũng đều do ở tín và nguyện; phẩm vị cao hay thấp là bởi ở chỗ hành trì có cạn hoặc sâu”.

Tín và Nguyện đã có, tức đã chuẩn bị tư lương, nhưng muốn đạt mục đích, hành giả cần phải thực hiên các sự nghiệp phước đức và trí tuệ. Đây là món tư lương thứ ba của người tu niệm Phật. Ngoài việc tu tạo phước đức trí tuệ và giữ gìn giới luật làm trợ hạnh vãng sanh, hành giả phải thực hành chánh hạnh. Chánh hạnh ơ đây là phát tâm thanh tịnh thường trì thánh hiệu Phật. Theo pháp môn Tịnh độ thì việc niệm Phật bao gồm bốn môn là Thật tướng niệm Phật, Quán tưởng niệm Phật, Quán tượng niệm Phật và Trì danh niệm Phật.

Thật tướng niệm Phât là thể nhập vào đệ nhất nghĩa đế niệm tánh Phật bản lai của mình. Bản thể xưa nay vốn thanh tịnh vắng lặng không bị phiền não cấu nhiễm. Hành giả trụ tâm vào tánh Phật bản lai đó, khiến tâm không vọng động, không chạy theo niệm trần, tâm lần hồi trong sáng thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.

Quán tưởng niệm Phật là hành giả quán tưởng Chánh báo và Y báo trang nghiêm của Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc, cho đến khi mở mắt hay nhắm măt, cũng đều thấy cảnh giới Cực lạc rõ ràng.

Quán tượng niệm Phật là người tu luôn nhiếp tâm vào hình tượng của Phật A Di Đà, cho đến khi có đối trước hay không đối trước tượng, hình tướng oai nghiêm của Phật A Di Đà vẫn hiện ra trước mắt.

Sau cùng là trì danh niệm Phật, đó là niệm thầm hay niệm ra tiếng bốn chữ hay sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”. Hành giả niệm Phật với tâm tha thiết chí thành không xen lẫn tạp niệm, chỉ chú tâm vào danh hiệu Phật lần hồi sẽ thể nhập vào cảnh giới nhất tâm.

So với ba môn trước thì pháp trì danh niệm Phật có phần giản dị dễ tu và dễ thành tựu. Đây quả thật là phương tiện thù thắng trong các phương tiện, là đường tắt tu hành trong mọi đường tắt, như trong Di Đà sớ sao có câu: “Ví như chim hạc tung mình đâu bằng đại bàng cất cánh, ngựa ký ruỗi vó đâu bằng rồng chúa tung bay”.

Bởi do căn tánh của chúng sanh có thiên sai vạn biệt, nên pháp trì danh được các bậc cổ đức chia thành nhiều cách, như Ký thập trì danh; Phản văn trì danh; Sổ châu trì danh; Tùy tức trì danh; Truy đảnh trì danh; Giác chiếu trì danh; Lễ bái trì danh; Liên hoa trì danh; Quang trung trì danh và Quán Phật trì danh. Trong đó có thể nói pháp Ký thập trì danh là pháp tu rất dễ thành tựu, dễ đưa hành giả chứng đắc Niệm Phật tam muội.

Sanh tiền, đại sư Ấn Quang thường khuyên các liên hữu nên ứng dụng cách thức này, đó là cách niệm ký số, cứ mười câu làm một đơn vị, người hơi dài có thể niệm thành hai lượt, một lượt năm câu, người hơi ngắn có thể chia thành ba lượt, hai lượt đầu ba câu và lượt sau bốn câu. Sau khi niệm đủ mười câu, thì đếm một vài lần cho đến khi được một trăm, tức niệm được một ngàn. Cứ như thế lại đếm từ đầu là một lại, từ đó có thể biết một ngày niệm được bao nhiêu vạn. Niệm theo lối này tâm đã niệm Phật lại còn ghi nhớ số. Như vậy dù không chuyên cũng bắt buộc chuyên, nếu không chuyên thì sẽ bị sai lạc số mục. Cho nên pháp này là một phương tiện cưỡng bức giúp cho hành giả chuyên tâm, rất có công hiệu và đưa đến thành tựu cho người niệm Phật một cách nhiệm mầu.

Ngoai ra, vấn đề quan trọng của pháp niệm Phật là trong khi niệm phải giữ tâm thanh tịnh, bởi tâm thanh tịnh là nhân tố quyết định cho việc thành tựu cảnh giới nhất tâm. Muốn đạt được điều này cũng theo tổ sư Ấn Quang: “Khi hành giả đề khởi câu Phật hiệu, tai phải nghe rõ ràng từng chữ, tâm phải trụ vào câu Phật hiệu, không chạy theo vọng trần và nhiếp tâm liên tục hành giả sẽ tiến sâu vào cảnh giới chánh định”. Theo đại sư Liễu Nhất: “Khi tâm chuyên chú vào câu Phật hiệu, quên cả thân tâm ngoại cảnh, tuyệt cả không gian thời gian, đến lúc sức lực công thuần ngay cả nơi niệm trần mà vọng hoặc tiêu tan, tâm thể bừng sáng, hành giả có thể chứng được niệm Phật tam muội”.

Qua những điểm trình bày sơ lược về ba yếu tô Tín, Nguyện, Hạnh của pháp môn niệm Phật, chúng ta thấy pháp môn này có phần đơn giản dễ thực hành mà kết quả lại cao tuyệt. Môn này quả thật là pháp môn siêu tuyệt, là thuyên từ ra khỏi Ta bà, là cửa mầu để vào Phật đạo: “Xuất Ta bà chi bảo phiệt, thành Phật đạo chi huyền môn”. Sự dễ tu dễ chứng so với các pháp môn khác được các bậc cổ đức đánh giá: “Tu các pháp môn khác, như con kiến bò dọc theo ống tre, hành trì môn Tịnh độ như con kiến đục thủng ống tre ra ngoài”.

Phải chăng, pháp môn Tịnh độ là pháp môn duy nhất trong thời mạt pháp, để cho chúng sanh y cứ tu tập thoát ly sanh tử luân hồi; như trong kinh Đại tập nguyệt tạng, Đức Phật có dạy: “Mạt pháp ức ức nhân tu hành, hãn nhất đắc đạo, duy y niệm Phật đắc độ sanh tử” (Thời mạt pháp vạn vạn người tu hành, song ít có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật mà khỏi thoát luân hồi). Đó có phải là mật ý vi diệu, là tình thương bao la của bậc có trí tuệ bất tận đối với chúng sanh căn cơ hèn kém, như trong kinh Vô lượng thọ nói: “Đương lai chi thế, kinh đạo diệt tận, ngã dữ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chi trụ bách tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện, giai khả đắc độ” (Trong đời tương lai, khi kinh đạo diệt hết, Ta dùng sức từ bi thương xót, riêng lưu trụ kinh này một trăm năm. Chúng sanh nao gặp, tùy theo sở nguyện, đều có thể đắc độ).

Vì tính cách khế lý khế cơ ấy mà từ trước đến nay không biết bao nhiêu người niệm Phật được kết quả vãng sanh. Sự mầu nhiệm đó như rồng bay phượng múa, ngọc chạm vàng khua mà trong “Tịnh độ thánh hiền lục” đã ghi lại rõ ràng. Pháp môn này lại bao quát cả ba căn, trên từ các bậc Đẳng giác Bồ tát, các bậc Đại đức cao tăng, dưới cho đến những kẻ cùng hung cực ác, nhẫn đến những loài súc sanh như nhồng, sáo, uyên ương, se sẻ… cũng nhờ trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà được thoát ly thân cầm thú sanh về cảnh giới Tịnh độ.

Trải qua bao thế hệ thăng trầm của dòng thời gian biến đổi, các tông phái khác có nguy cơ bị hoại diệt hoặc trở thành một triết lý hỗ tương. Riêng tông Tịnh độ có tính cách thiết thực, đã ngày càng đứng vững và phổ cập, trở thành một trong hai tông phái tu tập căn bản của Phật giáo Đại thừa là Thiền tông và Tịnh độ tông. Có thể nói đây là hai tông phái bao trùm toàn bộ tinh hoa, đường lối tu tập của Phật giáo Đại thừa.

Với sự tán dương truyền thừa tông Tịnh độ, từ trước đến nay đã có biết bao vị cao tăng thạc đức, các bậc văn nhân chí sĩ… đã làm các sớ giải, các luận văn, làm truyện, làm kệ, làm thi, làm phú… để khen ngợi và xiển dương tông phái này.

Ngoài ra, các bậc cao đức, chuyên tu tịnh nghiệp, cầu sanh Tây phương số lượng không sao kể xiết, như Ngài Bách Trượng Hoài Hải với bản Bách trượng thanh quy làm quy củ cho Thiền tông, cũng không ngoài ý nghĩa quy túc Tịnh độ. Các Tổ bên Thiền tông như Vĩnh Minh Diên Thọ; Thiên Như Duy Tắc; Thiên Thai Hoài Ngọc… Bên Luật tông như các Ngài Nguyên Chiếu; Hoài Tố… Bên Tam luận tông như các Ngài Cát Tạng; Đạo Lãng… Bên Duy thức tông như các Ngài Khuy Cơ; Hoài Cảm… Bên Mật tông như các Ngài Bất Không; Hồ Đồ Khắc Đồ… Bên Hoa Nghiêm tông như các Ngai Đỗ Thuận; Trừng Quán… Bên Pháp Hoa tông như các Ngài Trí Giả; Quán Đảnh… Các bậc cao tăng xướng lãnh các tông phái trên đây và vô số danh tăng khác, cũng đều phát nguyện cầu sanh cảnh giới Cực lạc.

Tại nước Việt Nam, pháp môn Tịnh độ đã sớm truyền vào và phát triển mạnh mẽ. Trong thế kỷ XI, có thiền sư Tĩnh Lực (thuộc phái Vô Ngôn Thông) là vị đã chứng niệm Phật tam muội. Cũng trong thế kỷ này, một lang tướng của Lý Thánh Tông đã dựng một tượng Phật A Di Đà cao hai thước rưỡi tây tại núi Lan Kha, huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh. Thiền sư Không Lộ (mất năm 1141) đã từng dựng tượng Phật A Di Đà ở chùa Quỳnh Lâm. Thảo Đường quốc sư, vị khai tổ dòng thiền thứ ba của Phật giáo Việt Nam (vào thế kỷ XI) đã khuyên đồ chúng nên tu Tịnh độ với bài Pháp ngữ thị chúng tuyệt vời. Tôn giả Huyền Quang tam tổ thiền phái Trúc Lâm cũng đã lập tháp Cửu phẩm liên đài tại chùa Bút Tháp để khích lệ tứ chúng cầu nguyện vãng sanh. Thời cận đại có các bậc cao tăng như HT. Tâm Tịnh, HT. Khánh Anh, HT. Hải Tràng, HT. Trí Thủ, HT. Thiền Tâm… đã tự tu và truyền bá pháp môn này từ Bắc chí Nam, làm cho Phật pháp được hưng thạnh và lan truyền cho đến ngày hôm nay.

Thiết nghĩ, trên bước đường tu tập người xuất gia lẫn tại gia, ai cũng mong muốn đạt đến kết quả giải thoát giác ngộ, nhưng thành tựu sở nguyện đó là điều không phải dễ dàng. Khi tự thân chúng ta luôn tràn đầy những nghiệp lực chi phối, cộng thêm hoàn cảnh xã hội bên ngoài, luôn có những năng lực tác động đưa con người đi vào trong quỹ đạo của dục vọng đê hèn. Chỉ một tập quán xấu nhỏ nhưng diệt trừ nó không phải đơn giản, hoặc một chút điều lành nhưng thực hiện không phải một sớm một chiều. Để rồi trong âm thầm, cuộc sống của chúng ta cứ trôi lăn trong vòng sanh tử, trong sự chỉ đạo của phiền não, tồn tại với bao ước vọng hão huyền, rồi một mai khi tấm thân tứ đại này tan rã, biết hướng về đâu mà nương tựa.

Chi bằng, đặt trọn tấm lòng thành hướng về với Tam bảo, mỗi niệm xả ly Ta bà, mỗi niệm cầu về Cực lạc. Quyết chí nương nhờ Phật lực, phát nguyện cầu sanh Tây phương, đến khi thành tựu quả vị Vô thượng Bồ Đề, trở lại Ta bà tiếp độ chúng sanh. Có như vậy mới hợp với bản hoài thị hiện của Đức Phật Thích Ca, đúng với hạnh nguyện tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà và không cô phụ tánh linh của mình.

Thích Nguyên Liên

Học Phật Niệm Phật Không Phải Yếm Thế Tiêu Cực

Học Phật Niệm Phật Không Phải Yếm Thế Tiêu CựcĐạo Phật là một tôn giáo, nhưng đó cũng chính là một triết học rất cao thâm vi diệu. Đã là học giả thì cần phải nghiên cứu môn triết học này, và khi đã nghiên cứu rồi, lại còn cần phải đem ra thực hành. Vì Phật học là một môn học gồm đủ cả lý lẫn sự, phần lý cốt để hướng dẫn cho phần sự và phần sự cốt để làm sáng tỏ thêm phần lý, lý và sự vốn dung thông nhau, nên nếu thực hành được sự thì có thể đạt được cảnh giới tối cao thâm và càng viên mãn hóa phần lý vi diệu. Phật học khác với các môn triết lý thế gian, lại cũng chính tại chỗ đó mà Phật học khác với các tôn giáo khác: Lý nào có sự nấy và sự nào có lý nấy, lý thì đều có thể thực hành được, sự thì đều có thể lý giải được. Vì vậy, tùy từng sở cầu, ai muốn nghiên cứu riêng về phần lý giải cũng được, mà ai muốn y lý thực hành để cho sáng tỏ hơn thì cũng lại càng tốt. Sở nguyện nào cũng đều thỏa mãn được cả. Nói một cách đơn giản hơn là từ những sự lý thiển cận áp dụng hàng ngày đến những cảnh giới thâm diệu siêu tuyệt, không một điều gì mà Phật học không giải quyết một cách viên mãn.

Chúng ta nên hiểu rằng, pháp môn niệm Phật không riêng gì ông già, bà cả tu theo mà ngay đến các Đức Đại Bồ tát, như các Ngài Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân v.v… và các đại văn hào cư sĩ như Bạch Cư Dị, Văn Ngạn Bác, Vương Nhật Hưu v.v… cũng đã từng áp dụng có hiệu quả. Như thế, pháp môn niệm Phật là một pháp môn rất phổ thông.

Hàng ngày hành trì như trên là cốt mượn cảnh giới Thanh tịnh, vận dụng tâm niệm Thanh tịnh để gột tẩy hoặc nghiệp ô nhiễm chất chứa vô thỉ kiếp đến nay trong tâm và đang hiện ra ngoài thân, đồng thời cũng để vun xới cho hột giống thanh tịnh xuất thế mỗi ngày một tăng trưởng. Vì thế tôi dám khuyên các bậc thiện tri thức Phật tử trong khi làm Phật sự, không những không nên sợ dư luận mà đồng thời lại còn phải tinh tấn khuyến khích mọi người làm theo. Phật dạy: “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Nay đã được làm thân người mà lại được gặp Phật pháp, nếu chẳng cố công học hỏi thì nào có khác gì người nghèo được đến non vàng mà lại đành cam phận khó và chịu bỏ về không, há chẳng uổng lắm ru!

Trích Tâm Như Trí Thủ toàn tập
HT.Thích Trí Thủ (Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN)

Niệm Phật Với Con

Niệm Phật Với ConThời thơ ấu, giấc ngủ của tôi thường chìm trong tiếng niệm Phật của bà nội. Tiếng niệm Phật trầm trầm êm dịu của bà trong những chiều mưa ủ dột hay những đêm trăng sáng, trong những tối hạ nồng nóng bức hay đêm xuân mát mẻ, hình như đã đi sâu vào trong tâm thức của tôi còn hơn những lời mẹ ru.

Âm hưởng nhẹ nhàng của nó có một sức thoa dịu lạ kì, không kích thích, không xoáy vào tai, không mê hoặc, không đe dọa, tiếng tụng kinh cứ theo giọt mưa, ánh trăng, mồ hôi ướt áo, cơn gió hây hây tẩm vào vô thức non nớt của một đứa bé chưa biết đời là bể khổ và nằm lưu lại ở đó như một thứ kháng tố cho những chìm nổi đời người về sau.

Tôi còn nhớ, nằm với mẹ bên này buồng, nghe mẹ ru hời, bên kia gian giữa nhà trong ánh đèn dầu mù mờ, tiếng niệm Phật của bà đều đặn chăm chỉ vọng xa, không chỏi tai, không phá điệu ru, mà lại hòa lẫn như một điệu đệm của lời ru đưa tôi vào những giấc ngủ an lành. Nhiều khi mẹ ru nửa chừng rồi thiếp đi, nhưng tiếng niệm Phật của bà thì ngày đêm đều đặn, tinh tấn, siêng năng, kiên trì, bền bỉ. Mỗi khi thoáng nghe lần niệm Phật thứ nhất “Nam-mô Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”, tôi chưa biết mình đang nghe, tâm chưa lắng, ý tưởng còn ở nơi cái bánh, cái kẹo, đồng xu, hộp đồ chơi; đến tiếng niệm “Nam-mô” thứ hai, rồi thứ ba, tâm thức đang lêu lỏng vu vơ bất định bỗng như được dẫn dắt lần theo âm hưởng êm đềm mà quay về một nơi yên ổn là “Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”, thần kinh hết căng thẳng, tay chân, xương sống thư thái dãn sãi, mi mắt trĩu xuống, môi mềm dại ra… và cơn ngủ đến từ lúc nào đã đưa tôi rời cõi thật…

Lần chuỗiTiếng niệm Phật hiền lành đã theo tôi như thế suốt những năm tháng bình an hay sóng gió, nếu trong nhà không ai trì tụng thì cũng đã có tiếng chuông mõ và tiếng niệm Phật của ngôi chùa làng hay của láng giềng vọng sang, quen thân, gần gũi. Cho đến lúc tuổi thành niên theo mẹ lên phố đi học, tôi không có dịp nghe điệu tiếng niệm Phật hằng đêm, hầu như quên lãng, nếu không nói mỗi khi chợt nghe ai tụng niệm thì thấy khó chịu, buồn ngủ, vì tiếng trầm đều của nó. Tôi đang lớn… và đang theo những làn sóng mới. Tân nhạc đi cùng với trào lưu hiện thực, sống xốc nỗi, sống hết mình, ồn ào và kích động đang từ phương trời xa lạ Âu Mỹ tràn sang. Những đam mê tuổi trẻ và sức sống năng động đã đưa tôi rất nhanh xa rời những chi có vẻ thụ động ủy mị và cầu khẩn van xin trong đó có cách thế “niệm Phật” của người Phật tử. Cùng một lúc, phong trào thiền học của Nhật Bản và phong trào hiện sinh ở Âu châu đang nở rộ khắp nơi. Tôi đã tìm thấy trong phương pháp thiền định chìa khóa sáng tạo của tư duy đạo Phật và một thời đã xem con đường Thiền học là con đường duy nhất, đúng đắn nhất cho một người Phật tử dấn thân.

Mãi đến khi tình thế bắt buộc phải lập thân ở xứ người, quanh mình bị bao vây bởi nếp sống Tây phương và chính tôi cũng là kẻ theo Tây tới nơi tới chốn những chi lịch lãm của cuộc chơi, còn chơi trội hơn dân Tây, lần đầu tiên ngồi ôm đứa con mới sinh trong lòng, bỗng thấy mình chơ vơ như ở trên ốc đảo, tứ cố vô thân. Không Bà, không Mẹ, không người thân, không chùa chiền, không xóm giềng để nghe “ké” một tiếng chuông, tôi lúng túng chưa biết dạy con như thế nào cho phải đạo làm người, và trong cơn bối rối tôi đã bắt đầu – như từ trong vô thức – nói với con bằng thứ tiếng “của Bà và của Mẹ”.

Giữa tiếng ru con lạc lõng bên trời Âu, con tôi đã được nghe tiếng niệm Phật của mẹ ngay những ngày đầu trong đời. Khi lên bốn tuổi, đứa con đã thuộc lòng “Nam-mô Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”. Cứ thế mà thành ra một thói quen trong cuộc sống hàng ngày, trước khi đi ngủ, sau khi nghe chuyện cổ tích hay nói chuyện tầm phào, bố mẹ và con nằm yên, tay chắp trước bụng thở đều cùng nhau niệm Phật, cầu nguyện an lành cho người thân, cho mọi chúng sinh. Thoạt đầu đứa bé chẳng hiểu chi, chỉ thấy vui vui ngộ nghĩnh khi thấy bà mẹ đang huyên thuyên hát hò bỗng nằm yên, hai tay chắp trước ngực, tưởng mẹ làm trò chơi mới nên bắt chước làm theo.

Suốt mấy mươi năm, việc trì tụng “Nam-mô Bổn sư” không một chút hình thức ấy đã cho hai mẹ con những giây phút hòa đồng và ấm áp nhất, nếu không nói trong khi cùng nhau trì tụng, mẹ với con trở thành là “một” như thuở chưa sinh, nhưng lần này là một nhất thể gấp đôi: qua tiếng kinh không những con ở trong mẹ mà chính mẹ cũng ở trong con, mẹ con bình đẳng như tất cả chúng sinh trong một tiếng niệm Phật Bổn sư!

Về sau và mãi đến hôm nay niềm hoan hỉ thật vô bờ, khi biết rằng dù xa nhau nghìn vạn dặm, ở một góc trời mô đó, đứa con đêm đêm vẫn chắp tay niệm Bổn sư cầu nguyện an lành cho cha, cho mẹ, cho người thân và hết thảy chúng sinh. Cho nên tuy không nghe mà vẫn nghe, tuy xa mà lại vẫn gần nhau trong gang tấc, tiếng niệm Phật bên này hay bên kia bờ đại dương đã giúp chúng tôi vượt bờ ngăn cách để có thể đến bên nhau trong nỗi hòa đồng vô lượng vô biên.

Bàn tụng kinhQuả thật như thế, chính trong khi cùng với con niệm Phật tôi đã chứng nghiệm được sức kì diệu của phương pháp niệm Phật mà thời trẻ tôi đã có lần ngộ nhận. Sự chú tâm chân thành vào trì niệm giúp cho ta hoàn toàn tập trung tư tưởng vào một điểm hoạt động chiều sâu của ý thức. Tất cả vọng tưởng, lo âu, sợ hãi nếu có, lần lượt biến đi một cách tự nhiên nhường lại cho đối tượng duy nhất là lời kinh. Bấy giờ tâm thức của ta nằm trong lời kinh hay nương theo lời kinh, dần dà lập lại thế quân bình nội tâm đã bị đánh lạc do ảnh hưởng chi phối của những tình trạng tâm lí bất an hay bị áp đảo do những đối tượng bên ngoài. Danh hiệu Bổn sư hay lời kinh thoạt tiên là chiếc thuyền chở tâm của ta vượt tất cả những làn sóng dữ của vọng tưởng mê mờ. Nhưng khi mức tập trung đã đạt đến tột đỉnh thì người và thuyền đã trở nên đồng nhất, ở đó tâm được an. “Tâm an” là điều kiện cho chân lí hiển hiện, cho tình thương phát triển và chân lí được chứng ngộ.

Trong viễn tượng giác ngộ của quan điểm Thiền học, được hiểu như giải phóng toàn diện khỏi tất cả những chấp mê, niệm Phật chưa phải là phương pháp toàn hảo, bao lâu tâm còn bám vào lời kinh. Nhưng trên bình diện chứng nghiệm, niệm danh hiệu Phật có thể tạo được cho tâm thức trước tiên một mái nhà trú ẩn an lành để chánh niệm phát triển. Ở trong một chừng mực nào đó, nói như Heidegger, nếu ngôn ngữ là căn nhà của thể tính (Etre, Beeing) (die Sprache ist das Haus des Seins), là nơi thể hiện của Tâm Nhất Thể, thì theo quan niệm của Tịnh độ, nơi mỗi tiếng niệm Phật ở bên này bờ của Tâm, kẻ hành trì đang làm nở một đóa hoa ở bên kia bờ giác ngộ của Tâm, căn nhà ngát hương của thể tính hội nhập.

Một cách vô thức tôi với con trong nhiều năm tháng của cuộc đời đã cùng nhau ươm thành một vườn sen thơm ngát vị Đạo trong một lời đơn giản thuần thành “Nam-mô Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật”.

Thái Kim Lan

Các Phương Pháp Trì Danh Hiệu Phật

Các Phương Pháp Trì Danh Hiệu PhậtNiệm Phật hay trì danh tức là đọc sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật.” Hoặc chỉ đọc bốn chữ “A Di Đà Phật” cũng được.

Sáu chữ này từ tiếng Phạn phiên âm ra. Nếu cắt nghĩa từng chữ một theo một Phạn ngữ thì chỉ có bốn chữ mà thôi. Trước hết, chữ “Nam mô” có sáu nghĩa; kính lễ, quy y, phụng thờ, cứu ngã, độ ngã, quy mạng. Chữ “A” nghĩa là không, là vô. Chữ “Di Đà” nghĩa là lượng. Chữ “Phật” nghĩa là giác giả. Hợp cả bốn chữ lại có nghĩa là quy y kính lễ đấng Giác ngộ Vô lượng.

Đức Phật A Di Đà là Giáo chủ Thế giới Cực lạc, Ngài đã từng phát nguyện rằng ai niệm danh hiệu Ngài, lúc lâm chung sẽ được Ngài tiếp dẫn sanh về nước Cực lạc (xem lại đại nguyện 18, 19 và 20). Vì thế, về sau căn cứ về đó mà xưng niệm danh hiệu Ngài.

Lại nữa, trong kinh “Phật thuyết A Di Đà” dạy rằng: “Đức Phật kia cùng nhân dân đều có thọ mạng vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp Cho nên, gọi là A Di Đà.” Thọ mạng nghĩa là thân mạng sống lâu; A tăng kỳ nghĩa là vô số không thể đếm được. Vì thế, có chỗ gọi Ngài là đức Phật Vô lượng thọ. Khi xưng niệm, ta có thể đọc: “Nam mô vô lượng thọ Phật.” Nhưng nói vô lượng thọ thì hai chữ vô lượng bị hạn cuộc trong phạm vi hẹp hòi của sự thọ mạng mà thôi. Kỳ thực ra, A Di Đà còn bao hàm cả nghĩa vô lượng quang minh, vô lượng công đức v.v… Bất cứ đức tánh nào của Ngài cũng vô lượng cả. Vì vậy cứ để nguyên âm mà xưng niệm, ý nghĩa mới rộng rãi, hợp lý và bao quát được mọi khía cạnh khác như: Tôn nghiêm Vô lượng, Từ bi Vô lượng, Trí tuệ Vô lượng Thần thông Vô lượng, Thiện xảo Vô lượng v.v…

Vì muốn thích hợp với mọi hoàn cảnh mọi tâm niệm, mọi căn cơ, nên cùng một việc niệm Phật mà có nhiều phương pháp sai khác nhau, mỗi phương pháp lại có một tác dụng đặc biệt riêng của nó. Khi niệm Phật, người tu hành nên y theo các phương pháp nêu ra sau đây, chọn lấy phương pháp nào thích hợp nhất với căn cơ và hoàn cảnh mình mà hành trì. Nếu tu niệm trong một thời gian mà thấy rằng phương pháp mình đã chọn lựa không trấn tỉnh được tâm cảnh vọng động thì nên bỏ phương pháp đó, chọn lại một phương pháp khác, lắm lúc phải chọn đi chọn lại năm bảy lần mới tìm ra một phương pháp thật thích hợp. Phương pháp nào trấn định được tâm cảnh, tiêu trừ được mọi vọng niệm thì là phương pháp hay nhất đối với mình. Cũng như đối với thầy thuốc, phương thang nào chữa đúng căn bệnh là phương thang hay. Đối với chúng sanh, vọng niệm là căn bệnh, thuốc là danh hiệu Phật, hễ phương pháp nào trừ được căn bệnh vọng niệm, ấy là phương pháp thiện xảo nhất, đừng nên câu nệ.

Sau đây, xin giải thích rõ từng phương pháp một để hành giả y theo mà hành trì cho phải phép. Lại nên nhớ thêm rằng “Trì danh” là phương pháp tụng niệm của đường lối tu Tịnh độ. Đó là một điểm trọng yếu.

a) Niệm cao tiếng: Đem hết cả tinh lực toàn thân dồn vào trong một câu niệm Phật khác nào những tiếng đại hồng chung, những tiếng sư tử rống ác cả trời đất Vũ trụ. Theo phương pháp này bị hao hơi rát cổ nhiều, không thể trì niệm lâu được. Tuy nhiên, nó có công năng đối trị được bệnh hôn trầm giải đãi, trừ khử được tạp niệm lăng nhăng. Khi niệm Phật nếu thấy mơ màng muốn ngủ gục, hoặc thấy tư tưởng bị chao động, hành giả nên mạnh mẽ đề khởi tinh thần, cất cao vọng niệm to tiếng làm trí não thức tỉnh, chánh niệm khôi phục và sẽ được linh hoạt như cũ. Niệm Phật cao tiếng có tác dụng rất lớn lao. Hơn nữa nó còn làm cho người hai bên nghe rõ tiếng niệm và khiến họ lần lần sanh khởi tâm niệm Phật.

Ngày xưa, lúc Ngài Vĩnh Minh Thọ Thuyền sư niệm Phật tại chóp núi Nam Bình, tỉnh Hàng Châu, những người qua lại dưới chân núi nghe tiếng rang rảng như tiếng nhạc trời đánh giữa hư không, khiến cho ai nấy đều rất thâm cảm. Chính Ngài đã áp dụng phương pháp này vậy.

b) Mặc niệm: Lúc niệm, môi miệng chỉ hơi mấp máy, không phát ra tiếng; Người ngoài nhìn vào, không biết là đương niệm. Tuy không phát ra tiếng, nhưng 6 chữ “Nam mô A Di Đà Phật” đương sáng ngời và rang rảng trong tâm thức hành giả, vô cùng rõ ràng. Nhờ sự sáng ngời và rang rảng ấy mà tâm thần định tĩnh, chánh niệm ngưng tụ thành một khối, khiến cho hiệu lực của nó không khác hiệu lực của niệm Phật có tiếng

Phương pháp niệm này có thể áp dụng trong khi nằm nghỉ, khi tắm rửa, lúc bệnh hoạn, lúc phóng uế, hoặc trong khi đương ở hội trường công cộng hay khi lữ thứ tha phương v.v… tóm lại là trong những trường hợp không tiện niệm ra tiếng.

c) Niệm Kim Cang: Niệm thư thả, hòa hoãn tiếng không lớn quá, không nhỏ quá. Bất luận là niệm 4 chữ, hay 6 chữ, hành giả vừa niệm vừa lắng tai nghe lại tiếng niệm của mình từng chữ một, thật rõ ràng. Cứ vừa niệm vừa nghe như thế, trí óc sẽ không bị xao lãng và tâm thần định được.

Phương pháp niệm này hiệu lực rất lớn lao, Cho nên, đem ví dụ với ngọc kim cang. Kim nghĩa là vàng, thí dụ cho sự cô đọng cẩn mật; cang nghĩa là cứng, thí dụ cho sự cứng rắn. Vừa cẩn mật vừa cứng rắn thì ngoại cảnh khó xâm nhập và tạp niệm dễ bị đánh tan.

Trong lúc phương pháp niệm Phật, phương pháp này thường được dùng hơn hết. Với phương pháp này lại có tên là phản văn niệm Phật nghĩa là niệm chữ nào trở lại nghe chữ ấy, chữ ra từ miệng lại trở về lại tai.

d) Niệm giác chiếu Một mặt xưng danh hiệu Phật, một mặt quay tâm trí của mình trở lui soi xét tự tánh. Với phương pháp này, cảnh đối tượng trước mắt đều bị đẩy lùi hết, chỉ còn một cảm giác linh động trong tâm thôi. Ấy là cảm giác tâm Phật, thân Phật, cả hai cùng ngưng tụ thành một khối sáng chói lọi, tròn vành vạnh. Ngoài ra, các cảnh giới bao la trong mười phương như sơn hà đại địa, nhà cửa khí cụ, nhất nhất thảy đều mất tung tích cho đến thân tứ đại của hành giả cũng không biết lạc mất chỗ nào. Được như vậy thí báo thân tuy chưa xả mà cảnh Tịch quang đã chứng. Danh hiệu Phật vừa tuyên lên là đồng thời hành giả chứng nhập tam muội, đem thân phàm phu dự vào cảnh giới chư Phật.

Thật không có phương pháp nào so bằng phương pháp này. Nhưng có điều đáng tiếc là, phi bậc thượng trí, ít ai lãnh hội và thực hành nổi. Vì vậy mà sức cảm hóa của phương này có hơi hẹp

đ) Niệm quán tưởng: Một mặt xưng danh hiệu Phật, mặt khác quán tưởng thân Phật và Bồ tát trang nghiêm đang đứng trước mặt ta. Do tự kỷ ám thị tưởng tượng ra các cảnh như cảnh Phật đương đưa tay thoa đầu ta hoặc lấy áo phủ lên mình ta, hoặc như cảnh đức Quan Âm và đức Thế Chí đương đứng hầu hai bên đức Phật, còn Thánh chúng thì đương đoanh vây hai bên thân ta. Lại có thể quán tưởng cảnh đất vàng, hồ báu của thế giới Cực lạc với lâu đài tráng lệ, lưới báu bủa giăng, hoa nở chim kêu đương phát ra tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng v.v…

Nếu quán tưởng này đã thành thục, thì tuy nhục thân đương ở cõi Ta bà mà thức thần đã dạo chơi trên Cực lạc. Hoặc nếu quán tưởng chưa chơn thuần thì nó vẫn có thể làm trợ duyên cho sự niệm Phật bằng cách giúp cho tịnh nghiệp dễ dàng thành tựu.

Phép tu quán tưởng này lâu ngày càng thuần thục càng tạo được một ấn tượng rõ ràng và sâu sắc trong tầm mắt của hành giả. Một ngày kia, khi báo thân suy tạ, trần duyên ở cõi đời này dù cám dỗ đến đâu, cũng khó lôi cuốn khiến phải liên lụy. Như vậy, thắng cảnh Cực lạc nhất thời đã hiển hiện ra trước mắt rồi.
e) Niệm truy đảnh: Cũng giống như phép niệm Kim cang nói đoạn trước, nhưng giữa chữ trước và chữ sau, giữa câu trước và câu sau, đừng để xen hở. Chữ nọ bồi vào chữ kia, câu sau chồng lên câu trước, trung gian không cho dứt hở, nên gọi truy đảnh. Truy nghĩa là đuổi theo, đảnh nghĩa là đầu.

Nhơn vì chữ truy đảnh, câu câu truy đảnh một cách chặt chẽ, nên tạp niệm không cách gì xen vào được. Trong lúc niệm, do trong lòng tình tự khẩn trương, tâm và khẩu cùng xúc tiến một lần, phát sanh được chánh niệm. Oai lực của chánh niệm càng lớn càng lấn át tất cả, làm cho tâm tưởng vô minh tạm thời phải chìm lặng.

Phương pháp niệm này có hiệu lực rất lớn, xưa nay thường được số đông các bậc tu tịnh nghiệp dùng đến.

g) Niệm lễ bái: Đồng thời trong khi miệng niệm thì thân lạy, hoặc niệm xong một câu lạy một lạy, hoặc bất câu miệng niệm nhiều hay ít, hễ cứ miệng niệm thì thân lạy, thân lạy thì miệng niệm.

Có niệm có lạy liên tục nên khiến cho thân khẩu hợp nhứt; đồng thời trong lúc ấy, ý nghĩ đến Phật nên cả tam nghiệp thân, khẩu, ý cũng tập trung, 6 căn đều thâu nhiếp. Như vậy, toàn bộ thân tâm cùng hết thảy các giác quan đều quy về một mối, không còn có chỗ hở nào cho trần sự chen vào, cũng không có một tâm niệm nào khác làm chao động tâm niệm tưởng Phật, nhớ Phật.

Muốn áp dụng phương pháp này, phải đặc biệt tinh tấn. Hiệu lực của nó cũng đặc biệt lớn lao. Duy chỉ có một điều hại là lễ bái quá nhiều thì sinh nhọc sức, phí hơi thở; người yếu không làm nổi. Vậy chỉ nên kiêm dụng với các phương pháp khác, chứ không nên chuyên trì, sợ e mất sức, sanh bệnh.

h) Niệm từng loạt 10 niệm (sổ thập): Khi niệm dùng chuỗi hạt để ghi số loạt, cứ mỗi loạt mười câu. Sự ghi số có nhiều cách: hoặc niệm 3 câu một hơi, làm như vậy 3 lần, đến câu tiếp thì lần một hạt chấm câu; hoặc 3 câu một hơi, rồi 2 câu một hơi nữa, như vậy 2 lần rồi lần một hạt. Như vậy là cứ mỗi khi lần một hạt chuỗi tức là đã niệm xong 10 niệm.

Phương pháp này bắt buộc tâm hành giả vừa niệm Phật, lại vừa phải nhớ số câu niệm, Cho nên, dù tâm không chuyên, buộc cũng phải chuyên. Nhờ có sự cưỡng bức ấy mà đối trị được các tạp niệm lăng xăng, tâm trở nên chuyên nhứt. Thật là một phương pháp hay và rất thích nghi với những kẻ nào tâm niệm quá chao động.

i) Niệm đếm theo hơi thở (sổ tức): Niệm như pháp truy đảnh trước kia, không kể số danh hiệu Phật niệm được nhiều hay ít, chỉ dùng hơi thở làm chừng. Bắt đầu thở ra thì niệm cho đến khi hết hơi thở, nghỉ niệm mà hít thở vào. Khi thở ra lại, tiếp tục niệm như trước. Cứ 10 lần như vậy, thì gọi là 10 hơi niệm.

Phương pháp này sở dĩ thiết lập ra đặc biệt dành riêng cho những người quá bận rộn, tiện cho sự thực hành hằng ngày. Chẳng hạn như, mỗi ngày sáng sớm ngủ dậy, sau khi rửa mặt súc miệng xong, day mặt về hướng Tây hoặc hướng trước Phật đài, bỏ ra 5 phút là niệm xong 10 hơi. Công việc không khó, như người tập thể thao làm những cử động hô hấp. Nếu ngày nào cũng chuyên cần như vậy, thì cũng nhất định được vãng sanh.

Đây là căn cứ theo đại nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà (xem trước) mà thiết lập phương này. Các vị Cổ đức nghiên cứu và tu tập phương pháp thập niệm, chính là phương pháp niệm theo 10 hơi thở này.

k) Niệm theo thời khóa nhất định: Điều tối kỵ nhất trong phép niệm Phật là lúc bắt đầu thì hăng hái mà về sau lại giải đãi. Sở dĩ có sự thủy cần chung dải như vậy là vì không có tâm hằng thường. Cho nên, để giữ cho được thủy chung như nhứt, ngay từ khi sơ phát tâm niệm Phật, hành giả cần phải tự vạch cho mình một thời khóa biểu nhứt định. Một khi thời khóa biểu đã vạch sẵn rồi thì ngày ngày cứ y theo đó mà thực hành, tự gây cho mình một thói quen, và có như thế mới giữ được đạo tâm bất thoái. Trong buổi đầu, niệm nhiều hay ít chưa phải là điều quan trọng vì nhiều hay ít còn tùy thuộc năng lực và hoàn cảnh riêng biệt của từng cá nhân; quan trọng là tại chỗ thường thời thực hành, đều đều và chuyên nhất.

Người xưa có vị mỗi ngày niệm đến 10 vạn hiệu. Vị nào ít lắm cũng 5 vạn. Công hạnh tu hành của họ thật là tinh tấn dũng mãnh! Ngày nay, hoàn cảnh thay đổi khác xưa rất xa mà lực lượng của tự thân ta cũng không bằng, vậy ta nên châm chước hoạch định một công khóa, thật sát với hoàn cảnh và vừa sức của ta, để thực hành cho đúng mức. Sau khi đã hoạch định rồi thì dù gặp phải công việc bận rộn đến đâu, cũng phải cố gắng hoàn thành công khóa. Vạn nhất, vì một lẽ nào đó mà không hoàn tất được ngày ấy thì qua hôm sau phải bổ khuyết kịp thời, chớ nên để rày lần mai lửa, tạo thành cho ta một thói xấu rất có hại về sau.

Trong khi vạch khóa trình, nên tránh hai cực đoan. Cực đoan thứ nhứt là vì sự hăng hái trong buổi đầu, tự định cho mình một khóa trình quá nhiều, về sau đuối sức theo không kịp, rồi vì vậy bỏ luôn. Cực đoan thứ hai là vì sự e ngại về sau theo không kịp, nên dè đặt tự định cho mình một khóa trình quá ít, không thấm vào đâu, rồi cũng dễ sinh ra giải đãi. Cả hai cực đoan đều đến kết quả như nhau. Cho nên, trong khi quyết định khóa trình, cần phải tế nhị châm chước dung hòa giữa hoàn cảnh và năng lực thế nào thích trung mới được lâu dài và hữu hiệu

l) Niệm bất cứ lúc nào: Với những hành giả đã huân tập được tịnh chủng khá thành thục thì tự nhiên phát ra những tiếng niệm Phật bất cứ lúc nào, cơ hồ như có một sức lực dũng mãnh nào bên trong thúc đẩy, khiến cho hành giả hằng tiến không lùi. Vì vậy mà dù công khóa đã hoàn tất, các vị này vẫn chưa cho là đủ, nên trừ ngoài giấc ngủ, bất luận ngày đêm, trong bốn oai nghi là đi, đứng, nằm, ngồi, không lúc nào, không chốn nào, là không niệm Phật. Như vậy câu “Nam mô A Di Đà Phật” không lúc nào rời khỏi miệng, lâu ngày thành tập quán.

Truyện vãng sanh của người xưa còn ghi chép lại rất nhiều trường hợp vãng sanh do pháp môn niệm Phật này đem lại. Như có ông thợ rèn, tay đập búa miệng niệm Phật; bà làm nghề đậu hủ, tay xay đậu miệng niệm Phật; về sau, khi vừa dứt tiếng niệm Phật, cả hai đều được đức Phật phóng hào quang tiếp dẫn và đều được tọa hóa vãng sanh Cực lạc.

Chúng ta nên lấy đó làm gương. Nếu niệm được đến trình độ ấy thì dù có định khóa trình, hay không còn định khóa trình, không còn là vấn đề nữa.

m) Niệm hay không niệm vẫn là niệm: Phép niệm Phật nói ở đoạn trên là chỉ sự niệm thành tiếng, phát ra nơi cửa miệng, trong 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Chữ NIỆM trong đoạn này là chỉ tâm niệm (tâm niệm nhớ nghĩ đến Phật). Nói “niệm hay không niệm vẫn là niệm” có nghĩa là bất kể niệm thành lời hay không, luôn luôn trong tâm vẫn tưởng nhớ đến Phật, tức là vẫn có niệm Phật.

Sở dĩ miệng phải niệm Phật là cốt nhắc cho trong tâm tưởng nhớ đến Phật. Giờ đây, dù cho khi miệng không niệm mà tâm vẫn có tưởng nhớ, như thế cứu cánh của phép trì danh niệm Phật đã đạt được rồi vậy.

Nếu hành giả thực hiện được phép “không niệm mà niệm” thì bất luận thời gian nào, bất luận miệng có trì danh hay không trì danh, tâm lý lúc nào cũng vẫn để vào Phật. Như vậy, tịnh niệm đã kiên cường liên tục không hở, lòng như rào sắt vách đồng, gió thổi cũng không lọt, ai muốn đập phá cũng không xuể, quyết không còn một trần niệm ô nhiễm nào có thể đột nhập, khiến cho tâm chao động được. Lúc ấy, phép niệm Phật tam muội tự nhiên thành tựu, quả vãng sanh không cầu mà tự đến.

Người xưa nói “niệm mà không niệm, không niệm mà niệm” tức là chỉ cho cảnh giới này vậy. Nếu không phải là người niệm Phật đã lâu năm, và do đó, công hạnh đã thuần thục, thì quyết không thực hành được pháp môn này. Hàng sơ cơ quả thật khó mà noi theo.

Trích Tâm Như – Trí Thủ

Các Loại Tịnh Độ Sai Khác

Các Loại Tịnh Độ Sai KhácTịnh độ hay uế độ tuy hình như thuộc ngoại cảnh nhưng sự thật thì đều do nhứt tâm biến hiện. Chư Phật khi lấy diệu dụng của tịnh thức biến hiện ra Tịnh độ, vì tác dụng có sai khác nên danh nghĩa Tịnh độ cũng tùy đó mà có sai khác.

Căn cứ vào Tây phương Hiệp luận đã chép thì Tịnh độ có 10 loại không đồng nhau.

1) TỶ LÔ GIÁ NA TỊNH ĐỘ

Tỷ lô giá na tức là pháp thân của Chư Phật, Hán dịch là biến nhứt thế xứ (nghĩa là cùng khắp nơi chốn). Cõi Tịnh độ này bất luận ở đâu cũng hóa hiện được, vì ở đâu cũng có vô lượng hóa Phật. Đây cũng tức là báo độ của chư Phật.

2) DUY TÂM TỊNH ĐỘ

Loại Tịnh độ này tùy tâm biến hiện. Tâm uế thì quốc độ uế, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Như trong kinh Duy Ma Cật dạy: “Trực tâm là Tịnh độ của Bồ tát; khi Bồ tát thành Phật những chúng sanh trung trực đều vãng sanh về cõi ấy … Nếu Bồ tát muốn được quả Tịnh độ phải tịnh lòng mình; tùy lòng mình tịnh thì cõi Phật tịnh.” Đó là nghĩa của Duy tâm Tịnh độ.

3) HẰNG CHƠN TỊNH ĐỘ

Hằng chơn Tịnh độ tức như cảnh giới mà Đức Phật đã thị hiện trên hội Linh Sơn để hướng dẫn hàng tam thừa quyền giáo Bồ tát, cho họ biết rằng ở cõi này tuy ô uế nhưng cũng chính đó là cõi thanh tịnh vậy. Trong kinh chép rằng trên hội Linh Sơn, các đệ tử hỏi Phật vì sao cảnh giới của Ngài hiện đương sống lúc bấy giờ (núi Linh Thứu) lại cũng ô uế bất tịnh, thế thì nhơn địa tu hành của Ngài cũng bất tịnh chăng? Phật liền lấy ngón chân ấn xuống đất, cảnh uế độ liền biến thành trang nghiêm thanh tịnh.

Như vậy cảnh hằng chơn Tịnh độ này là một cảnh hằng thường, nhưng biến hiện tùy theo nghiệp nhơn của chúng sanh mà thấy có tịnh hay có uế.

4) BIẾN HIỆN TỊNH ĐỘ

Biến hiện Tịnh độ là do sức gia cảm của Phật mà có biến hiện. Như trong kinh bát nhã nói đức Phật dùng thần lực biến thế giới này thành một thế giới như ngọc lưu ly, có đủ bảy báu trang nghiêm và hoa sen rải khắp mặt đất. Cảnh giới ấy tức là cảnh giới mà Đức Phật tạm thời biến hiện để cho chúng ta thấy rằng bản lai diện mục của uế độ tức cũng chính là Tịnh độ vậy.

5) KÝ BÁO TỊNH ĐỘ

Luận Khởi Tín chép rằng: “Khi Bồ tát hoàn mãn công đức, sanh lên cung trời Sắc Cứu Kính thì hiện ra thân tướng rất cao lớn. Trước khi bổ xứ kế vị thành Phật, Bồ tát tạm ký thác báo thân ở đó một thời gian, nên gọi cung trời ấy là ký báo Tịnh độ”, như cung trời Đâu Suất của đức Bồ tát Di Lặc hiện an trú trước khi sẽ bổ xứ thành Phật.

6) PHÂN THÂN TỊNH ĐỘ

Theo kinh Niết Bàn, Phật bảo Ương Quật rằng: “Ngươi không biết rằng ta đã an trú trong thực tại vô sanh. Nếu ngươi không tin, cứ qua Đông phương hỏi Đức Phật ở đấy tên gì thì sẽ nghe Ngài tự giới thiệu: “Thích Ca là ta”!

Không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì nên biết rằng pháp thân của Phật đã an trú trong thực tại vô sanh thì đức Phật ở Đông phương hay ở cùng khắp mười phương đều cũng chỉ là phân thân của một đức Phật mà thôi vậy.

7) Y THA TỊNH ĐỘ

Kinh Phạm Võng: “Nay ta là Lô Xá Na ngồi trên đài sen gồm có ngàn hoa. Trên ngàn hoa ấy lại thị hiện ngàn thân Thích Ca. Mỗi hoa lại biến thành trăm ức cõi Phật và trong mỗi cõi lại hiện ra một thích Ca.”

Các cõi được thị hiện như vậy gọi là báo thân tha thọ dụng (hiện báo thân cho người khác thọ dụng) mà chỉ có Đăng địa Bồ tát mới trông thấy. (Đăng địa nghĩa là đã lên từ nhứt địa tới thập địa).

8 ) THẬP PHƯƠNG TỊNH ĐỘ

Thập phương Tịnh độ là các cõi Tịnh độ trong mười phương. Như ở Đông phương thì có các cõi Tịnh độ của đức Phật A súc, đức Phật Dược sư, đức Phật Tu Di Đăng Vương … Nam phương có cõi Tịnh độ của đức Phật Nhật Nguyệt Đáng …, Thượng phương có cõi Tịnh độ của đức Phật Hương tích v.v…

Mỗi đức Phật đều an trú tại một cõi Tịnh độ thanh tịnh trang nghiêm không còn có trần cấu.

9) NHỨT TÂM TỊNH ĐỘ

Loại Tịnh độ này nương nơi tâm mà biến hiện và tùy theo công năng tu chứng cao thấp nên có phân ra bốn bực không đồng.

a) Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ

Đây là quốc độ của hàng nhị thừa và nhơn thiên. Nhị thừa là Thánh; nhơn thiên là phàm. Thánh phàm cùng ở chung nên gọi là Phàm Thánh đồng cư, lại vì tính chất tịnh uế không đồng mà có chia thành hai thứ. Như cõi Ta bà là đồng cư uế độ; cõi Cực lực là đồng cư Tịnh độ.

b) Phương tiện hữu dư Tịnh độ

Đây là cảnh giới an trú của hàng tiểu thừa. Hàng tiểu thừa nhờ đoạn được phiền não của kiến hoặc và tư hoặc nên thoát ra khỏi tam giới. Kiến hoặc là sự mê lầm về kiến thức, tư hoặc là sự mê lầm về tư tưởng. Trên con đường tu chứng, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện chứ chưa đạt được cứu cánh. Còn cần phải tiến lên nữa và phải đoạn hai món mê lầm là trần sa hoặc (mê lầm nhỏ như cát bụi) và vô minh hoặc (mê lầm căn bản) mới thật gọi là chứng quả. Trần sa hoặc là sự mê lầm nhỏ nhặt như vi trần; vô minh hoặc là sự mê lầm cội gốc do căn bản vô minh gây nên. Đoạn kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện, nên hành giả còn phải tu tiến thêm nữa; vì vậy gọi là phương tiện hữu dư. Hữu dư nghĩa là còn sót, chưa tốt ráo.

c) Thật báo vô chướng ngại Tịnh độ

Đây là cảnh giới an trú của các vị đại Bồ tát. Các vị đại Bồ tát nương theo phương pháp chơn thật mà tu hành cảm được quả báo thù thắng chơn thật; sắc giới (vật chất) cũng như tâm giới (tinh thần) không còn gây chướng ngại đối với Bồ tát nên gọi là thật báo vô chướng ngại. Cảnh giới của các vị Bồ tát đã tu chứng.

d) Thường tịch quang Tịnh độ

Đây cũng tức là cảnh giới đại Niết bàn của Chư Phật an trú. Thể tánh của cảnh giới này thường vắng lặng mà vẫn thường quang minh vì do trí huệ của Phật hằng thường tỏa chiếu cùng khắp. Vì thế nên gọi là thường tịch quang độ. Thường tịch nghĩa là thường vắng lặng, thường quang nghĩa là thường soi sáng.

10) BẤT KHẢ TƯ NGHÌ TỊNH ĐỘ

Bất khả tư nghì Tịnh độ tức là cảnh giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà để thâu nhiếp, tiếp nhận chúng sanh trong mười phương. Sức thâu nhiếp ấy không thể nghĩ bàn, vì ngoài sức tư tưởng và luận bàn của chúng sanh.

Đây là chỉ đứng về nghĩa thù thắng của cảnh giới Cực lạc mà nói, chứ sự thật thì tất cả các cõi Tịnh độ trong mười phương đều có công năng thâu nhiếp tiếp nhận và đều có tác dụng bất khả tư nghì như thế.

Tóm lại, 10 cảnh Tịnh độ trên này tuy có sai khác về danh từ, nhưng cùng đồng nhất tâm biến hiện, vì cõi Tịnh độ nào cũng đều lấy sự thâu tiếp nhận chúng sanh bất khả tư nghì làm căn bản, Cho nên, nói một cõi tức gồm đủ cả bốn cõi: đồng cư, phương tiện, thật báo và tịch quang. Sự lập danh sai khác chẳng qua là tùy theo mỗi phương tiện mà thôi.

Ở đây chỉ riêng chú trọng về cõi Tịnh độ Cực lạc của đức Phật A Di Đà là vì cõi ấy rất có quan hệ mật thiết với chúng ta, như Đức Thích Ca đã dạy.

Vì vậy cõi Cực lạc Tịnh độ là mục tiêu chính để cho chúng ta tập trung tất cả lực lượng tư tưởng vào đó. Nếu thật chứng được một cõi Tịnh độ ấy thì bao nhiêu cõi Tịnh độ khác cũng đều chứng được.

Trích Tâm Như – Trí thủ