Tùy theo nghiệp nhân con người đã gây tạo trong qúa khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện lâm chung khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà chết, hoặc có người đầy sự thảng thốt, run sợ… thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của các cảnh giới Ngạ quỷ, Súc sanh… Như thế tuỳ theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới mà con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát và thoả mãn tự thân của mỗi người.
CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH
A. DẪN NHẬP:
Tựu trung các cảnh giới mà con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới gì ? Do động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức con người đi tái sanh? Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới ra sao? Nỗi bình an hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới chuẩn bị tái sanh của con người như thế nào? Các yếu tố cần và đủ để biện minh về sự hình thành một cảnh giới là yếu tố gì? Đó là những vấn đề mà người Phật tử chúng ta không thể không biết.
B. CHÁNH ĐỀ
I. NGHIỆP VÀ CÁC CẢNH GIỚI TÁI SANH
1. Nghiệp – Nhân tố quyết định cho sự tái sanh:
Theo quan điểm đạo Phật con người sau khi chết không phải là mất hẳn, đó chỉ là một trạng thái biến dạng của nghiệp thức. Thể xác phân tán nhưng phần tâm thức tiếp tục cuộc truy cầu trong sự khao khát được thoả mãn về đối tượng ( cảnh giới) tương ứng. Và cứ như thế con người chúng ta khi chưa đạt đến Thánh vị, thì mãi luẩn quẩn trong cuộc rượt bóng bắt hình nơi trò chơi luân hồi huyễn mộng hư hư thực thực này.
Ai là tác giả của cuộc chơi hư hư thực thực này ? Đó chính là nghiệp- là nguyên động lực dẫn dắt con người đi vào tái sanh trong các cảnh giới luân hồi. Nghiệp là những hành động có tác ý, từ nghiệp tạo thành sức mạnh của nghiệp hay còn gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực chi phối tái sanh của con người qua một trong bốn loại sau:
a. Cực trọng nghiệp : Nghĩa là những hành động trọng yếu hay là những hành nghiệp nhân cực trọng. Nếu Cực trọng nghiệp thuộc về loại bất thiện đó là những nghiệp như : Ngũ nghịch, Thập ác. Bằng như Cực trọng nghiệp thuộc về loại thiện đó là những nghiệp như: Người chứng đắc các quả vị tứ thiền sắc giới trở lên.
b. Tập quán nghiệp: Còn gọi là Thường nghiệp. Tập quán nghiệp là những việc làm, lời nói hàng ngày chúng ta hay làm và thường nhớ đến ưa thích hơn hết. Những thói quen lành hay dữ dần dần uốn nắn tạo thành bản chất của con người. Ngay trong lúc vô thức đôi lúc nó vẫn hiện khởi. Trong các loại nghiệp thì nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng.
c. Tích lũy nghiệp: Đời sống của con người hôm nay là sự tích góp bởi vô số các nghiệp từ trong quá khứ đã tạo. Trong sự luân hồi bất tận con người ai cũng đã tích luỹ cho mình một số lượng lớn tài sản nghiệp. Như thế, Tích luỹ nghiệp là những nghiệp do tích luỹ nhiều đời. Nghiệp này có công năng dẫn dắt con người đi tái sanh, khi ba loại nghiệp trên vắng mặt.
d. Cận tử nghiệp: là nghiệp nhân sau cùng con người nhớ tưởng lúc lâm chung. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm ác tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh khổ. Tâm niệm sau cùng của con người nếu là niệm thiện tức sẽ tái sanh vào một trong các cảnh giới lành, đây gọi là Cận tử nghiệp.
Khi con người lâm chung, nếu không có Cực trọng nghiệp hay Tập quán nghiệp nào làm động cơ cho sự thúc đẩy tái sanh thì Cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt con người thọ sanh. Hoặc nếu không có cả ba loại nghiệp kể trên thì Tích luỹ nghiệp sẽ dẫn dắt con người tái sanh.
2. Các cảnh giới tái sanh:
Trong vũ trụ mênh mông có tất cả mười cảnh giới mà tuỳ theo nghiệp lực của mỗi người tạo ra, tương ứng để tái sanh vào một trong mười cảnh giới đó. Mười cảnh giới đó bao gồm bốn cảnh giới Thánh và sáu cảnh giới phàm.
Thần thức con người sau khi chết sẽ có hai tình huống xảy ra. Nếu người nào có công phu tu hành đạt đến được cảnh giới nghiệp sạch tình không, tuỳ mức đoạn vô minh vi tế có sâu hay cạn hoặc dứt sạch mà sanh về một trong bốn cảnh giới Thánh là Phật, Bồ Tát, Duyên giác và Thanh Văn. Hoặc như người nào tuy tu hành nhưng chưa đoạn được phiền não, chưa đạt đến cảnh giới nghiệp sạch tình không…nhưng do tâm nguyện khẩn thiết cầu sanh thế giới Cực lạc và thường trì Thánh hiệu Phật A Di Đà, người đó cũng được thoát ly sanh tử, khi lâm chung được vãng sanh về thế giới Tịnh độ của chư Phật, lần hồi tiến tu cho đến ngày thành Phật.
Còn bằng người nào còn nghiệp sau khi chết đều phải tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Tuỳ theo nghiệp nhân quả của mỗi con người có sai khác mà họ phải sanh vào cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc. Sáu cảnh giới mà con người phải luân hồi qua lại đó là: Thiên đạo, Nhân đạo, replica rolex for sale A tu la đạo, Súc sanh đạo, Ngạ quỷ đạo và Điạ ngục đạo. Trong đó hai cảnh giới đầu là cảnh giới thiện đạo đây là cảnh giới hạnh phúc, bốn cảnh giới sau là cảnh giới ác đạo là cảnh giới khổ đau. Chung quy, con người trong dòng sống bất tận, phần nhiều vì vô minh che lấp tạo ra các nghiệp lành hay dữ rồi phải tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái sanh vào một trong sáu cảnh giới luân hồi.
II. Luân hồi trong lục đạo
Trong phạm vi bài viết chúng tôi xin trình bày giản lược về cảnh giới thọ dụng và nghiệp nhân tái sanh, biểu hiện lâm chung… trong sáu cảnh giới luân hồi và cảnh giới Tịnh độ mà thôi. Nơi cảnh giới Tịnh độ chúng tôi triển khai về cảnh giới Tây phương Tịnh độ (thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà) làm đại biểu.
1. Sanh về ác đạo
a. Địa ngục đạo:
Địa ngục tiếng phạn là Nại lạc ca, có nghĩa là Khổ cụ, Phi đạo, Ác nhân… Địa ngục là cảnh giới trong đó không có hạnh phúc, nơi có đầy đủ muôn vàn sự khổ đau mà những người tạo ác nghiệp phải sanh về để trả lại những nghiệp nhân bất thiện trong quá khứ.
a.1 Cảnh giới thọ dụng:
* Khổ lạc thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh địa ngục phải chịu sự thống khổ vô cùng, như trong kinh Địa tạng có dạy: Chúng sanh ở cõi này, một ngày một đêm trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại để chịu các khổ báo như ăn hoàn sắt nóng, uống nước đồng sôi, bị kéo lưỡi cho trâu cày…
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh dịa ngục đều dùng thức thực mà duy trì thân. Loại này cũng có thọ dụng phần đoạn thực vi tế, tạng phủ có hơi gió thoảng động, do nhân duyên này mà được sống lâu.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh địa ngục không có hành dâm, vì bị quá nhiều sự hình phạt đau khổ.
a.2 Nghiệp nhân và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp sanh tái sanh:
Người nào hiện đời bất tín Tam bảo, tạo các nghiệp cực ác như ngũ nghịch, thập ác… sau khi chết sẽ đoạ vào cảnh giới khổ đau này.
* Biểu hiện lâm chung:
Nếu ai lâm chung, đoạ vào cảnh giới địa ngục sẽ có những biểu hiện sau:
– Nhìn ngó thân quyến với con mắt ghét giận.
– Đi đại tiện, tiểu tiện mà không hay biết.
– Nằm úp mặt hoặc che dấu mặt.
– Thân hình và miệng mồm đều hôi hám.
– Cơ thể co lại, tay chân bên trái chấm xuống đất.
b. Ngạ quỷ đạo:
Ngạ quỷ tiếng phạn Preta, Ngạ là đói khát, Quỷ là khiếp sợ. Ngạ quỷ là chỉ những chúng sanh thường xuyên bị nạn đói khát và khiếp sợ đe dọa đời sống. Thân tướng Ngạ quỷ có nhiều hình thù rất xấu xa, mắt thường con người không thể thấy được. Ngạ quỷ không có một cảnh giới riêng biệt, mà sống trong rừng bụi, ở những nơi dơ bẩn…
b.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ chịu nhiều phần khổ não về sự đói khát chỉ có chút ít phần vui. Đại để loài Ngạ quỷ phân thành ba loại là: Quỷ đa tài, hạng Quỷ này do đời trước có tu phước nên hiện đời được ăn uống sung mãn có đầy đủ thần lực; loại thứ hai là Quỷ thiếu tài, hạng Quỷ này đời trước tuy có tu phước nhưng không nhiều, nên hiện đời tuy có đủ vật ăn uống nhưng không được như ý và thần lực kém cỏi; loại thứ ba là Quỷ Hy tự, hạng Quỷ này bụng to như cái trống cổ nhỏ như cây kim, bởi do đời trước tham lam bỏn xẻn, nên hiện đời luôn phải chịu cảnh đói khát liên tục…
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ đều dùng thô đoạn thực, tức ăn uống những vật thực như con người. Có điều, loài Ngạ quỷ Hy tự ( Quỷ kém phước) chỉ ăn thuần đồ bất tịnh. Loài Ngạ quỷ này khi thấy nước hay thức ăn thì những vật này đều hoá thành máu lửa và cát sạn.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ do vì có khổ vui xen lộn nên có sự dâm dục.Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.
b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp nhân tái sanh:
Người nào hiện đời tạo những nghiệp ác cộng với tánh hay tham lam keo kiệt, không thích làm các việc lành bố thí, cúng dường…sau khi chết sẽ đọa vào cảnh giới đau khổ này.
* Biểu hiện khi lâm chung:
Nếu ai lâm chung đọa vào cảnh giới Ngạ quỷ sẽ có những biểu hiện sau :
– Thân nóng như lửa.
– Thường lo nghĩ đói khát, hay nói đến việc ăn uống.
– Không đại tiện nhưng đi tiểu tiện nhiều.
– Đầu gối bên phải lạnh trước.
– Tay bên phải nắm lại biểu hiện lòng bỏn xẻn.
c. Súc sanh đạo:
Súc sanh hay còn gọi là bàng sanh. Bàng sanh là loại chúng sanh có xương sống nằm ngang. Lại chữ bàng có nghĩa là “biến mãn” vì bàng sanh có nhiều chi loại và các cõi đều có loài này. Đây là cảnh giới thuần đau khổ, hình thù kỳ dị.
c.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới bàng sanh chịu nhiều phần khổ về ăn nuốt lẫn nhau, chỉ có chút ít phần vui. Chúng sanh ở cảnh này phải chịu nhiều sự đánh đập, cày bừa, bị banh da xẻo thịt và nấu nướng, bị người nhai nuốt… Nói chung, họ luôn sống trong tâm trạng si mê xen lẫn đầy nỗi sợ hãi.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới súc sanh đều dùng thô đoạn thực. Các loài rồng thường dùng rùa, cá, ếch, nhái… làm thức ăn, loài kim suý điểu dùng rồng làm thức ăn, những vị long vương có phước báo cũng thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau cùng đều biến thành ếch nhái. Còn lại các loài bàng sanh khác đều ăn uống những vật bất tịnh.
* Dục nhiễm thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới Súc sanh, do vì có khổ vui xen lộn nên có sự hành dâm. Ở cõi này khi hai giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột độ liền có chất bất tịnh chảy ra.
c.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp duyên tái sanh:
Người nào hiện đời tạo các ác nghiệp cộng với tánh si mê, ngu độn…bướng bỉnh không nghe theo lời dạy của các bậc trưởng thượng, cố chấp không chịu sửa sai, sau khi chết đọa vào cảnh giới khổ đau này.
* Biểu hiện lâm chung:
Nếu ai lâm chung đoạ vào cảnh giới bàng sanh sẽ có những biểu hiện sau :
– Sanh lòng yêu mến vợ con đắm đuối không bỏ.
– Ngón tay và ngón chân đều co quắp.
– Ngu si mờ mịt như rơi vào mê sảng.
– Khắp trong thân mình đều toát mồ hôi.
– Tiếng nói khò khè miệng hay ngậm đồ ăn.
d. A tu la đạo
A tu la còn gọi là A tố lạc dịch là vô đoan chánh, phi thiên…. đây là hạng chúng sanh không bao giờ hớn hở tươi vui, đa số có hình tướng không được đoan chánh tâm luôn sân hận và hay sanh ái dục. A tu la có bốn bậc đó là Thiên A tu la, Nhân A tu la, Ngạ quỷ A tu la và Súc sanh A tu la.
d.1 Cảnh giới thọ dụng:
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc nhiều hoặc ít tuỳ theo tội phước hơn kém của mỗi người. Nói chung, A tu la tuỳ theo ở cảnh giới nào thì có sự khổ lạc thọ dụng tương tự như ở cảnh giới đó, vì thế họ không có chủng loại và trụ xứ riêng biệt.
* Ẩm thực thọ dụng:
Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thọ dụng có thô đoạn thực và tế đoạn thực. A tu la ở trong Súc sanh, Ngạ quỷ và cõi người dụng các vật bất tịnh. Riêng loài thiên A tu la dù có ăn các món ăn trân vị, song miếng sau cùng tự nhiên hóa ra bùn hay sâu nhái.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới A tu la có sự hành dâm tương đồng như chúng sanh loài người, quỷ, bàng sanh.
d.2. Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung.
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời tuy có tu ngũ giới nhưng tâm còn nhiều sân hận và lòng dục nhiễm, sau khi chết sẽ đoạ vào cảnh giới khổ đau này.
* Biểu hiện lâm chung :
Có thể nói A tu la là một dạng khác của Ngạ quỷ, do vậy biểu hiện lâm chung của người nào sắp tái sanh về cảnh giới A tu la, thời có những biểu hiện như chúng sanh tái sanh về cảnh giới Ngạ quỷ.
Có điều, tại sao trong A tu la có thiên A tu la thế mà loại này vẫn xếp sau nhân đạo. Sở dĩ như thế do vì hạng A tu la ở cõi trời, do tâm sân hận và ái nhiễm của họ mà có sự việc kém hơn cõi người:
– Dù loài này có ăn các món ăn trân vị song miếng ăn sau cùng tự nhiên hoá thành bùn hay ếch nhái.
– Ở trong cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước cõi A tu la mưa xuống những binh khí dao gậy.
– Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh pháp của Như lai, loài A tu la tâm sôi nỗi hơn thua nên khó tu đạo giải thoát.
2. Sanh về thiện đạo
a. Nhân đạo:
Nhân đạo là nẽo người. Nhân có nghĩa là nhẫn chỉ cho loài người khi gặp cảnh thuận nghịch đều có năng lực nhẫn nại an chịu với duyên phần. Chúng sanh ở cảnh giới này sự thọ hưởng có hạnh phúc lẫn đau khổ chứ không phải thuần khổ như bốn cảnh giới trước. Ở loài này có đầy đủ những thuận lợi để học và thực hành các giáo lý của đức Phật.
a.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo thọ sự khổ vui xen tạp, hoặc ít hoặc nhiều tuỳ theo nghiệp nhân mỗi người đã tạo ra. Nói chung, bên cạnh sự hạnh phúc đôi chút con người phải bị chi phối tám nỗi khổ lớn. Đó là : Sanh là khổ, bịnh là khổ, già là khổ, tử là khổ, cầu bất đắc là khổ, ái biệt ly là khổ, oán tắng hội là khổ và ngũ ấm xí thạnh là khổ.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chúng sanh trong cảnh giới nhân đạo về ẩm thực thọ dụng có tế đoạn thực và thô đoạn thực. Tế đoạn thực là khi ở trong thai thọ dụng huyết phần của mẹ. Thô đoạn thực là ăn những thức ăn như: cơm, rau, cá, thịt… Nói rộng ra, các sự thọ dụng khác như: phòng nhà, chiếu, gối, tắm… cũng gọi là tế đoạn thực.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới nhân đạo vì có sự khổ vui xen lộn nên có hành dâm. Sự hành dâm tương đồng như loài bàng sanh, quỷ, thần… khi hai thân khác giống giao hợp, trong tâm khởi niệm khoái lạc tột cùng, liền có chất bất tịnh chảy ra.
a.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung:
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời có niềm tin kiên cố đối với Tam Bảo và giữ gìn năm giới cấm, có lòng nhân từ hiếu đạo, giúp đỡ yêu thương kẻ nghèo khó, phát tâm bố thí kẻ cúng dường… sau khi chết sẽ được tái sanh vào cảnh giới người.
* Biểu hiện lâm chung :
Nếu ai lâm chung được tái sanh vào cảnh giới nhân đạo sẽ có những biểu hiện sau :
– Khởi niệm lành sanh lòng hòa dịu ưa việc phước đức.
– Sanh lòng chánh tín thỉnh Tam Bảo đến đối diện quy y.
– Thấy bà con trông nom sanh lòng vui mừng.
– Tâm chánh trực không ưa dua nịnh.
– Dặn dò giao phó các công việc lại cho thân quyến rồi từ biệt ra đi.
b. Thiên đạo :
Thiên đạo là nẽo trời, chữ Thiên có nghĩa là thiên nhiên, tự nhiên, lại chữ thiên ở đây còn có bốn nghĩa ẩn: Tối thắng, tối thiên, tối lạc, tối tôn. Chúng sanh ở cảnh giới này thân tướng trang nghiêm hưởng phước lạc tự nhiên, sự ăn mặc thọ dụng đều tùy niệm hóa hiện.
b.1 Cảnh giới thọ dụng :
* Khổ lạc thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh giới này khổ ít vui nhiều. Chư thiên ở cõi dục thọ dụng nhiều phần vui, có ít phần khổ về sự suy não đoạ lạc. Chư thiên ở cõi sắc giới từ sơ thiền đến tam thiền lấy định cảnh làm vui, sự vui cùng cực duy ở cõi tam thiền. Từ tứ thiền cho đến chư thiên cõi vô sắc thì không có khổ lạc thọ.
* Ẩm thực thọ dụng :
Chư thiên ở cõi dục thọ dụng những trân vị như cam lồ, tô đà. Tuy nhiên, tuỳ theo phước báu của mỗi vị sai khác mà có vị thọ dụng đầy đủ có vị thọ dụng không đầy đủ, đồng thời mùi vị của thức ăn có sự hơn kém. Chư thiên ở cõi sắc giới thọ phần tư thực, dùng sự vui thiền định để nuôi sắc thân. Còn chư thiên ở cõi vô sắc thì chỉ có thức thực.
* Dục nhiễm thọ dụng :
Chúng sanh ở cảnh thiên đạo, chỉ có chư thiên ở dục giới là có sự hành dâm, còn chư thiên ở cõi sắc và vô sắc giới đều tu phạm hạnh không có dục nhiễm thọ dụng.
Thiên chúng ở dục giới khi gần gũi với nhau không có chảy ra chất bất tịnh, chỉ nơi căn môn có hơi gió nhẹ thổi ra dục niệm liền tiêu. Trời Tứ thiên vương và Đao lợi có sự giao cảm cũng như loài người. Trời Dạ ma nam nữ chỉ ôm nhau là đã thoả mãn dâm dục. Trời Đâu suất hai bên nắm tay nhau dục niệm liền tiêu. Trời Hoá lạc hai bên nam nữ chỉ chăm nhìn nhau cười là dục sự đầy đủ. Trời Tha hoá chư thiên chỉ liếc mắt nhau là đã xong rồi dục sự.
b.2 Nghiệp nhân tái sanh và biểu hiện lâm chung :
* Nghiệp nhân tái sanh :
Người nào hiện đời tu Thập thiện và chứng đắc các thiền định, sau khi lâm chung sẽ được tái sanh về cảnh trời. Trong đó người nào thành tựu mười nghiệp lành, sẽ tái sanh về cảnh giới Dục giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn thiền định ( tứ thiền) sẽ tái sanh về cảnh trời Sắc giới, người nào tu mười nghiệp lành cọng với chứng đắc một trong bốn không định (tứ không) sẽ tái sanh về cảnh trời Vô sắc.
* Biểu hiện lâm chung :
Nếu ai lâm chung được tái sanh về cảnh trời sẽ có những biểu hiện sau :
– Phát khởi tâm lành.
– Chánh niệm rõ ràng.
– Đối với của cải, vợ con…lòng không lưu luyến.
– Không có những sự hôi hám.
– Ngữa mặt lên và mỉm cười, mà nghĩ tưởng thiên cung đến rước mình…
Lưu ý:
Biểu hiện lâm chung của sáu cảnh giới kể trên không phải con người khi sắp chết mỗi mỗi đều biểu hiện đầy đủ, mà đôi lúc chỉ có những điểm thiết yếu biểu hiện. Lại chúng ta cần phân biệt, ví như hai cảnh giới nhân đạo và thiên đạo thì tâm hồn họ đều trong sạch, nhưng một bên chỉ nghĩ đến thiên cung xao lãng việc đời, một bên thì thương nhớ bà con căn dặn việc nhà. Còn hai cảnh Ngạ quỷ và địa ngục thì tâm hồn họ đều mê man, nhưng một bên thì sanh tâm nóng nảy mất hết sự từ hòa, một bên thì biểu hiện tham lam hay nói đến chuyện ăn uống. Đến như loài Súc sanh thì thân thể tháo mồ hôi tiếng nói khàn nghẹt nhưng còn luyến tiếc bà con…. đó là những điểm dị biệt trong sáu cảnh giới để chúng ta xác định rõ từng cảnh giới tái sanh.
Lại có đôi người đến khi chết tâm hồn trở thành vô ký (không biểu hiện lành hay dữ như thế nào). Hạng người này muốn dự đoán họ sẽ tái sanh về cảnh giới nào, chúng ta chỉ xác định dựa theo hơi nóng nơi nào trên thân mới có thể quyết đoán được.
III. BA YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH TỰU MỘT CẢNH GIỚI:
Xưa nay có một số người quan niệm rằng : Con người chúng ta khi tâm thanh tịnh chính là đang sống trong cảnh giới Tịnh độ, khi tâm đang ngu si, mê mờ…là đang sống trong cảnh giới địa ngục chứ không có cảnh giới Tịnh độ hay cảnh giới địa ngục nào khác. Quan niệm về cảnh giới như thế là hoàn toàn không chính xác, đôi khi dẫn đến nhiều sự ngộ nhận gây tác hại không nhỏ. Với những biểu hiện của tâm con người như thế, chúng ta chỉ có thể nói đó là nghiệp nhân Tịnh độ hay nghiệp nhân địa ngục mà con người đang tạo mà thôi.
Chung quy, cảnh giới mà mỗi khi chúng sanh thọ dụng phải đầy đủ ba yếu tố mới có thể thành tựu :
Vũ trụ quan : Là xác định vị trí địa lý của mỗi cảnh giới, như cảnh Tây phương Tịnh độ là cõi cực kỳ trang nghiêm nằm ở phía tây cõi Ta Bà, địa ngục là cảnh giới thuần khổ đau vị trí ở ngoài mé núi Thiết vi.
Nhân sanh quan : Là xác định thân tướng sai biệt của mỗi cảnh giới, bởi thân tướng của mỗi loài tuỳ theo phước báu có hơn kém mà mỗi loài đều có hình tướng sai biệt, như thân tướng của Thánh chúng cõi Tây phương Tịnh độ thì trang nghiêm đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, còn thân tướng của chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, thân tướng chúng sanh ở cảnh địa ngục thì xấu xa kỳ dị, đầu trâu mặt ngựa…
Tâm lý quan : Là xác định tâm lý sai biệt của mỗi cảnh giới, như tâm của Thánh chúng cõi Tây Phương Tịnh độ thì luôn thanh tịnh, tâm các Ngài luôn an trụ vào thiền định đồng thọ hưởng pháp lạc của thiền định tương đồng với Phật A Di Đà; còn tâm chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ luôn bị sự đốt cháy của đói khát… tâm của chúng sanh ở cảnh giới địa ngục luôn sân hận, sợ hãi…
Như thế, chúng sanh hiện đời gây tạo nghiệp nhân gì sau khi lâm chung sẽ tuỳ theo nghiệp nhân đó mà tái sanh về một trong sáu cảnh giới luân hồi. Do đó, cảnh giới tái sanh chỉ xác lập khi đã đầy đủ ba yếu tố kể trên, nếu chưa đủ ba yếu tố đó thì chưa có thể nói đó là cảnh giới chúng sanh đang thọ dụng. Hay nói một cách khác, ở mỗi cảnh giới đều có vị trí, thân tướng và tâm lý sai khác mà chúng sanh ấy phải thọ dụng.
C. Kết luận:
Tóm lại, bởi do vô minh và ái dục chi phối mà chúng sanh cứ sống rồi chết, chết rồi lại sống, cứ thế mãi mãi trối lăn vào một trong sáu cảnh giới luân hồi. Trong sáu cảnh giới đó, bốn cảnh giới trước hoàn toàn khổ đau, hai cảnh sau trời và người tuy có hạnh phúc nhưng xét lại vẫn thuần là khổ.
Ví như chúng sanh ở cảnh giới địa ngục, thì một ngày một đêm phải trải qua cảnh vạn lần chết đi sống lại bị sự tra tấn của vạc dầu hầm lửa. Chúng sanh ở cảnh giới Ngạ quỷ thì bị sự thiêu đốt của nạn đói khát, ngàn vạn năm cái tên cơm, nước chưa từng nghe huống gì là được ăn no. chúng sanh ở cảnh giới Súc sanh thì bị sự khổ của si mê dày vò, bị người khác banh da xẻo thịt nhai nuốt vào bụng. Chúng sanh ở cảnh giới A tu la thì bị sự sân hận và tham dục chi phối, suốt ngày luôn đánh giết lẫn nhau để tìm cầu sự thoả mãn của xác thịt. Còn chúng sanh ở hai cảnh giới trời, người tuy có hạnh phúc xen lẫn khổ đau nhưng ở cảnh người, chúng sanh phải chịu tướng bát khổ; ở cảnh giới trời vẫn bị năm tướng suy hao. Chi bằng muốn thoát ly sanh tử luân hồi tránh sự nhọc nhằn khi phải làm kẻ lữ khách qua lại nơi tam giới, chúng ta nên cố gắng phát tâm tín sâu, nguyện thiết, chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà. Chúng ta chỉ mong làm sao hiện đời trả chút nghiệp còn lại lâm chung sớm được vãng sanh về nước Phật mà thôi.
Trích Lâm Chung Những Điều Cần Biết
Thích Nguyên Liên soạn dịch
Nam mô A Di Đà Phật
theo lời dạy của Thượng tọa Thích Huệ Đăng
Thầy giảng thế này: “Sự thật là ngày nay cư sĩ dễ hơn tu sĩ trong việc tu. Vì người tu ra ngoài chợ mà bán dứa thì người ta chửi, người tu phải nhẫn nhục, chịu đựng. Còn cư sĩ thì rất dễ, người đời mà, mà Đạo và đời trong tứ chúng của Tăng đoàn Đức Phật có bốn hạng người: tỳ kheo tăng, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di… đều có thể hành được mà không phân biệt. Tuy nhiên, cư sĩ ngược lại cũng khó hơn các vị tu sĩ ở chỗ bị ràng buộc nhiều bởi danh lợi tình, nếu chuyển hóa được danh lợi tình thì sẽ đạt được. Phải đối đầu với danh, lợi tình, vì mở mắt thức dậy các vị đã phải đối đầu, đụng chạm ngay với danh, lợi, tình… Người tu sĩ ít phải đối đầu hơn vì họ ở chùa. Vậy phải làm sao mình chuyển hóa được thành tình thương chân thật đối với cộng đồng thì danh lợi tình mới thành ra Trí Tuệ. Hai bên cư sĩ và tu sĩ đều gặp khó, mỗi bên có những cái khó khác nhau.
Làm thế nào để chuyển hóa được cái danh và cái lợi?
Đó là khi mình chuyển hóa được cho cộng đồng, biết dừng lại được đúng thời đúng lúc. Nếu làm doanh nghiệp không có lợi nhuận hay thành công thì đừng làm. Ai cũng mong cầu nhiều lợi lạc nhưng mà sử dụng đồng tiền thế nào để đừng mất tâm, cái đó là quan trọng nhất của cuộc đời mình không bị lệ thuộc, giả dối chiếm lĩnh.
Như sâm Ngọc Linh ở Việt Nam này. Tôi dùng Callus sinh khối từ sâm Ngọc Linh đem biếu cho những người bệnh. Cây sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý của quốc gia, mà mình làm được sinh khối để đem biếu cho người chữa bệnh. Vậy nếu đem bán thì bán bao nhiêu? Bán ra thì những người làm giả sẽ xen vào, trong khi chưa hoàn chỉnh quy trình, mình ham tiền bán ra là người làm giả xen vào để phá ngay. Thà chịu khổ một chút để đem biếu thì người ta không phá được, vì trên thị trường không có Callus sinh khối sâm Ngọc Linh. Làm ra đồng tiền là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đừng mất Tâm. Nếu mình bán ra ba triệu, năm triệu thì rất dễ nhưng làm sao để giữ được uy tín đừng để mất Tâm ban đầu vì tôi đã nguyện: “Lấy Tâm làm Cha; Lấy Trí tuệ làm Mẹ; Lấy cộng đồng làm quyến thuộc”.
Gần ba chục năm trước, tôi đến Đà Lạt với hai bàn tay trắng và một túi nải… quần áo. Theo lời Phật, tôi nhập thế, bằng cách tự mình nuôi trồng phong lan để kiếm sống, mà không mang bát đi khất thực. Để trồng được địa lan, rất cần phân bò và thế là tôi hót từng đống phân bò đem về ủ. Phật dạy rằng: “Gian khổ là nấc thang thành công của người trí, cũng là vực thẳm của kẻ hèn nhát và lười biếng”. “Dao bén nhờ mài trên đá, người trí nhờ luyện nơi đời”. Phải có sự trải nghiệm để phát hiện kỹ năng.
Phải nói thêm rằng, muốn thành công, người tu hành phải có bốn đoạn đường: Đoạn thứ nhất là hành giả, tức là người tu; đoạn đường thứ hai là học giả, đoạn đường thứ ba là sứ giả rồi cuối cùng mới đạt thành tựu giả là Trí Tuệ giải thoát.
Trước nhất là tu, sau phải học, thứ ba là phải đi dạy và hoằng pháp dạy người để có trải nghiệm và ba cái đó cộng lại mới là thành tựu giả.
Nhưng điều buồn là bây giờ chúng ta thường bỏ qua hành giả nên không đạt được thành tựu giả.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng phải trải qua bốn bước này để thành tựu. Nhưng thế hệ chúng ta bây giờ làm được như Đức Phật được không?
Kinh Bát Nhã Đức Phật thuyết 22 năm từ Sơ Địa đến Thập Địa, tôi rút lại còn một đoạn đường như vậy, rồi còn tới Đẳng Giác và Diệu Giác tương ứng qua các giai đoạn điều thân, điều tức và điều tâm. Nhưng mà mình có làm được hay không là chuyện khác, việc này có một lộ trình rất rõ ràng. 5 năm cầu pháp là điều Thân, 6 năm khổ hạnh là điều Tức, 49 năm mang đi xin ăn là điều Tâm. Và khi đã điều được Tâm thì Trí Tuệ mới hiện bày ra. Muốn có Trí Thức thì phải học tập. Nhưng muốn có Trí Tuệ thì phải chấp nhận nhập thế hành Bồ Tát Đạo.
Lộ trình ứng dụng Trí Tuệ và sức khỏe vào cuộc sống để có an lạc và hạnh phúc trên tinh thần Thập Độ Ba La Mật của Bát Nhã lấy Bát Nhã chia ra làm mười lộ trình.
Chúng ta giờ phải ứng dụng làm sao để phù hợp với cuộc sống của một doanh nghiệp, một người nhập thế của hiện tại ngày nay, chứ không phải tới chùa mới là tu, mà chúng ta tu ngay nơi việc làm của mình để phát huy được kỹ năng của chính mình.
Khi một người sanh ra, vào chùa lúc 6 tuổi rồi đến khi học đại học mất đi 17 năm, qua Ấn Độ học 8 năm nữa lấy tầm bằng tiến sĩ, về nhận một chức vụ của giáo hội, thành ra học giả chứ không phải là hành giả. Ở đây chúng ta là người tu sĩ chứ không phải là học sĩ, chỗ này hiện nay phần nhiều đang bị kẹt. Đã là người tu, người xuất gia là tu sĩ thì phải có tu qua mới đạt tới hành giả, rồi đem trải nghiệm đó ra dạy người rồi mới trở thành thành tựu giả được, đây đang là một lỗ hổng rất lớn trong hệ thống đào tạo tăng tài của chúng ta.
Nếu chúng ta có cái Tâm rộng lớn thì trí rộng lớn, trí rộng lớn thì đức rộng lớn, đức rộng lớn thì phương tiện rộng lớn, phương tiện rộng lớn thì uy tín rộng lớn, uy tín rộng lớn thì cộng đồng rộng lớn.
Ví dụ như ở một doanh nghiệp có được những người quản lý và người điều hành là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc điều hành biết được Chân lý của Phật giáo, từ đó phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để có được tâm rộng lớn thì có trí rộng lớn, trí được như vậy thì đức rộng lớn thì ứng dụng vào quản lý và điều hành rất khác so với những người không hiểu Chân lý.
Tại sao vậy? Vì với họ công ty, là phương tiện để hành cái Tâm rộng lớn vì cộng đồng để hiển bày đạt được Trí Tuệ.
Họ không nghĩ tới lợi ích riêng cá nhân họ, mà công ty để luyện cái Tâm hy sinh, nhẫn nhục, siêng năng, luyện cái trí đó, luyện cái lực đó và luyện cái kỹ năng đó, tạo ra của cải vật chất để tự lo cho mình, cho người thân, và cho cộng đồng. Họ biết cuộc đời này chết đi rồi cũng bỏ lại, nên chỉ mượn cái công ty đó làm phương tiện hoàn thiện kỹ năng Trí Tuệ chính mình. Họ dùng cái Tâm để tạo ra của cải vật chất, cho nên họ luôn phấn đấu đến phải làm hàng hóa có chất lượng cao, phải chăm lo cho người làm công, phải đóng góp lớn nhất cho xã hội…
Chúng ta mượn phương tiện (công ty) này là để rèn luyện cái Tâm, làm sao cho phát triển kỹ năng, chứ không phải là để mình thu lợi cho cuộc sống riêng thỏa mãn cho cá nhân mình, nếu vậy thì thành ra cái Tâm nhỏ hẹp. Khi chúng ta biết được chân lý của Phật giáo thì chúng ta mượn cái phương tiện của doanh nghiệp là để phát huy Trí Tuệ, phát huy Tâm Lực của mình.
Để tìm ra Chân lý, Đức Thích Ca Mâu Ni là một Thái tử phải mang bát đi xin ăn, chỗ này cũng là vì Ngài mượn cộng đồng để phát huy Tâm Lực và Trí Lực của Ngài, chứ không phải vì để cất chùa cao, đúc tượng lớn. Khi vua cha Tịnh Phạn năm lần sai sứ giả mời Ngài về để cất cho một tịnh xá và nuôi hết tăng chúng nhưng Ngài đều từ chối.
Bây giờ, người ta đua nhau xây cất chùa cho to, đúc nhiều tượng Phật, rồiđua nhau cúng kiếng, lễ bái, dâng lên Phật đủ thứ sơn hào hải vị, thậm chí đua nhau nhét tiền vào tay tượng Phật và cứ nghĩ đó là “thành tâm”, thật là nhầm?
Ta phải nghĩ rằng, khi chúng ta đến lạy Phật là chúng ta kính lạy một bậc giác ngộ, một tấm gương về đạo đức, lạy một bậc trí giả, người đã giác ngộ hoàn toàn, đạt đến độ giải thoát và nguyện đi theo con đường của Đức Phật. Cũng như chúng ta thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị Đại Bồ Tát, đã trải qua bao gian nan để tìm đường cứu cả dân tộc, đất nước – là nguyện theo gương đạo đức của Người, chứ chả lẽ cầu xin Người phù hộ cho được lên chức, lên quyền, mua được ôtô, xây nhà to hay sao?
Còn nếu đến cửa chùa, lạy Đức Phật để cầu xin vật chất, danh vọng, thì chúng ta đã biến tín ngưỡng Phật giáo thành mê tín dị đoan, biến Phật thành siêu quyền lực, biến Phật giáo là Trí Tín thành Mê Tín. Đấy là chúng ta đã hiểu sai hoàn toàn tư tưởng của Phật giáo.
Giá như bây giờ, tiền bạc để xây chùa to, đúc tượng lớn, mà đem giúp đỡ người nghèo, hay đầu tư cho sản xuất, tạo công ăn việc làm cho chúng sinh… Thì có phải tốt bao nhiêu không và đó mới là thấu hiểu Chân lý của Phật giáo.
Nếu mà chúng ta làm được như vậy thì xã hội và đất nước của chúng ta sẽ rất phát triển và hạnh phúc.
Tôi làm thí nghiệm với cây sâm Ngọc Linh đã nhiều năm rồi, khi lên núi Ngọc Linh đem 98 mẫu sâm, về cấy mô đến nay chưa bán ra, chỉ lấy sinh khối đem biếu người. Tôi lấy cái đó để luyện cái Tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục.
Hằng năm tiền bán được hoa lan tôi đem về đầu tư để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đó là sự thực tập, thí nghiệm của tôi đối với luồng vận hành Trí Tuệ, và cái Tâm đúng như vậy theo tư tưởng của Đức Phật.
Cốt lõi của Đạo Phật là phải vào đời, hiện thực nơi đời, làm lợi lạc cho đời, đó là Chân lý Phật giáo. Làm thế nào vào đời nhưng đừng để đời ràng buộc, vào doanh nghiệp nhưng đừng để doanh nghiệp cột mình lại hoặc buộc được mình mà phải làm trong giải thoát, đừng bị danh lợi tình ràng buộc, phải chuyển hóa nó thành từ bi Trí Tuệ, thế mới gọi là giải thoát, chứ không phải chết rồi tụng kinh cầu siêu mới là giải thoát. Giải thoát ngay trong việc làm, trong ý niệm, không bị ràng buộc dính rấp. Bởi vậy tôi tuyên bố Công ty Sâm Ngọc Linh của tôi cần làm thì làm mà không cần thì dẹp. Không ai ràng buộc được tôi, vì đó chỉ là phương tiện để tôi phát triển kỹ năng và luyện tâm. Chỉ có tình thương và sự chân thật mới ràng buộc được tôi. Chúng ta làm doanh nghiệp phải có cái Tâm, cái lực đó mới là thành công. Còn nếu chúng ta dùng: sắp, bị, tại, sẽ (trì hoãn công việc) thì không bao giờ thành công được, thành công có chăng chỉ trong sự giả dối, không phải thành công trong chắc chắn và chân thật. Làm hết sức mình nhưng không để bị ràng buộc, cột trói mình vào đó.
Có người nói tài sản, sự nghiệp ai dám buông, khi mình vào được chiều sâu của vấn đề mình quán thì sẽ thấy mọi việc thật rõ ràng: buông mà không bỏ, mất mà vẫn còn. Vì sao? Vì trong tự tâm của chúng ta không có cái chấp, do chúng ta buông những cái chấp đó ra, luôn trở về cái vắng lặng thanh tịnh trong tự tâm, nhưng bề ngoài chúng ta phải sử dụng đúng thời đúng lúc tất cả các phương tiện cốt làm sao có lợi lạc cho cộng đồng. Đó là hành dụng được Trí Tuệ của Đạo Phật. Đó mới chính là Chân lý của Đạo Phật đã trao truyền”.
Như vậy theo như các bạn trên mởi chỉ là ở mức học giả phải không thầy?
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa Sư Thầy,Sư Cô,…!Cho con hỏi khi ta được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc sau đó tu hành đến khi viên mãn thành Phật thì lúc đó ta nhập Niết Bàn phải không ạ?Khi nhập Niết Bàn thì chúng ta như thế nào ạ?Con có nghe Thầy Thích Trí Huệ giảng khi nhập Niết Bàn thì chúng ta không thọ vui cũng không thọ khô.Con xin Sư Thầy,Sư Cô trả lời giúp con vấn đề này.Nam Mô A Di Đà Phật
Huynh Hãy niệm A DI ĐÀ PHẬT trả lời cho đệ & bạn Hải Dương biết với !
Bạn Đặng Nguyễn Hải Dương thân mến,
Trong khi chờ đợi quý Sư Thầy, quý Sư Cô hay quý thiện tri thức trên trang này trả lời rành rẽ cho bạn, mình xin ghi lại đôi dòng vắn tắt mà mình đã lỏm bỏm nghe được: Niết Bàn là trạng thái an lạc của TÂM trong một “Cảnh Giới Vượt Ngoài Mọi Cảnh Giới” khi đã vĩnh viễn đoạn diệt mọi phiền não do Tham, Sân, Si,…. Niết Bàn chỉ có thể cảm nhận khi đã chứng đắc (quả vị Phật), chứ không thể diễn tả bằng ngôn từ của thế gian, bởi vì người thế gian không thể hiểu và cảm nhận được ( giống như người Mù Bẩm Sinh không thể hình dung được khi bạn diễn tả vẽ đẹp của trăng sao, của cầu vồng bảy sắc, và vẽ đẹp của muôn hoa vậy!). Đức Phật chỉ có thể mô tả trạng thái của Niết Bàn bằng ngôn từ thế tục như là “Vô Biên”, “Vô Điều Kiện”, “Bất Khả So Sánh” , “Vô Thượng” , “Tối Cao” , “Siêu Việt” , “Nơi An Trú Tối Thượng”, “An Toàn”, “An Ninh” , “Hạnh Phúc” , “Duy Nhất”, “Vô Trú Sở”, “Bất Khả Hoại”, “Tuyệt Đối Thanh Tịnh”, “Siêu Xuất Thế Gian”, “Bất Tử”, “Giải Thoát”, “An Lạc”, v.v.
Niết Bàn gồm có 2 loại: Hữu Dư Niết Bàn (Phật còn tại thế) và Vô Dư Niết Bàn (Phật đã nhập diệt).Thầy giảng ” khi nhập Niết Bàn thì chúng ta không thọ vui cũng không thọ khổ”, theo mình hiểu là thầy muốn nói đến cái Vui và Khổ của Thế Tục (Vui trong “3 ngôi nhà lửa”, cái Vui này không “Thật”!).
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật
1.Về vấn đề khổ-vui,bạn đọc tại A Di Đà Kinh Yếu Giải-Ngẫu ích đại sư,hòa thượng Tịnh Không có giảng như sau.
(Chánh kinh: Này Xá Lợi Phất! Cõi kia vì cớ sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui, nên gọi là Cực Lạc.
Giải: Chúng sanh là người thụ dụng. Từ Đẳng Giác trở xuống đều có thể gọi là chúng sanh. Nay ước theo nhân dân để nói, dùng [trạng huống của] hạng hạ hạ để suy ra [tình trạng của] hạng thượng thượng.
Cõi Sa Bà khổ và vui xen tạp, thật ra, Khổ là Khổ Khổ, vì [các nỗi khổ] bức não thân tâm. Lạc là Hoại Khổ vì nó chẳng tồn tại lâu dài. Chẳng khổ chẳng vui là Hành Khổ vì tánh nó đổi dời. Cõi kia vĩnh viễn thoát khỏi ba sự khổ này, chẳng giống như cõi này, lạc là do so với khổ mà nói. Vì thế, cõi ấy tên là Cực Lạc).
Trong kinh, hễ nhắc đến danh tự của một người nào là nhằm làm cho người ấy chú ý. Trong phần sau có những khai thị rất quan trọng. Đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất bảo: “Cõi ấy vì sao gọi là Cực Lạc?” Ngài Xá Lợi Phất trọn chẳng thể đáp được, vì đấy là cảnh giới thuộc Phật quả, ngài Xá Lợi Phất chưa thành Phật, không thể đáp được. Do vậy, đức Phật tiếp tục nói, chúng sanh trong thế giới ấy không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những niềm vui. Vì thế, gọi là Cực Lạc. Đức Phật dạy trong thế giới này của chúng ta, có năm thứ Thọ (cảm nhận): Khổ, Lạc, Ưu, Hỷ, Xả. Thân có hai thứ Thọ là Lạc và Khổ (sướng và khổ), tâm có hai thứ Thọ là Ưu và Hỷ (buồn và vui). Nếu không có bốn thứ Thọ trên đây thì là Xả Thọ. Xả Thọ ngắn ngủi, tạm thời, nếu giữ được một thời gian dài sẽ là Định. Tuy đạt đến Tứ Thiền, Bát Định thì vẫn là Xả Thọ, chưa phải là tam-muội. Nếu vượt qua Bát Định, đạt đến Cửu Thứ Đệ Định thì mới vượt thoát tam giới.
“Chúng sanh thị Năng Thụ Dụng nhân” (chúng sanh là người thụ dụng). “Các duyên hòa hợp mà sanh” thì gọi là “chúng sanh”. Con người là do các duyên hòa hợp mà sanh. Khăn lông cũng là do các duyên hòa hợp mà sanh. Không có một pháp nào chẳng phải do các duyên hòa hợp. Từ Đẳng Giác trở xuống đều gọi là “chúng sanh”. Trong chín pháp giới, trừ lục đạo ra, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều là học trò của Phật; trong năm mươi mốt địa vị, Đẳng Giác là cao nhất. Tại Tây Phương, hưởng thụ bình đẳng; ngoài Tây Phương thế giới ra, sự hưởng thụ của chúng sanh trong chín pháp giới đều chẳng bình đẳng. Thế giới Sa Bà khổ nhiều, vui ít. Khổ là thân lẫn tâm đều chịu áp lực. Thời gian sung sướng cũng chẳng lâu dài nên gọi là Hoại Khổ. Chẳng khổ chẳng sướng là Xả Thọ, tâm chẳng thể thường giữ được [trạng thái ấy] nên gọi là Hành Khổ. Trong kinh nói tới ba khổ và tám khổ. Tám khổ là “sanh, lão, bệnh, tử, cầu chẳng được, yêu thương phải chia lìa, chán ghét phải gặp gỡ, năm Ấm lừng lẫy”. Kinh Phật giảng Sanh Khổ hết sức thấu triệt, thần thức phải ở trong bụng mẹ mười tháng, cảm nhận như đang ở trong địa ngục. Mẹ uống một chén nước lạnh, con như đang ở trong địa ngục Hàn Băng, mẹ uống một chén nước nóng, con như ở trong địa ngục Bát Nhiệt. Ra khỏi thai, chuyện đời trước quên sạch sành sanh. Lúc sanh ra, như trong địa ngục Giáp Sơn (núi ép lại). Đẻ ra, tiếp xúc không khí như địa ngục Phong Đao. Bệnh Khổ (khổ vì bệnh tật), Lão Khổ (khổ vì già nua) bày ra trước mắt, ai nấy đều cảm nhận gián tiếp hay trực tiếp. Lúc chết, thần thức tách lìa thân thể, giống như con rùa còn sống bị bóc mai. Người học Phật có công phu thật sự thì già, bệnh, chết đều không có. Tuổi già nhưng thân thể khỏe mạnh, lâm chung biết trước lúc mất, không bệnh tật mà qua đời. Trên đây là bốn nỗi khổ “sanh, lão, bệnh, tử”. Thứ năm là Cầu Bất Đắc Khổ, dục vọng quá nhiều, không cách gì đạt được. Thứ sáu là Oán Tắng Hội Ngộ Khổ, oan gia đối đầu, chẳng mong chạm mặt mà cứ phải gặp hoài. Thứ bảy, là Ái Biệt Ly Khổ, phải sanh ly tử biệt với người mà ta đem lòng yêu thương. Thứ tám là Ngũ Ấm Xí Thịnh Khổ. Ngũ Ấm là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, tức là những tạo tác sinh lý và tâm lý. Ngũ Ấm là nhân, bảy thứ khổ trước là quả.
“Lạc thị Hoại Khổ, bất cửu trụ cố” (Lạc là Hoại Khổ, vì chẳng tồn tại lâu dài). Giống như ma túy, khổ là thật, sướng là giả. Sướng biến thành khổ, khổ chẳng thể biến thành sướng. Chẳng hạn như khiêu vũ là sung sướng, nhưng khiêu vũ liên tiếp ba ngày ba đêm thì sướng biến thành khổ. Ba ngày không ăn cơm, khổ chẳng thể nói, đến bảy ngày thì lại càng khổ hơn, trọn chẳng thể biến thành sướng. Phi khổ phi lạc cố nhiên là tốt, nhưng nó có Hành Khổ. Tục ngữ có câu “thanh xuân bất trụ” (tuổi xuân chẳng còn mãi), già suy trong từng sát-na. Nói thật ra, từ ngày được sanh ra, con người đã bươn bả thẳng đến mộ phần chưa hề tạm ngừng. Thế giới Cực Lạc vĩnh viễn thoát khỏi tám khổ. Khổ và Lạc là tương đối; tại Tây Phương, Khổ lẫn Lạc đều không có, nên gọi là Cực Lạc. Loại cảnh giới này chẳng thể nghĩ bàn, chúng ta chẳng những nói không ra, mà ngay cả tưởng tượng cũng không thể tưởng tượng được. Kinh Hoa Nghiêm giảng về cảnh giới Cực Lạc tường tận nhất. Đọc kinh Hoa Nghiêm sẽ có thể tưởng tượng được sự thù thắng trang nghiêm ở Tây Phương. Trong quá khứ, pháp sư Từ Vân Quán Đảnh là người sống vào đời Càn Long nhà Thanh, trước tác hết sức phong phú, đã so sánh giữa Sa Bà và Cực Lạc. Luận về khổ và lạc thì:
– Cõi này chẳng gặp Phật là khổ. Sau khi vãng sanh Tây Phương, hoa nở thấy Phật là vui.
– Cõi này nghe pháp rất khó. Tây Phương sáu trần đều thuyết pháp.
– Cõi này bị bạn ác lôi kéo, buộc ràng, chẳng thể thỏa lòng tu đạo. Tây Phương có các vị thượng thiện nhân tụ hội một chỗ.
2.Vấn đề tu hành
-Theo như mình hiểu Niết Bàn cũng có 2 loại là tiểu Niết Bàn của các vị A la hán và Đại Niết Bàn của Phật và Bồ tát. Đại Niết Bàn cũng có nhiều cấp độ,tiêu biểu nhất là Vô Sanh Pháp Nhẫn và Tịch Diệt Nhẫn.
-Đến đây mình xin trích lời giảng của hòa thượng Tịnh Không trong A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
“Ngộ Vô Sanh” là ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn, [người ngộ Vô Sanh] là Pháp Thân đại sĩ, Lý nhất tâm bất loạn. Không cần tu Lý nhất tâm bất loạn ở nơi đây, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi sẽ tu, chắc chắn thành công! Tu tại nơi này, thật là khó khăn. Ở nơi đây, trước hết, chúng ta chỉ tu giai đoạn thứ nhất để cầu vãng sanh. Sau khi đã vãng sanh, chúng ta lại tu Vô Sanh Pháp Nhẫn. Kinh Nhân Vương có nói Ngũ Nhẫn Bồ Tát, tức là chia Bồ Tát thành năm loại. Vô Sanh Pháp Nhẫn Bồ Tát thuộc loại thứ tư [trong Ngũ Nhẫn], thuộc tầng cấp thứ tư, địa vị này rất cao. Vô Sanh Pháp Nhẫn được chia thành ba phẩm: Thượng phẩm là Cửu Địa Bồ Tát (Thiện Huệ Địa Bồ Tát), trung phẩm là Bát Địa tức Bất Động Địa Bồ Tát, hạ phẩm Vô Sanh Pháp Nhẫn là Thất Địa tức Viễn Hành Địa Bồ Tát. Cao hơn [Vô Sanh Pháp Nhẫn] là Tịch Diệt Nhẫn cũng có ba phẩm: Hạ phẩm là Thập Địa tức Pháp Vân Địa Bồ Tát, trung phẩm là Đẳng Giác, thượng phẩm là Phật, địa vị này hết sức cao. Đức Phật dùng phương tiện thiện xảo chân thật chỉ dạy chúng ta một con đường, bảo chúng ta cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thật sự ngộ nhập “hết thảy các pháp vốn bất sanh”, ngộ nhập cảnh giới ấy. Nói cách khác, thấp nhất cũng là Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa Bồ Tát, hết sức gần với Phật.
Mọi người học Phật đều đặt mục tiêu là cầu đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Trong bài Kệ Hồi Hướng chúng ta niệm hằng ngày, có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”. “Ngộ Vô Sanh” là một thành tựu thật sự trong quá trình tu học của Bồ Tát. Vô Sanh cũng là “sống đời đời” (vĩnh sanh) như các tôn giáo khác thường mong tưởng. Nói thật ra, các tôn giáo khác nói đến sự sống đời đời đều chẳng phải là thật, Thiên Đường trọn chẳng phải là sống đời đời, hiểu lầm rồi! Thật sự sống đời đời là trong Đại Thừa Phật pháp. A La Hán và Bích Chi Phật của Tiểu Thừa đều chưa đạt đến địa vị này. Do vậy, “ngộ Vô Sanh” là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, là một thứ thành tựu mang tánh chất quyết định, là sự thành tựu chân thật.
“Thất Địa cẩn danh hiện tướng” (Thất Địa chỉ gọi là hiện tướng): Đây là tỷ dụ, trước hết, thấy phương Đông có sắc trắng, đấy là mặt trời sắp mọc, nhưng vẫn chưa mọc. Thất Địa Bồ Tát chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn có tình trạng giống như vậy, chưa thật sự đạt được, nhưng hết sức gần gũi.
Đã thấy phương Đông tỏa sắc trắng, nhưng mặt trời chưa mọc, trong chốc lát sẽ mọc, dùng chuyện này để sánh ví cảnh giới của Thất Địa. Tuy Thất Địa Bồ Tát tu Vô Tướng Quán đã thành tựu, đã lìa khỏi phân biệt, chấp trước, nhưng những gì do thức hiện vẫn chưa trừ hết, chưa thể đại tự tại, chỉ gọi là “hiện tướng” mà thôi!
“Bát Địa nãi đắc Vô Sanh” (Bát Địa mới đắc Vô Sanh), Bát Địa Bồ Tát còn gọi là Bất Động Địa. Bất luận trong cảnh giới nào, tâm địa vẫn thanh tịnh, quyết chẳng bị cảnh giới bên ngoài lay động, tự mình thật sự làm chủ tể trong hết thảy cảnh giới nên gọi là Bất Động Địa. Khi ấy, Ngài đã chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, giống như sớm mai mặt trời đã mọc. Tánh bình đẳng hiện tiền, nếu chúng ta dùng lý luận của Duy Thức để nói cho dễ hiểu hơn thì: Chuyển thức thứ bảy thành Bình Đẳng Tánh Trí, thật sự chuyển được.
Vì thế, thật sự đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Do chỗ này, chúng ta cũng có được một khái niệm rất rõ ràng, Thất Địa Bồ Tát chuyển thức thứ sáu, tức Ý Thức, thành Diệu Quán Sát Trí, thức thứ bảy, tức Mạt Na Thức, cũng chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí, nhưng chưa thể chuyển hoàn toàn, đến Bát Địa mới là chuyển hoàn toàn. Quý vị phải hiểu: Hai thứ Trí này đã chuyển được thì thức thứ tám chuyển thành Đại Viên Kính Trí, năm thức trước (Nhãn Thức, Nhĩ Thức v.v..) chuyển thành Thành Sở Tác Trí, đồng thời chuyển! Chuyển Thức thành Trí là “lục, thất nhân địa chuyển, ngũ bát quả địa chuyển” (thứcthứ sáu và thức thứ bảy chuyển trong khi tu nhân, năm thức trước và thứcthứ tám sẽ chuyển khi chứng quả). Hễ thức thứ sáu và thức bảy đã chuyển thì năm thức trước và thức thứ tám cũng đồng thời chuyển theo. Nói cách khác, đạt đến Bát Địa Bồ Tát mới thật sự chuyển tám thức thành bốn trí, đấy mới thật sự là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Trong bài kệ Hồi Hướng có câu: “Hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh”, tức là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn, đến khi ấy mới triệt để liễu giải hết thảy các pháp bất sanh bất diệt, quý vị bèn thấy đó chính là tướng chân thật của hết thảy các pháp, hết thảy các pháp không có sanh diệt. Nay chúng ta thấy hết thảy các pháp có sanh, có diệt, thấy động vật có sanh, già, bệnh, chết, thấy thực vật có sanh, trụ, dị, diệt (mọc lên, tăng trưởng, biến đổi, diệt mất), khoáng vật và quả địa cầu này có thành, trụ, hoại, không. Đấy đều là tướng sanh diệt! Đức Phật dạy chúng ta: Tướng sanh diệt ấy là huyễn tướng, chẳng phải là chân tướng. Chúng ta thấy huyễn tướng, chẳng thấy tướng chân thật của vạn pháp trong vũ trụ. Tướng chân thật của vạn pháp trong vũ trụ là bất sanh bất diệt. Lời nói này quá huyền diệu, nói thật ra, đây chẳng phải là cảnh giới của chúng ta, cũng chẳng phải là điều chúng ta có thể lãnh hội bằng kiến thức thông thường! Đây là cảnh giới Hiện Lượng của Phật và các vị đại Bồ Tát, phải là từ Bát Địa Bồ Tát trở lên, những vị ấy đích thân thấy hết thảy các pháp bất sanh, bất diệt.
Phải như thế nào thì mới có thể chứng đắc? Có nhiều pháp môn, tông phái đều có rất nhiều lý luận và phương pháp tu hành. Người niệm Phật chúng ta có thể chứng đắc hay không, đó là chuyện chúng ta rất quan tâm. Nếu niệm Phật chẳng thể chứng đắc thì còn phải tu pháp môn khác. Ở đây, đại sư bảo chúng ta: Người niệm Phật có thể chứng đắc. Không chỉ có thể chứng đắc, mà còn chứng đắc dễ dàng hơn các pháp môn khác, vì sao? Hễ quý vị vãng sanh liền chứng đắc. “Nhân ư vãng sanh thật ngộ Vô Sanh” (Do vãng sanh bèn thật sự ngộ Vô Sanh), ngộ Vô Sanh chính là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Có những người nôn nóng muốn chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, họ chứng bằng cách nào? Đoạn trừ sanh, sanh đoạn trừ thì dường như là Vô Sanh; thật ra đã phạm sai lầm! Nhưng cách suy nghĩ, quan niệm ấy, nói thật ra, kể từ khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc đã có kẻ nghĩ theo cách ấy rồi, giống như Lão Tử đã nói: “Ngô hữu đại hoạn, vị ngô hữu thân”, [nghĩa là] ta có mối lo âu lớn là vì ta có thân. Nếu không có thân sẽ tốt hơn nhiều lắm, không có thân sẽ tự tại lắm! Không có thân thì tối thiểu là quý vị chẳng cần phải bươn chải vì cơm áo. Thân cần phải ăn cơm, thân cần phải mặc áo, thân cần phải sống trong nhà. Quý vị không có thân thì những phiền não, ưu lự đều chẳng có; làm thế nào để bỏ được cái thân này? Trước kia, đã có chẳng ít người có cách suy nghĩ giống như vậy!
Trong tam giới, Vô Sắc Giới thiên không cần thân, vô sắc mà! Họ suy nghĩ như vậy. Trong Sắc Giới, [chư thiên thuộc] mười tám tầng trời trong Tứ Thiền có thân, nhưng chư thiên trong Tứ Không Thiên không có thân, đấy là cảnh giới tối cao của phàm phu. Quý vị phải hiểu: Phàm phu cao cấp chẳng cần thân thể, họ được tự tại! Nhưng đây chẳng phải là biện pháp [giải quyết rốt ráo], tuy chẳng cần thân, thần thức vẫn tồn tại (người Hoa gọi “thần thức” là “linh hồn”). Trong Thiền Định rất sâu như thế, quả thật vọng niệm chẳng sanh, vì họ có công năng định lực. Công năng định lực hoàn toàn khống chế phiền não, thời gian duy trì công năng định lực của họ rất dài, tám vạn đại kiếp! Đấy cũng là thọ mạng của chư thiên trong Tứ Không Thiên, nhưng khi tám vạn đại kiếp đã hết, họ bị thoái chuyển công lực, sau khi thoái chuyển vẫn phải luân hồi trong lục đạo, đủ thấy đây chẳng phải là rốt ráo! Cách cầu như thế là “di cầu di viễn”, [tức là] càng cầu càng xa, chẳng phải là thật, giả trất!
Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, niệm Phật là bí quyết chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. “Hoán cốt thần đan”, thoát thai hoán cốt, chữ “thần đan” tỷ dụ niệm Phật. Niệm Phật sanh về Tịnh Độ; thoát thai hoán cốt là giống như siêu phàm nhập thánh, chúng ta sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới là phàm phu, sau khi sang nơi đó bèn thành thánh nhân. Viên chứng ba thứ Bất Thoái, lẽ nào chẳng thành thánh nhân?
Phật pháp nói đến “diệt” thì phải là Tịch Diệt, Tịch Diệt chẳng phải là Đoạn Diệt. Cảnh giới Tịch Diệt là Sự Sự vô ngại, còn Đoạn Diệt là chuyện gì cũng có chướng ngại; bởi lẽ, người ấy cảm thấy cái thân này có chướng ngại cho nên mới diệt trừ nó. Nếu thân không có chướng ngại, quý vị cần gì phải diệt nó? Đủ thấy đúng là công phu chưa đến mức! Người ấy thấy điều gì cũng đều có chướng ngại, [luôn cảm thấy] cần phải đoạn trừ chướng ngại, chẳng biết trong Phật pháp Đại Thừa chân chánh thì thứ gì cũng đều chẳng có chướng ngại. Diệt là mục tiêu tu học tối cao trong Phật pháp, Diệt là diệt phiền não, diệt vô minh, diệt sanh tử, diệt những thứ đó, chứ không phải là diệt thân!
Bởi thế, Phật pháp cầu Tịch Diệt, chẳng cầu Đoạn Diệt. Nhất định phải hiểu rõ ràng điều này! Đoạn diệt chẳng phải là Chân Diệt, Tịch Diệt là Chân Diệt. Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Sanh diệt ký diệt, Tịch Diệt hiện tiền” (Sự sanh diệt đã diệt mất thì Tịch Diệt hiện tiền), đó là cảnh giới củaNhư Lai, là Tịch Diệt Nhẫn, còn cao hơn Vô Sanh Pháp Nhẫn một bậc; đấy là cảnh giới của Thập Địa Bồ Tát trở lên. Thất Địa, Bát Địa, Cửu Địa là Vô Sanh Pháp Nhẫn. Thập Địa, Đẳng Giác, Như Lai quả địa là Tịch Diệt Nhẫn.
Do Đoạn Diệt chẳng phải là Chân Diệt, nên nếu tu Đoạn Diệt thì Phật pháp thường bảo đó là khổ hạnh vô ích, rất khổ, chẳng có ích gì! Chẳng hạn như ta thường nói tu Vô Tưởng Định là dùng cách tu Đoạn Diệt để đoạn trừ hết thảy vọng tưởng, tu thành quả báo là Vô Tưởng Thiên trong Đệ Tứ Thiền, thọ mạng năm trăm kiếp, thời gian ấy khá dài, nhưng năm trăm kiếp cũng phải qua đi, công phu định lực mất đi; sau khi mất đi, người ấy vẫn phải đọa lạc. Vì thế, rốt cục biến thành luân chuyển, người ấy vẫn phải luân hồi! Khổ hạnh tu Vô Tưởng Định thành tựu, chẳng dễ dàng! Sự khổ hạnh ấy chẳng thể đạt đến kết quả rốt ráo, vô giá trị!
Đây là nói với chúng ta là những người tu học pháp môn này; nay chúng ta chuyên niệm Phật hiệu, hoàn toàn nhờ vào bốn chữ ấy để vượt thoát lục đạo luân hồi trong tam giới, hoàn toàn dựa vào bốn chữ ấy để chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Đáng quý là “phát nguyện vãng sanh”, đúng như Ngẫu Ích đại sư đã nói “phát nguyện vãng sanh là phát Vô Thượng Bồ Đề Tâm” Sau khi sanh vềTây Phương Cực Lạc thế giới, “hoa khai kiến Phật”, đấy là Thượng Phẩm Thượng Sanh. Hễ sanh về Tây Phương, hoa sen liền nở, thấy Phật. Từ Trung Phẩm trở xuống, thời gian [hoa sen nở] dài hay ngắn khác nhau. Nếu quý vị hỏi: “Sanh về đó, phải mất bao lâu hoa sen mới nở, thấy Phật?” Mỗi cá nhân có tình hình khác nhau, mấu chốt là do chính mình siêng năng hay lười nhác.
Nếu quý vị tinh tấn chẳng lười, hoa nở thấy Phật rất nhanh chóng; nếu quý vị giải đãi, biếng nhác, thời gian sẽ kéo dài. Vì thế, thời gian sớm hay trễ phải hỏi chính mình, chẳng cần hỏi ai khác!
Đến khi hoa nở thấy Phật bèn ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Nói thông thường thì khi nào hoa nở thấy Phật? Sơ Địa là hoa nở thấy Phật, khi ấy, tuy đã ngộ Vô Sanh, nhưng chỉ là tướng sáng của Vô Sanh Pháp Nhẫn mà thôi, vẫn phải tu đến Đệ Bát Địa mới thật sự chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn. Thế nhưng Sơ Địa Bồ Tát đã thấu lộ tin tức Vô Sanh Pháp Nhẫn rồi, đã biết tin tức rồi! Vì thế, nói “thức tự bổn tâm, bổn tự bất sanh” (tự biết bổn tâm vốn tự bất sanh). Đã vốn tự bất sanh, lẽ nào có diệt? Hết thảy các pháp đều bất sanh, bất diệt, đấy là chứng đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn. Đến khi ấy, “sanh diệc hà ngại” (có sanh cũng chẳng trở ngại gì), Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại, đấy là cảnh giới Nhất Chân pháp giới của kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới chính là Nhất Chân pháp giới trong thế giới Hoa Tạng, tức là [nhờ vào] một câu A Di Đà Phật, hễ vãng sanh liền có thể đạt được [Nhất Chân pháp giới], công đức chẳng thể nghĩ bàn!
A Di Đà Phật
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.
Cảm ơn bạn Nguyễn Thị Lựu đã trả lời !
Rất cảm ơn huynh Hãy niệm A DI ĐÀ Phật đã bỏ công sức thời gian viết một bài thật dài ,thật tường tận !
Công đức ấy chẳng thể nghĩ bàn!
Chúc huynh,chúc bạn Lựu ,chúc mọi người tinh tấn và an lạc !
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.
con cảm ơn thầy vì những lời khuyên bổ ích.và con cũng nhận ra lỗi của mình là chưa hiểu ý của người khác mà lại nói hồ đồ!
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Con cảm ơn thầy đả nếu cho con rỏ hơn về xấu và tốt con bây giờ là một nửa xấu nửa tốt con không biết phải làm sao để có thể trở thành một công dân tốt, nhiều lúc con hay nóng tính hay cải nhau với ba và bà nội rồi còn tự hành hạ thân xác nửa. Nhiều lúc con lại ăn trộm tiền của bà nội mà thưa thầy lí do con ăn trộm bây giờ là bà nội con cho con 1 ngày có 20 ngàn mà năm nay con đả học lớp 12 mà đối với con cuộc sống bây giờ 20 ngàn đó mình có thể làm gì nhiều lúc con muốn đi chơi có tiền nhiều tí mà bà nội con có cho con đúng mức vì bà nội con nói có lao động sẻ có tiền và con có cái tật làm biến nửa? xin thầy cho con biết con ăn trộm như thế là đúng hay sai? xin thầy hảy giúp con cải tà quy chánh, hướng theo ngã Phật, không đi đường của tội ác
Nam Mô A Di Đà Phật
kính chào thầy xin thầy hãy cho con biết làm sao cho con có thể cải tà quy chánh vì trong tâm của con có một nửa xấu và một nửa tốt? xin thầy giúp con có thể giữ được sự bình tĩnh để giải quyết vấn đề
A Di Đà Phật
Phan Đinh Thanh Tiến thân mến!
Kiếp người nhanh chóng luống qua, muốn kiếp sau được tái sanh làm người thì phải trì 5 giới (Không: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu), nếu phạm phải 5 giới này thì kiếp sau sẽ bị sa ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).
Xưa kia có bậc tỳ kheo đi ngang qua cánh đồng đang lúc lúa ngậm sữa, vì quá đói vị này bứt một ít bông lúa cho vào miệng, dĩ nhiên người nông phu thấy thế chẳng phiền muộn gì vì chỉ là ít bông lúa có gì là to tát đâu. Ít lâu sau người nông phu này mua được về một con ngựa, hằng ngày ngựa chở lúa cho ông ta một cách chăm chỉ. Được ít lâu một hôm ngựa thốt lên tiếng “hôm nay là ngày cuối cùng tôi chở lúa cho ông, tôi vốn là bậc sa môn dạo nọ đã đi qua cánh đồng của ông, vì tội trộm cắp nắm lúa của ông mà khi chết tôi phải đọa làm ngựa để trả cho ông, nay quả báo đã hết, xin từ biệt ông”. Người nông phu chưa hết bàng hoàng thì thấy con ngựa lăn ra chết.
Sống trên đời này, con người vì cố ý hay có lúc vô tình mà gây tạo vô số tội nghiệp không hề hay biết, nhưng luật nhân quả thì không chừa sót một ai, không chừa sót một tội ác nào dù là nhỏ như hạt bụi. Bất cứ thứ gì không phải là của mình, là của người khác hoặc của tổ chức (Nhà trường, công ty, cơ quan làm việc…) nếu tự ý sử dụng cho cá nhân mà không được sự cho phép thì là gọi là trộm cướp. Xin ghi nhớ điều này.
Cha mẹ là người sinh thành ra ta, nội đã bao vất vã nuôi dưỡng cha, giờ lại nuôi dưỡng mình; công ơn cha mẹ, công ơn ông bà sao không nghĩ mà đền đáp, sao không biết san sẻ sự thiếu thốn về tình cảm và vật chất? một ngày 20 ngàn là ít nhưng rồi có một số nước, sự đói khát triền miên, một giọt nước một hạt cơm là một điều mơ ước mỗi ngày… Sao không nghĩ mình đã là người hạnh phúc vì chí ít mình có một ngày 3 bữa, không phải bị đói khát, không bị đau đớn hành hạ vì chiến tranh, vì bệnh tật?
“hảy giúp con cải tà quy chánh, hướng theo ngã Phật, không đi đường của tội ác”. Có thể nói lên điều này hẳn bạn có duyên lành với Phật, mà không phải ai cũng có được phước báo này đâu; giàu sang, địa vị, tiền bạc nhiều vô kể cũng không gọi là phước báo chân thật mà đó là cánh cửa để đi vào lục đạo luân hồi, chỉ có thức tỉnh (giác ngộ) được tội lỗi và quay đầu hướng Phật mới là phước báo chân thật (phước huệ). Đã giác ngộ được điều mình làm là sai quấy, là tội lỗi thì từ giờ đừng phạm phải nữa. Là người trưởng thành thì phải có nhân cách, nhân cách đó là cách đối xử của mình với người thân, mọi người sao cho hiếu nghĩa.
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Gửi bạn Thanh Tiến,
*Phật pháp có câu: Hồi đầu là bờ! Bờ này Phật dụ cho sự an lạc và giải thoát. Muốn có an lạc và giải thoát chúng ta phải biết hồi đầu. Hồi đầu dụ cho người biết phản tỉnh, biết hướng thiện, luôn biết nhìn nhận lại mọi hành vi của bản thân: có lỗi phải sửa, sửa cho kỳ hết và nguyện sẽ không bao giờ tái phạm nữa, được vậy bạn sẽ luôn sống trong an lạc.
*Trộm cắp cho dù là một vật nhỏ, đặc biệt là đồ của Tam Bảo (chùa, thiền viện, đạo tràng…) thì quả báo càng không thể nghĩ bàn. Trong Kinh Phật Nói Kinh Thiện Ác Báo Ứng có đoạn sau: “Lại nữa, do nghiệp gì mà bị quả báo cô đơn nghèo khổ? Có mười loại nghiệp. Mười loại ấy là gì?
1. Luôn luôn trộm cướp.
2. Khuyên người khác trộm cướp.
3. Khen ngợi sự trộm cướp.
4. Tùy hỷ sự trộm cướp.
5. Hủy báng cha mẹ.
6. Hủy báng thánh hiền.
7. Làm chướng ngại người khác bố thí.
8. Ganh ghét khi thấy danh lợi của kẻ khác.
9. Keo kiết tiền của.
10. Khinh khi, hủy báng tam bảo, muốn tam bảo thường đói khát.”
Nếu bạn không muốn có 10 quả báo như trên trong đời sau thì bạn phải tức thì sửa đổi tội trộm tiền của bà, bởi bà bạn vốn rất thương bạn nên hàng ngày mới cho tiền bạn, nhưng bạn đã không biết trân quý những tình cảm này lại còn thốt lời chê trách và trộm tiền của bà, đó là tội vừa bất hiếu, bất kính, vừa bất nghĩa và trái đạo nữa. Bạn nên phản tỉnh lại, trước khi quá muộn.
TN gửi bạn tham khảo thật kỹ bài viết dưới đây để biết về đạo làm người phải nên làm gì nhé.
Đệ Tử Quy
Hãy thực tập lòng từ bi, từ bi là cội gốc của mọi điều tốt đẹp, từ bi là nền tảng của Phật giáo. Cách mình làm là thích quan sát những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình, tưởng tượng mình trong hoàn cảnh họ, cố gắng đồng cảm với họ, nhiều mảnh đời làm mình không kiềm được nước mắt, thường xuyên đọc những mẫu truyện về tình người, thường xuyên nghĩ về những việc lành, mình hay lên youtube để xem những câu chuyện hay về tình người và cũng thường xuyên khóc vì những câu truyên đó, có lần đang ngồi chơi thì thấy một chú chạy xe xích lô chở đồ thuê, nhìn chú ốm yếu, gầy gọc, mặt khắc khổ giữa trưa nắng phải đạp xe(mình trông thấy rất nặng) mình đã rơi nước mắt vì thấy xót xót, lần khác ngồi ăn cơm thì nhìn thấy một cậu bán vé số mặt cũng khắc khổ, ốm yếu, ngồi ăn dĩa cơm một cách ngon lành vì đói mình lại suy nghĩ thẩn thờ,rất nhiều lần mình khóc như vậy (nhưng mình là con trai), lúc đó tình thương mình dành cho họ cảm giác lớn vô cùng, mình còn thích nghe nhạc trịnh, thích những điều buồn nhưng không sợ buồn. khi như vậy bản thân thấy tâm lượng mình rộng lớn vô cùng. Mình cón nhớ lúc mình khoảng 6 tuổi hay gì đó, khi xem tivi đưa tin miền trung lũ lụt nhìn thấy cảnh ông cụ vừa được phát gói mì ông xé ra ăn ngay mình khóc quá trời vì thương ông, kĩ niệm đó không bao giờ mình quên. Thường xuyên tưới nước thiện thì tâm mình sẽ thiện, cách mình làm là như vậy đây, giờ mình cảm nhận được rất nhiều điều hay trong Phật pháp, tâm lượng rộng lớn thoải mái hơn nhiều lắm.
Nam Mô A Di Đà Phật
con xin cảm ơn thầy đả cho con lời khuyên để con thể sửa đổi đuợc con nguời của con, giúp con có thể suy nghỉ kỉ và làm nhiều điều tốt đẹp để huớng đến tuơng lai của con và báo hiếu cho gia đình con.
con một hỏi đáp thầy một chuyện nửa, chả là: con đang quen một nguời bạn gái gia đình bạn ấy rất tốt và có ngoại bạn ấy là phật tử. con muốn hỏi thầy là làm sao để con có nhửng lời khuyên để bạn ấy không còn xa sút việc học hành của bạn vì truớc đây con quen bạn ấy bạn ấy kể cho con nghe về gia đình bạn và sự mất mát của bạn ấy khi sinh ra để không biết cha mình là ai mẹ bạn thì hất bỏ bạn và có 1 nguời em bị bán cho nguời ta. Con nghe bạn ấy kể xong con thấy rất thuơng bạn ấy và chính bạn ấy đả giúp con có thể đứng lên vuợt qua đuơc năm con học lớp 10 và 11 vì 2 năm đó con học rất tệ. Nhưng bây giờ con đả tự giác học hơn nhưng bạn ấy thì lại đang bắt đầu sa sút hơn con nguời ta đi học bạn ấy thì đi chơi con khuyên nhiều lần rồi mà bạn ấy cứ bảo kệ trong khi bạn ấy lại học đuợc hơn con. Con xin thầy hảy chỉ cho có cách chó thể khuyên bạn ấy học trở lại và giúp bạn ấy để đạt đuợc uớc mơ và huớng đến tuơng lai của mình vì gia đình của bạn ấy rất khó khăn nên bạn ấy sẻ là nguời nuôi gia đình bạn ấy, báo hiếu cho ngoại,gia đình bạn ấy có cô chú nửa nhưng thời gian sẽ trôi qua thì cái gì cũng mất cả, bây giờ chỉ có nuớc là học và thành tâm đọc kinh Phật để có thể tỉnh tâm lại. Xin thầy hảy chỉ bảo cho con khuyên bạn ấy và lời khuyên của ấy con sẻ nói cho bạn ấy nghe và áp dụng cho chính bản thân của con nửa
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Thanh Tiến,
Có một vài điều TN muốn chia sẻ cùng bạn:
*Muốn cứu người, giúp người, bản thân mình phải tự cứu mình trước đã. Bạn hãy hình dung bạn là người còn đang chấp chới bên bờ vực thẳm, lấy gì để bạn cứu người khác cũng đang có cùng cảnh huống như bạn? Do vậy, muốn cứu người bạn phải có phương tiện và phương tiện khéo. Học Phật pháp, tu theo Phật pháp đó chính là phương tiện; đem Phật pháp ứng dụng vào cuộc sống thường nhật, giúp mình chuyển hoá tất cả những thói hư, tật xấu, tham lam, đố kỵ, ganh đua, bon chen, bỏn sẻn… giúp cho cuộc sống của bản thân ngày được an l ạc, trí tuệ được minh mẫn, sáng suốt, mọi hành vi, động niệm trong cuộc sống khi đối người, tiếp vật đều thấy tự tin, mến người, mến đời… đó chính là phương tiện khéo. Khi phương tiện bạn đã làm chủ, lại khéo dụng phương tiện bạn muốn làm điều gì mà không được?
*Muốn giúp người, cứu người bản thân mình phải làm một nhân tố tốt – tốt trong đạo Phật là bỏ ác, hành thiện và luôn dưỡng tâm mình thanh tịnh. Muốn thế hàng ngày bạn phải thực hành niệm hồng danh A Di Đà Phật mọi nơi, mọi chốn, mọi hoàn cảnh. Khi tâm tham nổi lên, phải ngay lập tức khắc chế nó bằng câu: A DI ĐÀ PHẬT! Nếu một câu chưa chuyển được tâm tham, phải niệm liên tiếp tới khi tâm tham bị đánh bật, lúc đó mới thôi. Tương tự cho những hành vi không lành mạnh, thiếu trong sáng khác: lười học bài, thích bỏ học, thích party, thích chơi Game hay xem phim ảnh đồi truỵ… mỗi khi những ý niệm này dấy khởi bạn cũng phải dùng hồng danh A DI ĐÀ PHẬT để niệm niệm khắc chế chúng. Làm vậy lâu ngày, tâm bạn sẽ dần thanh tịnh, lời ăn, tiếng nói, nét đi, dáng đứng… đều trở nên an lạc – đó chín là sự chuyển hoá tâm từ vô minh sang tâm thánh thiện. Lúc đó, dẫu bạn chẳng cần lên tiếng, người bạn gái bạn sẽ tự nhìn thấy rồi biết chuyển hướng đi của chính mình. Đó chính là âm thầm tự tu, tự hành tự độ mình, độ người.
*Khi mới bước vào tu học chúng ta hay có tính tham lam, và ít khi lượng sức mình, vì nghĩ đơn giản mình sẽ cứu giúp lập tức người này, người nọ, giúp họ thoát khổ… nhưng vì mình chưa kịp quán chiếu tâm mình nên không biết: chính chúng ta (lúc khởi niệm muốn cứu người đó) mới là người đáng cứu, cần cứu gấp chứ không phải người khác. Đây là điều khá trừu tượng, nếu khi bước vào tu học mà bạn không min bạch để thường quán chiếu, bạn sẽ rất dễ đi lạc đường và hoặc khiến người nghe bạn khuyên cũng lạc theo; hoặc sẽ khiến họ mất niềm tin nơi Phật pháp.
*TN tặng bạn câu này: Đừng lo không có cơ hội cứu người, chỉ lo mình không chịu giác ngộ và giác ngộ chậm.
Nguyện chúc bạn tỉnh giác, dũng mãnh tu học Phật pháp để tự cứu mình và những người thân.
TN
Nam Mô A Di Đà Phật.Con xin Sư Thầy,Sư Cô trả lời giúp con câu hỏi mà con nêu trên.Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi bạn Hải Dương.
Theo ý thiển cận của mình,Cum từ ” Nhập Niết Bàn ” là Phật dùng phương tiện ngôn từ để đối đãi với Khổ Đau, Phiền Não. Niết Bàn là trạng thái an lạc, tịnh diệt của Tâm, không có vui- buồn…..(phân biệt) ở thánh không hơn ở phàm không giảm. Niết bàn chỉ có chiêm nghiệm qua mới hoàn toàn mới cảm nhận được, ngôn ngữ thế gian không bao giờ diễn tả hết được. Đơn giản là đối vật, tiếp người mà không khởi lên 1 niệm, ý nghĩ nào dù là thiện hay ác đó chính là bạn đang sống trong trạng thái của tự tánh, ngoài lìa tất cả tướng, trong không động niệm thì không bị dính, không mắc, không kẹt thì bạn đang sống trong “Niết Bàn” ở thế giới Ta Bà này rồi.
A DI Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Đặng Nguyễn Hải Dương,
Niết Bàn là cảnh giới của chư Phật vì thế chỉ có Phật với Phật mới có thể diễn nói tường tận về cảnh giới này, còn chúng ta khi muốn diễn nói thì đều phải căn cứ vào kinh luận của Phật mới may ra hiểu được đôi điều.
TN xin mạo muội dùng chút trí mọn để chia sẻ cùng bạn đôi điều về hai từ Niết Bàn này để bạn được hiểu rõ hơn mà an tâm tu đạo.
*Niết bàn là chẳng còn sanh, chẳng còn diệt. Đã không sanh, không diệt thì sẽ đương nhiên sẽ không còn cảm thọ: vui-buồn; yêu-ghét; thương-giận, sang-hèn; tà-chánh; thiện-ác…
Trong Kinh Đại Niết Bàn Phật Thích Ca định nghĩa về niết bàn như sau: „Này Thiện nam tử! “Niết” nghĩa là chẳng, “Bàn” nghĩa là diệt, nghĩa chẳng diệt gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là che, chẳng bị che bèn gọi là Niết Bàn. Bàn lại có nghĩa là đi đến, chẳng đi chẳng đến gọi là Niết Bàn. “ Bàn” lại có nghĩa là bất định, không bất định gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là mới cũ, không mới cũ gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là chướng ngại, không chướng ngại gọi là Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Có hàng đệ tử của phái Ưu Lâu Khư, phái Ca Tỳ La nói “Bàn:” là danh tướng, không danh tướng gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là có; không có thời gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là hòa hiệp; không hòa hiệp gọi là Niết Bàn. “Bàn” lại có nghĩa là khổ ; không khổ gọi là Niết Bàn.
Nầy Thiện nam tử ! Người dứt phiền não chẳng gọi là tu Niết Bàn, chẳng sanh phiền não thời gọi là Niết Bàn. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn chẳng khởi phiền não nên gọi là Niết Bàn. Có trí huệ ở nơi tất cả pháp không có chướng ngại thời gọi là Như Lai. Như Lai chẳng phải phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Đây gọi là Phật tánh.
Thân tâm trí huệ của Như Lai khắp đầy vô lượng vô biên, vô số cõi, không bị chướng ngại, đây gọi là hư không.
Như Lai thường trụ không có biến đổi, đây gọi là thật tướng. Do nghĩa nầy nên Như Lai thiệt chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn“.
*Phàm phu chúng ta thường nghĩ: „niết bàn“ đồng nghĩa với chết=diệt=hết. Nhưng Phật nói „niết bàn“ là chẳng-diệt, bởi chẳng-diệt nên chẳng có sanh. Phật Thích Ca thị hiện đản sanh, xuất gia, tu đạo, hành đạo, nhập niết bàn – tất cả quá trình đó chỉ là ứng hoá thân, là biểu pháp để chúng ta thấy hành trình của một kiếp người đều trải qua 4 gia đoạn: sanh-lão-bệnh-tử tương ưng 4 quá trình: thành-trụ-hoại-diệt.
Diệt ở đây là nói về hoại diệt thân tứ đại hư giả chứ chẳng phải pháp thân Phật hoại diệt, bởi nếu pháp thân Phật hoại diệt thì Phật và chúng sanh phàm phu đều tương ưng, như thế Phật đâu cần hoá thân, mất công giáo pháp và chúng ta đâu cần phải tu hành làm gì cho mệt?
Do vậy điều đáng nói là bạn chớ nên lo khi về Tịnh Độ, tu học tới đắc quả vị Phật rồi bạn sẽ nhập niết bàn=kết thúc một hành trình tu đạo. Một hành trình có sanh-diệt như vậy đâu thể gọi là niết bàn? Và đâu thể coi là Vô Lượng Thọ? Vì thế điều thiết yếu cho bạn, cho chúng ta là hãy làm sao phát tín-nguyện-hạnh, một hướng chuyên nhất cầu sanh Tịnh Độ. Khi đã về Tịnh Độ rồi, mọi chuyện đã có Phật A DI ĐÀ an bài, bạn lo lắng làm chi cho mệt.
TN
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa thầy!Khi ta nhập Niết Bàn ta không còn cảm thọ vui buồn nữa.Vui buồn này là vui buồn của thế gian phải không ạ?Mong thầy trả lời giúp con.Nam Mô A Di Đà Phật
Hình như bạn đã hỏi câu hỏi này ở phía trên rồi thì phải?
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/sau-khi-chet-ta-se-di-ve-dau/comment-page-5/#comment-21630
@ Vô Sự: Hihi! Bạn Đặng Nguyễn Hải Dương yêu cầu như vậy rất chí lý! Quý Sư Thầy hay quý Sư Cô trả lời thì bảo đảm hơn, chắc ăn hơn!
A Di Đà Phật.
Trong Kinh Đại Niết Bàn Phật Thích Ca có thuyết:
“Thân tâm trí huệ của Như Lai khắp đầy vô lượng vô biên, vô số cõi, không bị chướng ngại, đây gọi là hư không. Như Lai thường trụ không có biến đổi, đây gọi là thật tướng. Do nghĩa nầy nên Như Lai thiệt chẳng rốt ráo nhập Niết Bàn.”
Nếu chúng ta thực tế thân phận còn ở địa vị phàm phu mang đầy nghiệp chướng khiến không thấy được thật tướng ở ngây trước mắt và cũng ở khắp đầy bất khả tư nghì pháp giới thì cho dù chúng ta có hiểu lý nghĩa về Niết Bàn cũng như bằng không. Vì sao? Vì tâm chúng ta còn vô số chướng ngại khi tiếp xúc với thuận nghịch duyên trần trong cuộc sống thực tế này, vẫn còn bị nghiệp lực chi phối, phiền não trói buộc không dễ gì sống một ngày được an lạc 12h trên 24h huống chi là nói đến Niết Bàn? Nội khi chúng ta đi ngủ mất 6-8h không làm chủ được cảnh giới trong giấc mơ rồi lấy gì để hiểu được Niết Bàn của Như Lai?
Đúng vậy, vui buồn của phàm tình là cái vui buồn của thế gian. Nhưng thế gian vui buồn có ở ngoài cái Niết Bàn của Như Lai không? Chắc là không rồi vì Đức Phật có nói: “Thân tâm trí huệ của Như Lai khắp đầy vô lượng vô biên, vô số cõi, không bị chướng ngại, đây gọi là hư không.” kia mà. Nếu là vậy thì có nói “nhập hay không nhập Niết Bàn?”
Chi bằng cố gắng tín tâm niệm Phật rồi sẽ hy vọng có ngày nhận ra lại cái thật tướng qua con đường đi về cõi Tây Phương Tịnh Độ diện kiến Đức Từ Phụ A Di Đà, nương theo Bổn Nguyện Lực của Phật mà thành tựu công đức cho khắp pháp giới chúng sanh tức là thành tựu cho tự tánh Di Đà của chúng ta.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Đạo hữu Nguyễn Thị Lựu cũng đã có phúc đáp cho bạn Hải Dương,và đạo hữu NT Lựu ko chắc chắn về câu trả lời đó của chính mình.
Ở đây bạn Hải Dương hỏi về vấn đề khổ -vui,thì liên hữu Hãy niệm A DI ĐÀ PHẬT đã phúc đáp,và phúc đáp đó đc trích từ A DI ĐÀ kinh yếu giải-Ngẫu Ích Đại sư,Hòa Thượng Tịnh Không giảng. Hoàn toàn bảo đảm,chắc ăn.
A Di Đà Phật
Cực Lạc có 4 cõi là Đồng Cư,Phương Tiện,Thật Báo và Thường Tịch Quang
Niết Bàn có tiểu Niết Bàn của A la hán,Đại Niết Bàn là của đại Bồ Tát và Phật.
Tiểu Niết Bàn thì khôi thần diệt trí,còn thì Đại Niết Bàn có đầy đủ 3 thân Pháp Thân,Báo Thân,Hóa Thân biến hóa vô chướng ngại khắp pháp giới để độ sanh, 4 trí là Đại Viên Cảnh Trí,Bình Đẳng tánh trí, thành sở tác trí
Niết Bàn là 1 từ chung chung trong Phật Pháp khiến cho nhiều người khó hiểu.Ở đây chúng ta học tịnh tông thì nên dùng ngôn ngữ tịnh tông cho dễ hiểu.
Đại Niết Bàn chính là cõi Thường Tịch Quang của Cực Lạc mà Thường Tịch Quang cũng chính là Đại Niết Bàn,chỉ là cái tên khác nhau thôi.Cần phải nói ngay như vậy,nếu ko bạn sẽ hiểu Đại Niết Bàn là 1 cõi bên ngoài cõi Cực Lạc,như thế muốn tìm được Đại Niết Bàn thì phải ra ngoài Cực Lạc.Không phải như thế,trong cõi cực lạc có Đại Niết Bàn.
Cho nên thay vì dùng từ Niết Bàn hãy dùng từ Thường Tịch Quang,nó cụ thể hơn,chi tiết hơn,dễ hiểu hơn.
-3 cõi Đồng Cư,Phương Tiện,Thật Báo đều là thuộc về Sự,hiện tướng,hình tướng.Còn cõi Thường Tịch Quang là lý thể,không phải là hiện tượng,không có tướng mạo,cũng chẳng phải tinh thần cho nên chẳng thể nói là vui hay buồn,rộng hay hẹp.Bất quá thì đặt cho 1 cái tên Thường Tịch Quang
Thường là Pháp Thân thường trụ bất biến có khả năng lưu xuất và hiện ra hết thảy cõi nước,chúng sanh hữu tình và vô tình
Tịch là vắng lặng,một niệm không sanh,một hạt bụi trần không nhiễm giống như mặt nước lặng trong. Tịch là tâm giải thoát vô ngại,là lý sự vô ngại,sự sự vô ngại,đi vào khắp pháp giói mà ko chướng ngại
Quang là trí huệ bát nhã không gì không biết,chiếu soi khắp mười phương mà không ngăn ngại.
Thường Tịch Quang tồn tại khắp mọi nơi,tuy nhiên trên sự tu chứng thì khi ở cõi Đồng Cư,Phương Tiện thì không thể chứng được.Chỉ khi nào sanh vào cõi Thật Báo thì mới bắt đầu chứng được.
Cõi Thật Báo còn gọi là nhất chân pháp giới,đến đây mới gọi là thân và cõi là 1,sự lý viên dung, lý sự vô ngại,sự sự vô ngại,sự tức lý,toàn sự tức lý,có được 1 phần sự thì chứng được 1 phần lý.Cho nên
Phá 1 phần vô minh,sanh vào 1 phần cõi Thật Báo đồng thời chứng được 1 phần Thường Tịch Quang
Cho đến Phá 41 phần vô minh,sanh trọn vẹn cõi Thật Báo đồng thời chứng được trọn vẹn Thường Tịch Quang.Đến đây thì gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giac hay còn gọi tắt là Diệu Giac,chứng đến viên mãn không còn gì để chứng nữa.
-Tuy chúng ta sanh vào cõi Đồng Cư của Cực Lạc,nhưng 4 cõi này ở Cực Lạc dung thông nhau cho nên sanh vào 1 cõi đồng thời sanh vào cả 4 cõi,cho nên chỉ cần sanh về Cực Lạc dù bất cứ phẩm vị nào thì Qủa Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giac là điều chắc chắn chỉ là sớm muộn,giống như bạn đã được kế thừa tài sản,chỉ chờ đến 18 tuổi là sẽ được nhận
-Vào cõi Thường Tịch Quang,đó là 1 chuyện tốt đẹp.Tuy nhiên làm việc gì cũng phải từng bước,kế hoạch càng chi tiết,mục tiêu càng rõ ràng thì tâm thức càng dễ tập chung.Cho nên bước thứ nhất là niệm Phật vãng sanh Cực Lạc đã.
A Di Đà Phật
Cảm ơn huynh Hãy niệm A DI ĐÀ PHẬT,huynh Huệ Tịnh !
Bài phúc đáp cho đệ biết rõ hơn về Cực Lạc,về Niết Bàn,về một số vấn đề khác mà trước nay đệ chưa biết,hoặc ngộ nhận.
Xin cảm ơn các sư huynh nhiều lắm !
Cảm niệm công đức!
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.
Niệm một câu Phật chân thành thì liền tương ưng với Niết bàn
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa thầy!cho con hỏi thêm 1 câu hỏi nữa.Khi nhập Niết Bàn thì sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán đúng không ạ?Câu hỏi này nếu có gì sai con xin Sư Thầy bỏ qua cho con.Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Sự trải nghiệm là lời giải đáp thực tế nhất đến bạn.
Khi nào bạn đối diện với nghịch cảnh hay làm việc lao động cực khổ mà không cảm thấy nhàm chán thì bạn sẽ ngộ ra được nhiều thứ, nhất là khi bạn biết niệm Phật với tâm an lạc. Bạn không trải nghiệm qua bạn sẽ vẫn là người khát nước không chịu tin mà thực sự uống nước vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa thầy khi chúng ta thành Phật và nhập Niết Bàn thì ta sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán và luôn luôn hạnh phúc có phải không ạ?Nhàm chán ở đây con muốn hỏi thầy ví dụ như là:khi ở thế gian, chúng ta không có việc gì để vui chơi,… thì chúng ta sanh tâm nhàm chán,…Câu hỏi của con có thể hơi mắc cười và có thể làm phiền đến thầy nhưng đây là câu hỏi thật lòng của con.Con xin thầy hoan hỷ trả lời giúp con.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Rốt cục là bạn có chuyện gì buồn hay sao mà chỉ toàn để ý đến vui hay buồn.
Trong cõi Thường Tịch Quang ngay cả cái tên nhàm chán cũng không có,thì làm gì có sự nhàm chán.Ở đây thuần là niềm vui rốt ráo viên mãn vì trong cõi này có đầy đủ 4 loại tịnh đức là Thường,Lạc,Ngã,Tịnh.
Trong Thường có đầy đủ Thường,Lạc,Ngã,Tịnh
Trong Tịch có đầy đủ Thường,Lạc,Ngã,Tịnh
Trong Quang có đầy đủ Thường,Lạc,Ngã,Tịnh
– Thường là mãi mãi không đổi,không bị hủy hoại,không rò rỉ,bất sanh bất diệt,như thế nào thì vẫn như thế vậy.Do đó mới gọi là niềm vui rốt ráo viên mãn
– Lạc là chấm dứt tất cả mọi phiền não khổ đau bao gồm cả việc cơm áo gạo tiền,tâm lý thất thường vui buồn lẫn lộn,tìm kiếm thứ vui,nghĩ ngợi lung tung cho đến việc sanh tử,tu hành giác ngộ. Do đó mới gọi là niềm vui rốt ráo viên mãn
-Ngã là chân Ngã,là Phật tánh,là chính mình.Chân Ngã này không phải là vô ngã của A La Hán cũng không phải là Ngã giả của phàm phu lục đạo.Trong ngũ ấm,phàm phu chấp có Ngã nên phải chịu cái khổ sanh tử, A La Hán chấp Không tuy ra khỏi sanh tử nhưng lại không thấy Phật tánh,nên cái vô ngã ấy chưa được gọi là niềm vui rốt ráo.Chỉ có trong Thường Tịch Quang mới chứng nhận được chân Ngã thực sự của chính mình nên mới gọi là niềm vui rốt ráo viên mãn
-Tịnh là trong sạch vĩnh viễn chẳng bị ô nhiễm. Do đó mới gọi là niềm vui rốt ráo viên mãn
Cõi Cực Lạc có các loài chim mầu sắc kỳ diệu, ngày đêm sáu thời, hót lên tiếng hòa nhã, gió nhẹ lay động các hàng cây báu và các lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm nghìn thứ âm nhạc đồng trỗi một lượt. Cõi Cực Lạc thường trổi nhạc trời, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn-đà-la cõi trời.Người dân cõi Cực Lạc thần thông du hý khắp mười phương cõi Phật giống như chúng ta đi du lịch,rất là vui.Cho nên bạn không nên lo lắng là đến đây thì không có chỗ đi chơi hoặc không có việc gì làm hoặc chơi mãi 1 thứ thì mình sẽ buồn.Sự kỳ diệu của cõi Cực Lạc không thể hình dung hết được.
Bạn nên bỏ nhiều thời gian để học kinh Vô Lượng Thọ,cần phải biết ít nhiều hiểu biết về thế giới Cực Lạc,con người ta thường thì phải thấy lợi ích gì thì người ta mới làm,thì mới chịu niệm Phật nguyện sanh Cực Lạc.Kinh Vô Lượng Thọ chứa đựng vô lượng trân bảo,nếu không học thì thật là đáng tiếc.
A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn thân mến, Niết Bàn là cảnh giới an vui không gì bằng, trong Niết Bàn không có tham vui trong cái ái, không sân giận, không si mê không có một ý niệm bất chánh nào khởi lên thì làm sao ta sinh buồn phiền chán nãn…Tất cả những buồn phiền của chúng ta đều từ cái tâm tham ái mà ra bạn ạ. Vì ham vui nên mới sợ buồn, vì ham giàu nên mới sợ nghèo…nếu nắm được cái tâm tham ái kia, nhận diện được nó, khống chế nó, buông bỏ nó, là chúng ta đã thấy được một phần của Niết Bàn.Đôi dòng chia sẻ cùng bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật.Con thành thật cảm ơn thầy!Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa thầy,xin thầy chỉ dạy con cách niệm Phật mỗi ngày.Năm nay con 16 tuổi,con vẫn còn đi học,…nhà con thì không có bàn thờ Phật.Không biết mỗi ngày con nên niệm Phật như thế nào?Con xin thầy chỉ dạy cho con.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Bạn mới 16 tuổi mà đã biết đến niệm Phật,đây là 1 lợi thế rất lớn.
Mình xin góp ý thế này
Ta cứ áp dụng theo phương pháp ngài Hoàng Niệm Tổ đã chú giải trong kinh VLT,tông thú của người niệm Phật là
Phát Bồ Đề Tâm-Nhất Hướng chuyên niệm A Di Đà Phật- Sanh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Ðộ, chóng lên địa vị bất thoái
1. Phát Bồ Đề Tâm
Đầu tiên là phải phát Bồ Đề Tâm,tuy chúng ta chưa có chân thành tâm như các vị đại Bồ Tát,thì cứ dùng vọng tâm phát Bồ Đề Tâm vậy,mình nghĩ như thế vẫn còn hơn là không phát
Phát Bồ Đề Tâm tức là trong tâm bạn phát ra ý niệm như thế này
Tâm này sẵn là A Di Đà Phật, Tâm này niệm A Di Đà Phật tức là A Di Đà Phật, Tâm này nhiếp thủ tất cả chúng sanh về Cực Lạc.
Hiểu 1 cách đơn giản hơn nữa thì Phát Bồ Đề Tâm tức là bạn có khát ngưỡng,mong muốn mình và tất cả chúng sanh đều sớm thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giac.
2. Nhất Hướng chuyên niệm A Di Đà Phật
Ở đây có từ Nhất Hướng,bạn phải hiểu rõ từ này,không nhất thiết ngày nào bạn cũng phải niệm vài tiếng thì mới gọi là Nhất Hướng.
Xin trích lời ngài Hoàng Niệm Tổ về Nhất Hướng
Chữ Hướng trong ‘Nhất hướng chuyên niệm’ có nhiều nghĩa:
– ngả theo một hướng mà tiến tới
– lệch hẳn về một phía
– một vị
– gộp chung lại
– một khoảng thời gian
Do vậy, ‘nhất hướng chuyên niệm A Di Ðà Phật’ có nghĩa là chuyên nương theo pháp môn Trì Danh Niệm Phật này. ‘Nhất hướng chuyên niệm’ vốn là chữ lấy trong nguyện thứ mười tám: mười niệm ắt sanh. Di Ðà trong lúc tu nhân phát ra đại nguyện ‘mười niệm ắt vãng sanh’ nên hành nhân phát Bồ Ðề tâm nhất hướng chuyên niệm ắt được vãng sanh Tịnh Ðộ, chứng trọn vẹn diệu quả bất thoái.
Người vãng sanh bậc thượng, bậc trung, bậc hạ trong kinh đều do phát Bồ Ðề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Ðà Phật mà vãng sanh Tịnh Ðộ Cực Lạc. Ấy là do giác ngộ là quả, tâm làm nhân, phương tiện rốt ráo phơi bày trọn vẹn nguyện hải nhất thừa của Di Ðà, sáu chữ hồng danh oai thần công đức chẳng thể nghĩ bàn.
Hơn nữa, ‘nhất hướng chuyên niệm’ là như cổ đức dạy: ‘Thượng thì tận hình thọ, hạ thì mười niệm’. Thượng tận hình thọ là từ ngày phát tâm niệm Phật trở đi, chung thân niệm Phật thẳng đến một niệm tối hậu lúc lâm chung. Ðấy là bậc thượng. Còn bậc hạ chưa làm nổi như vậy, hoặc bởi chướng nặng, hoặc do bận rộn chẳng rảnh niệm nhiều thì mỗi ngày hành pháp Thập Niệm cũng là ‘nhất hướng chuyên niệm’. Còn bét nhất như trong Quán kinh nói: kẻ ngũ nghịch, thập ác lúc mạng sắp dứt, được nghe thánh giáo, chí tâm hối cải, mười niệm xưng danh cũng được vãng sanh, nên nói: mười niệm ắt sanh.
Hành giả nên biết: nhất hướng chuyên niệm làtừ lúc bắt đầu phát tâm niệm Phật cho đến một niệm tối hậu, mà niệm quan trọng khẩn thiết nhất là niệm tối hậu. Như kẻ ác nghịch vừa nói trên đây,niệm Phật mười tiếng thì tiếng thứ nhất là sơ niệm,tiếng thứ mười là niệm cuối cùng, cũng là thẳng từ sơ phát tâm cho đến chết đều trì danh. Do vậy, phù hợp với tông chỉ nhất hướng chuyên niệm.
Trái lại, như có kẻ niệm Phật mấy mươi năm nếu lúc tối hậu bỏ lửng, khinh thị Trì Danh, đổi qua tu pháp khác, hoặc lúc lâm chung chẳng ưa Cực Lạc, luyến tiếc thế gian, chưa niệm Phật nổi thì chẳng gọi là nhất hướng chuyên niệm
3. Sanh trọn vẹn bốn cõi Tịnh Ðộ, chóng lên địa vị bất thoái
Tức là mỗi niệm A Di Đà Phật,ta đều hồi hướng công đức đó về Cực Lạc.
4.Về niệm Phật là phải tin và thường xuyên.Ban mới niệm Phật,hơn nữa lại còn tuổi đi học,nên theo mình nghĩ mỗi ngày bạn chỉ cần tập chung 10-20 phút thôi.Vì nếu cứ cố ngày nào cũng niệm 1 tiếng,tất nhiên nếu được như thế thì tốt,chỉ sợ e rằng 1 thời gian sau,vọng tưởng lại sanh nhiều,bạn mệt mỏi,rồi nhàm chán,dẫn đến niệm Phật cũng ko niệm được,mà việc học hành cũng ko tập trung vào được.
https://www.youtube.com/watch?v=XMrSPQlPJ7c
Hoặc có những khoảng thời gian ngay cả 10 ph bạn cũng không niệm được thì áp dụng phương pháp thập niệm,mình chia nhỏ thời gian thành nhiều khoảng trong ngày,mỗi lần niệm mình niệm thật nhanh 10 câu chắc chỉ khoảng 7 s,bất cư lúc rửa bát,lau nhà, đi bộ,dắt xe,… mình đều có thể áp dụng niệm nhanh 10 câu đươc.Tuy mình chưa niệm được nhiều,cho dù chỉ là 150-300 câu thì cũng là có niệm,cũng gọi là nhất hướng mức hạ,không nên để rơi vào tình trạng,1 ngày ăn cơm được mà lại không niệm nổi 100 câu A Di Đà Phật.
Ngoài niệm Phật bạn có thể đọc 48 đại nguyện,thật ra có những lúc bạn cảm thấy niệm Phật hơi đơn điệu,những lúc như vậy bạn có thay vào đọc 48 đại nguyện cũng hết sức thù thắng tuyệt diệu.KVLT ngài HNT chú giải gần 1500 trang,rất là dài,thế nhưng phần 48 đại nguyện thì chưa tới 190 trang,dễ đọc hơn,cứ 2 tuần bạn chỉ cần đọc kỹ 1 đại nguyện,chỉ 3 năm 48 đại nguyện ấy sẽ hằn sâu vào trong tâm thức bạn.Bạn có thể in 48 đại nguyện treo ngay trước bàn học của mình,hay chỗ nào dễ nhìn thấy,mình cứ từ từ chơi bài mưa lâu ngấm dần.
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoLUdfUTA0Y2QxQTg/view?usp=sharing
Nếu ko xem được trực tiếp thì ấn nút tải xuống về mà đọc,bạn nên in ra mà đọc trên giấy sẽ kỹ hơn là đọc trên máy
Bạn bỏ ra 1 tiếng đọc Niệm Phật Tông Yếu
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoLUFJTXV6aGVkUGc/view?usp=sharing
Vừa rồi chỉ là ý kiến tham khảo,còn trong lúc tu hành,mỗi người phải tự điều chỉnh cho phù hợp.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
@Dương: Phương cách tu tập thì liên hữu HNADĐP đã chia sẻ góp ý quá đầy đủ rồi, chú cũng không có gì để góp ý cách tu niệm Phật ra sao thêm nữa. Thấy bạn còn trẻ mà đã biết sớm khơi dậy tâm Bồ Đề thật là tốt lắm, thôi thì chú cũng chia sẻ đôi lời khuyến khích chúc bạn lòng tin kiên cố niệm Phật thành công tốt đẹp như ý.
Làm tròn bổn phận một đứa con
Tùy duyên sống đời giữ chữ HIẾU
Tu đạo bất hiếu sẽ không thành
Đạo không tách đời đừng quên nhé.
————————————————–
(Trích từ DI-HUẤN CỦA PHÁP-NHIÊN THƯỢNG-NHÂN)
“Tin rằng ‘Niệm một lần hay mười lần vẫn được cứu’ mà niệm liên-tục suốt đời. Một niệm còn được vãng-sinh, huống gì nhiều niệm.
Đức Phật A-Di-Đà đã thành-tựu thệ-nguyện của Ngài, hiện đang ở cõi kia. Đến lúc lâm-chung chắc chắn Ngài sẽ lai-nghinh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Hải Dương thân mến!
Đọc mấy comment trước của bạn: niết bàn là gì, nhập niết bàn rồi có còn nhàm chám? MD đã vào viết phúc đáp cho bạn nhưng không đủ duyên nên không thành công. Nay thấy bạn đã dẹp được nghi ngại này mà an lòng niệm Phật, quả là hoan hỷ cùng bạn. Cố gắng lên nhé!
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa sư thầy,sư cô!Cho con hỏi có phải cõi Thường Tịch Quang chính là Niết Bàn không ạ?Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Hải Dương vào http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/06/cac-loai-tinh-do-sai-khac/ sẽ có câu trả lời cho bạn.
Nam mô A Di Đà Phật
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MỘ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN LINH CẢM QUẢNG ĐẠI BẠCH Y QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Con may mắn được biết đến phật pháp từ khi còn rất nhỏ, ông ngoại con là Phật tử tại gia, ông dạy con niệm Phật, tụng kinh từ khi con tập nói. Sau này khi vào lớp 1, bắt đầu đi học con dẵ không còn phước duyên niệm Phật nữa, năm con lên 10 gia cảnh xa xút, bán nhà tha hương, từ đó con dần trở nên ngỗ ngược, học hành xa xút, hỗn hào với cha mẹ ông bà, năm lớp 6, lớp 7 nhiều lần trộm tiền của bà ngoại người đã nuôi dưỡng con với tất cả tình thường trong những ngày gian khổ đó để lấy tiền mua truyện tranh, chơi điện tử. Năm nay con 22 tuổi, nhìn lại quá khứ thấy mình gây ra nghiệp chướng quá sâu, quá nặng, muốn quay đầu cũng không còn kịp nữa rồi. Hiện giờ con đang rất chán nản, bế tắt về tương lai khi trong tay không có gì cả, không tiền bạc, không sự nghiệp, không có nghề để nuôi thân. Gần đây con phát nguyện niệm Phật cầu tịnh độ cũng như xám hối những tội lỗi con đã gây ra trong quá khứ, làm lành tránh dữ, con cũng muốn làm phước bố thí, cũng dường tam bảo để giúp đời cũng như giảm bớt ác nghiệp đã gây trong quá khứ nhưng nhìn lại hoàn cảnh của mình không xu dính túi con không biết phải làm thế nào. Con chỉ hi vọng có được một việc làm lương thiện để tự nuôi thân, phụ giúp được cha mẹ đã già yếu cũng như có điều kiện làm điều phúc thiện. Xin chư Phật mười phương chứng cho lời thỉnh cầu của con
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ CỨU NẠN LINH CẢM QUẢNG ĐẠI BẠCH Y QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Xin cám ơn các vị đã lập ra trang web này để giảng giải chánh pháp, giúp chúng sanh hướng về nẻo thiện. Kính chúc các thầy nhiều sức khỏe, nguyện cầu Phật pháp được hoằng dương khắp thế gian.
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.
Bạn Đường về cõi tịnh !
Bạn muốn cúng dường Tam Bảo,muốn làm phước bố thí nhưng laại ko có tiền. NV nói với bạn rằng ko có tiền thì vẫn cúng dường Tam Bảo,vẫn làm phước bố thí được .
-Cúng dường Tam Bảo :bạn rảnh rỗi thì đến chùa xin làm công quả đi. Cũng là cúng dường Tam Bảo đấy.
-Bố thí vô úy : thấy ai lo sợ,đau bệnh…thì động viên ng ta,giúp ng ta vững tâm,lạc quan…thì cũng là bố thí. Cũng có phước báo.
-Nội thí:bạn có biết những chương trình hiến máu nhân đạo cứu người ko ? Hãy đến đó hiến máu đi. Cũng là bố thí đấy. Có phước báo.
-Ko có tiền làm từ thiện thì lấy sức mình ra giúp ng nghèo khó,giúp được gì thì giúp. Cũng là bố thí.Ví dụ: biết ở đâu có chương trình nấu cơm từ thiện phát cho ng nghèo,ng bệnh khó khăn,thì đến đó phụ giúp nấu nướng,vận chuyển,phát cơm…
Thiết nghĩ,bạn cũng nên phát tâm ăn chay,chưa trường chay được thì tập chay kỳ,ít nhất 2 ngày/tháng,rồi nâng dần lên.
Giữ thời khóa niệm Phật,sám hối hàng ngày,hồi hướng những công đức phước báo cho ng thân,cho oan gia trái chủ,cho khắp pháp giới chúng sinh.
Chúc bạn tinh tấn,an lạc,sớm tìm đc việc làm.
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.
Mấy thầy chỉ cho con cách tu tại gia với ạ, con cám ơn
Đôi ba lời trên diễn đàn chỉ là của các vị đồng tu chỉ đường cho bạn còn đi như thế nào, tại sao phải đi thì có lẽ bạn nên tìm đọc thêm các yếu giải của Chư Tổ, Thánh Tăng về pháp môn Tịnh Độ. Bạn có thể tham khảo các link sau: http://tangthuphathoc.net/tinhdo/index.html và http://www.niemphatvangsanh.com/TinhSach/TinhSach.html
Thời khóa có thể theo cách hướng dẫn của ngài Lý Bỉnh Nam chỉ dạy như sau:
Hỏi: Cụ nói hai thời niệm Phật sáng tối, phải lập một khóa trình, phiền cụ lập cho tôi một khóa trình có phải là hay hơn không?
Ðáp: Khóa trình vốn là dựa theo thời gian, sức lực của chính mỗi người mà quy định. Ngài đã cầu tôi thì tốt nhất là tôi soạn ra một nghi thức thật đơn giản cho Ngài vậy.
Nếu như Ngài có sức thì có thể hành trì thêm nhiều hơn, có thể thêm vào kinh Di Ðà, chú Vãng Sanh, kệ Tán Phật, văn Ðại Phát Nguyện. Những bài kinh ấy trong sách Thiền Môn Nhật Tụng có chép đủ cả, những chỗ lưu thông kinh Phật đều có. Khóa sáng thì lúc vừa ngủ dậy, khóa tối thì trước khi đi ngủ, rửa tay, súc miệng, đến trước tượng Phật, thắp nhang, dâng nước, chắp tay cung kính, rồi quỳ hoặc đứng, hoặc ngồi xếp bằng, dùng tâm chí thành niệm theo thứ tự sau:
– Nam Mô thập phương Thường Trụ Tam Bảo
(Niệm một lần, lễ một lạy)
– Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
(Niệm một lần, lễ một lạy)
– Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Ðà Phật
(Niệm một lần, lễ một lạy)
– Nam Mô A Di Ðà Phật
(Trăm câu, ngàn câu, hai, ba ngàn câu, càng nhiều càng hay. Tùy mỗi người rảnh hay bận mà định số, nhưng phải từ ít tăng lên nhiều, chẳng được từ nhiều giảm ít đi. Vô luận niệm nhiều hay ít, chẳng cần phải lạy)
– Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
(Niệm một tiếng, lễ một lạy, hoặc niệm ba lần, lễ ba lạy)
– Nam Mô Ðại Thế Chí Bồ Tát
(Như trên)
– Nam Mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát
(Như trên)
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh Ðộ.
Trên đền bốn ân nặng.
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe.
Ðều phát lòng Bồ Ðề,
Hết một báo thân này,
Cùng sanh cõi Cực Lạc.
– Lễ ba lạy
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật.Bạch quý thầy,quý cô:Không hiểu tại sao con vẫn còn hoài nghi lo sợ khi được vào cõi Thường Tịch Quang rồi không có gì chơi sẽ nhàm chán,…Con xin lỗi khi hỏi câu hỏi ngớ ngẩn này.Con xin quý thầy,quý cô mở lòng từ bi giúp con phá nghi ngờ này.Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Xin quý thầy,quý cô,… hoan hỷ cho con.Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Xin quý thầy,quý cô phá nghi cho con.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Hải Dương thân mến!
Ở tuổi 16 là lứa tuổi chịu sự thay đổi về tâm lý: mơ mộng, vui buồn thất thường. Do đó có thể hiểu và thông cảm cho tâm tư này của bạn, đó là điều tự nhiên của tâm sinh lý- chớ vì lẽ này mà sanh muộn phiền. Song trong việc tu hành thì nó cũng là một trong những chướng ngại, mà đã là chướng ngại thì cách tốt nhất để dẹp trừ những vọng tưởng này là mặc nhiên, phớt lờ, xem có như không có, lấy câu Phật hiệu làm trọng tâm, các niệm khác đều là vọng.
Thứ nữa cần gia tăng sự TÍN, lòng yêu thích, ngưỡng cầu nơi cõi Tịnh độ. Hãy dành thời gian hằng ngàyđ ọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ thay cho các hoạt động giải trí: đọc nguyên bộ thì tốt bằng không sáng tụng phẩm thứ 6 (Phát đại thệ nguyện)- chiều tụng phẩm 38 (Lễ Phật hiện ánh sáng), hoặc không có thời gian thì tụng 1 phẩm thứ 6.
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Xin chị Mỹ Diệp trả lời đúng câu hỏi cuả em!Chị có thể cho em biết rõ ràng,chính xác về niềm vui cuả cõi Thường Tịch Quang có được không ạ?Em cần biết được điều này để làm động lực tu hành.Xin chị Mỹ Diệp hoan hỷ cho em.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Hải Dương thân mến!
Bởi chúng ta đã quen sống trong cảnh khổ: buồn trong cái khổ, vui trong cái khổ, chúng ta là phàm phu đầy nghiệp lực một chút an lạc thật sự còn chưa có được, sao cứ “tưởng tượng” sự vui của Cõi Cực Lạc bằng cái tâm phàm phu này?
Triệt Ngộ Đại sư đã có lời dạy:
“Thật vì sanh tử
Phát bồ đề tâm
Dùng tín nguyện sâu
Trì danh hiệu Phật”
Hãy vì sự sanh tử mà gấp rút niệm Phật cầu giải thoát, ngoài ra chớ nên đem bất cứ tâm niệm nào vì “lợi bất cập hại”.
Hải Dương hãy bỏ thời gian đọc cuốn “Tây Phương du ký” (http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=4495), chắc chắn rằng cuốn sách Phật này sẽ giúp bạn có thêm động lực trong việc tu tập.
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=4495 là giới thiệu về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà,video này em đã xem rồi.ý em cần là muốn biết về sự an vui của cõi Thường Tịch Quang chứ không phải là cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.Xin chị hoan hỷ cho em.Nam Mô A Di Đà Phật
Bạn đang bị “ám ảnh” bởi mong cầu thấy biết sự an vui trong cảnh giới Thường Tịch Quang của chư Phật: Ý niệm này là vọng tưởng. Chẳng phải chánh tri chánh kiến của người học Phật chân chánh.
Vì nếu vì sắc mà cầu ta, vì thanh âm mà cầu ta, người ấy hành đạo tà, chẳng thể thể thấy Như Lai. Đây là lời khẳng định của đức Thế Tôn trong Kinh Kim Cang. Ý niệm của bạn vẫn thuộc về tà tri tà kiến.
Người học Phật chỉ chuyển tâm mình, ko mong cầu thấy cảnh thắng đẹp. Tự tâm thanh tịnh thì cảnh cũng thanh tịnh thôi, là tự nhiên vốn dĩ như vậy. Tâm cảnh nhất như, chẳng một chẳng hai. Một hai thì rơi vào ký tự, số tự của phàm phu, văn tự của phàm phu ko dùng được để miêu tả cái thuộc về chân tâm bổn tánh. Cho nên cảnh Thường Tịch Quang không ai có thể nói cho bạn rõ sự an vui ở đó, cho đến khi tự thân bạn khế nhập cảnh giới, khi bạn thành Phật.
Tây Phương Cực Lạc chính là pháp tánh độ, bao gồm 3 bậc chín phẩm, chỗ tối thượng, hay trung tâm của Cực Lạc thế giới chính là Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang thâu nhiếp trọn vẹn toàn bộ Cực Lạc Thế Giới, ko chỗ nào không phải là Thường Tịch Quang. Khi bạn có đủ niềm tin nguyện sanh Cực Lạc, được vãng sanh rồi thì sẽ tự cảm nhận sự an vui đích thực cùng với chư Phật Bồ Tát, đây là sự an vui tịch tĩnh từ trong chân tâm bổn tánh, chứ ko phải vọng cầu từ bên ngoài.
Với bạn hay với tôi, hoặc nói chung phàm phu đời Mạt này, để ngộ nhập tri kiến Phật, tự thân chứng được cảnh giới Thường Tịch Quang thì chỉ còn cách ngoan ngoãn buông xuống hết thảy thành kiến bản thân, học làm 1 người ngu, thành thật niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc. Vãng sanh Cực Lạc đồng nghĩa với thành Phật, khi đó tự nhiên chứng được cảnh giới Thường Tịch Quang.
Chứ còn ngồi đây mà phân tích, tìm tòi, lý giải cảnh giới Thường Tịch Quang an vui thế nào – đều là vọng tưởng, mất thời gian, vô ích. Không khéo lại bị ma dựa phát cuồng! Là do cái tâm vọng cầu mong thấy thắng cảnh của chư Phật Như Lai nó hại mình vậy.
Hi vọng bạn thông suốt điểm này nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Mô Phật
Bạn Hải Dương,
Chưa tốt nghiệp đại học mà tâm đã lo chuyện rong chơi, xét cả đời lẫn đạo đều không logic. Vui chơi của phàm phu là đắm nhiễm trong ngũ dục, lục trần. Vui của bậc Thánh là đem phước lành cho chúng sanh, giúp chúng sanh thoát khỏi trần lao điên đảo.
Bạn hãy thức ngộ lại trước khi quá muộn.
TĐ
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa thầy:có phải cõi Thường Tịch Quang toàn là niềm vui rốt ráo viên mãn nhưng không phải lằ niềm vui mà phàm phu chúng ta nhận biết có phải không ạ?có phải khi vào được cõi Thường Tịch Quang thì lúc nào cũng được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối có phải không ạ?như ở trên thầy Hãy Niệm A Di Đà Phật có nói:ở cõi Thường Tịch Quang toàn là niềm vui rốt ráo viên mãn,cõi Thường Tịch Quang có đầy đủ 4 loại tính đức Thường,Lạc Ngã Tịnh.Thầy có giảng Lạc lằ chấm dứt mọi phiền não khổ đau bao gồm cả việc tìm kiếm thứ vui,..Có phải khi được vào cõi Thường Tịch Quang không cần tìm kiếm thứ vui cũng tự nhiên được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối có phải không ạ?Xin thầy trả lời chính xác cho con.Xin thầy hoan hỷ cho con.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Người mang bệnh nặng không lo đi uống thuốc cho hết bệnh, lại ưa muốn đem ra chuyện mơ mộng không thực tế trước mắt để được câu trả lời cho chính xác?
Cái chết không hẹn ai (xem tin tức), hãy gấp niệm Di Đà (thoát vòng sanh tử).
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa thầy Huệ Tịnh:những điều con hỏi trên đều là do thầy Hãy Niệm A Di Đà Phật giảng giải và con hỏi thêm là khi được vào cõi Thường Tịch Quang rồi thì không cần tìm kiếm thứ vui cũng được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối có phải không ạ?con hỏi về những vấn đề này vì muốn biết được điểm đến cuối cùng cuả người tu theo Đạo Phật và làm động lực tu hành.Như thầy Hãy Niệm A Di Đà Phật ở trên có nói:thường thì con người ta thấy được lợi ích mới chịu làm,mới chịu tu hành,…Con muốn biết khi vào được vào cõi Thường Tịch Quang rồi có phải ta luôn luôn được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối hay không?Xin thầy vì con hãy hoan hỷ cho con điều này dựa trên Kinh Phật,những lời Phật dạy về sự an vui,hạnh phúc cuả cõi Thường Tich Quang.Xin thầy hoan hỷ cho con.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Chào bạn Đặng Nguyễn Hải Dương,mình lại chia sẻ với bạn như sau
-Nói cho bạn nghe sự thù thù thắng của thế giới Cực Lạc là bạn biết là ngoài thế giới này còn một thế giới như vậy để bạn hướng về.Nhưng khi hướng về bạn đã đi không đúng quy trình
-Quy trình đúng là như thế này,khi nghe về y báo,chánh nghiêm của thế giới Cực Lạc thì bạn phải tin và nguyện sanh về cõi ấy.Vì nếu nghe xong mà ko nguyện thì cũng như ko nghe.Nguyện sanh xong thì phải hành,tức là tụng kinh niệm Phật hồi hướng về Cực Lạc.Vì nếu chỉ nguyện mà không hành thì nguyện ấy là nguyện xuông.
-Thế nhưng bạn lại đi thi theo quy trình như thế này.Sau khi nghe xong,bạn lại ko nguyện,không hành,thay vào đó bạn lại tập trung vào sự suy tưởng.Trong kinh Phật nói thế giới Cực Lạc là không thể nghĩ bàn.Bạn phải biết từ không thể nghĩ bàn là Phật nói chẳng phải là kẻ phàm phu nói.Vì đối với chúng ta mà nói ngay cả cõi trời đã là không thể nghĩ bàn.Đối với Phật thì cõi trời hết sức bình thường,chỉ có thế giới Cực Lạc là không thể nghĩ bàn.Nay bạn lấy cái không thể nghĩ bàn của Cực Lạc để mà suy tưởng,càng suy tưởng càng rối loạn,càng suy tưởng càng sai,rồi kẹt trong các vọng tưởng.
Trong kinh A Di Đà, Phật nói cho chúng ta nghe về thế giới Cực Lạc để chúng ta phát nguyện sanh về cõi ấy,chứ ko bảo suy tưởng về cõi ấy.Phật là địa vị người thầy,chúng ta ở địa vị học trò. Phật ở địa vị thầy thì Phật nói,nói thật địa vị học trò phàm phu như chúng ta thì chỉ được phép nghe,chẳng được phép tự nói.Tự nói còn ko được,nói gì đến việc tự suy tưởng.Bởi vì tự nói thì toàn nói sai,tự suy tưởng thì toàn là loạn tưởng.
-Bạn đọc để biết về thế giới Cực Lạc.Cái biết ở đây chú trong ở nghe và tin,không nên tập chung ở phần suy tưởng.Nếu bạn ko đọc thì bạn ko biết,ko biết thì ko nguyện
-Chúng ta có thể thảo luận nhưng vẫn phải có phạm vi và giới hạn.Bạn tu hành thì phải từng bước,giống như cởi áo bạn phải cởi cái áo ngoài cùng trước rồi dần vào trong
-Những lời văn tự mới chỉ thị hiện cảnh thế giới Cực Lạc giả,mượn giả tu hành,nương nơi cảnh giả,bạn phát nguyện trì danh vãng sang Cực Lac.Khi sanh Cực Lạc thì bạn mới chứng nhập được thế giới Cực Lạc thật.Bạn phải biết mượn giả tu chân.Mình có nói về thế giới Cực Lạc, Thường Tich Quang,đấy chỉ mượn giả,là văn tự.Sao bạn lại cầu sự chứng nhập vào mấy lời văn tự này.
-Cho dù mình có dùng văn tự nói về sự hạnh phúc cõi Thường Tich Quang thì cũng giống như cái bánh vẽ,chẳng thể làm bạn thỏa mãn được,bạn sẽ tiếp tục hỏi,hỏi,hỏi và liên tục hỏi.Và nếu như mình cứ tiếp tục trả lời,trả lời và trả lời thì cũng như mình đang tiếp tục vẽ cái bánh vẽ cho bạn
-Bạn phải nguyện,hành thì mới dần có cái bánh thật được.
-Ai có thể trả lời được cho bạn mùi vị của cái bánh thật.Trừ phi chính bạn là người ăn cái bánh này,người khác ăn rồi nói cho bạn,bạn cũng chẳng thể thỏa mãn được.
-Xưa nay mình chỉ nghe lo sợ vào địa ngục chứ chưa thấy ai lo về thế giơi Cực Lạc ko có cái chơi,ví như có người đang ở trong giếng sâu chịu đủ mọi khổ sở,nay giúp lên miệng giếng,thì lại sợ lên đấy ko có chơi.Bạn đang định chơi trò gì đây
-Ngày này đến ngày khác,bạn ăn rồi lại đi tiểu tiện,đại tiện.Chơi mãi trò này bạn đã biết chán chưa
-Sanh,lão,bệnh,tử thay phiên nhau. Chơi mãi trò này bạn đã biết chán chưa
-Hôm nay học,ngày mai lại học. Chơi mãi trò này bạn đã biết chán chưa
-Vui,buồn lẫn lộn. Chơi mãi trò này bạn đã biết chán chưa
-Suốt đời phải đi kiếm ăn nuôi thân. Chơi mãi trò này bạn đã biết chán chưa
-Khí hậu nóng lạnh thay phiên nhau,thân thể cứ phải hứng chịu. Chơi mãi trò này bạn đã biết chán chưa
-Cái cần chán thì bạn lại ko chán,cái vui thích thì bạn lại lo sơ.Những thắc mắc như bạn thật làm người khác khó trả lời.Đã rất người trên đây trả lời cho bạn rồi,bạn cứ yêu cầu phải trả lời chính xác cho bạn,nhưng khi trả lời cho bạn thì bạn lại ko muốn lắng nghe.
-Mình biết bạn mới 16 tuổi,tuổi này còn hay đòi hỏi ở người khác,yêu câu sự lắng nghe ở tuổi bạn xem ra cũng hơi cao.Nhưng bạn phải biết học Phật thì nên ít đòi hỏi người khác phải như thế này,phải như thế kia
-Bạn còn trẻ mà lại biết học Phật đúng quy trình thì rất thuận lợi,nếu sai quy trình chỉ có thể nói là rất đáng tiếc.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Các Loại Tịnh Độ Sai Khác
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/06/cac-loai-tinh-do-sai-khac/
9) NHỨT TÂM TỊNH ĐỘ
Loại Tịnh độ này nương nơi tâm mà biến hiện và tùy theo công năng tu chứng cao thấp nên có phân ra bốn bực không đồng.
a) Phàm Thánh đồng cư Tịnh độ
Đây là quốc độ của hàng nhị thừa và nhơn thiên. Nhị thừa là Thánh; nhơn thiên là phàm. Thánh phàm cùng ở chung nên gọi là Phàm Thánh đồng cư, lại vì tính chất tịnh uế không đồng mà có chia thành hai thứ. Như cõi Ta bà là đồng cư uế độ; cõi Cực lạc là đồng cư Tịnh độ.
b) Phương tiện hữu dư Tịnh độ
Đây là cảnh giới an trú của hàng tiểu thừa. Hàng tiểu thừa nhờ đoạn được phiền não của kiến hoặc và tư hoặc nên thoát ra khỏi tam giới. Kiến hoặc là sự mê lầm về kiến thức, tư hoặc là sự mê lầm về tư tưởng. Trên con đường tu chứng, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện chứ chưa đạt được cứu cánh. Còn cần phải tiến lên nữa và phải đoạn hai món mê lầm là trần sa hoặc (mê lầm nhỏ như cát bụi) và vô minh hoặc (mê lầm căn bản) mới thật gọi là chứng quả. Trần sa hoặc là sự mê lầm nhỏ nhặt như vi trần; vô minh hoặc là sự mê lầm cội gốc do căn bản vô minh gây nên. Đoạn kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện, nên hành giả còn phải tu tiến thêm nữa; vì vậy gọi là phương tiện hữu dư. Hữu dư nghĩa là còn sót, chưa tốt ráo.
c) Thật báo vô chướng ngại Tịnh độ
Đây là cảnh giới an trú của các vị đại Bồ tát. Các vị đại Bồ tát nương theo phương pháp chơn thật mà tu hành cảm được quả báo thù thắng chơn thật; sắc giới (vật chất) cũng như tâm giới (tinh thần) không còn gây chướng ngại đối với Bồ tát nên gọi là thật báo vô chướng ngại. Cảnh giới của các vị Bồ tát đã tu chứng.
d) Thường tịch quang Tịnh độ
Đây cũng tức là cảnh giới đại Niết bàn của Chư Phật an trú. Thể tánh của cảnh giới này thường vắng lặng mà vẫn thường quang minh vì do trí huệ của Phật hằng thường tỏa chiếu cùng khắp. Vì thế nên gọi là thường tịch quang độ. Thường tịch nghĩa là thường vắng lặng, thường quang nghĩa là thường soi sáng.
10) BẤT KHẢ TƯ NGHÌ TỊNH ĐỘ
Bất khả tư nghì Tịnh độ tức là cảnh giới Cực lạc của đức Phật A Di Đà để thâu nhiếp, tiếp nhận chúng sanh trong mười phương. Sức thâu nhiếp ấy không thể nghĩ bàn, vì ngoài sức tư tưởng và luận bàn của chúng sanh.
Đây là chỉ đứng về nghĩa thù thắng của cảnh giới Cực lạc mà nói, chứ sự thật thì tất cả các cõi Tịnh độ trong mười phương đều có công năng thâu nhiếp tiếp nhận và đều có tác dụng bất khả tư nghì như thế.
Tóm lại, 10 cảnh Tịnh độ trên này tuy có sai khác về danh từ, nhưng cùng đồng nhất tâm biến hiện, vì cõi Tịnh độ nào cũng đều lấy sự thâu tiếp nhận chúng sanh bất khả tư nghì làm căn bản, Cho nên, nói một cõi tức gồm đủ cả bốn cõi: đồng cư, phương tiện, thật báo và tịch quang. Sự lập danh sai khác chẳng qua là tùy theo mỗi phương tiện mà thôi.
Ở đây chỉ riêng chú trọng về cõi Tịnh độ Cực lạc của đức Phật A Di Đà là vì cõi ấy rất có quan hệ mật thiết với chúng ta, như Đức Thích Ca đã dạy.
Vì vậy cõi Cực lạc Tịnh độ là mục tiêu chính để cho chúng ta tập trung tất cả lực lượng tư tưởng vào đó. Nếu thật chứng được một cõi Tịnh độ ấy thì bao nhiêu cõi Tịnh độ khác cũng đều chứng được.
Trích Tâm Như – Trí Thủ
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Con biết con yêu cầu mọi người phải trả lời sao cho chính xác,…câu hỏi của con là không phải.Con vẫn cố gắng lắng nghe chứ không phải phớt lờ câu trả lời cuả mọi người đâu ạ!Xin mọi người hiểu cho con.Như thầy Hãy Niệm A Di Đà Phật ở trên có nói dùng văn tự để nói về niềm vui,sự hạnh phúc cuả cõi Thường Tịch Quang thì cũng như chiếc bánh vẽ,…Con chỉ xin thầy vì con mà dùng văn tự trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi cuả con một lần này nữa thôi.Con chỉ cần biết cõi Thường Tịch Quang có phải luôn luôn có được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối không hay thôi.Con chỉ cần biết như vậy chứ không đòi hỏi quý thầy diễn tả cụ thể cho con cõi Thường Tịch Quang hạnh phúc thế nào vì con biết đây là cảnh giới cuả Chư Phật ,phàm phu chúng ta không thể biết được.câu hỏi cuả con là câu hỏi chung nhất,chỉ cần biết cõi Thường Tịch Quang có an vui,hạnh phúc tuyệt đối không hay thôi.Thầy chỉ cần trả lời có hoặc không thôi.Con nghĩ quý thầy có thể trả lời được câu hỏi cuả con.Con xin quý thầy hoan hỷ cho con về vấn đề này một lần nữa thôi.Nếu biết được câu trả lời con sẽ không bắt thầy tiếp tục vẽ cái bánh vẽ cho con nữa đâu ạ.Xin thầy hoan hỷ cho con.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Hải Dương!
Bạn đã đọc Kinh Vô Lượng Thọ, bạn nghe thấy chính kim khẩu Đức Bổn Sư giới thiệu về thế giới Cực Lạc, sự thù thắng vi diệu ở cõi này. Nhưng giờ lại hỏi: cõi Thường Tịnh Quang có được sự an vui tuyệt đối? Chỉ cần trả lời có hoặc không.
Tôi hỏi bạn, nếu chúng tôi đồng loạt trả lời: không, cõi ấy chẳng có gì an vui cả. Thế thì bạn sẽ tin Phật hay là tin lời chúng tôi nói?
Lời Phật chẳng hư dối sao chẳng tin nhận mà gấp rút tu hành. Còn chúng tôi, những đạo hữu ở đây chỉ là phàm phu đang ở trong nhà lửa, loay hoay tìm cách thoát thân thì làm sao có thể làm thầy để cứu bạn?
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Nếu bạn muốn đơn giản vấn đề thì rất tốt thì mình cũng đơn giản vấn đề luôn.
-Toàn bộ thế giới Cực Lạc gồm 4 cõi đều là luôn luôn có được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối.Không giống như cõi nhân thiên nay được mai mất.
-Cho nên ngay đoạn đầu trong kinh A Di Đà đã phá nghi chúng sanh
Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc?
Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.
-Bạn nghiên cứu kinh điển,nếu cái biết ấy làm tăng tín,nguyện thì đó cũng là trợ duyên tốt,nhưng nếu nghiên cứu ko khéo thì nó lại trở thành chướng duyên.Tông thú pháp môn này là tín,nguyện,hạnh.Chỉ tín thôi cũng đã là khó,nay trong A Di Đà sớ sao,Liên Trì Đại Sư đã nêu ra 10 cái khó để cho chúng ta biết trước.
Nói đến “khó tin”, nêu ra đại lược gồm mười điều.
Nay sống trong cõi uế, do lâu ngày quen thói, tâm bèn cam chịu, chợt nghe nói cõi ấy thanh tịnh, trang nghiêm, bèn ngờ vực “chẳng có chuyện ấy”. Đó là điều khó tin thứ nhất
Dẫu tin tưởng cõi ấy, lại nghi mười phương cõi Phật đều có thể vãng sanh, cớ gì cứ nhất định sanh về Cực Lạc? Đó là điều khó tin thứ hai vậy
Dẫu tin là sẽ sanh về [Cực Lạc], nhưng lại nghi Sa Bà cách Cực Lạc đến mười ức cõi nước, lẽ nào lại có thể sanh về nơi hết sức xa xôi ngần ấy cho được? Đó là điều khó tin thứ ba
Dẫu tin là chẳng xa, lại nghi [chính mình là] hạng phàm phu sát đất, tội chướng sâu nặng, làm sao có thể liền được vãng sanh cõi ấy. Đó là điều khó tin thứ tư
Dẫu tin là được vãng sanh, lại nghi: Để sanh về cõi Tịnh Độ ấy, ắt phải có pháp môn kỳ diệu, nhiều thứ công hạnh. Lẽ đâu chỉ trì danh hiệu, bèn được vãng sanh? Đó là điều khó tin thứ năm vậy
Dẫu tin tưởng trì danh, lại nghi trì danh hiệu ấy, ắt phải trải qua nhiều kiếp thì mới có thể thành tựu, lẽ đâu do một ngày hoặc bảy ngày [trì danh], bèn được sanh về cõi ấy? Đó là điều khó tin thứ sáu vậy
Dẫu tin bảy ngày bèn được vãng sanh, lại nghi chuyện thọ sanh trong bảy đường, chẳng ngoài [các phương cách] thai, noãn, thấp, hóa, cớ sao cõi ấy ắt là hóa sanh trong hoa sen? Đó là điều khó tin thứ bảy
Dẫu tin hóa sanh trong hoa sen, lại nghi kẻ sơ tâm nhập đạo, sẽ vướng mắc nhiều duyên thoái chuyển, làm sao vừa sanh về cõi ấy liền đắc Bất Thoái cho được? Đó là điều khó tin thứ tám
Dẫu tin tưởng bất thoái, lại nghi pháp này là để tiếp dẫn chúng sanh căn cơ ngu độn, chứ bậc thượng trí lợi căn chẳng cần phải sanh về đó. Đó là điều khó tin thứ chín
Dẫu tin lợi căn cũng vãng sanh, lại ngờ kinh khác nói có Phật, hoặc nói chẳng có Phật, hoặc là nói có Tịnh Độ, hoặc là chẳng có Tịnh Độ, [cho nên] hồ nghi, chẳng quyết đoán. Đó là điều khó tin thứ mười
Mười thứ khó tin, nói đại lược chẳng ra ngoài hai căn bệnh cuồng và ngu.Tám loại trước là do kẻ ngu đề cao thánh cảnh cho nên chẳng tin
Loại thứ chín là hạng người ngông cuồng miệt thị Tây Phương, nên chẳng tin tưởng. Loại thứ mười là kiêm cả hai, bởi kẻ ngu do nghe cái Không nơi Lý bèn nghi ngờ chẳng tin, kẻ cuồng do nghe cái Có nơi mặt Sự bèn nghi ngờ chẳng tin
Vì thế, khó tin mà nói là “hết thảy thế gian” là vì không chỉ là [chúng sanh trong] ác đạo khó tin, mà trời người vẫn còn nghi ngờ.
Không chỉ là kẻ ngu mê khó tin, mà bậc hiền trí hãy còn ngờ vực. Không chỉ là kẻ sơ cơ khó tin, mà kẻ tu lâu hãy còn ngờ vực. Không chỉ riêng phàm phu khó tin, mà hàng Nhị Thừa hãy còn chẳng tin. Vì thế, nói là “pháp mà hết thảy thế gian khó tin”
Nay ở trong đời này, diễn thuyết pháp này, ví như vào cõi nước của kẻ lõa lồ mà tuyên dạy oai nghi, đối với kẻ mù từ thuở lọt lòng mà chỉ bày đen trắng. Điều này được gọi là khó khăn.
Ở đây, đại sư nêu ra hai tỷ dụ, [nhằm hình dung] mức độ khó khăn giống như trong hai tỷ dụ đã nói:
1) Ví như đối với những người sống trong vùng đất lạc hậu, thân thể chẳng mặc quần áo, [họ tụ lại] ở đó vừa la hét vừa ca hát, những người dân lạc hậu ấy chẳng có giáo dục, chẳng có văn hóa, quý vị ở chỗ đó, nói với họ về chuyện lễ tiết, nói đến oai nghi, họ nghe xong ngơ ngác. Làm sao họ có thể nghe hiểu cho được? Đức Phật vì chúng ta tuyên nói Tây Phương Tịnh Độ, giống như ở trong vùng chưa khai hóa mà nói đến những nơi khác có nền văn minh bậc cao trên thế giới, trước nay họ chưa từng thấy, mà cũng chưa hề nghe nói tới, làm sao họ có thể tin tưởng cho được?
2) “Đối sanh manh chi nhân chỉ trần hắc bạch” (Đối với kẻ mù từ thuở lọt lòng mà chỉ bày đen trắng), “sanh manh” (生盲) là sanh ra đã mù. Quý vị nói với họ đây là đen, kia là trắng, họ chẳng có cách nào hiểu được, vì họ chẳng có kinh nghiệm ấy, chưa hề thấy qua!
Đấy là nói công đức lợi tha chẳng thể nghĩ bàn vậy
Đức Phật vì hết thảy chúng sanh tuyên nói pháp môn này, công đức chẳng thể nghĩ bàn. Nói hết thảy các pháp, thì nói pháp môn Tịnh Tông khó tin nhất. Đối với pháp khó tin mà phải nói khiến cho người ta tin tưởng, chẳng phải là một chuyện đơn giản!
-Bạn xem kinh A Di Đà,Phật Thích Ca tới 4 lần ca ngợi sự thành tựu công đức trang nghiêm cõi Cực Lạc (Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy),và cũng 4 lần khuyên ai đã nghe rồi thì phát nguyện sanh Cực Lạc.Vì chúng sanh đa nghi,sợ chỉ Phật Thích Ca nói là chưa đủ cho nên cả 6 phương chư Phật đều hiện đến khuyến tấn,thật là bi tâm đến cùng cực
-Nếu Cực Lạc không tuyệt đối,sao Phật phải nhọc công như vậy. Kinh dạy: Phật là bậc chân ngữ (tức không nói lời giả tạo), là bậc thật ngữ (tức không bịa chuyện), là bậc như ngữ (tức lời nói hoàn toàn phù hợp sự thật, nói đúng như điều Ngài đã chứng), là bậc bất cuống ngữ (chẳng nói dối), trọn chẳng lừa dối chúng sanh.
A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Vậy là cõi Thường Tịch Quang có được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối có phải không ạ?Chị Mỹ Diệp và thầy Hãy Niệm A Di Đà Phật đều chưa trả lời đúng câu hỏi cuả con,cả hai người đều nói về thế giới Tây Phương Cực Lạc chứ chưa nói về cõi Thường Tịch Quang.Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Tây Phương Cực Lạc có 4 cõi là Phàm Thánh,Phương Tiện,Thật Báo,Thường Tịch Quang.Ví như 1 trường học có 4 cấp là cấp 1,cấp 2,cấp 3 và ban giam hiệu nhà trường.
-Phàm phu vãng sanh Cực Lạc thì ở cấp 1
-A la hán vãng sanh Cực Lạc thì ở cấp 2
-Bồ tát vãng sanh Cực Lạc thì ở cấp 3
-Phật thì ở cấp 4.
Tuy nói là 4 cấp nhưng lại ở cùng 1 nơi ko phải tách biệt nhau,nghĩa là học sanh ở các cấp và thầy giáo qua lại gặp nhau hàng ngày được.Không như các nơi các cấp tách biệt nhau về nơi chốn,ko qua lại gặp nhau với nhau được. Tây Phương Cực Lạc khác các thế giới khác là ở điểm này.
-Cả 4 cấp học sinh và thầy giáo đều được hưởng chế độ ăn uống,đi lại như nhau,đều là hạnh phúc tuyệt đối.Chỉ khác ở chỗ trí huệ,thầy giáo thì thông minh nhất,tiếp theo là cấp 3, 2,1.
-Cả 4 cõi đều coi là hạnh phúc tuyệt đối,còn cõi Thường Tịch Quang là tuyệt đối nhất trong tuyệt đối của 4 cõi,vì cõi này có trí huệ viên mãn,dù có phước báo thù thắng tuyệt đối nhưng ko có trí huệ thì ko thọ dùng được hết,giống như người có xe mà ko biết lái.
-Muốn làm thầy giáo thì trước tiên phải làm học trò,làm học trò thì phải bắt đầu từ lớp 1.Muốn vào lớp 1 thì phải bắt đầu tín,nguyện,hạnh
-Nếu bạn nghiên cưu về tây phương để biết thêm thì cũng chỉ nên tạm chung cõi Phàm Thánh,còn 3 cõi kia thì để lại khi lại vào lớp 1 rồi tính tiếp.Chịu khó bỏ ra 20 phút hàng ngày tụng kinh,niệm Phật còn hiểu biết được bao nhiêu thì biết bây nhiêu
A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật.
Thật ra thì ở bài hồi đáp phía trên kia nữa,đạo hữu Hãy niệm A Di Đà Phật đã trả lời đúng câu hỏi của cậu Hải Dương rồi. Nhưng cậu này chưa đọc kỹ mà đã vội vàng kết luận rằng đạo hữu Hãy niệm A Di Đà Phật chưa trả lời đúng câu hỏi.
Ở ngay gạch đầu dòng đầu tiên,đạo hữu Hãy niệm A Di Đà Phật đã viết :
“-Toàn bộ thế giới Cực Lạc GỒM 4 CÕI đều là luôn luôn có được niềm vui,hạnh phúc tuyệt đối. Không giống như cõi nhân thiên nay được mai mất.”
(GỒM 4 CÕI là : Phàm Thánh đồng cư,Phương Tiện Hữu Dư,Thật Báo Trang Nghiêm & Thường Tịch Quang).
Trả lời rất đúng câu hỏi đấy chứ,có trật đâu.
Cảm niệm công đức đạo hữu Hãy niệm A Di Đà Phật !
Nguyenmay cũng đã đọc 1 tài liệu nói đại ý rằng : ” Các cõi Tịnh Độ ,sự an lạc là tuyệt đối,chứ không phải tương đối “. Nhưng tài liệu đó ko chi tiết như bài hồi đáp của liên hữu Hãy niệm A Di Đà Phật.
Đọc bài của đạo hữu, nguyenmay lại có thêm đc những kiến thức cần thiết.
Chúc đạo hữu tinh tấn,sau này xả báo thân đc vãng sanh Tịnh Độ !
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật !
Xin gửi cảm ơn tấm lòng của tất cả các quý Đạo Huynh, Tỷ , Muội.
Hôm nay, tôi thực sự hiểu được ” Tâm Nhẫn Hoà theo lời Phật dạy ” của các Đạo Hữu. Đồng thời tôi cũng tăng thêm hiểu biết được sâu sắc
Nam mô A Di Đà Phật !
( công đức vô lượng ! )
Nam Mô Phật
Nguyễn Hải Dương Nguyễn Hải Dương. Mỗi ngày gặp lại thấy càng thương. Muốn biết biển nông hay sâu, nước biển mặn hay nhạt phải tự mình đến biển, tự mình uống nước biển. Chẳng thể nhờ người khác tới, uống rồi tả cho mình nghe được. Dẫu có tả được tường tận thì đó cũng chỉ là vọng cảnh. Mọi ngôn từ nói ra đều là vọng, tìm cầu vọng để thấy chân là mê trong mê.
Nguyễn Hải Dương! Tỉnh Lại đi!
Nam Mô A Di Đà Phật.Con thành tâm cảm tạ quý thầy,quý cô,…Những câu hỏi cuả con làm cho quý thầy(cô) phải tốn nhiều công sức.Con xin cảm tạ.Nam Mô A Di Đà Phật
Gởi bạn Dương, những điều bạn hỏi ở trên đều từ sự mong cầu niềm vui của dục lạc, bạn lo sợ sẽ không còn niềm vui nữa, sẽ nhàm chán sẽ buồn khổ, chính sự lo sợ đó làm bạn nghi ngờ và đang đi ngược lại. Hãy cẩn thận phân tích nhìn nhận ra cái lo sợ của mình. Vì sao bạn muồn biết cõi Thường Tịch Quang có vui hay không, có phải vì bạn đang mong cầu những niềm vui của dục lạc, những niềm vui ở thế gian này không?
Cõi Thường Tịch Quang luôn luôn an vui, ở đó không sợ khổ, không sợ già, không sợ bệnh, không sợ chết, không sợ đói, sợ khát, không sợ nóng lạnh, không sợ cô đơn, không sợ buồn chán, không sợ người khác hãm hại, luôn luôn an vui, luôn luôn tự tại, luôn luôn an lạc, không một niềm vui nào có thể sánh bằng, vì ở đó tất cả những sự khổ do ham vui dục lạc đã thật sự bị tận diệt, ở đó chỉ có một sự an lạc vô cùng thù thắng không gì bằng.
Những cầu hỏi của bạn đều bị chi phối bởi sự ham vui dục lạc, sự ngộ nhận về cái vui cái khổ của thới gian rất lớn. Bạn đang bị lục căn đánh lừa trầm trọng, đến nỗi là giặc là thù mà bạn lại nghĩ nó là cha là mẹ, mong muốn tìm cầu nó, ở Cõi Thường Tịch Quang không có những niềm vui như bạn hỏi đâu.
Hãy nhìn nhận cho đúng Dương ạ, buông bỏ cái tâm mong cầu niềm vui, lo sợ nỗi buồn đi, hãy tìm hiểu từ từ,thật chậm, có gì thắc mắc bạn cứ lên đây hỏi mọi người sẽ giúp bạn. Bạn phải nhìn cho rõ được những điều sau đây:
1. Thế nào là khổ, thế nào là vui.
2. Khổ do nguyên nhân nào
3. Như thế nào là hết khổ
4. Con đường nào để tận diệt sự khổ đó
Bạn đang ngộ nhận sai lầm về khổ và vui. Hãy tìm hiểu học Phật nhiều vào bạn ạ. Ngày mà bạn tự thấy câu trả lời của bốn điều trên một cách chân thật không mơ hồ là ngày bạn thấy được một phần về câu hỏi mà hôm nay bạn hỏi. Cố gắng lên đừng bỏ cuộc bạn nhé, Phật pháp rất vĩ đại, rất thù thắng, rất chân thật.
Cõi Thường Tịch Quang luôn luôn an vui.
Liên hữu NguyenPhu nói vậy,liên hữu Hãy niệm A Di Đà Phật nói vậy.
Đúng thật như thế !
Xin cảm ơn 2 vị liên hữu !
Nam Mô A Di Đà Phật.Xin cảm tạ bạn NguyenPhu đã cho Hải Dương lời khuyên.Nếu không phiền bạn có thể cho Hải Dương địa chỉ email để cùng bạn chia sẽ về 4 câu hỏi mà bạn nêu ra được không?
Gởi bạn Dương vì mình chưa kịp trả lời bạn, bạn có điều chi muốn hỏi hãy gởi lên đây nhe bạn, về địa chỉ mail mình sẽ gởi cho bạn, nếu bạn muốn hãy để lại địa chỉ cho mình. Rất xin lỗi vì đã không hồi âm kịp cho bạn, không biết giờ bạn có nhận được không. Mình mong bạn sẽ đọc được những lời này.
Thầy ơi cho con hỏi sau khi chết sẽ thấy được 6 loại ánh sáng lục đạo mờ nhạt. Và một vài ánh sáng rực rỡ mạnh mẽ của đức Phật chiếu xuống.Lúc này mình vừa niệm phật vừa bay đến ánh sáng chói lòa đó được không vậy thầy.
Trong Tịnh Độ Ngũ Kinh ko có cách tu như vậy. Chỉ có dạy chúng ta chí thành tâm niệm A Di Đà Phật nguyện sanh Cực Lạc, thì khi lâm chung sẽ cảm được A Di Đà Phật đích thân đến tiếp dẫn mình về Tây phương.
Tất nhiên Phật sẽ phóng quang đến rồi tiếp dẫn thần thức chúng ta về Tây phương, trong khoảng thời gian co duỗi của cánh tay thì mình đã đến Cực Lạc thế giới rồi. Thật là ko thể nghĩ bàn!
Ánh sáng của Phật A Di Đà khi Ngài phóng quang đến tiếp dẫn chúng ta rốt cuộc là ánh sáng màu gì? Thật ra nó ko có màu sắc cố định, vì nếu mình cứ cố chấp vào 1 màu nào đó thì màu đó sẽ thành chướng ngại, đến khi lâm chung Phật ko phóng quang đúng màu đó thì chẳng phải tâm ta rối loạn hoài nghi hay sao? Cho đến hình tượng của Ngài hiện thân tiếp dẫn mỗi người chúng ta cũng ko ai giống ai, Ngài đều thuận theo sở thích của chúng ta, theo cái duyên của chúng ta mà hiện ra cái hình tướng ấy. Trong Kinh Lăng Nghiêm gọi là “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”, chúng sanh muốn Ngài hiện thân gì thì Ngài sẽ hiện thân đó, bản thân chúng ta chỗ này phải tường tận.
Do vậy, việc trang nghiêm bàn thờ Phật tại gia 1 hình tượng Phật A Di Đà cố định để mình thường chiêm ngưỡng rất quan trọng. Vì phàm phu là còn chấp tướng nên hãy chấp cho nó chuyên 1 hình tướng thì sẽ tốt hơn, nay hình này, mai hình nọ, tâm ý loạn xạ, rốt cuộc là khi lâm chung Phật sẽ hiện ra hình tướng nào để tiếp dẫn bạn? Vẫn là do tâm bạn chưa có Định vậy.
Việc này người tu Tịnh Độ phải chú ý. Chỉ nên tham khảo học tập Kinh Điển Tịnh Độ mà thôi, chớ đọc quá nhiều, quá tạp, tâm ý sẽ lao chao, phân vân, hoài nghi, sẽ mất phần lợi ích vãng sanh vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
LỤC THÔNG
NAM ………………………..
MÔ ………………………..
A ………………………..
DI ………………………..
ĐÀ ………………………..
PHẬT ………………………
Thấy Tình Thái cho con hoi kinh vô lượng thọ mua ở đâu vậy. Con cũng muốn có 1 quyển mà ko biết chỗ mua.Trong kinh vô lượng thọ viết những gì vậy thầy.
A Di Đà Phật
Bạn có thể đến chùa để thỉnh Kinh Vô Lượng Thọ, hoặc vào link http://voluongtho.vn/kinhsach/344-Kinh-Vo-Luong-Tho.html để tải Kinh.
Nhà MD có 2 cuốn Kinh Vô Lượng Thọ, nếu không chê hãy để lại địa chỉ MD sẽ gửi tặng bạn.
Nam mô A Di Đà Phật
Thầy ơi cho con hỏi hiện nay có rất nhiều người vẫn tin vào đức Phật, người ta lên chùa thắp hương,lạy phật,cúng dường làm rất nhiều công đức,nhưng khi cầu nguyện thì họ lại không cầu mong hết thân bảo đi về tây phương, mà lại cầu mong tiền tài,danh lợi công việc,sức khỏe,hạnh phúc,họ có lòng tin nhưng lại thiếu lời phát nguyện và hành trì.Phần lớn đa số con thấy vậy thật.Những cái cầu mong của họ nằm trong sự tạm bợ này và càng cầu mong có nhiều thì lại phải càng tiếc rẻ nhiều.Thầy cho con hỏi có cách nào để những người họ đã có lòng tin rồi mà họ có thêm phát nguyện và hành trì để đầy đủ 3 yếu tố Tín Nguyện Hành ko thấy.
Nói hay chẳng bằng làm được. Mỗi người tu Tịnh Độ chúng ta, ai cũng có thể chuyên tâm tu hành, tự mình biết trước ngày giờ ra đi, thân ko bệnh khổ, tự tại vãng sanh thì sẽ độ được vô lượng chúng sanh vậy.
Tín Nguyện Hạnh thực tiễn được như vậy, ngay trên thân này của mỗi hành giả Tịnh Độ thì chính là báo ân Tam Bảo, tận hiếu với Cha Mẹ, với cửu huyền thất tổ vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi chúng ta đem một món quà đến cho một ai đó nếu họ không nhận lấy thì khó lòng ép họ được bạn ạ, dù có gắng cầm lấy thì về họ cũng không dùng.Món quà phải biết cho người cần thì mới có giá trị.
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa Thầy!Con là một Phật tử tại gia,con rất tin vào Phật Pháp nhưng không hiểu tại sao gần đây những nghi hoặc lại xuất hiện trong tâm của con dù con hoàn toàn không muốn có những nghi hoặc đó.Con bắt đầu nghi hoặc khi đọc Kinh Thánh của Đạo Thiên Chúa,…Hiện bây giờ con vẫn tin tuyết đối vào Phất Pháp nhưng những nghi hoặc cứ xuất hiện trong đầu con như là một căn bệnh,con hoàn toàn không muốn nghi hoặc nhưng không biết làm sao để ngăn chạn nó.Con xin quý thầy giúp con!Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Bạn Thanh Phong!
Không biết là bạn chỉ tin vào Phật pháp hay là đang tu tập hòng giải thoát, bởi lẽ người tin Phật chưa hẳn là người tu hành, nhưng người đang tu tập thì cần phải có niềm tin tuyệt đối vào chánh Pháp Phật.
Bạn nói tin Phật pháp, song lại đọc Kinh Thánh- đây đã là sự nghi hoặc lớn nhất rồi.
Nam mô A Di Đà Phật
Chỗ nào không tin, là chỗ đó chưa hiểu, không hiểu nên mới không tin, bạn hãy đem cai nghi ngờ của mình ra nhờ mọi người giúp, khi rõ rồi thì sẽ hết nghi. Trên thế giới này nếu có một phương pháp nào giúp chúng ta tỏ rõ được tất cả một cách chân thật,giải thoát rốt ráo thì đó chính là Phật pháp chứ không còn phương pháp nào khác, chỉ khác nhau do cách nhìn nhận của mỗi người thôi bạn. Đừng nghi ngờ.
Nam Mô A Di Đà Phật.Con chỉ mới tu tập pháp môn Tịnh Độ khoảng 4 tháng thôi nên vẫn còn có sự nghi hoặc.Lúc trước con tin tuyệt đối vào Phật Pháp nhưng không hiểu tại sao càng ngày con càng nghi hoặc.Con đọc Kinh Thánh chỉ để hiểu biết thêm thôi chứ không hề có ý định bỏ Phật Pháp để theo tôn giáo này ạ.Xin các đạo hữu chỉ con cách củng cố niềm tin vào Phật Pháp!Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Giả như ta đang bước trên đường lớn để đến điểm A, nhưng trên trên con đường này còn có vô số ngã rẽ và ta cứ lăng xăng rẽ ngã này lối kia để xem “cho biết”, vậy thì bao giờ mới đến A? Việc đọc Kinh Thánh cũng vậy, tu là phải tu quyết liệt, bạn vừa niệm Phật vừa nghiên cứu sách này sách kia thì làm sao chuyên nhất? Đó chính là sự xen tạp nguy hại, khiến bạn mất đi tín nguyện ban đầu.
Thứ nữa là người tu hành, dù giáo lý Phật hay bất kỳ giáo lý của tôn giáo nào đều không nên xem, đọc để “cho biết” được. Chúng ta gặp được pháp môn niệm Phật chẳng dễ dàng gì, phải biết nắm bắt thời cơ mà gấp rút tu hành, cữi ngựa xem hoa thì xem chừng ngã lúc nào không hay.
Nam mô A Di Đà Phật
Chào bạn Thanh Phong,
Nếu những nghi hoặc tự nhiên xuất hiện như vậy, thì chúng cũng chỉ là một dạng vọng tưởng thôi, bạn không cần để ý đến chúng làm gì, không cần tìm hiểu xem nó đúng, sai ra sao mà hãy cố gắng nhiếp tâm niệm Phật, từ từ sẽ hết.
Còn nếu những nghi hoặc của bạn là một vấn đề lớn, nó cứ trở đi trở lại hoài, nghĩa là bạn thật sự có trăn trở về vấn đề đó, với dạng như vậy thì có cách giải quyết khác. Bạn cũng đừng nên lo ngại vì mình có nghi hoặc như vậy, bởi vì thiết nghĩ đó là chuyện bình thường khi chúng ta cố gắng hiểu một vấn đề cho rốt ráo. Đức Bổn sư trong kinh dạy cho người Kalama đã từng dạy người Kalama rằng đừng vội tin một điều gì, ngay cả điều ấy do chính Ngài giảng dạy, mà phải tự mình chứng nghiệm, vì thế bạn đừng quá lo lắng khi khởi lên nghi hoặc (như là mình đang làm một điều gì có lỗi). Bạn hãy nhiếp tâm niệm Phật, khi rảnh rỗi, nên ngồi suy gẫm vấn đề bạn đang nghi một cách nghiêm túc và sâu sắc, đừng vội cho là đúng, là sai, hãy tìm hiểu thêm ở các kinh sách về vấn đề bạn đang nghi hoặc, hỏi các vị thiện tri thức,.. nói chung là để có thông tin cho bạn suy gẫm, có thể một thời gian sau (có khi mất nhiều năm) bạn sẽ thấy rõ vấn đề và không còn nghi hoặc nữa, lúc đó sẽ không còn vấn đề tin hay không tin nữa mà là bạn biết rõ nó là như vậy. Nếu bạn còn đủ lòng tin, cũng nên cầu Tam Bảo gia hộ để bạn phá nghi, không đi sai đường.
Chúc bạn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
“Con đọc Kinh Thánh chỉ để hiểu biết thêm thôi chứ không hề có ý định bỏ Phật Pháp để theo tôn giáo này ạ.”
Như vậy bạn Thanh Phong hiểu biết gì trong Kinh Thánh khi đã đọc qua so với pháp môn Tịnh Độ trong Phật Pháp? Mà theo bạn thì chỗ tinh yếu của hành giả tu pháp môn Tịnh Độ như thế nào?
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Theo con Kinh Thánh:.Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa và ai không cần bất cứ sự thanh luyện cuối cùng nào, sẽ được qui tụ quanh Chúa Giêsu và Đức Maria, các thiên thần và các thánh … được chiêm ngắm Thiên Chúa “mặt giáp mặt” ( 1 Cr 13,12) … sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Ba Ngôi và chuyển cầu cho chúng ta (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 209).
.Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, nhưng, dù đã được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 210).
.Hoả ngục là [tình trạng] xa cách đời đời khỏi Thiên Chúa.… Đức Kitô diễn tả thực tại hoả ngục bằng những lời này: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời” (Mt 25:41) (Toát Yếu Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo # 212).
Theo con chỗ tinh yếu của hành giả tu pháp môn Tịnh Độ trong Phật Pháp là tín,nguyện,hạnh.Nam Mô A Di Đà Phật
Bạn Thanh Phong thân mến!
Bạn bắt đầu thì đã biết phật pháp càng may mắn hơn nữa là bạn vừa biết phật pháp thì biết ngay pháp môn tịnh độ rồi. Có rất nhiều người tu theo phật pháp nhưng còn bán tín bán nghi, đến khi duyên chín muồi thì mình liễu ngộ. À bấy lâu nay mình đã đi đường vòng, pháp môn tịnh độ chân thật một đời thành tựu quả thật không sai, tại sao bấy lâu nay mình không tin pháp môn đi đường tắt này chứ. Nói bạn may mắn thì cũng không chính xác cho mấy, mà phải nói bạn từ nhiều đời nhiều kiếp tu theo phật pháp thì mới có cái đại nhân duyên này. nhưng tất cả chúng sanh như chúng ta từ vô thỉ kiếp đã gây ra rất nhiều nghiệp ác lẫn nghiệp thiện. Nhưng tại sao chúng ta không biết chân thật mình đã gây ra những nghiệp gì như những bậc thánh nhân một cách minh bạch. Đơn giản vì chúng ta chưa giác ngộ như các ngài. Vì đâu mình biết được mình gây tạo vô số nghiệp thiện ác, cũng nhờ những giáo lý của đức phật, hiện nay là kinh điển mà phật tử chúng ta đọc tụng. Bạn có cái nghi như vậy là vì bạn mới học phật. Nên chưa có kiến thức nhiều, nay lại đọc kinh thánh dường như lại khác giáo lý phật đà nên sanh tâm nghi hoặc. Bạn mới sơ phát tâm tu học nên tìm hiểu duy pháp môn tịnh độ. phật học phổ thông của ht. Thích Thiện Hoa, kinh nhân quả của nhà phật. Cũng cố tăng thêm niềm tin pháp môn tịnh độ mà bạn đang theo học. Đừng nên tìm hiểu thêm giáo lý của bất cứ tôn giáo nào khác.. Đến khi đã có nền tảng cơ bản về phật pháp. Thì bạn tìm hiểu thêm giáo lý của tôn giáo khác thì bạn sẽ không còn sinh tâm nghi ngờ nữa. Đến khi bạn thực hành tu tập chân thật hiểu được phật pháp lợi lạc như thế nào với bản thân bạn tự thể nghiệm, thì có ai đó cho bạn vàng bạc bảo bạn đừng tin theo phật pháp nữa. Thì bạn cũng không theo vì vàng bạc là của thế gian không tôn quý bằng giáo lý của phật giúp chúng ta thoát khổ được vui. Và bạn nên hằng ngày sám hối trước ngôi tam bảo. Cầu cho hồng ân tam bảo gia hộ cho bạn tăng thêm niềm tin nơi chánh pháp của Phật. Sức gia trì của ngôi tam bảo vô cùng vi diệu nếu chúng ta có tâm chân thành. Mình đã thực hành cách này và đã chân thật đạt được lợi ích không thể nghĩ bàn. Còn lòng tin thì ht Tịnh Không có nói là vô cùng sâu xa, không phải đơn giản là tin những gì phật đã thuyết. Mà tin này phải hết lòng, dốc tâm tinh tấn thực hành thì mới gọi là tin. Cho dù chúng ta có nghi hoặc không tin nơi giáo lý nhà phật thì chân lý đó vẫn hiển nhiên tồn tại không mảy mai sai khác, vô cùng chân thật. chúc bạn thân tâm thường an lạc.
A di đà phật!
A Di Đà Phật
Thưa thầy.trong khj con niệm Phật con chỉ chăm chú nghĩ và niệm 4 chữ A Di Đà Phật thì con thấy nghe rõ câu Phật hiệu hơn và ít bị tán loạn. nhưng khj con nhớ đến Phật ở tây phương thì con lại dễ bị tán loạn hơn.
Con sợ nếu chỉ niệm 4 chữ mà k nhớ tới Phật thj không cảm ứng được .
Con mong thầy hoan hỷ giải đáp cho con ạ.
A Di Đà Phật
Phật có Danh và Tướng để độ chúng sanh.Hễ có hình tướng A Di Đà Phật thì tất ngay đó phải có Danh xưng A Di Đà Phật. Danh và Tướng không lìa nhau nên chỉ xưng Danh thì tự bao gồm tướng trong đó rồi.Đối với những người ưa danh thì dùng Danh xưng để độ,đối với người ưa tướng thì dùng hình tướng để độ
– Danh và Tướng thì cũng đều là Phật cả.Dù phương pháp khác nhau nhưng kết qủa thì giống nhau,tức là lâm chung thì đều thấy Phật hiện ra giống nhau
-Tuy nhiên Tướng thì nhiều,khiến cho người ta khó tập chung. Danh xưng A Di Đà Phật thì đơn giản dễ tập chung hơn,trong cách hành trì bạn hãy chọn lấy cách xưng danh,lúc xưng danh ko nên xen tạp nhớ tưởng hình tướng Phật vào đó.Trong Danh xưng A Di Đà Phật vốn đã có đủ rồi.
-Bạn thử nghĩ xem,bạn đi tìm một người giữa đám đông mà bạn lại ko nhìn thấy người ấy,nhưng bạn xưng danh người ấy thật to,người ấy nghe thấy liền biết bạn đang ở đâu,dẫu chẳng nhìn thấy nhau nhưng do xưng danh mà vẫn tìm thấy nhau.Người bình thường còn có khả năng thế,huống hồ gì Phật A Di Đà,bạn xưng danh lại sợ Phật A Di Đà ko nghe thấy sao,làm gì có chuyện đó
-Đối với Phật A Di Đà mà nói,ko cần tới mức bạn phải nhớ tưởng,chỉ cần xưng danh đã là đủ
https://www.youtube.com/watch?v=qT_OeosIaMo&list=PL7Em2hP9ICFMDZJBl7N-aePtJQJn56xxt&index=1
A Di Đà Phật
Xin cảm ơn huynh Hãy niệm A DI ĐÀ PHẬT !
Bạn niệm Phật nhiều như vậy, tâm không tán loạn được là rất tốt, điều quan trọng là khi sân giận, phiền não khởi lên mình phải nhận ra nó,dùng Phật hiệu đè nó xuống được, nhìn thấy phiền não rõ ràng, nhận ra giặc đến tu tập từ từ để đối đầu với giặc. Nghĩ Phật nhớ Phật tưởng Phật để nhắc nhở chúng ta nỗ lực tu hành, cẩn thận đề phòng tâm ái. Phải nhận ra được phiền não khởi từ tâm ái, dùng Phật hiệu diệt cái ái đó thì mới thành công được.
A Di Đà Phật
chân thành cảm ơn bạn !
A Di Đà Phật
Xin cho con hỏi làm gì để về được Tây Phương Cực Lạc ạ???
Bản thân con muốn thoát khỏi luân hồi, 3 cõi 6 đường,để kiếp sau có thể nhớ được con đường mình theo kiếp này là mong muốn trọn thành Phật đạo.Hy vọng được sự dẫn dắt của các thầy.
Thân chào bạn người tìm lối thoát!
Bước đầu biết đến phật pháp có vô vàng pháp môn để chúng ta tu học. Mình thấy pháp môn nào cảm thấy hợp căn cơ sở thích thì mình tu theo tông chỉ (gọi là trạch pháp). Nay bạn đã có phát nguyện muốn vãng sanh về tây phương cực lạc, thì phải có 3 món tư lương đó là:
Tín, Hạnh, Nguyện là ba thứ tư lương của người tu theo pháp môn Tịnh độ, như người trước khi đi xa cần phải dự bị lộ phí và lương thực. Bạn muốn đi sang thế giới Cực Lạc cũng phải chuẩn bị ba thứ tư lương, trước tiên phải có lòng tin, nếu không thì sẽ không có duyên với thế giới Cực Lạc. Trừ việc tự tin nơi chính mình, cũng phải tin ở người khác, tin nhơn tin quả, tin sự tin lý.
Thế nào là tin ở chính mình (tín tự kỷ)? Đó là tin ở tự mình quyết định có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây, đừng nên khinh thường tự ti mà nói: “Tôi tạo rất nhiều tội, làm sao có thể sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây được?” Nghĩ như thế tức là không tin ở chính mình. Không luận là mình đã gây tạo ác nghiệp như thế nào đi nữa, đều có thể có cơ hội đới nghiệp vãng sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây, nhưng mà nghiệp mang theo là nghiệp cũ chớ không phải nghiệp mới. Tội nghiệp đời trước có thể mang đi, nhưng chẳng thể mang đi ác nghiệp tương lai được. Những ác nghiệp gây tạo trước đây hiện tại đều cần phải sửa đổi; sau khi cải ác hướng thiện mới có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc phương Tây. Người nào sau khi niệm Phật, lại không chịu sửa lỗi, vẫn tiếp tục tạo nghiệp, chẳng những không thể đới nghiệp vãng sanh, mà ngay cả thế giới Cực Lạc phương Tây cũng không đi được. Cho nên niệm Phật, lạy Phật là gieo trồng nhơn lành để tương lai có thể thành Phật, chẳng phải là nói hiện đời mà được. Sở dĩ người tin theo Phật, chẳng nên biết rồi mà cố phạm. Khi chưa quy y Tam Bảo và tin Phật, đã lỡ tạo ác nghiệp còn có thể tha thứ. Nhưng sau khi tin Phật và quy y Tam Bảo rồi mà còn gây tạo tội nghiệp thì tội ấy nặng thêm một bực, là do biết mà còn cố phạm. Cho nên phải tin nơi chính mình có khả năng “cải quá tự tân”, thì chắc chắn sẽ được vãng sanh thế giới Cực Lạc phương Tây.
Tin người khác (tín tha) là tin theo lời Phật nói, chắc chắn có thế giới Cực Lạc ở phương Tây cách đây 10 vạn ức cõi nước Phật. Cõi nước Phật này là do Tỳ-kheo Pháp Tạng thuở xưa (tức Phật A Di Đà bây giờ) phát nguyện mà thành tựu. Tất cả chúng sanh ở mười phương nếu muốn sanh về Tịnh độ này thì có thể vãng sanh như ý nguyện, đã không phí việc, lại không tốn tiền, chẳng hao sức, dễ dàng lại đơn giản, phương tiện mà viên dung, chỉ cần chuyên tâm niệm “Nam mô A Di Đà Phật” mà thôi. Đây quả là một pháp môn cao tột vô thượng. Tin như thế tức là tin người khác (Tín tha).
Tin nhơn, tin quả (tín nhơn, tín quả). Chúng ta cũng cần phải tin vào chính mình đã từng gieo trồng nhơn lành từ quá khứ, nhờ có căn lành nên đời này mới gặp pháp môn niệm Phật này. Ngoài ra, đời này cần phải vun trồng Tín, Nguyện, Hạnh, thì căn lành mới có thể thêm lớn mà thành tựu quả vị. Cho nên tin có nhơn quả là tự tin mình thuở xưa đã từng gieo trồng nhơn Bồ-đề và ở tương lai nhất định sẽ thành tựu quả Bồ-đề. Nhưng kết quả đó muốn đạt được thì phải trãi qua sự vun tưới và chăm sóc mới có thể thêm lớn được.
Tin lý, tin sự (tín sự, tín lý). Tin rằng Đức Phật A Di Đà cùng chúng ta có nhơn duyên lớn, tương lai nhất định có thể tiếp dẫn chúng ta thành Phật. Đây tức là Sự. Tại sao nói Đức Phật A Di Đà có nhơn duyên lớn đối với chúng ta? Nếu không có nhơn duyên thì đời nay chúng ta đâu gặp được pháp môn Tịnh độ. Tất cả chúng sanh tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tất cả chúng sanh. Phật A Di Đà nhơn niệm Phật mà thành, tất cả chúng sanh nếu hay niệm Phật, cũng có thể thành Phật, đây tức là Lý.
Phật A Di Đà là Phật A Di Đà trong tâm chúng sanh, chúng sanh cũng là chúng sanh trong tâm Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có sự và lý, nhưng đạo lý này cần phải có lòng tin và sự thực hành không được biếng trễ. Ví như niệm Phật phải mỗi ngày một tăng lên, không nên mỗi ngày một ít đi. Khi chúng ta niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, thì trong nước Bát công đức của ao thất bảo nơi thế giới Cực Lạc phương Tây sẽ mọc lên một hoa sen. Niệm Phật càng nhiều thêm thì hoa sen càng lớn dần, nhưng vẫn chưa nở. Đợi đến lúc chúng ta mạng chung thì đương nhiên chúng ta sẽ sanh vào trong hoa sen ở thế giới Cực Lạc. Sở dĩ chúng ta muốn biết phẩm vị của mình cao hay thấp, là Thượng phẩm thượng sanh, Trung phẩm trung sanh hay hạ sanh, thì phải xem công phu niệm Phật của chúng ta nhiều hay ít. Mình càng niệm Phật nhiều thì hoa sen càng nở lớn ra. Mình niệm Phật ít đi thì hoa sen nở nhỏ lại. Nếu không niệm, hoặc có lúc niệm rồi không niệm nữa, thì hoa sen kia sẽ khô rụi đi. Cho nên điều cần thiết là bạn phải tự tranh thủ lấy quả vị của chính mình: Niệm Phật càng nhiều, trì danh, tin sâu không dời đổi, nguyện thiết tha, thực hành mãi không biếng lười. Không nên nói ngày nay ngủ nhiều một tí, ngày mai sẽ tu tiếp. Việc này không thể nào chấp nhận được. Tu hành thì không thể biếng lười, mà phải siêng năng tinh tấn thì mới có thể thành công.
Tại sao gọi là Trì danh? ( Tức HẠNH) – Trì danh chính là trì niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, cũng giống như hạt thanh châu bỏ vào nước đục, thì nước đục sẽ trong ngay. Niệm danh hiệu Phật cũng giống như hạt thanh châu bỏ vào nước đục nước sẽ lóng trong ngay vậy. Chúng sanh vọng tưởng lăng xăng không biết là bao nhiêu, không lúc nào ngừng nghỉ, giống như sóng trào ở biển cả không lúc nào dừng. Khi Phật hiệu nhập vào trong tâm loạn thì tâm loạn cũng trở thành tâm Phật. Vì niệm một tiếng Phật, trong tâm sẽ có một niệm Phật. Bạn niệm Phật, Phật cũng niệm bạn, cũng như cùng đem danh hiệu A Di Đà Phật đánh vào một vô tuyến điện báo, đó kêu là “cảm ứng đạo giao.” Bạn không niệm Phật, thì Phật sẽ không thâu nhận được, cho nên cần phải Trì danh.
Trì danh niệm Phật là một pháp môn rất trọng yếu trong thời Mạt pháp, cho nên có rất nhiều người niệm Phật. Nhưng chớ nên xem thường pháp môn niệm Phật này. Ngài Vĩnh Minh Thọ Thiền sư khi niệm một tiếng Phật, lúc ấy người có ngũ nhãn lục thông, thấy từ miệng Ngài hiện ra một hóa Phật, cho nên công đức niệm Phật thật không thể nghĩ bàn. Hơn nữa, khi bạn niệm Phật, trên đầu sẽ phát ra ánh sáng. Một khi ánh sáng phát ra thì yêu ma quỷ quái sẽ co giò chạy xa. Cho nên công đức niệm Phật thật là không thể nghĩ bàn. Đó là Trì danh niệm Phật.
Trì tức là Chí trì, giữ lại, cũng chính là thọ trì, cũng chính là như trong sách Trung Dung nói: “Toàn quyền phục ưng.” Tâm niệm niệm ghi nhớ. Trì danh hiệu nào? Trì danh hiệu A Di Đà Phật, tức là niệm danh hiệu Phật A Di Đà.
Pháp môn niệm Phật có bốn cách:
1/ Quán tưởng niệm Phật,
2/ Quán tượng niệm Phật,
3/ Thật tướng niệm Phật,
4/ Trì danh niệm Phật.
-Quán tưởng niệm Phật: Chính là quán tưởng toàn thân sắc vàng của Phật A Di Đà tướng hảo quang minh không sánh ví, toàn thân của Phật A Di Đà phóng ra ánh sáng sắc vàng. Tướng hảo là thành tựu công đức viên mãn, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, ánh sáng của Ngài không sánh ví. Xem thấy tướng sáng lông trắng giữa chặn mày của Phật A Di Đà to lớn xoay quanh như năm hòn núi Tu Di. Mắt của Ngài to như bốn biển lớn, cho nên quý vị xem thân của đức Phật A Di Đà to lớn dường nào?
– Trong ánh sáng của Phật A Di Đà hóa hiện ra rất nhiều Phật. Chẳng những hóa ra hình tượng của Phật mà còn hóa hiện ra hình tượng của Bồ-tát nữa. Phật A Di Đà có 48 lời nguyện cứu độ tất cả chúng sanh khiến cho đều lên chín phẩm sen vàng được giải thoát.
Chín phẩm có Thượng phẩm, Thượng trung phẩm, Thượng hạ phẩm, Trung thượng phẩm, Trung trung phẩm, Trung hạ phẩm, Hạ thượng phẩm, Hạ trung phẩm, Hạ hạ phẩm. Hoa sen ở mỗi phẩm lại chia làm 9 phẩm, thành ra 9 x 9=81 phẩm. Có được 81 phẩm, tất cả chúng sanh sẽ đến bờ bên kia, tức là Niết bàn.
– Quán tượng niệm Phật: Đó là cúng dường một tôn tượng Phật A Di Đà. Niệm Phật cách này chính là quán nhìn tượng Phật A Di Đà, càng lâu càng kỹ mới được thành công.
– Thật tướng niệm Phật: Chính là niệm mà không niệm, không niệm mà niệm. Bạn muốn không niệm cũng không được. Nó giống như giòng nước, và mình ở trong đó; niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, miên miên mật mật, đạt đến cảnh giới ấy chính là Niệm Phật Tam-muội, cũng chính là Thật tướng niệm Phật.
Trì danh niệm Phật: Tức là chuyên niệm Phật A Di Đà, mở miệng ngậm miệng đều niệm A Di Đà. Niệm cần phải niệm cho rõ ràng, lỗ tai phải nghe cho rõ ràng, tâm cũng phải nhớ cho rõ ràng; ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh niệm Phật, tâm không vọng tưởng. Miệng không có 4 điều ác: Mắng chửi, nói thêm, nói láo, nói đâm thọc. Thân không có 3 điều ác: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ý không tham, sân, si. Đó là dùng ba nghiệp thanh tịnh để niệm Phật. Thân khẩu thanh tịnh mà niệm Phật thì niệm niệm thanh tịnh, niệm niệm Phật. (trích lời hòa thượng Tuyên Hóa)
Nguyện là nguyện tha thiết, chân thành được vãng về tây phương. Làm việc thiện gì dù nhỏ nhất cũng nên hồi hướng về tây phương cực lạc. Kiên cố chân thật thật phát đại thệ nguyện được vãng sanh về tây phương cực lạc an vui. Không còn sanh, già bệnh chết. Ba nẻo sáu đường nữa, được gần gũi các thiện tri thức bồ tát phật,vv rất là vi diệu chẳng thể nghĩ bàn.
Nhưng hiện nay thời mạt pháp này như hòa thượng cũng có nói thì đa phần mọi người chúng ta đềuTRÌ DANH HIỆU PHẬT A DI ĐÀ. Nếu có thời gian thì bạn nên tìm hiểu đọc thêm kinh A DI ĐÀ, PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH, QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ KINH. Để biết rõ hơn 48 đại nguyện của đức phật A DI ĐÀ và cảnh giới tây phương cực lạc vô cùng trang nghiêm thù thắng. Còn đây là link bài đơn giản dễ hiểu xin chia sẻ cùng bạn!
TÍN, NGUYỆN, HẠNH VÀ CÁCH THỨC HÀNH TRÌ
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/06/tin-nguyen-hanh-va-cach-thuc-niem-phat/
Chúc bạn thân tâm thường an lạc!
A DI ĐÀ PHẬT.
Một đời sống thật tốt, làm nhiều việc thiện, tâm luôn hướng thiện tránh xa những điều xấu ác, nổ lực kiềm hãm xã bỏ cái tham sân si mê của chính mình rồi bạn sẽ thấy Tây phương nhe bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Thưa quý thầy,quý cô,…Xin cho con hỏi về 2 vấn đề:
Vấn đề 1:Xin hướng dẫn chi tiết cho con cách niệm Phật 9 lần mỗi ngày của Hòa Thượng Tịnh Không. Khi áp dụng phương pháp này của Hòa Thượng Tịnh Không thì con niệm Phật nhanh như Ngài không được ạ, con niệm Phật nhanh thì niệm không rõ ràng câu Phật hiệu,…
Vấn đề 2:Con năm nay 16 tuổi.Con bị mắc 1 căn bệnh là bị mất tập trung. Con không thể tập trung làm bất cứ việc gì 1 cách hoàn hảo được cả. Con bị như vậy cũng gần 2 năm rưỡi rồi ạ. Con bị như vậy nên việc học tập của con giảm sút và những công việc khác cũng đều như vậy. Từ lúc con bị như vậy cho đến nay chưa có ngày nào tâm con có thể định tĩnh được hết cả, tâm con luôn loạn động, mất tập trung,…Con không biết đây là 1 căn bệnh tâm lý hay là nghiệp của con?Con xin quý thầy,quý cô,… giúp con có thể chữa hết căn bệnh này để con có tập trung làm bất cứ việc gì như bao người bình thường khác.
Con xin thành tâm thỉnh cầu các vị thiện tri thức giúp con vượt qua những chướng ngại này để vững bước trên con đường tu tập.Nam Mô A Di Đà Phật
A DI Đà Phật
—-
PHƯƠNG PHÁP NIỆM 10 DANH HIỆU A DI ĐÀ PHẬT
Phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật là phương pháp đơn giản, lợi ích thiết thực trong việc hành trì pháp môn niệm Phật. Đặc biệt thích hợp với những người ít có thời gian tu tập. Hành trì theo phương pháp nầy sẽ giúp cho chúng ta nhất tâm chánh niệm A-Di-Đà Phật và giúp cho chúng ta an lạc thanh thản ngay trong giây phút hiện tại. Thời khóa hành trì được bắt đầu khi chúng ta thức giấc vào sáng sớm. Chúng ta ngồi thẳng người và niệm rõ ràng danh hiệu A-Di-Đà Phật 10 lần với tâm chánh niệm, niệm lớn tiếng hay niệm thầm tùy theo ý muốn từng người. Chúng ta lặp lại công phu nầy 8 lần nữa trong một ngày. Như vậy, chúng ta công phu theo phương pháp nầy 9 lần trong mỗi ngày. Thời gian đó được đề nghị như sau:
1. Ngay khi vừa thức giấc buổi sáng sớm.
2. Trước khi bắt đầu dùng điểm tâm.
3. Sau khi dùng điểm tâm.
4. Trước khi làm việc chính trong ngày.
5. Trước khi ăn trưa.
6. Sau khi ăn trưa.
7. Trước khi ăn tối.
8. Sau khi ăn tối.
9. Lúc đi ngủ.
Quan trọng nhất là hành trì đều đặn. Sự gián đoạn, không kiên nhẫn khi hành trì sẽ làm giảm hiệu lực tác dụng. Nếu hành trì liên tục, tinh cần thì người tu sẽ thấy càng ngày thân tâm càng gia tăng niềm an lạc.
Tinh tấn hành trì phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật kết hợp với niềm tin và bản nguyện chân chính không thay đổi, chắc chắn bảo đảm tâm nguyện vãng sinh cõi Tây phương Cực Lạc, cõi Vô lượng thọ, Vô lượng quang sẽ được thành tựu. Nguyện rằng mọi người đều cùng nhau tu tập.
(Trích Phương pháp thập niệm- Pháp sư Tịnh Không)
Bạn bị mất tập trung có khả năng là một bệnh về tâm lý; đôi khi thường ngày có khi chúng ta xem phim ảnh quá nhiều, hoặc ngồi trước máy vi tính trong nhiều giờ, cố gắng tập trung cao độ cho một việc gì đó, cứ như vậy lâu dần, thần kinh trở nên căng thẳng nên bị xao lãng đó thôi. Bạn hãy đến bác sỹ tâm lý để được hướng dẫn nhé!
—-
Nam mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.Khi dùng phương pháp niệm 10 danh hiệu A Di Đà Phật thì nên niệm nhanh hay niệm chậm ạ?Em niệm Phật nhanh thì niệm không rõ ràng câu Phật hiệu và thường hay bị vấp. Khi niệm Phật cách này thì trong tâm ta nghĩ tưởng đến những con số Phật hiệu đang niệm hay sao ạ?
A Di Đà Phật
Bạn Thanh Phong!
Nếu “Em niệm Phật nhanh thì niệm không rõ ràng câu Phật hiệu và thường hay bị vấp” thì tất nhiên không nên áp dụng cách niệm Phật này nữa; có lẽ cách niệm Phật mà bạn đang hành trì là sổ tức niệm Phật, cứ một hơi niệm liên tục không luận bao nhiêu câu Phật hiệu thì cho là một niệm- cách này có ưu điểm là quán theo hơi thở vô ra, vì niệm liên tục nên không cho tạp niệm xen vào; nhưng bạn đã bị vấp và không rõ ràng khi niệm thì không nên áp dụng nữa. Bởi hành giả niệm Phật, kỵ nhất là niệm danh hiệu Phật không rõ ràng, mơ mơ hồ hồ.
Bạn nên niệm chậm, chắc, câu nào rành rẽ câu đó, miệng niệm tai nghe từng chữ một. Pháp niệm 10 danh hiệu Phật của PS Tịnh Không, vì câu Phật hiệu ít (chỉ có 10 lần danh hiệu Phật) nên rất dễ giữ tâm được chánh niệm.
Nam mô A Di Đà Phật
Chào bạn Hải Dương và Thanh Phong,
Niệm Phật cốt yếu nghe cho rõ ràng để nhiếp tâm theo từng tiếng, câu Phật hiệu. Nên nếu niệm nhanh mà không rõ thì phải niệm chậm lại cho rõ ràng từng tiếng một.
Niệm 10 câu thì trong tâm phải chú ý nghe rõ từng tiếng, vừa chú ý nhớ đã niệm đến đâu, nhờ vậy mà sẽ ngày càng thuần thục.
Bạn Hải Dương hãy thử tập trung niệm Phật như trên đã trình bày, nghe rõ từng tiếng một, khoảng vài tháng sau bạn hãy tự xem có cải thiện được bệnh mất tập trung không nhé. Chú ý không được nóng vội, cứ thong thả niệm, nghe rõ, theo dõi từng tiếng một.
Chúc hai bạn niệm Phật tinh tấn và an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Như vậy áp dụng phương pháp niệm Phật 9 lần mỗi ngày cuả Hoà Thượng Tịnh Không có thể niệm thật chậm 10 câu Phật hiệu được không ạ?
A Di Đà Phật
Được. Bạn niệm chậm, miệng niệm, tai nghe, tâm nhớ từng chữ từng câu.
MD niệm Phật mấy năm nay nhưng chẳng niệm nhanh được, bởi hơi ngắn, niệm nhanh thì liền bị hụt hơi. Nên tốt nhất niệm chậm nhưng chắc.
Nam mô A Di Đà Phật
Đạo hữu Phước Huệ đã nói rõ rồi mà bạn Hải Dương.Có thể niệm chậm đc.Và trường hợp như bạn thì cũng nên niệm chậm.Bạn đọc lại phúc đáp của đạo hữu Phước Huệ nhé !
Nam Mô A Di Đà Phật.Khi con niệm Phật (10-20 phút mỗi ngày) vọng tưởng xen vào rất là nhiều làm cho con không được an lạc. Bây giờ con phải làm sao để niệm Phật bớt vọng tưởng lại ạ? Nam Mô A Di Đà Phật
Làm Thế Nào Để Tâm Được Yên Khi Niệm Phật?
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/07/nhu-the-nao-moi-tri-duoc-benh-vong-tuong/
Cách Nhiếp Tâm Niệm Phật Không Loạn
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2013/07/cach-nhiep-tam-niem-phat-khong-loan/
Làm Sao Để Tâm Được Thanh Tịnh Khi Niệm Phật?
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2015/06/lam-sao-de-tam-duoc-thanh-tinh-khi-niem-phat/
A Di Đà Phật
-Chào bạn Hải Dương.Chúng ta từ trước đến giờ đã quen sống với tâm loạn động nay muốn trở về tĩnh thì càng muốn tĩnh thì lại càng dấy vọng niệm.Cho nên phải hoàn nguyên một cách từ từ thôi,trước tiên là nên ở mức 6 phần động,4 phần tĩnh.
-Mọi người cũng đều góp ý cho bạn rồi đấy,bạn có thể thử xem cách nào phù hợp nhất thì bạn áp dụng
-Ở đây mình góp ý cách nữa,bạn thử xem
-Bạn mở cuốn kinh A Di Đà ra,cứ mỗi chữ trong kinh thì bạn niệm 1 câu A Di Đà Phật,cứ như thế cho hết cuốn kinh.Chẳng hạn như khi mắt bạn nhìn chữ “ Tôi ” thì bạn niệm 1 câu A Di Đà Phật đồng thời tai bạn phải nghe lấy câu Phật hiệu đó,tiếp đến bạn lại đưa mắt sang chữ “Nghe” và lại niệm 1 câu A Di Đà Phật.Tiếp đến chữ “Như” bạn cũng thế,….cho đến hết lần lượt các từ trong kinh.Mắt của bạn nhìn lướt các chữ trong kinh,ko phải là để đọc,đọc thì chỉ dùng miệng để niệm A Di Đà Phật.Mắt là chỉ dùng để nhìn giống như tấm gương chỉ để hiện ảnh thôi.Nếu mắt cảm thấy khó bám theo dòng chữ thì có thể dùng thêm ngón tay trỏ bám theo dòng chữ.Các chữ trong kinh xét về mặt tướng văn tự thì khác nhau nhưng xét về bản thế ý nghĩa đều là A Di Đà Phật,cho nên bất cứ từ nào mình cũng có thể đọc là A Di Đà Phật cả
-Hết 1 lượt,bạn có thể tụng 1 biến kinh A Di Đà Phật để kết thúc.Như thế cũng là 30-40 phút rồi đấy.
A Di Đà Phật
Xin cảm ơn 2 liên hữu Hãy niệm A Di Đà Phật và Mau mau niệm Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật. Con tịnh toạ( ngồi bán kiết già) niệm Phật 20 phút mỗi ngày. Khi niệm Phật xong có cần phải xả thiền không ạ? Nếu không thực hiện những động tác xả thiền có ảnh hưởng đến sức khoẻ không ạ? Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Bạn Hải Dương!
Bạn nên tham khảo bài viết tại http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/11/toa-thien-niem-phat/ để thao khảo. Nên lưu ý phần B.3. Điều tâm.
_()_ Nam mô A Di Đà Phật
https://www.youtube.com/watch?v=XMrSPQlPJ7c .Nam mô A Di Đà Phật. Hòa Thượng Tịnh Không bảo chí ít phải niệm Phật 20 phút mỗi ngày( buôỉ sáng niệm 10 phút, buổi tối niệm 10 phút). Vậy em có thể niệm luôn buổi sáng 20 phút được không ạ. Nam mô A Di Đà Phật
Buổi sáng Eibi có thể niệm 20 phút cũng được. Nếu như cả ngày thực hiện được 2 thời khóa niệm Phật thì còn tốt hơn. Niệm Phật được càng nhiều càng tốt. Ngoài thời khóa thì lúc nào nhớ ra hãy luôn niệm thầm trong tâm.
Chào bạn Hải Dương, có phải bạn la người muốn hỏi mình về tứ diệu đế không.nếu đúng thì hãy gởi câu hỏi lên để mọi người giúp nhé, hôm nay tình cờ đọc lại comment của bạn nên mình hỏi, mình chưa kịp trả lời vì không biết,cho mình xin lỗi.
Bài này rất hay bây giờ tui mới hiểu khi quá khứ mà mình ác hoặc tốt thì sẽ sống ở đâu rồi. Cảm ơn bài viết này nhé.
Đường Về Cõi Tịnh: Xin đạo hữu hoan hỉ tập gõ tiếng Việt có dấu để độc giả tiện bề theo dõi và tránh hiểu lầm. A Di Đà Phật.
A di đà phật con muốn có 1số thắc mắc mong đc các sư thầy giải đáp giúp con con là một đứa mắc bệnh trí nhớ kém và cơ thể con cũng ko nhanh nhẹn nên con đi học mãi học mãi mà ko giỏi đc dù con rất thích học con đi làm lao động phổ thông thì cũng ko làm đc việc đến nơi đến chốn và thường bị chửi bị chê bị bắt nạt vì kém cỏi và bị đuổi việc nhiều lần vì bị bắt nạt dù đôi khi con đã cố gắng và làm tốt công việc và bị chê là kẻ kém cỏi nhiều và mặc dù con luôn giúp đỡ mọi ng khi thấy họ gặp khó khăn và con thường xuyên thăp hương khấn vái cầu bình an ở nhà và ở chùa nhưng con vẫn khổ sở vì công việc và vì ước mơ đi học của con ko thành dù con cố gắng rất nhiều nhưng học vẫn ko vào nên con ko học nữa và dần dần tính cách của con trở lên đanh đá con luôn và cãi nhau với những ng hay ức hiếp con dù con hoàn thành tốt công việc và dù con ko động chạm đến ai nhưng vẫn bị ng ta chỉ trỏ nói xấu con là đứa ăn hại kém cỏi xấu xí bây giờ con ko mơ ước đi học nữa dù con rất muốn nhưng học ko vào chỉ tổ tốn tiền mà lại ko có gì cho bố mẹ mà lại làm khổ bố mẹ thêm vì ko đủ tiền tiêu phải xin của bố mẹ bây giờ con ko mong ước gì hơn con chỉ xin các sư thầy chỉ cho con cách tu ở chùa như thế nào để sau khi con chết con đc siêu thoát về cõi an lạc ko fải chịu khổ nữa con ko cầu đc đầu thai kiếp sau gì cả con chỉ cầu sau khi con chết con sẽ hết fải khổ như kiếp này là con mãn nguyện lắm rồi xin hãy chỉ đường dẫn lối để con tu hành đúng cách
A Di Đà Phật
Vài lời góp ý
Đâu cần nhất thiết phải học đại học,học nghề cũng được mà,miễn sao là nghề lương thiện,mình cứ đối xử bình thường với mọi người là được,còn họ khen chê yêu ghét thì kệ đi,mình càng có thời gian đọc kinh.
1.Bạn đọc ba bài nhân quả dưới đây sẽ trả lời được phần nào
https://www.youtube.com/watch?v=9VI8l6g6jIM
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoY2dTV3RBRVBsZ0U/view
https://drive.google.com/file/d/0ByfaPxXhnuPoUlJJdUswYTJzLUk/view
2.Còn về pháp tu về cõi nước an lành thì là tín nguyện niệm Phật,tu ở đâu cũng được.Bạn đọc các bài dưới đây để biết thêm.
https://www.youtube.com/watch?v=qT_OeosIaMo&index=1&list=PL7Em2hP9ICFMDZJBl7N-aePtJQJn56xxt
https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxRmhoTXdrUUpDMTA/view
https://drive.google.com/file/d/0B3gzAB5z0zSxb0d1Um9CQTB2XzQ/view
A Di Đà Phật
Xin cảm ơn liên hữu Hãy niệm A Di Đà Phật !!!
Con chào Thầy . Thưa Thầy , con là công nhân tự lao động mưu sinh , mong có sức khoẻ để phụng dưỡnh mẹ cha . Song con cũng đã phạm phải nhiều điều k tốt , tuy nhiên k phải là trộm cắp hay cướp giật giết người gì cả . Như thầy đã nói luật nhân quả không bỏ sót bất kì 1 tội lỗi nào dù là nhỏ như hạt bụi . Con xưa nay sát sinh động vật có , uống rượu có , đôi khi ăn nói tục … Con xin thầy chỉ cho con cách cải tà , cải thiện lối sống để mong tốt hơn tạo nhiều nghiệp tốt , giúp mình giúp người . Chỉ mong k phạm phải những điều con đã từng phạm phải . Con xin thầy hãy chỉ cho con .
Xin thầy chỉ giúp con 1 số cuốn sách về phật pháp tu hành , luật nhân quả mà con có thể tìm mua để đọc để làm theo . Kính Thầy .
Nam Mô A Di Đà Phật .
con cảm ơn chú NP. con đọc rồi ạ con cảm ơn ạ
Chào bạn.Nguyễn Văn Đại.bạn cho mình địa chỉ sdt liên lạc mình gửi kinh cho bạn,để tự mình tìm hiểu Tu Trì.
Giửi đến bạn Hải Dương.
Con người khi sinh ra đã mang trên thân bốn sự khổ lớn, sinh, lão, bệnh, tử. Qua thời gian mỗi chúng ta cứ theo đó mà đi, đói cũng khổ, lạnh cũng khổ, bị người hăt hủi cũng khổ, bị chê bai bị đánh, bị mắng bị cái nghèo bủa vây…rất nhiều nỗi khổ mà khi chiêm nghiệm lại tự mỗi chúng ta thấy vô vàng sự khổ tìm đến cho chính mình. đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy trong tứ diệu đế, mọi sự khổ đều hội tụ tại chính cái thân này. Và nguyên nhân dẫn đến sự khổ là do cái tâm tham ái của chính chúng ta, ta tham giàu,tham vui, tham dục lạc ….chính sự tham ái thôi thúc chúng ta tạo tác ra những việc lành việc dữ….rồi theo đó mà nhận lấy những nỗi buồn hay niềm vui tạm bợ. Để thoát khỏi cái vòng tròn sinh tử đó người lại chỉ cho chúng ta thấy được đâu là sự tận diệt mọi sự khổ đau, đâu là con đường thoát khổ vĩnh viễn, đâu là niềm vui rốt ráo viên mãn .Người nói với các ông Kiều Trần Như sự tận diệt sự lìa xa vĩnh viễn cái tâm tham ái đó, chính là sự tận diệt kết thúc mọi khổ đau, và người lại chỉ ra con đường để đưa chúng ta đến đó, đó chính là bát chánh đạo. Chúng ta tu học Phật hãy cố gắng nắm rõ điều này để có thể nhận diện được khổ, vui, và đi đúng hướng. Và niệm Phật chính là thực hành bát chánh đạo, người niệm Phật đúng sẽ thấy được Niết bàn sẽ thấy được Tây phương. Hãy thường hỏi mình có thật sự muốn học Phật không, có thật sự thấy khổ chưa, và có thật sự niệm Phật chưa hay chỉ như chiếc máy niệm Phật kia chỉ phát ra tiếng mà thôi, người thường niệm Phật trong tâm thường phát sinh trí tuệ.
Rất cảm ơn thiện hữu tri thức NguyenPhu
Thăng hãy vào đây xem phúc đáp, chú mong thăng sẽ đọc được những dòng này.
Nam Mô A Di Đà Phật!Con năm nay 21 tuổi và là nữ. Con có một số thắc mắc muốn được các vị Sư Thầy Sư Cô và mọi người giải đáp giúp con. Con là nữ nhưng con tự nhận tính khí của con khá nóng nảy và bộp chộp,vẻ bên ngoài và tâm trong con rất khác nhau. Khi ai đó gặp chuyện, con thực sự rất lo lắng và luôn cầu bình an cho họ, nhưng con lại không hay thể hiện ra bên ngoài, đôi khi con còn làm mọi người hiểu nhầm về thiện ý của con. Hơn nữa, con không hiểu tại sao, nhưng chỉ cần nhìn thấy một mảnh đời bất hạnh, đói khổ, rách rưới, lam lũ như người lái xe ôm, người bán hàng rong,..hay thậm chí là con mèo, con chim nó bị đau, bị bẩn bị bỏ rơi..là con đều ứa nước mắt. Nhiều khi, xem những mảnh đời bất hạnh đó con không thể kiềm chế được cảm xúc và luôn cảm thấy bất lực vì không giúp được gì cho họ.Con đã nói chuyện này cho vài người, nhưng họ đều bảo con là mau nước mắt, nhưng không phải vậy, con thực sự rất đau lòng khi chứng kiến những mảnh đời như vậy.Bây giờ, con muốn bắt đầu tu tâm tích đức cho gia đình và cho những người xung quanh thì con cần làm những gì ạ?
Con xin chân thành cảm ơn những câu trả lời của Sư Thầy, Sư cô và các bạn đọc!
A Di Đà Phật
Bạn Đỗ Phương,
1. Con là nữ nhưng con tự nhận tính khí của con khá nóng nảy và bộp chộp,vẻ bên ngoài và tâm trong con rất khác nhau.
Phật nói: Tướng do tâm sanh! Tâm (ý) bạn luôn nóng nảy và bộp chộp thì thân khẩu bạn sẽ hành theo sự nóng nảy bộp chộp đó. Bạn chớ nên nghĩ: tính con nóng nhưng tâm con rất hiền lương và dễ mến. Người nóng tính vốn chẳng ai muốn gần, điều này bạn có thể nhìn con hổ hay con báo: tính quá dữ dằn, nên cả người và các loài vật khác thấy từ xa đã hoảng sợ, bỏ chạy. Đó là tập khí từ tiền kiếp còn sót lại, bạn phải cảnh giác để chuyển đổi ngay tập khí này. Bởi sân hận là chủng tử (nhân) của địa ngục. Nếu hàng ngày bạn huân tụ những nhân này, đồng nghĩa bạn đang tạo hạnh trang để về địa ngục. Hiện tiền địa ngục là không ai muốn gần gũi bạn, thế đó là sự ác cảm, xa lánh.
2. Khi ai đó gặp chuyện, con thực sự rất lo lắng và luôn cầu bình an cho họ, nhưng con lại không hay thể hiện ra bên ngoài, đôi khi con còn làm mọi người hiểu nhầm về thiện ý của con.
Có sự khác biệt lớn giữa nói và hành động. Nếu bạn là người nói và chuyên làm việc thiện, thì đó là tính đại thiện, nhưng có nhiều việc nếu bạn không nói kết quả không hẳn sẽ tốt đẹp. Ví dụ: Người bạn của bạn đang túng tiền, bạn giấu mặt, nhờ người khác mang tiền giúp người bạn. Nếu người bạn là người lương thiện, hẳn sẽ biết trân quý sự giúp đỡ đó và dùng tiền đó một cách chính đáng; ngược lại, người đó cho rằng mình chẳng cần mở lời mà đã có người giúp, tội gì không tiêu cho thoả thích, hết lại có “ngân hàng” chi. Trường hợp này thì hành động ẩn danh khi giúp đã tạo tai hoạ, bởi đã tạo sự lười biếng, chây lười, ỷ nại và tâm hưởng thụ vô lối. Một ví dụ khác: Gặp người thân hay người ngoài gặp khổ nạn, bạn âm thầm cầu nguyện cho họ sớm vượt qua khổ nạn điều này rất tốt nhưng với điều kiện người bạn cầu nguyện phải hiểu được họ đang gặp nạn và bản thân họ thực muốn chuyển hoá khổ nạn đó, lúc này nhân thiện – kết hợp duyên thiện của bạn – tạo thành quả thiện. Ngược lại họ không gieo hạt, hàng ngày dẫu bạn chăm chỉ tưới nước xuống đất thì cũng chỉ khiến đất thành vũng sình lầy chứ không thể khai quả như bạn mong muốn.
Điều thứ nữa rất quan trọng: Muốn lo được cho người, đầu tiên bạn phải lo cho chính mình. Đơn giản để bạn hiểu: Bạn muốn trở người trên xe của bạn, điều đầu tiên bạn phải xử dụng xe thành thạo (nắm vững phương tiện), kế đến là hiểu được luật đi đường. Nếu cả hai điều này bạn thiếu vắng hoặc chưa hội đủ mà bạn muốn trở người khác, một không ai dám đi; hai đi một lần rồi họ sẽ lảng xa bạn. Do vậy việc ai đó gặp chuyện bạn sanh lòng lo lắng, buồn rầu và luôn cầu bình anh cho họ về lý thuyết tưởng như rất tốt, nhưng thực tiễn thì bạn sẽ gặp trở ngại. Trở ngại lớn nhất là bản thân bạn chưa giải quyết được những vướng mắc của bản thân nhưng lại đi lao tâm giải quyết vướng mắc của người khác. Đương nhiên cả bạn và người nọ đều không có lợi lạc. Đơn giản: tâm bạn-tâm họ đều phiền não như nhau làm sao để chuyển hoá?
3. Hơn nữa, con không hiểu tại sao, nhưng chỉ cần nhìn thấy một mảnh đời bất hạnh, đói khổ, rách rưới, lam lũ như người lái xe ôm, người bán hàng rong,..hay thậm chí là con mèo, con chim nó bị đau, bị bẩn bị bỏ rơi..là con đều ứa nước mắt. Nhiều khi, xem những mảnh đời bất hạnh đó con không thể kiềm chế được cảm xúc và luôn cảm thấy bất lực vì không giúp được gì cho họ.Con đã nói chuyện này cho vài người, nhưng họ đều bảo con là mau nước mắt, nhưng không phải vậy, con thực sự rất đau lòng khi chứng kiến những mảnh đời như vậy.
Luôn khởi tâm từ trước đồng loại đó là tâm Bồ tát, nhưng có sự khác biệt lớn: Bồ tát khởi tâm từ và luôn tìm nhân duyên, phương tiện thích hợp để độ sanh, độ rồi thì không có ngườ độ, kẻ độ và phương tiện độ (không có vướng kẹt với việc làm của mình); chúng sanh chúng ta khởi được tâm từ nhưng không biết phương cách hoá giải rồi bị những nỗi đau của chúng sanh ám ảnh, lôi kéo và dẫn tới phiền não (bị vướng kẹt trong phương tiện). Trường hợp của bạn hiện là vậy, đó là thiếu thực tiễn. Ôm nỗi đau của người khác, biến nó để hành hạ, dày vò mình đó là tâm bệnh. TĐ có quen một vài người có tâm trạng giống bạn: ai cũng thương, ai cũng thấy muốn đổ lệ, trong lòng luôn thấy xúc cảm trước mọi sự. Đó không phải là lòng từ bi mà là tâm ái nhiễm uỷ mị một cách thái quá. Nếu không điều trị ngay cho dứt, để lâu sẽ bị ma uỷ mị dựa thân, thật vô cùng nguy hiểm. Trường hợp này nhiều người bị mà không biết lại đinh ninh rằng mình có tâm từ bi quá rộng lớn. Bạn phải cảnh giác.
4. Bây giờ, con muốn bắt đầu tu tâm tích đức cho gia đình và cho những người xung quanh thì con cần làm những gì ạ?
– Phải dẹp trừ tận gốc tâm uỷ mị ái nhiễm
– Phải phát tâm tu đạo thật chân chánh. Muốn thế phải lấy nhân-quả làm gốc. Kế đó tìm cho mình một pháp môn tu học hợp căn cơ, dũng mãnh tinh tấn tu để hoá giải nghiệp lực bản thân. Mình nghiệp còn bủa vây không lo được lại lo chạy đi giải nghiệp cho người khác đó là mê mờ nhân-quả.
– Hàng ngày phát tâm niệm Phật mọi nơi để phá tâm phiền não, khi tâm niệm Phật thường dấy khởi, đồng nghĩa những phiền não sẽ bị đẩy lùi.
– Phát tâm làm các phước thiện, làm rồi thì xả bằng hết để không bị kẹt trong việc làm của mình.
– Phát tâm quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới, bởi đó là con đường để bước vào Phật môn.
Chúc bạn thường tinh tấn.
TĐ
Thưa thầy cho con hỏi .
Nếu có thế giới cực lạc. Tức là thế giới phật.
Tại sao không có ai về báo cho mọi người biết để họ làm việc thiện để được sanh về cõi đó ạ .
Chào bạn Tám,
Bạn hãy xem kinh Kiến Chánh theo đường dẫn bên dưới để hiểu về thần thức của con người khi tái sanh qua đời khác.
http://www.tangthuphathoc.net/kinhtang/kienchanh-thienacnhanqua-1.html
Chúng sanh ở cõi Cực Lạc vốn ở ngay bên cạnh chúng ta nhưng vì tâm thức chúng ta không tương đồng nên không thể thấy họ được, trừ một vài người, hoặc là tu niệm Phật đến mức tâm thanh tịnh nên có thể thấy cõi Cực lạc, Phật và chư thánh chúng; hoặc là họ có duyên sâu dày, đặc biệt thế nào đó với người thân đã vãng sanh và trong giấc mộng thấy được người thân đó báo đã sanh về Cực lạc.
Cho nên, không phải không có ai về báo, mà là do tâm ta không tương ưng thanh tịnh nên không thể thấy họ được. Đại khái ví dụ như thế này, bạn muốn bắt được sóng phát thanh của một đài phát thanh nào đó thì bạn phải rà đài đến đúng tần số mà đài phát thanh đó phát thì mới nghe được, ngược lại, thì dù là đài phát thanh đó vẫn phát sóng, mà bạn không rà trúng đài thì dĩ nhiên bạn không thể nào nghe được. Ví dụ không được tốt lắm nhưng mong giúp bạn hiểu được vấn đề.
Chúc bạn tu tập tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Thế giới Cực Lạc trang nghiêm được đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dạy rất rõ trong Kinh Vô Lượng Thọ, lời Phật đã là một bằng chứng xác thực, sao lại tìm bằng chứng nữa? Nếu quả chẳng tin lời Phật nói về thế giới Cực Lạc thì bạn đã thiếu đi đức TIN- một trong ba tư lương quyết định cho sự vãng sanh, và như vậy dù có niệm Phật khô hơi khang tiếng cũng thành vô ích mà thôi.
Xin gửi đến bạn cuốn Tây Phương Du Ký: https://m.youtube.com/watch?v=dadv4aPsVF4
Và cuốn Niệm Phật Thành Phật: http://www.youtube.com/watch?v=_P68F8_3miU&feature=youtube_gdata_player
Mong rằng sau khi xem xong, lòng TIN của bạn sẽ được củng cố, để đường về cố hương không còn trở ngại nữa.
_()_
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Không biết bạn có đang tu theo pháp môn Tịnh độ? Câu hỏi của bạn có phần bấp bênh, chưa ngộ Pháp. Việc làm phước thiện cùng lắm chỉ được hưởng quả báo nhân, thiên, chẳng sanh cõi Cực Lạc được. Bạn muốn sanh về cõi ấy, cần phải có phương pháp tu hành: http://www.duongvecoitinh.com/index.php/phap-tu-de-vang-sanh/
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
*** Nếu bạn Tám có túc duyên với thế giới Tây Phương Cực Lạc thì có ai về báo hay không bạn cũng sẽ phát tâm TIN quy hướng về Tịnh Độ khi gặp duyên. Sau sẽ tự phát khởi tâm niệm Phật, lấy hạnh niệm Phật để được sanh về cõi Cực Lạc thế giới của Đức Từ Phụ Phật A Di Đà.
*** Nếu bạn Tám không có túc duyên với thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dù cho có ai hay chư vị Bồ Tát về báo, chưa chắc bạn đã tin. Đối với những người đang đắm say đam mê theo ngũ dục, các vị Bồ Tát về báo thì bạn nghĩ họ có để tâm tin siêng năng nhớ niệm Phật hay không?
*** Dù cho có tin chưa chắc bạn có thể duy trì lòng tin của mình khi đương đầu với mọi nghịch cảnh, thử thách khó khăn trong cuộc sống. Khi phiền não nổi lên, liệu lòng tin của bạn còn nhớ thế giới Tây Phương để nhớ niệm Phật hay không? Đó chỉ là nói với mọi nghịch cảnh, chứ thuận cảnh lại càng khó khăn khó thể vượt qua vì khiến tâm chung ta dễ dàng quên niệm Phật hơn nghịch cảnh. Không nhớ niệm Phật, khó nhớ Tây Phương thì lâu ngày sẽ mất niềm tin. Khi mất niềm tin, việc các ngài đã về báo có lợi ích gì?
Phải tự mình tin mà niệm Phật để sau này trông thấy Tây Phương Cực Lạc mới được.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật
Thưa các Thầy và các Phật tử,
Bố con đột ngột ra đi ở tuổi 59 đã 17 ngày, cả gia đình vô cùng đau buồn. Hiện nay gia đình (mẹ, bà và một số cô bác) hàng ngày tụng kinh A Di Đà để mong linh hồn Bố được siêu thoát và được Phật đến tiếp dẫn về nơi Tây phương Cực lạc. Ngoài ra luôn bật đài tụng kinh sám nguyện và tụng kinh A Di Đà 6 tiếng bên bàn thờ Bố.
Con mong các Thầy và Quý Phật tử chỉ giáo giúp con về việc tụng kinh hàng ngày như vậy đã đúng chưa? Có cách nào để biết được Bố con có được tiếp dẫn về Tây phương Cực lạc không ạ?
Bố con ra đi hết sức đột ngột nên không kịp dặn dò gì người thân. Con vì không được gặp Bố trước khi Bố đi nên vô cùng mong ước được nghe 1 tiếng Bố nói, được nghe Bố dặn dò. Liệu có cách nào để biết được Bố con muốn căn dặn gì trước khi ra đi không ạ?
Con mong các Sư thầy, Sư cô và các Quý Phật tử hoan hỷ trả lời giúp con.
Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ kính thưa Thầy cho con được rõ ạ!
Dạ Mẹ con mất đc 6 thất rồi ạ, lúc mẹ con còn sống tuy khẩu nghiệp đôi lúc hơi nặng nhưng từ Tâm mẹ con là người rất tốt và không hại ai cả, chỉ do tính nóng nên đôi lúc hay la con thôi. Mẹ con bệnh lâu rồi ạ từ Tiểu đường biến chứng ra rất nhiều bệnh, rồi làm mắt mẹ con dần không thấy đường nữa, khi mẹ con mất thì ra đi nhẹ nhàng con đi làm về phát hiện Mẹ nằm ngủ nên con mới kêu vậy mà không thấy trả lời nhưng thân còn rất ấm vào bệnh viện tim còn đập mạch cũng còn nhưng không cứu được con không biết có phải mẹ con chờ con về rồi mới mất không nữa? Dạ từ khi mẹ mất con phát nguyện ăn chay 100 ngày và làm nhiều việc thiện như đi chùa, giúp đơ người nghèo, phát gạo bố thí, và con không biết đến 49 ngày con có nên làm chay tăng cho mẹ con nữa không ạ vì trong đám tang con đã có làm chay tăng rồi, và 49 ngày thì con lấy số tiền đó phát 2500 kg gạo cho người nghèo không biết có đủ chưa vậy Thầy hay là làm thêm chay tăng? Và do nhà đơn chiếc với lại quá buồn rầu con không có làm đúng như những gì phía trên nói nên con không biết mẹ con có siêu được không nữa, con sợ mẹ con phải chịu khổ quá thầy ơi! từ lúc mẹ con mất con chỉ thấy đc khoảng 1 tuần đầu thôi sau này con rất muốn gặp mẹ mà không gặp đc, lần cuối con gặp mẹ là tuần đầu mẹ mất, con có hỏi mẹ: má đi vậy đc bao lâu? trong 49 ngày mà k đc nói chuyện hả sao con gặp má 2 lần r mà má k nói chuyện? Mẹ con có trả lời: Má về có mấy ngày là má đi rồi, uhm k đc nói chuyện mà má nhớ con quá má nói vậy có tội má cũng chịu, đó là lần cuối con gặp mẹ và lần đầu con được nói chuyện với mẹ.
Giờ con chỉ muốn cho Mẹ con nhẹ tội và ra đi thanh thản đừng buồn nữa, và muốn đc gặp mẹ con lần cuối cùng chỉ 1 lần nữa thôi để con đc nói với mẹ con vài câu thôi, thầy có cách nào giúp con không ạ? con có nên đi gọi hồn khi mẹ con chưa DC 49 ngày không ạ?
và chuyện chay tăng như trên con nói,
và con định qua 49 ngày của Mẹ con sẽ đi học và di ảnh cũng gửi trong chùa không đem theo thờ đc không ạ vì hài cốt mẹ con gửi trong chùa theo di nguyện vậy con nên gửi di ảnh trong chùa tới khi ổn định nhà cửa con đem về thờ đc không ạ hay con phải lập bàn thờ theo trong nhà trọ ạ?
Dạ mong Thầy giải đáp cho con được khai Tâm ạ!!!
Dạ và tiền thân mẹ con lúc trước không mù nhưng do bệnh làm mù vậy con không biết sau khi mẹ con mất có thấy đường như ngta không ạ? và con muốn biết xem mẹ con thân sanh vào coi nào có đc k ạ? con cảm ơn thầy trước ạ!!!
A Di Đà Phật
Chào bạn Nguyễn Ngự!
MD chỉ là cư sỹ tại gia, có đôi dòng chia sẻ đến bạn.
*Phật dạy: nghiệp nặng nhất của đời người là khẩu nghiệp, do vậy chúng ta chớ kinh lờn những lời nói vô ý, lời bông đùa mà vô tình tạo ác nghiệp.
*Trong thất 49 ngày, nếu có thể thỉnh Tăng làm lễ siêu độ cho mẹ và thiết chay cúng dường Phật cùng chư tăng là điều rất tốt. Song nếu vì hoàn cảnh không cho phép thời bạn và toàn gia có thể niệm Phật, tụng Kinh hồi hướng cho mẹ, cùng làm các việc thiện (phóng sanh, phát gạo cho người nghèo như bạn đã nói…). Điều cấm kỵ là chớ sát sanh hại mạng, cúng mặn trong những ngày thất, ngày giỗ của mẹ, của tổ tiên ông bà rồi mời bà con cùng đến ăn uống rượu thịt. Người Việt ta thường có tục “trả ơn trả nghĩa” cho người đi đám, vậy gia đình bạn nếu có trả ơn trả nghĩa thì nên thiết đãi chay.
*Làm lễ gọi hồn là một trong những việc tối kỵ trong nhà Phật, bởi vì nó không mang lại lợi lạc cho người mất. Hơn thế nữa, sẽ không có sự chính xác trong việc gọi hồn, bởi gọi hồn thì tất có hồn ứng, nhưng “hồn” ấy của ai thì không thể biết. Phần lớn đó là hồn của chúng sanh khác.
*Bạn thương mẹ, nên làm các việc lợi ích cho mẹ. Ngài Pháp Nhiên Thượng Nhân có dạy “Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng thì Phật A Di Đà phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ mà chịu khổ thì hết khổ. Người chết sau khi lâm chung được giải thoát.” Do vậy, bạn hãy thường niệm thánh hiệu A Di Đà Phật mọi lúc mọi nơi mà hồi hướng cho mẹ. Chớ sanh tâm mong cầu được gặp mẹ, bởi vì lẽ này mà người chết sẽ sanh tâm quyến luyến, khó mà siêu thoát được.
*Nếu được gửi di ảnh mẹ ở chùa là điều rất tốt. Chùa chiền là nơi an trú tốt nhất, giúp cho mẹ giác ngộ Phật pháp mà tu hành. Nếu bạn và người gia đình làm được những việc lợi ích hồi hướng cho mẹ, thời mẹ sẽ thác sanh vào cõi lành thôi.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con chào thầy…ngoại con mất đến nay đã hơn 100 ngày…vì con đi làm nên chỉ có mẹ con ở nhà 1 mình..đêm,mẹ con hay nghe tiếng ai xối nứớc trong nhà tắm…lúc còn sống ngoại con bị lẫn hay nói ngừơi này nguoi kia đổ nứơc dơ lên ngừời nên nửa đêm dù lạnh cỡ nào ngoai cũng đi tắm. Khi đến 100 ngày của ngoai thì tối đó mẹ con lại nghe tiếng gỏ cửa…cửa ở nhà giữa chứ không phải cửa lớn ở ngoài dau ạ.cửa ở nhà trong thưa thầy.cho con hỏi co phai ngoai con về hay không?phải chăng ngoai con chưa đi đầu thai đựơc? Xin thầy giúp con.con cam on thay
Chào bạn Liên,
Vong không có cơ thể vật chất như chúng ta, nên có muốn vào nhà thì vào, không cần gõ cửa đâu bạn. Có lẽ mẹ bạn vì tâm không an nên nghe nhầm tiếng động gì đó thành tiếng gõ cửa thôi. Về ngoại của bạn, có thể thấy là trước khi bà mất đã bị một số vị oan gia trái chủ đến nhiễu loạn, giá như lúc đó bạn và mẹ biết dùng Phật pháp để giúp bà hoá giải thì rất tốt. Rất khó đoán được ngoại bạn đang ở cảnh giới nào, tuy nhiên giờ có một việc mà bạn và mẹ có thể làm để giúp ngoại, đó là vì ngoại mà niệm Phật, phóng sanh, bố thí,.. Niệm Phật thì nên cung kính, thành tâm niệm mỗi ngày. Sau khi làm các việc phóng sanh, niệm Phật,..thì đem công đức, phước báo của các việc đó hồi hướng cho ngoại bạn, cho các oan gia trái chủ của ngoại, của mẹ bạn, của bạn và tất cả chúng sanh, cho tất cả đều được sanh về cõi Cực lạc của đức A Di Đà Phật. Đó là việc thiết thực nhất mà bạn có thể làm để giúp ngoại, dù bà đang ở cảnh giới nào cũng sẽ được hưởng lợi ích đó.
Ngoài ra, bạn và mẹ hãy nhân cơ hội này tìm hiểu về lý nhân quả, duyên nghiệp,..để biết cách sống cho an lạc. Và hãy tìm hiểu và tu tập pháp môn Tịnh Độ để có thể tự mình biết rõ lúc chết mình sẽ đi về đâu. Khi được sanh về Cực lạc rồi thì mình sẽ cứu độ được người thân của mình cùng được thoát khổ như mình.
Chúc bạn sớm an vui.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Con chào thầy. Con và một người bạn đồng nghiệp cũng là hàng xóm khá gần giũ. Con k bít kiếp trc con có nợ j cô ấy mà kiếp này con gặp rất nhiều éo le. Ngày con của cô ấy sinh nhật 2t thì cũng là ngày con của con chào đời nhưng chưa cất tiếng khóc đã phải từ biệt cõi trần gian và cũng là ngày cô bắt đầu có tin vui là mang thai. Con rơi vào nỗi buon thì cô ấy nhận tin vui. Con mừng cho cô ấy nhưng buồn cho phận mình.Nhaf cô áy hoan hỉ thì lại gợi nhớ nỗi buồn của con. Thầy có thể giải thích mối duyên buồn ấy cho con k, và con phải làm gì. À có một điều lạ là con rất yêu con cô ấy, giữa bao đứa trẻ mà con hôn hít con cứ ngửi thấy như mùi của con con, như của mình. Liệu có sự luân hồi?
Nam mô a di đà phật!
Con chào các thầy, con năm nay 24 tuổi , vì môi trường sống lỡ gây ra nhiều nghiệp chướng! Giờ con muốn hướng tâm đến của phật, xin các thầy chỉ cho con cách hướng phật đúng cách ạ! Gần đây em trai con mất đi do bị nước lũ cuốn trôi! Lúc còn sống hai anh em luôn tốt với nhau, giờ em nó mất con buồn lắm! Con muốn các thầy chỉ giúp con để con tháy cuộc sống này ý nghĩa hơn ạ! Con muốn đi chùa nhiều thì đi thế nào cho đúng ạ? Con chân thành cám ơn!
A Di Đà Phật
Bạn xem cuốn Bước Đầu Học Phật (http://thuvienhoasen.org/a10509/buoc-dau-hoc-phat) để tìm hiểu Phật pháp. Hãy thường xuyên ghé Trang Đường Về Cõi Tịnh nhé!
Nam Mô A Di Đà Phật