12 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
1. NIỆM NIỆM tương tục (không gián đoạn) là như thế này:
Thí dụ như có người ở nơi đồng vắng bị giặc cướp cầm gươm rượt theo muốn giết (dụ cho sanh tử, vô thường, không tha mạng sống).
Người đó sợ hải quá, cắm đầu chạy riết, đến chỗ gặp một con sông chắn ngang qua (con sông sanh tử. Bờ bên này là sanh tử ngạn, bờ bên kia là giải thoát ngạn).
Người ấy vừa chạy trốn vừa thoáng nghĩ trong đầu rằng:
Nếu ta lội qua khỏi được con sông này, đến BỜ BÊN KIA thì mới mong bảo toàn thân mạng. Nhưng để y phục mà lội hay là cởi bỏ ?
Nếu để y phục mà lội sợ e vướng mắc, lúng túng tay chân khó bơi. Còn cởi bỏ thì không kịp nữa rồi, vì giặc cướp đã rượt tới sau lưng (đây là dụ cho cái chết đã gần kề không còn xa nữa).
Bấy giờ người ấy chỉ còn có một NIỆM DUY NHẤT là làm sao cho qua sông được thì thôi chớ không còn có ý nghĩa chi khác…
Thì người NIỆM PHẬT chúng ta đây cũng y như vậy, nghĩa là:
Chỉ chuyên tâm tha thiết niệm,
Ðừng nghĩ ngợi điều chi khác cả (tức là dứt hết mọi tạp tưởng).
Câu NIỆM PHẬT này vừa DỨT thì câu NIỆM PHẬT khác TIẾP NỐI theo liền (đừng có để phí thời giờ).
NIỆM NIỆM nối nhau liên tục như vậy cho đến MƯỜI NIỆM.
Ðây gọi là “THẬP NIỆM tương tục” (Tức là 10 niệm nối nhau không dứt).
(ÐÀM LOAN PHÁP SƯ dạy).
2. Ðức PHẬT (Thích Ca và A DI ÐÀ) xót thương, khuyên TA nên chuyên xưng danh hiệu A DI ÐÀ Phật.
Bởi vì phép niệm “Xưng danh hiệu A DI ÐÀ PHẬT” này rất dễ, nếu có thể giữ mãi mỗi niệm nối nhau như thế, lấy suốt cả đời mình để làm hạn định, thì:
Mười người tu, mười người vãng sanh.
Trăm (ngàn) người tu, trăm (ngàn) người vãng sanh.
Tại sao vậy?
Bởi vì:
Không có duyên tạp (Không có suy nghĩ điều chi khác hết) nên được CHÁNH NIỆM.
Hạp với bản nguyện của Phật A DI ÐÀ (Ðại nguyện thứ 18, 19, 20).
Vì không trái với lời kinh (kinh vô lượng Thọ, kinh Thập lục Quán, kinh Phật thuyết A DI ÐÀ v.v…).
Vì thuận theo lời PHẬT dạy, cho nên dễ vãng sanh.
(Liên Tông nhị Tổ – Thiên Ðạo Ðại Sư dạy).
3. Chí tâm niệm PHẬT nghĩa là: Ý nghiệp làm lành.
Xưng danh hiệu PHẬT nghĩa là: KHẨU nghiệp làm lành.
Chấp tay, cúi mình lạy PHẬT nghĩa là: THÂN nghiệp làm lành.
Nếu giữ ba nghiệp THÂN, KHẨU, Ý làm lành như vậy trọn đời, thì một câu niệm PHẬT có thể diệt được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử.
(HOÀI CẢM ÐẠI SƯ dạy).
4. Lúc lễ bái, niệm PHẬT và phát nguyện phải:
– Khẩn thiết, chí thành.
– Không xen lẫn tạp tưởng.
– Như người sắp sửa bị giết mà cầu được tha.
– Như người bị giặc cướp rượt đuổi .. mà muốn được thoát.
– Như bị nước trôi, lửa cháy, một lòng mong được cứu nạn.
Niệm Phật phải khẩn cấp và chí thành như thế thì mới thành tựu được công phu.
Tóm lại nếu:
Nói một đường, làm một nẻo (Tức là miệng thì nói niệm PHẬT mà lòng không chịu niệm).
– Lời nói và hành động chẳng giống nhau.
– Lòng TIN (nơi Tịnh Ðộ pháp môn) không vững chắc.
– Nay thì niệm, mai mốt lại bỏ bê, biếng trễ vv…
– Niệm như thế ắt khó được vãng sanh.
(Liên Tông Lục Tỗ Vĩnh Minh đại sư dạy).
5. Người tu pháp NIỆM PHẬT, dù cho đang khi làm công việc nặng nhọc chi, song TRONG TÂM LÚC NÀO CŨNG KHÔNG QUÊN CÂU NIỆM PHẬT… Giả sử như lỡ có quên thì phải cảnh tỉnh ngay lập tức và nhiếp tâm niệm trở lại… Tập như thế lâu ngày thành quen…Ðến khi gần lâm chung thì dù cho thân có bị bịnh khổ dày vò, đau đớn, nhưng tâm vẫn KHÔNG QUÊN câu niệm PHẬT…
Khi vừa tắt thở thì thần thức liền nương theo câu niệm PHẬT ấy mà đi, quyết định sẽ được vãng sanh về nơi CỰC LẠC…
(Tuân Thức đại sư dạy).
6. a. Người tu Tịnh độ muốn được vãng sanh thì việc CHÁNH YẾU là phải CHUYÊN TÂM NIỆM PHẬT… còn phần phụ thì phải dứt trừ điều ác, làm những hạnh lành …
Ðem các công đức ấy mà hồi hướng và nguyện sanh về chốn Tây Phương, ắt sẽ được mau thành tựu, như thuyền đi xuôi gió, lại còn thêm được thuận dòng (nước) vậy.
b. Sớm tối chuyên tâm lễ PHẬT như người (làm quan) đi chầu vua không dám sơ sót. Còn như người niệm PHẬT thì phải:
– Miệng niệm PHẬT, tâm phải tưởng PHẬT.
– Tâm và miệng đều hợp nhau,
– Phát lòng chí thành, trân trọng.
– Tin chắc (nơi lời Phật dạy về pháp môn Tịnh độ) đừng có nghi ngờ.
– Mỗi ngày đều phải siêng năng chớ đừng nên biếng trễ.
Thì chắc chắn là sẽ thành tựu được môn NIỆM PHẬT Tam muội. Chừng đó lo gì không được vãng sanh.
(Từ Chiếu đại sư dạy).
7. a. Người niệm PHẬT phải nên:
Giữ một câu Nam mô A DI ÐÀ PHẬT như dựa vào núi Tu di, lay chuyển chẳng động (Tức là dù cho có ai bài bác, phá hoại thế mấy đi nữa quyết cũng chẳng nghe). Thường nhớ, thường niệm. Sáng cũng niệm, tối cũng niệm, đi cũng niệm, ngồi cũng niệm…
Tâm niệm PHẬT chẳng bỏ qua, câu niệm PHẬT chẳng rời lòng.
Mỗi giờ, mỗi khác, cũng nhớ niệm, niệm hoài không bỏ lỡ, giống như gà ấp trứng phải thường cho hơi ấm tiếp tục thì trứng mới nở con. Còn niệm Phật hoài mà không bỏ qua thời giờ gọi là “Tịnh niệm tương tục” ắt bông sen của mình sẽ mau nở vậy.
b. Chuyên lòng xưng danh hiệu PHẬT, nhứt tâm, nhứt ý nắm giữ một câu A DI ÐÀ PHẬT.
Bởi vì:
– Chỉ một NIỆM này tức là PHẬT A DI ÐÀ.
– Chỉ một NIỆM này là viên mãnh tướng (tướng mạnh) phá địa ngục.
– Chỉ một NIỆM này là thanh gươm báu chém bầy ma, tà.
– Chỉ một NIỆM này là ngọn đuốc sáng phá cảnh tối tăm (Vô minh).
– Chỉ một NIỆM này là con thuyền to vượt qua biển khổ.
– Chỉ một NIỆM này là thuốc hay trị dứt bệnh sanh tử.
– Chỉ một NIỆM này là đường tắt mau ra khỏi tam giới.
– Chỉ một NIỆM này là tự tánh DI ÐÀ.
– Chỉ một NIỆM này là duy tâm Tịnh độ.
Giữ chắc một câu NIỆM: Nam mô A DI ÐÀ PHẬT này đừng cho quên mất…
– Có việc cũng niệm như vậy.
– Không việc cũng niệm như vậy.
– Có bệnh cũng niệm như vậy.
– Không bệnh cũng niệm như vậy.
– An vui cũng niệm như vậy.
– Buồn khổ cũng niệm như vậy.
– Sống cũng niệm như vậy.
– Chết cũng niệm như vậy.
cứ NIỆM NHƯ VẬY mãi thì cần chi phải hỏi ở nơi người khác để tìm ra đúng đường về ư ?
(Ưu Ðàm đại sư dạy).
8. Kinh “Ðại Tập Nguyệt Tạng” dạy:
Niệm Phật lớn tiếng có 10 công đức là:
1. Ðánh tan cái tâm hôn trầm, mê ngủ.
2. Thiên ma kinh sợ.
3. Tiếng vang xa khắp 10 phương.
4. Ba đường ác được nhờ vào đó mà dứt khổ.
5. Tiếng động chung quanh không xâm nhập vào làm loạn thâm mình được.
6. Niệm tâm không tán loạn.
7. Mạnh mẽ tinh tấn.
8. Chư PHẬT vui mừng.
9. Tam muội hiện tiền.
10. Ðược vãng sanh Cực lạc.
9. Nên biết pháp môn TỊNH ÐỘ này chẳng cần lựa chọn kẻ trí, ngu, sang, hèn, nghèo, giàu.
Cũng chẳng cần phân biệt kẻ nam, nữ, già, trẻ, tăng, tục.
Chẳng luận kẻ mới tu hay tu lâu.
Tất cả đều có thể niệm PHẬT được.
Hoặc niệm lớn, hoặc niệm nhỏ, niệm ra tiếng, niệm thầm, vừa lạy vừa niệm, nghiên cứu mà niệm, nhiếp tâm mà niệm, quán tưởng mà niệm, lần chuỗi mà niệm, vv…
Giữ câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT liên tục không dứt như dòng nước chảy mà niệm, cho đến đi cũng niệm, đứng cũng niệm, ngồi cũng niệm, nằm cũng niệm, ngàn muôn niệm (đời lộn xộn) đều gom về nơi một câu NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT như thế…
Niệm theo cách nào cũng được, điều cốt yếu là giữ cho lâu bền đừng lui sụt (đây tức là HẠNH đó), phát lòng TIN quyết định đừng cho bị lay chuyển (đây tức là TÍN đó).
Nếu quả thật hành trì câu niệm PHẬT được đúng như thế, thì cần chi tìm bậc tri thức để hỏi đường (nào về Cực lạc) ư!
(Tông Bổn đại sư dạy).
10. a. Niệm Phật có:
+ Niệm thầm (tiếng nhỏ).
+ Niệm ra tiếng (lớn).
+ Niệm không ra tiếng (mặc niệm).
+ Niệm Kim cang trì (se sẽ động môi, lưỡi mà niệm).
Niệm thầm thì dễ bị hôn trầm.
Niệm lớn tiếng thì bị mau mệt. (hao hơi)
Duy chỉ có cách niệm “KIM CANG TRÌ” là có thể bền lâu.
Tuy nhiên cũng không nhứt định, nếu như thấy cần thiết thì có thể thay qua, đổi lại cũng không sao.
b. Tâm hôn trầm, tán loạn đã có lâu kiếp nhiều đời rồi, ắt nhiên không thể nào trong một lúc mà an định được. Cho nên người niệm PHẬT nếu thấy tâm không được thanh tịnh cũng đừng có lo ngại chi. Chỉ cần khi niệm PHẬT, mỗi chữ, mỗi câu, đều do từ nơi TÂM mà phát ra, dụng công phu như vậy lâu ngày, sẽ có hiệu quả.
c. Tạp niệm là bịnh, niệm PHẬT là thuốc.
Niệm PHẬT chính là hành môn để trị tạp niệm đó.
Nếu niệm PHẬT mà không thấy hiệu quả, đó là tại mình dụng công chưa được chơn thành và tha thiết.
Cho nên mỗi khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên tâm, cố gắng trì niệm, mỗi chữ, mỗi câu phải rành rẽ, rõ ràng. Thì tạp niệm tự nhiên được dứt trừ.
d. Người học PHẬT, niệm PHẬT đừng quá nên chạy theo hình thức bên ngoài, chỉ quý là ở nơi CHÂN THẬT TU HÀNH.
Hàng cư sĩ Phật tử tại gia không cần phải cạo tóc, mặc áo đà làm chi. Tự có thể để tóc, mặc áo trang (lam) mà niệm Phật cũng được.
Người thích thanh vắng, không cần phải đánh chông mõ. Tự có thể yên lặng mà niệm PHẬT cũng được.
Người sợ công việc phiền phức, không cần phải kết bè, lập hội làm chi. Tự mình có thể đóng cửa mà niệm PHẬT.
Người biết chữ, nếu có thật tâm quyết tu, không nhứt định và bắt buộc phải vào chùa nghe kinh. Tự có thể xem kinh, y theo lời dạy trong ấy mà niệm PHẬT.
Trải qua ngàn dặm xa xôi hành hương không bằng hiếu thuận với cha mẹ mà niệm PHẬT.
Giao du với bạn bè kém đạo đức, không bằng kẻ dốt nát mà chuyên tâm niệm PHẬT.
Hạnh thấp mà vọng nói đạo lý cao siêu, không bằng kẻ thiệt thà, chất phát mà niệm PHẬT.
Tánh ưa thích sự háo kỳ, ham cầu sự lịnh thiêng của thần thánh, ma quỷ, không bằng chánh tâm tin nơi lý nhơn quả mà niệm PHẬT.
Tóm lại:
a. Người niệm PHẬT:
+ Giữ lòng ngay.
+ Dứt hạnh ác.
Ðây gọi là THIỆN NHƠN.
b. Người niệm PHẬT.
+ Nhiếp tâm trừ tán loạn.
Ðây gọi là HIỀN NHƠN.
c. Người niệm PHẬT.
+ Tỏ rõ tâm tánh.
+ Dứt được hoặc nghiệp.
Ðây gọi là THÁNH NHƠN.
(Liên Tông Bát tổ LIÊN TRÌ đại sư dạy).
11. a. Pháp môn niệm PHẬT không có chi là kỳ lạ cả.
Chỉ cần: TIN SÂU, NGUYỆN THIẾT và CỐ GẮNG THẬT HÀNH mà thôi.
Ðiều cần yếu là phải:
+ TIN cho thấu đáo.
+ GIỮ cho bền lâu.
+ MỘT LÒNG chuyên niệm.
Mỗi một ngày đêm niệm hoặc là 30 ngàn câu, 50 ngàn câu, 100 ngàn câu niệm PHẬT, nhứt định không để cho thiếu.
Nếu giữ được như thế trọn đời mà không được vãng sanh thì chư Phật ba đời thành ra vọng ngữ.
(Nhứt định là không có lẽ đó).
b. Người chơn thật niệm PHẬT:
– Buông bỏ cả thân, tâm, ấy là ÐẠI BỐ THÍ.
– Không khởi tâm Tham, Sân, Si, ấy là ÐẠI TRÌ GIỚI.
– Không cải cọ, phải quấy, hơn thua, ấy là ÐẠI NHẪN NHỤC.’
– Không gián đoạn, xen tạp, ấy là ÐẠI TINH TẤN.
– Không để cho vọng tưởng buông lung, ấy là ÐẠI THIỀN ÐỊNH.
– Không bị các đường lối tu khác làm cho mê hoặc, ấy là ÐẠI TRÍ HUỆ.
Trái lại, nếu chẳng như thế thì không được gọi là CHƠN THẬT NIỆM PHẬT.
c. Niệm PHẬT có SỰ TRÌ và LÝ TRÌ:
1. SỰ TRÌ là TIN có Phật A DI ÐÀ ở phương Tây, có thế giới Cực lạc, có 9 phẩm sen vàng… quyết chí niệm PHẬT, cầu được sanh về nên niệm PHẬT hoài, thiết tha như con nhớ mẹ không lúc nào quên.
2. LÝ TRÌ là tin Phật A DI ÐÀ, cõi Tây Phương, 9 phẩm sen vàng… trong tâm mình đều có đủ hết, do tâm mình tạo ra hết cả.
Rồi đem câu Nam mô A DI ÐÀ PHẬT ấy, tạo thành ra cái CẢNH để buộc chặc Tâm mình vào đó, khiến cho không lúc nào quên.
(Liên Tông Cửu Tổ NGẪU ÍCH đại sư dạy).
12. a. Một chữ NGUYỆN bao gồm cả TÍN và HẠNH.
TÍN là tin nơi TỰ, THA, NHÂN, QUẢ, SỰ và LÝ.
Tin TỰ là tin tất cả đều do tâm mình tạo, nên nếu mình niệm PHẬT ắt sẽ được PHẬT tiếp dẫn.
Tin THA là tin Phật THÍCH CA không nói dối, Phật A DI ÐÀ chẳng bao giờ nguyện suông.
Tin NHÂN là tin niệm PHẬT đó chính là gieo nhân vãng sanh, giải thoát.
Tin QUẢ là tin sự vãng sanh, thành Phật là kết quả.
Tin SỰ là tin cõi Tây Phương và tất cả sự tướng nơi nước Cực Lạc mà Phật thuyết ra trong kinh thảy đều có thật (cũng như cõi Ta bà này có thật vậy).
Tin LÝ là tin “lý tánh duy tâm”, tức là TÂM của mình bao trùm hết tất cả các thế giới khắp 10 phương.
b. HẠNH là thực hành, là chuyên trì danh hiệu (A DI ÐÀ PHẬT) không xen tạp và không tán loạn (suốt cả đời mình).
c. NGUYỆN là mỗi tâm của mình (khởi ra) đều có lòng ưa thích (cõi Cực Lạc), mỗi niệm của mình (khởi ra) đều có ý mong cầu (được sanh về).
Trong 3 điều TÍN, HẠNH, NGUYỆN này, người tu Tịnh độ cần phải hội đủ, quyết định không thể thiếu được một điều nào cả.
NGUYỆN là điều cần yếu nhất.
Có thể có TÍN, HẠNH mà không có NGUYỆN.
Chớ chưa từng thấy có việc: có NGUYỆN mà không có TÍN, HẠNH bao giờ cả. (Cho nên nói chữ NGUYỆN bao gồm cả TÍN và HẠNH chính là như vậy).
d. Niệm PHẬT mà không phát tâm “BỒ ÐỀ” thì không tương ưng (không hợp) với bổn nguyện của Phật A DI ÐÀ, sẽ không được vãng sanh.
(Tâm Bồ Ðề là tâm: Lợi mình, lợi người, trên cầu thành Phật quả, dưới nguyện độ chúng sanh).
Còn nếu như vẫn có phát tâm Bồ Ðề mà không chịu niệm PHẬT (thì) cũng không được vãng sanh nữa.
Vì vậy nên phải:
Lấy sự phát tâm Bồ đề làm CHÁNH nhơn.
Niệm PHẬT làm TRỢ (duyên) nhơn.
Sau đó rồi mới phát nguyện cầu sanh Cực lạc.
Người Phật tử tu Tịnh độ cần phải biết rõ các điều này.
(Liên Tông thập nhứt Tổ – TĨNH AM đại sư dạy).
13. Ðại sư dạy:
a. Thiệt vì sanh tử,
Phát lòng Bồ đề.
Lấy TÍN, NGUYỆN sâu,
Trì danh niệm PHẬT.
16 chữ này là tông yếu (Quan trọng bực nhất) của pháp môn Tịnh độ…
(Bởi tất cả sự khổ trong đời này không gì hơn việc sống, chết. Cho nên nếu tu hành, niệm Phật, mà không cầu để thoát vòng sanh tử là một điều sai lầm rất lớn).
Nhưng đã phát ÐẠI TÂM (Bồ đề tâm) rồi thì phải tu ÐẠI HẠNH. Mà trong các hành môn tu, thì phương pháp dễ dụng công, mau thành tựu, rất yên ổn, rất viên đốn (đầy đủ) thì không có môn tu nào bằng.
DÙNG TÍN, NGUYỆN SÂU,
TRÌ DANH NIỆM PHẬT.
Nói TRÌ DANH đây là chấp giữ một câu A DI ÐÀ PHẬT trong lòng KHÔNG PHÚT NÀO QUÊN. Nếu quên hoặc là có một niệm nào khác xen vào thì không được gọ là CHẤP GIỮ (chấp trì).
Như thế mà hành trì cho đến trọn đời, ắt sẽ được vào cảnh “Nhứt tâm bất loạn” mà thành tựu được sự nghiệp Tịnh độ vậy.
b. Tâm tạo nghiệp được,
Thì:
– Tâm cũng chuyển nghiệp được.
Và:
– NGHIỆP đã do TÂM tạo,
Thì:
– Cũng tùy theo TÂM mà chuyển được.
Nếu:
– TÂM mình không chuyển được NGHIỆP
Thì:
– Bị NGHIỆP trói buộc.
Còn như:
– NGHIỆP mà không chuyển được theo TÂM,
Thì:
– Có thể buộc TÂM.
NHƯNG:
– DÙNG TÂM THẾ NÀO mới chuyển được NGHIỆP?
ẤY LÀ:
– Giữ TÂM hợp với điều kiện ÐẠO ÐỨC, hợp với PHẬT.
VÀ:
– NGHIỆP làm sao buộc được TÂM?
ẤY LÀ:
– Cứ để TÂM y theo “đường xưa lối cũ”, buông lung theo cảnh lục trần.
(Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) vậy.
(Liên Tông thập nhị Tổ, TRIỆT NGỘ đại sư dạy).
TRÊN ÐÂY:
Người giải thích đã vì chư vị PHẬT TỬ và quý LIÊN HỮU mà lược thuật lại đôi lời dạy bảo về phương cách niệm PHẬT của chư Tổ sư, để làm “Kim chỉ nam” trên con đường tu Tịnh độ.
Những mong sao cho quý chư hiền học PHẬT, niệm PHẬT, nguyện cầu được sanh về cõi CỰC LẠC xem xong rồi nên phát lòng trân trọng, ít nhiều chi cũng nên y theo đó mà cố gắng thực hành…
Và như thế mới mong thành tựu bước đường “Tây quy” mà lòng ta vẫn hằng luôn ước ao, mong mỏi. Lành vậy thay!
Trích: TÂY PHƯƠNG NHỰT KHÓA
HT. Thích Thiền Tâm soạn thuật
07 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Hỏi: Kính thưa thầy, vào giờ con niệm Phật công cứ, trong tư tưởng con thường hay mong muốn thấy hình tượng Phật Di Đà và hình tượng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Xin hỏi: sự mong muốn đó có lỗi gì không?
Đáp: Xin thưa ngay trong lúc liên hữu đang niệm Phật mà vọng cầu như thế thì thật là có lỗi. Lỗi nầy liên hữu cần nên tránh. Liên hữu nên nhớ, Phật Tổ dạy chúng ta niệm Phật với thâm ý là để cho chúng ta diệt trừ phiền não, cho tâm ta được an định. Niệm Phật mà tâm không an định, đó là chúng ta đã niệm Phật sai rồi. Lẽ ra khi niệm Phật công cứ hay không công cứ cũng phải như thế. Ngược lại, đằng nầy liên hữu không niệm như thế mà còn niệm Phật với tâm vọng động mong cầu cho được thấy hình tượng Phật và Bồ tát, thì quả đó là một sai lầm rất lớn. Vì sao? Vì có mong cầu là có vọng tưởng. Niệm Phật mà còn có vọng tưởng như thế, thì làm sao tương ưng với pháp môn niệm Phật. Và như thế, thì đã trái với yếu lý niệm Phật mà Phật Tổ đã chỉ dạy rồi.
Tôi xin nhắc lại để cho liên hữu chú ý là: “niệm Phật mục đích chính là để dứt trừ phiền não”. Phiền não có giảm thiểu, thì tâm ta mới được an lạc. Tâm có an lạc, thì mới có được lợi ích hiện đời và tương lai mới có hy vọng vãng sanh. Bởi tâm có an lạc thì mới tương ưng với cảnh giới Cực lạc mà chúng ta đang quy hướng.
Nhưng ở đây thì trái lại, liên hữu niệm Phật mà còn có khởi vọng tâm mong cầu để thấy Phật và Bồ tát, thì đó là điều trái với sự niệm Phật. Khi niệm Phật, hành giả chỉ nhiếp tâm vào câu hiệu Phật không nên vọng nghĩ điều gì. Chư Tổ thường dạy là : “tâm và tiếng phải hiệp khắn nhau và phải niệm cho rành rõ”.
Niệm Phật tuy có nhiều cách, nhưng cách tốt nhứt vẫn là trì danh niệm Phật. Nhưng dù niệm Phật cách nào đi chăng nữa, điều tối kỵ là có vọng tâm mong cầu. Bất cứ mong cầu điều gì cũng là bệnh cả. Đó là bệnh vọng tưởng phiền não. Tối kỵ nhứt là vọng cầu thấy hình tượng Phật bên ngoài. Có vọng cầu dù là vọng cầu thấy Phật, đó cũng là phiền não vọng tưởng mà thôi. Đã có phiền não thì đã trái với Sự và Lý niệm Phật rồi. Liên hữu nên nhớ, tất cả đều từ tâm mà ra.
Nếu khi liên hữu mong muốn thấy Phật, thì chính cái mong muốn đó là vọng tưởng. Còn có vọng tưởng là còn sanh diệt, tức nhiên còn có vui buồn vừa ý hoặc không vừa ý. Vừa ý thì vui, không vừa ý thì buồn. Đó là ma vui ma buồn dẫn dắt liên hữu. Như vậy là niệm trên sự buồn vui chớ đâu phải niệm Phật. Điều nầy rất quan trọng mà tất cả liên hữu chúng ta cần phải lưu ý.
Có người khi họ niệm Phật, thay vì tập trung tâm ý vào câu Phật hiệu, cho tâm được thuần nhứt an định, họ lại mơ ước thấy Phật tượng bên ngoài. Khi thấy Phật tượng bên ngoài hiện ra, thì họ rất vui mừng, cho đó là kết quả của sự niệm Phật. Từ đó, mỗi khi niệm Phật, họ đều khởi ý mong cầu cho thấy Phật như thế. Liên hữu nên nhớ, tất cả cảnh đều từ tâm. Dù cảnh tốt hay cảnh xấu cũng đều từ tâm vọng mà ra. Phật Tổ dạy ta niệm Phật là để cho tâm ta được an định. Có an định mới có trí huệ. Có định huệ thời không có phiền não. Không phiền não, thì mới được nhứt tâm. Đó là chủ yếu mà trong Kinh tiểu bổn Di Đà, đức Phật Thích ca đã dạy chúng ta như thế. Niệm Phật để được đi dần đến chỗ « Nhứt tâm bất loạn », niệm Phật như thế mới hợp với ý Phật Tổ dạy.
Còn có tâm vọng cầu là còn chạy theo cảnh duyên bên ngoài. Còn theo cảnh duyên bên ngoài đó là cửa ngỏ dễ bị ma dẫn dắt. Giả như có thấy Phật thiệt ứng thân đi nữa, cũng chưa phải là thấy Phật, đừng nói chi thấy Phật qua hình tượng.
Trong Kinh Kim Cang Bát Nhã Phật đã từng dạy:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa là:
Nếu ai cho rằng thấy sắc tướng của Phật mà cho là thấy Phật hay nghe âm thanh của Phật thuyết giảng mà khởi tâm tìm cầu Phật. Phật nói: « kẻ đó đang thật hành đạo tà, không bao giờ thấy được Như Lai ». Tại sao thế? Cũng trong Kinh nầy, ở một đoạn khác Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”. Nghĩa là: phàm cái gì có hình tướng đều là hư dối, nếu thấy các tướng, chẳng phải tướng thật, chính đó mới thấy được Như Lai. Như lai là bất sanh bất diệt, còn các tướng đều sanh diệt hư dối không thật. Đã là hư dối, thì tại sao ta lại mong cầu? Phật tử nên nhớ, Phật dạy, ngoài tâm mà cầu Phật đó là ngoại đạo.
Như vậy, người muốn thấy Phật phải thấy bằng cách nào? “Phải thấy không chỗ để thấy, tức là phải ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Còn có tâm dính mắc vào bất cứ cảnh nào, cũng đều là tà ngoại cả, chớ không phải thấy Phật thiệt. Phật thiệt phải chính ở nơi bản tâm mình. Khi nào tâm mình lặng hết vọng tưởng, thì ngay đó Phật thiệt của mình mới hiện ra, khỏi cần tìm kiếm ở đâu xa. Còn có khởi tâm tìm kiếm là đã sai rồi. Nói rõ hơn là đã mất ông Phật thiệt của mình rồi. Vì ông Phật ứng thân giáng sanh ở Ấn Độ sống được 80 năm rồi nhập diệt, ông Phật đó cũng là ông Phật giả mà thôi. Vì ông Phật đó có sanh có diệt.
Bây giờ, người ta đi qua Ấn Độ đâu có ai còn thấy ông Phật Thích Ca đó nữa. Ông Phật có sắc thân với 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp mà còn không có thiệt, hà tất gì ông Phật do người ta tạo ra bằng cốt sắt xi măng hay bằng gỗ giấy mà có thiệt hay sao?
Tu hành mà dụng tâm sai, thì đó là đầu mối của ma vương dẫn dắt. Nếu hành giả không khéo thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng ta nên nhớ rằng, bọn ma nó có ngũ thần thông, nó muốn hiện ra thứ gì cũng được. Tùy theo ý muốn của mình, ham thích thứ gì thì nó sẽ hiện ra thứ ấy.
Thuở xưa, chính Tổ Ưu Ba Cúc Đa là vị Tổ sư thứ tư bên Ấn Độ còn phải bị lầm lẫn khi nó hiện ra hình ảnh đức Phật và các vị Thánh chúng. Là Tổ mà còn lầm ma tưởng là Phật, như thế, còn đối với phàm phu chay như chúng ta thì sao? Bản thân mình đã là ma rồi mà không chịu lo tìm cách để tiêu trừ, mà lại còn vọng cầu thấy nầy thấy nọ, đó là ma lại chồng chất thêm ma nữa.
Tệ hại hơn nữa, có người lại còn đi khoe khoang với mọi người cho rằng mình niệm Phật đã thấy Phật. Hỏi thấy Phật như thế nào? thì họ trả lời là thấy qua Phật tượng giấy. Nếu thấy Phật tượng giấy thì có gì khó khăn đâu. Chúng ta cứ mở to đôi mắt ra là nhìn thấy rồi. Đâu cần đợi đến khi niệm Phật mới thấy hình tượng đó. Như vậy, rõ ràng là họ thấy bằng vọng tưởng của họ. Vậy mà cũng đi khoe với mọi người. Người không hiểu biết, nghe nói tưởng là người đó tu hành công phu khá, vì nhờ tu khá nên mới thấy Phật.
Ngược lại, đối với những người có chút ít kinh nghiệm trong sự tu hành hay họ học hỏi nghiên cứu kỹ kinh điển Phật dạy, nghe nói thế, thì họ lại đâm ra lo sợ và thật đáng thương xót cho người đó. Vì họ biết người đó đã sai lầm rồi. Nhưng vì người đó đã mang nặng mặc cảm định kiến, thì dù cho họ có thật tâm khuyên bảo, nhưng đâu dễ gì mà người đó chịu bỏ.
Thuở xưa, sơ tổ Liên Tông là Huệ Viễn đại sư khi nhập định, ở trong định, Ngài thấy Thánh cảnh Tây phương hiện ra 3 lần. Nhưng Ngài tuyệt nhiên không dám hở môi. Vì sợ người ta hiểu lầm chạy theo cái giả tướng mà mong cầu, thì đó là tai hại vô cùng. Cho nên Tổ yên lặng không bao giờ tiết lộ cho ai biết. Mãi cho đến khi sắp viên tịch, bấy giờ, Tổ mới nói cho các vị đệ tử biết.
Chúng ta nên nhớ, Ngài thấy Thánh cảnh trong lúc nhập định, bởi do nhập định tâm của Ngài thanh tịnh, an định nên nó mới tương ưng với cảnh Cực lạc. Do đó, nên cảnh cực lạc mới hiện ra, chớ không phải do Ngài vọng tâm mong cầu mà thấy. Đó là điều mà ta nên cẩn thận lưu ý.
Ngược lại, chúng ta chưa được như thế, mà khởi tâm mong cầu thì dễ bị ma nó dẫn dắt. Và cái thấy của ta là do vọng tưởng nó lòa hiện ra thôi, chớ không phải là thiệt. Nếu không khéo buông bỏ cứ mãi đắm mê chạy theo cái giả cảnh đó, thì có ngày chúng ta sẽ bị bệnh loạn trí. Đến khi bị ma nó dẫn dắt đi vào con đường mê loạn rồi, thì chừng đó chúng ta có hối hận ăn năn thì cũng đã muộn màng lắm rồi! Chi bằng chúng ta nên tránh nhân thì không có quả. Một khi đã vướng bệnh nặng rồi, thì hết phương cứu chữa. Đó là điều rất tai hại nguy hiểm mà chúng tôi xin thành thật khuyên hành giả nên dè dặt cẩn trọng.
Tóm lại, liên hữu niệm Phật cứ nắm chắc sáu chữ Di Đà mà chuyên niệm, đừng khởi tâm vọng cầu muốn thấy thứ gì cả. Khi nào tâm của liên hữu được an định thanh tịnh rồi, thì chừng đó lo gì liên hữu không thấy Phật. Bởi vì khi đó tâm của liên hữu cùng tâm Phật tương ưng với nhau, nghĩa là nó có cùng một tần số, thì chắc chắn sẽ cảm ứng gặp nhau thôi. Kính mong liên hữu nên chú tâm cẩn trọng vấn đề nầy. Kính chúc liên hữu thành công trong việc niệm Phật cầu vãng sanh.
TK Thích Phước Thái
03 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Có một thứ mà bạn phải mang theo khi chết: đó là nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động của chúng ta. Nghiệp tốt và nghiệp xấu theo ta không rời bước. Ta không thể nào xua đuổi nó được dù ta có muốn đi nữa.
“Sự Khẩn Cấp Chụp Lấy Tôi”
Dưới thời Ðức Phật có một vị tỳ khưu trẻ sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Trẻ trung và tráng kiện, thầy có đủ cơ hội để hưởng thụ mọi lạc thú của cuộc đời trước khi xuất gia. Thầy có sức khỏe, có đông bạn bè và thân quyến, và sự giàu có sung túc này khiến thầy được mọi người chiều chuộng và làm vừa lòng. Nhưng thầy đã từ bỏ tất cả để đi tìm sự giải thoát.
Một ngày nọ, nhà vua cưỡi ngựa dạo trong rừng. Thấy nhà sư trẻ, nhà vua dừng ngựa, đến gần và hỏi, “Thưa đại đức, đại đức còn trẻ trung và khỏe mạnh, và đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Ðại đức lại sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Tại sao đại đức bỏ lỡ cơ hội để hưởng thụ tuổi trẻ của mình? Tại sao lại từ bỏ gia đình, khoác áo nhà tu và sống một mình? Ðại đức có thấy cô đơn không? Có thấy chán nản không?”
Nhà sư trẻ trả lời, “Thưa ngài, khi nghe lời giảng dạy của Ðức Phật, trong tôi đã khởi lên một tinh thần cấp bách. Sự cấp bách này đã thúc đẩy tôi. Tôi muốn trích xuất ra từ cơ thể này những cái gì quí báu nhất trước khi tôi từ giã cõi đời. Ðó là lý do tại sao tôi từ giã đời sống thế tục và khoác lên mình chiếc y vàng.”
Nếu bạn vẫn chưa đồng ý là cần phải hành thiền một cách cấp bách — mà không dính mắc vào thân thể hay đời sống — thì những lời dạy sau đây của Ðức Phật cũng có thể làm bạn đổi ý mà tinh tấn thực hành. Ðức Phật dạy chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng thân thể này chẳng gì khác hơn là sự hợp thành của danh và sắc. Danh và Sắc không thể tồn tại được dù trong một thời điểm ngắn ngủi. Danh Sắc trôi chảy không ngừng. Một khi đã có thân tâm này, thì chẳng có cách gì làm cho nó đừng già. Khi còn trẻ ta muốn mình mau lớn, khi lớn tuổi lại muốn mình đừng già.
Chúng ta muốn được khỏe mạnh, nhưng sự mong mỏi của chúng ta không bao giờ được thỏa mãn. Chúng ta bị đau khổ và bất toại nguyện, bị bệnh tật dày xéo suốt cuộc đời. Chúng ta không thể nào sống mãi mãi được. Tất cả chúng ta đều phải chết. Chết là điều trái ngược với lòng mong cầu của chúng ta, nhưng chúng ta không ngăn cản được. Chỉ có một điều là lúc nào cái chết sẽ đến mà thôi. Ta không thể nào ngăn cản đừng cho thân thể này thay đổi hay biến chuyển theo thời gian.
Không một ai trên thế gian này có thể cam kết rằng những điều ước ao của chúng ta về một đời sống phát triển, khỏe mạnh và bất tử sẽ được bảo đảm. Người ta từ chối chấp nhận sự thật. Già muốn làm cho trẻ ra. Các nhà khoa học cố gắng tìm đủ mọi phương pháp, phát minh ra những máy móc kỳ diệu để trì hoãn tiến trình hủy diệt của con người. Họ cố tìm cách làm sống lại những người đã chết. Khi đau ta uống thuốc để cảm thấy dễ chịu. Nhưng dù cho có lành bịnh thì ta cũng đau lại, không thể đi ngược lại với thiên nhiên. Chúng ta không thể tránh khỏi già, bệnh, chết.
Ðiểm yếu đuối chính của chúng ta là thiếu an toàn. Hãy nhìn những sinh vật khác, những con thú, và nhất là con người. Có chỗ trú ẩn nào để tránh khỏi già, bệnh và chết không?
Nếu bạn hành thiền tích cực, bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy những sự kiện này hiển bày trước mắt bạn. Nếu bạn có thể thấy bằng trực giác sự sinh diệt của các hiện tượng thân tâm, bạn sẽ biết rằng chẳng có một chỗ an toàn nào để ẩn trú cả. Không có một nơi nào an toàn. Dầu trí tuệ của bạn chưa đạt được điểm này, nhưng khi suy tư về sự không bền vững của cuộc sống cũng khiến bạn có những tư tưởng khẩn cấp và một sự khích lệ mạnh mẽ trong việc hành thiền cũng phát sinh. Thiền minh sát có thể dẫn bạn đến một nơi thoát khỏi những điều sợ hãi này.
Con người cũng có một điểm rất yếu nữa là không có quyền sở hữu. Ðiều này có vẻ kỳ lạ. Chúng ta được sinh ra, chúng ta bắt đầu có sự hiểu biết, chúng ta có tín nhiệm, phần lớn có việc làm và mua sắm với tiền lương của mình. Chúng ta gọi đó là tài sản của chúng ta. Và trong một mức độ tương đối, đó là những gì mà ta có. Không nghi ngờ gì về việc này. Nếu tài sản thật sự là của ta thì ta không bao giờ bị xa rời chúng. Nếu chúng bị vỡ hay mất, thì làm sao ta có thể gọi đó là của sở hữu của chúng ta? Trong ý nghĩa tuyệt đối của nó, khi con người chết, chẳng có thể mang theo được gì. Mọi vật chúng ta có được, chúng ta tồn trữ, thu vét, đều phải để lại. Bởi thế, có thể nói rằng, tất cả chúng sanh đều không có quyền sở hữu. Vào lúc chết, tất cả tài sản đều phải bỏ lại.
Của sở hữu chia làm ba loại. Bất động sản là những thứ ta không mang đi được như đất đai, nhà cửa, v.v… Theo tục đế, thì nó thuộc về bạn, nhưng bạn phải bỏ nó lại khi bạn chết. Loại tài sản thứ hai, là động sản, là những thứ ta có thể mang đi được như ghế bàn, áo quần, đồ dùng, v.v… Sau đó là kiến thức, mỹ thuật và khoa học, tài năng bạn dùng để duy trì cuộc sống và gia đình. Bao lâu chúng ta còn có một cơ thể lành mạnh thì tài sản, kiến thức rất cần thiết, tuy nhiên, không có một bảo đảm nào để tránh khỏi sự mất mát. Bạn có thể quên những điều bạn biết. Bạn có thể bị cấm đoán bởi chánh quyền, hay gặp những chuyện bất hạnh khác khiến bạn không thể xử dụng những hiểu biết của bạn. Chẳng hạn như bạn là một bác sĩ giải phẫu, nhưng chẳng may tay bạn bị gãy hoặc gặp những bất trắc khác khiến bạn bị loạn thần kinh nên bạn không thể tiếp tục nghề nghiệp của mình.
Không một loại tài sản nào trên đây có thể đem lại sự an toàn cho bạn ngay khi bạn còn đang sống trên mặt đất này nói chi đến đời sau. Nếu bạn hiểu rằng mình chẳng làm chủ một thứ gì cả, và sự sống này chuyển biến không ngừng, thì bạn sẽ cảm thấy an lạc nhiều hơn khi mọi đổi thay xảy đến cho bạn.
Gia Tài Thật Sự Của Chúng Ta
Tuy nhiên, có một thứ mà bạn phải mang theo khi chết: đó là nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động của chúng ta. Nghiệp tốt và nghiệp xấu theo ta không rời bước. Ta không thể nào xua đuổi nó được dù ta có muốn đi nữa.
Sự tin tưởng rằng nghiệp là gia tài của bạn, khiến bạn hăng say trong việc hành thiền. Bạn sẽ hiểu rằng những hành động thiện là căn bản, là vốn đầu tư hạnh phúc trong tương lai, và hành động bất thiện sẽ đem lại cho bạn nhiều đau buồn sau này. Ðược như thế, bạn sẽ làm nhiều việc thiện phát xuất từ lòng từ ái. Bạn sẽ giúp đỡ cho bệnh viện, cho những người đau khổ vì thiên tai; bạn hỗ trợ cho những người trong gia đình, các bà con thân quyến, lo cho người già, người tàn tật và cô đơn, bạn bè, và những người cần sự giúp đỡ. Bạn muốn tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách giữ gìn giới luật trong sạch; có lời nói và việc làm hợp theo lẽ đạo. Bạn sẽ đem lại sự bình an cho mọi người xung quanh bằng cách hành thiền và chế ngự các phiền não đang dâng tràn trong tâm mình. Bạn sẽ tuần tự thành đạt các tuệ giác, và cuối cùng nhận chân được mục đích tối hậu. Tất cả các việc làm như bố thí, cúng dường, giữ gìn giới luật cũng như hành thiền đều sẽ theo bạn sau khi bạn chết như bóng với hình. Bởi thế, hãy cố gắng làm các việc lành!
Tất cả chúng ta đều nô lệ cho ái dục. Ðó là một điều hèn hạ xấu xa, nhưng đó là sự thật. Ái dục chẳng bao giờ no chán, vô chừng vô độ, không sao thỏa mãn nổi. Khi nhận được một vật chưa đúng ý mình, bạn tìm cách để có một vật khác. Và khi có được vật mình ưa thích rồi, bạn lại muốn được một vật mới lạ khác nữa. Lòng tham muốn không bao giờ được thỏa mãn. Ðó là bản chất cố hữu của con người. Túi tham không đáy! Tham ái không bao giờ thỏa mãn được tham ái. Nếu hiểu đúng đắn chân lý này, chúng ta sẽ không tìm kiếm sự thỏa mãn bằng cách tự hủy hoại mình như thế. Vì vậy, Ðức Phật nói: “Biết đủ là gia tài lớn lao nhất.”
Bạn hãy đọc câu chuyện về người đan rổ sau đây: Có một người đan rổ bình dị, luôn luôn vui sống với công việc của mình. Anh ca hát, và huýt sáo suốt ngày trong khi ngồi đan rổ. Tối đến, anh trở về căn chòi lá bé nhỏ của mình và ngủ một giấc ngủ ngon lành. Ngày nọ, một nhà triệu phú đi ngang qua chỗ anh bán rổ. Thấy anh nghèo nàn, nhà triệu phú thương hại và tặng một ngàn đồng.
Anh đan rổ nhận tiền với lòng biết ơn. Anh ta chưa từng có đến một ngàn đồng trong đời. Anh cầm tiền và trở về căn chòi xiêu vẹo của mình. Anh phân vân không biết nên cất ở đâu. Căn lều này chẳng an toàn chút nào. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ vì sợ trộm, sợ chuột cắn nát tiền.
Sáng hôm sau, anh đem túi tiền ra chỗ mình ngồi đan và bán rổ, nhưng anh không hát và huýt sáo như thường lệ, vì anh lo lắng cho số tiền. Tối đó, anh lại mất ngủ nữa. Sáng hôm sau, anh đem tiền trả lại cho nhà triệu phú và nói: “Xin hãy trả lại hạnh phúc cho tôi”.
Bạn có nghĩ rằng Ðức Phật không muốn bạn tạo kiến thức và uy tín, không muốn bạn hăng say làm việc để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình và dành dụm phòng khi đau ốm hay gặp cảnh khó khăn chăng? Không phải vậy! Bằng mọi cách, hãy xử dụng đời sống và trí thông minh của bạn để thỏa mãn các nhu cầu của mình một cách hợp pháp và lương thiện.
Hãy tri túc, bằng lòng với những gì mình đang có! Ðừng nô lệ cho lòng tham ái của mình. Ðó là thông điệp của Ðức Phật. Hãy suy tưởng về sự yếu kém của chúng sanh, để tận dụng tối đa thân thể và đời sống này trước khi nó quá già, quá bệnh, không đủ sức để hành thiền và trở thành một cái thây vô dụng.
Thiền sư U Pandita
03 07 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
Giản dị nhất là hãy loại trừ dần những gì không có ích cho ta. Rõ ràng là khi chết, phần đông những gì ta ưa thích lúc còn sống không còn giúp ích gì cho ta được nữa, ít ra là không giúp trực tiếp. Thế là của cải, gia tài mà ta đã khó khăn lắm mới gom góp được, nay sẽ hoàn toàn vô dụng.
Chức vị, thanh danh, tên tuổi cũng thế… Người thân cũng không còn trực tiếp giúp ta được: cha mẹ, con cái, vợ chồng, y sĩ, bạn bè kể cả sư phụ hay đệ tử, không ai ngăn cản nổi cái chết, ngay cả những người mà ta đặt hết tin tưởng và trông cậy cả một đời.
Hãy suy nghĩ một chút. Hiển nhiên là khi ta nhắm mắt lìa đời, thân và tâm vi tế sẽ rời khỏi cái vỏ vật chất trước để hướng đến một nơi tái sinh khác, thì của cải và tài sản sẽ hoàn toàn vô dụng, trong ý nghĩa là ta không đem theo được gì cả. Đừng nghĩ rằng vì ta đã thành công và sung túc, ngay cả giàu có đi nữa nên ta có thể đầu thai trở lại cùng với tiền bạc của cải vật chất. Điều này không thể được. Hơn nữa, ta cũng không thể đem bất cứ ai đi theo ta, kể cả những người thân yêu nhất. Ngay cả khi ta cảm nhận được một sự ràng buộc rất mật thiết, trên phương diện tâm linh hay gì khác, với một số người nào đó, những sự ràng buộc này cũng không còn “ích lợi” nữa, trong ý nghĩa là họ không có cách nào đi theo ta một quãng đường xa hơn.
Sự thật, chết nghĩa là thân và tâm vi tế phải tiếp tục con đường của mình để hướng đến một cuộc sống mới, nhưng không thể đem theo những gì mà mình đã sở hữu suốt cả cuộc đời vừa mới chấm dứt, cũng không thể dắt theo một người nào, dầu thân thiết đến đâu đi nữa. Vả lại, ngay cả cái thân thể nhờ những nghiệp lực đặc thù nào đó mà ta đã lấy được lúc phôi thai và đã sử dụng từ đầu đến cuối cuộc đời, chính cái thân thể gần gũi và trung thành với ta dường ấy, ta cũng bắt buộc phải bỏ lại sau lưng.
Nói tóm lại, tất cả những gì mà suốt đời chúng ta đã gọi là “của tôi”, đã nói là “thuộc về tôi”, “tôi có”, thì khi chết đi đều không thuộc về ta nữa, mà sẽ lọt vào tay những chủ nhân khác, cũng một cách tạm bợ không kém.
Điều này áp dụng cho tất cả: tiền bạc, quần áo, nhà cửa, và ngay cả thân thể – thi thể – không còn là của ta, mà sẽ thuộc về những người ở lại, những người thừa kế của ta v.v… Và rồi có một ngày, họ cũng sẽ phải trải qua cảnh huống ấy.
Thế thì tất cả những của cải vật chất mà ta sở hữu trong suốt một đời, ta đều phải để lại khi chết đi, và chúng qua tay người khác. Còn đối với người thân, những người gần gũi nhất – cha mẹ, con cái v.v… – thì chết có nghĩa là phân ly với họ, vĩnh viễn. Ta sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Nói thế không có nghĩa là chúng ta sẽ không gặp lại họ trong những kiếp tái sinh, nhưng chắc chắn là sẽ không như trước nữa. Phải, chúng ta có thể gặp lại họ, nhưng trong những bối cảnh hoàn toàn khác biệt, trong ấy mỗi người sẽ có một địa vị không giống chút nào với những quan hệ mà ta đã đan kết trong kiếp sống này, những quan hệ mà ta hằng tha thiết.
Để diễn tả tất cả những cảnh phân ly và nhấn mạnh tính chất vĩnh cửu của chúng, đức Phật đã dùng đến đủ loại thí dụ minh họa, nhất là trong kinh Phổ Diệu, Đức Phật đã gợi đến cảnh lá rụng mùa thu. Khi trời trở lạnh và gió thổi mạnh, những chiếc lá trong tán lá hài hòa của ngọn cây bắt đầu rơi xuống và bay tán loạn theo cơn gió lốc. Sau đó, việc cố nhặt chúng về và gắn trở lại lên những cành cây xưa kia để hồi phục tán lá cũ là một công việc vô ích, không thể làm được.
Những chiếc lá cây một khi phân tán thì vĩnh viễn không tụ họp được với nhau nữa, giống như những cuộc phân ly sau cái chết, không thể vãn hồi được. Đức Phật dạy rằng không ai có thể phục hồi những hoàn cảnh y như trước. Ngài cũng lấy thí dụ của một dòng nước chảy, nó chảy xuống phía dưới và không bao giờ, không bao giờ chảy ngược về nguồn.
Vậy thì điều gì có thể có ích lúc ta chết? Để nhận thấy được, ta phải bắt đầu bằng kiểm nghiệm xem ta có thể mang gì theo khi chết đi. Theo Phật giáo, khi ta lìa một cuộc đời để hướng đến một kiếp tái sinh khác, ta chỉ có thể vỏn vẹn mang theo những gì đã tiêm nhiễm trong tâm, hay chính xác hơn, trong dòng tâm thức. Cái gì đã lắng đọng xuống trong dòng tâm thức? Cũng theo Phật giáo, đó là những “dấu ấn”, hay cũng gọi là những “tiềm năng”. Mỗi khi ta tác động lên một trong 3 bình diện thân, khẩu, ý là ta để lại trong tâm một dấu vết, một năng lượng hay một tiềm năng. Và ta chỉ có thể tác động theo hai phương cách: một là xấu, hai là tốt. Kết quả là những tiềm năng mà chúng ta tích tập theo thời gian có thể hoặc tốt hoặc xấu, tùy theo những hành vi phát khởi ra chúng: nếu mang lại lợi ích thì là thiện, ngược lại nếu tệ hại thì là ác.
Nói thế thì điều gì có lợi cho ta khi ta chết? Chúng ta sẽ mang theo, dầu muốn dầu không, tất cả những tiềm năng mà chúng ta đã tàng trữ. Lẽ dĩ nhiên những tiềm năng xấu không thể giúp ích cho ta. Ngược lại, chúng còn gây hại cho ta. Vậy thì cái gì còn lại để ta có thể nhờ cậy vào? Chỉ có những tiềm năng tốt mà thôi. Nếu trong suốt cuộc đời vừa qua chúng ta đã thường xuyên và mạnh mẽ thực hiện những hành vi tốt, chính đáng và vị tha, thì các tiềm năng phát sinh sẽ đi theo chúng ta và rất có lợi cho chúng ta. Chỉ có những hành vi này mà thôi. Ngoài ra, không có gì khác!
Diệu Hạnh
23 06 2010 | Suy Gẫm & Thực Hành |
“Cần người baby sit ở tại nhà ,trông 3 đứa trẻ 7, 6, và 5 tuổi, làm vài công việc vặt. Có phòng riêng, lương hậu hỉ . Xin mời ”
Đọc hàng loạt mục cần người đến nhà giữ trẻ, tôi dừng lại ở đây, sao mà thích hợp với tôi đến thế, tôi đang tìm một nhà có đông trẻ con để đến giúp việc, vì tôi cô đơn quá đổi. Cái nghề baby sit này tôi đã nghĩ tới với rất nhiều hứng thú sau những tháng năm dài mấy lần vấp ngã trong cuộc đời.
Tôi gọi phone ngay:
– Hello, chào chị, tôi có đủ điều kiện để xin làm baby sit cho nhà chị đây.
Giọng hớn hở bên kia đầu dây :
– Chị trẻ không? khoẻ không? Em có 3 thằng con trai quậy dữ lắm, đến nỗi bác Ba hiện thời đang baby sit tụi nó chịu không thấu, bác quá mệt đòi thôi việc nên em mới đăng báo kiếm người thế vô, bác Ba làm nốt 2 tuần nữa cho tròn tháng rồi mới ra….
Chị ta nói dài quá tôi phải ngắt lời :
– Tôi hiểu rồi, năm nay tôi 40 tuổi, sức khoẻ tốt. Được không?
– Vậy thì tốt quá, coi như em nhận lời mướn chị, bữa nào mời chị đến nhà, coi những công việc bác Ba làm sao chị làm vậy.
Tôi đồng ý, Hai tuần nữa tôi lại có một cuộc sống khác.
Một cuốn tiểu thuyết có bao nhiêu trang buồn vui thì cuộc đời tôi cũng có bấy nhiêu trang. Tôi là một đứa trẻ không có cha ngay từ trong bụng mẹ, nghèo khổ và lam lũ tôi sống với mẹ bữa đói bữa no trong một xóm lao động ở Việt Nam, năm tôi 12 tuổi mẹ tôi bị bệnh chết, không thân bằng quyến thuộc. Tôi bơ vơ.
Tôi được một bà hàng xóm tốt bụng mang tôi đến một gia đình họ hàng của bà. Đó là chủ hãng nước mắm ở bến Chương Dương, Sài Gòn, để tôi làm việc vặt gì thì làm, mục đích chính là họ nuôi tôi làm phước.
Ông bà chủ có hai người con gái tuổi mười tám đôi mươi, đa số tôi làm việc vặt cho hai cô. Biết thân phận mình tôi làm việc rất chăm và ngoan ngoãn nên cả ông bà và hai cô đều thương. Được sống ở thành phố, bên cạnh hai cô chủ, tôi phổng phao khoẻ mạnh và đầu óc khôn ra, những sinh hoạt của họ cũng cho tôi nhiều kiến thức. Lúc nào rảnh hai cô thay phiên nhau dạy tôi học chữ.
Tôi quý mến ông bà chủ hãng nước mắm lắm, tôi hay nói với ông bà con mong mau lớn con sẽ khuân nước mắm từ kho ra xe, ông bà đỡ phải mướn người ta. Nhưng chưa đến cái ngày tôi được làm công việc đó để đền ơn đáp nghĩa chủ, thì năm 1980 cả nhà ông bà tổ chức vượt biên, và tôi nghiễm nhiên đã là một thành viên của gia đình họ nên cũng được đi theo. Năm đó tôi 18 tuổi.
Sang đến Mỹ tôi vẫn tiếp tục làm người giúp việc cho họ. Vài năm sau hai cô học hành xong và lập gia đình, cuộc sống của tôi vẫn êm đềm theo gia đình chủ, nhưng hai cô nói tôi không thể suốt đời làm thuê làm mướn cho nhà cô mãi được, tôi đã trưởng thành cấn có một cuộc sống riêng, có vợ có chồng như người ta. Hai cô thương tôi mà nói thế, chia tay hai cô tôi buồn lắm và không tự tin chút nào, vừa xấu vừa không trình độ thì ai dám lấy tôi?
Thế mà có người thương tôi, lấy tôi, làm tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên, anh quê ở Long Đất, Vũng Tàu, làm tài công chở người vượt biên từ ghe nhỏ ra ghe lớn, một hôm anh liều mình lên ghe lớn đi luôn, qua đây tứ cố vô thân. Anh cũng bơ vơ.
Gia đình ông chủ hãng nước mắm ở California, còn tôi và chồng rủ nhau về tiểu bang Texas, nghe nói cũng đông người Việt Nam và nhà cửa thì rất rẻ so với Calif.
Sau này tôi hỏi chồng tôi với vẻ cảm động và vô vàn biết ơn rằng em xấu, em quê mùa thế tại sao anh lấy em, anh yêu em ở điểm nào ?? Anh đáp thản nhiên thời điểm đó ít người Việt Nam, đàn ông thì thừa , đàn bà thì thiếu, thà lấy em còn hơn ở giá, chứ có yêu thương gì đâu.
Sự thật mất lòng, nhưng chứng tỏ là anh thành thật, thôi thì “ bèo dạt mây trôi” gặp nhau, cho đời bớt buồn, bớt khổ. Chúng tôi an phận sống bên nhau và mong muốn có một đứa con, nhưng chờ hoài hết năm nọ, năm kia, hai vợ chồng tôi mới đi bác sĩ để biết một sự thật đau lòng tôi không có khả năng sinh con. Chồng tôi thất vọng, chán nản sinh ra nhậu nhẹt say sưa, một hôm tôi biết được anh đã ăn ở với một cô gái, và cô đang mang bầu, tôi hiểu phận mình thua thiệt, tự nguyện rút lui, trả anh cho cuộc đời mới đang mở ra cho anh.
Vài năm sau tôi lập gia đình với một ông lớn tuổi, bị vợ bỏ, ông chấp nhận hoàn cảnh tôi, không cần con cái, hình như ông dị ứng với vấn đề này, ông nói con cái ở Mỹ chỉ là một lũ mất dạy. Tôi an lòng sống với ông, tưởng sẽ được hạnh phúc cho đến tuổi già. Nhưng ông bị chết đột ngột vì bệnh tim, không kịp một lời trăn trối, nhưng cũng kịp để lại cho tôi một món tiền khá lớn….phải trả nợ cho credit card, không biết ông đã vay mượn từ lúc nào, mang tên hai vợ chồng , chỉ để đánh cá football (sau này tôi mới biết đó chính là nguyên nhân ông bị vợ bỏ, con khinh, và vất va vất vưởng như lục bình trôi sông rồi tấp vào đời tôi, để tôi phải trả một giá rất đắt cho cái hạnh phúc mà tôi chưa hề được hưởng).Tôi đã cần cù đi làm lương vài đồng một giờ trong vài năm để trả món nợ đó, tôi suy luận theo thuyết nhà Phật, có lẽ kiếp trước mình mắc nợ ông ta ? Bây giờ nợ trả hết rồi, tôi không oán hận gì ông đâu, ông hãy thanh thản giấc ngàn thu, chỉ mong rằng kiếp sau nếu có tái sinh , dù lấy ai cũng xin ông chừa thói cờ bạc, chừa đánh cá football cho vợ con ông nhờ.
Vừa xấu người, vừa xấu số, qua hai đời chồng mà chẳng được gì ngoài thất vọng khổ đau.Tôi quyết tâm an hưởng cuộc sống độc thân, tưởng rằng sẽ thanh thản mà sao buồn thế! đơn độc thế! Đôi lúc tôi muốn quay về tìm hai cô chủ cũ đang sống ở California, nhưng lại tự ái, và phụ lòng tin tưởng của người ta nên đành thôi. Tôi cũng là một người đàn bà như bao nhiêu người đàn bà khác, cũng thèm khát một mái gia đình, những đứa trẻ thơ, để được săn sóc chúng, thương yêu chúng. Thế là tôi nghĩ đến nghề baby sit, tôi muốn được ở tại nhà chủ, sống hàng ngày với họ, để hưởng lây không khí gia đình, để gần gũi những đứa trẻ mà đáng lẽ tôi cũng có.
******
Tôi đã đến nhà cô chủ mới để quan sát tình hình, vợ chồng chú An giới thiệu tôi với bà Ba và 3 đứa trẻ rồi họ vội vã rời khỏi nhà, họ đang kinh doanh một nhà hàng lớn rất đông khách nên bận túi bụi, việc nhà cửa, con cái giao phó hết cho người baby sit.
Lần đầu nhìn 3 thằng ranh tôi đã thích, còn chúng nhìn tôi với vẻ tò mò .Hôm nay ngày nghỉ nên chúng ở nhà đủ, bà Ba vừa làm việc vừa nói chuyện với tôi, bà hơn 65 tuổi, nhưng chưa có quốc tịch nên chưa được hưởng tiền già. Ôi, ở cái tuổi này mà phải quản lý 3 thằng vừa ăn khoẻ vừa nghịch ngợm như thế kia thì mệt thật ! Tôi bỗng thấy mình còn trẻ quá, sẽ đủ sức làm nữ tướng điều khiển 3 thằng lính quèn đó.
Tôi tiếp tục công việc của bà Ba không khó khăn gì, sáng dạy lo cho 3 đứa đi học, trưa lần lượt đón về, chiều nấu cơm, tắm rửa cho chúng, rồi dọn dẹp nhà cửa…Tôi vừa nghiêm vừa thân thiện để chúng không ăn hiếp và không quá sợ tôi. Ai như bà Ba muốn làm cái gì cũng phải năn nỉ nào ăn cơm đi, nào tắm đi, nào thay đồ đi.v..v..rồi bà thương, chúng nó đâu cần cái tình thương hứa hẹn của bà để phải đánh đổi những trò chơi hứng thú của chúng. Mỗi lần cho lũ trẻ tắm là một cuộc chơi “trốn tìm” và “đuổi bắt” đầy ngoạn mục, quần áo dơ thay ra, chúng không để vào rổ trong phòng tắm mà cố tình quẳng vào kẹt tủ, gầm giường, hay góc bếp cho bà Ba tìm mệt nghỉ, bà Ba đi khắp nhà tìm quần áo dơ của chúng như tìm chiến lợi phẩm sau một cuộc giao tranh. Xong, thì 3 thằng lại xổng mất, bà phải chạy từ phòng nọ đến phòng kia, từ tầng lầu xuống tầng dưới, và ngược từ tầng dưới lên tầng lầu để tóm chúng lôi vào phòng tắm…Bà mệt và căng thẳng đến nỗi có đêm bà thấy ác mộng, 3 đứa chạy nhảy bừa bộn trong phòng tắm, nước văng tung toé, nước tràn lan lênh láng, trôi bà đi khắp nhà…Giật mình tỉnh dậy người bà còn đẫm mồ hôi, bà không tin là mình vừa ngủ mê, lò dò bật đèn ra phòng tắm, thấy mọi sự yên tịnh bình thường bà mới yên tâm vào ngủ tiếp.
Khi bố mẹ chúng ra khỏi nhà, căn nhà rộng 4,000 sqft, đẹp đẽ sang trọng, trên khu đất rộng, vườn tược xinh tươi, hàng tháng có người đến làm vườn cắt cỏ này là của tôi, tôi tha hồ ra mà đi trên cỏ non xanh mướt, ngắm hoa lá, nhìn chim bay…Những giây phút thú vị đó, tôi tin chắc rằng vợ chồng cô chủ chưa bao giờ biết đến.
Vào nhà tủ lạnh đầy ngập đồ ăn, tôi muốn ăn, muốn bày món gì có mà trời biết.Tôi đã làm những món ăn, bánh trái khiến lũ trẻ thích mê, tôi kể cho chúng nghe những đứa trẻ bằng tuổi chúng đang ở Việt Nam, đang thiếu ăn, thiếu mặc, hay không được học hành gì cả…tôi kể về tuổi thơ nghèo khổ của tôi, chúng cảm động nghe tôi kể như nghe chuyện cổ tích, tôi dạy chúng phải biết quan tâm và giúp đỡ người khác, biết nhường nhịn thương yêu nhau. Dần dần 3 đứa đều quý mến tôi, ngoan ngoãn nghe lời tôi, chúng không nghịch phá nữa, tự mình làm những gì có thể được, tôi không phải hầu hạ chúng như bà Ba, trái lại tôi còn sai chúng làm được khối việc vặt, khi quần áo đã xấy khô, chúng gấp lại, của đứa nào đứa nấy mang về phòng, chúng vui thích vì được tự tay xếp quần áo vào tủ theo ý mình, tôi sai chúng nó lấy báo cho tôi đọc hay rót nước cho tôi uống là chuyện thường tình ở nhà, không biết bố mẹ chúng nhìn thấy có xót ruột không? chứ chúng làm với tất cả lòng hăng hái, mà tôi cũng thương yêu chúng biết bao nhiêu, không phải là nhiệm vụ của một baby sit đâu, mà bằng tấm lòng của một người mẹ.
Tôi và 3 đứa trẻ đã có những ngày êm đềm hạnh phúc, những bữa cơm chiều đầm ấm, những buổi trưa 3 đứa thì ngủ, còn tôi nằm khểnh nghe nhạc, thảnh thơi như một kẻ vô công rỗi nghề, tôi mở máy nghe Chế Linh và Tuấn Vũ, hai giọng ca mùi mẫn là thần tượng của tôi, họ hát bài gì tôi cũng thuộc dù tôi không nhớ tên tác giả, nhưng chắc chắn là không có nhạc Trịnh công Sơn, dù ai cũng khen nhạc ông ta, có nhiều câu nhạc của Trịnh công Sơn nghe “mơ hồ” quá tôi không hiểu nổi: “tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống thành hồ nước lênh đênh.” Hay “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…” thà cứ cụ thể, huỵch toẹt như “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…” hay “Đêm đêm một mùi hưong, mùi hoa sứ nhà nàng…” nghe mà thấm tới tim tới phổi, nghe mà rơi lệ.
Nằm nghe nhạc đã, tôi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy 3 đứa trẻ vẫn nằm ngủ bên tôi trong căn nhà sạch sẽ thơm tho, chẳng có chuyện gì phải làm, tôi vẩn vơ nghĩ tới vợ chồng cô An, không biết ngay giây phút này họ đang làm gì nhỉ ? Tội nghiệp ! chắc chú An đang bù đầu trong khói bếp mịt mù, trước kia chú có thuê đầu bếp, nhưng đứa thì làm mình làm mẩy, đi trễ về sớm, đứa thì chuyên môn ăn cắp mang về nhà toàn những món đồ biển đắt tiền .Thế là chú vừa là ông chủ vừa kiêm luôn chức đầu bếp cho chắc ăn, khỏi phải trả tiền công đầu bếp mà lại quản lý được cả đám nhân viên dưới bếp, không thất thoát hao phí đồ ăn, thực phẩm. Còn cô An cũng bù đầu không kém, như tất cả những người Châu Á làm kinh doanh, khâu tiền nong thì chỉ có ngưòi nhà hay chính chủ nhân quản lý, cô An ngồi trong quầy thu tiền, mỗi ngày phải mỉm cuời không biết bao nhiêu lần, phải Hello, Thankyou với không biết bao nhiêu người, kể cả những người có bộ mặt đáng ghét nhất.
Chín mười giớ tối cô chú An mới về tới nhà, tắm rửa và hỏi thăm con cái qua loa xong là lăn vào phòng ngủ, nếu có động đất hay trời xập chắc họ cũng không biết.
Làm gì cô chú An dám mơ tới một giấc ngủ trưa thanh bình nhàn hạ như tôi? nằm nghe nhạc lâm ly sướt mướt như tôi?
Làm chủ nhà hàng, khách tới ăn tấp nập, nhưng cô chú An thường không ăn nổi những món ăn của mình, ngày nào cũng ngửi, cũng nhìn thấy, họ ngán quá rồi, cô An thường mang đồ ăn do tôi nấu ở nhà , tôi làm món dưa cải muối chua với củ hành đỏ thật thơm ngon, cô An rất thích.
Từ ngày làm baby sit, ăn, ở, chủ bao nên đồng lương tôi hầu như không dùng tới, dư được bộn tiền, tôi không có họ hàng gần xa ở Việt Nam để mà giúp họ. Tôi nghĩ đến những đứa trẻ nghèo-như tôi ngày xưa- và muốn đồng tiền của tôi được hữu ích tôi liên lạc với một ngôi chùa ở Việt Nam, thông qua đó, hàng tháng tôi gởi tiền về để chùa mang đến những cô nhi viện, những nhà nuôi trẻ em khuyết tật, cho các em được thêm manh áo mới, thêm miếng ăn ngon. Nếu quả thật kiếp này làm điều lành kiếp sau được hưởng thì tôi mong sẽ có một mái gia đình và những đứa con như 3 thằng mà tôi đang baby sit là đủ rồi, chẳng mong giàu có sang trọng gì.
Một hôm cô An mang về một tờ báo xuất bản ở Việt Nam, do người bạn cô mới đi chơi Việt Nam và mang về. Cô An chỉ cho tôi bài viết về một bà người Việt sống ở Mỹ có lòng từ tâm, hàng tháng gởi cả ngàn đô về Việt Nam để giúp các trẻ em nghèo.
Cô An chặc lưỡi:
– Làm điều thiện mà dấu tên, ngu thật. Người ta đâu biết mình là ai, thì hãnh diện với ai đây?
Rồi cô so sánh, nửa đùa nửa thật:
– Chắc bà này giàu lắm mới chi ra như thế. Mà có giàu hơn tôi được không?
Mỗi ngày nhìn vợ chồng cô An ra đi, lao vào cuộc sống, tôi biết họ kiếm ra rất nhiều tiền, bằng sức lực mồ hôi và bằng cả sự khôn ngoan sống ở đời như cô An đã từng hãnh diện khoe với tôi, chị biết không, buôn bán kiếm lời là chuyện dĩ nhiên, ngoài ra phải biết kiếm thêm, mỗi bill tính tiền ăn của khách đều cộng thuế, nhưng tôi đâu có ngu mà khai thật lợi tức của mình với sở thuế, nên hầu hết tiền lời, tiền thuế của người ta trả đều vô túi mình.
Còn tôi, lương tháng 1,200 đồng, không kiếm thêm được đồng nào như vợ chồng cô chủ. Nhưng nếu so sánh giữa tôi và họ ai giàu hơn ? Thì …tôi chứ ai! Vì tôi còn có tiền phân phát cho người khác.Và ai sướng hơn? Thì….cũng tôi chứ ai ! vì tôi có niềm vui khi đã mang lại niềm vui cho người khác.,.
Nguyễn thị Thanh Dương
114/117Đầu«...10...113114115...»Cuối
Các Phúc Đáp Gần Đây