Tây Phương Cực Lạc Là Quê Hương

Tây Phương Cực Lạc Là Quê Hương1 – VÌ SAO CẦN PHẢI NIỆM PHẬT?

Lúc bình thường tại sao bạn cần phải niệm Phật? Vì bình thường niệm Phật là để chuẩn bị cho khi lâm chung. Vì sao không đợi đến lâm chung mới niệm Phật? Vì hằng ngày niệm Phật chính là để huân tập hạt giống Phật vào trong tâm của bạn. Nếu bạn niệm mãi thì trải qua thời gian hạt giống đó lớn dần lên trong mảnh đất tâm của bạn và đưa bạn đến kết quả giải thoát giác ngộ. Nếu bình thường bạn không niệm Phật thì bạn không biết gieo hạt giống Phật vào mảnh đất tâm của mình. Khi lâm chung, thần trí rối loạn thì làm sao nghĩ đến Phật mà niệm được chứ. Tại sao vậy? Vì hiện tại không thường xuyên niệm Phật. Do đó, hằng ngày cần phải niệm Phật, lạy Phật tu pháp môn Tịnh độ. Được như thế thì hiện tại được bình an khi lâm chung không bị hôn mê tán loạn mà được tự tại vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.

Tại sao phải vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc?

Bởi vì đức Phật A Di Đà trước khi chưa thành Phật tên là Tỳ kheo Pháp Tạng đã phát ra 48 lời nguyện trong đó có một lời nguyện “Sau khi tôi thành Phật, chúng sanh trong khắp mười phương nếu niệm danh hiệu của tôi “A DI ĐÀ PHẬT”, tôi nhất định tiếp dẫn họ về cõi nước của tôi, tương lai thành Phật…, chúng sanh trong cõi nước tôi đều hoá sanh từ hoa sen, nên thân thể thanh tịnh không bị nhiễm ô”. Với đại nguyện rộng lớn của Phật A Di Đà, nên tất cả chúng sanh ai ai cũng tu“pháp môn niệm Phật”, vì đây là pháp môn hợp với mọi trình độ căn cơ và rất dễ tu.

Kinh Đại Tập nói: “Thời mạt pháp ức ức người tu hành, khó có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật thì độ thoát sanh tử”. Đây là nói ức ức người tu hành mà không có một người đắc đạo, chỉ có niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc mới thoát khỏi sanh tử. Đặc biệt vào thời đại bây giờ là vào mạt pháp, niệm Phật rất tương ưng và hợp căn cơ của người thời này.

Nhưng ở các nước phương Tây, hiện tại chưa phải là thời đại mạt pháp, có thể nói đang là thời kỳ chánh pháp. Tại sao nói đang là thời kỳ chánh pháp? Bởi vì Phật pháp mới vừa đến các quốc gia ở tây phương đang trong lúc thịnh vượng, hiện tại ở Mỹ có rất nhiều người thích ngồi thiền, đây là biểu hiện đang trong thời chánh pháp. Thời chánh pháp cũng tu pháp môn niệm Phật được, thời mạt pháp cũng tu pháp môn niệm Phật được. Vì sao trong thời đại nào cũng tu được, nếu người nào tu pháp môn khác mà không tiến bộ thì nên tu pháp môn niệm Phật.

Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: “Có Thiền có Tịnh độ, giống như hổ mọc sừng, hiện đời làm thầy người, tương lai thành Phật thành Tổ”. Nếu vừa tham thiền vừa niệm Phật thì giống như hổ mọc sừng, hiện đời đủ tư cách làm thầy tương lai thành Phật thành Tổ.

Vì vậy, người chân chánh tham thiền cũng chính là người chân chánh niệm Phật, người chân chánh niệm Phật, cũng chính là người chân chánh tham thiền. Nói một cách nữa, người chân chánh trì giới, cũng chính là người chân chánh tham thiền, người chân chánh tham thiền, cũng chính là người chân chánh trì giới. Thế người chân chánh giảng kinh thuyết pháp cũng chính là chân chánh tham thiền. Sách Chứng Đạo Ca của ngài Vĩnh Gia nói: “Tông diệc thông, pháp diệc thông, định huệ viên minh bất trệ không.” Vừa tham thiền vừa giảng kinh, đây chính là tông thuyết đều thông. Hoặc nói một cách khác, người chân chánh trì chú, chính là người chân chánh tu mật tông, cũng chính là người chân chánh tham thiền.

Tuy nói năm loại: Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh, nhưng chung quy lại là một chứ chẳng phải hai. Nhưng nói rốt ráo, ngay một cũng chẳng có, sao lại nói năm loại chứ? Người học Phật chân chánh điều này cần hiểu rõ ràng.

Sở dĩ có người có tâm phân biệt cho rằng pháp môn niệm Phật là tối cao, tham thiền không đúng, hoặc có người nói tham thiền là tối cao, niệm Phật là sai lầm. Những người như thế đều chưa hiểu Phật pháp. Nên biết, tất cả đều là Phật pháp, đều bất khả đắc, đã không pháp để được, vậy sao trên đầu lại đội thêm cái đầu nữa chứ? Đã vô sự sao lại tìm việc làm gì nữa chứ? Nếu bạn thật sự hiểu và lãnh hội là không pháp để được. Có thể một vài người chưa lãnh hội hiểu điểm này, nghe xong họ thất vọng. Vì sao vậy? Vì Phật pháp phương tiện lập quyền pháp, chính là để nói thật pháp; Phật nói quyền trí, là đưa người đi đến thật trí. Thế nào là thật trí? Thật trí là một tên “quy vô sở đắc” là trở về chổ không thể đắc là thật tướng vô tướng, không hình không tướng, đó mới là trí huệ chân thật.

2 – CHÂN THẬT NIỆM PHẬT:

Chúng ta không được may mắn, sanh nhằm vào thời mạt pháp cách Phật khá xa nên pháp nhược ma cường, nhưng trong cái không may mắn đó lại gặp pháp môn niệm Phật. Pháp môn niệm Phật đã không tốn công, lại chẳng phí sức, rất dễ dàng và rất tiện lợi cho sự hành trì tu tập, bởi vì niệm Phật là thành Phật. Vì sao niệm Phật lại thành Phật chứ? Vì trong vô lượng kiếp trước đức Phật A Di Đà đã phát ra 48 lời nguyện, trong 48 lời nguyện đó, có một nguyện: “Nếu có chúng sanh xưng niệm danh hiệu của tôi, mà không sanh về thế giới Cực lạc, tôi thệ không thành chánh giác”.

Phật A Di Đà đã phát ra nguyện lực này, mỗi nguyện mỗi nguyện đều nhiếp thọ chúng sanh vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Với điều kiện là họ phải có lòng tin mãnh liệt. Đó là tin có đức Phật Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, nên nguyện đến đó làm đệ tử của đức Phật A Di Đà. Tha thiết một lòng xưng niệm danh hiệu Ngài và lấy ba món tư lương – Tín, Hành, Nguyện – làm căn bản cho việc vãng sanh.

Thế giới Tây phương Cực lạc không bị các thứ khổ não, đủ các thứ an vui, không có ba đường ác – địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh – chỉ có các loại chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, ca lăng tần già, cộng mạng, những loại chim đó đều do thần lực của Phật A Di Đà biến hoá ra để diễn hát pháp âm, chẳng phải là loại súc sanh thật. Thế giới Cực lạc không có các thứ ác duyên phiền não, khổ đau như thế giới Ta bà mà ở đó ngày đêm sáu thời diễn nói diệu pháp -niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vì vậy, chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Cực lạc thì phải chân thành niệm Phật, chân thành niệm Phật chính là tâm của mình phải chuyên nhất với câu Phật hiệu dù thành Phật hay không thành Phật, vãng sanh hay không vãng sanh không cần để ý tới, điều quan trọng ngay trong hiện tại chỉ một việc là nhất tâm niệm Phật mà thôi. Niệm Phật niệm phải cho chuyên nhất đến khi bạn lâm chung nhất định đức Phật A Di Đà lai nghinh tiếp dẫn bạn về thế giới của Ngài và tương lai nhất định thành Phật.

Vì sao người thông thường như chúng ta mà được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn chúng ta chứ? Đạo lý này rất khó tin. Đúng thật vì đây là pháp môn khó tin, cho nên trong kinh A Di Đà không có vị nào thưa hỏi mà tự đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói. Vì không có người hiểu và cũng khó có người tin nhận về pháp môn này. Do vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thương xót chúng sanh vào thời mạt pháp nên chọn con đường ngắn nhất để dạy bảo chúng ta tu hành.

Chân thành niệm Phật chính là miệng niệm Phật, tâm niệm Phật; đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật. Trong tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, toàn thân hành trì A Di Đà Phật. Sao gọi là hành? Giống như chúng ta bây giờ đến đây tham dự khoá tu niệm Phật, cho dù là bận trăm công ngàn việc, gia duyên bận rộn… khi vào tu thì phải buông hết xuống, làm thế nào trong quá trình tu niệm phải được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn chính là trì niệm liên tục, chẳng phải niệm một chút rồi thấy hơi vất vả lại đi tìm chỗ nghỉ, đó là tâm giải đãi muốn tìm sự an nhàn theo thế gian, thế là không đắc niệm Phật tam muội, không chân thành niệm Phật. Người chân thành niệm Phật là nhất tâm nhất ý niệm Phật, ngay cả khi ăn cơm, uống nước, mặc áo, đi ngủ cũng không quên.

Xưa nay việc thường tình của con người là ăn, uống, ngủ nghỉ, việc này không thể thiếu được. Riêng người tu niệm Phật lại khác, đó là khi tu có ba việc cần phải quên, không để ý tới việc ăn uống, mặc áo, đói khát, ngủ nghỉ… Đây chính là chân thành niệm Phật. Nếu công phu tu một chút thì nghĩ đến ăn cơm thì đó chẳng phải chân thành niệm Phật; hoặc lạnh một chút thì vội đi tìm áo mặc cho ấm thân, đó cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật; hoặc sợ thiếu ngủ đi tìm chổ ngủ tiếp, cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật. Người chân thành niệm Phật không luận là đi đứng nằm ngồi hoặc làm bất cứ việc gì, trong tâm chỉ biết câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn trì niệm liên tục như thế lâu ngày sẽ kết thành một phiến, muốn được điều này bạn phải trì niệm liên tục không đứt đoạn, đến nước chảy cũng nghe niệm câu “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”, gió thổi cũng nghe niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”, tiếng chim kêu cũng thành tiếng niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”. Câu niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” phải hoà với chính ta không tách rời. Niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” không phải một mình ta, nghĩa là ta là yếu tố chính là năng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” và câu “Nam Mô A Di Đà Phật” là sở niệm, hoà lại thành một. Đến đây, gió thổi cũng chẳng lay, mưa to cũng chẳng động, đạt đến niệm Phật tam muội; nước chảy, gió động đều diễn nói diệu pháp – niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” như thế mới đúng thật là chân thành niệm Phật.

Giả như nước chảy, gió động mà tâm cứ chao động trông Đông, ngóng Tây rồi phân biệt động tịnh như thế nào? Đó chẳng phải là chân thành niệm Phật. Hoặc miệng thì niệm Phật mắt thì nhìn trước ngó sau như trộm đồ, thế cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật. Chân thành niệm Phật chính là tâm thiết tha với câu Phật hiệu, chẳng xen tạp một vọng tưởng nào vào, như lúc thì niệm lúc thì nghĩ đến chuyện ăn cơm uống nước, đúng sai, được mất…phải buông bỏ hết, như thế mới là chân thành niệm Phật. Niệm Phật không có bí quyết gì, chỉ đòi hỏi sự chuyên tâm mà thôi, chẳng cần quét vọng tưởng, đây chính là chân thành niệm Phật. Bạn lại chẳng trụ vào tâm này mà muốn quét sạch các vọng tưởng, thế cũng chẳng phải là chân thành niệm Phật. Bạn đề khởi chánh niệm, đó chính là chân thành niệm Phật, bạn muốn hết loạn tưởng, quét hết tà niệm, đó chẳng phải chân thành niệm Phật. Cho nên chân thành niệm Phật thật là vi diệu không thể nói, đúng thật bạn mới cảm nhận biết thôi, lại càng đại tự tại, không nhân, không ngã, không chúng sanh, không thọ giả, chỉ có NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Nói là pháp; Hành là đạo, không chỉ nói mà không hành cũng như miệng nói ăn đồ ngon mà trong bụng lại bị đói, một chút thức ăn cũng không có. Hôm nay, tôi nói về đạo lý này, các vị phải hiểu rõ, điều chính yếu phải thiết tha chân thành niệm Phật, chân thành tu niệm Phật. Thời gian và sanh mạng của chúng ta quý báu vô cùng, nhớ đừng bỏ qua. Hy vọng mọi người luôn ghi nhớ ba điều này trước khi bước vào tu tập“Kiên Trì, Thành Thật, Hằng Ghi”

Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trung
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong chơi pháp giới khắp đông tây.

Có ai trong pháp hội hiểu ý nghĩa bài kệ này không? Chữ “niệm” thứ nhất là niệm phải từ nơi tâm phát ra, chữ “niệm” thứ hai là từ nơi miệng phát ra, niệm phải từ nơi tâm rồi phát ra ở miệng. Nếu chỉ “niệm” bằng miệng thì chẳng phải chân thành niệm rồi. Cho nên, niệm Phật hoặc niệm danh hiệu Bồ tát tâm miệng phải tương ưng thiết tha chân thành. Quý vị niệm đến tâm khẩu hợp nhất, một mà chẳng thấy hai, cũng chẳng phải niệm theo kiểu tuỳ hứng, cũng không phải tán loạn mà niệm, lại cũng chẳng phải xen tạp vọng tưởng mà niệm, làm được những điều trên, mới gọi là niệm Phật “chân thành”.

Niệm một cách chân thành mới có sự cảm ứng. Cảm ứng này như thế nào? Chính là tâm phàm phu cùng với ánh quang minh của Phật và Bồ tát tương thông, nên nói “quang quang tương chiếu, khổng khổng tương thông”. Sao lại có cảm ứng này chứ? Giống như gọi điện thoại, khi gọi đúng số thì bên kia “Alô!” bắt đầu giao tiếp liên lạc với nhau. Niệm Phật niệm Bồ tát cũng giống như gọi điện thoại, khi làn sóng bạn phát đi thì bắt gặp làn sóng của Bồ tát và ở bên kia các ngài cũng hỏi bạn: “Người nam lành, người nữ lành bạn muốn cầu gì nào?” Thì biết lúc đó bạn có sự cảm ứng rất mầu nhiệm.

Niệm Phật mà chẳng thành tâm thành ý thì giống như điện thoại có năm số mà bạn chỉ bấm gọi ba số, thế làm sao gọi được chứ? Niệm Phật và Bồ tát cũng như thế. Nếu như bạn niệm một lúc rồi không niệm nữa, thiếu sự chuyên tâm thành ý thì nhất định chẳng thông được. Khi quý vị tu tập thành tâm thành ý thì trong người quý vị sẽ phát ra một loại ánh sáng, ánh sáng đó giao cảm với ánh sáng quang minh của chư Phật và Bồ tát. Muốn được điều này mỗi vị trong chúng ta phải cố gắng tu tập. Giống như gọi điện thoại thì biết rõ ràng tiếng nói của đầu dây bên kia, mắt thịt phàm phu không có nhìn và nghe xa được, cho nên nói “lặng lặng cảm ứng lặng lặng trong” là vậy.

Câu “Sơn cùng thủy tận” nghĩa là đạt đến trình độ “Trăm đầu sào chỉ một bước chân, giơ tay nắm hết cả càn khôn tận”. Khi niệm đến chỗ sơn cùng thủy tận, đó thật là niệm mà chẳng phải niệm, kết thành một khối, niệm thành một phiến, đến đó quý vị “rong chơi pháp giới dạo Tây Đông”. Nếu như quý vị muốn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc thì ứng một niệm là lập tức đi ngay, muốn dương thuyền từ để cứu độ chúng sanh thì từ thế giới Tây phương Cực lạc bạn ứng một niệm là bạn đến ngay thế giới Ta bà và khắp tất cả pháp giới. Chỉ cần bạn ứng một niệm là đi ngay. Nên nói “nhậm Đông Tây” hoặc “nhất như ý nhất thiết như ý, nhất tự tại nhất thiết tự tại” rồi.

Do đó, chúng ta là người học Phật, mỗi nơi mỗi chổ đếu phải chân thành, không có hư ngụy. Hư ngụy thì như “hoa không nở, quả không kết”. Người học Phật phải ghi nhớ điều này, đừng bao giờ lừa dối với chính mình. Kế nữa người xưa nói: “Quân tử cầu nơi mình, tiểu nhơn cầu nơi người”. Chúng ta không mang tâm ỷ lại, nên biết cảm ứng là tự mình nỗ lực chứ chẳng phải tự nhiên đến được.

Có người nói: “Niệm Phật được sanh về Tịnh độ, phải nương nhờ vào Phật lực tiếp dẫn”. Câu nói có thể đúng, nhưng có thể sai, vì sao vậy? Bởi vì câu nói này là đối cơ mà nói, là đối với người chưa hiểu biết gì cả, nên phương tiện tạo ra sự ham thích cho chúng sanh phát khởi tâm niệm Phật, hy vọng có thể dụng công ít mà thu hoạch lại lớn, giống như buôn bán kinh doanh, bỏ vốn ra ít mà thu vào thì nhiều, vì vậy Thánh nhân tuỳ cơ ứng biến, lời nói có Phật lực tiếp dẫn, mục đích là khích lệ cho chúng sanh nỗ lực niệm Phật.

Thực ra họ niệm danh hiệu Phật và Bồ tát mà được vãng sanh Tịnh độ, hoàn toàn có niềm tin rất lớn nơi chính mình. Vì sao vậy? Có phải niệm Phật là Phật niệm thay bạn được không? Niệm một câu danh hiệu Bồ tát là Bồ tát hiện ra không? Nếu nói không phải, sao nói nương dựa vào tha lực của các ngài? Giống như Phật và Bồ tát phóng ánh hào quang gia hộ cho bạn, đó là do công đức của chính bạn đã trì niệm danh hiệu Phật Bồ tát cho nên mới có cảm ứng như thế. Thí dụ như điện thoại, nếu như bạn chẳng có gọi thì có ai đầu dây bên kia nói chuyện với bạn được không? Cho nên người niệm Phật cũng như gọi điện thoại là vậy. Đạo lý ở chỗ này. Tâm hy vọng trông mong nương tựa vào năng lực của Phật để tiếp dẫn mình vãng sanh Tịnh độ, thật ra đó chính là tâm tham, tâm ỷ lại, không thể được. Chúng ta tu hành cái chính yếu là phải tự lực, tinh thần phải mạnh mẽ dũng khí, tinh tấn, được kết quả chẳng phải tự dưng do người khác ban tặng cho, niệm Phật có thể nói không nên trông mong và nương tựa vào sự tiếp dẫn của Phật.

Cổ nhân nói: “Làm tướng vốn không dòng, nam nhi nên tự cường”. Chúng ta là người học Phật nên có ý thức câu nói này: “Làm Phật vốn không dòng, chúng sanh nên tự cường” nếu chẳng được như thế, thì cả ngày cứ ỷ lại Phật lực tiếp dẫn, giống như con em nhà giàu ỷ lại sản nghiệp của cha mẹ, rốt cuộc tự làm hại chính mình, mọi người nên tỉnh giác chỗ này.

3 – DI DÂN ĐẾN THẾ GIỚI CỰC LẠC:

Phật tử A đông chúng ta phần nhiều có câu nói như thế này: “Người người Quán Thế Âm, nhà nhà Di Đà Phật”. Bồ tát Quán Thế Âm có nhân duyên đặc biệt với chúng ta, Ngài vui mừng khi chúng ta được đến thế giới Cực lạc, chẳng cần phải làm thủ tục di dân. Chỉ cần có “nhất niệm tâm thành” để ấn chứng, thì hoàn thành thủ tục, tuyệt đối chẳng có phiền phức gì cả, nếu như không “nhất niệm tâm thành” để làm chứng, thì chẳng có thể di dân đến thế giới Cực lạc.

Tại sao chứng minh nhất niệm tâm thành mới đến được? Cách này vô cùng đơn giản, rất dễ dàng, chỉ cần thành tâm thành ý niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”hoặc “Nam Mô Quán Thế Ậm Bồ tát” hoặc “Nam Mô Đại Thế Chí Bồ tát” là thành tựu rồi. Vì Phật A Di Đà là giáo chủ ở thế giới Cực lạc và có hai vị Bồ tát Quán Thế Am và Bồ tát Đại Thế Chí đứng hai bên Phật A Di Đà để cùng cứu độ chúng sanh. Còn gọi là Tây phương Tam Thánh, bất cứ niệm danh hiệu vị nào trong ba vị cũng được cả, niệm đến nhất tâm bất loạn, một trần không nhiễm thì được đới nghiệp vãng sanh, hoa nở thấy Phật hoặc Bồ tát.

Nếu chẳng muốn di dân đến thế giới Cực lạc, thế thì không cần phải trì niệm danh hiệu Tam Thánh, nếu muốn di dân đến thế giới Cực lạc thì phải niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, hiện đời có thể tránh được tam tai thất nạn, khi chết được bình an, sanh về Tịnh độ, một mà lợi cả hai sao chần chờ không làm chứ?

Chúng ta muốn niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, niệm danh của Ngài hoà lại thành một. Không tách rời ra được, đến lúc đó, không muốn đến thế giới Cực lạc cũng đến được? Vì sao vậy? Vì đã thấm nhuần sâu vào cội gốc rồi, tương lai cành lá sẽ phát triển và đơm quả.

4 – PHẬT A DI ĐÀ LÀ ĐẠI PHÁP VƯƠNG

Vì sao phải niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” chứ? Bởi vì đức Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn với tất cả chúng sanh khắp mười phương thế giới. Đức Phật A Di Đà khi chưa thành Phật là một vị tỳ kheo, tên là Pháp Tạng. Tỳ kheo Pháp Tạng phát ra 48 lời nguyện, mỗi nguyện thệ cứu độ hết tất cả chúng sanh giúp cho họ thành Phật. Trong 48 lời nguyện đó có một nguyện như thế này: “Khi tôi thành Phật, mười phương tất cả chúng sanh, nếu trì niệm danh hiệu tôi, nhất định sẽ thành Phật. Nếu như họ chẳng thành Phật, tôi thệ cũng không thành Phật”.

Nguyện lực này của đức Phật A Di Đà, giống như sức hút của máy nam châm, mà mười phương chúng sanh giống như một hòn sắt, đều hút về thế giới Tây phương Cực lạc. Nếu như hút không được thì sao? Tỳ kheo Pháp Tạng chẳng có thành Phật A Di Đà. Cho nên, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Phật A Di Đà đều có cơ hội thành Phật.

Kinh A Di Đà là không ai hỏi mà tự Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra. Vì sao không ai hỏi mà tự nói? Vì khó có người tin hiểu pháp môn này, cho nên không có người hỏi. Đại trí Xá Lợi Phất là bậc thượng căn, nhưng cũng không biết hỏi thế nào. Phật nói pháp môn này vô cùng thù thắng là phương tiện bậc nhất tu tập rất dễ thành tựu. Dụng công tu rất tiện ít tốn công tốn sức. Ngài nói: “Chỉ cần mỗi người chuyên tâm niệm Phật, niệm được một ngày, hai ngày, ba ngày…cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, người đó khi lâm chung, đức Phật A Di Đà cùng với Thánh chúng hiện ra để tiếp dẫn họ”.

Cho nên Phật nói pháp môn này ít người tin nhận vì là pháp môn trực tiếp rất thù thắng, đặc biệt thâu nhiếp ba hạng người thượng, trung hạ căn. Không luận họ là người thông minh hay ngu si nếu niệm Phật thì đều thành Phật cả.

Khi vãng sanh về thế giới Cực lạc ở đó “không có các sự khổ, đủ các sự an lạc” chúng nơi thế giới đó đều sanh ra từ hoa sen, không giống như loài người chúng ta phải sanh ra từ bào thai, ở thế giới Cực lạc bào thai là hoa sen, khi người ở trong hoa sen nở ra, tương lai nhất định thành Phật rồi.

NHẤT CÚ DI ĐÀ VẠN PHÁP VƯƠNG
NGŨ THỜI TÁM GIÁO TẬN HÀM TẠNG
HÀNH NHÂN ĐẢN NĂNG CHUYÊN TRÌ NIỆM
ĐỊNH NHẬP NHƯ LAI BẤT ĐỘNG ĐƯỜNG.

“NHẤT CÚ DI ĐÀ VẠN PHÁP VƯƠNG”, một câu Di Đà là vua của vạn pháp. “NGŨ THỜI BÁT GIÁO TẬN HÀM TẠNG”, năm thời: thời Hoa nghiêm, thời A hàm, thời Phương đẳng, thời Bát nhã, thời Niết bàn. Tám giáo: tạng giáo, thông giáo, biệt giáo, viên giáo, đốn giáo, tiệm giáo, bí mật giáo, bất định giáo. Năm thời, tám giáo hàm lại một, đều bao hàm trong một câu A Di Đà.

“HÀNH NHÂN ĐẢN NĂNG CHUYÊN TRÌ NIỆM”, không luận người nào trong chúng ta nếu chuyên tâm niệm Phật thì “NHẬP ĐỊNH NHƯ LAI BẤT ĐỘNG ĐƯỜNG” nhất định đạt đến tịch quang Tịnh độ, đến thế giới Cực lạc. Tất cả chúng ta sanh vào thời mạt pháp chỉ nương vào câu Phật hiệu A Di Đà để được cứu độ, ai muốn được độ thì chỉ có niệm Phật.

Bớt đi một câu nói
Niệm nhiều câu Phật hiệu
Si mê bị đoạn dứt
Liền liễu sanh thoát tử
Sống với pháp thân bạn.

5 – BỐN PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT:

Pháp môn niệm Phật có bốn cách niệm như sau:

1) Trì danh niệm Phật: Tai nghe danh hiệu Phật, nhất tâm xưng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, “ Nam Mô A Di Đà Phật”…

2) Quán tưởng niệm Phật: Quán tưởng chính là quán thấy, thấy cái gì?

A Di Đà Phật thân kim sắc
Tướng hảo quang minh vô đẳng luân
Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu di
Hám mục trừng thanh tứ đại hải,
Quang trung hoá Phật vô số ức
Hoá Bồ tát chúng diệt vô biên
Bốn tám lời nguyện độ chúng sanh
Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

3) Quán tướng niệm Phật: Quán tướng là đối trước đức tướng của Đức Phật A Di Đà, niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, đây chính là quán tướng niệm Phật. Mỗi câu Phật hiệu từ miệng niệm ra tai nghe rõ ràng, tâm tỉnh giác từng câu niệm, đây gọi là quán tướng niệm Phật.

4) Thật tướng niệm Phật: Tức là niệm từ nơi tự tánh, tức là Phật tánh là chân pháp thân của bạn cũng chính là tham thiền. Bạn tham câu “niệm Phật là ai?” -tìm hỏi người niệm Phật là ai?

Đến Phật thất bảy ngày viên mãn chúng ta tìm người “niệm Phật là ai?”, nhất định sẽ tìm được, không mất đâu, nếu bạn bị mất, thế thì thiếu chánh niệm đi lạc đường rồi, mau trở về nhà! Nếu không trở về nhà, thì không gặp Đức Phật A Di Đà rồi.

6 – BA MÓN TƯ LƯƠNG TÍN, NGUYỆN, HẠNH:

TÍN, NGUYỆN, HẠNH, chính là ba món tư lương của người tu pháp môn Tịnh độ. Sao gọi là tư lương? Giống như bạn đi du lịch đến một vùng nào đó, trước tiên phải chuẩn bị một ít thức ăn, đó gọi là lương. Lại đem theo một ít tiền thì gọi là Tư. “Tư lương” chính là thức ăn và những thứ tiền bạc nhu yếu trong sinh hoạt của bạn. Bạn đến thế giới Cực lạc, cũng cần ba món tư lương, đó là: tín, nguyện, hạnh. Điều quan trọng trước tiên là phải TÍN, nếu bạn không có tín tâm, thế là bạn không có duyên với Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc rồi, nếu bạn có tín tâm là có duyên với Ngài. Cho nên niềm tin là điều hết sức quan trọng của bất cứ hành giả tu tập bất cứ pháp môn nào của Phật pháp. Bạn tin, là tin chính mình, lại tín người khác, vừa tín nhân, tín quả, tín sự, tín lý.

TIN, sao gọi là tin chính mình? Bạn phải tin chính bạn nhất định về được thế giới Tây phương Cực lạc, bạn đầy đủ tư cách đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Bạn không nên xem thường mình và nói rằng: “Chao ôi! Tôi gây tạo rất nhiều tội nghiệp, tôi không có cách gì để về được thế giới Tây phương Cực lạc.” Thế là bạn không có tin chính bạn rồi.

Bạn tạo rất nhiều tội nghiệp, phải không? Nhưng hôm nay bạn gặp cơ hội tốt, cơ hội tốt như thế nào? Có thể đới nghiệp vãng sanh (mang nghiệp cũ vãng sanh) bạn tạo những nghiệp gì, đều mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc. Nhưng bạn nên biết, đới nghiệp là mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới, tức chính là đời trước, đời trước chưa học Phật, mang tội nghiệp đó đi, nghiệp mới, chính là tội nghiệp tương lai, mang nghiệp cũ chứ không phải mang nghiệp mới, mang tội nghiệp quá khứ chứ không phải mang tội nghiệp tương lai. Bạn lúc trước đã gây tạo những hạnh vi tội lỗi bất thiện, không luận là nặng hay nhẹ, nhưng bây giờ bạn tự mình ăn năn cải đổi, bỏ ác hướng thiện, thế là tội nghiệp của bạn lúc trước đã gây tạo, có thể mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc, không mang nghiệp tương lai.

Tín tha, nghĩa là bạn tin đích thật có thế giới Tây phương Cực lạc, từ thế giới của chúng ta trải qua mười vạn ức cõi Phật xa như thế. Đây là khi chưa thành Phật, Ngài có tên là Tỳ kheo Pháp Tạng, từng phát nguyện, tương lai tạo thành một thế giới Cực lạc, mong muốn mười phương tất cả chúng sanh đều sanh về cõi nước của Ngài, không cần gì nhiều, chỉ cần xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì được về thế giới Tây phương Cực lạc, ngoài những việc khác ra đều phí công. Pháp tu này vừa dễ, vừa đơn giản, lại phương tiện, vừa viên dung, không phí tiền, không phí sức, có thể nói đây là pháp môn thù thắng, chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, đây chính là tín tha.

Lại phải tin nhân, tin Sao gọi là tin nhân quả? Bạn phải tin chính bạn trong quá khứ đã có căn lành, nay mới gặp pháp môn này, nếbạn không có căn lành, thì không gặp được pháp môn niệm Phật, cũng như không gặp được tất cả pháp môn của Phật. Bạn có căn lành, trong quá khứ đã gieo trồng nhân lành, nên nay gặp được pháp môn Tịnh độ mới có thể đầy đủ tín, nguyện. Nếu bạn chẳng tiếp tục vun bồi phát triển căn lành này, thì tương lai bạn chẳng có cơ hội để thành tựu quả vị giác ngộ, cho nên điều cần yếu bạn phải tin nhân, tin quả, bạn phải tin chính bạn ở trong đời quá khứ đã gieo có trồng nhân bồ đề, tương lai nhất định sẽ kết quả bồ đề. Giống như làm ruộng, khi gieo giống xuống cần phải chăm bón nó mới phát triển được.

Tin sự, tin lý. Sao gọi là tin sự? Sao gọi là tin lý? Bạn phải biết đức Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng ta rất lớn, Ngài nhất định trợ giúp chúng ta thành Phật, đây là sự. Tin lý, tại sao chúng ta và Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn? Nếu không có nhân duyên chúng ta không gặp được pháp môn Tịnh độ, Phật A Di Đà cũng chính là tất cả chúng sanh, chúng sanh cũng chính là Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là niệm Phật mà thành A Di Đà Phật, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cũng có thể thành Phật A Di Đà, đây là lý.

Rõ lý, tỏ sự như thế chúng ta nương vào đó mà tu hành, như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Đứng về phương diện tự tánh mà nói, chúng ta và đức Phật A Di Đà là một, cho nên chúng ta đều đủ tư cách để thành Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là Phật ở trong tâm chúng sanh, chúng sanh nào cũng là tâm của Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có sự có lý. Đạo lý này, bạn cần phải tin và phải thực hành, không làm biếng giải đãi, giống như niệm Phật, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, không phải ngày hôm nay lại kém hơn ngày hôm qua.

“TÍN” đã giảng xong, tiếp theo giảng “NGUYỆN”. Sao gọi là nguyện? Nguyện chính là ý nguyện, ý nguyện của bạn, ý niệm bạn hướng mạnh thì tâm tưởng của bạn cũng như thế, phát ra một nguyện. Một nguyện này, chính là tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Chư Phật trong quá khứ và các bậc Bồ tát, đều dựa vào tứ hoằng thệ nguyện này mà chứng quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, hiện tại chư Phật và chư Bồ tát vị lai cũng đều dựa vào tứ hoằng thệ nguyện này tu hành chứng quả. Nhưng khi phát nguyện, trước hết bạn phải có tín tâm này, trước phải tin “có thế giới Cực lạc”. Thứ hai là tin có “Phật A Di Đà”. Thứ ba là tin “ta và Phật A Di Đà nhất định có nhân duyên rất lớn, ta nhất định sẽ sanh về thế giới Cực lạc”. Vì có đầy đủ ba “Đức Tin” đó, sau mới phát nguyện sanh về thế giới Cực lạc. Cho nên mới nói “nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Ý nguyện của ta sanh về thế giới Cực lạc, không phải người nhà quyết định cho ta đi, cũng không phải người khác đến nắm tay dắt ta đi.

Tuy nói Phật A Di Đà đến tiếp rước ta, nhưng cái chính yếu là ý nguyện chính mình có muốn thân cận với Phật A Di Đà hay không? Ý nguyện sanh về thế giới Tây phương Cực lạc gặp Phật nghe pháp tu hành. Muốn thành tựu được “NGUYỆN” này, tiếp theo cần phải có “HÀNH”. Sao gọi là hành? “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật”…đó ! Giống như cứu lửa cháy đầu phải đi mau cho rồi, có người muốn hại đầu của ta, thì mình vội vã tìm cách bảo vệ cái đầu của mình, vậy chẳng dám giải đãi.

Niệm Phật tức là thực hành tín, nguyện, hạnh, đây chính là lộ phí là tư lương để đi đường, tư lương chính là lộ phí là tiền để chi dụng. Đến thế giới Cực lạc giống như đi du lịch, đi du lịch bạn cần phải có tem phiếu, có tiền.. Còn ba món tư lương “TÍN, NGUYỆN, HẠNH” này chính là ngân phiếu mình đi du lịch.

7 – THẾ GIỚI CỰC LẠC LÀ THÀNH TỰU CHO CHÍNH MÌNH:

Chúng ta bây giờ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” chính là mỗi người tự tạo thế giới Cực lạc cho chính mình, mỗi người tự trang nghiêm thế giới Cực lạc cho chính mình, mỗi người thành tựu thế giới cực lạc cho chính mình. Thế giới Cực lạc này không có cách xa mười vạn ức cõi Phật . Thế giới Cực lạc thật có cách xa mười vạn ức cõi Phật, tuy xa như thế nhưng không có cách xa một tâm niệm hiện tiền này của bạn và tôi. Bởi vì nó không ra khỏi tâm niệm của bạn và tôi, cho nên cũng không có cách xa mười vạn ức cõi Phật, chính là ở trong tâm của chúng ta.

Thế giới Cực lạc chính là chân tâm vốn có xưa nay của chúng ta, bạn nhận được chân tâm xưa nay của bạn thì sanh ở thế giới Cực lạc ở đây rồi. Bạn không rõ chân tâm xưa nay của mình thì không sanh về thế giới Cực lạc. A Di Đà Phật và chúng sanh chẳng phải hai. Cho nên chúng ta nói thế giới Cực lạc là không xa là thế, nhất niệm hồi quang biết cội gốc xưa nay là Phật, xưa nay chính là thế giới Cực lạc.

Chỉ cần bạn quét sạch tâm ô nhiễm của bạn đi, bạn không có tâm niệm tư dục, không có tâm đố kỵ, chướng ngại tâm, tâm tự tư, tâm ích kỷ, học hạnh Bồ tát làm lợi ích cho tất cả mọi người, giác ngộ vì tất cả chúng sanh, thế là cảnh thế giới Cực lạc xuất hiện. Bạn không có tạp niệm không có vọng tưởng, thế có phải là thế giới Cực lạc? Nếu chẳng phải là thế giới Cực lạc thì bạn nói đó là thế giới gì? Cho nên chẳng cần phải hướng ngoại tìm cầu.

Các bạn là thiện tri thức! Các bạn đều là bậc đại trí huệ, thông minh hơn tôi, tương lai các bạn thuyết pháp hay hơn tôi, chẳng qua bây giờ các bạn chưa hiểu hết tiếng Trung Quốc, tôi xin giới thiệu tặng cho các bạn bài ca:

Đại thánh chủ, A Di Đà
Đoan nghiêm vi diệu không gì bằng
Thất trân trì, hoa tứ sắc, dõng kim ba.

Đại thánh chủ này là ai vậy? A Di Đà, Ngài ngồi đó thân tướng đoan nghiêm, rất đẹp! Rất đoan nghiêm! Không gì đẹp bằng hảo tướng của Phật A Di Đà. Ao bảy báu này, cũng chính là “ao thất bảo” “hoa tứ sắc”, hoa sen trong ao có bốn màu sắc khác nhau. “Dõng kim ba” nước và sóng trong ao thất bảo đều là sắc vàng.

Chúng ta niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”, ở ao thất bảo bên thế giới Tây phương Cực lạc hoa sen đang từ từ nở ra. Trong ao đó có tám loại nước công đức. Chúng ta niệm Phật niệm càng nhiều thì hoa sen càng nở lớn ra, bạn niệm Phật mà niệm ít, thì hoa sen nhỏ. Bạn nói: “Nếu không niệm thì sao?” Nếu bạn không niệm, thì hoa sen khô héo và đi đến chết thôi. Cho nên bằng giá nào bạn cũng phải tranh thủ tu tập để thành tựu quả vị giải thoát cho chính mình.

8 – NIỆM PHẬT TAM MUỘI:

Tâm tịnh trăng hiện nước
Ý định trời không mây

Khi bạn niệm Phật đạt đến niệm Phật tam muội, bạn nghe tiếng gió thổi qua cũng là âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bạn nghe tiếng mưa rơi, cũng là âm thanh “Nam Mô A Di Đà Phật”, bạn nghe tất cả âm thanh, đều là tiếng niệm Phật đó! Cho nên nói “nước chảy, gió lay đều diễn nói kinh điển”. Tiếng nước chảy cũng là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Tiếng gió thổi cũng là “Nam Mô A Di Đà Phật”, nước chảy, gió thổi hết thảy đều là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Cho nên Tô Đông Pha nói: “Khê thanh tận thị quảng trường thiệt, sơn sắc vô phi thanh tịnh thân”, âm thanh của suối chảy, đều là tướng lưỡi rộng dài của Phật để diễn nói diệu Pháp, màu sắc dáng núi cũng đều là pháp thân thanh tịnh của Như lai, đây chính là đắc được niệm Phật tam muội. Lúc trước tôi có làm một bài kệ niệm Phật:

Năng niệm năng niệm vô gián đoạn
Niệm Di Đà đã thành phiến
Tạp niệm bất sanh đắc tam muội
Vãng sanh Tịnh độ định hữu phán
Chung nhật yểm phiền sa bà khổ
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn
Cầu sanh Tịnh độ ý niệm trọng
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.

Câu này nói: “Khẩu niệm năng niệm vô gián đoạn”, bạn niệm Phật niệm đến chỗ không gián đoạn, từ sáng cho đến tối chỉ âm thanh niệm Phật, không có thời gian ngừng nghỉ. “Khẩu niệm Di Đà đả thành phiến”, miệng luôn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thường niệm như thế, kết thành một phiến.

“Tạp niệm bất sanh đắc tam muội”, bạn không bị các vọng niệm loạn tưởng lăng xăng khác, đây chính là đạt đến định niệm Phật, người niệm Phật nên nhận ra chổ này. “Vãng sanh Tịnh độ định hữu phán”, hy vọng bạn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, nhất định đạt được!

“Chung nhật yểm phiền sa bà khổ”. Từ sáng đến tối nhàm chán những nỗi thống khổ ở thế giới Ta bà này. “Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn”. Bởi vì bạn biết ở thế giới Ta bà này là khổ, cho nên mau mau dứt bỏ những thú vui thế gian, khi các tâm niệm thế gian đoạn rồi, không còn tâm dâm dục, tâm thích đẹp ghét xấu cũng không có, tâm tranh danh, tâm đoạt lợi, buông bỏ tất cả các duyên thế gian xuống, phải thấy tất cả những thứ đó đều là giả, cho nên các niệm hồng trần đều đoạn dứt.

“Cầu sanh Tịnh độ ý niệm trọng”. Cầu sanh về thế giới Cực lạc ý niệm người đó vô cùng trọng yếu! “Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm”. Buông bỏ niệm ô nhiễm ngay từ niệm đầu, ngay đó được niệm thanh tịnh rồi.

Bài kệ nói rõ về đạo lý niệm Phật. Tám câu kệ này tuy rất ngắn gọn, nhưng bạn tư duy suy ngẫm, nhất là đối với người tu pháp môn niệm Phật sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều.

Khoá tu Phật thất, mỗi hôm niệm Phật để làm gì vậy? Đó là gieo chủng tử Phật. Bạn niệm một câu Phật hiệu thì gieo một hạt giống Phật, niệm mười câu Phật hiệu thì gieo mười hạt giống Phật. Chúng ta mỗi ngày niệm trăm ngàn vạn câu Phật hiệu, chính là gieo hàng trăm ngàn vạn hạt giống Phật như thế. Khi bạn gieo hạt giống đó xuống, tương lai nhất định sẽ nảy mầm. Bạn không cần niệm Phật là tán tâm hay định tâm. Có một câu kệ rất hay:

Thanh châu đầu ư trọc thủy
Trọc thủy bất đắc bất thanh
Niệm Phật nhập ư loạn tâm
Loạn tâm bất đắc bất Phật.

Có một hạt minh châu, xưa nay bỏ trong nước “trọc thủy bất đắc bất thanh”, dù nước đó đục thế nào đi nữa, cũng đều thanh tịnh trong sáng cả. Người trì danh hiệu Phật, cũng giống như hạt minh châu vậy, bỏ vào trong nước thì nước sẽ trong.

“Niệm Phật nhập ư loạn tâm”. Tâm của chúng ta xưa nay vọng động thô tháo, vọng tưởng dẫy đầy, vọng tưởng này sanh thì vọng tưởng kia đến. Đến đi, đi đến giống như sóng biển, không khi nào dừng. Thế khi một câu danh hiệu Phật đi vào tâm loạn động thì “tâm loạn cũng được thành Phật”. Đó bạn thấy loạn tâm như vậy mà cũng thành tâm Phật rồi, bởi vì bạn niệm một tiếng Phật thì trong tâm bạn có một vị Phật, bạn niệm mười tiếng Phật thì có mười vị Phật, niệm trăm tiếng, ngàn tiếng, vạn tiếng niệm càng nhiều thì càng nhanh thành Phật. Bạn niệm một tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật” trong tâm có một người niệm Phật. Bạn niệm Phật, Phật cũng niệm bạn, cũng giống như máy vô tuyến điện, bạn niệm một câu A Di Đà Phật thì máy vô tuyến sẽ thâu âm và phát đi, vậy gọi là cảm ứng đạo giao.

Qua bài kệ vừa rồi chúng ta thấy người niệm Phật được công đức không thể nghĩ bàn, dù niệm mà vọng tưởng vẫn còn nhưng vẫn thành tựu được công đức từ nơi tự tánh của họ.

Pháp môn được các Bồ tát hoan hỷ

Tâm của bạn như thế nào? Nó rất bận rộn đủ thứ chuyện vui buồn từ sáng cho đến tối, không lúc nào dừng nghỉ. Cho nên tâm này của chúng ta nếu chẳng cho nó một điều kiện gì thì nó chẳng có tự tại được, vì vậy phải tìm cho nó một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Một câu danh hiệu Phật cũng chính là tham thiền, bạn chẳng cần phải ngồi chỗ nào cả, chỉ cần nhắm mắt niệm Phật như thế cũng chính là tham thiền. Hoặc bạn mở mắt ra niệm Phật cũng là tham thiền. “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói năng động tịnh thể an nhiên”. Tất cả bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi là tham thiền cả. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ nói một bài kệ trong Tứ liệu giản:

Có Thiền có Tịnh độ
Giống như cọp mọc sừng
Hiện đời là thầy người
Tương lai làm Phật tổ
Có Thiền không Tịnh độ
Mười người tu chín người lạc
Không Thiền có Tịnh độ
Vạn người tu vạn người được.

Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn rất dễ tu, trong quá khứ được chư Bồ tát ca ngợi tán thán pháp môn Tịnh độ.

Bồ tát Văn Thù cũng tán thán pháp môn niệm Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm – phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, Bồ tát Phổ Hiền cùng mười phương chúng sanh đồng nguyện vãng sanh Tịnh Độ và Bồ tát Quán Thế Âm cũng niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Nếu có vị nào nghe qua bộ kinh Lăng Nghiêm đều biết “Bồ tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông” nói người tu pháp môn niệm Phật vô cùng tốt. Cho nên Bồ tát Đại Thế Chí cũng tán thán pháp môn niệm Phật.

Ở trong quá khứ tất cả chư đại Bồ tát đều tán thán pháp môn Tịnh độ, chuyên tu pháp môn Tịnh độ, tất cả chư tổ trong quá khứ trước tiên tham thiền, sau lại niệm Phật, sau khi tham thiền khai ngộ rồi thì lại chuyên tâm niệm Phật. Giống như ngài Vĩnh Minh Diên Thọ niệm một câu A Di Đà Phật thì hiện ra một hoá thân của Phật A Di Đà. Thời cận Đại sư Ấn Quang chuyên xuyển dương pháp môn niệm Phật.

Cho nên pháp môn niệm Phật là pháp môn phương tiện bậc nhất, đơn giản, rất dễ tu, người hành trì pháp môn này rất là viên dung. Pháp môn này mười phương chư Phật đồng ca ngợi tán thán, bạn xem bản kinh Di Đà nói mười phương chư Phật có tướng lưỡi rộng dài, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới đều ca ngợi tán thán pháp môn này. Nếu như nói không chân thật thì mười phương chư Phật làm sao ca ngợi tán thán chứ? Do vậy, đủ chứng minh người tu pháp môn niệm Phật vô cùng thù thắng, đặc biệt vào thời mạt pháp này, mọi người chúng ta phải nên tu theo.

Thế nhưng hiện giờ ở Tây phương là thời đại chánh pháp, các bạn không tu pháp môn niệm Phật, thế các bạn lại tham thiền, chẳng sợ khổ!

Đến Tây phương liễu sanh thoát tử

Trì danh niệm Phật là một pháp môn tu tập vô cùng quan trọng trong thời kỳ mạt pháp, cho nên hiện nay rất nhiều người tu tập và hành trì vào pháp môn niệm Phật.

Nếu bạn xem thường pháp môn niệm Phật thì hãy xem ngài Đại sư Vinh Mĩnh Diên Thọ niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật” thì từ trong miệng bay ra một hoá thân Phật. Người thời đó ai cũng đều biết cả, cho nên công đức niệm Phật không thể nói hết được. Khi bạn niệm một câu Phật hiệu thì bạn lại phóng quang. A! Phóng một ánh hào quang, yêu ma quỷ quái đều bỏ chạy. Công đức và oai lực của việc niệm Phật là như thế không nói hết được.

Pháp môn niệm Phật, bạn chẳng cần trông mong đạt đến điều chân thật hay không chân thật khi tu. Chân hay giả điều quan trọng bạn dụng công tu là tốt rồi thì tự nhiên biến thành chân, nếu dụng công không tốt thì biến thành giả. Chẳng những pháp môn niệm Phật là như thế mà tất cả pháp khác cũng như vậy. Nên nói: “Người tà hành chánh pháp, chánh pháp trở thành tà, người chân chánh tu pháp tà pháp cũng trở thành chánh” . Đây hoàn toàn là do người.

Chúng ta bây giờ khi tu tập dụng công lễ Phật nên quán tưởng, quán tưởng cái gì? Quán tưởng thân thể này của chúng ta biến khắp mười phương vô lượng quốc độ cõi nước chư Phật, ở trong cõi nước Phật gặp mặt Phật chúng ta đến trước đảnh lễ. Bạn có thể quán tưởng pháp giới, thân thể của bạn cũng chính là pháp giới, rộng lớn như thế cho nên mới nói:

Nếu người muốn biết rõ
Chư Phật trong ba đời
Nên quán pháp giới tánh
Tất cả do tâm tạo

Pháp môn niệm Phật là pháp môn rất dễ hành trì tu tập, mọi người ai cũng tu được pháp môn này. Chỉ cần bạn niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, tương lai khi đến lúc lâm chung bạn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, hoá sanh trong hoa sen, mỗi ngày nghe Phật A Di Đà nói pháp, tương lai thành Phật.

Xưa nay thường nói niệm Phật khi lâm chung thì vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, còn hiện tại chúng ta chưa chết, thế bây giờ chúng ta niệm Phật để làm cái gì? Đúng không! Nhưng để có lợi ích khi chết thì khi sống bạn phải cần lo vun bồi trước. Giống như bạn trồng loại cây ăn quả, muốn thu hoạch kết quả thì bây giờ phải tốn thời gian ít năm chúng ta chăm bón thì cây mới phát triển được. Sự phát triển đó nó phải theo thời gian mỗi mỗi hôm mới cao dần. Niệm Phật cũng như thế, bạn bây giờ niệm Phật, đợi khi lâm chung mới không bị các bệnh thống khổ, không bị tâm tham, sân, si làm bấn loạn, nhất tâm niệm Phật thì Phật A Di Đà đến tiếp dẫn bạn đi. Bây giờ nếu bạn không niệm Phật, đến khi lâm chung tứ đại phân ly, khi ấy bạn muốn niệm Phật cũng không niệm được, trừ khi có bậc thiện tri thức đến trợ giúp cho bạn, nhắc nhở bạn, bảo bạn niệm Phật. Cho nên lúc còn sống, mỗi hôm niệm Phật, niệm được niệm Phật tam muội, kết thành một mảng, đến khi lâm chung tự nhiên niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật” thì chẳng bao giờ quên câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi bạn không quên câu “Nam Mô A Di Đà Phật” thì Phật A Di Đà cũng không quên bạn, chúng ta nương vào đại nguyện của Phật A Di Đà thì Ngài dùng kim đài đến tiếp dẫn bạn vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc.

Bạn niệm Phật, tôi niệm Phật, bạn và tôi niệm Phật làm gì đây?

Liễu sanh tử, chuyển Ta bà mỗi nơi thành cõi Phật

Không bạn không tôi có gì nào? Tịnh quán vạn vật đều rõ ràng

Phá vô minh dứt phiền não, vượt ba cõi qua bể ái hà.

Vì sao bạn niệm Phật? Tại sao tôi niệm Phật? Bạn nói đi! Người thiếu hiểu biết thì nói rằng: “Cầu Phật giúp con, ngày mai ăn uống cho tốt”. Có người vừa niệm vừa nói rằng: “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật”, xin Ngài giúp con khỏi lạnh khỏi rét!” Có người niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, cho con tránh khỏi những phiền não, mọi việc đều cát tường như ý, bình an hạnh phúc”. Có người niệm Phật để cầu sung sướng trong hiện tại. Tuy có nhiều loại chẳng giống nhau, nhưng cái chính yếu chẳng phải cầu những việc đó, thế niệm Phật cầu chuyện gì? Đó là cầu “liễu sanh tử” thôi!

Người “liễu sanh tử” thì sống an vui tự tại. Còn các bạn chẳng “liễu sanh tử” thì vào ra hợp với sanh tử. Khi sống không biết được chính mình; không làm chủ mình khi sống và khi chết. Vậy làm sao làm chủ được đây? Nghĩa là bạn làm chủ được lúc sống, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Bạn thích sống lâu muốn trường thọ thì mỗi ngày chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, như thế mỗi ngày thọ mạng ta sẽ tăng lên, mạnh khoẻ lên. Ta muốn chết thì niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, thì Đức A Di Đà Phật đến đón ta về thế giới Tây phương Cực lạc. Được như thế thì thân không bệnh, tâm không tham luyến, tâm không tham những gì cả, ý không điên đảo, đây là nói ý cũng không điên đảo, giống như nhập vào thiền định, như thế mới sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Quý vị chú ý vấn đề này.

“Hoá Ta bà”. Chuyển hoá thế giới Ta bà thành thế giới Cực lạc, không còn sự đau khổ mà được tất cả sự an vui. Cho nên nói: “Nơi nơi dều là cõi Phật A Di Đà”. Nơi nào cũng đều là thế giới Cực lạc, không còn thế giới đau khổ phiền não nữa, nơi đâu cũng A Di Đà Phật.

“Không bạn, không tôi”. Bạn niệm Phật niệm đến không còn thấy bạn niệm, không có tôi niệm, không có thấy đối tượng là “Phật” để bạn niệm. Tại sao nói không có? “Ồ! Như thế rất nguy hiểm rồi! Niệm phải được chứ sao nói không có; thế là không xong rồi?” Chỉ sợ bạn không xong, nếu bạn xong rồi thì giải thoát rồi. Bạn không xong, nên chẳng được gì hết. Nếu bạn xong rồi thì sao? “Tịnh quán vạn vật đều liễu rõ”. Tất cả vạn vật thế gian bạn đều thấu hiểu rõ ràng, thậm chí loại chim nào màu gì, cây tùng sao lại mọc thẳng… bạn đều rõ biết hết.

Lúc này, bạn biết rõ hết rồi thì phiền não dứt sạch, vô minh phá hết. “Nhảy ra khỏi tam giới vượt khỏi biển ái bao la”. Bạn nhảy ra khỏi sông ái bao la là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Người ở trong trong tam giới như thế nào ? Giống như bị trôi theo giòng sông mênh mông rộng lớn ! Điên đảo, bạn nói yêu tôi, tôi nói yêu bạn, tình ái đến đi, chết rồi mà chẳng biết tỉnh ngộ, đến rồi đi rồi lại gặp lại trong vòng lưới ái, cuối cùng không ra khỏi.

Có người nói: “Thế tôi chẳng muốn nhảy ra sông ái”. Thế bạn đợi khi nào nhảy ra đây? Bạn muốn ở lại trong tương lai sao? Bạn sống nơi này rồi chết, chết rồi lại sanh ra nơi khác, cứ thế, sanh rồi tử lẩn quẫn trong vòng luân hồi, sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết, cho nên phải nhanh đi, nhanh nhảy đi, nhảy qua khỏi sông mê biển ái, nếu không nhảy qua thì chết chìm rồi ! Thật chết chìm rồi ! Người chết chìm sẽ như thế nào? Thì bị đoạ lạc đến cùng cực, tánh linh mất rồi hoặc biến thành những loại côn trùng nhỏ, như sâu, giun, dế… Trí huệ cạn cợt, phước báu không có, loài súc sanh như thế rất dễ sống và rất dễ chết. Nên nói “sống chẳng ra sống, chết chẳng ra chết”.

Thế bạn rõ biết về thế giới Ta bà này,vạn sự vạn vật đều không có nhất định luôn chuyển biến liên tục. Nếu bạn nói thế giới này là cố định thì chuyện đó không đúng. Bởi vì thế giới này là vô thường không bền chắc. Do không hiểu điều này nên xưa nay không đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Nay hiểu ra rồi thì ngay bây giờ chỉ cần bạn niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thế là bạn và mọi người ai ai cũng đủ tư cách về thế giới Tây phương Cực lạc. Điều quan trọng là bạn niệm hay không niệm. Bạn niệm dù hiện tại có khó khăn, chướng ngại bạn cũng quyết tâm làm cho được, thế là việc khó làm mà bạn làm được, ngay đó thế giới Tây phương sẽ rất gần với bạn. Nếu bạn không niệm thì sao? Thì chẳng đến được. Chỉ cần bạn nhất niệm thì là sanh rồi; không niệm thì hợp với tử, thế là chẳng thành tựu được rồi. Nên biết các pháp ở thế gian này là không thật là không cố định.

Kinh Kim Cang nói: “Không có định pháp gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề” . Đây là nói đến chỗ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chính ta phải phát đại tâm dõng mãnh, chẳng sợ khổ, sợ khó, mỏi mệt, đói khát, dõng mãnh hướng tới trước, nhanh về thế giới Tây phương Cực lạc mới thôi. Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” đây mới là chân thật. Chúng ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mới giúp chúng ta liễu thoát sanh tử.

BỒ TÁT ĐẠI THẾ CHÍ NIỆM PHẬT VIÊN THÔNG

Lúc A Di Đà Phật còn là Chuyển Luân Thánh Vương, Ngài Bồ tát Quán Thế Âm là con trưởng, Bồ tát Đại Thế Chí là con kế. Hai vị đại Bồ tát này hiện đang ở thế giới Cực lạc đứng hai bên trái phải để phụ trợ cùng Phật A Di Đà cứu độ chúng sanh. Sau khi đức Phật A Di Đà nhập Niết bàn, chánh pháp trụ ở đời trải qua vô lượng kiếp, đến nữa đêm sau khi Phật A Di Đà nhập diệt, Bồ tát Quán Thế Âm lại thành Phật. Tên là “Phổ Quang Công Đức Sơn Như Lai”. Chánh pháp trải qua vô lượng kiếp thì vào nữa đêm ngài nhập Niết bàn, thì cũng nữa đêm đó Bồ tát Đại Thế Chí lại thành Phật, tên là “Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai”.

Bồ tát Đại Thế Chí tu pháp môn niệm Phật chỉ một câu Phật hiệu mà nhiếp thâu “sáu căn” nên đưa đến giác ngộ. Từ niệm Phật đến khi chứng đạo phải trải qua năm mươi hai giai đoạn là thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, rồi đến đẳng giác, diệu giác, cho nên Bồ tát Đại Thế Chí cùng với năm mươi hai vị bồ tát cũng là đại biểu năm mươi hai giai đoạn.

Trong chương “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông”, Bồ tát Đại Thế Chí nói: “Ta nhớ lại trong vô lượng kiếp trước, có Phật ra đời tên là Vô Lượng Quang ,Vô Biên Quang, Vô Ngại Quang Phật, Diệm Vương Quang Phật, Thanh Tịnh Quang Phật, Hoan Hỷ Quang Phật, Trí Huệ Quang Phật, Bất Đoạn Quang Phật, Nan Tư Quang Phật, Vô Xưng Quang Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật. Trong kiếp đầu tiếp nối mười hai vị Phật ra đời, vị Phật sau cùng là là Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang, dạy ta niệm pháp môn niệm Phật, ta nhập vào chánh định, nên gọi là niệm Phật tam muội”.

Pháp môn niệm Phật có hai hạng người, một là hạng chuyên nhớ niệm, một người chuyên quên, hai hạng người này cũng từng gặp qua rồi. Một người chuyên niệm là chỉ cho Phật, một người chuyên quên là chỉ cho phàm phu. Phật thì luôn thương nhớ chúng sanh, chúng sanh thì thường quên Phật, nghĩ đến Phật thì hay biết mấy, nhưng ngặt nỗi là ở đâu họ cũng quên, không có tâm thanh tịnh tâm giác ngộ.

Phật vì sao lại nhớ đến chúng sanh chứ? Bởi vì Phật biết tất cả chúng sanh trong quá khứ là cha mẹ mình, vị lai là thành Phật và cùng chư Phật hiện tại đồng một thể giác ngộ bình đẳng, cho nên nói “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật” -đây là chỗ vĩ đại của Phật giáo cũng là giáo nghĩa tối cao của Phật giáo. Phật giáo nói năm giới, cấm sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu chính là thương yêu bảo hộ tất cả chúng sanh, chuyển hoá chúng sanh bỏ mê sớm trở về nhà, nhưng tất cả chúng sanh khi sanh đến thế giới này thì bỏ gốc theo ngọn, quay lưng với tánh giác của mình làm những điều hợp với trần tục, nhận giả làm chân, ngay cả quê hương chính mình, quên tất cả; kể cả chư Phật, Bồ tát, cha mẹ hiền tư, cũng quên hết. Tu pháp môn niệm Phật có bốn cách như sau: một là trì danh niệm Phật, hai là quán tượng niệm Phật, ba là quán tưởng niệm Phật, bốn là thật tướng niệm Phật. Chỉ sợ người không đủ đức hạnh, không đủ đạo tâm, chỉ niệm Phật có khi bị cảnh giới ma. Như hồi tôi gặp một trường hợp tại Hồng Kông, có một vị xuất gia ở chùa Từ Hưng, tu “Ban chu tam muội” là thường hành tam muội và ở trong phòng như thế đến chín mươi ngày, chẳng ngồi, chẳng nằm chỉ đứng và đi mà thôi. Có một hôm, tôi nghe ông ta niệm càng lúc tiếng càng lớn rồi chạy càng nhanh, tôi thấy hơi kỳ lạ, lại ghé mắt nhìn vào phòng xem thử. Thì ra chính vị tỳ kheo này đời trước là một con trâu, có công cày ruộng ở chùa nên khi chết mới đầu thai lại làm thân người xuất gia tu đạo. Nhưng tánh trâu chưa hết tập khí cũ còn như xưa, cang cường khó điều phục, nhưng do ông ta tu pháp Ban chu tam muội có thể dứt trừ tập khí xấu ác đó đi, nhưng đạo đức chưa đủ, định lực chưa kiên cố nên lạc vào cảnh giới ma. Ông ta thấy đức Phật A Di Đà đến ông ta liền chạy đến chỗ Phật quỳ, nhưng thật tế Phật sao lại quỳ trước mặt ông ta chứ? Chỉ là một con trâu nước biến ra Phật A Di Đà để đến dắt ông ta đi, sau khi tôi đến la lên thì ông mới tĩnh ngộ và trở lại bình thường.

Nếu như hai người cùng nhau nhớ niệm, mọi người cùng nhau chí thiết nhớ niệm, chẳng có buông lơi, chẳng thất niệm thì đời theo nhau như bóng với hình, không bao giờ rời xa được. Mọi người ai cũng không quên Phật thì ngay đời này có thể gặp Phật và sau khi vãng sanh thường gần Phật nghe pháp tu tập chẳng bao lâu sẽ thành quả vị giác ngộ. Mười phương chư Phật ngày đêm thương xót hộ trì cho tất cả chúng sanh, giống như mẹ luôn nhớ nghĩ đến con, nếu như con không nghe lời cha mẹ, bỏ đi không trở về nhà để cha mẹ ngày đêm trông đợi nhớ thương; khi con nhớ nghĩ đến cha mẹ khẩn thiết như thế mọi người trong gia đình mới gặp nhau đoàn tụ được

Nếu như tất cả chúng sanh trong tâm lúc nào cũng nghĩ đến Phật, nhớ đến Phật, dù bây giờ chẳng thấy Phật, nhưng tương lai nhất định cũng gặp Phật. Bởi vì chúng ta cách Phật quá xa mà không niệm Phật thì càng xa cách hơn nữa. Người tu pháp môn niệm Phật chẳng phải nhọc công tốn sức phương cách gì nhiều, hoặc bí quyết gì cả, chỉ cần chuyên tâm niệm Phật khi tâm hành giả và tâm Phật tương ứng thì trí huệ phát sanh giải thoát tự tại.

Như người đốt hương lên thì trên thân thể cũng có mùi hương, người niệm Phật cũng thế khi đốt hương Phật hiệu lên thì tương ưng với pháp thân và trí huệ của Phật, tánh giác nơi tự tâm hiển lộ Phật tánh, nên nói “Hương Quang Trang Nghiêm”.

Bồ tát Đại Thế Chí nói: “Khi ta mới phát tâm tu, chuyên lòng niệm Phật, tâm tâm tương tiếp, không có gián đoạn nên chứng nhập vào vô sinh pháp nhẫn. Hiện bây giờ trở lại thế giới Ta bà này, hay thường gia hộ và nhiếp thọ những ai chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc. Bây giờ Phật hỏi về pháp môn viên thông, con chẳng chọn những gì khác, chỉ chuyên thâu nhiếp thân tâm, không bị các duyên trần xoay chuyển, tinh tấn thâu nhiếp sáu căn không bị khởi bởi các duyên trần”.

Tịnh niệm chính là không khởi các vọng niệm, chỉ nhất tâm niệm Phật, không có niệm gì khác. Niệm niệm tương tục, không có gián đoạn, niệm Phật niệm đến niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, mỗi niệm chẳng có rời tịnh niệm, tâm tâm tương ưng với tâm Phật, chính là “tức tâm tức Phật, tức Phật là tâm” tâm Phật nhất như mà đắc thành chánh định. Cho nên tôi nói pháp môn “niệm Phật” là đệ nhất.

HOA KHAI KIẾN PHẬT NGỘ VÔ SANH

Người nào từng tụng kinh, thọ trì biên chép mười lời đại nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, thì có thể thấy mình khi sanh về thế giới Tây phương Cực lạc ở trong hoa sen.

Thế giới Tây phương Tịnh độ chỉ có người nam không có người nữ. Người sanh về đó đều hoá sanh trong hoa sen, hoa nở thấy Phật, tức liền được Phật A Di Đà thọ ký, cho đến khi thành Phật. Sau khi thọ ký, trải qua vô lượng na do tha trong trăm ngàn vạn kiếp, đến mười phương thế giới chẳng tính được thì tự mình thành tựu trí huệ, tâm tuỳ thuận chúng sanh làm lợi ích vô số chúng sanh. Người này ngồi ở toà Bồ đề đạo tràng hàng phục thiên ma và ma quân ngoại đạo, thành Phật, chuyển diệu pháp luân, giáo hoá chúng sanh, có thể khiến cho tất cả chúng sanh nhiều như số vi trần ở trong các thế giới phát tâm bồ đề, tuỳ theo căn tánh của các chúng sanh, dùng phương tiện quyền xảo để giáo hoá họ. Khi căn tánh của họ thành thục, trải qua nhiều kiếp làm lợi ích tất cả chúng sanh.

Người nam tu thiện và chúng sanh nào có thọ trì đọc tụng “Phổ Hiền Hạnh Nguyện” hoặc nghe được mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền, hoặc tin tưởng mười đại nguyện vương này, tâm ưa thích, thân thọ trì, đối trứơc tượng đọc tụng thọ trì, hoặc nói cho người khác nghe về mười đại nguyện này, công đức đó không thể nói hết được, chỉ có Phật và các bậc Bồ tát La hán mới biết công đức họ nhiều hay ít mà thôi. Khi các bạn gặp được mười đại nguyện vương của Bồ tát Phổ Hiền thì không nên khởi tâm nghi hoặc. Nên nói:

Tâm người tu đạo chớ nghi
Nghi tâm sanh khởi dễ đi đường tà

Người tu đạo, khi nghe những lời của Phật và các bậc Tổ sư giảng nói chớ có sanh tâm nghi ngờ, bạn có tâm nghi ngờ thì dễ rơi vào đường tà, nên tin tưởng và chân thật thọ trì, lắng lòng tiếp nhận đạo lý, sau đó chí thành thọ trì như thọ trì mười đại nguyện vương. Tụng lâu rồi, càng thông hiểu, sau khi trì tụng mười đại nguyện vương, phát tâm biên chép ấn tống, hoặc giảng nói cho người khác nghe mười đại nguyện vương này.

Mọi người mà hành trì như thế, chuyên tâm trong một thời gian ngắn thì nguyện lực tu hành và công đức đều thành tựu. Người nào trì tụng Phổ Hiền Hạnh Nguyện được phước nhiều vô lượng vô biên, ở trong biển khổ cứu độ tất cả chúng sanh khiến họ được an vui lợi lạc, giúp họ thoát khỏi biển khổ sanh tử khổ đau, đạt đến Niết bàn giải thoát và được vãng sanh về thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà.

“A Di Đà Phật” chỉ có bốn chữ, nhưng bao quát tất cả Phật pháp. Mỗi bộ kinh do đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, đều có người thưa thỉnh, chỉ riêng kinh A Di Đà là không người thưa thỉnh, không ai hỏi mà chỉ tự Phật nói. Tại sao không có người thưa hỏi? Bởi vì không có người hiểu rõ pháp này. Pháp môn Tịnh độ chúng ta thấy rất đơn giản, nhưng thật tế có bốn chữ “A Di Đà Phật” bao quát tất cả tam tạng kinh điển, mười hai bộ kinh.

Mười năm về trước tôi chuyên niệm Phật có sự cảm ứng, nên làm ra một bài kệ:

A Di Đà Phật vạn pháp vương
Ngũ thời bát giáo tận hàm tàng
Hành nhân đản nhân chuyên trì tụng
Tất chí tịch quang bất động tràng.

“A Di Đà Phật” là chỉ câu Phật hiệu, nếu bạn chuyên tâm trì niệm câu Phật hiệu đó thì tất cả các pháp bạn đều thông hiểu rõ ràng, cho nên nói “A Di Đà Phật vạn pháp vương”. “Ngũ thời” là thời Hoa nghiêm, thời A hàm, thời Phương đẳng, thời Bát nhã, thời Pháp hoa, Niết bàn. “Bát giáo” là Tạng, Thông, Biệt, Viên, Đốn, Tiệm, Bí mật, Bất định giáo. Ngũ thời, bát giáo đều bao hàm trong bốn chữ “A Di Đà Phật”, cho nên người tu chỉ cần chuyên tâm trì niệm câu danh hiệu A Di Đà Phật, nhất định đạt được thường tịch quang tịnh độ trong đạo tràng bất động.

Có số người nhận định sai lệch rằng: “Công phu niệm Phật là giành cho ông già bà lão, không phải của người trí thức”. Đây là hiểu một cách sai lầm. Niệm “A Di Đà Phật” pháp môn này, người trí thức cũng tu được, ngu si cũng tu được, nói tóm lại pháp môn này giành cho ba hạng người ai cũng tu được đó là hạnh thượng căn, trung căn, và hạ căn.

Vì sao chúng ta phải niệm A Di Đà Phật chứ? Bởi vì chúng sanh ở thế giới Ta bà rất có duyên với Bồ tát Quán Thế Âm. Bồ tát Quán Thế Am ứng hiện ba mươi hai thân để cứu độ họ. Còn đức Phật A Di Đà lại càng có nhân duyên thù thắng, bởi vì đức Phật A Di Đà là thầy của Bồ tát Quán Thế Âm, là giáo chủ ở thế giới Cực lạc. Khi xưa, lúc chưa thành Phật A Di Đà, Ngài tên là Tỳ kheo Pháp Tạng, từng phát ra 48 lời nguyện, mỗi nguyện đều tiếp dẫn chúng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc mới nguyện thành Phật.

Thế giới Cực lạc chỉ có người nam, vì người ở đó đều hoá sinh từ hoa sen ra, người sinh về thế giới Cực lạc, trước hết thác sinh đầu thai vào hoa sen. Chúng ta nhất tâm niệm Phật thì hoa sen bên cực lạc sẽ lớn từ từ, niệm một câu Phật hiệu, hoa sen từ từ nở ra, niệm nhiều câu Phật hiệu thì càng lớn ra, đến lúc bằng bánh xe chuyển luân. Khi lâm chung, đức A Di Đà Phật hiện thân đến tiếp dẫn chúng ta về thế giới Tây phương Cực lạc. Tánh linh chúng ta ở trong nhụy hoa sen, khi hoa sen nở ra tức thời pháp thân hiện bày, cho nên nói “hoa nở thấy Phật” khi hoa sen nở ra thì sẽ ra một vị Phật tương lai.

Thế giới Cực lạc cách thế thế giới Ta bà qua mười vạn ức cõi Phật, người ở thế giới Cực lạc đều từ hoa sen hoá sanh, cho nên nói: “Nguyện sinh tây phương Tịnh độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu”. Tất cả chúng sanh niệm “ A Di Đà Phật” thì sẽ sinh về thế giới Tây phương Cực lạc. Phật A Di Đà từng phát nguyện: “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, nếu xưng danh hiệu tôi, đều sinh về nước của tôi, hoá sinh trong hoa sen, được quả vị vô thương chánh đẳng chánh giác”. Do vậy, người nào ở thế giới Ta bà xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, khi lâm chung thì Phật A Di Đà đến tiếp dẫn người này vãng sinh Tây phương Tịnh độ.

Thập phương tam thế Phật
A Di Đà đệ nhất
Cửu phẩm độ chúng sanh
Uy đức vô cùng cực.

Khi vào thời mạt pháp, Phật pháp dần đi đến hủy diệt, tất cả kinh điển dần biến mất, vì sao vậy? Vì chúng sanh thiếu phước báu, tội nghiệp sâu nặng, không có nhân duyên để xem kinh điển, chẳng cần phải nói tương lai, hiện bây giời có số người không có mắt, tay, và các bệnh tật nên một chữ trong kinh cũng không thấy, thật là nghiệp chướng làm cho chướng ngại, đây chính là mạt pháp, người có mắt mà không thấy và hiểu Phật pháp rõ ràng.

Vào thời mạt pháp các kinh điển lần huỷ diệt hết, đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, sau đó đến các kinh điển khác và sau cùng là kinh A Di Đà. Bộ kinh A Di Đà này, sẽ trụ ở đời hơn một trăm nay để độ tất cả chúng sinh. Đến hết thời gian đó, kinh A Di Đà cũng diệt mất, chỉ còn câu hồng danh sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” trụ ở đời một trăm năm nữa để độ tất cả chúng sinh. Qua một thời gian chỉ còn lại câu hồng danh bốn chữ “A Di Đà Phật” lại trụ ở đời một trăm năm nữa độ thoát vô số chúng sinh, cuối cùng bốn chữ “A Di Đà Phật” cũng diệt mất luôn. Phật pháp đến lúc này có thể nói là hoàn toàn hủy diệt.

Kinh A Di Đà, chẳng ai thưa hỏi mà tự Phật nói ra, bởi vì bộ kinh này vô cùng quan trọng. Chúng ta là người học Phật có duyên gặp được pháp môn này chớ có xem thường bỏ qua. Người tham thiền, tham câu “niệm Phật là ai”, đủ thấy trong quá khứ chúng ta đều có niệm Phật qua, mới biết tham thiền “niệm Phật là ai”. Nếu như không có niệm Phật qua mà tham câu “niệm Phật là ai”, căn bản bạn chưa từng niệm Phật thì ai niệm Phật đây? Bạn là người chưa từng niệm Phật thì làm sao có thể nói “niệm Phật là ai”, do câu thoại đầu “niệm Phật là ai” thì đủ biết trong quá khứ mỗi chúng ta trong đây ai nấy cũng từng niệm Phật qua rồi, chẳng qua niệm nhiều hay ít mà thôi có thành tâm niệm hay lúc niệm lúc không mà thôi. Mọi người chúng ta siêng năng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc, thế giới này có vô lượng chúng sinh vui hưởng đầy đủ khoái lạc.

NGƯỜI NIỆM PHẬT CHÍNH LÀ PHẬT.

Rất nhiều người cho rằng pháp môn niệm Phật không rõ ràng, hoặc có người thiếu niềm tin dù họ có niệm thì cũng niệm qua loa không mấy tha thiết. Tham thiền cũng chính là niệm Phật, niệm Phật cũng chính là tham thiền, người hiểu tham thiền mới là người hiểu niệm Phật, người hiểu niệm Phật mới là người tham thiền. Tham thiền là tức thân là Phật, có thể ngay mình cũng quên luôn, thậm chí ngay Phật cũng quên, bởi vì họ tự hỏi “niệm Phật là ai”.

Người niệm Phật nhất định họ có cơ duyên sẽ thành Phật, tâm tâm niệm niệm lúc nào cũng nghĩ đến Phật, cuối cùng nhất định sẽ thành Phật. Người tham thiền lại nói cái “chẳng được” chính là Phật, bởi vì tham thiền là tìm Phật, chẳng chịu nhận mình là Phật, tham “niệm Phật là ai” tìm đến tìm lui chính là hướng ngoại rồi.

Niệm Phật chính là trở về với Phật, trở về với tâm của chính mình, chẳng cần hướng ngoại mà tìm, niệm Phật chính là hoà Phật thành một phiến, nhất định vãng sinh về Tây phương Cực lạc. Bạn niệm Phật thì Phật niệm lại bạn, kết quả là thành Phật rồi, các bạn khỏi cần phải nghiên cứu tìm tòi chỉ chuyên niệm Phật cho tốt là được. Tham thiền cũng rất tốt, nhưng tham thiền cần phải chịu khổ, thứ nhất cần phải chịu đau chân mỏi gối, thứ hai mỗi giờ khắc phải xem coi lại chính mình quét sạch các vọng tưởng, tham thiền khó hơn niệm Phật, niệm Phật dễ hơn, các bạn chưa thấy sự vi diệu thù thắng của việc niệm Phật.

Tôi nói với các bạn một câu rất chân thành, tôi làm mọi việc mà tâm luôn hoan hỷ là nhờ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Khi tôi ngủ tôi cũng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, ở trong mộng cũng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, khi đứng cũng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Bất cứ lúc nào cũng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” bởi vì A Di Đà Phật hoà với tôi lại thành một.

BÌNH THƯỜNG NIỆM PHẬT ĐƯỢC DUYÊN LÀNH

Nếu như bạn chỉ nghĩ khi lâm chung niệm Phật thì sanh tâm lành, chẳng có dễ dàng như thế đâu. Khi người lâm chung thì ba loại hơi ấm, khí, thức đoạn rồi thì tiếp tục đi qua một cảnh giới khác chuẩn bị cho đời sống tiếp theo và chính ba loại hoả, khí, thức này hợp thành một mạng căn và ba loại này dứt thì sẽ dứt một mạng căn.

Cho nên nói: “Chim sắp chết, tiếng kêu của nó rất bi ai, người sắp chết lời nói của họ nghe rất hiền”. Người sắp lâm chung cũng thế trông rất tội nghiệp nếu ngay lúc đó tâm họ sinh khởi những thiện tâm trong một đời họ đã làm việc gì cho mọi người cho chính mình, việc gì đúng, việc gì sai, đều hiển hiện rõ ràng. Nếu người nào khi sống làm những việc không tốt lúc hấp hối lại phát khởi tâm sám hối một cách tha thiết và chỉ cần nghe một danh hiệu Phật, một danh hiệu của Bồ tát, hoặc một danh hiệu của một vị Bích chi Phật thì tất cả tội lỗi dù có vô lượng cũng đều tiêu diệt. Sinh khởi căn lành vô lượng ngay lúc đó. Cho nên lúc lâm chung là điều rất quan trọng vì quyết định cuộc sống đời sau hạnh phúc hay đau khổ. Nhưng được điều tốt cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng khi phát ra tâm lành này để sanh về các cảnh giới lành nếu thiếu những nhân duyên tốt.

Vì sao bình thường chúng ta cần phải niệm Phật? Chính là chuẩn bị khi lâm chung không bị quên câu Phật hiệu, vì khi bình thương chúng ta niệm, thì khi lâm chung không bao giờ quên. Nếu bạn muốn khi lâm chung mới niệm, để phát sinh tâm lành, khi ấy thật chẳng dễ dàng chút nào, nhưng nếu phát sinh thì thật vô cùng hiệu nghiệm, chỉ cần nhất tâm sám hối thì ngay lúc đó tất cả tội nghiệp đều tiêu trừ.

Tác giả: Hòa thượng Tịnh Không
Việt dịch: Thích Thuận Nghi

Dự Tri Thời Chí – Biết Trước Giờ Chết

Dự Tri Thời Chí - Biết Trước Giờ ChếtNhững người tu theo Pháp Môn Tịnh Độ, cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không lạ gì với 4 chữ trên.

Bốn chữ ấy có nghĩa là: “Biết trước giờ chết”. Chỉ có 4 chữ thôi; nhưng người ta phải chiến đấu với tự thân, phải hành trì miên mật mới có thể đạt đến cảnh giới an nhàn khi hơi thở không còn tự mình làm chủ được nữa.

Đa phần khi sống, chúng ta ít để ý hay quan tâm đến những gì đang hiện hữu bên ta hay trong ta. Ví dụ như hơi thở hay tế bào. đọc tiếp ➝

Về Đâu Khi Giông Bão?

Về Đâu Khi Giông Bão“Về đâu, khi giông bão?” Có ai còn thực sự đứng giữa trời giông bão mà lầm thầm tự hỏi câu này không? Chắc chắn là không rồi.

Mưa, mà đang ở ngoài sân thì sẽ chạy ngay vào nhà, đang ở ngoài đường thì tìm ngay mái hiên, hàng quán nào mà núp. Bão, thì dời ngay tới nơi khác, an toàn.

Với giông bão bên ngoài, không cần phải suy nghĩ, chắc ai cũng nhanh nhẹn, cũng thông minh mà hành động như thế. Nhưng lạ thay, với những cơn bão trong tâm hồn, sao chúng ta lại thường làm ngược lại? nghĩa là, thay vì núp mưa, tránh bão thì lại lao thẳng vào mưa bão cho thân thể tả tơi, bầm dập?

Trong sinh hoạt đời thường, những bất toại ý, những bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm thường đưa tới lộng ngữ; và khi đã mất tự chủ, mất ái ngữ thì cơn cuồng nộ dễ dàng bật lên như giông bão. Rồi khi cơn bão tâm linh bùng lên, chúng ta thường lao vào bão qua những ngọn gió đen của bất đồng, ganh ghét, tỵ hiềm đó. Ta cứ điên cuồng xoáy vào những lời, những việc mà kẻ kia đã làm ta đau khổ, buồn giận. Ta cứ gầm thét với chính ta “Sao lại đối với tôi như thế? Sao lại nói với tôi như thế? Sao lại phỉ báng, khinh khi tôi như thế? Sao lại … Sao lại ….” Thái độ đó chính là bão vừa nổi, ta lập tức lao ngay vào trung tâm cơn bão.

Làm sao mà ta chẳng bị nhận chìm, chẳng tả tơi, bầm dập? Sao ta không tìm nơi trú ẩn cơn bão tâm linh, như vẫn thường nhanh nhẹn và thông minh trốn cơn giông bão của trời đất? “Về đâu, khi giông bão?” chính là câu hỏi cho cơn bão tâm linh.

Kinh nghiệm, sách vở cũng như lời giảng dạy của các bậc minh sư, của thiện hữu tri thức vẫn nhắc nhở, nhưng có lẽ chúng ta chưa thực tập đủ nên khi hữu sự thì cái tâm sân hận lại kéo ta vào ngay cơn bão đang sẵn cuồng nộ, ngả nghiêng, tuy chúng ta đều đã biết, đáng lẽ phải lập tức quay về với hơi thở chánh niệm.

Chỉ chú tâm vào hơi thở, không gì khác nữa. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Hãy theo dõi bước đi của hơi thở để thấy khi ta thở vào, bụng ta phồng lên, khi ta thở ra, bụng ta xẹp xuống. Hãy theo dõi bụng và hơi thở như theo dõi con ếch bên bờ giếng. Ta “nhìn” được hơi thở của con ếch mà ít khi chịu nhìn hơi thở của chính ta. Chỉ hụt mất một vài hơi, liệu ta còn đó để mà giận, mà hờn hay không?

Hơi thở quan trọng như thế nên các bậc thầy thường dùng nó để dẫn dắt chúng ta trở về chánh niệm.

Nhưng Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đã biết, chúng sinh trong cõi ta-bà này vô minh và cường nghạnh lắm. Hoặc không biết cách tránh, hoặc biết mà không tin, cho rằng chỉ làm cho thỏa lòng là đúng nhất. Chính vì thế mà phương pháp tìm nơi trú ẩn khi bão tới, rất đơn giản, nhưng chốn ta-bà càng lúc càng tơi tả cuồng phong.

Riêng kẻ vô minh là tôi, ngoài hơi thở, vừa tìm thêm cho mình một khí giới nữa để đóng tất cả cửa ngõ lục căn khi giông bão ập tới. Đó là, lập tức niệm 4 tiếng “A Di Đà Phật”. Không cần biết phải trái, đúng sai gì, khi thấy cơn buồn giận nổi lên, hãy đóng ngay lục căn bằng tiếng niệm “A Di Đà Phật”.

Tất nhiên, trong khi niệm, ta vẫn đang thở, nhưng tiếng niệm Phật trong lúc cấp bách đó có sức mạnh vũ bão của thanh gươm bén lóe lên, may ra mới kịp chặn đứng giông bão. Khi lục căn đã đóng, gió mưa không thổi tốc được vào nhà, trong khi tiếng niệm Phật còn âm vang, có nghĩa là ta đã vào trú được nơi an toàn. Tiếp tục niệm Phật để mưa tạnh, gió yên, khi ấy, hãy về với hơi thở đã điều hòa để quán chiếu những gì làm ta buồn, ta giận, cũng chưa muộn.

Lúc đó hãy phán đoán phải trái, đúng sai.

Tới đây, ta đã làm chủ được ta, ta đã đẩy xa cơn bão, ta phải biết mỉm cười vì cơn bão hung hãn kia đã không quật ngã được ta. Phải biết mỉm cười với mình trong ý nghĩ “Cơn bão nào rồi cũng qua!”

Với ý nghĩ đó, mọi sự phải trái, đúng sai đều không đáng kể vì mọi sự ấy cũng như cơn bão thôi. Sẽ qua hết, trừ BẢN LAI vì:

“Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai” (*)

Bản chất đích thực của Bản Lai vốn trong suốt, tưởng như chẳng là gì, thì lấy chỗ đâu cho bụi bám?

Vạn pháp quy KHÔNG.

Chỉ một câu niệm Phật đủ đưa ta về an trú trong chánh niệm.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Như-Thị-Am, Đinh Hợi
DIỆU TRÂN

Niệm Phật – Mô Phật Mọi Lúc Mọi Nơi

Niệm Phật - Mô Phật Mọi Lúc Mọi NơiSẽ không ngoa khi nói niệm Phật là câu cửa miệng của người Phật tử Việt Nam. Vì bất cứ nơi nào có bóng dáng Tăng Ni Phật tử và chùa viện thì ở đó tiếng niệm Phật – Mô Phật râm ran. Mà cũng lạ, tiếng niệm Phật của người Việt được vận dụng với nhiều âm điệu, ngữ cảnh và cách biểu cảm khác nhau nên hàm nghĩa vô cùng phong phú và đa dạng. Chính vì thế mà niệm Phật – Mô Phật trở nên thiết thân, ứng khẩu, mọi lúc mọi nơi.

Khởi nguyên và cốt tủy của Phật giáo Việt Nam là thiền, song tu thiền tịnh là khuynh hướng tu học về sau đọc tiếp ➝

Giải Pháp Giúp Niệm Phật Lúc Ngủ

Giải Pháp Giúp Niệm Phật Lúc NgủSư hỏi vị tăng Hải Châu: “Niệm Phật có thường gián đoạn chăng?”

Tăng đáp: “Hễ nhắm mắt ngủ liền quên mất”.

Sư nghiêm mặt, quở:

Nếu nhắm mắt liền quên thì niệm Phật như vậy dù có niệm một vạn năm cũng vô ích! Từ nay trở đi, ông cần phải trong lúc ngủ cũng niệm Phật chẳng gián đoạn thì mới có phần thoát khổ nổi! đọc tiếp ➝